Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Trọng Thành - RFI - Thứ Bảy, ngày 10 tháng 8 năm 2019
Nobel văn học da đen Morrison qua đời: TT Trump im lặng
Nữ văn sĩ da đen, Nobel văn học 1993, Toni Morrison (1931-2019)@REUTERS/Stephen Chernin
Nữ văn sĩ vĩ đại người da đen Toni Morrison qua đời: Chính quyền Trump im lặng. Một trong các chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
"Báu vật quốc gia !"
Người phụ nữ vĩ đại của nền văn học Mỹ không còn nữa. « Báu vật quốc gia !», đó là lời mà cựu tổng thống Barack Obama dành để tưởng nhớ đến nhà văn, người phụ nữ Mỹ da đen đầu tiên và cũng là văn sĩ da mầu duy nhất cho đến nay được trao giải Nobel văn chương.
Phản ứng dồn dập nhưng chỉ từ phía đảng Dân Chủ. Ông Bernie Sanders, một trong những người có uy tín nhất trong đảng Dân Chủ, thương tiếc sự ra đi của một « huyền thoại Mỹ ». Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosy bày tỏ nỗi xúc động sâu sắc cũng như hai vợ chồng cựu tổng thống Clinton. Nhà làm phim Opray Winfrey, gần gũi với các chính trị gia Dân Chủ, nhận định : « Toni Morrison là lương tri của chúng ta, nhà tiên tri của chúng ta, bà là người nói lên sự thật ». Hai nữ nghị sĩ Ilhan Omar et Alexandria Ocasio-Cortez - những người vừa bị tổng thống Mỹ đề nghị trở lại các quốc gia nơi họ xuất thân - lên tiếng vinh danh Toni Morrison.
Sự im lặng của tổng thống Mỹ Donald Trump là điều không khó nhận ra.
Trump còn là tổng thống, tôi không thể nhắm mắt !
Cần phải nhấn mạnh là tiểu thuyết gia Morrison đã lên tiếng dứt khoát chống lại đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay sau khi ông Trump đắc cử tổng thống năm 2016. Nhà văn lên án tổng thống Mỹ kích động chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, kỳ thị và thù hận chủng tộc (1) trong bối cảnh ý thức hệ da trắng thượng đẳng tại Mỹ đang ngày càng bị dồn vào chân tường, với trào lưu dân chủ hóa, toàn cầu hóa (2).
Trước khi Donald Trump đắc cử, Toni Morrison từng tuyên bố : Nếu Trump trở thành tổng thống, bà « tuy không còn cảm thấy mình là người Mỹ nữa, nhưng sẽ gắng sống ». Cách nay một năm, trên đài Pháp France 5, nữ văn sĩ Morrison còn hài hước : « Tôi sẽ không thể nhắm mắt chừng nào Trump còn nắm quyền. Tôi sẽ phải sống chừng nào ông ta chưa ra đi ».
Các tiểu thuyết của Toni Morrison, dù mang tính nhục cảm hay lãng mạn, đều xoay xung quanh chủ đề trọng tâm : Bạo lực. Bạo lực chủng tộc, bạo lực xã hội, bạo lực trong tâm hồn của các nạn nhân. Các tiểu thuyết của Morrison dẫn độc giả đến với số phận đau thương của người da đen nô lệ trên đất Mỹ.
Tiểu thuyết « Người yêu dấu » (Beloved), xuất bản năm 1987, đoạt giải Pulitzer năm 1988, được coi là một trong những cuốn sách hay nhất của Morrison, lấy nguyên mẫu từ một phụ nữ da đen thế kỷ XIX, người đã cắt cổ đứa con hai tuổi, để đứa bé không phải sống đời nô lệ, và suốt đời bị ám ảnh bởi linh hồn con gái. Đây là cuốn tiểu thuyết mà Morrison hiến tặng cho 60 triệu nạn nhân của chủ nghĩa nô lệ. Đối với Morrison, hơn bốn thế kỷ tồn tại của chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ còn để lại những hệ quả trầm trọng cho đến ngày nay. Suốt đời không bao giờ bà nguôi phẫn nộ.
Trả lời RFI, ông Jean Guiloineau - người dịch nhiều cuốn sách của Morrison sang tiếng Pháp – gợi ý với những ai bắt đầu làm quen với tác phẩm của Morrison, có thể bắt đầu với cuốn « The Bluest Eye », tác phẩm đầu tay của nhà văn ra đời năm 1970 (được chuyển sang tiếng Việt năm 1997, với tựa đề « Mắt biếc »). Cuốn tiếu thuyết khiến ông bàng hoàng. Ngoài « Mắt biếc » và « Người yêu dấu », hồi cuối năm ngoái, tiểu thuyết « The Origin of Others » cũng đã được chuyển sang Việt ngữ với tựa đề « Nguồn gốc của ngoại tộc ».
Kỳ thị chủng tộc : Hận thù và tình người
Nhiều câu nói của Toni Morrison được truyền tụng, trong đó có câu : « Cái chức năng rất đáng sợ của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, đó là nó khiến người ta bị lạc hướng. Ngăn cản chúng ta thực hiện công việc mình cần làm ».
Lên án chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, văn chương của Morrison hướng đến tình người không biên giới : « Điều làm nên tình cảm hận thù, đó là nó thiêu cháy hết thảy mọi thứ, chỉ trừ chính nó. Nhưng cho dù động cơ của ta là gì chăng nữa, thì gương mặt của ta với kẻ thù ta đều giống nhau như tạc » (tiểu thuyết « Love », 2012).
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2014 về vấn đề chủng tộc tại Mỹ, Morrison giải thích : « Các chủng tộc không phải là cái vốn có trong tự nhiên. Nhân loại là một giống loài thống nhất, xét về mặt khoa học, về mặt nhân chủng học. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chỉ là một kiến tạo xã hội ». Nhân dịp ra mắt cuốn « A Mercy » (Tình thương, 2008), bà nhận xét: « Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ biến mất chừng nào nó không còn sinh lời và không còn hữu ích về mặt tâm lý. Khi điều đó xảy ra, nó sẽ biến mất. Nhưng tại thời điểm này, người ta vẫn kiếm được rất nhiều tiền từ nó ».
Toni Morrison đã ra đi khi ông Trump vẫn còn là tổng thống. Nhưng những tác phẩm bà để lại chắc chắn là không chết.
|