Câu chuyện cổ tích Tim Aline Rebeaud - Từ mái lá cho trẻ mồ côi đến Làng May Mắn cho người khuyết tật
Vũ Ðình Trọng - Người Việt (tổng hợp)
Câu chuyện của cô Tim giống như một chuyện cổ tích. Những em bé mồ côi, bụi đời, hàng đêm đốt những que diêm mơ về người Mẹ hiền với vòng tay yêu thương, che chở. Những người tật nguyền, nghèo khổ không nơi nương tựa, trong cơn đói lả, luôn mơ về một mái nhà với tiếng cười trẻ thơ. Có lẽ những ước mơ đơn giản, đời thường đó sẽ chẳng bao giờ thành sự thật. Bởi dù sống giữa 80 triệu người cùng dòng máu, họ vẫn như đang bơ vơ giữa sa mạc cằn cỗi tình người.
Một cô Tiên ở cách họ nửa vòng Trái Ðất, kéo họ ra khỏi vũng lầy, cho những em bé một bà Mẹ, cho những người tật nguyện một mái ấm. Và hơn cả bà Tiên trong chuyện cổ tích, cô đang hiện diện, hàng ngày vẫn đi tìm trẻ lang thang, người tật nguyền, giúp họ tự đứng dậy, tự vươn lên trong cuộc sống đầy bề bộn, khó khăn.
Ðó là câu chuyện của cô Tim. Chỉ với lòng yêu thương những mảnh đời khốn khổ, cô đã tạo nên một chiếc đũa thần kỳ diệu ở thế kỷ 20.
Ðêm định mệnh với đứa bé mồ côi
Chuyến du lịch từ Âu sáng Á tìm đề tài sáng tác của cô sinh viên mỹ thuật 20 tuổi Aline Rebeaud năm 1992 đã gắn chặt số phận của cô gái Thụy Sĩ với những mảnh đời bất hạnh tại Việt Nam.
Tại Sài Gòn trong một đêm khuya, trên đường về khách sạn, Aline Rebeaud bỗng nghe tiếng khóc của một bé trai người Campuchia. Ðứa bé chừng 10 tuổi, nằm co ro nơi góc tường vì đói. Cô đưa tay ra hiệu hỏi có phải cần ăn? Nó gật đầu. Cô vẫy tay gọi nó theo, nhưng đi một quãng, nhìn lại thấy bé vẫn nằm đó. Hóa ra nó đang đói lả. Cô cõng nó lên, đưa đi ăn bún rồi dắt về khách sạn. Thằng bé kể bố mẹ nó bị Pol Pot bắn chết, và nó cũng không hiểu vì sao lại lưu lạc đến đây. Ðêm đó cô mất ngủ vì mải nghĩ về thân phận những đứa trẻ bụi đời. Và cô quyết định đến các cô nhi viện, bệnh viện tìm hiểu. Cô ước mong được giúp đỡ chúng.
Tại trung tâm điều trị tâm thần Thủ Ðức, cô gặp em bé mồ côi Trần Văn Thành, 13 tuổi, đang nằm chờ chết. Người ta nói với cô như thế vì Thành mắc nhiều chứng bệnh cùng một lúc như tim, thấp khớp, phổi ứ nước... và người thì đầy ghẻ lở. Cô đưa Thành vô một bệnh viện, trả toàn bộ chi phí và ở lại chăm sóc em như một người Mẹ. Ba tháng sau, Thành được bác sĩ cho xuất viện, và ngay trước cổng bệnh viện, người ta đã đặt cho cô một cái tên mới. Cô kể: “Hôm xuất viện, người ta chỉ tay qua cái cổng và đặt cho mình tên Tim.” Nguyễn Thị Hồng Tim, cái tên Việt Nam giản dị như con người cô, như trái tim nhân hậu của cô mãi hồng thắm tình người.
Ngôi Nhà May Mắn chưa có trong suy nghĩ của Tim, nhưng số phận của Thành đã gắn chặt cô vào mảnh đất này. “Có lẽ do duyên nợ.” Trong một lần trả lời báo chí trong nước, Tim cho biết:
“Hồi tôi mới 6 tuổi, có lần mẹ đưa tôi đến thư viện. Bà tưởng tôi bị lạc giữa những giá sách. Thật bất ngờ, bà thấy tôi đang ngồi bệt xuống đất, chăm chú nhìn vào một quyển sách nói về Việt Nam. Khi lớn lên, tôi theo học Ðại Học Mỹ Thuật Genève. Năm 20 tuổi, tôi quyết thực hiện chuyến du lịch đường bộ từ Âu sang Á và cuối cùng đến Việt Nam. Ban đầu, tôi chỉ định ở lại đây một thời gian ngắn trước khi quay về Thụy Sĩ. Nhưng, định mệnh đã sắp đặt cho tôi gặp gỡ một đứa bé mồ côi, và tôi quyết ở lại mãi mãi”.
Từ năm 1993, người dân khu vực chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh, và trong cả những ngóc ngách dơ bẩn ở Sài Gòn, người ta thường thấy một cô gái ngoại quốc đi gom những đứa trẻ bụi đời bán vé số, ăn xin, đánh giày... về. Ban đầu cô phải thuê nhà để chăm sóc bọn nhóc. Mẹ Tim ra đời từ trong câu chuyện cổ tích như thế, cô vẽ tranh để bán lấy tiền lo cho bọn trẻ, dạy chữ, dạy vẽ cho các con. Rồi con càng ngày càng đông, cô quyết định mua một căn nhà lá rồi lập nên Nhà May Mắn.
Ngôi Nhà May Mắn
“Ở Thụy Sĩ có một loại thực vật được gọi là lá may mắn.” Tim cho biết:
“Người dân quan niệm ai nhặt được lá này sẽ gặp may. Nhà May Mắn là nơi tập trung những trẻ em bất hạnh nên được vào đây cũng là duyên số, là sự may mắn cho các em. Bởi thế nên Tim đặt tên ngôi nhà là Nhà May Mắn”.
Ra đời năm 1993, Nhà May Mắn tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Sài Gòn, nay là tổ ấm của một “đại gia đình” 70 con người có số phận không may, gồm trẻ mồ côi, người khuyết tật do Tim đưa về. Khởi đầu chỉ là dãy nhà tạm bợ trên khu đất sình lầy ở cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Sau đó, Tim trở về Thụy Sĩ rồi qua Pháp vận động, thành lập tổ chức phi chính phủ có tên Maison Chance để tạo nguồn kinh phí cho Nhà May Mắn hoạt động.
Ra vào các bệnh viện, Tim cứ xốn xang với hoàn cảnh bi đát tột cùng của những số phận không may bị tai nạn lao động, gãy cột sống, liệt nằm một chỗ. Nhiều người bị gia đình bỏ rơi. Cô lặng lẽ đưa họ về Nhà May Mắn. Có người bị gãy cột sống, liệt cả hai chân, có người gãy cột sống cổ liệt cả tứ chi phải đút ăn... Tim đưa về, thuê người chăm sóc, tắm giặt, cho học chữ, học nghề. Cô tâm sự : “Nhiều người chán đời, nghĩ liệt là chấm hết. Tôi phải giải thích là họ vẫn còn cái đầu. Ða số tuổi 20-35, chỉ lao động chân tay, ít học. Vì vậy phải lo cho họ học chữ rồi mới dạy nghề, mà phải chuyên môn một chút. Nếu biết sơ sơ thì sau này cũng chỉ đi làm thuê chứ không cạnh tranh nổi. Chẳng hạn như biết vẽ rồi thì cũng phải 5-6 năm mới có thể tự ‘bay’ được”.
Ngoài những số phận không may được trở thành “công dân” ở đây, còn có hàng trăm trẻ con gia đình khó khăn ở quanh xóm vào học chữ. Chung sức với Tim để đưa Nhà May Mắn đi lên còn có những tấm lòng của thầy giáo Võ Thanh Tùng, cô Nguyễn Thị Kim Chi, ông Trịnh Duy Sơn, giáo viên người Pháp Vincent...
Người giúp sức thì nhiều, vì họ chỉ có tấm lòng chứ cũng chẳng có tiền. Cô phải tìm nguồn tài trợ từ bạn bè từ khắp nơi trên thế giới:
“Nhiều khi 3 giờ sáng mình còn ngồi ‘chat’ với bạn bè ở nước ngoài, tổ chức Maison Chance (Pháp và Thụy Sĩ) để mong họ hỗ trợ. Bên đó là cuối giờ chiều, họ vừa tan sở về nên rỗi rảnh, còn mình ở đây đã 2-3 giờ sáng, buồn ngủ muốn chết! Mình còn muốn giúp rất nhiều người nhưng chưa có điều kiện, nhất là những lúc tài khoản chỉ còn 3, 4 USD”.
Mỗi ngày Tim làm việc không dưới 16 tiếng. Có khi xong công việc đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Ðiều tưởng như quá sức nhưng với Tim, đó là hạnh phúc. Cô Trương Thị Kim Chi, người luôn sát cánh với Tim từ ngày đầu mở Nhà May Mắn đến nay cho biết: “Có lúc khó khăn chồng chất đến rơi nước mắt nhưng chính Tim là người động viên tôi để cùng vượt qua. Nhìn Tim hết lòng với công việc, với mọi người, nhắc nhở mọi người học chữ, học nghề, tiết kiệm và Tim không hề lo cho bản thân mình làm tôi rất cảm động. Thậm chí có khi mọi người ngủ thì Tim vẫn thức làm việc, mọi người ăn cơm nóng, Tim ăn cơm nguội...”
Những số phận bất hạnh ngày nào đã có mái ấm gia đình, người lớn tật nguyền cùng những em bé mồ côi và Mẹ Tim tạo thành một “đại gia đình” đầm ấm. Những “công dân” trước đây đều có ít nhiều khiếm khuyết về nhân cách, thể xác đã được học chữ, học nghề như vi tính, may vá, vẽ tranh hay thủ công mỹ nghệ. “Bước đầu do tay nghề không cao nên Nhà May Mắn lỗ nặng, nhưng điều quan trọng là tạo cho họ suy nghĩ là họ không phải là ‘đồ bỏ đi’. Trong công việc, họ tìm thấy được niềm tin trong cuộc sống.”
Ðến nay, Nhà May Mắn đã khang trang hơn, có thêm nhiều lớp dạy nghề so với ban đầu như: vẽ, vi tính, âm nhạc, ngoại ngữ, may, văn hóa, và võ thuật. Nhiều học viên đã thành thạo tay nghề, có thêm thu nhập.
Năm 2002, cô được trao tặng giải thưởng “Prix Henry Dunant” của Hội Chữ Thập Ðỏ Quốc Tế. Trong buổi tiếp xúc với đồng hương hải ngoại tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt tối 21 Tháng Mười vừa qua, Tim cho biết:
“Tim làm công việc của mình không mong được giải này giải nọ. Sở dĩ Tim nhận giải thưởng của Hội Chữ Thập Ðỏ Quốc Tế vì được 15 ngàn đô la Mỹ. Số tiền đó Tim đang rất cần để mua một chiếc xe van chở người khuyết tật đi học tại Trung Tâm Chắp Cánh, và chở họ đi chơi.”
Trung Tâm Chắp Cánh
Sau một thời gian dài chuẩn bị, nhờ vào sự trợ giúp của bạn bè, các tổ chức Maison Chance ở các nước, cùng với một số mạnh thường quân trong và ngoài nước, Tim mua một miếng đất 1,200 m2 cách Nhà May Mắn khoảng 1 km để xây dựng Trung Tâm Chắp Cánh. Với 1 trệt và 1 lầu, trung tâm gồm 5 phòng học văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5, bốn phòng học nghề vẽ, may và vi tính. Ngoài phòng ăn trưa và nghỉ ngơi, trung tâm còn có phòng chăm sóc sức khỏe cho học viên và một phòng sản xuất đồ mỹ nghệ tre và phòng trưng bày sản phẩm của học viên. Tim tin rằng vừa được học văn hóa và học nghề, sẽ mang lại cho những người khuyết tật và trẻ lang thang lòng tự tin khi thấy mình còn hữu ích cho đời.
Ðiều lắng nhất hiện nay của Tim là làm sao kiếm được tiền nuôi ăn cho tất cả học viên Trung Tâm Chắp Cánh và “công dân” Nhà May Mắn của mình. Cô cho biết chi phí ăn ở, thuốc men và dạy nghề cho gần 300 người mỗi tháng tốn khoảng 25,000 USD. Giờ đây, cô chỉ biết tập trung vào việc quản lý và dành thời gian còn lại để vận động các nguồn tài trợ từ Pháp, Thụy Sĩ, Luxembourg, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Và mỗi khuya, sau khi lo cho người lớn và các con mình bữa ăn khuya trong ngày, cô lại vào căn phòng nhỏ hẹp lướt web. Một ngày mới lại bắt đầu lúc nào cô cũng chẳng biết.
Cùng trái tim, cùng đôi tay, xây Làng May Mắn
Và cũng trong những “đêm trắng” như thế, số phận những người tật nguyền luôn được cô Tim suy nghĩ với lòng thương cảm, để rồi dự án Làng May Mắn ra đời. Hãy tưởng tượng cùng Tim:
“Chính bạn bị khuyết tật trong một tai nạn hay sau một cơn bệnh hiểm nghèo. Ðường sá, nhà cửa ở Việt Nam chưa bao giờ được xây dựng phục vụ cho tầng lớp này, nói chi đến những khu ổ chuột. Mùa mưa, chiếc xe lăn của bạn có thể ngã bất cứ lúc nào và tại bất cứ đâu. Làm sao vào nhà được khi nền nhà đã được nâng lên để tránh ngập lụt nếu không có người giúp đẩy xe? Vào đến phòng tắm, ngồi trên xe ăn, bạn có thể tắm được không với vòi nước cách mặt đất 30 cm? Làm sao bạn tự đi vệ sinh với chiếc bàn cầu bằng? Còn nhiều điều phiền toái khác mà chỉ có người tật nguyền, ngồi trên xe lăn mới cảm thấy bị hụt hẫng như bị xã hội bỏ rơi. Tất cả những thiết kế căn bản phục vụ cho người khuyết tật đều không được ai đoái hoài tới. Bạn hãy tưởng tượng, nếu bạn ngồi trên xe lăn, bạn sẽ tự làm được những gì cho mình?”
Nếu câu trả lời của bạn là “Không làm được gì trong những điều kiện như vậy”, thì bạn sẽ hiểu được mục đích xây dựng Làng May Mắn của cô Tim.
Trong lần trả lời phỏng vấn của đài RFA, Tim cho biết:
“Cái làng đó sẽ gồm một số căn hộ được thiết kế đặc biệt cho người đi xe lăn và như vậy là mấy anh em kiếm sống được, họ làm được bao nhiêu thì họ phải cố gắng lên và họ sẽ thuê nhà trong cái làng đó.”
“Và như vậy là cái Làng May Mắn này cũng là một sự đầu tư tương đối lớn; nhưng mà sau khi đầu tư xong thì nó sẽ không phát sinh chi phí thường xuyên thêm tại vì mấy anh em sẽ thuê nhà. Bên cạnh đó là cũng sẽ mở một số dịch vụ chẳng hạn như là một nhà hàng để mọi người trong làng và mấy người hàng xóm đến đây ăn uống.”
“Mấy em mồ côi nếu muốn học nghề nấu nướng thì có thể học (ở đây). Từ cái nhà hàng đó sẽ có một thu nhập thêm cho tổ chức của mình. Và (mình) cũng định mở một cái quán cafe-Internet và (mình) cũng có nghĩ đến một cái chuyện khác để có thu nhập thêm là vì đã nghĩ đến việc là thiết kế nhà cho người đi xe lăn thì tại sao mình không có mấy cái phòng cho người đến Việt Nam du lịch.”
“Và Tim nghĩ đến người nước ngoài họ đến Việt Nam đi xe lăn thì như vậy mấy người đó có thể có phòng đặc biệt thiết kế cho họ và họ sẽ có thể làm bạn và trò chuyện với người đồng cảnh ở Việt Nam.”
Khu đất rộng 3,513 m2 đã được mua xong với sự trợ giúp của rất nhiều người. Trong bữa tiệc gây quỹ tại nhà hàng Seafood Kingdom, California, Hoa Kỳ vào ngày 24 Tháng Mười, 2008, cô Tim cho biết theo dự toán, tổng kinh phí xây dựng có thể lên đến 1 triệu USD. Ngoài việc xin trợ giúp của các tổ chức Maison Chance, mạnh thường quân trên toàn thế giới, cô cũng đang cố gắng liên hệ với các công ty sản xuất vật liệu xây dựng trong nước nhờ họ hỗ trợ về giá, hay tài trợ một số hạng mục.
Công việc hình như ngày càng quá tầm tay của cô, nhưng chắc chắn cô sẽ không lùi bước.
“Ðể làm cho cuộc đời của một con người tốt đẹp hơn không phải dễ nhưng khi đã bắt tay vào tôi không nghĩ mình sẽ thất bại. Ðã làm là không dừng lại, khó khăn thì mình phải tìm giải pháp khác chứ không bao giờ tôi nghĩ mình bỏ cuộc. Bao nhiêu con người đang trông chờ, làm sao bỏ họ cho đành!”
Với một người như thế, làm sao chúng ta bỏ cô cho đành!
(Tổng hợp từ hai buổi nói chuyện của cô Tim tại phòng sinh hoạt nhật báo Người việt ngày 21 Tháng Mười, nhà hàng Seafood Kingdom ngày 24 Tháng Mười năm 2008, website maison-chance.org cùng một số website và blog khác.)