Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Phượng Mai: Trên Sân Khấu Tân Nhạc, Trên Sân Khấu Hồ Quảng
Người Ghi Chép
Là cháu ngoại của nữ nghệ sĩ Cao Long Ngà, bà là nữ nghệ sĩ gạo cội của sân khấu hát bộ, cùng với Bà Năm Sa Đéc, Ba Uùt, Sáu Bê, Năm Đồ…hợp thành một lực lượng thượng thặng của nghệ thuật ca kịch cổ truyền này…thưa chị Phượng Mai, nếu tính từ 1 tới 10, khi nhập vai trên sân khấu Hồ Quảng, chị nhập được bao nhiêu?
Phượng Mai (PM): Từ lúc năm tuổi, tôi đã bước vào điện ảnh, chứ không phải sân khấu, tôi từ trong nòi bước ra, bên ngoại Cao, tức là bên với nghệ sĩ Kim Cương, người tôi gọi bằng dì. Các phim của Kim Cương đều cần một vai nhỏ, vai con bé, thì tôi là người đóng phim…, trở lại câu hỏi của anh, thì việc nhập vai Hồ Quảng của tôi là 100%. NGC: Người ta vẫn thường so sánh sân khấu với cuộc đời. Sân khấu là cuộc đời được hóa trang và ngược lại, thế thì với Phượng Mai trên sân khấu, vai diễn nào chị “nhập vai” đến độ mà, chị xem cuộc đời thật của chị cũng là vai diễn đó? PM: Nói đúng ra, trong đời trình diễn của tôi, qua nhiều vai diễn khác nhau, với vai nào khi được diễn, điều quan trọng phải nhập vai, tức là phải diễn cho ra, cho đạt với những gì vai diễn đòi hỏi, tôi đều nhập vai thật sự. Câu hỏi của anh là vai nào trên sân khấu sẽ là Phượng Mai ngoài đời à? Không có vai nào hết. Sân khấu là sân khấu, cuộc đời là cuộc đời. Nói là nói vậy, cũng có những vở diễn mà tâm trạng, hoàn cảnh nhân vật sao mà giống mình đến như thế. Trong những trường hợp như vậy, dĩ nhiên sẽ làm mình nhập vai dễ hơn, hay hơn và có tác động lớn đối với khán giả. NGC: Chị nói một chút về chị? PM: Như đã nói lúc đầu, tôi sống với ngoại Cao. Và vào nghề diễn phim năm 5 tuổi trong phim Ảo Ảnh của đạo diễn Lê Hoàng Hoa với nghệ sĩ Kim Cương. Năm 7 tuổi tôi đã được học về bộ môn Hồ Quảng, vì ngoại Cao thấy tôi có khiếu múa. Hai tuồng nằm lòng từ hồi nhỏ của tôi là Lương Sơn Bá và Trúc Anh Đài và Hoa Ngọc Lan. Khi tôi hát hai tuồng này ở nhà, thì ngoại Cao vì quen biết nhiều nghệ sĩ cổ nhạc, nên đã mời họ tới nghe, thì các cô bác đã đề nghị đưa tôi ra ngoài diễn cho công chúng nghe. Ngoại Cao đã đồng ý gởi tôi (7 tuổi) cho ông bầu Duy Ngọc đưa tiếng hát của tôi ra ánh sáng sân khấu. Danh hiệu “tiểu Lăng Ba” tên một cô đào Hồng Kông nổi tiếng thời đó, người cũng đã đóng vai Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài và Hoa Mộc Lan thời đó. Vì vậy, tôi đã được báo chí thời đó dành cho danh hiệu “siêu thần đồng Tiểu Lăng Ba”. Từ kịch và điện ảnh, một số nghệ sĩ tí hon như chị Phương Mai, Hương Lan và tôi đều được cho là “thần đồng” hết. NGC: Ở một độ tuổi nhỏ như vậy mà đã là “siêu thần đồng”, Phương Mai còn nhớ tiền cát-sê của mình là bao nhiêu không? PM: Thực tình tôi không nhớ. Tiền bạc lúc có đã có bà ngoại Cao lo cho. Nhưng tôi còn nhớ, năm tôi 14 tuổi, một hợp đồng trình diễn do tôi ký với soạn giả Hà Triều Hoa Phượng rất nổi tiếng thời đó, cộng tác 6 tháng ở Nha Trang để trình diễn, số tiền ký là 1 triệu đồng. Thời đó, lương sĩ quan một tháng chỉ có 20,000 đồng thôi. Khế ước này rất lớn. NGC: Phượng Mai dùng số tiền đó vào việc gì? PM: Tôi mua một căn nhà để trả hiếu cho ông bà ngoại để trả hiếu. NGC: Khi nào Phượng Mai có ngã rẽ vào tân nhạc? PM: Khoảng 9, 10 tuổi, ông bà ngoại Cao có cho tôi đi học tân nhạc, một lò với Hương Lan và Quốc Anh,…thầy của tôi là nghệ sĩ Bảo Thu. Trước 75, đêm nào tôi cũng hát Hồ Quảng, như về tân nhạc tôi có khiếu và cũng được học. Do đó, tôi cũng đã hát tân nhạc ở các vũ trường. Nói chung, bên ngành cổ nhạc, tôi đã theo đuổi là chính trong nhiều năm ở Việt Nam. Cho tới khi qua bên Mỹ, do điều kiện hát cổ nhạc không còn, nhờ có vốn tân nhạc sẵn, nên tôi không có trở ngại gì khi trình diễn tân nhạc. Nói thêm một chút về sự đóng góp trên sân khấu thời trước 75, thì tôi có tham gia vào các chương trình Thép Súng, tổng động viên hay xây dựng nông thôn…về môn tân nhạc. Sau đó tôi có đi công tác tiền đồn với các anh lính biệt động quân, và ca sĩ Hùng Cường là bố nuôi của tôi. Tôi có hát chung với Phương Hồng Quế, Hương Lan, Trang Thanh Lan để hát tân nhạc. Sự trở lại với cổ nhạc, là do “ngứa nghề”. Tuy nhiên, cổ nhạc cũng không có đất diễn, nên tôi vẫn phải hát tân nhạc. Sau khi hết hợp đồng với TT Thúy Nga, tôi về Việt Nam để tham gia vào các hợp đồng quay tuồng cổ của Tàu như Tam Quốc Chí. Chỉ có bên nhà mới đủ điều kiện để thực hiện các sân khấu tuồng cổ. Đối với người hát cổ nhạc, giọng hát quan trọng lắm. Vì ở độ tuổi như tôi, thì sức hát cũng không bao lâu nữa, còn bên tân nhạc, thì dù lớn tuổi hơn một chút, vẫn có thể hát được…Do đó, tôi đã ký hợp đồng ở Việt Nam thâu được khoảng 80, 90 tuồng. Nhờ tổ thương, nên tôi đã hát được với cả hai thế hệ trước và sau mình. NGC: Nghề hát của chị thật là công phu, xin cho biết cách thức luyện giọng cũng như giữ sức khỏe thế nào? PM: Nghề diễn Hồ Quảng rất khó. Tính ra, tôi đã được luyện tập qua nhiều thầy, người tàu có, Việt có..tôi có khoảng 20 thầy dạy tôi trong nghề hát Hồ Quảng. Đối với nghễ diễn Hồ Quảng, cái điệu bộ rất quan trọng, do đó bên cạnh việc luyện tập các động tác vũ đạo Hồ Quảng, tôi còn tập võ Thiếu Lâm. Việc học võ để giúp sức khỏe một phần, cái chính là múa cho đẹp, chứ không phài cho mạnh. Múa Hồ Quảng từ nòi ra rất khó, nhất là hiểu từ trong ra. Đàn anh đàn chị của tôi như Thanh Tòng, Thanh Thế, Hữu Lợi, Bạch Lê…đã đi qua hết, mai một hết. Thế hệ của tôi, về bộ môn Hồ Quảng còn hiếm hơn. Do đó, phải nói rằng sau tôi, cũng rất lo là thiếu vắng những nghệ sĩ yêu nghề, muốn sống chết với nghề vũ đạo, Hồ Quảng. Thành ra, tôi mong muốn tổ sao có được một trường, một nơi để đào tạo một thế hệ đồng ấu mới cho ngành cổ nhạc Hồ Quảng. Như đoàn đồng ấu Minh Tơ, Tân Kim Mai thời xưa, những lò chuyên luyện các diễn viên từ thuở nhỏ. Tôi tha thiết muốn truyền đạt những kinh nghiệp trong nghề cho các con, các em thế hệ mới. NGC: Khi từ Việt Nam về lại Mỹ, định cư tại Houston, Phượng Mai đã làm được điều gì để thực hiện ướcmơ vừa nói? PM: Bên Houston được 3 năm vì một số việc riêng. Bây giờ trở lại đây, lúc này là lúc tôi muốn làm việc, vực dậy ngành cổ nhạc, Hồ Quảng để dạy về nghệ thuật. Chuyên đào tạo những mầm non từ 7 tuổi để các em sẽ học về nghệ thuật, vũ đạo và trình diễn. NGC: Tuy nhiên, đối với bộ môn Hồ Quảng, do có quá nhiều điển tích cũng như lời ca cổ, Phượng Mai có nghĩ rằng các em sẽ gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu không, nhất là các em bên Mỹ, văn hóa Việt là cả một vấn đề khó khăn? PM: Ngày xưa, khi tôi 7 tuổi, lần đầu được nghe những lời ca Hồ Quảng được chuyển thể ra, kể ra cũng khó hiểu cho các em. Nhưng tôi sẽ sửa lại đôi chút cho hợp với thời đại mới và dẫn giải thật kỹ, thật rõ để các em hiểu dễ hơn. Còn vấn đề nhạc, trống kèn thì vẫn giữ y như vậy. NGC: Ngoài ngôn từ, cái chính trong Hồ Quảng là vũ đạo, chị sẽ truyền đạt những thế múa ra sao, chị có cần võ sư không? PM: Dĩ nhiên là khó khăn chứ. Tuy nhiên, tại đây, trong tương lai, khi tôi mở trường dạy Hồ Quảng, có anh Tuấn Minh, là con của ông bầu Minh Tơ hiện đang ở Rosemead sẽ về phụ, và có cà anh Trần Nhật Phong sẽ giúp tôi thêm. NGC: Để trở nên một nghệ sĩ Hồ Quảng, phải mất bao lâu? PM: Cũng tùy theo người. Tùy theo năng khiếu, nhưng mất ít nhất cũng phải 6 tháng trở lên. Có điều, về vũ đạo, thì trình diễn cũng có nhiều cách, nhiều bộ khác nhau như: bộ đào, bộ kép, đào văn, kép rặt nguyên si chứ không thể diễn như gái giả trai được. Vai nữ đóng vai Lữ Bố thì bộ dạng phải đàn ông ra đàn ông mới được. Các động tác phải dứt khoát. Vai Lữ Bố, tôi cũng không biết tại sao cứ phải là gái, người nữ phải đóng. Ít khi nào để cho đàn ông đóng. Vai này thì Việt Nam chỉ có hai người đóng xuất thần, đó là cô Bảy Phùng Há, và nghệ sĩ Bích Thuận. Từ năm 8 tuổi, tôi đã được học vai này. NGC: Phượng Mai nghĩ điểm khó khăn nhất để có một rạp chuyên cho ngành cổ nhạc hay Hồ Quảng ở hải ngoại là gì? PM: Về tài chính là đương nhiên, nhưng diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp còn quan trọng hơn. Bây giờ nghệ sĩ về Hồ Quảng ít quá, lại ngày càng mai một đi nhiều lắm. Khó lắm. Ở trong nước cũng gặp những khó khăn về mặt nhân sự như vậy, huống chi ở hải ngoại. Nói là nói vậy, làm thì cứ làm, Tổ Nghiệp sẽ phù hộ cho mình. Tôi sẽ mở lớp dạy, nhưng không để tên tôi, mà sẽ để tên hai đoàn lớn danh tiếng thời xưa là Minh Tơ và Huỳnh Long để nhớ tới những ngày vàng son trong nghề thời trước. Vì cả hai lò đó, tôi đã được đào tạo ra. NGC: Đó là ước muốn xa, lâu dài. Còn những chương trình gần nhất thì sao? PM: Gần nhất, tôi sẽ làm những buổi trình diễn trích đoạn những tuồng nổi tiếng để hâm nóng lại không khí Hồ Quảng đối với khán giả tại Hải ngoại. NGC: Nếu có phương tiện truyền thông (TV, Truyền hình), Phượng Mai nghĩ có đủ người để thực hiện ngành Hồ Quảng không? PM: Phải coi lại nhân sự, chuẩn bị đào tạo…nói chung phải có thời gian. Tuồng tích thì vẫn còn, nhưng nhân sự phải tập dợt. Ngày 10 tháng 4 sắp tới, tại sân khấu của Nhật Báo Người Việt, tôi sẽ diễn cho báo chí, truyền thông và khán giả tới để xem một vài trích đoạn về Hồ Quảng. Đây là chương trình vào xem miễn phí. Sau khi xem xong, hy vọng báo chí sẽ có thể đặt những câu hỏi về các động tác để tôi có cơ hội giải thích tận tường cho mọi người nghe, qua đó hiểu hơn về Hồ Quảng. Nhân đây cũng nên nói về nghệ thuật vuốt lông mà ở Việt Nam, nghệ sĩ Bửu Truyện là người có biệt tài trình diễn, vuốt tới hơn 80 kiểu vuốt lông trĩ trên đầu. Trên đầu mũ của nghệ sĩ trình diễn, có khi gắn 6 cặp lông chim trĩ, tức là 12 cái lông chim, người nghệ sĩ phải biết vuốt sao cho đẹp, cho khác lạ…đó là một nghệ thuật. Vuốt thế nào cho oai trong vai Soái, trừng mắt khi muốn hạ đao, hay lúc giận thì phải làm sao, đều phải biểu hiện qua cách vuốt lông. Khó lắm! Nói chung, Hồ Quảng có nhiều điều để nói về Hồ Quảng lắm, một cuộc phỏng vấn sao cho đủ? NGC: Nếu nói như vậy, Phượng Mai là một trong những người có tâm huyết cuối cùng của một thế hệ đam mê và cống hiến cuộc đời cho bộ môn Hồ Quảng. Hy vọng Tổ nghề sẽ giúp chị tạo dựng lại phong trào, để duy trì bộ môn Hồ Quảng, tuy có xuất xứ từ Tàu, nhưng sau này là một bộ môn nghệ thuật được khán giả Việt yêu thích và lại được nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam đóng góp tài năng công sức để trở nên gần gũi với khán giả. Cầu mong chị giữ sức khỏe và mong gặp lại chị trong dịp chị trình diễn sắp tới tại sân khấu Người Việt. PM: Ước mong cho tổ Nghiệp giúp cho tôi mở được trường dạy nghệ thuật Hồ Quảng để truyền đạt cho thế hệ sau, có thế, khi nhắm mắt tôi mới yên lòng.
|