Kha Thị ĐạtVợ nhạc sĩ Châu Kỳ, “thủy tổ MC”VW: Xin bà cho biết tên, và mối duyên gặp gỡ của bà với nhạc sĩ Châu Kỳ?
KTĐ: Tui tên Kha Thị Đạt, sanh năm 1938. Hồi mới gặp anh Châu Kỳ, năm 1955, tui đang làm MC cho đoàn Tiếng Thùy Dương, tui có tên là Huyền Khanh. Năm đó tui mới 18 tuổi. Anh Châu Kỳ, năm đó 33 tuổi, anh lớn tui 15 tuổi. Cho đến năm nay, tụi tui sống với nhau đã 50 năm rồi. Thật ra hồi xưa chưa có gọi là MC nữa, kêu bằng là xướng ngôn viên. Tui ra giới thiệu chương trình trước khi hát. Rồi sau đó, có người khác ra giới thiệu từng bài. Vai trò của tui là ra chào khán giả.
VW: Nếu so sánh bà với cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, hai vấn đề giới thiệu chương trình thời trước và bây giờ, có sự khác nhau như thế nào?
KTĐ: (cười) Trời ơi, tui còn quên tui lúc đó làm ra làm sao nữa chứ sao mà nhớ mà so sánh (cười lớn). 50 năm rồi. Nhưng mà tui nhớ là, hồi đó, mỗi lần tui ra sân khấu, tui mặc một bồ đồ lụa trắng, mang đôi găng tay trắng, mang đôi giày mun trắng. Tui ra sân khấu, cúi đầu chào khán giả và giới thiệu: “Đây là ban Tiếng Thùy Dương, do nhạc sĩ Châu Kỳ phụ trách”. Tui giới thiệu vậy thôi chứ không phải như cô Kỳ Duyên bây giờ. Cách giới thiệu của cô Kỳ Duyên bây giờ nó đa dạng lắm rồi.
VW: Hồi xưa có ai viết lời giới thiệu để bà đọc khi giới thiệu không?
KTĐ: Không có. Tui tự ra tui nói. Tui biết chương trình như thế nào, tui giới thiệu thôi. Mới đây tui gặp vợ Nguyễn Ánh 9. Lúc đó, cô múa trong ban Nguyễn Thống. Cô vỗ vai tôi và nói là: “Chị Kỳ ơi, chị là thủy tổ của MC đó!” (cười). Bởi vì ở Việt Nam thời đó, chỉ có giới thiệu chương trình thôi, chứ chưa có chữ MC. Ra đứng ở sân khấu, xuất hiện chỉ 5-10 phút thôi, chứ không có nói nhiều. Làm cho sân khấu sáng hơn một chút thôi, chứ không có kiểu như hoạt náo. Lúc đó tôi chỉ làm cho vui thôi, vì đó là ban Tiếng Thùy Dương của anh Kỳ, thì tui làm. Chứ chỗ khác tui không có làm đâu (cười).
VW: Thời gian đó bà đã lấy nhạc sĩ Châu Kỳ chưa?
KTĐ: Tụi tui đã lấy nhau rồi. Hồi đó tui là nữ sinh Gia Long. Tui yêu anh Kỳ và làm đám cưới với anh Kỳ. Tui cũng có mơ mộng là mình sẽ làm ca sĩ, nhưng mà… Aûnh đi lưu diễn nguyên một đoàn, ở miền Trung mấy tháng, đồng bằng sông Cửu Long mấy tháng. Chứ không phải hát từng buổi ổn định đâu, hát ở tỉnh này, tỉnh nọ, vậy đó.
VW: Với ước mơ làm ca sĩ, nhưng suốt 50 năm đứng sau lưng chồng, nhạc sĩ Châu Kỳ, bà có cảm thấy mình bị thiệt thòi không?
KTĐ: Tui không có bị thiệt thòi. Bởi vì ngày xưa, ca sĩ đó, nếu mà mình đứng ngoài mình nhìn vô sẽ thấy rất là đẹp. Nhưng mà mình đã sống trong nghề rồi, mình mới cảm thấy rằng, hai vợ chồng mà cùng một nghề, khó mà giữ hạnh phúc lắm. Nó có nhiều cái dẫn đến tan vỡ do có nhiều tự ái cá nhân, thành ra khó mà giữ vững hạnh phúc. Khi tôi có một đứa con rồi, là tôi không đi theo đoàn nữa. Tôi cảm thấy tôi có trách nhiệm và bổn phận làm mẹ, bổn phận làm vợ, chứ không phải là ước ao trở thành một ca sĩ.
VW: Bà dự tính sẽ ở Mỹ bao lâu?
KTĐ: Ô, tui mới đi Mỹ lần đầu tiên đó. Đến giữa tháng 8 là tui về rồi. Tui qua đây cho anh Kỳ thâu hình cho Trung tâm Thúy Nga ở Canada, do anh Lai mời. Do anh Kỳ yếu quá không đủ sức đi một mình, nhất là những thủ tục rườm rà anh Kỳ không đảm trách được, anh Lai mời tôi đi theo, thành ra tui chỉ là cái bóng thôi, (cười).
VW: Sau nhiều năm trời làm cái bóng, bà nghĩ sao quan niệm thời đại ngày nay, những người phụ nữ trẻ hay đòi quyền bình đẳng, nhiều khi còn vượt lên để chứng minh họ còn hơn người đàn ông?
KTĐ: Tui nghĩ là người đàn bà nhiều khi không biết sử dụng quyền bình đẳng. Thời kỳ của tui không có sự đòi hỏi như bây giờ mà chúng tôi cũng rất là bình đẳng. Bởi vì, của chồng công vợ, chồng đổ sức ra, vợ đổ sức ra, chúng tôi san bằng với nhau. Giới của chúng tôi sống rất thoải mái. Thành ra, bổn phận làm vợ của tôi cũng rất là thoải mái, có một ý nghĩa sâu xa, đó là mình đứng sau một người. Thật ra, làm vợ là phải chấp nhận người chồng nghệ sĩ. Tui có quan niệm là làm sao cho nghề của anh, nhạc của anh đi sâu vào lòng người hơn chứ tôi không cần đòi bình đẳng về tiền bạc hay về một cái gì hết. Nhưng mà tâm của tôi đổ ra nhiều nhất cho dòng nhạc của anh Kỳ.
VW: Làm vợ của người chồng Việt Nam đã khó, làm vợ của người chồng nhạc sĩ Việt Nam tên tuổi, đối với bà nó có là một sự khó khăn gấp bội?
KTĐ: Rất là khó. Bởi vì, mình phải làm cách nào để người nghệ sĩ đó không lo lắng gì về đời sống. Thật ra, 50 năm chúng tôi chung sống với nhau, anh Kỳ chỉ biết cây đờn thôi, chưa bao giờ lo về cuộc sống cơm gạo, con cái. Mình phải lo. Trí óc của anh cần phải rảnh rang. Nhất là mình phải tôn trọng người nghệ sĩ có cặp mắt, có tâm hồn yêu cái đẹp. Nếu mà mình phá vỡ đi, tất nhiên, những dòng nhạc của anh Kỳ sẽ không được như bây giờ. (cười)
VW: Trong suốt quá trình 50 năm đó, giai đoạn nào là giai đoạn khó khăn trong đời sống hôn nhân của hai ông bà? Giai đoạn nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác thành công nhất? Hay là giai đoạn nhạc sĩ Châu Kỳ bị thất bại?
KTĐ: Thật ra, giai đoạn đầu, hai đứa sum họp với nhau, sống với nhau cũng rất khó. Bởi vì gia đình tui, không nói là bề thế lắm, nhưng cha mẹ nào cũng không thích cho con lấy một người nghệ sĩ. Thành ra, khi mà tui cũng muốn làm một ca sĩ, bởi vì hồi đó học ở trường Gia Long tui hát hay lắm, những chương trình văn nghệ của trường Gia Long tổ chức, tui thường hát đơn ca, nhưng tui thấy nếu như vậy sẽ khó giữ hạnh phúc gia đình. Cho nên, tui phải có bổn phận, để từ một nhạc sĩ lang bạt kỳ hồ, phải vô nề nếp gia đình của tui. Thành ra, sau này cha mẹ tui rất thương anh Kỳ, đi thưa về trình, ăn nói với anh chị em đâu phải nề nếp đó. Tui rất hãnh diện là tui đã đào tạo được anh Kỳ vào nề nếp. Và luôn cả chuyện tui là cái bóng, để anh sáng tác, tôn trọng suy nghĩ của anh, tâm hồn của anh, để anh có những bài nhạc như bây giờ. Nói thật ra, để có một buổi nhạc như hôm 31 tháng 7 vừa rồi, tôi rất là hãnh diện. Bởi vì, ở Việt Nam tui không có gì hết. Lúc tui nói cám ơn, tui muốn khóc. Công sức của mình đã được đền bù trong cái vinh quang như thế. Tui không dám nói mình đạt tới đỉnh nào. Tui được may mắn sinh ra trong một gia đình nề nếp. Gia đình tui giòng họ Kha, đạo Khổng, nhân lễ nghĩa trí tín. May mắn thứ hai, tui là nữ sinh Gia Long, công dung ngôn hạnh. Thành ra những ràng buộc của những chữ đó, nó có ảnh hưởng rất là lớn lao trong đời sống của tui. Sống với một nghệ sĩ, tui nói rõ ràng, anh yêu người nào thì yêu, tui chấp nhận hết, nhưng con tui phải để tui nuôi. Và tui, luôn luôn, tui đặt tui là một người nghệ sĩ cao hơn, một người đàn bà cao hơn những người đàn bà khác, bởi vì, nghĩa của tui rất cao đó là tui ở với anh có bốn đứa con. Không có người đàn bà nào cao hơn tui được hết. Thành ra, suy nghĩ của tôi là do giáo dục của gia đình và học đường. Do vậy, giờ này anh Kỳ mới được như thế. Thật ra, hồi đó, những mối tình lãng mạn anh cũng có chứ nhưng mà đâu vô đó chứ không có mang tiếng. Phải nói rằng, mấy chục năm nay, từ trước năm 1975 cho đến sau năm 1975, anh Kỳ không có mang tiếng về chuyện lăng nhăng. Tui phải hãnh diện về vấn đề đó.
VW: Ngoài nhạc sĩ Châu Kỳ, bà có hình ảnh của một người đàn ông nào khác không?
KTĐ: Rất tiếc là tui đang đi học, mới 18 tuổi, tui rất hãnh diện là, dù anh Kỳ đã có bao nhiêu mối tình rồi, tui đến với anh Kỳ. (cười). Chưa có hình ảnh nào hết. Cho nên tui không bận tâm về chuyện đó. Tất cả, tình cảm tôi dồn vô cho chồng con.
VW: Trong suốt quá trình sáng tác của nhạc sĩ Châu Kỳ, những bản nhạc mô tả một hình dáng phụ nữ nào đó, bà có áy náy gì hay không?
KTĐ: Không. Tôi rất là tôn trọng nó. Như bài Giọt lệ đài trang, tui không muốn người phụ nữ đó chết. Đáng lẽ người phụ nữ đó đã chết, “Em nhớ xưa rồi em khóc, Tôi thoáng buồn thương giọt lệ đài trang”, chứ không cho người phụ nữ đó chết. Tui thấy đó là một cái gì để mình còn nhớ mãi, chứ chết là hết rồi. Trong bài nhạc, ai hát đến câu đó, tất nhiên chỉ “thoáng buồn” thôi, rồi kéo dài, chứ không để cho người ta chết. Đó là ý kiến của tôi trong cuộc tình của anh. (cười lớn). Bài Được tin em lấy chồng, đó là ngày cô Thanh Thúy đi lấy chồng. Bởi vì có rung động, mới đi sâu vào lòng người. Nếu anh đặt nhạc hời hợt, nó sẽ không ở lâu với thời gian. Tất cả những bài hát của anh Kỳ toàn có lịch sử, có những câu chuyện nho nhỏ, thành ra, đối với tôi, tôi cũng có đóng góp nữa mà. Tôi rất sung sướng.
VW: Duyên nợ của bà với nhạc sĩ Châu Kỳ trong 50 năm qua, có điều gì bà ân hận hoặc tiếc nuối không?
KTĐ: Nếu nhắc lại chuyện xưa, chuyện vợ chồng, nó như là một định mệnh. Anh Kỳ ở Huế, tui ở Sài Gòn, đang đi học. Câu chuyện tự nhiên đưa đẩy, để tụi tui gặp được nhau, ăn ở với nhau, mặc dù gia đình không bằng lòng, nhưng mà cũng cố vượt qua. Nó như một định mệnh an bày. Tui không dám tự vỗ ngực mà nói nếu mà khi xưa thì tui cũng sẽ như vậy, bây giờ cũng sẽ như hồi xưa. Không dám. (cười lớn). Nếu đã bây giờ rồi, mình cũng phải tiếp tục theo số mệnh trời đã đặt cho mình. Tui cũng thấy tui không có gì để than phiền về chuyện của tui với anh Kỳ hết. Tui với anh Kỳ có bốn đứa con. Không đứa nào đi theo nghề này hết. Nhưng có đứa cháu ngoại đang hát ở Sài Gòn. Tụi tui từ trước tới giờ không có giàu. Một ngày hai bữa cơm. Các con tui, có chồng, có vợ, có nhà cửa, an cư. Tôi rất là hãnh diện, vì nghệ sĩ ít có gia đình có được con cái đàng hoàng. Không phải là mình tự cao tự đại, nhưng mình đã tạo được bốn con người không có làm hại xã hội, (cười lớn).
VW: Nhạc sĩ Châu Kỳ có viết một bài nhạc nào riêng cho bà không?
KTĐ: Đó là bài Em gái miền Nam (cười lớn). Thật ra, anh nói là cuộc đời anh gặp một khúc quanh là vào Sài Gòn, miền Nam. Nhưng mà vào Sài Gòn, anh gặp nhiều cô gái miền Nam lắm (cười lớn). Thật ra, anh cảm thấy mất hết, chỉ còn một cô gái này thôi (cười lớn).
nguồn: Viet Weekly
http://65.45.193.26:8026/cms/acct/vietweekly/issues/vw3n33/voChauKy.html