Âm nhạc dân tộc ơi, đâu là chỗ đứng của người?Phương Oanh
Tôi yêu tiếng nước tôi , từ khi mới ra đời người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời,
à a ơi, tiếng ru muôn đời.
Tiếng nước tôi, bốn nghìn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi.
Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi.
Tôi yêu tiếng ngang trời, những câu hò giận hờn không nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi, vững tin vào mộng đẹp ngày mai.
ÐK.
Một yêu câu hát truyện Kiều lẳng lơ như tiếng sáo diều ư diều làng ta.
Và yêu cô gái bên nhà, miệng xinh ăn nói mặn mà ừ mà có duyên.
Tình Ca (Phạm Duy)
Sống xa xứ lâu năm, tình tự dân tộc in hằn nét trong tâm tưởng chúng ta. Muốn giới thiệu cho người bạn bản xứ biết tới cái hay cái đẹp của văn hóa mình, trước tiên, hầu như chúng ta hay cho họ thưởng thức qua các món ăn như cơm chiên, chả giò, phở, bánh cuốn, những món ăn thuần túy...Từ các món ăn thực tế trên, đi xa hơn một chút nữa, qua những buổi văn nghệ với những bài hát và phần nhiều họ rất thích được xem các màn múa với y phục dân tộc, rồi thêm một bước nữa, là cho họ thưởng thức âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Trong bài này, tôi xin đặt ra ba phần như sau:
- Làm cách nào để âm nhạc dân tộc đến với mọi người?
- Âm nhạc dân tộc hội nhập vào xã hội minh sống.
- Phân tách một bài nhạc cổ, dân ca.
Tôi hy vọng những lời nói chân tình , những thao thức này, không phải của riêng tôi, mà là của chúng ta, và có được như thế, tôi tin chắc rằng, cuộc sống của chúng ta có được ý nghĩa của nó tại nơi này.
Nguồn nhạc Việt Nam.
Nói đến nhạc cổ Việt Nam, ngay trong nước, âm nhạc cổ đã không có được một chổ đứng tốt đẹp như tân nhạc. Tân nhạc thành hình do những người Việt Nam tân học đầu tiên đã hấp thụ văn minh tây phương, học nhạc cổ điển tây phương. Nét nhạc tây phương đã xâm nhập thật nhanh vào tâm hồn mọi người và tân nhạc đến như một làn gió mới quét hết những gì vướng bận chung quanh thật nhanh, để trở nên một nền âm nhạc canh tân và tồn tại cho đến ngày nay.
Âm nhạc Việt Nam có hai nguồn nhạc - bác học và dân gian.
- Nguồn nhạc bác học là của giới trí thức, thượng lưu vua quan, môi trường rất giới hạn. Thú vui tao nhã này được thành hình khi các nhà nho họp mặt trong dịp trăng sáng, hoặc một dịp chờ hoa nở, họ đã sáng tác những bài thơ để ca tụng cái đẹp của hoa, của đêm trăng thanh gío mát v.v..., rồi lại xướng họa với nhau. Hứng thú này đã để lại nhiều bài thơ nổi tiếng, và họ đã thưởng thức những bài thơ của mình lúc đầu đọc cho nhau, sau cảm thấy thơ phải đọc bằng giọng nữ mới hay, rồi dần dần chính những người đọc đã cảm hứng ngân nga, luyến láy giọng để tạo thành lối ngâm thơ đặc biệt, rất cổ đó là ca trù. Từ đó về sau, các điệu ngâm thơ sa mạc bồng mạc, xuất hiện. Khi lan rộng đến dân chúng, thì từ những làn điệu cổ này đã biến thể để hôm nay mới có các điệu ví , viã, đò đưa hoặc các điệu dân ca khác.
- Nguồn nhạc dân gian là của dân chúng, trong những lúc làm lụng ở đồng ruộng hoặc ở những nơi công cộng, để thời gian trôi qua và để quên mệt nhọc, họ đã cất giọng hát của mình ứng đối tại chỗ những câu hát câu ví, trêu ghẹo nhau trong không gian mênh mông, với thời gian vô định. Họ vui hát quên mệt, quên thời giờ qua, say mê hát, mãi mê làm, chỉ ngừng lại khi công việc đã xong xuôi. Những điệu lý , câu hò được sáng tác, phần đông theo thể thơ lục bát, nên âm điệu nhẹ nhàng và có vần có điệu. Ví dụ như một điệu ví ở miền Bắc :
Hởi anh đi đường cái quan,
dừng chân đứng lại, em than đôi lời,
chứ đi đâu vội mấy anh ơi!
Và đây là một điệu hò ở miền Nam:
Nam hỏi nữ : Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với, chung tình làm đôi
Cô còn cắt nửa hay thôi
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.
Hoặc một sự đối đáp như sau :
Nam hỏi nữ : Cô kia, gánh nước đường xa,
Còn bao đôi nữa, để qua gánh dùm.
Nếu gặp người hiền lành, thì chuyện sẽ không có gì để nói, nhưng xin nghe câu trả lời của nữ như sau :
Tủi thân con khỉ ở rừng,
Cuốc không lo cuốc, lo dùm cho ai!
Thì anh chàng không còn câu hát nào có thể thêm được, mà chỉ còn cách đi thẳng mà thôi.
Từ khi Việt Nam được tiếp xúc với tây phương, một số người ít người sống ở thành thị đã thay đổi hay cảm thấy cần văn minh hơn và xem thường những gì của dân tộc. Tôi không dám nói quơ đủa cả nắm, nhưng phần đông đã không để ý đến sự tồn tại của âm nhạc dân tộc. Khi học nhạc thì phải học piano, violon, thì mọi người mới trọng, mới thán phục. Còn nói học đàn tranh, đàn nguyệt thì có vẻ coi thường. Ngay trong nước đã có ý vọng ngoại và không có vốn liếng căn bản dân tộc thì làm sao vốn liếng đó được bành trướng rộng ở xứ người? Tuy nhiên, trong tim mỗi chúng ta, đều có một chỗ cho tình tự dân tộc. Cho nên, ráng gìn giữ những gì có được và những ý tưởng này đã lôi kéo chúng ta đến cùng nhau.
Lúc đầu, chỉ một số ít trí thức người Việt trong nước sống như tây, mặc dù da vàng mũi tẹt, nhưng nói tiếng tây coi ta đây như một ông tây bản xứ, nên học đòi những gì của ngoại quốc đem tới, mà người Pháp âm nhạc là nghệ thuật cao trọng. Do đó, qua sự tiếp xúc này, họ mới được thưởng thức âm nhạc, bài hát Pháp, rồi sau đó lại viết lời Việt trên các bản nhạc ấy.
Dần dần, vì nhu cầu trường học bảo hộ đòi hỏi, những bài bản ngắn được viết ra để dạy cho học trò. Những bài hát Hồ Quảng, Xuân Phong Long Hổ là tác phẩm đầu tiên mà bây giờ đã trở thành các bài bản gốc trong ca Huế. Ngày xưa, lời ca thật đơn sơ mộc mạc, nếu không nói
về phong cảnh cỏ cây, thì là những lời khuyên nhủ, dặn dò.
ví dụ như:
lời của bài Hồ Quảng
Rốn ngồi lúc canh thâu
Trăng dọi trăng xế lầu
Bận lòng bận vàng đá tình sâu
Ðâu dám đâu ôm cầu chuyện lo chuyện sầu có nhau cùng nhau.
Nghĩ không nghĩ cho nhau mặc dầu há sầu.
Hay bài Xuân Phong Long Hổ
Lòng dặn lòng,
Ai mặc ai,
Thương cứ thương
Thôi đừng thôi
Chuyện vui cười
Người ở đời
Ðừng đem dạ đem dạ từ chối,
Ai mà cho khỏi vô vòng nợ duyên.
Rứa cũng nên,
Muốn cho bền
Lòng chớ phiền
Lữa càng đượm dám xin giữ gìn
Khuyên cùng ai,
Ðừng phai hương nguyền.
Càng về sau những sáng tác này rất được nhiều người ưa chuộng, rồi các tác phẩm được viết kỹ lưững hơn do những người được học hành đúng trường lớp, ảnh hưởng bởi trường phái lãng mạng, những bài hát trử tình, thất tình, buồn tình du dương tràn ngập.
Các nhạc sĩ Võ Ðức Thu, Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Phạm Duy, Trần Văn Khê, Lê Thương , Nguyễn Hữu Ba, Lê Văn Tý v.v.. là những nhạc sĩ tiền phong đã viết những bài tân nhạc đầu tiên vào khoảng năm 1940-1955. Ví dụ như bài Cô hái mơ, Thiên thai, Trăng mờ bên suối, Giọt mưa thu, Buồn tàn thu, Lửa rừng đêm v.v... đã thấy rõ giai điệu nhạc tây phương. Bên cạnh đó cũng có những bài còn ảnh hưởng dân tộc như Bản Ðàn Xuân, Cô hàng nước, Cây đàn bỏ quên, Trăng sáng vườn chè..., những bài thơ phổ nhạc cũng rất được thịnh hành, như bài:
Tiếng Thu của Lê Trọng Lư :
Em không nghe mùa thu
DướI trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực,
hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người cô phụ?
Em không nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc,
con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô.
Ngoài ra còn có những bài hát nói lên cái hiện trạng xã hội như bài Cái áo the thâm của Canh Thân nói lên tâm trạng có mới nới cũ, của sự thay đổi của xã hội.
Tân nhạc đã được khởi xướng, cùng lúc phong trào chữ quốc ngữ đã phổ biến khắp ba miền nên tân nhạc đã được mọi người đón nhận một cách nồng nhiệt, dần dần tạo nên những làn sóng, những trường phái khác nhau. Cái hay của nhạc mới đã đem tân nhạc đến với mọi người một cách dễ dàng, nhưng cái dở của tân nhạc là làm loảng đi cái làn điệu dân tộc đặc biệt của Việt Nam. Tân nhạc dể sáng tác vì khi đã biết nốt nhạc, biết cách phân chia nhịp điệu, có ý cho lời hát, là ta có thể sáng tác được một bài nhạc. Trong thời gian đầu, phần lớn những bài hát rất trong sáng, hùng hồn, nung chí người thanh niên trước vận mệnh đất nước, hoặc bài nhạc nói lên cái đẹp của quê hương, của phong cảnh v.v..., nhưng càng về sau, nhạc có chiều hướng nói về tình yêu, chia ly. Trong tình yêu, giai điệu lê thê, ra rít của sự buồn chán, của sự đổ vữ. Mười bài nhạc viết về tình yêu thì hầu như đã có chín bài nói lên sự ly cách của hai người yêu nhau. Nếu anh không phụ em, thì em cũng vì một lý do nào đó mà xa anh v.v...
Anh đường anh, tôi đường tôi , Tình nghĩa đôi ta có thế thôi...
Hoặc :
Thôi, em đường khóc nữa mà làm gì..., hoặc em ơi, nếu mộng không thành thì....sao?
Tuy nhiên cũng có những nhạc sĩ đã biết khai thác âm giai ngũ cung này trên các sáng tác của mình. Nhưng sáng tác nhạc theo âm hưởng dân tộc, đòi hỏi người nhạc sĩ phải có tấm lòng tha thiết với dân tộc, có xa cách nơi chôn nhau cắt rún, mới thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ quê này.. Cũng như phải là người am tường nét nhạc dân tộc, biết cách xử dụng âm giai ngũ cung, thuộc nhiều làn điệu dân ca địa phương, thơ phú, ca dao. Những bài nhạc này đã còn lưu lại cho đến ngày nay, giá trị của nó đã vượt thời gian, không gian và đã trở thành bất hũ với những bài
ca dao được phổ nhạc.
Sao tua chin cái ối a nằm kề
Thương em từ thuởi mẹ về với cha...
Hay :
Khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai, khăn vắt trên vai
... Ðèn thương nhớ ai, mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai, mắt ngủ chẳng sâu.
Trường ca Con đường cái quan của Phạm Duy, trường ca Hội Trùng Dương của Phạm đình Chương, các sáng tác của Hoàng Thi Thơ hay thánh ca của các cha Ngô Duy Linh, Hoàng Kim, Hải Linh, Ðào Kim, hoặc các nhạc sĩ Viết Chung, Y Vân, Trầm Tử Thiêng v.v... bên cạnh đó còn biết bao nhạc sĩ cũng đã đóng góp rất nhiều cho kho tàng tân nhạc thêm phong phú, cũng đã làm âm hưởng dân tộc gắn liền với tân nhạc.
Bài Tình hoài hương (Phạm Ðình Chương)
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn.
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa,
Dân trong làng, trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê.
Quê hương tôi, cò con đê dài ngây ngất,
lúc tan chợ chiều xa tắp, bóng nâu trên đường bước dồn
lửa bếp nồng vòm tre non làn khói ấm hương thôn.
Ai về về có nhớ, nhớ cô mình chăng ?
Tôi về, về tôi nhớ, hàm răng , răng cô mình cười (ơ ớ)
Ai về, về mua lấy lấy miệng cười,
Ðể riêng tôi mua lại, mảnh đời thơ ngây thơ ( ơ ớ...)
Quê hương ơi, bóng đa ôm đàn em bé,
Nắng trưa im lìm trong lá, những con trâu lành trên đồi, nằm mộng gi ?
Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi...
Quê hương ơi, tóc sương mẹ già yếu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu, cánh tay êm tựa mái đầu
Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu...
Tình hoài hương (2), khói lam vương tâm hồn chìm xuống
Chiều xoay hướng (2), Sống vui trong mối tình muôn đường
Tình ngân phương (2), Biết yêu nhau như lòng đại dương
Người phiêu lãng (2), nước mắt có về miền quê lai láng...
Xa quê hương ..., Yêu quê hương...
Những người đặc biệt như các anh Trịnh Côn Sơn, Nguyễn Ðức Quang, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Quyết Thắng, mỗi người mỗi vẽ, mỗi người mỗi phong cách đã đem tiếng hát, sự suy nghĩ của mình đến cho mọi người. Hiện nay, công việc tìm kiếm phong cách sáng tạo lan rộng khắp nơi. Với phương tiện giao thông dể dàng, họ đã đi đến những xứ xa xôi tìm các điệu nhạc, tiết nhịp cổ xưa của xứ đó, để làm cảm hứng cho tác phẩm của mình trở nên độc đáo. Do đó, các sáng tác ngày nay, ta thấy có sự pha trộn giữa cách phối nhạc, nên có khi nghe thấy câu nhạc có pha lẫn tiết nhịp dân da đen cùng với giai điệu dân da vàng. Cũng như càng ngày càng có chiều hướng trở về nguồn của các nhạc sĩ sáng tác hơn. Các nhạc sĩ đã dùng âm giai ngũ cung trong nét nhạc của mình. Do đó, âm hưởng Huế, âm hưởng nhạc miền Nam thấy rõ trong cách diễn tả của các ca sĩ biểu diễn, và các bài nhạc này cũng đã được mọi người yêu thích...
Tại sao người ta có thành kiến xướng ca vô loại?
Người xưa không có xem trọng âm nhạc. Phần vì các cụ nho ta đã quá mê say các cô đào, bỏ bê gia đình bê tha trụy lạc. Lại thêm các thú vui đèn đóm khiến con người thân tàn ma dại, nên gia đình tan nát. Và đó cũng là ý định của thực dân pháp khuyến khích tổ chức những nơi vui chơi đồi trụy để làm lung lay tin thần người trai trẻ, để họ có thể cai trị nước Việt dễ dàng. Ðể cảnh cáo và giữ gìn hạnh phúc gia đình, các nơi tổ chức giải trí như thế đều bị coi thường, nên mới có câu 'xướng ca vô loại'. Nhà nào có con cái theo nghề ca hát là cả một sỉ nhục cho gia đình. Các con cái của ca nhi không được đi thi, không được tham dự một tổ chức nào cả trong xã hội.
Ðất nước ta thời đó đã phân chia ngôi thứ như sau : Sĩ, Nông, Công, Thương. Bốn nghề chính của xã hội.
Trí thức, học trò được ở ngôi vị cao quí nhứt. Nhưng vì các ông tú nhà ta cứ lấy cớ học hành, nên bỏ bê công việc, không chịu giúp đở và còn hành hạ các bà vợ phải lo lắng hầu hạ cực nhọc vì mình. Hở ra thi đe ... ngày mai ông thành quan lớn thì... Mà các cô vợ thì cứ cắn răng phụ tùng ông chồng học trò của mình để hy vọng một ngày nào đó, người ta chiếm lấy bảng vàng, thì mình sẽ là bà nghè bà cống như ai...
Người dân đa số làm nghề nông, chân lấm tay bùn, quanh năm suốt tháng làm lụng vất vã ngoài đồng ruộng, cả một sự bất công. Nên dã có câu thơ rằng :
nhất sĩ, nhì nông,
hết gạo chạy rong,
nhất nông , nhì sĩ.
Chỗ đứng của âm nhạc dân tộc rất khiêm nhường?
Vào những năm đầu, khi miền Nam vừa có đài phát thanh, chương trình âm nhạc được phân chia không đồng đều. Tân nhạc chiếm 3/4 trên tổng số giờ phát thanh về văn nghệ, số giờ còn lại được chia đều cho các ban cổ nhạc Bắc, Trung , Nam.
Những người hát tân nhạc thì được chuyên viên thu thanh tiếp đón lịch sự. Còn người hát nhạc cổ thì bị coi thường. Tôi nhớ rõ hình ảnh ấy vì chính mắt tôi chứng kiến sự việc xảy ra tại đài phát thanh Saigon, khi tôi đi thu cho ban ca Huế Hương Bình. Người ca sĩ đâu có muốn hát sai để phải thu đi thu lại. Vậy mà chuyên viên thu thanh có vẽ bực mình gay gắt, do đó, mỗi khi bước vào phòng thu, người ca sĩ hát cổ nhạc có vẽ không được thoải mái như ca sĩ tân nhạc...
Tình trạng trọng nhạc tây hơn nhạc ta này, ngay tại nhạc viện Saigon cũng giống nhau. Số nhạc sinh học nhạc tây phương đông hơn nhạc sinh học quốc nhạc. Phần lớn nhạc sinh học tây phương là thành phần con nhà khá giả, học trường đầm, đi học bằng xe hơi, nghênh ngang, ngổ ngáo. Nói như thế, quí vị cũng đã hiểu chổ đứng của âm nhạc dân tộc như thế nào.
Ngay trong nước mà tinh thần vọng ngoại của người Việt Nam đã vậy, chính phủ thì không chú trọng, nâng đở, gìn giữ các bộ môn nghệ thuật cổ truyền, thì dân chúng làm sao noi gương ? Trong Nam, phần lớn các gánh cải lương, các ban cổ nhạc Nam phần là do tư nhân tổ chức, do đó họ có một môi trường biệt lập không bị sự điều khiển của chình phủ...
Làm cách nào để âm nhạc dân tộc đến với mọi người?
Nếu các nước Nhật Bản, Ðại Hàn, Trung Hoa đã hướng dẫn trẻ con hát những đồng giao, những điệu dân vũ thuần túy ngay từ lúc mới bắt đầu học mẫu giáo, để trẻ em lớn lên trong tình tự dân tộc. Ðược nuôi nấng như thế, tinh thần dân tộc đã ăn sâu vào tim óc tự nhiên. Mỗi khi một bài dân ca được bắt giọng là hầu như cả xứ đều có thể cất cao giọng hát.
Nhìn người rồi lại nhìn mình, trẻ em Việt Nam có được nuôi dạy như thế chăng ?
Người dân Việt Nam có bao nhiêu người có thể hát được một số các bài dân ca căn bản ?
Ngày xưa, mỗi khi con trẻ ngủ, còn được nghe những lời ru nhẹ nhàng, những lời dạy bảo khuyên răn của bà, của mẹ hay của chị. Lần lần, còn được bao nhiêu người có thể ru được, thuộc được những lời ru con đó ? Tôi nhớ hoài một bài ru con mà mẹ tôi đã hát để ru chúng tôi, con cháu của mình, rồi ru luôn con cái hàng xóm, lời ru như sau :
Con ơi con bú đã vừa ,
Ðể con vô võng, mẹ ru hữi hời.
Con nằm con nín , con chơi
Ðừng la cho rối nghe lời mẹ ru.
Sanh con nào quảng công phu
Thai hai trăm tám mươi ngày sinh ra
Lọt lòng nhe tiếng tu oa
Rồi sau khôn lớn, mới nên con người.
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời đức hạnh là câu răn mình
Làm cách nào để có thể đưa âm nhạc dân tộc đến với mọi người ?
Muốn làm được việc này, trước nhất chúng ta phải giữ cho con em nói được tiếng Việt, hiểu được tiếng Việt. Biết quí trọng và yêu thích âm nhạc dân tộc.
Nhưng làm cách nào để giữ cho con em nói được tiếng Việt ?
Làm cách nào để hướng dẫn con em biết yêu thích âm nhạc dân tộc trong khi mình có yêu thích âm nhạc dân tộc không ? Những thao thức trên đây không nhằm mục đích cùng suy nghĩ làm cách nào để đem âm nhạc dân tộc đến với mọi người. Nhất là tại đây, nơi đất nước chúng ta đang sống, không phải quê hương của mình. Nếu mình có thể gìn giữ được nét đặc thù dân tộc, như vậy chúng ta không sợ bị mất dân, mất gốc.
Ðể học tiếng Việt, với phương pháp mới bây giờ, các em có thể học được tiếng Việt dễ dàng. Những bài hát ngắn, lời hát đơn giản, dể thuộc sẽ làm các em ưa thích, các em sẽ hát hoài , và nhất là chính mình cũng phải hát với các em.
Nhưng, một điều thao thức cho chúng ta là làm sao giữ cho các em có thể nói, viết đọc một cách suông sẽ và không bị quên tiếng Việt khi bắt đầu lớn lên.
Xin các bạn cùng suy nghĩ với tôi !
Âm nhạc dân tộc hội nhập vào xã hội mình sống.
Ðây là vấn đề thao thức của phần lớn người Việt Nam định cư ở hải ngoại.
Một câu nói lưu lại từ xưa 'Truyện Kiều còn là tiếng ta còn, nước ta còn' khi phong trào cổ động cho việc dùng tiếng Việt làm quốc ngữ. Tôi xin được lấy ý trên để nói rằng : Nhạc truyền thống còn là tình tự dân tộc còn, và nước ta còn.
Âm nhạc cổ truyền là nét nhạc tiêu biểu của một dân tộc. Qua âm nhạc, người ta có thể hiểu cá tính, phong tục tập quán và cả sự hưng thịnh của dân tộc. Nước ta bị quá nhiều tai nạn, khó khăn. Nhìn lại quá khứ, có bao nhiêu năm Việt Nam được thanh bình thật sự ?
Hơn ngàn năm bị tàu đô hộ, cả trăm năm nô lệ tây, khỏi ách thống trị cường quốc này lại khoác vào mình cái ách khác, chê chế độ này không xứng đáng đón lấy nguồn máy nô lệ kia. Hết học tiếng tàu, sống như tàu, lại hấp thụ văn minh tây, rồi đổi đời không 'nô' thi 'nhíét'bgbg loạn xạ. Người dân thật khổ sữ trăm chiều. Lịch sử nước Việt còn đó, tiền nhân đã trãi qua bao cam go, có những người thật sự đấu tranh cho dân tộc, nhưng cũng có người đấu tranh cho dân tộc để cho mình.
Hậu quả đó, trách nhiệm đó, chính tự người đã gieo giống sẽ nhận lãnh lấy trách nhiệm đối với tổ quốc, đối với quê hương.
Nếu năm 1954, người miền Bắc không di cư từ Bắc vào Nam, thì không có ngày hôm nay, các nước đã biết đến người Việt Nam ở khắp mọi nơi. Nếu năm 1975, không có làn sóng vượt đại dương của người Việt, thì không có ngày nay, người dân Việt Nam đã nói đũ thứ ngôn ngữ trên thế giới. Ðiều này không biết nên buồn hay vui. Ðiều này không biết đó là sự xui hay là sự hên của dân tộc ?
Nếu không có chuyện người Việt tung bay khắp nơi để tìm tự do, thì ngày nay, những lúc khó khăn vì tai ưöng trong nước, đã không có sự trợ giúp đắc lực của chính người dân Việt từ khắp nơi gửi về. Hơn 26 năm, chúng ta bị tách rời cái nôi dân tộc, để sống xứ người, trong cuộc di dân bất đắc dĩ này, chúng ta chưa được chuẩn bị như người Do Thái, người Trung Hoa, nhưng với trí thông minh sẵn có của người Việt, chúng ta đã học hỏi rất nhiều về cách sống ở các quốc gia đã đón nhận chúng ta. Như các bạn đã biết tôi không cần kể lể mất công.
Ngày hôm nay, dân Việt đã có hai, ba thế hệ đã sống qua ở xứ người.
Thế hệ thứ nhứt của những người vượt biên khoảng 50, 60 tuổi, với những người con đã đem theo được trong lứa 20, 30. Họ đã phải tranh đấu vất vã để tạo lại cuộc đời. Ngày nay, thế hệ trẻ con sinh ra tại đây cũng đã được trên dưới 20, thành phần này không được sống trong chiến tranh và được sống cuộc sống đầy đủ của dân một xứ giàu. Thế hệ thứ ba được sinh ra tại đây bây giờ. Ta có thể thấy được diển tiến cách sống của các gia đình đó.
Hơn 26 năm ở hải ngoại, người Việt Nam đã có cuộc sống vững chắc về nơi ăn chốn ở, không ít thì nhiều cũng quen phong tục tập quán của nơi này, liệu có còn giữ được phong tục, tập quán của mình như người Do Thái hay người Trung Hoa không ?
Mới có đến thế hệ thứ hai là đời con cái đem theo được khi còn bé, hay được sinh ra trong thời gian chạy loạn này, tôi đã thấy có cái gì hơi khác rồi. Phần đông ở bên Pháp này, con cái hay nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, có nhiều em lại không nói được tiếng Việt. Rồi sự liên hệ của gia đình không được chặc chẽ vì không có thì giờ, mỗi người mạnh ai mấy lo chuyện của mình, hầu như chỉ gặp nhau trong giờ ăn tối , may ra.
Qua những lần tham dự các đại hội văn hoá tổ chức chung của các nước, hầu như Việt Nam luôn luôn chiếm được cảm tình của mọi người qua y phục, dáng điệu nhẹ nhàng, nét xinh xắn duyên dáng của mái tóc, dáng người.
Nhưng các người bạn địa phương hay nói là người Việt Nam rất dể thương, nhưng không có chịu tham dự các buổi họp mặt chung, ít khi chịu hoà mình với các tổ chức bạn. Người Việt Nam hay tựu họp ăn uống riêng rẽ và sống tách rời, hoặc nếu có làm cái gì chung thì cũng không có hoà mình hết lòng. Ðó là sự nhận xét của các người bạn bản xứ hay các sắc tộc khác.
Những năm đầu, mới tốt nghiệp nhạc viện, trong những buổi văn nghệ tất niên, tôi đã đem dân ca đến với các phân khoa đại học. Xuất hiện trên sân khấu với cây đàn ghitar với những bài dân ca, mà lúc đó, thiên hạ nghe như những bài hát lạ. Ðó cũng là một điều khác lạ với bè bạn cùng lứa.
Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc là gì ?
Ðược thành lập tại Việt Nam từ năm 1969 tại Saigon.
Phượng Ca là một lớp nhạc qui tụ được khá đông học trò thời 69 -75.
Mục đích của Phượng Ca bảo trì, phát huy và phổ biến dân ca quốc nhạc đến thanh thiếu niên qua các sinh hoạt trẻ,học đường.
Phượng Ca đã khơi lại mạch sống phong trào về nguồn đến với thanh niên học sinh và tạo ra các ban đàn tranh cho các trường trung tiểu học tại Saigon.
Châm ngôn của Phượng Ca là ''Một truyền thống đang được tiếp nối''.
Công việc mà Phượng Ca đã hoạt động từ năm 1969 tại Việt Nam. Trong khi các bạn bè chuyễn hướng, hát tân nhạc, tôi vẫn tiếp tục lội ngược giòng sông văn hóa để tìm về nguồn.
Ðịnh cư tại Pháp. Sau thời gian để ổn định cuộc sống. Thấy nhu cầu bảo tồn phát huy âm nhạc truyền thống càng quan trọng hơn. Tôi đã suy nghĩ, phương pháp hoá cách học đàn tranh, tạo môi trường, để lôi cuốn các con em, thanh thiếu niên Việt Nam. Trong hơn 10 năm đầu, tôi chỉ nghĩ đến Việt Nam, trẻ con Việt Nam, cuộc sống Việt Nam mà quên rằng mình đang sống trong đất Pháp.
Nhân dịp được cha Ngô Duy Linh mời sang dạy cho các em thiếu nhi trong 1 tháng ở New Orleans. Tôi mới có dịp thoát ra cái chỗ ở của mình bên Pháp, để nhìn người Việt sống bên Mỹ. Sau 1 tháng ở Mỹ trở về Pháp. Tôi mới thấy, mình đang sống ở xứ người mà mình không chấp nhận hội nhập vào xã hội người là điều rất sai, thiếu sót lớn. Mà hầu như mình không cần để ý hay không cần biết đến.
Thay đổi các làm việc, học nói tiếng Pháp, rồi cơ duyên đưa đến , tôi được dạy môn âm nhạc Việt Nam tại nhạc viện Pháp.
Nhờ hội nhập vào xã hội Pháp, thì người bản xứ mới thấy được cái đẹp của âm nhạc, văn hoá Việt Nam. Những năm sau này, tham dự các chương trình văn hoá tổ chức hằng năm trên toàn Âu châu. Phượng Ca đã được coi như đại diện cho Việt Nam, để nói lên cho thế giới biết rằng bên cạnh chiến tranh mà thế giới đã biết đến Việt Nam, thì ngày nay, qua văn hoá, người ta lại thấy được một dân tộc có một nguồn văn hóa thuần túy và một nguồn nhạc truyền thống luôn luôn còn được lưu truyền.
Phương Oanh
Nguồn : . Du Ca Viet Nam .