Quê Nhà Còn Đó: Niềm Chung Nỗi RiêngBìa “CỎ BỒNG LÌA GỐC”* Niềm Chung Nỗi Riêng
Tuổi càng lớn, càng đi xa, xa càng lâu, tôi càng thương nhớ quê nhà. Nỗi nhớ thương ấy không thường mỗi ngày xảy ra. Nhưng tôi cảm thấy, khá rõ ràng, nó nằm sẵn trong một "ngăn kéo" hồi ức nào đó của "chiếc tủ" tâm hồn tôi. Nhiều lần tôi đã cố quên cái ngăn kéo đầy ắp những kỷ niệm vui buồn ấy, coi như không có nó, nhưng chẳng dễ gì. Sao tôi không hết lòng sống vui được với cuộc đời mới nơi "đất khách", có cơm ăn, nhà ở, muốn viết gì thì viết, không ai kiểm duyệt một chữ?
Đời một người cầm bút, từng khổ vì bao chế độ kiểm duyệt, xoi mói, rình rập tư tưởng, còn ao ước gì hơn? Nhưng chính những thanh âm, những hình ảnh, màu sắc nơi tôi đang sống lại nhắc nhở, mỗi ngày, nỗi nhớ quê hương. Như bất ngờ, thấy những cành hoa tím, trải dầy trên thảm cỏ xanh, dưới ánh nắng đầu xuân ở quê người. Tôi lại nhớ đến hoa soan, hoa bèo lục bình… nơi quê nhà. Mỗi khi ngồi trên xe điện hay trong quán cà phê, thấy những người già ngoại quốc, sung túc, tươi vui, rất tự nhiên tôi lại nhớ tới nhiều người già ở quê cha, đất tổ. Họ như những gốc cây cằn cỗi, hết nhựa, chẳng ra hoa đơm trái gì nữa cho đời, nếu không có con cháu, sẽ bị bỏ rơi, chết dần trong khô héo, tàn tạ.
Một cuộc đổi đời, cách mạng, lại là cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, mà sao vẫn nguyên vẹn hình ảnh thời Pháp thuộc, thời phong kiến, với luật rừng mạnh được yếu thua; mà người già, giống hệt trẻ em, mạnh làm sao được?
Thế nên bao thế hệ người mình mới bằng lòng đổ máu cho một cuộc cách mạng! Nhưng... Ôi, tôi nhớ quê nhà!
Nếu nhớ người với cảnh thì tìm về, về cho bớt nhớ rồi lại đi, việc ấy đâu khó. Chỉ khó ở chỗ là tôi không làm được, bởi nỗi thương nhớ của tôi một mặt chỉ hướng về hiện tình đất nước; mặt khác, tôi biết khi tôi phải "xin phép" ai có nghĩa là tôi chấp nhận người ấy có quyền, ít nhất đối với tôi. Nếu đất nước ta có một chính quyền thật sự do dân bầu, vì dân, đàng hoàng, tất nhiên như mọi người dân khác, tôi cũng phải tôn trọng luật pháp cùng các thủ thục hành chính của nó. Chỉ khó, như tôi đã nói, tại tôi, tôi không ưa cái thứ chính quyền hiện có ở quê nhà.
Mọi Nhà nước đều qua đi, nhưng Nước nhà sẽ còn mãi? Đúng thế, nhưng có thứ Nhà nước làm cho Nước nhà khó mà tồn tại trong sung sướng và no đủ. Một cô bạn, nhỏ tuổi hơn tôi nhiều, lại cười nói, nhất định:
"Em phải về nữa, chụp những cảnh khổ đầy rẫy ở ngoài đường, bà biết không, người Tàu Chợ Lớn họ in lén một số sách báo của ngoài này, để bán chui, đắt lắm. Mà sao họ hay thật, luôn luôn có báo mới!"
Chúng tôi, rất tình cờ, lại phân công cho nhau, người về "lấy tài liệu", người viết. Tuy vậy, tôi vẫn nhớ thương quê nhà, bởi Quê Nhà Còn Đó, nhớ cả tiếng rao quà đêm, nhớ từng ngõ sâu xanh mát bóng tre, cá quẫy dưới ao bèo, nhớ từng góc phố lá me bay, nhớ cả mùi hương đêm trong vườn Lái Thiêu, hoa ngâu, sầu riêng chín... Nhớ sấu dầm Hà Nội, nhớ mưa Huế. Nhớ niềm vui, nỗi khổ mà đời riêng đã từng trải. Nhưng tôi sống ở quê nhà không chỉ một mình, ngoài gia đình tôi, còn họ hàng, bè bạn, xóm giềng. Ai chẳng có một đời chung, cùng đất nước, với mọi người.
* Lời Chào
Tiếng nói, chữ viết của một dân tộc, đương nhiên, phản ánh và soi rọi tâm hồn dân tộc ấy. Lời chào, trong ngôn ngữ càng rõ nét hơn đời sống văn hóa và xã hội, trong tiếng nước ta, lời chào cao hơn mâm cỗ, một nụ cười, một cái gật đầu hay một lời hỏi nhau kể như cao và cao hơn miếng ăn, thứ rất cần để... sống. Sống là cần. Sống như thế nào cần hơn! Muốn biết phải sống như thế nào thì mỗi người lại cần phải "học ăn, học nói, học gói, học mở".
Tự học cũng được nhưng thật ra "không thầy, đố mày làm nên" vẫn thường hơn. Nên nhiều người già đời còn đến trường hoặc theo một khóa học nào đó.
Ai trong chúng ta cũng mong con em, cháu chắt mình được đi học. Muốn học hay phải được ăn cho có sức vóc, ăn vóc học hay, nhưng nghèo đói quá lấy tiền và sức đâu để đi học. Tôi quen một số người Hoa lớn tuổi, tiếng chào hỏi nhau ngoài miệng của họ, bao giờ cũng là: "Ăn cơm chưa?". "Ăn cơm rồi!" đồng nghĩa với sức khoẻ, may mắn và hạnh phúc. Người nhà quê miền Bắc, không hiểu tới nay, có còn câu trả lời mỗi khi ai hỏi thăm: "Cám ơn..., nhờ Giời cũng có bát ăn, bát để."
Miếng ăn?
Thật thế, con người phải sống trước đã, nhưng phải có học mới biết làm ra nhiều miếng ăn trong một thời gian ngắn nhất. Nơi quê nhà ta, mai mốt đây, hẳn câu chào của các bậc cha mẹ, sẽ là: "Cháu nó đi học chưa?".
Mọi trẻ thơ được đi học, cắp sách đến trường, là dấu hiệu đời thịnh trị và một xã hội nhân bản. Cọp, một con vật, không cần đi học, nó vẫn được kể như chúa tể sơn lâm, vì có sức mạnh. Nhờ nanh vuốt.
* Sao Không Đi Học
Cái xã hội mà báo chí ở trong nước đăng lời của chính người làm Chủ tịch Quốc hội, nói:
"... 70%-80% đang thu nhập rất thấp, phải có chính sách khuyến khích con em nhà nghèo đi học. Nếu không với đà này, 1-2 thế hệ nữa, chỉ có con nhà giàu đi học, lựa trường tốt, đóng học phí cao. Còn con nhà nghèo mãi mãi mù chữ."
Một người dân Sài Gòn, là một cử tri, đã hỏi người đứng đầu cơ quan làm ra luật lệ và chính sách:
"Bây giờ đã có chủ trương toàn dân đưa con đến trường, phổ cập giáo dục. Nhưng con chúng tôi lại không được đi học. Bởi vì, chỉ đầu năm ít nhất cũng phải đóng tiền học 1,5 triệu đồng một cháu, như vậy phải nhịn đói nửa năm mới có tiền đóng học phí.".
Các nhà sử học, xã hội học, nhà văn đời sau có thể tìm ra trong câu nói trên nhiều tài liệu cần. Triệu rưỡi đồng Việt, năm 1996-1997, khoảng 100 Mỹ kim, nuôi đuợc một gia đình nhỏ ăn trong nửa năm. Đóng tiền học 1,5 triệu là ít nhất. Còn nhiều thì là bao nhiêu? Có lẽ em bé kia phải nhịn đói cả năm mới được đi học. Phổ cập giáo dục mà sao 70%-80% nhà nghèo không cho con đi học nổi? Bỗng dưng tôi thèm một chính phủ "độc tài", độc tài kiểu "cưỡng bách giáo dục" toàn dân tới lớp 9, "độc tài" kiểu: chỉ vẽ bậy lên tường thành phố cũng bị phạt tiền, đánh roi.
Tôi sờ sợ cái "chính sách khuyến khích", nghe dịu dàng êm ái, mà thật ra, khi người dân yêu cầu nhà cầm quyền:
"Phải tử hình những đối tượng tham nhũng lớn, để dân được nhờ! Chống tham nhũng lâu nay phần nhiều chỉ là xử lý hành chính, chưa ai sợ. Quốc hội đặt ra chính sách nhưng chưa đảm bảo việc thực thi chính sách.". Người dân ấy không đòi, chỉ xin, thay vì đòi cho được cái quyền trừng trị kẻ nào phá hoại đất nước. Khó lắm, con người Việt Nam là con người tình cảm, đồng chí với đồng chí khó bề xử tệ, chỉ xử lý hành chính nội bộ thôi. Luật thành văn hay không, cốt để tránh tai nạn, được an lành, như luật đi đường hễ đèn đỏ thì ngừng. Xanh đỏ gì cũng chạy thì người phải chết.
Luật ở quê nhà là "chính sách khuyến khích" chỉ người cầm quyền được vi phạm. Nước ta còn loạn, chưa yên được đâu, bởi: "Địa phương nào cũng đầu tư cho bia, thuốc lá, khách sạn. Trong khi đầu tư cho giáo dục, y tế chưa thỏa đáng.". Địa phương, tức nhà cầm quyền địa phương, ông Churchill nói thế mà hay, "khi bạn chấp nhận một nhà độc tài lớn, bạn phải chấp nhận 1 triệu nhà độc tài nhỏ", các vị sứ quân ấy không nhắm đến sức khỏe và sự khôn ngoan của dân chúng. Suốt 15 năm, từ 1975-1989, những 11 loại lý lịch, mười một rào cản, ngăn không cho con em "ngụy" vào đại học.
Ai biết được bao nhiêu nhân tài của đất nước trong đó, mức thiệt hại thế nào?
Nếu nhạc sinh Đặng Thái Sơn ở ngoài Bắc không được một người Nga can thiệp và giúp đỡ, làm sao có nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, sao có khôi nguyên giải Chopin? Cái hại ấy, các nhà làm kinh tế chính trị không tính được! Nay mọi cửa trường đều mở rộng, nhưng mở rộng cho ai?
Một nhà giáo, tiến sĩ, đại học Cần Thơ, cho biết là: "Trường đại học hiện tại chỉ phục vụ cho tầng lớp khá giả. Số này chiếm hơn 60% sinh viên đại học Cần Thơ. Trong khi đó, học sinh nghèo và phần lớn ở nông thôn khó vào đại học. Chi phí cho một năm học ở viện đại học Cần Thơ là 3 triệu đồng một sinh viên, là quá mức cao so với thu nhập của hầu hết gia đình nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long."
Đồng bằng sông Cửu Long giàu có, không phải đồng bằng duyên hải Trung phần "nghèo lắm ai ơi!", Cửu Long là vựa lúa, nên gạo xuất càng hàng thứ 2 thứ 3 trên thế giới, sao "ở nông thôn khó vào đại học"?
Nguyên do, giản dị, như thế này:
"Sản phẩm nông dân làm ra không ai quan tâm. Lúa gạo xuất khẩu chê xấu, nhưng ai đưa giống tốt cho nông dân? Hiện lúa dư, dân nằm trên lúa mà vẫn còn nghèo!"
Cái hình ảnh con nhà nghèo hiếu học, ban đêm bắt đom đóm, lấy ánh sáng để đọc sách. Đẹp nhưng mà buồn.
Cũng đã xa rồi, chỉ còn là giai thoại, như ngụ ngôn khuyến học mà thôi! Học sinh nghèo đã bị rơi rụng ngay từ cấp 1, cấp 2 (tiểu, trung học) chứ không phải đứng trước ngưỡng cửa cấp 3 (đại học) rồi trong túi không có 3 triệu đồng cho mỗi năm học.
Bởi vì: "Đối với những gia đình nghèo khó, chỉ có 66% trẻ em độ tuổi 10-14 đang đi học, trong khi tỉ lệ đó đối với những gia đình giàu có là 96%." Chênh lệc nhau tới 30%. Nhưng ở đại học, mức chênh lệch tới 19 hoặc 20 lần (Ghi danh, nghèo: 3% và giàu: 58%)...
Thôi thì đói nghèo dẫn tới thất học và thất học lại dẫn tới đói nghèo. Cuộc cách mạng vô sản manh nha từ năm 1932, chống thực dân Pháp cả trăm năm qua, sôi nổi nhất từ 1945, rồi chiến tranh cách mạng giải phóng 20 năm...
Giữa nước mắt và máu là nỗi kinh hoàng. Ba, bốn đời người tan tác, đau thương để gần 50% trẻ em không được đi học. Đi làm sao được khi với đồng lương không đủ sống, các thầy cô giáo nhiều người bỏ nghề.
Thời bao cấp, họ cố bám lấy một chỗ đứng, đôi khi vì tờ hộ khẩu, cân thịt, kí đường. Có thầy giáo ngoài giờ dạy học phải đi đạp xe xích lô, bán thuốc lá lẻ, lái xe ôm. Có cô giáo phải bán bánh kẹo ngay trong... lớp. Lớp học, chỉ mới ở vòng đai Sài Gòn, lắm nơi không phải là lớp học, như cầu chợ, chỉ có mái mà không có vách ngăn. Mái lá dừa nước lợp mỏng, mưa dột, học trò ngồi bệt xuống đất hoặc chồm hổm. rách rưới và nhếch nhác. Mặt mũi cháy nắng vì bắt cua, bắt ốc giúp cha mẹ, sống qua ngày. Thời người vượt biên đông, dân Quảng Xuyên, Nhà Bè, Cần Giờ, cứ 10 em tới 9 bỏ học, đưa người đi trốn, có ăn.
Thời cửa mở, chỉ mở hầu bao để nhận tiền, không mở mắt xem tiền ấy lợi hay hại. Cơn sốt cuồng điên, kiếm tiền và kiếm tiền, làm giàu và làm giàu, nên "đầu tư cho giáo dục, y tế chưa thỏa đáng".
Tiếng Việt ở trong nước, dùng quen lâu ngày nghe êm tai, "chưa" có nghĩa là "không", không được ăn thì gọi là "thiếu" ăn, nhưng chẳng nhà báo nào dùng chữ "không"; thí dụ "các cháu chưa ngoan", có nghĩa là "các cháu hư"!
* Học Để Làm Gì?
Đấy mới chỉ là mặt nổi, trong một thời gian rất dài, nghĩ lại tôi còn thấy sợ. Khi xã hội ưu đãi cái gì, lớp người nào, tức thời đám đông đáp ứng ngay, theo lẽ sinh tồn. Thí dụ đời Đường thi cử, đỗ đạt, ra làm quan nhờ thơ phú, văn chương. Thiên hạ tràn lan các nhà thơ. Thời "cách mạng" ở quê nhà, người ta thấy phần đông những vị làm lớn, quyền cao, sung sướng lại ít... học.
Một bà quan tòa ở quận Phú Nhuận, năm 1982-1983, vừa làm vừa học lớp 3, không phải cấp 3. Nhiều viên chức lớn của nhà nước hãnh diện về chuyện học... ít, chứng tỏ tính trong sáng của giai cấp vô sản. Đám đông thấy học giỏi như ông Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Thạc sĩ Trần Đức Thảo cũng chỉ thêm khổ vào thân...
Tâm lý xã hội ấy kéo dài suốt ba thập niên, cái hại của nó thật khôn lường.
Trăm năm sau chắc gì đã gột hết! Ngay bây giờ không ít trình độ tiểu học nhưng lại mang học vị "tiến sĩ, phó tiến sĩ" do thuê người thi giùm hoặc bằng cấp giả.
Sự bưng bít ánh sáng trí tuệ cho tới nay vẫn chưa hẳn đã hết, nên một nhà báo của một tờ báo lớn ở trong nước mới viết: "Việc nhà nước phải bao cấp hoàn toàn cho giáo dục được coi là không còn thích hợp với cơ chế kinh tế - xã hội mới." Tưởng rằng trong cơ chế kinh tế mới, thị trường, tức tư bản, việc các quốc gia bao cấp giáo dục cho trẻ em và thiếu niên tới lớp 9 là chuyện thông thường, rất thích hợp. Nếu đã không bao cấp tiền bạc, tức là phương tiện cho giáo dục, thì còn bao cấp cái tinh thần của giáo dục, là tư tưởng làm gì? Phần lớn các lực lượng Mafia trên thế giới cũng vậy, chỉ cần biết cầm dao và súng, cầm bút với sách để làm gì. Xã hội rồi ra chỉ còn 3 gia cấp: Mafia hợp pháp, Mafia bất hợp pháp và Nạn nhân của chúng.
Không nói sai, khi người ta đi đâu cũng nghe thấy chào, chỉ một câu: "Hồi này có vẻ trúng mánh?". Mánh lới người lừa lọc người mà trúng thì mừng và nhiều kẻ góp vui.
Trẻ em, đứa nào còn được đi học, vào lớp phải khoanh tay, nói: "Cháu chào cô ạ!" Nhưng chính sách "bình cô, phê thầy" ra đời thì tiếng chào kia, nếu còn, cũng chỉ là quen miệng. Luồng gió văn hóa mới, thổi bay cả hai tiếng "cảm ơn", "xin lỗi". Chớ tưởng những tiếng "tầm thường" như thế mà mỗi người không phải học từ tấm bé. Một dân tộc với nền văn hóa cao mới có nhiều người nói những câu tầm thường như vậy. Tựa hồ như nước nào có nền kỹ nghệ lớn mới chế ra được một "chip" điện tử rất nhỏ, hay cây kim khâu, lưỡi dao lam, viên bi xe đạp...
* Thầy & Cô
Học trò vào trường thi, bị giám thị bắt gặp mang tài liệu ra chép, bị đuổi, liền đón đường đánh cả thầy, cô giáo. Trong khi đó, đời sống của nhà giáo ra sao?
Một nhà giáo năm nay 92 tuổi, thuộc hội Khuyến Học thành phố Hà Nội, đã cho biết là:
"Lương công nhân có nhiều nơi đạt khoảng 800.000 đồng/ tháng là đáng mừng, tuy chưa phải là cao. Song, trong khi đó lương giảng viên đại học vào khoảng 400.000 đồng/ tháng, và lương giáo viên phổ thông chỉ vào khoảng 200.000 đồng/ tháng. Thậm chí, nhiều nơi cô mẫu giáo chỉ lĩnh lương 180.000 đồng / tháng thì sống làm sao!"
Rồi vẫn phải sống. Song, tuy cay đắng, nhiều người vẫn cần đến cái nhãn hiệu giáo viên để che đậy cho nhiều thứ nghề, đi ngược lại với nghề giáo viên. Đáng thương lắm. Học sinh lớp 12, đa số, khi được hỏi sẽ chọn ngành gì nếu vào được đại học, họ chọn nhiều phân khoa, trừ ngành sư phạm. Lương thấp, nẩy sinh lắm chuyện không đẹp, nhà giáo càng mất thớ, điều mà người ta gọi là địa vị người thầy. Quần áo của thầy, cô lên lớp không được tươm tất, trong lúc con nhà giàu ăn diện, quà cáp biếu sén thầy này cô nọ, tạo ra không khí mua điểm, bán đề thi. Trường học cũng sớm trở thành "cơ chế thị trường"!
Nhà giáo lão thành này quả quyết:
"Cháu tôi tốt nghiệp Phổ thông Trung học, song vẫn không biết Phú Thọ nằm ở đâu, dù địa phương này nằm cách Hà Nội không xa. Tôi tin rằng gần 100% trẻ em ở Hà Nội và miền Bắc không biết Rạch Giá nằm ở đâu, cũng như trẻ em ở miền Nam chắc chắn không rõ Yên Bái là nơi nào... Đa số nghĩ ông Trương Công Định là người Tàu (vì bên Tàu có một ông là... Trương Phi."
Nhà giáo lão thành không kể chuyện vui, tôi hiểu, ông buồn. Ngay cơ quan gọi là Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng xác nhận rằng ở cấp tiểu học và biết chữ, Việt Nam ngang tầm Phi-Luật-Tân và Thái-Lan; ở trung học, thua Phi-Luật-Tân, Mã-Lai, Nam-Dương và Đại Hàn.
Riêng bậc đại học, Việt Nam rơi vào "vị trí cuối và khá xa với các nước khác"!
Tôi cũng đã từng không vui khi nhìn thấy tận mắt hình ảnh bao trẻ em nhà nghèo phải bỏ học, đi bán báo, đánh giầy hay ăn xin, cách nay mấy chục năm; giờ đọc báo, xem hình vẫn thấy vậy. Vẫn những lớp học trống trải, không vách ngăn, vùng ngoại ô. Ba mươi năm qua, chiến tranh tàn rụi, với tài nguyên tiền rừng bạc biển, thêm mỏ dầu, lúa gạo nhiều, tất cả đã trôi đi đâu?
Hàng năm, tại Sài Gòn, trung bình khoảng 1500 giáo viên các cấp bỏ nghề, giã từ đồng lương 300.000 đồng/ tháng, khoảng 20 Mỹ kim.
Đi chở xe đạp ôm, ngày tệ nhất cũng kiếm 100.000 đồng, nếu đi dạy Anh văn tư, lợi tức nhiều hơn thế nữa!
* Nhà Trường
Tôi nhớ không lầm, trước năm 75, miền Nam có ba loại trường, trường công, bán công và trường tư. Sau 75, tất cả biến thành trường công, nay trường nào do Nhà nước nắm cũng là "trường tư", các học sinh phải đóng tiền.
Trường nào cũng chạy đua trong việc thu hút, giành giật học sinh, như nhà buôn chiều chuộng khách hàng.
Nên 50% khách hàng ấy, học sinh thi tú tài, không thi môn ngoại ngữ, thay vào đó là môn lịch sử. Luật thi cử cho phép như vậy. Có bà hiệu trưởng đã nói thẳng ra:
"Từ trước đến nay, các học sinh của chúng tôi học thì học, nhưng không bao giờ thi ngoại ngữ cả."
Với một lý do thật dễ hiểu:
"Hầu hết giáo viên ngoại ngữ của chúng tôi đều mới ra trường, trong khi trình độ học sinh của đầu-vào lại thấp nên... không dám cho thi!"
Phần lớn các trường trung học đều sợ:
"Nếu thi ngoại ngữ mà rớt hết, kéo tỉ lệ đậu xuống, và như thế thử hỏi... không ê-càng à? Ai mà vào học trường mình?"
Một thầy hiệu trưởng khác đã nói như thế.
Trong hoàn cảnh ấy, cơ quan quản lý giáo dục "bắt buộc (phải học và thi ngoại ngữ) mà lại không thể... bắt buộc", muôn vàn những cái đuôi vô lý sống nhờ một cái đầu phi lý: Trường công mà lại sợ vắng học sinh!
Ước Mơ
Nếu như những mơ ước thường làm cho con người dễ sống trong tâm cảnh gần như ngây thơ. Tôi vẫn ước mơ, một ngày không xa, đừng bao giờ phải lên tiếng hỏi: "Cháu nó nhà anh hay chị đã đi học chưa?" Tiếng chuông điện hoặc tiếng trống reo lên, dưới mọi mái trường, báo hiệu giờ ra chơi hay vào học, đời rạch ròi như bảng đen, phấn trắng.
Ai không được sống qua một thời học trò, theo tôi, thật sự thiệt thòi trong nỗi bất hạnh lớn lao. Cùng lúc, tôi ước mơ, ngoài này, những người Việt sống xa quê nhà, vốn nặng lòng yêu tiếng Mẹ đẻ, mỗi khi gặp nhau cùng ngỏ lời chào: "Đã cho cháu nó học tiếng Việt chưa?"
Chữ & Nghĩa
Nhiều người vẫn hay ví von: "Mỗi cây bút còn mạnh hơn cả một sư đoàn" lính thiện chiến, ngụ ý nói lên cái sức mạnh của văn học nghệ thuật.
Chữ nghĩa ghê hơn súng ống. Hơn thế nữa, cuốn Tư Bản Luận của "người cầm bút" Marx, cuốn Kinh Hồng của Mao hay cuốn Cuộc Chiến Đấu Của Tôi của Hitler mà guồng máy chuyên chính do chúng sinh ra đã giết oan hoặc gây tận cùng đau khổ cho không biết bao nhiêu triệu con người trên trái đất này, suốt thế kỷ 20.
Cuốn sách mỏng dính Đường Kách Mệnh cũng ướt sũng những máu và nước mắt. Bu quanh mấy "người cầm bút lớn" đó, cho tới nay, văn học còn nhiều "người cầm bút nhỏ" bị tha hóa hoặc tự nguyện lấy thân làm lá chắn cho các tập đoàn tội ác. Nhẹ nhất là làm ngơ. Văn thơ, nhạc họa của họ hay tới nỗi trước đó các nạn nhân đã mê thích.
Vậy, đã đến lúc chưa, một câu hỏi nhỏ cần đặt ra cho từng người cầm bút đã và đang "mạnh hơn một sư đoàn": "Bạn nghĩ mình vô tội trong việc làm ngơ trước chính sách ngu dân?" Hỏi thế, e cao quá chăng, đối với không ít người cầm bút thuộc Hội Nhà Văn Hà Nội, cũng chỉ đáng như "bọn mua vui" trong các cung đình xưa mà giới vua chúa thường xem khinh? Ôi, văn học nghệ thuật có thể phù du nhưng không phù phiếm.
Bên cạnh những trẻ thơ không nhà, người già không chốn nương thân, đàn bà bị mua đi, bán lại như súc vật, văn học nghệ thuật lẽ nào chỉ biết "nhân cách của nhà văn là văn cách của anh ta"?*
Thật ra, thí dụ, cái nhân-cách-sống trong sạch của riêng bản thân ông Nguyễn Tường Lân mới có văn-cách-viết trong sáng của nhà văn Thạch Lam?
Chưa hẳn là như thế!
Nhưng một thời dài, lạ thay, cả nhà cầm quyền thực dân lẫn cộng sản đều sợ người cầm bút yếu ớt này.
Tại sao?
Tài hoa của ông dành nhiều cho những đời bất hạnh. Chỉ bọn gây ra những bất hạnh đó mới sợ ông?
Bọn chính trị độc tôn, độc đảng, độc tài không sợ, đồng thời còn coi khinh các nhà văn lãng mạn, xem thường các nhà thơ trữ tình!
Sự thật là như thế!/
* Ghi, Trần Dần, xuất bản 2002.
(LTS: THƯ MỜI -- Trân trọng kính mời đồng bào tham dự Ngày Văn Nghệ Cảm Thông trong bàn viết, ngoài cuộc đời. Hội ngộ 2 nhà văn Nguyễn Thị Vinh & Nguyễn Hữu Nhật từ Oslo Na Uy tới Westminster Hoa Kỳ với tác phẩm mới in: Cỏ Bồng Lìa Gốc & Tiếng Việt Hay Quá!
Tùy Bút Văn Nghệ được tổ chức tại: Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt: 14771 Moran St., Westminster, CA 92683 * (714) 892-9414. Từ 2:00pm đến 5:00pm Chủ Nhật ngày 16 tháng 04 năm 2006.
Sự hiện diện của Quý Vị là một Vinh dự lớn lao cho nhà xuất bản Anh Em Na Uy và tác giả Nguyễn Thị Vinh & Nguyễn huu Nhat)