Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
BÍCH THUẬN “HỘI-NGỘ” VỚI THÍNH-GIẢ VÙNG HOA-ĐÔ - Tâm Việt -
Sau mười mấy năm không có dịp về Hoa-thịnh-đốn, phần lớn do đi trình diễn ở Âu-châu và mở lớp giảng dạy hàng năm về ca vũ kịch-nghệ cổ-truyền ở miền Tây Hoa-kỳ, nữ-nghệ-sĩ Bích Thuận đã xuất hiện hôm 29 tháng 11 ở sân khấu Trường Luật George Mason University (Arlington, Virginia) trong sự tán thưởng của nhiều thế-hệ hâm mộ cô. Sau khi xem hơn hai tiếng đồng-hồ trình diễn đủ các mặt của ca vũ kịch-nghệ cổ-truyền của Việt Nam, một khán-giả trung-niên đã bình-phẩm: “Itõs a star performance,” Đúng là một buổi trình diễn hàng đầu, thượng thặng.
Gần như không có ai ra về trong suốt buổi chiều hôm đó. Nhiều người, nhất là các cụ cao-niên, một vài vị đã được biết Bích Thuận từ trên 50 năm, từ những ngày cô còn là một nghệ-sĩ tí hon ở trong Nhật Tân Ban, trước cả Đệ nhị Thế-chiến. Không ai ngờ nổi là giờ đây, Bích Thuận dù ở tuổi 73 mà vẫn đẹp, sôi nổi, tiếng hát vẫn trong như ngày nào.
Ra hồi-ký
Lần trước Bích Thuận đến thủ-đô Hoa-kỳ cũng cách đây cả mười mấy năm, lần đó cô về trình diễn chung với Hùng Cường. Lần này, động-cơ chính của cô là để ra mắt đồng-bào nhân dịp Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa-kỳ in ra hồi-ký Bích Thuận: Từ Làng Vân Hồ đến UNESCO của cô. “Đằng nào chị cũng về ra mắt sách,” cô nói với người chủ-trương Tổ Hợp, nữ-sĩ Trương Anh Thụy. “Chi bằng gặp lại bà con, chị biểu diễn luôn gọi là hội-ngộ.”
Chính vì thế mà sinh-hoạt được gọi là “Hội Ngộ Bích Thuận” trong đó Bích Thuận đóng vai chính dù như có được thêm sự tiếp tay phụ-diễn của một người học trò cưng của cô, nữ-nghệ-sĩ Phương Thư từ San Jose qua, và những màn trình diễn xen kẽ của Đoàn Cải Lương Thủ Đô với những màn hài như của Nguyên Hùng kể lại đời mình, trích-đoạn “Bến Đò Cuối Thu” Bảo Linh đóng chung với Ngọc Mai và trích-đoạn “Lan và Điệp” do Phương Trang và Hữu Duy hợp diễn.
Mở đầu chương-trình, ký-giả Dzương Ngọc Hoán của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), một chuyên-gia về âm-nhạc, đã khéo léo đưa câu chuyện phỏng vấn Bích Thuận vào trong tâm-cảnh muốn được nghe cô hát và trình diễn. Được hỏi về động-lực nào khiến cô đã có một sự-nghiệp trên nửa thế-kỷ mà vẫn không biết chán, Bích Thuận đã “tỏ tình” ngay với khán-thính-giả bằng câu: “Tại vì Bích Thuận yêu khán-giả và cũng được khán-giả yêu lại. Có phải thế không ạ?”
Với câu đưa duyên mở màn như thế, Bích Thuận đã đi ngay vào chương-trình bằng cách trình bầy dân-ca ba miền, kể cả một màn hát “Lời Kỹ Nữ” của Xuân Diệu hát theo lối Ả Đào, kết thúc bằng một bài hát thật lãng mạn và giựt gân của Đức Huy, đó là bài “Yêu Em Dài Lâu.” Với những lời ca gợi tình và điệu nhạc dễ nhún nhảy, nhịp nhàng, Bích Thuận lại còn cứ kéo dài thậm thượt một vài câu nhạc làm cho không ít khán-giả đứng tim.
Nhí nhảnh
Có điều lạ là màn sau đó, màn Quan Họ hát với Phương Thư đóng giả trai, Bích Thuận vẫn nhí nhảnh, tinh nghịch, chọc phá, thuyết phục được người nghe là cô mới chỉ là con gái đôi mươi ở làng Lim, không xa làng quê của Bích Thuận, Vân Hồ, là bao. Một trong những điều hãnh diện của Bích Thuận, chính là tính-cách con gái Bắc Ninh của cô. Và cái khiếu hát nhạc dân-tộc của cô, nếu phải đi tìm một lý-do thì có lẽ cũng không xa cái nguồn gốc này bao nhiêu.
“Ớ này anh Hai, anh Ba đó ơi! Nếu có thương nhau xin nhủ nhau về!...” Chẳng thế mà các vua quan Việt Nam ngày xưa, không ít người đi kén cung-phi tần-nữ trong số các cô gái quê Bắc Ninh! Từ chúa Trịnh Sâm chọn “Bà Chúa Chè” Đặng Thị Huệ đến Nguyễn Nghiễm chọn nàng hầu, sau là mẹ Nguyễn Du, cũng là ở trong số các cô gái hát Quan Họ này. Đa dạng, nổi bật trong Cải Lương Hồ Quảng
Là con gái Bắc mà sớm vào Nam lập nghiệp, Bích Thuận đã có lúc được xem là một trong những người đẹp nhất của sân khấu Việt Nam, thậm chí đã có báo gọi nàng là “Nữ Hoàng Sân Khấu.” Sự thu hút của cô trên sân khấu một phần, như cuộc phỏng vấn của ký-giả Dzương Ngọc Hoán cho thấy, có lẽ cũng vì cô không phải là người Nam thuần túy nên cái giọng hát nhạc miền Nam của cô có pha tí giọng Bắc lại trở thành một yếu-tố để thu hút khán-giả làm cho ối chàng trai mê mệt.
Sang màn “Kiều với Thúc Sinh,” vai sau này do Phương Thư đảm nhiệm, Bích Thuận đã tỏ được hết cái đa dạng trong tài-nghệ của mình, đặc-biệt nổi bật trong Cải Lương Hồ Quảng hay Cải Lương Lịch Sử.
Chính vì vậy mà màn chót của buổi Hội Ngộ, màn “Trung Vương Khởi Nghĩa” mà Bích Thuận cũng đóng chung với Phương Thư (làm Trưng Nhị) đã thu hút được sự chú ý của khán-giả cho đến giờ phút chót. Ở đây, Hai Bà Trưng oai hùng xiết bao, vung tay múa kiếm đi những đường song kiếm thật nhịp nhàng và ấn-tượng. Sau khi hai chị em bàn chuyện trả thù chồng cũng như trả thù nước, hai người lên đường, vung tay múa kiếm, rồi thề bồi. Vừa lúc hai chị em giơ kiếm lên cao thì ở dưới sân khấu, một ban hợp ca tài-tử đã bắt ngay vào bài: “Trưng Nữ Vương, bao phấn son mưu thù nhà...” của Thẩm Oánh làm cả hội-trường dậy lên một tình yêu nước bao la.
Một vòng chung quanh nước Mỹ Được biết, chuyến đi Hoa-thịnh-đốn của Bích Thuận là chặng chót của một lịch-trình sinh-hoạt phải nói là để cho người trẻ hơn Bích Thuận nhiều mới phải. Từ Pháp sang, tháng 10 Bích Thuận đã ra mắt hồi-ký (rất đẹp và có nhiều hình ảnh, do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông in ra) ở Dallas, Texas, sau đó là đến Houston (mồng 10 tháng 12), rồi Nam Cali (17 tháng 12), Bắc Cali (22 tháng 12) trước khi đến Washington. Thế vẫn chưa hết, đi các nơi, như ở Houston, Texas, chẳng hạn, ngoài ra mắt sách và trình diễn, cô còn mở lớp dạy hát dân-ca và ca vũ kịch-nghệ cổ-truyền nữa. Để đến khi trình diễn, có khi cô bắt ngay học trò của cô trong lớp ra đóng; như ở Houston là bắt kỹ-sư tiến-sĩ Trương Ngọc Quý ra làm Thúc Sinh. Cảm-động quá, đã có lúc tưởng ông Quý ngất sỉu luôn... thì hỏng! Nhưng để đáp-ứng cho tấm thịnh-tình của cô, người đến xem và người đến mua sách cũng đầy rạp như ở Houston là trên 400 người và ở Nam Cali, tại Trung-tâm Sinh-hoạt Công-giáo, là gần 700 người. Riêng tại Houston cũng đã bán hết sạch 240 cuốn sách đem theo để ra mắt!
daichung.com báo ngày 15-1-2004
|