Mỹ Châu: Đa sầu, trầm lạnh
Dù “chuyên trị” vai đa sầu nhưng với phong cách ca diễn lạnh lùng, một dạo NSƯT Mỹ Châu phải hứng chịu nhiều lời đồn đoán không hay, kiểu: “Do thất tình Minh Vương, Minh Phụng mà cô ấy không bao giờ cười lúc diễn”…
NSƯT Mỹ Châu là một trong số ít nghệ sĩ (NS) luôn khiến khán giả có cảm giác về sự huyền bí trong cuộc đời và cả giọng ca. Khoảng cách mà Mỹ Châu tạo dựng giữa mình với khán giả, theo bà, không phải là kiểu cách ngôi sao. “Tôi luôn ý thức mình là người của công chúng nên phải chỉnh tề khi xuất hiện” - bà giải thích.
Mê làm bác sĩ, lại theo nghề hát
Trên thực tế, NSƯT Mỹ Châu sống rất kín đáo, giản dị. Bà không cho phép mình dễ dãi như một số ngôi sao sân khấu - để khán giả vây kín, thân thiết đến mức vào tận nhà, rồi biết hết mọi chuyện riêng tư... “Mình phải tôn trọng mình, không nhận bất cứ điều gì ngoài những tràng pháo tay của khán giả ở rạp hát” - NSƯT Mỹ Châu bày tỏ.
Là con út trong một gia đình có 4 người con ở huyện Thủ Thừa - Long An, dù đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ nhưng Mỹ Châu lại mơ ước trở thành bác sĩ. Thế nhưng, từ ngày cha mất sớm, mẹ tảo tần nuôi các con, lối đi đến tương lai của Mỹ Châu không còn suôn sẻ. “Hồi học tiểu học, tôi mê ca nhạc nhưng mẹ lại thích cải lương.
Năm 7 tuổi, tôi được bầu Ba Cang của Đoàn Tiếng Chuông phát hiện và tới năm 11 tuổi thì chính thức theo đoàn. Vai diễn đầu tiên tôi đóng là cô đào con Sao Ly trong vở Giai nhân bên suối mộng. Mẹ kể dù mới lên sân khấu nhưng tôi dạn dĩ lắm, được nhiều khán giả khen ngợi” - NSƯT Mỹ Châu nhớ lại.
NSƯT Mỹ Châu (giữa) cùng chị và mẹ năm 1967 (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Lúc mới vào nghề, Mỹ Châu phải giúp việc cho một NS nổi tiếng. Dù cơ cực, gian nan, có lúc chén cơm chan nước mắt nhưng Mỹ Châu không để mẹ biết mà cố gắng học nghề và chờ đợi cơ hội. “Có lần tôi hỏi mẹ: Tại sao biết con mê nghề bác sĩ mà mẹ lại chọn nghề hát? Mẹ tôi bảo rằng NS mang lời ca tiếng hát cho đời cũng như vị lương y xoa dịu nỗi đau nhân thế bằng tài năng của mình. Trị tâm bệnh, làm khán giả vui cười sảng khoái hay rơi lệ xót thương cũng là một cách kê đơn, bốc thuốc” - NSƯT Mỹ Châu kể.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Mỹ Châu khẳng định chưa bao giờ bà cho phép mình tự bằng lòng với chính mình. Dù nổi danh như cồn, được khán giả và báo giới tặng cho nhiều biệt danh, như: “Lolita Mỹ Châu”, “Nữ hoàng kiếm hiệp”, “Nữ hoàng màu sắc”, “Vương nữ đa sầu”… qua các vai trong hàng loạt vở tuồng: Kiếm sĩ dơi, Sở Vân, Hoa Mộc Lan, Tiêu Anh Phụng, Lý Thần Phi… nhưng Mỹ Châu luôn tính toán cách ca diễn làm sao để được khán giả chấp nhận.
Dây đờn Mỹ Châu
Trong một thời gian dài, thị trường băng dĩa Sài Gòn ồ ạt phát hành các tuồng mới do Mỹ Châu đóng vai đào chánh, đều là những số phận truân chuyên, lấy nước mắt khán giả. Đặc biệt, giới sáng tác cổ nhạc còn sáng chế ra một dây đờn mang tên bà.
Nhạc sĩ Hoàng Thành nhớ lại: “Thường thì các NS xuống hò với hai chữ mang thanh ngang và huyền, còn Mỹ Châu thì dùng hai chữ đều thanh huyền. Phong cách này không lẫn lộn với bất cứ ai, người ca phải có giọng trầm, bảo đảm khoảng lắng nhưng không mất chữ. Nét lạ đó lay động tâm hồn khán giả. Trong vở Khách sạn Hào Hoa, phong cách diễn xuất trầm buồn, gương mặt lạnh lùng nhưng lôi cuốn của Mỹ Châu đã tạo dấu ấn tuyệt vời cho nhân vật Ngọc Hân. Dây đờn Mỹ Châu do tôi sáng chế xuất hiện từ đó”.
Với phong cách ca diễn trầm lạnh, một dạo NSƯT Mỹ Châu phải hứng chịu nhiều lời đồn đoán không hay: “Mỹ Châu bị trầm cảm nên chưa chịu lấy chồng”, “Do thất tình Minh Vương, Minh Phụng mà cô ấy không bao giờ cười lúc diễn”… Thực tế, cố NS Thanh Giang từng mang trầu cau, sính lễ đến nhà xin cưới nhưng Mỹ Châu từ chối. Mãi đến tuổi 40, Mỹ Châu mới lập gia đình với NS Đức Minh.
Ước nguyện khi rời sàn diễn
Ít tâm sự về chuyện hôn nhân, NSƯT Mỹ Châu chỉ cho biết hiện nay, bà sống hạnh phúc bên chồng ở tiểu bang Georgia - Mỹ. Vợ chồng bà sang Mỹ định cư năm 2001 khi NS Đức Minh được người con riêng bảo lãnh, còn NSƯT Mỹ Châu đoàn tụ cùng con cháu của người chị ruột Hồng Châu. “Mẹ vẫn thường nói phụ nữ tuổi dần cao số, ngẫm lại tôi thấy mình lập gia đình muộn có lẽ cũng do duyên phận chưa tới hoặc đúng là... cao số” - bà tâm sự.
Một dạo khi sân khấu cải lương gặp khó khăn, vợ chồng NSƯT Mỹ Châu mở tiệm bán cửa sắt, nhôm, kính nhưng chỉ một thời gian ngắn phải đóng cửa. “Việc đứng ra làm bầu gánh hát thì tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới. Tôi muốn chú tâm cho nghề diễn để không phụ lòng mẹ và gia đình” - bà thổ lộ.
Mỗi năm, NSƯT Mỹ Châu về nước 6 tháng để sum vầy cùng gia đình. Căn nhà quen thuộc của gia đình bà trên đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp - TPHCM vẫn là nơi tiếp đón đồng nghiệp thân hữu và khán giả thân thiết. Dù đã có biết bao lời mời từ trong và ngoài nước mong Mỹ Châu xuất hiện dù chỉ một lần trên sân khấu nhưng bà đều khiêm tốn từ chối. “Tâm nguyện mà tôi luôn giữ khi rời sàn diễn là không để hình ảnh của mình mai một trong lòng khán giả” - bà bộc bạch.
Tuy nhiên, để đáp lại tình cảm của khán giả, trong nhiều lần về thăm quê hương, NSƯT Mỹ Châu vẫn thực hiện các CD ca cổ, DVD vở tuồng theo lời mời của một số đài truyền hình. Lúc nào bà cũng mong muốn được thổi vào bài vọng cổ hay vở tuồng những sáng tạo mới. “Với tôi, niềm vui hiện nay là thực hiện các CD, DVD mới khi mình còn giữ được làn hơi” - NSƯT Mỹ Châu cho biết.
Năm 1967, NSƯT Mỹ Châu được trao tặng HCV Giải Thanh Tâm, cùng đợt với NS Phương Bình, NSƯT Bảo Quốc, NS Ngọc Bích.
Nguồn:
Thanh Hiệp (nguoilaodong)