2
Nay, nói về con Tép...
Chiều hôm đó, ngay sau khi người ta đưa xác mẹ nó đi, con Tép đứng ngơ ngác trong sân nhà thương. Nó chợt nhận ra một điều khủng khiếp: Nó đã mất mẹ! Có nghĩa rằng, nó không còn một nơi nương tựa nào nữa hết. Cha nó ư? Đi đâu, nào ai biết! Mẹ cũng chẳng bao giờ nhắc tới cha, nên nó càng mù mịt hơn nữa. Bỗng nó cảm thấy một nỗi thê lương đến rợn người, chỉ muốn quay trở lại nhà xác, lay mẹ nó dậy mà kèo nài đừng bỏ nó bơ vơ. Sự sợ hãi, cùng với lòng bi thương làm nó gào lên khóc thảm thiết. Một số y tá thương tình, nhét vào tay nó ít tiền và khuyên nó trở về xóm cũ, may ra bà con trong xóm hùn nhau có thể giúp đỡ cho nó được ít nhiều. Cũng phải, đi đâu thì cũng nên trở về nơi chốn cũ, dẫu sao tình hàng xóm mỗi người một ít, có thể nó cũng sống lây lất được qua ngày. Mặt mũi lem luốc, bẩn thỉu vì nước mắt hòa với bụi, tay nắm chặt ít tiền do lòng hảo tâm của mấy cô y tá. Con Tép vừa khóc, vừa lếch thếch chân thấp, chân cao đi bộ từ nhà thương hơn tiếng đồng hồ mới về tới nơi. Càng khóc, nó càng thấy tủi thân, càng thấy mình bé nhỏ, lạc loài không nơi nương tựa. Nó thấy lạnh và đói. Giờ này, nếu mẹ nó còn sống chắc cũng đã gánh hàng từ chợ về rồi và đang cùng nhau ăn bữa cơm canh dưa đạm bạc. Giờ này, có lẽ, nó đang ngồi liếng thoắng kể cho mẹ nghe những gì xảy ra trong ngày. Dĩ nhiên toàn những chuyện lặt vặt của một đứa trẻ bán hàng rong ở bến xe đò, không bị đứa này bắt nạt thì cũng bị đứa khác dành khách. Nó bé quá, người thì lép kẹp, nhẹ hều, làm sao có thể giành nhau được với mấy đứa đô con ngoài bến đò kia chứ? Những lần nó kể lể than phiền với mẹ, thì bà chỉ cười hiền và bảo:
- Con ráng nhẫn nhục một chút. Đừng có gây sự, nhiều khi lại xảy ra chuyện lôi thôi! Đợi mẹ để dành tiền kha khá sẽ cho con đi học, mai mốt lớn, xin vào làm các hãng xưởng, đỡ khổ!
Thế mà, giờ mẹ nó đã ra người thiên cổ. Con Tép bỗng sợ hãi khi phải về cái mái nhà lụp xụp, lạnh lẽo ấy. Mái nhà mà mới cách nay vài tuần, lúc mẹ nó chưa bệnh, là cả một thiên đường với nó.
Khi con Tép về tới xóm cũ thì trời đã tối. Bước chân chậm lại, ngập ngừng. Lòng hoang mang vô kể, không biết mình về nhà rồi sẽ làm gì? Ngôi nhà vắng ngắt, lạnh lẽo, làm cho nó có cảm giác gờn gợn, sợ hãi. Bỗng chợt nhớ tới lão thày bói, và câu dặn dò: "Gặp chuyện gì khó khăn thì nhớ đến tìm ông". Lòng nó dậy lên một nỗi hy vọng mong manh. Nó chạy một mạch ra chợ, khu chợ vắng hoe chẳng còn ai, tim nó đập thình thịch trong lòng ngực, nó chỉ sợ ông thày bói cũng đã "dọn hàng" về nhà mất rồi. Đi tới cuối chợ thì ô kìa, ông vẫn còn ngồi đấy. Hình như ông đang đợi nó đến. Nó xà vào người ông khóc nức nở:
- Ông ơi, mẹ cháu chết rồi!!
Ông lão vuốt tóc con bé, nói bằng một giọng bi mẫn:
- Ông biết thế nào cháu cũng đến tìm ông. Tội nghiệp cháu bé bỏng, côi cút...
- Hu....hu....hu.... Cháu sợ quá ông ơi, cháu chẳng biết làm gì bây giờ... Ông cho cháu theo ông. Ông ơi .... Hu....hu....hu...
Sợ ông lão không bằng lòng, con Tép nức nở nói thêm:
- Cháu làm được đủ chuyện ông ạ, cháu cũng có thể làm ăn mày, xin tiền thay ông, cháu biết nấu cơm, giặt giũ...
Ông lão ngắt ngang:
- Không cần cháu phải làm nhiều như vậy đâu. Nhưng cháu có thực sự muốn đi theo ông không đã?
Con Tép nói trong tiếng nấc, trả lời không cần suy nghĩ:
- Cháu thực muốn mà. Ông cho cháu đi theo ông...
- Được, nhưng chắc cháu đã đói lắm rồi, bây giờ cháu phải ăn cái đã....
Nói rồi, ông lão lôi trong bọc ra một cái bánh bao còn nóng, một chai nước lạnh. Con Tép vội đỡ lấy ăn ngấu nghiến. Chẳng hiểu vì con Tép đói quá hay sao mà cái bánh có một vị ngon ngọt không ngờ. Bánh ăn vào miệng, lập tức tan ra thành cam lồ thấm vào toàn thân. Nó cảm thấy thân tâm an lạc, mọi ưu phiền dường như chỉ là một cái bóng mờ lãng đãng...
Đợi con Tép ăn xong, ông lão thong thả đứng lên:
- Thôi bây giờ theo ông về nhà cái đã...
Tép lẽo đẽo đi theo ông lão. Ban đầu, nó còn nhận diện ra đây là cuối chợ, kia là con hẻm, quẹo trái là đi vào khu xóm nhà lá của nó. Kia, xa hơn, ra tới đường lộ, chạy một mạch khoảng nửa tiếng là tới nhà thương, nơi xác mẹ nó đang nằm chờ được thiêu. Nhưng đi lòng vòng một hồi, nó không còn định được hướng nữa, phần vì tối trời, phần vì cứ nhìn theo chân ông lão mà bước, nên loanh quanh khoảng một lúc thì nó mù mịt...
Cả hai đi thêm khoảng nửa giờ nữa thì ngừng lại trước một dòng sông chảy xiết. Giờ này, người lái đò cũng đã ngưng làm việc. Ông lão vung tay, tung ra một giải lụa trắng nằm vắt ngang con sông rồi thoăn thoắt bước lên, con Tép cũng vội vã bước theo. Nó sợ lọt tòm xuống dòng nước đang chảy xiết phía dưới nên túm chặt lấy áo ông lão mà đi. Qua sông, ông lại vung tay, giải lụa biến mất dưới cánh áo. Đi thêm khoảng một trống canh nữa thì bước vào một khu rừng trúc thưa. Nơi đây, không khí như loãng ra, trong hơn, mát hơn. Con Tép nghe rõ tiếng lá trúc đưa xào xạc như tiếng thầm thì của Đất và Trời. Giọng ông lão vang lên trong không gian tịch mịch:
- Chúng ta gần về tới nhà rồi đấy.
Đó là một căn nhà nhỏ, đơn sơ làm toàn bằng trúc. Ông lão loay hoay bật lửa đốt lên một ngọn đèn. Ánh sáng tỏa lan một vùng. Con Tép ngơ ngác nhìn hết chỗ này tới chỗ khác. Nó có cảm tưởng mình đang lạc vào một thế giới khác, vừa kỳ, vừa diệu, vừa trong sáng hồn nhiên. Tiếng ông lão mơ hồ, lãng đãng:
- Phòng bên là phòng của ông. Nhưng tạm thời cháu vào đó ngủ đỡ. Ngày mai ông sẽ đóng một cái giường trúc khác và ngăn thêm một phòng cho cháu..
Nói rồi, như người vừa trút xuống một chiếc mặt nạ, ông cởi cái áo bẩn thỉu, rách nát máng vào góc phòng. Hốt nhiên, ông trở thành một ông già râu tóc bạc phơ, không còn dơ bẩn và ghẻ lác như ở ngoài chợ nữa. Ông lão giục giã:
- Thôi, cháu đi ngủ đi, khuya lắm rồi... (chợt nhớ) À, nay, ông muốn đặt cho cháu một cái tên mới. (ngẫm nghĩ...) Hùm.... Cái tên cũ của cháu đã trở thành quá khứ, tất cả đã qua một quãng đời. Mà cuộc đời chỉ là một "giấc mơ" dài. (Reo lên) Hay quá!! Ta đặt tên cho con là Mơ. Con nhớ đấy. Có nghĩa rằng, cuộc đời chỉ là huyễn mộng, chỉ là một giấc mơ dài. Khi nhớ được điều này, thì mọi đau khổ con gặp phải sẽ được vơi đi rất nhiều...
3
Từ khi có Mơ, ông lão không còn ngồi cuối chợ làm thày bói nữa. Ông dành tất cả thời giờ để dạy dỗ Mơ nên người. Ban đầu, ông dạy Mơ làm thế nào để có thể tự nuôi thân bằng cách dạy nó làm rẫy, trồng khoai và rau quả trên mảnh vườn be bé bên hông nhà. Cả hai sống trên những gì họ thu hoạch được. Phần dư, họ phơi khô. Thỉnh thoảng, ông lão lại đem ra chợ đổi lấy những nhu yếu phẩm khác như quần áo và gạo. Rồi ông dạy nàng biết đọc, biết viết, dạy những căn bản đạo đức và lối cư xử với người đời. Những lúc rảnh, ông còn dạy nàng đàn, hát. Ông bảo:
- Âm thanh là một trong sáu trần. Ta có thể nương âm thanh để vào đạo. Nhưng cẩn thận, vì chúng ta còn sống trong thế giới nhị nguyên, nên cũng còn có "mặt bên kia" của nó. Có nghĩa rằng, nó có thể đưa ta vào đạo, nhưng cũng chính nó có thể đưa chúng ta vào đời. Mê và Ngộ chỉ là hai mặt, tùy theo tâm thức có khởi động hay không mà nó có thể đưa ta đến an lạc, giải thoát hay đưa ta vào cõi trầm luân, khổ đau. Con cũng nên nhớ một điều, dẫu có ở trong đời, nhưng giữ được sự
tỉnh thức trong tâm thì lúc đó ta không còn bị khổ đau làm chìm đắm. Ta nói nhiều quá chăng? Chắc con không hiểu nổi. Tóm lại, nói cho dễ hiểu, những khi con khởi tâm muốn hát, hoặc tấu lên một khúc nhạc, nên để lòng mình hoàn toàn buông bỏ, đừng chấp vào trong bất cứ một điều gì thì tâm con sẽ an lạc.
Dĩ nhiên, Mơ chỉ hiểu lõm bõm lời ông dạy. Nhưng nàng cũng cố dụng tâm ghi nhớ. Nàng rất thông minh, hình như nàng có khiếu về nhạc nên dạy đến đâu, nàng đàn được đến đó. Có những hôm, cả hai thày trò vừa đàn, vừa sáo tạo nên những khúc nhạc thánh thót vang lên trong khu rừng cây thưa.
Ngày tháng cứ trôi. Càng lớn, Mơ càng xinh đẹp. Nàng sống với ông lão, coi ông như một người cha ruột, một ân nhân.
Bên cạnh nhà có một hồ sen lớn. Cứ hễ đến mùa sen nở là thơm ngát cả một vùng. Những đóa sen vươn lên cao, lung linh trong nắng thật đẹp mắt.
Một lần, ông lão bảo nàng:
- Sáng mai, dậy sớm, ta sẽ dạy con ướp trà trong hoa sen.
- Tại sao lại phải dậy sớm hả ông?
Ông lão cười:
- À, đó chính là nghệ thuật ướp trà đấy con ạ. Mình phải dậy trong lúc trời còn mù sương, các búp sen chưa nở hết. Mình sẽ gieo một ít trà trong từng đóa hoa, tới khi mặt trời lên thì hương sen đã thấm vào từng cánh trà. Rồi con xem, đây là một việc làm rất thú vị...
Mơ vỗ tay reo lên:
- Hay quá. Nhưng, nếu mỗi đóa sen chỉ bỏ vào được có một ít trà thì biết đến bao giờ mới ướp xong cả rổ?
Ông lão cười lớn:
- À, đó lại là một phương pháp rèn tâm về lòng kiên nhẫn. Chẳng bao giờ nên có cái tâm vội vã, hối hả, "muốn làm cho xong việc", vấn đề là mình có vui thích và "sống" với những gì mình đang làm không? Đó chính là sự tỉnh thức, tỉnh thức với cái thời gian đang trôi qua từng sát na mà mình vẫn thường gọi là "Hiện tại"...
Cứ mỗi tuần hai lần, Mơ chèo thuyền ra hồ hái những đọt sen, đem về phơi khô ướp vào trà cho ông. Nàng vừa hái, vừa cất cao tiếng hát, giọng hát trong sáng, ngây thơ, nhẹ nhàng như Mộng, như Thực, các loài chim nhỏ cũng đồng cảm sà xuống róng cổ lên hót líu lo.
o O o
Một hôm, Mơ lại thấy ông lão giở mấy đồng xu lỉnh kỉnh ra gieo quẻ. Nàng rất ngạc nhiên, vì từ lâu rồi, ông chẳng bao giờ dùng đến nó. Mon men bước tới gần, nàng khe khẽ hỏi:
- Ông ơi, ông lại gieo quẻ để làm gì đấy?
- Để xem khi nào “nó” tới...
Mơ mở tròn mắt ngạc nhiên:
- Ai tới hả ông?
Ông lão lặng thinh, chẳng trả lời. Ông còn đang bận bấm đốt ngón tay. Chiều đó, ông bỏ giờ dạy đàn. Ông ngồi im lặng, khuôn mặt ra chiều suy tư...
Vài hôm sau. Ông lão gọi Mơ lại, nói với giọng trầm trầm:
- Cơ duyên của ta và con sắp dứt. Con sẽ gặp những cơ duyên mới. Con sẽ chứng nhận những Hạnh Phúc và Khổ Đau. Vì đó là "Cuộc Đời". Nhưng ông nghĩ trong những năm học hỏi con cũng đủ vững để có thể đối phó được mọi hoàn cảnh trong đời sống.
Nói rồi, ông lão lấy trong túi ra một quyển sách mỏng, cũ đã vàng ố:
- Những lúc gặp hoạn nạn gần như không thể đứng vững nổi, thì con hãy đem cuốn này ra tụng đọc và nhớ đến ông. Con sẽ vơi bớt khổ đau...
Mơ quỳ thụp xuống, lòng xúc động, ôm lấy chân ông lão:
- Không. Không... Xin ông đừng đi. Tại sao lại phải đi kia chứ? Mà ông đi đâu?
- Ta đến những nơi cần đến. Còn rất nhiều việc để làm, còn rất nhiều người cần sự giúp đỡ...
Nói rồi. Ông lão đứng lên, vói tay lấy bộ quần áo cũ bẩn hôm nào vắt lên vai. Xách theo cái bị nhỏ lặng lẽ bước ra khỏi cửa. Còn lại Mơ ngẩn ngơ đứng lại với nước mắt đoanh tròng. Nàng nghe trong không gian tiếng hát ông bàng bạc:
"Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dậm xa,
Mắt xanh xem người thế,
Mây trắng hỏi đường qua." (*)
Tiếng hát chưa dứt, nhưng dáng ông đã mất dạng trong cánh rừng thưa. Nàng nâng cuốn sách mỏng lên đọc được giòng chữ:Kinh Pháp Hoa. Phẩm Phổ Môn
Bỗng Mơ chợt giật mình, nhủ thầm. Từ bao lâu nay nàng được thân cận với ông lão, cũng vẫn chưa có dịp để ý xem tròng mắt ông thực có cái viền vàng quanh tròng nâu đen hay không...
(còn tiếp)