Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Biên khảo về tiếng Việt & ngôn ngữ V. N.
ddpnv
#1 Posted : Wednesday, March 16, 2005 4:00:00 PM(UTC)
ddpnv

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 7
Points: 0


NỖI BUỒN TIẾNG VIỆT CỦA NGƯỜI DÂN Ở TRONG NƯỚC

Biên khảo của XYZ



Ở trong nước, hiện tượng dùng chữ nghĩa kỳ cục do CS Bắc Việt du nhập vào miền Nam, lai căng với nhiều từ ngữ mới chế rất ngô nghê và xa lạ đối với phần đông dân chúng. Với chủ trương nôm na hóa ngôn ngữ Việt, tập đoàn CS nắm quyền đã lạm dụng từ thuần Việt quá mức trở thành thô tục (như: "xưởng đẻ" dùng cho "nhà bảo sanh", "nhà ỉa" dùng cho "nhà vệ sinh", hay "lính thủy đánh bộ" dùng cho "thủy quân lục chiến" v. v... , và đặt ra nhiều từ sai hẳn với nguyên nghĩa.

Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian, theo sinh hoạt xã hội. Mỗi ngày, từ những đổi mới của đời sống, từ những ảnh hưởng của văn minh ngoại quốc mà ngôn ngữ dần dần chuyển biến. Những chữ mới được tạo ra, những chữ gắn liền với hoàn cảnh sinh hoạt xưa cũ đã quá thời, dần dần biến mất. Cứ đọc lại những áng văn thơ cách đây chừng năm mươi năm trở lại, ta thấy nhiều cách nói, nhiều chữ khá xa lạ, vì không còn được dùng hàng ngày. Những thay đổi này thường làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động hơn, giàu có hơn, tuy nhiên, trong tiếng Việt khoảng mấy chục năm gần đây đã có những thay đổi rất kém cỏi. Ban đầu những thay đổi này chi giới hạn trong phạm vi Bắc vĩ tuyến 17, nhưng từ sau ngày cộng sản toàn chiếm Việt Nam, 30 tháng 4 năm 1975, nó đã xâm nhập vào ngôn ngữ miền Nam. Rồi, đau đớn thay, lại tiếp tục xâm nhập vào tiếng Việt của người Việt ở hải ngoại. Người ta thuận theo các thay đổi xấu ấy một cách lặng lẽ, không suy nghĩ, rồi từ đó nó trở thành một phần của tiếng Việt hôm nay. Nếu những thay đổi ấy hay và tốt thì là điều đáng mừng; Nhưng than ôi, hầu hết những thay đổi ấy là những thay đổi xấu, đã không làm giầu cho ngôn ngữ dân tộc mà còn làm tiếng nước ta trở nên tối tăm.

Thế nhưng dựa vào đâu mà nói đó là những thay đổi xấu? Nếu sự thay đổi đưa lại một chữ Hán Việt để thay thế một chữ Hán Việt đã quen dùng, thì đây là một thay đổi xấu, nếu dùng một chữ Hán Việt để thay một chữ Việt thì lại càng xấu hơn. Bởi vì nó sẽ làm cho câu nói tối đi. Người Việt vẫn dễ nhận hiểu tiếng Việt hơn là tiếng Hán Việt. Nhất là những tiếng Hán Việt này được mang vào tiếng Việt chỉ vì người Tầu ở Trung Hoa bây giờ đang dùng chữ ấy. Nếu sự thay đổi để đưa vào tiếng Việt một chữ dùng sai nghĩa, thì đây là một sự thay đổi xấu vô cùng.


Từ ngữ sai với nguyên nghĩa, nghe thô tục, kỳ lạ
Sau đây, chúng tôi xin ghi lại một số từ ngữ (được tạm xếp theo vần abc) mà chế độ CSVN ép dân chúng dùng, đọc lên, nói lên sai với nguyên nghĩa, nghe thô tục, kỳ lạ và ảnh hưởng Tây phương rất nặng, khó có thể chấp nhận:

1. "Buổi đêm". ‘Buổi đêm tôi có gặp đồng chí ấy’. Từ xưa đến nay người Việt không bao giờ nói "buổi đêm" cả, chỉ nói "ban đêm", "ban ngày". "Ban" được hiểu như là một thời gian khoảng 12 giờ, ban đêm 12 giờ cộng với ban ngày 12 giờ là 24 giờ. Còn "buổi" thì chúng ta có "buổi sáng", "buổi trưa", "buổi chiều", "buổi tối". Ban ngày có 12 giờ và tạm coi như có 4 buổi, như vậy mỗi buổi có 3 giờ đồng hồ. Night time, day time khác với morning; noon; afternoon; evening. Chúng ta thường nói: ‘Chờ ông ấy mất cả buổi’. Buổi ở đây là khoảng ba giờ. Câu nói khác: ‘Thế là mất một buổi cày’. Buổi ở đây lại có nghĩa mất cả một ngày công. Chế ra từ buổi đêm là làm hỏng tiếng Việt.

2. "Cải tạo" = transform, improve; re-education. Họ không phân biệt "cải tạo vật chất" với "cải tạo tư tưởng", quan niệm chính trị. Nói : ‘Phải dùng cát để cải tạo đất’, khác với ‘Trung úy miền Nam bị đi tù cải tạo’. Nếu muốn chữa cho đất có màu mỡ hơn nên dùng "cải tiến", "cải thiện"... Khoảng 50 năm nay từ "cải tạo" cả nước đã hiểu là ở tù rồi!

3. "Cảm giác". ‘Xin anh cho biết cảm giác ra sao về hiện tượng đó’ những gì cảm thấy được được bằng giác quan. Có ngũ giác: xúc giác: sờ chạm, thị giác: mắt thấy, thính giác: tai nghe; vị giác: lưỡi nếm, khứu giác: mũi ngửi. Ðó là các sense organs, còn cảm giác và cảm tưởng; cảm tính (feeling, khác với lý tính) dễ lầm lẫn vì đó là sensation, impression. Dùng đúng chữ phải là: ‘Xin anh cho biết cảm nghĩ, cảm tưởng, về hiện tượng đó’ chính xác hơn là "cảm giác". (Ngoài ra impression còn có nghĩa là ấn tượng, dấu ấn). Chúng ta có thể nói : có cảm giác ghê sợ, nhờm tởm, lạt lẽo, ấm cúng.. một giác xuất phát từ não bộ, tuy cũng do từ năm giác quan vừa kể gửi tín hiệu lên óc.

4. "Cầu lông" = Badmington = Một môn thể thao nhẹ nhàng gần giống quần vợt, có giăng lưới cao, dùng vợt nhẹ và quả cầu có gắn lông vũ, đánh qua lại trên lưới. Trên thực tế quả cầu badmington làm giả bằng nhựa không chế bằng lông gà lông vịt nữa. Cách gọi này thô tục quá! Tại sao không gọi là cầu lông vũ hoặc bát-minh-tơn? Người viết còn nhớ có lần đã bị bà vợ một đại tá sửa lưng, khi lở miệng nói: lông quả đào. Bà kể lại, tôi bị bà Trg. Tg. Khg. một người miền Bắc chữa khéo: ‘Chị nên gọi là tuyết của quả đào thì lịch sự, thanh tao hơn’. Sau đây là cách dùng sai lạc, nhằm chủ đích tuyên truyền hoặc làm giảm đi hoặc tăng mức quan trọng của sự việc.

5. "Chất lượng": Ðây là chữ đang được dùng để chỉ tính chất của một sản phẩm, một dịch vụ. Người ta dùng chữ này để dịch chữ quality của tiếng Anh. Nhưng than ôi! Lượng không phải là phẩm tính, không phải là quality. Lượng là số nhiều ít, là quantity. Theo Hán Việt Tự Ðiển của Thiều Chửu, thì lượng là: đồ đong, các cái như cái đấu, cái hộc dùng để đong đều gọi là lượng cả. Vậy tại sao người ta lại cứ nhắm mắt nhắm mũi dùng một chữ sai và dở như thế. Không có gì bực mình hơn khi mở một tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại rồi phải đọc thấy chữ dùng sai này trong các bài viết, trong các quảng cáo thương mãi. Muốn nói về tính tốt xấu của món đồ, phải dùng chữ phẩm. Bởi vì phẩm tính mới là quality. Mình đã có sẵn chữ "phẩm chất" rồi tại sao lại bỏ quên mà dùng chữ "chất lượng". Tại sao lại phải bắt chước mấy anh cán ngố, cho thêm buồn tiếng nước ta.

6. "Cuộc gặp" = meet, run into = hội kiến, gặp mặt, gặp gỡ, buổi họp. Nghe "Cuộc gặp" thấy cụt ngủn, chưa trọn nghĩa. Ý họ muốn tả một cuộc hội kiến tay đôi, một lần gặp gỡ, chưa hẳn là một hội nghị (conference). Nên dùng như thí dụ này: "Bộ trưởng Thái đã hội kiến gặp bộ trưởng Lào"...

7. "Cưới". Nhà văn Lê Minh Hà đi từ miền bắc, công tác ở Ðông Ðức, rồi xin tỵ nạn ở Ðức, viết trong tập truyện ngắn "Trăng Góa": ‘Bọn này chưa cưới.’, ‘chúng tôi cưới’ Ðó là thói quen từ vùng cộng sản. Ðây không phải là lối hành văn mới lạ, kiểu cách chỉ là thói quen dùng sai từ. To marry, get married, nhưng người Việt phải nói là: ‘Chúng tôi chưa làm đám cưới; bọn này cưới nhau’. Câu này lại do một vai nữ tự thuật, lại càng sai nặng nữa. Chúng ta chỉ nói "cưới vợ", không bao giờ nói "cưới chồng" cả. Chỉ có hai trường hợp dùng được hai chữ "cưới chồng". Một là cô gái có lỗi lầm nào đó, nhà gái phải bỏ tiền, chịu mọi chi phí đám cưới để lấy cho được một tấm chồng. Hai là những đồng bào thiểu số, sắc dân nào còn theo chế độ mẫu hệ, cô gái cưới chồng, vì chàng rể sẽ thuộc về nhà gái. Nhà gái phải trả cho nhà trai trâu, lợn, gà, chiêng đồng, v.v. để mua rể.

8. "Ðại trà" = on a large scale = cỡ lớn, quy mô lớn. Thí dụ: "đồng bào trồng cây cà phê đại trà". Tại sao không dùng như trước là "quy mô lớn"? Ngoài ra dùng "đại trà" là bắt chước Trung Quốc. Có thể gây hiểu lầm là "cây trà lớn"!!

9. "Ðăng ký" = register = ghi tên, ghi danh. Nghĩa rất đơn giản, nhưng bắt chước Trung Quốc, cố dùng Hán-Việt. Câu nói sau đây nghe kỳ lạ: ‘Tôi đã đăng ký mua khoai mì ở Phường...’. Tại sao không dùng "ghi danh", "ghi tên"?

"Ðăng ký" là một chữ mà người Cộng Sản miền Bắc dùng vì tinh thần nô lệ người Tầu của họ. Ðến khi toàn chiếm lãnh thổ, họ đã làm cho chữ này trở nên phổ thông ở khắp nước, Trước đây, ta đã có chữ "ghi tên" (và "ghi danh") để chỉ cùng một nghĩa. Người Tầu dùng chữ "đăng ký" để dịch chữ ‘register’ từ tiếng Anh. Ta hãy dùng chữ "ghi tên" hay "ghi danh" cho câu nói trở nên sáng sủa, rõ nghĩa. Dùng làm chi cái chữ Hán Việt kia để cho có ý nô lệ người Tầu?!

10. "Ðầu ra, đầu vào" = output, input = cái đưa ra, cái đưa vào, dòng điện cho vào máy; dữ kiện đưa vào máy vi tính. Họ còn dùng có nghĩa là vốn, hoặc thì giờ, công sức bỏ vào và kết quả của cuộc đầu tư đó. Nhưng dùng "đầu ra, đầu vào" nghe thô tục (giống như từ bộ phận = một phần việc, một nhóm, tổ, đã bị nhà văn nữ Kathy Trần đốp chát, hỏi: "Bộ phận gì?" bộ phận của đàn ông, đàn bà ả). Có thể dùng "vốn đầu tư" và "kết quả sản lượng".

11. "Giải phóng" = liberate, emancipate/ free, relieve, release = giải tỏa, xả ,thả, trả tự do. Từ giải phóng chỉ nên dùng cho con người, không dùng cho loài vật, đất, vườn... Họ lạm dụng từ giải phóng, nghe không thuận tai và sai nghĩa. Thí dụ: ‘Ðã giải phóng (giải tỏa) xong mặt bằng để xây dựng nhà máy/ Anh công an lưu thông tích cực công tác để giải phóng (giải tỏa) xe cộ ../ Em X giải phóng (thả) con chó !! Những câu sau đây mới là dùng đúng cách: ‘phong trào giải phóng phụ nữ ../ Công cuộc giải phóng nô lệ ..’

12. "Hiển thị" ‘Chỉ cần ấn nút thì mọi nhu cầu sẽ được hiển thị trên máy tính...’ (appear on screen) Tại sao không nói "sẽ thấy hiện rõ trên máy".

13. "Hùng hiểm" ‘Ðịa thế nổi đó rất hùng hiểm...’ hùng vĩ = hiểm trở (majestic greatness + dangerous).

14. "Khả năng": Chữ này tương đương với chữ ability trong tiếng Anh, và chỉ được dùng cho người, tức là với chủ từ có thể tự gây ra hành động động theo chủ ý. Tuy nhiên hiện nay ở Việt nam người ta dùng chữ "khả năng" trong bất kỳ trường hợp nào, tạo nên những câu nói rất kỳ cục. Ví dụ thay vì nói là ‘trời hôm nay có thể mưa’, thì người ta lại nói: ‘trời hôm nay có khả năng mưa’, nghe vùa nạng nề , vừa sai. "Có khả năng": Ðây là cách sử dụng rất Tây, thí dụ: ‘Hôm nay thời tiết có khả năng mưa’ chúng ta tạm chấp nhận (sao không nói giản dị là: "Hôm nay trời có thể mưa" ?). Thí dụ này khó chấp nhận: ‘Học sinh X có khả năng không đạt điểm tốt nghiệp’. Có khả năng là ability; aptitude; capacity và luôn luôn dùng ở trạng thái tích cực (positive), không bao giờ dùng với trạng thái tiêu cực (negative). Những câu sau đây nghe rất chướng: ‘Bệnh nhân có khả năng bị hôn mê’. ‘Ðịch có khả năng bị tiêu diệt..’ v.v...

15. "Khả thi" = applicable; ability to carry out = có thể thực hiện được, có thể thi hành được. "Khả thi" và "bất khả thi" cũng chịu ảnh hưởng nặng của Trung Quốc. Sao không dùng: "không thực hiện được"/ "không thực hiện nổi". Ngoài ra "khả thi" sẽ đưa đến sự hiểu lầm là "có thể dự thi được".

16. "Khẩn trương": Trước năm 1975 chúng ta đã cười những người lính cộng sản, khi họ dùng chữ này thay thế chữ ‘nhanh chóng’. Nhưng than ôi, ngày nay vẫn còn những người ở Việt Nam (và cả một số người sang Mỹ sau này) vẫn vô tình làm thoái hóa tiếng Việt bằng cách bỏ chữ ‘nhanh chóng’ để dùng chữ ‘khẩn trương’. Ðáng lẽ phải nói là: ‘Làm nhanh lên’ thì người ta nói là: ‘làm khẩn trương lên’.

17. "Khẳng định". Thói quen dùng động từ này bị lạm dụng: ‘Diễn viên X đã khẳng định được tài năng. Ðồng chí A khẳng định ở vị trí giám đốc’ Khẳng định; xác định, xác nhận = affirm và confirm có nghĩa gần giống nhau, ngoài nghĩa theo luật pháp có nghĩa là phê chuẩn, chuẩn y. Tuy nhiên âm thanh của khẳng định nghe nặng nề.

18. "Kích cầu" = to level the bridge/ needing to sitimulate = nhu cầu để kích thích/ nâng cao cái cầu lên. Cả hai nghĩa đều hàm ý là chất xúc tác, kích thích tố khiến sự việc tiến nhanh hơn. Cách dùng hơi lạ. Bên công chánh có lối dùng những con đội để nâng cao cái cầu giao thông lên. Tại sao không dùng "kích thích tố", "chất xúc tác" như trước?

19. "Làm rõ" ‘Công an Phường 16 đang làm rõ vụ việc này.’ Làm rõ=clarify, cần làm rõ vì có sự mù mờ, chưa minh bạch, ngoài còn có nghĩa gần như nói lại cho rõ, đính chính. Ðúng nghĩa phải là điều tra = investigate. Cách sử dụng từ làm rõ cũng giống như làm việc (với công an) chỉ nhằm xóa bớt sự ghê sợ, hãi hùng của người dân khi phải tiếp xúc với công an cộng sản. Họ cố tránh những động từ như "điều tra", "khai báo", "trình diện" v.v...

20. "Liên hệ": Cũng từ miền Bắc, chữ này lan khắp nước và nay cũng tràn ra hải ngoại. Liên hệ là có chung với nhau một nguồn gốc, một đặc tính. Người cộng sản Việt Nam dùng chữ liên hệ để tỏ ý nói chuyện, đàm thoại. Tại sao không dùng chữ Việt là ‘nói chuyện’ cho đúng và giản dị. Chữ liên "hệ dịch" sang tiếng Anh là ‘to relate to…’, chứ không phải là ‘to communicate to…’.

21. "Ngài": ‘Bộ trưởng ngoại giao ta đã gặp Ngài Brown thị trưởng thành phố San Francisco.’ Ngài là Sir, một tước vị của Hoàng gia nước Anh ban cho một nhân vật nào đó. Sir có thể dịch ra là Hiệp sĩ, cũng có thể là Knight = Hầu tước xuống đến tòng Nam tước = Baronet. Theo nghĩa thứ nhì "ngài" là một từ dùng để xưng hô và là một từ tôn xưng như cụ, ông bà, bác, chú. Trong cả hai trường hợp câu trên đều sai. Ông W. Brown chưa bao giờ được Nữ hoàng Anh trao tặng tước hiệu Sir. Theo lối xưng hô chính thức ngoại giao của Mỹ và theo lối Việt Nam, không nên gọi ông W. Brown là Ngài viết hoa. Theo lối xưng hô chính thức của Mỹ, trên văn thư phải là:

The Honorable ...W. Brown
Mayor of San Francisco

Hình thức chào hỏi:

Sir:
Dear Mayor Brown

Như thế gọi một ông thị trưởng Mỹ là Ngài đã hoàn toàn sai. Qua sách báo từ sau 1954, miền bắc dùng sai và lạm dụng từ Ngài. Cách dùng thứ nhất để tôn xưng quá đáng giới chức ngoại quốc, thứ nhì là để chế diễu, khôi hài các nhân vật trong khối tự do dân chủ, và ở miền nam, thí dụ: Ngài đại úy, ngài thiếu tá ngay cả có dạo họ đã gọi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ là Nguyên soái! Từ sau 1954, trong miền nam gần như không bao giờ chúng ta thấy xuất hiện từ Ngài! Chế độ cộng sản tự nhận là vô sản, đánh phong kiến, diệt quan lại, nhưng nay họ lại quan lại, phong kiến hơn ai hết. Chứng cớ qua từ tôn xưng Ngài và họ còn tự nhận và gọi các cán bộ và nhân vật quan trọng ngoại quốc là Quan chức. Quan chức = officials, có thể dịch là "viên chức", hay "giới chức ngoại giao", "nhân viên chính phủ", "phái đoàn ngoại giao", v.v...

22. "Nghệ nhân": Ta vốn gọi những người này là ‘nghệ sĩ’. Mặc dù đây cũng là tiếng Hán Việt, nhưng người Tầu không có chữ "nghệ sĩ", họ dùng chữ "nghệ nhân". Có những người tưởng rằng chữ ‘nghệ nhân’ cao hơn chữ ‘nghệ sĩ’, họ đâu biết rằng nghĩa cũng như vậy, mà sở dĩ người cộng sản Việt Nam dùng chữ ‘nghệ nhân’ là vì tinh thần nô lệ Trung Hoa.

23. "Quản lý" = management = quản trị, chịu trách nhiệm. Bắt chước từ Trung Quốc và bị lạm dụng. Nói: ‘Anh X quản lý một xí nghiệp’ thì được, nhưng câu sau ‘nhái lại’ khôi hài ‘Anh sẽ xây dựng với đồng chí gái, và đồng chí gái sẽ quản lý đời anh...’. "Quản lý" chỉ dùng để trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, hành chánh. "Quản lý" không dùng cho lĩnh vực tình cảm được, tình cảm không phải là một lô hàng, không phải là một xí nghiệp.

24. "Sơ hữu". ‘Mối quan hệ Việt-Mỹ chỉ là sơ hữu.’ Sơ hữu + bạn mới quen, mới làm bạn (new friendship). Tại sao không nói: ‘Mối quan hệ Việt-Mỹ chỉ là bạn mới quen’...?

25. "Sự cố": "Sự cố kỹ thuật": tại sao không dùng chữ vừa giản dị vừa phổ thông trước đây như ‘trở ngại’ hay ‘trở ngại kỹ thuật’ hay giản dị hơn là chữ ‘hỏng’? (Nói ‘xe tôi bị hỏng’ rõ ràng mà giản dị hơn là nói ‘xe tôi có sự cố’).

26. "Tai tệ nạn". ‘Tai tệ nạn xảy ra khá nhiều trên đoạn đường này’ tai nạn + tệ nạn xã hội (accident + social crime/evil). Cách ghép nối kỳ lạ.

27. "Thành viên" = member = theo cách nói và viết thông thường là một người trong một tổ chức , hội đoàn, nhóm nào đọ Không thể dùng "thành viên" cho một cá nhân trong gia đình được. Thí dụ sau đây nghe rất Tây: ‘Các thành viên trong hộ đó có cha, mẹ và hai con/ Bé Năm là một thành viên trong gia đình....’ Tại sao không nói: ‘Trong hộ đó có cha, mẹ và hai con/ Bé Năm là một đứa con trong gia đình...’. Thí dụ sau đây mới là dùng đúng: ‘Mỹ là thành viên trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết ...’

28. "Tham quan": đi thăm, đi xem thì nói là đi thăm, đi xem cho rồi tại sao lại phải dùng cái chữ này của người Tầu?! Sao không nói là ‘Tôi đi Nha Trang chơi’, ‘tôi đi thăm lăng Minh Mạng’, mà lại phải nói là ‘tôi đi tham quan Nha Trang’, ‘tôi đi tham quan lăng Minh Mạng’.

29. "Tháng một; tháng mười hai". Hiện nay ở Việt Nam trong trường học họ không dạy học sinh "tháng giêng" và "tháng chạp" nữa. Tháng giêng và tháng chạp là cách gọi rất Việt Nam. Lịch in ở Việt Nam ghi tháng một là tháng giêng cũ. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn gọi tháng đầu năm âm lịch là "tháng giêng", tháng thứ 11 là "tháng (mười) một" và tháng cuối năm là "tháng chạp". Gọi là tháng chạp là do tháng cuối năm âm lịch có nhiều lễ, trong đó có lễ chạp. Ca dao đã có câu:

"Tháng chạp là tiết trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà"

Tháng thứ 11 âm lịch gọi là "tháng một" dễ lầm lẫn với tháng giêng, nên đã tạm bỏ. Nhưng gọi tháng January dương lịch là "tháng một" nghe không ổn, phải gọi là tháng giêng. Còn tháng December gọi là tháng mười hai, không có vấn đề. Nhưng họ có dạy cho học sinh tiểu học hiểu rằng muốn chỉ tháng thứ 12 trong năm âm lịch bắt buộc phải gọi là tháng chạp không?

30. "Thống nhất". ‘Tôi đã xuống huyện thống nhất đồng chí X ..’ Câu này mắc hai lỗi. Thứ nhất thiếu từ liên tự với, thứ nhì là thống nhất điều gì, chuyện gì. Thống nhất (unify; unified). Trường hợp này phải nói là "đồng ý" với; "nhất trí" với.

31. "Thứ nhất, thứ nhì". Từ xưa theo cách đếm số, chúng ta có con số thường (cardinal number) như 1.2.3.4 và số thứ tự (ordinal number) thứ nhất, thứ nhì. Hiện nay họ dường như không ưa dùng số thứ tự và gọi thứ nhì là thứ hai. Chỉ second; deuxième là "thứ hai" dễ lầm lẫn với "thứ hai" = Monday. Trên sách báo chỉ thấy viết: một là; hai là. Như thế chỉ riêng nước Việt Nam không cần đến số thứ tự (ordinal number) nữa sao?

32. "Tương thích". Giá cả đó tương thích với chất lượng mặt hàng...’ tương đương = thích hợp (equal = appropriated). Cách ghép nối gượng gao.

33. "Tranh thủ": Thay vì dùng một chữ vừa rõ ràng vừa giản dị là chữ ‘cố gắng’, từ cái tệ sính dúng chữ Hán Việt của người cộng sản, người ta lại dùng một chữ vừa nặng nề vừa tối nghĩa là chữ ‘tranh thủ’. Thay vì nói: ‘anh hãy cố làm cho xong việc này trước khi về’, thì người ta lại nói: ‘anh hãy tranh thủ làm cho xong việc này trước khi về’.

34. "Trao đổi" = exchange = theo nghĩa của họ là nói chuyện, đối thoại, hội thoại. Cách dùng chịu ảnh hưởng nặng Tây phương. Trao đổi theo đúng nghĩa là đổi chác ‘ông đưa cái giò, bà thò chai rượu’. Họ chịu ảnh hưởng Tây phương quá nặng, vì trao đổi chỉ áp dụng cho hàng hóa (giao thương) hay con người. Thí dụ: ‘Hai nước trao đổi lãnh sự, trao buôn bán, mậu dịch’. Kiều và Kim Trọng đã trao đổi quà tặng tình yêu cho nhau. Không bao giờ trao đổi lại có nghĩa là nói chuyện, đối thoại. Thí dụ sau đây cho thấy cách dùng sai lạc: ‘Anh Phillippe Jamet đang trao đổi với một bé gái Việt Nam...’ Trao đổi gì? Quà tặng gì? Trao đổi không bao giờ có nghĩa là converse, talk to..., chỉ là exchange thôi.

35. "Trọng thị": Coi trọng (show consideration for/ attach important to) trong từ điển ghi là một từ cũ, không hiểu sao lại được dùng trở lại. Thí dụ: "Chúng ta phải trọng thị yếu tố đó". Cứ nôm na nói: ‘Chúng ta phải coi trọng yếu tố đó’ là đủ và giản dị rồi.

36. "Trúng thưởng" = reward, award. Thế nào gọi là thưởng? Thưởng là thưởng cho những cá nhân hay tập thể có công, tài giỏi, đạt thành tích cao ... Thưởng đi đôi với phạt. Vậy không thể nói : ‘Mua hàng sẽ được trúng thưởng.../ Anh X trúng thưởng xổ số thành phố X. được 50 triệu. ‘Ðó chỉ là quà tặng, biếu không, không phải là thưởng, và chỉ là trúng xổ số chứ không lĩnh thưởng. Xổ số là hình thức đánh bạc, nên gọi tránh đi là trúng thưởng (Thật là mâu thuẫn, trong khi đó họ bỏ tiền ra mua máy đánh bạc đặt trong các khách sạn lớn!!)

37. "Trúng tuyển" ( nghĩa vụ quân sự) = select, choose/ recruit. Chúng ta vẫn nói và viết "tuyển sinh", "tuyển quân", "tuyển mộ", "tuyển dụng"... Nhưng nói : "trúng tuyển nghĩa vụ" thật là khôi hài. Nghĩa vụ quân sự là thi hành quân dịch, đến tuổi phải đi, bắt buộc phải đi, không có chuyện trúng tuyển hay không được tuyển (nên dùng theo nghĩa xấu chỉ có dân nghèo, không có tiền đút lót và không phải là con cán bộ cao cấp, mới bị trúng tuyển).

38. "Tư liệu": Trước đây ta vốn dùng chữ "tài liệu", rồi để làm cho khác miền nam, người miền bắc dùng chữ ‘tư liệu’ trong ý: ‘tài liệu riêng của người viết’. Bây giờ những người viết ở hải ngoại cũng ưa dùng chữ này mà bỏ chữ ‘tài liệu’ mặc dù nhiều khi tài liệu sử dụng lại là tài liệu đọc trong thư viện chứ chẳng phải là tài liệu riêng của ông ta.

39. "Vị trí" = place/ position/ job, task = chỗ đứng, vị thế / nơi chốn/ việc làm, trách vụ. Nhưng họ dùng "vị trí" cho luôn cả nghĩa là "trách vụ", "việc làm". Câu nói sau đây là sai: ‘Anh A đã thay anh B công tác ở vị trí kế toán trưởng’. Nên nói: ‘Anh A đã thay anh B công tác ở trách vụ kế toán trưởng’ mới đúng. Thường thường chúng ta hay dùng: ‘Tiểu đội A đã chiếm được một vị trí trên cao, từ đó có thể ngăn chặn được trung đội địch tiến lên đồi’.

40. "Vùng sâu xa": Vùng rừng núi, đầm lầy (highland = swamp area). Ðây là cách sử dụng chữ trốn tránh thực tệ. Vùng ở trong sâu hiểu là vùng hẻo lánh, sình lầy và vùng xa tức là vùng trên cao, ở xa. Ðây là cách dùng mị dân, cũng như để dễ bề đẩy giáo viên, kỹ sư, bác sĩ không phe đảng, không là con cháu cán bộ đến phục vụ nơi khỉ ho cò gáy. Ngoài ra ‘sâu xa’ còn gây hiểu lầm với ‘lòng cảm ơn, biết ơn sâu xa’đã quen dùng trước đây.

41. "Xuất khẩu", "Cửa khẩu": Người Tầu dùng chữ khẩu, người Việt dùng chữ cảng. Cho nên ta nói "xuất cảng", "nhập cảng", chứ không phải như cộng sản nhắm mắt theo Tầu gọi là "xuất khẩu", "nhập khẩu". Bởi vì ta vẫn thường nói phi trường Tân Sơn Nhất, phi cảng Tân Sơn Nhất, hải cảng Hải Phòng, giang cảng Saigon, thương cảng Saigon. Chứ không ai nói phi khẩu Tân Sơn Nhất, hải khẩu Hải Phòng, thương khẩu Saigon trong tiếng Việt. Khi viết tin liên quan đến Việt Nam, ta đọc bản tin của họ để lấy dữ kiện, rồi khi viết lại bản tin đăng báo hay đọc trên đài phát thanh tại sao không chuyển chữ (xấu) của họ sang chữ (tốt) của mình, mà lại cứ copy y boong?

42. Còn hai từ nữa bị người dân miền bắc lạm dụng vì lây cách dùng của cán bộ là "bản thân" và "chủ yếu": "Bản thân" = self, oneself, và "chủ yếu" = main, principal. Qua những câu chuyện thường ngày, chúng ta nghe họ dùng hai từ này bừa bãi , sai lệch: ‘Thức ăn chủ yếu của đồng bào vùng này là ngô và khoai; Chúng tôi lấy gạo làm chủ yếu để qui thành giá trị trao đổị’ Và: ‘Bản thân tôi cũng không tránh khỏi dao động. Bản thân sự kiện đó còn nhiều tồn tại’. Người ta đã bỏ quên từ tự và chính được dùng từ xưa đến nay, thí dụ: Thức ăn chính của đồng bào. Chính tôi cũng không tránh khỏi dao động; Tự thân sự kiện đó.

Hiện nay đang có phong trào ghép chữ bừa bãi giữa hai từ Hán-Việt + Hán- Việt hoặc Hán-Việt + Nôm. Thí dụ: "động thái", "thể trạng", "siêu sao", "siêu trường". Ðộng thái là hành động + thái độ (action + attitude); thể trạng là tình trạng thân thể (physical form sitituation); siêu sao = super-star; siêu trường = super-long. nghe lạ tai. Ðã đành là ngôn ngữ chẳng qua chỉ là những ước hiệu con người sử dụng để hiểu nhau, thông cảm nhau. Tuy nhiên những ước hiệu đó không được khó hiểu, bí hiểm, khó nghe, chói tai, kỳ lạ.


Những danh từ kỹ thuật mới:
Thời đại của điện tử, của computer tạo ra nhiều danh từ kỹ thuật mới, hay mang ý nghĩa mới. Những danh từ này theo sự phổ biến rộng rãi của kỹ thuật đã trở nên thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Hầu hết những chữ này có gốc từ tiếng Anh, bởi vì Hoa Kỳ là nước đi trước các nước khác về kỹ thuật. Các ngôn ngữ có những chữ cùng gốc (tiếng Đức, tiếng Pháp…) thì việc chuyển dịch trở nên tự nhiên và rõ ràng, những ngôn ngữ không cùng gốc, thì người ta địa phương hóa những chữ ấy mà dùng. Riêng Việt Nam thì làm chuyện kỳ cục là dịch những chữ ấy ra tiếng Việt (hay mượn những chữ dịch của người Tầu), tạo nên một mớ chữ ngây ngô, người Việt đọc cũng không thể hiểu nghĩa những chứ ấy là gì, mà nếu học cho hiểu nghĩa thì khi gặp những chữ ấy trong tiếng Anh thì vẫn không hiểu. Ta hãy nhớ rằng, ngay cả những người Mỹ không chuyên môn về điện toán, họ cũng không hiểu đích xác nghĩa của những danh từ này, nhưng họ vẫn cứ chỉ biết là chữ ấy dùng để chỉ các vật, các kỹ thuật ấy, và họ dùng một cách tự nhiên thôi. Vậy tại sao ta không Việt hóa các chữ ấy mà phải mất công dịch ra cho kỳ cục, cho tối nghĩa. Ông cha ta đã từng Việt hóa biết bao nhiêu chữ tương tự, khi tiếp xúc với kỹ thuật phương tây cơ mà.

Ví dụ như ta Việt hóa:

chữ ‘ pomp ’ thành ‘bơm’ (bơm xe, bơm nước),
chữ ‘ soup ’ thành ‘xúp’,
chữ ‘ phare ’ thành ‘đèn pha’,
chữ ‘ cyclo ’ thành ‘xe xích lô’,
chữ ‘ manggis ’ (tiếng Mã Lai) thành ‘quả măng cụt’,
chữ ‘ durian ’ thành ‘quả sầu riêng’,
chữ ‘ bougie ’ thành ‘bu-gi,
chữ ‘ manchon ’ thành ‘đèn măng xông’,
chữ ‘ boulon ’ thành ‘bù-long’,
chữ ‘ gare ’ thành ‘nhà ga’,
chữ ‘ savon ’ thành ‘xà-bông’…

Bây giờ đọc báo, thấy những chữ dịch mới, thì dù đó là tiếng Việt, người đọc cũng vẫn không hiểu như thường. Hãy duyệt qua một vài danh từ kỹ thuật bị ép dịch qua tiếng Việt Nam, như:

Scanner dịch thành ‘máy quét’. Trời ơi! ’máy quét’ đây, thế còn máy lau, máy rửa đâu?! Mới nghe cứ tưởng là máy quét nhà!

Data Communication dịch là ‘truyền dữ liệu’.

Digital camera dịch là ‘máy ảnh kỹ thuật số’.

Database dịch là ‘cơ sở dữ liệu’. Những người Việt đã không biết database là gì thì càng không biết ‘cơ sơ dữ liệu’ là gì luôn.

Sofware dịch là ‘phần mềm’, hardware dịch là ‘phần cứng’ mới nghe cứ tưởng nói về đàn ông, đàn bà. Chữ ‘hard’ trong tiếng Mỹ không luôn luôn có nghĩa là ‘khó’, hay ‘cứng’, mà còn là ‘vững chắc’ ví dụ như trong chữ ‘hard evident’ (bằng chứng xác đáng)…Chữ soft trong chữ ‘soft benefit’ (quyền lợi phụ thuộc) chẳng lẽ họ lại dịch là ‘quyền lợi mềm’ sao?

Network dịch là ‘mạng mạch’.

Cache memory dịch là ‘truy cập nhanh’.

Computer monitor dịch là ‘màn hình’ hay ‘điều phối’.

VCR dịch là ‘đầu máy’ (Như vậy thì đuôi máy đâu? Như vậy những thứ máy khác không có đầu à?). Sao không gọi là VCR như mình thường gọi TV (hay Ti-Vi). Nếu thế thì DVD, DVR thì họ dịch là cái gì?

Radio dịch là ‘cái đài’. Trước đây mình đã Việt hóa chữ này thành ra-đi-ô hay ra-dô, hoặc dịch là ‘máy thu thanh’. Nay gọi là ‘cái đài’ vừa sai, vừa kỳ cục. Đài phải là một cái tháp cao, trên một nền cao (ví dụ đài phát thanh), chứ không phải là cái vật nhỏ ta có thể mang đi khắp nơi được.

Chanel gọi là ‘kênh’. Trước đây để dịch chữ TV chanel, ta đã dùng chữ đài, như đài số 5, đài truyền hình Việt Nam… gọi là kênh nghe như đang nói về một con sông đào nào đó ở vùng Hậu Giang!


Ngoài ra, đối với chúng ta, Saigon luôn luôn là Saigon, hơn nữa người dân trong nước vẫn gọi đó là Saigon. Các xe đò vẫn ghi bên hông là ‘Saigon – Nha Trang’, ‘Saigon - Cần Thơ’ … trên cuống vé máy bay Hàng Không Việt Nam người ta vẫn dùng 3 chữ SGN để chỉ thành phố Saigon. Vậy khi làm tin đăng báo, tại sao người Việt ở hải ngoại cứ dùng tên của một tên chó chết để gọi thành phố thân yêu của chúng mình?! Đi về Việt Nam tìm đỏ mắt không thấy ai không gọi Saigon là Saigon, vậy mà chỉ cần đọc các bản tin, các truyện ngắn viết ở Hoa Kỳ ta thấy tên Saigon không được dùng nữa. Tại sao?

Đây chỉ là một vài ví dụ để nói chơi thôi, chứ cứ theo cái đà này thì chẳng mấy chốc mà người Việt nói tiếng Tầu luôn mất! Tất nhiên, vì đảng cộng sản độc quyền tất cả mọi sinh hoạt ở Việt nam, nên ta khó có ảnh hưởng vào tiếng Việt đang dùng trong nước, nhưng tại sao các nhà truyền thông hải ngoại lại cứ nhắm mắt dùng theo những chữ kỳ cục như thế?! Cái khôi hài nhất là nhiều vị trong giới này vẫn thường nhận mình là giáo sư (thường chỉ là giáo sư trung học đệ nhất cấp (chưa đỗ cử nhân) hay đệ nhị cấp ở Việt Nam ngày trước, chứ chẳng có bằng Ph.D. nào cả), hay là các người giữ chức này chức nọ trong các hội đoàn tự cho là có trách nhiệm về văn hóa Việt Nam ở ngoài nước!

Trước đây Phạm Quỳnh từng nói: ‘Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn’, bây giờ Truyện Kiều vẫn còn mà cả tiếng ta lẫn nước ta lại đang đi dần xuống hố sâu Bắc Thuộc. Than ôi!


ddpnv
#2 Posted : Friday, March 18, 2005 9:37:52 PM(UTC)
ddpnv

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 7
Points: 0


SỬA TÊN TÁC PHẨM CỦA NGƯỜI QUÁ CỐ ?

ĐẶNG TRẦN HUÂN



Cuối năm 2002 Thụy Khuê, nhà phê bình văn học, cộng tác viên đài phát thanh Pháp RFI từ Ba Lê sang Wesminster, Nam Cali thuyết trình về ba nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn. Trước buổi thuyết trình bà đã được giới thiệu rầm rộ dưới nhiều hình thức trong đó có bài "Nhất Linh, Giòng Sông Thanh Thủy" đăng trên nguyệt san Thế Kỷ 21 rồi nhật báo Người Việt số ra ngày 18-11-2002. Trong bài bà đã đổi tên tác phẩm "Giòng Sông Thanh Thủy" của Nhất Linh từ chữ Giòng thành chữ Dòng và bà viết trong lời chú thích nguyên văn như sau: "Nguyên tựa của Nhất Linh là Giòng Sông Thanh Thủy, chúng tôi sửa lại là Dòng Sông Thanh Thủy cho đúng chính tả". Đọc lời chú thích đó chúng tôi phân vân tự hỏi Thụy Khuê theo chính tả nào và chính tả nào là đúng? Viết "Dòng" đúng chính tả vậy viết "Giòng" có coi là sai chính tả hay không?

Tiếng Việt từ khi được hình thành cho tới nay có lẽ chưa hề có một cuốn văn phạm nào của một tổ chức thẩm quyền về ngôn ngữ quy định thế nào là viết đúng và thế nào là viết sai. Biết bao công trình về văn phạm hay từ điển từ thời Hùinh Tịnh Của, Pétrus Ký cũng chỉ là những công trình cá nhân hay một nhóm người đề ra và người viết - các nhà văn, nhà báo - nếu thấy điều gì hữu lý đáng theo thì tự động chấp nhận mà thôi. Chuyện cải cách tiếng Việt đã nhiều nhà nghiên cứu đề ra nhiều phương cách rất công phu nhưng không phải không có những điều bất tiện. Nhà khoa bảng về ngôn ngữ như tiến sĩ Dương Đức Nhự đề nghị một lối viết mới và gửi một tờ tạp chí ở Houston, TX để đăng tải bài này theo lối mới của ông nhưng báo đã từ chối vì không thích hợp với đa số quần chúng. Tiếng Việt đang ngon lành, trơn tru chỉ cần thay đổi một vài từ, vài chữ không hợp lý tại sao lại đưa ra hẳn một lối viết mới lai căng, phức tạp, rắc rối, tại sao lại mua giây mà buộc vào mình.

Giáo sư quá cố Nguyễn Đình Hòa, tác giả một công trình về tiếng Việt rất công phu nhưng chỉ để cho các nhà ngôn ngữ học tham chiếu thôi chứ chưa thể là khuôn vàng thước ngọc để căn cứ vào đó mà coi là chính tả hay "tà tả". Trong cuốn Tiếng Việt Chữ Việt của Nguyễn Phước Đáng xuất bản tại San Jose, CA ông Đáng có kể chuyện ông có thỉnh ý giáo sư Nguyễn Đình Hòa về hai từ "Mùi" và "Vị". Giáo sư Hòa đã trả lời đại ý là trong tiếng Việt hai tiếng "Mùi" và "Vị" là một, là đồng nghĩa. Cố nhiên Nguyễn Phước Đáng không chịu. Và nhiều người không chịu lời giải thích này. Giáo sư Hòa bèn dẫn chứng "Vị" là mượn từ tiếng Hán và "Mùi" cũng là mượn từ tiếng Hán đó nhưng ở vào một thời đại cổ hơn nữa nên hai từ "Mùi" và "Vị" là một. Cũng như hai chữ "phù dung" mà "Từ Điển Truyện Kiều" của Đào Duy Anh chỉ căn cứ trên sách Tàu cổ để giảng là "cây sen " là không thích hợp. Mặc dù cả hàng mấy ngàn năm trước những nhà thơ cổ Trung Hoa như Lý Bạch, Vương Xương Linh ... đã dùng "phù dung" là một loài sen cạn nhưng đó là chuyện ngày xưa. Những người kế vị Đào Duy Anh tái bản Từ Điển Truyện Kiều năm 1987 đã không còn giải thích phù dung là cây sen nữa.

Ngôn ngữ Việt Nam hiện tại phải phù hợp với thực tế. Nguyễn Du khi phóng tác Kiều ông phải nghĩ tới người Việt, lấy cây cối Việt Nam, phong cách Việt Nam mô tả thì phù dung là phù dung chứ không thể là sen được. Cũng trong thực tế đời sống hiện tại không ai cho mùi và vị đồng nghĩa để có thể nói : "Tôi nếm thấy mùi tanh của cá ươn" hoặc "Chị ngửi thấy vị đắng của hạt tiêu".

Dẫn chứng sách cổ trong kho thư viện, viện bảo tàng rất cần thiết, ích lợi trên phương diện tầm nguyên từ ngữ, nghiên cứu cổ văn nhưng cũng phải so sánh với thực tế, với đời sống hiện tại nếu không sẽ rơi vào mê hồn trận của những chồng sách vở bao la cả hay lẫn dở. Vì thế nếu lý luận hay căn cứ vào chữ cổ để áp dụng nguyên ngữ và dùng cho tiếng Việt hiện hành e sẽ mang đến hậu quả đưa tiếng Việt trở lại thời tiền sử.

Trong ngôn ngữ Việt hiện nay thiếu gì tiếng nghe như không hợp lý nhưng dùng quen rồi được đa số chấp nhận thì chúng ta cũng dùng theo mà không cần truy nguyên gốc gác. Chẳng hạn khi nói "điện thoại cầm tay" thì ai cũng hiểu là điện thoại cellular chứ có bao giờ cần thắc mắc truy nguyên xem có thứ điện thoại nào cầm bằng chân đâu? Hình thức sao một bản văn, một bức hình tại chỗ gọi là photocopy, nay có thể đi gửi đi xa bằng lối facsimile, FAX được gọi là "điện thư" không rỏ ai đặt ra tiếng đó nhưng nghe xuôi tai được mọi người chấp nhận. Từ khi có internet lối gửi thư email được chấp nhận gọi là "thư điện tử" để khỏi lẫn lộn với điện thư đã có từ trước thì lại được chấp nhận chứ đâu có cần một Viện Ngôn Ngữ Học. Đối với nhà cầm quyền Hà Nội, vốn dĩ là những người độc tài nên sự độc tài đã đi vào cả lãnh vực ngôn ngữ. Có thời gian báo Nhân Dân của cộng sản đã vận động sửa lại một số từ ngữ đã dùng quen mà họ cho là không hợp lý. Ví dụ chữ "cảng" là "bến" thì phải có sông, có nước nên phải đổi lại những từ phi cảng, xa cảng vì những nơi đó không có nước. Phải đổi thành ngữ "con ông cháu cha" thành "con cha cháu ông" thì mới đúng với trật tự gia đình! Cuộc vận đông bất thành vì dân chúng chỉ cười thầm và vẫn dùng những điều họ đã quen.

Thất bại, nhà cầm quyền bèn dùng lệnh vì cộng sản quen lối độc tài nên mới dùng lệnh mong thay đổi ngôn ngữ. Cho là dùng chữ I hay hơn, sáng tạo hơn chữ Y nên Bộ Giáo Dục cộng sản ra hẳn một quyết định ngày 5. 4. 84 về việc thay thế chữ Y. Người quốc gia không chấp nhận sự thay đổi này. Tên nhà văn Doãn Quốc Sỹ viết Y nhưng đôi khi thấy xuất hiện tên Sĩ, hỏi ông, ông cười xòa nói tên ông là Sỹ nhưng nhà in hay bạn bè sửa tên ông, nể quá đành thôi. Mới đây bác sĩ Nguyễn Văn Quý, tác giả "Nhật Ký An Lộc" được ghi trong từng trang sách đúng tên ông là Quý, nhưng ở ngoài bìa họa sĩ Khánh Trường viết là Quí khiến ông tiến sĩ y khoa này nhăn nhó mãi không biết kêu ai trước việc sửa tên ông. Cuối năm 2002 cộng sản ra lệnh muốn dùng chữ Sài Gòn trong các giao dịch hay quảng cáo thương mại phải có giấy phép, nhằm cưỡng bách người dân phải xài chữ "thành phố Hồ Chí Minh" mà họ quá chán ghét. Mấy từ điển tiếng Việt của Hà Nội chẳng hạn như Từ Điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Nxb Khoa Học Xã Hội thực hiện năm 1988 còn miệt thị những tiếng người miền Nam vẫn dùng như mùng, mền, mè, vô v. v... gọi là phương ngữ, thổ ngữ. (Mới đây chính phủ Pháp có ban hành lệnh chính thức dùng chữ arobase để chỉ ký hiệu @ trong e-mail nhưng không phải do chính phủ đặt ra, áp đặt dân phải dùng mà chỉ là hợp thức hóa danh từ này vì người dân Pháp đã sử dụng từ nhiều năm rồi).

Dưới chế độ cộng sản còn có những sửa đổi cả gan hơn nữa là đổi tên các danh nhân tiền bối. Trong cuốn "Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam" của Nguyễn Q. Thắng (cái tên cũng còn mập mờ, ám muội) và Nguyễn Bá Thế do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội thực hiện năm 1987 và cả khi tái bản , các tác giả đã đổi những nhân vật họ Huỳnh thành Hoàng, Chu thành Châu, Vũ thành Vỏ v .v... Do đó trong từ điển có những danh nhân như Hoàng Thúc Kháng, Hoàng Tịnh Của, Châu Mạnh Trinh, Vỏ Ngọc Phan, Vỏ Trọng Phụng... Làm như vậy không những kỳ quặc mà còn là một điều bất kính với tiền nhân.

Một chế độ mà coi thường ngôn ngữ như thế thì nếu họ có đặt ra một quy định về chính tả chúng ta cũng không thể công nhận. Người Việt ở hải ngoại ra đi từ 1975 không phải là Việt kiều mà là những người tỵ nạn. Họ vẫn tôn thờ chính nghĩa quốc gia, vẫn tôn thờ lá cờ vàng ba sọc đỏ thì nếu trong nước có đặt ra những quy định về ngôn ngữ ta không phải lấy đó làm tiêu chuẩn để tuân hành mà điều gì nghe đươc thì áp dụng, chướng tai gai mắt thì bỏ qua.

Cuối năm 2002 trên Internet có một bạn vô danh bắt bẻ một nhà văn viết "chia xẻ" với chữ X mà ông ta cho là saị Một bạn khác dẫn chứng nhiều từ điển thì cũng có cuốn viết là "chia sẻ"với chữ S. Để đóng góp phần nào thống nhất cách viết trong khi chưa ai có thẩm quyền về chính tả riêng tôi không câu nệ sách Hà Nội, Sài Gòn xưa hay hải ngoại mà khi phân vân vẫn dựa theo hai cuốn "Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị" của Lê Ngoc Trụy xuất bản năm 1959 tại Sài Gòn và cuốn "Từ Điển Chính Tả Thông Dụng" của Nguyễn Kim Thản do nhà Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp xuất bản năm 1984. Tôi không tuyệt đối theo hai tác giả này vì có khi họ cũng mâu thuẫn nhau. Trong trường hợp đó đành dùng theo cách quen dùng từ xưa như một truyền thống. Và những tiếng miền Nam dược dùng rộng rãi trong một nửa nước với dân số đông hơn miền Bắc thì phải công nhận cả hai, không biết thì học, chứ không như Hà Nội miệt thị tiếng Nam là thổ ngữ.

Do đó thì những từ "chia sẻ" hay "giòng sông" đã dùng lâu rồi sao lại đổi làm chị Đó chỉ là một ước lệ. Nếu chữ "giòng" viết nhỏ trong một câu văn ta không chú ý nhưng nếu đã thành tên một tác phẩm in chữ lớn ngoài bìa như Giòng Dỏi (Học Phi), Bên Giòng Lịch Sử (Linh mục Cao Văn Luận), Giòng Lệ Thơ Ngây ( Thanh Nam), Giòng Sông Thanh Thuỷ (Nhất Linh), Dòng Sông Đinh Mệnh (Doãn Quốc Sỹ) thì đó là sự tự do lựa chọn của các tác giả, chúng ta chấp nhận cả hai mà không coi là sai.

Ở Việt Nam Cộng Hòa cho tới 30.4.75 về phía chính quyền đã từng có Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Phó Thủ Tướng Đặc Trách Văn Hóa... và ở những cộng đồng tị nạn cộng sản hải ngoại sau 1975 có lẽ vẫn chưa có ai dám áp đặt một chính tả cho tiếng Việt. Sách chính tả của Lê Ngọc Trụ hay của các giả Hà Nội dù nhiều cuốn công phu nhưng vẫn là những công trình của nhóm hay cá nhân, người viết chỉ tham chiếu những sách đó thấy điều gì vừa ý thì theo, trái ý thì thôi.

Tên một người do cha mẹ đặt ta không có quyền sửa tên người đó. Vi dụ thực tế trong QLVNCH của ta có trung tá Hồ Thị Vẻ, chỉ huy trưởng Trường Nữ Quân Nhân, sinh trưởng tại Thừa Thiên, tên bà đánh dấu hỏi (?) chứ không phải dấu ngã (~), bà có người em gái tên Vang, nhưng bạn bè nhiều người cứ gọi và đôi khi báo in tên bà là Vẽ (dấu ~) khiến bà rầu rĩ triền miên và mệt công đính chính. Cộng sản Hà Nội sau khi chiếm Sài Gòn đổi tên dường, kẻ bảng tên mới trong đó có đường Nhựt Tảo bị cưỡng bách kẻ lại là Nhật Tảo vì họ muốn dùng cường quyền tiêu diệt tiếng Nam, đồng hóa ngôn ngữ với miền Bắc như hành động của những kẻ ngoại xâm.

Tên một cuốn sách do tác giả đặt cho đứa con tinh thần của mình thì nó trở một danh từ riêng. Chúng ta phải tôn trọng danh từ riêng đó như tên người, tên đất mà không thể nhân danh cá nhân mình, nhân danh chính tả hay "tà tả" để sửa lại tên đó. Làm như vậy là vô tình dẫm phải vết xe của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, đồng tác giả Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam.

ĐẶNG TRẦN HUÂN
Tháng 12. 2002

ddpnv
#3 Posted : Thursday, March 24, 2005 4:22:17 AM(UTC)
ddpnv

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 7
Points: 0


CHUYỆN CẢI CÁCH TIẾNG VIỆT

ĐẶNG TRẦN HUÂN



Kể ra từ khi tiếng Việt được hình thành tới nay biết bao nhiêu nhà ngôn ngữ học và không ngôn ngữ học đề xướng thay đổi nó. Nhiều quá kể ra không xuể.

Khi tiếng Việt mới ổn định và đã có những tờ báo đầu tiên viết bằng tiếng Việt, nhà văn muốn cải cách tiếng Việt được nhiều người biết đến có lẽ là Nguyễn Trọng Thuật, tác giả tiểu thuyết Quả Dưa Ðỏ. Với cuốn Việt Văn Tinh Nghĩa xuất bản năm 1928, Nguyễn Trọng Thuật có nhiều nhận xét về tiếng Việt thời đó và đồng thời đề nghị một số cải cách nhưng những cải cách của ông bị văn phạm Pháp văn ảnh hưởng khá sâu đậm.

Thấy tiếng Pháp có số nhiều, số ít, giống đực, giống cái, ông đề nghị tiếng Việt cũng nên có những chữ câm đằng sau để phân biệt khi nghĩa khác nhau. Ví dụ chữ "kinh" có nhiều nghĩa khác nhau nên mỗi khi viết chữ kinh theo nghĩa nào phải viết khác nhau cho chính xác như viết kinhs sợ, kynhp đô, kynh Thánh, kinh nghiệm, v.v... Những đề nghị của Nguyễn Trọng Thuật chỉ gây thêm rắc rối phức tạp vì tất cả mọi nghĩa của chữ kinh khi đọc nguyên một câu văn hoặc có kèm theo một chữ khác là đủ nghĩa rồi. Do đó cuốn Việt Văn Tinh Nghĩa của ông dù có nhiều nhận xét, phân tách Việt ngữ rất hay nhưng những đề nghị của ông không được mấy người tán thành cả.

Ngoài Việt Văn Tinh Nghĩa của Nguyễn Trọng Thuật, Trần Trọng Kim soạn cuốn Việt Nam Văn Phạm (chung với Phạm Duy Khiêm và Bùi Kỷ) có những tiến bộ rõ rệt. Ngay trong bài tựa, Trần Trọng Kim đã công bố minh bạch rằng Việt ngữ là một ngôn ngữ đơn giản, không nên mô phỏng văn phạm Pháp văn để áp đặt cho tiếng Việt. Nhưng xét về nội dung Việt Nam Văn Phạm cũng chia ra danh từ, động từ, tỉnh từ ... Một ví dụ: ba chữ "cái nhà ở", Trần Trọng Kim cho là động từ vì có chữ ở. Thế nhưng khi cuốn Việt Nam Văn Phạm được dịch sang tiếng Pháp với tên Grammaire Annamite do Lê Thăng xuất bản thì "cái nhà ở" được dịch là "maison d'habitation" thì không thể coi là động từ được nữa.

Thành ra chủ trương không theo văn phạm Pháp khi soạn tiếng Việt nhưng vô hình trung các tác giả đã bị ảnh hưởng nặng nề văn phạm Pháp mà không hay. Y như bây giờ có khá nhiều nhà văn, nhà báo hải ngoại mặc dầu biết Việt cộng đã đặt ra những chữ rất ngô nghê, lố bịch nhưng khi viết thì vẫn vô tình lôi cuốn và dùng những chữ lố lăng mà cộng sản đã chế ra.

Sau Nguyễn Trọng Thuật và Trần Trọng Kim, nhiều lần vấn đề cải cách ngôn ngữ được đề ra. Cái trở ngại của tiếng Việt là năm dấu và những chữ cái mà vần Pháp ngữ không có trong khi chúng ta đang sống dưới thời thuộc Pháp. Có một dạo ngành bưu điện đã đề nghị và áp dụng thử những chữ Việt mà tiếng Pháp không có như "ưng ý", "ăn cháo" ... thay bằng "uung ý", "aan cháo" để dùng khi gửi điện tín. Ngành in cũng muốn bỏ năm dấu và thay những tiếng thuần túy Việt bằng chữ cái Pháp nhưng không thực hiện nổi mà vẫn phải dùng con chữ đúc riêng cho tiếng Việt không tinh xảo lắm để chờ tới khi kỹ thuật đúc chữ Việt Nam tinh vi hơn.

Tới nay máy điện toán (computer) được phát minh, các nhu liệu tiếng Việt được sáng chế kịp thời vấn đề sắp chữ không còn nữa. Nhưng tới thư điện tử (e-mail) thì gặp trở ngại khi không đọc được hết các loại tiếng Việt từ nhu liệu không thống nhất ở nhiều vùng khác nhau trên trái đất. Người dùng đành tùy tiện gửi e-mail cho nhau với nhu liệu tiếng Anh không đánh dấu. Khi nhận được một e-mail có câu như sau: "Bac Duong cuoi vo cho chau Hung ngay 7 tháng 3 vua qua. Tuy không xa nhung co chu Duong cung ve du dam cuoi." Người ngoài có thể biết có một người tên Duong mới làm đám cưới cho con nhưng chỉ người trong gia tộc mới hiểu được người anh tên là Ðường, hai vợ chồng người em là Dương và chủ rể là Hưng chứ nếu đoán sẽ có thể lộn hai tên Duong và Hưng với Hùng.

Phải chăng vì biết đưa ra đề nghị cải cách có nhiều người không theo nên có những cuộc cải cách được đề xướng và chính người đề xướng tự thực hành lối viết của mình để làm gương.

Vào thập niên 1960, khi in tập phiếm luận Chuyện Vô Lý của Lãng Nhân, nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn đã áp dụng lối viết các từ kép bỏ dấu nối và viết liền vào nhau như ânái, hạnhphúc, chínhchuyên, giađình, ...

Lối này mới trông cũng thấy ngồ ngộ nhưng không phải là không có trở ngại. Nếu những từ kép "ô mai", "phát hành", "bác sĩ thú y" mà viết liền thành "ômai", "pháthành", "bácsĩ thúy" người ta cũng có thể lộn với "ôm ai", "phá thành", "bác sĩ Thúy". Phải chăng thấy chuyện thí nghiệm này cũng gian nan nên bút ký Chuyện Vô Lý lần đầu chỉ in 160 bản tặng bạn bè và chuyện dính liền cũng rơi vào quên lãng một thời gian khá dài.

Nguyễn Hữu Ngư một mình một chợ đưa ra nhiều thay đổi cách viết tiếng Việt: như bỏ Y dài thay bằng I ngắn, bỏ phụ âm H trong GH, NGH ... Không ai nghe theo thì ông tự thực hành một mình. Ông bỏ tên Nguyễn Hữu Ngư của cha mẹ đặt để ký biệt hiệu là Nguiễn Ngu Í, Ngê Bá Lí đơn phương độc mã áp dụng lối viết ấy trong các tác phẩm của mình.

Sau năm 1975 ở hải ngoại cũng có nhiều tác giả đưa ra những cải cách có khi mới, có khi không. Về việc viết I ngắn thay thế Y dài hai nhà biên khảo Lê Hữu Mục, Nguyễn Ðình Hòa nêu lại vấn đề này và hỗ trợ nó. Có nhiều người không đồng ý chuyện thay đổi này nhưng có người yểm trợ và người yểm trợ mạnh mẽ nhất là Dương Ðức Nhự. Theo một bài đăng trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ, Wesminter (CA) số Xuân Kỷ Mão của Ðỗ Hữu và Diên Nghị (sau đăng lại có sửa chữa trên tạp chí Tinh Hoa, Minneapolis (MN) số tháng 10/99 với tên Ðức Cố và Diên Nghị), hai tác giả cho biết Dương Ðức Nhự không những yểm trợ chuyện thay thế Y dài do Lê Hữu Mục và Nguyễn Ðình Hòa theo đuổi mà còn đề nghị cả chuyện viết dính liền, bỏ phụ âm, hoặc du nhập chữ cái F, J, W, Z. Ông đề nghị viết "ngẫm ngĩ", "ngễnh ngãng", "gồ gề" thay cho "ngẫm nghĩ", "nghễnh ngãng", "gồ ghề"; viết "zễ zàng", "zu zương" thay cho "dễ dàng", "du dương"...

Nhà thơ Diên Nghị và Ðức Cố hẳn cũng không tán thành lối cải cách của ông Dương Ðức Nhự khi đưa ra thí dụ chép truyện Kiều như sau:

Trăm năm trong kõj người ta,
Cữ tài, cữ mệnh qwé là gét nhaw.
Trải kwa một kuộk bể zâu
Những diềw trông thấj mà daudớn lòng
Lạ jì bỉsắc tưfong,
Trời xanh kwen thój má hồng dánh gen.
Kảw thơm lần jở truớk dèn
Fongtình kổlụk kòn trwiền sử xanh ...

Có thể bị ám ảnh về kiến thức uyên bác của mình, về những điều đã dày công học hỏi và nghiên cứu nên thạc sĩ ngôn ngữ học Dương Ðức Nhự thấy cần phải thay đổi một cái gì mà ông cho là mới chăng? Nhưng thực ra những cải cách của giáo sư Nhự tưởng là mới lại không có gì là mới cả. Viết toàn I ngắn thì đã có từ khi Paulus Của viết tên ông là Huình Tịnh Của vào cuối thế kỷ 18. Nguyễn Hữu Ngư cũng chỉ làm công việc lập lại. Còn cộng sản Hà Nội thì quen cách cai trị theo lối độc tài nên đã ra hẳn một pháp lệnh về việc thay đổi I ngắn, Y dài.

Cách viết tiếng Việt với những chữ cái la tinh F, J, W, Z, thì ông Hồ đã thực hiện và lần cuối cùng là trong chính di chúc viết tay của ông đã có những chữ "nhân zân", "fe xã hội chủ nghĩa", "fục vụ"... Lối viết đó được đàn em bợ đỡ, điển hình nhất là Nguyễn Kim Thản, Viện Trưởng Viện Ngôn Ngữ Học đã tâng bốc như sau: "Ngay từ khi viết Ðường Kách Mệnh, người đã dùng F thay cho Ph, Z thay cho Ðược và G, dùng K thay cho C, hoặc bỏ H trong GH và NGH. Những người làm công tác ngôn ngữ học ngày nay ở nước ta vô cùng khâm phục những sự sửa đổi nói trên của Bác. Thiên tài và sự vĩ đại của Bác biểu hiện ở từng việc làm, từng chủ trương cụ thể như vậy đó." (Tiếng Việt của chúng ta, nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1983 trang 40).

Di chúc viết tay của ông Hồ với cách viết lố lăng như trên đã được chụp lại in trong báo Nhân Dân sau khi ông chết và năm 1976 cũng bút tích ấy trong cuốn Chủ Tịch Hồ Chí Min, Tiểu Sử và Sự Nghiệp do Ban Nghiên Cứu lịch sử Ðảng Trung Ương biên soạn. Sự thay đổi chữ nghĩa đó sau này đã được ban hành bằng một pháp lệnh của chính quyền và được thực hiện trong Từ Ðiển Tiếng Việt (Hoàng Phê) từ ấn bản 1988 và trong Ðại Từ Ðiển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý) do Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo xuất bản năm 1998. Cách viết dính liền những từ kép thì cũng là lập lại điều mà Nam Chi Tùng Thư đã làm từ năm 1962 mà không ai theo.

Sống ở Mỹ ảnh hưởng lối viết cắt xén chữ nghĩa trong ngôn ngữ nên đã có khá nhiều người lên tiếng hoặc tự cải cách tiếng Việt theo một lối riêng mà mạnh mẽ nhất là viết tắt. Nhà thơ Du Tử Lê sau những sáng kiến về thơ gạch chéo cũng đã ch in hẳn ra ngoài bìa sách của ông cái tên với chữ thật lớn "K. Khúc Của Lê" mà không viết ca khúc như thường lệ. Báo Văn Nghệ Tiền Phong đã từng lên tiếng châm biếm lối viết tắt này khi đưa ra những "dự phóng" (đao to búa lớn ch nó oai):

K nhac, H hong, C xich
Chan minh nhung lam b b
Lai cam bo duoc ma d chan nguoi

Những người ủng hộ lối viết tắt lý luận rằng người Mỹ viết Toy R Us (chữ Rồi viết ngược), BBQ, U R here, Open on Nite thay cho Toys are us, You are here, Open all night mọi người vẫn hiểu. Không những viết mà khi đọc họ cũng bỏ những khuôn mòn sáo cũ. Khi nói về "Quân Ðoàn Một" họ viết chữ số La Mã "I Corps" nhưng khi đọc họ đâu cần đọc First Corps hay Corps One mà đọc là Ai Co. Nước Mỹ là cường quốc bậc nhất thế giới tại sao ta không bắt chước họ cho tiện lợi?

Nghĩ cho cùng thì những cách viết lạ lùng khác thường ở Mỹ cũng thường chỉ thấy trong những bảng hiệu, trong những quảng cáo thương mại. Ở một quốc gia tư bản tự do, cạnh tranh kịch liệt thì các chuyên viên quảng cáo chỉ nghĩ làm sao cho mọi người chú ý, làm sao lôi kéo được sự tò mò, lôi kéo nhiều khách hàng nghĩa là mang lại nhiều lợi lộc. Nếu không có luật lệ hạn chế thì quảng cáo thương mại có thể sử dụng mọi hình thức dù lố bịch, vô luân, bạo lực, dâm đãng để làm sao kiếm được nhiều tiền. Nếu đúng như vậy có lẽ cũng chẳng nên dễ dãi thu nhập vào văn chương chữ nghĩa tiếng Việt để coi như một cải cách tân kỳ.

Tiếng Việt có ưu điểm của nó nhưng cũng làm cho những người ngoại quốc muốn nghiên cứu phải bối rối về việc sử dụng uyển chuyển các từ ngữ mà chẳng cần văn phạm và năm dấu Việt độc đáo không có trong ngôn ngữ nào trên thế giới.

Có thể vì lẽ đó tác giả Phụng Nghi trong cuốn "100 Năm Phát triển tiếng Việt" (nxb Văn Nghệ, 1999) đã dành hẳn một chương để bàn chuyện có nên bỏ một trong hai dấu hỏi (?) ngã (~) tiếng Việt không? (Trang 137). Ông dẫn chứng ba khuynh hướng khác nhau về vấn đề này là khuynh hướng chỉ dùng một dấu trên toàn quốc, khuynh hướng dùng một dấu riêng tại miền Nam và khuynh hướng giữ nguyên trạng không cần thay đổi. Vấn đề đáng nói nhất là khuynh hướng đầu được báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1990 là hai dấu hỏi ngã nên nhập chung làm một cho tiện, hỏi ngã gì cũng được. Ý kiến của tác giả bài báo thật dễ dãi nhưng khó chấp nhận và thực tế thì đã chín năm trôi qua chưa có ai tán thành đề nghị đó. Nếu chỉ vì ngại khó mà cứ đọc sao viết vậy thì chữ nghĩa không còn là chữ nghĩa nữa. Hai dấu hỏi và ngã có nghĩa khác nhau, dùng trong những trường hợp khác nhau không thể đồng hóa thành một được.

Nếu câu nói: "Anh nỡ bỏ cô ấy mà không nghĩ tới tình nghĩa những năm qua sao?" mà viết toàn một dấu hỏi là "Anh nở bỏ cây ấy mà không nghỉ tới tình nghỉa nhửng năm qua sao?" Thì chắc cả trăm năm nữa cũng khó có thể quen tai. Nếu báo thanh Hồ chủ trương viết một dấu cho dễ thì cũng nên theo những anh bộ đội nói ngọng không phân biệt được hai chữ L và N., mà bỏ một chữ L đi. Khi đó học trò viết Nu nàng nu nống cái Bống nằm trong cái Ong nằm ngoài hoặc là Não nính nệ nàng Náng nên nàng Nủ nấy nòng nơn nuôn nuôn đều được coi là đúng chính tả. Và nhân tiện cũng bắt chước giọng đọc của người miền Nam tất cả những chữ bắt đầu bằng Việt đầu viết thành Ðược cho tiện việc mặc dầu trong Nam đồng bào dù đọc Ðược nhưng vẫn viết V trúng phóc, (la ve). Cũng như không thể viện cớ thông tin trung thực, vô tư để khi rỗi rãi ngồi ghi âm hai người nói chuyện gẫu rồi cứ thế ghi chép lại nguyên văn in thành sách, chắc chắn tác phẩm này phải dày cả nghìn trang với đầy rẫy thì, mà, à, ờ, ừ, và nhiều khi còn chửi thề, nói tục.

Học chữ hay muốn nói cho đúng thì cũng phải chịu khó nên không thể ngại khó mà đơn giản hóa quá mức đến thành thiếu sót, thiếu nghĩa. Không thể viện cớ đơn giản để mà đưa đề nghị bắt chước người Mỹ chỉ cần xưng hô bằng hai tiếng I, You cho tiện để bỏ hết những từ ông, bà, cô, bác, chú, thím, cậu, dì, ... thân thương, độc đáo của Việt ngữ.

Vấn đề cải cách một ngôn ngữ không phải là một chuyện dễ dàng. Người Trung Hoa hẳn cũng biết chữ viết của họ phức tạp, bất tiện nhưng không hề nghĩ tới chuyện la tinh hóa chữ Hán mà chỉ thay đổi Hán tự từ văn ngôn ra bạch thoại cho đơn giản hơn thôi. Người Nhật mạnh dạn hơn đã đặt ra một cách viết tiếng Nhật bằng chữ cái la tinh gọi là romaniji được chính quyền tích cực truyền bá nhưng cho tới nay có lẽ vẫn chưa có sách Nhật in bằng tiếng Nhật cải cách romaniji. Họ vẫn yêu thích lối chữ Nhật hiện hành, hình thức hơi giống chữ Hán nhưng ít nét và không rườm rà.

Việc thay đổi chữ viết có ảnh hưởng tới kho tàng thư tịch của các dân tộc nên khó bề thực hiện. Giả thử có một nền văn học lâu đời như Trung Quốc, nếu thay đổi chữ Hán bằng chữ la tinh thì phải có một đội ngũ hùng hậu người mình dịch các áng văn của mình sang chữ mới của chính mình. Học giả Hoàng Xuân Hãn chắc chắn đã nghiên cứu những đề nghị cải cách tiếng Việt của các tác giả trước ông, đã biết sự khó khăn khi cải cách nên năm 1942 ông đã viết trong cuốn Danh Từ Khoa Học rằng: "Tiếng hiện thời của các nước đều đầy những sự vô lý. Nhưng đố ai cải cách nó được."

Ðể kết luận vấn đề ngôn ngữ, chúng tôi thiết nghĩ tiếng Việt hiên nay đã sử dụng được trong bậc đại học, đã có những thuật ngữ diễn đạt được những vấn đề chuyên môn, khó khăn mà không gặp trở ngại nên có thể tự hào về ngôn ngữ hiện tại. Công việc cần của chúng ta là bảo tồn ngôn ngữ ấy sao cho tiếp tục trong sáng mà đừng chế ra những cải cách lai căng làm vẩn đục tiếng Việt như Hà Nội đã làm. Việc thay đổi chỉ nên thực hiện khi thật sự cần thiết cho việc diễn đạt tư tưởng, hay cải đổi những phi lý rõ rệt mà không nên quá dễ dãi để a dua, mô phỏng nhất thời ngôn ngữ nước ngoài với mục đích làm duyên khiến cho mất sự đơn giản nhưng phong phú và uyển chuyển của tiếng Việt chúng ta.

ĐẶNG TRẦN HUÂN

Tonka
#4 Posted : Thursday, March 24, 2005 4:44:15 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Các bài viết thật hay Cooling
ddpnv
#5 Posted : Thursday, March 24, 2005 6:10:15 AM(UTC)
ddpnv

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 7
Points: 0


CÂU CHUYỆN TỪ ÐIỂN VIỆT NAM

ĐẶNG TRẦN HUÂN



Bất cứ nước nào đã tự hào là có một nền văn hóa là phải có một cuốn tự điển để chuẩn xác cho ngôn ngữ của quốc gia mình hầu tránh sự dùng chữ bừa bãi, lố lăng hay lai căng, vay mượn. Chữ quốc ngữ sau khi thành hình không lâu đã có ngay một cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên của Paulus Huỳnh Tịnh Của, cuốn Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị xuất bản cuối thế kỷ 19.

Dựa theo cuốn tự điển đầu tiên này nhiều tự điển và từ điển Việt Nam khác được các tác giả sau này biên soạn. Trước 1975, hai cuốn thông dụng trong Nam là Việt Nam Từ Ðiển của Hội Khai Trí Tiến Ðức và Việt Nam Từ Ðiển của Lê Văn Ðức. Phía nhà cầm quyền cộng sản sau 1946 không biên soạn tự điển tiếng Việt nào. Cho tới khi cộng sản chiếm hoàn toàn miền Nam Việt Nam năm 1975 cuốn từ điển thông dụng của họ chỉ có Từ Ðiển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên. Bộ Bách Khoa Tự Ðiển Việt Nam mà Hà Nội quảng cáo từ lâu cho tới nay hình như vẫn còn trong dạng dự thảo mấy vần đầu A, B, C mà thôi.

Có nhiều tác giả thường khen Hà Nội có những công trình khảo cứu văn học công phu hơn Việt Nam Cộng Hòa vì nhà cầm quyền cộng sản chịu bỏ ra những ngân quỹ lớn cho việc biên khảo và huy động nhiều nhân lực. Ðiều này có thể đúng với một số tác phẩm nhưng không đúng với tất cả vì các nhà biên khảo Hà Nội vô tình hay cố ý còn nặng về tuyên truyền, và phải hướng mọi nghiên cứu của họ theo đường lối chỉ thị của đảng cộng sản nên trở thành thiếu vô tư.

Ví dụ đơn giản là cuốn biên khảo Người Anh Hùng Làng Dóng của Cao Huy Ðỉnh nói về huyền thoại thánh Gióng (Phù Ðổng Thiên Vương) cả hàng nghìn năm trước mà cũng xen kẽ vào những đoạn tuyên truyền chống Mỹ cứu nước khiến ta có cảm tưởng như ăn cà rem mà lại thêm gia vị... mắm tôm.

***

Trong cuốn Từ Và Vốn Từ Tiếng Việt do nhà xuất bản Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội phát hành năm 1986, tác giả Nguyễn Văn Tu viết rằng từ trước tới nay Việt Nam chỉ mới có sáu cuốn từ điển tiếng Việt mà ông gọi là từ điển một ngôn ngữ. Tác giả liệt kê những từ điển có trước 1945 như cuốn từ điển của Huỳnh Tịnh Của, Việt Nam Tự Ðiển của Hội Khai Trí Tiến Ðức tới Từ Ðiển Học Sinh của nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội và kể thêm một cuốn thời Việt Nam Cộng Hòa của Ðào Văn Tập xuất bản tại Sài Gòn.

Sau đó, cũng tác giả Nguyễn Văn Tu cho nhà xuất bản Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghịệp, Hà Nội in cuốn Các Nhóm Từ Ðồng Nghĩa Trong Tiếng Việt, khi liệt kê các từ điển Việt Nam có ghi thêm Từ Ðiển Tiếng Việt Phổ Thông của Viện Ngôn Ngữ Học nhưng cả hai cuốn sách của ông Tu đã dẫn đều không hề nói tới cuốn từ điển của Lê Văn Ðức.

Việt Nam Từ Ðiển của Lê Văn Ðức được biên soạn trong mười năm với sự hiệu đính của nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, in trong ba năm và tới năm 1970, nhà xuất bản Khai Trí mới cho ra mắt tại Sài Gòn. Bộ từ điển gồm hai cuốn khổ lớn, chữ nhỏ dày tổng cộng 2515 trang có đầy đủ phần định nghĩa thông thường và các phần nhân danh, địa danh, tục ngữ, thành ngữ, điển tích...

Chẳng lẽ Nguyễn Văn Tu là một giáo sư nhiều năm, đã từng viết sách về ngôn ngữ mà không biết tới bộ từ điển đồ sộ Lê Văn Ðức. Thực ra thì ông Tu biết nhưng hoặc là theo chỉ thị hoặc là tự ý ông muốn dìm những tác phẩm của miền Nam chăng vì cho rằng cái gì xuất hiện ở miền Nam đều vô giá trị.

Ðiều nhận xét này không võ đoán mà chỉ là nhận xét về đường lối của Việt cộng xưa nay vẫn cố tình lờ đi những công trình của miền Nam.

Ví dụ về truyền hình, Việt cộng phổ biến và giảng dạy rằng truyền hình Việt Nam chỉ có từ năm 1970 là năm Hà Nội bắt đầu có đài, một tuần phát hình hai ba lần, mỗi lần vài chục phút. Trong khi tại Việt Nam Cộng Hòa đã có truyền hình từ năm 1966 khi đài phát đặt trên một phi cơ lượn trên không phận Sài Gòn trong thời gian chờ đài dưới đất đang xây cất dở đang.

Nói tới lịch sử điện ảnh thì cộng sản chỉ kể từ những phim đèn chiếu (phim tranh vẽ chỉ có hình, không cử động) sau 1946 khi họ chạy vào rừng, rồi tới phim phóng sự vài chục phút Nước Về Bắc Hưng Hải mà không nói gì tới những phim Việt Nam vùng quốc gia như Cánh Ðồng Ma, Trận Phong Ba hay Kiếp Hoa.

Sách viết về lịch sử mỹ thuật hay âm nhạc chẳng hạn, họ sẵn sàng bôi tên những họa sĩ, những nhạc sĩ có tên tuổi từ trước 1945 nếu những nghệ sĩ tài danh đó đã ở lại hoặc trở về vùng quốc gia không theo họ, cùng ở với họ trên rừng già Việt Bắc.

***

Trở lại chuyện tự điển, sau hiệp định Geneva 1954, cộng sản chính thức trở về tiếp thu Hà Nội cũng chưa có thì giờ lo chuyện này. Tới sau ngày 30.4.75 chiếm được Sài Gòn cán bộ văn hóa Hà Nội vào Sài Gòn còn ào ào vơ vét các loại từ điển song ngữ Anh - Việt, Pháp - Việt, Hán - Việt mà Hà Nội không có.

Về tiếng Việt mãi tới năm 1963, Hà Nội mới soạn xong cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên, rồi tới năm 1967 mới phát hành. Cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt này do Văn Tân chủ biên với thành phần biên soạn gồm 13 người trong đó có những nhà trí thức, học giả quen tên từ lâu như Nguyễn Tấn Gi Trọng, Ngụy Như Kontum, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng...

Dưới chế độ Cộng sản, ngôn ngữ Việt tại miền Bắc đã có nhiều tiếng mới rất xa lạ với tiếng Việt bình thường. Lấy ví dụ ngay trong cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt của Văn Tân ta đã bắt gập những chữ lạ tai có nghĩa khác hẳn nghĩa thông thường mà người Việt đã dùng trước khi cộng sản Việt ra công khai năm 1945.

Xin đan cử vài ví dụ :

- lô gích: hợp với luận lý.
- quá độ: thời gian chuyển tiếp giữa hai thời kỳ.
- hồ hởi: cởi mở, vui vẻ, phấn khởi.
- đường kính: thứ đường ăn đã tinh chế thành tinh thể màu trắng.
- lái xe: người điều khiển tay lái cho xe ô tô chạy (dùng động từ làm danh từ).
- sự cố :nguyên nhân sinh ra việc biến.
- công nghiệp: phương thức dùng máy móc biến hóa nguyên liệu thành vật dụng hoặc thành công cụ.

Trong Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân) nhiều tiếng Việt gốc Hán đã Việt hóa cho ngôn ngữ thêm phong phú thì các tác giả tự điển lại cho là lộn xộn và chủ trương loại bỏ nhiều từ thông dụng. Về điểm này các tác giả viết trong Lời Nói Ðầu: "Cái hiện tượng thiếu ngăn nắp trong tiếng Việt kể ra thì còn nhiều." Cũng trong bài này, khi giải thích cách xếp đặt từ theo thứ tự nào, họ viết: "Về trật tự ABC chúng tôi theo đúng trật tự của vần chữ quốc ngữ Việt."

Ngôn ngữ của một dân tộc có phải là một cái tủ áo đâu mà gọi là một ngôn ngữ thiếu ngăn nắp. Và khi sắp xếp chữ theo vần A, B, C sao không gọi là theo thứ tự mà lại dùng hai chữ trật tự như khi xếp ngôi vị các đảng viên trong Bộ Chính trị, hay hô hào trật tự trong một đám biểu tình tiền chế để hoan hô lãnh tụ. Họ hô hào làm cho tiếng Việt trong sáng nhưng chính những người làm tự điển lại làm mù mờ và nghèo nàn thêm tiếng Việt.

***

Cho tới trước năm 1967, ở trong Nam và có thể cả ngoài Bắc khi cần kê cứu tiếng Việt vẫn phải dùng tạm cuốn Việt Nam Tự Ðiển do Hội Khai Trí Tiến Ðức (Ban Văn Học) Hà Nội biên soạn và nhà in Trung Bắc Tân Văn in năm 1931. Cuốn này dày khoảng 700 trang, được tái bản nhiều lần và được dùng rộng rãi vì cuốn từ điển Huỳnh Tịnh Của thì quá cổ cả về định nghĩa và cách viết nên chỉ còn dùng để nghiên cứu mà thôi.

Việt Nam Tự Ðiển của Hội Khai Trí Tiến Ðức còn thiếu sót nhiều (Ví dụ chữ sen chỉ có định nghĩa là một loài cây dưới nước mà thiếu định nghĩa thông thường nữa là cô giúp việc trong gia đình) nên miền Bắc năm 1967 có Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân) và miền Nam năm 1970 có Việt Nam Từ Ðiển của Lê Văn Ðức thay thế.

Viện Ngôn Ngữ Học của Hà Nội xúc tiến việc soạn thảo một cuốn tự điển Việt Nam mới, và tới năm 1988 nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội in xong tại thành phố Hồ chí Minh với tên là Từ Ðiển Tiếng Việt. Sách dày 1206 trang do Hoàng Phê chủ biên. Theo lời giới thiệu ở đầu sách, Từ Ðiển Tiếng Việt là một cuốn từ điển đầu tiên của Việt Nam do một tập thể cán bộ ngôn ngữ biên soạn. Tập thể này gồm 17 người so với cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân) thì tập thể của Từ Ðiển Tiếng Việt (Hoàng Phê) đông hơn tới bốn người nhưng không có những học giả quen tên lâu đời như trường hợp từ điển Văn Tân mà toàn là những tên lạ.

Trong lá thư đề ngày 7.3.1987 in trên đầu sách, thủ tướng Phạm Văn Ðồng khen ngợi bộ biên tập, tán dương cuốn sách này là chuẩn hóa tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt.

Cho tới nay từ điển Hoàng Phê đã được tái bản nhiều lần và cuốn mới nhất chúng tôi được thấy là ấn bản 1996. Khi biên sọan Từ Ðiển Tiếng Việt (Hoàng Phê), các tác giả đã tham chiếu các từ điển trong Nam, ngoài Bắc nên có một số ưu điểm và mới mẻ hơn nếu so với Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân) hoặc Việt Nam Từ Ðiển (Lê Văn Ðức).

So với cuốn Văn Tân, từ điển Hoàng Phê có nhiều từ hơn. Chẳng hạn hai từ thanh nhạc và lâm sàng là hai từ mà báo chí cộng sản thường dùng, từ điển Hoàng Phê có giải nghĩa nhưng từ điển Văn Tân không có và từ điển Lê Văn Ðức cố nhiên không có vì hình như trong Nam không ai dùng hai từ này. Về thành ngữ có từ đầu" đứng trước Văn Tân có 14 thành ngữ như đầu cua tainhe nheo, đầu trâu mặt ngựa... nhưng thiếu đầu Ngô mình Sở. Hoàng Phê có đầy đủ hơn nhưng nếu so với Lê Văn Ðức thì không thấm vào đâu vì trong Việt Nam Từ Ðiển (lê Văn Ðức) có tới 44 thành ngữ với từ "đầu" đứng trước.

Về cách định nghĩa, tự điển Hoàng Phê biên soạn gọn gàng và chính xác. Tuy nhiên cũng còn nhiều trường hợp cần bàn bạc. Chẳng hạn từ trước tới nay khi định nghĩa chữ "cây" các tác giả thường thường theo cách định nghĩa chữ tree hay arbre trong tiếng Anh và tiếng Pháp. Và ghi cây là thực vật có lá, thân mộc, thẳng. Ðịnh nghĩa như thế thì hồng, cúc, bầu, bí không được gọi là cây nữa vì chúng làm gì có thân mộc và không thẳng. Trong từ điển Hoàng Phê và Văn Tân cây được định nghĩa là thực vật có thân lá rõ rệt. Vậy nếu tra chữ "tơ hồng" trong từ điển Hoàng Phê thì giống thực vật không có lá rõ rệt này vẫn được gọi là cây. Theo Lê Văn Ðức thì cây là tất cả loài thực vật biết ăn phân, chịu sương nắng, sống, lớn và sinh sản. Ðịnh nghĩa như thế thì lại quá dài dòng.

Từ "ly" trong Nam thay từ "cốc" ngoài Bắc, từ điển Văn Tân định nghĩa ly là cốc pha lê nhỏ. Từ điển Hoàng Phê định nghĩa là cốc nhỏ để uống rượu. Thực ra cốc và ly chỉ là hai tiếng của hai miền Nam và Bắc chỉ chung một đồ dùng, chứ cốc và ly không hề khác nhau như mèo và hổ. Trong trường hợp này ở từ ly có thể ghi "xem từ: cốc" và khi ở từ cốc sẽ mô tả rõ ràng và chính xác hơn, tránh rườm rà làm sai nghĩa.

Văn Tân giảng là cốc pha lê nhỏ, Hoàng Phê thêm cốc dùng để uống rượu. Vậy thì những cái cốc làm bằng nhôm, bằng chất dẻo, bằng thủy tinh và mang ra uống nước cam, nước trà mà không uống rượu thì không được gọi là "ly" hay sao?

Về chính tả, từ điển Hoàng Phê viết li với chữ i ngắn và có giải thích là sở dĩ họ dùng i ngắn là tuân hành quyết định ngày 5.4.1984 của Bộ Giáo Dục. Cái kiểu ra sắc lệnh bắt phải viết thế này thế nọ là một lề thói quen dùng của các chế độ cộng sản. Tuy nhiên có lẽ thấy cách dùng i ngắn nó ngô nghê quá và quyết định của Bộ Giáo Dục cũng phi lý nên nhiều tác giả chẳng nghe theo. Trong cuốn Từ Ðiển Chính Tả Thông Dụng của Nguyễn Kim Thản do nhà xuất bản Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội in năm 1985 (sau quyết định của Bộ Giáo Dục) tác giả vẫn viết và khuyên nên viết ly , cụng ly với chữ y dài như dân ta vẫn dùng từ xưa tới nay, và cũng là mặc nhiên không coi quyết định của Bộ ra sao cả.

Một điểm nữa là từ điển Hoàng Phê còn rất nhiều từ nguyên văn Anh , Pháp. Từ volt trong từ điển Hoàng Phê được giữ nguyên tiếng Anh với định nghĩa đơn vị đo hiệu thế, điện thế. Ta cũng thấy nhan nhản những từ nguyên văn ngoại quốc khác rồi giảng nghĩa bằng tiếng Việt như logarithm, clinker, logic v.v... xếp thẳng hàng với những chữ Việt trong một cuốn từ điển mang danh là Từ Ðiển Tiếng Việt. Chúng tôi nghĩ việc định nghĩa những tiếng Anh, Pháp như trên là công việc của từ điển song ngữ Anh - Việt chứ không phải là công việc của nhóm Hoàng Phê. Trừ những tiếng Anh, Pháp đã Việt hóa và viết theo lối Việt như ô tô, sà bông, xe tăng chẳng hạn, chúng tôi thấy cách làm của từ điển Văn Tân khi ghi theo lối Việt như ga men, lô ga rít, vôn, vôn kế, lô gích, ác mô ni ca... rồi giảng nghĩa những từ này bằng tiếng Việt hợp lý hơn. Còn nếu làm như Hoàng Phê là ghi cả clinker, logic... sao chẳng ghi luôn school, book, maison, amour... cho từ điển Việt Nam phong phú, nhiều từ nhất thế giới.

Một điểm khác cần bàn cãi là địa vị tiếng Việt miền Nam mà Hoàng Phê có ý muốn loại bỏ. Trong Từ Ðiển Tiếng Việt (Hoàng Phê) có rất ít từ miền Nam. Khi giảng giải những từ vô (vào), mền (chăn), mùng (màn)... các nhà soạn từ điển thuộc Viện Ngôn Ngữ Học đã ghi chú là phương ngữ tức là thổ ngữ địa phương. Thiết nghĩ một từ nếu chỉ thông dụng ở một địa bàn thật nhỏ hẹp như cấp tỉnh chẳng hạn thì gọi là thổ ngữ được, nhưng trường hợp những chữ như vô, mùng, mền được đồng bào trên cả một lãnh thổ bát ngát từ Quảng Trị tới Cà Mau đều nói và hiểu mà chỉ coi là thổ ngữ thì người ta có thể ngờ rằng tập thể soạn giả từ điển Hoàng Phê có tinh thần tự tôn, địa phương hay kỳ thị. (Trong từ điển Văn Tân có các từ màn, mùng, mền... mà không hề ghi là phương ngữ.)

Ngoài Bắc ai ai cũng hiểu những từ vừng, lạc, bít tất, hoa đại Xiêm... mà d?ng bào trong Nam ch? hi?u du?c khi g?i là mè, d?u ph?ng, v?, bơng s? Thái Lan. Tuy v?y trong Việt Nam Từ Ðiển của một người, Lê Văn Ðức, vẫn có những chữ vừng, lạc, tất... ghi như là tiếng nói chung của quốc gia. Nếu ông Lê Văn Ðức, người Nam, mà lại ghi vừng, lạc, tất... là thổ ngữ thì độc giả miền Bắc sẽ nghĩ sao?

Có thể vì quan niệm phương ngữ của nhóm Hoàng Phê quá khắt khe nên rất nhiều từ thông dụng trong Nam bị coi như không có trong ngôn ngữ Việt. Có thể dẫn chứng là trong Từ Ðiển Tiếng Việt ấn bản đầu tiên từ la ve mà đồng bào trong Nam thường đọc là la de, dùng thay cho từ bia của miền Bắc đã bị loại bỏ không được nhắc nhở. Sau khi từ điển phát hành, trên báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh số 528 - 15.4.1988 đã có người nêu lên sự bất công này nên ở ấn bản 1994, 1996 của từ điển Hoàng Phê mà chúng tôi được thấy đã bổ túc sự thiếu sót đó. Tuy nhiên từ la ve và tất cả từ miền Nam thông dụng khác nếu có trong các ấn bản mới của từ điển Hoàng Phê vẫn được các soạn giả giữ vững lập trường coi là chúng là những thổ ngữ chẳng đáng lưu tâm.

Vì người ngoài Bắc không lưu tâm tới hai thổ ngữ la ve nên khá nhiều nhà văn có tiếng miền Bắc đã phạm lỗi chính tả sơ đẳng khi viết là la de hai từ quá thông dụng này của miền Nam. Vũ Thị Thường trong Câu Chuyện Bắt Ðầu Từ Những Ðứa Trẻ do nhà xuất bản Tác Phẩm Mới , Hà Nôi in năm 1977 , Dương Thu Hương trong Những Bông Bần Ly cũng do Tác Phẩm Mới xuất bản năm 1981 và bao nhiêu nhà văn miền Bắc khác cho tới bây giờ vẫn viết la de với chữ D như những văn hào lói ngọng.

Nếu từ la ve và những từ miền Nam khác được ghi trong từ điển, trong các sách văn phạm chắc nhiều tác phẩm hay đã tránh được những viên sạn, cắn phải ê răng.

***

Soạn một cuốn từ điển cho có giá trị không phải là chuyện dễ mà đòi hỏi công sức của nhiều người, thời gian của nhiều năm.

Nhưng vẫn phải làm vì tương lai của một ngôn ngữ luôn luôn phải chuẩn hóa, phải gìn giữ cho trong sáng, chọn lọc thêm từ ngữ cho chính xác và phong phú. Người Pháp, người Mỹ hãnh diện với những Petit Larousse, Petit Littré hay Webster, American Heritage không cồng kềnh như các bộ từ điển bách khoa, chỉ khoảng hai ngàn trang mà đầy đủ và chính xác, lẽ nào Việt Nam không có một cuốn từ điển cho đầy đủ dùng được cho toàn quốc, cả hai miền Nam, Bắc.

Việc đó chúng tôi nghĩ Hà Nội có thể làm được nếu các soạn giả chịu lắng nghe những ý kiến xây dựng và gạt bỏ sự tự tôn, gạt bỏ tư tưởng địa phương hay kỳ thị.

ĐẶNG TRẦN HUÂN
6.1998

tthhth
#6 Posted : Thursday, April 14, 2005 11:23:18 PM(UTC)
tthhth

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4
Points: 0


NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA

DIỆU TẦN



Văn hóa và ngôn ngữ có liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở văn hóa và văn hóa chứa đựng trong ngôn ngữ. Người ta đã nói rằng ngôn ngữ và văn tự là kết tinh của văn hóa dân tộc, nhờ ngôn ngữ và văn tự để được lưu truyền và trong tương lai, nền văn hóa cũng nhờ vào ngôn ngữ để phát triển. Sự biến đổi và phát triển ngôn ngữ lại luôn luôn đi song song với biến đổi và phát triển văn hóa. Vậy muốn nghiên cứu sâu về văn hóa phải nghiên cứu ngôn ngữ, và tất nhiên muốn đi sâu vào ngôn ngữ phải chú tâm đến văn hóa. Điều đó được thể hiện rõ ràng trong trường hợp tiếp xúc giao thiệp văn hóa mà hai bên (khác dân tộc, khác quốc gia) có bối cảnh văn hóa khác nhau.

Thông thường thì trình độ sử dụng một ngôn ngữ như một ngoại ngữ (khả năng nghe, nói, đọc và viết, mà nghe là quan trọng nhất) được quyết định bằng hai yếu tố: Sự am hiểu về ngôn ngữ đó và sự hiểu biết về kiến thức văn hóa trong bối cảnh của ngôn ngữ đó. Khi một người đã nắm được đầy đủ những kiến thức ngôn ngữ mà vẫn không giải thích thỏa đáng được ngoại ngữ là vì họ không có đủ kiến thức về bối cảnh của ngôn ngữ đó. Do sự khác biệt về óc thẩm mỹ, cách suy tư, quan niệm giá trị, đặc trưng tâm lý và tập quán của từng dân tộc, cách giải thích và diễn đạt cùng một sự vật cũng sẽ khác nhau. Cho nên có khó khăn hoặc có khi dẫn tới sự hiểu lầm trong tiếp xúc là lẽ đương nhiên.

Chúng tôi xin nêu một số trường hợp đáng chú ý sau đây:

CÁCH THỨC ĐỐI THOẠI

l. Chào hỏi

Người Việt Nam và người Á đông có thói quen (thói quen, tập quán là văn hóa) chào nhau bằng cách hỏi: ông ăn cơm chưa?; bác đi đâu đấy?; Bà đang làm gì đấy? Hỏi mà không cần nghe câu trả lời, đó chỉ là cách thức chào, không phải thật sự muốn biết người được hỏi ăn cơm chưa; đi đâu; hay đang làm gì. Khi trả lời, người ta có thể đáp lại một cách không đích xác, hoặc không trả lời. Nếu dịch những câu hỏi trên sang tiếng Anh, tiếng Pháp thì sẽ là những câu hỏi rõ ràng, cần phải trả lời. Nếu chúng ta chào hỏi người Pháp người Mỹ những câu như thế có thể có sự hiểu lầm , vì họ chào nhau bằng những câu như: Bon soir, Good morning... Trái lại với chúng ta khi muốn chào như thế, chúng ta không cần phải nói rõ là chào buổi chiều, hay chào buổi tối

2. Làm quen.

Người Việt Nam và người Á Đông có thói quen ưa tìm hiểu quan sát và đánh giá người mình tiếp xúc. Tuổi tác, quê quán, trình độ văn hóa, địa vị xã hội, mức thu nhập cá nhân, tình trạng gia đình. (Bố mẹ còn hay mất, đã lập gia đình chưa, đã có con chưa, mấy trai mấy gái. Nhũng câu hỏi về biography và background cho người đối diện luôn là những điều chúng ta quan tâm và đặt câu hỏi). Chúng ta hỏi những điều đó là xuất phát từ óc cộng đồng, tự thấy có trách nhiệm phải chú ý đến người khác, cần biết rõ người đối thoại.
Nhưng thói quen ưa tìm hiểu này hoàn tòan trái ngược với người Tây phương. Người Âu Mỹ đề cao chuyện riêng tư của con người, coi như bất khả xâm phạm, nhất là về lương bổng và tuổi tác phụ nữ. Ở Mỹ, ngay cả trong mẫu đơn xin việc và trong các cuộc phỏng vấn nhận nhân viên, công nhân, không có quyền hỏi người đứng đơn về tình trạng gia đình. Người Tây phương khi làm quen thường khen nhau trẻ, đẹp, quần áo hợp thời trang, hoặc nói về thời tiết, hay bàn về trận đấu thể thao vừa qua.

Nếu cứ hỏi người Tây phương về chuyện riêng của họ, họ cho mình là tò mò, hay dò tìm những điều bí ẩn của người khác và có thể họ sẽ chán nản, tức giận.

3. Lời khen hay lời chê?

Khoảng 30, 40 năm trở lại đây, phụ nữ Âu Mỹ rất sợ béo mập, vì béo mập là hình dáng không đẹp, lại là mầm mống cuả nhiều thứ bệnh. Trong khi người Á đông khen: béo tốt, tốt tướng, lên cân, bệ vệ thì người được khen hài lòng. Ngược lại khen như thế lại là lời sỉ mạ người được khen! Người Việt và người Trung Hoa có thói quen nói lớn tiếng ngoài đường phố, nơi công cộng. Trong khi đó người Âu, Mỹ thường nói chuyện vửa đủ nghe, tôn trọng bầu không khí yên tĩnh, tôn trọng người khác. Người Á đông vào những trường hợp ông, Bà, Cha, Mẹ nhận quà tặng của con cháu, nhận lời chúc mừng, nhận lời khen tặng, không cần phải cảm ơn. Các vị đó xem như con cháu có bổn phận phải làm như thế.

Người Việt, có khi khen thật lòng, có khi lại khen mỉa mai, khen mà là chê. Ví dụ có người hỏi: Cô ấy, bà ấy đẹp nhỉ, người đối thoại sẽ trả lời: Đẹp? Đẹp thật à? À, đẹp thật, đẹp chín nghìn ! Hoặc dùng ca dao: Đẹp như con tép kho tương! Trái lại khi khen một đứa bé bụ bẫm thì dùng hình thức chê, vì e sợ mụ quở, sợ ma quỷ bắt đứa bé đi: "Ấy cháu nó xấu xí lắm, nó hư lắm." Có nghĩa là cháu nó bụ sữa lắm! Cháu nó ngoan lắm! Nếu dịch lời chê rồi giải nghĩa cho người Âu Mỹ hiểu đó là lời khen thì họ phải cố hiểu mới hiểu nổi.

4. Cách xưng hô

Trong một ngôn ngữ, cách xưng hô luôn luôn biểu lộ đặc trưng tâm lý, nếp suy tư và văn hóa của dân tộc đó. Trong tiếng Việt cách xưng hô rất phong phú và phức tạp. Ngoài các đại từ nhân xưng như: tôi tao, tớ, mày, nó, hắn; chúng tôi, chúng tao, chúng tớ, chúng nó, bọn hắn còn có một số lượng lớn các danh từ chỉ liên hệ họ hàng như: anh - em, bà - cháu, chú – cháu... để thay thế cho đại từ nhân xưng và những danh từ này có xu hướng lấn át các đại từ nhân xưng. Hệ thống xưng hô này nói lên đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Chúng được ứng dụng tùy theo tình cảm của người phát biểu và trường hợp cụ thể khi nói chuyện. Cùng tiếp xúc một người, người ta có thể dùng những cặp từ xưng hô khác nhau như : anh- em, anh - tôi, ông -tôi, mày - tao tùy theo từng trường hợp. Trái lại trong ngôn ngữ Tây phương và cách nói phổ thông của Trung Hoa chỉ sử dụng các đại từ nhân xưng như: I, You, he, she, Hán ngữ thì ngã, nhĩ (ngổ, nỉ).

Nếu so sánh các danh từ chỉ liên hệ họ hàng trong các ngôn ngữ, chúng ta sẽ thấy nhiều điểm khác nhau có khi thú vị, khôi hài và kỳ lạ. Ví dụ trong tiếng Việt cháu (trai, gái) chỉ người thế hệ sau, nhưng không phải là con, gồm: con của con; con của anh, chị và em. Trong tiếng Anh cũng có grand child, nephew và niece. Nhưng nếu dạy tiếng Việt cho người Anh, Mỹ thì cháu lại có thể là con, có thể là tôi nữa. Ví dụ hỏi một thanh niên: Anh đã có cháu nào chưa?; hay nói; Thưa các cụ, cháu không dám ạ!Như vậy cách xưng hô nói lên những đặc trưng bối cảnh văn hóa xã hội của từng ngôn ngữ, cần được nghiên cứu bằng kết hợp văn hóa và ngôn ngữ.

5. Lối khiêm tốn (nhún nhường)

Khiêm tốn là một đức tính, nhưng mỗi dân tộc thường có cách thức riêng để tỏ ý khiêm nhường. Người Việt Nam và Á đông thường tỏ ý khiêm tốn bằng cách tự khiêm, là tự hạ mình xuống. Ví dụ trong một cuộc họp, người Á đông thường mở đầu bằng mấy câu như sau: "Trình độ của tôi không bằng ai, tôi chưa chuẩn bị kỹ, nếu có chỗ nào tôi sơ xuất thì mong quý vị thông cảm và bo åtúc cho" Nói như thế là lịch sự. Nhưng người Tây phương sẽ không hài lòng và phản ứng: nếu trình độ yếu, chưa chuẩn bị kỹ thì nói làm gì?" Họ không hiểu rằng khi nói thế chỉ là cách nhún mình thôi, thật ra người ấy rất giỏi, và chuẩn bị hết sức kỹ càng. Người Á Đông không bao giờ tự khen mình tự tâng bốc mình, e bị chê cười. Trái lại người Tây phương cho rằng chúng ta thiếu tự tin, và tự tin không có nghĩa là tự khoe khoang. Khi tặng quà, người Việt thường muốn giảm giá trị món quà, dù món quà đó họ đã bỏ ra nhiều công sức tiền bạc mới mua được. Họ chỉ nói "Đây là chút quà mọn chẳng đáng gì bao nhiêu". Nói thế để người nhận quà yên lòng. Người Âu Mỹ thì trái lại. Khi tặng quà họ thường nói rõ: Món quà này tôi đã có chủ ý đi mua cho bằng được, hoặc là:" Đây là hàng nổi tiếng, hiếm có". Người phương Tây cho rằng nói thế mới tỏ lòng chân thành.

Lối tự khiêm còn thể hiện ngay trong cách sử dụng ngôn ngữ. Vi dụ: "Ông lại chơi nhà chúng tôi; Ông cho tôi món quà" nhưng lại nói để nâng cao giá trị người đối thoại: "Tôi xin lại thăm ông bà"; "Tôi xin biếu ông bà món quà mọn".

SỬ DỤNG CÁC TỪ NGỮ VĂN HÓA TRONG GIAO THIỆP

Từ ngữ văn hóa có ý nghĩa văn hóa xã hội. Ý nghĩa văn hóa xã hội là chỉ nghĩa bóng, ẩn dụ, tượng trưng, biểu cảm.

l. Từ ngữ tượng trưng

Đó là các từ ngữ có hàm nghĩa tựng trưng văn hóa, ngoài chức việc định danh ra, các từ ngữ gợi lên một sự liên tưởng nào đó. Ví dụ trong tiếng Việt, từ "con rồng" ngoài chức năng định danh là chỉ một con vật tưởng tượng ra, là biểu tượng của nhà vua thời xưa và tượng trưng của dân tộc Việt. Người Việt thường tự nhận là con rồng cháu tiên. Người Trung Hoa cũng thường nhận là con cháu của Rồng. Nhưng trong các tiếng Tây phương , Dragon (rồng) lại không có nghĩa đẹp như vậy. Đó chỉ là con vật huyền thoại rất hung ác, luôn luôn làm hại con người. Bởi thế người Tây phương không hiểu tại sao tại sao người Việt, người Trung Hoa lại sùng bái một con ác thú như thế!

Trong Hán ngữ con bò vàng già (lão hoàng ngưu) là chỉ tượng trưng những người làm việc cần cù, có góp công sức lớn lao và không bao giờ khoe khoang, là một danh hiệu rất quý Nhưng trong tiếng Việt, con bò là một biểu tượng cho ngu đần. Người ta nói: ngu như bò; đầu bò đầu bướu (bướng bỉnh, ngang ngạnh) con bò vàng già chỉ là người già yếu chậm chạp ngu dốt. Trong khi đó để chỉ người kém thông minh, người Mỹ nói: óc nó nhỏ như hạt đậu (bean).

Ngôn ngữ Việt , tiếng lóng dê có nghĩa không đẹp, dùng để chỉ đàn ông đa dâm: nó có máu dê, nó là dê cụ, dê xồm? Nhưng trong Hán ngữ thì dê và cừu là hình ảnh dịu hiền, rất dễ thương. Ngoài ra vì đồng âm với dương (trái với Âm) và cùng vần với chữ may mắn, nên người Trung Hoa xem con dê và cừu là tượng trưng cho may mắn.

Người Việt và Trung Hoa cho con chim khách là biểu tượng cho điềm lành, tin rằng nó đem đến tin vui. Người Âu Tây hình ảnh chim khách không quý báu gì, ở nước Nga người ta cho loại chim này là tượng trưng cho kẻ đâm bị thóc, chọc bị gạo và kẻ trộm.

2.Hình thức tôn kính

Ở Á Đông như Nhật, Cao Ly và Tây tạng có hình thức nói và viết tôn kính đối với những bậc tu hành, lãnh đạo... Hình thức này được biến cải ngay vào trong ngôn ngữ. Ở Việt Nam và Trung Hoa không có lối viết như thế, nhưng dùng những từ đặt thêm vào để bày tỏ lòng quý trọng tôn kính. Ví dụ tiên sinh, tiền bôí; ông anh, đàn anh. Riêng Việt Nam có những có những chữ không dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp được, để bày tỏ kính trọng người hơn mình về tuổi tác, học vấn, tư tưởng... Đó là thưa, trình, bẩm, ở đầu câu và ạ ở cuối câu. Người Mỹ chỉ có từ Sir và Mam đặt ở cuối hoặc đầu câu để bày tỏ sự tôn kính thôi.

3.Con số

Ngôn ngữ nào cũng phải có số đếm, nhưng có vài con số có những hàm nghĩa đặc biệt. Chính con số không có gì thần bí, nhưng từ chỗ sùng bái linh vật về ngôn ngữ, người ta đi đến sùng bái về con số. Người ta cho rằng có những số lành, may mắn, có những số dữ, xui xẻo.

Ví dụ ở các nước phương Tây, số 13 bị coi là số xấu, người ta luôn luôn kiêng và cố lẩn tránh con số này Ở các nhà lầu, ngườii ta không lấy số 13, các bệnh viện và giường bệnh số 13; trên máy bay xe lửa và ở mỗi hàng ghế đều không có ghế số 13. Người ta tiến hành những việc quan trọng cũng cố tránh ngày 13. Nhưng ở Việt Nam và Trung Hoa lại không tin như thế. Một vài tỉnh ở Trung Quốc người ta cho các số 3, 6, 9 là số đẹp, chọn những ngày 3, 6, 9, 13, 16, 26, 29 âm lịch làm lễ cưới. Ở Nhật, người ta cho số 4 là xấu, vì tiếng Nhật số 4 đọc lên nghe gần như chết (Xi = tứ, xi = tử) nên người Nhật thường kiêng số này. Nhiều bệnh viện Nhật không có tầng số 4, phòng số 4 và giường số 4. Tiếng trung Hoa cũng như vậy, tứ đọc lên theo phương ngữ nào nghe cũng gần giống với tử, nên nhiêu bệnh nhân nằm bệnh viên kiêng số đó. Ngay cả số điện thoại, người ta cũng không thích số 4. Gần đây vì ảnh hưởng Hương Cảng và Quảng Đông, họ rất chuộng con số 8. Bát đọc lên gần như phát (tài), nên người ta rất thích số 8, nếu có số 168 là nhất lộ (lục) phát hay 598 đọc như ngã cửu phát (ngũ cửu bát) = tôi phát tài được lâu. Ở Việt Nam, người ta có quan niệm riêng về các con số, coi số lẻ là tốt đẹp. Làm đám cưới cũng có thói quen chọn ngày, có người kiêng ngày 3 và ngày 7, vì đã có câu: Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba. Nhưng so với hai nước nói trên, quan niệm lành dữ về con số của người Việt vẫn nhẹ hơn. Người Việt chuộng nhất số 9 và kỵ nhất số 10, gọi là số bù, bảng số xe các loại, họ đều thích có số 9, hoặc cộng lại số thành là 9.

4. Từ ngữ chỉ màu sắc

Màu sắc có ảnh hưởng đến tâm lý con người điều đó đã được công nhận. Trong ngôn ngữ, các từ ngữ chỉ màu sắc có thể phản ảnh được tâm lý văn hóa dân tộc. Cho nên các từ ngữ chỉ màu sắc thường có nghĩa tượng trưng văn hóa rất phong phú.

Từ xưa, người Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa có quan niệm tôn sùng màu vàng, vì từ đời Hán, lấy năm sắc tượng trưng cho ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và ngũ phương là Đông, Tây, Nam, Bắc. Vàng là tượng trưng cho Thổ và Trung ương và là màu của vương quyền. Từ đời Hán trở xuống, các nhà vua đều mặc áo vàng, và đó là độc quyền của nhà vua.

Nhưng từ hơn chục năm nay, màu vàng lại có nghĩa tượng trưng cho khiêu dâm, dâm ô, vì mấy chữ điện ảnh màu vàng nghĩa là phim ảnh khiêu dâm; phòng khiêu vũ màu vàng, băng hình màu vàng là cùng nghĩa dó. Ở Việt Nam thì coi nhẹ hơn, nhạc vàng có nghĩa là nhạc buồn ủy mị, lãng mạn. Người Á đông cũng thích màu đỏ, cho đó là tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, vui vẻ, thành đạt. Vào các dịp ngày Tết, ngày lễ lớn thường treo câu đối đỏ, thắp nến đỏ... Ở Trung Hoa còn treo đèn lồng đỏ, trong đám cưới cô dâu mặc toàn màu đỏ, trang hoàng trong nhà toàn bằng màu đỏ. Trái lại ở Tây phương, cô dâu mặc bộ áo cưới màu trắng, họ cho rằng màu trắng tương trưng cho sự trong sạch, tinh khiết của cô dâu. Nhưng ở Trung Hoa dân gian lại kiêng màu trắng trong đám cuới, vì họ vẫn coi màu trắng là màu tang tóc. Người Á đông không thích màu đen cho rằng đó là vận không may, số đen, đen đủi trong khi vẫn có nhiều người Tây phương thích sơn cửa màu đen cổ điển.

Các từ ngữ văn hóa còn rất nhiều, như những chữ kiêng kỵ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, tiếng lóng v. v.. Ví dụ một từ có cùng nghĩa nhưng lại thay đổi, hay thêm bớt nghĩa, tùy theo cách dùng, cách đặt câu của từng quốc gia. Như từ nóng = chaud = hot của Việt, Pháp và Anh. Nóng của Việt Nam giống như hot của Anh có nghĩa nữa là nóng nảy; mới tinh, nhưng tiếng Anh còn thêm nghĩa là cay (hot pepper). Chaud (e), chaleur của Pháp là nóng, nhưng nếu nhầm lẫn nói một người đàn bà đang "en chaleur' thì thật là nguy hiểm!

Những điểm nói trên cho thấy yếu tố văn hóa có vai trò quan trọng trong giao thiệp, tiếp xúc đặc biệt là trong tiếp xúc văn hóa. Đây cũng là vấn đề ngôn ngữ và vấn đề bối cảnh văn hóa. Chú tâm đến khía cạnh văn hóa khi nghiên cứu ngôn ngữ là cần thiết và là cách tìm hiểu mới, một địa hạt mới trong ngôn ngữ học.

Vài chục năm nay, ở Mỹ, Nga, Trung Quốc, các nhà ngôn ngữ học đã làm nhiều việc nghiên cứu ngôn ngữ qua văn hóa và thu được một số thành quả. Chẳng hạn muốn học một ngoại ngữ, cần phải học qua về văn hóa của thứ tiếng đó. Đặc biệt là phải hiểu phong tục, tập quán, sử, địa... của nước đó. Họ nghiên cứu các mặt ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa để kết hợp ngôn ngữ với các ngành khoa học xã hội khác và từ đó tạo dựng một số môn học liên ngành, trong đó có môn ngôn ngữ văn hóa (Cultural linguistics).

DIỆU TẦN

tthhth
#7 Posted : Sunday, April 17, 2005 10:03:13 PM(UTC)
tthhth

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4
Points: 0


Nhân đọc "Một Kỉ Niệm Đẹp" của Nguyễn Tấn Hưng
MẠN ĐÀM VỀ CHỮ VÀ NGĨA

Biên khảo của TRÚC HUY


Mặc dầu được biết anh Nguyễn Tấn Hưng là một trong những cây bút phong phú hiện nay ở hải ngoại, đã cho xuất bản một số văn truyện được nhiều độc giả biết đến và khen ngợi, song tôi phải thú nhận là cho đến nay chỉ có cơ duyên đọc mỗi một tác phẩm gần đây của anh: đó là cuốn biên khảo ngiên cứu "Một Kỉ Niệm Đẹp"1.

Tuy chỉ biết anh qua công trình ngiên cứu này, song tôi đã đọc một cách say sưa và thích thú vì giọng văn tự nhiên, tươi mát của anh và nhất là vì sự nhiệt tình, thiết tha của anh trong công cuộc tìm tòi và sáng tạo để tìm ra một phương pháp xếp chữ Việt bằng máy điện toán cá nhân. Sự cố gắng của anh trong công cuộc tìm tòi và sáng tạo này không ngoài mục đích tô điểm và làm đẹp thêm dòng chữ Việt mà anh tỏ ra hết sức nâng niu, trân trọng.

Cuốn biên khảo "Một Kỉ Niệm Đẹp" của Nguyễn Tấn Hưng đã cho chúng ta cơ hội học hỏi được ít nhiều về các kĩ thuật xếp chữ Việt bằng máy điện toán. Anh Nguyễn Tấn Hưng đã thành công trong nỗ lực làm đẹp thêm dòng chữ Việt về phương diện kĩ thuật.

ooOoo
Sự thiết tha muốn làm đẹp thêm tiếng Việt còn đưa anh đi xa hơn nữa khi anh đề ngị bỏ dấu hỏi mà chỉ dùng toàn dấu ngã (xem chương "Đón Xuân, đem tâm tình viết tiếng Việt"2). Ở nơi chương này, anh đưa ra bàn cãi và thảo luận về một số í kiến và đề ngị của chính anh và của một số người khác về các phương thức nhằm giản dị hoá và thống nhất hoá cách viết tiếng Việt. Sở dĩ tôi đặc biệt chú trọng và thích thú khi đọc đến chương này, là vì chính bản thân tôi cũng đã từng thiết tha và mong muốn có một lối viết chữ Việt giản dị và thống nhất.

Thật ra, nếu đem so sánh chữ viết của ta với một số chữ viết khác trên thế giới như Anh ngữ, Pháp ngữ chẳng hạn, chúng ta hẳn phải tự hào rằng chữ viết của chúng ta quả thật đã giản dị lắm rồi: phát âm sao, viết ra như vậy. Tuy nhiên, tôi thiết ngĩ cũng còn đôi ba điều chúng ta có thể sửa đổi được hầu làm cho chữ viết của chúng ta được giản dị và hoàn hảo hơn nữa.

Sau đây là những í kiến và đề ngị mà tác giả Nguyễn Tấn Hưng đã đề cập đến và đem ra thảo luận trong chương kể trên:

(1) - Trước hết là đề ngị của chính tác giả về việc bỏ dấu hỏi và chỉ dùng dấu ngã trong tất cả các trường hợp. Thí dụ: "biến đỗi" (biến đổi), "thưỡng thức" (thưởng thức) v. v... Anh đưa ra lí do vì hai dấu hỏi ngã phát âm gần như nhau (nhất là đối với người miền Nam như anh và cả người miền Trung). Hơn nữa, theo anh, dấu hỏi không có trong mẫu tự quốc tế.

Cũng như sự nhận xét của ông Lê Văn Lân, trong bài Bạt in ở phần cuối sách3, tôi thấy lời đề ngị xướng xuất bỏ dấu hỏi của anh khó có thể được mọi người chấp nhận, vì lẽ trong chữ viết của ta, dấu nào cũng cần thiết và quan trọng cả. Mỗi một chữ, nếu viết sai dấu, không những sai lỗi chính tả, mà ngĩa lại thay đổi hoàn toàn. Lời văn viết ra cần sự trong sáng và í ngĩa cần được rõ ràng. Viết sai dấu hỏi ngã, ngĩa của chữ sẽ thay đổi khác đi, cũng như ngĩa một chữ sẽ thay đổi khi ta viết cuối chữ có "g" hay không "g", hay viết cuối chữ bằng "c" hay "t" v. v... Tóm lại, tuy khi phát âm, sự phân biệt nhiều lúc không được rõ ràng và minh bạch cho lắm, nhưng khi viết ra cần viết đúng chính tả để í ngĩa mỗi chữ được rõ ràng, sáng sủa, hầu tránh sự hiểu lầm sai lệch.

(2) - Ngoài việc đề ngị bỏ bớt dấu hỏi, anh Nguyễn Tấn Hưng còn đề xướng thay thế chữ "đ" có nét ngang đặc biệt bằng chữ "d" thường, và thay chữ "d" thường bằng chữ "gi". Anh đưa ra các thí dụ: "giễ hiểu" (dễ hiểu), "khó dọc" (khó đọc) v. v...

Thật ra đề ngị này không có gì mới lạ. Việc thay thế chữ "đ" có nét ngang đặc biệt bằng chữ "d" thường, trên lí thuyết tôi cho là rất hợp lí và xác đáng, vì đa số các ngôn ngữ trên thế giới đều dùng chữ "d" (phát âm như chữ "đ" của ta). Còn chữ "d" thường của ta thì có thể thay thế bằng chữ "gi" (như đề ngị của anh Hưng), hay bằng chữ "z" (như đề ngị của một số người khác), hay bằng chữ "đ" (nhưng phát âm như chữ "d" thường), trên lí thuyết tôi thấy cũng hợp lí.

Tuy nhiên, tiếc thay, lời đề ngị thay thế này lẽ ra phải được đặt ra cho các vị giáo sĩ tây phương ngay từ hồi thế kỉ thứ 17, lúc họ mới phát minh ra chữ viết của ta, hay ít ra cũng trong giai đoạn đầu, lúc mà chữ quốc ngữ còn đang phôi thai, chưa được phổ biến rộng rãi. Bây giờ, nếu muốn thay thế chữ "đ" có nét ngang đặc biệt bằng chữ "d" thường cho phù hợp với cách thức phát âm quốc tế, thì thử hỏi các sách vở, tài liệu viết bằng quốc ngữ mà chúng ta đã có từ hơn 100 năm nay, chúng ta phải giải quyết ra làm sao? Thôi thì đành nâng niu chữ "đ" có nét ngang đặc biệt của ta mà thương iêu nó vậy!

(3) - Một vấn đề khác được tác giả đưa ra thảo luận: đó là việc nên dùng dấu gạch nối cho những tiếng phức vận hay những tiếng ghép, hay là nên viết dính chùm lại các thành phần của những tiếng này? Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách thoả đáng. Một số học giả (Trần Trọng Kim, Nguyễn Duy Cần v. v...) thích dùng dấu gạch nối, một số khác, rất ít, lại thích dùng lối viết dính lại (Hoàng Văn Chí, Phạm Hoàng Hộ v. v...), trong khi đó đa số bỏ hẳn dấu gạch nối, ngĩa là viết rời từng tiếng đơn vận trong bất cứ trường hợp nào.

Tiếng Việt là một thứ tiếng đơn vận (monosyllabic). Cho nên dùng dấu gạch nối cho những tiếng phức vận hay những tiếng ghép xem ra không cần thiết cho lắm. Tuy nhiên, khi phiên âm những tiếng ngoại quốc, dùng dấu gạch nối là một điều cần thiết. Thí dụ: "a-xê-ti-len" (acetylene), "Ma-hô-mét" (Mahomet) v. v... Dấu gạch nối cũng thường hay dùng cho những tiếng Hán-Việt (Thí dụ: "giám-sát", "tiêu-chuẩn" v. v...).

Điều phải công nhận là khi nhìn một bài viết hay một trang sách có chi chít những dấu gạch nối ở mỗi hàng, hay có những tiếng phức vận hay những tiếng ghép viết dính chùm lại nhau (Thí dụ: "hoảdiệmsơn", "pháthành" v. v...), cảm giác chung không được thoải mái cho lắm, vì thiếu tính cách thẩm mĩ, gọn gàn và sáng sủa.

(4) - Trước đây, ông Nguiễn Ngu Í (còn kí biệt hiệu khác là Ngê Bá Lí) cũng có tham vọng cải tiến và đơn giản hoá chữ quốc ngữ. Trong những đề ngị của ông, có những đề ngị rất hữu lí, và cũng có những đề ngị khác mà anh Nguyễn Tấn Hưng cho là "cầu kì, quái đản"4.

Trước hết, trong vần "ngh", ông đề ngị bỏ chữ "h" mà chỉ giữ "ng". Thí dụ: "ngẹn ngào" thay cho "nghẹn ngào", "ngề ngiệp" thay cho "nghề nghiệp" v. v... Đây là một đề ngị xét ra rất hữu lí và xác đáng. Tôi không tìm thấy một lí do nào buộc chúng ta phải viết "ngh" (khi nó đứng trước các nguyên âm "e", "ê" hoặc "i") thay vì "ng" (khi nó đứng trước các nguyên âm khác). Bỏ chữ "h" trong vần "ngh", sự phát âm hoàn toàn như nhau, không có gì thay đổi cả. Việc đơn giản hoá và cải tiến chữ viết của ta, ít ra trong trường hợp này, là một điều nên làm. Đứng trên bình diện quốc gia, việc bỏ bớt chữ "h" trong vần "ngh" lại đưa đến cho ta một lợi ích không thể chối bỏ: lợi thì giờ (khi viết hoặc đánh máy), lợi giấy mực (cho tổng số sách báo in ra hằng năm trong toàn quốc và tại hải ngoại), lợi sơn dầu (cho những tấm bích chương, quảng cáo) v. v...

(5) - Một đề ngị khác của ông Nguiễn Ngu Í: thay thế "y" bằng "i". Thí dụ: "hi vọng" thay cho "hy vọng", "kỉ niệm" thay cho "kỷ niệm" v. v... Việc thay thế "y" bằng "i" cũng là một đề ngị hữu lí, và đã được một số học giả ưa dùng lâu nay (như Nguyễn Hiến Lê, Trúc Thiên v. v...).

Phần đông trong chúng ta thường viết li - ly, qui - quy v. v... mà không theo một tiêu chuẩn nào nhất định. Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta nên thống nhất hoá cách dùng "i" và "y" như sau đây:

- viết "i" thay thế cho "y" trong trường hợp nguyên âm này đứng một mình hay đầu chữ (Thí dụ: "í kiến", "tình iêu" v. v...), hay đứng sau một phụ âm (Thí dụ: "hi vọng", "kỉ niệm", "li biệt", "mĩ thuật" v. v...). Riêng chữ "giặt gỵa" được xem như là một trường hợp đặc biệt, vì nếu viết "gịa" có thể đọc nhầm lẫn ra "giạ".

- "y" vẫn được giữ nguyên khi đứng sau một nguyên âm khác như trong các vần -ay, -ây, -uy (kể cả các vần -uya, uyê-, -uyn(h), -uyt, -uyu v. v...), hoặc khi đứng sau vần qu- (kí hiệu phát âm là /kw-/). Thí dụ: "lay động", "bây giờ", "nguy hiểm"; "đêm khuya", "tuyên bố", "tuyết rơi", "màn tuyn", "lưu huỳnh", "xe buýt", "khuỷu tay"; "quy chế", "cam quýt" v. v...

Ông Nguiễn Ngu Í đã sai lầm khi muốn thay thế hẳn "y" bằng "i". Sự thiếu căn bản về ngữ âm học đã khiến ông có lối viết mà tôi cho là lập dị, quái gở, khi ông viết tên họ của ông là "Nguiễn" thay vì "Nguyễn", hay là viết: "thai đổi" thay vì "thay đổi" v. v... Cũng vì tính lập dị đó mà ông còn đề xướng bỏ chữ "u" trong vần "qu": "qan trọng" thay cho "quan trọng", "qê hương" thay cho "quê hương" v. v... Chúng ta đều biết rằng "q" luôn luôn phải có "u" đi kèm theo để tạo thành vần "qu" khi ghép vào một chữ. Cho nên, cách viết lập dị và quái gở này chỉ có riêng mỗi một mình người chủ xướng là ông Nguiễn thực hành mà thôi.

(6) - Hiện nay, có người ưa dùng "f" thay thế cho vần "ph". Thí dụ: "fi cơ" thay vì "phi cơ", "fúc đáp" thay vì "phúc đáp" v. v... Tôi công nhận là có phần giản dị thật. Song có vẻ lai căng, âu hoá quá, vì lẽ phụ âm "f" vốn không có trong mẫu tự của ta.

(7) - Riêng về vấn đề bỏ dấu cho các vần "oa", "oe", và "uy" (kí hiệu phát âm là /wa/, /we/ và /wi/), trên phương diện ngữ âm học, tôi đề ngị chúng ta nên chọn tiêu chuẩn chung là bỏ dấu trên nguyên âm thứ hai. Thí dụ: "hoà bình" (thay vì "hòa bình"), "khoẻ mạnh" (thay vì "khỏe mạnh"), "huỷ bỏ" (thay vì "hủy bỏ") v. v...

Trong các kí hiệu phát âm /wa/, /we/ và /wi/, ta thấy ngay rằng dấu nhấn (các thanh huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã) chỉ có thể đặt trên các nguyên âm /a/, /e/ và /i/ mà không thể nào đặt trên phụ âm /w/ được. Tôi nhớ cách đây đã lâu đã có lần giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đình Hoà biên thư cho tạp chí Thế Kỉ 21 lưu í về việc, trong chữ "toà" của "toà soạn", toà báo bỏ dấu trên nguyên âm "o" thay vì bỏ dấu trên nguyên âm "a", điều mà ông cho là không được đúng.

ooOoo
Việc đưa ra những í kiến, đề ngị để đổi mới hầu cải tiến và giản dị hoá tiếng Việt là một điều cần được khích lệ, nếu những í kiến, đề ngị đưa ra xét thấy có phần hữu lí và xác đáng.

Cũng như tác giả "Một Kỉ Niệm Đẹp", tôi đã đưa ra trên đây một vài í kiến và đề ngị xây dựng ngõ hầu làm đẹp thêm cho tiếng Việt. Việc "làm đẹp" này, theo tôi, là nhiệm vụ chung của tất cả những ai trong chúng ta hằng có lòng ưu tư và thiết tha với ngôi nhà văn hoá Việt Nam.


10/95
TRÚC HUY




1 - Nguyễn Tấn Hưng. Một kỉ niệm đẹp: Một phương pháp xếp chữ Việt bằng máy điện toán cá nhân. California, U.S.A., Đại Nam, 1991. 176 tr.
2 - sđd, tr.85-96
3 - sđd, tr.173-76
4 - sđd, tr.92


Tiểu Long Nữ
#8 Posted : Monday, April 18, 2005 9:21:05 PM(UTC)
Tiểu Long Nữ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 8
Points: 0


Interesting essays! Very instructive, indeed. I'm looking forward to read more. Keep it up the good work! Cheers, TLN :)

Users browsing this topic
Guest (4)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.