Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

“Vân đường phủ” của học giả Vương Hồng Sển hoang tàn
Phượng Các
#1 Posted : Sunday, September 18, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)

Sài Gòn: “Vân đường phủ” của học giả Vương Hồng Sển hoang tàn
Sunday, September 18, 2005

SÀI GÒN 18-09 - Trước khi qua đời vào năm 1996, học giả Vương Hồng Sển đã có di chúc hiến toàn bộ gia sản của ông cho nhà nước Việt Nam để giữ gìn cho mai hậu. Học giả Vương Hồng Sển là tác giả của nhiều sách chuyên khảo có giá trị về mặt lịch sử, địa lý, văn hóa, khảo cổ, văn chương, ngôn ngữ, phong tục tập quán Nam bộ, và Sài Gòn xưa... Gia sản của ông gồm một căn nhà cổ và hàng ngàn cổ vật, tranh ảnh, gốm sứ... trị giá hàng trăm ngàn đô la. Vậy hiện nay gia sản được nhà cầm quyền VN “bảo quản” như thế nào?

“Nhà cụ Vương Hồng Sển... sắp sập!” Một bài viết trên tờ SGGP cho hay như vậy!

Theo tờ báo này, đã nhiều năm trôi qua với rất nhiều dự định, chỉ định, quyết định... từ phía các cơ quan hữu trách, cho đến nay, “vuông nhà cổ tích” 150 tuổi từng được học giả và nhà sưu tập cổ vật nổi tiếng của đất Sài Gòn-Gia Ðịnh, Vương Hồng Sển (1902-1996), yêu quý gọi là Vân Ðường Phủ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” nguy cơ sụp đổ hoàn toàn có thể xảy ra...


Cụ Vương trước khi qua đời ở tuổi 94 đã di chúc hiến cho nhà nước gần như toàn bộ gia sản bao gồm ngôi nhà, sách vở cùng tất cả cổ vật quý giá mà cụ đã cất công sưu tập cả đời với mong mỏi nhà nước sẽ tiếp quản và thành lập một bảo tàng mang tên mình.

Thế nhưng, ý nguyện của học giả đã không thành.

Cho đến nay, cả ba ước nguyện của người đã khuất đều không thành: Thứ nhất, nhà bảo tàng vẫn còn trong “dự kiến”; thứ hai, số sách quý gồm Quốc văn, Pháp văn, Hán văn... mà sinh thời cụ Vương rất mực nâng niu, tự tay đánh số thứ tự từng cuốn, có chữ ký và ghi chú khi mua hoặc khi đọc, được sắp xếp trong khoảng 10 cái tủ, bị phân tán (được biết một phần đưa về Thư viện Khoa học tổng hợp, một phần đưa về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Sài Gòn và phần còn lại vẫn còn nằm trong các kệ sách bụi mù tại nhà cụ); thứ ba là số cổ vật trên 800 món, bao gồm gốm Tống, sứ quý ngự dụng, độc bình, chén đĩa ấm tách bằng ngà ngọc... được chế tác từ Việt Nam và Trung Quốc, chưa kể đến các loại giường tủ bàn ghế, hoành phi, câu đối gắn với kiến trúc nhà và cách bài trí nội thất mà cụ Vương - có lẽ cũng không lường hết được số phận long đong của chúng - đã căn dặn trong di chúc: “Không được di dời hoặc lấy đi cho mượn trưng bày nơi khác, nếu không chúng chỉ là cái xác mục mất hồn... phải giữ gìn kỹ lưỡng và giữ y chỗ cũ, cho thấy mọi thứ tôi đã nhiều công chọn lựa và mua chác có gốc gác đàng hoàng...”, nay đã di dời về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn từ tháng 7-1997.


* Thăng trầm Vân Ðường Phủ...

Tọa lạc tại số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh, ngôi nhà được làm đa phần bằng gỗ quý, lâu năm lên nước đen bóng, mái lợp ngói âm dương, đầu hồi, rường cột chạm trổ tinh xảo, xung quanh có khuôn viên rộng trồng nhiều cây kiểng giờ đã hóa cổ thụ, thâm u xõa bóng che mát cả khu vực quanh xóm. Không lâu trước đó, nơi đây, một nhân vật tài tử lịch lãm phương Nam mà bất cứ ai quan tâm đến lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và nghệ thuật chế tác đồ cổ đều biết tới, từng ngụ cư.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước từng ghé chân qua đều không tiếc lời khen: “Quả là một minh chứng đẹp đẽ của nền kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các chi tiết mỹ thuật mang giá trị lịch sử, văn hóa, cùng những đồ cổ quý giá phong phú, ngồn ngộn... được bày biện, sắp xếp một cách tinh tế khiến không ai có thể nghĩ gia chủ có ý khoe khoang.” (James D. Holland, Tạp chí Art of Asia số tháng 4-1973). Thế nhưng, ngày nay, có dịp đi ngang qua, có lẽ ít ai hình dung nổi đây là “vuông nhà cổ tích” của cụ Vương xưa.

Sát cổng chính của Vân Ðường Phủ, từ lâu người ta đã đập tường để xây một cái cổng mới với cửa sắt và đá ốp, mặc cho cổng chính cũ nát, xiêu vẹo, mái ngói xô lệch và trông càng thê thảm bởi những dãy ni lông giăng mắc ngang dọc, gió tung phần phật tả tơi.


Một góc Vân Ðường Phủ nay bụi bặm, hoang phế.



Bên trong, mỗi lúc trời mưa nước lại ngập lấp xấp mảnh sân đầy cỏ và các loại rác lưu cữu ẩm mục, tủ kệ bàn ghế, chai lọ, lu hũ vứt chỏng chơ, tường rào lở lói. Bên trong nhà bụi bặm phủ mờ các dãy kệ sách và bàn ghế còn lại, ngoài hàng hiên lá khô ngập lối...


Bà Hoàng Kim Ngân, ở 8/11 Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh, và nhiều người hàng xóm của cụ Vương cho biết: “Cụ Vương chỉ có một con trai duy nhất với bà Nguyễn Kim Chung (tức bà Năm Sa Ðéc) là ông Vương Hồng Bảo nhưng ông Bảo cùng vợ sau là bà Phạm Thị Hồng đã dựa vào uy tín và tài sản của cụ Vương để ăn chơi và gây nợ rất lớn, chủ nợ của ông có tới hơn 40 người với tổng số tiền mắc nợ trên 5 tỷ đồng, hơn 1,000 chỉ vàng 24K và gần 10,000 đô la (thời điểm 1998).

Trong phiên tòa phúc thẩm năm 1999, Tòa án Nhân dân tối cao tại Sài Gòn tuyên án chung thân đối với Phạm Thị Hồng và quyết định đình án đối với ông Vương Hồng Bảo do xuất huyết tiêu hóa đã chết trong tù. Và án văn lúc đó - chiếu theo nguyện vọng của bà Nguyễn Kim Chung (mất năm 1987) - dự tính phát mãi ngôi nhà của cụ Vương để giải nợ nhưng trưởng tộc họ Vương và nhiều người thân trong tộc đã làm đơn kháng cáo, đồng thời gửi tường trình về nguồn gốc tài sản và người có chủ quyền thực sự với vuông nhà cổ là cụ Vương Hồng Sển. Kháng cáo được chấp thuận, Vân Ðường Phủ đã đứng vững sau vụ án.

Thế nhưng, vì chưa giải quyết dứt nợ nên hậu quả là cho đến nay số người sống chen chúc trong “vuông nhà cổ tích” ấy lên đến... 15 nhân khẩu, trong đó chỉ 3 người có hộ khẩu thường trú là cháu nội của cụ Vương, con ông Vương Hồng Bảo, được nhà nước cấp dưỡng cho đến năm 18 tuổi, (người lớn nhất nay đã trên 20, và nhỏ nhất cũng đã 17-18 tuổi), và đến 12 khẩu tạm trú (8 người có hộ khẩu tại Sài Gòn và 4 người hộ khẩu các tỉnh) bao gồm hộ của chị Vương Thị Việt Hoa - cháu ruột cụ Vương; hộ của bà Liên (tức Võ Thị Bê) - vợ trước và là mẹ của 3 người con ông Vương Hồng Bảo; còn lại là các hộ... chủ nợ!”


Vẫn theo báo SGGP, ngày 5-8-2003, ủy ban thành phố Sài Gòn ra quyết định ghi rõ: “Xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển. Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ...”

Thế nhưng, mọi chuyện sau đấy vẫn cứ... y nguyên cho đến tháng 6 năm 2004,nhà cầm quyền thành phố lại ra lệnh “giải quyết chỗ ở cho các cháu nội của cụ Vương để thu hồi căn nhà trước ngày 25/6/2004.”

Trong khi đó Bảo tàng Lịch sử dự kiến “khánh thành Nhà Bảo tàng Vương Hồng Sển vào ngày 30-4-2005”. Vậy mà đến tháng 9 năm 2005, mọi việc xem ra vẫn chưa mảy may “rục rịch”. “Vuông nhà cổ tích” lại im ắng phơi mình trong sự hờ hững, lãng quên...

Ðại diện gia đình và họ tộc cụ Vương, chị Vương Thị Việt Hoa, cho biết: “Gia đình tôi đã sống phía sau khuôn viên Vân Ðường Phủ từ năm 1972, phần đất này là do bác tôi (tức cụ Vương) cho để cất nhà. Theo tôi biết thì bác Vương chỉ hiến nhà, sách vở và cổ vật chứ không hiến đất. Tôi cũng rất bức xúc vì tình trạng ngày càng xuống cấp của ngôi nhà và tâm nguyện của bác tôi không biết bao giờ mới đạt được.

Hiện nay, mối mọt đang hoành hành ngôi nhà rất dữ, nguy cơ sụp đổ là có thật nếu cứ kéo dài. Thỉnh thoảng cũng có nhân viên đội trừ mối đến phun thuốc nhưng xem ra chẳng mấy ăn thua. Còn tình trạng bê bối xung quanh là do một số người - thật ra cũng có dây mơ rễ má bên phía mẹ và ngoại của các cháu tôi (tức 3 người con ông Vương Hồng Bảo) - dắt dây nhau đến ở. Vài năm trước Vân Ðường Phủ thỉnh thoảng vẫn còn có khách đến thăm nhưng thời gian gần đây thì không còn nữa...”

nguoiviet
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.