Phụ nữ VN lấy chồng Hàn Quốc không ngừng gia tăng
Friday, May 05, 2006

Tấm hình này đăng trên tờ Chosun khiến các báo ở Việt Nam “nổi giận.”

Các cô gái Việt Nam đang được dạy làm món kim chi tại một trung tâm hỗ trợ hôn nhân ở Sài Gòn

Một cô gái Việt Nam chọn áo cô dâu trước ngày cưới với chú rể Hàn Quốc
SÀI GÒN 5-5 - “Cứ 64 phụ nữ lấy chồng người ngoại quốc thì có tới 60 người đi làm dâu ở xứ Nam Hàn.” VietNamNet trích dẫn số liệu của Trung tâm hỗ trợ hôn nhân thành phố Sài Gòn cho biết như vậy.
VietNamNet dẫn nguồn tin từ Trung tâm hỗ trợ kết hôn (thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Sài Gòn) cho biết, tình trạng phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc thời gian qua có dấu hiệu tăng đột biến. Kết quả khảo sát 64 trường hợp được Trung tâm hỗ trợ kết hôn thành có tới 60 trường hợp lập gia đình với người Hàn Quốc, 4 trường hợp còn lại kết hôn với người Ðài Loan. Ðó là chưa kể hàng trăm trường hợp khác đến xin tư vấn, tỷ lệ “kết bạn” với người Hàn Quốc cũng chiếm tỷ lệ trên 90%.
Cũng theo Trung tâm hỗ trợ kết hôn, các cô gái Việt lấy chồng Hàn Quốc, ngoài mục đích kinh tế, đôi khi chỉ vì “phong trào”: Chẳng hạn như thấy hàng xóm có người đi lấy chồng Hàn Quốc nên cũng theo sau, có trường hợp thổ lộ là xem phim Hàn Quốc thấy tình cảm gia đình, tình yêu lãng mạn trên phim gần gũi với người Việt Nam nên thấy “quý” người Hàn Quốc; một số đi xuất khẩu lao động trở về có nhận xét so sánh đời sống giữa Việt Nam và Hàn Quốc...
Cũng liên quan tới “cơn sốt” lấy chồng Hàn Quốc, theo Sở Tư pháp Sài Gòn cho biết, mặc dù việc môi giới kết hôn với người nước ngoài bị nhà nước cấm (theo chỉ thị 03/CP của Thủ tướng Chính Phủ) nhưng hoạt động môi giới hôn nhân “ngầm” vẫn lén lút hoạt động với thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp hơn trước.
Lợi dụng “khe hở” của luật, các tổ chức môi giới hôn nhân “tư vấn” cho chú rể Hàn Quốc chuyển thẳng hồ sơ cô dâu Việt sang Hàn Quốc để đăng ký kết hôn buộc phía Việt Nam phải xác nhận, thay vì phải trải qua khâu phỏng vấn để xác định hôn nhân tự nguyện. (Bắt buộc phải làm tại các Sở Tư Pháp Việt Nam).
“Khe hở” này cũng là nguyên nhân khiến tình trạng hôn nhân với người Hàn Quốc gia tăng đột biến. Mặt khác, trong khi ở Việt Nam đã cấm dịch vụ môi giới kết hôn, thì ở một số nước (trong đó có Hàn Quốc) vẫn cho làm việc này.
Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, chỉ trong vòng năm năm, tỉ lệ kết hôn với người nước ngoài của Hàn Quốc tăng lên ba lần, trong đó tỉ lệ lấy vợ VN lên đến 43 lần, năm 2001 là 134 người, đến năm 2005 là 5,822 người. Con số này chiếm 1/5 tổng số người Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài, đứng thứ hai sau Trung Quốc (18,527 người).
Nhưng hầu hết phụ nữ Trung Quốc này có gốc là người Hàn. Như vậy, chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số người nước ngoài mà đàn ông Hàn Quốc kết hôn là phụ nữ VN. Người ta hay cho rằng lý do chủ yếu mà đàn ông Hàn Quốc thích lấy vợ VN chính là vì họ “dễ vâng lời và phục tùng” và “vì sự tương đồng về dung mạo nên khi sinh con sẽ không khác gì lắm với người Hàn Quốc.”
Hiện nay ở HQ, trên bất kỳ nhật báo nào cũng dễ dàng tìm thấy những lời quảng cáo như: “Cô dâu VN đã sẵn sàng, chỉ cần có ý định (của bạn),” “Người già, người muốn tái hôn, người đã có con, người khuyết tật đều có thể lấy trinh nữ VN xinh đẹp.” Những quảng cáo này còn liệt kê chi tiết về ưu điểm của con gái VN là: “xuất giá tòng phu,” “tôn trọng người già, thờ cúng tổ tiên đến bốn đời,” “dáng người đẹp nhất trên thế giới,” “giữ gìn trinh tiết và chung thủy với chồng,” “khác với phụ nữ Trung Quốc và Philippines, phụ nữ VN có mùi cơ thể dễ chịu,” “vì đàn ông VN lười biếng nên ở nông thôn đi đâu cũng chỉ thấy phụ nữ làm việc, do vậy phụ nữ VN rất siêng năng, cần cù, không sợ lao động nặng nề ở vùng nông thôn Hàn Quốc.” Thậm chí người ta còn thấy lan tràn khắp nơi những biểu ngữ, apphich, poster, băng rôn, tờ rơi... kêu gọi kết hôn phụ nữ VN với lời lẽ mang tính sỉ nhục nặng nề hơn: “Sống thử sáu tháng, không bằng lòng thì đổi đi,” “giữ nhà tốt,” “(phụ nữ) VN không bao giờ chạy trốn.”
Thời gian vừa qua, dư luận tại Việt Nam bàn tán rất nhiều về chuyện các báo tại Việt Nam đồng loạt đưa tin về việc tờ báo Chosun của Hàn Quốc hôm 21 Tháng Tư có một bài phóng sự của ký giả Che Sung Woo viết về một cảnh chọn vợ của các chú rể Hàn Quốc tại Việt Nam. Bài báo có tựa đề “Các trinh nữ VN đến Korea - đất nước của hy vọng.” Trong đó đăng bức ảnh các cô gái Việt Nam đang ngồi xếp hàng để một ông Hàn Quốc chọn vợ.
Các báo tại Việt Nam đã phản ứng bằng cách cho rằng, bài phóng sự này là nhục mạ cô dâu VN. Ðích thân bà Hà Thị Khiết, chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã lên tiếng đòi tờ Chosun phải xin lỗi. Sự việc căng thẳng tới mức, ông Ahn Tae Sung, đại sứ quán Hàn Quốc đã phải mở lời xin lỗi nhân dân Việt Nam. Nhiều tờ báo ở Hàn Quốc loan tin, các báo của Việt Nam đang có phong trào chống Hàn, đến nỗi tổng biên tập của tờ Tuổi Trẻ phải lên tiếng đính chính. Tuy nhiên, không phải tờ báo nào ở Việt Nam cũng lớn tiếng chỉ trích tờ Chosun và đòi tờ báo này xin lỗi. Tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, hôm 4 Tháng 5 đã đăng bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Ðiện tựa đề “Nỗi đau từ những lời xin lỗi” trong đó có đoạn:
“Suy cho cùng, cho dù tác giả bài báo và Ban Biên tập báo Chosun có vô cảm trước những cuộc gả bán cô dâu Việt Nam, thì danh hiệu “người vô cảm đầu tiên” không thuộc về họ.
Bởi vậy, nếu cứ buộc người ta phải xin lỗi vì đã nói sự thật, chúng ta sẽ tiếp tục tự đánh lừa mình khi không chọn nhìn thẳng vào sự thật. Ðiều đáng nói là dù sao người Hàn Quốc cũng đã chính thức lên tiếng xin lỗi phụ nữ Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Không loại trừ khả năng họ xin lỗi chỉ theo phép lịch sự hoặc vì lý do ngoại giao; khi đó, lời xin lỗi chẳng khác một lời an ủi xuất phát từ lòng thương hại. Nhưng cũng có thể họ thực lòng xin lỗi; mà nếu đúng là họ đã xin lỗi một cách chân thành, thì bằng cách đó, họ và dân tộc họ tiếp tục hoàn thiện phẩm chất của mình.
Còn chúng ta, trong vụ này, chúng ta nợ đến hai lời xin lỗi. Ðáng lý ra, trước khi đi đòi nợ những người Hàn Quốc, chúng ta phải trả cho xong nợ của mình. Chúng ta phải xin lỗi đồng bào của mình, vì đã để cho một bộ phận phụ nữ, do cuộc sống quá khó khăn và không được hưởng sự giáo dục tốt, đã thực hiện những hành động làm hoen ố hình ảnh phụ nữ Việt Nam. Và chúng ta cũng phải thắp một nén hương tạ lỗi với tiền nhân vì đã chưa làm tròn nhiệm vụ bảo vệ danh dự, phẩm giá của giống nòi.”
nguoiviet online