MỘT THỜI ĐỂ MẤT
Bùi Ngọc Tấn
PHỤ LỤC
1.
Khi tôi bị văng ra ngòai quỹ đạo, Nguyên Hồng thưa lại nhà tôi. Ngòai những lý do về nhà cửa, nơi ở của an đã có, còn một lý do khác nữa. Anh không thể nói chuyện văn chương với tôi mà đấy lại là nội dung chính trong cuộc sống của anh. Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome. Dù có nói chuyện gì cuối cùng cũng dẫn tới chuyện sáng tác, cũng dính tới công việc của anh, tới các bạn tôi đang viết, đang in.
Cuối năm 1974, nghĩa là khi tôi ở tù ra được một năm và đang làm bốc vác, Nguyên Hồng lại nhà tôi. Đó là một tối mùa đông. Ngồi trên chiếc chiếu giải giữa nhà, đúng chỗ tôi và anh uống rượu với chả mực năm nào, anh lục trong cặp (lần này là cặp, không phải cái làn đựng các thứ hỗn mang nữa) rút ra một tập sách anh mới in. “Một tuổi thơ văn”. Anh lấy bút ghi tặng tôi, vẫn bằng thứ chữ to anh chuyên đề tặng trên các tập sách: “Cho Bùi Ngọc Tấn rất thương. Mùa đông nhớ năm xưa. Nguyên Hồng.”
(Hình bìa cuốn sách có lời NH tặng BNT)
Đưa tập sách cho tôi, thật bất ngờ, anh òa khóc. Đó là những giọt nước mắt xót cả lòng tôi. Tập sách đầu tiên anh tặng tôi khi tôi trở lại cuộc sống con người. Cầm tập sách tôi nguôi đi tất cả những hờn giận về anh, về những xa cách đã có giữa chúng tôi. “…rất thương. Mùa đông nhớ năm xưa”. Anh vẫn nhớ những năm xưa. Không quên. Đó là tất cả những gì có thể làm được cho tôi. Thế cũng đã là nhiều lắm.
Hơn một lần anh chảy nước mắt về những đau khổ của tôi. Nhưng chỉ có ba lần anh khóc nhiều như vậy. Lần đầu tiên: Gặp lại tôi sau 5 năm tù. Lần thứ hai khi tôi cho anh xem bộ quần áo số của tôi. Và lần này. Anh sợ cuốn sách của anh sẽ làm tôi đau. Vì tôi đã bị văng ra ngòai quỹ đạo.
Nguyên Hồng vẫn tránh mọi chuyện văn chương với tôi. Ấy thế mà có một lần đến nhà, anh đã lôi ra một tạp chí nước ngòai. Anh lật tìm trang. Và đặt trước mặt tôi quyển tạp chí để mở. Tôi nhìn tấm hình in trên tạp chí và nhìn lại anh. Đúng là anh. Nhưng tôi kêu lên:
-Giống Đề Thám quá!
Thật là một phát hiện bất ngờ. Eureka!
Tạp chí giới thiệu Nguyên Hồng và in ảnh của anh. Khuôn mặt. Chòm Râu. Chỉ thiếu vành khăn trên đầu là thành Hoàng Hoa Thám.
Anh ngắm lại tấm ảnh:
- Mình không biết họ chụp lúc nào. Đúng là Đề Thám.
Khi đó anh dang viết “Núi Rừng Yên Thế”, anh “vẫn khỏe vì cần phải khỏe” như thư anh viết cho tôi ngày trước. Khi đó anh đã dạy cho con gái anh cách bán mèo ở chợ Yên Thế để lấy tiền mua sách bút vào năm học mới.
- Con cứ cầm lấy gáy nó giơ lên thế này này. Chân nó chụm lại thế này là mèo hay chuột lắm đấy. Cứ bảo người ta là mèo nhà cháu hay chuột lắm.
Chờ đến gần trưa, chưa thấy con bé về, Nguyên Hồng ra chợ. Chợ đã vãn. Con bé và con mèo con vẫn ngồi đó. Thấy anh, con bé òa lên khóc:
Con đã làm như thầy bảo, nhưng người ta không mua. Người ta bảo mèo nhà mình là mèo đực.
***