Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Paris, thời trang & nước hoa...
viethoaiphuong
#1 Posted : Sunday, December 30, 2018 3:33:47 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Minh Anh - RFI - Thứ Sáu, ngày 28 tháng 12 năm 2018

KENZO : Phù thủy thời trang xứ Phù Tang trên đất Paris


Nhà tạo mẫu người Nhật Bản, Kenzo Takada.Archive Kenzo Takada

Nhắc đến « Kenzo », hẳn các quý bà, quý cô sẽ nhớ ngay đến « Kenzo Flower », lọ nước hoa hình trụ cong, dáng vẻ thanh mảnh dịu dàng như một cành hoa mỹ nhân trong suốt. Hương thơm nhẹ nhàng nhưng quý phái, thoang thoảng mùi thơm của hoa nhài, hoa hồng. Một chút ngọt dịu của vani và xạ hương ...

Kenzo by Flower, một trong những dòng sản phẩm mang tên tuổi của Kenzo Takada, nhà tạo mốt huyền thoại xứ Phù Tang nhưng lại rất « Parisien » (người Paris). Nói đến Kenzo, trước hết phải nói về thời trang, lĩnh vực đầu tiên đã đưa tên tuổi của Kenzo Takada vào giới tạo mẫu hàng đầu thế giới.

Tháng 02/2019, Kenzo Takada thổi ngọn nến sinh nhật 80 tuổi. Nhân dịp này, ông đã chấp nhận cùng chấp bút với Kazuko Masui và Chihiro Masui ra mắt tập sách mang chính tên ông « Kenzo Takada », sau nhiều năm đắn đo và từ chối.

Với độ dày hơn 460 trang, được in dưới hình thức một tập bản thảo, « Kenzo Takada » phác họa lại hành trình dài 40 năm của nhà tạo mẫu đầu tiên ở Paris đến từ xứ Hoa Anh Đào. Lần đầu tiên, ông cho đăng hơn 400 bản vẽ thiết kế mẫu trong tổng số hơn 7000, cùng với nhiều bức ảnh về đời tư của ông, cũng như những bức thư ông viết cho thân mẫu mà công chúng chưa bao giờ được biết đến.

Lật từng trang sách, độc giả như đi cùng với Kenzo theo từng năm tháng. Kenzo đã trở thành cái tên của một dòng thời trang vui nhộn và trẻ trung. Và Kenzo còn là một trong những nhân chứng sống về sự chuyển đổi sâu sắc trong một lĩnh vực đã bị toàn cầu hóa.

Gần 80 tuổi, nhưng đôi mắt ông vẫn tinh anh, nụ cười hiền hậu và vẫn trẻ trung như năm nào khi mới đến Paris. Hồi tưởng lại những ngày đầu đặt chân tới Paris, Kenzo Takada thổ lộ những suy nghĩ của ông với đài RFI, tại phòng làm việc riêng : « Khi tôi đến Paris năm 1965, tôi không hề nghĩ là có thể làm việc trong ngành thời trang ».

Jungle Jap

Nhưng có một điều chắc chắn giới am tường nghệ thuật thời trang đều cùng có chung một nhận định : Kenzo Takada là một « thần đồng » trong lĩnh vực thiết kế tạo mẫu. Sinh ngày 27/02/1939, tại làng Himeji, Nhật Bản, là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em, Kenzo Takada ngay từ nhỏ đã đam mê thời trang. Ông suốt ngày mê mẩn với các tờ tạp chí do các chị mua về.

Mười chín tuổi, Kenzo được vào học trường tạo mốt uy tín nhất của Nhật Bản lúc bấy giờ, Tokyo's Bunka Fashion College, vừa mở cổng đón nam sinh năm đầu tiên sau một năm hoạt động. Kết thúc chương trình học năm 1964, ông quyết định lên đường sang Paris lập nghiệp.

Những năm đầu mới đến Paris không phải là dễ đối với Kenzo. Khác biệt ngôn ngữ và văn hóa, tài chính hạn hẹp, không có nhiều quen biết … nhưng không vì thế mà ông từ bỏ giấc mơ tạo nên một thương hiệu thời trang riêng của mình. Ban ngày ông làm thợ vẽ mẫu cho hãng Relations Textiles, ban đêm tập trung cho bộ sưu tập của mình. Và những nỗ lực đó dường như đã được đền đáp.

« Cách nay 50 năm, nếu như quý vị đã từng đi ngang qua số 43 dãy phố Vivienne, quý vị rất có thể nhận thấy một cửa hiệu nhỏ, ở đó ngự trị một bầu không khí sôi động đến kỳ lạ. Mặt tiền cửa hiệu ghi dòng chữ : Jungle Jap. Một cái tên nghe bất nhã làm sao ! », trong tập sách Kenzo Takada có đoạn ghi như thế.

Jungle Jap là cửa hàng quần áo thời trang đầu tiên của Kenzo, được mở vào ngày 14/03/1970, với sự trợ giúp của hai cô bạn đồng hương Nhật Bản. Jungle được ông lấy cảm hứng từ bức họa Giấc mơ (Le Rêve) của họa sĩ Douanier Rousseau. Jap là vì « chúng tôi là người Nhật Bản. Tôi cảm thấy cái tên này nghe rất gợi cảm. Vả lại lúc ấy tôi quá nhát không dám để tên mình. Và nhất là chúng tôi có đến 3 người », theo như những gì ông giải thích trong « Kenzo Takada ».

Chỉ trong vòng một năm, Kenzo tổ chức 4 cuộc trình diễn. Cũng trong năm đó, ông đã làm chao đảo cả Paris. Người ta chen lấn để được tận mắt thấy phong cách vui nhộn của « anh chàng Nhật Bản nhỏ bé ». Với những gam màu vui nhộn như trẩy hội, Kenzo trong những năm 1970 đã mang đến cho làng thời trang Paris, khi ấy bị cho là lỗi thời và cứng nhắc, một làn gió mới, trẻ trung hơn.

Kenzo « phá cách » với lối may mặc truyền thống. Ông đặt dấu chấm hết cho kiểu may ôm lấy thân thể, ống tay hẹp, sát cổ, chít eo… thay vào đó là kiểu quần áo rộng rãi, ở đó thân thể được thở, cử động thoải mái.


Một bản thảo của Kenzo Takada.
Arquivo Kenzo Takada

Paris : Tình yêu tự do

Một ngày, có một phóng viên ghi rằng : « Dior, những năm 1950. Saint Laurent, những năm 1960. Kenzo, những năm 1970 ». Tạp chí Elle trong năm 1970 còn mệnh danh Kenzo là « thi sĩ coton », bởi vì chất liệu chủ đạo là vải coton. « Tôi sử dụng coton là vì tôi không có đủ tiền, nhưng cũng vì đó là chất liệu tôi vẫn ưa thích nhất. Tôi thích sự nhẹ nhàng, tiện nghi và mềm mại của coton ».

Những cuộc trình diễn cứ thế lần lượt tiếp nối. Tên tuổi của ông cứ vậy mà tiếp tục bay xa, xuất hiện dần trên các sàn diễn lớn. Cái tên Jungle Jap lần lượt được thay thế bởi « Kenzo Jeans », « Kenzo Jungle », để rồi rút ngắn thành « Kenzo » vào những năm 1980.

Thành công của ông mở đường cho một thế hệ nhà tạo mẫu Nhật Bản, từ Issey Miyake cho đến Yojhi Yamamoto, Rei Kawabuko, lần lượt đổ về Paris tiếp bước Kenzo, đem lại một hơi thở mới cho các sàn diễn của phương Tây.

Hơn nửa thế kỷ sống tại Paris, dù ông đã quen từng góc phố, từng con đường, nhưng Paris vẫn luôn làm ông phấn khích. « Paris vẫn luôn là tình yêu của ông ». Bởi vì chính Paris đã đem lại cho ông sự tự do sáng tạo.

« Ở Nhật Bản, có quá nhiều nghi thức, phải làm cái này, phải làm thế kia. Tại Paris, vì tôi quen biết không nhiều, nên tôi có thể làm những gì mình muốn. Đối với tôi, đó là một sự tự do hoàn toàn. Đó là lý do vì sao tôi muốn ở lại Paris. Đương nhiên là vì thời trang rồi, nhưng vì còn có sự tự do này nữa. »

Tự do sáng tạo và cả trong đời tư. Cuộc đời của ông không chỉ có những niềm vui mà còn xen lẫn cả những nỗi buồn. Năm 1990, sự ra đi đột ngột của người bạn đồng hành, Xavier de Castella, thật sự là một cú sốc, một bi kịch lớn nhất đời ông. Nhưng chính trong nỗi buồn khôn xiết đó, Kenzo đã cho ra đời dòng sản phẩm dầu thơm đầu tiên dành cho nam giới : Kenzo pour homme (Kenzo for men).

80 ngọn nến nhưng chưa gác bút vẽ

Đam mê thời trang đến thế, vậy mà vào năm 1993, Kenzo đã quyết định bán thương hiệu của mình cho tập đoàn thời trang cao cấp đa quốc gia LVMH và chính thức rời KENZO S.A vào năm 1999. Hơn 20 năm rời xa sàn diễn, liệu ông có nhớ ánh đèn sân khấu ?

« Tôi yêu thích tất cả những thứ đó, nhưng đồng thời cũng thật là mệt mỏi. Đó còn là cả một trách nhiệm lớn lao và một áp lực kinh khủng. Tôi làm điều này trong vòng 30 năm. Vì vậy, đến lúc nào đó tôi muốn dừng lại. Quả thật, tôi cũng nhớ các buổi trình diễn, nhưng người ta không thể có tất cả. »

Đó cũng là thời điểm marketing ngày càng có một vị thế quan trọng trong làng thời trang. Phải chăng chính áp lực của các nhà tiếp thị đối với các nhà tạo mẫu đã khiến ông phải rời ánh đèn sân khấu ?

« Có được một cái gì đó vừa sáng tạo vừa mang tính thị trường không phải là dễ. Trong suốt những năm 1970, tôi chưa hề nghĩ đến việc kinh doanh. Chủ yếu chỉ nghĩ đến các buổi trình diễn và các buổi lễ hội. Nhưng đến những năm 1980, tôi phải sắp xếp lại doanh nghiệp và bắt đầu tính đến khía cạnh kinh doanh, nhưng rồi giới nhà báo cũng bắt đầu nói là tôi đã trở nên quá thương mại ».

Khi được hỏi ông nghĩ như thế nào về thời trang ngày nay, Kenzo cho rằng có một sự thay đổi quá lớn. Trong những năm 1970, người hâm mộ phải đợi 2-3 tháng để có thể xem các bức ảnh trình diễn thời trang. Bây giờ thì ngay tức thì. Với ông như vậy cũng tốt, nhưng vẫn thiếu một điều gì đó.

« Mỗi khi tôi đi du lịch đâu đó, Nhật Bản hay Brazil chẳng hạn, tôi đều tìm thấy có một kiểu thời trang khác nhau. Bây giờ, tôi thấy ở đâu cũng có cùng các cửa hiệu và các kiểu mẫu mã. Cũng tốt thôi, nhưng hơi thiếu một chút đa dạng. Thật đáng tiếc… Nhưng đồng thời, công nghiệp thời trang lại trở thành một thứ gì đó rất quan trọng. »

Giờ sắp bước sang tuổi bát tuần, không còn đứng đầu nhãn hiệu thời trang do chính ông lập ra, nhưng Kenzo Takana cho biết vẫn chưa có ý định gác ngòi vẽ: « Tôi có nhu cầu làm việc với các ê-kip trẻ. Tôi cần điều này, tôi muốn có thêm hiểu biết, có nhu cầu tiếp xúc với mọi người ».

viethoaiphuong
#2 Posted : Monday, December 31, 2018 3:49:33 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


những bộ váy dài màu đỏ và màu cam (năm 1974)
thuộc về sở hữu của nữ ca sĩ Dalida, được trưng bày tại palais Galliera hồi tháng 4, 2017.
bảo tàng sẽ mở lại vào năm 2019.

(AFP - 31/12/2018)



Dalida - Il venait d'avoir 18 ans (1975)


PS.

ngày 5 tháng 5, 1975, trên sân khấu Mosaïque, Dalida đã hát ca khúc tựa đề "Anh vừa tròn 18 tuổi"
trong y phục màu đỏ, gợi cảm, ca sĩ mừng sinh nhật thứ 42, và ca khúc này đã là một trong những thành công lớn và là album của năm 1974.
bài hát này rất được hâm mộ năm 1975

bài hát "Il venait d'avoir 18 ans" được viết bởi Pascal Sevran, Pascal Auriat et Serge Lebrail,
ca khúc phản chiếu về 1 giai thoại tình yêu, nhưng trở thành bi kịch của chính ca sĩ Dalida
khi Dalida 34 tuổi, cô có mối tình bí mật với một chàng sinh viên Ý (tên là Luigi) chỉ mới 18 tuổi,
Dalida có bầu và đã chọn việc phá thai, và điều này khiến cô sau đó không còn có khả năng sinh con.

viethoaiphuong
#3 Posted : Tuesday, February 19, 2019 9:17:07 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Thanh Phương - RFI - ngày 19-02-2019

« Ông Hoàng » thời trang Karl Lagerfeld qua đời


Karl Lagerfeld chào khán giả trong một buổi trình diễn thời trang Xuân-Hè 2012 của Chanel tại Paris 24/01/2012.
REUTERS/Benoit Tessier

Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới người Đức Karl Lagerfeld vừa qua đời hôm nay, 19/02/2019, thọ 85 tuổi, theo thông báo của Chanel, hãng thời trang ông làm giám đốc nghệ thuật từ 36 năm qua.

Tình trạng sức khỏe của Lagerfeld đã suy sụp nhanh chóng từ mấy tuần qua, đến mức ông đã không thể ra chào khán giả trong cuộc trình diễn thời trang hè-thu 2019, điều chưa từng xảy ra kể từ khi ông bắt đầu làm việc cho Chanel vào năm 1983. Lagerfeld đã được đưa vào cấp cứu từ tối qua.

Từ bao năm qua, công chúng Pháp đã quá quen thuộc với Karl Lagerfeld, lúc nào cũng xuất hiện với cặp kín đen, áo semi cổ rất cao, bàn tay đeo đầy nhẫn.

Lagerfeld sinh năm 1933 tại Hambourg, Đức, theo giấy tờ chính thức, nhưng trả lời tạp chí Paris-Match vào năm 2013, nhà thiết kế thời trang khẳng định ông sinh 1935 do mẹ ông đã sửa lại năm sinh.

Sau khi xem một buổi trình diễn thời trang của nhãn hiệu Dior trong một khách sạn ở Hambourg, chàng trai Lagerfeld đã quyết định sẽ theo đuổi nghề tạo mẫu. Ông đã cùng mẹ chuyển đến ở Paris vào thập niên 1950, nơi mà ông khởi đầu sự nghiệp vào thập niên 1960 với tư cách nhà tạo mẫu độc lập.

Được mệnh danh là « ông Hoàng » thời trang, Karl Lagerfeld là một designer có khả năng canh tân liên tục và biết nắm bắt thị hiếu của thời đại, thường xuyên tổ chức những buổi trình diễn thời trang gây ấn tượng mạnh tại Đại Cung Điện (Grand Palais), Paris. Mỗi lần giới thiệu các kiểu thời trang mới, ông lại cho dựng những cảnh trí theo những chủ đề riêng biệt, khi thì tái hiện một siêu thị, một sân bay, khi thì đưa khán giả vào một khu rừng mùa thu hay lên một du thuyền sang trọng.

Vào lúc Lagerfeld vào làm việc cho Chanel vào năm 1983, hãng thời trang này tưởng đã không còn tương lai nữa. Thế nhưng, ông đã nhanh chóng biết tận dụng những yếu tố mang bản sắc Chanel, nhưng cải tiến và trẻ hóa những yếu tố đó cho chúng thích ứng với xu thế mới.

Cũng chính ông là người phát hiện và tạo điều kiện phát triển cho nhiều người thành các người mẫu ngôi sao như Inès de la Fressange (Pháp), Claudia Schiffer (Đức) hay Cara Delevigne (Anh).

Sinh tại Đức, nhưng Karl Lagarfeld vẫn khẳng định ông là « người châu Âu », vì « tổ quốc tinh thần » của ông là một nước Đức không còn tồn tại nữa, đó là nước Đức của thời đại hoàng kim về văn hóa của thập niên 1920, thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, trước khi phe Quốc Xã của Hitler lên nắm quyền.

Sau khi loan báo cái chết của Karl LagErfeld, hãng Chanel đã ra thông báo bổ nhiệm bà Virginie Viard, nhân vật là cánh tay phải của ông, thay thế nhà thiết kế thời trang này làm giám đốc nghệ thuật của Chanel.

viethoaiphuong
#4 Posted : Tuesday, June 18, 2019 12:35:53 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Doanh thu Chanel vượt ngưỡng 11 tỉ đô la

Tuấn Thảo - RFI - ngày 18-06-2019


Đợt biểu diễn thời trang Chanel tháng 3/2019 được xem như bộ sưu tập cuối cùng của Karl Lagerfeld.
REUTERS/Regis Duvignau

Công ty thời trang Chanel mở ra một trang sử mới. Thời kỳ hậu Karl Lagerfeld dường như đã không tác động gì nhiều đến các hoạt động kinh doanh của Chanel. Ngược lại, hãng thời trang Pháp đạt mức bội thu chưa từng thấy, còn doanh thu trong năm đã cán mốc 11 tỉ đô la.

Theo số liệu vừa được công bố hôm 17/06/2019, trong năm 2018, Chanel đã duy trì mức tăng trưởng hai số, lập kỷ lục với 11,12 tỉ đô la (tương đương với 9,91 tỉ euro), tức là doanh thu thường niên đã tăng 12,5%. Mức tăng này phá kỷ lục trước đó của năm 2017, doanh thu đã tăng thêm 11% chỉ trong vòng một năm.

Thương hiệu do bà Coco Chanel sáng lập, nổi tiếng trên toàn thế giới với túi xách chần bông và nước hoa Chanel số 5, qua việc công bố doanh thu hàng năm của mình, đã muốn khẳng đặng vị thế ưu việt của một hãng thời trang có uy tín lâu đời. Chanel hiện là một trong những thương hiệu xa xỉ phẩm hàng đầu thế giới chỉ đứng sau Louis Vuitton (11,6 tỉ đô la năm 2018) thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH, và đứng trước công ty thời trang Gucci (đạt 7,5 tỉ đô la năm 2018), thuộc sở hữu của tập đoàn Kering.

Sau khi nhà thiết kế Karl Lagerfeld lừng danh qua đời, đã có nhiều tin đồn suy đoán rằng hai anh em nhà Wertheimer, sở hữu công ty Chanel, muốn cho công ty này tham gia sàn chứng khoán. Tuy nhiên, giám đốc tài chính Philippe Blondiaux đã lên tiếng trấn an khi khẳng định rằng không hề có chuyện đưa Chanel vào thị trường chứng khoán và Chanel vẫn giữ nguyên tính độc lập.

Cũng theo ông Philippe Blondiaux, việc bổ nhiệm Virginie Viard làm giám đốc nghệ thuật, ngồi vào chỗ của Karl Lagerfeld là một sự lựa chọn đúng đắn hợp lý, cho một kế hoạch phát triển lâu dài. Virginie Viard làm giám đốc phòng thiết kế Studio Chanel từ năm 1997, lần đầu tiên cô hợp tác với nhà thiết kế người gốc Đức là vào năm 1987, để rồi hơn 30 năm sau trở thành cánh tay phải của ông Karl Lagerfeld.

Cho dù Karl Lagerfeld đã vĩnh viễn ra đi, nhưng công ty Chanel vẫn còn bị phủ bóng nhà thiết kế trong vòng một thời gian dài, do lúc sinh tiền Karl Lagerfeld đã trở thành một ‘‘hiện tượng kinh tế’’, lập ra một mô hình hái ra bạc tỉ nhờ biết kinh doanh các dòng sản phẩm trong thế giới mở rộng của cùng một thương hiệu.

Trong hai năm gần đây, Chanel đã chi hơn một tỉ euro để mở thêm các chi nhánh tại nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như đầu tư vào các chiến dịch quảng cáo trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, công ty Chanel vẫn chưa kinh doanh trực tuyến các sản phẩm của mình, đặc biệt là dòng sản phẩm thời trang cao cấp, các mỹ phẩm hay là phụ kiện thời trang cũng như đồng hồ và các món nữ trang.

Mạng chính thức của Chanel giống như một tủ kính trưng bày lộng lẫy, nơi mà các sản phẩm được kèm với các địa chỉ cửa hiệu cũng như các địa điểm phân phối. Một cách để hạn chế lượng ‘‘hàng giả’’, nhất là các sản phẩm ngoài luồng, các kiểu hàng nhái được bày bán, có gắn nhãn hiệu Chanel, luôn tràn ngập trên mạng internet.

Kể từ một thập niên nay, mức tiêu thụ ở vùng Châu Á Thái Bình Dương, nhất là của thị trường Trung Quốc là đầu tàu kéo thương hiệu Chanel đi lên. Châu Á chiếm tới 42,4% doanh thu hàng năm của Chanel và trong năm qua doanh số của châu lục này đã tăng gần 20%. Điều đó giúp cho Chanel thêm bội thu tới 2,17 tỉ đô la (tăng thêm 16,4% do với năm trước).

Có lẽ cũng vì thế vào ngày 20/06/2019, một sự kiện hoành tráng được tổ chức tại Viện bảo tàng Grand Palais ở Paris để vinh danh Karl Lagerfeld. Bảo tàng Grand Palais vẫn là nơi yeu chuộng nhất của Lagerfeld lúc sinh tiền , do ông có thể dàn dựng những hoạt cảnh "hùng vĩ" cho các buổi biểu diễn hoành tráng.

Mang tựa đề ‘‘Karl For Ever’’, buổi lễ vinh danh tài năng nhà thiết kế quá cố do đạo diễn Robert Carsen thực hiện, sẽ tập hợp hai ngàn khách mời trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Lang Lang, Vanessa Paradis, Pharrell Williams, Lil Buck, Cara Delevingne, Fanny Ardant, Helen Mirren …

Điều đáng ghi nhận là buổi lễ tưởng niệm này có cả sự tham gia của Chanel, LVMH và thương hiệu Lagerfeld. Thông qua công ty Fendi, tập đoàn LVMH từng hợp tác trong vòng 15 năm với nhà thiết kế còn được mệnh danh là Kaiser Karl. Sau ngày ông "băng hà", vẫn chưa thấy ai có thể soán ngôi ‘‘hoàng đế’’ của làng thời trang.


viethoaiphuong
#5 Posted : Saturday, August 24, 2019 2:00:07 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Fragonard, "nốt trầm" trên xứ sở nước hoa Grasse

Thu Hằng - RFI - Thứ Sáu, ngày 23 tháng 8 năm 2019


Nước hoa của Fragonard, Grasse, Pháp.RFI / Tiếng Việt

Pháp nổi tiếng về nước hoa, còn Grasse là quê hương của các loại nước hoa. Cách Cannes khoảng 20 km, thành phố nhỏ nằm trên triền núi nhìn thẳng xuống miền Côte d’Azur nước xanh như ngọc. Những triền núi quanh thành phố phủ đầy các loại hoa - nguồn nhiên liệu để chiết xuất tinh dầu. Hoa ở Grasse có mùi thơm đặc biệt nhờ luôn có ánh nắng mặt trời và gió biển.

Kỹ thuật sản xuất nước hoa của Grasse được xếp hạng Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO năm 2018. Thành phố còn nổi tiếng với Bảo tàng Nước hoa Quốc tế (Musée international de la Parfumerie) nơi trưng bầy nhiều bộ sưu tập từ cổ đại đến ngày nay và kỹ thuật sản xuất nước hoa.

Ở thành phố được mệnh danh là thủ đô của nước hoa trên thế giới, có đến hai trường chuyên đào tại về Nước hoa (Ecole supérieure du Parfum), vẫn được gọi thân mật là Ecole de Nez, trên tổng số bốn trường hiếm hoi và đều nằm tại Pháp (Paris và Versailles). Thương hiệu Chanel nổi tiếng cũng có một trang trại hoa hồng lớn ở Grasse. Fragonard, Galimard, Molinard…, rất nhiều nhà sản xuất nước hoa độc lập khác tiếp tục là linh hồn của thủ đô nước hoa.

Ban đầu, Grasse không nổi tiếng về nghề sản xuất nước hoa, theo giải thích với RFI tiếng Việt của chị Clémence Post, hướng dẫn viên tại nhà Fragonard :

« Ban đầu, thành phố Grasse rất nổi tiếng về da và nghề thuộc da. Người dân bắt đầu làm nước hoa để khử mùi hôi của da, từ đó, Grasse dần trở thành thủ đô nước hoa của thế giới ».

Một trong những lý do để Grasse trở thành vùng đất lý tưởng phát triển ngành thuộc da là nhờ nguồn nước dồi dào mà nghề này rất cần. Các sản phẩm da của Grasse nổi tiếng nhưng lại có mùi khó chịu. Nhờ đôi găng tay bằng da đầu tiên được tẩm nước hoa và tặng cho vương hậu Catherine de Médicis (sau trở thành nhiếp chính của ba đời vua Pháp), sản phẩm da và nước hoa của Grasse trở thành xu hướng thời thượng của giới quý tộc Pháp.

Thành công bất ngờ ! Đơn đặt hàng gửi về tới tấp. Cuối cùng, các nhà sản xuất ở Grasse quyết định xây dựng một nhà máy riêng để đáp ứng nhu cầu. Ngay từ cuối thế kỷ XVI, cả châu Âu đã đến Grasse để học nghề nước hoa.

Bảo tồn kỹ thuật chiết xuất tinh dầu truyền thống

Đến đầu thế kỷ XVII, Grasse bắt đầu chuyên về chiết xuất tinh dầu thơm. Kỹ thuật này được tiếp tục được phát triển, hoàn thiện vào thế kỷ XIX và giúp thành phố thêm nổi tiếng. Các nhà sản xuất lâu đời ở Grasse, như Fragonard, Galimard vẫn sử dụng kỹ thuật chưng cất bằng hơi nước truyền thống, như giải thích của chị Clémence Post :

« Kỹ thuật chưng cất bằng hơi nước là cách làm truyền thống, chỉ có một điểm khác biệt là các nồi chưng cất hiện được làm bằng inox và to hơn. Trong nồi chưng, chúng tôi bơm hơi nước vào, nguyên liệu được đặt lên trên đó và hơi nước sẽ biến các phân tử thành hương liệu.

Phần chất lỏng thu được cuối cùng được cấu tạo từ tinh dầu và nước chưng cất. Hai thành phần này tự tách rời nhau nhờ độ đặc. Dầu nổi trên mặt nước và được hớt lên. Còn nước chưng cất thì được rút từ phía dưới. Tinh dầu được dùng để sản xuất nước hoa. Còn nước chưng cất có thể được dùng làm nước thơm trong mỹ phẩm hoặc bánh ngọt.

Ví dụ để có được một lít tinh dầu oải hương, phải cần đến 200 kg hoa. Còn một lít tinh dầu hoa hồng Bulgari, thì cần đến tận 3,5 tấn hoa. Đôi khi cần phải có khối lượng hoa rất lớn ! »


Fragonard, bốn thế hệ cha truyền con nối

Được thành lập năm 1926, Fragonard là một trong những nhà sản xuất nước hoa độc lập vẫn hoạt động tại Grasse. Trên con đường núi ngoằn ngoèo dẫn lên thành phố, khu nhà xưởng của Fragonard nổi bật với màu vàng ngay lối vào.

« Fragonard mang tên danh họa Jean-Honoré Fragonard (1732-1806, họa sĩ của vua Louis XV) để tôn vinh họa sĩ, một người con xứ Grasse (con trai của nhà làm găng nổi tiếng François Fragonard). Có nghĩa là công ty không mang tên của nhà sáng lập. Nhà sáng lập tên là Eugène Fuchs. Hai thế hệ sau nhà sáng lập, Jean-François Costa là người xốc vác thực sự hoạt động của Fragonard và mở rộng công ty ».

Ba người cháu gái của Jean-François Costa là Anne, Agnès và Françoise, hiện là thế hệ thứ tư điều hành hoạt động của doanh nghiệp gia đình. Nhà sáng lập Eugène Fuchs là người đầu tiên có ý tưởng tổ chức tham quan xưởng sản xuất để thu hút du khách đến vùng Côte d’Azur, nổi tiếng với biển xanh, nắng vàng và là nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ ngày giai đoạn giữa hai thế chiến.

Đến thời François Costa, con rể của nhà sáng lập Fuchs, Fragonard trở nên nổi tiếng với bộ sự tập liên quan đồ vật về lịch sử nước hoa và được trưng bày tại hai Bảo tàng, một ở ngay trong xưởng sản xuất được xây năm 1782 tại Grasse và Bảo tàng Nước hoa Opéra ở Paris. Đến thế hệ thứ tư hiện nay, Fragonard không chỉ dừng ở « nhà sản xuất nước hoa » mà còn đáp ứng « nghệ thuật sống mới ».

Những lọ nước hoa nhỏ xinh bằng nhôm mạ vàng cũng là một đặc điểm riêng của nhà Fragonard, như giải thích của nhà Agnès Webster Costa, chủ tịch thương hiệu, với đài truyền hình TV 5 :

« Fragonard nổi tiếng về những chiếc bình nước hoa mầu vàng. Và truyền thống này đến một cách tình cờ. Ban đầu, những chiếc bình bằng nhôm (estagnon) được dùng để chứa và vận chuyển nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nước hoa. Bà nội của tôi, Emilie Costa, trong thời chiến, không tìm được nguồn cung cấp lọ thủy tinh, thế là bà nảy ý tưởng mạ vàng những chiếc bình nhỏ bằng nhôm mầu bạc để chiếc lọ được đẹp hơn, nữ tính hơn. Ý tưởng đó lại rất được ưa chuộng nên chúng tôi tiếp tục giữ kiểu bình nhôm đó cho đến nay ».

Theo Clémence Post, loại chai bằng nhôm này còn có một ưu điểm khác :

« Nhà Fragonard sử dụng chai được làm từ nhôm để có thể bảo quản được lâu. Vì là nhôm nên có thể tránh được ánh sáng trực tiếp cho nước hoa, như vậy, nước hoa có thể giữ được ít nhất 6 năm. Còn nước hoa được đóng trong chai thủy tinh thì thường có thể bảo quản được đến 3 năm. Đó là một lợi thế của vật liệu nhôm. Ngoài ra, chất liệu này còn rất nhẹ và không vỡ được ».

Fragonard có khoảng 50 loại nước hoa khác nhau và mỗi năm được đánh dấu bằng một sáng tạo mới, như năm 2019 là dành vinh danh hoa oải hương nổi tiếng của vùng Provence. Vẫn theo Clémence Post, để làm ra được một loại nước hoa, phải mất nhiều năm, từ sáng tạo đến sản xuất vì còn tùy theo mùa thu hoạch. Trong một gian phòng riêng, khách tham quan có thể học cách phân biệt mùi tinh dầu và tự tạo cho mình một loại nước hoa riêng.

« Trên chiếc bàn có ba tầng này là ba tầng tinh dầu. Ba tầng này tương ứng với ba loại « nốt » trong thành phần của nước hoa, như nốt thăng, nốt trầm trong một bản nhạc.

Trong bất kỳ loại nước hoa nào đều có một nốt bổng (còn gọi là lớp hương đầu, « note de tête »), một nốt trung (lớp hương giữa, « note de cœur ») và một nốt trầm (lớp hương cuối, « note de fond »). Vì thế, mùi của nước hoa sẽ thay đổi theo thời gian. Khi vừa xức nước hoa, đầu tiên người ta sẽ ngửi thấy nốt bổng. Nguyên liệu nốt bổng nằm trong những chiếc lọ ở tầng cao nhất, gồm những loại tinh dầu nhẹ nhất, dễ bay hơi nhất, thường là giống cam chanh… Sau khi những nốt bổng tan đi, những nốt trung sẽ thay thế. Nốt trung thường được chiết từ các loại hoa nhài, hoa hồng… và đóng vai trò rất quan trọng để xác định « thème » của nước hoa. Cuối cùng, những nốt trầm (hổ phách, gừng, vani…) được dùng để giữ nước hoa trên da vì đó là những loại tinh dầu đọng lâu nhất và có mùi đậm nhất ».

Tùy theo mùa, hàng ngày có ít nhất từ 1.000 đến 1.500 du khách đến thăm xưởng sản xuất của nhà Fragonard, rồi len lỏi trong những phố nhỏ ngoằn ngoèo hoặc thả bộ dọc những cánh đồng hoa trải dài triền núi quanh thành phố. Được mệnh danh là « Thành phố Nghệ thuật và Lịch sử », Grasse còn nổi tiếng từ năm 1946 với Lễ Hội Hòa Nhài (Fête du Jasmin) diễn ra vào cuối tuần đầu tiên của tháng Tám, để đánh dấu vụ thu hoạch kéo dài đến tháng Mười.


viethoaiphuong
#6 Posted : Monday, January 27, 2020 7:26:56 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

(AFP) - Louis Vuitton là thương hiệu Pháp có giá nhất.
Theo xếp hạng thường niên BrandZ Top 50 France năm 2020 của công ty nghiên cứu thị trường Kantar của Anh Quốc, thương hiệu túi xách cao cấp Louis Vuitton của đại tập đoàn hàng hiệu LVMH đứng trên cả thương hiệu Chanel và Hermes. Giá trị thương hiệu Louis Vuitton đã tăng 15%, đạt 53,4 tỉ đô la, so với con số 43 tỉ đô la của Chanel và 34,6 tỉ của Hermes. Tiếp theo ba thương hiệu Pháp hàng đầu này là thương hiệu mỹ phẩm l’Oréal và tập đoàn viễn thông Orange.

RFI - 27/01/2020

viethoaiphuong
#7 Posted : Thursday, February 27, 2020 7:19:05 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Dịch Covid-19 cho thấy ngành thời trang Âu-Mỹ lệ thuộc Trung Quốc

Mai Vân - RFI - 27/02/2020
Hoành hành tại Trung Quốc từ tháng Giêng 2020, dịch covid-19 đã bùng lên tại Ý và bắt đầu tạo hoảng loạn phần nào ở Pháp vào hạ tuần tháng Hai. Một nạn nhân không ai nghĩ đến của dịch bệnh lại chính là ngành thời trang hạng sang.

Tuần Lễ Thời Trang Fashion Week ở Milano, miền bắc nước Ý, kết thúc hôm 23/02 trong không khí hỗn loạn, trong lúc Fashion Week ở Paris, thủ đô nước Pháp thì bắt đầu từ thứ Hai 24/02 với sự thiếu vắng của khách hàng Trung Quốc.

Ngoài thiệt hại không nhỏ cho ngành – ước tính sơ sơ cũng đến hàng chục tỷ đô la – dịch virus corona cũng đã vạch trần sự lệ thuộc đáng kể ngày nay của ngành thời trang phương Tây vào thị trường Trung Quốc, từng được cảm nhận gần đây khi hàng loạt các hãng thời trang, may mặc Âu Mỹ lục tục chiều ý Bắc Kinh trên các vấn đề như Đài Loan hay Hồng Kông.

Hệ quả ở Milano và Paris

Nhật báo Pháp Le Monde, ngày 25/02 vừa qua đã nêu bật quan hệ lệ thuộc vào Trung Quốc của ngành thời trang cao cấp phương Tây trong bài phân tích mang tựa đề: “Thời Trang: Nạn nhân bị vạ lây của virus corona”.

Phóng viên của Le Monde đã đến Milano, thủ phủ của ngành thời trang Ý, vào hôm 23/02, đúng lúc dịch Covid-19 đang gây hoảng loạn với hơn 200 ca lây nhiễm được ghi nhận đến ngày này và 11 thị xã bị cô lập.

Tác động của dịch bệnh trên diễn tiến của ngày chót trong tuần lễ trình diễn thời trang may sẵn của phụ nữ mùa thu đông 2020-2021 tại Milano, đã rất tức thời, với nhà thời trang và mỹ phẩm Ý nổi tiếng Giorgio Armani, hay nhà tạo mốt Laura Biagotti, nhà thiết kế áo bông Moncler đã phải tiến hành các buổi trình diễn dự kiến mà không có khán giả, với các hình ảnh được truyền đi qua đường internet.

Qua ngày hôm sau, tại Fashion Week khai mạc ở Paris và dự trù kéo dài đến 03/03, tình hình có vẻ khá hơn vì thủ đô Pháp không nằm trong vùng dịch như Milano. Thế nhưng tác hại của virus corona đối với sự kiện vốn thu hút hàng ngàn người đến Pháp đã được thấy trước.

Sáu nhà thiết kế Trung Quốc (Mã Mã Sa Masha Ma, Trần Hạ Tư Shiatzy Chen (Đài Loan), Vương Hiệp Uma Wang, Jarel Zhang, Calvin Luo và Maison Mai) đã hủy bỏ chương trình giới thiệu mẫu thời trang của mình, chủ yếu là vì không thể đưa sản phẩm của họ từ Trung Quốc sang Pháp.

Còn những tên tuổi lớn của thời trang Paris, như Dior, Chanel và Saint Laurent, thì sẽ phải đối mặt với tình trạng khán giả thưa thớt. Tập đoàn Kering, công ty mẹ của Saint Laurent, Balenciaga và Alexander McQueen, ước tính “30% khán giả” của sự kiện tập hợp dân trong nghề này sẽ vắng mặt.

Thiếu vắng các ngôi sao định hướng dư luận

Theo Le Monde, trong số những người không đến được Paris, quan trọng nhất có lẽ là những người Trung Quốc có “có ảnh hưởng” lớn, những ngôi sao lớn của các mạng xã hội Trung Quốc như Weibo, TikTok và Tiểu Hồng Thư (XiaoHongshu) chẳng hạn.

Một nhân vật được tờ báo Pháp đặc biệt chú ý là Bao Tiên Sinh (Tao Liang), 27 tuổi, còn được gọi là Mr Bags, tức là Ông Túi Xách, một blogger cực kỳ có uy tín tại Trung Quốc. Vì dịch Covid-19, nhân vật này có đến 7 triệu người theo trên mạng Vi Bác đã không đến được các buổi trình diễn thời trang ở New York, Luân Đôn và Milano, làm cho các nhóm có túi xách mà anh thường quảng cáo, rất thất vọng.

Một người Trung Quốc có ảnh hưởng khác vắng mặt tại Paris là Anny Fan, cô người mẫu cũng có 5 triệu người theo trên Vi Bác, một người kiếm được 18,8 triệu đô la (17,37 triệu euro) mỗi năm nhờ các ấn phẩm được tài trợ.

Đối với Le Monde, thiếu vắng các ngôi sao định hướng dư luận nói trên và các chiếc điện thoại thông minh bên cạnh sàn trình diễn của các người mẫu là một vố đau cho ngành thời trang.

Lý do, theo Le Monde, rất dễ hiểu. Đó là vì trong thị trường hàng xa xỉ thế giới được văn phòng tư vấn Bain & Company ước tính trị giá 281 tỷ euro, Trung Quốc rất nặng ký. Các nhãn hiệu lớn thực hiện hơn một phần ba doanh thu với các khách hàng mang quốc tịch Trung Quốc, ở Trung Quốc hoặc ở nước ngoài, trong các chuyến du lịch.

Một cách cụ thể, châu Á vẫn là động lực tăng trưởng cho các thương hiệu thời trang của LVMH (tăng 17% vào năm 2019, đạt mức 22,2 tỷ euro) và Kering (tăng 20% doanh thu năm 2019 ở châu Á, so với năm 2018).

Nhờ các video và bài viết của họ, các nhà ảnh hưởng gọi theo tiếng Anh là "KOL" - từ viết tắt của key opinion leader - đóng vai trò rất lớn cho sức khỏe phải nói là ngoạn mục của ngành hàng hiệu cao cấp ở Trung Quốc. Nhà sản xuất túi xách Tod’s của Ý chẳng hạn, đã gây được tiếng vang to lớn vào tháng 7 năm 2019 khi hợp tác với Mr. Bag để ra mắt phiên bản giới hạn của kiểu túi Unicorn D-Styling. Nhờ lượng người theo khổng lồ của Bao Tiên Sinh, 320 bản của kiểu túi này, bán ra với giá hơn 1.800 euro một chiếc, đã được bán hết trong vài phút đồng hồ.

Quảng cáo ở châu Á

Do đó, để khắc phục sự vắng mặt của những người có ảnh hưởng này trong các buổi trình diễn thời trang ở Paris, các thương hiệu hàng xa xỉ đã tăng cường biện pháp phát video trực tiếp trên mạng xã hội. Sau đó đến lượt các KOL nhập cuộc, chia sẻ video và hình ảnh trên tài khoản của họ với những người đăng ký theo dõi.

Louis Vuitton, Dior, Celine, Kenzo thuộc tập đoàn LVMH chẳng hạn, sẽ phát trên Vi Bác và WeChat, hai mạng xã hội chính được hoạt động tại Trung Quốc. Các mác thuộc tập đoàn Kering là Saint Laurent, Balenciaga và Alexander McQueen hay Hermes cũng dùng đến internet để truyền qua Trung Quốc hình ảnh các bộ sưu tập mới.

Về phần mình, Liên Đoàn Thời Trang và May Mặc Cao Cấp sẽ phát đi tất cả các chương trình thời trang ở Paris từ các tài khoản xã hội của tổ chức này, đặc biệt là trên Vi Bác và TikTok rất được người Trung Quốc ưa thích.

Mọi người hy vọng sẽ tái lập thành công đã gặt hái được ở Milano. Theo báo chí Ý, đã có khoảng một ngàn người Trung Quốc trong ngành không thể tham dự tuần lễ thời trang Milano. Để chữa cháy, ban tổ chức đã cho truyền trực tiếp 56 buổi trình diễn thời trang trên Internet và mạng xã hội. Ngày 19/02 chẳng hạn, buổi trình diễn thời trang của Gucci, một thương hiệu mà người châu Á yêu thích, đã thu hút được hơn 1,5 triệu kết nối từ các địa chỉ IP tại Trung Quốc.

Dịch Covid-19 cũng đã phá hoại các kế hoạch trình diễn của nhiều thương hiệu thời trang cao cấp tại châu Á. Prada đã hủy chương trình tại Nhật Bản vào tháng Năm, và Chanel cũng đã bỏ một sự kiện diễn ra cùng tháng tại Bắc Kinh.

Ngành thời trang cao cấp có thể bị thất thu đến 40 tỷ euro

Đối với hầu hết các thương hiệu Âu-Mỹ, tăng cường quảng cáo ở châu Á đang trở thành sống còn vào lúc các mặt hàng xa xỉ của họ đang phải đối mặt với 3 hệ quả của dịch Covid-19: Các điểm bán hàng ở Trung Quốc bị đóng cửa, doanh số bán hàng bị sụp đổ kể cả trên mạng do thiếu người giao hàng, và trong các cửa hàng miễn thuế duty-free ở sân bay vì thiếu khách du lịch quá cảnh.

Theo Ủy Ban Altagamma phụ trách lãnh vực hàng xa xỉ tại Ý, ngành thời trang cao cấp sẽ không thể khôi phục hoạt động bình thường trước năm 2021. Từ nay đến đó, thất thu của ngành được ước tính lên tới mức từ 30 đến 40 tỷ euro.

Trong khi chờ đợi các số liệu cụ thể hơn về các tổn thất kể từ khi con vius xuất hiện vào cuối tháng 12 năm 2019, một số thương hiệu đã lên tiếng báo động. Lãnh đạo nhà thiết kế áo bông cao cấp Moncler, vào đầu tháng Hai này, đã cho biết là một phần ba cửa hàng Moncler đã bị đóng cửa tại Trung Quốc, nhãn hiệu Burberry của Anh thì cảnh báo về những “tác động tiêu cực đáng kể”, các nhóm Mỹ như Coach hay Ralph Lauren cũng thừa nhận bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
viethoaiphuong
#8 Posted : Tuesday, March 31, 2020 8:46:43 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Virus corona : Đến lượt Chanel làm khẩu trang sau Yves Saint Laurent, Balenciaga, Gucci

Mai Vân - RFI - 31/03/2020
Ngành thời trang may mặc hạng sang tiếp tục tham gia cuộc chiến chống virus corona. Hôm 29/03/2020, đến lượt thương hiệu thời trang huyền thoại Chanel của Pháp nhập cuộc, lao vào việc sản xuất khẩu trang, bên cạnh các tên tuổi Pháp khác như Yves Saint Laurent, Balanciaga, hay Gucci của Ý.

Trước đó, các hãng mỹ phẩm cao cấp thuộc tập đoàn Pháp LVMH như Dior, Guerlain, Givenchy đã tập trung sản xuất gel rửa tay chống vi khuẩn cho bệnh viện Pháp.

Trong một thông cáo, Chanel cho biết quyết định “huy động các nhà sản xuất đối tác, các ê kíp - trong đó có 150 thợ may thuộc các bộ phận Hàng May Mặc Cao Cấp (Haute Couture), Hàng May Sẵn, Hàng Nghệ Thuật Nội Thất - sản xuất khẩu trang và áo blouse”. Chanel nói rõ: Một khi được chính quyền Pháp phê chuẩn, các mẫu sẽ được đưa ngay vào sản xuất.

Trong bối cảnh các bệnh viện Pháp thiếu khẩu trang nghiêm trọng, sáng kiến của Chanel rất đáng hoan nghênh. Không chỉ thế, thương hiệu nổi tiếng này còn thông báo tài trợ 1,2 triệu euro cho hệ thống bệnh viện Pháp để góp phần chống dịch.

Trước đó, hôm 24/03, tập đoàn hàng xa xỉ Kering của Pháp, cũng đã huy đông xưởng may của các thương hiệu nổi tiếng của tập đoàn là Yves Saint Laurent và Balenciaga vào việc sản xuất khẩu trang.

Bên cạnh công việc sản xuất, Kering còn cho biết sẽ trao cho các cơ quan y tế Pháp 3 triệu khẩu trang mà tập đoàn đã mua ở Trung Quốc để chuyển về Pháp. Kering còn giúp một khoản tài chính “đặc biệt” cho viện Pasteur, hỗ trợ nghiên cứu về Covid-19.

Tại Ý, thương hiệu thời trang Gucci (cũng thuộc tập đoàn Kering) cũng thông báo lao vào sản xuất vật dụng y tế, cam kết sản xuất 1,1 triệu chiếc khẩu trang và 455.000 áo blouse cho nhân viên bệnh viện Ý, nước đứng đầu Châu Âu về dịch bệnh.

Ngoài những thương hiệu thời trang cao cấp như kể trên, những thương hiệu thời trang ít tên tuổi hơn cũng lao mặt trận khẩu trang, trang phục bảo hộ, đáp ứng lời kêu gọi của giới y tế.

Tại Pháp có thể kể đến các thương hiệu như Noyoco, Chantal Thomass, Saint James và Manifeste011. Nhìn chung, để đối phó với tình trạng khan hiếm khẩu trang trước mắt, ngành dệt may Pháp đã cố huy động lực lượng tham gia sản xuất, với hơn 300 công ty vừa và nhỏ đã ra sức làm ra được hơn 500.000 khẩu trang mỗi ngày.

Trong lãnh vực chống dịch, phải nói là tập đoàn LVMH đã nêu gương đầu tiên, khi ngay từ ngày 16 đã yêu cầu các cơ sở sản xuất mỹ phẩm Dior, Guerlain và Givenchy sản xuất gel rửa tay chống vi khuẩn. Dù không tự mình làm ra khẩu trang, nhưng LVMH đã bỏ ra khoảng 5 triệu euro để mua của một nhà sản xuất Trung Quốc 10 triệu chiếc khẩu trang chuyển về Pháp.





Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.