Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Hello chị Khánh Linh, long time no see!
Hầu như cứ mỗi lần đi máy bay thì lại thấy có một vài cải tiến nho nhỏ . Lần này thấy điều mới là màn ảnh trước mặt mình là loại touch screen (nếu thứ này có lâu rồi thì có nghĩa là khá lâu rồi tôi không đi máy bay). Tôi nhớ hồi xưa đi máy bay, nhất là chuyến đường dài về VN, mười mấy tiếng đồng hồ thì máy bay cho hành khách xem phim trên một màn ảnh lớn dùng chung cho cả khoang; chừng ba bốn phim gì đó thì đủ hết thì giờ . Rồi sau đó là màn ảnh gắn sau ghế trước mặt mình; có cái remote control để mình chọn phim hay các tiết mục khác . Có lúc ai muốn coi phim hay game theo ý muốn riêng thì phải trả tiền thêm . Rồi nay là tới màn chỉ dùng ngón tay chọt lên màn ảnh, dẹp cái remote control. Xưa muốn nghe thì dùng headphones, dùng xong cuối chuyến bay thì nhân viên đi thu lại; nay thì mỗi người được phát một earphones, nó rẻ quá cho nên cho luôn; đòi lại thì còn tốn kém hơn cho luôn, vì cái đã nhét vô lỗ tai người khác rồi thì mất vệ sinh rồi, phải khử trùng, rồi cho vô bao lại, tốn tiền hơn . Cái mới nhất mà tôi thấy trong chuyến bay này là hàng chữ nhắc nhở hành khách: You may use small cameras/mobile device to take pictures on your flights. Always get consent from other passengers and crew members before including them . If a crew member asks you not to use your camera/moblie device, follow his or her instructions. Ít nhất máy bay còn cho mình chụp hình hay quay phim cá nhân chơi, chớ còn có lần tôi đi, hình như China Airlines thì phải, họ cấm ngặt không cho chụp hình quay phim gì trong chuyến bay. Khó thì thôi.
Từ trên cao, máy bay hạ cánh với phía dưới nhiều cảnh đẹp . Đây là lần đầu tôi tới Vancouver bằng máy bay . Lần trước, lâu lắm rồi, tôi được người quen chở lên đó từ Seattle bằng xe hơi và thật sự là tôi đã không nhớ mình đi những đâu nữa. Hay chỉ gặp bạn bè là chính, ngồi chén thù chén tạc, hát karoke . Phi trường Vancouver đón khách bằng một khách sảnh với hai cây gỗ totem (?), một tấm gỗ tròn khắc hình, các tấm vải do thổ dân dệt treo phía trên nhắc lại một thời đất nước này là của những người thuộc dân bản địa, cũng tương tự như Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ và toàn thể đại lục này, mà khi không lại được coi là do ông Kha Luân Bố "khám phá" ra.
Sau khi check in, thủ tục cũng không khác gì các phi trường ở Mỹ, chúng tôi kéo hành lý đi tìm xe metro về downtown Vancouver. Nếu bạn tới phi trường Los Angeles, bạn sẽ thấy phương tiện chuyên chở công cộng rẻ tiền của phi trường LA thật là kém xa so với nhiều phi trường khác trên thế giới, trong đó có Vancouver. Bạn phải lên một chuyến xe bus chở tới Greenline, rồi từ đó mới có xe metro hoặc xe bus khác chở về tới downtown LA (giá vé là 1.75 đô cộng thêm 1 đô tiền mua thẻ đi xe) . Còn nếu muốn nhanh hơn thì lên một loại là FlyAway vé 9.75 đô . Nhưng nói cho công bằng thì có lẽ LA là rẻ hơn cả (so với các thành phố như Vancouver, London, Paris, San Francisco ...) khi đi metro. Metro ở LA không tính cây số, không có zone, leo lên là đồng giá.
Điểm thuận lợi là máy bán vé nhận thẻ credit card nên không cần phải đổi ra tiền Canada . Nói thêm là các dịch vụ khác trong chuyến đi như đi ăn tiệm, mua hàng đều có thể trả bằng credit card, hầu như khách không cần phải có tiền Canada . Nhưng chúng tôi cũng đổi vài trăm để phòng khi hữu sự phải dùng tiền mặt .
Mưa lai rai khi chúng tôi đã ngồi trên metro nhìn ra cửa kiếng . Nhưng khi tới downtown (độ 30 phút đi) thì hết mưa, mặc dù vẫn còn mây. Đường đi nhìn cũng không thấy có gì lạ so với Mỹ ... Có người bảo là dân Canada rất dễ thành dân Mỹ nếu họ qua Mỹ ở, trong khi dân Úc thì giữ lại cho mình nhiều bản sắc hơn ...Đến trung tâm thành phố là trạm Waterfront Station. . Từ đây chúng tôi sẽ kéo va li đi độ 10 phút thì tới nơi trọ. Đó là lời của chủ nhà trọ .
Nơi chúng tôi ở trọ trong thời gian ở Vancouver là một căn apartment thuộc loại Airbnb. Đây là loại hình cư ngụ mà tôi có kể trong chuyến đi Ý Đại Lợi cách đây mấy năm, và chuyến đi Scotland cách đây 10 năm. loại hình cư trú khi du lịch này rất "kinh tế" cho dân ít tiền, không kham nổi các chi phí nếu ở hotel. Loại hình này ngày càng thông dụng và tôi chắc là ngành hotel phải thay đổi nếu không muốn phá sản (??) (giống như taxi so với Uber vậy). Trong đây có mục Airbnb rồi, nhưng trong bài đó người ta nói là share phòng kiểu Mỹ là chủ nhà ở chung với khách (kiểu homestay), nhưng trong trường hợp chúng tôi thì không, chủ nhà hoàn toàn giao chìa khoá cho mình, và chủ khách chỉ gặp nhau một lần duy nhất. Đó là một cô gái mình mẩy xăm tùm lum, thấy giống như dân chơi Cầu chữ Y; người thì ốm tong, ốm teo, giống như dân hút xì ke . Cô có gốc gác cha mẹ là di dân từ một nước ở Trung đông, nhưng sanh tại Canada . Chỉ khi nói chuyện mới thấy cô nhã nhặn, trí thức và được biết cô hiện đang làm một công việc nghiên cứu về xã hội. Căn hộ này là của cô, sau khi căp bồ với một anh chàng hàng xóm ở tầng trên, cô dọn lên đó ở, và cho mướn căn này để kiếm thêm tiền.
Đảo mắt qua khu phố, tôi giật thót tim . Đây là khu có nhiều dân homeless đóng đô. Hèn chi mà căn hộ này khá rẻ. Vậy mà tôi đã mừng thầm khi tra trên mạng thấy khu này, Gastown là một khu cổ xưa, nhiều di tích lịch sử lâu đời của Vancouver. Trong một quyển du lịch thấy có nói là dân homeless nhiều ở Gastown và Chinatown nhưng lúc đó tôi bỏ lơ chi tiết này, chỉ để ý tới khu phố luôn được đề cập trong mọi sách du lịch mà tôi ôm một chồng về nhà từ thư viện, lại gần downtown như thế thì còn gì hơn .
|