Công cuộc vận độngTổng thống Reagan và bà Khúc Minh ThơBà kể lại: "Hồi mà tôi đi tranh đấu, tôi nói với mấy chị trong Hội, nhưng mỗi phỏng vấn hay là khi ra public, là chỉ duy nhất có tôi thôi, bởi vì tôi không muốn mấy chị gia đình ở bên Việt Nam có những khó khăn.
Tôi nói là bây giờ, tôi phải mở con đường máu thôi, bởi vì lúc đó là năm 77, 78, 79, 80.. chết, chết, chết là chết thôi.. ngày nào cũng có người chết trong tù, ngày nào cũng như vậy thì tôi nói bây giờ nếu mà mình cứ lặng lẽ như vậy, cầu nguyện cũng như vậy.
Trời Phật giúp mình, nhưng mình cũng phải lo cho mình, cho nên tôi mới vận động và có cái tên Hội này và tôi bằng cách là tôi phải hy sinh gia đình của tôi, giống như tôi mở con đường máu, để cho hàng trăm ngàn gia đình khác để được đi ra, chứ còn tôi ngồi đây, tuần tự chồng, gia đình tôi cũng chết thôi, chi bằng tôi phải hy sinh…
Tôi không nghĩ đó là hành động anh hùng.. Bấy giờ đó là đúng cái lúc là Bộ Ngọai Giao, ông Reagan đã đồng ý rồi, thành ra, tôi không có lý do dừng lại được nữa… Nhưng mà tôi có nói cho họ biết là hoàn cảnh của tôi như vậy.
Tôi quyết định đúng hay sai, nếu mà được thì không nói gì, nếu mà vì 3 đứa con tôi nó chết hay gia đình tôi chết thì tôi chỉ còn có nước tôi tự vận thôi, bởi vì tôi không làm tròn lời hứa với cha của các con tôi, mà tôi cũng không làm xong cho hàng trăm ngàn người, mà lúc đó có thể là hàng triệu tù nhân trong tù…
Tôi ra điều trần Quốc Hội vào năm 1987, cũng là một cái vấn đề, có nhiều người họ nói với tôi, làm vậy không được, chống đối. Nhưng mà cái Hội của tôi rất là độc lập… tôi rất mong là tất cả các hội khác, đều thương cho hoàn cảnh của tụi tôi là vợ, con, chồng, cha mẹ, những người đó họ không có may mắn có một mái ấm gia đình…
Bây giờ họ đi tranh đấu thì mong rằng support tinh thần chúng tôi hay là an ủi tinh thần chúng tôi, để cho chúng tôi làm. Hồi đó bên mình có một cái câu là “Cây thông đứng giữa trời mà reo”, bây giờ Khúc Minh Thơ là một “cây thông” đứng giữa quốc hội mà la thôi, tôi muốn la cho thế giới biết.. chúng tôi như vầy.. như vầy nè, chồng con bây giờ trong tù là như vầy nè, mà không ai thương chúng tôi hết, không ai giúp đỡ tôi.
Cái chuyện mà người ta sợ là ai cũng sợ chết, nhưng mà trước khi tôi chết, tôi phải làm cái gì tôi mới chết…Có nhiều người hiểu lầm tôi, báo chí cũng hiểu lầm tôi vì tôi lên New York, bởi vì việc tù nhân này phải hai nước chứ đâu phải một nước được…
Rồi có những người Mỹ họ chỉ nghĩ đến 58 ngàn người Mỹ đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam thì lúc đó họ không có một sự cảm tình nhiều đến những lời nói của chúng tôi…
Tuy nhiên, khi mà chúng tôi nói, trình bày rõ ràng rằng hiện giờ cái thảm cảnh tại Việt Nam như là thư từ các nơi gửi về, thân nhân của họ gửi đưa ra ngoài này cho biết về những khó khăn hay là những sự đàn áp của những người ở trong tù như thế nào…lúc bấy giờ họ mới nghĩ lại và sau đó, chúng tôi nói nhiều hơn về những thảm cảnh đó, họ mới bắt đầu chú ý và họ cũng ủng hộ.."
Những người bị bắt sau tháng 4 năm 1975
Khi được hỏi làm cách nào mà bà đã can thiệp cho những nhà văn, nhà báo nổi tiếng và bị bắt sau tháng 4 năm 1975 như Uyên Thao, Hoàng Hải Thuỷ, Thanh Thương Hoàng…được ra đi, bà cho biết:
"Đây là vấn đề nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ, họ có cho dễ dãi hơn, là những người bị bắt sau năm 1975 bởi vì những nhà văn, nhà báo họ đã bị ở tù và bị những cái sự bạc đãi vì vậy mà tôi đã nói vấn đề đó để đưa ra cho chính phủ Hoa Kỳ, như là Hoàng Hải Thủy, Thanh Thương Hoàng, Uyên Thao đều có hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ trước 75.
Nếu hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ, thì chính phủ Hoa Kỳ có một cái chương trình rộng rãi hơn để chấp thuận cho những người đó đi. Mặc dù là những sự khó khăn để mà cho họ được đi, trong một cái chương trình đặc biệt cho những người đó, Hoa Kỳ đã đồng ý, tuy nhiên cũng có một vài nhà văn, nhà báo, chính quyền Việt Nam không cấp visa để cho họ ra đi.
Lúc bấy giờ, chúng tôi cũng phải liên lạc với bên tòa đại sứ Việt Nam cũng như là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để mà yêu cầu họ giúp đỡ cho những người này được cấp visa và đồng thời tôi cũng xin với chính phủ Hoa Kỳ bằng mọi cách để cho họ được hưởng cái quyền mà chính phủ Hoa Kỳ can thiệp với chính quyền Việt nam để cấp visa cho họ ra đi…
Cái việc đó thì không có dễ bởi vì không có việc nào mà dễ dàng hết, phải nói đủ mọi cách, phải nói một cách tế nhị, rất là tế nhị về mọi thứ thì mới mong có được kết quả tốt đẹp."
Can thiệp cho những hồ sơ HO bị trở ngại
Ngoài ra, bà cũng cho biết làm cách nào để can thiệp cho những hồ sơ HO bị trở ngại:
"Hồi đó thì mấy người HO, gia đình gửi qua cho tôi, Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị lên danh sách- của chúng tôi đưa cho Bộ Ngọai Giao từ 3000 đến 5000 tên… Tôi gửi như vậy là rất là nhiều, có thể là hàng 5-6 chục ngàn tên trong danh sách đó như vậy.. thì ở Bộ Ngoại Giao tôi có họp, tôi có nêu ra nhiều lần vấn đề đó thì Bộ Ngọai Giao sẵn sàng cứu xét.
Tuy nhiên, những cái trường hợp thí dụ như là giấy ra trại họ không tin cái giấy ra trại đó đúng, hoặc là những cái tài liệu đưa ra mà họ thấy là không có chính xác hay là những cái mờ ám thì họ bác, lúc bấy giờ hồ sơ của những tù nhân chính trị đó, những cái giấy tờ nào có thể làm rõ ràng hơn, giống như giấy ra trại mà ổng làm mất, mà bây giờ ổng kiếm được hay là một cái gì xác nhận để mà nhìn thấy cái đúng, thì họ sẽ xét lại."
Những người con trên 21 tuổi
Thưa quí vị, bản thoả hiệp giữa hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã được thi hành vào năm 1989, và chỉ dành cho những ai đã phải đi tù “cải tạo” từ 3 năm trở lên mà thôi, thế còn thân nhân của họ thì sao?
Thế là chính phủ Mỹ đã giải quyết một cách rất nhân đạo bằng cách cho phép tất cả vợ hay chồng cùng con cái của người H.O được đi theo, kể cả những người con nào trên 21 tuổi mà chưa lập gia đình. Và thế là hàng trăm ngàn gia đình lần lượt đến định cư tại Hoa Kỳ để xây dựng một cuộc đời mới trên một đất nước tự do. Những tưởng mọi việc êm xuôi như thế, nhưng: Bộ Ngọai Giao với bên INS họ nghĩ là chương trình HO là chương trình nhân đạo cho nên không theo chương trình di dân thành ra họ không kể là con trên 21 tuổi, chưa có gia đình thì được đi theo cha mẹ.
"Sau đó thì năm 1996 thì ở Bộ Ngọai Giao và Sở Di Trú họ nói rằng bây giờ họ muốn ngưng, cắt, không cho đi theo, để đi theo diện di dân, nên họ ngưng, họ cắt con của tù nhân mà trên 21 tuổi dù không có vợ chồng, cũng không được đi.
Vì vậy chúng tôi mới liên lạc với Quốc Hội, nhất là ông McCain, bởi vì ông McCain là người giúp cho Hội của chúng tôi rất là nhiều, thì ông rất là thông cảm, bởi vì ổng là POW bên Việt Nam mà, ổng biết xa gia đình, xa vợ, xa con, thành ra khi chúng tôi trình bày, là ổng ủng hộ liền..
Mặc dù chúng tôi đã qua Bộ Ngoại Giao để nói đủ mọi thứ, để xin tiếp tục đừng có cắt mấy đứa con của tù nhân chính trị trên 21 tuổi nữa, nhưng mà Bộ Ngọai Giao họ nhất định không đồng ý, thì chúng tôi mới bắy buộc phải đi qua bên Quốc Hội, với ông Thượng Nghị Sĩ McCain, thì ổng mới làm Tu Chính Án McCain…
Sau đó thì mình mới bắt đầu viết ra cái Tu Chính Án, rồi mình mới xin con không cùng hộ khẩu… Cái điểm chính là những đứa con nào trên 21 mà từ 1 tháng 4 năm 1995 trở về trước thì họ được đi.
Sau đó thì tôi mới nói là sau khi thân nhân, cha mẹ của họ đã được đi rồi thì họ bắt buộc phải lập gia đình để họ sống, bởi vì họ đâu có được đi theo gia đình của họ nữa, Tu Chính Án mới cho những người nào khi phỏng vấn vào trước ngày 1 tháng 4 năm 1995 mà không có gia đình, sau này, họ có gia đình thì chồng vợ và con cái của họ đều được đi hết."
Gia hạn tu chính án Mc Cain
Với sự vận động của Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị, cùng một số hội đoàn người Việt khác như Nghị Hội Toàn Quốc Hoa Kỳ, Liên Hội Người Việt Hoa Thịnh Đốn, tu chính án McCain được thông qua, và trở thành luật vào năm 1997. Sau đó, được Quốc Hội Mỹ tiếp tục ủng hộ cho đến hết tháng 9 năm 2003. Vì vẫn còn một số con “H.O” chưa lập xong thủ tục nên bị kẹt giữa chừng.
Bà cho biết:
"Lần đầu tiên thì 1 năm, sau đó thì chúng tôi được hai năm, nhưng năm 2003, thì chúng tôi vì bận nhiều việc để mà lo cho bên chương trình để xin cái thỏa hiệp cho Chương Trình Định Cư Nhân Đạo, cũng như là tiếp tay với chương trình vận động cho người tị nạn ở bên Phi Luật Tân, cũng như là lo cho những hồ sơ mà bị kẹt, gặp khó khăn, chúng tôi không nghĩ tới vấn đề mà nó hết hạn, sau đó thì tôi được biết là Tu Chính Án nó đã hết hạn rồi…"
Trong khi bà bận rộn như thế, và tu chính án Mc Cain vừa mới hết hạn thì dân biểu Tom Davis, tiểu bang Virginia, lập tức đưa ra một tu chính án mới nhằm gia hạn thêm… Tiếc thay, tu chính án này đã không được thông qua vì thiếu nhiều dân biểu ủng hộ tại quốc hội.
Kết quả là từ đầu tháng 10 năm 2003, chương trình các con HO thuộc luật McCain này không được giải quyết nữa. Vẫn không nản lòng, Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị dưới sự hướng dẫn của bà, và Nghị Hội Toàn Quốc Hoa Kỳ, phát động một cuộc vận động qui mô trên quốc hội để tu chính án được thông qua…
Cuối cùng, với sự tiếp tay của các hội thiện nguyện khác như USCC ở Los Angles, ông Nam Lộc, Refugee Council và ông Shep Lowman, tu chính án McCain được thông qua. Chúng ta hãy nghe bà trình bày về sự gia hạn của tu chính án này: Tới tháng 9 năm nay…tháng 9 năm 2005 này là hết hạn. Bây giờ chúng tôi đang vận động cho chương trình H.O. Mc Cain, bởi vì Tu chính án này đến tháng 9 này là hết hạn rồi. Do đó mà chúng tôi đang phải vận động gia hạn cho tới tháng 9 năm 2007.
Chương trình Định Cư Nhân Đạo
Thưa quí vị và các bạn, 28 năm qua, với tấm lòng quảng đại, bà Khúc Minh Thơ đã hy sinh một nửa cuộc đời của mình còn lại để cứu lấy những người tù cải tạo và gia đình của họ…
Những đêm thức trắng đọc thư của các gia đình HO từ Việt Nam gửi sang, những ngày lặn lội nắng mưa, tuyết bão để đi gõ cửa từng văn phòng dân biểu, rồi những buổi tối ngồi dán từng cánh tem trả lời thư cho các gia đình H.O. còn kẹt ở Việt Nam…
Từ những ngày đầu tiên cho tới bây giờ, bà vẫn hăng say làm việc bất kể ngày đêm… Hôm nay đây, khi tuổi đã về hưu, bà dành hết thời gian để bắt tay vào một cuộc vận động mới, theo chương trình Định Cư Nhân Đạo của Hoa Kỳ.
Và chắc chắn, khi nào có tin vui , Phương Anh sẽ lại mời bà trình bày cùng quí vị trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần. Xin tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.
http://www.rfa.org/vietn...MinhTho_HOprogram_PAnh/