Nên tập thể dục đúng cách thay vì bẻ, vặn người.
Những người thích bẻ cổ, bẻ người kêu răng rắc để làm giảm đau nhức, mỏi mệt nên bỏ ngay thói quen này vì nó có thể gây trật khớp, chấn thương cột sống, thậm chí gây liệt hoặc tử vong.
Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, khi bẻ người, ta sẽ tạo ra những cọ sát ở mặt khớp, nhẹ thì làm mòn mặt khớp, nặng hơn thì dẫn đến thoát vị, trật khớp gây đau đớn, đôi khi phải phẫu thuật để giải tỏa áp lực. Vùng cột sống cổ rất nhạy cảm vì có nhiều trung khu thần kinh quan trọng (hô hấp, tim mạch...). Chấn thương vùng này có thể gây liệt người hoặc tử vong. Bác sĩ Ánh khuyên rằng khi mỏi mệt, thay vì bẻ người mạnh bạo và đột ngột, nên vặn mình một cách nhẹ nhàng hoặc tập những động tác kéo giãn cơ đơn giản.
Các thói quen có hại khác:
Muốn trẻ hồng hào, nên bổ sung thực phẩm giàu sắt như thịt.
Giúp trẻ hồng hào bằng cách cho ăn củ dền
Nhiều người cho trẻ ăn củ dền vì nghĩ rằng màu đỏ của củ dền sẽ giúp trẻ có da thịt hồng hào. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2, đây là suy nghĩ sai lầm. Một thành phần trong củ dền sẽ ức chế quá trình gắn ôxy vào huyết sắc tố trong cầu. Vì vậy, trẻ ăn củ dền lâu ngày sẽ chỉ càng xanh xao.
Nếu muốn trẻ hồng hào, nên bổ sung sắt - một chất có nhiều trong thịt, cá và phủ tạng. Tỷ lệ hấp thu sắt loại này là 20-30%. Sắt còn có trong ngũ cốc, rau, củ và các loại hạt với tỷ lệ hấp thu thấp hơn. Các chất hỗ trợ hấp thu sắt là vitamin C, thức ăn giàu đạm. Còn các chất ức chế hấp thu sắt có trong đậu đỗ (phytat), chè (tanin).
Dùng thuốc chung với thực phẩm
Việc dùng thuốc chung với thực phẩm có thể làm giảm tác dụng của thuốc, thậm chí còn gây độc. Chẳng hạn, sữa và sản phẩm từ sữa làm giảm hấp thu kháng sinh; sữa đậu nành tương tác với thuốc chữa ung thư vú tamoxifen. Thuốc làm giảm cholesterol nhóm statin lại phản ứng trực tiếp với nước bưởi. Rượu sẽ làm tổn thương gan nếu dùng chung với thuốc cảm paracetamol hoặc thuốc an thần. Phản ứng phụ của thuốc hen sẽ tăng lên nếu dùng đều đặn với cà phê...
Dùng thuốc nhỏ mũi thường xuyên
Nhiều người hễ thấy nghẹt mũi là nhỏ ngay các loại thuốc chứa naphazolin (Rhinex, Rhinazin...). Tiến sĩ Trần Minh Trường, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết việc lạm dụng thuốc này sẽ tạo ra hiệu quả ngược, nghĩa là khiến bệnh nhân... nghẹt mũi nhiều hơn. Thật vậy, naphazolin có tác dụng làm co cuốn mũi, giúp bệnh nhân dễ thở, nhưng càng dùng lâu ngày thì thời gian tác dụng càng ngắn đi. Sau khi thuốc hết tác dụng, cuốn mũi nhão ra, phình lớn, gây khó thở hơn. Vì là loại thuốc co mạch, naphazolin gây nhiều tác dụng phụ như nhức đầu, hồi hộp, tăng nhịp tim, kích động, lo lắng... nên bị cấm dùng cho trẻ dưới 15 tuổi.
Ở trẻ nhỏ, nghẹt mũi có thể do mũi chứa nhiều chất tiết cô đặc nhưng trẻ lại không tự xì mũi được. Trường hợp này có thể nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý để làm loãng chất tiết, sau đó hút ra.
Ngoáy tai thường xuyên
Đây là thói quen của không ít người, thậm chí có người “nghiện” đến mức thường xuyên có bịch tăm bông (cây bông ngoáy) bên mình để sử dụng. Tiến sĩ Trần Minh Trường cho biết trong khi ngoáy, nếu có người khác sơ ý đụng vào thì dụng cụ ngoáy tai dễ làm thủng màng nhĩ.
Tác hại thường gặp nhất là đau và ngứa do tăm bông. Loại tăm bông bày bán phổ biến trên thị trường hiện nay chỉ thích hợp với việc chùi, rửa móng tay hay những chỗ hẹp. Do đầu bông khá to nên khi ngoáy sâu trong tai, nó dễ làm đau. Mặt khác, do được tẩm một dung dịch đặc biệt để cố định bông gòn nên nếu ngoáy lâu ngày dễ dẫn đến kích thích da và ngứa. Ở những người dùng tăm bông thường xuyên, tổn thương phổ biến ở tai là phù nề và chít hẹp ống tai.
Vì vậy, sau khi tắm xong, nếu tai có nước, nên để một thời gian, tai sẽ tự khô. Trong trường hợp cần thiết, có thể quấn gòn sạch quanh một cây tăm để ngoáy nhẹ.
(Theo Hội YSVN)