Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Tổ Chức Y Tế Thế Giới nghiêm khắc lên án thuốc lá điện tử
Trọng Thành - RFI - ngày 31-07-2019 Những năm gần đây, nhiều người coi thuốc lá điện tử là phương tiện cai nghiện hiệu quả. Các nhà sản xuất quảng bá lợi ích to lớn của loại thuốc lá này. Hôm 26/07/2019, trong một báo cáo về thuốc lá, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã nghiêm khắc lên án loại thuốc lá này, nhấn mạnh rằng đây không thể là phương tiện giúp cai thuốc. Trong lúc một số chuyên gia chống thuốc lá cho rằng lập trường nói trên là quá cực đoan, nhiều người lo ngại thuốc lá điện tử thúc đẩy đông đảo thanh thiếu niên rơi vào con đường nghiện ngập.
Thuốc lá điện tử chứa gì ?
Trả lời phỏng vấn AFP, giáo sư Loïc Josseran, chủ tịch Liên minh bài trừ thuốc lá, cho biết : « Hiện tại chúng ta không rõ chính xác thành phần chi tiết (của chất lỏng bên trong điếu hay tẩu thuốc lá điện tử), không biết người sử dụng hít gì vào phổi. Có quá nhiều nhãn mác thuốc lá điện tử được bày bán trên thị trường, và không có chuẩn mực nào trong lĩnh vực này ».
Nhìn chung, dung dịch bên trong điếu thuốc lá điện tử thường chứa nicotine, chất gây nghiện nặng, có thể tác động xấu đến sự phát triển của não bộ trước tuổi 25, và theo nhiều nghiên cứu, có thể tác hại cả đến não của người trưởng thành.
Thuốc lá điện tử không chứa nhiều hợp chất nguy hiểm trong điếu thuốc lá thông thường, như chất nhựa thuốc lá (gây ung thư) hay mô-nô-xit các-bon (nhân tố gây bệnh tim mạch). Tuy nhiên, hơi thuốc lá điện tử có chứa các hạt siêu nhỏ, có thể lọt sâu vào phổi. Theo một báo cáo của Viện Hàn Lâm Khoa Học Mỹ, công bố năm 2018, thuốc lá điện tử chứa nhiều chất có thể là độc hại, trong số đó có các kim loại, như chì, nickel…, thoát ra từ nơi đốt cháy dung dịch chứa nicotine. Thuốc lá điện tử chứa nhiều phụ gia, thường được coi là an toàn trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, nhưng tác động đến đường hô hấp thông qua hình thức hơi còn chưa được nghiên cứu.
Cần phải có các nghiên cứu về việc sử dụng thuốc lá điện tử trong nhiều thập niên mới có thể có được hiểu biết chính xác về tác động dài hạn của loại thuốc này đến các tế bào người.
Thuốc lá điện tử ít độc hại hơn thuốc lá thông thường ?
Thuốc lá điện tử mới phổ biến từ khoảng 15 năm nay. Về những người đã hút thuốc, trong giới khoa học dường như đã có một đồng thuận rộng rãi là thay thuốc lá thông thường bằng thuốc lá điện tử sẽ ít độc hại hơn. Chất nicotine vẫn còn, nhưng không có các chất gây ung thư như thuốc lá thường. Viện Hàn Lâm Y Học Pháp năm 2015 còn nhận định là, « cho dù khó định lượng được chính xác mức độ độc về dài hạn của thuốc lá điện tử, loại thuốc này hiển nhiên là ít độc hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống ».
Tổ Chức Y Tế Thế Giới tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Trong một báo cáo năm 2014, WHO nhận xét : « SEAN (tức « système électroniques d'administration de nicotine » hay hệ thống điện tử quản lý nicotine) chắc ít độc hơn thuốc lá truyền thống, nhưng hiện không đủ bằng chứng để định lượng được chính xác mức nguy cơ ». Nhìn chung, theo WHO, « không thể phủ nhận được SEAN là độc hại và như vậy cần được quản lý chặt ».
Lo ngại với sản phẩm này đặc biệt liên quan đến việc thuốc lá điện tử thu hút những người vốn không hút thuốc, nhất là giới trẻ, mục tiêu của nhiều tập đoàn kinh doanh. Nhiều nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên không hút thuốc bắt đầu làm quen với thuốc lá điện tử, dễ đi vào con đường nghiện ngập hơn, đặc biệt do việc các hãng thuốc lá quảng bá đây là một loại thuốc lá được coi là thơm tho, không độc hại, không ảnh hưởng đến người xung quanh.
Phương tiện này có thể hỗ trợ cho cai thuốc?
Theo một nghiên cứu của Anh công bố trên New England Journal of Medicine, thuốc lá điện tử hiệu quả hơn miếng dán cai nghiên, kẹo cai thuốc hay một số sản phẩm khác. Tuy nhiên, vẫn theo WHO, dẫn ba nghiên cứu từ 2016 đến 2017, không có đủ bằng chứng khẳng định điều này. Tác động của phương pháp này là « không rõ », và chắc chắn có sự khác nhau, tùy theo loại thuốc lá điện tử.
Theo kết quả điều tra sơ bộ của nhóm của Ramchandar Gomajee, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Inserm (Viện Khoa học sức khỏe), đăng tải trên trang mạng sciencesetavenir.fr, người hút thuốc điện tử có xu hướng hút ít thuốc hơn, và nhiều người hút thuốc điện tử muốn cai thuốc hơn (gấp hơn hai lần so với tỉ lệ trung bình ở những người hút thuốc), nhưng những người từng cai bằng phương pháp thuốc điện tử cũng dễ dàng tái nghiện trở lại hơn (cao hơn gấp rưỡi). Các tác giả của nghiên cứu này cũng cho biết nghiên cứu của họ còn thiếu nhiều yếu tố để cho phép đưa ra kết luận chắc chắn.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới có lý do để ngờ vực đến như vậy ?
Theo tổ chức Y Tế Công Pháp (Santé publique France), năm 2017, gần một nửa người sử dụng thuốc lá điện tử tiếp tục hút thuốc thông thường, hàng ngày (40%) hoặc thỉnh thoảng. Tỉ lệ này dù sao cũng giảm xuống đáng kể so với năm 2014. Giáo sư Josseran, chủ tịch Liên minh bài trừ thuốc lá, chia sẻ quan điểm của WHO, theo ông, thuốc lá điện tử « không phải là biện pháp mầu nhiệm để cai nghiện ».
Giáo sư Josseran nhấn mạnh là nguy cơ đối với sức khỏe chủ yếu liên quan đến độ dài của thời gian nghiên thuốc, chính vì vậy, không nên ru ngủ mọi người bằng ảo giác là thuốc lá điện tử ít nguy hại hơn.
Bộ Y Tế Pháp, nơi coi việc bài trừ thuốc lá là một ưu tiên, tỏ ra thận trọng. Theo chính quyền Pháp, việc số người nghiện thuốc giảm xuống chủ yếu là cho giá thuốc tăng, do cơ chế bồi hoàn chi phí cho những người mua miếng dính hay kẹo cai nghiện, và do ảnh hưởng của chiến dịch « Tháng nói không với thuốc lá », mà Pháp vừa khởi sự từ vài năm nay.
Tháng nói không với thuốc lá tác động ra sao ?
Tháng 11/2018, cơ quan Y Tế Công Pháp tổ chức Tháng nói không với thuốc lá lần thứ ba. Hơn 241.000 người đăng ký tham gia nỗ lực tập thể này. Số lượng người đăng ký năm nay nhiều hơn năm ngoái là 84.000 người. Mục tiêu đặt ra của những người đăng ký là hoàn toàn không hút thuốc trong một tháng. Thực hiện được mục tiêu này giúp cho khả năng cai nghiện hoàn toàn tăng lên 5 lần.
Trong thời gian Tháng không thuốc lá, nhiều biện pháp hỗ trợ cai nghiện được đề xuất cho người tham gia. Ứng dụng hướng dẫn cai nghiện trên mạng (e-coaching) được tải xuống 86.000 lần. Hơn 21.000 người gọi đến 3989, số điện thoại hỗ trợ cai thuốc của Tabac Info Service. Trên mạng xã hội, chiến dịch này thu hút 118.000 người trên trang Facebook Tabac info service.
|