Múa Dân Gian
Múa dân gian là hình thái múa phổ biến của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Múa dân gian là do dân chúng sáng tạo được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Múa dân gian được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Nó tiêu biểu cho bản sắc văn hoá của từng cộng động và là cơ sở để phát triển các hình thái múa khác.
Mỗi tộc người đều có những điệu múa dân gian đặc trưng của mình. Người Việt có múa rồng, trống, sênh, mõ, sư tử...; người Mường có múa sạp, chàm đuống, chàm thau...; người Tày có múa quạt, nhạc, giã gạo...; người Thái có múa xoè, nón, nhạc, khăn, xoè vòng...; người Kh'mer có múa Xayăm, mạt nạ, rồm vông...; người Chăm có múa quạt Pì diền, chà prông, đoa pụ...; người Ê Đê có múa khiên, trống...; người Bana có múa khiên, soang...; người Katu có múa Katu...
Nghệ thuật múa cung đình Kh'mer Nam bộ
Nền văn hóa Kh'mer Nam Bộ tiêu biểu là nghệ thuật múa, tuy chịu ảnh hưởng văn hóa ấn Ðộ, nhưng mang đậm nét dân tộc và những sáng tạo độc đáo góp vào vườn hoa nghệ thuật "muôn hương ngàn sắc" của các dân tộc Việt Nam. Múa Kh'mer xuất hiện rất sớm với loại hình sân khấu Rơbăm - loại kịch hát cổ điển, nhưng lấy nghệ thuật múa làm ngôn ngữ chủ đạo để diễn tả tâm trạng, tình huống, tuồng tích. Rơbăm phần lớn là những cốt chuyện mang truyền thuyết thần thoại cho nên múa càng có điều kiện phát huy một cách mạnh mẽ ở loại hình sân khấu này.
Ra đời muộn hơn là kịch hát Dukê. Nghệ thuật múa ở đây không còn giữ vai trò chủ đạo như Rơbăm nhưng đã bắt đầu phát triển chiều hướng diễn tả tâm trạng mang tính mô phỏng, rồi nâng lên với tính cách được ước lệ cao, như diễn tả những con thú: chim thần (Krud), chằn (Yeak), rắn thần (Naga), khỉ (Hanuman), rồng (Phuchông)... Ðộng tác được hệ thống, qui nạp mang tính khoa học, mực thước, như con khỉ có 12 động tác: cười, lạy, gãi, khóc, nhảy, âu yếm, đau khổ...
Kho tàng múa Kh'mer Nam Bộ hình thành hai hình thái rõ rệt, đó là hình thái múa cung đình và hình thái múa dân gian. Hình thái múa cung đình đã trở thành loại múa có bài bản, chuẩn mực, có hệ thống cơ bản, có trường dạy nghề hoặc có thầy chỉ giáo từ nhỏ (từ 6 - 7 tuổi).
Nghệ thuật múa cung đình đòi hỏi ở người diễn viên sự khổ luyện rất cao. Từ hình thể, tay, chân đến nụ cười ánh mắt đều phải tập theo những chuẩn mực cổ điển. Tất cả những chi tiết cụ thể là chuẩn mực cơ bản để đánh giá đẳng cấp của nghệ sỹ. Múa cung đình phần lớn là nữ, những nhân vật nam cũng chính là nữ đóng. Múa cung đình tuyến đơn giản, tiết tấu chậm rãi, khoan thai, sâu lắng, chủ yếu dùng hình tượng cơ thể để khắc họa tâm trạng như múa: chim thần (Krud), tiên (Kennâr), Apsara, dâng hoa... Còn có những loại múa lâu đời đậm màu sắc tôn giáo như múa lên đồng (arak), có những loại múa trong đám cưới (râmbơk bông, râm bơk phka sla, rambô kântel...). Từ những diễn tả tâm trạng bằng hình tượng cơ thể, dần dần những động tác múa được qui nạp chuẩn mực, quán xuyến như một đặc trưng đậm bản sắc.
Có thể nói múa cung đình Kh'mer Nam Bộ từ ngón tay cho đến gót chân đều có tiếng nói riêng.
Nếu như múa cung đình mực thước, trang trọng mang tính cổ kính bao nhiêu thì múa dân gian ngược lại bấy nhiêu, thoải mái, lạc quan, yêu đời và luôn có chất hóm hỉnh: Múa Sarikakeo, Râmvông, Saravan... là những điệu múa rất phổ biến, đã là người Kh'mer ai cũng biết múa, đặc biệt là thanh thiếu niên, họ múa trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, liên hoan, bất kỳ nơi đâu chỉ cần có tiếng kèn và nhịp trống nổi lên là ở đó có múa. Múa trống Xadam cũng là điệu múa dân gian có từ xa xưa.
Trong thực tế, thỉnh thoảng múa dân gian đã tiếp thu tinh hoa đặc sắc từ những động tác cung đình rồi biến hóa theo tiết tấu và hòa nhuyễn vào không khí của tác phẩm với nội dung phản ảnh cuộc sống, làm cho nó trở nên nhanh nhẹn, vui vẻ như múa "gáo", "xúc tép" (Saneng).
Hiện nay múa của tộc người Kh'mer Nam Bộ đã phát huy một cách mạnh mẽ, không chỉ về thể loại, số lượng mà cả chất lượng, không chỉ với những đề tài cổ thần thoại, truyền thuyết mà cả những đề tài ca ngợi cuộc sống hiện tại. Và nền nghệ thuật múa độc đáo ấy không dừng lại với những tác phẩm đơn lẻ mà gần đây đã xuất hiện kịch múa với những cốt truyện hấp dẫn đã được đánh giá cao (huy chương Vàng) trong hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.
Kho tàng múa tộc người Kh'mer Nam Bộ là vô tận, nó luôn có mặt bất cứ ở phum, sóc, làng, xã nào nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Kh'mer vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhạc võ Tây Sơn
Nhạc võ Tây Sơn gắn với lò võ nổi tiếng của người Việt ở Bình Ðịnh. Tương truyền loại nhạc này do ba anh em người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đặt ra cho quân khởi nghĩa luyện võ. Với một bộ trống 17 chiếc, người tập võ sẽ dùng hai tay để đánh 12 chiếc, còn lại 5 chiếc đánh bằng đầu, 2 gót chân và 2 khuỷu tay. Người tập võ đánh được 17 trống được xem là "võ thuật như thần".
Sau khi ba Ngài mất, mỗi dịp tế lễ để tưởng niệm những vị anh hùng đã lãnh đạo quân sĩ quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, nhân dân ở quê các Ngài vẫn đánh trống võ. Nhạc võ Tây Sơn gồm 4 bài: Xuất quân, Hành quân, Hãm quân, Khải hoàn. Nó đã trở thành một loại nhạc lễ trong di sản nghệ thuật của người Việt Nam.
Nhạc cưới cổ truyền của người Khmer
Ca nhạc là một phần không thể thiếu trong đám cưới cổ truyền của người Khmer ở Nam bộ cũng như của nhiều tộc khác ở Việt Nam.
Ngày nay, lễ cưới của người Khmer ở Nam bộ đã có nhiều đổi thay, song những bài hát cưới cổ truyền vẫn còn được lưu giữ trong nhân dân.
Các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được hàng chục bài hát lễ thức dành riêng cho đám cưới và những bài dân ca thông thường được sử dụng cho đám cưới thêm vui tươi. Tập hợp những bài đã sưu tầm được có thể dựng nên một liên ca khúc phản ánh mọi nghi thức của đám cưới cổ truyền Khmer từ lúc đưa chú rể sang nhà gái, xin mở rào để vào nhà gái, bắt đầu cuộc vui, các lễ thức cắt tóc, giã thuốc nhuộm răng, cắt hoa cau để làm lễ rắc hoa cau cho cô dâu chú rể, lễ rút gươm khỏi bao, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ lạy mặt trời, lễ nhập phòng, lễ quét chiếu, lễ chào cha mẹ họ hàng... cho tới khi tiễn khách ra về.
Ca nhạc trong lễ hội Rija
Rija là tên chung mà người Chăm dùng để gọi rất nhiều lễ hội liên quan tới nông nghiệp hoặc dòng họ... như Rija Prong, Rija Nưgar, Rija Yâup...
Ðến với các lễ hội Rija là đến với các điểm ca nhạc cổ truyền phong phú nhất của người Chăm. ở đây người dự hội sẽ gặp những nhạc cụ tiêu biểu, rất phổ biến trong âm nhạc Chăm hiện nay: trống baranưng, trống đôi kinăng, kèn saranai và đàn kanhi bằng mu rùa.
Ngoài những điệu hát lễ, những điệu kèn saranai và trên 50 điệu trống kinăng đệm cho các điệu múa phục vụ nghi thức cúng lễ trong đó có múa đạp lửa độc đáo, người dự hội còn được thưởng thức điệu hát Vãi chài với nhịp điệu khoẻ khoắn và tính diễn xướng đầy hấp dẫn trong đêm kết thúc lễ hội Rija Prong. Nó góp một tiết mục đặc sắc vào thể loại hò hát trong lao động hoặc có nguồn gốc lao động hết sức phong phú của cư dân ở Việt Nam.
Nghệ thuật Tuồng
Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ XVIII Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn.
Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương... Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của Tuồng. Có thể nói Tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Trong những hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột bạo liệt bi ai các nhân vật chính diện của Tuồng đã vươn lên thoát khỏi sự chế ngự của hoàn cảnh hành động một cách dũng cảm anh hùng, trở thành một tấm gương, một bài học cho người đời ngưỡng mộ noi theo.
Tuồng thuộc dòng sân khấu tự sự phương Ðông. Phương thức phản ánh đã đẻ ra thủ pháp và phương tiện biểu diễn Tuồng. Trong quá trình tái hiện cuộc sống Tuồng không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần. Tả thần là biện pháp nhằm lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết ấy không gây được hiệu quả nghệ thuật. Ðể lột tả được cái thần của nhân vật Tuồng dùng thủ pháp khoa trương cách điệu. Tất cả những lời nói, động tác hình thể sự đi lại trên sân khấu Tuồng đều được khoa trương và cách điệu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể. Tuồng có một hệ thống những điệu hát và những hình thức múa cơ bản mang tính chất mô hình. Người diễn viên tuồng căn cứ vào hoàn cảnh và tính cách nhân vật mà vận dụng linh hoạt những mô hình đó cho phù hợp. Ðặc trưng của khoa trương cách điệu còn được thể hiện trong âm nhạc, hoá trang, sự hình thành các kiểu mặt nạ hoá trang chủ yếu là sự khoa trương cách điệu đường nét , nếp nhăn trên khuôn mặt người. Quá trình khoa trương cách điệu trong Tuồng đều theo luật chi phối của luật âm dương.
Cùng với khoa trương cách điệu, Tuồng còn dùng thủ pháp biểu trưng ước lệ nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể cuốn hút khán giả cùng tham gia vào sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn viên. Một chiếc roi ngựa có thể thay thế cho một con ngựa, chiếc mái chèo thay cho con thuyền, vài người lính có thể thay thế cho cả một đạo quân, một vòng đi quanh sân khấu có thể thay cho vạn dặm đường trường.
Khác với sân khấu hiện thực tâm lý, Tuồng rất ít bài trí sân khấu. Không gian sân khấu thường được bỏ trống, người diễn viên xuất hiện thì không gian, thời gian cũng xuất hiện. Nhân vật hành động trong không gian, thời gian nào thì sân khấu là không gian, thời gian đó. Thuở trước các gánh hát Tuồng chỉ cần chỉ có một chiếc chiếu trải giữa sân đình và đôi ba cái hòm gỗ đựng đạo cụ phục trang vậy mà họ vẫn diễn tả được không gian thời gian khác nhau, khi là trốn cung điện nguy nga, lúc là nơi núi rừng hiểm trở...
Tuồng vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của san khấu hiện đại. Yếu tố cổ điển biểu hiện ở chỗ tất cả những điệu hát, điệu múa được đúc kết trở thành khuôn vàng thước ngọc, hiện đại ở chỗ người diễn viên biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí, Tuồng là loại sân khấu tổng thể. ở đây các yếu tố ca, vũ nhạc được pháp triển một cách hài hoà trong nghệ thuật biểu diễn.
Dàn nhạc Tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ trong biểu diễn của diễn viên. Trong dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ: (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn); bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...)bộ gảy: (tam, tứ, nguyệt...).
Tuồng - một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam ẩn chứa những giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc, những giá trị nghệ thuật mang tính chất bền vững. Tuồng đã và sẽ còn là những người bạn tri âm, tri kỷ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Nghệ thuật chèo
Cái nôi của sân khấu chèo là đồng bằng Bắc bộ, địa bàn phổ biến là từ Nghệ Tĩnh trở ra. Khởi đầu chèo bằng hình thức trò nhại, trò diễn xướng dân gian từ thế kỷ XI. Lúc đầu xuất hiện ở các làng quê, dần trở thành một loại hình sân khấu tiêu biểu của người dân đồng bằng Bắc bộ.
Xưa kia phường chèo do một ông trùm cầm đầu đi diễn ở các thôn, xã. Mỗi phường chèo chỉ khoảng mươi mười lăm người kể cả nhạc công mà bộ gõ chiếm vị trí quan trọng. Người đóng trò gồm đào, kép, lão, mụ, hề. Có khi chỉ cần một đào, một kép, một hề xuất sắc là nổi đình nổi đám. Tính chất ước lệ của sân khấu chèo không chỉ thể hiện ở diễn xuất mà cả về trang trí. Chẳng có phông màn chỉ có một tấm vải nhuộm màu ngăn đôi buồng trò và sàn diễn. Hai chiếc chiếu trải ở giữa, khán giả ngồi vây ba mặt, đó là sân khấu chèo ở sân đình. buổi diễn thường mở đầu bằng điệu hát vỡ nước, một hồi trống dung lên, một người ra giáo đầu, buổi diễn kết thúc có hát vãn trò và trống dã đám.
Chèo thuộc loại sân khấu tự sự (kể truyện). Giữa người xem và người diễn có sự giao lưu khăng khít. Người xem dễ theo dõi. Cũng như sân khấu tuồng, ở đây trống chầu giữ vai trò đặc biệt. Trống chầu do một người có vai vế, uy tín hoặc tay sành sỏi điều khiển, để cầm trịch buổi diễn, để tỏ ý thưởng phạt, giám định diễn xuất của đào, kép.
Nghệ thuật chèo bao gồm múa, hát, âm nhạc và văn học trong tích trò. Văn chèo đậm màu sắc trữ tình của ca dao, tục ngữ, tràn đầy tính lạc quan trong những cái cười dân dã, thông minh, hóm hỉnh và không kém phần trí tuệ. Tính nhân văn trong các vở chèo rất rõ nét. Quyền con người, thiện thắng ác luôn được đề cập, được khẳng định. Các vở chèo cổ bao giờ cũng kết thúc có hậu theo truyền thống phương Ðông. Nhiều vở được xếp vào vốn quý của sân khấu cổ truyền dân tộc.
Từ khi ra đời đến nay, tiếng trống chèo vẫn có ma lực cuốn hút bao thế hệ khán giả, không thể tuổi tác, địa vị xã hội hay hay quốc tịch. Nhưng có giai đoạn sân khấu chèo đã trải qua những khó khăn tưởng trừng không đứng vững nổi. Giờ đây, sân khấu chèo đang được khôi phục nhằm giữ gìn và bảo tồn một loại hình nghệ thuật đậm đàn bản sắc dân tộc.
Kend - dactrung.net