Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Dân Ca - Nhạc Cổ
Việt Dương Nhân
#1 Posted : Sunday, January 16, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc cung đình Huế
(Di sản văn hoá phi vật thể)

Mang ý nghĩa "âm nhạc tao nhã", Nhã nhạc đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên, bao gồm các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức. Trong các thể loại âm nhạc phong phú đã từng được phát triển ở Việt Nam, chỉ có Nhã Nhạc mang tầm quốc gia.

Mặc dầu, nguồn gốc của Nhã Nhạc có từ thế kỷ thức 13, nhưng nó chỉ đạt đến độ mức điêu luyện tại cung đình Huế dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Các vị vua đã dành sự ưu đãi khi ban cho Nhã nhạc một địa vị đặc biệt là âm nhạc chính thức của cung đình, bằng cách đó đã chính thức hóa nó như là biểu tượng về quyền uy và sự trường thọ của triều đại mình. Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của quá trình nghi lễ và mỗi năm nó được trình diễn trong toàn bộ thời gian của gần 100 buổi lễ khác nhau. Phong phú về nội dung tinh thần, Nhã Nhạc đã được xem như là một phương tiện liên lạc và bày tỏ tôn kính đến các vị thần linh và bậc đế vương.
Ngoài ra nó còn phục vụ như là một phương tiện cho việc truyền đạt những ý tưởng mang tính triết lý và những khía cạnh về vũ trụ của người Việt Nam.
Trong ý nghĩa bao quát nhất của nó, thuật ngữ Nhã Nhạc không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc cung đình dựa trên thang ngũ âm, mà còn bao hàm cả sự trình diễn thực tế, nó được đặc trưng bởi sự đa dạng của các loại nhạc cụ, và chỉ được biểu diễn vào những dịp nào đó, với các ca công và vũ công riêng. Trống đóng vai trò chủ đạo trong các dàn nhạc cung đình vốn bao gồm một số lượng lớn các nhạc công và mỗi người trong số họ yêu cầu phải có sự tập trung cao để theo được mạch tất cả giai đoạn lễ nghi kéo dài.
Những biến cố xảy ra ở Việt Nam trong thế kỷ 20 - đặc biệt là sự sụp đổ của nền quân chủ và những thập kỷ chiến tranh liên miên, đã đe dọa nghiêm trọng sự sống còn của Nhã Nhạc. Bị mất đi ngữ cảnh cung đình, truyền thống âm nhạc này đã mất đi một phần chức năng xã hội nguyên thủy của nó. Với sự quan tâm và hỗ trợ của chính phủ và cộng đồng địa phương, một vài nhạc công xưa của cung đình còn sống đang cố gắng làm sống lại truyền thống này và truyền đạt những kỹ năng của họ cho thế hệ trẻ. Một số hình thức Nhã Nhạc nào đó còn sót lại trong các tế lễ và lễ hội dân gian vẫn là một nguồn cảm hứng cho âm nhạc Việt Nam đương đại.
Ngày 7-11-2003, Tổng Giám đốc UNESCO, ông Kiochiro Matsuura chính thức công bố trong buổi lễ được tổ chức tại Paris, UNESCO đã ghi tên 28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại lần thứ hai, trong đó có Nhã nhạc Huế. Đây là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này, ghi nhận thành quả của một hành trình 10 năm phấn đấu, chuẩn bị không mệt mỏi của chính quyền Trung ương, địa phương và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.


(Theo Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế)
Kend- dactrung.net
Việt Dương Nhân
#2 Posted : Monday, January 17, 2005 5:29:32 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Ca Trù


Hát ả đào (ca trù): Hát ả đào được định hình với tư cách là một thể loại ca nhạc có đặc trưng, phong cách riêng vào khoảng thế kỷ 15. Ban đầu nó là lối Hát cửa đình. Dần dần thể loại này tách ra để trở thành lối hát thính phòng rất được ưa thích của người Việt ở phía Bắc.

Từ một thể loại có nguồn gốc dân gian, do được giới quan lại, nho sĩ và cả các vua chúa ưa thích, lại có những mối quan hệ mật thiết với dòng ca nhạc cung đình, Hát ả đào dần được bác học hoá. Kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu như thể ca sĩ nắn nót, chau chuốt từng chữ. Nhạc cụ được tinh giản với sự tương phản âm sắc đã làm tôn vẻ đẹp của từng thành phần tham gia hoà tấu.

Hát ả đào là nghệ thuật hát thơ. Nó đã từng có một hệ bài bản phong phú quy định cho từng lối hát thờ, hát chơi và hát thi.

Có hiểu thấu nội dung và nghệ thuật ngôn từ trong các bài ca cùng sự biểu hiện tinh tế của các ca nữ trong sự phối hợp nhịp nhàng với ngón đàn, khổ phách... mới thấy hết vẻ đẹp và giá trị của loại hình nghệ thuật này.


Hát Xẩm


Hát xẩm là một trong những thể loại hát rong của người Việt thủa xưa và là thể loại đặc trưng của những người hỏng mắt. Họ thường đi từng tốp 2-3 hoặc 4-5 người, nhiều khi là những thành viên trong cùng một gia đình để biểu diễn ở những tụ điểm đông người ngoài trời.

Sức hấp dẫn của hát Xẩm là ở những làn điệu hát với nhịp trống phách tươi vui cuốn hút khéo hoà cùng tiếng bầu, tiếng nhị nỉ non réo rắt và ở cả nội dung hết sức phong phú của lời ca.
Người hát Xẩm tự sự về thân phận của mình, họ kể về nỗi khổ của những người nghèo khó, những cảnh đời ngang trái. Lại có những chuyện vui nhẹ nhàng hóm hỉnh, những bài châm biếm sâu cay các thói hư tật xấu, lên án những hủ tục, tố cáo tội ác của kẻ áp bức thống trị, đả kích bọn bán dân hại nước, nêu cao gương anh hùng liệt sĩ. Những người hát Xẩm cũng là những người kể tài ba những truyện thơ được nhân dân yêu thích.

Các làn điệu chính của hát Xẩm gồm: Huê tình, Ba bậc, Thập ân, Hà liễu... Ngày nay những người hát Xẩm rong hầu như không còn nữa, song nghệ thuật của họ vẫn tồn tại và được trân trọng.


Hát Văn


Gắn với một phức hợp tín ngưỡng của người Việt, sau nhiều thế kỷ phát triển Hát văn (hoặc Hát chầu văn) đã xây dựng được nhiều kiểu gõ nhịp và một hệ thống làn điệu, bài bản phong phú với những qui ước về cách vận dụng cho từng hàng Thánh và từng loại Phủ.

Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình - Cờn, Dọc, Xá, Hát văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác.
Nhịp điệu và bộ gõ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng này.
Chúng tạo nên một không khí phấn hứng cao, góp phần giúp người ngồi đồng có cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị Thánh,

đồng thời kết hợp với yếu tố tâm linh chúng góp phần tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến người ta có thể thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi.

Hát văn cùng với tục hầu bóng tiêu biểu cho một loại hình sinh hoạt tín ngưỡng tồn tại ở nhiều tộc trong nước. Ngoài yếu tố tâm linh, sự hấp dẫn của phần ca nhạc xưa kia đã từng khiến nhiều người say mê. Ngày nay những điệu Hát văn được giới thiệu với nội dung mới trên các sóng phát thanh và trên sân khấu ca múa nhạc vẫn là những tiết mục được công chúng yêu thích.

Hát Then


Hát then là một thể loại ca nhạc tín ngưỡng của người Tày, Nùng. Có thể xem Hát then là một cuộc diễn xướng trường ca mang màu sắc tín ngưỡng tường thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin Ngọc hoàng giải quyết một vấn đề gì đó cho gia chủ.

Các bản trường ca thường gồm nhiều chương đoạn với độ dài ngắn và nội dung chi tiết ít nhiều khác biệt. Bản dài nhất đã sưu tầm được dài tới 4.949 câu với 35 chương đoạn.
Hát then là một hình thức diễn xướng tổng hợp bao gồm cả ca nhạc, múa, diễn với nhiều tình huống khác nhau. Trong cuộc lễ, ngoài nhiệm vụ thực hiện các nghi thức cúng, then hoặc giàng đồng thời phải đảm nhiệm chức năng của một diễn viên tổng hợp. Họ vừa hát, tự đệm, vừa múa và diễn để thể hiện nội dung các câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm...
Âm nhạc luôn luôn là yếu tố xuyên suốt cuộc Hát then. Hát then có nhiều bài bản, làn điệu. Nhạc cụ đệm đơn giản song ở đây có thể gặp những đoạn hát hai - ba bè lý thú.

Người Tày, Nùng bất kể tuổi tác, giới tính, những người mê tín cũng như không mê tín rất thích nghe Hát then. Một vài tộc khác như H'Mông, Việt ở trong vùng cũng tiếp nhận thể loại hát này trong đời sống tinh thần của mình.

Sưu tầm - Kend - datctrung.net
Việt Dương Nhân
#3 Posted : Monday, January 17, 2005 7:29:51 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Lý Nam Bộ

Là một loại dân ca đặc sắc của Việt Nam. Lý có ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, nhưng có lẽ lý phát triển mạnh nhất ở Nam Bộ.
Lý Nam Bộ không chỉ phong phú về số lượng mà cả về đề tài, nội dung cũng như đặc tính âm nhạc. Lý Nam Bộ đề cập đến các sinh hoạt, các công việc và tâm trạng, tâm hồn của người dân. Lý còn đề cập đến các loài vật, các loại cây, các thứ hoa trái, nói về tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng.
Có những bài ca nói lên những ước mơ của người dân bình thường, hoặc phê phán châm biếm những cảnh chướng tai gai mắt. Lý Nam bộ thực sự là một thể loại phản ánh cuộc sống, cách suy nghĩ và tính cách của người Việt ở Nam Bộ. Mặc dầu ở Lý Nam Bộ có đủ mọi sắc thái nhưng có lẽ những nét buồn là sâu đậm hơn, đồng thời lại hồn nhiên mộc mạc và hóm hỉnh ngộ nghĩnh.

Dân Ca Quan Họ

Hát Quan họ (hay Quan họ Bắc Ninh) là "đặc sản" dân ca của người Việt ở tỉnh Bắc Ninh. Nó bắt nguồn từ những lối hát đối đáp nam nữ có từ rất lâu đời.
Hát Quan họ chủ yếu chỉ được tổ chức ở mỗi làng mỗi năm một lần vào dịp hội làng. Nó gắn với tục kết bạn nam nữ, kết nghĩa giữa hai làng khác nhau. Ngoài một bộ phận nhỏ mang nội dung chúc tụng, khẩn cầu, đại bộ phận các bài ca mà các anh Hai, chị Hai Quan họ (cách gọi nhau theo truyền thống) đối đáp với nhau đều mang nội dung giao duyên trữ tình rất thắm thiết. Tuy nhiên, theo tập tục cổ truyền trai gái trong các nhóm kết bạn hát với nhau lại không bao giờ lấy nhau.
Các cuộc Hát Quan họ có thể diễn ra ở trong nhà cũng như ngoài trời. Phương thức sinh hoạt ở các làng khá đa dạng, song nhìn chung, ngoài một số nét khác biệt, trong Hát Quan họ chứa đựng cả những nét có ở nhiều thể loại hát đối đáp nam nữ của các tộc trên đất nước.
Hát Quan họ bao giờ cũng hát đôi, trình tự hát vừa theo nội dung vừa theo làn điệu, đối lời kèm đối giọng.

Trải qua một quá trình phát triển lâu đời trên một vùng đất có sự giao lưu rộng và phát triển sớm, Hát Quan họđã trở thành một điểm sáng trong dân ca Việt Nam. Dân ca Quan họ cókhoảng 180 bài khác nhau , không tính các dị bản - một trong những kỷ lục của các thể loại dân ca Việt Nam.
Lời hay ý đẹp, ngôn ngữ bình dân nhưng tinh tế, ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc; âm điệu phong phú, trữ tình; lối hát mượt mà với kỹ thuật nảy hạt độc đáo; phong cách lịch thiệp - tất cả làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Múa Rối Nước

Múa rối thì hầu như dân tộc nào cũng có, còn múa rối nước thì trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có. Nghệ thuật múa rối nước xuất hiện từ đời Lý (1010 - 1225). Dấu vết rối nước còn ghi lại ở nhiều nơi...

Chứng cứ bằng văn tự đầu tiên ghi chép về múa rối nước Việt Nam mà chúng ta đọc được là bia tháp Sùng Thiệnh Diện Linh, dựng năm 1122 trong đó có đoạn viết:
"Thả rùa vàng đội ba ngọn núi, trên mặt sóng dập dờn. Phơi mai vân để lộ bốn chân, dưới dòng sông lờ lững, liếc mắt nhìn lên bờ, cúi xét bầu trời lồng lộng. Trông vách dựng cheo leo, dạo nhạc thiều réo rắt. Cửa động mở ra thần tiên xuất hiện. Ðều là dáng điệu thiên cung, há phải phong tư trần thế. Vươn tay nhỏ dâng khúc Hồi phong, nhăn mày thuý ngợi ca vận tốt. Chim quý từng đàn ca múa, thú lành từng đội xênh xang..."

Vùng đồng bằng Bắc bộ có nhiều ao hồ. Mặt nước những ao hồ đã trở thành sân khấu cho rối nước. Ghế ngồi của khán giả là thảm cỏ xung quanh hồ. ở các làng quê, múa rối nước thường được diễn vào những dịp đón năm mới hoặc trong các lễ hội.
Mỗi con rối là một tác phẩm điêu khắc dân gian. Con rối tạo bằng gỗ, bên ngoài phủ một lớp sơn, ngâm nước không thấm. Nhân vật tiêu biểu nhất là chú Tễu, thân hình tròn trĩnh, nụ cười hóm hỉnh lạc quan. Mở màn, chú Tễu xuất hiện vui vẻ, nghịch ngợm làm nhiệm vụ giáo đầu dẫn chuyện.

Trong kho tàng múa rối nước Việt Nam, có 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục mới xây dựng đã làm say lòng khán giả trong nước và quốc tế.

Múa rối nước là loại hình nghê thuật đặc sắc của VN không chỉ khán giả VN mà bè bạn quốc tế cũng rất thích và đã được lưu diễn ở nhiều nước trên TG

Kend - dactrung.net
Việt Dương Nhân
#4 Posted : Monday, January 17, 2005 8:12:49 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Múa Dân Gian

Múa dân gian là hình thái múa phổ biến của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Múa dân gian là do dân chúng sáng tạo được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Múa dân gian được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Nó tiêu biểu cho bản sắc văn hoá của từng cộng động và là cơ sở để phát triển các hình thái múa khác.

Mỗi tộc người đều có những điệu múa dân gian đặc trưng của mình. Người Việt có múa rồng, trống, sênh, mõ, sư tử...; người Mường có múa sạp, chàm đuống, chàm thau...; người Tày có múa quạt, nhạc, giã gạo...; người Thái có múa xoè, nón, nhạc, khăn, xoè vòng...; người Kh'mer có múa Xayăm, mạt nạ, rồm vông...; người Chăm có múa quạt Pì diền, chà prông, đoa pụ...; người Ê Đê có múa khiên, trống...; người Bana có múa khiên, soang...; người Katu có múa Katu...

Nghệ thuật múa cung đình Kh'mer Nam bộ

Nền văn hóa Kh'mer Nam Bộ tiêu biểu là nghệ thuật múa, tuy chịu ảnh hưởng văn hóa ấn Ðộ, nhưng mang đậm nét dân tộc và những sáng tạo độc đáo góp vào vườn hoa nghệ thuật "muôn hương ngàn sắc" của các dân tộc Việt Nam. Múa Kh'mer xuất hiện rất sớm với loại hình sân khấu Rơbăm - loại kịch hát cổ điển, nhưng lấy nghệ thuật múa làm ngôn ngữ chủ đạo để diễn tả tâm trạng, tình huống, tuồng tích. Rơbăm phần lớn là những cốt chuyện mang truyền thuyết thần thoại cho nên múa càng có điều kiện phát huy một cách mạnh mẽ ở loại hình sân khấu này.
Ra đời muộn hơn là kịch hát Dukê. Nghệ thuật múa ở đây không còn giữ vai trò chủ đạo như Rơbăm nhưng đã bắt đầu phát triển chiều hướng diễn tả tâm trạng mang tính mô phỏng, rồi nâng lên với tính cách được ước lệ cao, như diễn tả những con thú: chim thần (Krud), chằn (Yeak), rắn thần (Naga), khỉ (Hanuman), rồng (Phuchông)... Ðộng tác được hệ thống, qui nạp mang tính khoa học, mực thước, như con khỉ có 12 động tác: cười, lạy, gãi, khóc, nhảy, âu yếm, đau khổ...

Kho tàng múa Kh'mer Nam Bộ hình thành hai hình thái rõ rệt, đó là hình thái múa cung đình và hình thái múa dân gian. Hình thái múa cung đình đã trở thành loại múa có bài bản, chuẩn mực, có hệ thống cơ bản, có trường dạy nghề hoặc có thầy chỉ giáo từ nhỏ (từ 6 - 7 tuổi).
Nghệ thuật múa cung đình đòi hỏi ở người diễn viên sự khổ luyện rất cao. Từ hình thể, tay, chân đến nụ cười ánh mắt đều phải tập theo những chuẩn mực cổ điển. Tất cả những chi tiết cụ thể là chuẩn mực cơ bản để đánh giá đẳng cấp của nghệ sỹ. Múa cung đình phần lớn là nữ, những nhân vật nam cũng chính là nữ đóng. Múa cung đình tuyến đơn giản, tiết tấu chậm rãi, khoan thai, sâu lắng, chủ yếu dùng hình tượng cơ thể để khắc họa tâm trạng như múa: chim thần (Krud), tiên (Kennâr), Apsara, dâng hoa... Còn có những loại múa lâu đời đậm màu sắc tôn giáo như múa lên đồng (arak), có những loại múa trong đám cưới (râmbơk bông, râm bơk phka sla, rambô kântel...). Từ những diễn tả tâm trạng bằng hình tượng cơ thể, dần dần những động tác múa được qui nạp chuẩn mực, quán xuyến như một đặc trưng đậm bản sắc.

Có thể nói múa cung đình Kh'mer Nam Bộ từ ngón tay cho đến gót chân đều có tiếng nói riêng.

Nếu như múa cung đình mực thước, trang trọng mang tính cổ kính bao nhiêu thì múa dân gian ngược lại bấy nhiêu, thoải mái, lạc quan, yêu đời và luôn có chất hóm hỉnh: Múa Sarikakeo, Râmvông, Saravan... là những điệu múa rất phổ biến, đã là người Kh'mer ai cũng biết múa, đặc biệt là thanh thiếu niên, họ múa trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, liên hoan, bất kỳ nơi đâu chỉ cần có tiếng kèn và nhịp trống nổi lên là ở đó có múa. Múa trống Xadam cũng là điệu múa dân gian có từ xa xưa.
Trong thực tế, thỉnh thoảng múa dân gian đã tiếp thu tinh hoa đặc sắc từ những động tác cung đình rồi biến hóa theo tiết tấu và hòa nhuyễn vào không khí của tác phẩm với nội dung phản ảnh cuộc sống, làm cho nó trở nên nhanh nhẹn, vui vẻ như múa "gáo", "xúc tép" (Saneng).

Hiện nay múa của tộc người Kh'mer Nam Bộ đã phát huy một cách mạnh mẽ, không chỉ về thể loại, số lượng mà cả chất lượng, không chỉ với những đề tài cổ thần thoại, truyền thuyết mà cả những đề tài ca ngợi cuộc sống hiện tại. Và nền nghệ thuật múa độc đáo ấy không dừng lại với những tác phẩm đơn lẻ mà gần đây đã xuất hiện kịch múa với những cốt truyện hấp dẫn đã được đánh giá cao (huy chương Vàng) trong hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.

Kho tàng múa tộc người Kh'mer Nam Bộ là vô tận, nó luôn có mặt bất cứ ở phum, sóc, làng, xã nào nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Kh'mer vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhạc võ Tây Sơn

Nhạc võ Tây Sơn gắn với lò võ nổi tiếng của người Việt ở Bình Ðịnh. Tương truyền loại nhạc này do ba anh em người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đặt ra cho quân khởi nghĩa luyện võ. Với một bộ trống 17 chiếc, người tập võ sẽ dùng hai tay để đánh 12 chiếc, còn lại 5 chiếc đánh bằng đầu, 2 gót chân và 2 khuỷu tay. Người tập võ đánh được 17 trống được xem là "võ thuật như thần".

Sau khi ba Ngài mất, mỗi dịp tế lễ để tưởng niệm những vị anh hùng đã lãnh đạo quân sĩ quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, nhân dân ở quê các Ngài vẫn đánh trống võ. Nhạc võ Tây Sơn gồm 4 bài: Xuất quân, Hành quân, Hãm quân, Khải hoàn. Nó đã trở thành một loại nhạc lễ trong di sản nghệ thuật của người Việt Nam.

Nhạc cưới cổ truyền của người Khmer

Ca nhạc là một phần không thể thiếu trong đám cưới cổ truyền của người Khmer ở Nam bộ cũng như của nhiều tộc khác ở Việt Nam.

Ngày nay, lễ cưới của người Khmer ở Nam bộ đã có nhiều đổi thay, song những bài hát cưới cổ truyền vẫn còn được lưu giữ trong nhân dân.

Các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được hàng chục bài hát lễ thức dành riêng cho đám cưới và những bài dân ca thông thường được sử dụng cho đám cưới thêm vui tươi. Tập hợp những bài đã sưu tầm được có thể dựng nên một liên ca khúc phản ánh mọi nghi thức của đám cưới cổ truyền Khmer từ lúc đưa chú rể sang nhà gái, xin mở rào để vào nhà gái, bắt đầu cuộc vui, các lễ thức cắt tóc, giã thuốc nhuộm răng, cắt hoa cau để làm lễ rắc hoa cau cho cô dâu chú rể, lễ rút gươm khỏi bao, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ lạy mặt trời, lễ nhập phòng, lễ quét chiếu, lễ chào cha mẹ họ hàng... cho tới khi tiễn khách ra về.

Ca nhạc trong lễ hội Rija

Rija là tên chung mà người Chăm dùng để gọi rất nhiều lễ hội liên quan tới nông nghiệp hoặc dòng họ... như Rija Prong, Rija Nưgar, Rija Yâup...
Ðến với các lễ hội Rija là đến với các điểm ca nhạc cổ truyền phong phú nhất của người Chăm. ở đây người dự hội sẽ gặp những nhạc cụ tiêu biểu, rất phổ biến trong âm nhạc Chăm hiện nay: trống baranưng, trống đôi kinăng, kèn saranai và đàn kanhi bằng mu rùa.
Ngoài những điệu hát lễ, những điệu kèn saranai và trên 50 điệu trống kinăng đệm cho các điệu múa phục vụ nghi thức cúng lễ trong đó có múa đạp lửa độc đáo, người dự hội còn được thưởng thức điệu hát Vãi chài với nhịp điệu khoẻ khoắn và tính diễn xướng đầy hấp dẫn trong đêm kết thúc lễ hội Rija Prong. Nó góp một tiết mục đặc sắc vào thể loại hò hát trong lao động hoặc có nguồn gốc lao động hết sức phong phú của cư dân ở Việt Nam.

Nghệ thuật Tuồng

Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ XVIII Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn.
Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương... Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của Tuồng. Có thể nói Tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Trong những hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột bạo liệt bi ai các nhân vật chính diện của Tuồng đã vươn lên thoát khỏi sự chế ngự của hoàn cảnh hành động một cách dũng cảm anh hùng, trở thành một tấm gương, một bài học cho người đời ngưỡng mộ noi theo.

Tuồng thuộc dòng sân khấu tự sự phương Ðông. Phương thức phản ánh đã đẻ ra thủ pháp và phương tiện biểu diễn Tuồng. Trong quá trình tái hiện cuộc sống Tuồng không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần. Tả thần là biện pháp nhằm lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết ấy không gây được hiệu quả nghệ thuật. Ðể lột tả được cái thần của nhân vật Tuồng dùng thủ pháp khoa trương cách điệu. Tất cả những lời nói, động tác hình thể sự đi lại trên sân khấu Tuồng đều được khoa trương và cách điệu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể. Tuồng có một hệ thống những điệu hát và những hình thức múa cơ bản mang tính chất mô hình. Người diễn viên tuồng căn cứ vào hoàn cảnh và tính cách nhân vật mà vận dụng linh hoạt những mô hình đó cho phù hợp. Ðặc trưng của khoa trương cách điệu còn được thể hiện trong âm nhạc, hoá trang, sự hình thành các kiểu mặt nạ hoá trang chủ yếu là sự khoa trương cách điệu đường nét , nếp nhăn trên khuôn mặt người. Quá trình khoa trương cách điệu trong Tuồng đều theo luật chi phối của luật âm dương.

Cùng với khoa trương cách điệu, Tuồng còn dùng thủ pháp biểu trưng ước lệ nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể cuốn hút khán giả cùng tham gia vào sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn viên. Một chiếc roi ngựa có thể thay thế cho một con ngựa, chiếc mái chèo thay cho con thuyền, vài người lính có thể thay thế cho cả một đạo quân, một vòng đi quanh sân khấu có thể thay cho vạn dặm đường trường.

Khác với sân khấu hiện thực tâm lý, Tuồng rất ít bài trí sân khấu. Không gian sân khấu thường được bỏ trống, người diễn viên xuất hiện thì không gian, thời gian cũng xuất hiện. Nhân vật hành động trong không gian, thời gian nào thì sân khấu là không gian, thời gian đó. Thuở trước các gánh hát Tuồng chỉ cần chỉ có một chiếc chiếu trải giữa sân đình và đôi ba cái hòm gỗ đựng đạo cụ phục trang vậy mà họ vẫn diễn tả được không gian thời gian khác nhau, khi là trốn cung điện nguy nga, lúc là nơi núi rừng hiểm trở...
Tuồng vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của san khấu hiện đại. Yếu tố cổ điển biểu hiện ở chỗ tất cả những điệu hát, điệu múa được đúc kết trở thành khuôn vàng thước ngọc, hiện đại ở chỗ người diễn viên biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí, Tuồng là loại sân khấu tổng thể. ở đây các yếu tố ca, vũ nhạc được pháp triển một cách hài hoà trong nghệ thuật biểu diễn.
Dàn nhạc Tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ trong biểu diễn của diễn viên. Trong dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ: (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn); bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...)bộ gảy: (tam, tứ, nguyệt...).

Tuồng - một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam ẩn chứa những giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc, những giá trị nghệ thuật mang tính chất bền vững. Tuồng đã và sẽ còn là những người bạn tri âm, tri kỷ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam.


Nghệ thuật chèo

Cái nôi của sân khấu chèo là đồng bằng Bắc bộ, địa bàn phổ biến là từ Nghệ Tĩnh trở ra. Khởi đầu chèo bằng hình thức trò nhại, trò diễn xướng dân gian từ thế kỷ XI. Lúc đầu xuất hiện ở các làng quê, dần trở thành một loại hình sân khấu tiêu biểu của người dân đồng bằng Bắc bộ.
Xưa kia phường chèo do một ông trùm cầm đầu đi diễn ở các thôn, xã. Mỗi phường chèo chỉ khoảng mươi mười lăm người kể cả nhạc công mà bộ gõ chiếm vị trí quan trọng. Người đóng trò gồm đào, kép, lão, mụ, hề. Có khi chỉ cần một đào, một kép, một hề xuất sắc là nổi đình nổi đám. Tính chất ước lệ của sân khấu chèo không chỉ thể hiện ở diễn xuất mà cả về trang trí. Chẳng có phông màn chỉ có một tấm vải nhuộm màu ngăn đôi buồng trò và sàn diễn. Hai chiếc chiếu trải ở giữa, khán giả ngồi vây ba mặt, đó là sân khấu chèo ở sân đình. buổi diễn thường mở đầu bằng điệu hát vỡ nước, một hồi trống dung lên, một người ra giáo đầu, buổi diễn kết thúc có hát vãn trò và trống dã đám.
Chèo thuộc loại sân khấu tự sự (kể truyện). Giữa người xem và người diễn có sự giao lưu khăng khít. Người xem dễ theo dõi. Cũng như sân khấu tuồng, ở đây trống chầu giữ vai trò đặc biệt. Trống chầu do một người có vai vế, uy tín hoặc tay sành sỏi điều khiển, để cầm trịch buổi diễn, để tỏ ý thưởng phạt, giám định diễn xuất của đào, kép.
Nghệ thuật chèo bao gồm múa, hát, âm nhạc và văn học trong tích trò. Văn chèo đậm màu sắc trữ tình của ca dao, tục ngữ, tràn đầy tính lạc quan trong những cái cười dân dã, thông minh, hóm hỉnh và không kém phần trí tuệ. Tính nhân văn trong các vở chèo rất rõ nét. Quyền con người, thiện thắng ác luôn được đề cập, được khẳng định. Các vở chèo cổ bao giờ cũng kết thúc có hậu theo truyền thống phương Ðông. Nhiều vở được xếp vào vốn quý của sân khấu cổ truyền dân tộc.
Từ khi ra đời đến nay, tiếng trống chèo vẫn có ma lực cuốn hút bao thế hệ khán giả, không thể tuổi tác, địa vị xã hội hay hay quốc tịch. Nhưng có giai đoạn sân khấu chèo đã trải qua những khó khăn tưởng trừng không đứng vững nổi. Giờ đây, sân khấu chèo đang được khôi phục nhằm giữ gìn và bảo tồn một loại hình nghệ thuật đậm đàn bản sắc dân tộc.

Kend - dactrung.net
Việt Dương Nhân
#5 Posted : Wednesday, January 19, 2005 11:49:44 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

CA TRÙ, HÁT THƠ
VIỆC KHÔI PHỤC ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG


Ca trù là một loại hình nhạc thính phòng rất độc đáo của Việt Nam. Đó là thú chơi rất tao nhã của những người yêu thơ hoặc của những nhà thơ muốn thưởng thức những tác phẩm thơ do chính mình sáng tác. Vì vậy, yêu cầu người hát ca trù phải tròn vành rõ chữ và tiêu biểu thể thơ của hát ca trù là hát nói tức hát như nói, có nghĩa ca từ rất quan trọng. Cũng chính vì thế mà ca trù có mối quan hệ - giao lưu rất đặc biệt giữa người thưởng thức ca trù với người ca.

Chính những người nghe có thể đánh trống để thưởng hay phạt những chữ, những câu thơ hay cả bài thơ được người ca hay hoặc dở. Những người thưởng trước hay sau hoặc ngay chính vào tiếng hát ấy. Có khi hai, ba tiếng chát liền (chát lèo). Song không nên thưởng bằng tiếng trống ngay vào tiếng hát vì như thế là đánh trống "lấp khẩu". Nếu tiếng chữ rất hay mà có cách nhau, còn có điểm trống được thì điểm một tiếng trống hai tiếng chát (tiếng trống có thể ngay chữ và tiếng chát trước và sau chữ (chầu chánh điện). Hoặc điểm một tiếng chát điểm ngay chữ ấy, hai tiếng trống trước và sau chữ (chầu xuyên tâm). Hết câu thì điểm chát một tiếng rồi điểm luôn hai, ba, bốn tiếng trống (chầu tranh tiên, phi nhạn, hay thượng mã). Hết bài hát, điểm năm ba tiếng trống đó là chọn bài hát hay. Hoặc nếu chê thì điểm năm, sáu, bảy tiếng, rồi chát một tiếng sau hết, ý nói đuổi ra không cho hát nữa !

Người cầm chầu cũng là người cầm chịch buổi hát. Thường người chủ trì đánh tiếng trống đầu rồi nhường cho những bạn đánh tiếp. Trước hết, đánh chát một hồi 12 tiếng, rồi ba tiếng trống để cho đào kép sửa đàn, phách. Lại đánh ba tiếng trống để gọi tới chỗ hát. Đến rồi, đánh hai tiếng là giục cho hát lên. Hoặc đánh hai tiếng trống, một tiếng chát là giục phải đến ngay! Người cầm chầu cũng phải biết cầm roi chầu (như cầm quản bút song ngược chiều), cử động cổ tay thôi chứ đừng cử động cả cánh tay, không được vung roi chầu quá mang tai, phải biết bịt rìa trống để có lúc đừng cho nghe rõ tiếng boong boong. Kỵ nhất là để trống ngay giữa mặt và khi đã đánh rồi không nên đổi mặt trống! Gõ thì gõ vút đầu roi chứ đừng gõ giữa roi. Cách ngồi cũng phải ung dung tự tại. Lối đánh chầu đứng đắn thì phải thưa thớt và ít tiếng. Đánh chầu cũng như viết văn, làm thơ, phản ánh tính cách của một người, khi nghiêm trang, khi chậm chạp, khi nhanh nhẹn, láu táu, vội vã,...

Đó chỉ mới nói đến tinh vi của người thưởng thức còn người hát gõ phách cũng như người đàn càng phải điêu luyện gấp bội phần. Kép đàn với cây đàn đáy ba dây, dài độc đáo chỉ có ở Việt Nam, cùng với đào nương hát, gõ phách, làm thành một ban nhạc thính phòng rất độc đáo. Độc đáo hơn nữa khi người hát không mở miệng ra mà ngậm miệng lại, ém hơi, đổ hội ngân nga (ư... chứ không phải... i... như hát chèo !)

Ca Trù độc đáo đã được thế giới biết tới và đã được Diễn Đàn Âm Nhạc Châu Á ở Bình Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên), năm 1983 đánh giá là một trong chín tiết mục xuất sắc nhất.

Còn "hát thơ" cũng độc đáo không kém! "Hát thơ" ở đây muốn gọi là hát những vần thơ, nhất là thơ lục bát. Ngoài thể loại ca trù, còn có hàng trăm điệu ca, hát, từ ru, hò, hát dân ca ba miền, đến các điệu ca cổ như hát chèo, chầu văn, ca Huế, Bài chòi, tài tử Nam Bộ,...

Nước nào trên thế giới cũng có thơ. Thường thì chỉ đọc, có nước ngâm thơ và muốn hát phải được nhạc sĩ phổ nhạc. Còn ở Việt Nam, thơ nào cũng có thể hát ca trù được và thơ lục bát lại rất độc đáo, có thể hát hàng trăm điệu khác nhau mà không cần nhạc sĩ phổ nhạc. "Hát Thơ" dĩ nhiên là phải chú trọng tới ca từ. Người hát cũng phải tròn vành rõ chữ để người nghe có thể thưởng thức từng chữ, từng câu, từng bài thơ hay.

Điều rất quan trọng là trường hợp các cấp ở Việt Nam đều có học thơ trong môn văn hay ngữ văn. Âm nhạc là hồn của dân tộc, ấy vậy mà ít được giới trẻ quan tâm! Việc đem âm nhạc truyền thống vào trường học là việc làm rất đứng đắn và hệ trọng. Điều đáng tiếc là hệ thống đào tạo âm nhạc truyền thống ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Vì thế, trước mắt, qua môn văn hoặc dưới mô hình "hát thơ" ở chính khóa hay ngoại khóa sẽ giúp giới trẻ tiếp cận ca trù - hát thơ được dễ dàng. Tiếp cận nó thì mới hiểu nó. Từ hiểu mới biết yêu, quí trọng. Từ đó, bảo tồn và phát huy vốn quý của dân tộc được lưu tâm hơn.

Câu Lạc Bộ Ca Trù Đại Học Hùng Vương đã thí nghiệm "Hát Thơ" ở nhiều nơi với nhiều hình thức khác nhau, như xen hát thơ trong các buổi ca trù mừng thọ Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê, giao lưu với Câu Lạc Bộ Văn Học của trường Hoàng Lệ Kha (Tây Ninh), giao lưu với Câu Lạc Bộ Tiếng Hát Quê Hương (chương trình Hoa Quê Hương 7) tại Cung Văn-Hóa Lao Động, nhất là chính thức trong chương trình Hát Ca Trù và Hát Thơ đầu tiên vào ngày 25 tháng4 năm 2002 tại Câu Lạc Bộ Doanh Nghiệp Việt Kiều (khách sạn Equatorial). Viết cảm tưởng trong sổ lưu bút trong đêm hát thơ trên, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã ghi rằng: "Đêm Ca Trù và Hát Thơ thú vị đến sửng sốt".

Bao giờ những nét độc đáo của văn-hóa Việt Nam như ca trù và hát thơ được giới trẻ Việt Nam biết tới, yêu nó, quí trọng nó và phát huy nó? Đó là vấn đề được Câu Lạc Bộ Ca Trù Đại Học Hùng Vương nêu lên. Câu trả lời xin dành cho tất cả mọi người Việt Nam, nhất là người có trách nhiệm của ngành giáo dục và văn hóa.

Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Nhã
Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Ca Trù
Đại Học Dân Lập Hùng Vương


"THI CA" CHỈ MỚI NỬA ĐƯỜNG...

Một thương, hai nhớ, ba sầu
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi...

Dòng thơ ấy được cô Thúy Hồng hát theo điệu ru Quảng Nam, sau đó lặp lại theo thể điệu bài chòi Nam Trung bộ.

Qua cầu ngả nói trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp, dạ sầu bấy nhiêu...

Lục bát này cô Hồng Vân lúc hát thành Lý tựa song đào, lúc chuyển sang Lý Tình Tang Huế, ấy là chưa kể còn được anh Vũ Văn Dự trổ thành câu hát dọc, cờn của chầu văn.

Chỉ đảo chữ, thêm chữ, thêm nhịp... thì sự nguyên sơ của...

"Ước gì anh hóa ra chăn...
Để cho em đắp, em lăn, em nằm..."

được mang một đời sống khác - lung linh, huyền diệu. Thơ càng thơ, bởi nhạc chắp cánh.

Ấy là đêm "Hát Thơ" vào một buổi tối đầu tháng sáu năm 2002 tại làng du lịch Bình Qưới. Hàng trăm chiếc đèn thả trên hồ. Hàng chục đèn dầu và ngọn nến trên sân khấu. Ánh sáng trang nhã, huyền ảo. Giáo Sư Trần Văn Khê phát biểu: "Trong từ điển nghệ thuật Việt Nam rồi đây có thể sẽ có một thuật ngữ mới: Hát Thơ!" Đây không phải ca Huế, ca trù, chầu văn, không hẳn bài chòi, ca tài tử Nam bộ; mà chỉ mượn một số làn điệu từ kho tàng âm nhạc truyền thống để phổ nhạc cho thơ.

Một mặt, hát thơ có thể là phương tiện "đưa âm nhạc truyền thống vào trường học" - giữa một thực trạng rất qua loa trong giáo dục âm nhạc tại học đường. Mặt khác, "trường học các cấp ở Việt Nam đều có học thơ trong môn văn hoặc ngữ văn. Mô hình hát thơ - chính khóa hoặc ngoại khóa - sẽ giúp giới trẻ tiếp cận sâu hơn trong khi học, nghiên cứu văn-học", như ý tưởng của thầy Nguyễn Nhã (chủ nhiệm CLB Ca Trù ĐH Hùng Vương) nêu ra. Cô Hoàng Kim Oanh (Cao đẳng Sư Phạm) cho biết: "Tôi là giáo viên văn, đến dự đêm hát thơ này mới hiểu cụ thể hơn những gì trên giáo án lý thuyết. Mong là sẽ còn nhiều cơ hội học hỏi và đưa loại hình này đến với các học sinh của tôi "

Học đường Việt Nam xưa nay, giới học sinh, sinh viên vẫn thường được nghe giảng về kho tàng thi ca, thế nhưng trong thực tế chỉ có thi mà quên bẵng ca. Sự khập khiễng này phải chăng có dây mơ rễ má với quan niệm từ chương "trọng văn khinh nghệ" đã ăn vào vô thức...?
Gỡ bỏ một tập quán là khó. Thôi thì... cứ biết rằng, như cảm xúc của cô Trần thị Nhật Thanh (Cao Đẳng Sư Phạm) bày tỏ về đêm hát thơ: Lặng nghe như tiếng ngàn xưa vọng về ...

Nguyên Chương
Tuổi Trẻ
Thứ Bảy 15-6-2002

Ca Trù

Một loại hình ca nhạc chuyên nghiệp có nguồn gốc cung đình; được diễn xướng như hình thức ca nhạc thính phòng; có cấu trúc âm nhạc chặt chẽ, phần lời ca hầu hết là sáng tác của các nhà văn; một loại hình văn nghệ bác học ở cung đình và đô thị thời trung đại, đã dân gian hóa; từ thời thuộc địa dần dần bị biếng dạng và suy đồi.

Ca trù bắt nguồn tù các lối ca vũ cung đình, ban đầu vốn mô phỏng nền ca vũ cung đình Trung Hoa, và trong quá trình phát triển đã thu hút vốn ca hát dân gian dân tộc, đồng thời tiếp thu cả những yếu tố du nhập từ ca vũ Chàm.

Các vương triều, ít nhất tù triều Lý (thế kỷ XI) đến triều Nguyễn, đều cho lập ban nhã nhạc (dùng khi tế tự giao miếu) và ban nữ nhạc (dùng trong khánh tiếp, tiếp sứ, yến tiệc...), đặt chức quan coi việc trong triều, tuyển lựa nhạc công, ca nữ... Dưới ảnh hưởng trực tiếp của triều đình, đã sớm hình thành phường nghề, làng nghề của giới ca nhân và nhạc công. Nghệ nhân ca trù sống tập trung trong các làng các phố, nơi ấy gọi là "giáo phường", lại cũng được gọi là "làng ả đào" hoặc "phố cô đầu". Năm 1025 vua Lý Thái Tổ đặt chức quản giáp cho giới ca nhi; quản giáp được quan cấp bằng và hoạt động như người thừa hành công việc của chính quyền trong giới con hát. Các đào và kép trong mỗi phường chọn lấy một họ, ví dụ: họ Tam, họ Ngàn, họ Thiên, v. v...; họ này được đặt trước tên riêng và chỉ dùng trong giáo phường mà thôi. Những con hát thuộc dòng họ có tiếng tăm thì gọi là "cô đào nòi".

Hát ca trù có rất nhiều tên gọi: hát nhà trò, hát nhà tơ, hát cửa quyền. Ca sĩ được phân biệt: nữ gọi là "đào", nam là "kép"; vai trò giọng nữ thường nổi bật nên hát ca trù được gọi là "hát ả đào", rồi vì kiêng chữ "đào" nên chệch thành "hát cô đầu". Người nghe hát được gọi là "quan viên". Quan viên thời trước thường là bậc phong lưu, tao nhân mặc khách, sành âm luật, vũ đạo, thể cách, v.v... nên tham dự không phải là thính giả thụ động, ngược lại quan viên được cầm chầu, đánh trống thưởng cho các chỗ hay trong cuộc hát. Tiếng trống của người quan viên cầm chầu trở thành một bộ phận hữu cơ của cuộc hát.

Ca trù có rất nhiều làn điệu, các làn điệu được chi tiết hoá cho từng bài hát, từng lối hát. Bộ nhạc khí dùng cho ca trù gồm phách, đàn và trống. Cô đào vừa hát vừa tự đệm bằng phách và sênh, người kép gảy đàn đáy, còn quan viên đánh trống (cầm chầu).

Có ba lối hát chính: hát chơi, hát cửa đình, hát thi. Hát chơi là lối hát tiến hành ở tư thất (nhà quan viên hoặc nhà của nhà trò); phong cách hát chơi là "khuôn vơi diệu vợi", vẫn theo khuôn khổ nhưng tự do hơn. Hát cửa đình (hát cửa quyền) là lối hát trong lễ tế thần hoàng làng. Hát thi là lối hát khảo hạch tài năng của đào kép.

Giới đào kép trong các giáo phường có lệ hát tế tổ cô đầu vào 11 tháng Chạp Âm Lịch. Tổ cô đầu là Bạch Hoa công chúa, tương truyền là một phụ nữ ở Thanh Hoá, sống vào đời Lê sơ, vốn bị tật câm điếc, sau được Đinh Lễ (quê làng Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, một làng ả đào có tiếng) chữa cho rồi dạy đàn và cưới làm vợ. Bà dạy cho con cái đàn hát ca múa. Truyền thuyết cho rằng Đinh Lễ về sau theo tiên, còn Bạch Hoa thì vô bệnh mà chết. Dân làng Cổ Đạm lập đền thờ, gọi là đền thờ Tổ cô đầu, cũng gọi là đền thờ Bạch Hoa công chúa (do tên tổ, người trong giáo phường kiêng nói các chữ: Bạch, Hoa, Lễ).

Ca trù băt nguồn từ ban nữ nhạc trong cung vua. Kế đó dân gian tìm ca nhi đến hát để tế thần hoàng. Sau đó quan lại tìm ca nhi, đào kép về tư dinh hát trong các buổi tiệc tùng. Cuối cùng, một só tư nhân cũng bắt chước quan lại tìm đào kép tới nhà riêng ca hát những dịp mừng thọ hay khao vọng. Đó là bốn loại "môi trường diễn xướng" (cũng là tính chất của thính phòng) tiêu biểu trong lịch sử ca trù: cung vua - đền thần - dinh quan - tư gia.

Từ sơ khởi, các điệu hát còn ít, cho đến lúc cực thịnh, ca trù đã có hơn bốn chục điệu hát. Ở thời sơ khởi, phần lời hát còn mang tính phụ trợ cho âm nhạc, ít đặc sắc văn chương. Sau khi vua Lê Thánh Tông cho lập hai bộ Đồng văn, Nhã nhạc, đặt quan Thái thường coi việc âm nhạc (1471), có thể coi là về đại thể, âm luật của ca trù đã ổn định. Từ đây nỗ lực sáng tạo dồn vào phần văn chương của lời hát. Ca trù đạt tới cực thịnh dưới triều Nguyễn, gắn với sự phát triển của thơ Nôm nói chung. Việc sáng tác bài hát cho ca trù đã làm này sinh một thể thơ mới là thể hát nói (thể thơ này sẽ là cơ sở quan trọng cho cuộc cách tân câu thơ tiếng Việt những năm 30 - 40 của thế kỷ XX), với những tác phẩm kiệt xuất của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, v.v...

Từ cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, trong xu hướng đô thị hoá dưới thời thực dân, hát ca trù bước vào giai đoạn suy tàn. Các cô đầu đua nhau ra tỉnh mở nhà hát; số quan viên đi coi hát như thú chơi tinh thần tao nhã giảm đi; các "cô đào hát" ít dần trong khi ở nhà hát xuấn hiện ngày một nhiều những "cô đào rượu" không biết hát, chỉ biết hầu rượu tiếp khách; "quan viên" trở thành khách làng chơi, xem nhà hát như nơi hành lạc. Ca trù từ một nghệ thuật thượng lưu biến thành một kỹ nghệ, từ một thú chơi tinh thần tao nhã biến thành một trò tiêu khiển tầm thường. Thật ra, ngay từ đầu, ca trù đã tạo sức hấp dẫn từ cả ba yếu tố: nhạc, thơ, thanh sắc. Đến đoạn cuối, yếu tố sắc dục trở nên lấn át. Cho đến sau 1945, muộn nhất là sau 1954, hát ca trù vớ tư cách một loại hình sinh hoạt ca nhạc, đã biến mất.
Nhưng các điệu hát ca trù, các tác phẩm văn học đã được tạo ra cho hát ca trù vẫn là phần di sản ưu tú còn lại của truyền thống văn hoá dân tộc.

Những năm 90 của thế kỷ XX đã cho thấy có một vài nỗ lực khôi phục hát ca trù; những hoạt động này nằm trong cố gắng vãn hồi để bảo tồn những phương diện được xếp vào loại hình "văn hoá phi vật thể" (như các điệu ca, cách thức trình diễn...) mà ca trù là một trong những thể loại được quan tâm. Tuy nhiên, trong thời sống hiện đại, rất khó dự tính khả năng ca trù có thể "sống lại" như một loại sinh hoạt ca nhạc có công chúng đông đảo."

dactrung.net
Phượng Các
#6 Posted : Saturday, February 5, 2005 12:06:58 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Chị VDN,
Chị hát cải lương nhưng chị có nhớ các bản nhỏ trong một bài cải lương hát như thế nào không? Thí dụ Lý Con Sáo, Khóc Hoàng Thiên, Xàng Xê, Lưu Thủy Hành Vân, Bình Bán, v...v... Như vậy khi người ta muốn tìm hiểu nghành cổ nhạc VN thì sẽ dễ dàng hơn.

Việt Dương Nhân
#7 Posted : Sunday, February 6, 2005 1:26:21 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Phía bên Topic Cải Lương của 7, có để mấy bài bản nhỏ rồi đó PC. 7 có 1 tập nhiều bài bản "nhỏ" lắm, Chị Ca Sĩ Mỹ Hòa tặng hồi năm 1986 do nhạc sĩ Mười Phú biên soạn - mà 7 "lười" đánh máy vô Word quá hè - từ từ 7 sẽ gõ cho vô hết.
Chúc PC vuiKissesRose
Phượng Các
#8 Posted : Monday, February 7, 2005 6:44:27 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Chị VDN ơi,
Nhưng vấn đề là ca nhạc thì phải nghe mới biết chị ạ, hay là chị thu âm theo kiểu như Nhân Ái, Ngọc dung đang đọc truyện chị đó, rồi gắn lên đây. Thí dụ: bài Xàng Xê chị cho thiên hạ nghe điệu hát như thế nào là Xàng Xê đó chị. Chị biết cách thu Audacity hay không? Sẽ hướng dẫn chị download để chị thu âm!

Tonka
#9 Posted : Monday, February 7, 2005 12:11:10 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,649
Points: 1,542

Thanks: 95 times
Was thanked: 204 time(s) in 192 post(s)
Mấy cái này được thu âm thì hay lắm đó mấy chị Approve. Trên đài Little Saigon có chương trình Thanh Âm Trìu Mến do lão nghệ sĩ Việt Hùng chủ trương rồi sau đó là do nghệ sĩ Chí Tâm với cô Chu Ly phụ trách. Nghệ sĩ Chí Tâm cũng có nói về những loại nhạc này đó. Rất đông người hưởng ứng, rất là hào hứng đó. Càng ngày càng được nghe mấy cái bài này thì thấy nó càng thấm đó nghe Wink
Vũ Thị Thiên Thư
#10 Posted : Monday, February 7, 2005 9:55:57 PM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,033
Points: 2,430
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
quote:
Gởi bởi Việt Dương Nhân

Phía bên Topic Cải Lương của 7, có để mấy bài bản nhỏ rồi đó PC. 7 có 1 tập nhiều bài bản "nhỏ" lắm, Chị Ca Sĩ Mỹ Hòa tặng hồi năm 1986 do nhạc sĩ Mười Phú biên soạn - mà 7 "lười" đánh máy vô Word quá hè - từ từ 7 sẽ gõ cho vô hết.
Chúc PC vuiKissesRose



Chị
Miền Tây thì gọi là Bản Vắn để phân biệt với Vọng cổ sáu câu.Thuở nhỏ thường được nghe, Chị Cho lên nghe lại thì hay quá chừng
Phượng Các
#11 Posted : Tuesday, February 8, 2005 12:22:07 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
quote:
Gởi bởi vuthithienthu
[Miền Tây thì gọi là Bản Vắn để phân biệt với Vọng cổ sáu câu.

Cám ơn chị VTTT cho biết cái tên hay được gọi. PC không biết cái tên này, đành gọi đại như vậy, gọi từ hồi bên DT khởi thủy. Mà đã đi tìm hiểu từ hồi bên Việt báo. Càng ngày thì nhiều người có kiến thức càng nhập cuộc vào internet nên các kiến thức xưa có dịp khơi dậy. Thật quý hóa!



Việt Dương Nhân
#12 Posted : Tuesday, February 8, 2005 7:44:37 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Chòy ui ! Phượng Các ui ! 7 biết những bài bản nhỏ qua quyển sách... của Mười Phú - chớ 7 không ca nổi nữa.
7 có băng K7 đờn nhiều bài bản "nhỏ". Nhưng không có lời hát - do cô Mai Liên "xướng ngôn viên - TV VN hồi trước 75 giới thiệu). Nhưng 7 không có máy (đặc biệt) thâu bỏ vào máy PC.
ok, chúc PC vui vẻ đón Giao Thừa nhen.
KissesRosebeerchug
Phượng Các
#13 Posted : Tuesday, February 8, 2005 12:31:41 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Chị VDN ơi,

Vào đây chúc mừng năm mới chị đây. Kính chúc chị năm sau vẫn vui nhiều, cười nhiều, gia quyến được vạn sự an lành, và sáng tác được nhiều thơ, văn, nhạc, truyện tiếu lâm....

Kính thân,



Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.