Vũ Khanh hát hay quá chị Ngô Đồng à..., đây em có chút tiểu sử về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, cho em theo sau bài của chị để cùng tưởng niệm nhà thơ nha chị...
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền qua đời
Nhà thơ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền, tên thật là Dzư văn Tâm, vừa qua đời lúc 11 giờ 30 ngày 22/3/2006 tại thành phố St Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, nơi ông cư ngụ, hưởng thọ 70 tuổi.
Ông sinh ngày 13/3/1936, tại Vinh, Nghệ An. Từ 16 tuổi đã đi dạy học tại Hà Đông, viết truyện đăng trên báo Thanh Niên tại Hà Nội. Từ 1954 ông hoạt động trong Tổng Hội Sinh viên Hà Nội, chủ trương nguyệt san Lửa Việt, rồi vào Nam. Tại Sài Gòn, ông làm cho các báo Dân Chủ, Người Việt và tham gia ban biên tập tạp chí Sáng Tạo (1956-1960) do Mai Thảo đứng tên, có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam suốt một thập niên.
Ông bị động viên, 1962, hoạt động trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, công tác huấn luyện văn hóa, cấp bực cuối cùng là đại úy. Từ 1975 bị đi học tập nhiều năm tại nhiều trại cải tạo Miền Bắc. Sau đó sang định cư tại Hoa Kỳ.
Đã xuất bản khoảng mười tác phẩm. Ba tập thơ : Tôi không còn cô độc (1956), Liên - Đêm - Mặt trời tìm thấy (1964, Sài Gòn), Thơ ở đâu xa (1990, Mỹ). Ba truyện : Bếp Lửa (1957) ; Khuôn Mặt (1964), Dọc đường (1967). Ba tiểu thuyết : Cát lầy (1966), Mù Khơi (1970), Tiếng động (1970). Một vở kịch ngắn : Ba Chị Em (1965). Một phiếm luận Tạp Ghi (1970). Ông còn nhiều tác phẩm chưa xuất bản, ví dụ như tiểu thuyết Ung Thư đăng nhiều kỳ trên báo Văn, Sài Gòn.
*
Thanh Tâm Tuyền là một tác gia chính yếu đã làm mới nền văn học Miền Nam, trước 1975, và tạo nên một khúc quành cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ 20.
Thanh Tâm Tuyền đã làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam.
Ông cũng làm mới câu văn xuôi, cách kể chuyện bắt đầu từ truyện Bếp Lửa.
Ông du nhập nghệ thuật phương Tây bằng cách đọc trực tiếp, không kinh qua trường học Pháp thuộc như các nhà văn nhà thơ lúc trước. Ảnh hưởng phương tây do đó có tính cách trực tiếp tự do và sáng tạo.
Ông có khả năng thiết lập quan hệ hữu cơ và mật thiết giữa các bộ môn văn học và nghệ thuật : Thơ, Văn, Nhạc, Họa, như ở các nước phương Tây.
*
Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc.
Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật.
Thanh Tâm Tuyền là người sâu sắc, uyên bác, tài hoa, nghiêm túc, tư cách và tiết tháo.
Ông là một gương mẫu của trí thức giữa một thời đại nghiệt ngã, đầy những biến động tàn nhẫn.
Đặng Tiến
Orleans, ngày 24 tháng 3/2006