Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages12>
Tập truyện ''Đàn Chim Việt''
Việt Dương Nhân
#1 Posted : Monday, January 17, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Tập truyện
Đàn Chim Việt
Việt Dương Nhân


Kính dâng tam tộc: Nguyễn - Phạm - Phạm

Và ba làng : Bình Chánh - Tân Nhựt - Phước Lý

Tạ ơn những bạn bè thân hữu đã giúp đỡ và khuyến khích.

Cảm ơn những Tập san, Nguyệt san, Tam nguyệt san và Tuần báo đã phổ biến văn_thơ của Việt Dương Nhân

Mãi ghi ơn Robert C.

Thương tặng hai con yêu quý : Trí Tâm Philippe HIVER và Thiên Kim Agnès HIVER

Xb Nguyên Việt Paris 2004

''Các nhân vật cũng như tình huống cốt truyện đều là "hư cấu".
Nếu có sự trùng hợp do sự ngẫu nhiên ngoài ý muốn, tác giả hoàn toàn không chịu trách nhiệm''

Mục lục

Lời giới thiệu - Giáo Sư Vũ Ký

*

Ơn Đền, Oán Xả
Vầng Trăng Của Mẹ
Ai Khổ Hơn Ai
Khối Tình Đơn
Đàn Chim Việt
Âm Thầm
Vẫn Chưa Muộn Màng
Tình Thắm Đêm Xuân
Quán Chú Mùi
Tâm Như Đất
Niềm Tin
Nhờ Tin Có Ông Trời
Lá Rơi Về Cội
Nguyệt Hạ
Mây Vẫn Còn Bay
Thay Lời Bạt
Nguyễn Thị Vinh
Thư Gửi Thiên Kim

* * *

Lời Giới Thiệu về Nhà văn Việt Dương Nhân

Giáo Sư Vũ Ký



Tôi được đọc tập truyện Gió Xoay Chiều của nhà văn Việt Dương Nhân trên bản thảo đã lâu, chưa kịp viết lời giới thiệu theo sự đề nghị của Cô thì nay nữ sĩ đã viết tiếp cuốn truyện dài Mai Ly và tập truyện ngắn Đàn Chim Việt.
Cảm nhận đầu tiên của người đọc qua các tác phẩm trên của Việt Dương Nhân là sự say mê và hấp dẫn trước một cây bút đa diện và đa dạng do cấu trúc nội dung thực sôi động các câu chuyện và do tưởng tượng phong phú của tác giả. Tôi bỗng nhớ đến lời một nhà phê bình văn học Tây Phương :’’Cảm tưởng đầu tiên của người đọc trước một sáng tác thường chính xác và đúng đắn hơn hết, khi cảm tưởng ấy là một nhận xét tốt đẹp về tác phẩm’’.
Có những nhà văn mà tâm thức sáng tạo khó khăn khởi nguồn trên đầu cán bút, có những nhà văn không mất công mà thực tế cuộc sống trên dòng mực lại tuôn trào dễ dàng dưới ngòi bút. Ở trường hợp trên, nhà văn phải sáng tạo sự sống cho các nhân vật. Ở trường hợp dưới, sự sống của nhà văn chính là thực tại không mài dũa, không chế biến các nhân vật trong tác phẩm của mình. Chính vì thế mà lời rào trước đón sau của nữ sĩ ở trang đầu : "Các nhân vật cũng như cốt truyện đều là hư cấu, nếu có sự trùng hợp nào là do ngẫu nhiên ngoài ý muốn của tác giả...". Tôi nghĩ lời nói này của VDN là không thực ! Có sự sáng tạo nào mà không là của thực tại, nhất là ở trường hợp nhà văn Việt Dương Nhân. Sự sáng tạo và cảm nghĩ của văn-thi-nhân bao giờ cũng chảy ra thanh thoát theo dòng đời dàn trải của chính con người văn nhân nghệ sĩ là tác giả.
Các truyện trong Gió Xoay Chiều, rồi Đàn Chim Việt, rồi đến truyện dài Mai Ly, tôi nghĩ rằng VDN không sáng tạo mà chính là sự sống của chính tác giả hay của những phần tâm cảm, ý thức, thể chất nào của người viết hòa nhập mật thiết với bao nhiêu nhân vật ở ngoài đời, bây giờ trải rộng ra trong những tác phẩm của Việt Dương Nhân.
Đó là hiện tượng thấu nhập, tương tác vô hình mà nhà văn cảm thức bằng trực giác sáng tạo để rồi thể hiện trong công trình trí tuệ của mình.
Tôi không mất công tường thuật - dù tóm tắt - nội dụng các truyện ngắn, truyện dài của VDN trong Gió Xoay Chiều, Đàn Chim Về và Mai Ly cũng như không dẫn chứng những tình tiết, cảnh ngộ, éo le, khúc mắc "những trường hợp lương tâm ", những khó xử của con tim rối nhùi mà nữ sĩ với tính nghệ thuật đặc biệt của mình đã dựng lên rất khéo trong tác phẩm. Tôi nhường cái bất ngờ thú vị ấy dẫn người đọc lạc bước đến những đoạn cuối đường đầy hấp dẫn trong cuộc đời các nhân vật của VDN.
Mỗi câu chuyện là một hay nhiều dòng đời, một hay nhiều cá tính, tâm lý, một hay nhiều môi trường, một hay nhiều hoàn cảnh của một hay nhiều con người mà hấp lực về tình cảm tròng tréo nhau có khi khắng khít khó vượt thoát, mà sự hoang tưởng về chiếm đoạt tình ái gây nên bao sự mất quân bình lý trí, mà nếp sống kim tiền xô bồ của xã hội biến đổi họ thành nạn nhân khốc liệt của gian manh xảo trá, của bụi đời lăn lóc..., mà tội ác và đạo lý gây nên một chiến trường tâm lý...
Chính vì thế mà khi bất chợt đọc đoạn đầu câu truyện của VDN là ta khó kiềm chế mà phải đọc gấp đến dòng cuối để biết thái độ xử sự, ứng phó của nhân vật ra sao ở đoạn kết. Phải chăng đó là sự mê hoặc của tiểu thuyết, truyện ngắn nói chung và đó cũng là chân tài của VDN ở đây nói riêng vậy.
Khi nói về một tác phẩm nổi danh của một văn hữu mình, văn hào Pháp André Gide hạ bút viết, thông thường và đơn giản : "Thần trí, tâm tư của tôi khác trước nhiều lắm, khác hơn hồi chưa đọc truyện ấy, khác vì tràn ngập thích thú, khoái trá và mộng mơ. Và đó là một câu truyện hay."(A. Gide).
Một số truyện của VDN với cấu trúc nội dung là lạ đã đạt được cái tác dụng thú vị ấy đối với người đọc. Và cái thú vị ấy ở đây cũng có khi làm người đọc mệt trí rất nhiều vì đọc giả phải nhớ lại bao hành động phức tạp rối nhùi của từng nhân vật như trong các truyện : Gió Xoay Chiều, Lá Rơi Về Cội, Nguyệt Hạ, Âm Thầm, Vẫn Chưa Muộn Màng...

Cái đa dạng và đa diện của nhà văn VDN mà tôi đã nói ở trên đạt đến một sự thăng hoa mâu thuẫn trong nghệ thuật : Người là nhà văn của đồng quê, một Tiền, Hậu Giang nào thấp thoáng con suối nhỏ, có rạch dừa mát rượi, điểm chút cánh bướm tình yêu nam nữ thẹn thùng dễ mến, mà cũng là của thành đô náo nhiệt, sôi động trong một cuộc sống xô bồ, từ quê hương Sàigòn mỹ miều, tội nghiệp đến Ba-Lê ánh sáng, hào hoa đọa lạc tội lỗi - Có Lê Xuyên, Hồ Biểu Chánh, Bà Tùng Long mà cũng có... Tôi xin cường điệu một chút : (Simon De Beauvoir, Françoise Sagan) trong văn chương của Việt Dương Nhân đó... Nữ sĩ cũng nhà văn của nghèo nàn, bụi đời, hạ lưu, của kẻ vô thần, ẩu bướng mà cũng là của kẻ phong lưu, tao nhã, trưởng giả "học làm sang". Và thỉnh thoảng VDN thích thuyết pháp về lẽ Đạo nhiệm mầu khi có cơ hội... Vì thế, dưới cái xô bồ hỗn tạp, cái thời thượng rởm của nền văn minh vật chất, ẩn dấu kín đáo đôn hậu cái tâm Phật, cái hướng thượng đạo lý cố hữu trong tâm thức kín đáo của nữ sĩ. Hãy nghe VDN lý sự :
"...Mọi sự trên đời đều có nhân có quả. Hãy ráng tu tâm và giữ tâm như đất. Còn ai có tâm hồn thi-văn thì khi nào cao hứng cứ viết. Nhưng đừng có tham vọng và tự cao, tự đại quá mà hại thân, và đôi khi còn làm buồn cho tha nhân nữa. "Tất cả những ai cưu mang làm văn chương nghệ thuật đều muốn dấn thân trong việc sáng tạo. Vậy chính họ phải cởi bỏ những tị hiềm để thoát xác thì con đường trước mặt mới sáng sủa hơn(*)". Làm thơ hay viết văn là đem Chân-Thiện-Mỹ để tặng cho đời và cũng tặng cho chính mình luôn nữa đó...''(Trích tn ''Tâm Như Đất'' trong tt ''Đàn Chim Việt'')
Việt Dương Nhân nói nhiều đến cảnh sống thị thành, từ cái chợ ở miền quê sơ sài, nàng sống thuở bé thơ đến Sài thành rộn rịp - và nói với rất nhiều trìu mến nhớ thương, tím thẩm bao hoài niệm đầy vơi lưu luyến. Rõ là một con người mà tâm cảm ray rức thiếu quê hương trong hiện tại chừ đây lạc loài trên một đất nước, lạc loài qua ánh sáng thủ đô Ba-Lê hoa lệ đầy đọa lạc và cạm bẩy (a lost man in a lost country). Hoặc, đôi lần nhà văn đoái nhìn về quê hương mà rớm lệ với bao cảnh cũ người xưa, còn mẹ già đang sống như ngọn đèn cạn dầu trước gió mà mòn mỏi trông con sẽ trở về gặp lại những phút cuối đời... Nhưng trong tâm ý bao giờ nữ sĩ cũng muốn trở về nguồn để nhớ làng mạc quê mùa mà chửi thằng V.C. hết thời, đứa B đi 30 thất thế, vùng kinh tế mới khô cằn nào đó mà nàng chỉ được nghe nói lại mà thôi :
- Chút nữa, anh qua bển gọi chỉ với vợ chồng cháu Triều và cháu Đại về đây đi. Em đã nghe má kể sơ sơ về chuyện gia đình anh rồi. Tối ngày anh cứ uống rượu say sưa, rồi đánh vợ. Nên bị người ta bắt nhốt anh trong nhà thương điên mấy lần phải không ?
- Đánh đâu mà đánh. Tại chị Ba mầy, nó chửi tao là thằng Việt-Cộng hết thời. Thằng Bộ-Đội-30 thất thế hoài. Ai chịu cho nổi. Nên đôi khi tao nổi điên lên đó... Chớ... chớ... tao nào muốn đánh vợ bao giờ !
- Chị Ba nói như vậy thì có sai chỗ nào đâu ? Anh có thấy anh hết thời, thất thế không ? Sự thật phũ phàng là như vậy, thì anh cứ nhận đi, mắc gì phải đánh vợ. Anh có biết, đàn ông mà đánh đàn bà là vũ-phu không ?
- Thôi, bữa nay có mầy về là ngày vui, đừng có nhắc tới chuyện đó nữa. à, má vẫn khỏe hả Quê ? Mà sao mầy không mời má về đây chơi ?
- Cha, anh muốn chạy tội hén ! Mai mốt anh Nam và anh Bắc trở về là anh hết chối. Nói chơi với anh, chớ anh em của tụi em sống trên mấy xứ Tự-Do, Dân-Chủ. Tụi em không có bắt bẻ hay hỏi tội anh đâu. Nhưng anh cũng phải làm cái gì để lấy công chuc tội chứ ?
- Thì tao cũng theo dõi tình hình. Nếu có gì hay hay là kêu gọi dân chúng đồng đứng lên chung. Và tao hy vọng sẽ có được thật sự Dân-Chủ, Tự-Do sau này. Mầy cũng biết quá rồi. Toàn dân Việt Nam, ai mà không mong muốn và khát khao có được những thứ đó.
- Ừa, ráng đi nha. Ở hải ngoại người ta cũng ủng hộ trong này lắm đó... à, về má, thì em có hỏi. Nhưng má không chịu đội... (Trích đoạn "Đàn Chim Việt ")

Đọc toàn bộ tác phẩm của Việt Dương Nhân, tôi nghĩ rằng nữ sĩ trước hết là một kịch tác gia hay một nhà văn chuyên viết chuyện phim để đạo diễn hay một nghệ sĩ xuất sắc với các tuồng cải lương nổi tiếng của miền Nam thuở trước hơn là một nhà văn viết truyện ngắn, truyện dài. Tình tiết trong các truyện éo le, khúc mắc, tròng tréo, tay ba, tay tư, gút và giải thỏa đáng thoát ra từ những động tác rối bời của các nhân vật gây nhiều bất ngờ thú vị cho người đọc. Đó cũng chính là cái tính - mâu thuẫn trong nghệ thuật khá độc đáo ở Việt Dương Nhân đó vậy. Và tạo được cao độ say mê thích thú khi đọc các truyện ngắn, truyện dài của nữ sĩ.

Giáo Sư Vũ Ký
Bruxelles, 5/2002
(*) Lời của Hồng Khắc Kim Mai
Việt Dương Nhân
#2 Posted : Tuesday, January 18, 2005 3:40:43 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Ơn đền, Oán Xả

Kính dâng mùa Phật Đản 2547 (2003)

Thập niên 1970, Sài-Gòn sắp vào lễ Giáng-Sinh và Tết Dương-Lịch, thời tiết mát dịu, trong những thương-xá Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tự Do... mỗi tiệm người ta sửa sang trang hoàng trưng bày quần áo và tặng phẩm rất sang trọng. Về đêm, các nhà thờ và những đại lộ đèn đuốt sáng chang, rực rỡ đủ màu trông thật vui mắt...
Chiều thứ Bảy biết bao trai thanh, gái lịch, tay đan tay cùng nhau dặt dìu thả bộ tà tà ngắm cảnh rộn rịp... Trong số đó có Đặng Anh Phong và Trần Thị Thanh Vân, đôi nhân tình vào tuổi đôi mươi, sống theo thời đại mới, đang tươi cười hớn hở đèo nhau trên chiếc Vespas-Italie chạy lòng vòng trung tâm thủ-đô. Sau đó họ chạy thẳng xuống quán Nhà-Bè ăn cơm tây-cầm và gỏi tôm càng ngó sen... Hai cô cậu ngồi ăn uống, giao đầu với nhau. Phong đưa ánh mắt đa tình như soi thấu tâm hồn lãng mạn yêu đương của Vân.
Sau những lần hẹn hò... ngắn ngủi, Phong và Vân vượt qua vòng lễ-giáo. Rồi Phong từ giã Vân đi du học bên Hoa-Kỳ. Nào ngờ Vân lại mang thai. Bởi nàng ỷ y nên không hỏi địa chỉ. Nghĩ là Phong sẽ gởi thư về cho nàng sau khi đến nơi. Nhưng Vân chờ đợi mỏi mòn ngày tháng trôi qua mà vẫn bặt tin của Phong... Khi cái bụng càng ngày càng to, Vân bị gia đình ruồng bỏ, nàng đành xách gói đến nương nhờ nhà Tuyết, đứa bạn gái trang lứa cũng đang có bầu, lấy chồng người Pháp đứng tuổi, tên Michel. Ông có nhà hàng ‘’Thái Dương’’ (Le Soleil) ở Thủ-Đức.
Bốn tháng sau, Vân sanh đứa con trai kháu khỉnh đặt tên Anh Toàn. Vài tháng sau, Tuyết sanh đứa con gái đặt tên Chantal...

Đầu tháng Tư năm 1975, tình hình chiến cuộc đang sôi nổi, các tỉnh miền Trung liên tiếp thất thủ. Tuyết cùng chồng và con hồi hương về Pháp. Họ giao quyền cho Vân trông coi nhà hàng. Bé Anh Toàn được hơn một tuổi. Rồi Sài-Gòn bị cưỡng chiếm, những ngày sau 30 tháng Tư, một cuộc đổi đời khắc nghiệt do Cộng Sản Bắc Việt độc trị... Vân dẫn con tìm đường vượt biển (...). Hai mẹ con Vân được sang Pháp tị-nạn. Sau vài tuần ở trong trại tạm cư để khám sức khỏe. Vợ chồng Tuyết và Michel vào bảo lãnh Vân và bé Toàn về cư ngụ chung tại số 43 đường Lecourbe quận 15 Paris.

Năm sau, vào dịp học trò được nghĩ hai tuần lễ mùa đông. Vợ chồng Tuyết dắt con đi trượt tuyết. Michel bất cẩn bị lạc tay lái, xẩy ra tai nạn. Tuyết chết liền tại chỗ, Michel bị thương nhẹ, còn bé Chantal bị gãy chân mặt.
Lúc bấy giờ, Vân cảm thấy ngại ngùng ở lại, sợ ‘’lửa gần rơm’’ có ngày sẽ phực cháy bất tử... Vì người bạn thân đã khuất bóng. Bởi nàng có quan niệm sống là, không thể lấy chồng bạn, hoặc bạn chồng. Nên nàng xin phép Michel ra ở riêng. Trong hoàn cảnh gà trống nuôi con của Michel. Hơn nữa, ông đang làm quản lý cho nhà hàng ‘’Hoa Tím’’ (Fleur Violette) rất sang trọng tại trung tâm Paris. Ông năn nỉ Vân :
- Cô Vân à ! Cô và bé Toàn cứ ở lại đây đi. Tôi rất cần cô để trông nôm nhà cửa và săn sóc bé Chantal. Tôi sẽ khai báo và trả lương bổng đàng hoàng cho cô.
Vân gật đầu và nghĩ :‘’Mình mang ơn Tuyết và Michel lớn rng như trời biển. Nay vì áy ngại mà mình bỏ cha con ông ấy đi, thì mình thật là kẻ vô ơn bạc nghĩa...Chắc Michel không phải là loại người sàm bậy...’’.
Nàng ngẩng mặt nhìn Michel :
- Vâng ! Tôi sẽ ở lại đây để tỏ lòng biết ơn của ông và Tuyết đã cưu mang hai mẹ con tôi bao nhiêu năm nay.
Ánh mắt Michel sáng lên :
- Tôi thành thật cảm ơn cô nhiều.

*
Năm tháng trôi nhanh, đã hơn hai năm mẹ con Vân sống êm đềm trong căn nhà tiện nghi và rộng rải. Rồi hè tới, học sinh nghĩ học, Michel đề nghị với Vân cho hai đứa nhỏ đi nghĩ mát do nhà trường tổ chức. Vân bằng lòng, rồi nàng lo đi đặt người ta thêu tên của hai đứa nhỏ để may vào những quần áo, khăn khiếu. Hai đứa nhỏ đã đi, nhà vắng. Bỗng một đêm, Michel nhà về thật khuya. Ông tắm rửa thay đồ xong, ông gõ cửa phòng của Vân. Vân đang ngủ, giật mình ngồi dậy ra mở cửa... Michel nhào vô ôm chầm lấy Vân. Vân không làm sao cưỡng lại và không dám la làng, sợ Michel giết chết. Nàng đành nhắm mắt cho Michel mặc tình thỏa mãn ‘’con lợn lòng’’...
Sau khi Vân bị Michel làm nhục, nàng đau khổ tận cùng và ôm mối căm thù chất ngất trong lòng. Nàng chờ hai đứa nhỏ đi nghĩ hè trở về. Nàng hâm dọa với Michel là sẽ đi ra cớ bót. Michel thức tỉnh sợ ở tù. Ông năn nỉ Vân cho ông bồi thường một trăm ngàn quan. Nước đường cùng, Vân đành phải nhận tiền và cuốn gói ra đi.
Vân dắt bé Toàn ra bộ Xã-hội xin chỗ ở tạm. Một tháng sau, nàng tìm cách mướn một căn phòng nhỏ và lo cho bé Toàn vô trường. Nàng đi tìm việc lòng vòng những nhà hàng, quán rượu trong Paris. Nàng được việc; rửa ly, lau chùi trong quán rượu ‘’Bướm Say’’ (Papillon Ivre) thật sang trọng trên đại lộ Champs-Élysées. May mắn, Vân gặp được bà chủ còn trẻ đẹp, tên Corinne, người đàn bà Pháp, trạc tuổi ba mươi, tánh tình rộng rãi và rất dễ thương. Giữa chủ tớ, sau giờ làm việc hai người thường tâm sự, có lẽ đồng hoàn cảnh ‘’hồng nhan bạc phận’’ nên họ hạp nhau.
Vân làm việc một thời gian ngắn, thì trong quán có người muốn lấy phần hùn ra. Corinne hỏi Vân :
- Vân à ! Em biết nói chút đỉnh Anh-Pháp. Em có muốn hùn với chị quán này không ?
Vân ngạc nhiên :
- Trời ơi ! Em đâu có tiền nhiều !
- Thì bữa hôm, em nói với chị là em được thằng cha già Michel gì đó, ổng đền em cả trăm ngàn quan. Nay, số tiền ấy, em còn để dành không ?
- Em xài thâm gần mười ngàn rồi.
- Hùn với chị một phần tư, rồi từ từ sau này em có tiền chị sẽ nhường thêm một phần tư nữa. Nếu em muốn, em chỉ bỏ ra bảy mươi lăm ngàn quan là đủ rồi.
- Vậy hả chị ? Thôi, để em về suy nghĩ lại. Vì, nếu em hùn với chị, em phải lo gởi con em vô trường nội trú.
- Được rồi. Nè, có gì để chị giới thiệu bé Toàn vào trường ‘’Saint-Thomas’’, trường mà Jean-Marc, con trai của chị hiện đang học trong đó. Trường này tốt lắm, học hết bậc tiểu học là họ tự động chuyển trường khác lên đến đại học luôn. Em khỏi phải lo.
- Thật, chị tử tế quá. Em thành thật cảm ơn chị.
- Chị thấy em có tâm hồn chân thật. Đồng phận gái giúp đỡ nhau chớ có gì đâu mà lắm ơn nghĩa em !
Mọi việc xuôi chiều. Corinne giúp cho mẹ con Vân vô dân Tây và đổi tên Trần Anh Toàn ra thành Antoine Trần ...

*

Hai mươi lăm năm sau...

Antoine Trần, con trai của Vân, học hành rất giỏi và trở thành một vị bác sĩ trẻ nổi tiếng về chuyên khoa giải phẫu chân tay, xương chậu. Cậu làm trong nhà thương ‘’Sport’’ ở quận 5 Paris. Cậu thấy mẹ mình đã lớn tuổi mà vẫn còn lo làm việc. Cậu hay khuyên mẹ nên bán lại phần hùn...
Một hôm Vân tâm sự với Corinne :
- Chị Corinne ơi ! Con em khuyên em nên giải nghệ nghề bán rượu. Em cũng thấy mệt mỏi rồi.
Corine đưa ánh mắt dịu dàng nhìn Vân :
- Con trai của chị cũng khuyên chị như vậy. Chị chưa kịp nói với em, nay em nói ra trước. Chị cũng muốn đi hưu trí cho rồi. Vậy, hôm nào rảnh rang, tụi mình đi đăng báo bán luôn nha Vân !
Vân nhào lại ôm vai Corinne :
- Thật hả chị ? ... Jean-Marc, con chị trở thành ông kỹ sư, Toàn, con em là bác sĩ, mà hai bà mẹ tóc đã chen sương mà còn đứng bán rượu. Thật, tội nghiệp cho các con mình !
Corinne cười đắt chí :
- Nhờ hai đứa nhỏ học trường Đạo từ thuở bé, nên tánh tình hiền từ không dám ngăn cản tụi mình. Chứ gặp con người khác thì hổng biết chuyện gì đã xẩy ra rồi !... Mấy chục năm, hai chị em mình tích tụ nhiều kỷ niệm với biết bao khách quen thuộc. Bao nhiêu ông đã qua đời, bao nhiêu cậu sinh viên nay đã làm Ông-lớn ! Nay, tụi mình giải nghệ, chắc họ sẽ buồn !
Vân mỉm cười :
- Họ không buồn đâu. Em nghĩ, chắc họ sẽ ăn mừng đấy chị à !
Corinne gật đầu :
- Có thể, có thể lắm em à... !
- Chỗ này thế nào cũng có một cánh hoa hồng tươi thắm. Một nàng trẻ đẹp nhào vô thay chị em mình. Vì tụi mình, bây giờ thuộc loại hoa tàn-tạ rồi !
Ánh mắt Corinne bỗng dưng buồn, nàng gượng cười :
- Chị mong như vậy ! Cho mấy cánh ‘’Bướm Say’’ tiếp...

*
Một ông Tây, ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc bạc trắng, bước vào nhà thương ‘’Sport’’. Ông nhìn dáo dác, đi đến cô tiếp viên và hỏi :
- Chào cô ! Thưa cô ! Xin cô cho tôi gặp bác sĩ Trần.
Cô tiếp viên tươi cười :
- Chào ông ! Thưa ông ! Ông tên chi ? Ông có hẹn với bác sĩ Trần à ?
- Không ! Xin cô cho tôi cái hẹn.
- Hiện bác sĩ Trần đang có mặt. Để tôi hỏi thử nha !
Cô tiếp viên, bấm điện thoại và hỏi :
- Thưa, bác sĩ, có ông khách muốn gặp bác sĩ.
- Được, cô mời ông vào.
Ông Tây, tức là ông Michel. Ông nghe tiếng bác sĩ Trần rất giỏi về mổ chân. Ông tìm đến để lo chữa cái chân của Chantal, con gái ông hiện vẫn còn đi khập khểnh. Ông bước vào phòng, bác sĩ Trần đứng lên bắt tay chào và mời ngồi. Ông Michel kể lể thân phận, cắt nghĩa, phân trần về cái chân của đứa con gái bị tai nạn xe hơi hơn hai mươi năm về trước. Ông Michel không nhìn ra Toàn, và Toàn cũng không một mải mai nào nhớ ông được. Nhưng khi nghe ông Michel nói, trong ký ức của Toàn mang mán nhơ nhớ... Rồi Toàn cũng không lấy làm quan trọng. Mà cậu chỉ nghĩ đến lương tâm nghề nghiệp của mình thôi. Ông Michel lấy hẹn, rồi đưa Chantal đến khám bệnh và định ngày giải phẫu.
Cuộc giải phẫu kết quả tốt đẹp.

*
Ba tháng sau, Chantal đi đứng như người bình thưòng. Lúc bấy giờ ông Michel rất mực giàu có, ông làm chủ chánh thức nhà hàng ‘’Fleur Violette’’ mà ngày xưa ông làm quản lý. Ông nổi tiếng có ‘’máu mặt’’ trong Paris. Ông bỏ tiền đăng rất nhiều báo chí để tạ ơn bác sĩ Antoine Trần, và nhã ý gả con gái mình...
Trong mấy tháng, Toàn và Chatal có mấy cuộc hẹn hò nhau đi ăn, đi xem xi-nê. Tình cảm của cô cậu bắt đầu vào cuộc tình gần gũi hơn...
Một đêm đẹp trời, ông Michel mời Toàn đi dùng cơm ngoài nhà hàng ông. Ông và Chantal đến rước Toàn. Sau khi dùng bữa cơm Tây thượng thặng tại nhà hàng ‘’Pré C.’’ xong. Trên đường về, ông Michel mời Toàn đi uống ‘’dégestif’’, ông nói :
- Xin mời bác sĩ đi tiếp với chúng tôi. Vì có một quán rượu rất sang trọng giữa trung tâm đang đăng báo bán. Tôi nghe tiếng mà chưa bao giờ đến. Sẵn dịp, mình đến uống và xem coi. Có gì tôi sẽ mua lại cho Chantal trông nôm...
Chiếc xe Mercedes màu xám bạc dừng ngay cửa quán rượu ‘’Papillon Ivre’’, Toàn giựt mình, nhưng làm bộ làm tĩnh. Cậu nghe vui vui trong lòng và nghĩ : ‘’Kể như mẹ mình sẽ nghĩ làm việc rồi !’’. Quán khuya, đèn muộn, khách vắng... Ba người bước vào... Toàn lại chào ông nhạc sĩ dương-cầm, ôm hun Corinne, hun mẹ và giới thiệu :
- Thưa ông Michel, đây là mẹ tôi...
Ông Michel rất đổi ngạc nhiên. Ông gật đầu và bắt tay Vân :
- Dạ, chào bà !
Toàn nói tiếp :
- Ông là chủ nhà hàng ‘’Fleur Violette’’ đó má. Còn đây là cô Chantal, con gái của ông, là bệnh nhân, con vừa chữa khỏi cái chân của cô, mà con có kể cho má nghe hôm trước đó.
Vân gật đầu chào, mà ánh mắt nàng phừng phừng lửa hận... Nàng nén lòng, đi vòng vào sau ‘’comptoir’’, đứng nhìn Corinne. Corine hiểu ý, nàng đem carte rượu đưa cho khách. Toàn vào trong đứng gần mẹ và hỏi nhỏ :
- Má không được khỏe hả má ?
Vân im lặng lắc đầu. Toàn hỏi tiếp :
- Sao mặt má đỏ quá vậy ? Coi chừng áp huyết cao đó má à !
Đằng này, ông Michel cũng lặng im. Hơn một giờ khuya, sắp đóng cửa. Ông nhạc sĩ dương-cầm tuổi quá lục-tuần, dáng người ốm yếu đang ngồi nhâm nhi ly rượu đỏ. Ông liền đệm bài ‘’Đừng Xa Tôi’’ (Ne me quitte pas) của Jacques Brel.
Ông Michel nói với Corinne :
- Bà cho tôi ba ly Cognac ‘’Napoléon’’.
Toàn lịch sự, đi ra cụng ly với ông Michel và Chantal. Họ không nói gì, mà chỉ lặng thinh như đang lắng nghe đệm dương-cầm. Khoảng mười lăm phút sau, Toàn nói :
- Dạ, thưa ông ! Đã khuya quá rồi. Chút nữa, tôi về chung với mẹ tôi, ông khỏi mất công.
Ông Michel gật đầu. Ông móc trong bóp ra tờ giấy năm trăm quan để trên bàn, rồi cùng Chantal đứng dậy chào tất cả, ông và con ra về.

Toàn lái xe, mẹ cậu ngồi bên, lòng cậu vui lắm. Còn bà Vân thì đầu óc đang quay cuồng những kỷ niệm buồn đau khi xưa... Bất chợt, Toàn hỏi :
- Má thấy cô Chantal đẹp không ? Mẹ cô ấy là Việt Nam đó má !
Vân thở ra :
- Má biết mẹ cô và mang ơn mẹ cô ấy nhiều lắm...
Toàn giật mình làm chiếc xe hơi chao đảo, cậu liền hỏi :
- Má ! Má nói gì ? Má biết mẹ của Chantal hả ?
- Để về nhà, hoặc hôm nào rảnh má sẽ kể cho con nghe.
- Con nóng ruột muốn biết liền...
- Vậy là con và cô Chantal có gì rồi phải không ?
- ... ... ! ! !
Hai mẹ con Vân về đến nhà, thay đồ xong, Toàn ra salon ngồi nghe mẹ kể...
(......)
Đã hơn ba giờ sáng... Toàn thở ra và nắm tay mẹ :
- Nghĩa tình cao chất ngất, mà oán hận cũng thẳm sâu... Má ơi ! Ở đời, ai cũng có khi lầm lỗi... Má à ! Ơn đền, oán xả nghe má !
Vân nhích lại gần và đưa tay vuốt tóc con :
- Má không xả bỏ, thì má làm gì bây giờ ? Má đâu có bao giờ muốn ai khổ, nhứt là con của má... Thật, sống một kiếp người, nếu gặp tai họa khổ sỡ tận cùng. Rồi sau đó, ông trời cũng đền bù lại phước lành. Phước-họa thường hay đi đôi con à ! Nhờ gặp những tai họa dồn dập, nay má mới được có thằng con làm ông bác sĩ hiền từ như vầy nè...
Toàn ngả đầu vào mẹ :
- Con cảm ơn Trời-Phật, và cảm ơn người mẹ tuyệt vời của con đây...

*
Tà áo trắng, ban mai thuở ấy,
Chiều hoàng hôn, chợt thấy nắng hồng
Ai nào hiểu, ánh mắt trong,
Có bao nổi khổ chất chồng tuổi xuân ?


(Ngoại ô Paris, hoàng hôn 17-05-2003)
Việt Dương Nhân
#3 Posted : Tuesday, January 18, 2005 4:05:59 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Vầng Trăng Của Mẹ


Dạ Nguyệt, một thiếu phụ tuổi sắp vào tứ tuần, sống với hai con, Kim Tú mười ba, Thiên Hà mười lăm tuổi. Hai đứa nhỏ đều ngoan ngoãn và rất châm chỉ học hành. Chiều mùa xuân ánh nắng vàng buông tỏa khắp thủ đô Paris. Thiên Hà đang cậm cụi làm bài trên bàn học, mẹ cậu hỏi :
- Thiên Hà ơi ! Làm bài xong chưa. Chút nữa đi chợ dùm má nghe con ? - Dạ, gần xong rồi má.
Kim Tú hí hởn :
- Má sai anh Thiên Hà đi chợ là ảnh khoái lắm.
Thiên Hà nhìn em :
- Nếu muốn, thì em đi thế anh đi !
Kim Tú nũng nịu lắc đầu :
- Thôi, kéo ca-đi nặng lắm, em không thèm đâu !
Thiên Hà đưa ánh mắt dịu dàng nhìn em :
- Em thích ăn tráng miệng bánh gì nè ?
Dạ Nguyệt đang móc trong xách ra hai trăm quan đưa cho Thiên Hà và nói nhanh :
- Con thích ăn bánh, chứ em con chỉ thích ăn trái cây thôi. Nè, con nhớ mua nửa ký thịt bò, xà-lách, tô-mách và mt trái dưa leo. Chiều nay, mẹ sẽ làm bò lúc-lắc, xà-lách trộn củ hành, dầu dấm cho các con ăn. Chịu hôn ?
Kim Tú nhảy chòm lại hun mẹ và nói :
- Ngon hết xẩy !

Thiên Hà đi chợ về. Tiền còn dư liền đưa cho mẹ. Dạ Nguyệt đếm đếm, liền nói :
- Trời ơi ! Người ta thối lộn rồi con ơi !
Thiên Hà giựt mình :
- Chết cha ! Người ta thối thiếu hả má ?
- Không. Dư.
Kim Tú vui lên và vỗ tay :
- Vậy là hay quá !
Dạ Nguyệt nghiêm giọng :
- Không hay đâu con à ! Má đưa tờ giấy hai trăm mà người ta tưởng là năm trăm nên thối lộn. Tội nghiệp cho cô kết-xe, sau giờ làm việc kiểm tiền lại thiếu thì cô sẽ bị chủ đền đó. Thiên Hà ! Con mau mau đem ra trả lại cho người ta. Và nhớ xin họ ký tên đem về cho má xem nhe hôn !
- Dạ.

Thiên Hà nhanh nhẹn cầm tiền đi trả lại. Còn Kim Tú, sau khi nghe mẹ giảng dạy, tự thấy xấu hổ, liền vòng tay xin lỗi mẹ. Vì Dạ Nguyệt sợ con mình khi ra khỏi nhà rồi nổi lòng tham sẽ cất dấu đâu đó, khi trở về nói láo là trả tiền lại cho người ta rồi. Nên nàng mới bảo con xin họ ký tên có nhận tiền.

Cuộc sống ba mẹ con êm đềm trôi chảy được vài năm. Đùng một cái, Kim Tú bị bệnh tâm thần phải vô bệnh viện Nhi-Đồng Necker điều trị. Rồi kế tiếp Thiên Hà lại trốn học. Cũng vào lúc ấy, cả miền Nam Việt Nam (nói chung), và gia đình Dạ Nguyệt bên Sài-Gòn (nói riêng), Mẹ và các anh chị đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế ; thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men, thiếu thốn những vật dụng cần thiết... Rồi được tin Mẹ bệnh nặng đang nằm điều trị ở bệnh viện Chợ-Rẩy. Mặc dù tiền bạc eo hẹp, nhưng Dạ Nguyệt cũng ráng xoay sỡ gởi gấp về cho mẹ. Nghe tin tức những đài truyền hình, đài nào cũng nói về Việt Nam : ‘’Nhà cầm quyền cộng-sản Hà Nội đàn áp, bắt bớ tất cả Quân-dân-cán-chính đều đi học-tập cải-tạo và bắt buộc dân đi vùng Kinh-Tế-Mới. Dân chúng khổ sỡ quá nên ồ ạt tìm đường vượt biên, vượt biển...’’. Bao nỗi buồn khổ dồn dập đến với Dạ Nguyệt : ‘’Họa vô đơn chí. Phước bất trùng lai !’’. Trong cơn đau khổ và lo lắng tột cùng mà Dạ Nguyệt phải xin nghỉ làm vài tuần để lo cho hai con. Ngày đêm, nàng cứ thắp nhang, đốt đèn cầy, lòng chỉ nhứt tâm cầu nguyện Ơn Trên. Và dùng lời ngọt diệu khuyên bảo Thiên Hà đi học trở lại. Còn Kim Tú thì vẫn trong cơn cuồng trí. Nhờ những bác sĩ chuyên môn về khoa tâm-lý-học tận tình chăm sóc. Vài năm sau, căn bệnh của Kim Tú từ từ giảm dần và dứt hẳn. Cô tiếp tục đi học trở lại.

‘’Sau cơn mưa trời lại sáng’’

Trong hơn mười năm, Dạ Nguyệt vẫn đi làm thư ký cho hãng thầu C.I.E. và lo cho hai con học hành chu đáo. Ngày mà Thiên Hà thi đậu bằng B.T.S.M.O.. Nàng mừng quá, ôm con vào lòng mắt rưng rưng và nói :‘’Con thưởng cho mẹ món quà lớn nhứt đời rồi...’’.

Sau khi, Thiên Hà thi đậu xong, cậu chần chờ không chịu đi xin việc làm, đêm đêm thường hay đi chơi về thật khuya, làm Dạ Nguyệt rất lo lắng. Lúc đó, Dạ Nguyệt có quen biết vài người trong Tòa-Đô-Chánh Paris. Nàng tìm cách cho họ gặp Thiên Hà để cắt nghĩa, dìu đắt. Vì vậy mà họ giới thiệu Thiên Hà được vô làm việc trong Bộ Quốc Phòng Pháp. Còn Kim Tú cố gắng học, nhưng chỉ đậu bằng Y-tá mà thôi. Cô dễ dàng xin việc trong nhà thương De Vaugirard Paris quận 15.

Lúc bấy giờ, Thiên Hà và Kim Tú có công ăn việc làm đàng hoàng. Hai năm sau, Thiên Hà xin mẹ cho ra ở riêng. Rồi chẳng hiểu vì sao Kim Tú cũng đi ra mướn một phòng nhỏ ở riêng luôn ! Suốt bao năm, Dạ Nguyệt cam chịu ôm nỗi buồn vì hai con đã xa nàng. Tuy sống cô độc, nhưng nàng không dám than thở một lời nào với hai con. Bởi nàng trọng sự tự do của các con, và chấp nhận luật tự nhiên của thời đại !

*
Đêm nay vầng trăng rằm tròn và sáng trưng. Bầu trời trong xanh cao thăm thẳm không một áng mây che, muôn ngàn vì sao lấp lánh như đang nhảy múa giữa không trung vô tận. Quang cảnh về khuya thật yên lặng, im lìm. Sự lặng yên rùng rợn ! Không một tiếng chim kêu, chó sủa, mèo ngao, cũng chẳng có ai thì thào than thở. Cảnh vật chìm vào giấc ngủ giữa đêm trăng diệu huyền.

Dạ Nguyệt ngồi dậy thật nhanh đi ra khỏi phòng, đến giàn máy Hi-Fi thò tay bấm casette mà chẳng cần trong máy có sẵn băng gì... Từ trong máy phát ra tiếng mõ chuông vang lên, bà tắt ngay, rồi quay lại bấm ti-vi bất cần có chương trình gì miễn sao có tiếng người là đủ rồi. Nhưng bà vẫn còn nghe trong lòng bức rức nóng nãy như bị lửa thiêu đốt dữ di. Bà mở cửa sổ cho hơi lạnh ùa vào để làm mát người lại. Rồi ngồi gục đầu xuống ghế bên cửa sổ.
Như Liên, người bạn gái đến ở tạm nhà Dạ Nguyệt từ khi Nghị, bạn trai của Dạ Nguyệt bị tai nạn chết hơn một năm nay. Như Liên đang ngủ, nàng giựt mình, vì nghe tiếng ti-vi. Nàng mở cửa phòng đi ra :
- Trời ơi ! Mầy làm gì vậy Dạ Nguyệt ? Trời lạnh, sao mầy mở cửa sổ ?
Dạ Nguyệt ngẫng đầu lên :
- Tại tao thấy nóng trong người quá !
Như Liên lắc đầu :
- Nóng đâu mà nóng !
Nàng nắm tay bạn kéo vô, với tay đóng cửa sổ lại, và nói tiếp :
- Tay mầy lạnh ngắt, mặt mày tái mét kìa ! Rồi, lại lén tao nóc rượu nữa !
Dạ Nguyệt đứng lên đi vô salon, nàng nói một giọng hơi nhừa nhựa và yếu :
- Kệ tao, mầy để cho tao chết đi.
- Hứ ! Nếu mầy muốn chết, thì từ từ chết. Còn trời lạnh mà mầy làm như thế. Không chết, mà sẽ bị bệnh dây dưa làm phiền đời... Còn hơn là chết nữa đó !
- Tao đã uống cạn khổ đau và nuốt hết vui sướng của đời rồi.
- Nhưng mầy phải sống.
- Còn chỗ nào thiếu đâu mà ham sống ? à, tao còn thiếu một thứ nữa chứ !
- Thứ gì ?
- Chết !
- Nhưng ông trời chưa chịu cho mầy giấy phép mãn nhiệm kỳ ở trần gian mà. Nếu còn sống mà trồng được một bụi rau hay cây ớt cũng gọi là có ích lợi cho đời rồi. Còn hai con mầy nữa !
- Tao lãnh nhiều vai, đóng quá nhiều tuồng, nếm đủ mùi vị của ông trời cho rồi. Tao chán rồi, mệt rồi. Các con tao hả ? Các con tao nuôi như chim đã mọc lông đầy cánh thì chim bay ! Còn chuyện tao tính riêng cho đời tao, kệ tao. Mầy đừng xía vô. Cuộc đời, tao đã nếm đủ quá rồi. Mầy hiểu chưa ?
- Chưa đủ. Mầy đừng trốn trách nhiệm làm người. Chưa hết vai, hết tuồng đâu em ơi !
- Mầy nghĩ ông trời sẽ giao cho tao thêm vai tuồng gì nữa sao ?
- Chắc chắn rồi đó.
- Sao mầy biết ?
- Điển hình là mầy còn mạnh khỏe. Ăn cái gì cũng thấy ngon, ngủ thì ngáy khò khò...
- Thôi, thôi đủ rồi. mầy đừng lý sự, dạy đời với tao nữa. Tại vì còn khỏe mạnh nên tao mới muốn chết. Chờ đau yếu bệnh hoạn rồi chết là thường quá.
- À, thì ra mầy muốn chết tươi, chết tốt phải không ?
- Đúng. Đúng đó.
Nói đến đây Dạ Nguyệt cười khà khà. Như Liên cũng cười và nói mai mĩa :
- Tươi, tươi cỡ bà cố nội tao hén ! Tụi mình thuộc hoa tàn, hoa héo queo cù đèo rồi, tươi đâu mà tươi. Thôi, đi ngủ đi Dạ Nguyệt ơi !
- Mầy đi ngủ là đúng hơn. Mầy trọng giấc ngủ hơn ăn uống mà.
Như Liên nhẹ giọng :
- Còn mầy, sao mầy không ngủ ?
Dạ Nguyệt nổi nóng :
- Trời ơi ! Mụ này thật là kỳ cục. Mầy làm riết, chắc tao bỏ trốn đi chỗ khác quá. Ở một mình chắc tao tự-do hơn !
- Tao là người ra đi mới đúng. Nhà này mầy mướn mà !
Đôi mắt Dạ Nguyệt rũ xuống thoáng buồn :
- Tao để lại cho mầy. Tao đi kiếm phòng khác mướn.
- Mầy sống một mình à !
- Ừa, có sao đâu ?
- Thôi đi Dạ Nguyệt ơi ! Ở một mình để mầy dễ dàng tính chuyện tầm bậy hả ?
- Tính chuyện gì tầm bậy ?
- Tự tử ! Hủy thân xác như mầy thường nói.
- Đã nói ra thì trong lòng có nghĩ đến. Còn thực hiện. Há, để chờ xem !
- Chuyện gì mà mầy không dám làm.
- Đúng. Ngán ai mà không dám ? Ý, cũng tùy chuyện chứ. Những chuyện gì phạm pháp thì tao không dám đâu. Còn cái vụ tao chết thì có mắc mớ ai đâu ? Thôi, tao đi ngủ nghe Liên ! Mầy cũng vô phòng ngủ đi.
Nói đến đây, Dạ Nguyệt đi vô giường nằm nhắm mắt... mơ màng nhớ lại những ngày tháng sống chung với Nghị...

... Nghị đi làm về thấy Dạ Nguyệt lo đi quyên tiền để giúp người nghèo. Hắn bực bội :
- Em cứ bày đặt đi làm nhân-đạo để người đời cho em là tốt, là giàu có... Thân phận của em mà em không lo.
Dạ Nguyệt đứng lên và hỏi Nghị :
- Thân phận em ! Nghĩa là sao ?
- Hứ, cái thứ bị Tây-Mỹ hóa mà còn làm bộ.
Dạ Nguyệt giận điếng người. Nhưng nàng cố trấn an để khỏi tát tay vô mặt Nghị. Nàng ngồi phệt xuống salon và nghĩ : ‘’Cái thằng cha này dở trò ăn nói mất dạy. Hắn muốn mình tống cổ ra khỏi nhà này rồi. Dạo trước mới quen với mình, hắn nói hắn là loại con cháu nhà giàu ở Sài-gòn. Ngày cộng-sản Bắc-Việt cưỡng chiếm miền Nam, hắn chạy theo tàu... vượt biển. Sau mấy tháng ở đảo Pô-Lô-Bi-Đong, rồi được chánh phủ Pháp cho tỵ-nạn. Học bập-bẹ được chút ít tiếng Pháp chẳng ra hồn gì cả. Hắn chỉ làm phụ bếp cho nhà hàng này sang nhà hàng khác suốt mấy chục năm nay, chớ có phải ông Nghè, ông Cống gì đâu mà hắn không biết tội nghiệp những người nghèo khổ. Lúc mình quen hắn, hắn đang ở cái phòng nhỏ chật chi chưa tới mười thước vuông. Vì các con mình ra ở riêng từ lâu. Nhà trống vắng một mình cô đơn. Mình có nhiều cảm tình với hắn nên kêu hắn về ở nhà mình cho có bạn. Rồi càng ngày, hắn càng lên giọng làm như ông nội mình. Bày đặt nói không bằng lòng chuyện này sang chuyện khác. Phiền thiệt !’’.
Dạ Nguyệt ngồi im và suy nghĩ. Bà chẳng thèm nói câu nào với Nghị. Nghị hỏi trỏng :
- Sao nín thinh vậy ?
- Ông muốn tôi nói gì bây giờ ?
- Cha, bữa nay gọi tôi bằng ông à !
Dạ Nguyệt nổi cáu :
- Không lẽ kêu bằng ... thằng ?
Nghị nghe Dạ Nguyệt hỏi sốc, ông quay lại :
- Hỗn hả ?
Ánh mắt Dạ Nguyệt nhìn Nghị như hai tia Laser chiếu vào, nàng lớn tiếng :
- Già rồi, không mất dại, vũ phu nghe !
Nghị tát tay vô mặt Dạ Nguyệt. Bị Nghị đánh bất thình lình, bà nổi điên lên liền chộp cái gạt tàn thuốc lá liệng vào mặt Nghị. Ông né qua. Dạ Nguyệt thét lên :
- Đồ khốn nạn... Đi ra khỏi nhà tao lập tức. Nếu không, tao giết mầy. Thằng cha già vũ phu... vũ phu... vũ phu...
(...)
Như Liên nghe tiếng la hét, nàng liền chạy qua phòng đánh thức Dạ Nguyệt :
- Mầy nằm chiêm bao chuyện gì vậy ?
Dạ Nguyệt còn ú ớ... Như Liên lắc mạnh và gọi :
- Dạ Nguyệt ! Dạ Nguyệt !
Dạ Nguyệt giựt mình ngồi nhổm dậy :
- Trời ơi ! Tao đang đánh lộn với anh Nghị.
- Anh Nghị đã chết đời kiếp nào rồi mà mầy còn...
- Sao ảnh cứ ám tao hoài Như Liên ơi !
- Anh Nghị chết vì bị tai nạn, chớ mầy đâu có giết ảnh mà mầy sợ.
- Biết rằng, tao không có giết ảnh. Nhưng đêm đó tao đuổi ảnh đi...
- Anh Nghị đi. Rồi tại ảnh nhậu nhẹt, say sưa. Nên mới bị xe đụng chết. Thôi, cũng tại do số trời tất cả hết. Mầy hãy lo thân mầy đi Dạ Nguyệt à ! Còn tao, thì chắc là vài tháng nữa sẽ bay qua Mỹ sống với con gái của tao.
- Mầy thật có phước được con lo về già.
- Tao có một đứa con gái. Còn mầy được hai, có trai có gái. Thế nào rồi cũng có một trong hai đứa về với mầy.
Dạ Nguyệt thở ra :
- Người mẹ nào mà không mong muốn sống chung với con đến mãn đời. Nhưng...
Nói đến đây mắt bà rưng rưng. Như Liên an ủi :
- Thôi, đừng buồn nữa Dạ Nguyệt à ! Vì mỗi người đều có số phận riêng...

*
Thời gian bay vèo, Dạ Nguyệt đến tuổi hưu trí, lãnh tiền rất ít. Một cuối tuần vào mùa Giáng Sinh, tuyết rơi lã chã trắng xóa khắp nẽo đường, Kim Tú về thăm mẹ. Dạ Nguyệt lật đật bỏ cá bông-lau ra, lấy mấy khứa kho tộ và mấy khứa nấu canh chua... Hai mẹ con ăn cơm xong, Dạ Nguyệt cầm tay con và nói :
- Chắc má xin vào Nhà-Già ở quá !
Kim Tú nhìn mẹ, nghe lòng se thắt và cảm thấy mình có lỗi vì bỏ mẹ sống cô độc . Đôi mắt cô rưng rưng :
- Má ! Sao má muốn vô Nhà-Già ở ?
Dạ Nguyệt cố trấn an con. Bà gượng cười :
- Nghe đâu vô trong đó vui lắm. Nếu rủi má có bệnh hoạn thì người ta lo đầy đủ.
- Theo con thì con không muốn má vào đó đâu !
- Bây giờ các con có đời sống riêng tư. Mai mốt con sẽ lấy chồng, rồi bận rộn con cái.
- Không. Con không chịu má vô Nhà-Già. Để con nói chuyện này với anh Thiên Hà.
- Anh con, nay đã có vợ, có con rồi. Con đừng làm chao động gia đình anh con nghe hôn !
- Không sao đâu má. Con thấy chị Christine, vợ ảnh cũng hiền.
- Vậy con muốn nói chuyện gì với anh con ? Mà nè, nếu con muốn nói gì thì chờ khi nào có mặt chị dâu con nghe hôn ! Chớ đừng có rù rì riêng rẽ, rồi sau này chị dâu con biết được sẽ hành tội anh con đó nghe ! Chuyện gì mình cũng phải tế nhị thì sẽ vui vẻ cả làng.
- Chắc không sao đâu má à ! Con chỉ hỏi mượn ảnh chút ít tiền để con đủ ứng trước mua căn nhà cỡ ba phòng nho nhỏ. Nếu được, con sẽ đem Má về ở chung. Thôi, con đi rửa chén nghe má !
Bà Dạ Nguyệt đi lại salon ngồi. Bà vừa nghe con gái nói chuyện mua nhà và sẽ ở chung với bà, lòng bà cảm thấy vui vui. Nhưng bà nghĩ : ‘’Căn nhà ba phòng nhỏ này, các con mình đã sống từ nhỏ đến hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi có sao đâu ? Từ khi chúng đi làm có dư chút tiền là đòi ra ở riêng. Có phải chăng vì thời đại, do xã-hội Tây-phương tạo lên, nên con mình đua đòi như thế không ? Phải chi con gái mình về đây ở, phụ tiền nhà chút ít thì mình khỏe, khỏi tính chuyện vô nhà-dưỡng-lão. Nhưng mình cũng phải để cho con nó trả hiếu... Biết đâu các con mình muốn ‘’trở về nguồn ?’’.
Kim Tú vừa rửa chén xong, cô đến ngồi cạnh bên mẹ :
- Sao ! Má thấy con tính như vậy có được không ?
Dạ Nguyệt đưa tay vuốt tóc con :
- Má để cho các con tính sao cho ổn thỏa thôi. Nếu cuối cùng không được thì theo như dự định của má. Hỗm rày con có gặp anh con không ?
- Dạ, không. Chắc ảnh bận rộn lắm má à ! Ảnh đi làm về còn phụ vợ lo cho hai đứa nhỏ nữa.
- Má cũng nghĩ như vậy !
- Ảnh có điện thoại thăm má thường không ?
- Thỉnh thoảng thôi. Mỗi năm má được gặp hết các con vào những dịp lễ lớn là đủ làm má vui lắm rồi !
Nói đến đây, ánh mắt bà Dạ Nguyệt hiện lên nét buồn buồn. Rồi bà gượng vui trở lại, hỏi đùa đùa với con gái :
- Nè, chừng nào con lấy chồng ? Ba mươi mấy tuổi rồi đó nghen ! Nếu không, thì rồi đây sẽ làm gái-già cho mà coi !
Kim Tú nhìn mẹ một cách ngạc nhiên :
- Má ! Lần đầu tiên con mới nghe má hỏi câu này !
Nhìn ra cửa sổ, cô nói tiếp :
- Chắc, con không lấy chồng đâu má ơi !
- Tại sao kỳ vậy con ?
Kim Tú ngần ngừ, rồi nói :
- Nếu lấy chồng, rủi xui gặp cảnh giống má thì buồn thấy mồ !
- Ý, làm sao mà giống được chứ ? Bộ con bị ám ảnh đời má hả ?
- Hồi lúc má còn trẻ. Hễ tụi con thấy má quen với ông nào là tụi con ghét cay ghét đắng ông đó. Sau này, tụi con biết má sợ tụi con bất mãn bỏ nhà đi hoang nên má dẹp mấy ông qua hết một bên. Nghĩ lại, thấy tụi con thật quá ích kỹ với má...
- Chuyện đó là chuyện bình thường của những đứa con nít. Đâu có đứa con nít nào ưa cha mẹ ghẻ bao giờ ?
Kim Tú cầm bàn tay nhỏ nhắn của mẹ :
- Sau này, tụi con thấy má có cậu Nghị làm bạn hủ hỉ. Tụi con mừng ghê đi. Nhưng...
- Ối, tại số của má như vậy rồi. Còn con thì khác xa má mà. Con đừng có quá bi quan...
- Thôi má à ! Má đừng nhắc nữa. Bây giờ con đi về. Con sẽ cố gắng mua nhà để con được sống chung với má. Thưa má con về.
- Ừa, có gì thì đêm lễ Giáng Sinh các con về. Má sẽ nấu cà-ri gà Tây cho mà ăn.
- Ngon nhứt rồi. Dạ, con đi nghe má !

Sau khi Kim Tú đi rồi, bà Dạ Nguyệt nghe lòng vui vui :‘’Mình mướn căn nhà này mấy chục năm nay. Ở đâu quen đó. Phải chi con mình thích mua lại thì mình sung sướng biết chừng nào ! Mà tại sao mình không bàn việc này với con ? Hôm nào mình sẽ gọi điện thoại đề nghị thử xem ! Dù sao đi nữa, mình cũng là mẹ mà. Mình thương yêu con thì mình muốn gì phải cho các con biết. Chớ nín thinh hoài, tụi nó biết chỗ nào đâu mà mò. Nếu mình không đòi vô Nhà-Già thì chắc chắn ý định mua nhà sẽ không có nẩy ra trong đầu con gái mình đâu. Bởi vì tụi nó thích ở nhà mướn để đỡ bớt đóng thuế. Thiệt, sống già quá làm chi để phiền lụy đến con cái đây !’’. Tuy nghĩ vậy, nhưng tâm hồn bà Dạ Nguyệt nghe lâng lâng sung sướng. Bà tin tưởng con bà hiểu biết sự hiếu thảo.

Đêm lễ Giáng-Sinh, Kim Tú về trước để cùng phụ mẹ nấu nướng. Sau đó, Thiên Hà cùng vợ ẩm hai đứa con trai song sanh, Lễ và Nghĩa vừa giáp thôi nuôi về ăn tiệc với bà ni. Mấy mẹ con có chút đỉnh quà cáp đơn sơ trao tặng qua lại. Ăn uống xong đến nửa đêm nghe những tiếng chuông nhà thờ đỗ vang vang. Thiên Hà khui Champagne rót bốn ly trao tay mọi người và chúc mừng Chúa-Hài-Đồng ra đời cách đây 2001 năm. Sau khi uống Champagne xong, rồi uống trà, ăn bánh kẹo, Sô-cô-la... Không khí thật là hạnh phúc. Bà Dạ Nguyệt mở lời, nói với Thiên Hà và con dâu :
- Sẵn đây, má muốn nói cái chuyện em con muốn hai con giúp chút ít tiền để mua nhà. Nếu được thì tốt. Còn không được thì cũng không sao đâu.
Thiên Hà và vợ ngớ ngẩn. Kim Tú nhanh nhẹn nói :
- Con chưa có hỏi anh Thiên Hà và chị Christine má à !
Thiên Hà nhìn Kim Tú :
- Ủa ! Em dịnh mua nhà hả ?
Bà Dạ Nguyệt kể lể ra hết những ý định của con gái và ý muốn của bà cho vợ chồng Thiên Hà nghe...(...). Tất cả ngồi nghe mẹ nói. Sau cùng đều đồng thuận theo ý muốn của mẹ.

Đã hơn một giờ khuya, hai bé Lễ và Nghĩa đều ngủ khò trong phòng. Kim Tú cùng chị dâu lo dọn dẹp rửa chén, dĩa, ly, tách dùm cho mẹ. Xong xuôi, rồi tất cả hôn mẹ chào ra về. Còn lại một mình bà Dạ Nguyệt trong căn nhà. Bà thay đồ ngủ, rón rén lên giường mà nghe lòng sung sướng hơn bao giờ hết.

Ra tháng Giêng, qua khỏi Tết Việt Nam. Kim Tú cùng mẹ hẹn gặp người chủ nhà. Người chủ nhà vui vẻ bằng lòng bán căn nhà với giá phải chăng. Sau mấy tháng, Kim Tú chờ đợi nhà băng cho vay tiền. Xong, kế tiếp đi chưởng-khế ký giấy mua nhà. Mọi việc đã êm xuôi. Kim Tú dọn về sống chung với mẹ. Bà Dạ Nguyệt được hạnh phúc tuyệt vời lúc tuổi già. Nhưng oái oăm thay ! Chỉ được tám tháng sống vui cùng đứa con gái. Bất thình lình nửa đêm, bà lên cơn đau tim, rồi tắt thở trước khi bác sĩ, xe cứu cấp đến. Xem như bà Dạ Nguyệt được mỉm cười nơi chín suối. Bà tin chắc hai con mình hiền từ và hiếu thảo.

*
Nửa khuya trở giấc, Kim Tú thấy có ánh sáng ngoài salon, liền ngồi dậy đi ra khỏi phòng :‘’Ha ! Ánh sáng của trăng, chớ không phải mình quên tắt đèn !’’. Cô đưa tay vén bức màn mỏng che cửa sổ, nhìn vầng trăng đang ngả về phía tây làm lòng cô nhớ mẹ vô cùng. Mới tháng trước, mẹ cô còn sống, hễ mỗi lần trời có trăng thì lối hai giờ khuya là bà thức dậy ngồi im lặng bên cửa sổ để ngắm nhìn vầng trăng đang tỏa sáng. Kim Tú nghe lòng se thắt, mắt rưng rưng :‘’Đêm nay vầng trăng của mẹ trở về, mà mẹ không về để ngắm trăng. Mẹ ơi ! Thật sự, con mãi mãi mất mẹ rồi !’’. Ngồi một hồi, cô trở vào phòng leo lên giường nằm ôm gối cố vỗ giấc ngủ nhưng không làm sao ngủ lại được. Cô nghĩ và nhớ lại bao kỷ niệm vui buồn cùng mẹ và người anh.

Mặc dù trời đã sang đông, thời tiết bên ngoài buốt lạnh. Nhưng đêm nay trời trong, mây biếc, vầng trăng đêm đông mà to tròn như cái bóng đèn khổng lồ treo lơ lửng giữa không trung, ánh trăng sáng vằng vặc buông tỏa khắp trần gian. Kim Tú thẩn thờ trở ra salon ngồi nhìn ảnh mẹ, thấy như mẹ đang tươi cười với cô trên bàn thờ. Làm lòng cô xót xa tan nát và thương nhớ mẹ vô biên, đôi dòng nước mắt tuôn trào. Cô ngồi im lặng, rồi dường như bên tai cô nghe văng vẳng những lời khuyên dạy của mẹ :‘’Các con rất hiếu thảo, biết yêu thương và ngoan hiền với má. Thì với đời, các con cũng phải biết thương người, mở lòng bao dung, rộng lượng.‘’Hãy luôn mỉm cười*’’ với mọi người, mỉm cười luôn với những kể chống đối hay chỉ trích mình. ''Nếu trong lòng các con được chứa mang giàu tình thương, thì sẽ không bao giờ bị ai ăn cắp hay cướp mất được. Thứ rẻ tiền này, nhưng rất quí báu. Các con luôn mang theo bên mình như bảo vật. Hãy biết sợ, thù ghét và chán chê tội lỗi, thì chẳng bao giờ các con dám gây nên tội lỗi.....**’’. Đến đây, ánh mắt Kim Tú sáng bừng lên, cô đứng dậy đi đến bàn thờ mẹ, đốt ba nén nhang và miệng lẩm bẩm : ‘’Vâng ! Con luôn ghi khắc trong lòng những lời của mẹ khuyên dạy...’’.

Thuở ấy, đời Mẹ phong ba, té ngựa
Mẹ còn xuân. Con lại quá bé thơ
Mẹ định sang thuyền. Con tuổi dại khờ
Nên thù ghét bướm vờn loanh quanh Mẹ.

Từ tuổi mộng, xuân xanh mùa hoa nở
Bướm ong vờn, con thương Mẹ vô biên
Con trở về, với tâm tánh diệu hiền
Mẹ vĩnh viễn không còn bên con nữa.

Mẹ là tất cả, là bầu sữa ngọt,
Là nguồn suối trong, con li, con bơi
Nhưng bây giờ Mẹ đã xa con rồi...
Lòng tưởng nhớ nghẹn ngào, xin chúc Mẹ :

Chúc Mẹ đi được yên lành
Vào nơi đất Phật nhặt cành Vô-Ưu
Chúc Mẹ an giấc mộng du
Nhẹ nhàng trong cõi thiên thu tuyệt vời.


Chú thích: (*)lời của Mẹ Thèrêsa - (**) lời của ĐHY Nguyễn Văn Thuận
(Paris 8ème, đêm thu 11/2002) ">
Việt Dương Nhân
#4 Posted : Tuesday, January 18, 2005 4:14:51 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Ai Khổ Hơn Ai


Hai gia đình, Lý Trọng Nhân và Trương Độ Lượng, trước kia là tình bạn thâm giao. Nay thì kết tình sui gia thắm thiết hơn. Họ thuộc thành phần tư-chức bậc trung-trung, làm việc cho ngân hàng Sàigòn, tại góc hai đại-lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi.
Lý Trọng Nghĩa và Trương Hải Hà là con của hai gia đình trên. Đôi vợ chồng trẻ yêu nhau tha thiết, đã cưới nhau được ba năm mà vẫn chưa có đứa con nào. Thì biến cố 30-4-1975 xẩy ra. Cha mẹ hai bên điều thúc dục con chạy xuống tàu... vượt biển. Một thời gian ngắn ở trên đảo... Rồi được nước Pháp cho tỵ-nạn cộng-sản, tạm-cư ở vùng Normandie (Le Havre) vào đầu năm 1976. Trình độ học vấn của Trọng Nghĩa tới tú-tài đôi chương trình Pháp.

Sau mấy tháng ở trong trại tỵ-nạn... Hai vợ chồng Trọng Nghĩa được một gia đình bà con bảo đảm lãnh lên Paris. Vì họ đã từng đi du học trong thập niên 1960, rồi lập nghiệp luôn trong khu La-Tinh quận 5. Sau khi lo giấy tờ hợp lệ xong, Trọng Nghĩa ghi tên vào trường... học ngành chuyên viên điện-tử (informatique), do chánh phủ Pháp đài thọ và trợ cấp chút ít tiền. Ban ngày Trọng Nghĩa đi học, ban đêm cậu đi làm nhân-viên soát vé cho những rạp xi-nê ở khu Montparnasse. Còn Hải Hà thì đi học pháp-văn...

Bốn năm sau, Trọng Nghĩa lấy được bằng cấp... tương đương kỹ-sư. Và đi làm cho hãng ‘’IBM’’ ngoại-ô Paris, gần Porte de Maillot... Lương bổng khá cao. Bấy giờ hai vợ chồng mướn nhà ra ở riêng trong quận 17 Paris cho gần sở làm.
Bao năm tháng, hai vợ chồng Trọng Nghĩa - Hải Hà sống trong hạnh phúc tuyệt vời... Nhưng vẫn không có con !

*
Đầu mùa xuân Paris, năm 19... mà khí hậu có hôm vẫn còn lạnh buốt. Tuy vậy, hai bên lề đường đã có những cây ngô đồng lú nhú đâm chồi nẩy đọt...
Hải Hà nhìn đồng hồ đã hơn hai mươi giờ đêm mà chưa thấy chồng về, trong lòng hơi lo lo. Bất chợt tiếng chìa khóa mở cửa... Hải Hà vui lên, biết ý chồng mình thường thích uống si-rô bạc-hà pha với nước suối ‘’Vittel’’ khi về đến nhà. Nàng bưng ly nước màu xanh xanh để trên salon, miệng tươi cười, hỏi chồng :
- Chắc trong hãng có nhiều việc lắm, nên anh về trễ hơn mọi hôm phải không anh ?
Trọng Nghĩa nhìn vợ và cười cười, đưa tay kéo Hải Hà ngồi bên cạnh, vuốt tóc nàng và nói nhỏ nhẹ :
- Có chút vấn đề thôi. Anh xin lỗi em. Anh để cho em đợi. Vì anh không điện thoại về cho em hay.
Hải Hà đưa tay bụm miệng Trọng Nghĩa và ngả đầu vào ngực chàng :
- Em nào có bắt lỗi anh đâu. Nhưng lần sau, anh nhớ nhín chút thì giờ gọi điện thoại về nhà cho em hay là đủ rồi. Thấy anh về trễ, em hơi lo thôi.
Trọng Nghĩa ôm vợ và siết chặt vào lòng, nói :
- Rồi, anh hứa sẽ không để em chờ đợi và lo âu nữa.
Chàng hôn vợ thật mạnh :
- Nè, đền một cái, đền thêm cái nữa chịu hôn ?
Hải Hà cười sung sướng, rồi đứng lên đi ra sau bếp dọn cơm... Trong khi ăn cơm, Trọng Nghĩa nhìn vợ, lòng cảm thấy ray rức và tự hối : ‘’Giây phút ‘’cơn...lòng’’ nổi lên, mình không kềm chế được. Mình đã lỡ có con với Thùy Duyên rồi. Mình đâu có yêu nàng bằng yêu Hải Hà. Nhưng mình phải ráng cố gắng giữ kín không cho Hải Hà biết. Và mình cũng phải dàn xếp với Thùy Duyên, cho nàng tự biết nàng là kẻ đến sau. Bé Trọng Hậu mới chào đời mà đã gặp cảnh trái ngang rồi. Thật tội nghiệp cho cả ba người. Trời ơi ! Tội lỗi này là do chính tôi gây ra...’’. Hải Hà thấy chồng đang suy tư, nàng đưa ánh mắt hồn nhiên, hỏi chồng :
- Bộ trong hãng có chuyện gì quan trọng phải không anh ?
Trọng Nghĩa làm tĩnh :
- Thì em cũng biết mà. Việc làm trong sở đôi khi cũng phức tạp, rắc rối với các nhân viên dưới quyền anh. Anh... anh phải ở lại họp.
- Vậy, thì anh đổi hãng khác đi !
- Anh nghĩ, đi đâu cũng vậy thôi. Bộ em thấy anh lo hả ?
- Dạ.

*
Năm, tháng trôi qua, nay bé Trọng Hậu được năm tuổi. Một hôm Thùy Duyên chịu hết nổi cảnh không chồng mà có con. Nàng điện thoại hẹn với Trọng Nghĩa đến hãng ăn cơm trưa. Vừa ăn xong, Thùy Duyên đưa ra điều kiện :
- Anh mà không ly dị với vợ anh thì em sẽ bồng con đi biệt tích.
Trọng Nghĩa nghe Thùy Duyên nói thế, chàng nghe lòng đau như dao cắt ruột. Với bản chất đầy nhân hậu, cứng rắn và cương trực. Nhưng vì một phút yếu lòng nên bị Thùy Duyên gài bẩy cho dính có con. Bây giờ đứng trước một hoàn cảnh khó xử. Trọng Nghĩa nhìn thẳng vào mắt Thùy Duyên, nghiêm trang hỏi :
- Tại sao hôm nay em lại đổi ý vậy ? Anh đã nói với em nhiều lần rồi, là anh không bao giờ bỏ vợ anh được. Hải Hà là kẻ vô tội. Anh yêu nàng cũng như anh yêu em. Chính anh là kẻ có tội đây. Tội nghiệp nhứt là bé Trọng Hậu. Anh lo cho em và con đầy đủ mà.
Trọng Nghĩa ôm ngực và thở ra, nói tiếp :
- Cũng may là Hải Hà hiền lành và ngây thơ. Nàng không hề để ý hay kiểm soát tiền bạc trong công-băng. Anh mong em giữ lời hứa như buổi ban đầu đi.
Thùy Duyên không quên lời mình đã hứa. Nhưng vì quá cô đơn và đôi khi lửa ghen (ngược) không dập tắt được. Thùy Duyên ngồi khóc cho qua cơn đau khổ. Nàng chậm nước mắt, rồi gật đầu :
- Vâng ! Em xin lỗi anh. Em cố gắng giữ lời hứa.
Trọng Nghĩa nắm tay Thùy Duyên :
- Anh mang ơn em nhiều thứ ; em đã giữ gìn sự bình yên cho Hải Hà bao năm nay, và lo cho con chu đáo... Thôi, đến giờ anh vô sở, em về đi nha !
Thùy Duyên gạt lệ ra về, trong lòng mang bao nỗi niềm chua xót...

*
Đầu thập niên 1990, Trọng Nghĩa lo giấy tờ cho cha mẹ đoàn tụ sang Paris sống chung với vợ chồng chàng. Vài năm sau, buổi trưa đang làm việc trong hãng, bỗng nhiên Trọng Nghĩa lên cơn đau tim, chàng ngất xỉu, xe cứu cấp chở vô nhà thương... Sau đó được chữa khỏi. Trong những ngày nằm bệnh viện... Chàng cảm thấy mình bị nỗi sầu u uẩn, chẳng biết cùng ai để mà tâm sự ? Chàng ra khỏi bệnh viện nằm nhà dưỡng sức. Rồi một ngày thứ bảy đẹp trời, Hải Hà, vợ chàng được chị bạn tên Thương rủ đi dạo phố. Nhân dịp ấy, Trọng Nghĩa mời cha mẹ đi dùng cơm trưa ở một nhà hàng Tây ngoài khu phố Opéra để chàng tâm sự. Bữa cơm Tây soàn soàn vừa xong. Họ đi ra cà-phê ‘’La Paix’’ ngồi ngắm những người bộ hành qua lại. Trọng Nghĩa thấy cha mẹ đang vui vẻ, chàng lưỡng lự, rồi mở lời :
- Ba má à ! Con có tâm sự riêng, muốn nói cho ba má biết.
Ông bà Lý Trọng Nhân rất ngạc nhiên nhìn con, ông Nhân hỏi nhanh :
- Cái gì ? Con có tâm sự riêng tư hả ?
Bà Nhân cũng tiếp :
- Tâm sự gì ? Hãy nói cho ba má nghe đi. Chứ đừng để trong lòng mà sanh bệnh đó !
Bà Trọng Nhân nghi ngờ, nghĩ : ‘’Chết rồi ! Chắc vợ nó có mèo chuột gì đây ?’’. Bà nóng ruột quay sang khều vai con :
- Con nói đi. Nói cho ba má nghe coi !
Trọng Nghĩa cố trấn an tinh thần và nói :
- Con... con có một đứa con rơi !
Hai ông bà Trọng Nhân giựt mình. Ông Nhân hỏi :
- Trời ơi ! Con có con rơi ? Mà trai hay gái, mấy tuổi, tên gì ? Hiện giờ ở đâu ?
- Dạ, con trai, tên Trọng Hậu. Nay, cũng được hơn mười tuổi rồi ba má à ! Mẹ con của bé Hậu ở ngoài Nanterre.
Bà Nhân hỏi nhanh :
- Rồi, vợ con có hay biết chuyện này không ?
- Dạ, không.
Ông Trọng Nhân trách con :
- Trời ơi ! Con tạo ra cảnh khổ tùm lum rồi ! Vợ con là con nhà tử-tế, đẹp và hiền lành mà con còn đèo bồng chi cho rối rắm vậy Nghĩa ?
Trọng Nghĩa ngồi im lặng. Bà Nhân thấy con bị cha rầy. Bà liền đỡ lời cho con trai cưng :
- Thôi ông à ! Ông nhẹ lời với con một chút đi. Cái gì cũng do số trời và định mệnh khiến xui mà ông.
- Con biết con có lỗi má à !
Ông Trọng Nhân lắc đầu, than thở :
- Mấy đời trong giòng họ Lý Trọng chưa có ai lầm lỗi mấy chuyện này ! Mặc dù, ngày xưa ông nội con (Lý Trọng Từ) làm tới Quan-Huyện mà chẳng hề có vợ bé, vợ mọn gì hết. Nay tại sao con phạm lỗi chứ ?
Bà Nhân lấy tay vuốt vai chồng :
- Ông ! Sao ông cứ trách con mình hoài vậy ?
Ông Trọng Nhân có vẻ giận dữ :
- Hứ ! Phải còn ở bên nhà là tui bảo nó lên ván cúi xuống cho tui đánh mười roi rồi. Thiệt, tui thật xấu hổ với vong hồn vợ chồng anh Trương Độ Lượng quá đi. Nếu ông bà ấy mà còn sống chắc tui phải quỳ lạy xin lỗi họ rồi đó.
Trọng Nghĩa chẳng dám nói gì thêm. Bà Trọng Nhân an ủi con :
- Chuyện đã dĩ lỡ rồi, con đừng suy nghĩ nhiều mà bệnh tim của con tái phát là khổ hết cả đám nghe con !
Ông Trọng Nhân nghe vợ nhắc đến bệnh tình của con. Ông liền nhẹ giọng :
- Ba nghe chuyện của con bất ngờ quá, nên ba bị sốc chút thôi. Ba nói vậy, chứ ba không có trách hờn gì con đâu. Con đừng lo nghĩ nhiều mà hại sức khỏe. Mọi sự, ba má để cho con dàn xếp. Ba mong sao giữa con và Hải Hà được hạnh phúc êm đềm. Nhứt là đừng để cho vợ con hay biết chuyện này... Ý cha ! Thật, tội nghiệp cho Hải Hà, con dâu thảo của ba má, và vợ ngoan hiền của con ! Rồi thằng cháu nội của ba má phải chịu lênh đênh trên đời này ! Thiệt là khổ !
Trọng Nghĩa thở ra :
- Con rất cảm ơn ba má đã thông cảm và cho phép con nói ra hết. Con thấy lòng con được nhẹ bớt phần nào rồi.
Bà Nhân nghe lòng nôn nao, muốn gặp cháu nội đích-tôn, bà hỏi dò :
- Nè, hôm nào có dịp, dẫn cho ba má thấy mặt cháu nội coi nha con ?
Trọng Nghĩa lắc đầu :
- Chưa được đâu ba má à !
Ông Trọng Nhân thấy con trai mình buồn vì đang gặp tình cảnh trái ngang, ông an ủi con :
- Không sao. Chừng nào con cảm thấy được thì cho ba má gặp. Nhưng nhứt định là phải dấu kín với vợ con nha.
- Dạ, con cảm ơn ba. Thôi, mình về đi ba má !

*
Thắm thoát thời gian bay vèo qua bao năm, tháng. Hầu hết tất cả người Việt tỵ-nạn được an-cư lạc-nghiệp trên đất Pháp. Cha mẹ Trọng Nghĩa đã khá già và lần lượt qua đời. Trọng Nghĩa - Hải Hà vẫn sống trong hạnh phúc êm đềm.

Vừa bước qua thiên-niên-kỷ thứ ba. Vào đầu xuân..., Trọng Nghĩa bị bệnh đau tim trở lại. Lần này thì các bác sĩ đành bó tay. Chàng trút hơi thở cuối cùng vào một chiều xuân u ám và đầy mưa gió. Sau khi đám tang, hỏa thiêu hài cốt Trọng Nghĩa xong, Hải Hà ôm bình tro về nhà thờ phụng cho ấm lòng. Nàng thương tiếc người chồng bao năm mặn nồng thắm thiết. Đôi mắt nàng hay ướm lệ, và hằng ngày thường nhìn ảnh chồng trên bàn thờ, miệng thì thầm :‘’Suốt ba mươi năm, anh là người chồng chung thủy và thương yêu chỉ có một mình em. Nay anh nỡ bỏ em mà ra đi sớm. Nhưng trong tim em luôn luôn có hình bóng anh, như ngày anh còn sống. Em yêu anh mãi mãi. Và cảm ơn anh đã cho em những năm tháng hạnh phúc tuyệt vời...’’. Nhưng than ôi ! Nghiệt ngã, oái oăm đưa đến với người đàn bà hiền lành vô tội này...

Một buổi sáng đầu mùa hè, nắng vàng lóng lánh trên cỏ cây hoa lá. Hải Hà dẫn con chó nhỏ tên Vicky xuống nhà cho tiểu tiện. Nàng đi tà tà đến mở hộp thư, thấy có phong thư hơi dầy. Nàng gọi Vicky và dắt trở lên nhà nhanh để mở thư ra đọc. Vừa mở thư thì có vài tấm ảnh rớt ra. Nàng nhìn sơ và để qua một bên mà lo đọc lá thư :

Nanterre, ngày... tháng... năm ...

Thưa bà Lý Trọng Nghĩa,

Tôi tên là Lê Thị Thùy Duyên, mẹ của Lê Trọng Hậu. Trọng Hậu là con trai của Lý Trọng Nghĩa và tôi. Nay, Trọng Hậu được mười tám tuổi. Hậu được biết cha nó đã qua đời mấy tháng nay (...). Trọng Hậu nhờ tôi xin bà trao lại bình tro của cha nó để nó thờ phụng sau này (...). Kèm theo đây mấy tấm ảnh để chứng minh là sự thật. Mong bà không nỡ từ chối...
Kính chào bà
Lê Thị Thùy Duyên


Hải Hà vừa đọc xong thư và lấy mấy tấm ảnh nhìn xem, chợt thấy Trọng Nghĩa chụp chung với một cậu thanh niên giống y hệt chàng. Và một tấm chụp chung có người đàn bà xa lạ. Tay chân Hải Hà bủng rủng run lên, nước mắt tuôn trào nghẹn ngào muốn ngất xỉu. Nàng như kẻ chết ngồi. Mấy phút sau, nàng chợt nghĩ đến chị bạn tên Thương là người bạn thân nhứt đời. Hải Hà liền gọi điện thoại... Bà Thương, nay đã trên sáu mươi tuổi, không còn đi làm việc gì nữa mà chỉ ở nhà lo việc tu-tâm, đọc sách thôi. Bà xin được một phòng nho nhỏ trong chung-cư bình-dân ‘’HLM’’ ở gần Porte d’Italie quận 13 Paris. Buổi sáng bà hay nghe Kinh-kệ. Tiếng mõ chuông cóc cóc, beng beng... Thì tiếng chuông điện thoại reo vang, bà liền với tay tắt máy casette, rồi đi từ từ đến nhấc điện thoại, nói một giọng trầm tĩnh :
- A-lô ! Tôi nghe đây !
Tiếng nấc nghẹn ngào của Hải Hà bên đầu giây :
- Em đây, chị Thương ơi ! Cứu em, chị Thương ơi !
- Hải Hà đó hả ? Từ từ, chuyện đâu còn có đó. Hãy nói cho chị nghe đi.
Hải Hà cứ khóc, chớ không nói được gì. Bà Thương vẫn giữ giọng cũ :
- Em bị gì vậy Hà ? Hay là để chị chạy tới nhà em ?
- Dạ, chị tới nhà em liền đi. Em khổ quá chị ơi ! Chắc em chết mất chị ơi !
- Bình tĩnh, bình tĩnh. Nè, nghe lời chị, em rót một ly nước mát uống liền đi. Chị thay đồ xong là xuống Mê-trô đến nhà em liền. Chắc cỡ chừng bốn mươi lăm phút chị sẽ tới đó. Chờ chị, chớ đừng có đi đâu nghe hôn !
- Dạ, em đợi chị.

Trong khi nóng ruột chờ đợi bà Thương đến với mình, Hải Hà nhìn lên bàn thờ thấy ảnh của Trọng Nghĩa nhìn nàng như đang van xin, cầu khẩn vợ tha thứ... Hải Hà đứng dậy với tay lật úp tấm hình chồng cho khỏi thấy mặt. Vì trong lòng nàng đang ghen tức và đau khổ tột cùng. Thật, giữa đời ai học được chữ ngờ đây ? Người đời, khi có xẩy ra chuyện như trên thì thường hay nói để tự an ủi cho đỡ cơn tức giận : ‘’Ối, ở đời muôn sự của chung mà hơi đâu dành giựt !’’. Hoặc : ‘’Tiếc chi một nãy chuối xanh, năm bảy người dành cho mủ dính tay...’’. Nói thì dễ lắm, nhưng thực hành có nổi không đây ? Bởi chúng ta, ai ai cũng là Người-Ta, Tham-Sân-Si dày đặt trong tâm, chớ có phải Thánh-Thần gì đâu ! Nhưng đôi khi cũng có người được thoát ra ngã tăm tối ấy. Nhờ có tâm hồn rộng lượng, bao dung, tha thứ...?!

Tiếng nhận chuông làm con Vicky sủa rân lên, Hải Hà ra mở cửa. Vừa thấy bà Thương là nàng xỉu trong tay bà. Bà Thương dìu Hải Hà vào salon, giựt tóc và rải nước lên mặt nàng. Vài phút sau, Hải Hà tỉnh dậy, ôm bà Thương mà khóc nức nỡ. Bà Thương vuốt tóc Hải Hà và bằng một giọng trìu mến thương yêu :
- Em của chị, hãy bình tĩnh nói cho chị nghe chuyện gì làm em như thế này ?
Hải Hà nhìn bà Thương với ánh mắt long lanh đầy lệ rồi lấy tay chỉ :
- Kia kìa, chị hãy đọc thư và xem mấy tấm hình đi.
Bà Thương làm theo lời của Hải Hà. Bà với tay lấy thư đọc từ từ và xem mấy tấm hình. Bà thở ra, nói chậm rải :
- Đời là thế đó em à ! Thôi, để từ từ mình sẽ giải quyết. Bây giờ hai chị em mình đi ra ngoài ăn cơm nha !
- Làm sao em ăn nổi chị ?
- Phải đi ra ngoài để nhìn thấy trời-đất bao la, rồi mới tìm được những ý-nghĩ hay ho để giải quyết chuyện này.
- Giải quyết làm sao đây chị ?
- Thì đi với chị đi.
Hải Hà lưỡng lự, rồi gật đầu :
- Em nghe lời chị. Em chỉ còn có chị thương em thôi. Chớ người đời, sao em sợ quá rồi chị ơi !
- Em tin và thương chị mà nói vậy. Chớ ngoài đời cũng còn lắm kẻ hiền. Em đừng có quá bi quan. Thôi, mình đi. Chị nghe đói bụng rồi !
(... ...)
Bà Thương ở lại với Hải Hà mấy ngày liền để an ủi và giảng giải nhiều điều của kiếp con người cho nàng nghe. Bà thấy Hải Hà bớt khóc, bà giảng tiếp :
- Em cứ xem là chồng em chung thủy và luôn luôn yêu chỉ một mình em đi.‘’Mía sâu có khúc, nhà dột có nơi’’. Mía sâu khúc nào là mình chặt bỏ, giữ lại khúc mía tốt. Còn nhà dột nơi nào thì tránh né hoặc che đậy lại. Không lẽ nhà dột một chỗ rồi mình xô cho sập cả cái nhà sao ? ... Còn chuyện này, nay cậu Trọng Nghĩa đã mất rồi, xem hủ tro kia như là cát-bụi. Đưa cho họ quách cho rồi. Em chỉ giữ lại kỷ niệm trong ba mươi năm hạnh phúc đến ngày cậu Trọng Nghĩa chết. Còn bây giờ...
Hải Hà cướp lời bà Thương, nàng nói trong tiếng nấc nghẹn ngào :
- Còn bây giờ, em thù ghét ảnh lắm. Em thù ghét ảnh lắm chị ơi !
Bà Thương vẫn một giọng dịu dàng :
- Chị biết mà. Hễ thương yêu nhiều là thù ghét nhiều hà ! Nhưng chị hiểu tâm tánh của em. Em rất từ tâm rộng lượng. Em thường nói là, em thương hết thế gian, ai ai cũng thấy dễ thương mà ! Nay, vì chuyện riêng tư gia đình mà làm tâm hồn em trở nên thù hận. Theo chị thấy, em chỉ giận nhứt thời thôi. Chớ tánh em đâu phải như vậy !
Bà Thương chích được vào tâm của Hải Hà, làm lòng nàng vơi đi phần nào tức giận. Ánh mắt Hải Hà hơi sáng lên và nói :
- Em cảm ơn chị đã nhắc nhỡ em. Em thấy đỡ nhiều rồi chị Thương ơi !
- Vậy là em bớt thù chồng rồi hén ? Bây giờ chị đề nghị với em chuyện này. Nhưng cũng tùy ý em quyết định nha !
Hải Hà tươi tắn hơn chút và mìm cười :
- Đi ra ngoài đường nữa phải không ?
Bà Thương nói giễu giễu :
- Hết ra ngoài đường rồi. Mà là ở trong nhà... hà hà...
Hải Hà nhướng mắt lên :
- Trong nhà ! Làm gì trong nhà bây giờ đây chị ?
- Em hết nghe nặng ngực, hết thù chồng rồi chưa ? Nếu hết thì chị mới nói.
- Cái gì mà sao chị úp mở hoài vậy ?
- Muốn biết ý kiến của chị thiệt hén ? Chuẩn bị tinh thần nghe đây.
- Rồi, em chuẩn bị !
- Hôm nào em vui vẻ thật sự. Em viết thư mời hai mẹ con của cháu Trọng Hậu đến đây để giao hủ tro - cát bụi đó đi. Em nghĩ sao ?
Nước mắt Hải Hà lại ướm đọng bờ mi, nàng nói :
- Hiện bây giờ thì em chưa muốn.
- Chớ em đợi chừng nào ? Kìa, hình chồng của em, em úp xuống rồi. Chị ở đây mấy ngày mà có thấy em đốt nén nhang nào đâu !
Hải Hà nhìn lên bàn thờ quả thật như vậy. Nàng im lặng vài giây rồi nói :
- Tự nhiên em thấy hêt thương ảnh rồi chị ơi !
- Em đừng nói vậy mà tội nghiệp cho vong hồn cậu. Chị biết, hoàn cảnh khó xử của cậu Trọng Nghĩa. Chắc cậu bị lương tâm cắn rức dữ lắm. Cho nên mới bị đứt tim chết để trốn tránh nợ trần.
Ánh mắt bà Thương trở nên buồn. Bà nhìn ra cửa sổ, lắc đầu thở ra và nói tiếp :
- Thật ra, chị chưa biết Ai Khổ Hơn Ai ?
Hải Hà nghe bà Thương nói, nàng liền đứng dậy với tay dựng hình chồng lên và đốt nhang khấn vái : ‘’Em không còn giận hờn anh nữa. Em cầu cho anh sớm siêu thoát. Và em sẽ trao bình tro cho Trọng Hậu một ngày gần đây để anh được gần con. Vì trước sau gì em cũng theo anh. Hẹn anh trong cõi Hư-vô’’.
Bà Thương thấy Hải Hà xả bỏ những hờn ghen, tức giận. Bà nhìn trên gương mặt và ánh mắt của Hải Hà không còn chút phiền muộn. Bà nghe lòng nhẹ nhàng. Xem như bà đã làm được việc lành cho tha nhân. Từ đó, bà thường lui tới nhà Hải Hà và rủ nàng đi viếng những thắng cảnh lòng vòng gần thủ đô Paris, để biết thêm lịch-sử của nước Pháp.

Hải Hà hứa với bà Thương là, nàng sẽ chờ đúng một năm, ngày Trọng Nghĩa lìa đời. Nàng sẽ mời Thùy Duyên và Trọng Hậu đến nhà để làm giỗ giáp năm cho Trọng Nghĩa. Và, nàng xả tang chồng đồng thời trao cho Trọng Hậu hủ tro để thờ phụng cha cậu sau này.

(Ngoại-ô Paris- Bên bờ sông Seine, Bạch-Am, ngày 13-08-2002)
Việt Dương Nhân
#5 Posted : Tuesday, January 18, 2005 4:49:05 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Khối Tình Đơn

Thủ đô Paris, mùa hè năm 1977. Chiều hôm ấy, nhằm ngày thứ sáu, trời nóng oi bức, nắng vàng còn tỏa khắp nơi nơi. Đâu đâu người ta cũng thấy đủ các loại hoa đang khoe sắc màu rực rỡ. Nhứt là hoa hồng trồng trong những vườn hoa công cộng; Luxembourg, Tuileries..., Công-trường, hai bên lề đường và sân vườn chung-cư cũng như sân vườn nhà riêng dân chúng. Những du khách, người bộ hành dặt dìu đông đảo. Họ ăn mặc đơn sơ, trông giống như bên Sài-Gòn, thủ đô yêu dấu của quê hương chúng ta...
Lê Hữu Phúc, người đàn ông khoảng ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi, cựu Quân-Nhân trong Quân-Lực-Việt-Nam-Cộng-Hòa, tị-nạn trên đất Pháp hơn một năm nay. Hiện đang làm công-nhân cho hãng ráp xe hơi Renault. Chưa từng có vợ, con. Dáng vóc cao ráo, gương mặt chữ điền, hai gò má hơi cao và xương xương, nước da bánh-ích. Chàng mặc áo sơ-mi trắng ngắn tay có sọc nhuyễn màu tim tím, quần Jean màu xanh lợt hơi sờn bạc hai bên đầu gối. Sau khi hết giờ làm việc trong hãng, Phúc ra khỏi cổng, nghe lòng lâng lâng tràn ngập một niềm vui phấn khởi. Chàng bước đi như vội vàng xuống mê-trô... thẳng đến trạm Volontaire. Ra khỏi mê-trô, Phúc nghĩ : ''Mình đến nhà Lệ Lan với tay không hoài kỳ quá...''. Phúc liền đi ngược đường, ghé vô tiệm thịt mua nửa ký thịt bò, băng qua tiệm tạp-hóa Orient mua thêm một vỉ trứng gà, ba ký-lô giá, bịt ớt, một hộp củ kiệu và gói tôm khô, Phúc đến kết trả tiền xong, chàng băng qua tiệm ''Rệp'' xách luôn hai thùng bia Heineken. Phúc đi nhanh vào cư-xá "Résidence-Pasteur", vô thang máy bấm nút lên từng lầu thứ 5. Phúc vuốt tóc, sửa áo, quần cho ngay ngắn, chuẩn bị tinh thần rồi đưa tay bấm chuông. Lệ Lan nghe tiếng chuông, nàng chạy ra mở cửa, miệng tươi cười :
- Ủa, anh Phúc ! Mua gì giữ vậy ? Còn anh Bằng, anh Trực đâu không đến chung với anh hôm nay ?
- Chút nữa, tụi nó sẽ ghé lại đây, mà bữa nay có thêm vợ chồng Tuấn và Trang nữa.
Phúc đưa ngón tay chỉ mấy xách và nói tiếp :
- Còn cái này. Sẵn tiệm "Orient" gần đây, anh ghé mua mấy thứ này, nhờ Lệ Lan làm bếp, ăn chung cho vui. Chớ ăn uống hoài nhà Lệ Lan, tụi này cũng ngại.
Lệ Lan tươi cười :
- Có cả Tuấn và Trang nữa. Cha, vui à nghe. Nè, sao anh khách sáo quá. Các anh đến đây chơi là Lệ Lan vui rồi. Còn bày đặt mua này, mua nọ. Lần sau đừng mua nữa nha. Nếu mua nữa là Lệ Lan giận à.
Phúc đưa ánh mắt trìu mến nhìn Lệ Lan :
- Được rồi, mai mốt sẽ tính sau người đẹp ơi !
Lệ Lan né qua một bên cho Phúc đem mấy xách đồ ăn vô bếp. Phúc tự nhiên xem như nhà mình. Chàng để mấy xách lên bàn nhỏ, rồi mở thùng bia lấy từng chai bỏ vào tủ lạnh. Lệ Lan đi vo gạo nấu cơm và bắt nước luột cả chục trứng gà, rửa giá, xắt thịt bò. Phúc đứng xớ rớ ngắm nhìn Lệ Lan làm bếp. Lệ Lan quay sang nói :
- Chiều nay thực đơn; ăn cơm với giá xào thịt bò, trứng gà luộc dằm nước mắm tỏi ớt và nhậu bia hén !
Phúc nghe đói bụng. Chàng hít hà và nói :
- Tuyệt vời ! Cha, không biết tụi quỉ có đến sớm được không đây ? Anh đói bụng quá Lệ Lan ơi ! Để anh trộn tôm khô, củ kiệu trước, chút nữa tụi nó lại nhắm lai rai.
Phúc vừa dứt lời thì có tiếng nhận chuông. Lệ Lan bảo :
- Rồi, chắc các anh ấy tới đó. Anh Phúc làm ơn ra mở cửa dùm Lan đi.
Quả thật như Lệ Lan nghĩ. Bằng, Trực và vợ chồng Tuấn - Trang đến. Bằng xách con gà thật lớn, Trực xách một bắp cải nồi và bó rau răm. Còn vợ chồng Tuấn thì đem vài chai Sô-da và một chai Cognac Remy-Martin. Họ chuẩn bị cho ăn nhậu về khuya.
Trang phụ Lệ Lan dưới bếp. Còn Phúc, Bằng, Trực và Tuấn mỗi người mỗi chai bia ngồi salon nhậu với cũ kiệu và tôm khô. Nấu cơm xong, họ cùng nhau phụ dọn lên bàn trên. Ngồi vào bàn, ăn uống trong không khí thân mật vui vẻ. Sau khi ăn cơm xong, các chàng cùng phụ dọn chén bát xuống bếp. Phúc ga-lăng lãnh phần rửa chén dùm hai người đẹp. Bằng thì đi kiếm bộ bài cào để đánh xì-phé. Lệ Lan ra điều kiện :
- Nè, mình đánh xì-phé, đi đầu ít nhứt năm centimes, còn tố thì không quá năm quan nha !
Bằng có vẻ không bằng lòng, nhăn nhăn mặt làm như ông chủ nhà và cằn nhằn :
- Chơi xì-phé mà không cho tố táp-bi thì chán thấy mồ.
Trang đã sẵn không mấy gì ưa Bằng, nàng liếc mắt thật bén trả lời :
- Nếu anh không thích thì đi chỗ khác để cho tụi này chơi.
Tuấn sửa lưng vợ :
- Em sao kỳ quá ! Nói vậy không sợ anh Bằng giận à !
Phúc xen vô nói giỡn :
- Thằng Bằng mà giận ai.
Trực cũng tiếp :
- Nhìn cái mặt nó dầy mo, chai cứng. Sức mấy mà nó biết giận.
Lệ Lan rất tự nhiên, cười hí hởn :
- Thôi, đừng có tranh cãi nữa. Mình sát phạt nhau đi chứ !
Ngồi chơi phé một hồi, Lệ Lan thấy các chai bia đã cạn, nàng đứng lên đi ra sau bếp lấy thêm. Thừa cơ hội Lệ Lan vắng mặt, Bằng quay sang nói nhỏ với Phúc :
- Ê, Phúc ! Mầy nhường Lệ Lan cho tao nha !
Phúc thở ra và nói cái giọng chán chường :
- Ừa, nhường thì nhường. Theo tao thấy Lệ Lan chẳng để ý tới ai.
Trực và vợ chồng Tuấn - Trang nhìn Phúc và Bằng, họ cười cười. Bằng nhìn Trực :
- Mầy cũng để nàng cho tao nghe Trực !
Trực lắc đầu cười :
- Ừa, thì mầy trổ tài cua nàng cho tụi này coi chơi.
Lệ Lan trở lên, trên tay cầm ba, bốn chai bia. Tất cả nhìn Lệ Lan, họ đồng cười. Lệ Lan chau mày và hỏi :
- Chắc các anh nói xấu gì Lệ Lan phải không ?
Lệ Lan vừa hỏi xong, nàng vô ý vấp chân làm rớt bể một chai bia bọt xịt lên văng tứ tung...
Gần như mỗi cuối tuần những người bạn ấy đều tụ họp lại nhà Lệ Lan để ăn, uống và kéo xì-phé đến chừng nào ai mệt thì tự tiện đi ngủ. Nhờ căn appartement của Lệ Lan khá rộng và nhiều phòng. Chẳng phải Lệ Lan giàu có gì, mà nàng nhờ có ông chồng khá giả. Nhưng nay thì ông có người khác, nên hai vợ chồng đang trong thời kỳ ly thân. Chồng Lệ Lan đã dọn ra ở riêng mấy tháng nay...
Sau sáu tháng, Lệ Lan và chồng ly dị, rồi bán nhà chia đôi, nàng đi mua căn nhà khác nhỏ hơn. Cuối cùng, Bằng chinh phục được trái tim Lệ Lan. Thời gian rất ngắn, Bằng dọn về sống chung với nàng. Bằng lật ngược thế cờ, chàng không cho Lệ Lan giao thiệp với ai. Bạn bè bắt đầu xa lánh Lệ Lan, vì tâm tánh của Bằng quá ích kỹ và ghen bóng ghen gió với bất cứ ai có vẻ thân thiện với Lệ Lan.
Nhân dịp đúng ba năm Quốc-Hận 1978, Bằng thấy Lệ Lan đi quyên góp tiền bạc để đưa cho anh em trong cộng-đồng có đủ phương tiện lo việc biểu tình và còn dư chút đỉnh mua bánh kẹo đem vào trại tạm-cư phân phát cho trẻ em. Bằng nổi lòng ganh và tham lam, bèn lên giọng mắng Lệ Lan :
- Em làm như ta đây, đi ăn mày xin tiền làm Đại-Nghĩa. Để cho người ta khen em là yêu nước, thương nòi, là nhân-đạo... Anh cũng khổ nè. Đưa cho anh xài...
Lệ Lan nhìn Bằng với ánh mắt khinh bỉ, nàng trả lời :
- Thật, em không ngờ, anh là con người không có trái tim. Anh có việc làm đàng hoàng, dù lãnh lương tối thiểu "Smic". Còn được ở trong nhà em, quần áo tươm tất và sạch sẽ, trong nhà thì có đầy đủ tiện nghi... Sao anh không nhỏ chút tình thương đồng-bào ruột thịt của mình ? (...)
Từ cuộc cãi vã đó, Lệ Lan bắt đầu bực mình, và tình yêu cũng giảm dần với Bằng.
Đã trót mang tâm hồn nghệ sĩ, Lệ Lan rất nhạy cảm và dễ xúc động. Nàng không thể an phận làm ngơ phó mặc cho đồng-bào sống sao cũng được. Vì hiểm họa Cộng-sản, dân mình bị đàn áp nên phải vượt biển trốn chạy. Chớ có ai mà muốn bỏ xứ ra đi bao giờ ? Mặc dù được chánh phủ Pháp cho tị-nạn sống trong trại, nhưng cũng tù túng, ra vào phải đúng giờ, mất bớt phần nào tự-do. Dù sao đi nữa, Lệ Lan cũng sung sướng hơn đồng-bào ở trong trại nhiều, nên lòng nàng không yên được. Hơn nữa, đồng-bào mới đặt chân trên xứ lạ quê người. Tất cả đều khao khát được nghe và xem lại những buổi trình diễn văn-nghệ tự-do. Nhứt là bộ môn cải lương đặc biệt của miền Nam Việt Nam. Lệ Lan được ông soạn giả Tr. Tr. Q. mời đóng tuồng cùng với một số nghệ-sĩ chuyên nghiệp và nghệ sĩ mới vào nghề. Đồng thời ông soạn giả đặt tên cho Lệ Lan là Kiều Lệ Lan. Từ dạo đó, Lệ Lan nhập cuộc và thường xuyên đi hát các tỉnh và đi tập tuồng về khuya... Bằng ghen tương, không bằng lòng cho Lệ Lan đi ca hát. Sau đó, hai người thường gây lộn và đi đến dứt khoát...
Phúc được biết giữa Lệ Lan và Bằng đã đoạn tuyệt với nhau. Chàng muốn thố lộ lòng mình cho Lệ Lan biết. Nhưng chàng cảm thấy Lệ Lan không để ý đến mình. Phúc đành ôm khối tình đơn phương mà câm lặng...
Thời gian vụt bay như bóng câu qua cửa. Ai cũng gặp nhiều cảnh thăng trầm, chìm nổi, vật đổi, sao dời.

Thắm thoát mà đã hai mươi lăm năm...

Giữa tháng sáu cuối mùa xuân, sắp sang hè mà có hôm nóng trên ba mươi độ. Đã hơn nửa đêm, nhà hàng ''Au-Vieux-Sàigòn'' nằm trên đại-lộ Ivry khu phố-quận 13 Paris. Tất cả thực khách và nhân viên đều ra về, ngoại trừ còn lại ông chủ và ông khách tên Phúc. Ông chủ lo tính sổ, còn ông Phúc ngồi nhậu lẻ loi nơi góc bàn tuốt bên trong. Vì mấy người bạn của ông đã bỏ ra về tự nãy giờ. Trên gương mặt ông mệt mỏi, vì men rượu đã thắm ngà ngà say, ánh mắt lừ đừ, trĩu nặng, đầu gục gật, miệng lảm nhảm ngâm thơ :

Trời đêm lặng lẻ bóng cô liêu
Mà nghe tiếng vọng của tình yêu
Chợt hiện bóng người chiều xưa ấy
Nghe lòng thổn thức, buồn thiểu thiu

Những tưởng hết rồi chuyện yêu đương
Sao còn ôm ấp nỗi nhớ thương ?
Trong tim nghe sóng tình vương vướng
Một bóng người xưa tóc thoảng hương

Thật đúng là kẻ đang say rượu lẫn say tình. Phúc bưng ly rượu hớp mấy hớp cạn ly rồi ngâm thơ tiếp :

''Em ơi, lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai ?*''
Xin mượn rượu này cho có bạn,
Mà rượu cạn rồi, ai rót đây ?

Ngâm thơ xong, Phúc tự thét trong lòng : ''Trời ơi ! Tại sao tôi không thể quên được Lệ Lan !''. Phúc ngả đầu vào tường, ánh mắt buồn buồn nhìn lên trần nhà, trong đầu chàng lóe lên bao kỷ niệm xa xưa ồ ạt trở về như cuốn phim quay chầm chậm. Vài phút sau, Phúc nhắm nghiền đôi mắt...

... Phúc và Lệ Lan tay đan tay bên nhau, âu yếm đi trên bãi Dứa (Vũng Tàu) dưới ánh nắng chiều vàng rực. Hai người dìu nhau đi tà tà như cặp tình nhân còn trẻ. Bỗng Lệ Lan nhõng nhẻo, nói :
- Anh Phúc ơi ! Lan khát nước quá hà !
Phúc nhìn dáo dác không thấy quán nước nào gần đó cả. Vài phút sau, chàng sực nhớ phía bên bãi Nước-Ngọt có quán ăn nhậu. Phúc quay sang nhìn Lệ Lan và nói :
- Ở trên kia có quán Cây-Còn. Mình đến đó uống nước và ăn chút gì nghe cưng !
Lệ Lan nghe cái tên quán ngộ ngộ. Nàng hỏi nhanh :
- Quán ''Cây Còn'' tên ngộ quá ha ?
- Em biết ''Cây Còn'' là gì không ?
- Dạ, không.
- ''Cây Còn'', nói lái lại là ''Con Cầy'' đó.
Lệ Lan lõ hai con mắt tròn vo :
- Trời đất ơi ! Ở đó người ta bán thịt ấy sao ?
- Chỉ có mấy ông nhậu ăn thôi. Em không thích thì em ăn món khác. Thôi mình đi em ơi !
Hai người vừa tới trước cửa quán thì bị một bầy chó; lớn, nhỏ, đủ loại, nào là chó mực, chó phèn, chó cò... Chúng nó hùa nhau sủa rân trời và nhảy ùa ra rượt hai người chạy hụt hơi...
Phúc giật mình, tỉnh dậy : ''Trời ơi ! Tôi nằm mơ rồi !''. Phúc nhướng mắt nhìn ra thấy ông chủ nhà hàng đang cặm cụi làm sổ sách ngoài kết-xe, Phúc hỏi lớn :
- Ông chủ ơi ! Ông đóng cửa chưa ?
Ông Trúc, chủ nhà hàng ngẩng đầu lên, miệng tươi cười :
- Chưa. Anh cứ tự nhiên, tôi còn đợi người ta lại dọn dẹp, lau chùi. Nè, anh gọi tôi bằng anh đi chớ kêu ông chủ hoài kỳ quá !
Phúc đứng dậy, đi loạng choạng ra ngoài, đến gần Trúc, ngập ngừng hỏi :
- Chắc tuổi anh năm nay cũng cỡ sáu chục rồi chứ ?
Trúc mỉm cười :
- Đúng đó. Còn anh ?
- Có thua gì tuổi của anh đâu ! Mà sao con tim của tôi nó cứ trẻ hoài vậy anh ?
Trúc dẹp giấy tờ vô tủ, đứng khoanh tay, mỉm cười nhìn Phúc và nói :
- Chắc anh đang bị lửa tình đốt cháy tim lòng rồi phải không ?
Phúc gật gật đầu :
- Anh đoán hay quá. Hình bóng của người ấy cứ nhảy múa trong tim óc tôi hoài anh Trúc ơi !
- Người ấy là ai ? Mà anh nặng tình quá vậy ? Còn Bà-Xả anh đâu rồi ?
- Bà-Xả ! Tôi với bả ly thân mấy năm nay. Anh đừng nhắc tới gia đình tôi, nghe chán đời thêm. Bây giờ, vấn đề quan trọng là con tim. Vì hình bóng người yêu xưa cứ chập chờn mãi trong tâm hồn tôi... Nè, anh có biết yêu bao giờ chưa ?
Trúc lắc đầu và cười :
- Ở đời, ai mà không trải qua chuyện tình ái khi còn trẻ anh. Nhưng bây giờ tôi chỉ lo làm ăn để nuôi cho các con học hành. Tại tôi lập gia đình trễ nên phải gặp cảnh cha già con muộn, còn thì giờ đâu mà yêu đương nữa đây ?
- Thật khá khen anh. Còn tôi thì khác...
Ông Trúc thông cảm nỗi lòng của Phúc, ông nói nhanh :
- Tại tâm hồn anh quá nghệ-sĩ tính nên con tim dễ nhạy cảm và xúc động rồi gởi hồn cuốn hút theo gió đa tình, mây lãng mạn... Tôi thường nghe anh ngâm mấy câu thơ của ai mà nghe hay quá. Tôi muốn nghe anh ngâm lại được không ?
Phúc nghe ông Trúc khen, chàng tươi cười và nói :
- Sẵn sàng ngâm hai câu thơ bất hủ của Cố Thi Sĩ Hàn Mặc Tử đây :

''Trăng nằm sóng soải trên cành liễu.
Đợi gió đông về để lã lơi''.

Ông Trúc vỗ tay, cười và nói :
- Theo tôi thấy, kể từ bây giờ, anh nên làm trăng đợi gió đông về... đi. Mà hỏi thiệt với anh nha. Người yêu của anh là bà nào vậy ? Tôi có biết không ?
- Chẳng những anh biết mà còn rất nhiều người biết nữa.
- Ủa, ai vậy cà ?
- Nữ nghệ-sĩ có mái tóc đã pha sương, là cô đào cải lương Kiều Lệ Lan đó !
- Hả ! Kiều Lệ Lan ? Tôi thường gọi cô ấy là Lệ Lan. Chỗ quen biết quá. Cô tới nhà hàng tôi thường lắm. Mà cô còn là người cùng quê quán với tôi nữa đó. Tôi xem cô như em gái của tôi.
- Vậy à ! Tôi gặp lại nàng mấy ngày trước ở đây.
- Ừa, đúng rồi. Bữa hôm tôi thấy anh có qua bàn nói chuyện với Lệ Lan mà.
- Đến chào hỏi với nàng vài ba câu. Vì lâu quá không gặp.
- Sao anh không nói gì với Lệ Lan hết vậy ? Cha, tôi thấy anh bệnh tương tư nặng rồi đó.
- Nói tương tư thì chẳng phải là đúng. Tôi đâu có dám nói gì. Bởi vậy, hỗm rày trong lòng tôi khơi lại chuyện tôi yêu Lệ Lan ngày xưa. Tôi yêu nàng mà không dám nói. Rồi thằng Bằng, bạn tôi cũng mê cô, nó năn nỉ, bảo tôi nhường cho nó.
- Trời ơi ! Tình yêu mà sao anh nhường ?
- Bởi vậy, tôi mới thật là thằng ngu. Nên bây giờ cứ nghe lòng tức tức hoài. Gặp nàng mấy ngày trước, rồi nghe con tim tôi lên ‘’cơn điên tình’’ trở lại.
- Theo kinh nghiệm đời, tôi biết. Tôi nghĩ, anh yêu Lệ Lan không đủ đô, không đủ mạnh. Gặp tôi, còn lâu tôi mới nhường.
Phúc đưa tay lên vuốt mặt và cười :
- Anh giỏi hơn tôi. Còn tôi thì nhát. Vì lúc ấy, nàng đẹp và sang trọng lắm. Còn tôi là một thằng cu-li, thợ ráp xe hơi thôi.
- Bây giờ, anh là ông chủ có salon bán xe hơi, ngon lành quá mà còn nhát hoài sao ? Vã lại, Lệ Lan như hoa về chiều rồi. Đâu còn đẹp và sang như xưa nữa ?
- Đối với tôi thì nàng vẫn như xưa. Trời ơi ! Không có ai hiều nổi lòng tôi. Khi yêu là lên cơn nhát hà.
- Thật là vô lý. Yêu mà còn mang mặc cảm, nhát gan. Yêu người đẹp, rồi lại nhường cho bạn. Nè, mà hồi đó bạn anh làm nghề gì ?
- Cũng đồng nghề nghiệp như tôi thôi.
- Thì mắc gì anh phải nhường ?
- Bởi vậy mới có chuyện để kể với anh đêm nay. Thành thật cảm ơn anh đã nghe tôi trút bầu tâm sự. Thôi, khuya rồi, tôi về nha anh Trúc. Mà này, chừng nào Lệ Lan lại đây ăn cơm, anh nhớ gọi cho tôi hay nha !
- Để tôi cho anh số điện thoại của cô. Có gì thì anh gọi mời cô đi chơi. Hình như tôi nghe Lệ Lan nói, trưa thứ bảy tới, văn-nghệ-sĩ của mình tại Paris có tổ chức buổi Văn-Học Nghệ-Thuật tại nhà hàng ''Chiều-Tím''. Nghe đâu có nhiều văn-nghệ-sĩ từ bên Mỹ và Na-Uy qua dự nữa. Và có văn-nghệ giúp vui, chắc sẽ vui lắm. Sẵn cơ hội này, anh gọi điện thoại cho Lệ Lan. Anh làm bộ hỏi thể thức đóng góp ra sao khi muốn tham dự. Văn-thơ của anh cũng lưu loát lắm mà.
Phúc nghe ông Trúc nói thế, trong lòng chàng cũng nao nức muốn làm theo. Nhưng tại cái bệnh nhát gan như thuở nào. Phúc mỉm cười và lắc đầu :
- Trời ơi ! Kỳ quá ! Ai mà dám gọi nàng ! Rủi nàng có ông nào thì chết toi tôi đó.
Ông Trúc có vẻ hơi mệt, nhưng vẫn chìu ông khách đang buồn vì tình, ông nhìn Phúc :
- Thiệt, anh này sao mà nhát quá. Theo tôi biết là hiện tại Lệ Lan không có ai đâu. Từ ngày cô ly dị chồng xong, sau đó có cặp bồ vài ba ông nữa, rồi cũng dang dở. Tâm hồn nghệ-sĩ, cô thích sống tự do, nhưng gặp ông nào cũng không thông cảm, mà toàn là mấy ông có tâm tánh hẹp hòi, máu ghen cao độ thôi. Riết rồi cô chán nãn nên chẳng dám nhìn ai.
- Thì hồi xưa, thằng Bằng, bạn tôi cặp bồ, sống chung với Lệ Lan được đâu gần một năm. Cũng vì máu ghen quá độ rồi nói những lời thô lỗ, bậy bạ giữa bàn tiệc có đông người. Hôm ấy, sau khi tàn tiệc, về nhà, Lệ Lan nói dứt khoát với nó liền. Làm nó không kịp trối trăn, từ giã. Rồi mấy tháng sau đó, nó buồn tình, bèn lo giấy tờ đoàn tụ với anh nó, bay qua Mỹ từ đó tới nay.
- Chuyện đời của Lệ Lan, cô hay kể cho vợ chồng tôi nghe. Tôi xem cô như người trong gia đình. Tâm tánh của Lệ Lan thẳng thắn, dứt khoát lắm. Anh còn thích Lệ Lan thì anh cứ nói thẳng với cổ đi, có gì mà anh mắc cỡ.
Đôi mắt Phúc lim dim, chớp chớp, như chàng trai mới lớn lên. Phúc lắc đầu :
- Thôi, mắc cỡ quá anh ơi ! Ừa, tại sao tôi cứ nhát hoài hén ! Vì thế mà bị thằng bạn vớt người yêu. Sau mấy mươi năm gặp lại, bây giờ nàng đi một mình mà cũng chẳng dám hé môi.
- Bây giờ tất cả đều già, trên đầu đã hai thứ tóc rồi mà anh còn mắc cỡ nữa sao ?
- Thể xác già, chứ tình yêu đâu có già anh. Tôi thấy vẫn còn trẻ mãi đó anh Trúc ơi !.
- Đúng rồi, trái tim không có tuổi hén ! Vậy thì anh cứ yêu đi. ‘’Tình chỉ đẹp khi còn dang dở’’ hà hà...
- Cha, anh cũng văn-thơ dữ nghe.
- Tôi biết chút chút thôi.
Phúc nhìn đồng hồ đã hơn hai giờ khuya. Chàng đưa tay bắt tay ông Trúc và nói :
- Thôi, chào anh, tôi đi về, khuya quá rồi. Chứ đứng đây nói hoài đến sáng cũng chưa hết chuyện tình của tôi...
Phúc nghe lòng vấn vương trĩu nặng. Chàng liền xoay lại làm bộ gãi đầu và hơi ngượng ngùn hỏi ông Trúc :
- Anh Trúc ! Anh làm ơn cho tôi xin số điện thoại của Lệ Lan nha !
Trúc vui lên vừa viết vừa nói :
- Được, được... Sẵn sàng... Nè, số điện thoại của Lệ Lan đây. Anh ráng can đảm gọi cô nha !
- Cảm ơn anh nhiều. Bây giờ tôi về thiệt đây. Chào anh lần nữa và cảm ơn anh.
- Được rồi. Chúc anh về bình yên, ngủ ngon và mơ nàng Kiều Lệ Lan nha !

Phúc rời khỏi nhà hàng ''Au-Vieux-Sàigòn'', đôi chân nặng nề bước chầm chậm tới chiếc xe hiệu Renault màu xanh đậm. Chàng tra chìa khóa mở cửa lên ngồi, kéo điếu thuốc lá, châm lửa hít vài hơi phì phà khói mà lặng im.
Trời về khuya, ngoài đường vắng người, thỉnh thoảng có một hai chiếc xe chạy vụt qua, Phúc ngẩng mặt nhìn lên bầu trời xanh biếc có muôn ngàn vì sao lấp lánh. Chàng nói lảm nhảm :''Trời đất bao la, mưa nắng, nóng lạnh thay đổi bất thường. Còn lòng người sâu thẳm, trắng-đen ai rõ, trong-đục ai tường ? Tâm-ý như vượn nhảy, khỉ chuyền cây, chẳng bao giờ đứng yên một chỗ. Mới hôm nào lòng mình yên lặng, chẳng nghĩ gì ngoài công việc buôn bán xe hơi hằng ngày. Rồi từ cái đêm gặp lại Lệ Lan, con tim mình giao động như giông bão vọng về. Có phải chăng mình vẫn còn yêu Lệ Lan ? Trời ơi ! Yêu nàng mà chẳng bao giờ mình thấy nàng để ý hay có cử chỉ yêu mình ! Nhưng nàng có biết mình yêu nàng không đây ? Không lẽ mình phải câm lặng như thuở xưa sao ? Không. Không thể được ! Kỳ này mình phải can đảm nói hết cho nàng biết mới được !''... Ngồi trong xe suy nghĩ bâng quơ một hồi, Phúc đề máy xe, trực chỉ chạy về phía phi trường Orly...

Phúc tra chìa khóa mở cửa vô nhà, rồi đến canapé nằm dài ngoài phòng khách, châm thuốc hút liên miên. Phúc giựt mình tự nhủ :''Mình cũng đã già rồi chứ ! Năm tới này, mình sáu mươi tuổi rồi. Sao trái tim mình mềm yếu như thế này. Mình muốn đi dự văn-nghệ, hy vọng có thể mình gặp được Lệ Lan. Nhưng đi một mình kỳ quá ! à, mình rủ thằng Tài đi theo, không biết nó có rãnh không đây ?''. Phúc ngồi dậy đi tắm và mặc bộ bi-jam-ma rồi lên giường nằm thao thức mà không ngủ được. Chàng trở ra salon, nhấc điện thoại quay đánh thức Tài nửa đêm .
Tiếng chuông reo, làm Tài giựtt mình thức dậy, miệng lẩm bẩm chửi : ''Mẹ tổ cha đứa nào phá đây ?''. Tài nhấc điện thoại, hỏi cộc lốc :
- Đứa nào gọi phá tao phải không ?
Tiếng cười bên đầu giây :
- Tao. Phúc đây, Tài ơi !
- Trời đất ! Bộ mầy điên hả Phúc ? Mầy biết mấy giờ rồi không ?
- Ối, mới có ba giờ rưởi hà ! Tao có chuyện cần nên gọi hỏi mầy cái này.
- Chuyện gì thì mầy cũng để sáng mai. Chớ có đâu mầy dựng đầu tao dậy nửa đêm như vầy nè !
- Xin lỗi mầy. Tại tao ngủ không được.
- Rồi, chuyện gì, nói đi thằng quỉ sống.
- Thứ bảy này, mầy có rảnh đi xem văn-nghệ với tao không ?
- Chỉ có vậy thôi hả ? ... Ý, không được đâu ! Thứ bảy này tao kẹt rồi.
- Kẹt ! Mà kẹt gì ? Cha, chắc có bà nào rồi hén ?
- Lẽ đương nhiên. Tại có mấy người bạn mời đi dự văn-thơ chung.
Phúc ngạc nhiên :
- Ở đâu ? Có phải nhà hàng ''Chiều Tím'' không ?
- Ừa. Đúng rồi. Mầy biết hả Phúc ?
- Vậy thì tao sẽ đi chung với mầy.
- Để hỏi lại nàng coi còn chỗ không nha.
- Nàng ! Nàng nào vậy, tên gì ?
- Hì hì... Kiều Lệ Lan. Mầy biết nàng mà !
Phúc nghe trong người nóng bừng bừng và hai lỗ tai lùng bùng, chàng hỏi nhanh :
- Trời ơi ! Kiều Lệ Lan ! Mầy thân với nàng lắm không ?
Tài cười hí hỡn :
- Thân lắm lắm. Mà cái gì mầy kêu trời dữ vậy ?
Phúc lưỡng lự, rồi nói một giọng yếu xìu :
- Chắc ở đó hết chỗ cho tao rồi mầy ơi !
- Thì để tao hỏi lại xem.
- Thôi, khỏi. Tao không đi đâu Tài à !
- Trời đất ! Sao mầy xoay 180 độ liền vậy ?
- Thôi, tao buồn ngủ quá rồi. Hẹn mầy hôm khác nha !
- Mầy không chịu đi thiệt hén !
- Dứt khoát là không đi. A-lê, thôi, tao đi ngủ.
- Tao cũng vậy.
Sau khi nói chuyện với Tài xong, Phúc ngồi im lặng mà nghe tim đau nhói như ngàn mủi kim đâm vào. Chàng ôm đầu và nghĩ : ''Âu cũng là số mệnh ! Cũng bởi tại mình chẳng duyên, không nợ với nàng. Vậy thì hãy xem chuyện mình yêu Lệ Lan như gió thoảng, mây bay cho rồi. Vì bây giờ nàng có Tài. Mà thằng Tài là bạn thân của mình, bắt buộc mình phải quên nàng. Mình đành câm nín cho xong''. Phúc nghĩ ngợi một hồi, rồi chàng đến bàn giấy ngồi viết cho Lệ Lan một lá thư thật dài. Viết xong, Phúc đọc lại, lắc đầu. Trong lòng còn lấp đầy hình bóng Lệ Lan. Phúc thẩn thờ làm kẻ thất tình, rồi chàng hạ bút làm một bài thơ cho vơi nỗi niềm tâm sự :

Vừa viết cho em lá thư dài,
Nghe lòng vẫn nhớ bóng hình ai.
Làm sao bôi xóa chiều xưa ấy ?
Đã lỡ yêu rồi ngậm đắng cay.
Lời thư chẳng nói câu tình ái,
Anh viết thật dài như kẻ say.
Bao giờ thư đến tay em hỡi !
Hay mãi một đời chẳng gởi đây ?
Tình đơn ôm ắp em nào thấy,
Chẳng duyên, không nợ buồn lắm thay !
Con tim cứ mãi đòi gặp mặt,
Cho đỡ nhớ nhung những tháng ngày.
Thôi thì...
Hẹn em kiếp sau anh sẽ nói,
Kiếp này đành ôm khối tình đơn !!


Việt Dương Nhân
(Ngoại-ô Paris, bên bờ sông Seine, đêm vào hạ 21-06-2002)
_____________
(*) thơ Vũ Hoàng Chương
Việt Dương Nhân
#6 Posted : Tuesday, January 18, 2005 5:07:10 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Đàn Chim Việt

Căn nhà nho nhỏ vừa sửa chữa, sơn phết lại màu xanh nước biển, có gác suốt, vách ván, mái lợp tôn, sàn lót gạch bông, có sân nhỏ trán xi-măn chừng bốn năm thước vuông, bên góc tay trái có giàn bông giấy tàng to lớn, hoa nở rộ màu hồng-đỏ rực rở. Căn nhà nằm trong hẻm khá rộng, xe hơi vô được, ở cuôi đường Hưng-Phú gần lò heo Chánh-Hưng, thuộc quận 8 (Sài-gòn), do bà góa phụ Nguyễn Quốc Việt làm chủ. Nơi đây, bà Việt sống một mình gần bốn mươi năm qua. Tuổi bà đã hơn tám mươi mà tâm trí vẫn còn sáng suốt, da mặt không nhăn nheo và cũng không trỗ đồi mồi. Nhưng đi đứng thì có phần chậm chạp, đôi mắt hơi yếu, răng rụng sạch bách, đầu cạo trọc lóc, ăn mặc như mấy bà vãi tu ở trong chùa. Nhưng bà không chay trường, mà chỉ ăn chay tám ngày mỗi tháng thôi. Đêm đêm bà hay tụng và nghe Kinh Phật trước khi đi ngủ. Hôm nay bà Việt vui lắm. Vì có Quê, đứa con gái út từ bên Pháp trở về thăm sau hơn hai mươi lăm năm ly quốc. Tuy Quê là con gái út, nhưng nàng đã hơn năm mươi tuổi đời.
Đầu tháng sáu bước sang mùa mưa, Sàigòn vẫn còn nóng oi bức, thỉnh thoảng những cơn mưa trút xuống như thác đổ, nhiệt độ liền hạ thấp nghe mát lạnh. Chiều nay một cơn mưa lớn vừa dứt, thì hơi nóng bốc khói từ mặt đất lên làm nóng hầm trở lại. Bà Việt đang nằm trên chiếc ghế mây dài kề bên chiếc quạt máy cũ kỹ, bà thò bàn tay già nua gầy ốm bấm nút, tiếng chong chóng của chiếc quạt quay nghe lọc cọc, lạch cạch và xoay qua xoay lại. Bà Việt đứng dậy nhìn ngoài sân còn vài giọt mưa từ trên mái nhà nhỏ xuống, bà thở ra và hỏi Quê :
- Ở bên Tây có mưa lớn như vầy không vậy con ?
- Dạ, ít khi lắm, chỉ có mưa phùn thôi má à !
- Rồi ruộng nương họ cày cấy làm sao ?
- Ở bên ấy cái gì người ta cũng dùng bằng máy. Họ không có cấy mà chỉ rải hột thóc thôi. Còn nước thì họ có những ống dẫn nước từ giếng, rạch, kinh đào hoặc những dòng sông lớn...
Bà Việt đi chầm chậm đến ngồi bên cạnh con gái :
- Hai mươi mấy năm trời con mới trở về ! Còn hai anh của bây thì không biết bao giờ mới trở lại thăm má ?
- Anh Nam có viết thơ cho con. Còn anh Bắc thì điện thoại nói với con, thế nào các anh cũng sẽ về đây một lần để thăm má và quê hương. Ờ, anh Trung và chị Hương có lên thăm má thường không ?
- Ít khi lắm. Má nghe đâu vợ chồng thằng Trung đang ly dị gì đó. Còn con Hương thỉnh thoảng mới lên đây. Cũng may, nó sống êm đềm với chồng con của nó. Má chỉ rầu nhứt là việc gia đình anh Ba con thôi.
- Vợ chồng anh Ba đã già rồi mà còn ly dị ?
- Thằng Trung dường như nó mắc chứng bệnh thần kinh !
- Trời ơi ! Có nặng không má ? Mà sao chị Ba chỉ muốn ly dị, chỉ ác quá vậy ? Sao má không khuyên cản ?
- Má đâu có quyền hành gì mà xía vô chuyện gia đình của tụi nó. Tại thằng Trung bị bệnh ấy, lâu lâu nó nhậu say, rồi lên cơn là đánh vợ. Ôi, khổ lắm con ơi !
- Rồi mấy đứa con của ảnh ?
- Đứa nào cũng lớn, tụi nó đã có gia đình ra ở riêng hết rồi. Cũng may là có hai đứa.
- Chị Hương cũng có hai đứa phải không. Mà tụi nó tên gì và mấy tuổi rồi vậy má ?
- Ờ, thằng Phục hai mươi lăm, còn thằng Quốc thì hai mươi ba tuổi rồi...
Ánh mắt Quê hiện lên những tia hy vọng, nàng nói :
- Phục, Quốc, nghe kêu dữ à. Con hy vọng tâm hồn và ý chí của tụi nó gắn liền với cái tên đã đặt...
- Hồi tụi nó mới đẻ, anh Năm bây đặt tên đề trong khai sanh chớ ở ngoài đâu có dám gọi tên thật, nên cứ kêu tụi nó là Bé Lớn, Bé Nhỏ.
- Chắc anh sợ mấy tụi Việt Cộng chớ gì ?
- Còn phải nói gì nữa !
- Cái chánh sách gì mà độc tài như quỉ sứ...
- Nói nhỏ nhỏ con ơi !
Bà Việt nhìn Quê, bà nói chuyện khác :
- Nè, ở bên Tây con làm cái gì ?
Quê nghe mẹ hỏi, nàng nín thinh đôi mắt hiện lên nét buồn. Quê nhìn ra cửa sổ giả đò không nghe... tâm hồn nàng như gởi tận đâu đâu...
Bà Việt hỏi lại... Quê giựt mình :
- Dạ... Dạ, con chạy bàn nhà hàng !
- Má thấy trong mấy tấm hình con chụp trên tuyết gởi về, chắc là ở bên Tây trời lạnh lắm phải không con ?
- Dạ. Những hình đó là con chụp lúc mùa đông. Nhưng tới khoảng tháng tư tháng năm là ấm trở lại, rồi đến tháng sáu tháng bảy thì có khi cũng nóng lắm má à !
- Con làm có cực nhọc lắm không. Tiền lương có khá hôn ?
- Dạ, cũng không cực lắm. Tiền lương cũng được được đủ sống.
- Hổng biết anh Hai con ở bên Úc làm nghề gì. Còn anh Tư bây sống như thế nào bên Mỹ mà khi viết thơ cho má, tụi nó chỉ hỏi thăm má chớ không có nói làm gì hết !
- Mấy anh có gởi tiền về cho má không ?
- Chỉ có một mình con nuôi má từ hồi nào tới giờ, chớ có đứa nào lo đâu !
Quê bào chửa cho các anh :
- Chắc tại vì các anh con chưa ổn định cuộc sống bên ấy đó má à ! Bởi vì còn lo cho vợ con của mấy anh nữa. Mà má đâu có thiếu hụt gì ?
- Nói, thì má nói vậy thôi. Chớ nội tiền của con gởi cho má ăn xài còn dư nữa là khác. Nhưng má buồn lắm con à !
- Má buồn gì má ?
- Buồn vì... thằng Bắc, thằng Nam, tụi nó còn thù anh Trung mầy.
Ánh mắt của Quê đăm đăm nhìn xuyên qua cửa sổ, đôi hàm răng cắn chặt, rồi nói một giọng như đay nghiến : - Thù cũng đâu có sai. Há, nối giáo cho giặc vào nhà gây đầy tội ác.
- Nói nhỏ nhỏ con ơi !
Quê quay sang nhìn mẹ, ánh mắt dịu lại :
- Nhưng thôi, má cũng đừng quá lo lắng mà làm gì. Không phải chỉ có gia đình mình gặp cảnh ấy đâu. Theo con nghĩ, chắc là anh Trung, ảnh giả điên đó má à !
- Giả điên ! Vì sao con nghĩ nó giả điên ?
- Thì... thì ảnh bị thất vọng. Vì tưởng đâu theo Mặt-Trận-Giải-Phóng-Miền-Nam là ngon, là có công lớn với đất nước... Ai dè... sau khi đó thì... thì bị tụi cầm đầu Hà Nội trở mặt dẹp ảnh qua một bên. Ảnh lầm, mà cả miền Nam lẫn miền Bắc cũng lầm, chớ không phải một mình anh Trung lầm đâu ! Con có nghe phong phanh, là bác Quốc Giang từ ngoài Bắc trở về, Ông đi họp, rồi nóng mũi đứng lên phát biểu ý kiến gì đó. Bị chúng nó cho đi học tập - cải tạo ba tháng để cảnh cáo, rồi cho bác về hưu luôn. Cũng may là bác đi Kháng-Chiến chống Pháp từ năm 1945 với ba con, nên tụi nó nương tay... Nếu ba con còn sống, thì chắc chắn cũng vào chung tình cảnh với bác Quốc Giang rồi. Còn bác Quốc Sơn là Đại Tá Công-Binh trong Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Thật tội nghiệp ! Vì bác quá tự tin là tụi nó không làm gì đến bác, nên những ngày nóng bỏng cuối tháng tư, bác cho vợ con di tản sang Pháp, chỉ một mình bác ở lại. Nhưng đâu ngờ cái thứ vô thần, phi nhân bắt bác đày đi học-tập cải-tạo mười lăm năm. Đến khi tụi nó thấy bác Quốc Sơn sắp rã xương mới thả bác ra. Rồi cho bác đi đoàn tụ gia đình bên Pháp. Vừa qua tới Tây, bác được vô nhà thương trị bệnh liền. Nhưng chỉ có mười lăm ngày sau là bác Quốc Sơn chết đó má.
Nói đến đây Quê rươm rướm nước mắt. Bà Việt thở ra :
- Thật tội nghiệp cho bác Quốc Sơn bây. Ảnh học bên Tây thành kỹ-sư cầu-cống. Rồi về giúp nước hồi năm 1952. Ảnh nhân từ, hiền hậu và học giỏi lắm. Hứ hự ! Còn ba bây hồi đó, ổng cũng đi Việt Minh chống Pháp có mấy năm sau là ổng đền nợ nước. Còn má... thì má...
Nói đến đây bà Việt cảm động, nước mắt tuôn ra. Quê thấy vậy vội vàng đi lấy khăn chậm nước mắt cho mẹ và nói :
- Má ! Má buồn làm gì. Rủi má bệnh là khổ cho tụi con.
- Khổ cho con là đúng hơn. Chớ mấy anh chị của con có đếm xỉa gì đến má đâu. Con là con gái út mà phải gánh hết gia đình từ hồi nào đến giờ. Con có giận má không ?
- Trời ơi ! Sao má hỏi con gì kỳ vậy ? Mấy chục năm rồi, con vẫn là con của má mà.
- Khi ba con chết, má không làm tròn phận mẹ...
- Má ! Má nhắc làm chi chuyện... đó. Má hãy cho vào dĩ vãng và xóa bỏ đi má ơi !
- Làm sao má quên được sự bồng bột của má.
- Khi ba con chết, lúc đó má còn trẻ măng mà.
- Nhưng má không tròn bổn phận với các con.
- Làm người có ai mà Thập-Toàn đâu má ! ... Nếu má nhắc hoài là má làm con buồn đó.
Bà Việt liền đứng dậy :
- Thôi, tối rồi. Đi nấu cơm ăn con ơi ! Má hứa sẽ không nhắc nữa.
Ăn cơm dọn dẹp xong, trời cũng đã tối, hơi nóng dịu dần. Quê phụ mẹ giăng mùng rồi lên giường nằm nghỉ mệt, nàng hỏi bà Việt :
- Má ơi ! Sáng mai mình về Tân Nhựt thăm gia đình anh Trung và chị Hương nghe má ?
Bà Việt chần chờ đôi phút, rồi nói :
- Chắc là má không đi đâu. Con có đi thì đi một mình...
- Sao vậy má ?
- Má không thích về đó. Vì... vì... Thôi con đừng hỏi vì sao mà má không về.
- Má không thích thì con cũng không ép. Vậy để vài ngày nữa con về cũng chẳng muộn màng gì.
Mấy ngày sau, sáng sớm bình minh lập lòe ánh nắng vàng chân trời phía đông, những hạt sương mai lóng lánh như kim cương còn đọng trên cánh lá, đầu cỏ. Quê thức dậy, ăn sáng xong, nàng vội vàng lấy xích-lô qua Chợ-Lớn-Mới, ghé vào tiệm mua năm sáu con vịt quay và cả chục ổ bánh mì, leo lên xe đò về Chợ-Đệm. Quê quá giang ghe hàng đi tắt về làng Tân-Nhựt thuộc quận Bình-Chánh (Sài-gòn).
Quê ngồi trên chiếc ghe tam-bảng có gắn máy đuôi vịt chạy ạch-ạch nhẹ nhàng lướt sóng trên dòng sông nước trong vắt, mấy dề lục bình có bông màu tim tím trôi lểnh bểnh giữa sông trông cũng đẹp mắt. Thỉnh thoảng có vài chiếc ghe khác chạy ngược chiều, họ vẫy tay chào nhau. Sau đó, chiếc ghe giảm bớt tốc độ chạy từ từ rồi rẻ vào con rạch nhỏ. Dọc hai bên bờ sông có nhiều cây bầng cao ngất, những dây cám leo có nhiều trái tòn ten, đám dừa nước rậm rạp, nhiều bụi ô-rô xanh lè... Chiếc ghe cặp vô bến nhỏ. Trên ghe có cả chục người đàn ông lẫn đàn bà. Họ là những người đi buôn bán rau cải, trái cây, tôm tép, cá mắm, heo, gà, vịt... Khi họ trở về thì những chạc, rổ, thúng, cần xé đều trống không. Họ lần lượt bước lên chiếc cầu ván đóng đinh lắt lẻo - gập ghềnh mà vào bờ chào nhau đi về. Còn Quê thì đứng nán lại đợi người chủ ghe cột dây xong, nói cảm ơn. Quê nhét vô tay ông ta tờ giấy năm chục ngàn đồng. Người chủ ghe tươi cười :
- Dạ, cám ơn bà. Bà đưa tôi xách phụ cho. Có phải bà là Việt-Kiều ở bên Tây mới về, là em của anh Ba Trung và chị Năm Hương phải không ?
- Dạ, phải. Ủa, anh có quen anh chị tôi. Sao hồi đó tôi không biết anh cà ?
- Hồi đó, tôi ở trên Sài-gòn.
- Hèn chi mà tôi không gặp anh.
- Thời cuộc biến đổi... Những năm, sau khi tôi bị đi học tập được trở về. Gia đình tôi mới đến đây lập nghiệp...
Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Người chủ ghe nói tiếp :
- Hơn hai mươi năm trước, ba má tôi có quen biết một gia đình ở làng này. Họ có đất muốn bán. Ba má tôi thấy rẻ mới mua cho tôi để cất nhà và trồng trọt mà sinh sống. Vì ở trên Sài-gòn dạo ấy tình hình phức tạp lắm... Ở ngoại quốc chắc bà có nghe tin tức và hiểu... mà. Mấy năm nay họ dễ giải một chút xíu, tôi mới mua chiếc ghe tam-bảng này để chở bà con ra chợ buôn bán sống qua ngày, để chờ...
Quê tiếp lời nhanh :
- Chờ ngày quật-khởi hén ? Này, hồi đó anh có đi lính Cộng-Hòa hả ?
- Dạ, có. Mà chỉ cấp bậc Hạ-Sĩ-Quan. Nên đi học tập có hai năm thôi.
- Cũng may cho anh. Tôi... có hai người anh đi lính Biệt-Kích-Dù. Nên vượt biển trong những ngày nóng bỏng cuối tháng tư năm ấy. Dạo đó, anh không có tính đi vượt biển sao ?
- Dạ, có chớ. Đi mấy lần, mà lần nào cũng bị bắt ở tù. Rồi bị những người tổ chức giả gạt hết tiền hết bạc. Ôi, lúc đó biết bao chuyện khủng khiếp rùng rợn kể sao cho xiết bà ơi !
- Theo anh thấy tình hình sẽ thay đổi. Và dân chúng nghĩ như thế nào không ?
- Nói nhỏ với bà. Sự thật, nếu ai mà dũng cảm và được có uy tính với dân chúng mà đứng lên cầm đầu nổi dậy, thì chắc chắn là toàn dân sẽ cùng đứng lên một lượt là xong chuyện liền đó bà ơi ! Nhưng chưa có ai. Mà trước sau gì tụi nó cũng tiêu hà...
Quê nghe thế liền gật đầu rất đắc ý. Nàng quay qua hỏi người chủ ghe :
- Chắc anh quen thân với anh Ba tôi lắm phải không ?
- Dạ, tôi quen chút chút thôi. Vì gia đình anh Ba Trung là gia đình Cách-Mạng.
Trên gương mặt Quê thay đổi không mấy gì bằng lòng, nàng nói nhanh :
- Cách-Mạng khỉ khô gì. Ảnh là loại nằm vùng, là Bộ-Đội 30. Sau khi mất Sài-gòn ảnh mới lòi mặt ra. Tôi nghe vậy, mấy ngày sau tôi vọt về đây nắm cổ ảnh. Ảnh năn nỉ thiếu điều lạy tôi. Vì ảnh đã thấy bộ mặt của tụi nó thò lò ra rồi. Ảnh biểu tôi lo đi Pháp mau mau.
Người chủ ghe thở dài và nói một giọng chán chường :
- Cũng may là bà đi sớm. Vì không đầy một năm tụi nó cưỡng chiếm Sàigòn, dân chúng bị lùa đi Kinh-Tế-Mới quá trời !
- Tôi có nghe chuyện ấy. Chắc anh đến nhà anh tôi chơi thường nên anh mới biết là anh tôi có người nhà ở ngoại quốc ?
Người chủ ghe lắc đầu :
- Ít khi lắm. Ở cùng trong làng nhỏ này, gia đình ai có người được thoát ra ngoại quốc thì cả làng biết hết. Tôi thấy bà hao hao giống chị Năm Hương, tôi nghi liền. Nhưng vì có đông người nên tôi không tiện hỏi chuyện với bà được.
Quê quay sang nói chuyện khác :
- Chắc anh nhỏ hơn tôi ?
- Cũng có thể. Tôi được bốn mươi chín tuổi !
- Còn tôi đã ngoài năm mươi. Anh gọi tôi bằng chị đi, đừng kêu tôi bằng bà nữa...
- Nếu bà cho phép.
- Này, nhà anh ở xóm nào ?
- Nhà tôi ở phía bên xóm Cầu-Tre, cách đây cũng không xa lắm. Chị về đây chơi, rồi chừng nào chị đi ?
- Về đây... chắc mai tôi sẽ trở lên Sài-gòn. Còn trở lại Pháp thì cỡ mười ngày nữa. à, ghe anh có ra Chợ-Đệm sáng mai không ?
- Không.
Ánh mắt của Quê có vẻ băn khoăn, người chủ ghe nói tiếp :
- Cách hai ngày tôi mới đi một chuyến. Nếu chị muốn thì sáng mai tôi lấy xuồng nhỏ đưa chị ra chợ cũng được.
- Thôi, để tôi tính lại. Nói chuyện với anh nãy giờ mà tôi quên hỏi anh tên gì ?
- Tôi tên Đình ! Còn chị là Út Quê phải hôn ?
- Dạ, đúng. Sao anh biết hay quá vậy ?
- Tôi có nghe chị Năm Hương nhắc tên chị.
Đến ngõ vô nhà của Ba Trung, Quê nói :
- Thôi, tôi vô nhà. Nè, chút chiều, nếu anh có rảnh mời anh qua nhậu với anh Ba tôi.
- Để tôi xách đồ vô tới sân cho chị.
- Khỏi, đâu có gì nặng, anh đưa tôi xách được rồi. Có gì, anh nhớ chiều chiều ghé qua nha !
- Dạ, cám ơn chị. Để tôi coi, chớ tôi không dám hứa. Chào chị !
Từ cửa ngõ đi vào nhà, Quê ngắm nghía hai bên đường đất còn ướt, có mấy gốc bông giấy và bông bụp, bên tay trái có cái đìa với đám dừa nước lưa thưa, hai ba cây bình bát nhiều trái còn xanh lè lòng thòng dựa mé đìa, bầy vịt xiêm tơ bảy tám con, kêu cạp-cạp đang bơi lội dưới ao. Trước cửa nhà một cái sân tráng xi-măn, căn nhà lợp ngói đỏ cũ kỹ rêu xanh trên nốc, vách ván, xây cất kiểu bánh ếch xưa rít. Ngoài vườn có hai ba tảng đá ong khá lớn nằm ngả nghiêng kế gốc cây vú sữa tím. Trong vườn khá rộng, có thêm các loại cây ăn trái như khế, ổi, cam, quít, mít... Những cây cối đều già cằn cỗi, cỏ mọc tứ tung. Bởi thiếu sự chăm sóc của gia chủ. Từ trong nhà có bóng người bước ra cửa và la lên :
- Út Quê ! Trời ơi ! Mầy đó hả Út Quê ?
Quê tươi cười :
- Dạ, thưa anh Ba, em đây. Anh khỏe hôn ?
- ờ, ờ... Khỏe.
Ông Ba Trung, khoảng sáu mươi tuổi, vóc dáng ốm nhom ốm nhách và cao khiều khiệu, nước da đen xạm nắng, tóc bạc trắng và cắt ngắn ngủn, gương mặt xương xương hơi dài, ông ở trần trùi trụi, chỉ mặc chiếc quần xà lỏn đen. Ông đi ra đưa tay xách phụ mấy giỏ đồ, vừa đi vô nhà, vừa hỏi Quê :
- Tao có nghe má nói là năm tới mầy mới về mà. Mầy về được mấy bữa rồi ?
Quê để tất cả đồ trên bộ ván gỗ nhỏ. Rồi nhìn dáo dác, trả lời và hỏi :
- Dạ, em về được ba bữa nay. Ủa, chị Ba đâu rồi, sao em không thấy ? - Chị Ba mầy, nó giận tao nên đi qua bên nhà vợ chồng thằng Triều ở hỗm rày.
- Chút nữa, anh qua bễn gọi chỉ với vợ chồng cháu Triều và cháu Đại về đây đi. Em đã nghe má kể sơ sơ về chuyện gia đình anh rồi. Tối ngày anh cứ uống rượu say sưa, rồi đánh vợ. Nên bị người ta bắt nhốt anh trong nhà thương điên mấy lần phải không ?
- Đánh đâu mà đánh. Tại chị Ba mầy, nó chửi tao là thằng Việt-Cộng hết thời. Thằng Bộ-Đội-30 thất thế hoài. Ai chịu cho nổi. Nên đôi khi tao nổi điên lên đó... Chớ... chớ... tao nào muốn đánh vợ bao giờ !
- Chị Ba nói như vậy thì có sai chỗ nào đâu ? Anh có thấy anh hết thời, thất thế không ? Sự thật phũ phàng là như vậy, thì anh cứ nhận đi, mắc gì phải đánh vợ. Anh có biết, đàn ông mà đánh đàn bà là vũ-phu không ? - Thôi, bữa nay có mầy về là ngày vui, đừng có nhắc tới chuyện đó nữa. à, má vẫn khỏe hả Quê ? Mà sao mầy không mời má về đây chơi ? - Cha, anh muốn chạy tội hén ! Mai mốt anh Nam và anh Bắc trở về là anh hết chối. Nói chơi với anh, chớ anh em của tụi em sống trên mấy xứ Tự-Do, Dân-Chủ. Tụi em không có bắt bẻ hay hỏi tội anh đâu. Nhưng anh cũng phải làm cái gì để lấy công chuộc tội chứ ?
- Thì tao cũng theo dõi tình hình. Nếu có gì hay hay là kêu gọi dân chúng đồng đứng lên chung. Và tao hy vọng sẽ có được thật sự Dân-Chủ, Tự-Do sau này. Mầy cũng biết quá rồi. Toàn dân Việt Nam, ai mà không mong muốn và khát khao có được những thứ đó.
- Ừa, ráng đi nha. Ở Hải-Ngoại người ta cũng ủng hộ trong này lắm đó... à, về má, thì em có hỏi. Nhưng má không chịu đi.
- Má không chịu về đây. Tại vì má khó tánh quá !
- Khó cái gì ? Tại má sống một mình mấy chục năm, nên má quen rồi. Em nghĩ, là má không ưa... dâu và rễ. Thôi, để cho má yên ở trên Sài-gòn. Nhưng anh sẽ chờ xem, chừng nào có anh Nam về là ảnh nói cái gì má cũng chịu hết.
- Tao biết mà, anh Nam là con trai trưởng, nên má cưng nhứt nhà.
Quê cười cười :
- Còn em là con út. Người đời thường nói : Giàu Út ăn, nghèo Út chịu. Nên em lãnh hết... từ khi gia đình mình suy sụp. Nhưng em hy vọng rồi đây tất cả sẽ thay đổi... Và mình phải ráng làm sao cho dân chúng được Tự-Do no ấm và cả má nữa.
- Thôi, mầy đi rửa mặt hay ra đàng sau tắm đi. Để tao chạy qua cho mẹ con thằng Triều, thằng Đại hay và bảo tụi nó kéo về đây gặp cô nó.
- Nè, anh bảo đứa nào đó chạy tạt qua nhà chị Năm cho chỉ hay luôn nghe. Nói là có em về, chút chiều vợ chồng chỉ với hai cháu Phục và Quốc qua đây ăn chung luôn.
Các anh chị và mấy đứa cháu của Quê về tề tựu cùng ăn uống chung, tất cả đều vui vẻ. Qua ngày sau, Quê đi thăm hỏi mấy nhà bà con và lối xóm. Quê ở lại nhà ông Ba Trung hai ngày. Qua sáng thứ ba, Quê quá giang ghe của Đình ra Chợ-Đệm để lấy xe đò trở lên Sài-Gòn.
Gặp lại mẹ, Quê kể sơ sài là gặp tất cả hai gia đình anh Ba Trung và chị Năm Hương cho mẹ nghe. Trên gương mặt bà Việt rất là vui. Rồi bà sực nhớ, miệng cười đưa hết hai cái nứu không còn cái răng nào, bà kéo học tủ lấy lá thư và nói :
- Chút xíu nữa má quên mất. Hôm qua má có nhận thư của thằng Nam bên Úc nè. Con đọc coi nó nói cái gì ?
- Vậy hả má ? Đưa đây, đưa đây con đọc cho.
Quê mừng rỡ, liền mở thư ra đọc lớn lên cho mẹ nghe :
Sydney, ngày... tháng... năm...
Má kính thương của con,
Trước hết, con kính thăm má và mong má được khỏe mạnh. Con có nghe con Quê về Việt Nam trong tháng này. Vậy nó về tới chưa ? Còn riêng con và thằng Bắc đã hẹn nhau rồi, là tụi con sẽ cố gắng kéo về ăn Tết vào năm tới với má. Nếu con Quê có mặt đó thì má nhớ nói với nó, là ráng Tết tới trở về gặp tụi con luôn. Con và vợ con cùng hai cháu của má tất cả đều bình yên, khỏe mạnh.
Vài hàng thăm má. Con kính chúc má được vạn sự an lành.
Con trai của má
Quốc Nam
Bà Việt nghe xong những lời trong thư người con trai trưởng gởi về, bà mừng và cảm động đến rơi lệ. Bà đi tới ôm Quê và nói :
- Các anh con Tết tới sẽ về. Vậy con cũng ráng mà về cho cả gia đình xum họp một lần. Rồi sau đó, má có theo ông theo bà, má cũng mãn nguyện nghe con.
- Con đọc thư anh Nam, con cũng nghe mừng lắm. Chắc chắn là con phải ráng về rồi. Chuyện khó có mà sẽ thành sự thật. Chúng con như đàn Chim trở về tổ. Và quyết tâm đả phá chánh sách độc-tài phi-nhân, để có được thật sự Dân-Chủ Tự-Do và đầy đủ quyền làm người và cùng nhau xây dựng lại quê hương, mà cũng là món quà xuân chúng con sẽ tặng cho má ba ngày Tết. Con hy vọng thế kỷ 21 này quê hương mình sẽ được như ý nguyện của toàn dân. Con tin tưởng và chắc chắn sẽ có nhiều Anh Hùng và Thanh Niên trẻ đứng lên cứu nước đó má !
Bà Việt gật gật đầu :
- Má tin tưởng như con đó. Vì đã hơn một phần tư thế kỷ mà chúng nó vẫn còn kìm kẹp, độc tài quá ! Trong lịch sử dân tộc của nước ta đã có biết bao vị Anh Hùng - Nữ Kiệt cứu nước dựng nước thì tức nhiên phải có Anh Thư - Hào Kiệt ngày nay.
Bà Việt nói xong, miệng mỉm cười sung sướng, rồi từ từ đứng lên đốt ba nén nhang xá xá, cấm vào lư hương trên bàn thờ Phật, và lẩm nhẩm khấn vái :

Nguyện cầu Dân Tộc nhất tình
Cùng nhau xây dựng Hòa Bình từ đây
Tự do Dân chủ ngày mai
Trong, ngoài xum họp, lấp đầy tình thâm.

(Một góc trời Tự Do - đông 01/2001)
Việt Dương Nhân
#7 Posted : Tuesday, January 18, 2005 5:25:04 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Âm Thầm


''Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em
Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng !''


Như Trinh ngồi ngâm nga mấy câu thơ trong bài ‘’Giọt Lệ Thu’’ của nữ sĩ Tương Phố mà nghe lòng buồn vô tận. Nàng là một thiếu phụ ngoài ba mươi tuổi, sắc vóc trung bình, khuôn mặt hơi vuông, mái tóc chấm vai, ánh mắt diệu hiền, nhưng thường đăm chiêu nhìn xa vắng. Nàng sống một mình trong một căn nhà nho nhỏ, có sân vườn rộng khoảng vài trăm thước vuông, trồng chút ít hoa kiểng. Hiện tại trời cuối thu nên những cành cây trơ mình trọi lá trông buồn hiu hắt. Như Trinh ngồi thẩn thờ, bất chợt nhớ đến Hồng Đào, một trong những đứa bạn học hồi nhỏ, hiện đang tỵ-nạn bên Vương Quốc Na-Uy - Oslo . Nàng liền ngồi vào bàn viết thư :

Vương Quốc Bỉ, Liège, ngày... tháng... năm 19...

Hồng Đào, bạn hiền ơi !

Trời cuối thu, tao thấy lòng buồn quá, nhớ đến mầy đây ! Mầy cũng như tao. Đời mình ví như thân cây của cuối mùa thu Âu Châu, thân cây không còn một chiếc lá. Tao tự hỏi : Sao thân cây kia không còn lá mà nó vẫn sống ? Thu qua, đông đến, thân cây phải chịu đựng bao mùa sương, tuyết, giá buốt lạnh lùng. Nhìn thân cây mà tao nghĩ đến thân phận của chúng mình. Phải chịu đựng Đào ơi ! Chịu đựng sự lạnh lùng và cô đơn để chờ mùa xuân đến !
Giờ đây tao đang viết cho mầy, nghĩ thương mầy bên kia sầu chiếc bóng, mà tao chẳng khác gì ! Hiện tại, tao đang ngắm nhìn những thân cây trơ cành, trọi lá, đứng sừng sửng trong khu vườn. Tao nghe lòng ray rức, xót đau. Thân cây có khác gì chúng mình đâu ?
Những ngày tháng vui bay qua thật nhanh. Sau đó trở về với những u buồn, sầu muộn. Ngồi đếm từng giây phút cho tàn một ngày. Sao mà dài lê thê trôi chậm quá. Ngoài kia sương trắng bao quanh, thân cây đứng chơi vơi để hứng chịu những giọt sương thu lạnh lùng, yên lặng. Có lẽ, chúng ta nghĩ gì, chắc thân cây cũng nghĩ thế ! Cây cũng có hồn như ta chứ ?
Hễ ‘’hữu thân tất hữu khổ’’. Đời bắt buộc ta phải sống. Như thân cây kia phải an phận với bốn mùa thay đổi. Xuân, hạ sao mà quá ngắn. Còn thu đông lại kéo dài. Có lẽ, vì ta nghĩ thế ! Chớ mùa nào cũng có ba tháng thôi.
Giờ đây chúng ta không còn lựa chọn gì cả. Không còn có những bước nhẹ nhàng ngoài sân vườn hay đi nhởn nhơ dạo phố, đưa mắt nhìn trời, nhìn đời và mơ mộng những gì vui thú nữa. Thôi, chúng ta hãy ráng chờ đợi mùa xuân đến từ cõi lòng và cả ngoài trời. Chờ đợi Đào nhé !
Tao nghe người đời thường nói :‘’Sống trăm năm, chết một giờ’’. Nhưng sống như thế này, thật là một kiếp người kéo dài lê thê chán nản ! Tao thường nghĩ, (chắc không giống ai ?). Nếu chết, thì đó mới là đi vào ‘’tuyệt đối’’. Thân cây hay thân chúng ta, khi chết đều giống như nhau. Đều là trở về với cát bụi, tro bùn. Tạo hóa đã dựng lên, thì tạo hóa cũng hủy diệt sau một thời gian dài hoặc ngắn tùy theo sức sống của con người hay vạn vật muôn loài.
Nơi đây, thu, đông là hai mùa buồn chán nhứt trong cõi lòng . Tất cả cỏ cây, vạn vật đều bao phủ dưới một màn sương mù dầy đặc hoặc bị tuyết phủ đè lên lạnh tê tái.
Hiện tại, trước mắt tao, nhìn xa xa có những cánh chim bay nặng nề, chúng nó cố chọc thủng màn sương trắng để tìm mồi ăn trong cơn đói lạnh. Tao nghe dường như tiếng chim đang kêu la như oán trách : ‘’Sao trời lạnh quá ! Lạnh quá ! Đói quá ! Đói quá’’ ! Nhưng chúng nó phải cố gắng bay để đi tìm sự sống. Vẫn biết kiếp sống nào rồi cũng phải đi vào con đường ‘’tuyệt đối’’. Sau đó sẽ ra sao ? Ra sao, chúng ta cùng toàn thể vạn vật nào có hay biết !
Còn cuộc đời chúng ta sẽ ra sao, và đi về đâu ở ngày mai ? Nhưng ngay bây giờ, chúng ta mỗi đứa mỗi nơi trên xứ người. Tao cảm thấy bơ vơ, cô đơn và lạnh !
Đào ơi ! Chúng ta hãy an phận, chấp nhận cùng với thân cây, bốn mùa, dưới tuyết sương hay dưới những tia nắng ấm. Rồi ngày qua ngày thế nào cũng sẽ đến ngày mình trở lại quê hương yêu dấu để gởi nấm xương tàn...
Buồn quá hả Đào ? Thôi nha bạn ! Tao tạm dừng bút, hẹn mầy thư sau. Chúc mầy can đảm và vạn sự an lành.
Hôn mầy nhiều
Như Trinh


Như Trinh viết xong lá thư, bỏ vào bao thư và dán tem đàng hoàng, nàng xoay qua sắp xếp lại những hồ sơ kế-toán của hãng sô-cô-la Parline hiện nàng đang làm việc. Sắp xếp nửa chừng, nàng đứng lên đưa mắt nhìn ra cửa sổ mà nghe lòng chán nãn. Một cơn buồn vô cớ len lẻn vào hồn. Bất chợt có tiếng chuông điện thoại, nàng đến nhấc lên :
- A-lô ! Ai đó ?
- Moa. Khang đây Như Trinh ơi !
Như Trinh đang buồn, nghe tiếng Khang, nàng vui lên :
- Ha ! Anh Khang ! Có chuyện gì lạ không anh ?
- Có chứ. Chiều mai, thứ bảy, nếu Như Trinh có rảnh, mời Trinh đi xem đại-nhạc-hội ‘’Tình Thu’’ với moa ?
- Dạ, rảnh... à, Trinh có đứa bạn gái chút nữa nó đến nhà Trinh chơi cuối tuần, Trinh rủ nó đi chung nha !
- Ô-kê ! Moa sẽ lấy thêm một vé nữa. Có phải Hồng Đào bên Oslo không ?
- Không. Anh không biết đâu !
- Vậy, cô nào, tên gì, cho moa biết được không ?
- Xuân Giao !
Khang nghe cái tên, chàng thốt lên :
- Xuân Giao ! Ôi cha, cái tên nghe hay quá ta !
Như Trinh cười khúc khích :
- Cái tên nghe rất hay, mà người lại đẹp, và đặc biệt có máy tóc dài như dòng sông Cửu-Long vậy đó !
Khang cười, nói đùa đùa :
- Nghe cái tên, tả máy tóc, tự nhiên moa thấy lòng bồi hồi, thổn thức rồi !
Như Trinh nghiêm giọng nói :
- Thôi nha ! Trinh không muốn chị Ly-Lan và hai cháu khổ à !
- Nói đùa mà Trinh !
- Đùa. Ở đó mà đùa, lỡ nhằm giờ linh là chết toi hết đa nghe !
- Chết chóc gì ba cái... si tình những người đẹp !
- Anh còn nhớ năm trước mới gặp Trinh không ?
- Nhớ rồi cô Nương ! Cô giảng cho tôi một bài không khác gì mấy Ma-Sơ trong Nhà Trắng.
- Nhờ thế, mà giữa anh và Trinh còn làm bạn tới bây giờ.
Bỗng dưng, Như Trinh thấy lo lo trong lòng, tự nhủ : ‘’Anh Khang này đẹp trai, nhưng rất đa tình. Rủi gặp con Xuân Giao cũng lãng mạn thì hai người cáp vô thì mình sẽ bị tội... Nhưng lỡ nói với ảnh rồi. Hy vọng không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra sau này !’’. Nàng nói tiếp :
- Nè, anh không đưa tình, liếc mắt với Xuân Giao à nghe !
Khang thở ra :
- Ta đã nói, nghe cái tên là con tim muốn yêu liền !
- Vậy thì Trinh không thèm rủ Xuân Giao đi xem hát ngày mai này đâu.
Khang cười ngất, tự nhủ : ‘’Cô này thiệt ! Cứ làm kỳ đà cản mủi hoài !’’. Chàng giả vờ năn nỉ :
- Xin Trinh, làm ơn cho moa gặp người đẹp đi mà !
- Trời ơi ! Chưa gặp mặt Xuân Giao, sao Trinh thấy dường như anh đang si mê nó tột độ rồi ! Thiệt là...
Khang cướp lời :
- Thiệt là đa tình, lãng mạn hén ?
- Còn gì phải nói nữa !
Ngoài sân có tiếng kèn xe inh ỏi, Như Trinh cười và nói tiếp :
- Rồi, nàng tới kìa !
Khang hỏi nhanh :
- Nàng từ đâu tới vậy ?
- Amsterdam, Hòa Lan.
Khang hít hà :
- Bên đó, là một xứ nổi tiếng về hoa tu-líp, đất pha cát vàng, và còn... nhiều thứ khác ác ôn hơn nữa đó !
- Thứ gì ? Lúc nào trong đầu anh cũng ham...
Như Trinh nói tới đây, Xuân Giao đẩy cửa vô nhà, vẫy tay, miệng mỉm cười. Như Trinh cũng vẫy tay, và nói nhanh với Khang :
- Thôi nhe anh Khang, có gì mình liên lạc sau !
Khang vội nói :
- Nhớ mời người đẹp đi chung nghe Trinh !
- Được rồi. Chào anh !
- Chào Trinh và... người đẹp luôn !
Như Trinh cúp điện thoại, nàng xoay lại hỏi Xuân Giao :
- Mầy đi đường có mệt không ?
Xuân Giao lắc đầu, cỡi áo măn-tô ra máng lên thành ghế, xổ mái tóc dài ra, rồi quấn lên kẹp lại, miệng tươi cười :
- Mệt cái khỉ gì. Mầy tưởng tao như bà già hả ? Ê, hồi nãy mầy nói chuyện với ai mà tao nghe như nói chuyện với kép vậy ?
- Kép đâu mà kép. Anh Đặng Vũ Khang, bạn trong Cộng Đồng người Việt mình. Ảnh rủ tao, chiều mai đi xem đại-nhạc-hội ‘’Tình Thu’’. Có trung tâm băng nhạc ‘’Thùy-Dương’’ bên Paris đưa đoàn hát qua đây trình diễn. Tao nói có mầy qua chơi cuối tuần. Anh ta vừa nghe tên mầy là thả hồn bay bổng như bị con ma tình lôi cuốn theo vậy đó.
Xuân Giao cười khoái chí :
- Cái tên của anh chàng, tao nghe cũng hay hay đấy !
Như Trinh lõ mắt nhìn Xuân Giao :
- Trời đất ! Mầy cũng vậy nữa sao ? Thôi, tiêu rồi !
- Tiêu cái gì ?
- Người ta đã có vợ và hai con rồi mầy ơi !
- Có vợ ! Ừa, mặc kệ có vợ. Nếu khi người ta yêu thì... chỉ biết chiếm đoạt cho bằng được ! Hí hí...
- Thôi, đừng có nghĩ bậy, nói xàm con quỉ ơi ! Ê, nhỏ ! Chiều nay, tao có hai món đãi mầy nè !
- Món gì vậy ?
- Bò tái-chanh và chã cá thìa-là. Được hôn ?
- Cha, hấp dẫn à ! Tao nghe đói bụng rồi !
Cả hai cô nói, cười vui nhộn, rồi kéo nhau đi xuống bếp lo cơm nước.
Qua hôm sau, chiều thứ bảy, Như Trinh và Xuân Giao sửa soạn, chải chuốt rất kỹ lưỡng. Như Trinh mặc chiếc áo dài nhung màu tím đậm có thêu cành lan trắng. Còn Xuân Giao thì mặc màu vàng, gấm Nhựt. Cả hai vóc dáng dịu dàng, tha thướt, trông thật mát mắt. Hai nàng lái xe ra Liège, đến rạp hát... đậu xe xong, đi tà tà. Như Trinh nhướng mắt tìm Khang. Họ thấy nhau. Khang tiến lại nhanh và gọi :
- Như Trinh ! Moa đây nè !
Như Trinh và Xuân Giao đi tới, chưa kịp giới thiệu, Khang nói nhanh :
- Chào Như Trinh ! Chào... Xuân Giao !
Họ bắt tay nhau. Như Trinh để ý thấy Khang và Xuân Giao nhìn tình. Khang móc trong túi áo vết ra ba tấm vé hát và nói :
- Thôi, mình vô rạp sớm. Chớ chút nữa đông người nối đuôi mệt lắm !
Khang ga-lăng, chàng đưa vé cho người soát vé và tránh qua cho Xuân Giao và Như Trinh vô trước, Khang tòn ten theo sau. Trong đầu Khang nghĩ : ‘’Làm sao sắp cho Xuân Giao ngồi gần mình cà ?’’. Nhưng Như Trinh để cho Xuân Giao ngồi chính giữa. Khang thấy vui vui và nghe lòng khoan khoái...
Sau khi xem hát xong, cả ba kéo nhau đi uống cà-phê và ăn kem. Họ chuyện trò vui nhộn và trao đổi địa chỉ, số điện thoại. Dường như trong tim Khang và Xuân Giao giao động cùng chung nhịp. Họ đưa ánh mắt trao tình và những cử chỉ thân mật. Như Trinh thì nhủ thầm : ‘’Rồi, cá đã cắn câu ! Ly-Lan, cô vợ đầm của anh Khang sẽ khổ nữa !’’. Nghĩ đến đây, Như Trinh quay sang Khang và Xuân Giao :
- Trinh thấy hai người có vẻ mết nhau quá vậy ta !
Như Trinh đập vai và nhìn thẳng vào mắt Khang, nàng tiếp :
- Thôi, đừng để cho người-ta và mấy đứa nhỏ khổ nha !
Xuân Giao xoay qua hỏi Như Trinh :
- Mầy nói gì mà tao không hiểu ?
- Ừa, mầy không hiểu, nhưng anh Khang hiểu !
Khang cười cười :
- Như Trinh ơi ! Cho moa tự do chút đi mà !
Như Trinh thở ra, ngước mắt nhìn lên trần nhà và nói :
- Thì ai mà dám cấm đoán anh... Thôi, khuya rồi, đi về Xuân Giao ơi ! Anh Khang cũng về nữa. Nếu không thì chị đợi tội nghiệp !
Khang chắc lưỡi, lắc đầu, rồi gọi cậu bồi lại lấy tiền. Cả ba đứng lên đi ra ngoài đường. Khang đi sát bên Xuân Giao và nói nho nhỏ :
- Thứ hai này, Xuân Giao gọi moa trong sở nha !
Xuân Giao mỉm cười và gật đầu. Khang đưa hai nàng đến tận xe, chờ cho chiếc xe khuất dạng, rồi chàng trở lại lấy xe lái về.
Sau cuộc gặp gỡ giữa Xuân Giao và Đặng Vũ Khang. Rồi họ yêu nhau. Hay nói đúng hơn là họ mê nhau. Chỉ trong vòng sáu tháng, Khang đòi ly dị với vợ. Ly-Lan, vợ Khang ôm hận trở về Pháp. Nàng bỏ lại hai con cho chồng và Xuân Giao nuôi...

*
Vào khoảng đầu thập niên 1960, Khang được sang Pháp du học. Sau khi đậu bằng Kỹ Sư Kiến-Trúc. Khang lập gia đình với Ly-Lan, người con gái Pháp, học chung trường đại học... Thuở ấy, bên Tây ít có nữ sinh viên Việt Nam. Khang và Ly-Lan quen nhau, yêu nhau tha thiết, mấy năm mới tiến tới hôn nhân. Rồi năm năm sau Ly-Lan sanh song thai hai đứa con trai đặt tên Việt và Frank. Họ sống hạnh phúc, êm đềm. Trong khi đó, Khang có người bạn học chung khóa, người Bỉ, tên Benoît Mauris. Cha Benoît có hãng thầu xây cất G.C.M., cậu rủ Khang sang Bỉ làm việc trong hãng cha cậu. Khang thích thay đổi cảnh nên liền khăn gói cùng vợ con đi qua bên ấy lập nghiệp.
Sau tháng 4, năm 1975, đợt sóng Thuyền-Nhân Việt Nam tràn qua tị-nạn. Khang vì thương xót đồng bào mình nên thường bỏ vợ con đi dự các sinh hoạt trong Cộng Đồng người Việt. Chàng rất nhạy cảm dễ si tình, nhứt là khi gặp những người đàn bà, con gái Việt. Bởi tâm hồn Khang quá đa tình, lãng mạn và cộng thêm sự khao khát nói tiếng mẹ đẻ. Chàng muốn trở về nguồn. Vì đã lìa xa quê hương khá lâu năm. Khang sanh trưởng trong một gia đình giàu có ở Sài-Gòn. May mắn thay ! Cha mẹ chàng nhận định được thời thế, họ chuyển tiền bạc ra ngoại quốc trước ngày biến cố xẩy ra. Một thời gian sau, cha mẹ của Khang lần lượt qua đời, chàng thừa hưởng trọn gia tài khá lớn. Gần như, đàn bà, cô gái nào biết Khang, họ cũng mơ ước được chàng chiếu cố. Bởi Khang là ông Kỹ Sư giàu có, dáng vóc cao ráo, khá đẹp trai, tánh tình phóng khoáng, hào hoa, phong nhã...
Năm ngoái, lúc mới quen Như Trinh, Khang cũng si tình nàng. Nhưng, Như Trinh lại có tâm hồn, đặt hoàn cảnh của người vào mình. Nên nàng cố đè nén lòng tham, dục vọng và tiền tài. Nàng khuyên Khang hãy nghĩ trước hết là hai đứa con. Vì đời của nàng đã trải qua cảnh sống với dì ghẻ hồi nhỏ. Và bị người đàn bà khác giựt chồng vài năm về trước. Nàng ôm đau thương, sầu hận tột cùng. Nhưng với tấm lòng vị tha, nàng dễ dàng xóa bỏ những việc thường tình thế gian. Cũng may, nàng không có con, và người chồng bạc tình kia, để lại cho nàng một căn nhà nhỏ. Nàng đi làm thư ký kế-toán, sống âm thầm một mình với cuộc sống trung bình vừa đủ.
Hồi mới gặp Khang, Như Trinh cũng thích chàng lắm. Nếu Khang không có vợ thì nàng đã gieo đầu vô rồi. Nhưng Như Trinh là người đàn bà đã từng nếm ít nhiều kinh nghiệm đời nên biết được nỗi khổ của kẻ khác cũng là nỗi khổ của chính mình, chớ nàng chẳng phải Thánh-thần gì cả...

*
Khang và Xuân Giao cặp bồ một thời gian mới làm hôn thú. Hai người ăn ở với nhau gần mười năm mà chưa có con. Xuân Giao rất mong cầu, trông đợi. Bấy giờ, nàng đã hơn bốn mươi. Còn Khang ngoài năm mươi, nên chàng chẳng muốn có con nữa. Nhưng Xuân Giao đòi nằn nặc. Nàng đi bác sĩ sản khoa, khám hết ông này tới ông kia. Những ông bác sĩ cho biết, nàng rất khó có con, vì cổ tử cung bị chai cứng nên tinh trùng khó chui vào. Chỉ có thể cấy vô thôi. Và bác sĩ khuyên nàng không nên để có con, vì tuổi tác hơi lớn. Nhưng Xuân Giao không nghe lời bác sĩ. Nàng bắt buộc Khang phải cùng nàng đi làm cho có con. Khang vì quá yêu và si mê Xuân Giao, chàng bỏ tiền ra khá nhiều để làm vừa lòng người yêu. Những lần thử nghiệm thất bại. Rồi cuối cùng cũng thành công. Xuân Giao được đậu thai, nàng mừng lắm. Nhưng Bác sĩ nói, dưỡng thai rất cực nhọc, không được mang giày cao gót, đi đứng phải cẩn thận, không được làm việc gì nặng...
Xuân Giao ngày đêm lo âu cho cái thai, nên bỏ bê hai đứa con của Khang bù lơ, bù lốc. Lắm lúc nàng nổi cáu và đánh hai đứa nhỏ. Khang nghe hai con mét lại, chàng rất khổ tâm. Chàng hay ngồi im lặng, lòng nghe hối hận những điều mình đã làm, và đôi khi còn nghe văng vẳng đâu đây lời khuyên của Như Trinh : ‘’Anh Khang à ! Đừng để hai trẻ thơ vắng cha hoặc thiếu mẹ nghe anh ! Cha là khối óc, mẹ là trái tim. Hoặc, cha là quan toà, mẹ là luật sư. Cha răn dạy, rầy la, mẹ bênh vực, vuốt ve. Chúng nó không thể thiếu một trong hai thứ đó trong đời được. Vì thiếu một thứ là chúng nó sẽ bị mất thăng bằng ngay. Trinh là nạn nhân của sự thiếu thốn ấy, nên Trinh hiểu rất rõ. Trinh mong mỏi giữa anh và Trinh chỉ làm bạn cho bớt cô đơn giữa đời...’’. Khang hồi tưởng lại những lời khuyên của Như Trinh mười mấy năm về trước, chàng thấy thật là chí lý. Nhưng đã muộn rồi !
Sau này, Khang hay dẫn hai con đi chơi riêng. Đôi khi cuối tuần, chàng lái xe đưa hai con qua Paris thăm mẹ chúng nó. Một hôm Xuân Giao biết được, nàng lồng lộn nổi cơn ghen ngược. Nàng đã không chút từ tâm, nên càng ngày nàng càng lên cơn xì-nẹc dữ tợn hơn. Có lẽ, tại vì vậy mà làm cái thai bị động. Xuân Giao mang thai được tám tháng, rồi bị băng huyết và sẩy thai. nàng được cứu sống. Còn hài nhi là bé gái, chết liền sau khi lọt lòng mẹ. Từ đó, Xuân Giao luôn luôn bệnh hoạn.

*
Vào mùa đông, năm 198... ngoài trời rét buốt, tuyết rơi suốt cả tuần, làm thành phố và ngoại ô Liège biến thành một vùng biển trắng...
Buổi sáng, Khang vừa ra ga-rai lấy xe để đi làm, sắp leo lên thì chú phát-thư đem mấy lá thư đưa cho Khang. Trong đó có một lá của phòng thử nghiệm... gởi về. Khang bèn đem theo, vô sở mở ra đọc (...). Họ cho hay là vợ chàng bị ung thư toàn bộ phận sinh dục đến thời kỳ không cứu chữa được nữa. Khang biết tin ấy, chàng rất lo buồn, lòng không muốn cho Xuân Giao biết. Nhưng làm sao dấu được ? Vì Xuân Giao cứ hỏi hoài. Một hôm buộc lòng Khang phải nói thật cho nàng biết...
Sau khi Xuân Giao được biết sự thật bệnh tình của mình, nàng buồn rầu và thường bị ngất xỉu. Tự biết mình không còn sống bao lâu nữa. Thay vì nàng hối hận, nhưng ngược lại, càng ngày càng đâm ra khó chịu và tức tối nên căn bệnh càng tăng nhanh. Khang thấy vợ quá yếu. Một hôm, chàng đề nghị với vợ là, nhờ Như Trinh đến nhà chăm sóc và trông nôm luôn hai đứa nhỏ. Bởi hiện tại Như Trinh trong tình trạng thất nghiệp. Vì hãng sô-cô-la parline bị khánh-tận phải đóng cửa. Ban đầu Xuân Giao không chịu. Có lẽ nàng bị mặc cảm xấu hổ hay lý do gì khác với Như Trinh ? Vì lúc Xuân Giao và Khang mới cặp bồ, Như Trinh có ngăn cản, khuyên lơn rất nhiều lần. Nhưng ai mà cản ngăn nổi, một khi hai người say đắm yêu nhau ? Như Trinh kết tội Xuân Giao là người phá hoại gia can của Khang. Dạo sau này, Như Trinh ít khi lui tới nhà Khang. Xuân Giao suy nghĩ, rồi cuối cùng phải bằng lòng nhờ Như Trinh lại nhà.
Khang điện thoại hỏi Như Trinh, và bảo Xuân Giao cũng phải nói vài lời... Như Trinh nghe vậy, nàng hơi suy nghĩ một chút. Nhưng nàng sẵn có tâm hồn bao dung, dễ giải, nàng nghĩ : ‘’Dù sao Xuân Giao cũng là bạn học của mình hồi nhỏ. Còn Khang là người bạn đồng hương, cùng sinh hoạt trong Cộng Đồng người Việt tị-nạnvới mình tại Bỉ này. Mình nên nhận lời đến nhà họ... Nếu không, người đời sẽ cho mình là kẻ ích kỹ, hẹp hòi. Bây giờ hai đứa nhỏ được mười hai tuổi rồi. Tụi nó tự túc đi học, mình khỏi cần đưa rước...’’. Như Trinh suy nghĩ, rồi bằng lòng xách gói đến nhà Khang như người giúp việc.
Căn bệnh trầm trọng của Xuân Giao, càng ngày càng nặng. Nàng không ăn uống được, thân xác ốm tông, ốm teo chỉ còn da bộc xương. Nàng đớn đau, quằn quại, và vô ra nhà thương như cơm bữa. Căn bệnh hành hạ thân xác nàng, cả năm sau nàng mới lìa đời.
Đám tang của Xuân Giao thật lớn. Người đưa đám rất đông. Nhưng hình như cái chết của Xuân Giao không làm ai xúc động gì nhiều. Phần đông bạn bè đôi bên đều biết nàng là người đàn bà rất đẹp. Tuy đẹp, nhưng thiếu hẳn lòng nhân. Nàng chỉ muốn chiếm đoạt tình lẫn tiền của kẻ khác. Vì thế, nàng mới làm đủ mọi cách cho có con với Khang để sau này được chia gia tài đồ sộ của chàng thôi. Thật, trời cao có mắt tham thì thâm !
Sau khi Xuân Giao chết, Như Trinh vẫn còn ở đó để châm sóc và lo cơm nước cho ba cha con Khang. Xem như nàng là một bà quảng gia trong nhà này. Bởi Khang trả tiền lương và khai báo đàng hoàng.

*
Vào một đêm cuối mùa thu, nhân dịp sắp làm sinh nhựt cho hai bé Việt và Frank. Sau khi ăn cơm tối xong, hai đứa nhỏ vô phòng ngủ. Ngoài salon, Như Trinh bàn chuyện với Khang, nàng nói :
- Anh Khang à ! Theo Trinh thấy, anh và hai đứa nhỏ viết thư hoặc điện thoại mời chị Ly-Lan qua đây để mừng sinh nhựt hai con của anh tuần tới nghe ?
Khang đưa ánh mắt tình tứ nhìn Như Trinh, chàng suy nghĩ một hồi rồi nói :
- Không được đâu Trinh à !
Như Trinh hỏi nhanh :
- Tại vì sao ?
Khang ngập ngừng buông lời nhè nhẹ :
- Anh muốn... Trinh làm vợ anh !
Như Trinh vừa nghe câu nói của Khang, nàng điếng người, nghe tim lòng như vỡ nát. Nàng ngồi lặng thinh mà nước mắt trào rơi. Nàng thốt lên :
- Trời ơi ! Anh Khang ! Anh vẫn không tha Trinh à ! Bây giờ Trinh gần năm chục tuổi, già rồi anh Khang à !
- Thì anh có trẻ đâu ?
Như Trinh lắc đầu, nước mắt cứ tuôn trào...
Khang vẫn để cho con tim điều khiển, chàng không còn lý trí gì nữa cả. Chàng đứng lên tiến gần, định đưa tay ôm choàng hai vai Như Trinh, nhưng nàng né qua một bên và liền nói :
- Anh Khang ! Sao anh tạo chi những cảnh rối rắm vậy ?
Khang khựng lại, bóp đầu suy nghĩ, rồi đến ngồi bên cạnh Như Trinh và nói :
- Như Trinh à ! Anh biết, từ hồi nào đến giờ, Trinh thương anh lắm. Vì Trinh sống quá đạo đức hay sợ sệt gì đó, nên Trinh âm thầm đè nén lòng. Mà chỉ mong sao anh có hạnh phúc. Trinh hành động như thế, anh thấy thật là vô lý. Sao Trinh tự đày đọa mình chi vậy ? Trinh đừng làm con rắn hay đầu, tự quật cắn lấy mình ! Còn riêng anh. Anh quá nông nỗi làm đỗ vỡ gia đình để cưới Xuân Giao. Bây giờ Xuân Giao đã mất. Anh nghĩ, anh sẽ tìm lại hạnh phúc bên cạnh Trinh. Và anh sẽ chừa... cái tật si tình... Và hơn nữa, hai đứa nhỏ cũng mến thương Trinh. Trinh rất xứng đáng...
Nước mắt Như Trinh càng tuôn nhiều hơn, nàng nghe tim mình như bị một cái gì đè nặng. Nàng lắc đầu và nghẹn ngào nói :
- Không. Không thể nào được anh Khang à ! Xin anh để cho Trinh yên. Người đem lại hạnh phúc cho anh và hai đứa nhỏ, không ai khác hơn ngoài chị Ly-Lan, vợ trước của anh. Chị ấy mới xứng đáng... Còn cá nhân và lòng riêng của Trinh. Trinh xin anh đừng khuấy động. Anh hãy để cho mặt hồ yên tịnh, Trinh vang xin anh ! Vang xin anh !
Như Trinh khóc thút thít. Khang im lặng đứng lên đi lấy ống bíp đốt lửa, hít vài hơi nhả khói, rồi nói :
- Cái việc anh phải quay đầu để năn nỉ Ly-Lan trở về với anh thì thật là khó. Anh cũng xin em đừng khuyên anh như thế. Dù sao đi nữa, anh phải tự trọng và còn tự ái chứ !
Như Trinh đưa ánh mắt sắt bén lườm Khang. Nàng hỉ mũi, lau nước mắt rồi nói chầm chậm, nhưng gay gắt :
- Xin lỗi anh Khang ! Anh cho phép Trinh nói...
- Trinh cứ nói. Anh sẵn sàng nghe.
Như Trinh nổi giận và mắng Khang :
- Anh còn biết tự trọng, tự ái sao ? Há ! Lòng tự ái, tự trọng của anh đừng đặt vào đây nữa... Anh... Anh là thuộc loại đàn ông : Già không bỏ, nhỏ không tha...
Khang vừa nghe những lời của Như Trinh nói, chàng nghe đau điếng người. Nhưng nghĩ lại tự cho là Như Trinh nói rất đúng, tự nhủ : ‘’Như Trinh là người tốt và thành thật, thẳng thắn. Trên cõi đời này khó tìm được người bạn nào có tấm lòng như nàng !’’. Khang xoay mình nhìn Như Trinh, rồi nói một giọng đầy hối hận :
- Đã trễ mất rồi Trinh à ! Ly-Lan thù ghét anh lắm !
Như Trinh nín thinh vài giây... Nàng nhìn Khang và nói dịu giọng :
- Trinh không nghĩ như vậy. Vì chị Ly-Lan là người đàn bà hiền từ, có học thức và đầy đủ tư cách. Chị không có thù oán anh đâu. Hồi trước chị ôm nỗi đau khổ ra đi. Chị không đòi hỏi điều kiện gì cả, và chẳng có một lời trách móc hay nguyền rủa ai. Chị vẫn ở vậy không lấy chồng. Có lẽ, chị hy vọng cái gì đó...? Gặp người khác, anh và Xuân Giao khó mà có thể sống yên được bên nhau lâu dài đâu.
Khang ngồi nín thinh. Như Trinh cảm thấy chàng hối hận thật, nàng liền hỏi :
- à, này ! Anh có cho phép Trinh sang Paris gặp chị Ly-Lan không ?
- Để làm gì ?
- Làm gì thì mặc Trinh.
- Tùy Trinh.
- Cảm ơn anh. Vậy sáng mai, Trinh sẽ đi...
Sáng hôm sau, Như Trinh thức dậy sớm, ra ga lấy xe lửa qua Paris. Đến nơi, nàng điện thoại cho Ly-Lan :
- A-lô ! Tôi nghe !
- Dạ, thưa bà cho tôi nói chuyện với bà Đặng Vũ Khang !
- Vâng, tôi đây ! Xin lỗi, bà là ai ?
- Tôi là Như Trinh ! Như Trinh... bạn của ông Đặng bên Liège đó, bà còn nhớ tôi không ?
Ly-Lan nghe nhắc đến chồng mình, bà nghe nóng rần người lên, bà trả lời hơi mai mỉa :
- Vâng, tôi nhớ... Tôi có nghe tin người bạn thân của bà đã mất. Tôi rất lấy làm buồn !
Như Trinh đọc được tâm trạng của Ly-Lan, nàng nhẹ giọng và nói chuyện khác :
- Thưa bà ! Tôi đang ở Paris. Tôi muốn mời bà đi dùng cơm trưa với tôi. Mong bà không từ chối !
Ly-Lan ngập ngừng nói :
- Xin bà gọi lại tôi cỡ mười một giờ được không ?
- Được !
Ly-Lan suy nghĩ : ‘’Mấy năm nay, Như Trinh lo hai con mình rất chu đáo. Mình nghe hai con kể là Như Trinh thương tụi nó lắm. Vậy mình phải biết ơn nàng. Mình nên nhận lời đi dùng cơm với nàng mới được, và để coi nàng muốn nói chuyện gì đây ?’’. Ly-Lan sửa soạn và đợi cú điện thoại của Như Trinh. Đúng giờ Như Trinh gọi lại... Hai người nói chuyện vài ba câu... Ly-Lan bằng lòng đi dùng cơm trưa, bà hỏi Như Trinh :
- Bà đang ở đâu vậy ?
Như Trinh nghe lòng vui lên :
- Dạ, dạ. Tôi đang ở gần nhà bà, số 12..., đường Raspail, quận 6 Paris đây. Xin hẹn bà ở nhà hàng Le Havre, cỡ mười hai giờ trưa nha !
- Vâng, chút nữa nhé !
- Dạ, tôi đợi bà !
Như Trinh và Ly-Lan gặp nhau. Họ dùng cơm Tây đơn sơ. Như Trinh khôn khéo lựa lời, chỉ nói và khen về hai con của Ly-Lan. Cuối cùng Như Trinh thuyết phục và mời được Ly-Lan sang Liège vào cuối tuần tới để mừng sinh nhựt hai bé Việt và Frank...
Trước khi đến cuối tuần để tổ chức tiệc tùng. Trong mấy ngày đêm, Như Trinh suy nghĩ thật nhiều. Tại vì mấy chữ tình-tiền và danh-vọng nên lý trí và con tim của nàng chống chọi nhau mãnh liệt, nó làm tâm hồn nàng giao động không ít. Thật ra, Như Trinh cũng là phàm phu, tục tử như ai. Nhưng cuối cùng lý trí thắng con tim. Nàng tự nhủ : ‘’Mình phải cương quyết âm thầm ra đi khi có mặt Ly-Lan buổi tiệc tuần tới mới được !’’.
Tới ngày sinh nhựt của hai bé Việt và Frank. Kỳ này, Khang cho phép hai con mời những đứa bạn học trong trường thật đông. Và chàng cũng mời bạn bè của chàng nữa. Tất cả cỡ hơn một trăm người lớn và con nít. Khang bảo Như Trinh đặt đồ ăn ở tiệm và mướn hai cậu chạy bàn. Nàng chỉ lo sửa soạn chưng hoa và trang hoàng nhà cửa cho đẹp thôi.

*
Hơn mười năm trước đây, Ly-Lan ôm hận ra đi. Hôm nay nàng trở lại, tuy ngôi biệt thự có phần thay đổi màu sơn và cách trang hoàng. Nhưng những thứ đó không làm bà quan tâm. Vấn đề hệ trọng nhất, là bà đang kề cận bên chồng và hai con của bà. Trong lòng bà sung sướng như đã tìm lại được kho tàng hạnh phúc.
Đã hơn tám giờ đêm, mọi người nhập tiệc, bầu không khí tưng bừng, quan khách đông đảo, cười nói ồn ào, trẻ con vui đùa, tiếng nhạc vang vội. Những người bạn của Ly-Lan khi xưa, họ rất vui mừng gặp lại bà. Dường như, Ly-Lan quên hẳn bà đang làm khách trong ngôi biệt thự sang trọng này. Bà tiếp đón ân cần quan khách, bạn bè của chồng và các con. Bà rất tự nhiên như người chủ nhà.
Còn Như Trinh, nàng đang nghĩ gì ? Nàng chỉ gượng cười, đi tới, đi lui, để ý. Rồi nàng nhìn thấy nét mặt Ly-Lan vui vẻ, hai đứa nhỏ quây quầng bên cạnh mẹ thật hồn nhiên. Như Trinh rất toại nguyện... Nhưng lại nghe lòng lâng lâng - vui, buồn pha lẫn khó tả được. Thừa cơ hội ấy, nàng vào phòng thu xếp quần áo, đồ đạc bỏ vào valise và viết vội một lá thư để lại. Bìa thư đề : ‘’Kính gởi : Ông Bà Đặng Vũ Khang - Ly-Lan’’. Rồi nàng âm thầm xách valise ra đi trong khi mọi người đang vỗ tay và cùng hát bài ‘’Chúc Mừng Sinh Nhật’’ cho hai bé Việt và Frank. Trên cái bánh sinh nhật khá lớn có cắm mười ba ngọn đèn cầy nho nhỏ đủ màu đang cháy...

Hoa nào tránh khỏi gió mưa
Bướm nào là bướm lánh chừa vườn xuân ?
Ngẫm hay cuộc thế xoay vần
Bướm hoa, hoa bướm chất chồng nghiệp căn.


(Paris, 8/2001)
Việt Dương Nhân
#8 Posted : Tuesday, January 18, 2005 5:36:20 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Vẫn Chưa Muộn Màng


Diệu từ Paris sang Montréal thăm Trầm, cô em bạn mà Diệu đã quen trong những dịp làm văn-nghệ giúp vui cho đồng bào Tị-nạn trong trại tạm cư Créteil ngoại ô Paris. Tính đến nay đã hơn mười lăm năm rồi. Bây giờ Trầm đã có chồng, sanh được hai con và sinh sống tại nơi này hơn hai năm qua.

Xế trưa, vào đầu mùa hè mà trời hôm nắng, hôm mưa và nóng hầm, oi bức. Diệu mặc áo thun trắng và chiếc quần sọt cũng màu trắng và xách dù đi ra trung tâm Montréal để nhìn ngắm lại những đường phố cũ. Bởi năm sáu năm về trước, nàng thường sang đây lo công việc cho hãng H.P. nơi thành phố này. Dạo đó, Diệu chỉ giao thiệp với dân bản xứ, nàng chẳng có quen biết ai là người Việt Nam.
Diệu đang lang thang và ngắm nhìn những tiệm quần áo trong thương xá... nằm dưới hầm của đại lộ René Levesque. Tâm hồn Diệu đang bình lặng không gợn một chút buồn vui. Bỗng nàng nhìn phía bên tiệm quần áo đàn ông, nằm đối diện với tiệm quần áo đàn bà. Một người đàn ông Á-Châu, tuổi ngoài năm mươi cũng đang nhìn ngắm đồ trong tiệm. Vóc dáng của ông hơi gầy, cao vừa vừa, mái tóc muối tiêu, đôi mắt to tròn và sâu thẳm. Ông ngước lên nhìn Diệu. Hai người đi đến gần cùng gật đầu chào. Diệu mở lời hỏi trước :
- Xin lỗi ông. Có phải ông là người Việt Nam không ?
- Dạ, phải. Còn bà ?
- Tôi đang nói tiếng Việt với ông đây.
- Ha ! Tôi thật là ngớ ngẩn. Chắc bà từ xa mới đến đây ?
- Dạ, đúng .
- Có phải bên làng Sàigòn-Nhỏ Cali. không ?
- Dạ, không phải. Tôi đến từ Paris !
- Ô, vậy à ! Xin lỗi bà ! Paris chắc đẹp lắm phải không bà ?
- Dạ, đẹp. Ông có viếng Paris lần nào chưa ?
- Dạ, chưa ! Vì...
Diệu cướp lời:
- Vì bận gia cảnh hay công việc làm ăn chớ gì ?
Ông kia ngập ngừng... rồi nói bằng một giọng nhẹ :
- Gia cảnh ! Không. Không phải vì gia cảnh, mà vì công việc thôi.
Diệu thoáng nghĩ và nhủ : ''Vậy là chàng tóc muối tiêu này không có vợ hoặc là tình duyên bị dang dỡ gì rồi ? Trông gương mặt của chàng có nét hiền từ, ánh mắt buồn, nụ cười như gượng gạo. Chàng tên gì và làm gì cà ?''. Diệu đang nghĩ ngợi. Ông nhìn Diệu và hỏi :
- Bà đang suy nghĩ gì mà trông bà có vẻ đăm chiêu quá vậy ?
Diệu giựt mình :
- Dạ, dạ. Tôi muốn hỏi ông tên chi ? Còn tôi, tên Diệu.
- Diệu ! Tên của bà sao nghe buồn quá. Xin lỗi bà, từ hồi nãy giờ tôi cũng quên tự giới thiệu. Tôi tên Thế !
- Nguyễn Văn Thế phải không ?
- Dạ, không. Trần Văn...
Diệu vuốt đuôi nhanh :
- Thế ! Mà Nguyễn, Trần, Lê gì cũng là nguyên thủy gốc Việt Nam !
Thế gật đầu và hỏi sang chuyện khác :
- Bà có mua sắm gì chưa ?
- Dạ, chưa. Mà mua sắm làm chi. Tôi chỉ thích đi dạo để rửa mắt thôi !
Thế nghĩ : ''Mình cũng rảnh, vậy mình thử mời bà này đi uống nước''. Ông mỉm cười và hỏi Diệu :
- Bà có bận gì không. Bà cho phép tôi mời bà đi uống cà-phê với tôi đàng kia được chứ ?
- Dạ, được. Lòng vòng nãy giờ tôi cũng hơi khát nước rồi.
Trong lòng Thế nghĩ : ''Người đàn bà này ăn mặc và cử chỉ bên ngoài như Âu-Mỹ mà nói chuyện thì thật là Việt Nam''. Thế chẳng biết nói gì, vì ông thuộc loại người ít nói. Nhưng chàng cũng phải mở lời :
- Hỗm rày đã vô hè. Dầu trời có mưa nhưng vẫn nóng bức. Bà thích nóng hay lạnh ?
Diệu quay mặt qua và nói :
- Ai mà thích lạnh bao giờ ông. Ngày đầu qua đây trời nắng và nóng. Tôi rất thích. Vì bên Paris ít khi có nắng. - Vậy thì bên Paris còn lạnh à ?
- Dạ, vẫn còn. Lúc tôi đi trời lạnh hơn bên đây nhiều.
(...)
Thế và Diệu, hai ông bà đi song song và bước từng bước chậm lướt qua những cửa hàng trang trí thật sang trọng và đẹp đẽ. Tới quán cà-phê... Thế ga-lăng kéo ghế cho Diệu ngồi. Rồi đi ông vòng qua bên kia ngồi đói diện với Diệu. Thế ân cần hỏi :
- Bà dùng chi ?
- Dạ, bia.
Thế ngước lên nhìn cậu bồi bàn đang đứng chờ, Thế nói :
- Cậu cho chúng tôi hai chai bia Hen-nơ-ken.
Cậu bồi bàn đi lấy bia và đem lại rót vào hai cái ly rồi bỏ đi. Thế xoa hai bàn tay, miệng mim mỉm cười và hỏi Diệu :
- Bà sang đây chơi được bao lâu rồi ?
- Dạ, mới hai ngày.
- Chừng nào bà trở về Paris ?
- Dạ, cỡ chừng mười ngày nữa.
- Nhanh vậy à !
- Dạ, vì tôi không thích bỏ nhà lâu.
- Hỗm rày bà viếng thăm những thắng cảnh nơi đây chưa ?
- Dạ, chưa. Hồi trước, tôi có qua đây nhiều lần, nên bây giờ làm biếng đi xem lại, mà cũng chẳng cần thiết gì ông à !
- Bà có thân nhân ở đây chứ ?
- Dạ, có, Tôi có quen cô em bạn lấy chồng nơi đây.
Diệu thấy cách xưng hô giữa nàng và Thế còn quá khách sáo, nàng nói tiếp :
- Sao mà ông Thế gọi tôi bằng bà hoài vậy ?
- Thì... thì mới vừa quen ... chị mà !
Diệu mỉm cười :
- Hết bà, rồi tới chị... Chắc ông thấy ... nó già lắm hả ?
Thế trở bộ ngồi, tay bưng ly bia lên hớp một hớp, rồi nói trỏng :
- Chắc chắn ... nhỏ hơn tôi rồi ! Mà sao chị cũng gọi tôi bằng ông hoài !
- Được, được. Tôi đổi lại đây... Anh bao nhiêu tuổi ?
- Ngoài năm mươi !
Thế chỉ tay vào Diệu, chàng tiếp :
- Còn... Xin lỗi, tôi hơi bất lịch sự hỏi tuổi đàn bà...
- Dạ, đâu có sao. Tôi nhỏ hơn anh chắc vài ba tuổi. Già rồi anh ơi !
Thế đưa ánh mắt diệu dàng nhìn Diệu :
- Tôi tưởng đâu... trẻ hơn nhiều nữa chớ !
Diệu đưa tay vén mái tóc đàng trước trán và chỉ cho Thế :
- Nè, tóc tôi nhuộm. Nếu không thì cũng trắng như tóc của anh đó. Anh lớn tuổi mà tóc của anh còn nhiều ghê hén !
Thế vừa nghe lời của Diệu khen mái tóc mình. Bất chợt chàng nhớ cảnh học tập, cải tạo ngày xưa. Ánh mắt của Thế quắc lên và nói một giọng mai mỉa :
- Tại nhờ tôi bị ăn rau muống với muối hột suốt mười bốn năm trời đó.
Diệu ngạc nhiên :
- Hả ! Anh nói cái gì mười bốn năm ăn rau muống ?
Thế thở ra và gằn giọng :
- Học tập, cải tạo. Tù của Cộng-Sản Việt Nam !
Diệu vừa nghe Thế nói, nàng nghe trong lòng quặn thắt đau như vừa bị ai cắt đứt ruột. Đôi mắt nàng cũng quắc lên liền nói :
- Trời ơi ! Tụi nó dày anh dữ vậy sao ? Thiệt là cái thứ tàn nhẫn... Chắc hồi đó anh là sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt-Nam Cộng-Hòa phải không ?
- Không. Tôi không phải là lính. Mà tôi làm trong Bộ Thông-Tin - Tâm-Lý-Chiến !
- Trời ơi ! Hèn chi !
Thế và Diệu chuyện trò hỏi thăm nhau, và trao đổi địa chỉ mà đã hơn cả tiếng đồng hồ rồi. Hơn sáu giờ chiều, Diệu đứng lên cáo từ. Nhưng Thế không để cho Diệu đi métro về một mình. Chàng gọi người ta tính tiền. Trả tiền xong, chàng và Diệu ra xe, rồi trực chỉ đưa Diệu về tận cửa nhà của Trầm. Và họ hẹn nhau qua ngày sau sẽ liên lạc bằng điện thoại.
Diệu đứng trông theo chiếc xe và Thế khuất dạng, nàng đi vào nhà nhận chuông, Trầm ra mở cửa trên tay đang ẵm bé Vũ, còn bé Thu cũng chạy theo sau, Trầm tươi cười hỏi :
- Ủa, sao mà chị về tay không vậy, không mua gì hết sao ?
- Mua cái gì bây giờ ? Đi lòng vòng xem đồ cho vui mắt, mua sắm làm chi cho tốn tiền. Mà này, chị có chuyện vui lắm Trầm ơi !
- Vui ! Cha, chắc chị gặp ông Ca-na-điên nào rồi chứ gì ?
- Không phải Ca-na-điên mà là Việt-nam-miên.
- Gặp cây nhà lá vườn, chắc chị thao thao bất tuyệt nói chuyện quê nhà hén ! À, mà dân ở đây hay dân du lịch vậy chị ? - Dân Tị-nạn nơi này. Chàng mới đưa chị về đó.
- Vậy à ! Sao chị không mời ông ấy vào cho biết nhà.
- Mới quen. Hơn nữa nhà của em làm sao chị dám mời ?
- Ông ấy tên gì vậy chị ?
- Tên Thế.
- Thế ! Ông ấy họ gì ?
- Trần Văn Thế.
Trầm cười ha hả :
- Anh Thế quen với vợ chồng em.
- Em quen ! Trời đất ! Quen như thế nào vậy ?
- Trong Cộng Đồng người Việt của mình. Ông ấy nghệ sĩ tính lắm.
Trầm và Diệu còn đang đứng ngay cửa nói cười thì Hưng, chồng của Trầm đi làm về tới, cậu hỏi :
- Sao không vô trong nhà nói chuyện mà đứng giữa cửa cười nói lớn dữ vậy ?
Cả ba đều vào phòng khách, Trầm cười và khoe với chồng :
- Chị Diệu đi dạo phố vô tình làm quen với anh Trần Văn Thế.
Hưng có tánh hay nói giễu và phá, cậu nhìn Diệu và cười nói đùa đùa :
- Nè, anh Thế đang kiếm vợ. Còn chị thì ế... Thôi, nhào vô cho vui vẻ cuộc đời. Em thấy anh ấy với chị xứng đôi vừa lứa đó.
Trầm nguýt chồng :
- Anh này kỳ quá, cứ ghẹo chị Diệu hoài.
Diệu chêm vô :
- Ế, thì nói ế, chớ có gì sợ em. Tại chị chưa tìm được người đúng gu. Nè, ông này có vóc dáng coi khá được, tuổi tác thì xứng đôi vừa lứa và cùng đồng chung chí hướng, là không ưa Việt-Cộng. Nhưng còn tâm tánh hợp hay không thì chưa biết ?
Hưng nói :
- Thì chị cứ thử lửa cho biết đá, biết vàng với người ta. Chớ chị ở vậy hoài riết rồi thành cây khô, hoa héo đó.
- Thì khô héo từ lâu rồi.
Trầm cười ngất rồi nói :
- Tối ngày chị cứ nói chị già hoài. Già yêu theo già chị ơi !
- Ừ, để tao coi, mới vừa quen người ta có mấy tiếng đồng hồ, ai hiểu được ai đây ?
Hưng lắc đầu :
- Thôi, lát nữa ăn cơm xong rồi kể tiếp các bà ơi !
Hưng cười hắc hắc và ngâm mấy câu thơ chọc ghẹo Diệu :

Vầng trăng lơ lửng lưng trời,
Nơi này có cánh hoa cười ngất ngây.
Thả hồn theo gió mây bay
Hương tình thoang thoảng tỏa đầy nhà tôi...


Hưng ngâm thơ chọc Diệu, rồi tự vỗ tay cười và hỏi :
- Chị nghe em xuất khẩu thành thơ có hay không ?
- Cha ! Nghe lãng mạn dữ đa !
Hưng tiếp :
- Chị Diệu ơi ! Qua đây ở cho gần gũi với tụi này đi.
Trầm cũng họa theo chồng :
- Được, được lắm. Anh Hưng nói đúng đó. Bỏ Paris đi chị ơi !
Diệu cười :
- Làm sao bỏ Paris được các em ! Vì đã có gốc rể bên đó rồi. Cây già mà bứng gốc thì có thể mau chết lắm đó các em à !
- Qua đây có anh Thế tưới nước, thì chị sẽ tươi lại liền.
Ánh mắt của Diệu long lanh gợn sóng tình và nghe nong nóng hai bên gò má, nàng hơi mắc cỡ, vội khoác tay :
- Thôi, đồ quỉ, phá tao hoài. Tối rồi, để chị xuống bếp lo cơm nước.

*
Vào cuối tuần, Hưng và Trầm đề nghị với Diệu làm một buổi dạ tiệc. Để mời các anh chị em nghệ-sĩ, và bạn bè quen thuộc trong Cộng Đồng Việt Nam tại Montréal. Họ đồng ý, bắt tay vào việc. Trầm nhấc điện thoại gọi mời...
(...)
Tại nhà hàng Hồng-Ngự, quan khách đến trên dưới khoảng năm chục người, đương nhiên là có cả Thế nữa. Hưng bảo Diệu đứng gần cửa để cậu giới thiệu bạn bè và quan khách.
Sau khi tiếp tân xong, vào bàn tiệc. Trong lúc đang ăn uống nói cười. Bất chợt có một ông đến trễ, Diệu nhìn thấy, nàng vội vàng ra dấu với Hưng. Hưng tươi cười đứng lên tiếp và dẫn ông khách đến giới thiệu cho Diệu. Diệu ngạc nhiên, vì người khách đến trễ ấy trông gương mặt ông sao quen quá. Nàng nghĩ : ''Sao ông này giống Nghiệp quá vậy cà ? à, chắc người giống người !''. Diệu vừa thoáng nghĩ thì Hưng nói :
- Đây là anh Lê Thanh Nghiệp !
Diệu giựt mình tự nhủ : ''Đúng là hắn rồi !''. Diệu nghiêm mặt gật đầu chào. Nghiệp nhìn Diệu sững sốt, trong tic-tắc chàng nhớ ngay và hỏi nhanh :
- Xin lỗi, có phải bà tên là Nguyễn Thị Kim Diệu không ?
Diệu nhìn Nghiệp, nàng nói một giọng chậm mà hơi gay gắt :
- Nó vẫn còn... sống đây !
Thế và Hưng ngớ ngẩn, Hưng hỏi :
- Ủa, hai người có quen hả ?
Nghiệp và Diệu đồng nói :
- Từ thuở xa xưa !
Hưng ngoắt cậu bồi bàn chêm thêm chiếc ghế cho Nghiệp ngồi chung bàn. Diệu ngồi chính giữa Thế bên tay mặt còn Nghiệp bên tay trái. Diệu thấy hơi khó chịu, nhưng nàng nễ Hưng và mọi người nên đành im lặng cho Nghiệp ngồi kế bên nàng. Bấy giờ đầu óc Diệu đang quay cuồng nhớ về thuở cô còn là nữ sinh...
... Trời chiều, tháng hai tại Sàigòn, vào đầu thập niên 1960. Kim Diệu, một nữ sinh mười bảy tuổi đang học lớp đệ-nhị tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng. Diệu có sắc vóc rất xinh xắn và hấp dẫn. Vừa tan học, Diệu ôm cặp táp đi tà tà về phía nhà thờ Huyện-Sĩ. Nghiệp cũng là học sinh đang học lớp đệ-nhứt chung trường. Cậu cho chiếc xe Mô-bi-lết chạy chầm chậm sát lề đường và mở lời hỏi Diệu :
- Diệu có rảnh không ? Mời Diệu lên xe, mình đi ra xa lộ Biên Hòa hóng mát !
Diệu đứng lại nhìn Nghiệp, miệng tủm tỉm cười duyên và trả lời :
- Được. Nhưng Diệu phải về nhà sớm. Nếu không thì Diệu bị chú thím rầy chết à !
- Rồi. Anh hứa sẽ đưa Diệu về sớm.
Nghiệp chở Diệu lên xa lộ. Dạo đó, xa lộ Biên Hòa đang còn thô thiển vì họ đang xây cất. Lên tới xa lộ, Nghiệp cho xe chạy thẳng vô vườn cao-su mà người ta đang khai phá, nên cây cối rất thưa thớt. Nghiệp ngừng xe, hai cô cậu đi bộ tà tà, thỉnh thoảng Diệu khom xuống ngắt mấy cành hoa dại. Cô nhìn đám cỏ nắng cháy khô rồi ngồi xuống. Nghiệp cũng ngồi theo. Bất chợt Nghiệp ôm Diệu và đè hôn môi túi bụi, làm chiếc áo dài trắng bằng vãi ba-tít-phin bung nút và Nghiệp nhanh nhẹn tháo gỡ móc sú-chen bật ra đưa nguyên cặp vú trắng trẻo và tròn trịa của Diệu. Nghiệp nhìn thấy, càng lên cơn mạnh bạo hơn, cậu muốn tiếng xa... Nhờ Diệu mặc chiếc quần gài nút hơi chật, nên Nghiệp không mở ra được. Diệu cố sức vùng vẫy và đứng lên được, cô cong giò đâm đầu chạy ra xa lộ. Cô nghĩ : ‘’Trời ơi ! Sao Nghiệp làm gì quái gở vậy. Mình phải thoát thân, mình đón xe khác về mới được. Nhưng sao không thấy chiếc xe nào cả ?’’. Trong khi Diệu chạy thì Nghiệp cũng chạy theo gọi :
- Diệu ! Diệu ! Lên xe anh đưa về.
Diệu nghĩ : ‘’Xa lộ vắng người, vắng xe. Bây giờ mình phải hoãn binh, áng trận, nhẹ nhàng để Nghiệp chở mình về. Nếu không thì làm sao mà về nhà được bây giờ ? Trời ơi !''...
Diệu đang như người trong cơn mộng. Bỗng Thế quay sang hỏi :
- Sao chị... Diệu không ăn gì hết vậy ?
Diệu hoàn hồn trở lại, nàng gượng cười và nói :
- Dạ, dạ... Tại tôi cảm động vì vui quá !
Hưng xen vào :
- Chắc chắn là chị Diệu vui rồi. Qua đây được quen anh Thế và hôm nay còn gặp lại người bạn cũ. Còn gì vui hơn phải không chị Diệu ?
Diệu mím chặt đôi môi gật gật đầu. Nàng bưng ly Whisky pha sô-đa hớp và nuốt cái ực rồi mở xách tay móc gói thuốc lá lấy một điếu ghim vào đôi môi thoa son màu hồng quế mà châm lửa hít một hơi dài nhả khói và nói :
- Xin lỗi quý vị, cho tôi hút thuốc để giải tỏa sự đời !
Nghiệp vừa nghe những lời nói gay gắt của Diệu, làm trong người chàng nóng bừng lên, chàng nghĩ : ''Chắc Diệu vẫn còn ghim hận trong lòng mà không tha thứ cho mình cái chuyện ngày xưa. Còn xừ Thế này, hình như là chồng cũ của Ngọc. Và cũng có thể là người tình của Diệu hiện tại. Mình chỉ thoang thoáng nghe Ngọc nhắc tên, chớ nàng không hề cho mình thấy hình hay gặp mặt. Nhưng bây giờ thì Ngọc cũng bỏ... Montréal qua Mỹ rồi ! Gặp Diệu, mình nghe trong lòng khơi lại dĩ vãng và hình ảnh cái buổi chiều trên xa lộ năm xưa. Thật, mình là thằng con trai quá nông nỗi và ngu đần. Ngày ấy, sau khi sự việc không hay xẩy ra. Mình hết lời năn nỉ và xin lỗi nàng. Nhưng nàng nhứt định không tha thứ mình. Bây giờ vô tình gặp lại Diệu, ánh mắt của nàng vẫn còn hiện lên ghét giận mình. Chẳng biết mấy chục năm nay nàng có chồng hay không ? Hay là vẫn ở vậy tới bây giờ ? Ngày xưa, Diệu là cô nữ sinh có thân hình cân đối và rất hấp dẫn, cọng thêm đôi mắt u buồn, lãng mạn và rất đa tình, làm mình và bao chàng trai thanh niên thuở đó đều mơ mộng... Sau mấy mươi năm qua mà ánh mắt ấy vẫn còn nét cũ. Mặc dù tuổi nàng đã vào thu. Mình cảm thấy nàng không thích mình ngồi bên cạnh. Thôi, chắc mình cáo từ về sớm !'' .
Dạ tiệc, trong một không khí ồn ào, vui nhộn. Mọi người ăn uống xong, tiếng nhạc trổi lên. Những người thích nhảy, họ dẹp bàn qua một bên cho có chỗ trống để họ đưa nhau ra nhảy. Còn Nghiệp thì đứng lên cáo từ ra về trước.
Tàn buổi dạ tiệc, Diệu muốn về chung với vợ chồng Hưng và Trầm. Nhưng hai vợ chồng Hưng nói :
- Anh Thế phải đưa chị Diệu về mới đúng điệu đó.
Thế gật đầu sung sướng và tươi cười. Mọi người chào tạm biệt ra về...
Diệu ngồi trong xe của Thế. Hai người im lặng đôi phút. Diệu hỏi Thế :
- Nhà anh ở đâu vậy ?
- Bên cầu Pierre Cartier.
- Vậy thì hơi xa nhà của Trầm và Hưng rồi. Thiệt làm mất công anh quá.
Thế chạy xe chậm lại và hỏi :
- Bộ... không thích tôi đưa về sao ?
Diệu biết Thế hơi bất mãn, nàng nói nhanh :
- Đâu phải vậy anh Thế ! Em sung sướng và rất hân hạnh được anh đưa em về đó.
Thế chạy xe từ từ, sắp đến nhà của Trầm, chàng ngừng lại bên vệ đường dưới bóng cây. Trời về đêm ánh đèn đường không tỏ lắm. Diệu nghe lâng lâng trong lòng. Thế choàng tay qua vai Diệu. Diệu cũng ngả đầu vào... Hai người ôm nhau và trao nhau những nụ hôn nồng cháy như những cặp tình nhân còn trẻ. Sau khi những nụ hôn nồng nàn, Diệu còn trong vòng tay của Thế, nàng hỏi :
- Anh ở với ai ?
- Với hai vợ chồng đứa con gái.
Diệu nín thinh vài giây... rồi nhìn lên bầu trời đang tối đen và nói một giọng như thất vọng :
- Thôi, khuya quá rồi, anh làm ơn đưa em về. Rủi vợ chồng Trầm và Hưng đã ngủ, kêu cửa ngại lắm !
Thế rút tay ra, ngồi ngay ngắn trở lại, chàng đề máy xe và trực chỉ phóng về nhà Trầm. Đến nơi, hai người nắm tay âu yếm từ giã. Diệu nhìn Thế bằng ánh mắt tình tứ, nàng nói :
- Hai ngày nữa em trở về Paris. Em sẽ viết thư cho anh. Hy vọng anh đừng quên em nha. Và nhớ viết thư cho em nữa à !
Thế ôm hôn nhẹ hai bên má của Diệu và nói :
- Anh nhớ mà. Làm sao anh quên em được.
- Anh lái xe cẩn thận và chúc anh ở lại bình an. Hẹn gặp anh tại Paris !
Thế gật đầu cười. Diệu xuống xe, nàng đứng chờ Thế cho xe chạy khuất dạng, rồi nhẹ bước vô nhà đưa tay nhận chuông...
Mười mấy ngày Diệu ở Montréal, nàng cảm thấy rất hạnh phúc. Vì được vui hưởng cái không khí gia đình của tình bạn và tình đồng hương thắm thiết. Cọng thêm trong lòng Diệu vướng vương đeo mang một hình bóng gầy gầy của Thế. Nàng cảm thấy rất yêu đời. Và cũng đã yêu Thế từ cái buổi đầu tiên gặp gỡ. Bởi tâm hồn của Diệu rất nhạy cảm.
Đến ngày Diệu trở về Paris. Ngồi trong máy bay hơn sáu tiếng đồng hồ mà hình ảnh của Thế cứ chập chờn bay nhảy trong tâm trí của nàng không một phút ngưng nghỉ...

Tưởng rằng tim đã giá băng
Nào ngờ tim lại khăng kkăng ươm tình
Nhớ thương chỉ một bóng hình
Phải chăng Tơ-Nguyệt đưa mình vào yêu ?


*
Diệu vừa về tới nhà là nàng mở hộp thư. Thư từ báo chí và quảng cáo đầy ngập thùng thư. Lên nhà Diệu mở thư ra đọc. Trong số các lá thư có một lá của Ngọc, người bạn gái mà Diệu đã làm quen lúc đi chơi bên Mỹ mấy năm về trước. Tuổi họ đồng trang lứa. Diệu đọc :

Miami, ngày... tháng... năm...

Chị Kim Diệu thân mến,

Lâu quá mình không biên thư cho chị. Chị đừng buồn mình nghe. Tháng tới mình sẽ qua thăm viếng Paris. Chị có đi hè đâu không ? Minh muốn ở nhà chị được không ? Có gì mình sẽ điện thoại trước khi qua. Hoặc chị liên lạc với mình bằng e-mail.
Ok, chúc chị bình yên và vui vẻ. Mai mốt mình gặp nhau sẽ nói chuyện nhiều hơn.
Thân mến
Như Ngọc


Đọc xong lá thư của Ngọc, Diệu nhủ :''Bà nội này, hồi năm đầu thư từ liên miên. Mãi đến nay là cả năm mới biên thư cho mình. Thôi, thì chút khuya mình e-mail cho bã mới được''.
Từ ngày Diệu trở lại Paris, nàng và Thế thường xuyên liên lạc qua lại bằng e-mail và có đôi khi họ gọi nói chuyện tình tự yêu nhau qua bằng điện thoại. Cuộc tình giữa hai người rất muồi mẫn và thắm thiết. Vì e-mail sao bằng nói chuyện qua điện thoại, mà điện thoại làm sao bằng gặp mặt nhau. Chỉ một tháng sau Thế chịu hết nỗi. Nên chàng nói với Diệu là chàng sẽ bay qua Paris lối đầu tháng tám.
Diệu lo dọn dẹp và trang hoàn lại nhà cửa để đón tiếp Thế và Ngọc. Nhà nàng có ba phòng ngủ.
Ngọc qua Paris trước, trong mấy ngày nàng và Diệu tâm sự bao chuyện đời. Diệu hỏi chuyện riêng tư của Ngọc :
- Chị nói chị đã ly dị chồng. Anh ấy bây giờ ở đâu ?
Ngọc thở ra và nói :
- Ổng ở bên Canada với đứa con gái vừa lấy chồng.
- Anh ấy tên gì ?
- Tên Thế.
- Thế !
Diệu ngạc nhiên và hỏi tiếp :
- Hồi trước, bên nhà ảnh làm gì ?
- Ổng làm cho bộ Thông Tin.
Diệu vừa nghe, nàng giựt mình hỏi lại :
- Bộ Thông Tin ?
- Ủa, sao chị ngạc nhiên quá vậy chị Diệu ?
- à, không có sao. Chị kể tiếp đi.
- Vì vậy, ổng bị đi học tập mười mấy năm mới được tụi Cộng Sản Việt Nam thả ra. Hồi đó, mấy tháng sau khi mất Sàigòn. Anh Thế bị cầm tù. Mình lại đành đoạn bỏ chồng con mà đi vượt biển. Nhưng cũng may là được tàu Canada vớt. Ở đó một thời gian sau thì mình được nhập quốc tịch. Nhờ thế, mình mới bảo lãnh ổng và đứa con gái qua bễn.
Diệu đưa ánh mắt diệu dàng và đầy cảm động nhìn Ngọc và nói :
- Lúc ấy, ai mà không hốt hoảng lo thoát thân. Nhưng đối với tôi, thì chị là một người đàn bà có đầy tình nghĩa.
Ngọc rươm rướm nước mắt, nàng ngước nhìn lên trần nhà, thở ra và nói :
- Mình tự thấy xấu hổ, là mình không thủy chung với anh Thế.
Diệu thông cảm tình cảnh của Ngọc, nàng nói lời an ủi :
- Chị đừng nên tự trách mình. Vì ‘’Nhơn vô thập toàn’’ mà chị. Ai mà không có những giây phút yếu lòng và sa ngả !
Ngọc với tay rút khăn giấy chậm nước mắt và nói một giọng buồn :
- Mình hy vọng anh Thế sẽ gặp được một đàn bà hiền và chung thủy.
Diệu nghe Ngọc kể, nàng đoán chắc là Trần Văn Thế rồi. Nàng nghe trong tim nhói đau như đang rạng nứt cái gì tận đáy lòng. Diệu nghĩ : ‘’Nếu sự thật là vậy, thì mình sẽ tìm cách bắt cầu Ô-Thước cho Ngọc và anh Thế trở lại với nhau. Mình nghe tim mình yêu Thế thật. Nhưng tình yêu này nó phát xuất từ cái xúc động, chua xót phận làm người. Chớ chẳng phải là mối tình cuồng dại của tuổi trẻ. Đây cũng là một trong những hàng ngàn hoàn cảnh đã xẩy ra tương tựa. Bởi vì thời thế và chiến cuộc tạo lên mà thôi. Mình tin tưởng ơn trên sẽ giúp mình đoạt thành ý nguyện này !’’. Diệu nghĩ và nhủ thầm trong lòng xong. Nàng quay sang vuốt vai Ngọc và nói :
- Chắc chắn rồi. Anh Thế sẽ làm lại cuộc đời và được hạnh phúc hơn xưa. Dù sao ảnh cũng đã trải qua nhiều kinh nghiệm sống, thì đương nhiên ảnh sẽ biết lựa chọn.
Nói đến đây Diệu nín thinh vài giây, rồi nhanh nhẹn hỏi Ngọc :
- À, mà có phải ảnh tên Trần Văn Thế không vậy chị ?
- Đúng rồi ! Ủa, sao chị biết ?
Diệu đứng dậy đi đến học tủ lục soạn trong mấy bao hình còn để nguyên chưa bỏ vào album. Nàng rút ra một tấm hình của Thế, rồi trở lại vừa đưa cho Ngọc xem vừa hỏi :
- Nè, phải người này đây không ?
- Ủa, chị quen với anh Thế hả chị Diệu ?
- Mới quen trong chuyến đi Canada thăm cô em bạn tên Trầm mấy tháng trước đây thôi. Vài ngày nữa anh Thế sẽ qua đây gặp mình.
- Trời ơi ! Sao chị không cho mình hay trước ?
Trong tim của Diệu nghe nằng nặng một cái gì. Nhưng nàng vẫn cố đè nén, trấn tĩnh. Nàng mỉm cười trả lời câu hỏi của Ngọc :
- Biết ngứa chỗ nào đâu mà gải. Bao nhiêu lá thư của hai đứa mình, toàn là kể chuyện hồi còn trẻ ở Sàigòn. Hai đứa, chẳng đứa nào hỏi chuyện tình cảm riêng tư. Nhưng mình hỏi thật với chị Ngọc nghe !
- Chuyện gì vậy chị Diệu ?
- Chị còn thương anh Thế không ? Hãy nói thật lòng mình đi, chớ đừng có dối lòng nghe.
Ánh mắt của Ngọc gợn buồn nhìn xuống đất, nàng nói nhè nhẹ :
- Thương... thì vẫn còn thương. Nhưng đã lỡ hết rồi chị Diệu à !
- Lỡ gi ? Lỡ như thế nào ?
- Bây giờ anh Thế đã có chị. Còn mình... Lúc mình bảo lãnh anh Thế qua, mình có dang díu với một người đàn ông khác ở bên Montréal.
- Bây giờ chị còn với ông ấy không ?
- Hết rồi ! ... Mình với Nghiệp đã bỏ nhau hơn hai năm nay. Cho nên mình mới đi qua Mỹ...
Diệu giựt mình thốt lên :
- Nghiệp ! Trời ơi ! Có phải ông Lê Thanh Nghiệp bên Montréal không ?
- Chị cũng quen luôn với ông ấy nữa sao ?
Diệu cười và ánh mắt long lanh thương ghét lẫn lộn, nàng thò tay rút một điếu thuốc ghim vào đôi môi, chăm lửa và hút một hơi dài, nàng nói :
- Giữa mình với Nghiệp có một chuyện quái đảng lắm, nó ám ảnh và ghi khắc mãi trong tâm khảm mình. Vì vậy mà mình ghét hắn suốt đời. Còn... anh Thế... thì mình thương quý ảnh suốt đời. Biết rằng lòng mình cũng cảm tình với anh Thế nhiều lắm. Nhưng cái tình của mình bây giờ là không phải tình yêu trai gái như hồi còn trẻ nữa. Mà mình mong muốn cho tất cả mọi người trên thế gian đều được bình an và hạnh phúc. Niềm vui ấy, mình đã tìm thấy trong những tháng ngày sống cô độc.
Ngọc thở ra và tiếp lời của Diệu :
- Có lẽ Nghiệp làm điều gì nặng nề lắm nên chị không muốn lấy chồng chứ gì ?
Diệu nhếch miệng cười gượng, mắt nhìn xa vắng qua cửa sổ, nàng nói :
- Cũng có thể là vậy ! Lấy chồng ! Khó lắm chị Ngọc ơi ! Bởi mình cũng đã già và quen sống độc thân từ hồi nào tới giờ rồi !
- Thì cứ lấy chồng thử một lần coi.
Diệu mỉm cười :
- Có lấy thì lấy thiệt, chớ ai mà lấy chồng thử bao giờ. Thôi, chị hãy kể tiếp chuyện của chị đi, chớ đừng lo cho tôi.
- Chị biết không, từ ngày mình bảo lãnh anh Thế qua Canada. Nghiệp ghen ngược và hay đánh đập mình, nên mình...
Diệu vừa nghe, nàng nổi nóng cướp lời của Ngọc nhanh :
- Nên chị bỏ hắn mà đi qua Mỹ chứ gì ? Thật là cái thứ vũ-phu không chừa !
- Đúng vậy ! Nghiệp có tâm tánh cộc cằn và vũ phu. Còn anh Thế, thì rất hiền hòa. Nếu chị và ảnh lấy nhau. Chắc chắn hai người sẽ được hạnh phúc. Thật là trái đất tròn phải không chị ? Không ngờ ông trời cho xoay lanh quanh rồi mình quen nhau trong một hoàn cảnh tréo cẳng ngỗng.
Diệu đáp :
- Có gì đâu là tréo cẳng ngỗng chị Ngọc ?
- Thì... thì tình yêu của chị ! à chị với anh Thế tình cảm tới đâu rồi. Kể cho mình nghe được không ?
Ánh mắt của Diệu vụt sáng lên, nàng cười cười :
- Chỉ có nắm tay, sơ muối phớt phớt qua. Và... và có nói chuyện yêu đương qua điện thoại thôi. Còn... cái vụ khác thì chưa đụng đến.
Ngọc nhìn Diệu bằng cặp mắt nghi ngờ. Diệu đoán được, nhìn Ngọc nàng tiếp :
- Chắc chị Ngọc không tin những gì mình vừa nói với chị chứ gì ?
Ngọc nghe thẹn lòng, nàng trả lời :
- Chuyện khó tin, nhưng mình tin chị đó.
- Tùy chị ! Để chờ anh Thế đến đây, mình sẽ bắt cầu cho hai người trở lại. Vì vẫn chưa muộn màng mà chị Ngọc ! Dù sao đi nữa, giữa chị và anh Thế cũng đã có con với nhau...

*
Một tuần lễ trôi nhanh. Tới ngày Thế đi, chàng gởi e-mail cho Diệu biết giờ và chuyến bay số mấy để nàng lên phi trường rước chàng. Diệu bảo Ngọc đi theo. Mới đầu Ngọc chần chừ, rồi cuối cùng nàng cũng đi.
Thế vừa tới chỗ lấy hành lý. Xa xa ngoài rào kiếng, chàng nhìn thấy Diệu và Ngọc đang tươi cười đưa tay ngoắt chàng. Thế giựt mình hết hồn, chàng muốn quay lại lên máy bay trở về Canada liền. Nhưng chàng nghĩ : ''Qua tới đây rồi thì Diệu là người yêu của mình. Mắc gì mình phải sợ ai chứ !''. Thế cố ráng giữ thái độ bình tĩnh và kéo va-li đi ra. Thế gặp lại người vợ cũ và người tình mới, chàng gượng gạo tươi cười chào hỏi và theo Diệu xuống hầm lấy xe trực chỉ về nhà nàng. Diệu cho Thế một phòng ngủ riêng.
Mấy ngày trôi qua, Diệu đưa Ngọc và Thế đi viếng nhiều thắng cảnh Paris. Thế nghe lòng nửa vui, nửa bực. Vì sự có mặt của Ngọc. Diệu đọc được tâm trạng của Thế. Một hôm Diệu nói với Ngọc, là nàng muốn mời Thế đi ăn riêng để nàng dễ dàng nói chuyện. Ngọc vui vẻ bằng lòng, và thầm cám ơn Diệu.
Diệu lái xe đưa Thế ra nhà hàng Hạnh-Phúc ở ngoại ô Paris. Nhà hàng nằm trong một khu vườn rộng, phong cảnh rất hữu tình. Mà Thế và Diệu mỗi người mỗi ý nghĩ khác nhau. Trong khi ngồi ăn, Diệu mở lời :
- Anh Thế à ! Chị Ngọc vẫn còn thương anh lắm. Anh nên từ tâm bỏ qua bao chuyện cũ mà nối lại tình xưa đi nha.
Thế lõ cặp mắt to tròn nhìn Diệu trân trân. Diệu tiếp :
- Xin lỗi anh ! Em không dám dạy đời anh đâu nha... Vì giữa em và anh thì tình chưa nặng, nghĩa cũng chưa sâu. Em muốn anh...
Thế nhìn Diệu bằng đôi mắt hơi trách hờn và hỏi nhanh :
- Bộ mấy tháng nay em giỡn chơi với anh đó hả Diệu ?
Diệu bình tĩnh nhẹ giọng :
- Không. Em không đùa giỡn tình yêu bao giờ. Em yêu anh thiệt đó chứ. Nhưng mình chưa sống chung với nhau. Còn ở xa xa thì tình đẹp lắm. Vậy thì mình hãy giữ gìn cái tình đẹp ấy đi. Hơn nữa lấy chồng vào tuổi gần sáu mươi. Sao em lo sợ quá ! Vì em là người đàn bà chưa bao giờ biết làm vợ...
Thế ngước lên nhìn trần nhà. Chàng nói một giọng buồn :
- Em thiếu tự tin hoặc em không thật lòng yêu anh, nên em mới nói vậy. Hay là tại vì có Ngọc mà... mà...
Diệu cướp lời :
- Anh đừng nói vậy ! Không tại vì ai cả. Mà tại lòng em nó bảo em làm vậy. Vì dù sao đi nữa, Ngọc cũng là vợ cũ của anh, là mẹ của con anh. Ngọc là người đàn bà có đầy tình nghĩa đối với anh. Dù Ngọc có lỡ lầm lấy ai trong lúc anh bị cầm tù. Nhưng nàng vẫn lo bảo lãnh cho anh và con ra khỏi ngục tù Cộng Sản. Ngọc nói với em, là nàng còn thương anh lắm. Sao anh không mở lòng đón nhận nàng về với anh và con ?
Thế nói nhanh :
- Em cứ biện hộ cho Ngọc hoài.
- Biện hộ gì đâu. Em nói thật với lòng em mà.
Thế im lặng, Diệu đưa mắt nhìn ra ngoài vườn có vài cánh bướm đang lượn quanh đám hoa hồng đỏ rực dưới ánh nắng mùa hè đang lay lay trước gió. Diệu nhẹ giọng và nói tiếp :
- Nói thật với anh, đời của em cũng thoáng qua vài mối tình, nhưng chẳng lần nào toại nguyện. Có lẽ tại số của em phải sống cô đơn ! Hoặc là em sợ làm vợ !
Thế nghe Diệu nói, chàng ra chiều suy nghĩ rồi hỏi Diệu :
- Thật sự hiện tại, em không có ai chứ ?
Diệu lắc đầu mỉm cười và nói :
- Ngoài anh ra, em có ai đâu ! Anh đang ở trong nhà em mà !
- à há ! Anh thật lẫn thẫn !
Diệu gắp đồ ăn bỏ vô chén của Thế, nàng nói :
- Anh ăn cơm đi chứ !
Thế đáp lại :
- Em cũng ăn với anh nữa chứ !
Dường như Thế và Diệu, hai người được giải tỏa chút ít gì trong lòng. Họ dùng cơm xong, trả tiền và ra về.
Mấy ngày đêm liên tiếp, Diệu suy nghĩ và tìm cách giàn cảnh cho Ngọc và Thế đối mặt gặp nhau riêng ở nhà nàng. Hôm ấy, Diệu diện cớ đi thăm một nữ Cư Sĩ già ở ngoại ô Paris. Nàng để lại trên bàn một lá thư gởi cho Thế...

Vẫn chưa muộn màng anh ơi !
Dang tay đón nhận, nụ cười thắm tươi
Chúc anh hạnh phúc tuyệt vời
Tình xưa nghĩa cũ xây đời ấm êm.


(Đất Pháp, bên bờ sông Seine, Bạch-Am, đêm hè 2001)
Việt Dương Nhân
#9 Posted : Tuesday, January 18, 2005 5:39:07 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Tình Thắm Đêm Xuân



Ông Bùi Văn Ngộ, ngoài năm mươi tuổi, thầu khoán xây cất nhà cửa... Ông sống với đứa con gái nuôi tên Liễu mà ông cưng chiều hết mực. Ông lượm Liễu từ thuở bé trong đợt di tản vượt biển. Hơn hai mươi sáu năm, hai cha con sống thăng trầm, trôi nổi trên đất Pháp này. Nhưng ngày nay ông đã thành công cuộc đời.
Ông Ngộ ngồi chễm chệ trên salon da màu đen trong một vi-la nho nhỏ có sân vườn rộng vài trăm thước vuông ở vùng Yveline (78) ngoại-ô Paris. Ông mặc bộ côm-lê màu xanh cẩm thạch, áo sơ-mi xanh nước biển, chiếc cà-vạt bông hoa, màu rực rở, miệng ngậm ống-bíp, trên gương mặt có vẻ đắc chí. Ông thò tay lấy hộp quẹt châm lửa hít một hơi dài nhả khói và gật gật đầu. Rồi nghe tiếng chìa khóa mở cửa rột tẹt. Không cần thấy mặt, ông hỏi một giọng như cụ già :
- Liễu đó hả con ?
Liễu đóng cửa lại, tay xách ba bốn bịt đồ ăn và một bó hoa mai Tây còn búp, bước vô hí hởn :
- Dạ, con đây ba. Ba ơi ! Còn mấy bữa nữa là tới Tết. Đêm giao thừa con sẽ làm cho ba ngạc nhiên hì hì !
- Ba biết rồi !
Liễu để mấy bịt đồ và bó hoa trên bàn ăn, cởi áo măn-tô máng lên thành ghế, đi đến ngồi gần cha :
- Ba biết cái gì nè, nói cho con nghe đi.
- Chắc chắn là con mời hai mẹ con bà Trầm, Thăng gì đó, phải hôn ? Tối ngày ba nghe con nhắc họ hoài, thiếu điều điếc lỗ tai...
- Ba tài quá ta.
Ông Ngộ nhìn con bằng ánh mắt thương yêu, nhưng ông giả bộ nhăn mặt làm như không hài lòng :
- Ba đã mời hai cha con của anh Đạo rồi. Sao con không hỏi ba trước, mà con mời...
- Thì đâu có sao ba. Có gì con nấu đồ ăn thêm. Tết nhứt trong nhà đông người thì vui hơn nữa đó ba !
- Hai cha con anh Đạo lại đây, sẵn dịp ba sẽ nói chuyện tình duyên của con với thằng Hạnh.
- Trời ơi ! Ba ! Chết con rồi !
- Chết gì ?
- Ba mời họ lại đây ăn giao-thừa thì con sẽ trổ tài nấu ăn. Còn... còn cái việc ấy... Thôi ba ơi ! Con hổng chịu đâu !
- Hổng chịu cái gì ? Ba với anh Đạo là bạn thân từ hồi nhỏ khi còn... còn đi học bậc tiểu học, đã cùng chia sẻ lúc nghèo đói hồi xưa bên nhà đó con à !
Liễu nũng nịu với cha :
- Hồi đó, thì hồi đó... Mà ba có quên tình bạn đâu ? Việc của con và anh Hạnh nó khác ba ơi ! Con... con thương anh Thăng mà ba !
- Khác cái gì ? Con thương thằng Thăng hả ? Tụi bây còn trẻ, tình yêu lãng mạn, tân thời, làm sao hiểu nổi tình nghĩa của người lớn thuở cơ hàn.
- Mà bây giờ, ba và bác Đạo đều khá giả cả rồi. Ba cứ nhắc hoài chuyện xa xưa. Xưa quá ba ơi !
- Hứ. Không có xưa thì làm sao có nay ? Ai mà giúp ba bất cứ chuyện lớn hay nhỏ, ba nhớ ơn mãi mãi suốt đời. Ba thường dạy con mà sao con không nhớ ?
Liễu đứng lên đem đồ ra sau bếp, và lấy bình vừa chưng bông vừa nói :
- Con có bao giờ quên đâu ? Nhưng việc tình duyên của con với anh Hạnh...
Ông Ngộ cướp lời con :
- Ba nói là ba đã hứa với anh Đạo rồi. Con vẫn cãi ba à !
Liễu nói giọng nhõng nhẽo :
- Bác Đạo với anh Hạnh con biết từ lâu. Giữa con với anh Hạnh chẳng có chút tình cảm nào riêng tư cả.
- Thằng Hạnh, nó thương con dữ lắm đó. Tại con không để ý.
Liễu cười khúc khích và nói :
- Con chẳng thấy gì hết. Mà chỉ thấy tướng tá của ảnh yểu điệu dịu dàng như là con gái... Giọng nói thì nghe eo éo, múa tay ẹo ẹo người dịu nhiễu. Chắc ảnh thích lấy chồng, chớ không chịu lấy vợ đâu ba ơi !
- Nè, nè. Nói bậy đi. Anh Đạo nghe được là ảnh buồn đó con à ! Thôi, con gái lớn, đã hai bảy hai mươi tám tuổi đầu rồi, đừng có làm con nít nữa. Nghe ba hỏi. Thằng Thăng, nó ra sao, làm gì, ở đâu ?
- Anh Thăng làm cho hãng xe hơi Peugeot, tướng tá cao ráo và đàn ông tánh lắm. Hổng có như anh Hạnh đâu.
- Ừa, còn cha mẹ nó làm nghề gì ?
- Trời ơi ! Thời buổi này mà ba còn hỏi gia cảnh người ta làm chi vậy ?
- Thì ba hỏi cho biết gốc gác vậy mà.
- Con nói thiệt với ba nghe. Anh Thăng không có cha, chỉ có mẹ thôi. Mẹ ảnh làm bánh cho mấy tiệm ở trong Paris quận 13.
- Trời đất ! Thằng Thăng nuôi mẹ nó không nổi sao ?
- Không phải. Tại má ảnh thích đi làm để kiếm tiền thêm.
Liễu ngập ngừng, rồi tiếp :
- Hai mẹ con họ sống đạm bạc và hiền từ lắm ba ơi ! Bánh bao mà con thường đem về cho ba ăn, là do dì Trầm, má anh Thăng làm. Ba khen ngon hoài đó .
- Vậy à ! Mà thằng Thăng làm gì trong hãng Peugeot ?
- Ảnh bán xe cho hãng, chỉ ăn huê hồng thôi.
Ông Ngộ lắc đầu :
- Thiệt hết nói nổi con rồi. Thằng Hạnh con ông chủ nhà hàng rất khá giả mà con không ưng. Đi chịu cái thằng không có tương lai gì ráo trọi.
- Thì, nếu ngày nào anh Thăng và con thành vợ chồng, ba đem ảnh vào trong hãng thầu này phụ với ba.
- Con tính hết rồi phải không ?
- Ba ! Ba nói con giống má con. Vì hồi má con còn sống, cái nào má cũng tính trước dùm ba đó.
Ông Ngộ nghe Liễu nhắc đến mẹ, làm ông bùi ngùi tội nghiệp cho Liễu. Vì thường ngày, ông hay làm bộ nhắc mẹ cô. Chớ ông nào có biết cha mẹ của Liễu là ai trên cõi đời này... Ông im lặng vài giây, rồi đổi sang nói chuyện khác :
- Nè, chiều nay, hai cha con mình đi vô Paris đến nhà hàng An-Viên của bác Đạo ăn cơm nghe ?
- Con sẵn sàng chìu ý ba. Để con sửa soạn thay đồ khác nha. Bữa nay ba diện chic quá hà.
- Ừa, ba mới vừa đi lãnh thầu thêm một mối nữa.
- Hèn gì, con thấy tươi rói.
- Vô sửa soạn, thay quần áo đẹp đi, đồ chó... nịnh ba hoài.
- Con đi liền đây.
Nửa tiếng đồng hồ sau, hai cha con ông Ngộ phóng xe tới đại-lộ Victor Hugo quận 16 Paris. Nhà hàng An-Viên không lớn lắm, chỉ bốn chục chỗ ngồi. Còn sớm chưa mở đèn. Ông Ngộ gõ cửa. Bên trong, Hạnh õng ẹo đi ra mở và mời vào. Cậu réo cha :
- Ba ơi ! Có bác Ngộ và cô Liễu đến.
Ông Đạo đang xắt rau cải để sửa soạn cho nhà hàng. Ông bỏ ngang và chạy lên, tay tháo cái yếm trắng ra, miệng tươi cười :
- Cha chả, rồng đến nhà tôm ! Mời, mời anh Ngộ và cháu Liễu ngồi. Hạnh ! Con cho cái gì uống khai vị đi con.
- Dạ, con lo liền.
Hạnh biết hai ông lúc nào cũng Whisky-sô-đa. Cậu quay sang hỏi Liễu :
- Cô Liễu uống chi hôm nay ?
- Nước dừa.
Hạnh ngớ ngẩn, nói một giọng eo éo và nhao nhão :
- Chết rồi cô Liễu ơi ! Ở đây không có nước dừa. Cô Liễu dùng nước cam hay là cocktail-maison nha ?
Liễu nhìn bộ điệu và giọng nói của Hạnh, cô mắc tức cười trong bụng, cô nói chầm chậm từng tiếng một như chế nhạo Hạnh :
- Hổng có nước dừa thì nước nào cũng được...
Hạnh xoay mình đi đánh đòn xa hai cánh tay bơi bơi, vô lấy hai ly Whisky và kẹp chai sô-đa đem ra cho hai người lớn trước. Rồi trở lại rót hai ly cocktail-maison bưng ra cho Liễu và cậu. Họ cụng ly nhăm nhi uống khai vị và chuyện trò qua lại...
Khoảng mười lăm phút sau, tới giờ mở cửa. Hạnh đứng lên mở đèn để nhạc êm diệu không lời. Ông Đạo xin lỗi vô bếp. Ngoài này Hạnh đưa hai tờ thực đơn cho hai cha con ông Ngộ lựa chọn thức ăn...
Ở quận 16, nhà hàng đề tên những món ăn trong tờ thực đơn không giống như những tiệm ở quận 13. Mà món nào cũng có cái tên rất lạ. Nào là cơm Vương-Hoàng, súp Công-Chúa, gỏi Hoàng-Hậu, vịt Nương-Tử v.v... Nhưng thật ra nấu món nào cũng có nước mắm thuần túy y trang Việt Nam. Họ đặt tên những món ăn nghe kiêu kỳ vậy thôi. Bởi nhà hàng ở đây có khách Tây và ngoại quốc đến ăn nhiều hơn khách Việt Nam.
Đã hơn tám giờ tối, khách lần lượt vào nhà hàng. Hạnh tiếp khách, lấy côm-măn, bưng bàn ở trên. Còn ông Đạo thì nấu bếp với một cậu bếp phụ.
Ông Ngộ gọi mấy món trên. Hai cha con đang ngồi ăn. Liễu ngồi quay mặt ra ngoài, cô nhìn thấy bà Trầm bưng mấy hộp bánh trên tay. Liễu nói với cha :
- Ba, ba. Má anh Thăng kìa ba.
Bà Trầm vừa bước vô. Liễu cười và chào :
- Dạ, thưa dì Trầm. Dì bỏ bánh ở đây hả ?
- Ừa, sẵn có xe của thằng Thăng, dì nhờ nó chở lại đây để khỏi đi Mê-trô. Trời lạnh quá !
- Dạ, thưa ba, đây là má của anh Thăng... Dạ, thưa dì Trầm, ba con đó dì.
- Dạ, chào ông.
- Chào bà.
Ông Ngộ ngồi nghiêm nghị. Nãy giờ ông nhìn thấy bà Trầm quen quen. Rồi lại sực nhớ... Liễu vội hỏi bà Trầm :
- Anh Thăng đâu rồi dì ?
- Nó đợi dì ở ngoài xe. Thôi, để dì đem bánh vô cho ông chủ nhà hàng nha !
Liễu nói nhanh :
- Ba mươi Tết, dì và anh Thăng đến nhà con đón giao-thừa nha dì !
- Ừa, thằng Thăng có nhắc dì rồi. Dì nhớ mà.
Bà Trầm chợt nhìn trên mặt ông Ngộ có cái mục ruồi lớn ở giữa cặp chưng mày, bà hơi ngạc nhiên... Tự hỏi : ‘’Ông này, sao mình thấy quen quen, nhưng không thể nào mình nhớ gặp ở đâu được ?’’. Bà nghĩ thoáng quá, rồi bưng mấy hộp bánh đi tuốt vô trong bếp. Vài phút sau, bà trở ra và vội vàng chào đi về.
Sau khi ông Ngộ và Liễu ăn cơm xong, họ ra về. Đi dọc đường Liễu vui vẻ hỏi cha :
- Ba thấy dì Trầm còn đẹp không ? Dì ấy, năm nay gần sáu chục tuổi rồi đó.
Ông Ngộ trầm ngâm gật đầu mà không nói lời nào cả. Về đến nhà, hai cha con mạnh ai nấy tắm rửa thay đồ, rồi vô phòng ngủ.
Đêm nay, ông Ngộ không sao ngủ được. Ông nằm trằn trọc mà nhớ về dĩ vãng xa xưa... lòng tự nhủ :‘’Trời ơi ! Tôi là thằng Đẹt, thằng nhỏ bụi-đời chuyên môn móc túi năm xưa. Còn bà Trầm là cô gái tha thứ và còn cho tiền tôi thuở nào...’’
Ông Ngộ nằm thao thức, rồi ngủ chập chờn. Đến sáng, ông thức dậy thật sớm, điện thoại cho ông Đạo. Rồi hẹn ra cà-phê để tâm sự ...
Ông Đạo là bạn ở tù chung trong khám Chí-Hòa với ông Ngộ khi xưa. Ông Đạo chẳng rõ lắm về đời tư của ông Ngộ. Ông chỉ ngồi lắng nghe bạn tâm sự... Kể như việc hứa hôn của Hạnh và Liễu xem như không thành. Ông Đạo biết con trai mình có bệnh đồng-tình-luyến-ái. Ông chẳng tiếc nuối gì cả. Vì hồi mới gặp lại ông Ngộ hơn mười năm trước. Hai ông uống rượu vui vẻ, kể sơ sơ hoàn cảnh và đời lưu vong với nhau, rồi hai ông vui miệng hứa làm sui lúc đó. Ông Đạo nói :
- Anh cứ tự nhiên kể cho tôi nghe nữa đi.
Ông Ngộ bưng tách cà-phê hớp một ngụm, từ từ ông kể tiếp :
- Anh biết không ? Hồi những năm đầu thập niên 1960, buổi sáng giữa chợ Sàigòn đang đông nghẹt người. Tôi theo dõi một cô gái trẻ, khoảng mười bảy mười tám tuổi, ăn mặc như con trai. Nhưng tôi nào hay cô ta nhìn qua cặp mắt kiếng răm để theo dõi tôi. Lúc ấy, tôi là thằng bé mười một mười hai tuổi, tôi đang bám sát cô, tưởng là cô ta lơ đểnh nên từ từ thọt tay vô túi quần ‘’Jean’’ của cô, tôi rút được một tờ giấy hai trăm đồng. Cô chụp tay tôi, nhin thẳng vô mặt và hỏi :
- Từ hồi sáng giờ, em đã làm được mấy cú như vầy rồi ?
Tôi làm bộ sợ hải, môi run lập cặp, nói :
- Dạ, dạ. Em mới có ăn cắp của chị mà thôi !
Mấy người đi chợ nhìn thấy, la lên :
- Thằng quỉ này chuyên môn móc túi. Cô kêu Cảnh-sát mau lên !
Cô gái khoác tay :
- Chuyện này là riêng của tôi. Đâu phải của các chị !
Một bà đứng chống nạnh, miệng bày hải :
- Gọi Cảnh-sát bắt bỏ tù nó !
Cô gái ra cái điều dân-anh-chị, hất mặt lên hỏi :
- Bà có quyền gì mà đòi bỏ tù thằng nhỏ này ?
Bà kia lắc đầu, hỏi :
- Cô có điên hôn, mà nói vậy ?
Rồi bà ta bỏ đi nơi khác. Cô gái vẫn còn nắm tay tôi và hỏi :
- Em là con nhà ai ? Em có đi học không ?
Tôi nghe hỏi, tôi cố gắng lắc lắc tay thật mạnh, định cho vuột ra để chạy, nhưng không được. Tôi nhướng mắt lên, tạo chuyện nói láo :
- Chị buông em ra đi, em không có chạy đâu.
Cô lấy hai trăm bỏ vào xách tay và buông tay tôi ra. Đôi mắt cô nhìn tôi và hỏi :
- Em tên gì ?
- Đẹt.
- Tại sao em đi móc túi ?
- Tại nhà em nghèo !
Cô nhìn tôi với cặp mắt thương hại :
- Bộ nghèo, ba má em bảo em đi làm việc này à ?
Tôi đóng kịch làm bộ mếu máo, lắc đầu :
- Không. Ba má em không có bảo em đi móc túi đâu !
- Vậy tại sao em móc túi của chị ?
- Chị đừng kêu lính bắt em nha !
- Không. Chị không kêu lính đâu. Mà bây giờ chị muốn em trả lời những gì chị vừa hỏi em. Em có đi học không ?
- Có.
- Lớp mấy rồi ?
- Lớp nhì.
- Tại sao em đi móc túi chi vậy ?
- Em đã nói rồi. Nhà em nghèo lắm, nên em thích có tiền để mua bánh kẹo cho mấy đứa em của em ăn.
Cô nghe thế, nên cảm động, và hỏi tôi :
- Em có mấy đứa em ? Còn ba má em làm gì ?
Tôi trả lời nhanh nhẹn, vì thường ngày móc túi bị người ta bắt được thì cứ mấy câu cũ hát lại, tôi không dám nhìn thẳng mặt cô gái, mắt tôi lơ láo và nói :
- Em có bốn đứa em. Ba em chạy Xích-lô. Còn má em ở nhà, không có làm gì hết !
Cô gái động lòng trắc ẩn, liền mở bóp ra rút lại tờ giấy hai trăm đồng mà đưa cho tôi và nói :
- Nè, chị cho em hai trăm đồng bạc đây. Nhưng em nhớ là ở trên cõi đời này khó có người thứ hai làm như chị nha ! Em đừng móc túi nữa, nếu em còn làm như thế thì có ngày em sẽ vào bót đó.
Tôi mừng quá, vội đưa tay lấy tiền và nói :
- Em cám ơn chị ! Em sẽ không làm như thế nữa...
Nhưng rồi... Tôi cũng sống với cái nghề móc túi...Thật sự chỉ có một người duy nhứt bắt được mà còn cho tiền tôi. Khi lớn lên, tôi lại a tòng với tụi chuyên môn đi cạy cửa ăn trộm nhà người ta, rồi nhiều lần bị bắt ở tù nên mới quen anh trong đó. Vào tù, tôi được người ta cho tôi làm thợ hồ xây cất... Mãn tù được thả ra, chỉ vài tháng sau là Việt-Cộng vô chiếm Sàigòn. Chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi thấy người ta chạy, tôi cũng chạy theo. Lên được tàu Trường-Xuân vượt biển. Khi lên tàu, tôi thấy một bé gái lạc loài, cha mẹ đâu mắt, nó đang khóc trong đám người hoảng hốt. Vì lúc đó mạnh ai nấy lo con cái của họ. Tôi thấy tội nghiệp đến ẵm nó trong tay. Khi lên đảo... chẳng có ai nhìn hay tìm kiếm nó. Nên tôi khai luôn là con của tôi... Là con Liễu bây giờ đó anh. Thế là, tôi không có vợ mà được con. Còn cô gái ngày xưa bị tôi móc túi, là bà Trầm bỏ bánh bao cho nhà hàng anh, cũng là mẹ của cậu Thăng mà con Liễu đang làm bạn...
Ông Đạo lắng nghe ông Ngộ kể mà ông tưởng chừng như đang nghe băng đọc tiểu thuyết. Ông thở ra và nói :
- Thiệt là hi hữu. Thật ra những ‘’sự ngẫu nhiên làm cho nhiều việc được giải quyết dễ dàng’’ đó anh Ngộ à !
- Tôi kể hết đời tôi cho anh nghe rồi. Tôi thấy lòng nhẹ nhàng. Nhưng, tôi hy vọng chuyện này phải dấu kín, không nên cho con Liễu biết. Nếu nó biết sự thật chắc nó sẽ khổ đau lắm...
Ông Đạo cười :
- Anh nói với tôi hôm nay. Xem như gió thoảng mây bay rồi. Mà nếu tụi nhỏ có biết cũng chẳng sao. Tâm hồn của tụi nó chỉ biết hiện tại và tương lai. Chớ dĩ vãng đối với tụi nó như pha anh ơi ! Mà ai đi nói lại làm chi.
Ông Ngộ đốt ống-bíp hít một hơi rồi nói :
- Chắc tôi phải xin số điện thoại của bà Trầm. Để tôi gọi và nhắc nhở với bà ấy là tôi không bao giờ quên chuyện bà ta đã nhân từ tha thứ tôi cái chuyện ‘’móc túi’’ khi xưa. Và gả con Liễu cho thằng Thăng. Cơ nghiệp của tôi, tôi sẽ giao cho tụi nó cai quảng sau khi tôi hưu trí.
- Anh tính nghe cũng phải. Mà còn tùy mấy đứa nhỏ nữa. Thôi, trưa rồi, tôi phải về mở cửa nhà hàng.
Hai ông đứng dậy bắt tay chào ra về. Ông Ngộ nhắc :
- Đêm ba mươi, anh và cháu Hạnh lại nhà tôi đón giao-thừa nha. à, anh đóng cửa nhà hàng mấy ngày ?
- Hai ngày. Thôi, về nghe anh.

*
Ông Ngộ điện thoại cho bà Trầm, ông nhắc nhở chuyện xưa. Bà Trầm không lấy gì làm ngạc nhiên cả. Vì tâm hồn bà thanh thản từ lâu. Bà rất vui mừng và hài lòng, vì bà tự biết là sẽ có cô dâu hiền và ông sui đã đổi đời đen tối qua cuộc sống lương thiện và cũng có tình có nghĩa.
Chiều ba mươi Tết, Liễu đã đi chợ, nấu nướng xong những món thuần túy cho ngày Têt Việt Nam. Nào là khổ qua hầm, thịt kho nước dừa, dưa giá ...
Bà Trầm và Thăng đến trước. Bà đem bánh tét, bánh ích, bánh bao... Trên tay Thăng xách ba bốn chai rượu vin và hộp mức đủ thứ. Sau đó, hai cha con ông Đạo đến, Hạnh xách hai chai Champagne và không quên chai Whisky hiệu Ông-Già chống-gậy nhãn đen và một bó hoa đủ loại thật lớn màu sắc rực rỡ, Hạnh õng ẹo tươi cười trao cho Liễu và nói :
- Bữa nay Hạnh làm dâu... ý rễ phụ cho cô Liễu và anh Thăng nha !
Hạnh làm cả nhà tức cười. Liễu hi hởn giễu theo :
- Anh mà điểm trang phấn son lên và mặc áo dài chắc chắn là đẹp gái lắm đó. Mai mốt tới đám cưới tụi này anh giả gái làm dâu phụ nha ?
Hai ông Ngộ và Đạo cùng hai mẹ con bà Trầm, cậu Thăng nhìn Hạnh cười. Làm Hạnh khoái chí tử...
Đầy đủ mọi người, ông Ngộ bảo con dọn đồ ăn lên bàn thờ. Xong xuôi, ông đứng lên đốt nhang cúng vái rước ông bà. Nửa tiếng đồng sau, họ cùng ăn cơm trước khi giao thừa.
Ăn uống, nhậu nhẹt đến nửa đêm. Giờ giao-thừa đã đến. Ông Đạo nhắc Hạnh mở Champagne. Liễu và Thăng cũng đứng lên dọn dẹp cho trống bàn. Ông Ngộ đi lấy sáu cái ly pha-lê cao-ốm. Chai Champagne Hạnh khui và cho nổ nghe cái ‘’bốp’’... Mọi người vỗ tay cùng chúc mừng năm mới...
Hạnh rót từ ly, Liễu bưng đưa mọi người. Ông Ngộ, nhấc ly Champagne đứng lên nói :
- Đêm nay là đêm vui nhứt đời tôi. Và sẵn đây, có anh Đạo và cháu Hạnh làm chứng luôn. Tôi cũng xin thưa với chị Trầm, là tôi bằng lòng gả con Liễu cho cháu Thăng. Ra giêng coi ngày lành tháng tốt cho tụi nó làm đám cưới. Xin chị Trầm chấp nhận...
Ánh mắt bà Trầm sáng quắc, miệng tươi cười, bà cũng nâng ly đứng lên nói :
- Tôi xem cháu Liễu như dâu của tôi từ lâu rồi. Mà tôi cứ hồi họp lo sợ tụi nó gặp trắc trở. Bởi... bởi...
Ông Ngộ cắt lời, hơi men ngà ngà loạng choạng, ông cười nói và ngâm lên mấy câu thơ :
- Không có bởi, tại, bị gì cả chị Trầm à ! Xin chị nghe đây :

Duyên con, trời định sẵn rồi
Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai
Ân sâu nghĩa nặng tình đầy
Đêm nay xuân thắm của ngày cuối đông.

Khúc dài khúc ngắn dòng sông
Khúc trong khúc đục chảy vòng ngược xuôi
Lênh đênh bốn biển trùng khơi
Biến thành mây khói mưa rơi trở về...


Ông Ngộ ngâm nga xong mấy câu thơ, ông rất vui vẻ... Cả nhà vỗ tay reo cười theo. Liễu đến ôm cha hôn và nói :
- Không ngờ ba của con xuất khẩu làm thơ hay quá xá...
Tất cả mọi người đứng lên, tay nâng ly Champagne với những nụ cười và ánh mắt chân tình thắm thiết giữa đêm xuân.

(Ivry-sur-Seine, Bạch-Am, đêm vào đông 21-12-2001)
Việt Dương Nhân
#10 Posted : Tuesday, January 18, 2005 5:43:54 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Quán Chú Mùi

Thế kỷ trước, hễ sáu mươi năm cuộc đời thì người ta cho là già. Theo tục lệ Việt Nam thì con cháu phải làm lễ lục-tuần, đáo-tế, bái-lạy để chúc thọ cho Ông, Bà, Cha, Mẹ... Nhưng thời đại bây giờ dù có hơn tám mươi tuổi đi nữa, các ông, các bà cũng chưa chịu nhận mình là già. Như chú Mùi, Tết tới này tuổi của chú đáo lại ngày sanh nhựt vào mùng 1, năm Quí-Mùi mà chú vẫn còn hăng máu lắm. Ở nhà thì chú rất nương chìu vợ mà khi đi ra ngoài đường nhìn thấy cô nào coi mặn-mòi, ăn mặc ‘’sexy’’ chút chút là chú ló bông so đủa ra liền. Lúc nào chú cũng ăn mặc rất là ê-lê-găng, nói chuyện hoạt bát, tâm hồn cởi mở, giao thiệp rộng, cộng thêm vóc dáng cao ráo khỏe mạnh, có mái tóc chen sương, điểm tuyết, trông sang và đẹp lão... Còn thím Mùi thì mới ngoài năm mươi mà chẳng chịu sửa soạn, ăn mặc theo kiểu nhà quê bên nhà. Có lẽ thím an phận làm vợ hiền đã hơn ba chục năm nay... Họ có hai đứa con trai, Hòa ba chục tuổi và Hiệp hai mươi tám đều có công ăn việc làm và ra ở riêng nhưng chưa ai có vợ.
Hôm nay chiều thứ bảy, cuối mùa thu mặt trời đi ngủ sớm, ngoài đường lá vàng rơi ngập đầy, mưa rỉ rã, gió thổi hiu hiu lành lạnh. Trong nhà của chú Mùi có mời ba, bốn người bạn. Họ toàn là những ông đã về hưu độc-thân-vui-tánh, hầu hết họ ở cùng chung-cư. Tất cả đang nhậu với món cà-ri-dê do chính tay chú Mùi nấu. Nhờ chú làm tài xế lái mêtro nên được hưu trí sớm nên chú rất rỗi rảnh.
Như hôm nay cuối tuần, nhà chú Mùi có chầu nhậu nhẹt, ăn uống tại căn appartement trong khu chung-cư bình-dân ở cạnh quận 13 Paris. Thường xuyên là nhậu với món cà-ri-dê đặc biệt mà mấy ông thường gọi là ‘’cà-ri-Thầy’’. Đôi khi các ông còn đòi hỏi sao chú Mùi không lấy vài cặp ngọc-sơn-dương nấu chung ăn cho bổ... Chú Mùi hứa lần sau sẽ có. Nói xong họ cười rần rần. May là lúc đó thím Mùi ở đàng sau bếp đang lo múc thêm cà-ri nên không nghe.
Ăn, nhậu, nói, cười một hồi đã cạn ba, bốn chai rượu vin ‘’Bordeaux’’ rồi. Dường như ai cũng hơi ngà say. Trong số các bạn của chú Mùi thì có Bác Dương góa vợ là người lớn tuổi nhứt. Bữa nay chắc là ma-men nhập vào Bác dữ hơn mọi hôm. Rượu thấm nên mặc mày đỏ như gấc, Bác đưa tay ngoắt ngoắt chú Mùi, nói giọng nhừa nhựa :
- Chú Mùi nó à ! Chú nấu món cà-ri-dê thiệt đặc biệt và ngon quá xá. Nè, chú cho tui đề nghị chuyện này nghe !
Chú Mùi đưa ánh mắt lờ đờ nhướng lên và hỏi Bác Dương với cái giọng hơi cà lăm :
- Anh muốn đề ... đề nghị chuyện gì đây ? Anh cứ nói cho... cho thằng em này nghe coi !
Bác Dương từ từ mở điếu xì-gà đưa lên miệng, bật hộp quẹt châm lửa, hít vài hơi nhả khói và nói chầm chậm :
- Không dấu gì chú với các anh em đây. Tui có dư chút vốn, tụi mình đi kiếm nhà hàng nào nho nhỏ sang lại mở quán nhậu, chuyên môn bán một món cà-ri-dê này được hôn ? Chú, thím góp công, tui góp của. Chú và các anh em đây nghĩ sao ?
Trên bàn có các chú Tý, Sửu, Dậu... cười híp mắt đều tán thành :
- Anh Dương nói phải đó, phải đó... Làm đi Mùi ơi ! Tụi này sẽ đến ủng hộ hết mình.
Thím Mùi từ dưới bếp bưng lên tô cà-ri châm thêm nữa, chợt nghe, thím cười hắc hắc :
- Ủng hộ hết mình thiệt hôn ? Hay là sẽ cháy túi, hết tiền vậy các anh ? Có khi nào ăn nhậu quá chén rồi cuối cùng là chỉ trả bằng chữ ký chớ không phải là tiền không ? Thôi, thôi. Thôi đi anh Dương ơi ! Bày đặt ra tiệm tùng coi chừng có ngày mất tình nghĩa bạn bè. Anh nhìn ông nhà-tôi kìa, hai con mắt ổng sáng quắc lên đó.
Chú Dậu lắc đầu cười :
- Tụi này không có tệ như vậy đâu thím Mùi à !
Chú Mùi liếc vợ rồi bưng ly rượu vin ực một cái, chú khoác tay và nói :
- Bà không biết gì ráo trọi đừng có xía vô chuyện của đàn ông. Bạn bè của tui quen biết nhau lâu năm, tất cả lúc nào cũng sòng phẳng và đàng hoàng mấy cái vụ tiền bạc mà bà. Bữa nay, tui thấy bà nói chuyện nghe hơi quảng-tiều rồi đó nghe.
Thím Mùi biết mình nói hớ, nên trở giọng lại :
- Xin lỗi các anh. Tui nói giỡn chơi đừng có buồn nha. Nè, ông ! Ông liệu có nấu nổi mỗi ngày không ? Chớ tui thì chắc khó à nghen !
- Bà khỏi cần làm gì hết. Tui nấu bếp, bà lượm tiền, kêu thêm một đứa trẻ trẻ phụ trên, phụ dưới là xong.
- Ông nấu, rồi ai nhậu để say, xỉnh dùm ông ?
Chú Mùi cười khà khà :
- Dễ ợt. Việc đó bà đừng lo. Nấu có một món. Tui làm một nồi chừng 50 ký-lô để đó, chừng nào khách vào kêu thì mình chỉ có múc ra dĩa, đưa ổ bánh mì hoặc dĩa bún hay tô cơm là xong ngay. Bộ bà không biết tài nấu bếp của tui sao ?
- Thì tui có chê ông nấu bếp dở bao giờ đâu !
Bác Dương đôi mắt lim dim gật gật đầu mỉm cười và nói :
- Nhắc tới vụ nấu ăn, bỗng nhiên làm tui nhớ... nhớ... Hồi đó, lúc còn đi lính Cộng-Hòa. Chú Mùi cỡ hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi, cấp bậc Hạ-Sĩ-Nhứt, trong quận Ba-Tri (Kiến Hòa). Còn tuổi tui thì ba mươi mấy, cấp Thượng-Sĩ. Tụi tui là lính Địa-Phương-Quân, thường chuyên lo việc ăn uống cho mấy ông Quận-trưởng và Quận-phó. Có khi các ông đi ba-trui về khuya, tụi này nấu cháo gà và nhậu vài xị rượu Đế. Nè, chú Mùi ! Chú còn nhớ cô Diễm Xuân và cô Ngọc Xuyến không vậy chú ? Cũng nhờ nồi cháo gà mà tụi mình mới thân mật được với hai cô đó. Đêm ấy vui quá xá há ! Ông Phó nài ép hai cô nhắm có một chung rượu-đế mà hai gò má ửng hồng như những trái đào-tơ vậy.
Chú Mùi giựt mình sực nhớ... rồi gật đầu và lấy tay chỉ Bác Dương mà cười híp mắt :
- Nhớ chứ... làm sao tui quên được cái đêm ấy... Đã hơn ba chục năm qua mà anh còn nhớ kỹ quá, khá khen anh có trí nhớ dai.
Chú Mùi khoan thai bưng ly rượu hớp thêm vài ngụm, đôi mắt lim dim rồi tiếp :
- Dạo đó, tụi Việt-Cộng hay đắp mô trên đường lộ để cản trở xe đò, xe hàng vô Quận. Tội nghiệp các cô hết sức, mặc áo dài, quần trắng, eo-co bó sát người mà xách giày, xăn quần, cột áo, lội vòng dưới ruộng, vì đi trên mấy mô sợ tụi nó đặt mìn. Cô nào cũng còn trẻ măng, đẹp ác ôn. Các cô thiệt là can đảm. Từ Sài-gòn dám lặn lội xuống thăm ông thiếu-úy Lê Văn Bảo, phó Quận-trưởng. Cô Diễm Xuân là đào của ông Phó. Còn cô Ngọc Xuyến thì đi theo chơi. Nên cái đêm ăn cháo gà...
Nói tới đây chú Mùi định nói tiếp... Nhưng chú đáo qua :
- Hề... hề... lúc đó anh gần bốn mươi. Anh gọi cô Diễm Xuân bằng bà Phó. Cô mắc cỡ chấp tay lạy anh quá trời và nói : ‘’Con lạy Bác, xin Bác đừng gọi con bằng bà...Con đáng con cháu của Bác mà...’’. Khà khà... Tui nhớ chuyện đó rõ lắm lắm...
Thím Mùi nóng mặt xía vô với một giọng đay nghiến :
- Cha, nhắc lại chuyện cổ-tích. Hứ ! Nè, ông ! Còn cô Ngọc Xuyến của ai vậy hén ? Anh Dương nhắc chuyện xưa, chắc chắn tối nay ông nhà tui sẽ nghe toàn nhạc tình hoặc làm thơ lãng mạn cho mà coi. Khuya nay có cái màn, tui phải nghe ổng ngâm thơ lảm nhảm suốt đêm.
Chú Mùi hăng lên :
- Khỏi cần tới khuya. Nếu bà muốn, tui ngâm liền mấy câu thơ của bạn bè tặng tui hồi còn trai trẻ đây :

''... Đêm nay vui lẻ hay buồn tẻ ?
Tủ rượu chưa đầy lại lâng lâng*.

Chú Mùi cao hứng cười hăng hắc rồi ngâm tiếp :

... ‘’Có ai tránh được chữ Si,
Vô ân, vô ái phải chi là đời...**''

Thím Mùi lắc đầu :
- Các anh thấy chưa ? Các anh có thích thơ-thẩn như ông nhà tui không ? Còn anh Dương ! Anh có cô nào từ Sài-gòn xuống thăm không ?
Tất cả đều cười. Còn Bác Dương trả lời nhanh nhẹn câu hỏi của thím Mùi :
- Đâu có ai thím. Dạo đó, tui có vợ, có con rồi.
- Vậy à !
Chú Mùi nhìn Bác Dương, chú nháy mắt :
- Rồi, tới rồi. Anh nhắc làm chi để cho bả đổ ghè-tương lên thì bả nhằn, bả hạch, bả hỏi tui nhức nhối tận xương tận tủy lận đó anh ơi ! Mà cũng tại tôi ngu. Hồi cưới bả về, tui kể hết chuyện tình ái lẩm cẩm của tui hồi còn trong nhà binh. Lâu lâu lên cơn là bả hỏi lại hoài anh ơi !
Bác Dương lắc đầu cười cười :
- Ai biểu chú kể. Chú cứ ngâm thơ hoài là khỏi nghe thím cằn nhằn. Ối, thôi chuyện hồi trai trẻ, nhứt là đời lính rày đây mai đó mà thím.... Thiệt là tui vô duyên quá, nhắc chuyện xưa làm chi để chú sợ thím cằn nhằn. Hổng có gì đâu thím ơi ! Thôi, bỏ chuyện xa xưa qua một bên đi hén ! Mình trở lại cái vụ mở quán nhậu với cà-ri-dê đi.
Thím Mùi bất kể lời yêu cầu của Bác Dương :
- Hứ ! Ở đó mà không có. Tại gia đình ổng hỏi cưới tui cho ổng trước. Nếu mà hỏi tui sau, thì chắc chắn cô Ngọc Xuyến ngồi đây hôm nay, chớ không phải chỗ của tui đâu anh Dương ơi !
Chú Mùi vuốt tóc gãi đầu, đưa ánh mắt làm bộ thả-dê nịnh-đầm nhìn vợ và nói :
- Tui đã nói với bà nhiều lần rồi. Từ ngày cưới bà đến nay, đời tui, tim tui, tâm hồn tui chỉ yêu có một hình bóng của bà thôi. Bà biết mà, bà tin tui mà... hề hề. Nè, bây giờ tui hỏi bà có bằng lòng cùng anh Dương mở quán không ?
- Ủa ! Ông bảo tui đừng xía vô mà.
Chú Mùi vói tay vuốt vợ, rồi lại cười hề hề :
- Nhưng phải có sự đồng ý của bà chứ ! Vợ là nhứt, vợ là trời mà. Phải không các anh ?
Chú Sửu nãy giờ ngồi trầm ngâm nhậu. Chú nghe thoáng mấy câu của chú Mùi, chú bèn mở lời :
- Chú còn có thím thì chú ráng chìu thím đi. Như tụi này đâu có ai mà... mà...
Thím Mùi cắt lời chú Sửu :
- Nếu các anh bớt nhậu nhẹt thì thế nào cũng có các bà chiếu cố hà.
Chú Tí xía vô :
- Tụi tui muốn thấy mồ mà có con-ma nào để ý tới đâu ?
Thím Mùi cười nhạt :
- Tui thấy nhiều bà cu-ki còn ngon lành lắm. Nhưng chắc mấy bả nghĩ các anh, sáng xỉnh, chiều say, tối thì ngáy khò khò. Nên mấy bả ớn mà không dám nhào vô chớ gì !
Chú Tí tiếp :
- Thà nhậu cho sướng đời và quên hết sự đời thím ơi ! Có đàn bà làm chi cho lộn xộn.
Chú Dậu nãy giờ ngồi im lìm nhậu và nhắm món cà-ri, bỗng nghe thím Mùi và chú Tí đối đáp, chú thấy hơi sái tai nên chú ngẩng cổ lên tháp tùng vô vài câu :
- Tui nói thiệt với thím Mùi nghe. Tuổi tui thì quá sáu mươi cũng sắp sửa vào hàng bảy chục rồi. Nhưng nếu chọn giữa đàn bà và rượu thì tui chọn rượu cho xong. Thím biết không ? Hồi bà-nhà tui hấp hối sắp lìa đời mà cũng còn ghen, bả thì thào căn dặn : ‘’Ông cứ tiếp tục nhậu, chớ đừng có bà khác ngoài tui nghe ông ! Nếu mà ông lộn xộn là tui về tui bẻ cổ chết hết đó...’’. Vì vậy mấy năm nay bả đi chầu Ngọc-Hoàng Thượng-Đế mà tui không dám nhìn ai ráo trọi đó thím à !
Thím Mùi trề môi :
- Ối, tại anh sợ bị ràng buộc, hoặc sợ không nuôi người ta nổi. Chớ sức mấy mà anh sợ chị...
Chú Dậu run run đầu gối cười và nói :
- Thím nói cũng có lý phần nào. Sự thật tui cũng ngán mấy bà. Thời buổi bây giờ các bà đua đòi lắm. Kệ, tui ở cu-ki, lâu lâu con cháu về thăm cũng vui nhà rồi.
Thím Mùi trở bộ ngồi :
- Ừa, anh có con cháu đông thì ở vậy cũng được. Còn anh Tí ! Sao không chịu kiếm một bà cho hủ hỉ ?
Chú Tí thân gầy ốm, mà lại nhỏ con lùn xịt, cao cỡ một thước rưởi. Chú nghe thím Mùi hỏi, chú rút cổ, lắc đầu và nói :
- Thầy Tử-Vi và mấy ông Tướng-số, họ đều nói số tui là số cô độc suốt đời, nên tìm kiếm làm chi cho mệt thím.
Bác Dương xoay qua nói lớn :
- Thôi. Trời đất ơi ! Sao mà cứ nói lạc đề hoài. Còn cái chuyện mở quán của tui đưa ra sao không nói nữa ?
Chú Mùi cười cười rồi với tay lấy chai rượu châm thêm mấy ly và nói với Bác Dương :
- Nhậu, nhậu thêm chút nữa đi anh Dương. Xem như nhà-tui và tui bằng lòng rồi. Vậy anh định chừng nào mình mở tiệm được đây ?
Bác Dương dịu giọng :
- Thì trước hết, mình phải đọc báo tìm tiệm nào rẻ rẻ, đủ với túi tiền của mình mới sang được. Còn mấy tháng nữa là tới Tết rồi. Tìm lẹ lẹ đi. Để nhân dịp Tết chú làm tiệc mừng sáu mươi năm cuộc đời của chú luôn.
Bác Dương nhìn hết mọi người và nói tiếp :
- Sao, các anh em nghe tui tính như thế có đúng không ?
Các ông vỗ tay và đồng nói :
- Nếu kịp khai trương vào đêm giao-thừa là thượng sách. Và cũng để chúc thọ sáu mươi năm cho chú Mùi nó nữa chứ.
Chú Mùi khoái chí cười ha hả :
- Thôi, chúng ta cưa hết chai chót này rồi tan hàng hén ! Tui phải ngủ sớm để mai đi tìm báo Áp-Phe xem coi có ai đăng sang quán, sang tiệm nào không nghe anh Dương ?
- Ok ! Chú tìm được thì cho tụi này hay, rồi mình kéo nhau đi coi. Có gì mình hè nhau sửa chữa trang hoàng lại. Mình làm giống mấy quán-cóc bên nhà nha !
- Anh đừng lo. Tui có quen một đám bốn năm chú em mà người ta thường gọi là Tứ-Quái - Phát-Tài-Phước-Lộc gì đó. Họ chuyên môn trang hoàng nhà cửa, sửa chữa tiệm tùng, mà cũng là dân ăn nhậu chịu chơi lắm. Coi vậy chứ sức của tụi mình cũng hơi yếu rồi làm không bằng các chú ấy đâu.
Bác Dương bập bập điếu xì-gà đã tắt ngủm, Bác dụi vào gạt tàn thuốc và đứng lên nói :
- Ừa, nếu chú muốn mướn họ làm thì cũng được. Thôi, tụi này về nghe chú, thím Mùi !

*
Sau một ngày mưa gió đi qua. Sáng nay Chủ Nhật, trời trong, mây xanh biếc, nắng thu vàng chói tỏa khắp nơi, tiếng chim hót ríu rít, bay nhảy trên những cây ngô-đồng trơ cành trọi lá. Trong sân vườn chung-cư tiếng trể nít cười giỡn ồn-ào vui nhộn.
Đã hơn mười giờ rồi mà chú Mùi vẫn còn ngáy khò khò trong phòng. Còn thím Mùi thì dậy trước, thím đang rửa chén bát. Có tiếng nhận chuông, làm chú Mùi giựt mình thức dậy. Chú réo vợ :
- Bà ơi ! Có ai nhận chuông kìa.
- Ông ra mở cửa dùm coi. Tui đang lỡ tay.
Chú Mùi mắt nhắm, mắt mở, xỏ đôi giép đi lệch-bệch ra mở cửa, chú thấy Hòa, cậu con trai lớn về, chú vui lên và nói lớn :
- Thằng Hòa bà ơi ! Vô đi con.
Hòa vui vẻ :
- Thưa ba, con mới về. Má đâu rồi ba ?
- Má con ở sau bếp. Uống cà-phê chưa con ?
- Dạ, con uống rồi.
- Con ở đây, ba vô nhà tắm chút nha !
Thím Mùi vừa rửa chén xong, thím đi lên ngồi salon và nói với con :
- Lát nữa ba con muốn đi kiếm tờ báo Áp-phe để coi có ai sang tiệm. Sẵn đó, mình đi ăn phở ''Au-Vieux-Sàigòn'' luôn nghe con. Còn thằng Hiệp con có gặp nó thường không ?
- Con có lấy tờ Áp-Phe cho ba, má nè. Còn thằng Hiệp thì ít khi con gặp nó lắm má ơi !
- Nghe nói nó có bồ rồi phải không ? Còn con có cô nào vừa ý chưa ? Chút nữa đưa tờ báo cho ba mầy đọc. Vậy là ổng khỏi cần đi kiếm xin.
Chú Mùi đánh răng, rửa mặt xong rồi vô phòng thay đồ. Chú bước ra, bất chợt nghe vợ hỏi chuyện riêng tư của các con, chú liền nói :
- Bà cứ tò mò hoài mấy chuyện của tụi nhỏ. Kệ tụi nó. Hễ chừng nào tụi nó cưới vợ thì mời mình tham dự... Đưa tờ báo cho ba coi.
Hòa đưa tờ báo cho cha và có ý bênh vực mẹ, cậu nói :
- Má hỏi cũng đúng. Đâu có gì tò mò ba !
Cà-phê để sẵn trên bàn, chú Mùi đến rót vào tách, và hỏi con :
- Uống cà-phê thêm không con ?
- Dạ, Không. Con cám ơn ba.
- Nè, chút nữa con có rảnh không ?
- Chi vậy ba ?
- Để ba đọc báo dò xem coi có tiệm nào sang. Rồi hai cha con mình đi xem nha !
- Cần gì đi ba. Nếu có đăng, thì ba cứ ở nhà điện thoại hỏi.
- Ừa, hỏi nếu được mình đi xem, rồi ghé ''Quán Huế'' ở đại lộ Choisy ăn bún-bò-Huế luôn.
Thím Mùi đang lau chùi sơ sơ bàn ghế và hỏi vói :
- Bữa nay không ăn phở hả ?
- Thôi. Lại ''Quán Huế'' ăn, rồi sẵn đó ghé tạt qua văn phòng địa-ốc ''Thế Giới'' của ông Phùng coi có sang bán tiệm nào không. Chớ xem báo cũng chưa đủ đâu bà ơi !
Hòa nhìn cha, nhìn mẹ và nói :
- Con về thăm ba má, chút nữa con phải đi. Vì con có hẹn với bạn...
Chú Mùi cười :
- Hẹn với đào phải không ?
- Dạ, dạ...
- Ba đoán là trúng bóc ! Con điện thoại nói với cô ấy, là ba má mời cô đi ăn trưa ở ''Quán Huế''.
Hòa lừng khừng... Thím Mùi nói vô :
- Con mời đi. Sẵn cho ba ma biết mặt cô ấy luôn. ờ, mà Việt Nam hay đầm Tây vậy con ?
- Dạ, Việt Nam !
Chú Mùi vui cười và làm bộ lên giọng làm tàng :
- Sức mấy mà thằng Hòa chịu đầm. Có thể thằng Hiệp đó !
Thím Mùi lắc đầu :
- Việt hay đầm cũng chẳng sao. Con, con gọi điện thoại cho bạn con đi.
Hòa lấy điện thoại cầm tay ra bấm gọi :
- A-lô ! Hồng đó hả ? Xuống quận 13 ăn bún-bò-Huế với ba má anh không ?
- Hồng ngại quá anh Hòa ơi !
- Ba má anh dễ chịu lắm, đừng lo !
Hồng đã đến quận 13 rồi. Cô đang vô Chợ-Lớn (Big-Store) mua rau cải. Cô nghĩ : ‘’Anh Hòa này thiệt. Khi không bắt người ta đi ăn chung với ba má ảnh. Thiệt là kỳ ghê !’’. Tuy Hồng nghĩ thế nhưng cô cũng nhận lời :
- Được. Mà mấy giờ ?
- Mười hai giờ rưởi nha.
- Ok !
Hòa cúp điện thoại, quay sang nói với cha mẹ :
- Bạn con chịu đi ăn chung rồi.
Chú Mùi cười thỏa mãn và nói với vợ :
- Thằng Hòa, nó chịu cho mình gặp bạn gái của nó là mình sắp có dâu rồi đó bà. Bà vô sửa soạn một chút cho tôi coi. Bà thấy tui tươm tất không ?
Thím Mùi trên gương mặt hiện nét vui và nói :
- Ừa, thì từ từ, tui thay đồ, chớ cái gì dữ vậy ông !
Trong khi chờ đợi thím Mùi sửa soạn. Chú Mùi xem sơ tờ Áp-Phe, thấy chẳng có tiệm nào được. Chú bảo vợ và con đi ra quán Huế. Đến nơi, Hồng đã đứng đợi rồi. Hòa giới thiệu Hồng cho cha mẹ. Tất cả vui vẻ ngồi vào bàn, họ đều lựa món bún-bò-Huế. Hòa và Hồng uống nước dừa. Thím Mùi thì uống nước lạnh, còn chú Mùi gọi cà-phê đá. Ăn, uống, trả tiền xong, họ đi tà tà qua văn phòng Địa-ốc của ông Phụng.
Ông Phùng miệng tươi cười và rất vui vẻ tiếp khách. Ông ngồi nghe chú Mùi nói. Ông biết khách muốn tìm tiệm để sang, ông liền giới thiệu một tiệm nho nhỏ, cỡ ba chục chỗ ngồi, nằm ngay góc đường Caillaux và đại-lộ Italie Paris, quận 13. Họ sang lại hơn ba chục ngàn ơ-rô, tiền nhà khoảng bốn trăm mỗi tháng. Chú Mùi thấy khoái quá liền gọi điện thoại kêu Bác Dương ra để đi xem chung.
Bác Dương đi bộ ra ''Quán Huế''. Họ cùng nhau thả bộ đi xem tiệm. Vừa thấy tiệm là Bác Dương bằng lòng liền, và hẹn hôm sau đi ký giấy đặt cọc. Người ta hứa hai tháng sau mới giao tiệm.

*
Hai tháng qua mau. Thêm một mùa thu tàn đi. Gia đình chú Mùi vẫn vui tươi với những người bạn thân tình hằng tuần. Trời đã sang đông buốt lạnh, thỉnh thoảng có tuyết rơi nhẹ, ngoài đường ướt át hơi trơn trợt, người ta đã mặc áo măn-tô, chân mang giày bốt. Các cửa tiệm lớn nhỏ từ ngoài đường đến trong những trung tâm thương mãi lớn đều trang hoàng đèn đuốt sáng chang, rực rở, chớp tắt trên những cây sa-pin đứng sừng sững ngoài hành lang để chào đón khách mua sắm cho lễ Giáng-sinh và tết Dương-lịch.
Riêng trong nhà của chú Mùi thì từ ngày hai con chú đã lớn thì chú, thím không chưng cây sa-pin nữa. Mà chỉ tụ họp với bạn bè nhậu nhẹt cuối tuần như thường lệ.

*
Giáng-sinh và Tết Dương-lịch đã trôi qua. Bác Dương và chú Mùi hẹn nhau đi Chưởng-khế (Notaire) để ký giấy lấy tiệm. Ký xong, chú Mùi mời bạn bè lại nhà làm một bữa tiệc ăn mừng, và bàn việc đặt tên cho tiệm. Bác Dương sung sướng cười khà khà và nói :
- Ối, đặt tên tiệm nên lấy bảng hiệu là ''Cà-Ri-Dê - Quán Chú Mùi''. Khách mà không đến đông chặt đầu tui đi.
Chú Mùi nghe đã tai. Chú liền ra đàng sau lấy chai Champagne lên khui và cho nổ cái bốp. Tiếng vỗ tay cười vui như hội Tết.

*
Sau khi bác Dương và chú Mùi ký giấy tờ lấy tiệm xong, chú Mùi đi đăng quảng cáo trên báo Áp-Phe cùng ra thông báo. Nếu ai tuổi Mùi (con dê) sẽ được bớt 20% trong vòng một tháng, bất luận nam hay nữ. Rồi chú Mùi liên lạc băng ''Phát-Tài-Phước-Lộc'', để họ đến trang hoàng, sơn phếp và gắn bảng hiệu. Bác Dương muốn các cậu trang hoàng theo lối mấy ''Quán-Cóc'' Việt Nam quê mình. Bác cũng là tay biết sơ sơ cách trang hoàng. Bác nói :
- Nè, xin các chú cho tui góp ý kiến cách trang hoàng nhà hàng coi có hợp gu với các chú không nha ?
Phát là ‘’sếp’’ sòng hãng thầu ''D.R.'', Cậu lễ phép trả lời :
- Dạ, thưa bác Dương ! Chúng cháu rất hân hạnh được bác cho ý kiến.
Ánh mắt bác Dương sáng lên, miệng bác bập bập điếu xì-gà đã tắt ngũm. Bác đưa tay lấy điếu thuốc ra và nói :
- Đây là ý riêng của tui. Nếu các chú thấy được thì thực hành. Còn không thì tùy ý các chú.
Phát xoa hai bàn tay :
- Dạ, xin bác cứ chỉ dạy.
- Các chú biết không ? Mình trộn xi-măng với cỏ khô rồi đắp lên tường làm như vách bùn trộn rơm, theo kiểu nhà nghèo miệt bưng biền. Bên trong dựng những cây cột bằng ống tre nhân tạo, bàn ghế sơn màu xam xám làm như cũ kỷ vậy. Các chú thấy có được không ? Còn chén, dĩa, tô, tộ để chúng tui lo. Tui thích những thứ đó bằng đá sành thô sơ, đủa tre, muỗng thiếc...
Phát gật đầu :
- Ý kiến của bác thật là tuyệt mỹ.
Bác Dương khoái chí, miệng cười toe toét.

*
Báo quảng cáo ''Áp-Phe'' ra số tất niên. Ông chủ báo vừa đi ngang quán nhậu ''Hai Hợi'' liệng vô vài chục tờ báo. Cô Vân ghé ngang uống cà-phê bèn huơ tờ báo đọc thấy có nhà hàng sắp khai trương. Không để lỡ cơ hội, chừng mười phút sau, cô liền ghé qua ''Quán Chú Mùi''. Vì cô chuyên môn bỏ rượu, bia, nước ngọt cho các nhà hàng Á-Châu trong Paris. Cô giới thiệu những loại rượu vin trung bình giá phải chăng, điều kiện dễ dàng trả góp. Chú Mùi và bác Dương nghe qua những điều kiện, cả hai đều bằng lòng và cồm-măng liền .
(... ...)
Trong vòng ba tuần lễ trang hoàng, sửa chữa và thượng bảng hiệu đàng hoàng. Rượu vin, bia, Champagne, nước ngọt đã giao xong. Sáng 29 Tết, chú Mùi đi lên Porte de la Chappelle khiêng 5, 6 con dê tơ. Mỗi con khoảng 9, 10 ký-lô, đem về xẻ thịt, ướp trước. Đến sáng 30 Tết, chú đến nhà hàng lo nấu nướng, mùi cà-ri bay ra thơm phức cả xóm. Còn thím Mùi thì lo đi mua hoa-quả, bánh tét, bánh chưng, bánh ích và nhiều thứ mức cho ba ngày Tết.
Đêm đón giao-thừa, mừng xuân ở miền ''Tây-Phương-Cực-Lạc'' này. Cũng may thay ! Ngoài trời ít lạnh, tuyết không rơi như những năm trước. Nhà hàng ''Cà-Ri-Dê - Quán Chú Mùi'' tưng bừng khai trương. Có mặt đầy đủ hai gia đình chú Mùi và bác Dương. Đương nhiên là không thể vắng mặt các chú Tí, Sửu, Dậu và rất đông đảo bạn bè, quan khách đến tham dự chật cứng nhà hàng. Họ tặng những chậu hoa, bó hoa lớn có gắn những tấm băng-đờ-rôn với những lời chúc tốt lành : may mắn, phát-tài, phát-đạt... Họ ăn nhậu, nói cười, và đôi khi còn ca hát, ngâm nga. Kẻ say, người xỉn. Thật vui nhộn cho tới ba bốn giờ sáng mới ra về.

*
Chiều mùng 4 Tết, mới có 4, 5 giờ mà mặt trời đã chìm lặn dưới chân đồi ! Ngoài trời lạnh teo-ruột, tuyết rơi trắng xóa khắp nơi. Trong trung-tâm thương-mại ''Oslo-Olympiades'' Paris 13, người ta đi chợ mua sắm khá đông đảo. Trong đám đông đó có hai anh Ba Lèo và Tám Hứa ăn mặc đơn sơ nhưng sạch sẽ đang phùng mang trợn mắt, múa tay múa chân. Chắc hai anh ăn uống, nhậu nhẹt ở đâu đã đời nên coi mòi say sưa sướt mướt. Hai anh choàng vai nhau, nói chuyện lè nhè, cặp kè đi xàng qua xàng lại. Anh Ba Lèo trong đầu nghe vui vui rồi nhơ nhớ bài thơ ''Say'' của Thi-sĩ Tản Đà. Anh nổi hứng đứng lại, rồi giả giọng nói như đại danh Hề Tùng Lâm :
- Ê, Hứa ! Mầy muốn, Lèo này ngâm thơ không ?
- Muốn chớ. Mày ngâm lên đi... Ý, ý, mà ngâm thơ đâu giữa đường vậy cha !
- Không có sao hết, chẳng chết thằng Tây-Tàu nào cả. Mầy lắng tai nghe nha :

''Đêm xuân một trận nô cười
Dưới đèn chẳng biết là người hay hoa
Khi vui quên cả cái già
Khi say chẳng rốc giang hà cùng say.''

Tám Hứa khoác tay : - Mấy câu sau để tao phụ họa :

''Kiếp say sưa đã chấm sổ thiên đình.
Càng đắm sắc mê thinh càng mải miết.
Say lắm vẻ : say mê, say mệt, say nhừ, say tít !
Trong làng say ai biết nhất ai say ?''

Ba Lèo đưa tay bụm miệng Tám Hứa : - Để tao tiếp hơi mầy :

''Mảnh hình hài quen giả trá xưa nay,
Chúng sanh tướng, lúc này coi mới hiện
Thôi xếp cả nguyệt hoa, hoa nguyệt,
Cảnh bồng lai trải biết gọi làm duyên''...

Hai anh vừa đi vừa thay phiên nhau ngâm thơ, rồi cả hai cười hắc hắc, làm những khách bộ hành đứng lại cũng mắc tức cười. Hai anh xem như giữa đời này chỉ có riêng hai anh mà thôi. Bất chợt Ba Lèo đứng khựng lại nữa, và hỏi : - Ê, Hứa ! Tao hỏi mầy cái này !
- Hả ! Cái gì nữa đây ?
- Thêm vài câu thơ cho vui.
- Lại thơ-thẩn. Rồi, ngâm đi cha nội ơi !
- Mầy nghe tao hỏi đây :

''Kính thưa, kính gởi, kính mời,
Trong 3 thứ kính, mầy xơi kính nào ?''

Tám Hứa, tuy say mà ráng làm tĩnh, vỗ vai Ba Lèo :
- Ối, dễ ợt ! Để tao đối đáp cho mầy nghe.
Anh vung vai, nhướng mắt, vuốt râu mép, lấy hơi ngâm theo điệu ‘’Lục-Vân-Tiên’’ bằng một giọng nhừa nhựa giống y như đại danh Hề Thanh Việt của chúng ta :

''Kính thưa là chuyện tào lao
Mầy đưa kính gởi đây tao mang về,
Kính mời, tao cũng chẳng chê
Đừng quên tao thích lẩu dê nghen mầy !''

Ba Lèo nghe đến ‘’lẩu dê’’. Anh nhướng hai con mắt lé xẹ. Một con trợt qua phía Bắc, một con nhìn về phía Nam, anh cười khoái chí :
- Mầy nhắc lẩu dê, tao mới sực nhớ... Ở ''Quán Chú Mùi''. Hôm bữa khai trương, ngay đêm giao-thừa có món cà-ri-dê hết xẩy con cào-cào. Mà tao nghe loáng thoáng chú Mùi nói, ra Tết chú sẽ có món ngọc-sơn-dương hầm thuốc Bắc hay nướng ngủ-vị-hương gì đó... Ha ha, ăn cho nổ con... con... con...
Tám Hứa cướp lời :
- Con gì ? Sao mầy cà-lăm hả thằng quỉ ?
- Con ... con... con mắt... khà khà.
Tám Hứa nhăn mặt, liền hỏi :
- Tao tưởng nổ cái gì khác. Tưởng mầy nói tục-tiểu chớ.
Anh Ba Lèo xỏ cánh tay, nghéo Tám Hứa, vừa đi vừa nói :
- Ở đây chỉ có tao với mầy. Nếu mình có nói tiếu-lâm, tục-tiểu cũng không có ai nghe đâu mà sợ.
Tám Hứa lắc đầu :
- Người ta đầy đường mà mầy nói chỉ có hai đứa mình... Chắc mầy say quắc cần-câu rồi. Nè, mầy say đủ chưa ?
- Hứ ! Say đâu mà say. Nhậu hết đêm nay chưa thắm gì. Mà mầy hỏi để làm chi vậy ?
- Mình băng qua ''Quán Chú Mùi''. Coi bữa nay chú có nấu món lẩu-dê và ngọc-sơn-dương không nha !
Ba Lèo gục gật đầu, rồi khoác tay, nói :
- Khoang. Để tao kêu thằng Bảy Gàn coi nó có nhà không. Có nó sẽ rậm đám thêm.
- Ê, mầy gọi luôn Năm Bướng nữa chứ ?
- Thì từ từ... Ý, mà không được đâu mầy ơi !
- Tại sao không ?
- Thằng quỉ Năm Bướng, nó hay cãi vã và ồn ào lắm... Theo tao thấy, mầy nên gọi anh Hoành hay Tỷ tốt hơn.
- Ừa, để tao gọi luôn. Ối, mà có ồn ào mới vui chớ !
- Theo tao biết, chú-thím Mùi dể chịu, chớ Lão già Dương khó tánh lắm nha.
- Không sao đâu. Mầy đừng ngán ổng.
- Tùy mầy. Chớ tao thì hơi ớn ớn Lão.
- Bác Dương, Người có tuổi cao, nhưng hảo ngọt lắm. Lại đó, tụi mình lễ phép, kính nễ. Theo tao thì mình cứ ''kính lão đắc thọ''. Và mời bác nốc vài ba ly Cognac thì bác ngồi ngáy khò khò liền tì tèo hà.
- Mầy rành Lão hả ?... Ê ! Mà mầy có biết chị Út-Mập không ? Nghe đâu, chỉ phụ việc ở đàng đó. Đôi khi chị ta lên-cơn-đồng-bóng, bói bài, giảng Tử-vi nữa. Mày biết không ?
- Không... Ý... Ủa, lúc này chỉ làm thầy bói rồi sao ? Bộ mầy ưa chỉ hả ?
Ba Lèo cười cười, gải đầu :
- Cũng có thể ! Tuổi nàng cỡ tụi mình.
- Chị Út tâm tánh rất vui vẻ.
- Chỉ nhậu ba-sợi là chỉ coi bói, xem quẻ trúng lắm !
- Chỉ bói mầy lần nào chưa ?
- Chưa !
- Tao tưởng... Nè, nếu chừng nào mày gặp cảnh buồn khổ, Út-Mập xem cho mầy một quẻ là mầy hết buồn liền... hà hà ... Ý, mà chỉ còn hát ca, ngâm thơ và nói tiếu-lâm, mầy sẽ cười chết luôn.
- Tao khoái loại đàn bà vui tánh. Chớ mấy bà chằng-tinh là tao chạy tét... Mày biết không ?
- Không.
- Để tao nói cho mà nghe. Thường thì mấy cha nội nhậu say, rồi về nhà bị vợ bố, nên các cha làm bộ vã lã ngâm nga câu này :

''Có chồng say như trong chai ngoài bội.
Ngó vô nhà như hội Tầm-Dương''


Còn tao thì thích có vợ say say - xỉn xỉn cho vui cửa, vui nhà... hì hì.
- Thôi, dẹp chuyện đàn bà qua một bên đi.
- Rồi, dẹp thì dẹp. Bây giờ mầy gọi thằng Gàn, Bướng, Hoành, Tỷ gì đó đi.
- Tao gọi anh Tỷ, anh Hoành. Còn Gàn, Bướng để hôm khác hén !
- Ừa, cũng lượt, cũng lượt ha ha... Biết đâu, tụi nó cũng đến đó nhậu như tụi mình !
- Tới đó rồi sẽ hay. Cha, anh Hoành, anh Tỷ chưa có mặt mà mầy nháy giọng ... Tàu rồi.
- Thì lâu lâu A-nam-mít chuyển giọng... cho vui có sao đâu !
Anh Tám Hứa móc trong túi áo măng-tô ra cái điện thoại cầm tay và bấm số... :
- ... A-lô ! Anh Tỷ đó hả ?
- Ừa, ngộ lây. Ủa, thằng nào ló dậy ?
- Tám Hứa với Ba Lèo đây. Năm mới, hai đứa tụi này xin chúc anh và gia đình mạnh khỏe, vui vẻ và mầng ăn phát đạt - thịnh vượng. Sao, anh phát tài chưa ?
- Hà hà, ngộ cũng chúc các chú em dàu có... Ngộ phát tài chút chút dồi. Còn nị. Nị có thử thời dận dì chưa ?
- Thời vận gì ?
- Thì ba ngày Tết, cờ bạc chút chút coi năm mới hen xui, may dủi da xao ! Ngộ quánh bầu-cua-cá-cọp dà binh xập-xám-chướng mấy bữa Tết. Ngộ ăn lượt mấy chăm ô-dô. Ngộ lịnh li kiếm các chú mời ăn nhậu chơi. Không ngờ các chú gọi ngộ. Các chú lang ỉa lâu dậy ?
- Tụi này sắp sữa đi lại ''Quán Chú Mùi''.
- ''Quán Chú Mùi'' hễ ? Lượt lượt. Lại ló, dồi ỉa ló chờ ngộ, lể ngộ kêu thằng Hoành li chơi luôn.
- Vậy thì sẽ vui lắm. Hẹn các anh đằng đó hén !
- Ô-kê ! Ngộ dí thằng Hoành lến liền, lến liền...
Ngoài đường lạnh cóng, tuyết bắt đầu rơi mỏng như màn lụa trắng từ trên trời buông rũ xuống. Tám Hứa và Ba Lèo cặp-kè đi xàng qua xàng lại, tay huơ, chân đá. Còn miệng thì nói cười vui vẻ, hớn hở, như vừa được trúng Lô-Tô độc-đắc vậy.

(*)(**) thơ Nguyễn Ngọc Hoàng
(Một xó trong thủ đô Paris, thu-đông giao mùa 2002)
Việt Dương Nhân
#11 Posted : Tuesday, January 18, 2005 5:46:24 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Tâm Như Đất
Kính dâng mùa Phật-Đản 2545 và Vu-Lan-Báo-Hiếu năm 2001

''Dầu sống trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ Tâm Như Đất.
Cũng như trên đất ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ. Đất không giận cũng không thương.
Không nên trả thù khi bị nguyền rủa, mắng chửi, phải biết làm câm như cái mõ bễ. Được như vậy tức là đã đắc đạo quả Niết-Bàn, mặc dù trong thực-tế chưa đắc''
(Trích ''Tứ Vô Lượng Tâm'' - ''Tâm Xả '' tr. 28 & 29)

*

Phía bên kia, trong căn phòng nhỏ, cứ chiều chiều người ta thường nghe tiếng mõ chuông vang vang, boong-boong... boong... cóc-cóc... cóc... Và tiếng tụng Kinh ngân nga trầm bổng. Ai nghe cũng cảm thấy tâm hồn lắng dịu và thanh thản...

Sau một thời gian ở trong trại tạm cư, Hy và Vọng được chánh phủ Pháp cấp thẻ Tị-Nạn dài hạn, rồi đi ra ngoài tìm việc làm. Hai anh mướn chung một căn phòng cỡ ba chục thước vuông ở Villejuif cách Paris vài ba cây số. Căn phòng tạm đủ tiện nghi, để được hai cái giường chồng lên, một cái bàn và vài chiếc ghế, bếp núc ít khi xài tới.
Mười mấy năm nay, Hy và Vọng làm bạn thân với nhau. Tuổi của hai anh không chênh lệch cho lắm, cỡ ngoài bốn mươi mà vẫn chưa có vợ. Hai anh, có hai tâm tánh và nghề nghiệp khác nhau. Hy làm ở siêu thị Carrefour Ivry-sur-Seine trong gian hàng cá tôm đồ biển tươi, nên anh thức dậy đi làm từ ba bốn giờ sáng đến hơn một giờ trưa mới về. Còn Vọng thì chạy bàn cho nhà hàng Nhật-Nguyệt ở khu Belleville quận 20 Paris, từ ba bốn giờ chiều đến hơn nửa đêm. Có khi anh đi chơi hay ăn nhậu đến hừng sáng mới về tới nhà.

*
Hơn một giờ trưa, Hy mở cửa nhè nhẹ vô nhà. Vọng vẫn còn trùm mền ngủ ở giường trên, nghe tiếng động, anh liền hỏi :
- Mầy đó hả Hy ? Trong hộp thư, có thư từ, báo chí gì của tao không ? - Không. Ủa, mầy trông thư ai vậy ?
- Của ai kệ tao !
- Cha chả, chắc vướng nàng nào rồi chứ gì ?
- Nàng đâu mà nàng !
- Chớ thư ai ?
- Nhà báo !
Hy chưng hửng :
- Cái gì ? Nhà báo nào ?
- Trời ơi ! Chuyện của tao. Cái thằng quỉ này sao mầy tò mò quá vậy ? - Thì tao muốn biết vậy mà !
- Để hôm nào có lễ được nghỉ ngơi, tao sẽ kể cho mầy nghe.
- Biết chừng nào tao với mầy nghỉ trùng ngày đây ? Mầy chỉ nghỉ ngày thứ tư. Còn tao thì ngày chủ nhật và những ngày lễ. Mà cái gì quan trọng quá vậy cậu nó ?
- Chẳng quan trọng gì, mà vui vui thôi. Nhưng tao vẫn chờ !
- Ừa, chờ đi. Thôi, dậy mầy. Chút nữa hai đứa mình đi đớp phở. Tiết đông-xuân giao mùa ngoài trời còn lạnh. Ăn phở chắc ấm à !
- Tội nghiệp con lắm cha ! Bưng mỗi ngày cả trăm tô phở. Chỉ nghe mùi là tao ớn tới óc ăn gì nổi mà ăn. Đi ăn Pizza mầy ơi ! Ủa, mà hôm nay mầy không ăn cantine hả ?
- Tao thèm phở, định về rủ mầy đi ăn với tao. Nhè mầy lại ngán đồ ăn Việt Nam. Chớ còn ăn cantine ba cái đồ Tây dở ẹt ngán tới cổ. Thôi đi ăn Pizza cho đổi món hén !
- Ô-kê ! Đắc-co !
Vọng phóng xuống giường, miệng ngáp dài. Rồi đi đánh răng, xúc miệng, rửa mặt. Hy cũng vô nhà tắm vặn douche nước chảy ào ào. Vọng làm toilette xong, anh đến bàn nhỏ ở góc bếp bấm nút nấu nước pha cà-phê và hỏi với Hy :
- Ê, mầy uống cà-phê không vậy Hy ?
- Uống.
Hy và Vọng uống cà-phê xong, cả hai cùng đi xuống nhà hàng Ý dưới đường ăn Pizza và uống bia. Hai anh ăn uống đến gần ba giờ chiều. Vọng lấy mê-trô đi làm. Hy trở lên nhà, anh chẳng biết làm gì. Anh tò mò lục soạn đống tập sách chồng chất ngổn ngang. Anh bắt gặp quyển nhật ký của Vọng, anh liền ngồi vào bàn mở ra đọc :
Ngày... tháng... năm...
Phải chi mình có nhiều tiền, mình sẽ cưới nàng. Nhưng mình là thằng nghèo, thằng tồi, thằng cu-li hạng bét. Làm sao nàng nhìn đến mình được. Mình ráng tiết kiệm cho khá khá. Và sẽ mua bộ côm-lê. Rồi có một ngày mình sẽ mời nàng đi dùng cơm với mình...
Đọc đến đây, Hy tự hỏi : - Thằng Vọng nó si tình cô nào cà ?
Hy đọc tiếp :
Ngày... tháng ... năm ...
Mình vừa gởi hai bài thơ và một truyện ngắn cho các tờ báo : Văn Luận, Bình Văn, Thi Văn... Chẳng biết có được chọn đăng báo nào không đây ? Mặc kệ, mình cứ gởi, gởi hoài, gởi đến ngày nào gặp ông bà chủ bút, chủ báo nào thấy lời văn của mình hợp với họ thi họ sẽ đăng lên báo. Ha ha ! ''Có công mài sắt, có ngày nên kim !''.
Hy ngạc nhiên, tự hỏi : - Thằng quỉ này viết văn, làm thơ hồi nào ? Ủa, mà làm sao nó có thì giờ viết kìa ? Khi mình đi làm là nó mới ngủ. Còn mình về là nó thức. Mình với nó lải nhải năm ba câu thì nó vọt đi làm. Lạ quá ta ! Thằng này bí mật ghê ta ơi !
Hy cứ lật đọc năm sáu trang sau... Vọng cũng viết đi viết lại mấy câu trên. Hy mỉm cười nhủ : - Thằng Vọng này sao mà nó khùng quá không biết. Mơ mộng ảo huyền, muốn trở thành thi-văn-sĩ. Rồi còn mơ tưởng đến cô nào đây ? Coi vậy mà nó sống nội tâm há ! Còn mình thì sau khi đi làm về là cứ đọc, học những Kinh sách Phật. Nó lại chế ngạo mình, nó nói mình muốn làm Thầy Tu, nên lúc nào trên gương mặt cũng hiền hiền, ngu ngu. Ối, thây kệ ! Hễ hiền thì phải lãnh cái tên Ngu có sao đâu !
Hy mỉm cười và lắc đầu : - Hổng lẽ thằng Vọng ngạo mình. Rồi bây giờ mình ngạo lại nó sao ? Không. Mỗi đứa mỗi quan niệm sống. Mặc ai muốn tranh danh đoạt lợi, tính toán lời hay lỗ mặc ai. Còn ta ! Ta, thằng Hy này. Cứ ngày qua ngày đi làm lãnh lương hằng tháng là yên thân nhứt. Mặc cho thằng Vọng mơ làm thi-sĩ. Mình chỉ muốn sống an lành và thích đọc những loại sách Phật học cho thoải mái tâm hồn. Thế là cũng đủ sướng đời rồi ! Ha ! Mà nghe đâu chị của thằng Vọng cũng thích đọc, học Phật, và cũng làm thơ viết văn gì nữa đó. Hôm nào có dịp mình mời chị nó đi ăn cơm chung coi có được không ?
Nghĩ ngợi xong, Hy vói tay bấm máy nghe băng tụng Kinh ‘’Bát Nhã Tâm Kinh’’ để rửa tâm. Vì hằng ngày Hy thường nghe tụng Kinh như thế.

*
Bao năm êm đềm trôi chảy, Hy và Vọng vẫn đi làm và an phận chấp nhận với cuộc sống hiện tại. Hy ít khi suy nghĩ cũng chẳng hề lo lắng gì cả. Còn Vọng thì cao vọng lắm. Anh muốn anh sẽ nổi tiếng, sẽ khá giả... Nên anh luôn mơ mộng. Đôi mắt anh lúc nào cũng nhìn xa xăm, hồn như gởi tận đâu đâu.
Vào một ngày thứ tư, Vọng không đi làm, anh thức dậy khoảng ba giờ chiều, pha cà-phê xong, với tay bấm máy nghe băng thơ, ngồi run run cặp đùi uống cà-phê và phì phà khói thuốc mà thả hồn lên tận mây xanh. Hôm nay, Hy ghé tiệm hớt tóc nên chưa về nhà. Vọng thẫn thờ dường như chán nản, đưa tay lên đầu vuốt vuốt tóc, thở ra rồi tắt băng thơ. Anh nói lảm nhảm, tự chửi mình : - Tổ cha cái thằng Vọng này, cả chục năm nay mầy không thấy bình minh là gì mà chỉ thấy toàn là hoàng hôn và bóng tối thì còn gì cuộc đời ! Vọng lắc đầu và lảm nhảm tiếp : - Mấy ông Tây, bà Đầm khi họ xì-nẹc, họ thường nói : ‘’Mẹc-đờ ! Mê-trô, bu-lô, đô-đô’’. Tụi nó bi quan ! Còn dân ta thì không. Chỉ khi nào khổ quá thì tự an ủi và nói mấy chữ... Tứ Khoái... Dân Việt mà ! Tự trấn an và làm ra vẻ rất lạc quan, đó là cách chịu đựng mọi hoàn cảnh, là bản tánh khí phách của dân tộc Việt Nam... ha ha... Thường thường cha mẹ ở nhà và thầy cô ở trường luôn luôn dạy : ‘’Trung, hiếu, lễ, nghĩa, trí, tín..., đạo-làm-người ...’’. Há. Trung-hiếu và đạo-làm-người thì ô-kê. Còn lễ-nghĩa cái đếch gì ? Khi mình không giàu sang phú quí, thì làm sao ''vi lễ nghĩa'' đây chứ ? Không lẽ mình đi làm đạo-tặc cho có thật nhiều tiền ! Nghĩ đến đây Vọng giựt mình : - Ha ! Cái thằng Vọng này, mầy nghĩ bậy rồi Vọng ơi ! Tao đánh cho mầy biết tay ! Vọng lấy tay tự tát vô mặt thật mạnh. Anh tiếp tục lảm nhảm với cái giọng ngâm thơ : Nhìn lên mình chẳng bằng ai. Ngó xuống chẳng ai bằng mình ! Đời chỉ là mơ nên ta làm thơ... Vọng châm thêm điếu thuốc, hít một hơi dài nhả khói, gật gật đầu, miệng lảm nhảm tiếp : - Còn biết bao người khổ sỡ hơn mình ! Mình có bà chị tên Mộng đứng bán băng nhạc cho trung tâm Mây-Ngàn. Nghe đâu chỉ có bà bạn tên Mơ hay Màng gì đó. Chị ấy, làm thâu ngân viên cho siêu thị Á-Châu. Cuộc sống của họ cũng bập bềnh ngày qua ngày. Vậy mà họ có than trách gì đâu. Hai bà đều dang dỡ duyên đầu đã lâu rồi mà còn ở vậy chưa chịu ưng ai. Bữa nào có cơ hội mình rủ mấy chị ấy đi ăn cơm. Có gì mình cáp chị Mộng cho thằng Hy để hai người Tu chung suốt đời cho rồi. Nghĩ ba má mình đặt tên con cũng ngộ, Mộng - Vọng. Rồi ông trời lại khiến cho mình làm bạn với thằng Hy. Còn chị Mộng thì có bà bạn tên Mơ. Hà há ! Hy-Vọng-Mộng-Mơ, nghe sao mà có vần có điệu và ăn khớp giống như anh chị em ruột cùng cha cùng mẹ. Mình chưa bao giờ biết mặt mày chị Mơ tròn méo ra sao. Mà chỉ nghe chị Mộng kể sơ sơ, nói là tánh chị ấy đặc biệt lắm, nên hai bà thường bất đồng ý kiến gì đó mà gây lộn cãi nhau hoài. Bữa nào rãnh, mình đến thăm chị Mộng coi lúc này chỉ ra sao rồi ? Bà nội đó cũng mê thơ-văn lắm. Còn chị Mơ tâm hồn ra sao mà chị Mộng làm bạn với chị ấy được kìa ? Ôi, bà nào cũng hơn bốn chục tuổi. Chắc là tâm tánh như mấy mụ gái già khó chịu !
Vọng ngồi suy nghĩ lung tung. Đã hơn năm giờ chiều, Hy mở cửa vô nhà, trên tay cầm quyển sách có cái tựa ''Vô-Ngã Vô-Ưu'' của Ni sư Ayya-Khema - do Diệu-Đạo dịch ra tiếng Việt. Vọng vừa thấy, liền hỏi : - Mầy đi chùa thỉnh Kinh về đó hả Hy ?
Hy cười :
- Tao đi hớt tóc, chớ đâu có đi chùa !
- Tao thấy trên tay mầy ôm cuốn sách đề tựa ''Vô-Ngã Vô-Ưu''. Tự nhiên tao cảm thấy mùi Thiền tỏa ra khắp căn phòng này rồi.
- Cuốn sách này hả ? ž, tao mượn của người ta. Đọc thử vài trang thấy hay quá. Tao mượn luôn đem về đây đọc. Nếu mầy thích cứ lấy đọc. Trời mà không lạnh là tao đi tuốt vô rừng Vincennes ngồi đọc rồi đó. Hay lắm mầy ơi ! Nội đọc cái tựa là nghe nhẹ nhàng tâm thể rồi.
- Thôi, để cái chuyện ''Vô-Ưu'' qua một bên đi. Bây giờ tao cho mầy cái ''phiền-não''...
- Cái gì ''phiền-nảo''?
- Nói chơi với mầy một chút. Nè, bữa nay tao với mầy mời chị Mộng và bạn của chỉ đi ăn cà-ri cơm-nị ở nhà hàng Ấn-Độ đường Bertholez quận 5 Paris. Mầy bằng lòng không ?
- Chịu liền. Ý kiến của mầy khá hay đó...
- Nhưng tao còn một ý kiến khác tuyệt vời hơn.
- Ý kiến gì, nói cho tao biết luôn đi thằng quỉ sống.
- Tao hỏi thiệt với mầy nha !
- Trời ơi ! Thì nói đi còn hỏi lòng vòng hoài.
- Mầy muốn có vợ không ?
Hy lõ hai con mắt thật to và nói :
- Vọng ơi ! Tao thấy hôm nay mầy bị điện chạm vô người rồi đó. Vợ ! Trời ơi ! Ai mà chịu làm vợ tao bây giờ đây ? Nghèo rớt mùng tơi mà vợ con gì !
- Đừng sợ nghèo. Tao chỉ hỏi mầy muốn hay không thôi. Nếu mầy muốn thì tao nói vô cho...
- Mầy định làm mai ai cho tao, người nào vậy ?
- Chị Hai Mộng, là chị của tao. Được hôn ?
Hy vừa nghe, mặt anh nóng bừng lên, anh hỏi :
- Biết người ta có chịu tao không. Nhào vô đại là bị bật ngửa u đầu à !
- Tao hỏi mầy có chịu không ?
- Ừa, thi mời tối nay đi ăn cà-ri rồi tính sau mầy ơi ! Nè, nè, sao mầy hổng lấy vợ, mà bảo tao?
- Thì từ từ, vì... vì tao có để ý một nàng.
- Già hay trẻ, ở đâu ?
- Nàng của tao cũng trang lứa tụi mình.
- Trời đất, tao tưởng nàng của mầy trẻ như đóa hoa vừa chớm nở. Ai dè đâu cũng vào tuổi ướm thu rồi !
- Tuổi tụi mình cũng đã vào thu, thì kiếm ướm thu là đúng. Bộ mầy muốn gái tơ mười tám hả ?
- Nói thiệt với mầy. Lắm lúc tao thích ở vậy tới già cho yên thân.
- Mầy nhào vô chị tao đi. Tao cam đoan, chị ấy sẽ hợp với mầy.
- Sao mầy biết ?
- Chị Mộng, chỉ hiền như đất. Còn tâm tánh mầy cũng vậy. Hai tâm hồn gặp nhau sẽ Tu chung suốt đời luôn. À, để tao gọi điện thoại coi chỉ có nhà không nha !
- Ô-kê ! Rồi, tao giao đời tao cho mầy quyết định.
- Dạ, thưa, em xin tuân lệnh anh Hai...
Hy và Vọng cùng cười ha hả. Sau đó, Vọng gọi điện thoại cho Mộng và mời luôn bà bạn của Mộng nữa.
Tiếng điện thoại reo ba bốn lần, rồi có người nhấc lên :
- A-lô ! Tôi nghe !
- Em nè chị Hai ơi ! Tưởng chị đi đâu rồi chớ !
- Chị vừa ở nhà thương mới về.
- Thăm ai vậy ?
- Con Mơ !
- Bạn chị bị gì mà nằm nhà thương ?
- Bị đánh ghen bể đầu.
- Trời đất ! Có nặng không ?
- Cũng may không nặng lắm !
- Bộ chị ấy lấy chồng bà nào hả ?
- Gần như vậy. Con Mơ, nó lãng mạn đa tình lắm. Và hay cua chồng bạn, bạn chồng. Nhưng vụ này thì khác.
- Khác kiểu gì ?
- Nó đi làm khách nhà hàng nào đó. Rồi đưa tình liếc mắt với ông chủ. Ông ấy phải lòng, lén vợ mời nó đi ăn nhà hàng khác, bị vợ ông ta theo dõi bắt tại trận. Nên bà ta cho nó ăn gót giày vô mặt. Cũng may là không trúng mặt, mà tét đầu chảy máu. Được người ta đưa vô nhà thương may mấy mủi. Bác sĩ bảo ở lại để rọi kiếng chụp hình. Chắc mai hay mốt gì nó mới về nhà.
Vọng nghe Mộng kể việc Mơ bị người ta đánh ghen xong. Anh chẳng thấy gì là đáng quan trọng. Anh hỏi Mộng :
- Vậy thì chẳng có sao. à, nè, chị đi ăn cà-ri với tụi em tối nay không ? - Ờ, đi thì đi. Ê, đi với ai nữa vậy Vọng ?
- Với... anh Hy...
- ờ, ờ cũng được !
Tối hôm ấy, Mộng đi ăn cà-ri với Vọng và Hy. Vào nhà hàng... Vọng làm ra vẻ rành mấy món Ấn Độ, nên tự động gọi luôn cho Mộng và Hy. Ăn uống nói chuyện vui cười. Đến gần xong, Vọng hỏi cà giỡn với Mộng :
- Hỗm rày văn-thơ của chị tới đâu rồi ?
- Ối, chị viết lai rai và có một bài được đăng thôi. Còn em, em được báo nào đăng ?
- Lâu rồi, tờ Văn-Luận đăng thơ thôi. Còn truyện ngắn thì chưa có ai đăng.
Hy vọt miệng :
- Chừng nào mầy hưu trí họ mới đăng. Ờ, thì giờ đâu mà mầy viết vậy Vọng ?
- Sau khi hết giờ làm, tao ra cà-phê viết.
- Hèn gì gần như đêm nào mầy cũng về hừng sáng.
- Lên cơn thì tao làm thơ và viết truyện ngắn chơi.
Vọng quay sang hỏi Mộng :
- À, này chị ! Bạn của chị nằm nhà thương nào ?
- La Pitié !
- Có gì, mai em dậy sớm đi với chị vô nhà thương thăm chị ấy. Chị có rảnh không ?
- Vậy trưa mai, cỡ mười hai giờ rưởi em ra chỗ chị làm. Giờ chị nghỉ ăn cơm. Chị sẽ xin phép chủ cho chị vô làm trễ một chút.
- Được !
Hy cười :
- Mầy vậy nổi không đó ?
- Nổi chớ !
Mộng mỉm cười nhìn Hy và nói :
- Có gì thì tôi gọi điện thoại kêu nó dậy.
Vọng nói :
- Em sẽ để hai cái đồng hồ reo một lượt cho ầm nhà lên.
Hy nhìn đồng hồ và gọi người ta tính tiền...

*
Trưa hôm sau, Mộng và Vọng gặp nhau, rồi hai chị em vô nhà thương La Pitié để thăm Mơ. Mộng gõ cửa và đẩy cửa bước vào phòng. Vọng cũng theo sau.
Mơ vừa thấy Mộng và Vọng, nàng liền ngồi dậy, trên đầu còn băng bó. Mộng vội bảo :
- Mầy nằm yên đi, có em tao vô thăm mầy nữa đó.
Mơ nhìn Vọng mỉm cười và nói :
- Chào anh ! Tôi có biết anh mà !
Vọng nghe trong lòng như bị cơn bão ùa ập tới, anh lúng túng chép miệng và nói :
- Thì... tôi gặp... chị ăn ở nhà hàng Nhật-Nguyệt hoài !
Mộng vọt miệng :
- Mầy làm khách ở đó phải không Mơ ?
Mơ nhìn xuống, cặp mắt thật buồn, nàng nói :
- Bởi tại vì vậy... Nên tao... Sao tao chán đời quá Mộng ơi !
- Mắc gì phải chán đời ? Tao nói hoài với mầy, là đừng có vướng vô mấy thằng cha có vợ. Đàn ông cu-ki thiếu gì...
Mơ thấy thẹn lòng, nàng lắc đầu và nói :
- Chắc tao đi tu quá !
Vọng nhìn Mơ và anh hiểu tâm trạng hiện tại của Mơ, anh nói :
- Đi tu ! Thôi chị... Mơ đừng buồn về cái việc đã qua.
Đôi mắt của Mơ rưng rưng lệ, nàng nói với Mộng :
- Một đêm qua tao nằm đây suy nghĩ những gì mầy thường khuyên tao. Nhưng tao quá gàn bướng, rồi hay gây lộn với mầy. Nay thì tao thấy lời của mầy đúng quá Mộng à !
Nãy giờ Vọng nhớ tới những lần Mơ đến tiệm Nhật-Nguyệt ngồi ăn. Anh đã bị tiếng sét ái tình lần đầu gặp Mơ. Nhưng anh cứ ngỡ Mơ là một bà chủ tiệm nào đó. Nên anh nghĩ khó mà làm quen được Mơ. Bây giờ Mơ là bạn của chị anh. Anh lại có niềm hy vọng. Vọng nhìn Mơ và hỏi :
- Chị Mộng đã khuyên gì với chị, mà sao thấy chị có vẻ hối hận quá vậy ?
Mơ lắc đầu không trả lời câu hỏi của Vọng. Nàng quay sang nói với Mộng :
- Bác sĩ nói, có thể ngày mai tao về nhà được, và năm ngày sau vào cắt chỉ và khám lại vết thương.
Mộng ngó Vọng và nói :
- Thôi, tới giờ chị đi làm rồi Vọng à !
Vọng lính quýnh, rồi anh nói :
- à, chị về trước đi. Em ở lại chơi với... chị Mơ thêm chút nữa...
- Ờ, cũng được ! Thôi, tao về nghe Mơ. Mai mầy về một mình được chứ ?
- Không sao đâu. Tao khỏe mà ! Cám ơn mầy nhiều nghe Mộng !
Sau khi Mộng đi về. Vọng ngồi xuống ghế kế bên giường Mơ. Tự nhiên cả hai người không ai nói với ai lời nào, khoảng mấy phút sau, Mơ mở lời :
- Hôm nay... anh không đi làm à ?
Vọng giựt mình :
- Không. à, mà có. Chút nữa ... đi...
Mơ nhìn cử chỉ của Vọng lúng túng, nàng mắc tức cười trong bụng, bởi nàng biết Vọng rất thích nàng. Vì mỗi lần nàng đến nhà hàng là Vọng không tự nhiên chút nào. Nhưng Mơ không đáp lại tình cảm của Vọng, mà đi cua ông chủ. Rồi cặp bồ với ông chủ nên mới xẩy ra chuyện đánh ghen bể đầu.
Bây giờ Mơ biết nói gì đây ? Hôm nay, nàng mới biết Vọng là em của Mộng. Vì Mơ chỉ nghe Mộng nói, là nàng có cậu em trai cũng lớn tuổi mà chưa có vợ. Mơ nghĩ, Mộng muốn nàng lập gia đình đàng hoàng và có đôi lần Mộng muốn Mơ gặp Vọng để coi hai bên có hợp nhau không. Nhưng Mơ thì lãng mạn và thích liều lĩnh, và nàng quá cao vọng nhìn lên, chớ không chịu an phận thủ thường.
Âu cũng là số mệnh. Từ ngày Mơ bị bà chủ Nhật-Nguyệt đánh ghen. Nàng mới thấy mình sai lầm vì quá lãng mạn và tìm cái nguy hiểm đến tánh mạng.
Sau khi xẩy ra tai nạn trên, Mơ mới thấy tình bạn của Mộng đối với nàng thật là vô bờ vô bến. Vì có khi Mơ đem lòng ganh tị với Mộng về vấn đề văn thơ và học Phật.
Cũng may nhờ Mộng học đọc và thường hành theo những lời Phật dạy. Nhờ học hỏi như thế, Mộng mới thấu hiểu được lòng dạ của Mơ. Nên Mộng bỏ qua tha thứ và giả vờ không biết không hay, cũng chẳng để ý những cử chỉ hoặc những lời lẽ mỉa mai của Mơ...
Những ngày Mơ nằm nhà dưỡng bệnh, nàng rất ân hận những việc mà nàng đã làm trước đây, nên đôi mắt của nàng thường rưng rưng ứa lệ. Nhưng nhờ có Mộng, Vọng và Hy tìm cách an ủi Mơ. Họ khuyên nàng hãy sống với hiện tại và nhìn tương lai, chứ đừng nghĩ gì về quá khứ...

*
Vu Lan dâng Mẹ sen hồng
Cho tròn chữ hiếu vẹn trong tâm này
Dù đời đôi ngã chia hai
Tình con thương Mẹ đêm ngày chứa chan.

Mẹ ơi ! Nhớ Mẹ ngút ngàn
Con cầu chúc Mẹ bình an thân ngà
Sen hồng một đóa làm quà
Kính dâng lên Mẹ gọi là hiếu nhi.


Vào buổi trưa mùa hè, nhằm dịp lễ Vu-Lan. Hy nghe đâu đây tiếng ai ngâm thơ văng vẳng. Anh chợt nhớ đến người Mẹ già còn kẹt lại bên nhà, mắt anh rưng rưng lệ. Anh liền nghĩ đến Vọng, Mộng và Mơ. Anh rủ họ hôm sau đi lễ chùa. Tất cả rất hoan hỉ cùng đi với anh. Vào chùa, họ lên chánh điện lạy Phật và dùng cơm chay. Sau đó, kéo nhau ra sân chùa ngồi hóng mát. Hy đem lý thuyết Phật Học và sự đời ra nói cho tất cả nghe. Anh giảng :
- Mọi sự trên đời đều có nhân có quả. Hãy ráng tu tâm và giữ tâm như đất. Còn ai có tâm hồn thi-văn, thì khi nào cao hứng cứ viết. Nhưng đừng có mang tham vọng và tự cao, tự đại quá mà hại thân, và đôi khi làm buồn cho tha nhân nữa. ''Tất cả những ai cưu mang làm văn chương nghệ thuật đều muốn dấn thân trong việc sáng tạo. Vậy chính họ phải cởi bỏ những tị hiềm để thoát xác thì con đường trước mặt mới sáng sủa hơn*''. Làm thơ hay viết văn là đem Chân-Thiện-Mỹ để tặng cho đời và cũng tặng cho chính mình luôn nữa đó. Riêng cá nhân tôi thì tôi không làm thơ, viết văn. Nhưng tôi rất thích đọc và thưởng thức.
Tất cả đều lắng nghe Hy giảng. Mơ thấy tâm hồn nàng được nhẹ nhàng, nàng liền hỏi Hy :
- Thi-văn thì em cũng hiểu chút ít.. Nhưng còn tu là gì vậy anh Hy ?
- Theo tôi nghe trong băng ''Bước Chân Xuất Thế'', có một Nhà Sư giảng nghĩa như vầy :
''Tu nghĩa là sửa mình. Tu là giữ gìn thân khẩu ý được thanh tịnh, để nhằm loại bỏ tam độc tham-sân-si, và những tánh hư nghiệp xấu mà từ vô thủy kiếp đến nay mình đã mắc phải. Tu là để tâm bình thường thoải mái, để hơi thở nhẹ nhàng luôn giữ chánh niệm không để chút lãng xao, cũng là để cho không ô nhiểm chút bụi trần nào...

Vui trong tham dục vui rồi khổ,
Khổ để tu hành, khổ quá vui,
Nếu biết có vui là có khổ,
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui,
Mong sao giữ tâm không vui khổ
Mới thoát ra ngoài lối khổ vui.
(... ...)
Ở đời sống đạo hãy tùy duyên
Tâm trí an vui chẳng lụy phiền
Ngoại cảnh sáu trần không dính mắc,
Nội tâm bát thức hãy điềm nhiên
Niệm tưởng khởi lên liền buông xả,
Chân tâm vắng lặng thấy bình yên,
Ấy là chân thật cho cuộc sống
Không bị lụy phiền cảnh đảo điên...’’.

Và, hãy giữ tâm cho bình lặng như thế này :

Tâm bất dục, Tâm tươi, Tâm sáng,
Tâm dục tình như áng mây đen,
Tâm đảo điên bao phen lận đận,
Tâm-Bình-Tâm chẳng bận ưu-phiền.

Ánh mắt hiền từ của Hy nhìn mọi người, anh nói tiếp :
- Sao, có đồng ý với tôi những lời này không ?
Mộng nhìn Hy mỉm cười :
- Hay quá ! Vậy từ đây, mỗi người chúng ta cứ đi làm việc để sống qua ngày. Rồi một ngày nào mình già thì mình nghỉ ngơi, chờ nghỉ thở. Nếu có dịp nghỉ lễ thì mình kéo nhau đi chùa lạy Phật. Và ráng kiên trì, nhẫn nhục học Phật để luyện tâm như đất, có đồng ý với tôi không ?
Vọng gật đầu :
- Đồng ý chứ ! Lý thuyết về Tâm-Linh Phật-Học của chị với anh Hy thì hợp lắm. Nhưng... sẽ đổi chỗ ở hén !
Hy hỏi nhanh :
- Đổi chỗ ở, là nghĩa làm sao vậy Vọng ?
- Thì mầy qua nhà chị tao. Còn...
Mộng cắt ngang :
- Còn Mơ thì qua nhà em phải không ?
Hy-Vọng-Mộng-Mơ, đưa mắt nhìn nhau và trao nhau những nụ cười trước đám hoa hồng đang khoe sắc rực rỡ ngoài sân chùa...

Bao nhiêu đau khổ cõi trần
Bấy nhiêu bài học thấm nhuần Từ-Bi
Vô-Ưu thơm ngát đường đi
Vô-Ngã tan biến Sân-Si nơi lòng.


(*)Lời Hồng Khắc Kim Mai
(Ivry-sur-Seine, Bạch-Am, Xuân 4/2001)
Việt Dương Nhân
#12 Posted : Tuesday, January 18, 2005 5:48:13 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Niềm Tin


Mùa đông tuyết đổ năm nào
Cành mai tan tác, cánh đào xát xơ
''Xót thay, chiếc lá bơ vơ
Kiếp trần, biết dũ bao giờ cho xong !*''

Thuyền đời cứ mãi long đong
Làm sao thoát khỏi cái vòng lo âu
''Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu ?
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ **''


Huệ, thiếu phụ ngoài ba mươi tuổi, vừa bị chồng ly dị mấy tháng qua. Nàng còn được quyền ở sáu tháng trong căn nhà hiện tại. Trong nhà nàng còn cho ba đứa bạn gái trang lứa, xin ở trọ để dễ dàng tìm kiếm việc làm. Ba cô mới từ Sài-Gòn hồi hương về Pháp theo lối dân Tây cũ.
Khí hậu chiều mùa đông hôm ấy, tuyết không còn rơi nhưng ngoài trời vẫn buốt lạnh. Trong lòng Huệ nghe bức rức khó thở. Nàng nhủ : ‘’Mình phải ra rừng thở mới được !’’. Nàng đứng lên lấy áo măn-tô màu tím đậm mặc vào, chân mang đôi giày bốt đen cao tới đầu gối. Lấy mé-trô trực chỉ tới rừng Vincennes phía đông-nam Paris. Nàng bước lang thang nhẹ nhàng trên những xác lá vàng tàn úa trong khu rừng. Rồi đến ngồi trên phiến đá cạnh con suối nhỏ nhân tạo nước đã đóng thành băng. Nàng đưa mắt nhìn chung quanh quang cảnh thật là buồn thảm. Vì những cây cối lớn nhỏ đều trơ cành trọi lá đứng sừng sững phơi mình giữa rừng chiều buốt giá. Không còn nghe tiếng chim hót như mùa xuân-hạ nắng vàng nữa. Nàng ngồi im lặng mà trong lòng dâng tràn bao nỗi niềm lo lắng và lòng nghe khắc khoải. Nàng suy nghĩ vẫn vơ và tự hỏi : ‘’Rồi đây mình sẽ ở đâu ? Tự thân lo chưa xong mà còn lo cho Liên, Cúc và Lan nữa. Thiệt là khổ cả đám !’’.
Sau khi lảm nhảm trong lòng đôi điều, Huệ vẫn ngồi yên trên phiến đá, mắt nhìn lên những đám mây xam xám đang lặng lẽ bay trôi. Trời mới hơn bốn giờ chiều mà đã tối thui. Nàng đứng lên đi thất thiểu rời khỏi khu rừng. Tà tà xuống mê-trô trở về khu Montparnasse. Huệ mở cửa bước vô căn appartement ba phòng, nằm tại đường Nôtre-Dame quận 6 Paris... Chẳng có ai ở nhà, không khí im lìm vắng lặng...

*
Vào đêm Giáng Sinh, trong lòng Huệ buồn tê tái, nàng đứng nhìn tuyết rơi ngoài song cửa mà đầu óc lo lắng khôn cùng. Gần nửa đêm, nàng đi đốt một cây đèn cầy màu đỏ cấm trên đầu ti-vi nơi để tượng Đức Mẹ Lộ-Đức có gắn những bóng đèn đủ màu lí-tí xung quanh đang chớp chớp. Nàng tắt bớt ngọn đèn lớn, rồi đến sa-long ngồi xếp bằng, chấp hai tay đưa ngang ngực, mắt nhìn trân tráo vào tượng Đức Mẹ, miệng lẩm bẩm : ‘’Mẹ ơi ! Con là người Đạo Phật. Nhưng con rất tin là có Mẹ đang ở bên con để nghe những lời con cầu khẩn và xin Mẹ ban ơn cho các bạn con luôn...’’. Huệ ngồi yên lặng, mắt vẫn nhìn Đức Mẹ... Ánh hồng lạp lay qua lay lại. Huệ nghe tâm hồn nhẹ nhàng bay bổng. Những giây phút Huệ để hết tâm thần cầu nguyện nên đầu óc nàng trong tình trạng như nửa mê, nửa tỉnh. Nàng thấy Đức Mẹ bay bay đến gần, một tay Mẹ vuốt tóc Huệ, còn tay kia cầm một cành hoa màu vàng thật đẹp tặng cho nàng, không biết là hoa gì ? Huệ kính cẩn đưa hai tay nhận một cách thản nhiên. Trong lòng nói cảm ơn Mẹ, chớ nàng không nói được thành tiếng. Nhận được cánh hoa, trong thâm tâm Huệ như đang ngắm nghía cành hoa... Bất chợt có tiếng ‘’hù’’ làm Huệ giựt mình và hoàn hồn trở lại. Nàng la lên :
- Con quỉ. Làm tao hết hồn ! Ủa, còn con Cúc, con Lan đâu rồi ?
- Ai biết tụi nó đi đâu ? Thây kệ tụi nó, hơi đâu mà mầy lo. Nè, tao thấy mầy nhìn Đức Mẹ không chớp mắt. Tao tưởng mầy...
Huệ cướp lời :
- Tưởng gì ? Tao đang cầu xin Đức Mẹ ban ơn cho bốn đứa tụi mình có nơi nương tựa. Vì sau mùa đông này là người ta sẽ tống cổ tụi mình ra ngoài đường đó !
- Ối, hơi đâu mà lo mầy ơi ! Tới nước đường cùng thì tụi mình kéo nhau xuống mê-trô !
Lời nói của Liên làm Huệ nổi giận, và lại thêm tiếc nuối cảnh mơ màng thấy Đức Mẹ tặng hoa. Nàng nói :
- Hứ, cứ nói liều. Tối ngày mầy lo chuyện gì đâu đâu không, chớ không lo cầu xin Mẹ. Mầy... mầy là người Đạo Chúa... Mầy đem Đức Mẹ về đây mà mầy không cầu xin Mẹ gì hết...
Liên cười cười :
- Mẹ thương mầy hơn tao đó Huệ à !
- Sao mầy nói vậy ?
- Tại mầy ngoại Đạo.
- Đừng nói bậy. Mẹ là Đấng Lành. Mẹ rất bình đẳng. Như bên đạo Phật cũng có Mẹ, là Phật Bà Quán-Thế-Âm Bồ-Tát mà tao thường gọi là Mẹ. Mẹ nào cũng thương hết thảy con của mình. Chớ chẳng bao giờ Mẹ phân biệt Ngoại hay Nội như mầy nghĩ đâu !
Liên cười với nét mặt hớn hở :
- Ê, chừng nào mầy đi Chùa, nhớ kêu tao đi ví nha !
- Cha, chả. Bữa nay mầy muốn đi Chùa sao ?
Liên nghiêng đầu qua hỏi Huệ :
- Mầy tin Chúa và Đức Mẹ, thì tại sao tao không tin Phật và Bồ-Tát ?
- Tại dạo trước, tao rủ mầy đi Chùa, mầy nói là bên đạo Chúa không cho lạy Phật và ăn đồ cúng !
- Hồi xưa kìa, chớ bây giờ là thời đại mới. Chị Nguyệt, cô Hằng trên cung trăng người ta lên viếng tới rồi, nên Đức Thánh Cha cũng chăm chế...
- Đúng rồi. Có mấy lần trong dịp lễ Vu-Lan, tao lên Chùa thấy các Cha ngồi ăn cơm chay với các Thầy đằng trước chánh điện, ngay Phật đài.
- Vậy hả ?
- Chớ sao. Có khi tao thấy năm sáu Đạo làm lễ chung để cầu nguyện cho nhân loại sớm được Hòa-Bình trên toàn cầu nữa. Người ta gọi là ‘’Buổi Cầu Nguyện Liên Tôn’’ đó.
- Tao với mầy ở chung cả năm nay cũng ‘’Liên Tôn’’ vậy. Mà hổng biết con Cúc, con Lan, tụi nó đạo nào hén ?
- Tụi nó là dân học trường Tây, chắc là đạo Chúa rồi. Xem như nhà này chỉ là ‘’Song Tôn’’ thôi. Nghĩa là, đạo Ki-Tô và đạo Thích-Ca.
- Như vậy là mầy thích lắm phải không Huệ ?
- Khỏi nói. Tao còn muốn tất cả các tôn giáo đều họp lai để làm lễ chung vĩnh cửu. Vì theo tao nghĩ, đạo nào cũng đội chung một Ông Trời. Nên tao muốn ai ai cũng hài hòa, thương yêu, bao dung, tha thứ và làm lành lánh dữ... Bởi trước sau gì ai cũng phải quay về chung một đường khi thân xác ta tới hồi hoại diệt...
Liên gật đầu :
- Thì Đạo nào cũng dạy như vậy. Nhưng tại lòng người còn chất chứa đầy nhốc tam-độc - tham-sân-si cho nên mới xẩy ra chiến tranh hoài trên trái đất. Mầy nói đúng đó Huệ. Gây chiến tranh, giết chốc làm chi, cứ để tự nhiên, rồi ai ai cũng tới giờ chung cuộc, là phải trả nợ Đất hi hi...
- Cha, chả. Bữa nay mầy dùng lời của Phật dạy. Giỏi quá ta. Tao khá khen mầy đó Liên !
- Thì tao đọc mấy cuốn sách Kinh mầy thỉnh ở Chùa đó. Và tao cũng thấy mầy khi vô nhà thờ liền bắt chước người ta làm dấu Thánh-Giá trước Chúa và Mẹ Maria ha ha... Còn đến nhà thờ Rue du Bac thì mầy hay dâng bông lên các Nữ Thánh... nằm trong lồng kiếng nữa. Tao thấy mầy tôn kính bên Đạo Chúa, nên tao cũng kính tôn Đạo Phật. à, hồi nãy tao thấy mầy nhìn Đức Mẹ thật là chăm chú, mầy thấy có hy vọng gì không ?
- Hy vọng chứ ! Ừa, để tao kể lại cho mầy nghe nè...(...)
Liên nghe xong những lời của Huệ kể. Trên gương mặt Liên nghiêm trang, đứng lên đi đến làm dấu Thánh-Giá và hôn chân Đức Mẹ. Nàng quay sang nói với Huệ :
- Huệ ơi ! Sao tao với mầy nằm mơ giống nhau quá vậy ? Nhờ mầy kể chuyện, tao mới nhớ lại giấc chiêm bao của tao hai ba đêm trước.
- Mầy cũng chiêm bao thấy Đức Mẹ hả ?
- Ừa. Nhưng mà Mẹ khác.
- Trời đất ! Mẹ nào ?
- Từ từ để tao kể. Tao thấy tao được ngồi trên một chiếc thuyền Rồng có chiếu đầy ánh sáng rực rỡ và đẹp tuyệt vời, có Phật Bà Quan-Âm mặc bộ đồ dài trắng tinh, đứng thật cao. Một tay Ngài cầm nhành dương liễu, còn một tay cầm bình nước Cam-Lồ rưới lên đầu tao. Lúc ấy tao sung sướng vô cùng.
Huệ nghe Liên kể xong, nàng liền đưa ánh mắt sáng ngời nhìn tượng Đức Mẹ và nói :
- Sự trùng hợp thiệt là huyền diệu. Ngộ quá ha ! Mầy gặp Mẹ Quán-Thế-Âm-Bồ-Tát, còn tao thì gặp Đức Mẹ. Vậy thế nào mấy đứa tụi mình cũng sẽ được các Mẹ giúp đỡ cái khổ của tụi mình hiện tại là phải tìm nhà mướn hoặc có quới nhân nào tới giúp cho ở trọ đỡ một thời gian...
Liên gật đầu chấp tay khấn vái :
- Vái Trời, Phật, Chúa, Mẹ giúp cho chúng con có được nơi ăn chốn ở !
- Chắc chắn là tụi mình sẽ được các đấng Bề Trên ban ơn sau những mùa lễ Giáng Sinh, Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Đán này...
Tiếng chìa khóa mở cửa. Cúc và Lan cũng về tới...
Đúng mười hai giờ khuya. Tiếng chuông các nhà thờ ngân vang khắp nơi để báo hiệu Noël. Liên, Huệ, Cúc, Lan ôm nhau hôn, mừng Chúa Hài-Đồng Giáng-Sinh 1980 năm. Tất cả nhìn nhau mỉm cười với ánh mắt tràn đầy niềm tin...


(*)(**) "Kiều" Nguyễn Du
Việt Dương Nhân
#13 Posted : Tuesday, January 18, 2005 5:50:11 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Nhờ Tin Có Ông Trời
Kính dâng mùa Phật-Đản 2546 và Vu-Lan Báo-Hiếu năm 2002

Thứ Hiếu :

"Một, dưỡng nuôi là hiếu dưỡng bình thường
Hai, hiếu hạnh là việc làm hiếu thảo
Ba, hiếu tâm là lòng thành con, cháu.
Dù ở xa cũng hướng đến cha mẹ hiền
Ba hiếu trên chỉ giúp thể xác được bình yên
Nhưng không thể cứu tội căn cho Phụ-Mẫu
Chưa tạo phước lành ai hiểu thấu
Khi lâm chung siêu đọa ai tận tường
Hiếu thứ tư, hiếu đạo vượt bình thường...!’’

(Bước Chân Xuất Thế)
*
"Cha mẹ sanh con trời sanh tánh !''.
Câu nói này thường xuyên phát ra từ miệng của người đời. Vì có những cha mẹ hiền mà lại sanh những đứa con ngổ nghịch, cứng đầu, hoặc ngược lại...

... Vào đầu thập niên 1940 ở ấp Bình-Thượng, làng Bình-Chánh (Chợ-Lớn). Trong một gia đình nọ, có hai anh em chú bác ruột, tên Tự và Nhiên là hai đứa con trai duy nhứt của hai anh em ông Hội Đồng Nguyễn Hữu Thanh và ông Cả Nguyễn Hữu Thản. Tự và Nhiên hồi lúc còn nhỏ thì ngoan ngoãn, học hành rất siêng năng. Rồi bỗng nhiên đến tuổi mười lăm mười sáu thì chẳng chịu tiếp tục học gì nữa mà tối ngày chỉ rong chơi lêu lõng. Đến khi mười tám mười chín tuổi thì hai cậu lại đi phá làng phá xóm, rồi trở thành ăn-cướp nổi tiếng trong làng. Chẳng hiểu trong đầu hai cậu nghĩ gì ? Hai cậu rủ nhau đi ăn-cướp. Khi cướp xong thì lấy tiền bạc vàng vòng phân phát cho những người nghèo trong làng. Vì thế mà chỉ có dân nhà giàu sợ họ. Chớ dân nghèo thì lại thích. Làm giòng họ, cha mẹ phải mang tiếng và sầu khổ vô cùng. Việt Nam mình có câu : ''Phép vua thua lệ làng''. Vì thế mà chẳng ai dám bắt họ.
Hai bà Mẹ của hai cậu là khổ nhứt. Một hôm ông bà Hội Đồng Thanh mời bà con quyến thuộc trong gia đình họp lại để bày mưu lập kế tính chuyện bắt cho bằng được hai thằng con ngổ nghịch đem về trị tội. Bà Hội Đồng Thanh biết con rất thương mình. Bà giả bệnh nặng, rồi nhờ người nhắn Tự phải về gặp mặt bà gấp.
Được tin mẹ bệnh, Tự nói với Nhiên :
- Nhiên ơi ! Tao phải về thăm má tao. Mày dám về với tao không ?
Nhiên nhìn Tự, lòng nghĩ : ‘’Từ hồi nào tới giờ mình theo anh Tự. Nay ảnh về thì mình cũng về chứ ?’’. Nhiên gật đầu :
- Về thì về. Ba em khó hơn ba anh. Ổng mà bắt được em chắc ổng xiềng em vô cột nhà quá !
- Nếu, mầy sợ thì mầy đừng theo tao về. Bộ tao không ngán ba tao sao ? Nhưng tao thương má tao lắm. Tao sẽ rình chờ chừng nào ba tao đi hội họp, hay ai mời đi ăn nhậu thì tao vô nhà.
- Anh có ý đó rất hay.
- Tao sẽ cho người gặp con Út Ngân, nhỏ làm nhà tao, bảo nó cho tin tức coi ông già tao chừng nào vắng nhà.
- Anh tin nó sao ?
- Nó sợ tao như cọp. Nó không dám cãi hay nói láo với tao đâu.
Vài hôm sau, Út Ngân nghe phong phanh là ông Hội Đồng Thanh đi ra ngoài làng họp và không ăn cơm nhà. Cô liền đi cho Tự hay tin. Và đồng thời cho bà Hội Đồng Thanh biết là Tự sẽ về đêm nay để thăm bà. Bà lật đật xức dầu cù-là leo lên giường nằm trùm mền và làm bộ rên.
Tự và Nhiên lén về. Vô nhà Tự đến giường hỏi mẹ :
- Má ơi ! Có con với thằng Nhiên về thăm má nè. Má bệnh gì vậy má ?
Nhiên cũng hỏi :
- Bác Hai, bác bệnh gì vậy bác ?
Bà Hội Đồng Thanh trở mình qua vừa rên vừa nói :
- Đã hai ba ông thầy thuốc đến bắt mạch, họ nói bác bị thúi ruột. Chắc bác sẽ chết sớm quá con ơi !
Tự nghe mẹ nói, lòng cậu rung lên :
- Má đừng nói vậy má ơi !
Bà Hội Đồng Thanh vẫn nằm trùm mền và nói :
- Con sợ má chết sao ? Nếu thật vậy, thì con đâu có làm khổ mẹ cha như thế này. Thôi, để má chết cho rồi !
Nhiên nhìn Tự lắc đầu :
- Anh thấy chưa ?
Bất chợt từ trong phòng có năm sáu người ùa ra đè Tự và Nhiên xuống, họ lấy bao bố trùm đầu hai cậu và lấy dây luột cột lại.
Thế là mưu kế bắt Tự và Nhiên đã thành công. Hùm dữ còn không ăn thịt con. Ông Hội Đồng Thanh và ông Cả Thản nhờ mấy gia-nhân xích lòi-tói vô chân hai cậu. Ông Cả Thản dẫn Nhiên về nhà. Còn ông Hội Đồng Thanh thì xiềng Tự vào cây cột lớn giữa nhà. Tự tức giận con Út Ngân cành hông. Hăm dọa Út : ''Nếu tao được sút chuồng là tao giết mầy, Út Ngân ơi !''.
Mấy ngày Tự bị xiềng xích. Chỉ có mẹ cậu đem cơm và đổ bô tiêu-tiện cho cậu. Bà Hội Đồng Thanh không dám cho Út Ngân đến gần Tự. Út Ngân vì sợ Tự giết nên xin nghỉ việc về quê.
Ông Hội Đồng Thanh gọi các anh em trong giòng họ lại nhà. Ông chẳng dám rầy la con mà ông chỉ năn nỉ. Bà Hội Đồng cũng khóc lóc nhẹ lời năn nỉ con mình. Nhưng chưa dám tháo xiềng cho con vì sợ cậu chạy thoát.
Tự thấy mẹ khổ vì mình. Lòng cậu rất thương mẹ nhưng lại bất mãn người cha thuộc loại ‘’cường hào ác bá’’. Ông Hội Đồng Thanh rất sắt lệnh với dân làng, nhưng với con thì ông phải chùng bước. Ông năn nỉ Tự trước mặt mọi người :
- Ba lạy con, con hãy từ bỏ ăn-cướp mà trở về nhà, ba má sẽ lo cưới vợ cho con. Con đi ăn-cướp ác quá. Trời, Phật sẽ hại con sau này đó. Ba xin con hãy chừa bỏ đi. Rồi con muốn gì ba cũng chìu theo ý con.
Tự bị xiềng, lòng tức giận lắm. Cậu đứng lên và nói :
- Nè, tất cả mọi người làm chứng nghe. Cho tôi ra điều kiện với ba tôi.
Ai ai cũng nhìn ông Hội Đồng. Ông gật đầu. Mọi người đều gật đầu theo. Ông Cả Thản đứng lên đến gần nói với Tự :
- Thằng Nhiên nó nói, con là người cầm đầu trong bọn. Con ngưng là nó ngừng liền theo con. Hồi nãy, nó đòi theo chú qua đây mà chú không cho. Chú cũng xin con hãy nghe lời ba con đi.
Ông Hội Đồng Thanh nhìn vợ, ý bảo vợ rót nước trà thêm vào tách mọi người. Ông thở ra, nhìn con và nói :
- Điều kiện gì ? Mầy cứ nói ra đi.
Tự ngồi bệt xuống sàn nhà, tay khoanh qua hai đầu gối, nói :
- Ba, và chú Ba bớt ở ác với những Tá-điền và dân nghèo trong làng... Con sẽ nghe lời ba má cưới vợ. Nhưng... nếu có ông trời thì sau khi con có vợ. Ông trời cho vợ con sanh một cặp trai, và một cặp gái. Con sẽ không phá mấy nhà giàu nữa...
Mọi người nhìn ông Hội Đồng Thanh. Ý bảo ông nên hứa đại cho vui lòng Tự. Ông lắc đầu, rồi nói lớn :
- Thiệt, mầy là thằng coi Trời-Phật không ra gì. Trời sẽ đánh mầy. Trời ơi ! Xin ngó xuống mà coi nè trời !
Ông Cả Thản nhẹ giọng nói với anh :
- Anh Hai, anh nên giằng cơn giận. Cháu nó có lòng tin nên mới nói vậy. Anh nên bằng lòng đi.
Ông Hội Đồng Thanh lấy hột quẹt đốt ống điếu, hít vài hơi, ông đứng dậy và nói ngọt với con :
- Rồi, ba hứa với con trước mặt mọi người đây. Ba bằng lòng những điều kiện của con.
Ánh mắt của Tự đổi lại hiền từ. Nhưng cậu chỉ vào chân và hỏi cha cái giọng hơi mất dạy :
- Vậy, sao ba không mở lòi tói cho con ?
Bà Hội Đồng vừa nghe con hỏi, bà liền đến bàn thờ vói tay lấy chìa khóa cầm trong tay. Bà đi lại gần năn nỉ chồng :
- Ông à. Ông mở lòi tói cho con đi.
- Bà nữa hả ! Cứ bênh vực nó hoài. Bởi vậy, người ta nói : con hư tại mẹ mà !
Ông Thản tiếp lời anh :
- Xin anh nên mở khóa xiềng cho cháu.
- Chú Ba nó, có dám mở xiềng cho thằng Nhiên chưa ?
- Dạ, tại vì dấu anh, chớ thằng Nhiên không có bị xiềng như cháu Tự đây đâu. Nó tự do đi lại từ hỗm rày.
Mặc dù, ông Thản không cho Nhiên đến đây, nhưng Nhiên cũng rình rình mò đến đứng đằng sau bếp nghe ngóng. Bất chợt, Nhiên lù lù ra và quỳ gối chấp tay nói với ông Hội Đồng Thanh :
- Dạ, con lạy bác Hai, con sẽ không theo anh Tự nữa. Xin bác tha cho anh Tự. Con bảo đảm, nếu anh Tự thất hứa với bác. Con sẽ thế mạng. Xin bác mở xiềng cho anh Tự.
Ông Hội Đồng nhìn Nhiên. Rồi ông giựt chìa khóa trên tay vợ và quăng trước mặt Nhiên, ông bảo :
- Nè, mầy mở cho nó đi. Nhớ nghe hôn. Có gì thì mầy lãnh tội dùm nó.
Tất cả mọi người thở nhẹ nhàng...
Sau đó, Tự và Nhiên trở lại những đứa con ngoan ngoãn như xưa. Và nghe lời mẹ cha cưới vợ đàng hoàng.
Hai năm sau, vợ Tự song sanh hai đứa con gái. Tự lại bất mãn. Vì cậu xin hai đứa con trai trước mà lại cho con gái. Tự liền qua nhà Nhiên tính chuyện ‘’phá làng’’ nữa. Vợ Nhiên đang bụng chửa dạ mang. Nhiên nhứt định không làm theo Tự, và khuyên Tự hết lời. Tự thấy không có Nhiên thì như cua không càng. Cậu lại đi lên Chợ-Lớn vào mấy sòng bài cờ bạc, hút xách, chơi bời. Tự tưởng mình thuộc loại thứ dữ, nhưng nào ngờ ở trên Chợ-Lớn còn dữ tợn hơn. Một hôm, Tự gặp dân cờ-gian, bạc lận gì không biết. Tự gây gỗ với họ nên bị dân anh-chị đánh bễ đầu sưng mặt. Tự trở về nhà xin tiền mẹ. Mẹ cậu đâu có quyền hành gì tiền bạc. Bà thương con quá nên lòn rút được một số tiền của chồng đưa cho con. Nhiều lần như vậy, ông Hội Đồng Thanh nghi là bị mất cắp tiền. Ông hành tội vợ. Bà vợ khổ quá nên sanh bệnh thật.
Tự hết đường gỡ gặc. Lại thấy mẹ bệnh nặng. Vợ cậu lại đang mang thai. Cậu rất muốn trở về nhà, nhưng sợ gặp cha thì kỳ này sẽ bị cha xiềng múc chỉ. Nên cậu cứ lang thang lòng vòng trên Chợ-Lớn như thằng ăn mày.
Căn bệnh trầm cảm của bà Hội Đồng Thanh càng ngày càng nặng, không có thuốc men gì chữa nổi. Bà không ăn uống, thân xác ốm o, kiệt sức sắp lìa đời. Bà xin phép và năn nỉ chồng cho thằng con về thấy mặt bà lần cuối cùng. Ông Hội Đồng nhứt quyết không chịu, vì ông đã tuyên bố từ con rồi.
Đến ngày vợ Tự vào nhà sanh, lại song sanh hai đứa con trai. Tự nghe tin ấy, trong lòng chấn động như bị trời đánh vì quá sợ ông trời. Tự nhủ : ''Có ông Trời thiệt rồi !''. Tự trở về Bình-Thượng vào tiệm hớt tóc quen, cậu quỳ lạy xin họ cạo đầu dùm. Rồi mang cái đầu trọc lóc, thân xác tồi tàn về nộp mạng với cha.

Căn bệnh nặng, xem như nan-y của bà Hội Đồng Thanh. Nhưng sau khi bà nghe con mình hối hận và cạo đầu. Như liều thuốc tiên, bà nghe nhẹ người, tinh thần khoan khoái và lại đòi ăn uống...
Tất cả giòng họ thấy sự linh ứng đó. Họ hàng cùng họp lại nhà ông Hội Đồng Thanh để làm chay cúng Phật và sẵn dịp tha thứ cho Tự lần nữa.
Tự sợ Trời, và lòng thật sự tin có Trời, Phật. Cậu xin cha xây cất một ngôi chùa nho nhỏ và rủ Nhiên đi tu với cậu. Nhiên sẵn có tâm tánh hiền từ. Nhưng vì bị ông anh con bác rủ đi ăn-cướp nhà giàu cho nhà nghèo cậu xiêu lòng nghe theo. Nên bây giờ cũng thấy trong lòng mang nhiều tội lỗi. Cậu cũng bỏ vợ con mà theo Tự vô chùa tu chung.
Từ đó, Nguyễn Hữu Tự và Nguyễn Hữu Nhiên xả bỏ hết chuyện hồng trần mà vĩnh viễn theo bước chân của Đức Từ Phụ Thích-Ca-Mâu-Ni để tu hành, phó mặc cho vợ con sống sao tùy ý.
Lòng mẹ thương con bao la, nên bà Hội Đồng Thanh cũng đi theo con vô chùa làm Bà-Vãi, công quả nấu nướng trong chùa. Bà giao phó việc nhà cơm nước cho vợ của Tự và Chuông, đứa tớ trai lo cho chồng bà...

Nhờ tin có Ông Trời, hay là nhờ có Chân-Tu mà Tự và Nhiên bỏ đời vào chùa tu tới ngày nay... ? ? ?

(Ivry-sur-Seine, Bạch-Am, ngày 10-04-2002)
Việt Dương Nhân
#14 Posted : Tuesday, January 18, 2005 5:53:33 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Lá Rơi Về Cội

Ngày biển quê hương nổi cơn sóng gió dữ dội, làm én nhạn tung cánh bay đi tìm đất Tự Do khắp bốn biển năm Châu !

Rời khỏi quê hương yêu dấu. Mười tám năm sau...

Vào mùa hè, Khanh trở về Sài-gòn thăm quê-hương. Chàng tạm trú tại khách sạn Majestic góc đường Tự Do - bến Bạch Đằng quận nhứt (Sài-gòn). Mấy ngày đi viếng những cảnh cũ đường xưa, lòng vòng một mình buồn tẻ. Vì vợ con không đi theo. Một chiều, Khanh cảm thấy mệt mỏi, chàng nhấc điện thoại gọi xuống phòng tiếp tân nhờ họ kêu cho chàng một nàng kiều-nữ đấm bóp...
Hải Lệ, cô gái xinh như mộng, đẹp như mơ, dáng vóc thon thon, nước da trắng trẻo, mái tóc thề tha thướt, đôi mắt sáng ướt long lanh dưới màn lệ mỏng, sóng mũi dọc dừa, miệng cười như đóa hồng chớm nở. Cô tô son điểm phấn rất đơn sơ, cô mặc quần Jean với chiếc áo thun trắng có in hai chữ Sài-Gòn màu vàng rực trước ngực. Ai nhìn cô là có cảm tình ngay. Bởi không thể nào cho cô làm cái nghề đấm bóp được... Nhưng buồn thay !

Hải Lệ xách giỏ lên gõ cửa phòng số... rồi đẩy cửa đi vào gật đầu chào Khanh và tự giới thiệu tên mình. Khanh chẳng để ý gì đến sắc vóc của cô mà chỉ cần đưa lưng cho cô đấm bóp thôi.
Hải Lệ bắt tay vào việc... Sau nửa tiếng đồng hồ, cô thoa dầu, xoa bóp, nắn nót khắp thân người Khanh. Giây phút hưởng thụ khoan khoái, hồn lâng lâng vào trong cơn mê-lộ. Làm Khanh thèm khát ái ân cao độ... Chàng xoay mình nằm ngửa, định đưa tay lên mơn trớn vuốt ve cánh hoa non vừa hé nụ để tiến vào động hoa vàng. Tự nhiên Khanh có linh cảm lạ lùng, chàng nhìn kỹ gương mặt Hải-Lệ, rồi tự hỏi :‘’Sao cô bé này có nhiều nét giống hệt một người mình đã quen !’’. Khanh vội đẩy cô ra, rồi bật ngồi dậy thật nhanh và hỏi :
- Ba má em làm nghề gì, ở đâu ?
Hải Lệ hết hồn và ngơ ngác, rồi từ từ trả lời :
- Dạ, em có má, chớ không có ba !
- Ba em đâu ?
- Má em nói, ba em bị tử trận hồi đó rồi !
- Em có biết ba em tên gì không ?
- Dạ, má em thường nói, ba em là thằng cha ‘’Sở-Khanh’’. Mà nghe đâu ông ấy tên... giống anh đó.
- Còn tên má em ?
- Má em tên Tím !
- Tím !
Khanh thấy cái tên Tím chàng không quen. Chàng hỏi tiếp :
- Năm nay em được mấy tuổi ?
- Dạ, em vừa mười tám tuổi.
- Má em làm nghề gì ?
- Hồi đó, má em làm thâu ngân viên cho nhà hàng Đồng-Khánh trong Chợ-Lớn.
Khanh chẳng quen biết ai làm nghề ấy, chàng tiếp :
- Còn bây giờ ?
Trên gương mặt Hải Lệ hiện lên nét buồn, đôi mắt long lanh tươm lệ, cô nói :
- Hiện giờ... thì má em đang bệnh nặng lắm !
- Bệnh gì ?
- Bệnh tim... tới thời kỳ nguy ngặt !
- Ở nhà hay ở nhà thương ?
- Đâu có tiền mà nằm nhà thương !
- Vậy là nằm nhà à ?
- Dạ !
- Còn tên của em ?
- Hồi nãy, em đã nói rồi. Sao anh còn hỏi. Em tên Hải Lệ. Mà anh hỏi làm chi dữ vậy ? Anh điều tra như là công-an !
- Xin lỗi em ! Anh quên mất rồi ! Công-an đâu mà Công-an. Em làm ơn cho anh đến thăm má em được không ?
- Để làm gì ?
- Thì... thì để anh thăm cho biết vậy mà. Biết đâu anh có quen ?
- Trời đất ! Làm sao có quen được ? Thôi, không được đâu anh ơi !
- Không sao đâu ! Em cứ cho anh lại nhà em đi.
- Thôi được. Em cho anh địa chỉ. Rồi mai mốt anh lại. Chớ đừng có đi chung với em bữa nay.
- Tại sao em sợ ?
- Lối xóm thấy kỳ lắm ! Ai mà dắt khách về nhà !
- Không. Anh không phải là khách của em. Bằng chứng là giữa anh và em chưa có...
Nói đến đây Khanh khựng lại. Chàng nhìn Hải Lệ kỹ hơn. Rồi chàng tiếp :
- Sao em giống hệt một cô... anh quen hồi xưa quá ! Tự nhiên anh thấy thương em như con.
Hải Lệ lõ đôi mắt bồ câu tròn xoe nhìn Khanh, tự nhủ : Ông này cũng phải năm mươi tuổi trở lên rồi. Ổng nói mình đáng con của ổng cũng phải !
Hải Lệ mỉm cười :
- Làm sao em được cái hân hạnh làm con của anh !
- Tại sao không được ? Nếu anh có vợ sớm, thì con anh lớn hơn em nữa đó. Nè, anh muốn đến nhà em. Để thăm má em. Coi anh có giúp má em được gì không. Em đừng sợ.
Hải Lệ nhứt quyết không chịu, cô nhìn Khanh :
- Em nói là không được. Mai hay mốt gì anh đến đi. Để về nhà, em nói cho má em biết trước cái đã.
Khanh nghe trong người ruột gan nóng bừng lên. Chàng đứng dậy đi đến áo veste móc bóp lấy hai trăm đô-la ra đưa cho Lệ và nói :
- Nè, em cầm số tiền này về đưa má em đi bác sĩ. Chiều mai, lối ba bốn giờ anh sẽ đến nhà em. Em ghi địa chỉ thật, chớ đừng cho địa chỉ ma nha ! Anh ngán mấy cô lắm !
Hải Lệ nhìn Khanh, cảm thấy chàng là người thành thật. Cô lấy viết, vừa viết địa chỉ vừa hỏi :
- Sao anh sợ em cho địa chỉ ma. Chắc anh đã bị kiểu ấy nhiều rồi phải không ?
Hải Lệ đưa miếng giấy đã ghi địa chỉ cho Khanh. Khanh lấy đọc, chàng thấy nét chữ của Lệ rất đẹp và cứng, chàng nghĩ : Cô bé này có trình độ học vấn cũng khá, chớ không phải là dân dốt ! Khanh xoay qua nhìn Hải-Lệ và trả lời :
- Không. Anh chưa bị, mà hồi xưa mấy thằng bạn của anh bị nhiều lần lắm. Nhà em ở miệt Bình-Tiên cầu Cây-Gõ hả ?
- Dạ... Xóm em ở nghèo khổ lắm ! Anh có tới thì nhớ hỏi là nhà cô Ba Tím nha ! Vì trong hẻm nhỏ và quanh co lắm !
- Má em mấy tuổi ?
- Ba mươi sáu !
Khanh bóp trán, suy nghĩ vài giây :
- Má em trẻ vậy à !
- Dạ, má em sanh em ra, lúc má em cỡ em bây giờ.
- Thôi, em về đi. Chiều mai anh đến nhà em.
- Dạ, chào anh ! Ý quên ! Chào chú cháu về !
- Ừa, gọi bằng chú mới đúng đó ! Mai chú gặp cháu nha !
- Dạ !
Hải Lệ ra về mà trong lòng cô mừng vô hạn. Vì Khanh chưa làm gì đến thân xác cô mà còn cho số tiền khá lớn. Bởi vì đi đấm-bóp kiểu như vậy giỏi lắm được cỡ vài chục đô-la là cùng. Mà còn chia cho người dẫn mối vài chục phần trăm nữa. Hải Lệ cũng biết ma-lanh và khôn. Cô dấu một trăm đô trong quần lót. Chỉ nói là ông khách xộp cho một trăm đô-la thôi. Những người dẫn mối, tuy khách đã trả tiền họ rồi. Nhưng các cô vẫn chia thêm. Là vì làm như thế họ mới kêu tới. Nếu không thì sẽ bị ế, bị phèo. Mọi nghề trên đời, nghề nào cũng phải có lương, có lời, có huê-hồng, tiền đầu, tiền đuôi... không nhiều thì cũng ít, chớ có ai làm không công bao giờ đâu !

*
Trưa hôm sau, Khanh bao xe-ôm chạy vô Chợ-Lớn ăn trưa và bảo cậu xe-ôm chạy lòng vòng qua cầu Cây-Gõ tìm đến địa chỉ của Hải Lệ đưa chiều hôm qua.
Đến nơi, vào xóm lao-động nhà cửa chằng chịt, chen chúc. Thật là xô bồ xô bộn. Những vũng sình lầy có đầy rau muống và cỏ hoang mọc tùm lum tà la khi xưa. Bây giờ thì dân chúng đã lấp và cất nhà đầy ngập. Khanh hỏi thăm từng nhà, lần lần vô tới nhà mẹ con cô Ba Tím. Khanh bước vô căn nhà nhỏ bé lụp xụp. Bên trong có cái bàn nhỏ vài chiếc ghế đẩu, trên giường trải chiếc chiếu bông cũ mèm xơ xác. Một người đàn bà gầy ốm đang nằm bất động như chết, đắp chiếc mền nhà binh lủng hai ba lổ lên tới cổ. Khanh định mở miệng hỏi thăm thì Hải Lệ về tới, cô vội vàn nói :
- Dạ, mời chú ngồi. Má ơi ! Có chú ''Việt-Kiều'' đến thăm má nè !
Khanh vội cản :
- Được rồi cháu ! Để má cháu ngủ.
Tím nghe văng vẳng tiếng người, nàng định ngồi dậy. Nhưng vì sức lực quá yếu nên chỉ xoay mình qua gật đầu chào, đôi mắt mất thần lờ mờ nhìn ông khách. Khanh thấy nét mặt bà ấy quen. Nhưng không thể nào moi tim óc để nhớ là quen ở đâu. Vi cái tên Tím xa lạ với chàng quá. Còn Tím thì nhận ra Khanh liền. Hải Lệ đến đỡ mẹ ngồi dậy. Trong lòng Tím nghe mừng, nhưng vì tự ái và còn ôm hận bị Khanh bỏ rơi ngày xưa ấy... Nước mắt Tím tuôn trào, cổ họng nghèn nghẹn, nàng cố gắng chào hỏi Khanh :
- Chào ông ! Cám ơn ông có lòng đến thăm tôi. Hôm qua tôi có nghe con tôi nói về ông. Nhưng...
Nói đến đây, Tím ho lên sặc sụa. Khanh nhìn kỹ Tím, chàng toát mồ hôi hột, rồi bằng một giọng run run :
- Cẩm ! Cẩm phải không ? Cẩm ơi ! Anh là Khanh đây nè !
Tím lắc đầu, rồi khóc ngất lên. Hải Lệ không hiểu gì cả. Em hết hồn mà ôm vuốt ngực mẹ và hỏi :
- Sao chú Khanh gọi má là Cẩm ?
Giọng thều thào yếu ớt, thở lấy hơi lên, Tím vẫn lắc đầu :
- Ông ấy... lầm người rồi !
Khanh đứng lên tiến đến giường bằng một giọng nhẹ nhàng, nhưng buồn thảm :
- Trời ơi ! Oan trái ! Nhưng cũng cám ơn trời đã đưa đẩy con gặp hoàn cảnh này. Cẩm ! Cẩm ơi ! Em hãy bình tĩnh mà nói thật dùm anh. Có phải Hải Lệ là con của anh không ?
Tím nghe Khanh hỏi bằng một giọng cầu khẩn, nước mắt nàng ràn rụa tuôn chảy nhiều thêm, nàng gật gật đầu... Vài phút sau đôi mắt Tím trợn trắng, tay chân giựt bắn người lên, nàng ngất liệm luôn. Hải Lệ sợ quá khóc thét hoảng hốt và nói lớn :
- Chú Khanh, chú làm má con chết rồi nè ! Má ơi, má đừng bỏ con nghe má ! Chú Khanh ! Chú Khanh ơi ! Cứu má con ! Cứu dùm má con chú Khanh ơi !
Khanh vội ôm Tím vào lòng và gọi :
- Cẩm ơi ! Tỉnh dậy đi em ! Tỉnh dậy Cẩm ơi ! Đừng bỏ con và anh em ơi !
Khanh vói gọi cậu xe-ôm, bảo cậu chạy ra ngoài kêu xe để chở Tím đi nhà thương gấp... Nhưng đã quá trễ, vì Tím đã tắt thở sau cái gật đầu đầy nước mắt. Dường như nàng an lòng giao con lại cho cha nó. Còn Hải Lệ thì khóc nức nỡ và kêu mẹ thảm thiết !

Trời cao có thấu cho chăng ?
Cành hoa bé nhỏ, khổ đằng đằng đeo !


Đám tang của Tím thật buồn. Do chính tay Khanh lo tròn vẹn. Có được năm ba người hàng xóm đi đưa. Vì mẹ con của Tím không có mấy ai là bạn bè thân thuộc. Nàng chỉ còn duy nhứt một người anh cùng cha khác mẹ tên Mầu, hiện sinh sống ở miệt Mỹ-Tho. Nhưng hai anh em không thuận với nhau từ mười mấy năm qua.
Sau khi hỏa táng Tím xong. Khanh và Hải Lệ ôm hủ tro đem vô chùa Xá-Lợi gởi trong đó.
Bây giờ Khanh kề bên đứa con gái bạc phần. Khanh bảo Hải Lệ thu dọn đồ đạc và quần áo theo chàng ra Sài-gòn. Khanh đổi khách sạn khác nhỏ hơn gần chợ Bàn-Cờ cho đỡ tốn tiền.
Còn một tuần nữa là tới ngày Khanh phải trở về Mỹ. Khanh đi tìm nhà người quen để mướn cho Hải Lệ ở tạm chờ ngày chàng về Mỹ lo giấy tờ cho Hải Lệ sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình chàng.
Trời khiến, giữa tình cốt nhục, nghĩa cha con. Nên Hải Lệ không có một cữ chỉ nào bất mãn hay hờn giận cha mình. Mà em vâng lời những gì cha dạy bảo. Dầu sao đi nữa, Hải Lệ cũng được mẹ cho ăn học tới lớp mười một.
Sau hai tuần lễ, hai cha con hàn gắn những vết thương lòng... Khanh đưa Lệ đi lấy máu và cắt chút tóc để chàng đem về Mỹ, có gì thì chàng sẽ chứng minh mà được quyền nhìn nhận con mình.
Đến ngày Khanh trở về Mỹ. Hai cha con lấy taxi lên phi trường Tân-Sơn-Nhứt. Trong túi Khanh còn tám ngàn đô-la, chàng đưa hết cho Lệ và căn dặn :
- Con ráng gìn giữ cẩn thận số tiền này mà tạm sống chờ ba về rước con. Hoặc có thể con đi một mình, đến nơi ba sẽ ra phi trường đón. Con biết nói tiếng Anh mà sợ gì. à, hay là con đi ghi tên tiếp tục sự học và học thêm chữ Anh. Và con nhớ, thỉnh thoảng vào chùa thăm má con và nghe lời các thầy chỉ cách cúng bốn mươi chín ngày. Chừng đúng một trăm ngày, nếu con muốn xả tang má cũng được. Thời buổi này tang chế người ta cũng có phần chăm chước hơn xưa. Ba về Mỹ lo thủ tục, trễ lắm là cỡ sáu tháng con sẽ được qua Mỹ. Tiền ăn ở, ba đã đóng đầy đủ cho họ một năm, con khỏi lo gì cả. Nếu ba có cần giấy tờ gì ở bên này, thì có ông luật sư Phan lo, mà nếu ông ấy có gọi con để ký giấy tờ. Con nhớ đi đến văn phòng ông ta nghe con ! Địa chỉ và số điện thoại ở nhà và trong sở của ba, con nhớ cất kỹ. Con muốn gọi ba bất cứ lúc nào cũng được hết nha. Nhớ nghe con !
- Dạ !

Mặc dù Hải Lệ là cô gái mười tám tuổi, sống trong một xả-hội phức tạp và đầy nghiệt ngã thương đau. Cô cũng nếm ít nhiều kinh nghiệm đời. Nhưng sự việc trên vừa xẩy ra quá bất ngờ nên làm tâm hồn cô còn trong tình trạng bàng hoàng như người trong cơn mộng. Có vui buồn lẫn lộn. Vui, vì được gặp cha. Còn buồn, vì vừa mất người mẹ thân yêu đã hy sinh nuôi nấng cô suốt mười tám năm nhiều lận đận. Nhưng để có chút gì an ủi, cô mất mẹ mà bây giờ được gặp cha. Nhờ thế, cô mới thoát ra cái nghề đấm-bóp mà cô đã làm hơn một năm nay. Vì mẹ cô mang căn bệnh tim càng ngày càng nặng. Để cho tròn chữ hiếu, Hải Lệ phải nghỉ học, cô cố gắng tìm kiếm việc làm đàng hoàng, nhưng rất khó. Cuối cùng cô phải hành nghề trên.
Bao nhiêu lời dặn dò của Khanh, Hải Lệ ngồi nghe và ghi nhớ rất kỹ. Sắp tới giờ máy bay bay, hai cha con bịn rịn bằng những giọt lệ lăng dài trên má. Khanh ôm con hôn mạnh hai bên má, rồi đi vô trong. Hải Lệ đứng bên ngoài vẫy tay đến khi Khanh khuất dạng. Nàng thẩn thờ đi ra ngoài lấy xích-lô trở về nhà trọ. Chú xích-lô đạp xe từ từ lăng bánh dưới ánh nắng vàng chói chang nóng bức giữa mùa hè Sài-gòn.
Khanh vào trong máy bay ngồi gài dây nịt an toàn đàng hoàng. Máy bay từ từ cất cánh, Khanh thẩn thờ nhìn ra cửa sổ nhỏ mà nghe lòng thương đứa con gái vô cùng. Chàng nghĩ : ‘’Không ngờ mình có một đứa con gái xinh đẹp hiền ngoan như thế. Cũng may là mình có giác quan thứ sáu bén nhạy. Nếu không, thì chắc mình phải tự tử chết quá ! Và nếu không có mình đến kịp thời, thì thân xác con mình sẽ vùi chôn vào chốn bụi hồng đầy nhơ nhuốc suốt cuộc đời rồi. Thật tội nghiệp cho con mình và Cẩm quá ! Biết lấy gì đền đáp tấm tình của nàng bây giờ. Thôi, mình chỉ mong sao lo chu toàn cho Hải Lệ để vơi đi phần nào tội lỗi của mình đối với Cẩm. Ngày xưa, Cẩm yêu mình chân thật, còn mình thì có ý chơi qua đường với nàng. Trời ơi ! Tôi thật là thằng đàn ông khốn nạn !’’. Nghĩ đến đây, Khanh phát rùng mình toát mồ hôi lạnh và mắt rưng rưng, lòng xót xa cho đời Cẩm và đứa con gái thương yêu. Giây phút suy nghĩ, Khanh nghe tim mình hồi họp từng cơn, lòng tự nhủ : ‘’Cám ơn trời, Phật đã cứu con thoát cảnh loạn luân. Mình sẽ nói lên sự thật, để nhắn nhủ với những đấng mày râu, nam tử (nếu ai có một thời bay bướm lúc còn trẻ...), thì trước khi thèm muốn giải quyết sự thỏa mãn tình ái với người con gái nào tuổi đáng con mình, thì phải nhớ hỏi lý lịch về người mẹ cô ấy thật rõ ràng kỹ càng để tránh khỏi cảnh thảm thương đáng chết được !’’.
Mặc dù Khanh chưa mang tội loạn luân, nhưng tòa án lương tâm nó vẫn dày vò hành hạ tâm hồn chàng không ít. Rồi Khanh giựt mình lo lắng, vì sợ vợ chàng sẽ không chấp nhận cho Hải Lệ qua ở chung và có thể xẩy ra những chuyện không hay cho gia đình. Khanh suy nghĩ lo lắng miên man và tự trách mình đủ điều. Làm tinh thần chàng mệt đừ. Sau đó, Khanh ngả đầu vào ghế mà ngủ thiếp một giấc dài tới phi trường... vùng Washington DC.

Cầu xin gió thuận mưa hòa
Cho đời yên lặng, cho hoa hé cười
Cho vườn xuân mãi thắm tươi
Nắng vàng, mây biếc sáng ngời muôn phương.


*
Sau khi Khanh trở về Mỹ. Chàng thường liên lạc với con gái từ trong sở. Về nhà thì chàng cứ trầm tư suy nghĩ. Bởi vì Khanh chưa dám mở miệng nói với vợ và hai con biết. Nhưng chàng âm thầm đi lo giấy tờ cho Hải Lệ. Một tháng sau, trong bộ ngoại giao Mỹ cho biết, là sự liên hệ giữa Việt-Nam và Mỹ, chưa có tòa đại-sứ. Và hơn nữa, Hải Lệ đã quá mười tám tuổi, cô chỉ xin chiếu khán xuất ngoại từ bên Việt-Nam. Nếu bên ấy, họ cấp cho đi, thì bên Mỹ sẵn sàng cho nhập cảnh. Vì Khanh là cha và chàng đã vô dân Mỹ lâu rồi.
Mấy tháng trời, Khanh điện thoại qua lại với ông luật sư Phan, và hối thúc ông lo nhanh. Khanh phải tốn tiền khá nhiều mới xong việc.
Khi Khanh được nghe tin còn hai tháng nữa Hải Lệ sẽ qua Mỹ. Một buổi thứ bảy đang ngồi ăn cơm tối. Khanh ngập ngừng mở miệng nói với vợ con :
- Hoa à ! Ăn cơm xong, chút nữa em và Tuấn, Tú qua salon uống cà-phê. Vì anh có chuyện rất quan trọng muốn nói cùng em và hai con.
Hoa, vợ Khanh khoảng năm mươi tuổi. Bà rất lanh lợi và tính toán. Nhưng bà khó chuyên quyền chồng được. Bởi tánh tình của ông Khanh khá cứng rắn. Bà Hoa chỉ nghi và đoán mò, nghĩ là từ khi Khanh đi Việt-Nam về mấy tháng nay chàng có tâm sự riêng tư, chắc chàng bị vướng víu ái-tình với cô nào. Hoa là loại ghen theo kiểu Hoạn-Thư, bà cố đè nén máu ghen để ý theo dõi chồng thôi. Còn Tuấn và Tú thì không để ý việc gì cả. Bởi hai cậu tối ngày lo ăn học.
Hoa nghe Khanh nói thế, nàng đưa ánh mắt cú rọ nhìn Khanh :
- Em thấy, từ khi anh đi Việt-Nam về tóc anh bạc trắng hết cả đầu. Chuyện gì thì anh cứ nói đi cần gì mà phải qua salon.
Tuy nói vậy, nhưng Hoa quay sang Tú :
- Tú, con lo nấu nước pha cà-phê rồi thức cho ba bây nói chuyện quan trọng !
Tú, đứa con trai được mưới bảy tuổi. Còn Tuấn hai mươi tuổi. Cả hai còn đi học.
Ăn cơm xong, họ lo dọn dẹp. Tú pha hai tách cà-phê cho cha mẹ. Còn hai cậu uống cô-ca. Khanh vẫn ngập ngừng hỏi này hỏi nọ với hai đứa nhỏ về sự học hành. Cuối cùng chàng mở lời :
- Hoa, anh có đứa con gái ở Việt-Nam !
Cả ba mẹ con của Hoa giật mình. bà hỏi :
- Mấy tuổi ?
- Mười tám tuổi !
- Vậy, vậy là sao ? Bộ hồi trước anh... anh đã có... Trời ơi !
Tuấn đến gần mẹ :
- Má, má bình tĩnh để cho ba nói hết.
Tú cũng đến ngồi trên thành ghế salon vuốt mẹ :
- Má để cho ba nói đi má à !
Khanh bưng tách cà-phê lên ực một cái. Chàng nói tiếp :
- Hồi trước, anh có quen một cô tên Cẩm. Em biết đời trai độc thân mà. Nhưng anh cũng không ngờ...
Nói đến đây Khanh ngừng lại. Còn Hoa thì bảo Tú đi nhúng nước khăn cho bà lau mặt, bà hỏi chồng :
- Bây giờ cô ấy đã khôn lớn. Có chồng chưa ?
Khanh nghe giọng nói của Hoa trầm tĩnh, mà gay gắt. Ông không còn cách nào hơn. Vì Hải Lệ sắp qua đây và ở trong căn nhà này. Nên Khanh kể hết sự thật cho vợ con nghe...
(... ... )
Tuấn, Tú lắng tai nghe hết câu chuyện, trong lòng hai cậu rất vui. Nhưng Hoa không bằng lòng, bà nói :
- Đem nó qua đây làm gì. Biểu nó ở bên Viêt-Nam, rồi mỗi tháng gởi vài trăm đô cho nó sống. Chớ em không chấp nhận cô Hải Lệ ở trong nhà này.
Khanh nghe vợ nói gắt. Ông liền bảo Tuấn và Tú :
- Các con cho ba nói chuyện riêng với má nghe các con !
Tuấn và Tú bỏ đi vô phòng. Đứa đọc sách, đứa chơi máy điện tử. Còn lại hai vợ chồng, Khanh nhỏ nhẹ nói với vợ :
- Anh van xin em hãy tội nghiệp dùm con Hải Lệ. Mẹ nó đã chết rồi. Hiện giờ đời nó bơ vơ lắm.
- Thì mai mốt nó lấy chồng sẽ hết bơ vơ.
- Anh muốn cho Hải Lệ qua đây để tiếp tục sự học.
- Ai đóng tiền ?
- Thì lúc đầu mình giúp đỡ. Từ từ con nó sẽ tìm việc, vừa đi làm vừa đi học.
Bà Hoa nổi cáu lên :
- Nói thiệt cho anh nghe rõ đây. Tôi không chấp nhận.
- Anh van xin em, đừng đẩy anh vào con đường khó xử.
- Biết có phải là con của anh không. Hay là anh bị người ta gạt !
- Em đừng nghĩ vậy. Vì anh đã có đủ bằng chứng.
- Tôi đã nhứt quyết rồi. Không được, là không được !
Bà Hoa đứng dậy đi lấy nước lạnh uống và nói vói :
- Cái thứ bá vơ. Rồi nhận bừa nhận đại.
Khanh nổi nóng :
- Anh cấm em không được nói bậy nha !
- Bậy gì ? Mới đi về có một chuyến Việt-Nam là gây sóng gió.
Khanh ôm đầu, rồi ngước lên nói :
- Sóng gió gì đâu ? Đáng lý ra, em nên mừng cho anh và thương hại con bé. Nhưng anh hoàn toàn thất vọng.
- Thất vọng ! Nếu anh thất vọng thì dễ mà !
- Dễ ! Dễ là như thế nào ?
- Ly dị !
Khanh nói hơi lớn tiếng :
- Đàn bà ở đây, hở ra là đòi ly dị. Em bắt chước thiên hạ hả ? Sao em không nhớ... nhớ...
Nói đến đây, Khanh kịp nín lại. Trong lòng chàng muốn nhắc lại dĩ vãng của Hoa. Nhưng tâm hồn quân tử không cho phép chàng nói. Nhưng Hoa lại nóng lên :
- Nhớ gì ? Hả, anh muốn tôi nhớ gì nói luôn ra đi.
Khanh cố nhịn nhục, chàng đứng lên đi vô phòng của Tuấn. Tuấn lại hé cửa nghe lén hết câu chuyện của cha mẹ vừa cãi vã. Tuấn lỡ trớn, cậu đi ra salon ngồi khuyên mẹ :
- Má à, xin má tội nghiệp dùm em gái con.
Bà Hoa vì quá ghen, nên bà vội hỏi con :
- Ai là em gái mầy ? Mầy, mầy là...
Khanh chợt tới gần và bụm miệng vợ :
- Em đừng có điên rồi nói bậy đi nghe !
Hoa gạt tay Khanh ra, mắt quắc lên :
- Tôi điên hay ông điên ?
Khanh chịu hết nỗi :
- Tùy em !
Tâm hồn Hoa quá ích kỹ. Bà lấy ngón tay chỉ Khanh mà nói với Tuấn :
- Người này không phải cha của mầy. Mầy đừng có bênh bậy.
Tuấn nghe mẹ vừa nói, làm tâm hồn cậu bị chấn động mạnh, cậu liền hỏi cha mẹ :
- Má nói cái gì kỳ vậy má ? Ba ! Sao má nói vậy ba ?
Khanh thấy tình trạng này cũng chẳng dấu diếm làm chi nữa, và Tuấn cũng hai mươi tuổi rồi. Khanh nói một giọng buồn :
- Lời má con nói không sai sự thật ! Nhưng lúc nào ba cũng xem con như con ruột.
Tuấn bị cú sốc, cậu liền đứng lên chạy vô phòng lấy áo khoác và đi nhanh ra xe đề máy vọt mất. Bà Hoa hết hồn gọi Tuấn, nhưng cậu đã đi rồi. Bà quay qua nhìn Khanh và khóc thét nói lớn :
- Con tôi mà có bề gì là do ông tất cả đó !
Khanh chỉ ngồi gục đầu, mà trong lòng chất chồng nỗi khổ ! Còn Hoa thì hồi họp lo cho Tuấn !
...

Khanh và Hoa lấy nhau đã mười tám năm. Đêm nay là lần đầu tiên hai người cãi lộn về vấn đề con cái. Làm Khanh khổ tâm vô cùng. Mà Hoa có sung sướng gì đâu ! Bởi do lòng ích kỷ của bà đã làm trong gia đình xào xáo. Phải bà có chút từ tâm thì mọi việc đẹp đẽ biết bao nhiêu !

''Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ yêu thương con chồng''.

Hai người quen biết nhau trong những ngày cùng ở chung đảo Guam. Hoa ẵm bé Tuấn trốn chạy. Lúc ấy, Tuấn được hai tuổi. Khanh thương yêu Hoa vì đồng cảnh ly hương với nhau. Chàng chẳng ngại Hoa đã có con vô thừa nhận. Khanh cưới Hoa và nhìn nhận bé Tuấn như con ruột của mình. Rồi một năm sau bé Tú chào đời. Khanh và Hoa là hai kẻ trắng tay xây dựng sự nghiệp từ đó đến bây giờ.
Đã hơn nửa đêm mà Tuấn chưa về, làm cả nhà sốt ruột chẳng ai ngủ được.
Còn Tuấn sau khi lái xe chạy lòng vòng, rồi đến công viên... ngồi một mình, cậu nghĩ : ‘’Trời ơi ! Mình không phải là con của ba ! Trời ơi ! Ba tôi là ai ? Từ thuở nhỏ tới giờ có nghe ba má nói gì đâu. Vì chuyện của em Hải Lệ nên mới lòi ra, đó cũng là dịp may để cho sự thật được phơi bày. Bây giờ mình còn kính trọng và thương ba nhiều hơn xưa nữa. Biết rằng, mình làm vậy má sẽ tức giận lắm. Nhưng không sao, từ từ mình và thằng Tú họp nhau thuyết phục má. Ba Khanh thật là người đáng kính, đáng yêu thương hơn bao giờ hết. Ba có tâm hồn quân tử và cao thượng quá ! Ba yêu thương và cưng chiều mình như thằng Tú. Mình còn nhớ là có nhiều lần mình phá phách bị má rầy đánh đít, ba chạy lại bênh vực mình mà rầy má. Và có một lần, lúc mình được bảy tám tuổi, vô tình được nghe ba nói với má : Bé Tuấn đẹp trai lắm, tại nó là con trai cho nên hay rắn mắc và phá phách, em ráng trông chừng đừng để nó chạy nhảy quá, rủi ro bị té mang thẹo trên mặt làm hết đẹp trai con mình đó. Nếu nó làm bậy thì mình nên phạt không cho ăn bánh kẹo, chớ đừng đánh đòn, vì bị đòn thường, riết con nó sẽ lì đòn là mình khó dạy đó...’’
Nghĩ nhớ đến đây, nước mắt Tuấn ràn rụa. Cậu ôm đầu và kêu lên : ‘’Ba ! Ba ơi ! Con là con của ba. Em Hải Lệ là em gái của con. Con sẽ năn nỉ và lạy má cho em con đoàn tụ với mình. Ba ơi ! Ba ơi ! Con là con của ba !’’
Sau khi Tuấn khóc hét một mình giữa trời đêm. Rồi cậu leo lên xe lái về nhà. Bà Hoa nghe tiếng xe, bà mở cửa đi ra :
- Con làm má sợ quá Tuấn ơi ! Con đi đâu mấy tiếng đồng hồ vậy ?
Tuấn nín thinh không nói tiếng nào với mẹ mà đi thẳng vô phòng. Bà Hoa đi theo con, bà hỏi tiếp :
- Sao má hỏi con, con không trả lời ?
Đôi mắt Tuấn còn đọng đầy lệ, cậu quay lại nhìn mẹ và nói :
- Má muốn con nói gì bây giờ ? Khuya rồi, má đi ngủ đi. Mai sẽ nói chuyện tiếp !
Bà Hoa tức mình hỏi :
- Mầy bênh ổng mà bỏ má mầy hả ?
- Trời ơi ! Con lạy má mà !
- Bây giờ mầy khôn lớn, có ăn học sắp làm ông Tòa rồi !
- Để cho ba và thằng Tú ngủ má ơi !
- Còn tao ?
- Thì má cũng đi ngủ đi. Mai con sẽ mở phiên tòa...
Bà Hoa thấy nói chuyện không nỗi nữa với con mình. Nên bà đi ra và nói vói lại :
- Ừa ! Mai mầy xử má mầy coi được không nha !
Sáng chủ nhật, ánh nắng vàng tỏa khắp bầu trời, tiếng chim ríu rít hót vang ngoài sân vườn. Trong căn nhà lớn rộng của Khanh còn chìm trong giấc ngủ. Vì đêm qua ai cũng ngủ trễ...
Tiếng điện thoại reo vang, Tuấn ngồi dậy chạy nhanh ra salon nhấc lên :
- A-lô ! Dạ, tôi nghe !
- A-lô ! Dạ, thưa có phải nhà của ông Võ Quan Khanh không ?.
- Đúng rồi, xin cho biết quí danh ?
- Con gái ông Khanh !
- Oh ! Hải Lệ !
- Ủa, ai đó, anh Tuấn hay Tú vậy ?
- Anh Tuấn đây. Em đợi một chút, anh vô gọi ba nha ! ... Ba ơi ! Có Hải Lệ gọi qua.
Cả nhà thức dậy hết. Tuấn đưa điện thoại cho cha. Khanh bấm nút phát ra cho cả nhà cùng nghe :
- A-lô ! Hải Lệ, con khỏe không ? Con cứ tự nhiên nói chuyện đi.
- Dạ, thưa ba ! Con điện thoại cho ba biết, là con sẽ đi về Mỹ-Tho tìm cậu Hai Mầu coi có gặp không, để con từ giã cậu con đi Mỹ. Còn hai tháng nữa con sẽ gặp ba, dì, anh Tuấn và em Tú. Con nôn quá ba ơi !
Bà Hoa nghe đến tên Hai Mầu, nét mặt bà đổi sắc. Bất chợt bà nói với chồng :
- Ông, ông đưa tôi nói chuyện với Hải Lệ vài lời coi.
Ông Khanh khựng lại và nhìn các con. Tuy ông hơi sợ bà vợ nói bậy làm con nhỏ khổ nữa. Nhưng ông không thể từ chối được, bèn đưa điện thoại cho Hoa. Giọng của Hoa hơi run run :
- A-lô ! Tôi là vợ ông Khanh. Xin lỗi cô, chúng tôi ở đây cùng nghe cô nói chuyện trong điện thoại với ba cô. Xin cô cho tôi hỏi thăm.
- Dạ, thưa dì, dì cứ tự nhiên.
- Hồi nãy cô nói, cậu cô là Hai Mầu ở Mỹ-Tho. Vậy ông ấy già hay trẻ ?
- Dạ, cậu con cũng trọng tuổi rồi. Nghe má con nói, cậu ấy lớn hơn má con gần hai chục tuổi. Năm nay chắc cậu con cũng cỡ năm mươi lăm hay năm mươi sáu tuổi gì đó.
- Má cô tên Cẩm phải không ?
- Dạ, thưa không !
Hoa nhìn chồng và hỏi :
- Ủa, sao kỳ vậy ?
Khanh nói :
- Với anh thì tên Cẩm. Còn tên thật là cô Ba Tím.
Bà Hoa toát mồ hôi, và buông lời nhẹ :
- Trời ơi ! Đúng rồi !
Tuấn vội hỏi mẹ :
- Má, má sao vậy má ?
Bà lắc đầu, đưa điện thoại cho Khanh, bà đứng dậy đi vô nhà tắm. Ngoài này mấy cha của Khanh con tha hồ thay phiên nhau nói chuyện với Hải Lệ.
Bà Hoa đánh răng rửa mặt xong. Bà ra bếp lo ăn sáng cho chồng con như thường lệ. Ba cha con của Khanh thấy Hoa nín thinh làm ai cũng ngán, sợ bà lên cơn gợi lại chuyện cãi vã tối hôm qua. Nhưng bà ngồi ăn và có vẻ lo cho chồng con chu đáo hơn mọi bữa. Rồi bà nhìn chồng con và hỏi :
- Sao, trưa nay tất cả có đi ra phố, rồi đi ăn ở ngoài như thường lệ không ?
Tú lấy tay xoa xoa trên vai mẹ và đưa ngón tay lên nói :
- Con !
Tuấn cũng làm theo :
- Con nữa ! ... Còn ba ! Sao ba không đưa tay lên luôn ?
- Thôi, hôm nay ba ở nhà.
Tuấn và Tú đồng hỏi :
- Sao vậy ba ? Đi, đi nghe ba !
- Ba nhức đầu lắm !
Hoa biết chồng còn khổ vì mình lắm, bà lấy tay khều chồng :
- Xin anh làm ơn đi cho các con vui.
- Nếu muốn tôi đi, thì tôi ra điều kiện được không ?
Hoa nhìn hai con và mỉm cười, bà nói :
- Rồi, chịu. Tụi con cũng chịu luôn cho ba vui nghe !
Tuấn và Tú đồng reo :
- Ok ! Ok !
Khanh thấy Hoa thay đổi bất ngờ, không giống như tối hôm qua nữa, nghe trong lòng nhẹ nhàng, ông từ tốn nói :
- Vậy thì kể từ đây, vấn đề của Hải Lệ không còn rắc rối. Hải Lệ sẽ qua đây ở trong căn nhà này và tiếp tục đi học. Bà không chống đối tôi nữa chớ ? Bà hứa đi, hứa trước mặt các con đi.
Hoa nhìn hai con :
- Nè, tụi con làm chứng nha. Má không nhắc tới mà ba bây nhắc đó nha !
Sau cơn sóng gió đêm qua. Sáng nay gia đình Khanh bỗng nhiên yên tịnh.
Nhờ đâu mà êm ái như vậy ?
Chẳng qua là như thế này... Bởi ngày trước Hai Mầu là người tình của bà Hoa. Họ vương víu với nhau một thời gian rất ngắn ở đất Sài-gòn, rồi chia tay. Trong lúc họ chia tay, Hoa có thai Tuấn vài tháng mà nàng không biết. Đến khi biết thì Hai Mầu đã đi rồi. Cậu trở về Mỹ-Tho mấy tháng sau là cậu cưới vợ. Mọi việc đã trễ, Hoa cam đành gánh chịu nuôi con một mình.
Trái đất tuy rộng, nhưng tròn, quay lòng vòng. Kẻ ở Việt-Nam người tha hương sống xa lơ xa lắc, rồi cũng gặp lại nhau, mà lại gặp trong một hoàn cảnh thật là đặc biệt. Ngẫm nghĩ, ông trời thật oái oăm và đôi khi rắn mắc nên mới sắp bày ra những cảnh trớ trêu, rồi cuối cùng ông bù đáp lại đầy đủ. Không biết có phải nhân loại là đào kép hát mà ông trời vẽ vời tuồng tích đặt cho mỗi người một vai để đóng tuồng trên sân khấu đời này chăng ?
Bây giờ tới phiên bà Hoa đang gặp cơn sóng động trong lòng mà chồng con chẳng ai hiểu nỗi chuyện thầm kín ở tận đáy lòng bà. Thật đúng với câu : Cá ăn kiến, rồi có ngày kiến ăn cá.
Nhưng làm sao bà Hoa âm thầm chịu đựng cho nổi, và hơn nữa, bà cũng sợ Tuấn và Hải Lệ nghĩ là không có ruột rà máu mủ,
rồi sanh lòng yêu nhau là sẽ chết hết cả đám. Nên cuối cùng, bà phải kể ra tất cả sự thật cho chồng con nghe...

*
Hải Lệ xuống Mỹ-Tho tìm được người cậu. Cậu Hai Mầu có vợ con nhà cửa đàng hoàng. Mặc dù ngày xưa ông ruồng bỏ đứa em cùng cha khác mẹ. Lý do, bởi vì Tím có chửa hoang. Nhưng thời gian ông cũng quên lãng chẳng còn giận hờn gì nữa. Hôm nay nghe cô cháu kể lại sự tình, làm cậu rất hối hận và xúc động. Suốt buổi chiều hôm ấy, hai cậu cháu hàn huyên tâm sự.
Mặt trời đã xuống thấp phía tây. Hải Lệ xin phép cậu trở lên Sài-gòn. Cậu Hai Mầu, chúc cô cháu qua Mỹ bình an nhiều may mắn và sẽ được sung sướng mãi sau này. Hải Lệ cũng chúc cậu mình ở lại may mắn và an lành. Hai cậu cháu trao đổi địa chỉ. Rồi Hải Lệ từ giã cậu đón xe đò trở lên Sài-gòn .
Sáng mai là tới ngày Hải Lệ lên đường. Tối hôm nay cô xuống nhà ăn cơm chung và nói cám ơn để từ giã hai vợ chồng người chủ nhà. Đêm nay Hải Lệ không làm sao ngủ được. Trong lòng cô nôn nao mà cứ nằm thao thức. Đến sáng lấy taxi, một mình một thân lên phi trường, đợi tới giờ máy bay, bay qua Mỹ.
Còn bên nhà ông Khanh, hai vợ chồng ông nghỉ làm, Tuấn và Tú nghỉ học ngày hôm ấy. Cả gia đình Khanh kéo lên phi trường... đón Hải Lệ về nhà.
Kể từ đó, Hải Lệ như chiếc lá rơi về cội được hưởng tràn đầy tình thương yêu của mọi người trong một gia đình ấm cúng.

(Ngoại ô Paris - bên bờ sông Seine, đêm 2/2001)
Việt Dương Nhân
#15 Posted : Tuesday, January 18, 2005 5:57:19 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Nguyệt Hạ

Thanh Vinh, kỹ sư điện tử, khoảng ba mươi tuổi. Hơn hai năm nay được chi nhánh hãng ''IBM'' mướn và giao cho chức vụ Giám đốc tại Quận-Cam Californie (Hoa Kỳ). Trong dịp nghỉ hè về Paris thăm cha mẹ. Thanh Vinh để ý và làm quen nữ chiêu đãi viên hàng không trên chuyến bay hãng Air-France từ Los-Angeles về Paris.
Nguyệt Thủy, cô gái mang hai dòng máu Việt-Mỹ, ba mươi hai tuổi.. Theo mẹ là Nguyệt Hạ hồi hương về Pháp cuối năm 1975. Nguyệt Thủy được mẹ lo cho ăn học và trở thành nữ chiêu đãi viên hàng không xinh đẹp và khả ái. Tuy đã trên ba mươi tuổi mà vẫn còn độc thân.Vì phải lo cho bà mẹ bị nghiện rượu mấy năm nay, tối ngày mẹ cô cứ say sưa, không ăn mà chỉ có uống rượu thôi. Thân xác suy mòn, tiều tụy, sắc hương chẳng còn chút gì tồn tại. Tuy Nguyệt Thủy rất khổ tâm, nhưng bổn phận làm con phải tròn chữ hiếu.

Từ khi lên ngồi trên máy bay, Thanh Vinh cứ ngắm nhìn và để ý Nguyệt Thủy, khi thấy cách cô đối đãi và chăm sóc hành khách. Cậu nghĩ : " Cô đầm này dáng điệu dịu dàng, nhỏ nhẹ, chắc có máu Á-Châu ? Vậy đợi cổ đi đến gần, mình hỏi tiếng Việt thử coi !"
Nguyệt Thủy nãy giờ cũng để ý Thanh Vinh, cô đẩy chầm chậm xe nước đến gần Thanh Vinh. Không bỏ lỡ cơ hội, cậu đưa mắt nhìn lên hỏi :
- Xin lỗi cô nói tiếng Việt được không ?
Nguyệt Thủy mỉm cười trả lời :
- Dạ được một chút !
- Cô cho tôi xin ly nước cam !
- ... Dạ mời ông !
- Cám ơn cô !...Tôi tên Thanh Vinh ! Xin cô cho biết quý danh ?
- Janine... !
- ... Có tên Việt không ?
- Nguyệt Thủy !
- Nguyệt Thủy ! Ô ! Tên cô đẹp quá !... Mẹ tôi cũng tên Nguyệt...
Nguyệt Thủy lõ đôi mắt tròn xoe nhìn, và nghĩ : ''Ông trẻ này lại nịnh đầm !''. Thanh Vinh cảm thấy Nguyệt Thủy không mấy gì hài lòng khi cậu nói mẹ cậu trùng tên với cô, cậu liền đính chánh :
- Mẹ tôi tên Nguyệt Thu !
Nguyệt Thủy mỉm cười :
- Vậy à ! Xin lỗi ! Thủy đi làm... Chút nữa, tới lúc chiếu phim Thủy rảnh, anh qua quày bar bên kia uống nước !
- Vâng !
Thanh Vinh được nói chuyện cùng Nguyệt Thủy vài lời xong. Cậu nghĩ : ‘’Nếu mình không bạo dạn hỏi tiếng Việt, thì chắc cô cũng không nói đâu ! Lạ thật ! Lai mà giống y như đầm thiệt’’. Thanh Vinh mỉm cười sung sướng. Sau đó, cô cậu gặp nhau cùng chuyện trò và thăm hỏi gia cảnh...

*
Máy bay đáp xuống phi trường Charles-De-Gaulle rất đúng giờ. Tất cả hành khách ra khỏi máy bay. Họ nối đuôi trình giấy thông hành và đi lấy hành lý. Thanh Vinh nán đứng đợi Nguyệt Thủy ra cùng phi hành đoàn. Vừa thấy Nguyệt Thủy, cậu vội vàn đưa tấm danh thiếp và nói :
- Tôi về đây chỉ được có ba tuần, nếu hôm nào cô rảnh nhớ gọi đến số này, và mời cô đi dùng cơm với tôi một lần nhé ! Nguyệt Thủy tươi cười đưa tay lấy tấm danh thiếp và nói nhanh :
- Dạ, cám ơn anh ! Thủy được nghỉ ba ngày. Sau đó sẽ bay lại đường bay này !
- Vậy tối mai...Thủy gọi... nha !
- Thủy không dám hứa !
- Thôi... Chào Thủy nhé !
Thanh Vinh nghe trong lòng vui vui, và Nguyệt Thủy cũng không khác gì ! Cô nghĩ : ‘’Anh Vinh ăn nói dịu dàng, lại còn đẹp trai nữa ‘’. Cô nhìn tấm danh thiếp đề : ''Giám đốc kỹ sư điện tử''. Tự thốt lên : ‘’Ghê quá ! Mấy ông trai trẻ này ! ‘’
Nguyệt Thủy theo đồng nghiệp đi thẳng ra ngoài, leo lên chiếc xe buýt Air-France để đưa họ tới Porte-de-Maillot thả xuống đó, rồi mạnh ai tùy tiện về nhà nấy.
Nguyệt Thủy về đến nhà gần bảy giờ tối, tự tiện lấy chìa khóa mở cửa vô nhà. Cô gọi mẹ. Nhưng bà Nguyệt Hạ đi đâu mất, trên bàn hai ba chai rượu vin Bordeaux cạn đáy nằm đó, Nguyệt Thủy gom bỏ vào thùng rác. Cô đi tắm. Tắm xong ra salon mở T.V. ngồi nghe tin tức. Khoảng nửa tiếng đồng sau, cô đứng lên nhìn ra cửa sổ, nghe khắc khoải tâm hồn, tự hỏi : ‘’Không biết mẹ mình đi đâu rồi cà ? Cô nghe lòng buồn buồn, trở vô, đến mở cái xách tay lấy tấm danh thiếp đọc số điện thoại Thanh Vinh ghi cạnh mấy số bên Mỹ. Cô ưởng ngực hít thật mạnh và thở ra một hơi dài để lấy tinh thần gọi cho Thanh Vinh .
Tiếng điện thoại reo vang trong căn appartement năm phòng, rộng cả trăm thước vuông nằm trong một khu vườn lớn (Résidence de Vaugirard) có nhiều cây cổ thụ che đầy bóng mát và đủ loại hoa kiểng trông thật là sang trọng. Bà Nguyệt Thu đang đặt bàn ăn, bà thò tay nhấc điện thoại :
- A-lô ! Tôi nghe đây !
- A-lô ! Dạ thưa bà có ông Thanh Vinh nhà không ?
- Vâng có ! Xin lỗi cô cho tôi được biết quí danh !
- Dạ thưa bà, cháu tên Nguyệt Thủy !
- Nguyệt thủy ?
Bà Nguyệt Thu hơi ngạc nhiên bởi cái tên quen quen, bà tiếp :
- Vâng, xin cô chờ một tí nhé ! Vinh ơi ! Có điện thoại của con. Cha chả, mới về là có nàng gọi rồi !
Thanh Vinh tươi cười nhận điện thoại qua tay mẹ :
- Dạ, con cám ơn mẹ !... A-lô tôi nghe !
- Nguyệt Thủy đây ! Xin lỗi, Thủy có phiền gì anh Vinh không ?
- Không. Rất hân hạnh nữa là khác.
- Anh về với ba mẹ chắc vui lắm...hén ?
- Vâng, cám ơn Thủy. Tôi vui lắm ! Còn cô ?
Nguyệt Thủy nín thinh vài giây... :
- Dạ... Thủy cũng thường thôi !
- Sau nghe giọng nói của Thủy hơi gợn buồn vậy ?
- Dạ, đâu có !
- Bác gái khỏe chứ ?
- Dạ, cám ơn anh. Má Thủy khỏe... à ... tối nay anh làm gì ?
- Mẹ tôi bảo, ăn cơm xong đi ngủ sớm !
Nguyệt Thủy bỗng cười khúc khích, nói đùa đùa :
- Anh Vinh được mẹ cưng như em bé bê-bê hén !
Thanh Vinh đổi điện thoại không giây đi vào phòng, lên giường nằm nói chuyện cho thoải mái :
- Cả năm mới về gặp mẹ vài ba tuần. Nên mẹ muốn ở nhà. Nhưng... còn Thủy có đi chơi đâu tối nay không ?
- Chưa biết ! Tại Thủy thấy số điện thoại của anh cùng đường giây với nhà Thủy. Chắc anh Vinh ở gần đây quá ?
- Nhà ba mẹ tôi ở Paris mười lăm. Còn Thủy ?
- Quận mười bốn, gần Porte-d’Orléans !
- Thế thì mình ở gần nhau rồi.
- Nhà anh ở porte nào mà gần ?
- Porte-de-Versailles.
Bà Nguyệt Thu gõ cửa phòng và gọi :
- Vinh à ! Đói bụng chưa ? Ra ăn cơm con ơi !
- Dạ, con ra liền mẹ à !
- Thủy phiền anh Vinh quá !
- Không. Không có phiền đâu Thủy à ! Thủy cho xin số điện thoại liền được không ? Hồi chiều lo nói chuyện mà quên xin.
- Anh ghi nha !
- Rồi, chút nữa tôi gọi lại nhé !
- Dạ.
Cơm đã dọn sẵn ba má Thanh Vinh ngồi chờ. Cậu bước ra phòng ăn đến bàn, ông Thanh Phong hỏi :
- Mới về, mà con nói chuyện với ai lâu thế ?
Bà Nguyệt Thu đỡ lời dùm con trai cưng của bà :
- Thì bạn của nó chớ ai !
Ông Thanh Phong hỏi tiếp :
- Bạn gái hả con ?
- Dạ.
- Quen ở đâu vậy ?
- Dạ, con vừa quen trên đường bay về đây.
Bà Nguyệt Thu tiếp :
- Ông sao hay để ý tới bạn bè của nó chi vậy. Thôi ăn cơm đi con. Rồi còn nghỉ ngơi nữa.
Dùng cơm xong, Thanh Vinh phụ mẹ dọn chén bát xuống bếp. Trong đầu nghĩ đến Nguyệt Thủy thật nhiều. Loay hoay với mẹ một hồi, cậu vô phòng điện thoại lại nhà Nguyệt Thủy, Nguyệt Thủy nghe điện thoại reo thấy mừng mừng trong lòng liền chạy nhanh đến bắt lên :
- A-lô ! ...
- Thủy hả ! Vinh đây, Thủy ăn cơm chưa ?
- Chưa !
- Trời ơi ! Giờ này mà chưa ăn cơm !
Nguyệt Thủy nín thinh, bên đầu giây tiếp :
- A-lô ! A-lô !
- Thủy nghe mà, anh Vinh nói tiếp đi.
- Thủy muốn đi ra ngoài ăn gì không ? Cho địa chỉ, Vinh sẽ đến đưa Thủy đi ăn.
- Anh Vinh ăn rồi mà !
- Ăn nữa đâu có sao ! Bác gái có nhà không ?
Nguyệt Thủy ấm ớ... :
- ...Ơ...ơ không !
- Cho địa chỉ nhé !
- Anh có viết chưa ? Thủy đọc nè ! Số...đường Général Leclerc quận mười bốn, số mật-mã...lầu năm, tay mặt.
- Rồi, nửa tiếng nữa Vinh đến rước Thủy nhé !
Thanh Vinh vào phòng thay quần áo, cậu mặc quần Jean, áo T.sirt trắng, phía trước ngực in chữ California màu đen. Thanh Vinh vừa bước ra khỏi phòng gặp ba mẹ cậu đang ngồi xem truyền hình, hai ông bà cùng hỏi :
- Giờ này con đi đâu vậy ?
- Dạ, con thả một vòng để ngắm cảnh Paris về đêm ba má à !
Bà Nguyệt Thu căn dặn con :
- Đừng đi khuya quá nghe con !
- Dạ, thưa ba cho con mượn xe !
- Chia khóa ba treo đàng kia, và giấy xe trong cặp-táp của ba kìa.
- ... Con cám ơn ba ! Thưa ba mẹ con đi !
Đàng này, Nguyệt Thủy cảm thấy trong lòng xôn xao, rộn ràng. Cô trang điểm chút son phấn đơn sơ, chải mái tóc cắt úp chấm vai và kẹp vén qua bên mép tai trái, cô mặc chiếc rốp lửng màu tím tay ngắn sát nách, dài khỏi đầu gối, gương mặt hơi trái xoan, đôi mắt to đượm nét buồn, nước da trắng hồng mịn màn, vóc dáng cao ráo, mảnh mai...
Thanh Vinh tướng diện đạo mạo, trẻ trung, cao gần một thước tám, gương mặt chữ điền, ánh mắt trong sáng và thông minh, cộng thêm nụ cười rất tế nhị. Hai cô cậu trông thật xứng đôi vừa lứa !
Thanh Vinh lái xe đến rước Nguyệt Thủy. Hai người đưa nhau ra miệt Champs-Élysées..
Tìm chỗ đậu xe xong, vào nhà hàng... Vì đã gần mười một giờ khuya rồi nên họ chỉ vào nhà hàng ăn đêm thôi. Nguyệt Thủy và Thanh Vinh, hai người đều lựa món sà-lách Niçoise, trộn đủ thứ, như cà-tô-mát, cá thu hộp, ô-liu đen, phó-mát, jambon... và cùng gọi hai ly bia express.
Đầu tháng tám, mùa hè ban đêm vẫn nóng cỡ hai mươi bảy, hai mươi tám độ. Hai bên lề đường người ta vẫn còn đi dạo đông đảo. Ăn uống xong, Thanh Vinh đưa Nguyệt Thủy về, và họ cùng hẹn nhau hôm sau.
Nguyệt Thủy vừa vô nhà, thấy mẹ đang nằm ngả nghiêng trên salon, miệng thì ngâm thơ lảm nhảm...

Hoa tươi ong bướm lượn quanh
Hoa tàn ong bướm bay nhanh cái...vèo.
Bây giờ hết cảnh đói nghèo
Mà sao tình bạn chán phèo quá đi...

Ngâm mấy câu thơ xong, là bà cười khặc khặc như người mất trí. Nguyệt Thủy biết mẹ mình đang say sướt mướt. Cô nhè nhẹ đến gần hỏi :
- Má à ! Má ăn gì chưa ?
Bà Nguyệt Hạ giựt mình, ngồi dậy, đôi mắt nặng oằn, nhướng nhướng, nhìn nhìn con và nói một giọng nhè nhè, nhừa nhựa... :
- ...Ăn gì, ăn ...cái gì bây giờ ? ... Ư...ư... con về hồi nào đó ?
- Dạ, con về hồi chiều này ! Má ăn gì chưa ? Con đi nấu chút súp cho má ăn nghe !
- Thôi. Ăn cái gì ? Nè... nè con khui dùm má chai rượu, má mới mua đó. - Má say quá rồi, uống chi nữa !
- Say đâu mà say chứ ! Hổng khui thì... thì tao khui.
Bà Nguyệt Hạ vừa đứng lên là ngả xuống liền, từ trong miệng bay ra mùi rượu nực nồng làm Nguyệt Thủy muốn nghẹt thở. Nhưng cô cũng ráng chìu ý mẹ đi khui rượu. Cô xách chai rượu xuống bếp khui xong đem lên, trên này bà Nguyệt Hạ đã ngái khò khò tại salon. Nguyệt Thủy lấy mền đắp lên cho mẹ, cô vào phòng thay đồ ngủ, nằm trằn trọc suy nghĩ đến Thanh Vinh, người con trai mà cô vừa quen nhưng sao trong lòng lại nghe vấn vương tình cảm đậm. Biết rằng, việc làm, ngành của cô, cô giao thiệp rất nhiều đàn ông, con trai, mà chưa dám để ý đến một ai, chỉ xem họ như bạn đồng nghiệp. Mặc dầu có vài ba cậu muốn thân thiện. Nhưng cô vẫn từ chối. Bởi cô thường mang cái mặc cảm là có bà mẹ bệnh hoạn như thế, cô khổ tâm lắm. Hơn nữa, cô chỉ giao thiệp với người Âu-Mỹ ít khi được quen với Việt Nam. Bởi bận đi làm rồi về lo cho mẹ. Có đôi khi cô muốn tự nguyện không lấy chồng. Nhưng bây giờ cô gặp được Thanh Vinh, làm tâm hồn cô đang thay đổi...
Căn appartement ba phòng do tiền của Nguyệt Thủy dành dụm và gom góp một số nữ trang của mẹ bán nhập vô để đủ mua góp. Đã có chỗ cho hai mẹ con, mỗi người một phòng ngủ mà dường như salon là giường ngủ thường niên của bà Nguyệt Hạ. Nguyệt Thủy đoán mẹ mình có một nỗi buồn đau, u uất gì đó. Dù vậy, mẹ cô cũng ráng lo cho cô ăn học đến nơi, đến chốn. Từ ngày Nguyệt Thủy học ra trường và đi làm đến nay đã gần mười năm. Rồi bỗng nhiên vài năm nay mẹ cô lại uống rượu say sưa. Những năm Nguyệt Thủy còn đi học, bà đi làm từ hai giờ chiều đến ba bốn giờ sáng. Nhưng gần mười năm nay bà không còn đi làm như thế nữa. Chẳng biết bà buồn chuyện chi mà sanh ra như vậy. Phải chăng bà quá cô đơn, hay lý do gì đó ? Nhưng tại sao bà không nghĩ đến đứa con gái mà bà hết mực thương yêu lo lắng khi bà còn trẻ ? Thật cũng lạ !

*
Cuộc gặp gỡ giữa Nguyệt Thủy và Thanh Vinh, đem đến cả hai một tình cảm càng ngày càng thiết tha và sâu đậm. Sau khi Thanh Vinh hết ba tuần lễ nghỉ hè. Cậu trở lại Cali. làm việc. Nguyệt Thủy vẫn tiếp tục nghề của cô. Mỗi lần bay đi và về, cô nghỉ ở nhà được ba ngày. Từ dạo đó Thanh Vinh và Nguyệt Thủy thường xuyên viết thư cho nhau. Và thỉnh thoảng họ hẹn gặp nhau ở Los-Angeles. Kết cuộc mối tình giữa hai người rất thắm thiết.
Một năm sau, cũng vào mùa hè. Thanh Vinh trở về Paris và xin cha mẹ cưới Nguyệt Thủy cho cậu. Một hôm Thanh Vinh mời mẹ cha đi ăn cơm chung với hai mẹ con Nguyệt Thủy, sẵn dịp giới thiệu cho cha mẹ đôi bên biết mặt. Họ hẹn nhau đến một nhà hàng Tàu ở quận mười ba.
Trước mấy ngày, Nguyệt Thủy năn nỉ mẹ bớt uống rượu. Bà Nguyệt Hạ nghe lời con, nhưng bà phải uống thuốc an thần cho tĩnh táo tâm thần.
Đến ngày hẹn đi ăn. Ông bà Thanh Phong và con trai đến nhà hàng trước. Mười phút sau Nguyệt Thủy dẫn mẹ vào. Bà Nguyệt Thu vừa thấy Nguyệt Hạ, bà sửng sốt, làm mặt nghiêm xem như chưa từng quen biết nhau, bà nghĩ : Trời ơi ! Sao mà ông trời sắp đặt chi quái ác như vầy ? Nguyệt Hạ cũng ngạc nhiên không ít.
Thanh Vinh đứng lên giới thiệu :
- Dạ, thưa ba má, đây là bác Nguyệt Hạ mẹ của Nguyệt Thủy đấy ba má !
Hai ông bà Thanh Phong đều đứng lên chào. Nét mặt Nguyệt Thu thay đổi không tự nhiên chút nào. Mọi người ngồi bàn... Cậu bồi bàn đem mấy tờ thực đơn đưa mỗi người... Bà Nguyệt Thu lựa lựa... Sau đó, mọi người đều chọn menu năm phần... Người ta vừa bưng đồ ăn ra... Bàn phía bên trong. Thật ngẫu nhiên ! Bà Lệ Huyền cũng đi ăn với bạn bè.
Vào thập niên sáu mươi khi xưa Lệ Huyền là bạn của Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu. Hai bà vừa thấy Lệ Huyền cả hai đều hết hồn. Lệ Huyền nhìn ra thấy hai người bạn cũ, bà đứng lên õng a, õng ẹo đi qua bàn chào hỏi, cười nói sang sảng :
- Nguyệt Thu ! Nguyệt Hạ !...Thiệt là trái đất tròn ! Sao mà tụi bây gặp lại nhau được vậy ?
Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu muốn đứng tim, bốn mắt nhìn nhau. Còn ông Thanh Phong, Thanh Vinh và Nguyệt Thủy không hiểu gì hết, nên chỉ gật đầu chào. Bà Nguyệt Thu lúng túng chẳng biết phải làm sao, bà liền nói :
- à, ờ cũng ngẩu nhiên thôi ! Mai mốt mình gặp sau nhé Lệ Huyền ! Vì bữa nay con trai tao mời... ăn cơm.
Nguyệt Thu bối rối, lật đật bảo con cho số điện thoại mà không cần suy nghĩ :
- Vinh, con ghi số điện thoại nhà mình cho dì Huyền đi con !
Thanh Vinh cũng làm theo lời mẹ. Lệ Huyền lấy số điện thoại và chúc cả bàn ăn ngon, bà õng ẹo đi trở về bàn.
Bữa cơm Tàu thịnh soạn, ông Thanh Phong, Thanh Vinh cùng Nguyệt Thủy ăn rất tự nhiên. Chỉ có bà Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu là nuốt hết nỗi. Ăn xong tính tiền, mọi người ra về. Hai bà, Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu muốn nghẹt thở...

*
Vào khoảng năm 1964, Nguyệt Hạ là cô vũ nữ hai mươi tuổi làm tại phòng trà... giữa thủ đô Sài-gòn. Lúc đó, cô mướn một căn phòng nhỏ. Chung quanh có các cô, cậu sinh viên học đủ ngành. Phòng của Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu cạnh bên. Dạo ấy, Nguyệt Thu nữ sinh viên trường luật, năm thứ hai. Cô sanh trưởng trong một gia đình người Bắc di cư vào Nam năm 1954, cư ngụ trên Hố Nai (Biên Hòa), gia cảnh không mấy gì khá giả cho lắm, hôm nào rảnh là Nguyệt Thu qua phòng Nguyệt Hạ để tâm sự, than thở, nói là gia đình cô nghèo mà cô tiếp tục học hành thì không giúp được gì cho mẹ cha ở nhà. Nguyệt Hạ nghe động lòng. Mặc dù cô mang thân làm vũ nữ, nhưng tấm lòng của cô hay thương người, nhứt là các sinh viên nghèo mà chăm học nên cô hay tặng chút ít tiền bạc để mua sách vở... Nguyệt Hạ nghe những lời than thở của Nguyệt Thu, thấy vậy, cô mới rủ Nguyệt Thu nên đi làm vũ nữ với cô, chớ đi dạy kèm tiền đâu có bao nhiêu. Vì nào là tiền phòng, tiền học, tiền sách... còn không đủ, thì làm sao có tiền mà giúp gia đình. Nguyệt Thu nghe những gì Nguyệt Hạ cắt nghĩa trong việc làm ấy. Nên cô không ngần ngại đi làm ngay vài ngày sau đó. Bởi nơi vũ trường có nhiều khách ngoại quốc. Vì Nguyệt Thu nói rất khá sinh ngữ Anh và Pháp. Cách nói chuyện của cô thật hoạt bát và duyên dáng.

Sau đó, ngày ngày Nguyệt Thu đi vào trường đại học. Đêm đêm xách giỏ đi làm vũ nữ. Từ nhà ra đi, cô vẫn mặc áo dài trắng, quần đen, xách cặp-táp theo giống như đi dạy kèm cho học sinh. Nhưng khi đến nơi vũ trường, cô thay đổi xiêm-y theo phòng trà. Cô trang điểm phấn son rất đơn sơ, và luôn giữ tư cách lịch sự, đàng hoàng, trên gương mặt có vẻ ngây thơ, vì cô mới va chạm đời, cô rất ăn khách là nhờ những điểm ấy, không bao giờ cô đi chơi khách. Nếu kẹt quá thì đẩy qua cho Nguyệt Hạ giải quyết vấn đề ấy thay thế ! Cô chỉ tiếp khách, khách mời uống nước ‘’trà Sàigòn’’, cô được chia đôi với chủ và có một chút tiền lương cố định hàng tháng. Chủ biết cô có trình độ học vấn khá cao nên rất quý cô và chủ thường nhờ cô coi sổ sách. Tuy Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu đồng tuổi, nhưng Nguyệt Hạ ra đời sớm nên sành sõi và rất vững nghề, cô rất thích làm anh hùng che chở, bênh vực Nguyệt Thu khi bị những tay anh chị... đụng đến, Nguyệt Hạ xem Nguyệt Thu như cánh hoa yếu đuối. Hai người bạn gái thân thương nhau lắm. Trong khi đó lại có thêm một cô bạn đồng nghiệp là Lệ Huyền. Thỉnh thoảng cả ba đi ăn sáng trong chợ Sài-gòn hoặc thả bộ vào các Thương-Xá đại lộ Lê-Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do để mua sắm son phấn, áo quần v.v... Nhưng Nguyệt Thu không mấy gì hạp với Lệ Huyền. Bởi Lệ Huyền hay móc lò, kê tủ đứng, nói Nguyệt Thu là : ‘’Nữ sinh viên còn trinh, biết đâu ...’’. Lệ Huyền nói xong, cô cười khặc khặc, khà khà. Bởi cô thiếu tư cách và thô lỗ nên khi nào có cô đi chung thì Nguyệt Thu nét mặt không mấy gì được vui.

Suốt mấy năm liền, Nguyệt Thu vừa đi làm vừa đi học đại học. Sau đó, cô thi đậu bằng cử nhân luật, cô bắt đầu đi làm tập sự có được chút tiền thù lao. Từ đó cô dứt khoát bỏ nghề vũ nữ bất đắc dĩ ! Nhưng cô vẫn còn ở chỗ cũ. Cũng vừa lúc đó, Nguyệt Hạ có chửa hoang với người khách Mỹ, bụng càng ngày càng bự, cô phải nghỉ làm để chờ ngày sinh nở. Cái nghề tiền rừng bạc biển. Nhưng khi hết đi làm chỉ một thời gian ngắn là tiền cạn khô. Nguyệt Hạ ngày đêm suy nghĩ, cô qua phòng Nguyệt Thu than thở :
- Nguyệt Thu à ! Chắc tao phải đi tìm nơi khác, chứ ở đây tao thấy mắc cỡ với mấy anh chị sinh viên quá hà Nguyệt Thu ơi ! Kiếm chỗ nào phòng rộng hơn một chút. Tao với mầy mướn chung nha !
- Tìm đâu ra bây giờ ?
- Thiếu gì !
- Mầy biết hả Nguyệt Hạ ?
- Ừa, tao nghe bên hẻm đường Trần Quí Cáp có chỗ cho mướn, phòng sạch sẽ hơn ở đây và giá cũng phải chăng.
- Đừng có đắc tiền lắm là được rồi.
- Tùy theo mình muốn lấy phòng nhỏ hay lớn thôi.
Nguyệt Thu và Nguyệt Hạ dắt nhau đi xem phòng. Cuối cùng hai cô đồng ý mướn và hì hụt dọn đến hẻm Trần Quý Cáp.

Gần đến ngày sanh nở, Nguyệt Hạ túng thiếu nên muốn vào nhà thương Từ-Dũ sanh cho đỡ tốn tiền. Nhưng Nguyệt Thu không bằng lòng, vì cô đã đi làm luật sư có khá tiền, cô sẵn sàng lo giúp Nguyệt Hạ hết mình. Cô đưa Nguyệt Hạ đi sanh trong một nhà bảo sanh tư... Tình nghĩa chi giao cao như núi, rộng như biển trời. Hai cô thề thốt, kết tình bạn keo sơn chẳng bao giờ nhạt phai.
Nguyệt Hạ sanh con gái, cô và Nguyệt Thu, đều bằng lòng đặt tên cho bé là Nguyệt Thủy. Khi bé Nguyệt Thủy được vài tháng, Nguyệt Hạ mướn vú nuôi, cô trở lại nghề cũ, còn Nguyệt Thu thì gia đình gọi về lấy chồng. Từ đó Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu phải chia tay. Nguyệt Thu lấy ông dược sĩ vừa ra trường, tên Nguyễn Thanh Phong ba mươi tuổi. Cưới xong vài tháng sau thì ông dẫn vợ sang Pháp cùng tu nghiệp và sống luôn bên ấy. Vài năm sau hai ông bà có đứa con trai đặt tên là Thanh Vinh.

*
Một cuộc đổi đời, vào tháng 4 năm 1975, Nguyệt Hạ và con hồi hương về Pháp. Nhờ gia đình của Nguyệt Hạ khi xưa có quốc tịch Pháp. Nên được hồi tịch.
Sang Pháp, bé Nguyệt Thủy được tám tuổi, Nguyệt Hạ và con lúc đầu được chánh phủ trợ cấp, và cho ở trong trại tạm cư ngoại ô Paris. Sáu tháng sau họ muốn đưa hai mẹ con cô đến những tỉnh xa xôi. Nguyệt Hạ không thích sống xa Paris. Người ta nói : nếu cô không chịu đi, thì phải tự túc lo liệu, họ chỉ trợ cấp tám trăm quan mỗi tháng thôi. Lúc đầu hai mẹ con sống rất là vất vã với số tiền ấy. Nguyệt Hạ phải bán vài món nữ trang và nhờ người đứng ra bảo đảm mướn một phòng nhỏ (chambre de bonne). Sau đó Nguyệt Hạ định đi tim việc làm. Nhưng nàng suy nghĩ, rồi tự hỏi : ‘’Làm gì bây giờ ? Trong khi mình chẳng có bằng cấp gì cả ! Tiếng Pháp nói dở, tiếng Anh cũng chẳng khá hơn ! Ai mướn mình bây giờ ?’’
Cuối cùng nàng soi gương ngắm lại vóc dáng, rồi an ủi tự nhủ : ''Với chút hương sắc của tuổi ba mươi này, mình hy vọng trong mấy hộp đêm người ta sẽ không từ chối''.
Bao nhiêu ngày Nguyệt Hạ hy vọng và nghĩ ngợi lung tung. Sau đó, nàng mướn người giữ bé Nguyệt Thủy, và đi tìm việc trong các vũ trường. Nguyệt Hạ xem nghề cũ ấy là nghề của nàng trên cõi đời này rồi. Mấy đêm liền lẩn quần, loanh quanh trong ba bốn hộp-đêm. Nàng được việc làm. Trở lại cảnh cũ mà xứ người, mỗi nơi luật lệ khác nhau. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng chỉ vài ngày là hiểu ngay. Nguyệt Hạ đi làm, trước để lo thân và nuôi cho con ăn học, cùng phụ giúp chút ít cho gia đình bên nhà.

Suốt mười mấy năm dài Nguyệt Hạ làm nghề vũ nữ kiêm chiêu đãi viên một trong những hộp-đêm sang trọng tại thủ đô ánh sáng Paris. Nhờ có quốc tịch Pháp, nên người ta khai báo đàng hoàng. Nguyệt Hạ được may mắn gặp thời cũng là tiền rừng bạc biển. Nàng đổi phòng rộng rãi hơn. Cuộc sống hai mẹ con được khá gấp bội phần khi xưa. Nàng luôn khuyên dạy con : ''Con ráng ăn học, chớ đừng để thân phận dốt nát như mẹ, phải rửa chén, lau bàn...''. Vì nàng nói dối với con là đi chạy bàn cho nhà hàng về đêm. Nguyệt Thủy tâm tánh hiền ngoan và rất nghe lời của mẹ dạy. Cô cố gắng chăm học. Sau khi cô đậu tú tài đôi xong, liền đi ghi danh thi tuyển ngành chiêu đãi viên hàng không. Cô được trúng tuyển và tiếp tục đi học thêm. Mấy năm sau Nguyệt Thủy ra trường và được đi làm, tiền lương khá cao. Cô năn nỉ mẹ nghỉ làm đêm. Vì cô đủ sức nuôi mẹ. Nguyệt Hạ cũng cảm thấy quá mệt mỏi với cái nghề ấy. Hơn nữa, hương sắc cũng đã tàn phai theo những năm tháng phong trần, sương gió... Nên bà nghe lời con mà giải nghệ liền sau đó.
Bấy giờ Nguyệt Hạ đã trên bốn mươi tuổi, bà nghĩ : ''Ở không cũng buồn !''. Bởi bà quen với phấn son, trưng diện và muốn tiếp xúc với người đồng hương. Nên bà đi tìm việc lòng vòng trong khu có nhiều tiệm Việt Nam. Cuối cùng, bà xin được một chân bán băng tại Trung Tâm băng nhạc Vân-Phương trong những ngày cuối tuần.

Rồi một buổi chiều thu... Vào ngày thứ bảy, ngoài trời gió thổi hiu hiu, man mác lạnh, ngàn chiếc lá vàng lác đác rơi rơi. Trong tiệm khách ra vào mua băng đông nghẹt. Nguyệt Hạ đang tươi cười, vui vẻ đứng bán băng, bất chợt nhìn thấy Nguyệt Thu vào tiệm. Vừa gặp lại người bạn năm xưa chưa kịp chào hỏi vui mừng gì cả. thì Nguyệt Thu đưa ngón tay lên miệng suỵt và lắc đầu, từ từ tiến lại gần nói nhỏ với Nguyệt Hạ :
- Có chồng tao đứng ngoài kia !
Nguyệt Hạ sửng sốt, nước mắt muốn trào ra. cố nén lòng, nuốt thương đau, đôi môi run run gượng cười, tiếp Nguyệt Thu như người khách lạ chưa từng quen biết.
Qua tuần sau, Nguyệt Thu gọi điện thoại đến tiệm... muốn hẹn riêng với Nguyệt Hạ để hai chị em cùng tâm sự. Nhưng Nguyệt Hạ nói :
- Nguyệt Thu à ! Theo tao thấy mầy muốn dấu bặt cái dĩ vãng xa xưa. Thì nên dấu đi ! Kể từ bây giờ tụi mình xem nhau như đã chết hết rồi. Hoặc như chưa bao giờ có quen biết với nhau !
Nguyệt Thu khóc nức nỡ trong điện thoại, và nói :
- Nguyệt Hạ ơi ! Xin mầy thông cảm cho hoàn cảnh của tao. Không phải tao làm phách, hay khinh rẻ mầy, hoặc tao quên thuở cơ hàn của chúng mình khi xưa đâu !
Nguyệt Hạ cũng nghẹn ngào :
- Cái dĩ vãng xấu xa ấy, mầy dấu là phải ! Vì đối với người đời. Họ không bao giờ thông cảm. Nhứt là đối với chồng mầy. Hạnh phúc của mầy, cũng chính là hạnh phúc của tao đó Nguyệt Thu à ! Mầy đừng lo và cũng đừng tìm gặp tao nữa, hãy xóa đi nhe ! Tao chúc mầy mãi mãi hạnh phúc bên cạnh chồng con.
Nguyệt Thu chúc lại :
- Tao cũng cầu chúc mầy và đứa con gái được an lành !
Từ dạo ấy, Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu không hề gặp lại nhau. Rồi bây giờ, trong cảnh tình của các con. Hai bà đang đứng trước ngã ba đường thật khó xử. Đã hơn ba mươi năm qua dĩ vãng không bay mất, bây giờ nó lại quây về. Có lẽ người khổ nhứt là Nguyệt Thu !
Ông Thanh Phong đã thấy mặt Nguyệt Thủy, một cô gái lai, ông hơi phân vân, sợ con ông sẽ khổ vì mấy cô đầm lai. Nhưng ông chẳng biết phải làm sao. Còn bà Nguyệt Thu thì cứ ôm ắp cái dĩ vãng xa xưa mà trong lòng lo âu, hồi họp, sợ chồng sẽ biết được. Hai ông bà mỗi người ôm mỗi nỗi khổ.
Trong khi họ lo lắng chẳng yên lòng. Lệ Huyền điện thoại lại thường xuyên, bởi bà Nguyệt Thu trong lúc lính quýnh bảo con bà cho số điện thoại nhà. Bà không ngờ Lệ Huyền vẫn còn cái tâm xấu như xưa. Lệ Huyền cố ý muốn gặp riêng ông Thanh Phong thôi. Bữa nay Nguyệt Thu cùng con trai đi phố. Lệ Huyền gọi lại :
- A-lô !
- A-lô ! Lệ Huyền đây ! Có con Nguyệt Thu nhà không vậy anh ?
Ông Thanh Phong thấy khó chịu cách Lệ Huyền gọi vợ ông bằng con...này, con nọ, ông trả lời :
- Không ! Nhà tôi đi vắng rồi ! Có chuyện gì thì chị nhắn lại tôi đi !
- May quá ! Không có Nguyệt Thu ở nhà... thì tốt !
- Chuyện gì vậy chị Lệ Huyền ?
- Tôi nghe loáng thoáng con anh sắp lấy con gái của con Nguyệt Hạ phải không ?
- ... Gia đình chúng tôi mới bàn tính thôi, chớ chưa có gì rõ ràng.
- Anh có biết rõ về con Nguyệt Hạ không ?
- Dạ không ! Mà chuyện của sắp nhỏ. Có dính líu gì người lớn đâu ! Chúng nó cũng lớn quá rồi !
- Con Nguyệt Thu nó có nói với anh là con Nguyệt Hạ bạn của nó khi xưa ở Sài-gòn không ?
- Xin lỗi ! Chị nói gì mà tôi không hiểu ? Nguyệt Hạ nào bạn của vợ tôi đâu ? ... à ! Có phải chị Nguyệt Hạ...tôi nhớ rồi ! Mà bà ấy đâu phải bạn của vợ tôi !
Ông Thanh Phong bóp đầu suy nghĩ. Lệ Huyền sẵn đã không ưa Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu từ xưa, nay bà ta muốn có dịp trả thù đời. Bà dở vọng như là tội nghiệp ông Thanh Phong :
- Trời ơi ! Anh sống với vợ anh mấy mươi năm mà anh không biết khi xưa nó làm cái nghề gì à ?
- Vợ tôi là luật sư mà chị ? Thôi, chị muốn nói gì thì đợi vợ tôi về rồi chị gọi lại nói.
- Tôi muốn nói thiệt chuyện bí mật của vợ anh đã dấu anh mấy mươi năm kìa !
Ông Thanh Phong nghe. Ông bắt đầu thấy bực, nhưng làm sao ông không muốn nghe được ? Ông bèn hỏi Lệ Huyền :
- Chuyện gì mà bí mật dữ vậy chị ?
Lệ Huyền ỡm ờ... rồi nói :
- Chẳng có gì quan trọng lắm ! Ở đời ! Dĩ vãng ai mà không có ! Nhưng... đối với tình nghĩa vợ chồng phải nói thật, tại sao mà con Nguyệt Thu nó dấu anh kìa ?
Ông Thanh Phong càng nghe như lửa đốt ruột, ông mạnh giọng nói hơi lớn tiếng :
- Chuyện gì chị cứ nói ra đi, chị cứ lòng vòng hoài làm tôi nóng ruột quá !
- Anh muốn biết thiệt hôn ?
- Thì chị nói đi !
- Được rồi ! Tôi nói cho anh biết, là bởi vì tôi quý anh lắm đấy !
- Tôi không cần chị quý hay khinh, mà tôi muốn nghe chị nói thật hết về vợ tôi thôi !
Trong bụng của Lệ Huyền đã nư, bà nói thầm : - Kỳ này tao cho chúng bây biết tay của bà. Cho chúng bây đứt tình, đoạn nghĩa luôn...ha ha... Rồi Lệ Huyền làm bộ thở ra và từ từ nói :
- Ngày xưa... tôi với con Nguyệt Hạ là vũ nữ làm chung với nhau, mà... mà có cả con Nguyệt Thu vợ của anh nữa ! Ba đứa tụi tôi thân nhau lắm !
Ông Thanh Phong vừa nghe như bị trời đánh. Ông đứng dậy đi lấy nước mát hớp mấy ngụm nuốt vào, ông nói nhanh :
- Thôi bấy nhiêu đó đủ rồi. Tôi rất cám ơn chị ! Chào chị !
Ông Thanh Phong cúp liền điện thoại, ông dựa lưng, ngửa đầu, dang hai cánh tay thẳng ra trên salon, mắt nhìn lên trần nhà thấy mình như trong cơn ác mộng, ông nhủ thầm : ''Trời ơi ! Mình lầm Nguyệt Thu mấy chục năm nay rồi...?''. Ông đứng dậy, ra trước cửa sổ ngó lên trời, ông hồi tưởng lại ba mươi hai năm qua, ngày cưới Nguyệt Thu. Bất chợt ông tự hỏi : - Nguyệt Thu khi xưa làm vũ nữ, mà sao nàng vẫn còn trinh trắng khi về làm vợ mình kìa ? Dạo đó, mình đâu phải là thằng con nít mới lớn lên đâu ! à, có thể là bạn của Nguyệt Hạ thôi ! Ông Thanh Phong tự hỏi, rồi tự trả lời, cuối cùng, ông nghe trong lòng nhẹ bớt phần nào. Nhưng ông lại nghĩ việc khác : ''Mình không thể bằng lòng cho Thanh Vinh cưới cô đầm lai ấy được. Tuy có học và đẹp, nhưng cái ngành của cô ta làm rất là phức tạp. Không khéo, thì con trai mình sẽ khổ vì cô ấy ! Từng tuổi này, mình mới nếm mùi rắc rối ! Thật là khổ ! Vợ ơi ! Con ơi !''.

Chiều hôm ấy, bà Nguyệt Thu và con về nhà. thấy chồng ngồi yên một chỗ, ông không hỏi, không nói gì đến vợ con. Bà xuống bếp lo cơm tối xong, dọn lên cả ba đều vào bàn ăn. Bà Nguyệt Thu thấy chồng hôm nay có thái độ lạ, bà hỏi :
- Anh có chuyện gì buồn phải không ?
- Ăn cơm đi, đừng hỏi gì nữa cả !
Ông quay sang nhìn Thanh Vinh và tiếp :
- Còn việc con muốn cưới cô Nguyệt Thủy kể như không được rồi.
Thanh Vinh nghe cha vừa nói, cậu buông liền chén đủa xuống bàn. Cổ họng nghèn nghẹn nhìn cha mẹ, cậu hỏi :
- Chuyện gì vậy ba mẹ ?
- Hỏi mẹ con đi !
Bà Nguyệt Thu lại sửng sốt :
- Trời ơi ! Có chuyện gì sao anh không nói ra, mà ắp úng hoài vậy ? Nói đi, nói đại đi !
- Em với bà Nguyệt Hạ má cô Nguyệt Thủy là bạn. Tại sao em không nói cho tôi biết ?
Bà Nguyệt Thu muốn ngất xỉu vì lời nói vừa rồi của chồng. Mặt bà tái nhợt, tay run run, nước mắt tuôn rơi. Thanh Vinh không hiểu, lại càng không hiểu thêm. Cậu nhìn mẹ, nhìn cha, buông ra lời nức nỡ :
- Nếu ba không thương Nguyệt Thủy thì tụi con đành cam chịu, chớ ba má đừng có gây gỗ. Vì từ hồi nào đến gìờ ba má sống hạnh phúc, êm đềm. Nay, tại vì việc hôn nhơn của con mà ba má mất vui, thì làm sao con vui được ?
Bà Nguyệt Thu nghẹn ngào nói :
- Không có hề gì đâu con, con hãy bình tĩnh, việc gì rồi để từ từ má giải quyết với ba con. Má sẽ nói ra hết cho con và ba con nghe câu chuyện.
Vài ngày sau Nguyệt Thu trân mình kể lể hết sự tình cho chồng và con bà nghe. Sự thật đã phơi bày, bà thấy nhẹ người. Nói xong, lại lo lo trong lòng, bà nhũ thầm : Nếu chồng mình không thông cảm, hoặc không tin mình, thì mình phó mặc chuyện gì đến rồi sẽ đến !
Thanh Vinh nghe câu chuyện ấy xong, lòng cậu lại càng thấy thương hai mẹ con Nguyệt Hạ hơn nữa. Còn ông Thanh Phong đứng lên nhìn trời qua cửa sổ mà thở ra, rồi ông chấp tay sau đít đi tới đi lui, bỗng quay lại ông nói với vợ :
- Chuyện em dấu anh hơn ba mươi năm nay, anh thông cảm, anh sẽ không nghĩ gì đến nữa. Nhưng...anh quyết định không bằng lòng hỏi cưới cô Nguyệt Thủy cho thằng Vinh.
Thanh Vinh kêu lên :
- Ba ! Ba ơi ! Nguyệt Thủy đâu có tội tình gì, mà ba không thương chứ ? Trời ơi trời !
Bà Nguyệt Thu thấy con mình đau đớn, bà đến ngồi gần ôm hai vai con vuốt, và an ủi :
- Con đừng buồn nữa, để má năn nỉ ba con !
Thanh Vinh đứng dậy đi vô phòng của cậu. Ngoài salon còn lại hai ông bà Thanh Phong. Cả hai không ai nói gì nữa cả. Mỗi người mỗi ý nghĩ...Bà Nguyệt Thu đi xuống bếp lo cơm.

Hôm sau, ông Thanh Phong chờ vợ con đi vắng, ở nhà ông liền điện thoại gặp ngay bà Nguyệt Hạ, bằng một giọng cứng rắn và nghiêm nghị, ông nói :
- Chuyện sắp nhỏ không thành đâu nhé chị !
Bà Nguyệt Hạ bị cứng họng. Ông Thanh Phong nói tiếp với cái giọng như là một lệnh truyền :
- Hôm nay đây. Tôi yêu cầu chị nên khuyên con gái của chị, phải xa lánh con trai tôi tức khắc ! Tôi có mấy lời, mong chị hiểu nhiều hơn nữa. Chào chị !
Bà Nguyệt Hạ nghe những lời của ông Thanh Phong nói, bà im lặng, nín thinh, mà không nói nổi một câu nào.
Thanh Vinh hẹn được Nguyệt Thủy ở một quán cà-phê gần nhà cô, để hỏi lại thử xem hư thực thế nào ! Cả hai gặp nhau, Thanh Vinh nắm tay Nguyệt Thủy và hỏi :
- Nguyệt Thủy à ! Em có biết, mẹ em hồi thuở sanh tiền làm nghề gì không ?
Nguyệt Thủy đã hiểu rõ câu chuyện. Cô cố nén lòng, nuốt nước mắt trở vào tim. Nhưng không làm sao xoa dịu được cơn đau, cô khóc và nấc lên thành tiếng, nghẹn ngào nói :
- Anh hãy nhìn kỹ hình dạng của em là gì đây ? Em là đứa con gái lai Mỹ. Còn mẹ em, dù mẹ em có làm gì xấu xa đi nữa, thì cũng mãi mãi là mẹ của em. Mẹ em, người đã hy sinh cho em, cho gia đình, và đôi khi hy sinh luôn cả người dưng nước lã nữa anh à !
Nói đến đây, Nguyệt Thủy nuốt nỗi đau, tủi buồn, nàng tiếp :
- Từ cái ngày mình gặp dì Lệ Huyền, mẹ em biết sẽ không dấu được ai, nên người kể hết cho em nghe rồi. Vì mẹ em nghi, là dì Lệ Huyền sẽ không để yên cho mẹ anh sống đời hạnh phúc đâu. Bà ấy có mối thù riêng gì đó với mẹ anh khi xưa. Theo mẹ em đoán, là dì Lệ Huyền ganh ghét với mẹ anh. Bởi vì, dì Nguyệt Thu có học, có giáo dục, đẹp và hiền, lại được mẹ em thương và có chồng, có con và được sống hạnh phúc đàng hoàng. Còn dì Lệ Huyền, thì lang bang, không con, không chồng, học hành thì... chắc cỡ như mẹ em là cùng. Nhưng hai người, hai tánh tình thật là khác nhau !
Thanh Vinh ngồi lắng nghe Nguyệt Thủy, chàng đưa hai bàn tay lên ôm đầu. Lòng chàng thấy thương hai mẹ con Nguyệt Thủy thêm, vì họ chân thật.
Nguyệt Thủy nói tiếp :
- Anh biết tại vì sao, trên ba mươi tuổi mà em chưa lấy chồng không ? Biết bao nhiêu lần em muốn đánh bật cái mặc cảm lai Mỹ ra khỏi lòng mình. Nhưng sao nó cứ lảng vảng bao quanh em hoài. Rồi năm rồi, bỗng gặp anh và quen với anh đến ngày nay. Thú thật với anh ! Lúc nào em cũng cảm thấy lo sợ. Sợ người ta sẽ chê trách và khinh rẻ, vì em là con gái của một người đàn...
Việt Dương Nhân
#16 Posted : Tuesday, January 18, 2005 6:00:15 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Poésie
Thiên Kim Agnès Hiver
Ce n’est pas fini


Je ne te connais pas
Et pourtant
Je ne veux pas que tu quittes la vie
Ne sois pas pressé
Ne t’en va pas
Ne t’envole pas vers un monde inconnu
Pour disparaître de la surface de la terre
Ne suis pas cette irrésistible envie !
Reste, vis ici et maintenant
Ce n’est pas fini
Je l’ai demandé, je l’ai décidé
Tu as encore des choses à découvrir
Reviens
Je te montrerai des étincelles que
Tu n’as pas connues
Ton sourire se dessinera sur tes lèvres
Et tu sauras que j’avais raison
Il n’y a rien de
Perdu
Tant que la vie demeure !

(TKAH - Con gái VDN)
Việt Dương Nhân
#17 Posted : Tuesday, January 18, 2005 6:04:14 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
Bút Ký

Mây vẫn Còn Bay

‘’Tiếng Việt còn. Nước Việt còn...’’

Trời vào đông năm nay không lạnh lắm, nhưng sương mù lờ mờ và mây xám giăng giăng...
Xế trưa, ngày Lễ Giáng Sinh (25-12-2002). Tôi đem rác xuống sân bỏ vào thùng, sực nhớ hôm qua không lấy thư. Tôi đến mở hộp thư, thấy phong bì hơi dầy màu hồng, tôi nhận ra ngay tuồng chữ của Kim, đứa con gái lai Tây, tâm tánh rất hiền ngoan, năm nay được 34 tuổi. Tôi biết đó là thiệp chúc Giáng-sinh và Tết Dương-lịch của Kim. Tôi không lên nhà mà liền mở thư ra đứng đọc giữa sân :

" Jeudi 19 Décembre 2002
Ma chère Maman,
Con chúc Má một mùa Giáng Sinh vui vẻ và một năm mới 2003 hạnh phúc may măn (mắn) và dồi dào sức khỏe !
Con thương Má nhiều lắm ! !
Hẹn gặp nhau ở Ivry nay mai năm mới !
Con âm (hôn) Má nhiều !
Kim’’

(Thủ bút của Kim)

Tôi đọc xong mấy dòng chữ nguệch ngoạc trong tấm thiệp thật đẹp. Ôi ! Nỗi vui mừng của tôi lâng lâng không sao tả được. Tôi áp tấm thiệp vào bên ngực trái, nước mắt rưng rưng, nhìn lên không trung : ‘’Con tạ ơn Trời ! Tạ ơn Trời đã ban cho con của con biết nói và viết được chữ Việt...’’. Tôi nghe nhẹ lòng, tâm hồn bớt ray rức. Vì từ bấy lâu nay, tôi tự thấy hổ thẹn với lòng : ‘’Mình làm mẹ mà con mình không biết nói được tiếng của mình. Thật là đáng trách !’’.

*
Cách đây khoảng 15 năm, Kim có học chữ Việt với Cô Mai một thời gian rất ngắn, vì căn bệnh... tái phát nên Kim phải đành bỏ dở dang...
Năm rồi, một buổi trưa Chủ Nhật giữa mùa hè cây cỏ xanh tươi, ngàn hoa khoe sắc, nắng vàng tỏa sáng khắp nơi nơi. Kim về nhà ăn cơm với tôi. Bất chợt, Kim nói (bằng tiếng Pháp): ‘’Con muốn học chữ Việt. Má biết chỗ nào dạy không ?’’. Đúng lúc, tôi vừa nhận tờ Nguyệt San Nhân Bản, đọc thấy có đăng dạy tiếng Việt mỗi chiều thứ Bảy, từ 16 giờ đến 18 giờ, do Cô Phương Khanh phụ trách... Tôi đưa cho Kim xem, Kim liền ghi địa chỉ, ngày, giờ đàng hoàng. Rồi sau đó, Kim ráng rặng từng tiếng Việt nói chuyện với tôi...(...)

Vào cuối tháng 9, Kim đi ghi tên, đóng tiền. Và từ đó, Kim không bỏ buổi học nào. Từ hè đến giờ, Kim thường về ăn cơm với tôi vào trưa Chủ Nhật. Và, tôi có chị bạn thân, tên Marie-Colombe Bạch Thị Ngọc Sương có trình độ giáo-khoa khá cao nên Kim nhờ chị chỉ dạy kèm thêm. Theo ước tính của tôi, thì Kim mới học được 9 hay 10 buổi học gì đó ?... Mà tối hôm qua (1-1-2003), từ nhà Ba của Kim ở dưới Cannes (Côte d’Azure), Kim điện thoại về chúc năm mới. Kim vừa nói 2, 3 câu tiếng Pháp. Tôi liền hỏi bằng tiếng Việt : ‘’Ủa ! Con quên hết tiếng Việt rồi sao ?’’. Kim vội vàng đổi giọng, nói chầm chậm : ‘’Không, không. Con không quên đâu Má ơi ! Má khỏe không ? Má chơi đêm Giáng Sinh và tối qua có vui không ? Con chúc Má năm mới được vui vẻ...’’. Và sau đó, hai mẹ con tôi nói chuyện hoàn toàn bằng tiếng Việt... Chỉ câu cuối cùng là Kim nói : ‘’Au revoir et Chủ Nhật tới, con về ăn cơm với Má...’’. Xin quý vị và các bạn chia sẻ niềm vui này cùng với tôi !

Có những đêm nằm trằn trọc nhớ con, và nghe lòng buồn buồn, tôi tự than : ‘’Mình làm thơ, viết truyện mà con mình không đọc được những gì mình viết... !’’. Nhưng rồi cũng tự mình an ủi : ‘’Ở xứ người, phần nhiều những đứa con nít lớn lên, gần như hầu hết không nói, đọc được chữ Việt, vì cha mẹ bận rộn chuyện ‘’áo cơm’’... Nhưng... tôi lại nhớ đến Anh bạn... làm việc trong một bệnh viện ... tại Paris. Anh là ‘’gà trống nuôi con’’ từ thuở cậu con trai mới lên 5 tuổi. Nay cậu nối nghiệp cha, đang theo học ngành Y-khoa năm thứ 5, thứ 6 gì rồi. Anh bạn của tôi dạy cho con học, đọc, nói và viết chữ Việt đàng hoàng. Tôi rất khâm phục Anh... Cách đây, khoảng chừng 3 năm, tôi gặp cậu đi với cha, cậu chào và nói chuyện với tôi y như một thanh niên từ Việt Nam mới qua Tây. Vì không ai có thể nghĩ là cậu sanh và lớn lên tại Pháp. Còn Kim, con tôi sanh ở Sài-gòn, qua Pháp lúc 6 tuổi và nói thạo tiếng Việt đến 8, 9 tuổi. Sau này, có những lúc buồn, tôi ngồi bóp trán, lắc đầu tự hỏi : ‘’Vì sao, con tôi mất tiếng Việt ?’’. Tôi xin tạ lỗi cùng Tổ Tiên và Mẹ Việt Nam. Vì lúc đó (1978), cha Kim bỏ đi, tôi chỉ lo đi làm, rồi cuối tuần còn đi họp hội, hát hò văn-nghệ... Mỗi ngày gặp được con vài tiếng đồng hồ, xem bài vở sơ sơ, tôi để mặc tình con nói tiếng Pháp với tôi. Thật sự, sau này tôi giận tôi vô cùng.

Hồi mới qua Pháp, giữa năm 1976, tôi liên lạc được Ông Việt Định Phương, chủ nhiệm Tuần Báo Trắng Đen, tôi có viết cho Ông một lá thư, nhưng không ngờ Ông lại đăng hết lá thư ấy trong : ‘’Mất Quê Hương’’ Hồi ký của Việt Định Phương
. (Xin trích một đoạn...) ‘’... Nếu tôi mà có gặp người đó lại thì tôi gọi là ‘’thằng cha mất gốc không có cội nguồn...’’. Vì vậy mà tôi không nói tiếng Pháp với con tôi, và lớn lên tụi nó phải biết viết và đọc chữ V.N. để có đi đâu hay đi làm xa phải viết thơ bằng chữ Việt cho tôi đọc, mặc dù chữ Anh-Pháp, tôi cũng biết sơ sơ. Nhưng hy vọng con tôi viết thơ cho tôi bằng chữ Việt...’’ (Mùa Phật Đản 2520 Tuần Báo Trắng Đen Weekly Magazine số 11 năm 1976, trang 34).

Những năm gần đây, mỗi lần đọc lại trang báo đó, tôi tự thấy xấu hổ và thẹn với lòng. Vì lời nói với việc làm không đi đôi ! Nay, Kim đã nói trở lại tiếng Việt, và còn viết được chữ Việt, thì thử hỏi với quý vị và các bạn. Tôi không vui mừng sao được ?
Bữa hôm, tôi gọi điện thoại hỏi thăm Cô Phương Khanh, nói chuyện qua loa, rồi Cô cho tôi biết : ‘’Em hỏi Kim học tiếng Việt để làm gì ? Kim trả lời, học chữ Việt để đọc sách của chị và muốn biết những gì chị viết...’’. Tôi nghe Cô Phương Khanh nói lại, làm tôi vui lắm. Chân thành cảm ơn Cô Phương Khanh đã tận tình dạy cho Kim (nói riêng) và cho tất cả Học Sinh (nói chung) học tiếng Việt Nam mau hiểu, mau nói và viết... Và, tôi cũng không quên ơn Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris đã tổ chức ‘’Lớp Học Tiếng Việt’’ vào mỗi chiều thứ Bảy. Tôi hy vọng nơi đó sẽ thâu nhận Học Sinh càng ngày càng đông đảo thêm. ‘’Tiếng Việt là hơi thở của Mẹ Việt Nam. Xin đừng để cho Mẹ tắt thở...’’(Lời của Giáo Sư Vũ Ký trong ‘’Luận Cương Về Văn Hóa Việt Nam’’).

Đây là những lời chân thật, là nỗi vui mừng tận đáy lòng của tôi, là niềm vui của một người mẹ vừa được đứa con gái, tên Thiên Kim Agnès Hiver trao tặng một món quà tinh thần to lớn nhứt đời vào dịp Lễ Giáng Sinh, năm mới 2003 và Tết Nguyên Đán Quý Mùi.

Từ khi, tôi tập tành làm thơ, viết lách, tôi có lo nghĩ : ‘’Rồi đây không biết còn có ai trong gia đình mình đọc được và gìn giữ những gì mình đã viết... ? Chắc là phải đem gởi cho mây khói sẽ tan vào hư-không !’’. Nhưng nay, sự mong ước của tôi đã trở thành sự thật... Đêm nay, bên ngoài đầy giông bão, sấm chớp nổ vang rền. Còn trong nhà thì nghe se lạnh. Nhìn một khoảng trời xa thấy Mây Vẫn Còn Bay...

(Ivry-sur-Seine, đêm đông mưa gió 02-01-2003)
Việt Dương Nhân
#18 Posted : Tuesday, January 18, 2005 6:14:09 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Thư Gửi Thiên Kim
Nguyễn Thị Vinh
Thay Lời Bạt

Tập truyện
‘’Đàn Chim Việt’’

của
Việt Dương Nhân
*

Thiên Kim thân mến,

Đọc bản thảo Đàn Chim Việt của mẹ cháu, nhà văn Việt Dương Nhân, hầu như cốt truyện nào cũng mang hình bóng ít nhất một người làm thơ, dăm ba người ngâm thơ hoặc nhiều người thích thơ; truyện nào của mẹ cháu, nói cho cùng rồi cũng hướng tới một chất thơ, mà tôi tạm gọi là thơ của đời sống, nằm ở ngoài mọi chữ nghĩa: Mong sao con người được tôn trọng và cùng sống tử tế với nhau, dù ở quê nhà hay quê người. Nhưng chính Thiên Kim, một đôi cánh trong đàn chim Việt, đã giúp mẹ cháu viết nên một bài thơ xuôi, mang tên Mây Vẫn Còn Bay, khiến người đọc như tôi hết sức bồi hồi. Cảm động trước một tình mẫu tử vừa thiêng liêng, vừa cao đẹp. Nơi mà người mẹ bị cuốn hút vào trăm công ngàn việc của cuộc sống tỵ nạn, thể nhập và đấu tranh; có việc cần phải làm gấp, có việc nên làm và có việc chưa cần lắm, để cuối cùng mang trong lòng một niềm ân hận khôn nguôi: "Con mình đã mất tiếng Việt!". Dường như mẹ cháu, nhà văn Việt Dương Nhân, chỉ mới tiếc cho năm mươi phần trăm gốc Việt nơi Thiên Kim mà bà đau lòng như vậy; nói chi các bậc cha mẹ khi thấy con mình, Việt ròng mà mất gốc, thì sự áy náy hẳn sẽ vô cùng mạnh mẽ hơn? Con cháu, của những người Việt nặng lòng với quê hương, bản quán, mà lại không ăn một món ăn Việt nào, không nói được tiếng Việt, không viết được chữ Việt, nếu học cao bất quá họ trở thành các chuyên viên, các nhà trí thức Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Na Uy... gốc Việt; trong khi các bậc sinh thành ao ước họ trở thành các nhà trí thức, các chuyên viên Việt Nam ở nơi đất khách. Những cuộc rời làng, xa nước nào mà không có sự hy sinh, mất mát? Có những thứ mất đi, của đời làm cha mẹ, để đổi lấy sự tự do, no ấm và học hành cho chính mình và trên hết là cho con cháu. Nhưng mất luôn cả "tâm hồn Việt" thì mục đích ban đầu "vì tương lai của thế hệ sau" cuối cùng sẽ chỉ là niềm tiếc hận mãi?
Thiên Kim thân mến, cháu và những ai như cháu, tìm về tiếng Việt là tìm về với người Việt, trong đó có mẹ cháu, là tìm về nước Việt, nơi cháu đã được sinh ra, nơi mà dòng sữa của mẹ cháu có cả mùi gạo hẩm, cơm ôi, lẫn mùi thơm của gạo Tám Thơm, Nanh Chồn, Nàng Hương; nghĩa là có cả đau khổ lẫn hạnh phúc.
Cảm ơn cháu, Thiên Kim ạ, tâm hồn cháu như phù sa sông Cửu, đã bồi thêm đất hạnh phúc cho mẹ, cho nhiều người khác, trong đó có tôi; với hành trình ngôn ngữ Việt, của cháu từ năm lên sáu, đứt quãng rồi nối tiếp không dễ dàng, tới năm ba mươi tư tuổi, giả dụ chỉ với một câu: "Con thương má nhiều lắm!!", bằng chữ Việt nguệch ngoạc của cháu, cũng đã là một câu thơ; và với tôi, nó trở thành bài thơ vì hai cái chấm than (!!).
Tôi, may mắn thay, đã được đọc vài bài thơ cháu viết bằng Pháp văn, trôi chảy và trong sáng, hàm chứa một Tấm Lòng yêu con người và cuộc sống. Mấy bài thơ đó hay, nhưng chưa làm tôi xúc động bằng những câu của Thiên Kim, một người con chúc mẹ năm mới sức khỏe, may mắn và hạnh phúc. Lời chúc, nghĩ cho cùng, chính là tên gọi khác của ước mơ. Mơ ước đẹp của Thiên Kim, mà cô giáo Phương Khanh đã ghi lại: ''Em hỏi Kim học tiếng Việt để làm gì? Kim trả lời, học chữ Việt để đọc sách của chị và muốn biết những gì chị viết...''. Cảm ơn những thầy cô giáo tiếng Việt ở nơi đất khách, mất bao thời giờ, công sức đôi khi cả tiền bạc riêng tư, chỉ để nhận lại một niềm vui toát ra từ những trang vở học trò: "Hãy nói và viết tiếng Việt như ăn Phở, như ăn Chả Giò, tự nhiên như tình yêu của người Mẹ Việt giành cho mình". Nhiều người nước ngoài còn đi học nói và viết tiếng Việt. Cao hơn nữa, họ còn dịch sách Việt qua ngoại văn, chuyển Truyện Kiều sang Đức ngữ, Anh, Pháp văn; có người còn vào Thư viện Quốc Gia Pháp để tìm cho ra những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng chưa in thành sách; có là người Việt hay không, chưa hẳn đã tùy thuộc vào việc nói sõi tiếng Việt và viết rành chữ Việt! Là hay không là, người Việt, ở chỗ có tìm về tiếng Mẹ Đẻ hay không. Không gần gũi với Tiếng Mẹ Đẻ thì dễ dàng xa cách với Tình Mẹ? Không nhất thiết đều là như vậy... Nhưng chắc chắn, theo những gì tôi thấy được ở cuộc sống, sẽ không có một tình Yêu Nước gắn bó và nồng nàn!
Thiên Kim thân mến, trong các bài thơ của cháu mà tôi được đọc, nhiều, rất nhiều câu hay, bởi "văn hóa là sự hợp tác", như:
"...Nous nous aimons
C'est la seule loi
A laquelle nous obéissons
Et nous sommes libres
De notre choix
Toi et moi,
Unis pour la vie!.."
(Trích "Je t'ai attrapé" của Kim Agnès Hiver.)
Tôi đã tạm thoát dịch, theo cảm nhận, được gói tròn như sau:
Nguyện theo một luật Thương Yêu
Đời ta hòa hợp với nhiều tự do.
Thiên Kim thân mến, lẽ ra tôi phải viết một bài Bạt cho cuốn sách Đàn Chim Việt này về tác phẩm hoặc tác giả, theo đúng nghĩa một bài viết ở sau mỗi cuốn sách, nhưng chính mẹ cháu đã tự viết Bạt rồi, qua bài Mây Vẫn Còn Bay, người đọc đã thấy ở nơi mẹ cháu một tình thương nước, xót người đầy nỗi đau khổ: "Mình làm mẹ mà con mình không biết nói được tiếng của mình. Thật là đáng trách!'' và với niềm hạnh phúc: ''Không, không. Con không quên đâu Má ơi!’’. Không quên là có nhớ, nhớ đến lời ru, tiếng nựng của mẹ khi mình còn thơ ấu, nhớ đến giọng nhắc nhở, la rầy của mẹ khi mình lớn lên cùng với nhiều sai sót vô tình hoặc cố ý. Thế nên, cách yêu mẹ hay nhất là yêu Tiếng Mẹ Đẻ, có thể Thiên Kim và ai đó chưa chia sẻ với tôi về cách nói trên, tôi vẫn xin cảm ơn tất cả, mà trước hết là cảm ơn "Ngàn Vàng", Thiên Kim Agnès Hiver !
Nguyễn Thị Vinh
Na Uy Oslo, mùa Tuyết, tháng 1, năm 2004.

Lettre à Thiên Kim
En guise d’épilogue de la
Nouvelle : Les Oiseaux du Vietnam
De Viêt Duong Nhân

Chère Thien Kim,
Après lecture de la nouvelle Dan Chim Viet (Les Oiseaux du Vietnam) de ta mère, de l’auteur Viet Duong Nhân, j’éprouve cette impression que les récits naissent des négatifs provenant de l’esprit des amoureux des lettres. Dans toutes les histoires écrites de l’empreinte du vécu, au moins par leur auteur, de quelques lecteurs ou de ta mère, à la fin, il ressort inexorablement cette saveur poétique que j’appellerai ‘’poésie de la vie‘’, en marge de tout style littéraire : Inlassable espoir de respect mutuel et de solidarité entre les Hommes, que ce soit à l’étranger comme dans sa patrie. Au fond, toi Thien Kim, une des paire d’ailes de la bande d’Oiseaux du Vietnam, tu as donné à ta mère cette inspiration vertueuse dans la rédaction de la nouvelle Mây Vân Con Bay (ndlr : Les nuages continuent de voyager) qui a suscité chez les lecteurs tel que moi beaucoup d’émois. J’ai été émue devant cet amour maternel à la fois si naturellement inné, si beau et grandiose, bouleversée par cette mère aspirée par le tourbillon de la vie difficile qu’ont vécu les femmes réfugiées, obligées de combattre avec acharnement afin de gérer les multiples priorités quotidiennes pour en fin de compte hériter de cet inconsolable regret : ỡ mon enfant a perdu sa langue maternelle, le vietnamien !ữ. Probablement l’écrivain Viet Duong Nhân, ta mère, a juste regretté à moitié ces cinquante pour cent de part de métissage vietnamien qu’elle t’a transmise et pourtant sa douleur est déjà si grande ; Il serait inutile de parler de ces parents qui voient leurs enfants, les descendants du dragon vietnamien1, totalement déracinés. Cette rude réalité doit être certainement encore plus dramatique. Les enfants de ces compatriotes passionnés de leur pays, ne mangeant pas de nourritures vietnamiennes, ne parlant pas vietnamien, n’écrivant aucun mot vietnamien, s’ils peuvent atteindre des niveaux d’étude supérieurs ne peuvent au plus que devenir l’élite des intellectuels Anglais, Français, Américains, Allemands, NorvégiensẨ d’origine Vietnamienne ; alors que les Hommes accomplis ne souhaiteraient qu’être des intellectuels, l’élite vietnamienne expatriée dans leurs pays d’accueil. Quels exodes, quelles sont les expatriations qui ne sont pas sources de sacrifices et de perte ? Parmi les sacrifices, dans la vie d’une mère, en échange de la liberté et des besoins primaires, il y a le renoncement à son propre épanouissement mais surtout le sacrifice de l’éducation de ses enfants. Mais alors, en dépit de la perte même de cet ỡ esprit vietnamien ữ en échange du but prioritaire, ỡ l’avenir de la postérité ữ, ne reste-il en fin de compte, qu’un éternel regret ?

Chère Thiên Kim, toi et tes compatriotes, qui cherchent à découvrir votre langue maternelle, vous essayez, en réalité de vous approcher de vos sources. Ta maman fait partie de ces personnes amoureuses de leur patrie, lieu où vous avez vu le jour, lieu où son lait de mère est teinté de ce goủt de riz fermenté, parfois même gâté et mélangé à la fois à ces odeurs savoureuses de brisures de riz parfumé Tam Thom (brisure parfumée), Nanh Chon (de croc de fouine), Nang Huong (demoiselle parfumée) ; c'est l’endroit même où malheur et bonheur se côtoient. Je te remercie, chère Thiên Kim, ton âme est comme ces effluents du fleuve Cuu (Mékong) qui a contribué à apporter cette terre riche de bonheur à ta mère, à beaucoup d’autres personnes et parmi celles-ci, il y a moi. ; Tes capacités linguistiques en vietnamien, à partir de tes six ans, jusqu’à l’âge de trente quatre ans, ponctuées par des périodes interrompues puis difficilement renouées, à travers par exemple la seule phrase : ỡ je t’aime beaucoup maman !! ữ, usant des mots vietnamiens dont l’accent mal maîtrisé et qui t’est propre, ont suffi, pour être une poésie, en soi. Pour moi, elle devient un poème entier grâce à ces deux points d’exclamation (!!).

Quel bonheur, pour moi, d’avoir pu lire quelques uns de tes poèmes rédigés en français, chantant, harmonieux et dont les mots expriment pleinement ton amour pour les Hommes et pour la Vie. Ces vers sont exquis mais ne m’ont pas autant émue que tes paroles, celles dont tu uses pour souhaiter à maman une nouvelle année de bonne santé, année chanceuse et débordante de bonheurs. Tes vỵux, finalement, c’est l’autre façon pour désigner le rêve. Les vỵux de Thiên Kim dont la maîtresse Phuong Khanh a pu garder les traces : ỡ J’ai demandé à Kim pourquoi tu apprends le vietnamienẨ ữ Kim a répondu, j’étudie le vietnamien pour lire les livres que tu écris et je voudrais également savoir ce que tu y écrisẨ ữ. Merci à ces maîtresses et maîtres de langue vietnamienne à l’étranger, qui ont consacré beaucoup de temps, d’énergie et parfois même leur propre argent juste pour avoir le bonheur de lire les cahiers des écoliers : ỡ parle le vietnamien comme tu manges la soupe tonkinoise, comme tu manges des nems, aussi naturellement que l’amour que les mères vietnamiennes réservent à leurs enfants ữ. Même certains étrangers apprennent à parler et à écrire le vietnamien. Plus encore, certains traduisent les livres vietnamiens en langue étrangère. Ils traduisent même le Roman de ‘’Kim-Vân-Kiêu’’ de Nguyên-Du en allemand, en anglais, en français. D’autres vont à la bibliothèque François Mitterand pour trouver des écrits de Vu Trong Phung, non encore édités en livre ; Ces personnes vietnamiennes ou non n’appartiennent pas forcément à la catégorie des personnes maîtrisant bien notre langue ! Être ou ne pas être vietnamien consiste simplement en le désir de remonter à ses origines. Est-ce qu’en connaissant peu sa langue maternelle, il serait plus facile de négliger l’amour que l’on pourrait éprouver pour sa mère ? Je ne suis pas certaine qu’il en soit ainsiẨ Selon mon observation et mon expérience, il est plus sủr que les personnes ignorant leur langue maternelle ne pourront pas témoigner un amour solide et fidèle pour leur pays.

Chère Thiên Kim, parmi tes poèmes que j’ai pu lire il y a beaucoup, oui beaucoup de beaux vers, parce que ỡ la littérature est source d’union ữ, comme l’illustrent ces quelques vers :
ỡ Ẩ Nous nous aimons
C’est la seule loi
A laquelle nous obéissons
Et nous somme libres
De notre choix
Toi et moi,
Unis pour la vie !.. ữ
(Extrait de ỡ Je t’ai attrapé ữ de Kim Agnès Hiver.)
J’ai tenté de m’en sortir harmonieusement dans cette traduction, selon mon interprétation:
Nguyện theo một luật thuong yêu
Đời ta hòa hợp với nhiều tự do.

Chère Thiên Kim, en temps normal, j’aurais dủ écrire un épilogue pour le roman ‘’Les Oiseaux du Vietnam’’, à propos de la qualité littéraire ou pour parler de l’auteur, comme il en est de règle pour les fins de livres mais ta mère l’a déjà personnellement fait à travers le poème ‘’Mây Vân Con Bay’’. Les lecteurs ont pu observer, concernant ta mère, un amour évident pour son pays, le cri de douleur d’une personne accablée par cet éternel remords : ỡ Tu es mère, et ta fille ne sait pas parler ta propre langue. C’est vraiment regrettable ! ữ, mais tristesse allégée de ce bonheur ỡ Non, non. Je ne l’oublierai jamais Maman ! ữ. Ne pas oublier c’est avoir en mémoire ces bercés, ces paroles câlines d’une mère durant notre enfance, se souvenir des reproches et conseils de maman à l’occasion de toutes ces erreurs innocentes ou volontaires, durant la période d’adolescence. Ainsi, la meilleure façon d’aimer maman c’est d’aimer sa langue maternelle. Peut-être que Thiên Kim et certains d’autres n’avaient jamais partagé avec moi ces points de vue.
Cependant, je vous remercie tous et avant tout, je remercie ỡ mille précieuses fois ữ Thiên Kim Agnes Hiver. !

Nguyên Thi Vinh
Na Uy Oslo, au mois de Janvier de l’hiver de l’an 2004
Traduction en Français DANG Anh-Cuong-Romain
Việt Dương Nhân
#19 Posted : Tuesday, January 18, 2005 6:15:30 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Việt Dương Nhân
(Nguyễn Thị-Bảy)
Sanh 11 tháng 8 năm 1946
Tại Bình Chánh - Gia Định (Việt Nam)
Làm thơ, viết văn có những bút hiệu: Việt Quốc Hùng, Quốc Hương, Thanh Thiên Tâm, Nguyễn Chánh Nhựt, Song Bình, Hỏa Phong Địa Thủy, T.C.H. Từ năm 1977 đến nay (2003) đã đăng nhiều báo Hải Ngoại : Tiếng Gọi Phục Quốc, Việt Nam Tự Do Hải Ngoại, Tiếng Dân, Nhân Bản, Y-Giới-Việt-Nam-Tự-Do, Ép Phê, Thông Luận, Á Châu, Đất Nước, Chống Cộng, Luân Lưu, Liên Lục Địa, Ngày Mới, Bản Tin Quân Nhân... (France), Văn Tiến (Belgique), Nguyệt San Nghệ Thuật, Nguyệt San Việt Nam... (Canada), Trắng Đen, Cỏ Thơm, Sóng Thần, Thế Kỷ 21, Thi Văn, Hồn Quê, Chí Linh, Đại Chúng, Con Ong Việt, Giao Mùa, Về Nguồn, Cánh Én, Thời Báo, Tự Do Dân Bản, Văn Hữu, Thời Luận, Đặc San Biển Đông, Trống Đồng, (U.S.A.). Diễn Đàn Việt Nam - VN-Forum (Đức)... , Hương Xa (Na Uy)... Góp mặt cùng với 27 nhà thơ Hải Ngoại trong ‘’Tuyển Tập Thơ Mùa Tình Yêu Xuân 2000’’ Cỏ Thơm xuất bản, do Lưu Nguyễn Đạt và Nguyễn Thi-Ngọc-Dung chủ trương tại Virginia - U.S.A. Có thơ trong quyển ‘’Esquisses de l’Âme’’ La Bibliothèque Internationale De Poésie 1999.
Và rất say mê đóng kịch, hát cải lương tại Pháp. Lấy nghệ danh Quốc Hương. Đã xuất bản và trình làng thi tập ‘’BỐN PHƯƠNG CHÌM NỔI’’ tại PARIS 1998. Tập truyện ‘’Gió Xoay Chiều’’ Xuất bản NGUYÊN VIỆT 2001.
Sắp ấn bản thi tập II ‘’Cát Bụi’’, thi tập III ‘’Thoáng Qua’’, truyện dài ‘’Mai Ly’’, tập truyện III ‘’Bến Xưa’’.
Tâm niệm : Mong muốn tất cả nhân loại đều yêu thương nhau. Lòng luôn luôn cầu nguyện cho một nền Hòa-Bình Thế-Giới.
Việt Dương Nhân - Nguyễn thị-Bảy
6, Rue Pierre Brossolette
94200 IVRY-sur-Seine (France)
Tél : 01.46.71.94.81 (Paris)
Vietduongnhan2@yahoo.fr
Việt Dương Nhân
#20 Posted : Friday, March 4, 2005 8:15:41 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Vậy là phải reply hén !
Users browsing this topic
Guest (11)
2 Pages12>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.