Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,945 Points: 1,581 Location: Đông Bắc Gia Trang
Thanks: 1 times Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
|
Anh chị đẩy chúng nó ra đường, nó chơi ở đâu, anh chị không biết, nó sống ở đâu, anh chị không hay. Hỏi tới, thì anh chị nói, nó hỗn hào anh chị đuổi nó đi rồi, để nó qua cậu, cô, dì, chú hay bác gì đó của nó để họ dạy nó. Lạ nhỉ? Con của anh chị sinh ra lại đẩy tụi nó qua cho những người khác dạy bảo, cho ăn uống, lo lắng là sao? Trách nhiệm của cha mẹ là phải lo lắng cho tụi nó, anh chị không lo lại bảo đưa qua cho người khác dạy. Hiểu và gần gũi với tụi nó như anh chị còn chưa dạy được làm sao người khác có thể dạy được? Rồi anh chị bảo người này nghiêm khắc nó nghe, người kia dữ dằn nó sợ, khuyên bảo anh chị cách dạy tụi nó thì anh chị không nghe, anh chị còn phán một câu như nguyền rủa: "Con mày đến tuổi đó thì nó cũng vậy thôi, lúc đó mày cũng làm như tao!!!" Em nghe vậy nhưng em không chỉ trích, không cãi lại anh chị làm gì, cái chuyện xấu nhất đó có thể xảy ra cho em hay bất cứ người nào, em nói với anh chị rồi, đó không phải là tận cùng của thế giới, phải đi tìm hiểu nguyên do tại sao nó sinh ra như vậy, "trách mình trước rồi hãy trách người sau", thì con cái của mình cũng vậy, nó làm như thế nào đều phải có nguyên do của nó.
Sau đó, chị kể, cậu nó đánh nó đến chảy máu mũi, phải đi bác sĩ, bây giờ nó biết sợ và nó biết nghe lời rồi. Có thật là nó đã biết nghe lời rồi không hay là nó giữ sự bực tức ở trong lòng để một ngày nào đó nó sẽ bộc phát ra nói nôm na là trả thù? Em nghe chuyện mà bực mình nhưng cũng không dám cãi lại chị, em chỉ kể chị nghe chuyện của em, chuyện của người hàng xóm, chuyện của bạn bè để chị thấy em dạy con như thế nào mà tụi nó xuýt soát tuổi của con anh chị mà chưa thấy nó biểu lộ những hành động, lời lẽ như chị đã võ đoán.
- Trời ơi, sao cậu nó lại đối xử với cháu tàn nhẫn vậy? Em có một chị bạn ở đây, chị gởi con chị cho cô ruột nó, rồi chẳng biết mấy đứa nhỏ cãi nhau thế nào, chú (dượng) nó tát nó đỏ cả hai má lên ngay trước mặt chị. Hành động đó là hành động "vuốt mặt mà không nể cái mũi", thế mà chị đó ngồi yên không dám phản ứng gì, rồi chĩ đem con qua gởi em, chứ không dám gởi cô ruột nó nữa. Chĩ kể cho em nghe, em tưởng tượng con bé hai tuổi bị tát đỏ má, chuyện của con người ta mà em cũng bật khóc ngon lành. Con người ta mà mình còn xót như vậy, huống hồ là con mình? Mà cho dù gì đi chăng nữa, thì con người ta vẫn là con người ta, mình không có quyền đánh được. Con mình thì còn OK, mình có đánh cũng được nhưng cũng nên đánh nhẹ tay thôi và chỉ nên đánh khi nó làm sai, chứ không phải hở cái gì cũng đánh, cũng đánh. Có lần, kế bên nhà em có bà hàng xóm, bả giữ con người ta lấy tiền đó nghen. Bả giữ cùng lúc hai đứa anh em với nhau, bả nỡ lòng nào bả đuổi thằng lớn ra ngoài, biểu nó đi đâu thì đi, còn bả vẫn giữ cái đứa em gái nhỏ của nó trong nhà. Em nhớ, lúc đó là tháng mười hai hay tháng một gì đó, hôm đó may mà trời không lạnh lắm, thằng nhỏ mặc áo lạnh, đeo túi xách tò tò qua nhà em, gõ cửa, xin ở nhờ. Em hỏi nó bà babysitter có biết mày ở đây không, nó nói nó không biết. Em cho nó vô nhà, lấy cơm cho nó ăn, để cho nó coi ti vi với con em, rồi em đi qua nhà bà hàng xóm. Em hỏi bà ta, bà có biết thằng nhỏ bà phải giữ, nó ở bên tôi không? Bả nói bả không biết và cũng không cần biết, vì nó ngang bướng, không chịu nghe lời giống con em của nó nên bả đuổi nó đi rồi, muốn đi đâu đó thì đi. Trời đất, em nhủ thầm trong bụng, cái bà nội này coi con người ta mà sao vô trách nhiệm như vầy hở trời? Thằng nhỏ mới có 6 tuổi, đang học lớp Một với con em nên em nhớ, cho dù nó có nghịch ngợm, ngang bướng cách mấy nó cũng chỉ là đứa trẻ 6 tuổi, đẩy nó ra đường như vậy, không cần nói chuyện đi lạc, chỉ cần trời lạnh, nó chết cóng ngoài đường không ai biết thì bả sẽ phải làm sao trời? Vẫn là chuyện con người ta, mà em sợ đến run người! Dĩ nhiên, em không dám giáo huấn gì bà hàng xóm, vì người ta vẫn thường "bán họ hàng xa, mua láng giềng gần", mình dạy họ họ chỉ ghét thêm mình, mà hàng xóm ghét nhau thì không tốt cho mình thôi, ai mà dại vậy? Em trở về nhà, hỏi thằng bé số điện thoại của mẹ nó, gọi cho bà ta để báo cho bà ta biết là thằng bé đang ở nhà này để biết đường đi đón nó thôi. Còn giải quyết thế nào đó là chuyện của cha mẹ nó không phải chuyện của mình.
Em nói với chị như vậy để muốn rút ra kết luận là chỉ có cha mẹ mới có quyền dạy bảo con cái mình, không có người nào khác phải nhận lãnh hoặc có thể làm công việc đó cả. Chị lại kể thêm là cậu nó đã biết lỗi và xin lỗi cháu, còn dẫn nó đi bác sĩ. Chị thấy chưa, con mình, mà mình còn không có kinh nghiệm dạy bảo nó, thì làm sao cậu nó, đặc biệt còn độc thân, mà có kinh nghiệm để dạy nó cho được? Chị có thể đưa cho những cô, cậu, dì, chú, bác đã có gia đình rồi để dạy nó cũng được vì họ đã có kinh nghiệm. Nhưng chị thử nghĩ coi, gia đình họ, họ còn phải lo toan đến vất vả rồi làm sao còn lo cho gia đình anh chị nữa? Chỉ có mình tự lo cho mình, tự dạy con mình thôi. Đánh con khi nào nó làm lỗi mà mình đã nhắc nhở dạy bảo nhiều lần mà nó không nghe. Đánh phải biết chắc là không gây nguy hiểm cho nó, chứ không phải bạ đâu đánh đó. Thường thì những người yếu đuối như em vừa đánh con, vừa khóc, đánh nó mà mình đau. Đánh xong, em thường bắt tụi nó xin lỗi em vì tụi nó đã mắc cái lỗi làm cho em đau lòng. Khi đã đánh nó là nhất định là tại tụi nó sai cái gì đó và nó phải xin lỗi mình, chứ không thể nào đánh nó trong lúc nóng giận được, đánh quá tay để sau đó lại đi xin lỗi nó, thì hoàn toàn phản tác dụng, không dạy bảo gì được tụi nó nữa.
BN.
|