Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nguyễn Thị Vinh
Phượng Các
#1 Posted : Saturday, November 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)



Nguyễn Thị Vinh


(trong tự lực văn đoàn)

Sinh ngày 15.7.1924 tại làng Vân Hoàng tỉnh Hà Ðông;
chủ bút tạp chí Tân Phong (Sàigòn).
Chủ nhiệm báo Ðông Phương (sàigòn).
Ðịnh cư tại Na Uy từ năm 1984

Tác phẩm đã xuất bản:

· Hai Chị Em (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1953)
· Thương Yêu (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1955)
· Xóm Nghèo (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1958)
· Men Chiều (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1960)
· Thơ Nguyễn Thị Vinh (1972)
Cô Mai (1972)
· Vết Chàm (1973)
· Na Uy Và Tôi (1994)




Phượng Các
#2 Posted : Saturday, November 27, 2004 5:34:38 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
ngày còn nhỏ
thích
xa nhà
đi đâu cũng được
miễn là được đi
lang thang
mây chẳng định kỳ
có chân không bước
ích gì chân ơi
bây giờ
mỏi
bước đường đời
đi đâu cũng chỉ nhớ
trời một phương
cánh hoa gạo đỏ
bên đường
nhớ nhà
rưng rức
hồn
nương mây về


Nguyễn Thị Vinh
Phượng Các
#3 Posted : Sunday, January 23, 2005 10:39:59 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Bữa Cơm Trưa


Cánh cửa hé mở lộ ra khung trời bên ngoài . Vào mùa này mặt trời lên muộn . Đã gần sáu giờ sáng rồi mà mây vẫn xẫm không khí mới mờ mờ, trắng đục mầu sữa loãng . Hơi sương quện theo trong gió lùa qua cửa sổ, pha vào ngươi bà Mùi , làm ớn lạnh hai bả vai , chạy dài suốt sống lưng .

Bà rùng mình , kéo vội chiếc chăn lên đắp kín người . Suốt cả đêm , bà trằn trọc , ngủ không đầy giấc. Có mệt lắm chỉ chớp đi được một lát , rồi lại thức chong mắt ra . Tới bây giờ trời đã bắt đầu vào ngày thì suốt người bải hoải , đau nhức từng khớp xương, cứ như kẻ bị đánh đòn thù ấỵ

Bà thầm nghĩ "Thì ra tinh thần và thể chất liên hệ mật thiết thật" . Câu chuyện xẩy ra từ bữa cơm trưa hôm qua , nó còn "hành" bà tới giờ . Bà nghĩ đến con gái lớn của bà , cô Bích đang còn ngủ với chồng con ở căn gác ngoài .

" Không biết đêm qua nó có ngủ được không , có còn " đau đớn " vì thấy mẹ bị chồng "khinh miệt " không ? " Lúc xẩy ra câu chuyện vào bữa cơm trưa , ăn xong , bà buông đũa lên ngay đây nằm khóc thầm . Hình như con gái bà nói gì với chồng nó ở phòng ngoài . Cô Bích cố sức nói nhỏ giọng như sợ bà nghe .

Nhưng thằng chồng nó chốc chốc lại lớn tiếng " tôi xử đến vậy thôi chứ , bộ muốn tôi phải lậy nữa hả … " Yên lặng một lát , nhưng bà biết trong phút giây yên lặng đó cô Bích vẫn cằn nhằn chồng vì tiếng thằng Sâm con rể bà lại cất lên " Bảo bà ấy ở đây một mình đi , nếu có phải " cung phụng " thì tôi cũng chỉ " cung phụng " bà ấy thôi , chứ bắt tôi phải nuôi " lũ kia " thì không khi nào ".

Nghĩ tới đây bà lại ứa nước mắt . Lũ kia là con người chồng sau của bà . Thằng Ái và con Ly . Chúng là em khác cha với cô Bích . Hồi Bích mới ba tuổi đã mồ côi bố , bà tái giá và sinh thêm hai đứa này đây . Chúng nó đang nằm kia , trên mảnh chiếu trải lên sàn gỗ của căn gác nhỏ , cất thêm trên mé nhà bếp . Từ một năm nay , cha chúng nó mất , bà buôn bán thua lỗ , nên phải về ở với con gái lớn và con rể .

Mấy tháng đầu còn " dễ thở " ! Lần lần mỗi ngày một chuyện, nay thì không khí trong nhà đặc quánh lại rồi ! Mỗi ngày một chút , những chuyện gì ở đâu , cứ bất ngờ xẩy ra thật ngột ngạt hết sức . Bà đã cố gắng nhẫn nhục , trong khi con rể bà cố tình gây . Thằng Ái và con Ly luôn luôn là " đề tài " của mọi chuyện . Bà có mình Ái là con trai nên rất thương yêu . Thấy Ái và Ly bị hất hủi bà lại càng xót đem hết tình thương để bảo bọc cho hai đứa . Ái mới có mười lăm tuổi , nhưng người cao tồng ngồng . Chân tay dài quá khổ . Đã nhiều lần bà xót xa khi bắt chợt Sâm " lườm lườm " nhìn Ái , lẩm bẩm nói : " Bất thành nhân dạng , thứ này chỉ sớm thành du đãng chứ gì " . Bà không hiểu sao rể bà lại ghét thằng Ái đến thế . Hình như cái vóc người cao " lêu nghêu " của nó mỗi khi ra vào làm vướng ca gian nhà này . Chắc Ái cũng cảm thấy thế , nên nó ít dám xuống nhà , cả ngày cứ ngồi thu mình trên căn gác "xê'p " , hoặc lỉnh ra phố , có hôm nó vê` vào lúc cả nhà đang ăn cơm , bà đã thoáng thấy nó , nhưng nó không dám vào ngay . Đôi lúc ăn xong , anh chị nó đi ngủ trưa ,mới len lẻn về , xúc chén cơm chan nước mắm lên gác ngồi ăn . Bà trông mà ứa nước mắt nhưng chả biết làm sao !

Bà cũng biết cô Bích vì bênh vực bà mà hàng ngày vẫn ngấm ngầm gây gổ với chồng . Từ ngày bà về đây , gia đình này cũng mất cả nếp sống bình thường , mọi th*' , mọi chuyện , đều thay đổi . Trước kia cô Bích vẫn mua gạo " nàng hương " cho chồng con ăn . Giờ phải đổi ăn thứ gạo Mỹ hạt tròn cho đỡ tốn . Cả thức ăn nữa chứ , mọi thư mọi giảm . Phần tại lúc này quá đắt đỏ , phần nhà đông miệng ăn , cô Bích cố sức tằn tiện . Tô canh nho nhỏ ngọt chất thịt , trước kia cô vẫn nấu cho chồng con ăn , nay thành tô canh rau lớn , những đĩa sào thơm ngút , không còn được "trình diễn " thường xuyên trên bàn ăn nữa , mà chỉ còn là đĩa đồ khô cho mặn miệng . Cốt sao cả nhà ăn cho no bụng , qua bữa là được . Bà Mùi cũng không mong gì hơn thế . Nhưng khổ nỗi không khí trong nhà các bữa ăn cứ nặng chịch . Như vừa mới trưa hôm qua , cả nhà đã ngồi quanh bàn ăn , cơm đã sơi ra bát rồi , mà rể bà cứ cố tình đi ra đi vào , rót chén nước ,rửa cái tay . Cô Bích có vẻ tức cất tiếng giục thì chồng cô nói " Ai muốn ăn trước thì ăn đi , việc gì phải đợi " . Thế nhưng lúc con Ly mới cầm đữa gắp miếng dậu rán , bà Mùi chưa kịp đưa mắt cản thì nó đã bỏ vào mồm . Vừa đúng lúc Sâm ra tới , Sâm nói trống không : " Cứ như đồ mất dạy " . Con Ly biết Sâm nói nó , đã mười hai tuổi rồi nên cũng biết tủi thân , nó cúi gầm mă.t xuống chén cơm , mắt rưng rưng , miệng nó ngậm miếng đậu , nhai chệu chạo . Bà Mùi thắt cả ruột lại , ngây dại như kẻ mất hồn . Cô Bích cất tiếng cố gắng làm ra vẻ bình thường để xóa không khí căng thẳng .

- "Cụ " ăn cơm đi chứ , hôm nay chị Ba "trổ tài" nấu món cà bung , cụ thử coi có ngon không ?

Bà Mùi gượng cười :

- Ừ … thì … cứ ăn đi , hôm nay ta chóng mặt quá , nó làm như muốn cảm .

Chị Ba " người làm " biết bà Mùi buồn , cầm bát cơm dặt hẳn vào tay bà Mùi :

- Bà ăn đi mà , con mới học bà Kim nấu cà bung lối Bắc đấy .

Cô Bích lại tiếp giọng có vẻ van lơn :

- Mẹ ăn đi , hay nếu mẹ mệt để con bảo nấu cháo mẹ húp cho khỏe .

Bà Mùi bắt chợt ánh mắt của cô Bích nhìn bà , nửa thương xót ,nửa an ủi , làm bà suýt bật khóc . bà cầm vội bát cơm cười cười :

- Nào thì ăn , nấu cháo .. làm gì …

Giọng bà nghẹn lại , bà cầm đũa đưa mấy hạt cơm lên miệng cố nuốt cho trôi tủi cực .

Trong khi đó Sâm ngồi ăn như không cần biết có sự hiện diện của mẹ vợ , không cất được một tiếng mời , thản nhiên nói với bé Ánh :

- Con chan canh không ? Đưa bố chan ăn cho mau nào .

Không khí trong bữa cơm dù nặng nề đến đâu rồi cũng phải qua . Sau đấy bà lên nằm vùi trên này , lấy cớ là "ốm" bỏ bữa cơm chiều không xuống . Thằng Ái và con Ly cũng ở luôn với bà . Chiều tối cô Bích đem lên cho mẹ và các em mấy miếng bánh mì chả . Cô bùi ngùi bảo mẹ :

- Hay … mẹ tìm chỗ cho các em … ở đỡ đâu ít ngày . Để con "tính " với Sâm … cho ngã ngũ ra . Con thật hết chịu được rồi … Muốn ra sao thì ra chứ .

Bà cố khuyên con gái :

- Thôi con , một đời người rồi cũng qua đi mau lắm . Con cố gắng chịu đựng cho con con nó hưởng . Con đừng trách chồng con , cũng tại mẹ tới đây làm sáo trộn …

Cô Bích chậm nước mắt :

- Gì thì chứ , con có một mẹ mà anh ấy xử như vậy , đâu con có chịu . Mẹ còn nhớ hôm tuần trước cái vụ con chó con đấy không ? Mỗi ngày mỗi gây , mình có muốn nhịn cũng không được mà …

Bà Mùi ậm ừ … bà quên sao được cái chuyện ấy chứ . Hình như Sâm cố tình gây không cho mẹ con bà ở thêm ngày nào nữa .

Một hôm Sâm đi xin đâu được con chó con mới sinh . Suốt đêm suốt ngày con chó kêu ăng ẳng " làm xấu " vung vít đầy nhà . Mẹ con cô Bích cố nhịn , được hai ngày , hết chịu nổi cô Bích bảo chồng :

- Anh đem con chó về nuôi làm gì , nhà đã chật , lại có mình chị Ba dọn dẹp sao cho hết việc …

Sâm quắc mắt ,ngắt lời vợ :

- A … à , nhà chật hả , nuôi một con chó không có chổ hả …

Sâm tiếp cười khan :

- Thế mà tôi tưởng nuôi đến ba bốn con cũng còn được cơ đấy …

Biết chồng ám chỉ mẹ và em mình , cô Bích nổi giận . Bất chợt , cầm tách nước đang uống dở ném vào Sâm , không kể phải trái , cô hét lên :

- Đồ khốn , ăn nói đểu cáng thế mà nghe được à ! Tôi nói cho mà biết dù tôi có nuôi mẹ tôi đi nữa , cũng không ai có quyền nói tôi . Đã " ai " nuôi tôi ngày nào đâu . Hay lại chính tôi phải làm nuôi " báo cô " bao nhiêu năm rồi . Giờ có phải anh "ghen " ăn với mẹ tôi không , thì anh nói trắng ra đi !

Bốp … Bốp … Hai cái tát như trời giáng vào mặt . Cô Bích sợ mẹ chạy xuống trông thấy lại khổ cho mẹ . Cô cắn răng nhịn , một vệt máu rỉ ra bên khóe môi cô .

Sâm buông vợ vào túm lấy con chó thẳng tay đập , con chó trược còn kêu ăng ẳng , sau lịm dần . Con Ánh còn nhỏ quá , mới sáu tuổi đầu , phải chứng kiến chuyện này nó đứng chết run ở kẹt cửa , không khóc nổi … , mắt mở lớn nhìn bố đánh con chó . Trên căn gác xếp , thằng Ái và con Ly đang quýnh lên lay bà Mùi . " Mẹ ơi … Mẹ … Mẹ ơi …." Bà Mùi từ từ mở mắt nhìn hai con ứa nước mắt . " Mẹ không sao đâu đừng sợ " .

Nghĩ đến đây bà Mùi thở dài nói nho nhỏ :

- Người thương người phải xa nhau cũng khổ . Mà người ghét người , phải ở với nhau lại càng khổ hơn .

NGUYỄN THỊ VINH
(Đầu thu 1973)
Phượng Các
#4 Posted : Sunday, January 23, 2005 10:42:10 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Nhất Linh & Xóm Cầu Mới

Nguyễn Thị Vinh




Thật ra, tôi nghĩ là phải viết thế này mới đúng: Nhớ về "Xóm Cầu Mới", có nghĩa là tôi nhớ lại tác phẩm "Xóm Cầu Mới" đã được nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam ấp ủ, thai nghén và cho ra đời ở đâu, khi nào và ông, người mà lúc sống vẫn vui lòng cho phép các bạn hữu và đàn em, trong đó có tôi, được gọi là ‘anh Tam”, đã gửi gấm những gì trong tiểu thuyết "Xóm Cầu Mới"?

Trong nỗi nhớ thường có điều quên và "nhớ lại" cũng không đồng nghĩa với “lại nhớ” được hết mọi chuyện. Nên tôi hi vọng rằng bài viết ngắn ngủi và nhỏ nhoi này, nếu có chi thiếu sót, xin các bạn văn và bạn chiến đấu thời lưu lạc ở Hương Cảng niệm tình mà thứ lỗi cho tôi. Trong không khí văn nghệ của bài viết, tôi tự giới hạn nhiều chi tiết liên quan đến các nhà cách mạng, các nhà hoạt động chính trị cùng các quan điểm đa dạng của quý vị ấy, bao gồm thân thế và sự nghiệp, đi đúng đường hay lạc hướng. Nếu không, bài của tôi sẽ mau chóng trở thành một cuốn sách. Tôi cũng chỉ xin viết dưới dạng một bài Bạt cho cơ sở Văn Mới khi tái bản truyện dài "Xóm Cầu Mới".

Xóm Cầu Mới còn có tên là Bèo Giạt, dựa theo một câu thơ của Huy Cận, "Bèo giạt về đâu hàng nối hàng", được nhà văn Nhất Linh viết lại mạch lạc và gọn gàng ở "Trên núi, lúc 01 giờ 30 trưa, ngày 16 tháng 10 năm 1949" tại Sường Châu, Hương Cảng, nơi mà "anh Tam" cùng các"bạn chiến đấu” tỵ nạn chính trị từ năm 1946. Rồi lại viết lại, viết tiếp và sửa nhiều lần, tại Đà Lạt năm 1957.

Mỗi khi có dịp nhìn lại tấm bìa cũ, các tựa sách do anh Tam phát họa, làm mẫu cho nhà in typo của nhà xuất bản Đời Nay tại Hà Nội hay Phượng Giang ở Sài Gòn; nằm trong bộ sưu tập của Nguyễn Tường Thiết, con trai anh Tam; lòng tôi lại nhen lên một ánh lửa hồi ức của que diêm kỷ niệm văn nghệ tưởng như đã tàn. Như mẫu bìa Xóm Cầu Mới, anh Tam vẽ, tuần tự từ trên xuống dưới: Nhất Linh, Trong Tự Lực Văn Đoàn, Truyện dài, chữ ký của Nhất Linh 13.01.1950, vẽ Huy hiệu và tên Nhà xuất bản Đời Nay, 1950. Các nhà phê bình văn học viết về nội dung, bố cục và bút pháp của XCM; còn tôi, nhớ mãi những ngày tháng được nhìn thấy bản thảo "chữ con kiến bò" của anh Tam, nhỏ nhưng không tới nỗi quá khó đọc, chạy trên mấy trăm trang giấy bản thảo. Bản thảo đầu tiên của XCM, anh Tam thai nghén từ năm 1940ở Hà Nội và tới năm 1949 mới được anh viết tiếp ở Hương Cảng sau khi chị Nguyên đã khuyên anh nên trở lại “đời văn sĩ”. Thời gian đó, tôi không hiểu nhiều về các vấn đề chính trị ảnh hưởng tới đất nước Việt Nam thân yêu , nhưng cũng biết là chĩ Nguyên có lý khi muốn anh Tam viết văn trở lại. Được quen biết anh từ năm 1948 tới năm anh mất 1963, tôi hiểu anh là một nghệ sĩ lớn lao, một người thương Nước, xót Dân; bày tỏ một thái độ chính trị Quốc Dân (Quốc gia, Dân tộc) trước sau như một, rõ ràng. anh Tam không phải là người "làm chính trị", dưới bóng ô dù của các thế lực Nhật, Tàu, Pháp, Mỹ. Nhà văn Nhất Linh, trong TLVĐ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo Nguyễn Tường Tam, gói tròn trong hai chữ Chí Sĩ. Những người cộng sản Việt thích viết sử, bằng lối tuyên truyền xuyên tạc đủ mọi cách, nhằm triệt hạ uy tín của Tự Lực Văn Đoàn cũng như của cá nhân anh Tam, suốt nửa thế kỷ, nên tài liệu như tài liệu này đâu được ai biết, theo quan điểm chép sử, ghi lại những gì đã xảy ra:

Lá thư hay đơn từ chức? Dù ở hình thức nào cũng dủ nói lên đức tính “bất đồng chính kiến nhưng vẫn nghĩ tới đại cuộc chung”. Thư đề ngày 05 tháng 03 năm 1946, một ngày trước khi "cụ Chủ Tịch chính phủ liên hiệp kháng chiến" tức Hồ Chí Minh, đặt bút ký hiệp ước Sơ bộ ngày 06 tháng 03 năm 1946 tại Vịnh Hạ Long, cho thực dân Pháp trở lại Việt Nam.

Theo chỗ tôi nghe anh Tam kể, anh chống lại việc hồi đó Hồ Chí Minh (đảng cộng sản, nấp dưới tên gọi Việt Minh)và Vũ Hồng Khanh (Quốc Dân đảng) đã ký chung hiệp định trên cùng với Đại diện phía Pháp là Sainteny. Trăm năm bị Pháp đô hộ nhục nhằn, bao nhiêu xương máu, thống khổ dân tộc mới có ngày 02 tháng 09 năm 1945, ngày độc lập! Nay, tháng 3 năm 1946, lại “rước voi về dày mả Tổ”, khiến đồng bào ta sau đó xương máu dòng giã chín năm kháng chiến chống Pháp, từ 1946 tới 1954, đất nước tới thảm kịch chia đôi đất nước, cũng vẫn do chính phủ Hồ Chí Minh ký với thực dân Pháp ở Genève Thuỵ Sĩ ngày 20 tháng 7 năm 1954.

Hiệp định 06.03.1946 chỉ có lợi cho đảng cộng sản Việt Nam (ngụy danh đảng Lao Động, đảng Xã hội ....) Việc cho thực dân Pháp trở lại nước ta để giải giới quân đội Nhật, thay quân đội Quốc Dân đảng Tàu, thì dĩ nhiên:

a. Các đảng phái quốc gia suy yếu.

b. Cộng sản dễ “phất ngọn cở độc lập, dân tộc”, độc quyền chống Pháp

c. Khi cuộc kháng chiến thành công sẽ "phất ngọn cờ xã hội chủ nghĩa", áp đặt chế độ cộng sản lên cả nước.

Cho tới thời điểm lúc này, tháng 03 năm 2002, mà vẫn còn có người Việt chưa nhìn ra chân tướng của cộng sản, thì tháng 03 năm 1946, anh Tam và các bạn chiến đấu của anh có hô hào, giải thích cách mấy, đám đông vẫn theo “cách mạng”, vì những thủ đoạn chính trị của cộng sản, ác liệt là tuyên truyền nổi và khủng bố ngầm. Như việc nhà văn Khái Hưng đã bị bắt và bị giết. Nhà văn Nhất Linh “người chiến đấu” mang tên Nguyễn Tường Tam lúc ấy, không theo các chính phủ Bảo Đại (thân Tây), chính phủ Trần Trọng Kim (thân Nhật); mà chính phủ Liên Hiệp (thân Nga, Tàu) lại trá hình khéo. Nên anh Tam một mặt đã từ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp; mặt khác, vẫn nghĩ tới kẻ thù lớn nhất là Pháp còn đó, vì thế anh đã viết một lá thư, theo như tôi hiểu, thì rõ ràng anh "chống đối nhưng không chống phá"

"Hà Nội ngày 5 tháng 3 năm 1946

Kính gửi: Cụ Chủ Tịch

Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến.

Thưa cụ,

Tôi tự xét bất tài, bất lực nên không thể đảm đương bộ Ngoại giao trong Chính phủ, vậy tôi xin từ chức Ngoại giao bộ trưởng kể từ hôm nay.

Tôi không muốn sự từ chức của tôi có ảnh hưởng đến công việc chung nên tôi đề nghị cụ kiêm luôn chức Ngoại giao bộ trưởng hay một người trung lập nào.

Về việc từ chức của tôi chỉ là việc làm của cá nhân, không có liên quan gì đến sự đoàn kết các đảng phái.

Kính chúc cụ và Nội các thành công trong việc đưa nước ta đến chỗ hoàn toàn độc lập.

Nguyễn Tường Tam

(ký tên)"

Ở đây tôi không bàn tới việc "Cụ và Nội Các thành công trong việc đưa nước ta đến chỗ hoàn toan độc lập” như thế nào. Ba mươi năm tang tóc 1946 – 1975, tàn phá "sự đoàn kết các đảng phái”, dẫn tới việc ô nhục nay dâng đất, biếu biển cho Tàu đỏ. Bất kể ai “khác chính kiến với cụ đều là Việt gian, ngụy, phản động”. Dù việc từ chức của anh Tam rõ như ban ngày, vẫn bị suyên tạc đủ điều. Nếu anh không qua được Hương Cảng năm 1946 và không về được Sài Gòn năm 1950, chắc hẳn sẽ cùng chung số phận với nhà văn Khái Hưng?

Từ bối cảnh lịch sử và chính trị ấy, tôi mới rõ vì sao anh Tam, nghe lời khuyên của chị Nguyên, "không hoạt động chính trị nữa", và do đó truyện dài Xóm Cầu Mới được hình thành (tuy nói anh không hoạt động chính trị nữa, nhưng anh vẫn có mặt đều trong các buổi họp).

Đời sống vật chất của những người Việt hoạt động chính trị hoặc lánh nạn tại nước Tàu trước và sau đệ nhị thế chiến, vô cùng khó khăn. Mọi thứ như việc ăn, ở, thuốc men phải hoàn toàn tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mỗi người, rồi theo lối “góp gạo, thổi cơm chung”. nhưng có thể nói tinh thần chiến đấu của anh em trong nhóm tỵ nạn rất giàu có, lúc nào cũng hướng về Quê cha, Đất tổ.

Bởi vì trước sau anh em vẫn nao nức theo tinh thần nội dung bản hiệu triệu của anh Tam viết ngày 13 tháng 01 năm 1945, tiếp đó tới ngày 02 tháng 09 năm 1945 lần đầu tiên nước Việt Nam tuyên bố độc lập, sau khi nội các của thủ tướng Trần Trọng Kim giải tán, vua Bảo Đại được mời vào Ban Cố Vấn Chính Phủ Liên Hiệp. Bản hiệu triệu đó, ngày nay hình như vẫn còn có thể dùng được để gửi đồng bào trong nước?

"Cùng hết thảy các bạn chiến đấu. Sau những năm cách mặt, đến giờ mới có cơ hội gửi lời thăm hết thảy các bạn xa, gần, già, trẻ, biết hay không biết mặt nhưng đã cùng tôi trong giòng lũ, chiến đấu dưới một lá cờ, phụng sự một lý tưởng: cứu nước và duy trì nòi giống, đưa đến chỗ vinh quang – Thời giờ thật là khẩn cấp ... Chiến tranh thế giới sắp đến hồi quyết định, sự hưng vong của giống nòi Đại Việt ta là ở lúc này đây. Mong anh em ra tâm phấn đấu, đem hết sức lực ra để làm cho đảng chúng ta mạnh mẽ gấp mười trước, có thể đối phó với thời cuộc, tìm lại cho nước ta sự độc lập ao ước từ lâu. Ơû trong nước hy vong đặt cả vào các anh em! Ở ngoài này chúng tôi xin nỗ lực cho khỏi phụ lòng anh em mong mỏi. Ở ngoài, ở trong cùng hết sức để rồi có ngày kia bắt tay nhauở đất nước nhà trong cái không khí tưng bừng của ngày Quốc hội: ngày đầu tiên của nước Đại Việt độ lập.

Nguyễn Tường Tam

V.N. 13.1.1945"*

(* Được in và phổ biến ở Việt Nam)

Tháng 1 năm 1945, anh Tam còn ở bên đất Tàu, nay đây mai đó, từ Thượng Hải qua Quảng Châu rồi cuối cùng phải tạm cư ở Hương Cảng, vì năm 1948 làn sóng đỏ đã nhuộm hết nước này. Quốc Dân đảng Tàu và chính phủ Tưởng Giới Thạch phải chạy qua Đài Loan. Năm 1948, vua Bảo Đại về nước thành lập chính phủ thân Pháp, do Pháp yểm trợ. Năm 1949, anh Tam còn ở Hương Cảng, bản thảo Xóm Cầu Mới đề ngày 16 tháng 10 năm 1949, truyện dài mà anh hằng mong muốn dựng lên như: "Một cuốn Đông chu Liệt quốc của những đời sống tầm thường, vui lẫn buồn, những vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày của những nhân vật, những gia đình sinh hoạt trong cái xóm nhỏ ở đầu một chiếc cầu gỗ từ lúc cầu bắt đầu mọt cho đến khu cầu gậy xóm nhỏ và các gia đình cũng tan tác theo chiếc cầu gỗ. Những đời "bèo giạt" đến hội tụ ở xóm nhỏ cũng như những bèo giạt đến, trong ít lâu, vương bám vào chân cầu, rồi lại trôi đi theo giòng nước, không biết về đâu? Nhất Linh." (Trích trong XCM)

Xóm Cầu Mới dự tính in năm 1950, nhưng mãi tới nắm 1958 mới được đăng trên Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm (nghĩa là muốn in số báo nào xin phép số đó) do anh Tam chủ trương; số ra mắt ngày 17 tháng 06 năm 1958, phần Một của Xóm cầu Mới, là truyện cô Mùi. Xóm Cầu Mới ở đâu? Xóm Cầu Mới của Nhất Linh không phải là Xóm Cầu Mới ở Tân Định Sài Gòn, cũng chẳng ở đâu khác, ngoài vùng phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là nơi anh Tam sinh ra và lớn lên. Nơi mà Thạch Lam Nguyễn Tường Lân viết truyện ngắn nổi tiếng "Nhà Mẹ Lê".

Ở phần mở đầu cuốn truyện dài ấy, anh Tam đã dẫn giải hết sức rõ ràng "Xóm Cầu Mới là một cái xóm nhỏ ở cạnh một chiếc cầu gỗ cũ ..." Tính bi kịch của truyện bắt đầu từ câu văn này. Xóm tên là Cầu Mới nhưng cầu thì quá cũ: "... đã long mất gần một nửa số ván và gẫy mất gần một nửa số chân. Cũng may, ván long đều và chân cầu cũng gẫy đều nên cầu còng vững và xe cộ qua lại được ..."

Anh Tam liên tưởng gì tới tình hình đất nước ta, sau Hiệp ước Sơ bộ ngày 06 tháng 03 năm 1946, ở đoạn văn: “Đời dân xóm liền với chiếc cầu nên bất cứ một tin gì lạ về chiếc cầu cũng làm họ thao thức và xôn xao bàn tán. Bốn năm trước có một người làm ở Sở Lục Lộ, trong lúc vui câu chuyện, đã nói là sẽ sơn lại cầu. Sơn lạ thì họ không cần lắm nhưng sơn tức là phải sửa chữa lại, dân xóm tán ra như vậy. "Sơn tức là phải sửa chữa lại cầu," câu ấy ròng rã bốn năm trời vẫn được nhắc đến luôn ở cửa miệng những người dân xóm, những nghèo tiền nhưng rất giàu hi vọng hão. Còn duyên do vì đâu lại oái oăm bắc một chiếc cầu vô dụng và đắp một con đường tắc tị thì không ai hiểu gì cả và sở Lục Lộ bây giờ có lẽ cũng không hiểu nốt."

Sao tôi cứ buồn khi nghĩ, bốn chục năm qua, dân nghèo nước mình vẫn chỉ giầu niềm hi vọng đất nước được sửa chữa, nhưng quả thật là hão huyền, vẫn nguyên vẹn đó một “con đường tắc tị”, đường cụt, mà người Na Uy gọi là "đường mù". Những đời dân tứ xứ như "bèo giạt" nơi quê người và nhất là ngay cả trong đất nước mình: giờ đây đa số chết non, thác yểu hoặc vẫn kéo lê cuộc đời chỉ “hy vọng hão". Ngày xưa, ở Cầu Mới, qua lời anh Tam kể, “Cả xóm không có một căn nhà gạch hay gỗ nào. Toàn là những nhà tranh lụp xụp, xiêu vẹo; trông cũ kỹ như chiếc cầu gỗ chỉ có cái tên là mới."Ngay ở đảo Sường Châu, những năm sau thập niên 40 của thế kỷ 20, là một hòn đảo nghèo, nơi mà nhóm tỵ nạn chúng tôi ngụ cư cũng không nghèo đến thế. Mặc dù bị kềm dưới chế độ thực dân Anh, Hương Cảng vẫn vươn mình lớn mạnh; mọi người tùy theo sức lực, tài năng hoặc ý chí vẫn có quyền tự do mưu cầu sự sống. Các văn nghệ sĩ được tự do sáng tác. Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí vẫn sống nhờ vào tiền bán tranh sơn dầu và sơn mài. Anh Tam cũng vẽ các loại than chì, sơn dầu, thủy mặc, phấn tiên.

Thời gian viết Xóm Cầu Mới, ở Hương Cảng cũng như Đà Lạt hay Sài Gòn, anh Tam vẽ nhiều, ngoài ra còn là họa sĩ chính của tờ Văn Hóa Ngày Nay. Các nhà sưu tập tranh người Pháp, Anh, Trung Hoa ... sưu tập tranh của hoạc sĩ Nguyễn Gia Trí là chuyện bình thường, vì anh Trí là nhà mỹ thuật chuyên môn. Nhưng tranh của anh tam cũng được rất nhiều người ưa chuộng. Tiếc ngày nay hàng ngàn tấm tranh nhỏ, vẽ trên giấy, của anh đã bọ thất lạc nhiều. Anh vẽ cây đa Cốc, nơi chim cốc thường về đậu, vẽ cây cầu cũ nới Xóm Cầu Mới. Vẽ cả sơ đồ bối cảnh của cuốn truyện. Anh vẫn thường bảo: “Văn chương, thi ca còn tùy thuộc vào bản dịch. Nhưng âm nhạc, nhiếp ảnh và đặc biệt là hội họa có hình thể thì người nước nào cũng hiểu được!” Lúc viết lại Xóm Cầu Mới, anh nói: “Người ta vẫn nghĩ có một loại văn Tự Lực Văn Đoàn. Riêng tôi, không làm văn, tôi viết cốt sao người đọc dễ hiểu và người dịch dễ dịch sang ngoại văn, nếu có dịp.”Có lần, tôi hỏi: “Anh tính viết Xóm Cầu Mới, cho chuyện nhà cô Mùi là chính, các nhà khác vây quanh, là phụ hay sao?" Anh nói: "Tôi không cho nhà nào là chính hay phụ. Tôi sẽ viết mấy cuốn trong một cuốn mới đủ bộ Xóm Cầu Mới".Sau này từ Hương Cảng về Sài Gòn, rồi Đà Lạt, anh đã thảo mấy cuốn: Cô Mùi, Người Chiến Sĩ, Nhà Bác Lê, Người Sát Nhân, Cậu Ấm, Ông Năm Bụng. Với dự tính ban đầu: “Những chuyện dài có liên can hoặc xa, hoặc gần tới Xóm Cầu Mới mà các nhân vật chính hay phụ phần nhiều lấy ở số người tới ngụ cư trong xóm." Anh còn tỉ mỉ vẽ chân dung và ghi lý lịch, cá tính từng nhân vật một, để "khỏi quên" vì pho truyện có thể sẽ kéo dài, theo ý anh thì: "Riêng tôi, tôi mong viết độ hai chục cuốn nữa thành một bộ gần vạn trang,mới đủt tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời.” Theo nhà xuất bản Phượng Giang: “Nhất Linh viết đi viết lại Xóm Cầu Mới tất cả năm lần. Lần đầu tiên viết năm 1940 ở Hà Nội, lần thứ hai năm 1943 tại Quảng Châu (Trung Hoa). Lần thứ ba năm 1949 tại Hương Cảng (Trung Hoa). Về nước, Nhất Linh viết lại lần thứ tư tại Hà Nội năm 1951. Và sau cùng, trước khi đăng trên tờ Văn Hóa Ngày Nay (1958), Nhất Linh đã sửa lần chót bên dòng suối Đa Mê, Fin Nom (Đà Lạt) vào năm 1957."

Tới đây, tôi muốn kể chuyện về nơi anh Tam viết và sửa lại cuốn Xóm Cầu Mới, lần thứ ba: Tại Hương Cảng năm 1949 cùng với bao kỷ niệm đã ghi đậm nét trong trí nhớ của tôi:

Năm 1948, tôi sang Hương Cảng, nơi tôi ở là một căn nhà ... Không, phải gọi là một túp lều mới ổn. Túp lều của chúng tôi nằm trên một, trong nhiều các ngọn núi đá thấp. Vách ghép bằng các mảnh ván thùng, mái lợp cao su dầy màu đen. Bên trong ngăn ra làm hai buồng nhỏ, buồng nào cũng có cửa sổ không lớn, nhưng đủ thoáng mát. Bếp ở phía sau lều, vách dựng sơ sài bằng các mảnh thùng sắt tây cũ. Nhu cầu nước, đã có con suối gần nhà, được những mỏm đá thiên nhiên bao bọc rất kín đáo, chúng tôi xó thể ra tắm ở đây. Ông Woòng, người chủ của hai túp lều cho chúng tôi thuê, đã có sáng kiến dùng ống cao su dẫn nước từ suối, chảy vào khu nhà bếp, nên việc nấu ăn, rửa bát của chúng tôi rất tiện.

Đời tôi từ bấy đến nay, thời gian qua đi già nửa thế kỷ; đã từng được ở những nơi nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, mà sao tôi vẫn không thể nào quên được túp lều (trên núi) của chúng tôi. Chao ơi, mỗi khi tắm, tôi chưa thấy có một vòi "hoa sen" nước nào có thể so sánh được với dòng suối ngày ấy. Tiếng suối reo, ào ạt suốt ngày đêm, hòa với tiếng u u ....u... của gió núi, khi thổi lùa qua những hốc đá, đã trở thành "bản nhạc núi" tuyệt vời. Nơi đây, không có hoa lá và ngay cỏ dại cũng chẳng mọc nhiều; dân cư ở xa, nên không cả mùi khói bếp. Không, không có mùi gì hết, tại sao tôi vẫn cảm nhận được mùi thanh khiết của núi đá, của nước. Không khí nhẹ nhàng quá. Phải chăng, tôi chỉ ngửi được bằng hai lá phổi, chứ không bằng mũi...

Tôi biết kể sao cho hết nỗi vui thích của tôi, mỗi khi ra suối tắm. Mặt trời đụng vào dòng nước đang chảy, vỡ tung, thành muôn vàn mảnh ánh sáng nhỏ lấp lánh đủ màu, loang loáng chảy, xối ào ạt lên người tôi; hơi nước mát rười rượi. Tôi tưởng như mình đang ở một xứ thần tiên, trong truyện cổ tích nào đó, tôi đã được đọc từ thuở ấu thơ.

"Nhà của chúng tôi", nếu tính từ trung tâm thành phố Hươngt Cảng về, phải ngồi xe điện mất gần một tiếng. Đến trạm chót, còn phải đi bộ một thôi dài, tới đường Happy Valley gần khu Phảo–mã-tỷ (trường đua ngựa) đến chân núi. Khốn nỗi, lại mất khoảng hai mươi phút từ chân núi, leo ngược con dốc đá thoai thoải, mới đến “nhà" lều.

Con đường này, mùa hè cũng như mùa đông, mới sáng tinh mơ đã có rất nhiều người dân lao động đến ngồi ven núi, đập đá thuê. (Thời ấy có một số nhà cách mạng Việt Nam bôn ba sang Tàu; qua Thượng Hải, Quảng Châu ... rồi trôi giạt đến Hương Cảng, khi kẹt cũng phải mưu sinh tạm bằng nghề đập đá thuê ở đây). Sở dĩ tôi phải kể dài dòng cảnh "trên núi" như trên, là vì: Trên bản thảo XCM, còn có tên Bèo Giạt, anh Tam có ghi lại: "Hương Cảng, trên núi, lúc 01 giờ 30 trưa, ngày 16 tháng 10 năm 1949”. Bản XCM, lần đầu được viết lại, ở Hương Cảng và Sường Châu. Sường Châu hay Seng Chou là một hòn đảo nhỏ, cách Hương Cảng một hoặc hai giờ tầu thủy, tùy theo chuyến chạy nhanh hay chậm. Nơi gia đình ông Woòng, đã mấy đời, làm nghề cho các thuyền đánh cá trên đảo thuê bến bãi đậu thuyền. Nhà ông Woòng ở sát bờ biển, phong cảnh đẹp, không khí thoáng mát pha mùi nước biển.

Gia đình ông Woòng, ai cũng hiếu khách, rất quý trọng các nhà chính trị, chí sĩ hay nghệ sĩ lưu vong. Ông Woòng để riêng hẳn một phòng cho khách ngụ, dù ở bao lâu cũng được. Nhưng, ai muốn ở chơi lâu, đều đề nghị với chủ nhà cho ăn riêng, tự nấu lấy bằng cái bếp dầu tây, bằng đồng.

Như đã kể, năm 1948, khi đến Hương Cảng, tại tup lều kể trên, tôi được gặp anh Tam lần đầu. Tôi không biết anh là nhà văn Nhất Linh. Khoảng một tuần sau, trong bữa cơm, "cả nhà" ngồi quanh cái bàn dài bằng gỗ ván thùng, do các anh đóng lấy. Nhân một câu chuyện tình cờ, khi biết anh là nhà văn Nhất Linh, tôi đăt bát cơm ăn dở xuống bàn, vội vàng, đến gần như vô lễ, tôi nhìn anh, lắp bắp hỏi: " Anh, anh là ông ... Nhất Linh đấy hả?" Anh mỉm cười gật đầu, còn các anh cùng bàn thì bật cười thành tiếng. Tôi lại hỏi tiếp: "Thế anh ....Chính anh, viết cái cuốn Đoạn Tuyệt đấy hả?” Lần này thì anh khẽ cười thành tiếng và trả lời "vâng".

Hàng ngày, tôi ít dám nói chuyện với anh, bởi vì gương mặt anh toát ra một vẻ nghiêm khắc, trầm lắng, rất buồn bã. Ánh mắt luôn luôn như nhìn về một cõi xa xăm .... mọng lên nỗi chứa chất u sầu. Tới nỗi tôi có cảm tưởng nếu có một tiếng động dù nhỏ bất chợt vang lên, cũng đủ làm cho những màng nước trong mắt anh òa vỡ! Cặp môi anh có lúc rung rung, như đang nói chuyện với ai đó, vô hình, đôi khi lại thoáng nét nhẹ, những hư mỉm cười!

(Sau này ở Sài Gòn khoảng năm 1960 – 62, khi viết Dòng Sông Thanh Thuỷ có lần anh đã nói về chuyện cũ nên tôi hiểu nỗi buồn của anh ngày lưu lạc quê người, Hương Cảng 1949; cùng lúc anh có nhiều chuyện buồn, toàn về "vận nước" với tình người.

Tự Lực Văn Đoàn “tan đàn, nát gánh”; Việt Nam Quốc Dân đảng thì Vũ Hồng Khanh lại không nhìn ra thủ đoạn chính trị “6 tháng 3 năm 1946”, ký hiệp ước Sơ Bộ cho Pháp trở lại Việt Nam; các bạn chiến đấu cùng chạy qua Tàu, phần lớn mất liên lạc.)

Không chỉ mình anh Tam, mà tất cả anh em trong nhà đều buồn; Vì chúng tôi đang có một cái tang chung! Một chiến sĩ, chí sĩ, một nhà cách mạng hay một nhà văn lớn và cũng là Bạn Chiến Đấu của chúng tôi. Người mới từ giã cõi đời, anh Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, là em ruột anh Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Anh Long từ Quảng Châu về Hương Cảng dự một phiên họp (nghe nói buổi họp gồm "đủ mặt” từ mấy phía, có cả vua Bảo Đại ...) Ôi! Buổi họp cuối cùng của tác giả "Mười Điều Tâm Niệm" và "Trước Vành Móng Ngựa" ...! Họp xong, anh Long vội vàng rời Hương Cảng đi Quảng Châu, chẳng may đã mất trên chuyến tầu hỏa đó, năm 1948. Năm 1946, Khái Hưng bị giết, năm 1948 lại đến Hoàng Đạo! Vì đâu và lỗi do ai? Ai đã gây ra? Trong vòng năm năm, nhóm Tự Lực Văn Đoàn tắt mất hai ngôi soa chủ lực. Đất nước Việt Nam đã mất hai nhà văn, cũng là hai nhà cách mạng, đầy ý chí muốn mở mang dân trí qua ngòi bút và hành động chính trị vì tình Yêu Nước! Nỗi đau mất bạn Khái Hưng còn đó, lại tiếp thêm Nguyễn Tường Long ... Anh Long mất, anh Tam không chỉ mất người em ruột mà còn là mất một người Bạn Chiến Đấu, một nhà Tư Tưởng thân thuộc, một Bạn Văn đã cùng chung khai sáng Tự Lực Văn Đoàn. Tình trang đất nước ngày ấy đang thay đổi, với chiều hướng suy đồi, anh Tam nhìn thấy trước mà đâu đỡ nỗi. Cho nên chẳng lấy gì làm lạ, khi thấy anh buồn bã, như tôi đã kể.

Anh là người thương Nước, xót Dân thật sự, bày tỏ một thái độ chính trị Quốc Dân (Quốc Gia, Dân tộc) trước sau như một, hết sức trong sáng, rõ ràng. Anh Tam không phải là người "làm chính trị", có chủ trương dựa vào các thế lực ngoại quốc như Nhật, Nga, Tàu, Pháp, Mỹ. Để mong "cõng rắn về..." lấy cớ "cứu nước!" Tâm hồn anh lại là một tâm hồn nghệ sĩ lớn. Anh rung động, nhạy cảm, vui buồn với tất cả mọi chuyện xảy ra trong xã hội, trong đời sống thường ngày các mọi người quanh anh. Và anh đã gửi gấm được tấm lòng này vào trong bộ truyện "XCM", cùng với bao nỗi khắc khoải. Thêm vào đó, "cảnh trên núi" chúng tôi lúc ấy lại vắng đi mấy người, anh Đỗ Đình Đạo, anh Trần Văn Tuyên ..., vì công việc chung cũng như việc riêng đã trở về nước. Các an khác đều bận việc, anh Bảo Sơn làm cho hãng hàng hải của Hòa Lan, tuốt dưới phố; anh Lễ làm cho nhà "băng", sáng đi, chiều về. May lúc ấy, nhờ Kim Anh, con gái tôi, năm 1948 mới được hai tuổi; chưa biết vui buồn là gì, thường luẩn quẩn bên anh Tam. Nơi nào có trẻ con, không khí sinh động, vui hẳn lên. Đôi lúc anh Tam bế cháu Kim Anh , sửa lại giọng bi bô, tập nói ngọng ngịu của cháu; và thường đùa bằng cách sai vặt: "Kim Anh, đưa cho bác cái bật lửa!" Nếu cháu hiểu ra, làm được theo đúng ý anh, anh cười thành tiếng v.v... Như các anh khác, tôi cũng mừng, tiếng cười của người này, thường làm cho bao người khác vui lây, quên đi phần nào cảnh anh em, bạn bè chia lìa, mất mát. Sau khi được tin anh Nguyễn Tường Long mất, chị Long cùng với người con gái lớn của chị, là Minh Thư, vội sang Hương Cảng. Anh em đi đón chị Long và Minh Thư từ phi trường, lên thẳng trên núi. Hai ngày sau, hai mẹ con chị Long đáp tàu hỏa đi Quảng Châu. Chắc để lo việc thâu nhận hài cốt của anh Long. Tôi không nhớ rõ.

Dù không sống gần, nhưng những người thân của anh Tam ở quê nhà, ai cũng đoán được chắc chắn anh Tam sẽ đau buồn về chuyện mất anh Long; anh sẽ xuống tinh thần không ít! Vì vậy chẳng bao lâu, chị Tam từ Hà Nội đã sang Hương Cảng thăm anh. Có chị trên núi, không khí nơi đây như tươi lên được đôi chút. Chị Tam kín đáo chăm sóc anh, luôn tìm cách nhắc lại về thời anh làm báo, viết sách. Chỉ những khi đó, như một phép lạ, nét mặt anh vui, ánh mắt tươi sáng. Kỳ diệu thay, sức mạnh của văn chương và nghệ thuật! Tôi biết, văn nghệ không làm cho anh quên viêc đất nước, nhưng nó làm cho anh tạm yên, để từng bước một bình tĩnh, lo toan nhiều chuyện lớn.

Tôi đưa chị Tam đi chợ “Trung Vàn Cái Xi", là chợ lớn nhất Hương Cảng, giống như chợ Bến Thành ở Sài Gòn. Chúng tôi bị nhiều người lớn nhìn ngó, trẻ con bu coi; họ thấy lạ mắt vì chiếc áo dài Việt Nam chị mặc. Tôi phải đi mua mấy thước lụa Thượng Hải, rồi dẫn đến tiệm đo, may áo Tàu “sường sám” cho chị. Từ những lần sau, đi ra phố, chúng tôi cùng mặc "sường sám", nên việc đi lại được tự nhiên, thoải mái. Chị Tam nói riêng với tôi: "Anh Tam yêu văn chương lắm, nhẽ ra anh không nên đụng vào chính trị, chính em. Chỉ viết văn, làm báo không thôi, anh cũng đã đủ thứ vất vả rồi!” Tôi cãi lại: "Nhưng tình hình đất nước như thế này! Rất cần đến những người như anh Tam, góp công, góp sức, làm lơ sao đành, hả chị?" Chị Tam nói: "Thì cứ viết những điều mình cho là đúng, là lý tưởng của mình vào sách, cũng tốt thế, chứ sao!". Tôi nhìn chị Tam với tấm lòng kính mến. Một người phụ nữ không làm văn hóa, văn nghệ, chính trị ... Chị chỉ lo “buôn tần, bán tảo”, chăm sóc họ hàng hai bên nội ngoại, nhất là giúp đỡ chồng con. Việc buôn bán cau khô của chị, trước sau cũng chỉ mong sao kiếm lời, để chồng yên tâm gánh vác việc xã hội, khỏi bận lòng về chuyện nà, nuôi nấng các con ăn học. Thế mà chuyện chính trị, chị lại bảo: "Cứ viết vào sách, cũng tốt thế, chứ sao!" Lời nói dễ hiểu mà chí lý. Mặt khác, tôi nghĩ là chị Tam ngờ ngợ, "nhìn ra" thế "lưỡng đầu thọ địch” của anh Tam, một bên là thực dân, một bên là cộng sản. Sau cái tang Khái Hưng và Hoàng Đạo, dường như chị e ngại cho ... Song trên thực tế, sự đóng góp tuy gián tiếp nhưng tận tình của chị vào sự nghiệp văn hóa, chính trị của anh, theo tôi biết, không phải là nhỏ:

Tính anh Tam quen tự do như gió trời. Rày đây, mai đó. Đến cả nơi ở, cũng không có chỗ nhất định; vỏn vẹn chỉ có hai bộ quần áo, giặt bộ này, mặc bộ kis, được thứ hàng khỏi cần bàn-là, càng tốt; nếu không, vải bị nhàu một chút cùng chẳng sao. anh không có tủ sách riêng,khi cần, chạy ra thư viện mượn. Người như thế làm sao có thể "chu đáo”, gần gụi với gia đình vợ con được!

Những ngày ở trên núi với chúng tôi, mỗi lần đi chợ về, chị tự tay nấu các món ăn cho cả nhà. Tôi chỉ phụ với chị rửa rau, thu dọn việc vặt. Khi nào mua thịt bò, chị nhờ anh Tam giúp làm món "beefsteak", chị khoe anh còn nấu súp "bouillabaisse", (nấu với nhiều thứ hải sản, tôm, cua, cá, sò...) rất ngon. Mà ngon thật, cứ như ăn ở hiệu cơm Tây nổi tiếng. Chị nói riêng với tôi: "Cứ để anh làm cho vui". Tôi cũng kể với chị: "Lúc hcọ chưa sang, dù buồn cách mấy, hễ sau bữa ăn trưa, anh Tam nhất định giành việc rửa bát." Anh Nguyễn Gia Trí cũng phải bảo nhỏ tôi: “Để anh làm cho vui." Sau này, tôi mới biết tính anh Tam, không chỉ lúc ở Hương Cảng, dù ở đâu anh cũng thích làm một vài món ăn, rửa bát, quét nhà. Anh bảo: "Đó là cách nghỉ ngơi, giải trí của tôi!" Thường buổi chiều lúc chị không ở cùng, anh không ăn cơm, chỉ tự nấu lấy vắt mì khô với ít tôm khô và rau cải. Anh ăn mì, uống cốc bia xong, đi nằm nghỉ, yên lặng, chẳng chuyện trò với ai, trừ khi có các anh em ở xa đến mở buổi họp, cần có anh. Tôi thấy hình như anh thích ở những nơi đồi núi và thích nghe tiếng suối. Sau này, về Đà Lạt, anh cũng cất lều bên suối Đa Mê...

Ở trên núi gần nhà bếp phía trước dòng suối không tên có một cái hang đá; cửa hang rộng chừng sáu thước, cao gần hai thước, sâu hun hút, nhưng thoai thoải thấp dần, thấp dần. Từ ngoài cửa vào khoảng bốn năm thước là đã bị đụng đầu, không đi tới thêm được. Nền đá phía dưới rộng, sạch sẽ và mát lạnh. Vào mùa hè, cả nhà thường vào đấy đọc sách báo, bàn luận chuyện chính trị. Nếu muốn có thể nằm lăn ra ngủ, nghỉ. Chỉ tội, hơi đau mình một chút vì mặt đá lồi cồi không trơn phẳng.

Phía trước hang một khoảnh sân lộ thiên; không biết bằng cách nào mầm cỏ từ đâu lạc tới đâm chồi trong các kẽ đá mọc lên từng đám cỏ xanh non, tươi mát, lả lướt đùa rỡn trong nắng gió. Tôi thầm nghĩ: “Đây là một trong các món quà tặng của Trời, đã cho muôn vàn sự sống nẩy sinh trên trái đất này." Một thân cây không lớn lắm nhưng già cỗi mọc ghé bên bờ sân, nghiêng xa ngoài vực, vực không sâu, có thể đi men men xuống. Bên dưới, rất nhiều ốc sên, chẳng có gì đẹp nên không ai buồn xuống đó. Anh Nguyễn Gia Trí thường đem giá gỗ ngổi vẽ dưới gốc cây. Cũng ở nơi đây, tôi đã ngồi làm mẫu, để anh vẽ "portrait". Tấm tranh này sau này anh phải bán cho ông bà lãnh sự người Anh ở Hương Cảng, khoảng năm 1948 hay 1949.

Chị Tam mua một chiếc ghế vải có thể ngồi hay nằm tựa và chiếc bàn nhỏ, kê ở trong hang đá, rồi gọi nơi đó là "nhà mát". Anh Tam đem vào nhà mát một chiếc cặp da đựng bản thảo XCM cùng với bình thủy nước sôi, cà phê và vài bao thuốc lá hiệu "Bastos xanh" và một cái gạt tàn thuốc to gần bằng cái dĩa tây. Với ngần ấy thứ, anh có thể ngồi suốt ngày trong hang đá, viết, viết và viết ... Cháu Kim Anh thích quanh quẩn chạy chơi loanh quanh chỗ bác Tam viết, rồi lại chạy ra chỗ bác Trí vẽ. Các anhchỉ vui thêm chứ không lấy thế làm phiền. Anh Trí còn bế cháu lên, cho cháu cầm cọ vẽ nghịch vài nét ngay trên tấm tranh đang vẽ dở của anh. Anh bảo: "Không hề gì, rồi sửa lai, được mà!"

Anh chị Tam thường hay mời cả nhà đi ăn hiệu (nhậm sà, uống trà) với đủ các thứ bánh trái, xíu mại, há cảo, bánh bao v.v.... ăn xong lại cùng đi dạo cảnh Hương Cảng. Ai cũng biết đó là ý riêng của chị Tam bày vẽ ra thế, muốn để anh có dịp đi nơi này, nơi kia cho khuây khỏa. Khi về, anh Tam bảo chị mua thêm vài thứ bánh để làm quà cho một "bà già dưới chân núi". Căn nhà của bà cũng vách ván thùng cũ, mái cao su đen. Lưng nhà quay ra đường xe chạy, cửa vào hướng về phía núi. Nhà có được mảnh sân phía trước, trồng dăm luống rau cải, cà chua và một dàn mướp. Lại thêm cái chuồng gà nơi góc sân nom hệt như mảnh vườn quê ở Việt Nam. Trông vào mà thấy ấm cả lòng! Ấm lòng hơn nữa, bà chủ nhà lại là người Việt Nam, chừng bảy mươi, vóc dáng xem còn mạnh khỏe. Bà thường xuyên mặc bộ quần áo Tàu rộng rinh, bằng vải dầy màu lam xẫm đả bạc phếch, và vài ba chỗ. Mái tóc trắng xám, khô, xơ xác được cắt ngắn lộ ra cái gáy đen đủi, nhăn nheo. Vài năm truớc đấy, bà già nhận ra chúng tôi là đồng hương, vì có một lần, anh Đạo và anh Sơn đã nói chuyện với nhau trong lúc đi ngang qua nhà bà. Bà chỉ nghe âm thanh của giọng mà nhận ra các anh là "Ố Nàm dần", tức người An Nam. Mặc dù hầu như bà đã quên hết tiếng mẹ đẻ; không còn nói và hiểu nỗi ý nghĩa dù một câu tiếng Việt nào. Bà chỉ nhớ và nói được mỗi ngày một câu duy nhất, mà lại phát âm lơ lớ bằng giọng Tàu: "Mìn dơ..i tó .. ti dờ ...dồ." Nghĩa là " Mình ơi có di Bờ Hồ...", một câu trong bài hát vui tếu. Đầu thế kỷ 20, bài này được giới bình dân ở Hà Nội , Hải Phòng ưa thích: "Mình ơi có đi Bờ Hồ. Cùng tôi chén kem kẹo dừa. Xin đừng, là đừng chê nhé. Trong túi tôi có mười đồng xu...” Chồng bà, gốc dân Tàu nghèo, xưa kia từng lưu lạc sang làm phu mỏ ở Hòn Gai, Móng Cái. Gặp và lấy bà rồi đưa nhau về Tàu. Chẳng may, ông mất trong thời chiến tranh Nhật Hoa. Bà chỉ có một người con trai. Năm gặp chúng tôi, anh ta khoảng trên bốn mươi, chưa vợ. Vóc người to cao, vạm vỡ. Hàng ngày phơi mình ngoài nắng gió, làn da bị bụi đá và mồ hôi bám két lại, xần lên, đen xám như da của con voi, tóc bờm xờm cứng đơ. Nhưng tính anh rất hiền, quá hiền đến gần như ngây ngô. Chúng tôi có hỏi han chuyện gì, anh ta cũng chỉ nhe hàm răng xỉn cười cười không trả lời. Mỗi buổi sớm anh ta đi đập đá, mình bà mẹ ở nhà vào ra trông coi, săn sóc vườn tược. Bà khéo trồng nên rau trái mọc xanh um, hoa màu dùng để nhà ăn và đem bán cho mấy người đập đá thuê, quanh nhà, cũng phụ thêm được tiền gạo chợ cho cả hai mẹ con. Thỉnh thoảng, bà già sai con trai đem lên núi cho chúng tôi khi thì vài quả mướp, mấy quả cà chua, hay rau cải ... Một buổi xế trưa, chắc người con đi làm chưa về. Bà lọm khọm bưng lên núi một “thố”, loại nồi đất có chiều cao, đựng canh chân giò nấu với rau cải khô. Chẳng biết bà phải leo bao lâu, lúc đến trước cửa nhà chúng tôi, mới thoáng thấy anh Tam, bà đã quýnh quíu, vừa thở dốc vừa gọi: "Sần, sếnh sáng, Sần ... sếnh ...." (Ông Trần, ông Trần ơ...) Anh Tam họ Nguyễn, nhưng hồi ở Tàu các anh em lại lấy họ Trần để gọi anh. Chưa dứt lời, bà vấp ngã, thố canh đổ vỡ tung tóe. Anh Tam hốt hoảng, đỡ bà đứng lên, nhưng bà không chịu. Ngẩn người nhìn những miếng chân giò và rau rơi vãi trên nền đá, rồi cuống quít nhặt lên. Miệng không ngớt kêu rên bằng một tràng tiếng Tàu, chẳng vì đau cái đau mới ngã, mà hình như chỉ tiếc nồi canh. Anh Tam vội cúi xuống phụ bà nhặt, vừa nói với bà: "Không sao, không sao đâu bà ơi, chỉ rửa đi, rồi đem nấu lại, vẫn ăn được mà...! Bà đứng lên đi, để tôi xem chân bà có đau lắm không ......?” Khi đãi nhặt hết, không còn cọng rau và miếng thịt nào, bà mới chịu đứng lên, nhìn xuống; cũng may nhờ vải dầy, chỉ xước ống quần một chút. Bà đòi mang chỗ canh đó về để đổi phần canh của mẹ con bà, lên biếu anh em. Ai ngăn sao bà vẫn cứ nhất định làm theo ý mình. Anh Tam nói: "Thì làm theo ý bà đi ... Lòng thương nhớ đất nước của bà, bà gởi vào tình đồng hương đấy!” Anh H., một người bạn trẻ, hôm đó lại phải theo bà xuống núi đổi thố canh mới.

Đến “mùa hàng" cau khô, chị Tam phải về Hà Nội. Anh Tam, phần nào đã tạm ổn định tinh thần, viết văn lại và viết rất đều tay cuốn XCM khiến chị yên tâm.sau này, chị Tam còn sang Hương Cảng thêm lần nữa. Ông Woòng mời anh chị qua Sường Châu ở chơi mấy tháng. Nơi đây anh đã nghe chị, người vợ và cũng là người bạn của anh, dịu dàng, từ tốn khuyên giải. Anh viết tiếp, viết tiếp, viết cả văn chính luận, cho đến khi về nước.

Hình...
tla
#5 Posted : Sunday, January 23, 2005 4:27:21 PM(UTC)
tla

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 53
Points: 0

Tìm Thấy

Xưa có chàng tuổi trẻ
Ra biển tìm ngọc trai
Mất cả năm chẳng thấy
Ngoài một tiếng thở dài

Xưa có chàng tuổi trẻ
Vào rừng tìm trầm hương
Mất mười năm chẳng thấy
Ngoài một nỗi chán chường

Xưa có chàng tuổi trẻ
Lên núi tìm đá vàng
Mất trăm năm chẳng thấy
Ngoài một đời lang thang

Xưa có chàng tuổi trẻ
Xuống đồng tìm về nhà
Mất chả đầy khoảng khắc
Thấy được nhờ nhìn ra

Ngọc trai đâu bằng mắt
Người yêu chàng thiết tha
Trong tim nàng hạt lệ
Bao lỗi lầm bỏ qua

Trầm hương nào sực nức
Bằng thơm thảo lòng nàng
Vì chàng mà làm đẹp
Trong họ với ngoài làng

Đá vàng đâu sánh được
Tình chung thủy trăm năm
Nàng tặng chàng kho báu
Ngời sáng cõi trăng rằm

Nhờ nàng, chàng tìm ra
Thấy trong mỗi hạt thóc
Chứa cánh đồng bao la
Vàng thơm mùi lúa chín

Xưa có chàng tuổi trẻ
Tìm ý thơ suốt đời
Mới thấy nàng nằm cạnh
Là quà tặng của trời ...

Nguyễn Thị Vinh



NHỮNG MÁI CHÙA XƯA
1.

Xưa tôi đi lễ chùa
chỉ cầu xin ông Bụt
thóc gạo đừng mất mùa
cho làng Giẽ khỏi đói
Bà tôi gần bẩy chục
nhanh nhẹn bước chân chim
quanh năm lo lễ bái
giờ biết đâu mà tìm ?
Chỉ còn trong trí tưởng
những mái cong chùa xưa
ngọc xanh mầu rêu biếc
cánh sen hương Đại Thừa

Sao quên được chùa Láng
hội về đông thật đông
nghe Kinh mười phương Phật
mắt người nào cũng sáng
Xưa thầy Từ Đạo Hạnh
đời Lý tu ở đây
dân làng rước kiệu Thánh
hương hoa trùng trùng vây
Bừng ánh pháo thăng thiên
đánh đu và đánh vật
ngay trước cổng chùa Thiền
cũng là tên chùa Láng

Bà mẹ ngài Đạo Hạnh
được thờ nơi chùa Hoa
rước kiệu Thánh sang đó
Tôn kính bậc mẹ cha :
Nhà sư đã thành Phật
vẫn nhớ công sinh ra
người mình như thế đó
đạo cả tìm đâu xa ?
Cái sập vuông bằng đá
giữa sân chùa còn không ?
dù không cũng vẫn nhớ
nơi tôi học vỡ lòng
bài đầu tiên bà dậy :
"Đời sắc sắc không không"
Đứng ở trên lầu chuông
tôi nhìn qua gác Khánh
lắng nghe tiếng khánh chuông
chen nhau lời xao xuyến
Trên tường tranh Thập Điện
kể vẽ cảnh Diêm Vương
nhìn kẻ ác chịu tội
sao tôi vẫn thấy thương

2.
Leo lên đồi đá ong
tôi vào lễ chùa Mía
nổi tiếng tỉnh Hà Đông
lạy tượng bà thị Kính
ẵm đứa bé kháu khỉnh
nỗi oan vương mắt hiền
nhìn tôi như muốn noí :
Ngày nào con lớn lên
sẽ hiểu lời Phật dạy,
kẻ ác, cũng yêu thương !
Nhưng quê nhà đói khổ
làm sao lòng được yên

3.
Tôi đi lễ chùa Sen
ở ngoại ô Hà Nội
trong giữa rừng mai trắng
tháp mười từng nổi lên
hình sáu cạnh đều đặn
dấu hiệu Lục Hòa Tăng
lòng mở ra sáu cõi
giúp đời từ miếng ăn
Ba hàng chín ngôi tháp
giữa mang tên Cứu Sinh
cuộc sống này phải cứu
không được phép làm thinh
Tự nhủ tôi phải cứu
lấy chính cuộc đời mình
dửng dưng trước tội ác
là một cách sát sinh

4.
Nhớ về chùa Trăm Gian
mỏi rời chân bà cháu
vẫn tíu tít hỏi han
Bà ơi bà nhà Phật
ai ở hết trăm gian ?
Bà tôi cười bằng mắt
"Cha bố mày cháu ngoan
nứt mắt đã rắn mắt
sau đời khó bình an !"
Lầu trống xưa vang dội
động tới vầng trăng lay
chắc giờ đây bụi bám
mặt trống trở nên dầy
như mặt người không mỏng
tiếng NÓI THẬT tắt ngay
Bà ơi giờ cháu biết
nằm đất với ăn chay
khó đâu phải là dễ
nhưng chẳng bằng nói ngay

Nói thật và nói hết
kẻ nào đã thẳng tay
người Việt giết người Việt
kẻ nào tim đã liệt
hết rung động tình người
mang hồn Nga da Việt
ôi cách mạng tháng mười !
Trăm gian chùa còn đó
bọc trứng người nay đâu
tình đông bào ruột thịt
mỗi quả một trái sầu
thảm thay trăm quả trứng
trong bọc bà Âu Cơ
giờ đây trứng chọi trứng
máu loang đỏ sắc cờ
Ý nghĩa chùa Trăm Gian
gìa đầu tôi mới hiểu
mỗi gian một người con
trăm họ Việt cùng ở

5.
Ôi cánh rừng mơ chín
làm thơm cảnh chùa Hương
gây cho tôi mùi nhớ
động Thuyết Kinh vô thường
Giải Oan một giòng biếc
suối chảy ngược về trời
nước mắt lại rơi xuống
hiểu ra Đạo cứu Đời
Chim còn biết gõ mõ
Cá cũng biết nghe Kinh
người phải hơn thế chứ
sống với nhau chí tình

Đường lên trời ai biết
dắt nhau qua tử sinh
hãy hiểu ý câu kệ
đừng làm mất nghĩa Kinh
Dù ngàn pho Kinh lớn
cũng chỉ một Nụ Cười
Hoa Sen và Ca Diếp
tuy hai mà một thôi
Hương còn thơm chùa cũ
mong lại qua rừng mơ
thả lá vàng xuống suối
làm chiếc thuyền chở thơ

Nguyễn Thị Vinh
Phượng Các
#6 Posted : Friday, October 7, 2005 12:11:22 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Nguyễn Thị Vinh
Friday, September 30, 2005


Nguyễn Ðình Toàn


Nguyễn Thị Vinh đã được đọc rất nhiều, từ trước 1954, với hai cuốn Thương Yêu [truyện dài] và Hai Chị Em [Tập truyện ngắn]. Cùng với những Mộng Sơn, Thụy An, Linh Bảo... bà được coi là một trong những nhà văn nữ tiêu biểu của nước ta một thời.

Nguyễn Thị Vinh có một văn phong nhẹ nhàng nhưng đằm thắm. Hai chữ “thương yêu” bà lấy làm tựa cho một cuốn sách của bà, cũng là cái tình người đọc có thể nhận thấy dàn trải trong từng mỗi câu văn, trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Thị Vinh.

Dù, càng về sau này, nghĩa là sau 1954 là một giai đoạn, sau 1975 lại là một giai đoạn khác nữa, cách viết của bà có ít nhiều thay đổi, bà có dùng đến luận lý, phê bình, triết lý, chính trị, đôi khi cả chỉ trích, khôi hài nữa, nhưng cái dịu dàng, tinh vi, ngọt ngào đầy nữ tính vẫn là nét chính, cái hồn của văn chương Nguyễn Thị Vinh.

Nhớ, trước 1975, kịch tác gia Trần Lê Nguyễn có giữ một mục trong chương trình của Ðài Phát Thanh Quốc Gia Sài Gòn lấy tên là “Trên Những Nẻo Ðường Văn Nghệ,” phát thanh hàng tuần, cuốn truyện dài “Thương Yêu” của Nguyễn Thị Vinh đã được mang đọc [từng kỳ] trong mục này và qua giọng của: Ngọc Nga, Thu Hoài, Thanh Trúc, Duy Trác, Minh Ðăng Khánh. Những buổi đọc truyện đó [khi ấy còn khá mới lạ đối với các thính giả] đã được rất nhiều người tán thưởng và đón nghe.

Sau biến cố 1975, Nguyễn Thị Vinh đã ở lại trong nước một thời gian, rồi được bảo lãnh đi định cư tại Na Uy.

Hiện bà cùng với chồng là nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật và gia đình sinh sống tại Na Uy.

Hai tác phẩm Nguyễn Thị Vinh viết và cho xuất bản tại hải ngoại kể từ khi ra khỏi nước là: “Na Uy và Tôi” [Tuyển Tập Truyện Ngắn] và “Cỏ Bồng Lìa Gốc” [Tùy Bút].

Cả hai cuốn sách này đều do nhà xuất bản “Anh Em” của chính Nguyễn Thị Vinh và Nguyễn Hữu Nhật ấn hành.

Ðể giải tỏa thắc mắc của các độc giả về hai chữ “cỏ bồng”, Nguyễn Thị Vinh cho biết đại khái: Bồng là thứ cỏ lá nhẹ, có hoa trắng, một loại cỏ nhà nghèo dùng để lợp nhà thay rơm, giá rẻ hơn rơm vì không bền, nên sách vở có chữ “tất môn bồng hộ ”, cửa bằng tre gai nhà lợp bằng cỏ bồng. Và: “Những đám cỏ bồng, mùa khô, chết chùm quấn chặt lấy nhau. Gió thổi từng bó cỏ, bay trên cánh đồng, đồi bãi”.

Trong cuốn “Cỏ Bồng Lìa Gốc” Nguyễn Thị Vinh viết về nhiều thứ: Thân phận người “đàn bà nước Nam”, thư gửi cho hai nhân vật tiểu thuyết của Khái Hưng và Nhất Linh [Mai/Nửa Chừng Xuân & Loan/Ðôi Bạn], thư gửi cho một người có thật ở ngoài đời Shirin Ebadi/ Giải Hòa Bình Nobel 2003, bàn về nỗi “Vì Sao Dân Mình Khổ Mãi”, rồi lòng tư hương của một người Việt rời xa xứ sở [1975] muốn về nhìn lại đất nước nhưng lại tự thấy chưa thể làm cái việc ấy được

vì: “khi phải ‘xin phép’ai có nghĩa là tôi chấp nhận người ấy có quyền, ít nhất đối với tôi. Nếu đất nước ta có một chính quyền thật sự do dân bầu, vì dân, đàng hoàng, tất nhiên như mọi người dân khác, tôi cũng phải tôn trọng luật pháp cùng các thủ tục hành chính của nó. Chỉ khó... [vì] tại tôi, tôi không ưa cái thứ chính quyền hiện có ở quê nhà”.

Ðoản văn thú vị nhất có lẽ là đoạn Nguyễn Thị Vinh kể lại những kỷ niệm của bà với một số các nhân vật trong Tự Lực Văn Ðoàn, nhất là với nhà văn Nhất Linh, ở Hương Cảng, khi ấy ông đang viết bộ trường thiên “Xóm Cầu Mới”.

Nguyễn Thị Vinh cho biết:

“Các nhà phê bình văn học viết về nội dung, bố cục và bút pháp của ‘Xóm Cầu Mới’. Còn riêng tôi, lại nhớ những tháng được nhìn thấy nét “chữ con kiến bò” của anh Tam. Nhỏ nhưng không tới nỗi quá khó đọc, chạy trên mấy trăm trang giấy bản thảo. Bản thảo đầu tiên của Xóm Cầu Mới, anh Tam đã thai nghén từ năm 1940 ở Hà Nội đã mất hết trong chiến tranh, và tới năm 1948 mới được anh viết lại ở Hương Cảng”.

Theo lời kể lại của Nguyễn Thị Vinh thì 1948 cũng là năm bà tới Hương Cảng, cư ngụ trong một căn nhà [bà cẩn thận nhắc rằng phải gọi là túp lều mới đúng] trên một vùng núi, vách ghép bằng các mảnh ván thùng, mái lợp cao su dầy màu đen.

Chính tại túp lều ấy, Nguyễn Thị Vinh đã được gặp một số nhân vật trong Tự Lực Văn Ðoàn, như Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Nguyễn Gia Trí.

Sau đây là đoạn Nguyễn Thị Vinh viết về Nhất Linh [các tr, 63-64, CBLG]:


“...Tôi được gặp anh Tam lần đầu. Tôi không biết anh là nhà văn Nhất Linh. Khoảng một tuần sau, trong bữa cơm ‘cả nhà’ ngồi quanh cái bàn dài bằng gỗ ván thùng, do các anh đóng lấy. Nhân một câu chuyện tình cờ, khi biết anh là nhà văn Nhất Linh, tôi đặt bát cơm ăn dở xuống bàn, vội vàng, đến gần như vô lễ, tôi nhìn anh, lắp bắp hỏi: ‘Ông, anh là ông... Nhất Linh đấy hả?’ Anh mỉm cười gật đầu, còn các anh cùng bàn thì bật cười thành tiếng. Tôi lại hỏi tiếp: ‘Thế anh... Chính anh viết cái cuốn Ðoạn Tuyệt đấy hả?’ Lần này thì anh khẽ cười thành tiếng và trả lời: ‘Vâng’.

Hàng ngày, tôi ít dám nói chuyện với anh, bởi vì trên gương mặt anh toát ra một vẻ nghiêm khắc, trầm lắng, rất buồn bã. Ánh mắt luôn luôn như nhìn về một cõi xa xăm... mọng lên nỗi chứa chất u sầu.

Tới nỗi tôi có cảm tưởng, nếu có một tiếng động dù nhỏ vang lên, cũng đủ làm cho những màng nước trong mắt anh òa vỡ. Cặp môi anh có lúc rung rung, như đang nói chuyện với ai đó, vô hình, đôi khi lại thoáng nét nhẹ, thật nhẹ, như mỉm cười.”

nguoiviet online
bienchet
#7 Posted : Friday, April 14, 2006 1:03:25 PM(UTC)
bienchet

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,452
Points: 0

Quê Nhà Còn Đó: Niềm Chung Nỗi Riêng


Bìa “CỎ BỒNG LÌA GỐC”

* Niềm Chung Nỗi Riêng

Tuổi càng lớn, càng đi xa, xa càng lâu, tôi càng thương nhớ quê nhà. Nỗi nhớ thương ấy không thường mỗi ngày xảy ra. Nhưng tôi cảm thấy, khá rõ ràng, nó nằm sẵn trong một "ngăn kéo" hồi ức nào đó của "chiếc tủ" tâm hồn tôi. Nhiều lần tôi đã cố quên cái ngăn kéo đầy ắp những kỷ niệm vui buồn ấy, coi như không có nó, nhưng chẳng dễ gì. Sao tôi không hết lòng sống vui được với cuộc đời mới nơi "đất khách", có cơm ăn, nhà ở, muốn viết gì thì viết, không ai kiểm duyệt một chữ?

Đời một người cầm bút, từng khổ vì bao chế độ kiểm duyệt, xoi mói, rình rập tư tưởng, còn ao ước gì hơn? Nhưng chính những thanh âm, những hình ảnh, màu sắc nơi tôi đang sống lại nhắc nhở, mỗi ngày, nỗi nhớ quê hương. Như bất ngờ, thấy những cành hoa tím, trải dầy trên thảm cỏ xanh, dưới ánh nắng đầu xuân ở quê người. Tôi lại nhớ đến hoa soan, hoa bèo lục bình… nơi quê nhà. Mỗi khi ngồi trên xe điện hay trong quán cà phê, thấy những người già ngoại quốc, sung túc, tươi vui, rất tự nhiên tôi lại nhớ tới nhiều người già ở quê cha, đất tổ. Họ như những gốc cây cằn cỗi, hết nhựa, chẳng ra hoa đơm trái gì nữa cho đời, nếu không có con cháu, sẽ bị bỏ rơi, chết dần trong khô héo, tàn tạ.

Một cuộc đổi đời, cách mạng, lại là cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, mà sao vẫn nguyên vẹn hình ảnh thời Pháp thuộc, thời phong kiến, với luật rừng mạnh được yếu thua; mà người già, giống hệt trẻ em, mạnh làm sao được?

Thế nên bao thế hệ người mình mới bằng lòng đổ máu cho một cuộc cách mạng! Nhưng... Ôi, tôi nhớ quê nhà!

Nếu nhớ người với cảnh thì tìm về, về cho bớt nhớ rồi lại đi, việc ấy đâu khó. Chỉ khó ở chỗ là tôi không làm được, bởi nỗi thương nhớ của tôi một mặt chỉ hướng về hiện tình đất nước; mặt khác, tôi biết khi tôi phải "xin phép" ai có nghĩa là tôi chấp nhận người ấy có quyền, ít nhất đối với tôi. Nếu đất nước ta có một chính quyền thật sự do dân bầu, vì dân, đàng hoàng, tất nhiên như mọi người dân khác, tôi cũng phải tôn trọng luật pháp cùng các thủ thục hành chính của nó. Chỉ khó, như tôi đã nói, tại tôi, tôi không ưa cái thứ chính quyền hiện có ở quê nhà.

Mọi Nhà nước đều qua đi, nhưng Nước nhà sẽ còn mãi? Đúng thế, nhưng có thứ Nhà nước làm cho Nước nhà khó mà tồn tại trong sung sướng và no đủ. Một cô bạn, nhỏ tuổi hơn tôi nhiều, lại cười nói, nhất định:

"Em phải về nữa, chụp những cảnh khổ đầy rẫy ở ngoài đường, bà biết không, người Tàu Chợ Lớn họ in lén một số sách báo của ngoài này, để bán chui, đắt lắm. Mà sao họ hay thật, luôn luôn có báo mới!"

Chúng tôi, rất tình cờ, lại phân công cho nhau, người về "lấy tài liệu", người viết. Tuy vậy, tôi vẫn nhớ thương quê nhà, bởi Quê Nhà Còn Đó, nhớ cả tiếng rao quà đêm, nhớ từng ngõ sâu xanh mát bóng tre, cá quẫy dưới ao bèo, nhớ từng góc phố lá me bay, nhớ cả mùi hương đêm trong vườn Lái Thiêu, hoa ngâu, sầu riêng chín... Nhớ sấu dầm Hà Nội, nhớ mưa Huế. Nhớ niềm vui, nỗi khổ mà đời riêng đã từng trải. Nhưng tôi sống ở quê nhà không chỉ một mình, ngoài gia đình tôi, còn họ hàng, bè bạn, xóm giềng. Ai chẳng có một đời chung, cùng đất nước, với mọi người.

* Lời Chào

Tiếng nói, chữ viết của một dân tộc, đương nhiên, phản ánh và soi rọi tâm hồn dân tộc ấy. Lời chào, trong ngôn ngữ càng rõ nét hơn đời sống văn hóa và xã hội, trong tiếng nước ta, lời chào cao hơn mâm cỗ, một nụ cười, một cái gật đầu hay một lời hỏi nhau kể như cao và cao hơn miếng ăn, thứ rất cần để... sống. Sống là cần. Sống như thế nào cần hơn! Muốn biết phải sống như thế nào thì mỗi người lại cần phải "học ăn, học nói, học gói, học mở".

Tự học cũng được nhưng thật ra "không thầy, đố mày làm nên" vẫn thường hơn. Nên nhiều người già đời còn đến trường hoặc theo một khóa học nào đó.

Ai trong chúng ta cũng mong con em, cháu chắt mình được đi học. Muốn học hay phải được ăn cho có sức vóc, ăn vóc học hay, nhưng nghèo đói quá lấy tiền và sức đâu để đi học. Tôi quen một số người Hoa lớn tuổi, tiếng chào hỏi nhau ngoài miệng của họ, bao giờ cũng là: "Ăn cơm chưa?". "Ăn cơm rồi!" đồng nghĩa với sức khoẻ, may mắn và hạnh phúc. Người nhà quê miền Bắc, không hiểu tới nay, có còn câu trả lời mỗi khi ai hỏi thăm: "Cám ơn..., nhờ Giời cũng có bát ăn, bát để."

Miếng ăn?

Thật thế, con người phải sống trước đã, nhưng phải có học mới biết làm ra nhiều miếng ăn trong một thời gian ngắn nhất. Nơi quê nhà ta, mai mốt đây, hẳn câu chào của các bậc cha mẹ, sẽ là: "Cháu nó đi học chưa?".

Mọi trẻ thơ được đi học, cắp sách đến trường, là dấu hiệu đời thịnh trị và một xã hội nhân bản. Cọp, một con vật, không cần đi học, nó vẫn được kể như chúa tể sơn lâm, vì có sức mạnh. Nhờ nanh vuốt.

* Sao Không Đi Học

Cái xã hội mà báo chí ở trong nước đăng lời của chính người làm Chủ tịch Quốc hội, nói:

"... 70%-80% đang thu nhập rất thấp, phải có chính sách khuyến khích con em nhà nghèo đi học. Nếu không với đà này, 1-2 thế hệ nữa, chỉ có con nhà giàu đi học, lựa trường tốt, đóng học phí cao. Còn con nhà nghèo mãi mãi mù chữ."

Một người dân Sài Gòn, là một cử tri, đã hỏi người đứng đầu cơ quan làm ra luật lệ và chính sách:

"Bây giờ đã có chủ trương toàn dân đưa con đến trường, phổ cập giáo dục. Nhưng con chúng tôi lại không được đi học. Bởi vì, chỉ đầu năm ít nhất cũng phải đóng tiền học 1,5 triệu đồng một cháu, như vậy phải nhịn đói nửa năm mới có tiền đóng học phí.".

Các nhà sử học, xã hội học, nhà văn đời sau có thể tìm ra trong câu nói trên nhiều tài liệu cần. Triệu rưỡi đồng Việt, năm 1996-1997, khoảng 100 Mỹ kim, nuôi đuợc một gia đình nhỏ ăn trong nửa năm. Đóng tiền học 1,5 triệu là ít nhất. Còn nhiều thì là bao nhiêu? Có lẽ em bé kia phải nhịn đói cả năm mới được đi học. Phổ cập giáo dục mà sao 70%-80% nhà nghèo không cho con đi học nổi? Bỗng dưng tôi thèm một chính phủ "độc tài", độc tài kiểu "cưỡng bách giáo dục" toàn dân tới lớp 9, "độc tài" kiểu: chỉ vẽ bậy lên tường thành phố cũng bị phạt tiền, đánh roi.

Tôi sờ sợ cái "chính sách khuyến khích", nghe dịu dàng êm ái, mà thật ra, khi người dân yêu cầu nhà cầm quyền:

"Phải tử hình những đối tượng tham nhũng lớn, để dân được nhờ! Chống tham nhũng lâu nay phần nhiều chỉ là xử lý hành chính, chưa ai sợ. Quốc hội đặt ra chính sách nhưng chưa đảm bảo việc thực thi chính sách.". Người dân ấy không đòi, chỉ xin, thay vì đòi cho được cái quyền trừng trị kẻ nào phá hoại đất nước. Khó lắm, con người Việt Nam là con người tình cảm, đồng chí với đồng chí khó bề xử tệ, chỉ xử lý hành chính nội bộ thôi. Luật thành văn hay không, cốt để tránh tai nạn, được an lành, như luật đi đường hễ đèn đỏ thì ngừng. Xanh đỏ gì cũng chạy thì người phải chết.

Luật ở quê nhà là "chính sách khuyến khích" chỉ người cầm quyền được vi phạm. Nước ta còn loạn, chưa yên được đâu, bởi: "Địa phương nào cũng đầu tư cho bia, thuốc lá, khách sạn. Trong khi đầu tư cho giáo dục, y tế chưa thỏa đáng.". Địa phương, tức nhà cầm quyền địa phương, ông Churchill nói thế mà hay, "khi bạn chấp nhận một nhà độc tài lớn, bạn phải chấp nhận 1 triệu nhà độc tài nhỏ", các vị sứ quân ấy không nhắm đến sức khỏe và sự khôn ngoan của dân chúng. Suốt 15 năm, từ 1975-1989, những 11 loại lý lịch, mười một rào cản, ngăn không cho con em "ngụy" vào đại học.

Ai biết được bao nhiêu nhân tài của đất nước trong đó, mức thiệt hại thế nào?

Nếu nhạc sinh Đặng Thái Sơn ở ngoài Bắc không được một người Nga can thiệp và giúp đỡ, làm sao có nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, sao có khôi nguyên giải Chopin? Cái hại ấy, các nhà làm kinh tế chính trị không tính được! Nay mọi cửa trường đều mở rộng, nhưng mở rộng cho ai?

Một nhà giáo, tiến sĩ, đại học Cần Thơ, cho biết là: "Trường đại học hiện tại chỉ phục vụ cho tầng lớp khá giả. Số này chiếm hơn 60% sinh viên đại học Cần Thơ. Trong khi đó, học sinh nghèo và phần lớn ở nông thôn khó vào đại học. Chi phí cho một năm học ở viện đại học Cần Thơ là 3 triệu đồng một sinh viên, là quá mức cao so với thu nhập của hầu hết gia đình nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long."

Đồng bằng sông Cửu Long giàu có, không phải đồng bằng duyên hải Trung phần "nghèo lắm ai ơi!", Cửu Long là vựa lúa, nên gạo xuất càng hàng thứ 2 thứ 3 trên thế giới, sao "ở nông thôn khó vào đại học"?

Nguyên do, giản dị, như thế này:

"Sản phẩm nông dân làm ra không ai quan tâm. Lúa gạo xuất khẩu chê xấu, nhưng ai đưa giống tốt cho nông dân? Hiện lúa dư, dân nằm trên lúa mà vẫn còn nghèo!"

Cái hình ảnh con nhà nghèo hiếu học, ban đêm bắt đom đóm, lấy ánh sáng để đọc sách. Đẹp nhưng mà buồn.

Cũng đã xa rồi, chỉ còn là giai thoại, như ngụ ngôn khuyến học mà thôi! Học sinh nghèo đã bị rơi rụng ngay từ cấp 1, cấp 2 (tiểu, trung học) chứ không phải đứng trước ngưỡng cửa cấp 3 (đại học) rồi trong túi không có 3 triệu đồng cho mỗi năm học.

Bởi vì: "Đối với những gia đình nghèo khó, chỉ có 66% trẻ em độ tuổi 10-14 đang đi học, trong khi tỉ lệ đó đối với những gia đình giàu có là 96%." Chênh lệc nhau tới 30%. Nhưng ở đại học, mức chênh lệch tới 19 hoặc 20 lần (Ghi danh, nghèo: 3% và giàu: 58%)...

Thôi thì đói nghèo dẫn tới thất học và thất học lại dẫn tới đói nghèo. Cuộc cách mạng vô sản manh nha từ năm 1932, chống thực dân Pháp cả trăm năm qua, sôi nổi nhất từ 1945, rồi chiến tranh cách mạng giải phóng 20 năm...

Giữa nước mắt và máu là nỗi kinh hoàng. Ba, bốn đời người tan tác, đau thương để gần 50% trẻ em không được đi học. Đi làm sao được khi với đồng lương không đủ sống, các thầy cô giáo nhiều người bỏ nghề.

Thời bao cấp, họ cố bám lấy một chỗ đứng, đôi khi vì tờ hộ khẩu, cân thịt, kí đường. Có thầy giáo ngoài giờ dạy học phải đi đạp xe xích lô, bán thuốc lá lẻ, lái xe ôm. Có cô giáo phải bán bánh kẹo ngay trong... lớp. Lớp học, chỉ mới ở vòng đai Sài Gòn, lắm nơi không phải là lớp học, như cầu chợ, chỉ có mái mà không có vách ngăn. Mái lá dừa nước lợp mỏng, mưa dột, học trò ngồi bệt xuống đất hoặc chồm hổm. rách rưới và nhếch nhác. Mặt mũi cháy nắng vì bắt cua, bắt ốc giúp cha mẹ, sống qua ngày. Thời người vượt biên đông, dân Quảng Xuyên, Nhà Bè, Cần Giờ, cứ 10 em tới 9 bỏ học, đưa người đi trốn, có ăn.

Thời cửa mở, chỉ mở hầu bao để nhận tiền, không mở mắt xem tiền ấy lợi hay hại. Cơn sốt cuồng điên, kiếm tiền và kiếm tiền, làm giàu và làm giàu, nên "đầu tư cho giáo dục, y tế chưa thỏa đáng".

Tiếng Việt ở trong nước, dùng quen lâu ngày nghe êm tai, "chưa" có nghĩa là "không", không được ăn thì gọi là "thiếu" ăn, nhưng chẳng nhà báo nào dùng chữ "không"; thí dụ "các cháu chưa ngoan", có nghĩa là "các cháu hư"!

* Học Để Làm Gì?

Đấy mới chỉ là mặt nổi, trong một thời gian rất dài, nghĩ lại tôi còn thấy sợ. Khi xã hội ưu đãi cái gì, lớp người nào, tức thời đám đông đáp ứng ngay, theo lẽ sinh tồn. Thí dụ đời Đường thi cử, đỗ đạt, ra làm quan nhờ thơ phú, văn chương. Thiên hạ tràn lan các nhà thơ. Thời "cách mạng" ở quê nhà, người ta thấy phần đông những vị làm lớn, quyền cao, sung sướng lại ít... học.

Một bà quan tòa ở quận Phú Nhuận, năm 1982-1983, vừa làm vừa học lớp 3, không phải cấp 3. Nhiều viên chức lớn của nhà nước hãnh diện về chuyện học... ít, chứng tỏ tính trong sáng của giai cấp vô sản. Đám đông thấy học giỏi như ông Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Thạc sĩ Trần Đức Thảo cũng chỉ thêm khổ vào thân...

Tâm lý xã hội ấy kéo dài suốt ba thập niên, cái hại của nó thật khôn lường.

Trăm năm sau chắc gì đã gột hết! Ngay bây giờ không ít trình độ tiểu học nhưng lại mang học vị "tiến sĩ, phó tiến sĩ" do thuê người thi giùm hoặc bằng cấp giả.

Sự bưng bít ánh sáng trí tuệ cho tới nay vẫn chưa hẳn đã hết, nên một nhà báo của một tờ báo lớn ở trong nước mới viết: "Việc nhà nước phải bao cấp hoàn toàn cho giáo dục được coi là không còn thích hợp với cơ chế kinh tế - xã hội mới." Tưởng rằng trong cơ chế kinh tế mới, thị trường, tức tư bản, việc các quốc gia bao cấp giáo dục cho trẻ em và thiếu niên tới lớp 9 là chuyện thông thường, rất thích hợp. Nếu đã không bao cấp tiền bạc, tức là phương tiện cho giáo dục, thì còn bao cấp cái tinh thần của giáo dục, là tư tưởng làm gì? Phần lớn các lực lượng Mafia trên thế giới cũng vậy, chỉ cần biết cầm dao và súng, cầm bút với sách để làm gì. Xã hội rồi ra chỉ còn 3 gia cấp: Mafia hợp pháp, Mafia bất hợp pháp và Nạn nhân của chúng.

Không nói sai, khi người ta đi đâu cũng nghe thấy chào, chỉ một câu: "Hồi này có vẻ trúng mánh?". Mánh lới người lừa lọc người mà trúng thì mừng và nhiều kẻ góp vui.

Trẻ em, đứa nào còn được đi học, vào lớp phải khoanh tay, nói: "Cháu chào cô ạ!" Nhưng chính sách "bình cô, phê thầy" ra đời thì tiếng chào kia, nếu còn, cũng chỉ là quen miệng. Luồng gió văn hóa mới, thổi bay cả hai tiếng "cảm ơn", "xin lỗi". Chớ tưởng những tiếng "tầm thường" như thế mà mỗi người không phải học từ tấm bé. Một dân tộc với nền văn hóa cao mới có nhiều người nói những câu tầm thường như vậy. Tựa hồ như nước nào có nền kỹ nghệ lớn mới chế ra được một "chip" điện tử rất nhỏ, hay cây kim khâu, lưỡi dao lam, viên bi xe đạp...

* Thầy & Cô

Học trò vào trường thi, bị giám thị bắt gặp mang tài liệu ra chép, bị đuổi, liền đón đường đánh cả thầy, cô giáo. Trong khi đó, đời sống của nhà giáo ra sao?

Một nhà giáo năm nay 92 tuổi, thuộc hội Khuyến Học thành phố Hà Nội, đã cho biết là:

"Lương công nhân có nhiều nơi đạt khoảng 800.000 đồng/ tháng là đáng mừng, tuy chưa phải là cao. Song, trong khi đó lương giảng viên đại học vào khoảng 400.000 đồng/ tháng, và lương giáo viên phổ thông chỉ vào khoảng 200.000 đồng/ tháng. Thậm chí, nhiều nơi cô mẫu giáo chỉ lĩnh lương 180.000 đồng / tháng thì sống làm sao!"

Rồi vẫn phải sống. Song, tuy cay đắng, nhiều người vẫn cần đến cái nhãn hiệu giáo viên để che đậy cho nhiều thứ nghề, đi ngược lại với nghề giáo viên. Đáng thương lắm. Học sinh lớp 12, đa số, khi được hỏi sẽ chọn ngành gì nếu vào được đại học, họ chọn nhiều phân khoa, trừ ngành sư phạm. Lương thấp, nẩy sinh lắm chuyện không đẹp, nhà giáo càng mất thớ, điều mà người ta gọi là địa vị người thầy. Quần áo của thầy, cô lên lớp không được tươm tất, trong lúc con nhà giàu ăn diện, quà cáp biếu sén thầy này cô nọ, tạo ra không khí mua điểm, bán đề thi. Trường học cũng sớm trở thành "cơ chế thị trường"!

Nhà giáo lão thành này quả quyết:

"Cháu tôi tốt nghiệp Phổ thông Trung học, song vẫn không biết Phú Thọ nằm ở đâu, dù địa phương này nằm cách Hà Nội không xa. Tôi tin rằng gần 100% trẻ em ở Hà Nội và miền Bắc không biết Rạch Giá nằm ở đâu, cũng như trẻ em ở miền Nam chắc chắn không rõ Yên Bái là nơi nào... Đa số nghĩ ông Trương Công Định là người Tàu (vì bên Tàu có một ông là... Trương Phi."

Nhà giáo lão thành không kể chuyện vui, tôi hiểu, ông buồn. Ngay cơ quan gọi là Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng xác nhận rằng ở cấp tiểu học và biết chữ, Việt Nam ngang tầm Phi-Luật-Tân và Thái-Lan; ở trung học, thua Phi-Luật-Tân, Mã-Lai, Nam-Dương và Đại Hàn.

Riêng bậc đại học, Việt Nam rơi vào "vị trí cuối và khá xa với các nước khác"!

Tôi cũng đã từng không vui khi nhìn thấy tận mắt hình ảnh bao trẻ em nhà nghèo phải bỏ học, đi bán báo, đánh giầy hay ăn xin, cách nay mấy chục năm; giờ đọc báo, xem hình vẫn thấy vậy. Vẫn những lớp học trống trải, không vách ngăn, vùng ngoại ô. Ba mươi năm qua, chiến tranh tàn rụi, với tài nguyên tiền rừng bạc biển, thêm mỏ dầu, lúa gạo nhiều, tất cả đã trôi đi đâu?

Hàng năm, tại Sài Gòn, trung bình khoảng 1500 giáo viên các cấp bỏ nghề, giã từ đồng lương 300.000 đồng/ tháng, khoảng 20 Mỹ kim.

Đi chở xe đạp ôm, ngày tệ nhất cũng kiếm 100.000 đồng, nếu đi dạy Anh văn tư, lợi tức nhiều hơn thế nữa!

* Nhà Trường

Tôi nhớ không lầm, trước năm 75, miền Nam có ba loại trường, trường công, bán công và trường tư. Sau 75, tất cả biến thành trường công, nay trường nào do Nhà nước nắm cũng là "trường tư", các học sinh phải đóng tiền.

Trường nào cũng chạy đua trong việc thu hút, giành giật học sinh, như nhà buôn chiều chuộng khách hàng.

Nên 50% khách hàng ấy, học sinh thi tú tài, không thi môn ngoại ngữ, thay vào đó là môn lịch sử. Luật thi cử cho phép như vậy. Có bà hiệu trưởng đã nói thẳng ra:

"Từ trước đến nay, các học sinh của chúng tôi học thì học, nhưng không bao giờ thi ngoại ngữ cả."

Với một lý do thật dễ hiểu:

"Hầu hết giáo viên ngoại ngữ của chúng tôi đều mới ra trường, trong khi trình độ học sinh của đầu-vào lại thấp nên... không dám cho thi!"

Phần lớn các trường trung học đều sợ:

"Nếu thi ngoại ngữ mà rớt hết, kéo tỉ lệ đậu xuống, và như thế thử hỏi... không ê-càng à? Ai mà vào học trường mình?"

Một thầy hiệu trưởng khác đã nói như thế.

Trong hoàn cảnh ấy, cơ quan quản lý giáo dục "bắt buộc (phải học và thi ngoại ngữ) mà lại không thể... bắt buộc", muôn vàn những cái đuôi vô lý sống nhờ một cái đầu phi lý: Trường công mà lại sợ vắng học sinh!

Ước Mơ

Nếu như những mơ ước thường làm cho con người dễ sống trong tâm cảnh gần như ngây thơ. Tôi vẫn ước mơ, một ngày không xa, đừng bao giờ phải lên tiếng hỏi: "Cháu nó nhà anh hay chị đã đi học chưa?" Tiếng chuông điện hoặc tiếng trống reo lên, dưới mọi mái trường, báo hiệu giờ ra chơi hay vào học, đời rạch ròi như bảng đen, phấn trắng.

Ai không được sống qua một thời học trò, theo tôi, thật sự thiệt thòi trong nỗi bất hạnh lớn lao. Cùng lúc, tôi ước mơ, ngoài này, những người Việt sống xa quê nhà, vốn nặng lòng yêu tiếng Mẹ đẻ, mỗi khi gặp nhau cùng ngỏ lời chào: "Đã cho cháu nó học tiếng Việt chưa?"

Chữ & Nghĩa

Nhiều người vẫn hay ví von: "Mỗi cây bút còn mạnh hơn cả một sư đoàn" lính thiện chiến, ngụ ý nói lên cái sức mạnh của văn học nghệ thuật.

Chữ nghĩa ghê hơn súng ống. Hơn thế nữa, cuốn Tư Bản Luận của "người cầm bút" Marx, cuốn Kinh Hồng của Mao hay cuốn Cuộc Chiến Đấu Của Tôi của Hitler mà guồng máy chuyên chính do chúng sinh ra đã giết oan hoặc gây tận cùng đau khổ cho không biết bao nhiêu triệu con người trên trái đất này, suốt thế kỷ 20.

Cuốn sách mỏng dính Đường Kách Mệnh cũng ướt sũng những máu và nước mắt. Bu quanh mấy "người cầm bút lớn" đó, cho tới nay, văn học còn nhiều "người cầm bút nhỏ" bị tha hóa hoặc tự nguyện lấy thân làm lá chắn cho các tập đoàn tội ác. Nhẹ nhất là làm ngơ. Văn thơ, nhạc họa của họ hay tới nỗi trước đó các nạn nhân đã mê thích.

Vậy, đã đến lúc chưa, một câu hỏi nhỏ cần đặt ra cho từng người cầm bút đã và đang "mạnh hơn một sư đoàn": "Bạn nghĩ mình vô tội trong việc làm ngơ trước chính sách ngu dân?" Hỏi thế, e cao quá chăng, đối với không ít người cầm bút thuộc Hội Nhà Văn Hà Nội, cũng chỉ đáng như "bọn mua vui" trong các cung đình xưa mà giới vua chúa thường xem khinh? Ôi, văn học nghệ thuật có thể phù du nhưng không phù phiếm.

Bên cạnh những trẻ thơ không nhà, người già không chốn nương thân, đàn bà bị mua đi, bán lại như súc vật, văn học nghệ thuật lẽ nào chỉ biết "nhân cách của nhà văn là văn cách của anh ta"?*

Thật ra, thí dụ, cái nhân-cách-sống trong sạch của riêng bản thân ông Nguyễn Tường Lân mới có văn-cách-viết trong sáng của nhà văn Thạch Lam?

Chưa hẳn là như thế!

Nhưng một thời dài, lạ thay, cả nhà cầm quyền thực dân lẫn cộng sản đều sợ người cầm bút yếu ớt này.

Tại sao?

Tài hoa của ông dành nhiều cho những đời bất hạnh. Chỉ bọn gây ra những bất hạnh đó mới sợ ông?

Bọn chính trị độc tôn, độc đảng, độc tài không sợ, đồng thời còn coi khinh các nhà văn lãng mạn, xem thường các nhà thơ trữ tình!

Sự thật là như thế!/

* Ghi, Trần Dần, xuất bản 2002.

(LTS: THƯ MỜI -- Trân trọng kính mời đồng bào tham dự Ngày Văn Nghệ Cảm Thông trong bàn viết, ngoài cuộc đời. Hội ngộ 2 nhà văn Nguyễn Thị Vinh & Nguyễn Hữu Nhật từ Oslo Na Uy tới Westminster Hoa Kỳ với tác phẩm mới in: Cỏ Bồng Lìa Gốc & Tiếng Việt Hay Quá!

Tùy Bút Văn Nghệ được tổ chức tại: Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt: 14771 Moran St., Westminster, CA 92683 * (714) 892-9414. Từ 2:00pm đến 5:00pm Chủ Nhật ngày 16 tháng 04 năm 2006.

Sự hiện diện của Quý Vị là một Vinh dự lớn lao cho nhà xuất bản Anh Em Na Uy và tác giả Nguyễn Thị Vinh & Nguyễn huu Nhat)
PC
#8 Posted : Thursday, February 21, 2008 6:07:17 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
(trích)
Nguyễn Văn Lục

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Vinh thì sao? Bà Vinh đã từng sống bên cạnh Nhất Linh khi ở bên Tàu. Là đồng chí, là em nuôi, là người tình, là bạn văn? Hay là tất cả những thứ đó cộng lại? Trong trường hợp nào bà Vinh quen biết và trở thành người của nhóm TLVĐ? Tôi chưa liên lạc trực tiếp được với bà Nguyễn Thị Vinh để tìm hiểu rõ vấn đề này vì bà ở quá xa, bên Na Uy. Nhưng chỉ biết rằng hai chị em Nguyễn Thị Vinh có mở một tiệm sách ở Hà Nội, rồi sau này bà Nguyễn Thị Vinh, lấy Trương Bảo Sơn, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Phải chăng vì mối liên hệ đảng phái mà bà Nguyễn Thị Vinh có nhiều dịp gần gũi với Nhất Linh? Nhất là khi cùng trôi dạt sang Tàu, vợ chồng Trương Bảo Sơn, Nguyễn Gia Trí và Nhất Linh sống chung một nhà. Chính ông Trương Bảo Sơn viết về những kỷ niệm riêng với Nhất Linh cho biết như sau:


Lần đầu tiên tôi được gặp ông, tiếp xúc với ông là ở chiến khu Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), trong tỉnh Vĩnh Yên, sau khi ông từ chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp kháng chiến, trên đường ông đi sang Trung Hoa, ở Côn minh, Trùng Khánh, rồi Thượng Hải. Nơi đây tôi gặp ông lần thứ hai vào cuối năm 1946.
(trích Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, (trích Nhất Linh, người Nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 69).

Nhưng mãi đến năm 1948, nghĩa là ba năm sau, bà Nguyễn Thị Vinh, vợ ông Trương Bảo Sơn mới cùng con gái ba tuổi từ Hà Nội sang ở với ông Trương Bảo Sơn. Có thể từ 1948, bà Nguyễn Thị Vinh mới được quen biết với Nhất Linh. Cũng trong thời gian này, Nhất Linh đã khuyến khích Nguyễn Thị Vinh viết cuốn Thương Yêu và bà Linh Bảo viết cuốn Gió Bấc.

Thời gian ở bên Tàu, còn có nhiều người khác như ông Nguyễn Gia Trí, Đỗ Đình Đạo, Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Hợi cùng ở chung với Nhất Linh. Hoặc tới hội họp như cụ Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Bảo Toàn, Lưu Đức Trung, Tạ Nguyên Hải.

Khi ở chung, cũng có xảy ra những chuyện cãi cọ. Đáng kể nhất là mâu thuẫn giữa Nguyễn Gia Trí và Trương Bảo Sơn? Nguyễn Tường Ánh, lúc đó chỉ là một cậu bé hơn 10 tuổi đầu đã có dịp chứng kiến những màn cãi nhau đó. Ông kể lại là có lần bà Nguyễn Thị Vinh tức mình bỏ chạy chạy ra suối. Ôi cái tức mình của đàn bà! Ông Nhất Linh thương tình, sợ bà bị lạnh nên đã sai Nguyễn Tường Ánh mang quần áo ra suối cho bà. Có thể có một mối tình tay ba, tay tư không? Tôi tin là có khi nhìn lại những hình ảnh Nhất Linh ôm ẵm và cưng chiều cô con gái út của Nguyễn Thị Vinh là Trương Kim Anh. Điều gì cũng có thể xảy ra được. Sau này, khi đọc hồi ký của bà Nguyễn Thị Thế, em gái Nhất Linh và là mẹ các nhà văn Duy Lam và Thế Uyên có đoạn kể về cô con gái nuôi, Trương Kim Anh này như sau:


Khi tôi dở chăn ra để được ngó mặt anh tôi, thời có cái sáo rơi xuống. Tôi lấy làm lạ hỏi cháu Thoa thời nó cho biết có con gái nuôi của cậu cháu (con gái chị Nguyễn Thị Vinh) tối qua đem sáo vào nhà xác thổi suốt đêm cho ông nghe. Thổi xong nó tặng luôn chiếc sáo và nói từ nay nó sẽ không còn thổi sáo cho ai nghe nữa đâu.
(trích Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, Nguyễn Thị Thế, trang 159). Trong bài Tưởng nhớ về Nhất Linh, cô Trương Kim Anh đã viết như sau:


Sau một lúc, mẹ tôi bảo tôi lấy sáo trúc ra thổi một bản tiễn bác. Tôi gạt nước mắt, đưa ống sáo ngang miệng, chọn bản Thiên Thai, bản mà bác thường bảo tôi thổi mỗi lần bác đến nhà chúng tôi. Tiếng sáo u uẩn vang trong khu nhà xác, lạnh lẽo. Nhưng chỉ được nửa bản, tiếng sáo ngưng trong tiếng nấc nghẹn ngào, âm thanh như đọng lại trong không gian, tiễn đưa hương linh bác về nơi vĩnh cữu.
(trích Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 153).

Trong mục Lan Hàm Tiếu dành cho các thiếu nhi trên VHNN, Nhất Linh đã không quên mà người đọc cũng khó bỏ qua bóng dáng Nguyễn Thị Vinh qua cháu Trương Kim Anh. Em bé Trương Kim Anh, lúc ấy 12 tuổi đã tập tành viết văn như mẹ cháu, dưới sự hướng dẫn của bác Nhất Linh qua tác phẩm đầu tay của cháu: Ở vậy.

Như vậy, người ở lại sau cùng trong cái đêm cuối cùng trước khi Nhất Linh đi vào lòng đất là bà Nguyễn Thị Vinh và cô con gái. Và trước khi tuẫn tiết, ngoài bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, người được Nhất Linh đến gặp lần cuối cũng lại là bà Nguyễn Thị Vinh. Trương Kim Anh kể lại:


Mãi sau này tôi mới biết, chuyện quan trọng đó là: bác Tam nhận được trát đòi ra hầu tòa, cùng với một số bạn chiến đấu của bác, trong đó có ba tôi, “ông Trương Bảo Sơn”.
Tôi hơi ngạc nhiên về chú thích để trong ngoặc kép này...


Khoảng một tiếng sau, từ trên cửa sổ nhà Thúy nhìn xuống nhà mình, tôi thấy bác Tam đang từ giã mẹ tôi.
Đây là một cử chỉ chỉ có những người trong cuộc, trong giờ phút giữa sống chết, bên bờ tử sinh mới thấm thía hết được ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này.


Cô Trương Kim Anh, con nuôi của Nhất Linh, sau này lấy nhà văn Dương Kiền. Theo các con cháu của Nhất Linh như anh Duy Lam cũng cho rằng nhiều phần Nhất Linh và Nguyễn Thị Vinh... phải có cái gì với nhau. Nhưng cụ thể như thế nào thì không ai dám chắc. Nhưng trong cách thức của bà Nguyễn Thị Vinh khi nói về Nhất Linh thì bà thường làm ra cái vẻ như thể bà là người tình của Nhất Linh, hay đóng kịch như thế và gây cho mọi người có cảm tưởng là giữa bà và Nhất Linh hẳn phải có một mối dây liên lạc đặc biệt.

Nhưng hay nhất vẫn là để Nguyễn Thị Vinh tỏ bày:


Đời tôi từ bấy lâu nay, thời gian qua đi già nửa thế kỷ, đã từng được ở những nơi nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, mà sao tôi vẫn không thể quên được, túp lều (trên núi) của chúng tôi. Chao ơi mỗi khi tắm, tôi chưa thấy có một vòi hoa sen nước nào có thể so sánh được với dòng suối ngày ấy. Tôi biết kể sao cho hết nỗi vui thích của tôi mỗi khi ra suối tắm...
(Trích Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 85/86).

Khó quên là phải. Làm sao quên được. Cá tính bà Nguyễn Thị Vinh theo nhận xét vài người quen biết của bà trước đây hay người trong gia đình Nhất Linh thì bà là một người đàn bà đa tình, và vô cùng lãng mạn. Gần như không có một biên giới nào. Một người tình cũ cho biết bà có thói quen xỏa tóc dài và khoả thân. Một phụ nữ như thế, ngoài cái mối đam mê về văn chương, còn gặp nhau nơi xứ người, sống hoang dã nơi núi rừng, suối chảy, ông Nhất Linh nếu có liên hệ tình cảm với bà thì cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Chuyện Trương Bảo Sơn và Nguyễn Thị Vinh chia tay nhau thì cũng là chuyện đành phải là như vậy. Sau khi Nhất Linh chết vào năm 1963, bà Nguyễn Thị Vinh thường đi xe Lam lên thăm mộ Nhất Linh ở nghĩa trang Bắc Việt ở Hạnh Thông Tây. Nghĩa trang này nằm cạnh khu đất hương hỏa của nhà văn miền Nam Hồ Biểu Chánh nên mộ Nhất Linh gần mộ nhà văn Hồ Biểu Chánh. Bà Nguyễn thị Vinh mỗi khi thăm viếng mộ Nhất Linh là đốt 4 điếu thuốc lá Bastos xanh cắm vào bốn góc mộ, sau đó mở hai chai lade 33 tưới lên phần mộ để tưởng nhớ Nhất Linh. Nhất Linh khi còn sống hút thuốc lá Bastos xanh không ngừng và khoái uống la de. Theo vài người biết chuyện kể lại thì cậu thanh niên Nguyễn Hữu Nhật đã gặp bà Nguyễn thị Vinh tại nhà của nữ thi sĩ Trần thị Tuệ Mai, con cụ Á Nam Trần Tuấn Khải. Một hôm ông Nguyễn Hữu Nhật cùng hẹn với bà Nguyễn Thị Vinh đi thăm mộ Nhất Linh dù đã hứa hôn với một nữ sinh viên trường Luật tên Bình. Vài tuần sau, hai người kết thành đôi lứa, ông Nhật từ hôn với cô Bình và Nguyễn Hữu Nhật chính thức làm chồng bà Nguyễn Thị Vinh cho đến ngày hôm nay mặc dù tuổi tác hai bên chênh lệnh nhau đến 20 tuổi.

Mối nhân duyên này đúng là duyên kỳ ngộ và như có sự chứng giám của một người đã chết. Sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Vinh trong TLVĐ hay trong đời sống Nhất Linh có phải chỉ là một?

http://www.danchimviet.c...s&file=article&sid=4611

viethoaiphuong
#9 Posted : Friday, January 17, 2020 1:04:49 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Le jeu. 16 janv. 2020 à 16:02, Vi-báo và nxb Làng Van nxb.langvan@yahoo.ca ... a écrit :
 
NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ VINH ĐÃ RA ĐI
Xin đưa tiễn nhà văn Nguyễn Thị Vinh,
lớp người thứ hai trong Tự Lực Văn Đoàn
thành viên Hội Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong
thành viên Văn Bút Việt Nam Canada
bỉnh bút tạp chí Làng Văn (1984-2009)

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.