Luật Khánh Tận Mới – Thủ Tục Và Điều Kiện Xóa Nợ
Sunday, February 26, 2006
Luật Sư LyLy Nguyễn
Xóa nợ công khai một cách hợp pháp được luật pháp Hoa Kỳ gọi bằng một mỹ từ là “giải” nợ (liquidation). Khi một người sinh sống trên đất Mỹ vì nợ nần quá nhiều tới mức không trả nổi mà còn bị khổ sở vì chủ nợ săn đuổi thì có thể nộp đơn khai phá sản xin tòa án giải cứu.
Khai phá sản xin xóa nợ được thi hành theo chương số 7 của bộ Luật Khánh Tận Liên Bang Hoa Kỳ (Chapter 7 of The United States Bankruptcy Code). Nói chung, theo nguyên tắc căn bản của chương 7, tòa cho bán tài sản của đương đơn để trả cho các chủ nợ, trả được bao nhiêu thì trả, phần còn lại sẽ xóa vĩnh viễn. Người khai được “giải thoát” khỏi hầu hết nợ nần và có cơ hội làm lại cuộc đời kể từ bước đầu.
Chương 7 là một phép mầu cứu giúp kẻ nợ ngập đầu, tuy nhiên không phải ai cũng hưởng được ân huệ của chương này. Thí dụ những người đã từng khai phá sản trong vòng tám năm trước, hoặc mức lợi tức kiếm được sau khi trừ đi chi phí nhiều hơn tiêu chuẩn pháp định. Tuy nhiên nếu không đủ điều kiện xin giải nợ theo chương 7 thì ai cũng có thể khai theo chương 13 xin trả nợ dần với điều kiện chưa từng khai chương này trong vòng sáu năm trở lại.
Muốn xin khai phá sản theo chương 7, đương sự cần nộp đơn xin có một số mẫu đính kèm rồi đệ nạp tại tòa khánh tận trong vùng cư trú. Thông thường các mẫu này đòi hỏi đương sự phải khai rõ ràng chi tiết về toàn bộ tài sản đang sở hữu, các lợi tức hiện tại, chi phí sinh sống hàng tháng, mọi khoản nợ nần, các đổ đạc xin miễn trừ (exempt) khỏi bị phát mãi. Không những thế còn phải liệt kê các giao dịch tiền bạc từ hai năm trước kể cả mọi của cải bán và cho đi trong vòng hai năm. Riêng về tài sản miễn trừ nhiều tiểu bang cho phép đương đơn được giữ một phần vốn liếng (equity) trong ngôi nhà đang ở, quần áo, đồ đạc nội thất, tiền trợ cấp an sinh xã hội chưa xài đến, cùng những đồ vật cần thiết cho đời sống thí dụ như xe cộ đã trả dứt nợ và các dụng cụ hành nghề kiếm sống.
Theo luật khánh tận mới, điều quan trọng nhất là phải nộp một giấy chứng nhận hoàn tất một buổi tham khảo về tín dụng (credit counseling) do một cơ sở được một ủy ban có tên “United States Trustee Program” trực thuộc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ chuẩn y. Muốn tìm văn phòng của các cơ sở này tại địa phương thì có thể vào trang webside
www.usdoj.gov/ust và chọn đề mục “Credit Counseling and Debtor Education”. Trường hợp người khai gặp tình trạng khẩn cấp, thí dụ như sắp bị tịch biên nhà đất, xe cộ trong vòng vài ngày tới thì có thể ủy nhiệm luật sư nộp trước đơn xin phá sản rồi bổ túc hồ sơ còn lại trong vòng 15 ngày sau đó.
Luật khánh tận có cây đũa thần ban phép tiên cứu tức thời kẻ đang khốn đốn vì nợ, đó là điều luật “tự động đình chỉ” (automatic stay). Khi nộp đơn xin phá sản luật này có hiệu lực cấm chỉ tức khắc mọi nỗ lực hay hành động đòi nợ hay quấy phá của chủ nợ. Vì vậy ít ra tạm thời chủ nợ không được phép chận lương, tịch biên trương mục ngân hàng, câu xe hay đuổi nhà cũng như truất hữu các đồ đạc khác hoặc cắt điện nước và các nhu cầu tiện nghi hay ngăn tiền trợ cấp xã hội của người nợ. Tuy nhiên cũng có một số điều khoản mà luật “tự động đình chỉ” bị hạn chế không ngăn ngừa được.
Khi đệ đơn xin phá sản trên nguyên tắc người nợ đem trọn vẹn tài sản của mình đang làm chủ cùng với tất cả mọi nợ nần vướng mắc giao cho tòa án. Lúc này đương sự không thể bán hay cho đi bất cứ đồ vật nào hoặc trả dứt các nợ trước khi nộp đơn mà không có sự đồng ý của tòa. Cũng có ngoại lệ cho phép người ấy có thể an bài theo ý mình vài món đồ mua sắm sau ngày nộp đơn.
Tòa khánh tận chỉ định một nhân vật có danh xưng là “tín viên khánh tận” (bankruptcy trustee) lãnh trách nhiệm kiểm soát tài sản của người nợ. Nhiệm vụ chính yếu của “tín viên” là thay các chủ nợ giám sát tài sản kê khai để thu hồi tối đa số nợ. Dĩ nhiên truy thu được càng nhiều bao nhiêu thì tín viên được nhiều thù lao bấy nhiêu. Do đó “tín viên” thường tích cực kiểm tra hồ sơ liệt kê tài sản đính kèm để moi ra các món đồ không miễn trừ mà phát mãi lấy tiền chia cho chủ nợ. Nhưng trên thực phần đông các vụ phá sản theo chương 7 “tín viên” ít khi tìm ra được món gì quý giá vì người nợ đang sa vào cảnh khốn đốn.
Khoảng một vài tuần lễ sau khi nộp đơn, tòa án gửi thư thông báo cho đương sự cùng tất cả các chủ nợ liệt kê đến dự một buổi họp gọi là “họp chủ nợ” (the creditor meeting) với lịch trình được tòa ấn định và do “tín viên khánh tận” chủ tọa. Trong buổi này người khai sẽ được gọi lên tuyên thệ và trả lời tín viên các câu hỏi liên quan đến lời khai trong đơn. Thông thường “tín viên” hỏi đương sự xem lời khai có thực sự đúng 100% hay không. Chủ nợ thường ít khi tham dự buổi họp này, nhưng nếu họ có dự thì thường hỏi gặn địa điểm cất giữ những đồ thế chấp hoặc kiểm chứng lời khai trước đây khi xin vay nợ. Buổi họp này thường diễn ra tại tòa án và chỉ kéo dài độ một hoặc hai phút và đối với phần lớn các vụ khai phá sản theo chương 7 đây là lần ra tòa duy nhất của người nợ.
Sau buổi họp trên nếu “tín viên” nhận thấy chỉ có ít đồ vật không miễn trừ thì thường yêu cầu đương sự đem nộp hoặc trả bằng tiền trị giá tương đương. Nếu những món này không có giá trị hoặc khó bán, thí dụ máy móc cũ lỗi thời, thì “tín viên” có thể bỏ qua (abandon) món đó, có nghĩa là người nợ có quyền giữ lại.
Mỗi tiểu bang đều có luật riêng xác định từng món tài sản miễn trừ và ấn định trị giá giới hạn là bao nhiêu. Ðối với tài sản này thì “tín viên” và chủ nợ không có quyền đụng đến. Nhiều nơi cho đặc miễn những vật dụng trợ giúp sức khỏe và những máy móc có tính cách cá nhân như máy điếc, máy sấy, y phục, bàn ghế giường tủ,... bất kể đáng giá bao nhiêu. Ngoài ra những vật dụng khác được ấn định giới hạn, thí dụ như ở vài nơi cho xe cộ và đồ đạc trang bị nội thất được miễn đến đến cả ngàn Mỹ kim. Riêng vật dụng có trị giá thị trường trên giới hạn thì không còn kể là miễn trừ nữa mà phải đem thanh toán. Thông thường những món sau đây được miễn trừ:
- Vốn liếng có trong xe cộ (giá thị trường trừ đi tiền còn nợ).
- Quần áo cần thiết có giá trị vừa phải (không kể y phục loại đắt tiền như áo lông chẳng hạn).
- Ðồ vật, máy móc gia dụng và bàn ghế giường tủ cần thiết có giá trị hợp lý.
- Nữ trang có giới hạn vài trăm Mỹ kim.
- Vật dụng có tính cách cá nhân.
- Bảo hiểm nhân thọ.
- Một phần vốn liếng trong ngôi nhà theo hạn chế tiểu bang ấn định.
- Tiền hưu trí.
- Tiền trợ cấp xã hội.
- Các dụng cụ dùng cho nghề nghiệp hay thương mại có trị giá giới hạn.
- Lương bổng đã kiếm được nhưng chưa thu hoạch.
Sau khi kết toán phần nhiều các tài sản của người khai theo chương 7 hoặc được miễn trừ hoặc chẳng có giá trị gì để phát mãi lấy tiền trả chủ nợ. Do đó trên thực tế có rất ít người phá sản bị mất hết của cải ngoại trừ những món nợ có thế chấp như nhà và xe còn mới.
Những người có nợ thế chấp (secured debt) là nợ lấy món tài sản đó bảo đảm khi mua, thông dụng nhất là nợ nhà hay nợ xe. Nếu trả trễ hạn kỳ thì chủ nợ có quyền xin tòa án bãi bỏ quyền “tự động đình chỉ” để tịch thu nhà hoặc câu xe đi. Tuy nhiên nếu người nợ trả đúng hạn thì đương sự vẫn có thể giữ nhà hoặc xe với điều kiện tiếp tục trả hàng tháng đều đặn như thường lệ. Trường hợp chủ nợ xin được giấy tòa “buộc” (lien) vào món tài sản đó mà không cần có sự đồng ý của khổ chủ thì nợ đó cũng kể như có thế chấp nhưng theo chương 7 có thể xóa được nợ “buộc”.
Những loại nợ sau đây không xóa được theo chương 7:
- Nợ ưu tiên thí dụ như tiền cấp dưỡng cho con và vợ cũ, nợ thuế, và nợ tiền vay đi học (student loan).
- Nợ bị chủ nợ khiếu nại với lý do gian dối, lừa đảo hay cưỡng bách vay tiền.
Theo luật khánh tận mới đương sự phải tham dự một khóa học về quản trị điều hành tài chánh cá nhân (personal financial management) do một cơ sở hay trường có chuẩn y trước khi được tòa cho giải nợ. Sau khi hoàn tất thụ huấn đương sự phải nộp chứng chỉ cho tòa án để được tòa án cấp án lệnh cho “giải nợ” (bankruptcy discharge order), các món nợ liệt kê trong án tòa được hoàn toàn xóa sạch từ đó kể không còn nợ nần gì nữa. Người được xóa nợ có thể làm lại cuộc đời mà không bị tòa án giám thị, ngoại trừ phải báo cáo cho tòa án trường hợp được chia gia tài, nhận tiền bảo hiểm nhân thọ, hoặc nhận tiền chia do ly dị trong vòng 180 ngày kể từ lúc bắt đầu nộp đơn xin phá sản.
Tuy có cơ hội khởi sự cuộc sống bình thường nhưng người ấy cũng phải trả một giá, chỉ được giao dịch mua bán bằng tiền mặt vì hồ sơ tín dụng (credit file) cá nhân bị ghi xấu trong vòng mười năm và cũng không được khai phá sản theo chương 7 nữa trong vòng tám năm.
Kỳ tới chúng tôi trình bày chi tiết và khác biệt trong thủ tục khai phá sản theo chương 13. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.
Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 16480 Harbor Blvd, Suite 101, Fountain Valley, CA-92708, Ðiện thoại: (714) 531-7080 - Fax: (714) 531-7082.
nguồn: nguoiviet online