Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Trầu và Cau
Việt Dương Nhân
#1 Posted : Friday, September 2, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Trầu và Cau


Việt Dương Nhân
#2 Posted : Friday, September 2, 2005 8:47:30 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Vườn Trầu



Xin các A C E post lên tiếp cho vui với Cau - Trầu... Big SmileKissesRosefloating
Từ Thụy
#3 Posted : Friday, September 2, 2005 11:20:42 PM(UTC)
Từ Thụy

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,394
Points: 39
Woman

Thanks: 2 times
Was thanked: 3 time(s) in 3 post(s)
- Nụ tầm xuân (Phạm Duy) -

Một miếng trầu cay, hỡi chàng
Chàng ơi chàng hỡi, nào khó?

Một miếng trầu cay, hỡi chàng
Chàng ơi, chàng ơi, khó gì?

Sao anh không hỏi
Sao anh không hỏi
Sao anh không hỏi
Những ngày em còn không?
viethoaiphuong
#4 Posted : Thursday, January 14, 2010 5:31:55 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
TRẦU TÊM CÁNH PHƯỢNG



Trầu têm cánh phượng là hình ảnh đẹp, gợi về truyện cổ tích Tấm Cám và tục ăn trầu đã trở thành tập quán, truyền thống của dân tộc Việt. Từ xa xưa, miếng trầu đã đi vào thơ ca, huyền thoại, cổ tích... phản ánh nhiều nét đẹp văn hóa, thăng hoa tình cảm, tình yêu thương con
người, hình thành văn hóa vùng rõ rệt.

Trước hết, miếng trầu gợi về những sự tích, những câu chuyện cổ được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, mang đậm bản sắc dân tộc. Truyện Trầu cau, qua truyền miệng thêm bớt của nhiều thế hệ, những tình tiết “nguyên thủy” đã được khoác cái áo của lễ giáo cho phù hợp với
đạo Khổng - Mạnh. Đến nay, chủ đề của Trầu cau lại trở thành câu chuyện luân lý, đạo đức, khuyên con người xích lại gần nhau hơn, vị tha hơn để sống chan hòa, nhân ái trong cuộc sống hội nhập.

Câu chuyện Trầu cau khép lại bằng tục ăn trầu - một phong tục truyền thống của nhân dân ta để tô đậm tình cảm sắt son, thủy chung đẹp đẽ. Miếng trầu bao giờ cũng là "đầu câu chuyện” để bắt mối lương duyên và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, ma chay...
đều không thể thiếu miếng trầu. Vì thế mà truyện Trầu cau đã bất chấp thời gian mà sống mãi với nhân gian.

Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám cũng có từ rất xưa. Truyện được nảy sinh từ vùng đất Kinh Bắc. Vì thế, cô Tấm có dáng dấp của Chị Hai quan họ. Rất hiếu thảo, duyên dáng, tình tứ và khéo léo. Miếng trầu của cô Tấm đã trở thành
một hình tượng đẹp, có sức quyến rũ độc đáo và mang đậm sắc thái văn hóa vùng, rất đáng trân trọng. Miếng trầu têm cánh phượng còn mang nét đẹp biểu trưng, đầy tự hào của người Kinh Bắc. Có thể nói, mỗi câu chuyện đều thắm đượm tình người, có giá trị nhân bản và nhân
văn sâu sắc.



Trầu là món ăn không giải quyết việc đói, no. Người ta ăn trầu là để thưởng thức vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi... tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm. Nhiều người ăn trầu đã thành thói quen, rồi thành nghiện-nghiện trầu. Nhưng điều kì diệu của thói nghiện trầu phải chăng là ở chỗ, người ăn thấy nó gắn bó với số phận con người; bởi tách riêng, thì cay đắng, éo le, nhưng khi đã hòa chung thì
tình cảm của họ lại thắm tươi, đẹp đẽ:

“Tách riêng, thì đắng, thì cay.
Hòa chung, thì ngọt, thì say lòng người.
Tách riêng, xanh lá, bạc vôi.
Hòa chung, đỏ thắm máu người, lạ chưa?
.... Chuyện tình ngày xửa, ngày xưa!...”.
(Sự tích Trầu cau - Hồng Quang)

Theo phong tục Việt Nam, miếng trầu rất quen thuộc, dễ kiếm. Trầu tuy rẻ tiền nhưng chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa. Giàu nghèo ai cũng có thể có, vùng nào cũng có, từ Bắc chí Nam. Ăn trầu là một phong tục truyền thống, nhưng cách têm trầu thì lại mang rõ dấu ấn văn hóa của vùng miền.

Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị-người gái quê Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời.

Trong giao tiếp ứng xử, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu thường đi đôi với lời chào và một thái độ của người mời khách. Người lịch sự không “ăn trầu cách mặt”, nghĩa là đã tiếp, thì tiếp cho khắp -

“Tiện đây ăn một miếng trầu.
Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là?”.

http://du-lich.chudu24.c...091008/3-3.jpg?c=1&w=450[/img]

Việc mời trầu cũng thể hiện sắc thái tình cảm tinh vi, tế nhị. Quý nhau mời trầu, ghét nhau theo phép lịch sự, cũng mời trầu. Ca dao có câu:

“Yêu nhau cau sáu bổ ba;
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”.

Còn không có trầu mà tiếp khách vẫn mời trầu như Nguyễn Khuyến, là một trường hợp lạ -

“Đầu trò tiếp khách, trầu không có.
Bác đến chơi nhà, ta với ta”.

Đặc biệt nữa là miếng trầu hôi đãi khách của Hồ Xuân Hương. Miếng trầu có cái gì thật khác thường, chất chứa đầy sự thách thức và một bản lĩnh của người mời:

-“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi.
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại.
Đừng xanh như lá bạc như vôi”.
(Mời trầu - Hồ Xuân Hương)

Bài thơ chưa đưa nữ sĩ vào con đường tuyệt vọng, nhưng vẫn ngân lại trong lòng người một nỗi buồn lai láng. Nó phản ánh số phận không mấy suôn sẻ, thể hiện bản lĩnh người phụ nữ trong cuộc sống của xã hội tự khiêm.

Nét đặc trưng tiêu biểu của miếng trầu là được dùng nhiều trong lối ứng xử giao duyên giữa trai thanh gái lịch và được thể hiện khá nhiều trong thơ ca:

-“Trầu vàng nhá lẫn cau xanh
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”.

(Ca dao)

Có thể tình yêu làm họ gắn bó, hòa quyện, cùng nhau làm nên cái mùi vị thơm cay, cái hơi men nóng bừng, cái sắc đỏ đẹp tươi ấy:

“Có trầu mà chẳng có cau.
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm!”

hoặc

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông.
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?”...
(Tương tư - Nguyễn Bính).

Mời trầu không ăn, thì trách móc nhau:

“Đi đâu cho đổ mồ hôi;
chiếu trải không ngồi, trầu để không ăn;

- Thưa rằng bác mẹ tôi răn!
Làm thân con gái, chớ ăn trầu người” -
(Ca dao).



Một khi đã quen hơi bén tiếng, trai gái cũng mượn miếng trầu để tỏ tình, để tán tỉnh:

- “Từ ngày ăn phải miếng trầu,
Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.

- Một thương, hai nhớ, ba sầu,
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi”.
(Ca dao)

Nếu yêu nhau mà không lấy được nhau, thì chẳng khác gì

“có trầu, có vỏ, không vôi.
Có chăn, có chiếu, không người nằm chung”.
Ca dao than rằng -

“yêu nhau chẳng lấy được nhau.
Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già”.

Miếng trầu không đắt đỏ gì, chỉ “ba đồng một mớ trầu cay”, thế nhưng cũng rất có thể “miếng trầu nên dâu nhà người”.

Ngày nay, để răng trắng, có thể nhiều người không biết ăn trầu, nhưng theo phong tục trong ngày hỏi cưới, giỗ chạp... nhà ai cũng có trầu. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên dẫu ăn được hay không ăn cũng chẳng ai từ chối -

“Cho anh một miếng trầu vàng;
mai sau anh trả lại nàng đôi mâm”.

Ngày xưa, ăn trầu còn sợ bị bỏ “bùa mê”, “bùa yêu” nên ta có thói quen

“ăn trầu thì mở trầu ra;
một là thuốc độc, hai là mặn vôi”.

Vì “miếng trầu là đầu câu chuyện”, là “đầu trò tiếp khách”, lại là biểu tượng cho sự tôn kính được phổ biến dùng trong các lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ cưới, lễ thọ, lễ mừng... nên têm trầu cũng đòi hỏi phải có mỹ thuật. Nhất là lễ cưới, lễ hội vùng Kinh Bắc, trầu thường được têm nhiều theo kiểu cánh phượng - miếng trầu cô Tấm.

[img]http://du-lich.chudu24.com/f/d/091008/2-3.JPG?c=1&w=450[/img]

Trầu têm cánh phượng đã thành tục lệ truyền thống lâu đời, có “cau róc trổ hoa, cau già dao sắc”; từ lá trầu, quả cau, cho đến cách bổ, cách têm trầu cũng thật nhiêu khê! Có trầu quế, trầu hồi; cũng có trầu cay, trầu hôi; có cau tươi, cau khô, cau già, cau non, cau quả to, cau quả nhỏ; cau tiễn chũm long đào...

Trầu têm cánh phượng thường dùng để đãi khách quý, được têm bằng cau tiễn chũm lòng đào. Cách têm này cũng đòi hỏi phải chọn lá trầu quế vừa tầm để cắt tỉa cánh phượng, chọn vỏ đỏ dày để cắt trang trí phần đuôi. Muốn cho miếng trầu thêm đẹp, người ta thường cài thêm vào cùng miếng vỏ một cánh hoa hồng, tạo thành đuôi phượng, làm miếng trầu thêm lộng lẫy với sắc màu sặc sỡ, tươi tắn.

Trầu cánh phượng thường được bày trên đĩa đặt ở bàn tiệc, dùng làm vật trang trí. Mỗi đĩa trầu có thể bày từ 5 đến 10 miếng, đầu châu vào giữa, đuôi có cánh hồng ở phía ngoài, trông rất sang trọng, lịch thiệp và đẹp. Có nơi người ta bày trầu theo kiểu khác. Trầu được cắm
trong lọ hoặc li thủy tinh; trong li không đựng nước mà đựng gạo. Mỗi miếng trầu cánh phượng được cắm bằng que tre nhỏ dài chừng 20 cm vào đầu cau, trông như một cành hoa lạ. Tùy theo cỡ bàn to nhỏ mà cắm nhiều ít cho phù hợp; mỗi lọ ít nhất cũng cắm từ 5 đến 7
“bông”, thành một lọ hoa đẹp! Có thể đặt trang trí trên bàn tiệc cùng hoa tươi, trông rất kiểu cách, ấn tượng.

[img]http://i88.photobucket.com/albums/k195/NGOBAP/betel-la.jpg" alt=""/>

Ngày nay, trong tiệc cưới ở một số làng quê Kinh Bắc, trầu cánh phượng được têm rất cầu kỳ; mỗi miếng đựng trong một hộp nhựa màu trong suốt, hình vuông hoặc trái tim. Trước khi tiễn quý khách ra về, chủ nhà mời mỗi người một miếng trầu tính trầu tình, -

“trầu têm cánh phượng xinh xinh,
chở trao cho thắm môi mình, lòng say”.

Để khi cầm miếng trầu têm cánh phượng trên tay, ai cũng bùi ngùi, phấn chấn, cảm động đến khó tả, dù chỉ một lần được nhận.

Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện Tấm Cám không chỉ còn là huyền thoại, là ảo ảnh siêu thực. Miếng trầu têm cánh phượng đã bước từ cổ tích ra ngoài cuộc sống. Rất bình dị, gần gũi, nhưng cũng không kém phần cao sang quyến rũ, vẫn tồn tại qua
thời gian để thăng hoa nét đẹp truyền thống một vùng quê.

Nhìn các liền chị têm trầu mà cứ ngỡ là cô Tấm vừa chui ra từ vỏ thị, đang sống giữa cuộc đời, thiết tha tình tứ, giăng mắc cùng lời ca Quan họ -

“Dao vàng bổ miếng cau hoa.
Bày lên đĩa sứ, mang ra thết chàng”.

Miếng trầu cánh phượng vì thế mà đậm đà bản sắc văn hóa Kinh Bắc, thấm đượm tình người, có giá trị nhân bản và nhân văn sâu sắc.


Hồng Vũ Lan Nhi
viethoaiphuong
#5 Posted : Wednesday, January 20, 2010 8:31:17 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Giai Thoại Trầu Cau


Năm bà Đoàn Thị Điểm 25 tuổi (1730) thì thân phụ mất ở nơi dạy học. Bà cùng mẹ và anh đưa linh cữu về quê mai táng, rồi từ đó ba mẹ con lại tới ngụ cư ở làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (Mỹ Hào) tỉnh Hưng Yên.

Bấy giờ bà Điểm thường thay anh trong việc tiếp các tân khách. Bà vốn là cô gái tài sắc, lại giỏi về khoa giao tế, nên tiếng tăm bà lừng lẫy khắp nơi. Người ta đồn rằng: khi bà Điểm giúp anh tiếp khách tuy “dâng rau muối mà hơn cả trân tu”. Do đó, khách đến thăm anh bà đã nhiều, mà những khách “phong lưu công tử” đến để dòm ngó bà cũng lắm.

Khi ấy có hoàng giáp Vũ Diệm, người làng Thổ Vượng (Hà Tĩnh) với các bạn là tiến sĩ Nhữ Đình Toản ở xã Hoàng Trạch (Hải Dương) và tiến sĩ Nguyễn Công Thái ở làng Kim Lũ (Hà Đông) cùng kéo nhau đến nhà bà Điểm. Các “thầy giám” được bà Điểm tiếp đãi rất lịch sự, bà cho người bưng khay trầu ra mời, trên khay có để một bức hoa tiên viết một câu đối:

Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang

Hai chữ thiếu nữ ở đây có hai nghĩa: “gió nhẹ” hoặc “cô gái”. Hai chữ tân lang là “cây cau” thì đồng âm với hai chữ tân lang là “chàng rể”. Bởi vậy vế đối cũng có thể hiểu theo hai nghĩa.

Một là: Trước sân gió thoảng phất cây cau.

Hai là: Trước sân cô gái mời chàng rể.

Các thầy đọc xong vế đối, rồi sáu mắt ngó nhau, chẳng ai đối lại được. Thế là trầu cũng chẳng kịp ăn, ý định chòng ghẹo cũng tiêu tan hết, các thầy đành nhã nhặn gửi lời chào bà chủ rồi vội vã rút lui...

Hà Phương Hoài
viethoaiphuong
#6 Posted : Sunday, February 21, 2010 5:44:57 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Hoa cau vườn trầu

Vietsciences- Võ Quang Yến

Bóng một giàn hoa một lá trầu,
Ngày xanh lui lại nhớ hàng cau
Thái Ngộ Khê



Sau mấy chục năm tha hương, về nước dự đám cưới một người cháu, tôi ngạc nhiên thấy nhà trai còn đem cau trầu làm sính lễ lại đón cô dâu như thời trước. Tôi mừng thầm, sau hai cuộc chiến tranh dài dăng dẳng, thảm thê, truyền thống vẫn còn giữ và dân tộc không quên chuyện truyền thuyết tình cảm, sâu xa của hai anh em Cao Tân, Cao Lang và cô gái học Lưu tên Liên thời Hùng Vương kể lại trong Lĩnh Nam chích quái. Thật ra, Việt Nam ta không phải là nước độc nhất dùng cau trầu trong dịp cưới hỏi. Suốt vùng châu Á, phía đông bao trùm Thái Bình Dương đến các đảo cạnh Úc châu, phía tây vượt quá Ấn Độ đến bờ biển Phi châu, phía bắc lấn tràn Miến Điện và miền nam Trung Quốc, phía nam chiếm toàn Đông Nam Á với quần đảo Nam Dương, ở đâu đất đai và khí hậu cho mọc cau, trầu là nơi đó có tục lệ cau trầu.

Bên Java, khi một chàng trai hỏi ý một cô gái, cô gởi trả một miếng trầu bọc hai lá : nếu úp cùng chiều là cô ta ưng ý. Cô vợ Arakan bên Myanmar thì đem lá trầu xé làm hai đưa cho chồng một nửa : nếu anh quấn làm miếng trầu ăn tức là anh đồng ý để vợ ra đi. Không phải tình cờ mà người Mã lai lấy tên cây cau, pinang, đặt tên meminang cho cuộc dạm hỏi rồi pinangam cho đám hỏi, còn người ở đảo Bali thì đặt tên cho một hòn núi Pinang Gunggam. Bên Ấn Độ, bất cứ lễ sinh con hay lễ tế người chết đều phải có cau trầu. Người Borneo đặt cau trầu quanh thi hài người quá cố cùng với những vật thường dùng hằng ngày. Người Sumatra mang cau trầu đi biếu dân làng mình đến viếng cũng như lúc sắp từ giả... Cưới hỏi, ly dị, kết nghĩa, chia ly,... rất nhiều quan hệ xã hội lúc sống, khi chết, đã được diễn tả qua cau trầu.

Đi xa hơn, cau trầu còn là mối liên quan giữa người và thần linh. Nước miếng đỏ trong miệng người ăn trầu, rất lạ mắt và có phần ghê tởm cho những người phương Tây, hình dung một sức mạnh cốt tử trong mắt nhiều bộ lạc. Người Macassar ở Sulavesi dùng nước ăn trầu thoa trán và thái dương trẻ con bị bệnh. Bên Philippines thì nước trầu được bôi vào bụng con nít để tránh cảm lạnh. Ở nhiều chỗ khác, nước trầu còn có tính chất bùa yêu mầu nhiệm. Ở Timor chẳng hạn, thầy phù thủy nhìn màu nước trầu phết vào trán người chiến sĩ để suy đoán vũ lực và khả năng chiến đấu. Bên Java, đường gân lá trầu chỉ định bản chất cơn bệnh, còn màu nước trầu thì biểu lộ tính tình. Người Batak ở Sumatra cung hiến miếng trầu cho ma quỷ để chúng khỏi rượt đuổi con người (1). Ở Bali, tôi chứng kiến được hằng ngày các cô gái tân thời, áo cụt, quần jeans, tóc dài, da thắm, đẹp như tiên nữ, tung tăn, tươi cười, hồn nhiên chạy đặt những khay trầu bằng lá tí hon trước cửa nhà cũng như khắp các nẻo đường, theo một tục lệ có từ ngày xưa, bất chấp chúng có tồn tại được lâu hay không.

Thật ra, cau trầu không chỉ là một chuyện dị đoan. Nếu bây giờ miếng trầu qua các tay phù thủy, thì trước kia những thầy thuốc như Sushruta ở Ấn Độ từ thế kỷ 1, những lương y Ả Rập như Rhazes, Avicienne qua thế kỷ 10 đã công nhận những giá trị y học của cau trầu. Các sách xưa ghi miếng trầu kích thích nhiệt huyết, đem hương vào miệng, củng cố cơ thể, nảy nở vẻ đẹp, tiêu tan bệnh tật, giúp thêm điềm tĩnh,... Nó còn có khả năng tăng sức tim, chữa đau răng, củng cố nướu răng,... Theo một số sách khác, nó là một trong những thích thú trong đời bên cạnh ăn uống, áo quần, hương hoa, phụ nữ. Ngày nay, miếng trầu được xếp ngang hàng với guarana, kola,... những chất nhai chơi có khả năng kích thích (9). Trái lại, các tu sĩ Myanmar tin nhai trầu cổ võ suy nghĩ, kích thích tịnh tâm (2) .

Hoa cau rụng trắng ngoài thềm



Tục lệ cau trầu chỉ được phổ biến ở Âu châu từ những thế kỷ 16, 17, 18, bắt đầu với những người Bồ Đào Nha. Tiếp xúc với người Ấn Độ và người Mã Lai, họ hấp thu hai danh từ vittilei và vetila để chỉ trầu, dần dần đọc trạnh ra vettele, bettele,…cho đến ngày nay thành betle hay betel. Bên phía cau thì hai danh từ akakeya (Ấn Độ) và adakka (Mã Lai) đã đưọc biến ra thành arec,(noix d'arec), aréquier. Những người Anh quen dùng chữ betle chỉ định trầu, từ đấy cây trầu betle vine, lá trầu betle leaf, miếng trầu betle quid, và kỳ quái là cả ngay trái cau betle nut cho nên lúc ban đầu hay có sự lẫn lộn.
Ở Ấn Độ, tiếng Sanskrit để chỉ trầu là tâmbula, đổi thành tambuli, tambulam trong tiếng Pali, tamboli, tambolam trong tiếng Prâkrit, tambul trong tiếng Persan, al tambul trong tiếng Ả Rập. Phát xuất từ một tiếng Sanskrit khác, parna, người Hindi ngày nay gọi trầu là pân, cho nên những quầy quán bán trầu bên Ấn Độ, Myanmar mang tên panshop. Trong ngôn ngữ Nam Á, chữ trầu thay đổi với các sắc tộc : Khơme mluv, Bana bơlơu, Stieng mlu, Kha blu, Kha blu, Thái Lan phlu, Môn jablu, halang lamlu (1). Người Chăm một thời gồm có hai thị tộc : Dừa và Cau. Thị tộc Cau chiếm giữ vùng Panduranga tức Phan Rang ngày nay và tháp Pô Klaung Garai đã được vua Jaya Simhavarman III (ta gọi Chế Mân) dựng lên trên núi Trầu (3) tức Bôn Hala. Lễ vật cúng ở đây ngoài dê, gà, bánh rượu, lúc nào cũng có kèm theo cau trầu. Sách vở còn kể nghệ nhân Chăm biết dùng vàng, bạc, đá quý tạo nên những hộp đựng cau, trầu, vôi chạm trổ công phu. Trong đám quân binh tháp tùng nhà vua, luôn có những người lính mang những hộp ấy và lễ vật cống hiến Trung Quốc không bao giờ thiếu hộp cau trầu. Ở miền Nam nước ta còn có làng Trầu Phù Lưu, Thập bát Phù viên tức Làng Trầu 18 thôn làm nên quê hương vườn trầu lý tưởng (4) .

Ở Việt Nam ta, từ điển Alexandre Rhodes viết blâu, đọc giầu ở miền Bắc thay vì trầu. Ngoài vôi, cau trầu thường được ăn với vỏ cây chay. Cũng như ở các nước Đông Nam Á khác, cau trầu có mặt trong tất cả các buổi lễ cúng, cưới hỏi, trang hoàng, trong hoàng tộc cũng như ngoài dân gian. Nó "biểu tượng cho sự kính trọng, cho lòng biết ơn, cho sự tạ lỗi - mỗi một khi nhà có việc, đều không thể thiếu cơi trầu, bình vôi, người bạn đường chung thủy của trầu cau - là quyền lực của người nội tướng trong gia đình..." (4a). Trong giao tiếp, miếng trầu là đầu câu chuyện, thay vì điếu thuốc, chén trà. Rồi khi quen nhau nhiều, không xa nhau lâu được : Láng diềng đã đỏ đèn đâu, Chờ em chừng giập bã trầu em sang (Nguyễn Bính). Nhận một miếng trầu là gần như một lời cam kết : Miếng trầu ăn nặng bằng chì, Ăn rồi em biết lấy gì đền ơn. Sau nầy thành vợ thành chồng, có con cái, ru con ngủ cũng còn lẩn vẩn với chuyện cau trầu : Mua vôi chợ Quán chợ Cầu, Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh...

Nhưng nếu bản thân cau trầu luôn còn là bài thơ muôn thuở của con người (4) thì ngày nay khoa học lại phân tích tìm kiếm trong các loại thảo mộc nầy những tính chất dược lý có thể đem ra ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Mang tên khoa học Pepper (hay Piper) betle (hay betel) L., trầu, hay trầu không, thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae. Tên khoa học của cau, còn được gọi binh lang, tân lang, là Areca catechu L., thuộc họ Cau Arecaceae. Trái cau thường được miêu tả trong sách báo qua tên areca nut hay, vì lầm lẫn như đã thấy, betle nut. Bên ta nhân dân dùng lá trầu giã nhỏ, cho thêm nước sôi vào dùng rửa những vết loét, mẩn ngứa, viêm mạch bạch huyết. Nước pha lá trầu còn được dùng làm thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc, chữa bệnh chàm mặt của trẻ em. Có nơi còn giã lá trầu cho đắp lên ngực để chữa ho và hen, hoặc đắp lên vú cho sữa không ra nữa. Trái cau thường được dùng làm thuốc lợi tiểu (gọi là đại phúc bì), chữa giun sán cho người và súc vật, giúp sự tiêu hóa, chữa viêm ruột, lỵ, trẻ con chốc đầu, hợp với thường sơn, thảo quả trong đơn thuốc "trường sơn triệt ngược" chữa sốt rét (*).

Đôi ta nâng mấy cơi trầu



Đem phân tích, lá trầu chứa đựng năm propenylphenol có tính chất khử nấm, trừ giun : chavicol, chavibetol, allyl pyrocatechol, chavibetol acetat, allylcatechol acetat. Những chất phenol khác cũng đã được tìm ra : hydroxy chavicol, eugenol, methyl eugenol, isoeugenol, flavon, quercetin, nhiều nhất là safrol trong hoa. Hydroxy chavicol, tác dụng mạnh nhất, cùng eugenol và tocopherol là những chất kháng oxi hóa đã được chiết xuất từ thân trầu. Những chất 3beta-acetyl ursolic acid, ursolic acid và beta-sitosterol có tính chất chống viêm. beta-sitosterol cũng đã được xác định dưới dạng palmitat trong rễ trầu cùng piperin, piperlonguminin trong thân và tritriacontan, cepharadion, dotriacontanoic, stearic acid trong lá. Bên Ấn độ, một cuộc khảo cứu các tinh dầu, phân biệt được các loại trầu trồng ở các vùng. Trầu Bangla chứa nhiều eugenol (64%), đặc biệt chống nấm, trầu Desawari nhiều propenyl benzodioxol (45%). Hai chất anethol và cis-caryophyllen nổi trội trong trầu Meetha. Trong năm loại trầu vùng Kapoori thì có cả một loạt hóa chất : alpha-thujen, beta-ocimen, delta-cadinen, ... Trầu Sanchi đặc biệt có steraldehyd không tìm ra trong các trầu khác.

Tinh dầu trầu có tác dụng hạ huyết áp, duỗi bắp cơ, trị giun sán, chữa dị ứng (22) như lá trầu (23). Trầu hỗn hợp với những phần chiết tiêu lốt Piper longum, thùn mùn Embelia ribes, cam thảo dây Abrus precatorius, tinh dầu Polianthes tuberosa, natrium borat, làm thành một thuốc ngừa thai dài hạn (11). Trầu có khả năng hủy bỏ tác dụng đột biến của những chất gây ung thư nitrosonornicotin và methyl nitrosoamino pyridyl butanon từ thuốc lá nhờ những eugenol, hydroxy chavicol, chlorophyll, vitamin C cũng như chống dimethyl benz[a] anthracen nhờ beta-caroten. Trầu chiết được dùng với bạc hà trong một hỗn hợp thuốc thơm để cho vào nước súc miệng (21). Có hoạt kháng chống oxi hóa (24), lá trầu lại hoãn chậm sự ô khét bơ dầu nhờ vậy giữ được lâu (25) .

Như trong lá chè, trái cau chứa đựng nhiều tannin gây ra mùi vị đặc biệt và được xem như là những chất gây ung thư. Từ tannin nầy, đã được chiết xuất ra những catechin, epicatechin, leucocyanidin, cùng những chất proanthocyanidin, di- tri- tetra- và penta procyanidin. Trong số các procyanidin, đặc biệt arecatannin B1 ức chế hoạt động của trùng HIV-1-PR. Một số chất khác quan trọng trong trái cau là những alcaloid (2,38 mg/g) : (%) arecolin (0,30-0,63), arecaidin (0,31-0,66), guvacolin (0,03-0,06), guvacin (0,19-0,72) và những dẫn xuất nitroso của chúng rất độc hại cho gen, cho tế bào biểu mô miệng, niêm mạc mũi, có thể gây u tuyến ở phổi. Những aflatoxin B1, B2, G1, G2 (3,5-26,2 µg/kg) trong cau bị nhiễm trùng Aspergillus flavus cũng có tác dụng gây ung thư. Safrol có khả năng gây ung thư ở thực quản. Acrolein thì rất độc hại cho gen nhưng lại làm giảm hạ đường trong máu thỏ đã bị alloxan gây bệnh đái đường. Vôi Ca(OH)2 cho phát xuất những gốc OH có thể làm tổn thương những tế bào miệng. Người ta biết khi thay đổi pH, chẳng hạn lúc tiếp xúc với vôi là một chất alcali, những alcaloid có khả năng thay đổi màu, ví dụ nhuộm đỏ trong nước miếng người ăn trầu. Vôi có khả năng ức chế methyl mercaptan phát tiết ra ngoài nên ăn trầu đở hôi miệng. Chính vôi cũng đã thủy phân arecolin và guvacolin ra thành arecaidin và guvacin. Cùng với hai chất nầy, đã được xác định những alcaloid khác : nicotin, methyl nicotinat, ethyl nicotinat cùng dimethyl piperidin carboxylat, ethl methyl tetrahydro pyridin carboxylat. Những polysaccharid trong vỏ trái có tính chất chống bổ thể, trình bày một số đường 48,2% (rhamnose, arabinose, mannose, galactose) cùng uronic acid, protein. Saccharin được xác định trong cau dưới dạng muối natri. Ngoài các acid mỡ (lauric, myristic, palmitic, stearic, phtalic acid) cau còn chứa đựng những amin acid : ít tryptophan, methionin, hơn 15% prolin, hơn 10% tyrosin, phenylalanin arginin.

Trong một cuộc khảo cứu rộng lớn trên 100 thảo mộc ở Á Đông, hãng Coreana Cosmetics đã tìm ra cau cùng với riềng, nghệ, cải, đinh hương, đơn bì, đại hoàng,… trong số những cây có thể dùng để chiết xuất chất kháng oxi hóa. Một ứng dụng được thực hiện dựa lên tính chất nầy là cho trộn cau với dương mai (28) hay với riềng Curcuma longa, đinh hương Syzygium aromaticum, mộc hương Saussurea lappa (có khả năng khử melanin) làm thuốc bảo vệ da (18). Có mỹ phẩm dựa lên tính chất khử thải những gốc tự do của cau (27), hỗn hợp vói vitamin C (29) hay cam thảo bắc Glycyrrhiza glabra (30). Nhờ khả năng ức chế tác dụng 5’-nucleotidase, glucotransferase trong Streptoccocus mutans của những chất phenol, procyanidin và acid mỡ, cau được dùng để chữa sâu răng, trị viêm răng, chống mảng răng (17). Bên ta trước kia đã thấy có thói dùng vỏ trái cau chùi răng, một vật liệu vừa hữu hiệu vừa dễ kiếm cần phải được khuyến khích. Những chất phenol, đặc biệt những ester, thức biệt thành NF-86I, NF-86II, NPF-86IA, NPF-86IB, NPF-86IIA, NPF-86IIB, cau được đưa vào thuốc trị u khối (13,14), chữa các chứng nhiễm virus (16). Vì ức chế glycerophosphat deshydrogenase, chúng được cho vào thức ăn chống béo (20). Cũng như trầu, tiêu Piper nigrum, rau ngót Sauropis androgynus,… cau thuộc số ít thảo mộc ức chế rất mạnh giun tròn Bursaphelenchus xylophilus, theo một bản báo cao Mã lai. Trong cau có một phần tannin ức chế được enzym chuyển đổi angiotensin nên được xem là chất chống huyết áp (12). Dùng dichloro methan chiết xuất, cau cống hiến một chất thuốc chống trầm cảm (26).

Vườn em đất tốt trồng cau



Một vấn đề khá quan trọng đã được nhiều giới khoa học lưu ý, đặc biệt ở Ấn Độ là khả năng gây ung thư của miếng trầu. Các bài tổng kiểm đã được sử dụng lượt kê gần 500 bản báo cáo đủ loại. Kết luận đến nay chưa ngã ngũ rõ ràng. Công tác sâu rộng và đầy đủ nhất, tuy hơi xưa (1985), được Tổ chức Quốc tế Khảo cứu về Ung thư thực hiện (5). Theo bài nầy, có đủ chứng cớ để tin ăn trầu, thêm hút thuốc, dễ gây ung thư trên con người nhưng không thể buộc tội miếng trầu một mình. Như vậy là nghĩa là người vừa ăn trầu vừa hút thuốc có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư họng nhưng không thể nói gì về người chỉ ăn trầu mà thôi. Hai mươi năm sau nầy, nhiều bài tổng kiểm khác lại bổ túc. Theo Giáo sư Iwao Hirono (6), dựa lên những khảo cứu về mặt dịch tể học ở đàn ông, đàn bà các nước Ấn Độ, Mã Lai, Trung Quốc, thì ung thư chỉ do những yếu tố môi trường như cách thức ăn trầu chỉ định chứ không dính dáng gì đến di truyền dân tộc. Ông đưa ra mâu thuẫn lá trầu có khả năng ức chế gây ung thư benzo[a]pyren còn cau và vôi thì có tác dụng ngược lại. Một công tác tương đối mới hơn (1989) (7) nhấn mạnh vai trò của những alcaloid trong miếng trầu vì chúng tác dụng với vôi để cấu tạo những gốc tự do phá hoại màng nhầy trong miệng, nơi mà vôi đã từng gây viêm. Đằng khác, thuốc lá vừa gây phản ứng nitroso hóa các alcaloid kia vừa đem thêm vào những nitrosamin độc hại của chính mình. Tuy nhiên các tác giả công nhận là không có thuốc lá, miếng trầu chưa chắc đã gây ung thư. Thiếu vitamin trong cơ thể, hoạt động vi khuẩn trong miệng và tác dụng gây kích thích của vôi và cau là những tác nhân tiềm lực.

Theo Giáo sư P.C. Gupta (8), người đã theo dõi lâu ngày lãnh vực nầy bên Ấn Độ, tuy khảo cứu dịch tể học cũng như thực nghiệm không chứng minh được miếng trầu không thêm thuốc lá đã đem lại ung thư, cau trong miệng đã gây những xơ dưới niêm mạc trong miệng tức là một tổn thương tiền ung thư. Một người hút thuốc đã có sẵn những xơ nầy tất nhiên dễ bị ung thư hơn những người khác. Ông lập chương trình phòng ngừa : ngừng hút thuốc nếu ăn trầu và khám nghiệm kịp thời để phát giác thời tiền ung thư. Sau cùng, một công tác khảo cứu tại viện Đại học Đài Loan (10) đặt lại toàn thể vấn đề. Theo các tác giả bài báo nầy thì tính độc của polyphenol, alcaloid và tannin trong cau chưa được chứng minh rõ ràng và cần phải được xem lại. Phản ứng oxi hóa những polyphenol của cau trong nước miếng người ăn trầu cho phát xuất những loại oxi có hoạt tính lớn là mấu chốt mọi khởi xướng và phát triển ung thư miệng. Phản ứng nitro hoá những alcaloid cấu tạo nên những nitroamin đặc thù của cau đã được chứng minh là những chất gây đột biến, rất độc về mặt gen và có khả năng cho đột nhập u khối vào thú vật như arecaidin và phần chiết từ cau. Nhiều thí nghiệm sẽ cần được thực hiện để nêu rõ sự chuyển hóa của những thành phần cau và vai trò của chúng trong phản ứng nhiều đợt gây ung thư hầu mong từ đấy tìm ra phương pháp phòng ngừa và chữa ung thư miệng cũng như u xơ dưới niêm mạc miệng.

Song song với những khảo cứu y khoa kia, kỹ nghệ cũng kiếm cách ứng dụng những tính chất của cau. Những phenol có khả năng bảo vệ những nucleotid chống tác dụng phá hoại của những enzym nên được dùng bảo vệ thức ăn như dưa chuột để giữ hương vị. Chúng ức chế urease chế tạo ammoniac trong urea nên được dùng làm thuốc thơm trong vật liệu bảo dưỡng mèo. Người ta đã làm thuốc nhuộm vải, lụa với phần chiết từ cau. Tannin được trộn với natrium sulfat, natrium carbonat làm thuốc nhuộm tóc đen xám (15). Nhờ chất proanthocyanidin, đặc biệt chất epicatechin- catechin, cau đưọc hòa với acetyl glutamin acetat, butylen glycol glycerol trong ethanol và nước thành thuốc kích thích tóc mọc (19). Một loại giấm giàu enzym và amin acid, xúc tiến sự tiêu hóa, gồm có một phần hột cau, nước gừng, cải củ, khoai mài,... Thân cây cau có nhiều lignin, ít hollocellulose, có tính chất cơ lý học tương đương với các gỗ cứng khác thường được dùng làm giấy. Vỏ trái cau đem xử lý với nấm đỏ Phanerochaete chrysosporium tăng số lượng protein lên quá 100%, còn nếu để nguyên cho ủ thì lignin hủy hoại đến 62% nhưng năng suất khí methan phát ra tăng lên 48%. Tôi rất ngạc nhiên chưa thấy một nước nào, nhất là các nước ít giàu, dùng vỏ trái cau làm bót đánh răng, vừa rẻ tiền, vừa vệ sinh.

Mỗi lần về quê, nhìn hàng cau trong nắng, tôi nhớ đến Hàn Mặc Tử, nhớ qua thôn Vỹ, nhớ về Nam Phổ làng xưa. Trong tai tôi bên phương trời Tây luôn còn văng vẳng giọng hát ngọt ngào của Thu Hiền :

Nhà anh có một vườn cau,
Nhà em có một vườn trầu,….../



Phượng Các
#7 Posted : Saturday, August 18, 2012 8:41:51 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Cả ba miền nước ta đều có trầu. Riêng miền Bắc lại gọi là giầu không. Bị nhiều người miền Nam mỉa mai, chê cười. Đã giầu lại còn không. Ăn nói kì cục! Ai mà hiểu nổi.

Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1988) định nghĩa:

- Trầu không là cây leo, thường trồng thành giàn, lá hình tim, có mùi hăng, thường dùng để ăn trầu.

- Trầu là lá trầu đã têm, dùng để nhai cùng với cau cho thơm miệng, đỏ môi, theo phong tục từ xưa.

Gustave Hue (1937) giải thích rõ ràng, dứt khoát hơn: giầu không là "bétel seul" (một mình lá giầu). Chèng đéc ơi, không nghĩa là... không có gì hết trơn, hết trọi!

Phương ngữ miền Bắc thỉnh thoảng dùng chữ không, với nghĩa là... không có. Thí dụ : phở không là phở không có thịt, chỉ có bánh và nước. " Đánh bát cơm không " nghĩa là ăn cơm (nguội) không có đồ ăn. Ăn không ngồi rồi : chỉ ăn, không làm gì v.v.

Từ kép Giầu không được dùng để chỉ một mình lá giầu, không có gì khác. Các bà đi chợ mua giầu không. Cô em be bé, xinh xinh khoe nhà mình có giàn giầu không.

Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều. (Nguyễn Bính, Qua nhà, 1936)
Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào? (Nguyễn Bính, Tương tư, 1939)

Giàn giầu không bị nghệ thuật thi ca cắt tỉa thành giàn giầu. Chính Nguyễn Bính đã tự "sửa sai" ngay sau đó.
Từ đơn Giầu được dùng để chỉ miếng giầu gồm lá giầu, cau, vôi, (vỏ, thuốc lào).

Miếng giầu là đầu câu chuyện. Các bà chào hỏi, mời nhau ăn giầu. Không bao giờ người ta mời nhau ăn giầu không.

Nói đến Giầu lại sực nhớ ngày nào Mẹ đi chợ Thị Nghè bị bà bán hàng nửa đùa nửa thật "Mua trầu thì tui bán, mua giầu không thì cả chợ này không ai bán đâu".

Mẹ ơi, ai cười giầu không thì người đó hở mười cái răng... vàng khè.

http://chimvie3.free.fr/48/nddg113_traucau.htm

Trước đèn xem truyện Trầu cau
Nguyễn Dư
Phượng Các
#8 Posted : Monday, August 10, 2015 8:19:44 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Trong Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ có câu:

Miếng trầu têm vỏ mận vỏ dà, buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ

Chả biết mận, dà là gì?
Phượng Các
#9 Posted : Sunday, April 26, 2020 12:24:49 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
nguyen1;164850 wrote:


Không biết ở ngoài nước thế nào chứ ở trong nước còn người ăn trầu!
Các chợ đều có bán các thứ để làm trầu. Lễ hội ở miền Bắc, như hội Quan họ Bắc Ninh,
thường có trầu để mời nhau hay để quyên tiền.

Ở VN PC có bao giờ dùng vỏ cau khô để chà răng không?



trầu cánh phượng


Có nghe vụ chà răng bằng vỏ cau khô, nhưng làm chơi cho biết chớ dân thành thị có kem Hynos, Perlon (có s không nhỉ) rồi (hồi xưa hai hiệu này thông dụng ở Nam Việt Nam). Người VN còn dùng than từ củi đánh nữa, và than làm cho răng trắng mau hơn vỏ cau . Còn muối thì sạch răng, sát trùng, và làm răng chắc nữa . Ai hay chảy máu răng, nha sĩ dặn dùng floss thường cho nướu cứng lại, nhưng nếu ngậm muối thì cũng tốt (không nghe nha sĩ ở Mỹ khuyên dùng muối bao giờ!).
nguyen1
#10 Posted : Tuesday, April 28, 2020 5:48:45 PM(UTC)
nguyen1

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/23/2013(UTC)
Posts: 1,091
Points: 3,294

Was thanked: 104 time(s) in 92 post(s)


PC giàu nên có tiền mua kem đánh răng chứ người nghèo như NCT làm gì có tiền Blushing ! Có vỏ cau, có than, có muối là tốt rồi, hơn cả có lúc, như trong 2 cuộc chiến, ... đánh răng, lau răng với khăn tay, với ngón tay, với nước lã, ... !PC thấy có thảm không?

Viết đến "giàu có" mới nhớ đến PC có nhắc đến "giầu không"! "Giầu không" là tiếng của 1 địa phương nào đó như l và n? Người có sẵn tính kỳ thị thì đổ đồng cho cả miền! PC thử để ý xem mấy ca sĩ người Bắc khi hát, khi nói có lẫn lộn l, n không?

Còn vỏ mận trong bài phú của NC Trứ:
"Miếng trầu têm vỏ mận vỏ dà, buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ" có thể là vỏ cây mận (Prunus salicina). Sách thuốc viết: vỏ mận (lớp trắng) ... dùng sắc ngậm chữa đau răng ... .

Còn vỏ dà (cũng vừa tra được) sẽ viết sang mục mới cho PC khỏi mất công dời nha!
Blink

nguyen1
#11 Posted : Thursday, April 30, 2020 4:54:10 AM(UTC)
nguyen1

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/23/2013(UTC)
Posts: 1,091
Points: 3,294

Was thanked: 104 time(s) in 92 post(s)


Thấy món này được bán bên cạnh lá trầu và cau nè:





Có vị nào biết đó là vỏ hay rễ, ... của cây gì không?


Phượng Các
#12 Posted : Thursday, April 30, 2020 8:58:19 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Nhin hình thấy giông giống như loại thảm làm bằng xơ dừa, nhưng nếu để nhai thì xơ ấy phải mềm hơn, vậy có thể là xơ cây cau chăng, cho đi với trái cau . Nếu vỏ mận có tính sát trùng, chữa đau răng thì người xưa quá là hay . Nhiều lúc cũng muốn thử ăn trầu coi nó ra sao, nhưng nghe nói ăn trầu có chất vôi có thể làm ung thư vùng miệng nên thôi ...

Tục ngữ có câu: bỏ thuốc mua trâu, bỏ trầu mua ruộng
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.