Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Thuận
Phượng Các
#1 Posted : Friday, February 25, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thuận



Sinh năM 1967 tại Hà Nội.
Hiện sống tại Paris, Pháp.
Tác phẩm: Made in Vietnam (tiểu thuyết, Văn Mới xuất bản tại California, 2003)



Phượng Các
#2 Posted : Saturday, February 26, 2005 1:29:55 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Tôi ở phố Sinh Từ [chuyên đề TRẦN DẦN]

Thuận


Phố đã bước vào thơ Trần Dần như thế. Mở đầu Nhất định thắng. Mở đầu bi kịch Trần Dần.

Tôi ở phố Sinh Từ
Hai người
Một gian nhà chật
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui?
Phố xuất hiện dưới cái tên cụ thể và quen thuộc, kèm theo những từ, những con số, giản dị và chính xác giống như một bản khai lý lịch. Không nhận được một tính từ nào nhưng Phố Sinh Từ lại mở ra nhiều tưởng tượng, xung quanh cái tên riêng tin cậy, xung quanh khu phố bình dân không xa ga Hàng Cỏ, xung quanh lớp người thuộc về nó. Không được là mục tiêu của một sự miêu tả nào nhưng Phố được đặt vào câu thơ đầu, bên cạnh người kể chuyện-nhà thơ, giống như một quan hệ cần nhắc đến trước tiên. Nhưng cũng ngay lập tức Phố và hai nhân vật bị khép lại trong không gian giới hạn của ngôi nhà chật và biến mất trong câu thơ tiếp theo khi tất cả bị đặt trong thể nghi vấn: Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui? Từ câu thơ thứ năm, cái riêng tư được thế bởi Tổ quốc, tôi được thay bằng chúng ta, tổ ấm khuất sau đất Bắc và miền Nam, cô gái Hà Nội chưa kịp vào thơ đã chìm trong đám đông hỗn độn người, âm thanh, nước mắt và mưa…

Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Phải đợi chín mươi hai câu thơ sau Phố mới quay lại. Vẫn là phố Sinh Từ trong cái tên riêng của nó nhưng được đặt trong khái niệm thời gian của những ngày ấy bao nhiêu thương xót. Không thấy những từ chỉ số lượng chính xác như ở đầu bài thơ. Những ngày ấy không được đếm. Tính chất khẳng định đã thay đổi.

Lần xuất hiện thứ ba liền ngay sau đó nhưng tên Sinh Từ không được nhắc đến nữa. Phố cũng không còn được đặt trên cùng một dòng với người kể chuyện-nhà thơ. Câu thơ bị chặt thành những bậc thang nhỏ, mỗi bậc bắt đầu bằng một khoảng trống, một đứt đoạn, mỗi bậc như một lời than dài. Ngay từ thời ấy, Trần Dần đã quan niệm thơ của ông đòi hỏi những cấu trúc âm nhạc cùng những hình ảnh thị giác. Thơ không chỉ được đọc ở nội dung của câu và chữ mà còn ở cách chúng được xếp đặt như thế nào trên một trang giấy. Thế nên, thơ Trần Dần đừng ngâm mà hãy đọc bằng mắt, đọc cả những phần có chữ lẫn phần trắng, đọc cả lời lẫn sự im lặng.

Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
Phố trở lại nhiều lần sau đó, luôn bị phủ nhận bởi không, bởi mưa và cờ đỏ. Không thêm một chi tiết nào khác. Không có miêu tả. Nhưng chỉ ngần ấy thôi, Phố lại chiếm một trong những vị trí trung tâm của bài thơ, ám ảnh và ray rứt. Chỉ ngần ấy thôi, Phố đủ đẹp đủ buồn.

Phố trở lại, nhẫn nhục và chịu đựng. Như thân phận cô gái Hà Nội lủi thủi tìm việc dưới mưa. Có phải ngẫu nhiên mà các chuyến đi về của cô được xếp giữa hai lần lặp lại của những câu thơ, giữa hai lần phủ định của Phố và nhà, giữa hai lần mưa sa trên màu cờ đỏ? Có phải trong tâm tư tác giả, những gì còn lại của cô gái và Phố là sự giống nhau? Mưa đánh mất hình dạng của Phố. Mưa cũng dấu đi khuôn mặt của cô. Khó có thể biết câu trả lời đích xác vì cô gái Hà Nội mà nhà thơ đã yêu Phố hay vì phố Sinh Từ mà ông đã yêu cô gái Hà Nội. Mỗi lần Phố xuất hiện đều báo trước sự đến ngay sau đó của cô, hoặc chí ít cũng để nói với cô, hoặc để nói về cô. Cũng trong trường đoạn cô gái Hà Nội, câu thơ những ngày ấy bao nhiêu thương xót được nhắc lại hai lần, một lần mở, một lần kết thúc như để khẳng định thêm hành trình tình cảm khép kín giữa nhà thơ, cô gái Hà Nội và Phố. Cả ba chữ đều là những gì thân thiết nhất của tác giả, là tình yêu, là cái đẹp, là thơ. Cũng như Phố, cô gái Hà Nội không được bộc lộ cảm xúc, không được miêu tả chi tiết ngoài động tác cúi đầu, nghiêng vai, không kể gì về mình ngoài câu duy nhất:

-Anh ạ!
Họ vẫn bảo chờ…
Vẫn những khoảng trống, những đứt đoạn, những lời than. Nhưng chỉ ngần ấy thôi, như Phố, cô gái Hà Nội lại chiếm một trong những vị trí trung tâm của bài thơ, ám ảnh và ray rứt. Chỉ ngần ấy thôi, cô đủ đẹp đủ buồn.

Cổng tỉnh được kí tên bốn năm sau, năm 1959, sẽ là những khám phá mới của Trần Dần về đề tài Phố. Phố ở đây giống như một ám ảnh thường trực, chạy suốt một trăm bảy mươi trang, mỗi lần xuất hiện mỗi khác. Trần Dần là nhà thơ của tỉnh thành. Sinh trưởng ở thành phố nghèo Nam Định, toàn bộ thời thơ ấu của ông trôi qua trong các Phố nhỏ đầy ắp huyền thoại. Có những Phố với tên cụ thể: đường Hàng Song xanh lấm tấm sao chiều, hay Phố Năng Tĩnh nơi ông sinh ra. Có những Phố vô danh, phố ngang, phố dọc, phố dốc. Và vô vàn những Phố được Trần Dần đặt tên: phố mạng nhện, phố trắng, phố lam, phố cánh sen, phố đào, phố cưới, phố héo, phố úa, phố bồ côi, phố góa, phố rỗng, phố nịt vú, phố rơi voan, phố chết, phố đói, phố rét, phố nứt, phố châu Á, phố què, phố khổ, phố giày đinh, phố xác, phố tha ma, phố nhà mồ, phố nhộng, phố vôi bột, phố gá thổ, phố đổ hồ, phố nhớt, phố vàng lờ, phố ca lâu…Các nhân vật đều được đặt trong những Phố rất riêng: phố me Tây cởi yếm, phố xúc xắc tống tình là Phố của dân chơi bời, phố lam tròng trành là Phố của một người đang yêu, phố coóc-xê non là Phố của các cô gái làm tiền ít tuổi, phố chéo chênh chênh là Phố của một kẻ ăn mày, phố trăng chông chênh trồng hoa trồng nụ là Phố của thuở thơ ngây… Mở bất cứ chương nào của Cổng tỉnh cũng dễ dàng tìm thấy Phố trong những trật tự vô cùng kinh ngạc của chữ, của câu, của nghĩa. Chưa bao giờ có một trường hợp tương tự trong văn học Việt Nam, trước cũng như sau này.

Phố thắt cổ có ngọn đèn hoang
Phố hoang có ngọn đèn thắt cổ… (t.18)
Phố của Nhất định thắng không giữ nổi một chi tiết liên quan đến Phố.

Phố của Cổng tỉnh bề bộn đèn đường và ngã tư:

Phố vắng mắc ngọn đèn buồn
Đại lộ chiêm bao mắc ngọn đèn mù
Ngọn đèn phũ phàng mắc đại lộ tình yêu
Đèn tan nát đèn bơ vơ mắc phố nào cũng được… (t.41)
Phố hay tình yêu:

Chòi gác tím Sâm ơi! Kỉ niệm man mác phố đâu em?
Em gói cho anh một nửa
Anh dắt theo dọc đường phòng nhỡ những khi mưa
Có lẽ thu rồi em nhỉ
Em chớ khóc nhiều vàng ố ngã tư xưa… (t. 141)
Phố hay khắc khoải:

Thì đi thôi! Có phố nào xanh
Hoa lay hàng dậu tím?
Có phố nào chờ tha thiết tự ngày xưa? (t.30)
Phố của Nhất định thắng không được xác định, không được miêu tả và chìm trong im lặng. Phố của Cổng tỉnh là một không gian nhiều chiều, được ghép lại từ muôn vàn mảnh vỡ, muôn vàn âm thanh. Phố như một tác phẩm hội họa lập thể. Hiếm có nhà thơ giầu tình cảm với Phố đến thế. Trong tập Bài thơ Việt Bắc, viết vài năm trước đó, lấy bối cảnh của chiến khu làm địa điểm, vậy mà Phố cũng được kể đến, phố lạnh Ngân Hà (chương 8) là Phố không có thực, các vì sao đi họp cuối năm / để phố rỗng trên trời tắt điện (chương 10) cũng là Phố trong nỗi nhớ Tết, một đống Tết xa nhà đã han rỉ lên, được nhắc đến lúc giao thừa trong quân ngũ. Tập thơ Mùa sạch, sáng tác giữa 1964-1965, bắt đầu một chuyển biến lớn về phong cách, rất khó đọc bởi những kết hợp giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, cái có nghĩa và cái không có nghĩa, được xuất bản ba mươi hai năm sau, nghĩa là gần một năm sau khi tác giả qua đời, còn làm độc giả bỡ ngỡ vì cách sử dụng từ chưa bao giờ có, vì những tập hợp từ chưa bao giờ thấy. Mùa sạch được công chúng đón tiếp một cách dè dặt và bị phê phán kịch liệt bởi một số nhà phê bình chính thống[1]. Và kì lạ thay, tập thơ dài 117 trang này được mở đầu bằng một câu thơ hai chữ: Phố trong. Rồi cũng trong Mùa sạch, Hà Nội hiện ra ngỡ ngàng đèn đường và Phố:

Anh vẫn tìm em qua thành phố sạch
Qua tinh mơ xe cộ sạch
Qua chiều sương tỏa lạnh
Tìm em

Anh vẫn tìm em qua chiều thứ bảy sạch
Qua dặng đèn đường mày mạy sạch
Qua tắc xi hày hạy sạch
Qua khu Tám Mái sạch
Qua bộ hành qua lại sạch
Qua bàn pinhpông nhà máy sạch
Qua dòng người vồi vội sạch
Qua đường thành thoai thoải sạch
Qua nhà cây cậy sạch

Tìm em
Tập Thơ 63-64 (chưa in), sáng tác trước đó một năm, câu đầu tiên cũng lại là Phố:

Phố mới - nước sơn tươi
Người đi dùng dằng cửa sổ
Và trong cái phố mới ấy, cô gái Hà Nội đáng thương ngày nào của Nhất định thắng không còn là hình ảnh tủi nhục, đau khổ, không còn là cái đẹp của đức tính. Cô đã thay hình đổi dạng thành những cụm từ kết hợp độc đáo, thành một vẻ đẹp hoàn toàn mới và thẩm mỹ. Mưa 1964 chỉ làm cho cô thêm phần gợi cảm:

Mưa rơi phay phay
Ngã tư năm ngoái
Biết tôi khờ dại
Em đi không sao chống cự nổi
Đại lộ tai hại
Em dài man dại
Em dài quên che đậy
Em dài tê tái
Em dài quên cân đối
Em dài bối rối
Em dài vô tội
Em dài - khổ tâm...
Tác phẩm chưa in này có thể được coi là một Trần Dần tự xuất bản, bao gồm nhiều bài thơ được tác giả viết tay nắn nót, đánh số thứ tự, số trang, được trang trí theo phong cách riêng, rất Trần Dần, và đặc biệt có kèm một số tranh vẽ của chính tác giả. Thường gặp một người phụ nữ trẻ với cặp đùi dài quá khổ và bộ ngực nhòn nhọn, cũng quá khổ, mà Trần Dần từng gọi là ngực rằm. Trần truồng, kiêu hãnh, đầu không cúi và vai không nghiêng như tám năm về trước trong Nhất định thắng, cô xuất hiện giữa Phố, giữa ngã tư, bên cột đèn đường. Như thể chỉ có vị trí ấy mới xứng đáng với cô. Như thể chỉ có cô mới xứng đáng với vị trí ấy. Rồi không hiểu vô tình hay cố ý mà Trần Dần hay vẽ cô cạnh những người đàn ông trong tư thế ngồi, tay khoanh đầu gối, và cúi đầu. Tám năm đủ cho cô gái Hà Nội chín muồi, tám năm đủ cho nhà thơ biết những thèm khát khác?

Đáng lý em không nên đẹp!
Đùi len mã vĩ
Triển lãm vườn hoa lõa thể
Anatomie lá hẹ
Ôi chao! Ngón chân thường lệ!...
Mông non phi lý
Em mang chức năng bé tí...
...
Tôi đứng thẫn thờ
Đại lộ ngu si.
Có thể nói, trong hành trình tới những thẩm mỹ mới của Trần Dần, ngôn ngữ có một bạn đồng hành trung thủy là Phố. Phố Trần Dần những năm sáu mươi là những chữ vừa quen vừa lạ: phố dài vô lễ, đại lộ ngu si, đại-lộ-lập-thể, đại lộ tai hại, sương bay lèm nhèm đại lộ, phố thở vỉa hè to, chuông khánh thẫn thờ / lủng củng ngã tư xưa ... Phố Trần Dần những năm bảy mươi là thơ lẻ: Phố. Mây trắng. Số nhà đen. Hạt đèn thuở nọ ... Phố Trần Dần những năm tám mươi là những từ không có trong từ điển, những sinh linh như Trần Dần từng gọi: Phố mòn son triệu nốt / chân rêu? Cả mình lẫn những bạn mọn? Phố mòn bạn mọn nốt chân rêu .... Trong một Sổ bụi năm 1988, Phố còn là câu thơ cố tình cụt:

Ôi những phố cố tình vắng vẻ...
Để khói hè
Cũng cần nhắc đến Jờ joạcx , viết năm 1963, gồm nhiều tìm tòi kỳ lạ, kỳ lạ ngay từ cái tên. Nguyên việc trình bày lại trên giấy như tác giả mong muốn cũng là một việc không đơn giản. Nguyên việc phát âm đúng một câu thơ cũng là vấn đề. Nếu Mùa sạch bắt rễ từ suối nguồn ca dao - đồng dao [2] thì Jờ joạcx khai thác những từ ngữ tầm thường đến cục mịch. Từ chữ Sẹo [3], Trần Dần tạo cả hành tinh ngông cuồng sẹo công viên, sẹo đại lộ, sẹo bong bóng, sẹo nước, sẹo đường đôi, sẹo lai ơn, sẹo trăng non, sẹo vườn hoa, sẹo khói, sẹo tắc xi, sẹo mưa, sẹo đèn, sẹo cửa kính, sẹo tàu, sẹo-bàn-ghế-tủ-nam-nữ-đồ-đạcx... đến sẹo hài nhi, sẹo bộ hành, sẹo nữ, sẹo nách nữ ... rồi sẹo hội họa, sẹo xếchx, sẹo chữ ... Sẹo không lùi một ly [4]để bước chân vào thi ca Trần Dần:

Ai ján sẹo tem thư nhờ nhạt ngực phong bì?
hay chưa con nữ kĩ sư truồng dục cưới!!!
...
Nữ chủ nhà đi vắng
để lại trong gương một dọc sẹo lưng trần.
...
Jường jọc jềnh jềnh ôm
kỉ niệm sẹo lò so.
...
Tội lỗi của bình minh

tứ phía sẹo-người đi
Và cũng bất ngờ không kém, Jờ joạcx mở toang một thế giới khác của thi ca Trần Dần, thế giới của nhục dục. Mười bảy thiên thơ ướt jượt thèm khát bừng nở từ một đêm 1963 trong buồng truồng nơi toàn tường truồng chỉ tự trang trí bằng thịt của kí ức ngực mùa nực. Mười bảy thiên thơ huyễn tưởng thằng truồng và nữ kĩ sư truồng với đường đùi, bẹn jờ, sàn truồng, mưa truồng, nữ ngực, nữ găng tay, nữ ôtô, li jượu nữ, khuy iếm nữ, slip nữ, màn mùng chăn nữ, lược nữ, nìn nịt nữ, capốt nữ, dụng cụ nữ, bồn tắm nữ, biệt thự nữ xa xa kín ba cổng nữ, nữ mayô ján trịt thịt nịt, hồng hồng danh thiếp nữ hở niêm phong ...

Trong tác phẩm Trần Dần gọi là thơ-tiểu thuyết một bè đệm này, Phố được chọn làm một trong bốn địa điểm chính, đặc biệt có mặt ở hai thiên X và XV. Không còn dấu vết của Nhất định thắng lẫn Cổng tỉnh, khác xa Mùa sạch và Thơ 63-64, hai tập thơ được viết cùng thời với Jờ Joạcx:

Ừ jòng jành đường đến nhà em... 17 phố tòi 13 cột điện hở
Ừ... tòi...liệu có nữ kĩ sư truồng gặp dượt bầu đêm?
tòi 1
đan lát phố dọc chi chít sẹo nhà
cổ một tầng và chín chịn jài tầng.
tòi 2
vài sẹo bộ hành
thưa gần xa và joen joét sẹo tắc xi jườn
jượt nước
đại lộ mở tòi 3
ướt thượt jữa ngã tư một người
vành tai dính trên dây điện sẹo – A lô! Cho tôi thằng truồng! ...
Một năm sau Trần Dần viết Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết, chưa xuất bản) cũng lại về Phố và nơi gặp gỡ của Phố. C¬n ám ảnh của Phố sẽ chẳng bao giờ chấm dứt trong ông, giống như một món nợ truyền kiếp, giống như một khao khát, về một tuổi thơ chẳng bao giờ quay lại, về một vẻ đẹp chẳng bao giờ với tới mà từ Cổng tỉnh nhà thơ đã nghiệm trước cho mình:

Ai có thể bắc cầu đò vào cõi sao bay?
Hãy cho tôi một ngày - một ngày thơ ấu hẳn
Hãy cho tôi một góc phố nào sương xuống thật thơ ngây...
(Cổng tỉnh t.136)
Câu thơ như một tiếng khóc cho cái-không-thể. Cái-không-thể đó chính là Phố. Những người thân trong gia đình Trần Dần kể lại, sau này, khi đã luống tuổi, bị dày vò bởi bệnh tật, ông thường chống gậy ra Phố và chọn một góc dưới cột đèn đường để ngồi một mình nhiều giờ liền. Những năm sau này, phố Sinh Từ của Nhất định thắng được thay thế bởi một Phố nhỏ khác cũng bình dân, cũng không xa ga Hàng Cỏ. Nơi ông ngồi là n¬i gặp gỡ của phố nhỏ Vũ Lợi và Phố lớn nếu tiếp tục đi sẽ trở thành đường quốc lộ số Một, sẽ qua thành phố Nam Định quê ông, sẽ chạy một mạch đến tận Sài Gòn và xa hơn nữa. Nơi ông ngồi vô cùng ồn ào, nhiều người qua lại, nhiều bụi bẩn, không một chút thơ mộng, không một bóng cây. Trong khi đó chỉ cần đi về phía ngược lại, sẽ tìm được nhiều chỗ yên tĩnh và mát mẻ cho những ai muốn nghỉ ngơi.

Sổ bụi 1989 gồm những ghi chép cuối cùng của Trần Dần. Có thể đọc được ở đây những dòng rất xúc động về ga cuối, tuổi cuối, hai bàn chân cuối, xứ cuối, tia cuối, mây cuối, con mắt cuối, đắm đuối cuối, tim cuối, bóng cuối, mùa quả cuối, ngày hạ cuối, chân trời bóng cuối... Rồi, không thể nào khác, con người đang chuẩn bị ra đi mãi mãi hay chuẩn bị về chiêm bao trong vĩnh cửu đất ấy lại dành những dòng xao xuyến nhất cho Phố:

Hoa soi? hoa sói. hoa sòi. hoa khói? ga cuối của lòng? tim cuối? hai
bàn chân cuối? đây rồi phố cuối? – khóc đi thôi?
...
Tim cuối lê về phố cuối
Hay là tia khói cuối đã tan đi?
...
Cho tôi ngồi phố khói? ga khói của lòng? bướm khói liệng sân ga?
Nỗi niềm Phố của Trần Dần chỉ có thể ví được với sự tận tâm mà Bùi Xuân Phái trong công cuộc tìm kiếm hội họa đã dành cho Phố. Nếu Phố Trần Dần là những câu thơ xù xì góc cạnh khó được coi là thơ ca thì Phố Phái với những nét vẽ to đen nghuệch ngoạc cũng khác thường so với nền mỹ thuật đương thời vẫn mê mải nghệ thuật trang trí tả thực và hiền lành. Sự gần gũi này giải thích lý do hai người lúc sinh thời tuy không phải là bạn chí cốt nhưng luôn trọng nhau, giải thích cái danh hiệu người Quốc họa mà Trần Dần đặt cho Bùi Xuân Phái.

Trong lòng người dân Việt tên Phái gắn liền với những họa phẩm nuối tiếc cho một vẻ đẹp Phố không còn nữa. Cũng trong lòng người dân Việt, tên Trần Dần luôn đi kèm những câu thơ của Nhất định thắng, ở đó Phố bị từ chối. Có thể, một cách vô thức, người đọc chia xẻ được phần nào nỗi đau của nhà thơ. Ngày ấy có ai biết Phố đã và sẽ làm nhà thơ đau đớn biết chừng nào?

Nếu thời gian của Nhất định thắng không còn chỗ cho kỉ niệm và khát vọng thì bản thân Phố, vượt lên hết, lại chính là hiện thân của cái đẹp. Phố Sinh Từ vì vậy không thể được hiểu là tình yêu đơn thuần trao cho một địa điểm cụ thể, một địa chỉ riêng, như người ta vẫn thường quyến luyến nơi ở của mình. Phố Sinh Từ cũng không thể được hiểu trong một tình yêu nam nữ nào đó mà ai cũng có thể tìm thấy một hay nhiều lần trong đời mặc dù ở đây Phố được xếp cạnh cô gái Hà Nội, cạnh mối tình của nhà thơ và cô gái. Phố Sinh Từ cần được hiểu trong nghĩa rộng hơn nhiều, khác hơn nhiều. PHỐ chính là THƠ.

Ngày ấy có ai biết đằng sau những câu thơ về Phố là chân dung của một nhà thơ hoài nghi, hoài nghi đến tuyệt vọng. Hai mươi chín câu hỏi nằm rải rác trong Nhất định thắng không phải lúc nào cũng nhận được trả lời, không phải lúc nào cũng dành cho một ai đó. Toàn bộ bài thơ giống như một câu hỏi lớn về số phận của cô gái Hà Nội, của cuộc di cư vào Nam, của người dân miền Bắc. Nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn là câu hỏi về số phận của thơ:

Nhưng hôm nay
tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu?

Tôi là người vô địch của lòng tin
Sao bỗng đêm nay
Tôi cúi mặt trước đèn?
Nếu nỗi hoài nghi của Nhất định thắng có vẻ đến từ ngoại cảnh, nằm ở sự lựa chọn giữa thơ hay thơ chính trị, giữa làm nhà thơ hay làm nhà chính trị thì Cổng tỉnh đề cập một cách trực tiếp hơn nỗi hoài nghi trong chính mối quan hệ thu hẹp giữa thơ và người sáng tác. Bốn năm sau Nhất định thắng, nhà thơ nhiều lần tự hỏi bóng của mình:

… Có gì an ủi được hơn thơ?
Có mộng tưởng? Cho tôi một ngụm?
(Cổng tỉnh, t.103)
Các sổ bụi Trần Dần chi chít dấu hỏi. Năm 1988, hơn ba mươi năm miệt mài con chữ hay sửa sang cầu Tràng Tiền-Quốc ngữ như ông tự định nghĩa, hoài nghi vẫn khiến Trần Dần phải viết: Buồn bã? Thơ? một cái TÔI-KHÔNG-BIẾT-CÁI-GÌ, un JE-NE-SAIS-QUOI? tôi vẫn VÔ TÍCH SỰ cả một VÁN ĐỜI GIỮ QUYẾT CON CHỮ…tôi vẫn THUI THỦI MỘT MÌNH – THUI THỦI CHIÊM BAO - tới ngày tận thế. LỜI LANG THANG ván chiêm bao? ván chiêm bao? Cứ thế tới ngày tận thế. MỖI NGƯỜI THĂM …THẲM…- MỘT CHIÊM BAO.

Hoài nghi đã gạt Trần Dần, ngay từ Nhất định thắng, ra ngoài lề nền thơ ca đương thời trong đó các nhà thơ cứ mỗi lần làm thơ lại thấy mình tràn đầy vui sướng, trong đó thơ ca luôn nhận được những lời khen ngợi đến từ chính…các nhà thơ, theo kiểu hết sức ngây ngô: Ồ thích thật, bài thơ miền Bắc; và lý do đơn giản đến tội nghiệp: vì nó rất vui, rất vần [5].

Hoài nghi của Trần Dần đương nhiên là không bao giờ được quyền có mặt trong kim chỉ nam cho người viết và nghề viết: Nay ở trong thơ nên có thép / Nhà thơ cũng phải biết xung phong. Định nghĩa này sau đó đã được công thức hóa rõ ràng hơn trong cách đòi hỏi mọi nghệ thuật đều phải có tính Đảng và tính chiến đấu, bên cạnh rất nhiều tính khác, cũng lạc đề tương tự, như tính đại chúng, tính dân tộc, tính công nông… Định nghĩa này được một đội ngũ đông đảo văn nghệ sĩ đi theo, củng cố và hoàn thiện để có thể được kí bởi một phong cách chung: phong cách Xã hội chủ nghĩa, bởi một chữ kí chung: nền văn học Xã hội chủ nghĩa. Định nghĩa này thành công đến mức kể cả những tác giả lớn cũng có thể kí thay Tố Hữu trong những lời ca ngợi đất nước:

Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
hoặc trong những lúc nói về thơ:

Tay người như có phép tiên
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ [6]
Nếu như lạc quan cách mạng có thể khiến Nguyễn Đình Thi bỏ lại những trăn trở với cách tân nghệ thuật để tiến tới một vị trí lãnh đạo trong nền văn học đương thời thì hoài nghi lại dẫn Trần Dần đến những thử nghiệm không mệt mỏi:

Đi đâu?
Đi
đâu
ra
khỏi
TRẦN GIAN – BA CHIỀU
Một khao khát chiều thứ tư? Bát ngát? Bát ngát? chiều thứ tư khao khát? Điên rồ
Mọi người yên tâm trong hữu hạn?
Mình lại điên rồ thèm khát vô biên?
(Sổ bụi, 1988)
Hoài nghi về sinh mệnh của thơ. Hoài nghi về khả năng của thi sĩ. Hoài nghi trong trường hợp Trần Dần đồng nghĩa với sáng tạo. Về ba mươi ba năm khuất bóng, nhà thơ trả lời ông được cái hoạn nạn . Thơ đã tách Trần Dần ra khỏi những bi kịch cuộc đời để đưa ông vào một bi kịch khác, bi kịch của nhà thơ. Càng về sau, sáng tác của ông càng trở nên khó đọc. Ngày nay những ai hiếm hoi có dịp được tiếp xúc với chúng vẫn không làm sao quen được phong cách không ngừng mới và đầy bất ngờ của ông. Trong khi độc giả Việt Nam còn nhớ mãi những câu thơ về Phố Sinh Từ, về mưa sa trên màu cờ đỏ, về cô gái Hà Nội, thì Nhất định thắng đã bị từ chối lâu lắm rồi bởi chính tác giả của nó.

(Paris, tháng 3 năm 2003)

_________________________

[1]đọc Trần Mạnh Hảo, "Thơ hay là hành vi tôn xưng ngôn ngữ dân tộc", Văn Nghệ Quân Ðội, Số 9 tháng 5-1998.


[2]Chữ của Dương Tường trong "Lời bạt" của Mùa sạch (Nhà xuất bản Văn học, 1997)


[3]Sẹo là chữ của Đặng Đình Hưng. Trang đầu của Jờ Joạcx, Trần Dần trích thơ Đ.Đ.H và ghi chú điều này.


[4]Trong cuộc nói chuyện với văn nghệ sĩ Huế năm 1988, Trần Dần nói: "…Văn là mình, không thằng nào giống thằng nào. Nó phải tự khẳng định cái tôi của nó, không lùi một ly…" (Trần Dần – Ghi, td mémoire, 2001, trang 439)


[5]Tố Hữu, "Bài ca mùa xuân năm 1961".


[6]Nguyễn Đình Thi, "Bài thơ Hắc Hải", 1958.

Phượng Các
#3 Posted : Saturday, February 26, 2005 1:33:21 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
What do you like for your breakfast


Con đường dài năm cây số. Năm cây số không qua một vườn hoa. Năm cây số cho một buổi tối để Cô nhận ra người Hà Nội không thích vườn hoa. Bãi cỏ Hà Nội nếu không dành cho các cụ phụ lão tập thể dục buổi sáng, các cụ phụ lão thường gốc gác không Hà Nội, thì dành cho gái bán hoa, cũng một trăm phần trăm không Hà Nội. Năm cây số không qua một vườn hoa. Từ bé đến lớn Cô được ra vườn hoa một lần, để chụp ảnh bên tượng Lê-nin, cách đây hai mươi năm, lúc đó tình hữu nghị Xô-Việt còn mặn mà, lúc đó các cụ phụ lão Hà Nội còn thích xếp hàng mua gạo hơn tập thể dục và các cô gái bán hoa thì chưa biết đường từ nhà quê ra thành phố. Cô và Thành không bao giờ đi cùng nhau ra vườn hoa. Từ hồi mới quen cho đến khi có thằng Phong. Cô và Thành tìm hiểu nhau ngay trong căn hộ một phòng của gia đình, lần lượt trước mặt bố, mẹ, rồi Xuân, rồi chính nó đã chạy đi thông báo cho bố mẹ giai đoạn tìm hiểu như thế là kết thúc. Tất nhiên giai đoạn sau, giai đoạn chuẩn bị đám cưới, diễn ra nhanh chóng và bận rộn, không cần đến sự hiện diện của hoa lẫn vườn hoa.

Thằng Phong con Cô bây giờ không biết vườn hoa là gì. Cô và Thành không bao giờ dẫn nó ra công viên, còn cô giáo trường Mầm Non của nó có đưa cả lớp đi chơi vườn hoa, mỗi tháng một lần, đúng như qui định của bộ Giáo Dục, thì chọn vườn hoa gần nhất không có hoa chỉ có môt cái đu quay ngũ sắc, năm cái ô tô trẻ con, tất cả đều chạy bằng điện và nhập từ nước ngoài, nên không thể phục vụ trẻ con mà không lấy tiền.

Năm cây số không qua một vườn hoa. Mọi khi bao giờ Cô cũng vội, bao giờ cũng phải tìm một hàng quà cho thằng Phong ăn sáng rồi đèo nó đến trường, bao giờ cũng ra đến phố Khâm Thiên đúng lúc ông bẻ ghi đánh kẻng thông báo tàu Hải Phòng vừa rời ga Hàng Cỏ. Mười lăm phút đứng sau cái chắn tàu chuyển thành mười lăm phút điểm tâm. Bà hàng xôi đều đặn bảy giờ năm sai đứa giúp việc mang cho Cô hôm xôi lúa, hôm xôi xéo, hôm xôi đỗ xanh, hôm xôi lạc, hôm xôi vò. Hết các loại xôi cũng vừa đủ năm ngày làm việc trong tuần. Đầu tuần nào đứa giúp việc cũng hỏi vẫn thế nhé lúa xéo xanh lạc vò. Đầu tuần nào Cô cũng trả lời ừ, lúa xéo xanh lạc vò. Có hôm ông bẻ ghi nhỡ tay gõ kẻng mà tàu lại chưa khởi hành từ ga Hàng Cỏ, mười lăm phút đợi thành hai mươi, thậm chí ba mươi, ăn xong gói xôi, Cô còn kịp đi chợ cho bữa tối, đầy đủ cả thịt cho thằng Phong lẫn trứng cho Thành, có lần còn mua được cho con cái mũ len màu đỏ ở một trong năm mươi cửa hàng mũ len phố Khâm Thiên, một lần khác cho Thành đôi quần đùi xanh bộ đội ở một trong năm mươi cửa hàng quần đùi cũng phố Khâm Thiên.

Năm cây số cho một buổi tối. Buổi tối tàu Hải Phòng không chạy qua phố Khâm Thiên. Buổi tối cho Cô nhìn sang hai bên đường để thấy người phố Khâm Thiên không ăn xôi mà ăn trứng vịt lộn cho thơm miệng. Năm cây số kể ra cũng gần, nếu đi qua một vườn hoa thì còn gần hơn, phố Khâm Thiên không bụi lắm, bỏ mũ len đỏ với quần đùi xanh bộ đội đi thì còn nên thơ hơn đường Chiến Thắng B52. Ông bẻ ghi không phải ngày nào cũng nhỡ tay, giờ này chắc nằm trong chăn rồi. Còn đứa giúp việc cho bà hàng xôi ngày mai thế nào cũng tìm Cô cuống cuồng, rồi thế nào cũng bị ăn mắng, khéo bị đuổi việc cũng nên.

Đi hết phố Khâm Thiên, rẽ sang ga Hàng Cỏ, ra phố Trần Hưng Đạo, đạp thêm ba phút nữa là đến cơ quan. Cũng không dẫn qua một vườn hoa. Công viên Lê-nin lớn nhất Hà Nội lúc ở bên phải lúc ở sau lưng chứ không bao giờ nằm trên trục đường Cô đi. Cô nghĩ người Hà Nội chẳng bao giờ đặt chân vào đây, chỉ ngồi nhà xem phóng sự vô tuyến mà bảo công viên Lê-nin cũng dành cho các cụ phụ lão tập thể dục buổi sáng, dành cho gái bán hoa buổi chiều, còn trong ngày thì cho khách nhà quê ra tham quan thủ đô, thời gian gần đây cho cả khách nước ngoài đến du lịch Hà Nội, khách nước ngoài cũng thường nguồn gốc nhà quê nước ngoài. Công viên Lê-nin có cả đu quay và ô-tô chạy bằng điện phục vụ khách nhà quê lẫn bánh tôm và nước suối la vie phục vụ khách du lịch nước ngoài, cả hai loại khách đều trả giá vé vào cửa bằng nhau, trẻ em hai nghìn còn người lớn ba nghìn. Xuân bảo bố mẹ tìm hiểu nhau ở công viên, Cô và Thành tìm hiểu nhau trong căn hộ gia đình, thế hệ nó tìm hiểu nhau ngay trong quán lá hay khách sạn mini, không nhất thiết phải dưới sự dám sát của gia đình bên nữ, bởi gia đình bên nữ nào bước vào thiên niên kỉ mới cũng công khai mong con gái lập gia đình càng sớm càng tốt, may mắn thì gặp được ngoại kiều hay Việt kiều, vừa vừa thì có hộ khẩu thủ đô, công ăn việc làm ổn định.

Xuân nhan sắc trung bình, năm năm chẳng có Việt kiều nào đến rủ đi quán lá hay khách sạn mini, hai mươi chín tuổi được Thành giới thiệu cho Phương, ba mươi tám tuổi, góa vợ, hai con gái, kĩ sư nhà máy dệt mồng Tám tháng Ba. Lần đầu tiên gặp em rể cũng là ngày ăn hỏi của Xuân và Phương, Cô tiếc ba mươi năm sau chiến tranh, dân số Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng thừa nữ thiếu nam nên con gái Hà Nội không còn hấp dẫn cả đàn ông lẫn thi ca Việt Nam. Đầu năm nay nghe tin Xuân đẻ con trai, Cô lại nghĩ thế là máy soi thai nhập khẩu từ nước ngoài đủ khả năng để bảo đảm trong hai mươi năm tới nam đông bằng nữ, để con gái Hà Nội tìm lại giá trị ban đầu và con gái nông thôn đỡ phải tìm chồng tận Trung Quốc, nơi không cần máy soi thai, từ hai mươi năm nay hài nhi nam tự động được giữ lại, hài nhi nữ không hiểu cho đi đâu, bao nhiêu diễn đàn phụ nữ và hội nghị nhân quyền quốc tế mà chẳng tìm ra. Thành và Phương, bạn đồng ấu, giờ lại anh em cột chèo, rất hiểu nhau, cả hai cùng thích nói người Trung Quốc đi nhanh hơn người Việt, ít ra cũng hai mươi năm.

Vừa đạp xe Cô vừa nghĩ bao giờ mới hết mùa đông, hết mùa đông để Cô dẫn thằng Phong đi chơi, không vườn hoa thì bờ hồ, bờ hồ buổi sáng cũng đông các cụ phụ lão tập thể dục nhưng là các cụ phụ lão của Hà Nội khu phố cổ, không phải Thành Công hay Thủy Lợi hay Nam Đồng hay thủ đô mở rộng. Thằng Phong hôm nào cũng xem vô tuyến tính toán bao giờ nhiệt độ Hà Nội xuống đến O để nó được trượt băng ở bờ hồ như trong phim Liên Xô, được lấy tuyết cho vào mồm đỡ phải mất tiền mua kem cũng như trong phim Liên Xô.

Ông bảo vệ mũ len chấm mũi, vô tuyến trước mặt, đội quốc gia Lào hữu nghị đội tuyển Việt Nam. Cô đi qua hỏi bác ơi phe ta thắng mấy quả rồi vẫn thấy cái mũ len nghiêm túc ngồi. Các phòng đều đóng cửa. Đứng trước xưởng, Cô mới nhớ ra đã quên chìa khóa ở nhà, lại đập tay vào trán. Từ hồi đẻ thằng Phong mắc bệnh hay quên. Bác sĩ bảo thế là thường, sản phụ hai năm mới hồi phục được hai phần ba trí nhớ, ba phần tư thị giác. Cô đợi mãi hai năm, ba năm, rồi bốn năm, thấy trí nhớ ngày càng giảm, có lẽ chỉ còn một phần ba, có lẽ rồi chẳng nhớ cái gì nữa cả. Quên bây giờ là hỏng. Hai ngày nữa Thành mới về. Hai tiếng sau đấy mới gọi điện cho Cô hỏi thằng Phong lên ông bà ngoại à. Hai tiếng sau đấy nữa mới bảo nhớ đón con và đi chợ luôn thể. Rồi lại hai tiếng sau đấy nữa mới cằn nhằn, lúc ra mở cửa cho Cô và thằng Phong, đầu óc để đâu mà không mang theo chìa khóa, may mà có người ở nhà không thì phá cửa mà vào. Hai ngày sau đấy mọi việc sẽ trở lại như cũ. Sáng sáng, sau khi dặn thằng Phong không được cho chân vào bánh xe đạp, thế nào Thành cũng quay sang hỏi Cô đã cầm chìa khóa nhà chưa. Bà hàng xôi cũng sẽ tiếp tục sai đứa giúp việc mang lúa xéo xanh lạc vò ra chỗ tránh tàu. Ông bẻ ghi lại một tuần hai lần đánh kẻng nhầm để Cô còn tranh thủ mua cho thằng Phong cái mũ len đỏ mới vì cái mũ cũ không còn đỏ lắm, mua cho Thành đôi quần đùi xanh bộ đội khác vì đôi quần trước cũng đã hết cả bộ đội rồi.

Cô muốn gọi ông bảo vệ nhưng ngại làm phiền cái mũ len, ngại bị giữ lại xem đá bóng thì ít xem cổ động viên Lào đánh nhau với cổ động viên Việt thì nhiều, mới mười lăm phút đã bốn người bị thương, mỗi bên hai, toàn ở mức độ trên cảnh cáo. Còn đợi thì chẳng đồng nghiệp nào đến mở cửa cho Cô giờ này. Nhất là giữa mùa đông. Nhất là Cô chỉ có toàn đồng nghiệp nam, toàn đồng nghiệp nam thích bóng đá và sợ lạnh. Thành giờ này chắc cũng nghiêm túc trước cái vô tuyến Nép-tuyn hai mươi inh của nhà khách tỉnh Hoàng Liên Sơn. Cô nghĩ đàn ông nói chung yếu ớt hơn đàn bà, đàn ông chịu lạnh kém hơn đàn bà. Thành lúc nào cũng xua Cô vào chăn trước, lúc nào cũng đi tất mặc áo len leo lên giường, bây giờ xua thêm cả thằng Phong, vừa xua vừa cằn nhằn không đi tất mặc áo len chân tay lạnh thế cứ chạm vào người nằm cạnh. Khoảng trống chăn gối vợ chồng của Kundera xem ra khó có thể áp dụng cho hoàn cảnh của Cô và Thành. Nhà văn không thể tưởng tượng được trên cái giường đáng lý chỉ dành cho vợ chồng Cô còn có thêm sự hiện diện của thằng Phong và điều này đã xảy ra từ bốn năm nay, từ khi nó ra đời, cho đến tận bao giờ thì chẳng ai có thể biết chính xác. Cô nhớ là hai chị em Cô đã ngủ với bố mẹ cho đến khi Cô vào học cấp hai. Lý do không phải vào lúc đấy bố mẹ Cô, mỗi người đều ở tuổi hơn bốn mươi, mới thấy cần thiết có một chăn gối vợ chồng thực sự, mà chỉ vì cái giường đôi đã trở nên quá chật cho bốn người, nhất là vào mùa hè, nhất là vào những đêm Hà Nội mất điện, mà những đêm nóng nhất ở Hà Nội bao giờ cũng mất điện. Ông nhà văn Pháp gốc Tiệp cũng làm sao biết được rằng vợ chồng Cô hàng đêm chia với thằng Phong diện tích 120cmX180cm chứ không phải cái giường king size hoặc extra large gần rộng gấp đôi để có thể như Paul và Agnès, luật sư và nhà nghiên cứu khoa học, vì sợ hơi thở của mình đánh thức người kia dậy, lăn mỗi người ra một mép giường tạo nên một khoảng trống rộng ở giữa.

Cô tự nhủ giá như vợ chồng Cô có đủ chỗ trên giường để nằm xa nhau những lúc không thể nằm cạnh nhau được nữa thì có lẽ hôm nay Cô không đến ngủ nhờ cơ quan. Nhiều lần để không phải nằm sát Thành, Cô thử đặt thằng Phong vào giữa nhưng nó nhất định không chịu. Từ bốn năm nay nó quen với sự có mặt của bức tường cạnh giường, thích đập đầu vào tường bôm bốp hơn là chạm phải người bố. Cô nhớ chính Cô đã luyện cho nó thói quen này, ngay từ những ngày còn cho nó bú đêm, chỉ vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của Thành. Thế là cuối cùng không phải lỗi chỉ ở cái giường đôi phải chứa ba người mà còn vì Cô không nhìn xa trông rộng, không biết rằng rồi có ngày cả Cô lẫn Thành đều ao ước, tuy không nói ra, giữa hai người có một khoảng giường, hẹp cũng được, nhưng đủ để không ai chạm phải ai.

Cô đi vòng ra sau lưng xưởng, leo lên bức tường ngăn tòa soạn với quán cà phê. Ở độ cao hai mét Cô nghĩ may cái tường bị xây nửa vời, chắc không bên nào chịu chi tiền, may mùa đông quán vắng khách để chẳng khách nào chạy ra hỏi định tử tử đấy à. Cô cởi áo khoác, buộc một tay áo vào bụng, tay kia vào máng nước mưa. Thành máng phủ đầy rêu xanh. Nhích được mười phân thì tụt xuống một nửa. Sau ba mươi phút Cô cũng men đến nơi. Một mét mà có cảm giác vừa chinh phục Ê-vơ-rét. Bây giờ mọi chuyện trở nên dễ dàng. Chỉ cần với tay nắm lấy chấn song gần nhất rồi đu cả người lên bệ cửa sổ. Kính đã vỡ hết. Lớp giấy báo không cần phải gỡ cũng tự động rời khung cửa, tự động rơi xuống đất. Cái móc sắt cũng chỉ đợi Cô chạm tay vào là tự động bật ra. Cô nghĩ việc ngủ đêm ở xưởng hóa ra cũng không đến nỗi phức tạp. Hai cánh cửa sổ tuy nhỏ nhưng mở ra đủ cho Cô bò cả người vào không cần phải lách, phải tính toán cho chân nào vào trước, chân nào vào sau, bụng hay ngực cái nào to hơn, cái nào đỡ vướng hơn. Nhảy từ bệ cửa xuống sàn nhà cũng chẳng khó hơn từ giường nhà Cô xuống đất. Rồi mở công tắc đèn, rồi ra góc nhà tìm cái nắp sắt hình vuông, nhấc nó lên, thả người một cái là rơi xuống xưởng. Làm xong những việc ấy, Cô lại nghĩ hóa ra mọi việc đơn giản thật. Giấc ngủ đến với Cô, lần đầu tiên không phải trên giường nhà, giữa Thành và thằng Phong, cuối cùng cũng đơn giản như thế.

Cô thức dậy. Cô nghĩ đã bị đánh thức bởi mùi cà phê. Sáng, một đồng nghiệp của tổ trang trí, ngồi trên cái ghế đẩu giữa xưởng. Cô mở mắt, Sáng vẫn tiếp tục quấy cà phê. Cô im lặng nghĩ thế là quên không chuẩn bị trả lời câu hỏi của các đồng nghiệp. Đầu óc có vấn đề thật rồi. Năm phút không thấy Sáng nói gì, Cô lại tự bảo có toàn đồng nghiệp nam mà lại may. Mười năm nay, Cô hai lần bị người yêu bỏ, lấy Thành không có hộ khẩu Hà Nội, ba lần bị móc túi, một lần xuýt mất xe đạp mà chẳng ai trong cơ quan biết để gửi lời chia buồn.

Cô thấy mùi cà phê quả là dễ chịu. Ở nhà Cô, Thành không bao giờ uống cà phê buổi sáng, Thành chỉ thích mùa đông ăn mì ăn liền đập trứng còn mùa hè cơm rang cũng đập trứng. Hồi mới lấy nhau, Cô cố luyện theo thói quen ấy của Thành nhưng càng cố càng sợ, càng cố càng phải ra khỏi nhà trước khi Thành ăn sáng. Một hôm chủ nhật không phải đi làm, Cô vào quán giải khát đầu phố mang về cho Thành một tách cà phê. Lấy hết dũng cảm, Cô nói một hơi: uống cà phê vừa sang trọng vừa lịch sự, lịch sự ở chỗ uống cà phê không cần phồng mang trợn mắt, không mồ hôi mồ kê nhễ nhại, uống xong cũng không phải rửa bát đũa bằng xà phòng, không phải đánh răng hay xúc miệng, còn sang trọng là vì nó có tên chính thức trong các thực đơn, nó không trộn hoá chất như mì ăn liền, cũng không nhiễm vi khuẩn như cơm rang, người Việt Nam không bao giờ cất cơm thừa vào tủ lạnh, tủ lạnh ở Việt Nam mùa hè làm đá, mùa đông làm giá sách hay chỗ cho nhện chăng tơ, tủ lạnh Sa-ra-tốp công nhân và sinh viên Việt Nam đóng tàu biển mang từ Liên Xô về, đợt cuối cùng cách đây mười năm, dùng đến nay vẫn bền, người Hà Nội chê kêu to tốn điện đem bán lại cho người nhà quê, người nhà quê không sợ ồn ào, kêu to càng vui đỡ phải mở đài, còn điện thì nhân viên sở Điện không được trả tiền xăng để đi xe máy về nhà quê thu tiền điện nên từ hồi có điện, nông dân chưa biết mặt mũi hoá đơn tiền điện như thế nào. Thành cũng phát biểu một hơi rằng anh chẳng cần lịch sự lẫn sang trọng, dạ dày anh cũng chẳng cần lịch sự sang trọng, dạ dày anh không đủ tiểu tư sản để chịu nổi tách cà phê buổi sáng, ba thìa đường không đủ ca-lo-ri cho anh đạp xe từ nhà đến cơ quan, dạ dày anh quen mì ăn liền và cơm rang, ngày xưa thì trộn rau cải hay dưa muối cũng từ rau cải, bây giờ trộn trứng, không gì bổ bằng trứng, anh là nhà sinh vật học anh biết, anh cũng đã qua thời bao cấp anh biết, thời bao cấp trứng đắt ngang thịt, thời bao cấp mỗi hộ được năm quả trứng một tháng, tháng nào không có trứng phải mua bù đậu phụ vừa tốn mỡ vừa tốn thức ăn. Cô chẳng biết nói gì chỉ nghĩ người Hà Nội dùng trứng Hà Nội không đủ phải nhập cả trứng Trung Quốc. Mỗi năm nhập năm trăm nghìn quả trứng Trung Quốc, Hà Nội có thêm năm mươi cửa hàng đặc sản chín món trứng: trứng vịt lộn, trứng ốp lếp, trứng nấu chè, trứng đánh bông, trứng thuốc bắc, trứng lá mơ, trứng chả rươi, trứng thịt kho, trứng ngải cứu. Cô tự hỏi đầu bếp Trung Quốc làm được thêm mấy món trứng nữa. Cô cũng muốn biết chồng Trung Quốc có lịch sự với vợ không bởi Thành chỉ quan trọng mỗi tính thật thà.

Cô muốn chào Sáng và hỏi uống cà phê buổi sáng à nhưng nghĩ thế nào Sáng cũng không trả lời. Năm phút sau còn băn khoăn thì Sáng đã đứng lên, một lúc quay lại đưa cho Cô tách cà phê, có đủ cả đường lẫn sữa, còn kèm một khúc bánh mì kẹp bơ. Cô ngồi dậy ăn bữa điểm tâm bất ngờ, thâm tâm thấy hài lòng vì được người khác phục vụ, lại là một người khác phái, lại không cần hỏi mà biết món Cô hàng ngày chỉ nhìn thấy trong Stream Line, quyển Một quyển Hai quyển Ba quyển nào cũng hỏi what do you like for your breakfast để cô trả lời coffee and bread and butter.

Hai người ngồi như thế, im lặng. Sáng uống nốt tách cà phê. Cô vừa ăn vừa nghĩ bấy lâu nay chỉ biết ăn sáng ở chỗ chắn tàu, giữa mũ len, quần đùi và người lạ mặt, vừa hít bụi vừa nhai xôi, ngỡ làm như thế là để tính thật thà của Thành bớt đi một chút thật thà. Mười lăm phút ấy, trên phố Khâm Thiên, quai hàm Cô bạnh ra hai bên, mắt lừ đừ, mũi đỏ lự, cơ cổ giật liên hồi. Cô ngẩng lên nhìn thì Sáng đã đi ra đến cửa. Cửa đóng lại rồi Cô mới nhớ là chưa cám ơn Sáng, lại vỗ tay vào trán. Sáng mặc quần bò áo thun, cả hai đều không mới cũng không cũ, chân đi săng đan da, lưng đeo túi thổ cẩm. Cô nghĩ Sáng chẳng giống các họa sĩ còn lại của tổ trang trí. Ít ra cũng ở cách ăn mặc, không dắt điện thoại di động ở mông, không đeo hầu bao giả da ở bụng, áo thun cũng không in tháp Ép-phen ở trên, I love Paris ở dưới. Ít ra cũng ở cách nói năng, không câu nào cũng tôi vừa cho đi mấy bức, thằng khách của tôi giám đốc người Pháp, đại diện người Mỹ, nhà báo người Nhật, không gặp ai cũng hỏi thế nào mấy mảnh rồi, sắp xây chưa, vào cầu chứ. Ít ra Sáng cũng đến xưởng mỗi ngày một lần, chẳng để làm gì, đúng tám giờ sáng, ngồi mười lăm phút trên cái ghế đẩu, rồi lại đi, chẳng để làm gì, nhưng cũng đến xưởng mỗi ngày một lần, tám giờ sáng.

Năm năm tiếng Nga của Cô ở đại học sư phạm ngoại ngữ kết thúc cách đây mười năm, cùng với việc Liên Xô tan rã, cùng với tính linh hoạt được người Việt thể hiện triệt để, xóa sổ hoàn toàn tiếng Nga, lớp học tiếng Anh mọc lên như nấm. Cô cũng mua một bộ Stream Line, năm mươi nghìn cả sách lẫn băng, tuần hai tối đến trung tâm ngoại ngữ Tô Hiệu theo cua cấp tốc, được mươi ngày thì phát giác thầy giáo hóa ra cũng vừa tốt nghiệp đại học tiếng Nga, linh hoạt sớm nên mua Stream Line sớm, trước cô nửa năm, lúc cả sách lẫn băng chỉ có ba mươi lăm nghìn, giờ ba tối đi học Stream Line Hai, ba tối đi dậy Stream Line Một, còn ban ngày làm nhân viên phòng hành chính công ty Thực Phẩm Hà Nội. Cô tiếc năm mươi nghìn tiền học chót đóng nên đành đến lớp giúp thầy giáo cua nào cũng bỏ nửa tiếng đầu chữa L với N vì một nửa lớp nhất định gút mo linh mai lêm iz nan ai niv in việt lam. Nửa tiếng cuối dành cho tâm sự tập thể vì một nửa lớp khủng hoảng tâm sự lại không sợ mất tiền, đặt chân vào lớp là vây quanh cô Hồng Hoa, cô Hồng Hoa ba mươi tư tuổi thợ may không chồng cũng không bao giờ nhầm L với N nhưng rất thích từ đếch, trong giờ ba lần gác chân lên ghế tâm sự chị gái em tên Ngọc Hoa đếch biết một câu tiếng Anh nào lấy được chồng Thụy Điển đếch biết một câu tiếng Việt nào, kĩ sư cầu đường đến phố Huế lắp ống nước gặp chị gái em tên Ngọc Hoa ra rửa rau sống ở vòi nước công cộng, đếch hiểu thế nào một tuần sau đã cưới. Hết ba tháng, cả lớp vẫn ở Lesson One nhưng ai cũng bị hội chứng đời đếch là cái đếch gì của cô Hồng Hoa. Hết ba tháng, cả lớp chẳng thuộc thêm từ mới nào nhưng ai cũng rõ cô Ngọc Hoa vừa về thăm gia đình, vẫn đếch biết một câu tiếng Anh nào nhưng bế theo một thằng cu vừa béo vừa trắng như trên hộp sữa Similac. Cô sốt ruột hỏi thầy bao giờ mới học hết Stream Line Một để Cô còn có bằng đi dậy, không chính qui thì ban đêm cũng được, không ngay quận Hoàn Kiếm như thầy thì cùng lắm là ngoại ô, chịu khó ra khỏi Hà Nội năm cây số thì Stream Line Một biến thành Stream Line Hai, đến thị xã Hà Tây thành Stream Line Bốn, hai mươi cây số còn hơn ngồi nhà ngắm mảnh bằng tiếng Nga, có lên đến Sơn La cũng chẳng ai muốn học. Thầy giáo tiếng Anh, tên Huy, cuối giờ rủ Cô đi giải khát. Ngồi xuống ghế, quăng túi sang một bên, cũng túi thổ cẩm, thầy gọi Cô là bạn xưng mình, lại hỏi bạn dùng líp tân hay cóp phi, cuối câu lên giọng như trong băng. Uống hết tách cà phê, thầy khuyên Cô cố theo ngành ngoại ngữ, không Anh thì Pháp, linh hoạt nhất là cả hai, tiếng Nga cũng không nên bỏ, cách đây dăm năm ai nghĩ đến tiếng Trung. Thầy tâm sự tuần trước vừa đăng kí học tiếng Pháp, ở Alliance Francaise, một tuần hai buổi, giờ tan tầm. Tiếng Pháp không khó hơn tiếng Anh nhưng cả buổi thon thót vì tên cúng cơm của thầy liên tục bị nhắc, cứ chê dân châu Á không biết nói non nhưng người Pháp thực ra nói oui trong mọi trường hợp. Thầy bảo Cô học tiếng Nga thì biết tên cúng cơm của thầy cũng từng có vấn đề với Nga ngữ. Trong năm năm liền thầy đau khổ vì chuyên gia Liên Xô cứ đọc đến nó là cười sằng sặc, cười xong còn bảo trước mặt cả lớp bố mẹ thầy không biết ngoại ngữ nên chọn cho thầy cái tên mỗi khi vang lên là nhắc đến chỗ kín của đàn ông. Đời đếch là cái đếch gì, thầy kết luận, nếu phe xã hội chủ nghĩa mà được phục hồi thì cùng lắm là thầy đổi tên, năm trăm nghìn một khai sinh mới, thậm chí họ Lê tên Nin cho linh hoạt cũng được. Đời đếch là cái đếch gì, chỉ một từ linh hoạt là đủ. Nhìn cốc chè ngồi buồn trong tay Cô, Lipton sản xuất ở Chợ Lớn, tinh dầu chanh cũng nhân tạo ở Chợ Lớn, thầy thương hại hứa sẽ cho Cô địa chỉ một cua cấp tốc, bảo đảm sáu tháng có bằng B, giáo viên mới thực tập ở Ấn Độ về, học sinh toàn nhân viên bộ Nội Vụ nên nghiêm chỉnh lắm, không nói ngọng cũng không đếch bao giờ.

Cô mang một cái bút mới, một quyển vở mới đến lớp mới, chọn chỗ ngồi ngay cạnh cửa sổ, cạnh một anh trẻ tuổi duy nhất không mặc quân phục. Cô đoán anh là nhân viên đánh máy của bộ thì anh quay sang tự giới thiệu. Hoá ra anh cũng tên Huy, cấp bậc trung úy, cũng gọi Cô là bạn xưng mình. Anh nói ngành mình trước hoàn cảnh mới, ai cũng được trả tiền đi học tiếng Anh, Bộ chọn giáo viên đi thực tập ở Ấn Độ về không phải vì tiếng Anh Ấn Độ chuẩn mà Ấn Độ là nước hiếm hoi trong khối nói tiếng Anh không có vấn đề. Cuối cùng anh hạ giọng : phải học ngôn ngữ của kẻ thù là nỗi đau của ngành. Mười lăm phút sau, khi nửa lớp nhất định từ chối chép vào vở you-anh, các anh, chị, các chị, bạn, các bạn, đồng chí, các đồng chí, mày, chúng mày, Cô lặng lẽ gập vở ra về, vừa leo lên xe vừa nghĩ may mà chưa đóng tiền học chứ một trăm nghìn khéo chỉ thi được vào trường Đảng cao cấp.

Ba mươi ngày tiếp theo, Cô còn kịp mang bút mới và vở mới đến ba lớp mới. Lớp nào cũng đang ở Lesson One, cũng có một cô tên Hồng Hoa, có một nửa lớp thích nói gút mo linh và một nửa lớp thích tâm sự. Kế hoạch đạp xe ra Hà Nội mở rộng dậy Stream Line cua cấp tốc buổi tối không biết bao giờ mới thực hiện được. Ngày thứ ba mươi mốt, Cô đến gặp ban giám đốc toà soạn báo Kinh tế-Tài chính. Tại đây, người ta kể cho Cô câu chuyện sau :

Cách đây đúng sáu tuần, khi tờ báo được thành lập, ban giám đốc phân cho ban biên tập, ban bạn đọc, bộ phận sáng tác, chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên, tổ cấp dưỡng, phòng hành chính, phòng tài chính, phòng tổ chức, phòng vật tư, phòng công đoàn, phòng kế toán tài vụ, mỗi bộ phận một phòng trong tòa nhà mười hai phòng của toà soạn. Khi các bộ phận đều đã mang bàn, ghế, tủ và ấm đun nước đến ngồi đàng hoàng trong dinh cơ của mình, ban biên tập mới phát hiện tờ báo thiếu một tay trang trí. Ba nhân viên có hoa tay nhất trong cơ quan đã được gọi lên để thử tay nghề. Ba tuần sau, cả ban giám đốc lẫn ban biên tập đều đi đến nhận định rằng trang trí một tờ báo, dù là báo ngành, cũng phức tạp hơn tô khẩu hiệu và vẽ bích báo sinh nhật đảng. Mười nhân vật chủ chốt của báo được tức tốc triệu tập. Một bức thư được đánh máy và gửi ngay trong ngày lên lãnh đạo Bộ, đúng tinh thần đổi mới tác phong làm việc :

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập-tự do-hạnh phúc

Đơn xin

Theo nghị định số 111 của bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam về xuất bản và báo chí,

Theo nghị định số 222 của chính phủ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về xuất bản và báo chí,

Theo nghị định số 333 của bộ Văn Hoá và Thể Thao về xuất bản và báo chí,

Ban giám đốc toà soạn báo Kinh tế-Tài chính đề nghị bộ Kinh tế-Tài chính cho phép thành lập tổ trang trí và giải quyết các điều khoản sau:

Nơi làm việc cho tổ,

Tổng số nhân sự của tổ,

Mức lương của từng nhân viên trong tổ.

Đóng dấu. Kí tên.

Ba tuần sau, mười nhân vật chủ chốt của Bộ được tức tốc triệu tập. Một bức thư được đánh máy và gửi ngay trong ngày xuống giám đốc toà soạn, đúng theo tinh thần đổi mới tác phong làm việc:

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập-tự do-hạnh phúc

Công hàm

Theo nghị định số 111 của bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam về xuất bản và báo chí,

Theo nghị định số 222 của chính phủ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về xuất bản và báo chí,

Theo nghị định số 333 của bộ Văn Hoá và Thể Thao về xuất bản và báo chí,

Bộ Kinh tế-Tài chính quyết định cho phép ban giám đốc toà soạn báo Kinh tế-Tài chính thành lập tổ trang trí và toàn quyền giải quyết các điều khoản sau:

Nơi làm việc cho tổ,

Tổng số nhân sự của tổ,

Mức lương của từng nhân viên trong tổ.

Đóng dấu. Kí tên.

Bức thư được đọc đi đọc lại mười lần bởi giám đốc toà soạn, phó giám đốc tòa soạn, tổng biên tập, phó tổng biên tập, trưởng ban sáng tác, phó ban sáng tác, bí thư chị bộ, phó bí thư chi bộ, bí thư đoàn thanh niên và phó bí thư đoàn thanh niên. Đến cuối ngày thì tổ trang trí của báo Kinh tế-Tài chính được thành lập theo các điều khoản sau:

Nơi làm việc: tầng hầm

Tổng số nhân sự: một

Lương tháng: ba trăm nghìn

Cả hai bức thư đều được đưa cho Cô đọc còn các điều khoản trên thì được đích thân giám đốc toà soạn thông báo. Ngày hôm sau, năm tháng rưỡi kể từ ngày theo lớp cấp tốc tiếng Anh của trung tâm ngoại ngữ Tô Hiệu, Cô đã trở thành nhân viên chính thức vừa duy nhất vừa không chuyên của tổ trang trí tòa soạn báo Kinh tế-Tài chính, ngày tám tiếng có nhiệm vụ trực xưởng, khi có việc thì gọi các họa sĩ đến nhận, khi xong việc thì bàn giao lại cho ban biên tập. Ba quyển Stream Line, liên tục trong những năm sau đó, được để ngay ngắn trong túi xách tay, để mỗi ngày một lần mười lăm phút Cô mở ra tự học, đến bây giờ cũng không hiểu tại sao cứ mở chúng ra là rơi ngay phải hội thoại What do you like for your breakfast ?-Coffee and bread and butter.

Hôm nay Cô tự nhủ ngày mai, ngày kia, ngày kìa, tuần sau, tháng sau, mỗi khi nhắc lại hai câu này Cô sẽ nghĩ đến Sáng. Hôm nay sau điểm tâm, Cô quyết định chuyển sang bữa trưa và bữa tối, sau cà phê, bánh mì và bơ sẽ đến xúc xích ngựa, pa tê ngan, pho mát dê, gà Nhật non nhồi hạt dẻ bỏ lò, chim cút hấp lá nho, bánh rán nhỏ nhân hạnh đào, táo đỏ ngào đường phủ sô-cô-la, ức vịt xào bi-na vang trắng, bánh kít măng tây dăm bông chim trĩ, sò tươi nhét cá trồng kem săng-ti-ông, gà trống hầm rượu vang, lườn bê nướng với đậu vàng, xa lát cần tây cua bể quả bơ, đùi cừu cái ra-gu tỏi, cá sói súp rau cải xoong, thịt thỏ om dâu rừng, ga-tô mận kem tươi rom đỏ, lưỡi bò rô ti đậu ha-ri-cô, bưởi đào ca-ra-mel poóc-tô, hoẵng non quả ác-ti-sô sốt tiêu, đùi bê hun khói tẩm hột điều, trứng cá hồi muối ô-liu trắng. Cô học đến món thứ hai mươi hai vẫn chẳng có ai ở ban biên tập ghé xưởng để giao việc, để cho Cô có dịp gọi điện cho các họa sĩ tổ trang trí, nhân tiện hỏi xem có ai biết cá trồng, bánh kít, gà Nhật non là gì không. Bốn giờ rưỡi chiều, Cô bỗng thấy đói cồn cào, hộp cơm ban trưa ba nghìn, ba miếng đậu phụ rán, ba gắp rau muống xào, ba quả cà pháo muối không đủ sức cưỡng lại hai mươi hai món ăn tây, món nào cũng sang trọng lịch sự, có lẽ hơn cả coffee and bread and butter mà Cô học mười lăm phút các buổi sáng.

Xếp ba quyển Stream Line vào túi, kiểm tra lại ví tiền, Cô lặng lẽ ra góc nhà nơi có cái nắp sắt hình vuông. Nhìn từ dưới lên mới thấy những vẩy li ti màu nâu thẫm. Cô tiếc đã không bảo Sáng cho mượn chìa khóa xưởng để bây giờ phải bẩn hết tóc. Nhớ đến Sáng, Cô quay lại tìm chiếc ghế đẩu Sáng vẫn ngồi, mang nó ra kê bên dưới cái nắp sắt rồi trèo lên, vừa trèo vừa nghĩ hôm nay Sáng ở lại xưởng lâu hơn bình thường, thậm chí rất lâu, lâu đến độ Cô không xác định nổi, có thể Sáng đã đến, đã nhìn Cô ngủ, ngủ rất say, lần đầu tiên từ năm năm nay không có Thành càu nhàu bên cạnh.

Cô nghĩ đã bị thức dậy bởi mùi cà phê. Sáng đang ngồi trên chiếc ghế đẩu giữa phòng. Thấy Cô mở mắt Sáng không chào chỉ hỏi what do you like for your breakfast, cuối câu lên giọng y hệt trong băng. Nhìn vào tách cà phê và khúc bánh mì trên cái khay nhỏ bằng gỗ đặt sát tấm nệm, Cô ngồi dậy, mỉm cười, trả lời coffee and bread and butter, đinh ninh giữa khúc bánh mì không thể có gì khác ngoài một lát bơ mỏng, mỏng thế nào thì cả Sáng lẫn Cô đều không biết đích xác.

Hai người ngồi như thế rất lâu. Sáng im lặng quấy cà phê. Nhấm nháp bữa ăn tối, Cô tự nhủ Sáng đã đến, đã bước vào xưởng khi Cô nằm bất tỉnh trên sàn nhà, đã bế Cô đặt lên tấm nệm, cởi giầy cho Cô, đắp chăn lên người Cô, rồi không cần hỏi cũng biết Cô đói đến nỗi nhào từ ghế đẩu xuống đất.
Sáng uống xong tách cà phê rồi mà vẫn chẳng nói gì thêm. Năm phút sau, Cô muốn hỏi Sáng đến từ bao giờ thì đã thấy Sáng ngồi ngay bên cạnh, môi Sáng thơm mùi cà phê.

Cô mở mắt ra. Xưởng tối đen. Cô không nhớ ai đã tắt đèn. Cô cũng không nhớ ai đã bắt đầu. Hình như mấy tiếng vừa qua Cô và Sáng đã cùng nằm trên một tấm nệm, cùng chia nhau hai thân thể yên lặng.

Ngày mai Thành về. Cả gia đình lại tiếp tục ngủ chung một giường vì thằng Phong vẫn chỉ bốn tuổi, chưa thể nằm một mình dưới đất. Cô và Thành sẽ làm tình với nhau vào tối thứ bảy, sau khi xem xong chương trình phim truyện ở vô tuyến. Năm năm qua, Cô và Thành biết cách làm thế nào để không đánh thức thằng Phong dậy, không mất thời gian mặc lại quần áo, không làm phiền hàng xóm, không làm gẫy giát giường.

Ngày mai Sáng sẽ đến. Tám giờ. Không làm gì. Không nói gì. Ngồi mười lăm phút trên cái ghế đẩu rồi lại đi. Trước khi đi thế nào cũng sang quán giải khát bên cạnh mang về cà phê và bánh mì kẹp bơ. Nhưng Cô biết Sáng sẽ chẳng bao giờ còn hỏi What do you like for your breakfast để Cô còn có dịp trả lời Coffee and bread and butter.

Paris, tháng 3 năm 2003

Phượng Các
#4 Posted : Saturday, February 26, 2005 1:34:22 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
[trích tiểu thuyết Made in Vietnam của Thuận (nhà xuất bản Văn Mới, California, 2003)]

Cuối cùng Hà Nội cũng đến được năm hai nghìn. Đêm mồng một tháng một một phụ nữ trẻ Hà Nội tên là Trần Minh Phượng lên giường ngủ từ chín giờ tối, sớm hơn thói quen đúng một tiếng, để chuẩn bị cho buổi đi làm lần đầu tiên trong đời vào sáng hôm sau, để trở thành một cán bộ công nhân viên nhà nước. Kĩ sư canh nông Nguyễn Thanh Bình, chồng của Phượng không thể xem vô tuyến trong lúc vợ ngủ đã ngồi đánh xi cả năm đôi giầy màu đen cỡ bốn mươi ba. Đêm hôm ấy, giám đốc Nguyễn Đức Lương hoà giải với vợ bằng cách quay lại phòng riêng của hai vợ chồng sau ba đêm ngủ trên đi văng phòng làm việc. Cũng đêm hôm ấy nhiều người Việt Nam nhớ lại bài trả lời phỏng vấn các nhà báo Mỹ của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng hai mươi năm trước về tương lai của chủ nghĩa xã hội có khẳng định câu trả lời sẽ là năm hai nghìn. Hai mươi năm đã qua, Hà Nội không còn là thành phố của thế hệ những người nói tiếng Pháp còn nhanh hơn tiếng Việt. Hai mươi năm đã qua, Hà Nội cũng không bỡ ngỡ nhiều khi bước vào năm cuối của thiên niên kỉ. Bởi vì thực ra năm hai nghìn của Hà Nội đã bắt đầu từ hai mươi năm trước, từ một nụ cười chiến thắng đại diện cho ba triệu nụ cười của thủ đô, cho sáu mươi triệu người dân Việt. Năm hai nghìn Hà Nội đếm được hai mươi nghìn khoảng không gian khép kín, khoảng nào cũng nép dưới gậm cầu thang, cũng giới thiệu giải pháp tối ưu biến nhà kho thành văn phòng. Hai mươi nghìn gậm cầu thang là hai mươi nghìn chuyện cơm bữa của thành phố nơi dân cư rất ư giản dị, coi trang trí nội thất là điều xa xỉ. Giữa khu phố cổ hay vùng mới mở rộng, đâu đâu cũng bắt gặp những diện tích mười mét vuông sáng bán phở, ngày cho thuê băng hình, tối cà phê giải khát. Hà Nội năm hai nghìn của năm triệu sinh mạng sùng sục sống vứt qua một bên những gì không thuộc nhu cầu ăn, uống, ngủ, nghỉ sau hai mươi năm phấn đấu cho năm triệu con người mới xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy mười mét vuông phòng làm việc của Tâm Sự Bạn Gái trực thuộc tòa soạn báo Phụ Nữ đến năm hai nghìn càng thấy không cần dấu đi gốc gác nhà kho của mình. Đổi mới trên nguyên tắc tôn trọng hoàn toàn cái đã có. Chiếc cửa sổ xanh duy nhất nhện nhởn nhơ chăng mạng, hai cánh cửa chỉ còn lại một ô kính, mấy tờ giấy báo dán trên khung gỗ cũng đã ngả màu xanh, mỗi khi gặp gió hớn hở vẫy đám vữa túm năm tụm ba trên trần nhà rồi cả bọn quay ra cùng lớp bụi trong phòng làm đủ hai mươi vòng khiêu vũ. Trên tường, năm chục cô gái trong áo may ô đỏ, quần đùi đỏ ngắn hơn quần đùi đàn ông, đi guốc đỏ, nở năm mươi nụ cười, tạo nên một cuộc thi hoa hậu được tổ chức kiểu Hà Nội. Người ngồi, kẻ đứng, người nghiêng phải, kẻ nghiêng trái, động tác duy nhất được tập luyện trước là hếch mông, góc bốn mươi lăm độ làm chuẩn. Đấng nam nhi nào trông thấy cảnh này mà chẳng thốt lên vài tiếng thở dài. Đi về đâu hỡi em, mọi trò thi cử đều phù du, sao không nhìn gương các hoa hậu đi trước. Các ứng cử viên phái nữ phớt lờ. Cả năm chục cô chẳng ai bảo ai cứ cong người mãi, chúm chím mãi chẳng hướng về ai mà hướng về đống bàn ghế, thư từ, sách báo ba ngày một lần được xếp lại trong một trật tự hết sức mất lịch sự. Tâm Sự Bạn Gái chắc phải rất ý tứ mới có thể tâm sự được trong một không gian như vậy. Bốn giờ chiều, căn phòng tanh bành như sau phiên chợ. Bốn giờ chiều, chiếc bóng đèn sáu mươi oát tự động bật sáng rồi khép nép đứng trong một góc thành thử ánh sáng chỉ rón rén đến hai phần ba căn phòng là dừng lại giống y hệt lần nguyệt thực lâu nhất trong lịch sử Hà Nội. Phần không được chiếu sáng âm thầm giấu đi những thành quả của nền kinh tế kế hoạch sẽ được nhà nước tổng kết tháng năm năm hai nghìn: bộ máy vi tính, chiếc quạt điện, cái siêu đun nước cùng phích và bộ ấm chén uống chè. Cứ thế từ bao lâu không rõ, Tâm Sự Bạn Gái, người và đồ vật, chen chúc trong phòng làm việc cựu nhà kho chiều cao chỉ cao hơn người Hà Nội bảy xăng-ti-mét. Chiếc cửa sổ để thông thống hai mươi tư giờ một ngày cũng không đủ khả năng tắm rửa lũ không khí lúc nào cũng nặng mùi giấy mốc nhưng không biết chạy đi đâu, trong phòng thì ngột ngạt còn bên ngoài là hai quán bia hơi hàng ngày cho vào lò thiêu hoàn vũ vài chục xác động vật từ thú rừng đến gia súc không con nào rõ thời điểm qua đời. Đầu năm một nghìn chín trăm tám mươi có một phụ nữ tên là Trần Thị Lan đến tòa soạn xin việc. Sau mười chín năm ngồi lại trong phòng Tâm Sự Bạn Gái cô đã trở thành người đàn bà kín đáo nhất tòa soạn, quyến rũ nhất làng báo, lộng lẫy như trên sân khấu. Một hôm cô đến phòng tổ chức tự nguyện xin thôi việc để vào Sài Gòn. Ngày làm việc cuối cùng cô đến tòa soạn, giấu mình trong chiếc áo măng tô mùa đông màu cà phê. Vào đến căn phòng quen thuộc cô mới trút bỏ áo khoác để lộ chiếc may ô đỏ, chiếc quần đùi đỏ và đôi guốc cao gót đỏ, giống hệt như năm mươi cô gái đang dự thi hoa hậu trên tường. Cả ngày hôm ấy cô không đi ra khỏi phòng cũng không ai vào phòng cô, mà nói chung đã từ lâu không ai vào phòng cô cả. Ngày cuối cùng cô đã ngồi lại tâm sự đủ tám tiếng với Tâm Sự Bạn Gái không một văn phạm, không một lần tẩy xóa, rồi ra đi không một lời từ biệt. Không một ai nghe nói về cô nữa. Tâm Sự Bạn Gái phải đóng cửa chín tháng trời. Cho đến một ngày cuối năm một nghìn chín trăm chín mươi chín có một phụ nữ trẻ đến tòa soạn xin việc. Cô chính là Phượng, ba mươi hai tuổi đã có gia đình đã có một con. Cô nghĩ tâm sự với bạn gái còn hơn ngồi tâm sự một mình nên rất vui vẻ nhận việc, lại còn cho rằng cô may mắn. Ngày thứ hai năm hai nghìn cô bắt đầu đến làm việc trong căn phòng ẩm ướt, cả sàn nhà, cả bốn bức tường méo mó, cả năm mươi cô gái, năm mươi nụ cười đều sũng nước. Cô đành phải chọn một chiếc ghế đẩu nguyên vẹn để cho cả hai chân lên, còn cổ và đầu co vào cái khăn quàng cổ to xù. Cô để cửa mở cho hơi nước bay bớt ra ngoài, ai đi qua cũng vô tình nhìn vào tận bên trong, nhìn vào tận cuộc thi hoa hậu đã từ lâu nổi tiếng trong tòa soạn. Ba ngày sau khuôn mặt và cơ thể cô chia các đồng nghiệp thành ba nhóm ý kiến khác nhau. Nhóm thứ nhất bảo cô tầm thường vô vị. Nhóm thứ hai cho là cô cực kì hấp dẫn vì cô luôn dấu mình dưới một vài thứ gì đó, ví dụ như hơi nước, ví dụ như chiếc khăn len to quá cỡ, chiếc áo choàng quá dài. Nhóm thứ ba gồm những người thích phụ nữ tươi trẻ thì không ưa cô, lại còn ví cô với con gà trúng mưa. Sáng sớm ngày thứ ba trưởng phòng biên tập gọi điện giục Tâm Sự Bạn Gái gấp rút bài vở cho báo Tết. Phượng trả lời tết năm nay hay tết năm sau. Cả một núi thư cao hơn đầu cô cái nọ dính vào cái kia vì ẩm, cái nào cũng dài hai trang. Tổng biên tập thuộc về nhóm ý kiến thứ hai nên đề nghị cô đi ăn trưa cùng ở quán cơm bụi Trần Hưng Đạo, nhưng nói thêm chỉ được ăn trong năm phút thôi. Không khí chạy sô chung của toàn xã hội đã bẩy tung cả những kẻ ù lì nhất. Những ai còn đủ hai chân đều thấy nên sử dụng chúng một cách triệt để như thể bao nhiêu may mắn tài lộc nằm cả ở cung di. Năm phút ăn trưa cùng tổng biên tập đủ để Phượng hiểu là các đồng nghiệp của cô cũng lao đi các cơ sở, nào ai nỡ câu nệ chuyên môn. Năm phút ăn trưa cùng tổng biên tập cũng gợi ý cho cô mỗi nghề có một phép màu nhiệm riêng, ví dụ như cô có thể vừa tâm sự bạn gái, vừa là nhà báo đa năng. Báo chí thời nay như cơm bình dân, mỗi nhà báo là một đầu bếp trái nghề, bí quyết giữ khách duy nhất là giá rẻ và nêm nhạt ai ăn cũng được, nếu cần mặn có thể xin thêm chén nước mắm. Mỗi bài báo là một món nấu sẵn đã có công thức khỏi tính toán canh chừng, hôm trước còn thừa hôm sau có thể cho vào đun lại, còn bốc nổi hơi tức là còn ăn được. Phương châm chung là càng tiết kiệm, càng đỡ mất công, càng lợi. Cả hai đều đã chinh phục khách ăn cũng như khách đọc năm hai nghìn rất xuề xòa, coi cơm bụi là để ăn cho qua bữa còn báo chí là để giết thời giờ. Phượng đoán tổng biên tập còn muốn so sánh báo chí với bia bình dân và cà phê bình dân nhưng năm phút đã trôi qua, đĩa đậu kho thịt trước mặt chỉ còn lại ba lát hành nên Phượng và ông đành chia tay, ông chắc hẳn đi cơ sở còn Phượng về với phòng làm việc chỉ biết mùa nồm là mùa duy nhất trong năm. Một tuần sau ngắm năm chiếc phong bì còn lại trên bàn Phượng tự nhủ cô đã đọc một nghìn chín trăm chín mươi lăm bức còn năm hai nghìn thì chỉ mới bắt đầu. Những bức thư tồn đọng từ chín tháng nay đã được cô đọc đêm đọc ngày, trên bàn ăn, trên giường ngủ. Những bức thư được cô đọc mỗi bức một lần nối tiếp nhau không kịp hiểu những dấu chấm, dấu phẩy, không kịp nghỉ xuống dòng. Những bức thư cô không tài nào nhớ nổi. Thực ra cô biết rằng chúng không được viết cho cô mà cho người đàn bà đẹp nhất tòa soạn đã ngồi ở bàn làm việc của cô chín tháng trước nên từ một tuần nay cô có cảm giác được trả tiền để xâm phạm vào những bí mật của người khác và càng thèm muốn được đọc chúng. Cô còn dự định sẽ đọc đi đọc lại mỗi bức ba lần, sẽ đọc thêm ngoài giờ, ít nhất cũng hết được năm hai nghìn này. Ngày nào cũng có năm bức thư mới đến đậu trên bàn cô, ngày nào cô cũng định kế hoạch chỉ tâm sự không quá sáu lần. Hết tuần lễ thứ hai cô sẽ đọc được năm bức còn lại của chín tháng trước, hai năm sau cô sẽ trả lời được tất cả các bạn gái. Phượng cũng dự định sẽ ra một hợp tuyển hai nghìn thư bạn đọc, cả hai nghìn đều không thuộc về cô. Người viết đều là phụ nữ, nhưng cô nghĩ không phải tất cả đều được viết bằng những bàn tay phụ nữ. Hợp tuyển này có thể đánh dấu bước đầu sự nghiệp của cô đã được chuẩn bị bằng năm năm đại học Tổng hợp Văn. Một lần trước khi ngủ, cô đem tâm sự bạn gái ra tâm sự lại với chồng, một kỹ sư canh nông hơn cô bốn tuổi. Anh biết không, những câu chuyện có thực một trăm phần trăm, các cô gái kể kĩ đến từng chi tiết. Từ lâu em đã chán ngấy những chuyện tình ái tẻ nhạt không có thật ngổn ngang trên các báo bây giờ. Em sẽ biên tập lại thành một hợp tuyển nhan đề Người đàn bà xa lạ và hai nghìn bức thư. Phượng cũng thú thật với chồng mới có một tuần đọc thư, cô đã cảm thấy càng ngày càng thân thiết với người phụ nữ đồng nghiệp đã đến đã ra đi trước cô. Nhưng cô không tâm sự với anh rằng cô có cảm giác hình thức cũng như tính tình của cả hai đều giống nhau. Bình chồng cô vui vẻ tán thưởng, Phượng nghĩ là anh nói cho qua chuyện. Một sáng kiến tuyệt vời, em luôn làm anh đi từ ngạc nhiên đến ngạc nhiên. Cô định trả lời anh cũng làm cô ngạc nhiên tối nay vì anh chẳng bao giờ khen cô nhiều đến thế thì đã nghe thấy tiếng anh ngáy khe khẽ bên cạnh. Cô biết anh cứ đặt lưng xuống là ngủ và cứ ngủ là ngáy, lúc đầu còn ngáy dịu dàng năm phút sau đã như kéo bễ. Càng ngày tiếng ngáy của anh càng chối tai, càng ngày giấc ngủ đến với cô càng chậm, ý nghĩ cuối cùng bao giờ cũng là làm sao thay đổi những lập lại đơn điệu này. Phượng thiếp đi khi đã nhấc tay chồng đặt xuống đệm, cô không thích Bình sờ vào bụng cô vì vết mổ đẻ đã chia bụng cô thành hai cái túi có bao nhiêu mỡ ở người hút tuột vào trong. Mặc dù Bình không nói gì, lúc nào Phượng cũng nhớ nhược điểm của bụng mình và mỗi khi bàn tay chồng tìm đến cô, cô đều nằm im nín thở hy vọng bụng nhỏ lại một chút và nhất là tránh tư thế nằm nghiêng để hai cái túi đừng dồn cả về cùng một phía. Bình tôn thờ quần áo như tôn thờ giám đốc cơ quan anh và đôi lúc Phượng cũng đồng ý với anh. Cứ tưởng tượng bây giờ giám đốc của chồng cô bị hạ chức Bình cũng mất việc, bây giờ nếu mọi người ra đường không quần áo ai cũng sẽ chỉ tìm nhược điểm trên những cơ thể khác. Vợ chồng cô còn có thể tiếp tục yêu quí một ca sĩ lừng danh nữa không khi anh ta để lộ chiếc mông gầy, cái bụng to như bụng cóc mỗi khi hát lồng lộn hơn bão biển. Nhất định là vợ chồng cô sẽ bỏ về, sẽ xấu hổ một tuần lễ dài. Cô sẽ ném cho ca sĩ chiếc khăn quàng cổ to mở ra cũng đủ quấn được toàn bộ phần bụng dưới. Phản đối chủ nghĩa tự nhiên Phượng cũng chống lại ý kiến cho rằng phụ nữ phải tàn tạ theo thời gian. Bốn năm trước, lần gặp lại một trong ba anh Khánh mà Phượng từng yêu đã làm cô buồn chua chát không phải vì chiếc xe hơi anh đang lái trị giá mười lần căn hộ của cô mà vì Lan vợ anh đã trở thành một cái đầu phi dê xịt gôm mới nhìn cũng biết là cả ngày ngân nga tiền chiến. Lần gặp ấy đã kết thúc những giấc mơ Phượng mơ về Khánh. Tên Khánh sẽ chẳng bao giờ còn được đọc lên trong giấc ngủ của cô dù chỉ một tháng trước nó đã theo cô vào tận bàn mổ khi cô sinh con trai đầu lòng. Tỉnh dậy khi ôm con trong tay cô tự hỏi không biết Bình có nghe thấy cô gọi tên Khánh hay không hoặc có cô y tá nào mách lại cho anh không. Dĩ nhiên anh không dại gì mà bỏ đi để tuyệt vọng một mình, những người như Bình không bao giờ bị xúc phạm vì một cái gì khác ngoài tuổi già. Anh cũng không ngồi nhà khóc bởi tôn trọng hàng xóm những người tai thính như mèo. Anh cũng chẳng đóng cửa nổi giận với vợ vì quan điểm của anh là luôn luôn để lại cho người khác hình ảnh đẹp nhất của mình, không bao giờ mang tất thủng dù chỉ để đi ngủ. Còn độc thoại thì anh không bao giờ tin là có thật, không trừng phạt nào ghê tởm bằng nằm ngửa mười lăm phút mà chưa ngủ được. Chẳng bao giờ Phượng bị đánh thức dậy lúc nửa đêm, chồng cô là người trọng kỉ luật, kiên quyết đợi trời sáng mới nhẹ nhàng nằm lên bụng cô, nhẹ nhàng bắt đầu một ngày mới. Qua những phỏng đoán mà không bấu vào được cái nào, Phượng kết luận là thế nào một trong ba cô y tá hoặc cả ba cũng đã vội vàng mách lẻo với Bình nhưng anh coi việc cô nghĩ đến người khác chẳng khác gì anh mơ đến một bộ quần áo đã không mua được. Chẳng nên phí thời giờ mà ghen, cứ để mọi người yêu thầm nhớ trộm những gì họ thích, điều này không tổn hại đến ai, cuộc sống không vì thế mà dừng lại. Bình không thuộc loại người thích đấm ngực thốt lên: ôi sao mà ngu. Anh cần người khác nghĩ tốt về mình. Chỉ những kẻ hoặc đần độn hoặc dở hơi mới xỉ vả bản thân. Họ phần lớn làm người nghe phát mệt lên mà thầm nghĩ cho đáng đời. Bao nhiêu tội lỗi đáng nhẽ phải dấu đi lại đem cho thiên hạ cái quyền tự coi mình là tòa án tối cao. Sống là vui, Bình thấy không cần phải đi đến tận mọi xó xỉnh trong đầu người khác nhất là đầu những ai sống cạnh anh. Anh không cần biết Phượng thường nghĩ tới anh hay tới ai khác, cũng không cần biết lý do nào đã làm cô chán Khánh bởi vì nếu cô chỉ nghĩ đến một mình anh anh cũng chẳng khoan khoái hơn. Chủ nhật thứ ba năm hai nghìn, vừa ngồi viết tâm sự với một trong hai nghìn bạn gái, Phượng vừa miên man nghĩ đến tết. Căn hộ ba mươi chín mét vuông của hai vợ chồng cô tết nào cũng tự tìm được một vài sáng kiến nào đấy để giữ gìn bản sắc gọi là dân tộc của nó. Năm nay là năm hai nghìn cũng là năm thứ năm chung sống của hai người. Ngày chủ nhật trước bỗng xuất hiện những vết ố vàng lấm tấm trên bức tường đầu giường ngủ. Lúc đầu Phượng mắng chồng giữ vệ sinh không đúng chỗ. Chăn chiếu sạch mà tường nhà lại bẩn. Nhưng sau đó cô lại nhìn thấy chúng mang hình những bông hoa mai vàng nên quyết định giữ lại. Ngày thứ hai liền sau đó khi ở cơ quan về Phượng lại tìm thấy một vệt dài đen thẫm trong góc bếp. Cũng là lỗi của Bình làm chập điện khi anh sửa cái tủ lạnh bỗng dưng quá lạnh, cái gì để bên trong cũng thành đá. Hai tiếng sau khi ngồi ăn cơm cái vệt đen lại biến thành con rồng đen cả hai vợ chồng đều đồng ý là trông cũng vui mắt. Ở khu tập thể này một trăm năm mươi căn hộ là một trăm năm mươi câu chuyện lập thể. Các kĩ sư xây dựng chuyên nghề sửa nhà cũng bó tay trước bố cục vô cùng tùy hứng của chúng: muốn vào bếp phải qua phòng ngủ, nhà vệ sinh bắt tay phòng khách, cửa số chính lại nằm trong buồng tắm, hành lang đâm thẳng đúng cửa ra vào, tường vách lằng nhằng như mê lộ không biết cái nào nên phá cái nào không. Sống trong đó là sống trong cuộc chiến một mất một còn, hoặc đập đi làm lại toàn bộ hoặc nếu giữ nguyên như thế thì ba năm tới các khoa tim mạch có thêm cả nghìn bệnh nhân. Bài trí nội thất cho những không gian đặc biệt kiểu này đòi hỏi những tấm lòng sáng tạo miệt mài, thành thử một trăm năm mươi căn hộ cứ mỗi dịp năm mới chỉ khiêm tốn trình bày một trăm năm mươi khả năng biến một mê lộ thành cửa hàng bách hóa Tết tiết kiệm từng mi-li-mét mặt tiền. Đào, quất, chậu cảnh, cá vàng, bánh chưng, mứt, kẹo, hạt dưa, xa lông, tủ thờ, tủ ly, ti vi, đầu video, dàn cát xét, vón cục ở phòng khách không hết lại dàn hàng ngang từ hành lang qua bếp vào phòng ngủ, đôi khi vào tận buồng tắm đợi hết Tết mới có chỗ để chui ra. Phượng năm nào cũng lên làng hoa Nghi Tàm chặt một cành đào, năm nay cũng vậy nhưng phải cắm trong chiếc chum sành nâu thẫm mẹ cô vẫn dùng để đựng gạo mua từ thời sơ tán. Từ một năm nay cô đã định từ giã hình ảnh cổ điển về cành đào tròn trịa nhà nào cũng có. Bà bán đào vừa chỉ vườn đào ba mươi Tết vẫn chin chít đỏ vừa dậy phương pháp chọn đào không hiểu hướng về Phượng hay hướng về những người khách mua ở vườn hàng xóm. Cứ một câu chua chát lại kèm một câu bất cần. Rực rỡ Hán từ và mỹ từ, chen mấy cành ca dao tục ngữ đồng nội, bó hoa kiến thức của bà khác hẳn đám đồng nghiệp nôm ơi là nôm. Như một giáo sư đại học trên giảng đường, bà cũng kết thúc buổi lên lớp bằng một nỗi thất vọng lớn. Phượng cũng thất vọng văng tục, rồi mang cành đào cao ba mét về nhà. Cả khu tập thể nhao vào hỏi giá rồi cả khu tập thể đồng thanh bĩu môi rằng ba trăm cái cành cây đắt quá, rằng nghênh ngang cũng chẳng biết đường nghênh ngang, nhà Hùng tầng một Việt kiều Liên Xô chơi hẳn cành đào một triệu, vừa cong vừa lượn thế cực kì độc, nụ nhiều vô kể. Từ nhà mẹ về, Phượng ôm cái chum sành lúc thì trong tư thế cong lưng, lúc thì trong tư thế ngửa bụng, vừa đi vừa tự hỏi không hiểu Bình thấy cảnh này sẽ nghĩ sao. Chồng cô nhiều lần kêu rằng sau ngần ấy năm làm vợ, cô vẫn chẳng biết một tư thế nào khác ngoài cái cách nằm thẳng, tay dạng chân cũng dạng. Phượng không cãi lại vì bản thân cô cũng mù mờ về những thèm muốn sinh lí của mình. Đã hơn một lần cô muốn đến gặp bác sĩ phụ khoa rồi lại xấu hổ, rồi lại tự an ủi nếu quả có phương pháp khoa học chữa được bệnh này thì phòng khám phụ khoa sẽ mọc lên như nấm chứ không giới hạn trong mấy điểm khám thai, soi thai, đặt vòng và thắt ống dẫn tinh. Qua những bức thư Tâm Sự Bạn Gái thì đủ biết là phần lớn đồng bào của cô chưa bao giờ biết đến cái mà y học gọi là khoa học thỏa mãn nhu cầu sinh lí. Mặc cho xã hội Việt Nam thăng trầm, bất kể phong kiến, thuộc địa, hay cộng sản, nền chính trị nào cũng bắt người dân nước Việt nhắm mắt bịt tai trước chuyện chăn gối. Đổi Mới mang về cho người Việt nhiều sản phẩm mới, cả niềm hy vọng mong manh chữa được căn bệnh đã tưởng như nan y của toàn dân tộc. Phương pháp đầu tiên là học bạn, thôi không biết thì cố mà học, băng hình, sách báo khiêu dâm từ nước ngoài đổ về nâng gấp đôi lượng tinh trùng được sản xuất hàng đêm của đàn ông Việt cũng như số lần thay quần trong hàng tuần của phụ nữ Việt. Phương pháp thứ hai tự hình thành khi Bộ Văn Hóa ra sắc lệnh cấm văn hóa tư bản đồi trụy. Cà phê giải khát, thư kí văn phòng, dịch vụ tươi mát, du lịch, khách sạn, rủ nhau mở cửa để phục vụ đa nhu cầu. Chưa bao giờ phụ nữ Việt trẻ đẹp đến thế, đàn ông Việt lịch sự đến thế. Thêm vài mi-li-lít tinh trùng một đêm mà cả nước thay da đổi thịt. Nhưng câu triết lí cổ phương đông “trong cái hay bao giờ cũng có cái dở ” lại một lần nữa chiến thắng thời gian. Công của tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Văn Linh chưa kịp được lịch sử ghi lại thì một trong những tác hại lớn nhất của Đổi Mới đã lộ diện: trái tim vốn vô cùng yếu đuối của người Việt bất ngờ được biết đến hai tiếng tự do đã khiến tỉ lệ các cặp vợ chồng li hôn và các bà mẹ có con ngoài giá thú lên đến mức bị UNICEF cảnh cáo. Cuối cùng thì bệnh tưởng đã lành lại biến chứng, thành thử Phượng nghĩ rồi ngày nào cô cũng sẽ phải đọc năm tâm sự bạn gái cả năm đều bị chồng bỏ hoặc bỏ chồng, bị chồng lừa dối hoặc lừa dối chồng, không bao giờ hết. Mỗi buổi sáng đến ngồi vào bàn làm việc cô lại tự nhủ kĩ sư canh nông như Bình có thể thất nghiệp chứ sự nghiệp của riêng cô thì vô cùng bảo đảm. Người Việt nào chẳng thích tâm sự. Phượng cũng muốn viết thư cho ai đó không quen thì càng tốt để kể chuyện của cô. Năm năm sống cuộc sống vợ chồng chẳng để lại một chút lãng mạn nào trong cô, còn Bình sau vài hội nghị quốc tế viện trợ nông nghiệp được dân phố kính nể nhưng vẫn chưa đủ để chia bớt danh dự cho vợ. Điều đó làm một người trọng dư luận như Bình không lúc nào hạnh phúc. Cả khu tập thể cho rằng Phượng mới tí tuổi, đầu chưa sợi bạc đã gàn. Cái chum đựng gạo Phượng ôm qua các ngõ nhỏ của khu tập thể ngày mai sẽ là trọng tâm các cuộc tâm sự tập thể của đủ một trăm bốn mươi chín căn hộ. Mỗi cửa ra vào đã được thiết kế để vừa mở ra là chĩa thẳng sang cửa ra vào nhà đối diện nên mọi tin vui đều chạy nhanh hơn chó, có thể vào tận góc trong cùng của buồng vệ sinh. Nhà vệ sinh nào ngày tết cũng có hai con gà nháo nhác đòi qui tiên đêm giao thừa và ngày mồng một. Thế nào Bình cũng được nhắn một chút tin vui về cô và cái chum gạo. Thế nào anh cũng xấu hổ mà cám ơn tập thể. Tối ba mươi tết cành đào ba thước chiều cao Phượng mua đứng rũ rượi ở hành lang, cả nụ lẫn hoa lả tả. Bình hỏi có phải đào rởm gắn xi ngoài chợ Hàng Đậu không. Bình mặt đỏ, tay cầm dao rựa quyết tâm sửa chữa lại cành đào, được hai phút đã than: dao cùn quá, cắt mãi chẳng đứt, đào thế ai lại thế này, nhà báo để mụ bán đào lừa ngay trước mũi mà không biết. Kiên bốn tuổi hò reo bên cạnh, chỉ đợi những nụ đào rơi xuống là vù đến cho vào mồm. Phượng trốn vào phòng ngủ để chửi bậy và ngắm lại những vết ố vàng như hoa mai. Cô hình dung mồn một cảnh Bình đi đi lại lại, xoay ngang xoay ngửa cành đào cứ mất dần lá mất dần hoa, mất dần cả chu vi lẫn chiều cao, vừa châm thuốc lá vừa nghển cổ xem có gì phải cắt thêm, mắt cũng đỏ như mặt. Chỉ đến khi nghe thấy Bình thất thanh chửi bậy cô mới quay ra nhưng không phải để cãi nhau mà để mang đến cho ngón tay trỏ của anh một chút thuốc lào, bông băng và nước ô-xy già. Sau đó cô còn phải tự đèo anh bằng xe máy đến trạm xá. Trước khi về cô y tá vừa nhai kẹo cao su vừa dặn dò: anh chị nên cẩn thận, còn một giờ nữa thì giao thừa, đừng để một mình anh hứng mọi rủi ro trong năm cho chị, đầu năm mất ví, cuối năm ba trăm viện phí, không hiểu chút nữa còn mất gì. Phượng định hỏi Bình trên đường về nhà không biết anh đã kịp tâm sự với cô y tá lúc nào mà nhanh thế, nhưng lại thôi vì thương cho ngón tay anh thế nào cũng có sẹo. Chín giờ sáng mồng một Tết, một trăm bốn chín nhà hàng xóm khởi động các đồ điện gia dụng. Chiếc bóng đèn già ngoài hành lang liên tục hắt xì hơi. Phượng tỉnh ngủ định nói chúc mừng năm mới nhưng nhớ đến bộ mặt nhợt và ngón trỏ to xù của chồng cô lại quay sang nhìn những bông mai vàng trên tường. Sáng đầu xuân biết nghĩ đến ai đây. Hai cái đầu xù của hai chàng trai tên Khánh nay đã lẫn vào hai mươi cái đầu xù khác vào hai mươi cái tên Khánh khác. Phượng cố tìm một kỉ niệm lãng mạn nào đó thì lại chìm vào một giấc ngủ mới. Cô muốn ngồi dậy mà không được. Những bông mai vàng trên tường biến thành những vết ố vàng, cô định mắng chồng giữ vệ sinh không đúng chỗ, chăn chiếu sạch mà tường lại bẩn, thì chúng lại đổi thành những giọt nước phun ra từ vòi hoa sen. Cô thấy mình bơi trong nước. Cô không biết bơi nhưng cứ mơ thấy nước thì thế nào cũng phải nhẩy xuống bơi một vài vòng. Đến vòng thứ ba thì cô bị đánh thức dậy bởi tiếng đập cửa của thằng Kiên tối qua bị gửi lên bà ngoại lúc cô đưa Bình đi trạm xá. Quay sang chồng Phượng không tin ở mắt mình, ngay cạnh cô là một con cua bể dị thường, chân cẳng lông lá và cái càng khổng lồ vừa nhìn cô đã nhận ra ngón tay trỏ bị khâu sáu mũi của Bình. Chẳng lẽ một ca đơn giản không thể gọi là phẫu thuật đêm ba mươi tết lại có thể biến người thành động vật. Thoạt đầu cô định bỏ chạy nhưng lại nghĩ nếu Bình không bị khâu ở ngón tay trỏ mà ở bụng chẳng hạn biết đâu anh sẽ biến thành voi, còn ở đùi thì có cơ thành gấu, ở đầu sẽ thành sư tử, ở lưng thành cá sấu. Biến thành cua có vẻ dễ chịu hơn cả, ít ra cũng không làm hại người bên cạnh. Vậy có thể coi đây là món quà đầu năm chăng. Năm hai nghìn dĩ nhiên phải là một năm đặc biệt như thế nào khiến Đoàn Thanh Niên Cộng Sản phải chờ mãi mới tới ngày mồng một để được quyền đào bức thư gửi cho thế hệ sau mà các công nhân xây dựng thủy điện đã chôn bên bờ sông Đà hai mươi năm trước. Phượng bèn tươi tỉnh chúc mừng năm hai nghìn âm lịch. Con cua bể bị đánh thức dậy lổm ngổm ra mở cửa, lại còn nở một nụ cười rất tươi, lại còn khen con trai xông nhà năm nay gặp may, không thêm tiền thì cũng thêm con trai nữa, không lên chức thì cũng thêm một chuyến du lịch Pháp để viện trợ ý kiến cho hội nghị quốc tế viện trợ nhân đạo. Nhìn chăm chú chồng, rồi lại nhìn thằng Kiên, Phượng vẫn thấy một sinh vật tám cẳng hai càng, đôi mắt thô lố và cái mai sần sùi, còn con trai cô thì vẫn nguyên vẹn chín mươi phân. Chưa bao giờ cô thất vọng bằng tết năm hai nghìn này. Vừa tưởng được nhận quà hóa ra bị phạt. Bình vẫn là một kỹ sư canh nông danh dự của cả khu tập thể chỉ mình cô mới là người có vấn đề. Suốt cả năm hai nghìn dài dằng dặc cô bị đau mắt, hễ nhìn chồng là mắt cô lại xuyên tạc anh thành một con cua khổng lồ. Thật không gì khủng khiếp hơn khi trong nhà có một con cua chăm chỉ mười sáu tiếng một ngày bò từ phòng ăn lên giường ngủ. Phượng nghĩ có thể đề nghị cua bát ai người ấy ăn, cốc ai người ấy uống còn nước chấm, canh, rau, thịt, cá xẻ làm đôi vì cô bị viêm gan siêu vi trùng, bảo đảm nghe thấy là Bình bủn rủn chân tay. Nhưng còn lúc lên giường, chẳng lẽ chung chăn kề gối với một con cua, chân cẳng nó cứa vào người cũng đã đủ làm cô mất ngủ chưa nói gì đến nghĩa vụ vợ chồng. Phượng mở tủ lấy năm viên an thần made in Vietnam lúc cua đi vệ sinh buổi sáng rồi quay mặt vào tường nuốt chửng. Ngay lập tức đầu cô bùng nhùng, tai chỉ còn loáng thoáng tiếng thằng Kiên đòi bố mẹ mừng tuổi. Hình ảnh cuối trong mắt cô là nó đổ tiền ra đếm, mồm mấp máy hình những con số, tay cầm năm chiếc phong bì đỏ in hình hai đứa bé trai và gái béo như Trung Quốc. Phượng lại thấy cô nắm những bàn tay mỗi tay có năm ngấn của bọn trẻ không biết là mấy đứa, cả bọn tung tăng trong phố Quảng Đông dưới hàng chữ Trung Quốc uốn lượn như mây, cố gắng lắm cô mới đọc được là Hữu Nghị Việt Trung. Thế rồi có ai đấy gọi tên cô là em. Năm viên thuốc an thần cuối cùng cũng giúp cô nhận ra con cua, cái càng của nó đang vỗ vào người cô, vào chỗ nào thì cô không nhớ, hai mắt tròn và lồi còn cái mồm râu ria xồm xoàm: em sao đấy ngủ gì nhiều thế. Phượng trả lời: em mệt quá, hôm nọ bác sĩ bảo em bị viêm gan siêu vi trùng. Con cua giương mắt, chắc đang lo bị lây bệnh ở mức nào. Cô nói thêm: chúng mình phải ăn riêng bát riêng đũa, uống riêng cốc còn thịt, cá, rau xào thì phải chia làm hai đĩa. Tất nhiên là cua đồng ý rồi không làm chủ được mình nữa, nước bọt phun ra hai bên mép. Phượng úp một chiếc gối lên mặt bảo: anh cũng không được lo quá, bác sĩ bảo bệnh em còn ở giai đoạn đầu, chắc chưa lây kịp sang anh đâu. Cua lắc đầu: anh lo là lo cho em thôi, rồi đôi mắt đờ đẫn ra vẻ đau đớn. Phượng vứt chiếc gối sang một bên rồi chạy vào buồng tắm ngâm mặt vào một chậu nước đầy. Năm phút trong nước lạnh làm cô không thấy sợ nữa. Cô nhìn chồng can đảm hơn rồi cũng thừa nhận đấy là con cua đẹp nhất cô được nhìn thấy, nhìn kĩ lại thấy duyên dáng, nhất là khi cua chậm chạp bò ra chạn, miệng chem chép đếm bát đũa rồi dùng cả hai càng khuân ra bàn, chia làm đôi đều đặn. Vừa đun lại nồi miến Phượng vừa nghĩ kể ra cua cũng đáng yêu, người thật phải khóc lóc ầm ĩ, mà đàn ông khóc thì sợ lắm. Cô tự nhủ trong cả năm hai nghìn dài này chắc chắn sẽ có dịp được xem cua khóc, rồi vừa bắt đầu tưởng tượng cua khóc như thế nào thì cua đã bò đến trước mặt cô, trịnh trọng vẫn phong cách Bình năm lần trước, một càng nâng chiếc phong bì in chữ Cung Chúc Tân Xuân chứ không phải là Hữu Nghị Việt Trung lúc nãy. Cua nói: đây là tiền anh mừng tuổi em này, năm hai nghìn em khỏi bệnh này, công tác tốt này, thực tế này, khi nào khỏi đau tay anh sẽ đưa em đến trạm xá khám lại này, bao giờ đi Pháp anh sẽ mua cho em thuốc Pháp này. Rồi hướng về con trai cua tiếp tục: hôm nay đầu năm hai nghìn bố chúc em ăn nhiều này, chóng lớn này, tuần nào cũng Bé Ngoan này, cuối năm hai nghìn là Cháu Ngoan Bác Hồ này, đây là tiền bố mừng tuổi em này. Nói rồi cả nhà ngồi vào bàn ăn sáng, mâm cơm chỉ bảy món giao thừa hôm qua đã đủ chật bàn, nay món nào cũng chia hai nên kềnh càng như cỗ mâm mười. Phượng ăn trong bảy cái vừa bát vừa đĩa, Bình cũng bảy, còn thằng Kiên thì lấy thức ăn trong cả mười bốn cái chẳng ai nói gì. Phượng nghĩ năm hai nghìn phải lên lịch phân công rửa bát. Thằng Kiên ăn uể oi vì cứ tưởng mâm cm có mười bốn món, vừa ăn vừa đề nghị đừng bắt nó đi ngủ trưa vừa làm tính cộng nếu thêm cả tiền mừng tuổi của bố mẹ thì được năm trăm nghìn. Trẻ em Việt Nam bắt đầu biết đếm tiền từ năm ba tuổi, đếm đến năm mười bốn tuổi thì đi thi học sinh giỏi toán quốc gia, thi mãi thì cũng được ra nước ngoài để thi toán quốc tế. Có tiếng chuông điện thoại, thằng Kiên nhao ra nhấc máy, chỉ thấy đọc toàn những con số. Bản thống kê của tất cả trẻ em bốn tuổi khu tập thể vào sáng mùng một tết được hướng về Phượng và Bình năm phút sau hóa ra cũng khái quát được Hà Nội đầu năm: thằng Nam bốn tuổi thất thu tám triệu so với năm ngoái, bố nó là trưởng phòng tiếp tân bộ Chính Trị, bố nó bảo nó tại tình hình kinh tế đi xuống. Phượng im lặng nhai một miếng măng khô, tiếc cả hai vợ chồng cô chẳng có ai làm trưởng phòng để được phó phòng và các nhân viên đến mừng tuổi cho thằng Kiên, lại tiếc hôm qua không mua bún để hôm nay chan nước măng nuốt cho nó trơn, sau đó thì nghĩ mới chỉ cách đây mười năm, được bữa cỗ như hôm nay bố mẹ cô lo bạc cả đầu, mọi người trong nhà nhìn đĩa thịt gà thiêng liêng hơn ảnh cụ tổ. Tết năm ngoái cả Phượng và Bình đều đồng ý là nghệ thuật ăn uống của người Việt đã cầu kì thì vô cùng cầu kì có cả vài chục Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân kiểm tra chất lượng, nhưng bảo rằng nó đơn giản đơn điệu hay đơn sơ cũng đúng. Đám cưới, đám giỗ, cơm cúng ngày lễ ngày Tết toàn những dịp trổ tài ẩm thực thì lại ngần ấy món xào đi nấu lại. Con cháu bây giờ có muốn đổi mới cũng không dám phá luật sợ các cụ dưới âm ty phê bình đánh mất bản sắc dân tộc. Năm nay sáng tạo lắm Phượng mới tìm được bảy món trên cơ sở của ba món cổ điển. Có ba món thịt xào thì một chua ngọt một chua mặn, món thứ ba vừa chua vừa ngọt vừa mặn. Có ba món canh thì một là măng khô nấu với thịt, hai là măng khô nấu thịt thêm miến, ba là thịt nấu với miến nhưng không có măng. Món thứ bảy là món thịt gà luộc bắt buộc nhà nào cũng phải có ít nhất một đĩa. Con cua nhai nhỏ nhẻ vì cái mồm bé quá lại chẳng răng hàm lẫn răng nanh. Ăn một miếng thịt phải dùng cả tám cẳng mà xé. Nhìn cua cầm đũa như Tây ăn phở Phượng bật cười rơi cơm xuống sàn nhà để thằng Kiên sung sướng chạy đến nhặt từng hạt cho vào mồm. Con cua chun cái mũi nhỏ tẹo, nằn nì: canh mà lại không có rau, tết năm sau phải cải tạo truyền thống, đợi hết mồng một ngày mai phải đi chợ, rau gì cũng mua chứ hai hôm như thế này thì nhiệt đau lưỡi lắm. Phượng đáp: ngày mai là ngày Sát Chủ không có chợ đâu, rồi im lặng. Bữa cơm mùng một cuối cùng cũng kết thúc khi thằng Kiên đã nhặt hết cơm vãi dưới đất rồi kêu no. Phượng cũng đã lấy đủ năng lượng cho mấy chục cuộc chạy đua đến những địa chỉ khác nhau, có thể cùng một hướng có thể không, để nói câu chúc mừng năm mới. Ngày mồng một Phượng và Bình sẽ đến nhà giám đốc của Bình, rồi nhà tổng biên tập của Phượng, rồi nhà phó giám đốc của Bình, nhà phó tổng biên tập của Phượng, rồi nhà trưởng phòng tổ chức của Bình, nhà trưởng phòng tổ chức của Phượng, rồi nhà bí thư chi bộ Đng của Bình nhà bí thư chi bộ Đng của Phượng, rồi nhà trưởng phòng đối ngoại của Bình, nhà trưởng phòng hành chính của Phượng, rồi nhà trưởng phòng canh nông của Bình, nhà tổ trưởng tổ văn nghệ của Phượng, rồi nhà phó phòng canh nông của Bình nhà tổ phó tổ văn nghệ của Phượng, rồi nhà hiệu trưởng trường Chim Non của thằng Kiên nhà hiệu phó trường Chim Non nhà cô giáo Lan chủ nhiệm lớp mẫu giáo bé cũng của thằng Kiên. Ngày mồng hai Phượng và Bình sẽ đến nhà tổ trưởng tổ công đoàn của Bình, nhà tổ trưởng tổ công đoàn của Phượng, rồi nhà trưởng phòng kỹ thuật trồng lúa của Bình, nhà tổ trưởng tổ chính trị của Phượng, rồi nhà trưởng phòng kỹ thuật ngô khoai sắn của Bình, nhà tổ trưởng tổ lý luận phê bình của Phượng, rồi nhà trưởng phòng kế toán của Bình, nhà tổ trưởng tổ phụ nữ của Phượng, rồi nhà An, Bảo, Công, Đoàn, Gái, Hải, Khang, Lâm, Minh, Nhã, Oanh, Phúc, Quang, Sản, Tùng, Vũ, Xoan, đều là bạn của Bình, rồi nhà Anh, Bạch, Cúc, Dũng, Gấm, Hùng, Khải, Lan, Mười, Nhung, Hoa, Phụng, Quy, Sương, Thương, Vinh, Xuân, đều là bạn của Phượng, rồi nhà Anh, Bích, Cường, Đức, Gắng, Hội, Khởi, Lưng, Mỹ, Nga, Ôn, Phi, Quốc, Sinh, Tường, Vượng, Xoa, đều là bạn của cả hai người, rồi phải tạt qua chợ nếu như có người họp chợ để mua một mớ rau cho bát canh rau của Bình. Ngày mồng ba tết Bình đến Bộ Nông Nghiệp để thăm hỏi nốt năm trăm cán bộ công nhân kỹ sư đồng nghiệp cũng để bắt đầu một năm làm việc. Phượng cũng đến tòa soạn để chúc tết nốt năm mươi nhà báo và năm mươi cán bộ hành chính, chúc xong thì cũng hết tám giờ làm việc đầu tiên của năm con rồng. Kinh nghiệm mười năm đi chúc tết của Phượng là không mặc quần áo quá rộng quá nóng, đi lại bất tiện...
PC
#5 Posted : Friday, April 3, 2009 9:34:51 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Nữ tiểu thuyết gia 'thực thụ'


Nhà văn Thuận, sinh năm 1967 tại Hà Nội, hiện sống ở Pháp

Ngược lại, với Thuận, chúng ta khám phá một nữ tiểu thuyết gia thực thụ. Chinatown là một cuốn tiểu thuyết trẻ trung và đầy sức sống, với một giọng nói độc đáo và mới mẻ... Một giọng nói lo lắng, bướng bỉnh, ám ảnh. Vừa mềm mại vừa dữ dội. Gây xáo trộn. Một giọng nói với những quãng rè... Gấp cuốn sách lại, thứ nhạc khàn tiếng của giọng nói này vẫn đi theo chúng ta...

Chinatown là một cuốn tiểu thuyết đích thực, không phải một tự truyện, cũng không phải một tự hư cấu. Mặc cho vẻ bên ngoài của nó. Bởi vì Thuận chơi với vẻ ngoài và huyền hoặc hóa độc giả với một sự khéo léo quỷ quái, chẳng hạn bằng cách đưa vào trong cuốn tiểu thuyết của mình một cuốn tiểu thuyết khác hẳn là do người kể chuyện viết.

Người kể chuyện, một Việt kiều còn trẻ sống ở Pháp, mà chúng ta sẽ gọi là T., đang ở trên tàu điện ngầm Paris, đứa con trai mười hai tuổi dựa vào vai cô để ngủ. Tàu điện ngầm dừng lại: người ta nói là có hành lý khả nghi. Khi đó là mười giờ. Rồi khởi đầu độc thoại nội tâm dài của T., kết thúc vào giữa trưa, vẫn trên đoàn tàu điện ngầm đứng im ấy. Trong hai giờ bị nhốt kín này, T. quay trở lại với cuộc đời mình: tuổi thơ và tuổi niên thiếu ở Hà Nội, đại học ở Léningrad, tiếp tục học ở Paris và cuối cùng, cuộc sống ở Paris, giáo viên tiếng Anh tại một trường ngoại ô. Cô cũng nói tới bố mẹ mình, mối tình hồi nhỏ của mình, chồng mình, các bạn cùng trường trung học, học sinh, con trai mình và các bạn của nó... cả một thế giới xoay quanh cô, các nhân vật bí hiểm, gây rối trí, được nhìn qua duy nhất cái nhìn của cô, một cái nhìn cứng rắn và không thương xót.

Chính ở đây Thuận tỏ ra mình có sức sáng tạo toàn năng: bởi nhờ cái viết mà cô tạo ra nhân vật nữ của mình, cũng như cái thế giới bao quanh và nhốt kín nhân vật ấy. Giống như hình ảnh của chuyến tàu điện ngầm, nơi T. là tù nhân, bất động, một bên vai chắc là tê dại vì sức nặng của đứa con đang ngủ tì lên, nhưng tuy vậy cô sẽ thoát ra được: mười giờ, khi tàu dừng lại, T. tự hỏi không biết mình sẽ ở lại đây hay đi ra tìm một chiếc xe bus... hai tiếng sau, tàu vẫn chưa đi, nhưng T. vẫn tự hỏi liệu mình sẽ ở lại hay...

Và cuốn tiểu thuyết của Thuận kết thúc ở câu hỏi mà chắc T. sẽ không bao giờ trả lời được... Với T., có vẻ như là sẽ không bao giờ có bình minh hết. Nhưng trong cuốn tiểu thuyết của Thuận, trước niềm hạnh phúc lớn nhất của độc giả, có một thứ. Cái đó có tên là tài năng.

Janine Gillon
Cao Việt Dũng dịch

http://www.bbc.co.uk/vie...lon_viet_newbooks.shtml

Phượng Các
#6 Posted : Thursday, December 14, 2017 12:29:25 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2017 vừa diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tác phẩm Ngôn Từ của Jean Paul Sartre được trao giải Văn học dịch nhưng hai dịch giả Thuận và Lê Ngọc Mai đã từ chối nhận giải "vì lý do cá nhân", báo Zing ghi nhận.

Tuy vậy, nhà văn Thuận viết trên trang cá nhân: "Tôi từ chối giải thưởng của Hội Nhà Văn Hà Nội vì Hội chưa làm đúng trách nhiệm - bảo vệ quyền tự do sáng tác của các nhà văn".
"Hôm qua, khi được phỏng vấn nhanh, mình có trả lời rõ ràng như vậy. Bây giờ nhà báo lại bảo vì "lý do cá nhân". Thôi thì nhờ anh Phây đưa tin hộ."
Giải này sau đó được trao cho dịch giả Nguyễn Chí Thuật với tiểu thuyết Búp Bê của nhà văn Boleslaw Prus, người Ba Lan.

xem tiếp ở đây:
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42334891


Bản tin Báo Người Việt:

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “‘Tôi từ chối giải thưởng của Hội Nhà Văn Hà Nội vì hội chưa làm đúng trách nhiệm – bảo vệ quyền tự do sáng tác của các nhà văn.’ Hôm qua, khi được phỏng vấn nhanh, mình có trả lời rõ ràng như vậy (vẫn còn lưu trong messenger). Bây giờ nhà báo lại bảo mình từ chối vì ‘lý do cá nhân.’ Thôi thì nhờ anh Phây đưa tin hộ.”

Dòng chia sẻ này được nhà văn Thuận, người sống tại Pháp và được biết đến qua một số tác phẩm in bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, viết trên trang Facebook cá nhân vì cho rằng báo Zing đã diễn giải sai ý bà về việc từ chối nhận giải thưởng của Hội Nhà Văn Hà Nội.


Bà dẫn bài báo của Zing “Nhà văn Thuận và Lê Ngọc Mai từ chối giải thưởng HNV Hà Nội” khi cho rằng bà không nhận giải thưởng “vì lý do cá nhân” cho bản dịch tác phẩm “Ngôn Từ” của Jean Paul Sartre.

Nhà văn Thuận đã xuất bản các tác phẩm “Chinatown” (ấn hành năm 2005), “T Mất Tích” (2007), “Thang Máy Sài Gòn” (2013), “Chỉ Còn 4 Ngày Là Hết Tháng Tư” (2015)…

Hồi Tháng Năm, 2017, trả lời BBC Việt Ngữ, bà Thuận nói phải “mất hơn ba năm thương thảo với cơ quan kiểm duyệt Việt Nam” để xuất bản được cuốn tiểu thuyết “Thang Máy Sài Gòn” bởi vì chính quyền Việt Nam lo ngại cuốn sách có thể… “ảnh hưởng tới quan hệ Hà Nội-Bình Nhưỡng.”

Hồi Tháng Sáu, một vụ lùm sùm diễn ra trong Hội Nhà Văn Hà Nội khi ông Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch hội, từ chức.

Ở Việt Nam, khái niệm “quyền tự do sáng tác” gần như hiếm khi được bàn luận tới trên mặt báo và các hội đoàn nhà văn không bao giờ lên tiếng về chuyện này. Hồi Tháng Chín, báo Người Lao Động tường thuật việc Cục Xuất Bản yêu cầu đình chỉ phát hành cuốn tiểu thuyết “Mối Chúa” của tác giả Đãng Khấu (một bút danh khác của nhà văn Tạ Duy Anh) để tái thẩm định nội dung “vì quá u tối.”

Tờ báo viết: “Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó, tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều được xây dựng với hình ảnh đen tối, vô vọng, đau đớn. Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại, sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần cường điệu khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u tối.” Đến nay đã ba tháng nhưng công chúng không được biết kết quả “tái thẩm định nội dung” cuốn này thế nào. Mạng xã hội dấy lên suy đoán cuốn này bị đình chỉ phát hành vì bút danh “Đãng Khấu” nói nôm na là “đảng cướp” nên rất “nhạy cảm” với Hà Nội. Tuy nhiên, đó chỉ là suy đoán.

Hồi Tháng Năm, một vụ khác gây xôn xao không kém là bản in lại tác phẩm “Miếng Ngon Hà Nội” của nhà văn Vũ Bằng bỗng nhiên bị thu hồi và phạt 240 triệu đồng (khoảng $10,644), công ty Văn Hóa Minh Tân-nhà sách Minh Thắng bị đình chỉ hoạt động sáu tháng vì “những sai sót” khi xuất bản cuốn sách này.

Hình chụp một trang sách trong bản in này rò rỉ trên mạng xã hội ở thời điểm đó có đoạn: “Tôi ao ước một ngày kia miền Bắc được giải thoát khỏi nanh vuốt Cộng Sản, quốc gia trở lại thanh bình và thống nhất…” (T.K.)
Users browsing this topic
Guest (5)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.