Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 1,394 Points: 39 Thanks: 2 times Was thanked: 3 time(s) in 3 post(s)
|
Bài này lượm chỗ khác đem về dán đây cho những ai muốn đọc và hiểu sơ sơ phim này nói gì.
Theo quan điểm về Ngũ hành của người Trung Quốc, người ta giải thích tính chất của bốn mùa như sau: - Mùa xuân thuộc Mộc, có màu xanh và tương ứng với buổi sáng. - Mùa hạ thuộc Hỏa, có màu đỏ và tương ứng với buổi trưa. - Mùa thu thuộc Kim, có màu trắng và tương ứng với buổi chiều. - Mùa đông thuộc Thủy, có màu đen và tương ứng với buổi tối.
Dựa trên những quan điểm đó thì nó cũng tương ứng với vòng đời của một con người!
Spring:
Mùa xuân là mùa của sự sống, của sự sinh sôi nảy nở. Là mùa của hoa cỏ, của cây đâm chồi nảy lộc. Có một hài tử mũm mĩm sống với một nhà sư trong một cái am nhỏ ở giữa một hồ nước lớn. Hài tử vô tư chơi đùa cùng chú chó nhỏ, tung tăng bắt bướm và ngày ngày đi hái cây cỏ về cho sư phụ làm thuốc. Một hôm hài tử nghĩ ra được một trò chơi thật vui, hài tử bắt một chú cá nhỏ dưới suối, lấy dây cột con cá vào một hòn đá rồi thả trở lại dưới nước. Hài tử vô cùng thích thú với trò chơi này và tiếp tục bắt con ếch, rồi con rắn làm y như thế! Nhìn chúng vùng vẫy và di chuyển một cách khó khăn, hài tử thích chí cười vang!
Nhà sư nhìn thấy tất cả, ông nhân lúc đứa bé ngủ say rồi lấy dây cột một tảng đá vào lưng đứa bé. Khi đứa bé thức dậy, nó nhìn thấy hòn đá và cảm thấy nặng nề vô cùng, nó yêu cầu sư phụ giải thoát cho nó nhưng nhà sư bảo nó hãy mang hòn đá đó trên lưng để đi tìm và giải thoát cho những con vật bị nó cột đá. Đứa bé đi tìm và chỉ cứu được con ếch, nhìn con cá và con rắn chết, đứa bé òa khóc! Nó khóc vì tội nghiệp những con vật đó, vì hiểu được nỗi khổ khi đeo đá trên lưng hơn là khóc vì ý thức được tội ác của mình!
Cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người từ lúc sinh ra cho đến giai đoạn bé thơ giống như một tờ giấy trắng. Nhưng mặc khác cũng có câu: “Con người sinh ra vốn ác!”, hài tử không cố ý làm thế, hài tử chỉ biết điều đó tạo ra niềm vui sướng trong lòng chứ không ý thức được đó là tội ác, là phạm vào tội sát sinh của nhà Phật. Cho nên, có thể nói con người về mặt cơ bản ở giai đoạn còn bé chưa có ý thức thì bản chất luôn tốt đẹp nhưng có đôi khi vì niềm vui hay ý thích của mình có thể vô tình tạo ra cái gọi là “vốn ác”!
Và trò chơi mà đứa bé chơi với hình ảnh mang đá trên lưng phải chăng là một sự báo hiệu về gánh nặng, về nghiệp chướng mà đứa bé phải mang sau này!
Tôi còn nhớ lúc bé, có một người mù hay đi ngang nhà tôi. Mỗi lần thấy ông ấy từ đàng xa là tôi vô cùng mừng rỡ, chạy vào nhà vác ra một mớ ghế dàn thành hàng ngang với hy vọng là có thể ngáng chân ông ấy. Nhưng lần nào tôi cũng thất vọng vì ông ấy có đôi tai rất thính, ông ấy cười và tỏ vẻ không chấp nhặt với một đứa bé con như tôi, còn tôi thì lại thấy ấm ức vì không lần nào làm ông ấy ngã được! Giờ đây mỗi khi nhớ lại chuyện đó, tôi cũng không hề cảm thấy ăn năn, ray rứt mà chỉ xem đó như là một trò đùa của trẻ con! Không biết tôi có được coi là “vốn ác” không nhỉ?
Summer:
Mùa hạ là mùa oi bức, là mùa nóng nực nhất trong năm. Và đứa bé đã trưởng thành thành một thanh niên, cũng hừng hực lửa, cũng sẳn sàng và dễ bị bốc cháy bởi bản năng. Một điều không thể phủ nhận là những người trong giới thiền môn cũng xác nhận trong ba điều cấm của nhà Phật là: Sát sinh, trộm cắp và tà dâm thì điều thứ ba là khó giữ nhất vì nó thuộc về bản năng của con người, còn hai điều kia thuộc về ý thức.
Hình ảnh cái am nhỏ ở giữa một hồ nước lớn có một ý nghĩa nhất định. Thông thường ở một số ngôi chùa, người ta thường cho xây phía trước là một cái hồ nhỏ gọi là hồ Tịnh Tâm. Để cho các Phật tử cũng như khách thập phương mỗi khi nhìn vào mặt hồ tĩnh lặng, sẽ nhìn thấy chính mình trong đó, để tâm được an và tĩnh, đó cũng là một cách thiền! Nhưng cái hồ trong phim thì lại quá lớn cũng như sự tĩnh lặng quá lớn và cuộc đời chàng thanh niên sống trong sự tĩnh lặng đó quá lâu, từ bé cho đến trưởng thành. Chàng giống như cái hồ đó, chỉ phẳng lặng ở bề mặt nhưng ai biết dưới đáy hồ có sóng dữ và đá ngầm! Chàng đã phạm vào luật cấm thứ ba của Phật khi có một cô gái đến ở tạm trong am để chữa bệnh.
Điểm đặc biệt trong phim là trong phòng của nhà sư có một cánh cửa hay nói đúng hơn nó là một vách ngăn nhỏ từ chổ ngủ đến bàn thờ Phật. Cánh cửa đó là không cần thiết vì thật ra có thể đi lại khắp phòng mà không cần đi qua nó nhưng nhà sư vẫn mở cửa và đi lại hàng ngày. Phải chăng cánh cửa đó là ý thức, là sự tự giác, là lý trí, là nguyên tắc của một con người để rồi đêm đêm chàng thanh niên len lén bò qua mình nhà sư mà không đi qua cánh cửa đó để mò sang chổ cô gái kia...!
Fall:
Mùa thu là mùa của sắc lá vàng đỏ, của sự tĩnh mịch và u buồn. Chàng thanh niên giờ đây đã là một người đàn ông trưởng thành nhưng đau khổ. Chàng đã rời bỏ sư phụ để đi theo cô gái kia, cuối cùng vì hờn ghen mà giết chết cô gái đó. Chàng mang con dao dính máu đó trở về gặp sư phụ mình. Đây là giai đoạn mà con người phải gánh vác những việc mình đã làm, có thể chìm trong nỗi đau hay là hạnh phúc còn tùy vào "mùa hạ" mình đã làm gì! Là giai đoạn mà con người đã chín chắn, đã biết thật sự suy nghĩ!
Chàng đau khổ, chàng vật vã, chàng tìm đủ cách để thoát khỏi sự đau khổ! Chàng dùng giấy để dán kín mắt mũi miệng và tai của mình để không nghe, không thấy và không biết nỗi khổ đó nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với hủy diệt bản thân. Chàng dùng con dao dính máu cắt tóc của mình như là muốn cắt bỏ đi sự đau khổ nhưng tất cả đều vô dụng!
Giáo lý cơ bản của phật là "Từ, bi, hỉ, xả" cũng như cửa chùa luôn rộng mở đối với con người, sẵn sàng tha thứ cũng như giúp con người vượt qua đau khổ! Và nhà sư đã giúp chàng "Diệt khổ", bắt chàng thực hiện ba điều gọi là: "Giới", "Định", "Tuệ". Nhà sư dùng đuôi con mèo nhúng vào mực và viết ra rất nhiều chữ dưới sàn gỗ, ông bắt chàng dùng con dao giết người để gọt đẽo cho những chữ đó in sâu vào sàn nhà. Bắt chàng đem yêu và hận cũng như thất tình lục dục trút vào con dao, tạo thành sức lực để khắc những con chữ, đó là "Giới". Quá trình làm việc phải tập trung, không suy nghĩ và để ý đến những việc xung quanh, đó là "Định". Từ đó tâm sẽ tĩnh lặng, sáng suốt và bình thản hơn, đó là "Tuệ".
Nếu như nhà sư đã dạy cho chàng biết thế nào là chữ "Nhẫn" và chữ "Tịnh" thì cũng giúp cho hai người cảnh sát biết thế nào là "Nhân" và "Ái" khi người cảnh sát thấy chàng ngủ gục, đã nhặt lấy con dao khắc giúp chàng cũng như khoác chiếc áo ấm lên người chàng!
Winter:
Mùa đông là mùa lạnh lẽo, nước và mọi vật dường như đông cứng, sự sống nếu không ngủ yên thì cũng co quắp lại. Đây là giai đoạn cuối của một đời người, người ta cảm nhận được sự già cỗi và héo tàn của mình. Người ta bắt đầu cố gắng tranh thủ làm những việc mà bản thân cho là có ý nghĩa nhất!
Người đàn ông đó trở về. Ông ta thu nhặt một ít tro cốt còn sót lại của sư phụ, ông ta đẽo khối băng thành một tượng Phật...
Cuộc sống là một vòng tuần hoàn và luân chuyển theo một chu kỳ nhất định, có sinh để rồi có diệt, diệt để mở đường cho sinh. Có một người phụ nữ mang một đứa bé đến chùa để rồi ông ta lại nuôi dưỡng và nhận đứa bé đó làm đệ tử. Người phụ nữ đó vội vã bỏ đi trong đêm tối và chết vì tai nạn. Nếu như trò chơi ở tuổi ấu thơ của ông là một sự cố ý (thỏa mãn niềm vui) trong vô tình (không ý thức) thì cái chết của người phụ nữ cũng là do ông vô tình trong cố ý (ông ta đập vỡ mảng băng trên mặt hồ để tạo thành hố nước dùng trong sinh hoạt, vô tình làm người phụ nữ trong đêm tối sa chân vào hố nước đó).
Và đứa bé con của người phụ nữ đó lại tung tăng chạy ra bờ suối. Xem đến đoạn này tôi lại thấy hồi hộp, sợ đứa bé sẽ chơi lại trò chơi giống như sư phụ của nó năm xưa. Thật không ngờ, lần này thằng bé còn chơi ác hơn nữa, nó cạy miệng những con vật đáng thương đó và nhét đá vào. Nhìn con cá chết lờ đờ dưới nước, con ếch ngửa bụng trắng hếu và tiếng cười khoái chí của thằng bé, tôi rùng mình nghĩ đến tương lai của nó! Nếu như sư phụ của nó chỉ mang nghiệp chướng trên lưng thì nó lại mang ở trong lòng, xem ra "tâm ma" của thằng bé còn nặng hơn của sư phụ nó!
Một bộ phim mang nặng triết lý về đạo và đời! Hình ảnh hai cánh cửa có hai vị thần thiện và ác mở ra khi bắt đầu một mùa, rồi mới đến cái am nhỏ phải chăng là muốn nói: Cho dù ở bất cứ nơi đâu, thậm chí là chốn tu hành thì cái thiện và cái ác vẫn luôn hiện diện, chúng tồn tại và tranh đấu lẫn nhau!
|