Đi Thiện Nguyện Tại Đài Loan Nghe Đồng Bào Kể Chuyện
Đông Xuyến
Nghe nói nhiều về những câu chuyện của các cô dâu Việt Nam tại Đài Loan và các công nhân Việt Nam làm việc nơi đây, tôi đã không nghĩ rằng có ngày rất gần mình sẽ gặp gỡ các bạn này. Cuộc sống bận rộn, vừa đi làm, vừa gia đình, vừa đi học lại, vừa làm các công việc thiện nguyện đang diễn ra, và nhất là việc tiêu tiền vừa dùng vừa cho của tôi, là những trở ngại lớn nhất để tôi có điều kiện làm thêm một công việc thiện nguyện ở Đài Loan. Nếu không có sự hỗ trợ và khuyến khích của bạn bè, gia đình, và những người thân của tôi, tháng 8 mùa hè của tôi cũng chỉ là những ngày đi làm và về với gia đình cùng liên tục với những công việc thiện nguyện khác. Tháng 8 năm này, tôi đã có một kinh nghiệm hoàn toàn khác.
Ngày đầu tiên đến phi trường Đài Loan, với khí hậu rất giống như ở Việt Nam, nóng, nắng, ẩm, và ít gió, tôi đã được linh mục Nguyễn Văn Hùng cho nếm ngay kinh nghiệm giúp những công nhân Việt Nam bị lợi dụng. Tôi gặp chị M. khi chị đang bị công ty môi giới kiếm việc đưa ra phi trường và bảo chị về Việt Nam sau khi người chủ mà chị giúp việc đã qua đời. Chị M. đến từ một làng thôn nghèo tại Việt Nam. Chị gom góp và vay mượn mãi mới đủ mấy chục triệu đồng Việt Nam, tức mấy ngàn đô la Mỹ để trả cho công ty môi giới Việt Nam để sắp xếp cho chị có việc làm ở Đài Loan qua công ty môi giới Đài Loan. Hợp đồng ký của chị là hai năm, sau sáu tháng làm việc, công ty môi giới Đài Loan không kiếm chủ khác cho chị mà bắt chị về lại Việt Nam khi hợp đồng và hộ chiếu làm việc của chị chưa hết hạn. Hỏi thăm các nạn nhân, mới biết được rằng, công ty môi giới thường không giữ đúng qui ước thời hạn trong hợp đồng, vì nếu làm lâu thì tiền lương phải tăng lên, nhất là vào năm thứ hai. Những người môi giới Đài Loan thường ăn một nửa phần lương mà công nhân làm hàng tháng. Họ còn muốn đưa lớp người này về lại Việt Nam, để có lớp người khác chịu đóng tiền vài ngàn mỗi đầu người cho các thủ tục kiếm việc. Ước mơ của chị M. là hy sinh xa gia đình hai năm để có đủ tiền nuôi chồng đang bị bệnh và cho con đi học. Với sáu tháng lương vừa làm xong, công ty môi giới đã lấy hết nửa số tiền chị làm, chị vẫn chưa đủ tiền trả nợ. Trước khi gặp chúng tôi, vì không biết những việc làm trái luật lao động của công ty môi giới, chị đã bị ép ký hết hợp đồng và đưa ra phi trường. Công ty môi giới giữ hết tất cả giấy tờ hộ thân của chị, thậm chí tiền của chị. Như bao công nhân khác, chi. M. bị bóc lột xong rồi đưa về như là một món hàng sỡ hữu của công ty môi giới người Đài Loan. Khi gặp cha Hùng và tôi, cha Hùng đã giải thích về quyền công nhân của chị, và chúng tôi giúp chị can đảm hơn để thoát ra khỏi sở hữu của những người Đài Loan như là một nô lệ. Chúng tôi đã phải giằng co với công ty môi giới và cảnh sát tại phi trường để giúp chị thoát thân sau hơn hai tiếng đồng hồ.
Câu chuyện của chi M. là một câu chuyện rất thường xảy ra và cũng tương đối còn nhẹ nhàng so với kinh nghiệm của các công nhân khác đang tạm trú tại trung tâmmà tôi gọi là “Tình Thương” của cha Nguyễn Văn Hùng. Những ngày qua, tôi đã có dịp nghe những tâm sự của những người đàn bà trẻ, những người mẹ, đã phải đứt ruột lìa con tha phương cầu thực để con không phải thất học như mình và để thực hiện ước mơ xây một căn nhà trú thân tại vùng quê hẻo lánh nghèo nàn. Những người mẹ này đã từng bị đánh đập, hãm hiếp một cách dã man, mà đã có lúc họ không còn thể nói cho chính mình, mà chỉ run khóc trong kinh hãi và khiếp sợ. Bây giờ họ ngồi đây với tôi mà lòng khắc khoải hướng về gia đình, nước mắt chảy dài, khi nghe con nói qua điện thoại rằng: “Mẹ ơi, mẹ về nấu cơm cho con ăn, bố ngủ quên nấu cơm cho chúng con ăn, chúng con đói lắm mẹ ơi!”. Những dã man và tàn ác mà các chị em trải qua đã có lúc khiến tôi có cảm giác “gớm” với những người đàn ông Đài Loan mà tôi gặp ngoài đường, dù biết rằng đây chỉ là thành kiến của riêng mình. Các chị em này đã từng nôn mửa và ngất xỉu khi lần đầu tiên kể lại kinh nghiệm bị hãm hiếp và đánh đập của mình bởi một công ty môi giới người Đài Loan. Có người đã bị bán cho những công ty môi giới khác và bị bắt làm gái nhưng họ nhất định không chịu.
Câu chuyện của các chị em này cũng là câu chuyện của những người bạn trẻ độc thân khác, tìm đường kiếm sống tại Đài Loan để giúp cha mẹ nghèo và em út được đi học. Các bạn đa số đến từ những nông thôn xa xôi, nơi mà gạo không có để ăn, mà họ phải thường xuyên húp cháo với rau lang. Các em này thường là con cả trong gia đình. Các em ra đi đến Đài Loan với ước mơ cứu giúp gia đình và đã luôn phải chịu đựng cảnh làm việc có khi lên đến 20 tiếng trong một ngày, còn đói thì dài hạn, rồi kiệt lực, suy thoái tinh thần vì thiếu nghỉ ngơi và ăn uống. Tệ hơn nữa là tiền bạc của các em thường bị công ty môi giới giữ rồi cướp mất. Có bạn làm suốt một năm dài mà chưa cầm được một đồng lương, có khi là mất luôn. Thương hơn hết là nhiều bạn bị tai nạn nghề nghiệp trong công xưởng, hư mắt, cụt chân, cụt tay, và chưa có được sự bồi thường thích đáng từ chủ nhân. Có bạn vì quá khổ đã bỏ trốn phải nhảy ra khỏi căn lầu từng ba, từng bốn, mà các bạn bị nhốt trong nhiều năm tháng như là những nô lệ. Các bạn này đã gãy lưng, gãy chân, và vẫn không có một đồng dính túi. Có bạn phải chạy trốn khỏi áp bức khổ nhục sau nhiều năm tháng dài rồi sống trong rừng và bứt cỏ mà ăn.
Tôi còn gặp em L., 25 tuổi, một trong các cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, em đang có bầu đứa con thứ hai gần bảy tháng, nói tiếng nam rất dễ thương cùng khuôn mặt thật xinh xắn hiền lành. Em đã bị chị chồng bắt đứa con đầu lòng của mình đi vì người chị này không có con và người chồng Đài Loan của em đã nghe lời gia đình ruồng bỏ em. L. đã nấu chè chuối cho mọi người trong nhà “Tình Thương” ăn và tôi sẽ không bao giờ quên câu chuyện đau thương của em.
Viết đến đây, nước mắt tôi chảy dài và thương cho những người chị, người em Việt Nam của tôi đã phải trải qua những nhục nhằn và đớn đau như thế. Tôi nghĩ tới gia đình túng quẩn nghèo nàn, nhọc nhằn của chồng con họ, của cha mẹ họ, của anh em họ ở Việt Nam trên khắp các vùng nông thôn của đất nước. Ôi lầm than cho đất nước tôi và đồng bào tôi!
Đối với tôi, những người bạn này là những anh hùng và anh thư khi họ đã phải trả giá để lên tiếng cho sự bất công và tàn ác của các công ty môi giới Đài Loan và Việt Nam với sự hợp tác bằng thái độ tiếp tay hay thờ ơ của cả hai bên chính phủ. Họ qua Đài Loan để kiếm sống, thế mà giờ phải kiên nhẫn chờ đợi trong sự khốn nghèo của mình và gia đình để công lý lên tiếng cho những nhục nhằn của họ. Họ đã biến sự chà đạp nhân phẩm và thương đau của mình thành tiếng nói công lý và luôn ý thức sự trả giá của mình. Có một phụ nữ trẻ, tên N. có chồng con ở Việt Nam nói với tôi rằng: “ Em đã từ chối số tiền rất lớn mà công ty môi giới thương lượng với em để ém nhẹm chuyện cha con họ đã nhốt tù, hãm hiếp dã man và tàn nhẫn với em và nhiều người phụ nữ khác. Tiền bạc dù bao nhiêu cũng không có giá trị với em mà nhân phẩm của em và công lý. Em tưởng rằng em đã có thể chết khi em lao đầu vào những xe hơi trước mặt lúc nhục quá không còn biết gì.”
Đối với em N. và nhiều công nhân khác đang tá túc tại trung tâm “Tình Thương” của Cha Nguyễn Văn Hùng, tôi rất ngưỡng mộ và mang ơn họ. Ngưỡng mộ vì họ dù có đói khổ những không nghèo về ý thức công lý cho chính mình và người khác. Tôi ngưỡng mộ và mang ơn họ vì họ đang bảo vệ cho chính mình và những người đến sau họ, đồng bào của tất cả chúng ta.
Hiện nay, có bạn đang chờ ra tòa đề lên tiếng về sự bất công. Theo luật, các bạn này không được đi làm, nên các bạn thật khắc khoải và mỏi mòn. Trong lòng các bạn ấy là hình ảnh chồng hay vợ bị thất vọng, buồn nản, sự cô đơn lạc lỏng của con cái, và nghèo đói của gia đình đang ở tại Việt Nam. Các bạn muốn đi làm và kiếm tiền bằng sức lao động của chính mình để nuôi gia đình. Các bạn có lúc đã cảm thấy vô cùng bất lực vì mang trọng trách nuôi sống gia đình của mình nhưng chưa có cơ hội tử tế để đi làm. Ước mơ của tôi là giúp xoa dịu đau thương của con họ một phần nào. Tôi muốn nói với các cháu rằng: “Cháu ơi, mẹ cháu luôn nghĩ đến cháu và yêu cháu nhiều lắm, mẹ cháu đang cố kiếm sống để lo cho cháu và gia đình. Mẹ cháu nghĩ tới cháu từng giờ, từng đêm,à..”
Bạn đọc thân mến, tất cả chúng ta đều cần sự cầu nguyện cho nhau, nhất là cho những đồng bào Việt Nam ruột thịt đang lầm than trên muôn vạn nẻo đường của đất nước và ở khắp nơi trên thế giới. Những đồng bào này cần sự dấn thân, hy sinh, và can đảm của mỗi chúng ta để làm bất cứ điều gì có thể làm được. Công việc có thể là từ việc đùm bọc họ, hỗ trợ họ, cho đến giúp họ bảo tồn giá trị nhân phẩm làm người của chính họ ở nhiều cách khác nhau. Tôi và bạn dường như đang được sự kêu gọi nào đó vì chúng ta đã có duyên may chia sẻ những tin tức này với nhau.
Sắp tới hội chuyên gia Việt Nam sẽ có một buổi gây qũi vào ngày 8 tháng 10 để quyên góp tài chánh hỗ trợ văn phòng trợ gíup công nhân và cô dâu Việt Nam tại Đài Loan của Linh Mục Nguyễn Văn Hùng. Linh Mục sẽ có mặt trong buổi gây qũi này. Nếu quí vị và các bạn có thể tìm hiểu thêm về buổi gây qũi hoặc muốn đóng góp theo bất cứ điều gì có thể làm được, xin lên trang nhà của hội chuyên gia:
www.vps.org/namcali/gala2005 hoặc liên lạc số điện thoại 714-623-1158.
Ngoài buổi gây qũi này, mong quí vị và các bạn sẽ hỗ trợ tất cả các nổ lực của đồng hương Việt Nam mọi nơi cho công việc thiện nguyện này từ các tổ chức hay hội đoàn khác nhau. Đây là công việc cần sự hỗ trợ lâu dài. Văn phòng Linh Mục Nguyễn Văn Hùng là tổ chức bất vụ lợi và phi chính phủ nên hiện nay không nhận sự hỗ trợ tài chánh nào của chính phủ sở tại. Dịch vụ của Linh Mục Nguyễn Văn Hùng vừa cưu mang các nạn nhân lo chỗ ăn ở trong nhiều ngày tháng, vừa lo về tranh đấu pháp lý bồi thường cho nạn nhân, hay ít nhất là trả lại tiền lương mà các nạn nhân đã đổ mồ hôi nước mắt có khí cả máu và thân thể để làm ra. Dịch vụ còn gíup hỗ trợ tâm lý, tinh thần, tâm linh, và gíup hàn gắn vết thương và gía trị làm người cho các nạn nhân là người Việt Nam như chúng ta.
Cảm ơn sự quan tâm và chia sẻ của quí vị và các bạn.
vietbao