Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Năm 1518, « dịch bệnh nhảy múa » bùng phát ở Strasbourg
Minh Anh - RFI - Thứ Tư, ngày 30 tháng 10 năm 2019
Bản khắc của Hendrik Hondius I cho thấy ba người phụ nữ bị lây nhiễm dịch bệnh nhảy múa / Wikimedia Common.
Cách nay hơn 500 năm, tại Strasbourg, đông bắc nước Pháp, bùng nổ một dịch bệnh kỳ lạ ít ai biết đến : Đó là « Dịch bệnh nhảy múa ». Nhiều người dân thành Strasbourg bắt đầu nhảy múa thâu đêm suốt sáng cho đến khi chết vì kiệt sức. Hơn 500 năm sau, nguyên nhân của dịch bệnh vẫn còn là một điều bí ẩn.
« The Dancing Plague »
Đó là một ngày hè năm 1518. Trên những con phố nhỏ hẹp của thành phố Strasbourg, đông bắc nước Pháp và tại những quảng trường, hàng chục người, nhảy múa điên cuồng theo nhịp gõ của tiếng trống, tiếng đàn vion và tiếng kèn túi. Bầu không khí lại không có chút gì là lễ hội cả. Cảnh tượng nhảy múa thậm chí « kinh hoàng ».
Trong tác phẩm « A Time to Dance, a Time to Die: The Extraordinary Story of the Dancing Plague of 1518 » (tạm dịch là Một thời nhẩy múa, một thời để chết : Câu chuyện kỳ lạ về dịch bệnh nhảy múa năm 1518), ông Jean Waller, sử gia về ngành Y, trường đại học Michigan mô tả lại những cảnh tượng hãi hùng, ở đó nhiều phụ nữ, đàn ông và trẻ nhỏ nhảy múa điên cuồng đã kêu gào, cầu xin trợ giúp vì không thể nào ngừng lại được. Ông viết : « Ánh mắt của họ khờ dại, mặt ngước lên trời, tay và chân của họ cử động theo từng cơn co giật và mệt mỏi ; áo, váy và quần ướt đẫm mồ hôi, dán chặt vào thân hình gầy còm. »
Trong vòng vài ngày số trường hợp « nhảy múa như bị ma nhập » này tăng lên và lan truyền như một loại virus, gieo rắc nỗi sợ hãi và chết chóc tại khu thành vùng Alsace. Theo một nhân chứng thời kỳ đó, mỗi ngày có đến gần 15 người gục quỵ, nạn nhân của tình trạng cơ thể bị mất nước hay trụy tim mạch.
Trong một chương trình phát thanh của đài France Culture, nhà văn Jean Teulé, khi sưu tầm các tài liệu cho quyển tiểu thuyết Entrez dans la danse (tạm dịch Hãy vào nhảy đi), xuất bản tháng 3/2018, cho biết hiện tượng này kỳ lạ đến mức đại văn hào người Anh, William Shakespeare gọi đó là « The Dancing Plague ».
« Đúng vậy. Ông ấy gọi hiện tượng này là Dancing Plague, nghĩa là ʺdịch nhảy múaʺ. Điều này được thấy rất rõ. Câu chuyện này bình thường ra phải rất nổi tiếng ở Pháp. Tất cả mọi người lẽ ra phải biết chuyện này. Nhưng đây lại điều xấu hổ của giới tăng lữ năm 1518 đến mức họ đã tìm cách xóa sạch câu chuyện này đi nếu có thể hay giảm thiểu tầm mức đến tối đa. Hơn nữa, hai ba năm sau sự kiện 1518, giới tăng lữ tại Strasbourg có thái độ hành xử uế tạp, đạo Tin Lành đã hạ bệ và đuổi đạo Thiên Chúa ra khỏi Strasbourg trong vòng 150 năm ».
Frau Troffea : Bệnh nhân đầu tiên
Chuyện gì đã xảy ra thời kỳ đó ? Mọi việc bắt đầu từ một người phụ nữ có tên gọi Frau Troffea, một người phụ nữ bất hạnh. Chính cô là người đã khai màn vũ hội « kinh hoàng » này vào một ngày trung tuần tháng 7/1518. Giới chuyên gia về dịch tễ học ngày nay gọi cô là bệnh nhân đầu tiên (patient zero).
Số phận của người phụ nữ này đã gợi trí tò mò của Paracelse (1493 – 1541), bác sĩ và nhà luyện đan người Thụy Sĩ, sau này được xem như là một những nhà sáng lập ngành độc tố học. Bị mê hoặc bởi giai đoạn điên cuồng tập thể kỳ lạ này, ông đã đến tận nơi năm 1526 để điều tra. Đây cũng chính là nguồn tư liệu quý giá để ông Jean Teulé tham khảo, viết nên cuốn tiểu thuyết của mình.
« Một người phụ nữ tên là Frau Troffea, ngày thứ Sáu 12/07/1518, rời khỏi nhà ở đường Jeu-des-Enfants, trên tay bế đứa con còn bú ẵm, cô đi đến tận cây cầu Corbeau rồi ném đứa nhỏ xuống sông. Cô không còn sữa, không thể nào cho con bú được nữa, thật tình cô không thể nào nuôi đứa bé. Cô ấy trở về phố Jeu-des-Enfants và tại con phố này cô bắt đầu nhảy múa.
Nhiều người khác có cùng cảnh ngộ bế tắc như cô, khi nhìn thấy như vậy, họ đến gần và cũng bắt đầu nhảy múa. Cuộc nhảy múa này bắt đầu lây lan, tất cả mọi người cũng đi theo bóng của Troffea. Vấn đề là một khi bước vào nhảy múa họ không tài nào dừng lại được. Họ nhảy múa thâu đêm suốt sáng và trong nhiều tuần liền.
Các thầy thuốc bắt đầu tự nhủ làm sao điều này có thể xảy ra ? Bởi vì, ngay cả những người ốm yếu gầy còm nhất cũng không thể nào dừng nhảy múa được. Bàn chân rướm máu, sụn lòi cả ra. Người ta chết vì kiệt sức hay bị trụy tim. Có lúc lên đến 30 người chết mỗi ngày. Giới tăng lữ và ông thị trưởng vất vả tìm mọi cách có thể, nhằm chấm dứt cuộc nhảy múa nhưng bất thành ».
Trong vòng hơn 10 ngày, đến ngày 25/07/1518, có 50 người bị lây nhiễm. Tổng cộng cơn dịch này gây ra khoảng 400 nạn nhân. Giới y khoa thời kỳ đó đi theo thuyết thể dịch cho rằng nguyên nhân của căn bệnh là do « máu quá nóng ». Hội đồng thành phố quyết định « dĩ độc trị độc ». Mở thêm không gian cho những người tham gia nhảy múa và mời thêm hàng chục nhạc công chuyên nghiệp để cổ vũ họ cả ngày lẫn đêm.
Một sai lầm về y tế cộng đồng nghiêm trọng ! Khi cho thấy cảnh người ta nhảy múa, chính quyền chỉ khuyến khích cho sự lây lan. Thất bại, hội đồng thành phố thay đổi ý kiến vào cuối tháng Bảy: Dẹp gỡ bục nhảy, cấm các dàn nhạc. Nhưng hiện tượng này chỉ chấm dứt vài tuần sau đó, khi những « vũ công » lạ đời này được gởi đến vùng Saverne, cách Strasbourg một ngày đi đường, để tham dự một lễ vinh danh thánh Guy, người che chở cho những bệnh nhân mắc chứng co giật (giới y khoa gọi là bệnh Huntington).
Chứng cuồng loạn tập thể ?
Nhiều thế kỷ trôi qua, nhiều kịch bản đã được đưa ra để giải thích dịch bệnh ở Strasbourg : Ngộ độc ecgotin (trúng độc từ lúa mạch đen bị nhiễm chất mycotoxin, một loại nấm mốc) ; sùng bái dị giáo, ma quỷ ám, hay chứng cuồng loạn tập thể.
Tuy nhiên, nhà văn Jean Teulé, nhắc lại lưu ý của sử gia John Waller, cho rằng bối cảnh xã hội thời đó giữ một vai trò chính yếu. Những hiện tượng như bị « ma nhập » đó có khả năng xảy ra ở những người yếu về mặt tâm lý và tin vào sự trừng phạt của quỷ thần. Do vậy, Strasbourg lúc ấy hội đủ hai điều kiện. Thành phố đã phải hứng lấy nhiều dịch bệnh liên tiếp bất thường và nạn đói, đồng thời người dân thành này tin ở thánh Guy, có thể trừng phạt cũng như là chữa trị nhiều chứng bệnh, nhất là bằng cách nhảy múa.
« Đấy chính là vào lúc giáo hoàng Lêô X cho xây đại giáo đường thánh Phêrô. Vào thời kỳ này còn có một thứ khác không thể tin được đó là ʺbán xá tộiʺ. Nếu người dân cho tiền giới tăng lữ, cho càng nhiều, thời gian chịu khổ cực hay sống ở địa ngục càng giảm. Người dân thành Strasbourg thời đó hoặc là phải ném con xuống sông vì phụ nữ không có sữa cho con bú, hoặc thậm chí họ ăn thịt cả đứa trẻ.
Những người phụ nữ đó không thể cúng tiền cho giới tăng lữ và họ bị giới tăng lữ đe dọa bỏ chôn thây trên một ngọn đồi nằm ở ngoài bờ thành mà họ gọi là đồi đao phủ, mảnh đất duy nhất không được ban phép thánh ở Strasbourg. Và như vậy, mãi mãi ở địa ngục. Người ta vì thế trở nên điên loạn đến mức chỉ có nhảy múa mà thôi ».
Hơn 500 năm sau, giai đoạn đen tối này vẫn tiếp tục kích thích trí tò mò của nhiều nhà nghiên cứu. Bởi vì, đó không phải là một giai thoại. Chứng nhảy múa điên cuồng tại Strasbourg, tuy không phải là cơn dịch đầu tiên, cũng không là trận dịch cuối cùng, nhưng đó lại là một trong những cơn dịch được ghi lại nhiều nhất. Tài liệu lưu trữ thời kỳ đó bao gồm các ghi chú từ nhiều thầy thuốc, những bài thuyết giáo, biên niên sử địa phương, hay những tờ giấy bạc do hội đồng thành phố phát hành…
Thậm chí đây còn là dịch bệnh được tái hiện một cách cụ thể nhất. Sử gia John Waller nhấn mạnh, đấy có thể bởi vì dịch bệnh này xảy ra ngay sau khi có phát minh về ngành in ấn. Le Monde, trong một số báo ra tháng 7/2014, cho rằng trong thời gian từ 1200 đến 1600, tổng cộng có khoảng 20 giai đoạn như thế. Dịch bệnh gần đây nhất có lẽ là tại Madagascar năm 1863.
Dẫu sao như nhận xét của nhà văn Jean Teulé, « dịch nhảy múa 1518 là vũ hội đầu tiên, lớn nhất, điên rồ nhất nhưng cũng là vũ hội chết chóc nhất trên thế giới… »
|