Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

CÔNG NƯƠNG NGỌC VẠN - NGỌC KHOA
Hạt Cát
#1 Posted : Thursday, October 28, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)

Gởi: Mon May 10, 2004 6:37 pm

CÔNG NƯƠNG NGỌC VẠN VÀ CÔNG NƯƠNG NGỌC KHOA

Lãng Nhân - Hương sắc quê mình

Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp chúa ở Dinh Cát (vùng Quảng Trị) rồi dời về làng Phước Yên (huyện Quảng Điền.) Mười năm sau thiên tới Kim Long. Khoảng sông Hương núi Ngự thênh thang này mới gọi là đủ chỗ cho gia đình binh sĩ và số di dân ngày một thêm đông, vì nhu cầu sinh tồn, cũng vì tấm lòng cảm mến vị chúa mới, có nếp sống thanh đạm lại hiền lành như Bụt nên được tôn là Chúa Sãi, một danh từ bình dân đượm tình kính cẩn.

Năm 1625, có người tiến dẫn đến dinh Chúa một nho sĩ tên Đào Duy Từ. Trong những cuộc đời gian khổ, ít có ai dầy dạn triền miên bằng người thư sinh áo vải này. Vốn quê ở Thanh Hóa, cha là Đào Tá Hán, văn hay chữ tốt, phục vụ dưới trướng chúa Trịnh, chỉ vì thiếu chút khiêm cung mà bị khai trừ, phải theo nghề hát bội làm sinh kế. Khi lưu diễn ở làng Ngọc Lân, thôn nữ Vũ Kim Chi bỏ nhà đi theo, được một năm thì sinh ra Từ. Rồi năm năm sau, Hán tạ thế, Vũ thị chăm sóc cho con theo đòi bút nghiên. Đến năm 1592, chúa Trịnh mở khoa thi kén nhân tài. Theo luật nhà Chúa, con cháu phường hát không được dự thi. Từ ngậm ngùi tủi thân. Xã trưởng Ngọc Lâm ngỏ ý với Vũ thị: sẽ nhận cho Từ đổi sang họ Vũ, ra thi mà đỗ thì họ Vũ sẽ gá nghĩa với hắn. Bấy giờ Từ vừa 21 tuổi, ra ứng thí, đỗ ngay cử nhân thứ hai, đang sửa soạn dự thi tiến sĩ thì việc khai man lý lịch bị phát giác, tên bị xoá trên xuân bảng, mũ áo cử nhân phải nộp lại quan trường. Vũ thị uất ức, mượn liều thuốc độc quyên sinh. Vừa thương xót mẹ, vừa thấy tủi nhục trong lòng, Từ bỏ làng ra đi, quyết vào Đàng Trong khuông phò Chúa Nguyễn chống nhau với Chúa Trịnh cho hả mối thù bị luật lệ bất công đàn áp.

Thế là một mình thất thểu trên đường, không một đồng dính túi. Ngày xin ăn ngoài chợ, tối lăn ngủ nơi đền chùa. Cũng tìm cửa này cửa nọ xem có việc gì làm, thì vóc dáng thư sinh đương sao nổi nặng nhọc. Những lúc vô công rồi nghề, ngồi buồn lẩm nhẩm làm bài phú Ngọa long cương, ví mình như Khổng Minh lúc còn nằm khàn trên gò Ngọa Long. Cứ quanh quẩn như thế mà tuổi bốn mươi lúc nào không biết.

Đi sâu vào mãi đàng trong, Từ xin được một chân chăn trâu cho phú hào Lê Phú. Ngủ chuồng trâu mãi, một hôm thấy nhà trên có tiệc đãi những nho sĩ tiếng tăm trong vùng. Nghe có đàm luận văn chương, lẻn đến lắng tai, thì bị chủ mắng át: "Thằng chăn trâu biết gì mà đứng đó?" Bấy giờ họ Đào mới đem hết tài năng ra ứng đối, làm mọi người ngạc nhiên rồi nảy lòng kính nể. Từ được trớn, đem bài Ngọa long cương ra ngâm, cử tọa vô cùng khen ngợi. Tiếng ca tụng rồi đến tai quan khám lý Trần Đức Hòa, người liền cho mời Từ đến dạy các con học, sau mến tài, lại gả con gái cho. Khi làm rể, Đào Duy Từ đã năm mươi tuổi.

Sở dĩ chúng tôi phải nói cặn kẽ về lai lịch của danh sĩ họ Đào vì ông là người có công lớn trong sự nghiệp Nam tiến của dân tộc sau này.

* * *

Vậy thì, năm 1625, vào yết kiến Chúa Sãi, Đào Duy Từ đã 55 tuổi. Chúa phán:

_ Ta nghe hiền sĩ vào Đàng Trong này đã lâu, ắt đã nhận thức rõ ràng về tình thế bản trấn. Thì đấy, Đàng Ngoài không ngớt tìm phương đánh phá, đó là mối lo tâm phúc. Còn đối với Chiêm thành thì từ khi nhà Trần mở mang hai châu Ô Lý, vẫn chưa lúc nào yên. Hôi trăm năm trước, đức Thánh Tông bản triều đã đem quân vào dẹp loạn, bắt sống vua Chiêm, lấy đất từ núi Thạch Bi lập ra tỉnh Quảng Nam, cho khắc thơ vào Bia Đá để kỷ niệm. Tưởng đã yên, ngờ đâu người Chiêm trí trá, sớm đầu tối đánh, tình trạng vẫn là bất ổn, cho đến tận ngày nay. Ta đã đọc bài Ngọa long cương của hiền sĩ. Ví mình với vị đại quân sư, ắt hiền sĩ đã có sách lược giúp ta cứu dân độ thế chứ?

- Khải chúa, tiểu dân đâu dám có cao vọng làm điều gì hơn người xưa. Người xưa đề ra sách lược "bắc cự Tào Tháo, nam hòa Tôn Quyền" thì nay ngu kế của tiểu dân là "bắc cự họ Trịnh, nam hòa Chiêm Thành."

- Sách lược này thật là thấu đáo, rất hợp ý ta. Song điều quan trọng là phương cách thực hành sao cho có hiệu quả...

- Khải chúa thượng, về việc chống cự với phương bắc, tiểu dân nghĩ thượng sách là đắp một lũy ở Phong Lộc, ngoài Quảng Bình, sau đó đắp thêm một lũy nữa cao hơn và dài hơn, từ cửa Nhật Lệ đến mũi Đâu Mâu. Quân Trịnh có mọc cánh mới hòng qua được. Còn phần "nam hòa Chiêm Thành" thì tiểu dân trông cậy ở lòng nhân ái của chúa công, để mở rộng vòng giao hiếu với lân bang, trao đổi lấy sản vật cần thiết và nhất là thêm chỗ trú chân và nương tựa cho đám dân đến với chúa mỗi ngày một thêm sầm uất. Như vậy, mục đích cuộc Nam hòa là mượn đất, mượn chứ không phải chiếm. Người Chiêm có tính hiếu chiến, nhưng lại quen mùi lười biếng. Đánh vào điểm yếu ấy, ta đem chăm chỉ ra làm gương. Mượn khoảng đất nào, ta ra công cầy cấy vun sới, tự lực cánh sinh. Họ trông thấy kết quả, muốn theo thì tự ý, ta không ép buộc. Ta sẽ lấn dần bằng cách ôn hòa, không phải dùng chi đến sức mạnh cho tốn công...

Nghe đến đây, Chúa Sãi đứng lên, mặt mày hớn hở, ra hiệu cho Đào tới ngồi cẩm đôn bên án thư, và phán:

- Lời trình bày của tiên sinh thật là khuôn vàng thước ngọc. Sao tiên sinh lại đến với ta muộn màng quá vậy?

Rồi chúa vời các quan chức hiện diện đến và tuyên bố:

_ Đào tiên sinh đây, ta tôn là bậc thày. Vậy từ nay mỗi khi tiếp xúc, không ai được gọi tên mà phải thưa với tiên sinh bằng tiếng "thày." Và ngay bây giờ, ta phong thày chức Nha úy Nội tán, tước Lộc Khê hầu, kiêm quản việc quân cơ...

Từ đó, Đào đứng ra đốc thúc việc xây lũy. Ròng rã hai năm mới xong lũy Trường Dục ở Phong Lộc, rồi phải khó nhọc bốn năm nữa mới hoàn thành lũy Thày bề cao một trượng, dài 300 trượng.(1)

Đào chăm lo đôn đốc việc đắp lũy. Đường đất diệu vợi mà không nề vất vả, thường đến tận nơi, nhìn tận mắt, cắt đặt mọl việc một cách chu đáo và hữu hiệu, khiến dân phu tâm phục mà gắng sức, nên công việc tiến triển không nhanh chóng nhưng chắc chắn..

Đôi lúc được về nhà nghỉ mệt, trước hết họ Đào vào hầu chúa để thăm thưng về hiện tình giao hảo với lân bang. Và Đào phấn khởi thấy mọi việc diễn ra tốt đẹp phần lớn là do lòng nhân hậu và thái độ ôn hòa, cởi mở của chúa dễ khiến mọi người cảm thông, vui vẻ hưởng ứng. Chẳng mấy chốc, cuộc giao thương trở nên cần thiết cho mọi người. Rồi người Chiêm thường sang trú ngụ bên ta cho dễ làm ăn, dân ta cũng mướn nhà bên đất họ để mở cửa hàng hay trồng trọt. Sự thân thiện này dần dà lôi cuốn cả phía Chân Lạp ở dưới xa vào vòng ảnh hưởng, nên mỗi khi thuận gió mùa, nhiều thuyền Chân Lạp tìm đến cửa Thuận An, đem những của ngon vật lạ trong Nam ra đồi lấy vải vóc và nông cụ.

Từ quen rồi đến mến. Một hôm khâm sai của vua Chân Lạp Chay Chetta II tới phủ, dâng quốc thư lên Chúa Sãi, thỉnh cầu mở cuộc bang giao giữa hai nước và nếu không có gì trở ngại thì vua Chân Lạp sẽ làm lễ tương kiến. Nguyên vua Chey-Chetty II này lúc nhỏ ở dưới quyền đô hộ của vua Xiêm, lớn lên thấy như bị áp bức khó chịu, nên tính liên lạc với Chúa Nguyễn ở phía Đông, phòng khi có biến. Chúa Sãi chấp thuận ngay. Hai bên hẹn ngày rồi hôm vua Chân Lạp tới Thuận An, một đội binh sĩ dàn chào và tiền hô hậu ủng đưa vào phủ chúa. Ở đây đã chăng đèn kết hoa, sẵn bày yến tiệc, chúa cùng đình thần ân cần niềm nở tiếp đãi vị thượng khách trong tiếng đàn sáo du dương. Ông vua nước bạn chừng ngoài hai mươi lăm tuổi, cử chỉ đĩnh đạc nhưng khiêm tốn, trong khi đối đáp với Chúa Sãi qua người thông dịch, trông vẻ thản nhiên như không chú ý đến hai thiếu nữ đứng sau chúa để điều khiển bữa tiệc: ấy là hai công nương Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, hai gái yêu của Chúa, tuổi chừng mười tám đôi mươi, da trắng tóc dài, dáng dấp thướt tha, mỗi khi sai bảo quân hầu tiếng nói khi nặng khi thanh, lên bổng xuống trầm, tuy ông không hiểu nghĩa nhưng cũng thấy vui tai thích thú.

Đến khi bãi tiệc, đoàn kî sĩ lại hộ tống vị vua trẻ về thuyền để hôm sau hồi quốc.

Chưa đầy một tháng, đã thấy sứ giả Chân Lạp dẫn đầu đám tùy tùng chở đến phủ chúa từng gánh quả phẩm, soài, măng cụt, sầu riêng, cùng hai cặp ngà voi và hai tấm da hổ, vào yết kiến Chúa, dâng lời thỉnh cầu của vua Chân Lạp xin đón công nương Ngọc Vạn về làm hoàng hậu vì ngôi hoàng hậu Chân Lạp chẳng may đã vắng người năm trước đó rồi. Chúa Sãi ngần ngừ, không muốn ép con vì biết con khó ưng đi một nơi xa lạ, sống với những người nước da bánh mật, râu tóc bờm xờm, nên quay lại nhìn Đào, Đào lựa lời dịu ngọt khuyên nhủ công nương:

- Thấy công nương dùng dằng, có vẻ không được như ý, thày rất thông cảm. Ở đời ai chẳng muốn sống yên vui bên người thân yêu nơi quê cha đất tổ. Chỉ tại họ Trịnh tàn ngược mà chúa chúng ta phải chống lại và chuẩn bị cầm cự lâu dài, còn việc cần ngay bây giờ là lo an toàn cho con dân nơi Đàng Trong này.

Họ vì mến đức mà theo vào ngày một thêm đông. Chúa phải tính sao đây? Tất là phải hòa hoãn với phía nam. Là vì, như công nương thấy đấy, từ Quảng Bình vào đây đất sỏi khô cằn, nguồn lợi chỉ trông vào rừng với biển, vậy phải tìm nơi mình có thể duỗi chân được mới là kế vẹn toàn.

Nay mà công nương lên ngôi hoàng hậu nước Chân Lạp thì là một việc rất vui mừng. Hai nước giao hảo với nhau sẽ lợi cho cả đôi bên, về an ninh cũng như về thông thương, có khi còn về binh bị nữa, nếu có sự bất trắc xảy ra. Còn về việc trước mát thì một số con dân được theo hầu công nương sẽ tìm cách làm ăn, đỡ một phần lo cho chúa thượng. Huống chi, nghĩ cho cùng thì ba trăm năm trước đây, công chúa Huyền Trân đời nhà Trần tuy đã nghĩ ngợi như công nương bây giờ, mà rồi cũng ngả theo quyền lợi của đất nước nên ngày nay chúng ta mới được yên chỗ nơi sông Hương núi Ngự này. Mong công nương ưng thuận đi cho, để chúa thượng vui lòng...

Công nương Ngọc Vạn ngẩng nhìn, thấy mái đầu chúa đã điểm bạc, thì lẳng lặng cúi xuống, hai má đỏ bừng. Thế là việc hôn nhân được quyết định và lễ cưới được xúc tiến ngay. Phủ Chúa tưng bừng rộn rịp trong quanh cảnh tráng lệ huy hoàng, khiến nhân dân cũng nức lòng hưởng ứng việc vui hiếm có.

Riêng công nương Ngọc Vạn thì giọt lệ lúc lạy chào cha mẹ không phần nào "lấy lệ" như của những thiếu nữ ngày vu qui, mà trái lại, chua xót thiết tha trước viễn tượng một người chồng xa đường khác giống và một tương lai mơ hồ, nhưng nghĩ đến nhà đến nước, phải quyết tâm với một chữ "đành."

* * *

Tin vua Chân Lạp kết thân với Chúa Sãi chẳng mấy lúc đã đến tai vua Po Rome ở kinh thành Đồ Bàn (tức là Vijaya, Bình Định.) Thấy mình lẻ loi, cần hợp tung với Chân Lạp và Việt, vua vội vàng ra yết kiến Chúa Sãi nhân tiện thắt một dây liên lạc lâu bền, thỉnh cầu được đem ngôi hoàng hậu Chiêm Thành hiến công nương Ngọc Khoa.

Chúa Sãi cũng do dự chưa quyết thì Đào Duy Từ lại dâng lời khả phủ, lần này không phải nói nhiều, vì công nương Ngọc Khoa thấy chị được vinh quang, cũng nhẹ nhàng ưng thuận. Và một đám cưới nữa không kém uy nghi long trọng được tồ chức, rồi công nương Ngọc Khoa, bây giờ là hoàng hậu Ngọc Khoa, xuống thuyền trực chỉ Đồ Bàn cùng một đám đông người Việt theo hầu. Hoàng hậu vào cung, không khỏi ngạc nhiên: có đến năm chục cung nữ quỳ gối làm lễ chào mừng. Nhưng bà yên lòng ngay: nước da ngăm ngăm và dáng dấp quê kệch này lụa là son phấn nào che dấu được mà hòng đương đầu với nụ cười của đất Kim Long! Quả nhiên, "má hồng không thuốc ma say," vua Po Rome từ đây chỉ quanh quẩn bên mình bà hoàng hậu mới. Đôi khi muốn tránh sự đòi hỏi của vua, bà giả đau, lót ít bánh tráng dưới nệm rồi nằm lên vặn mình cho kêu sột soạt, vua thấy ái ngại lại càng săn sóc nâng giấc hơn.

Bên nhau ròng rã hai chục năm trường, vua Po Rome không những một lòng chung thủy với hoàng hậu lại còn thần phục nhà Chúa nữa, năm năm triều cống không chút đơn sai. Tiếc thay, đến năm 1651 , phe đảng chính trị và tôn giáo xung đột nhau, một cuộc nội chiến xảy ra, vua và hoàng hậu bị sát hại. Chúa Hiền phải đem quân vào cứu, dẹp tan rồi phải đặt người Việt giữ đất trị an. Từ đó, Chiêm thành sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam thành những tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Qui Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết.

Về phía Chân Lạp, hoàng hậu Ngọc Vạn được vua Chey Chetta II sủng ái, lại vốn là người đức hạnh và thông minh nên rất được nhân dân kính trọng. Nhớ lời dặn của Chúa và của Thày, bà tìm mọi cách giúp đỡ cho người Việt được tới khai khẩn đất đai trong vùng lưu vực sông Đồng Nai thành những ruộng đồng phì nhiêu. Lại cho họ lập ấp, lập làng, mở lớp dạy chữ nho, xưởng làm công nghệ... Có khi bà còn đặt họ vào những chức vụ quan trọng trong triều. Sự xâm nhập của người Việt mỗi ngày thêm sâu rộng vào đất nước Chân Lạp là do sự giúp đỡ khôn khéo và kín đáo của hoàng hậu Ngọc Vạn.

Trong hoàng gia bấy giờ có ba hoàng tử: người lớn nhất, Rama Thuppday Chan là con hoàng hậu người Chân Lạp, hai người sau là con bà Ngọc Vạn: Batom Racha và em là Chetta III. Khi vua Chey Chetta II băng, bà Ngọc Vạn đương nhiêu trở thành thái hậu, thái tử Rama Thuppday Chan lên nối ngôi.

Vị vua mới này ít lâu sau cưới một công chúa Mã Lai rồi ngả theo đạo Hồi. Thái hậu can ngăn vì bà vốn là một Phật tử thuần thành, ngại Hồi giáo gây ảnh hưởng không hay cho người đồng hương, nên bà âm thầm cho người ra Kim Long vời Hiền vương là cháu gọi bà bằng cô, vào Nam để bàn mưu truất phế Rama Thuppday Chan và phò hoàng tử Batom Racha lên ngôi.

Batom Racha ở ngôi được 12 năm thì bị ngay em mình, Chetta III, nổi lên làm phản và sát-hại. Thế là trong nước rối loạn, phe này dựa thế vua Xiêm, phe kia theo phò chúa Nguyễn, kình địch nhau, gây náo loạn khắp nơi tháng này qua năm khác, làm nhân dân điêu đứng, chán nản, cuối cùng quy về một mối, do họ Nguyễn lãnh đạo, trải qua bao cay đắng mới đừng chân được ở đất Hà Tiên năm 1714.

Hiện nay, nhiều tỉnh còn giữ tên cũ khi thuộc thủy Chân Lạp: Sa đéc, Sóc trăng, Châu đốc, Bà rịa... Ngay cả tên Sài Gòn, nhiều người đoán phỏng: Thầy ngòn (Đê ngạn đọc lối Tàu) Sấy Công (Tây cống theo tiếng Tàu.) Hơn nữa, nhiều nơi còn theo mẫu hệ, đặt tên con theo họ mẹ, mặc dầu bố mẹ có ký hôn thú.

* * *

Tính ra, từ Trần Nhân Tông xướng xuất, Đào Duy Từ đôn đốc, rồi ba vị hương sắc quê mình: công chúa Huyền Trân, công nương Ngọc Khoa và nhất là công nương Ngọc Vạn, mở lối cho biết bao nhiêu đồng bào hăng hái "sang miền khách địa, chung nỗi phân ưu, khơi sông bắc cầu, riêng phần lao khổ” (3) từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18, năm trăm năm trường mới hoàn thành cuộc nam tiến của dân tộc.

Từ Hà Tiên, vạch một đường cong qua Cà Mau rồi ra Huế, ráp với đường cong trước từ Huế đi Hà Nội, lên Cao Bằng vòng ra ải Nam Quan, ta sẽ vẽ ra một chữ S cân đối và duyên dáng, ưa nhìn nhất giữa các nước trên bản đồ Đông Nam Á châu.

Lãng Nhân - Hương sắc quê mình

____________________

Chú thích:

Lũy Thày, sau này được vua Minh Mạng đặt tên là Định Bắc trường thành. Nhờ lũy này mà nhà Nguyễn thắng nhà Trịnh năm Mậu Tí 1648, Ất Mùi 1655, Đinh Mậu 1657.

Xem bài Châu ngọc chốn kinh kỳ, Tôn Thất Lệ Vân, đặc san Tiếng sông Hương, Dallas 1990.

Bài Tế Trận vong tướng sĩ của Nguyễn Văn Thành.
PC
#2 Posted : Monday, February 18, 2008 9:03:24 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Công nữ Ngọc Vạn,

người không có "truyện" trong sử nhà Nguyễn
___________

Bùi Thụy Đào Nguyên

Hơn ai hết, Ngọc Vạn thấu hiểu dãi đất miền Trung, nơi bà đã sinh trưởng & lớn lên, cuộc sống khốn khó như thế nào. Cho nên dù tuổi mới đôi mươi lại phải dấn thân đến chốn đất khách quê người rồi lâm cảnh chồng chết sớm, con trẻ bị giết hại, triều chính đầy dẫy những thế lực cùng tham vọng mù quáng, đen tối... trái tim bao dung, không bao giờ biết vun vén ấy; phải luôn dằn nén mọi nỗi đau riêng để hoàn thành sứ mạng vì dân tộc của mình.


I . Nước non ngàn dặm ra đi...

Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, do Hội đồng Nguyễn Phúc tộc ấn hành năm 1995 cho biết vào năm 1620 Sãi vương đã gả người con gái thứ nhì là Nguyễn Phúc Ngọc-Vạn cho vua Chân Lạp là Chey-Chette II (trị vì: 1618-1628).

Thế rồi người con gái trẻ ấy phải đến sinh sống nơi vương quốc xa lạ.

Ấy vậy mà trong thời gian ngắn, cô vợ mới xinh đẹp rất được ông vua chồng yêu quí vì đức hạnh,vì khôn khéo; và bà trở thành hoàng hậu với vương hiệu Somdach Prea eaccayo dey Preavoreac Ksattecey.

( trước đây có một số sách gọi là công chúa, nhưng xét ra bà chỉ là con của chúa, nên gọi là công nữ thì đúng hơn)

Cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn cho thấy rõ cả hai bên Đàng Trong và Chân Lạp đều muốn tựa vào nhau để cùng tồn tại:

Vua Chey-Chetta II muốn cầu thân với để chống lại áp lực của Xiêm La (Thái Lan).

Còn Sãi Vương ( 1563-1635, ở ngôi: 1614-1635) là chúa Nguyễn thứ 2 của chính quyền Đàng Trong, thời nhà Hậu Lê, lúc đó mới lên cầm quyền, tình hình đối kháng với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài bắt đầu căng thẳng.

Những tin tức về sự lớn mạnh của người Xiêm, sự dòm ngó của người Tây phương làm cho nhà chúa càng thêm lo ngại. Vì lẽ đó, vương gả con gái yêu của mình để tạo mối quan hệ thân tình, thế phên giậu, đồng thời cũng để hướng đến một tương lai xa cho đất nước, cho dân tộc hãy còn nghèo khó...

II . Dù đường thiên lý xa vời...

(Dẫn đường cho người Việt mở đất về phương nam lần thứ nhất)
Nhiều tư liệu tường thuật việc hôn nhân này, đại để đều có chung nội dung như sau :

"Vua Chân Lạp Chey Chetta II muốn tìm một đối lực đủ mạnh để chống lại lân bang Xiêm La thường gây hấn kia, nên năm 1620 ông đã xin cưới một công nữ, để nhờ cậy sự ủng hộ của triều đình Thuận Hóa ...

Khi tới quê mới, Ngọc Vạn đã đem theo nhiều người Việt, trong đó có người được giữ chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Bà cũng cho lập xưởng thợ, mở các nhà buôn gần kinh đô Oudong/Phnompenh cho họ sinh sống.

Ngoài ra, chúa Nguyễn còn gửi quân lính, thuyền chiến & vũ khí sang giúp.

Và thực tế, Sãi vương đã hai lần giúp Chey Chetta II đẩy lui quân Xiêm xâm lược. Đổi lại, vua Chân Lạp cho phép lưu dân người Việt đến lập nghiệp trong mấy tỉnh thưa dân phía đông nam vương quốc.

Và ba năm sau cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn, Sãi Vương cử một sứ bộ sang xin vua Chey-Chetta II nhượng khu dinh điền ở vùng Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay. Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp lại đồng ý cho người Việt đến đó canh tác.

Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, và Mô Xoài chính là bàn đạp để người Việt tiến dần xuống phía nam vì cuộc mưu sinh.

Sau này, khi cư dân Việt ngày một đông đúc, làm ăn phát đạt, chúa Nguyễn mới xin lập ra sở thuế, cử tướng lĩnh đến đóng đồn giữ gìn an ninh, trật tự.

Bấy giờ, nhân dân ta gọi đấy là vùng "Đàng Thổ" ( để phân biệt với xứ Đàng Trong), triều đình chúa Nguyễn thì gọi là Đông Phố.

Vào năm 1698, thời điểm mà Nguyễn Hữu Cảnh đến kinh lược,theo kê biên sổ đinh, cả vùng Sài Gòn, Đồng Nai có khoảng 40 ngàn hộ, ước lượng 200 ngàn dân.

III . Phía sau ngai vàng là máu

(Dẫn đường cho người Việt mở đất về phương nam lần thứ hai)

Chồng Ngọc Vạn, vua Chey-Chetta II từ trần năm 1628.

Từ đó triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra những cuộc tranh chấp ngôi báu đẫm máu giữa các hoàng thân.

( trước mắt của người biên soạn bài này là năm bảy bộ sử, việt có khơme có; dù lòng muốn hệ thống lại, vẫn thấy khá rối rắm vì tên vua, tên hiệu các sách phiên âm hơi khác, vì sự chồng chéo mối quan hệ gia tộc và còn vì ngôi vị cứ thay đổi liên tục; nên ở bài viết này tôi chỉ xin nhắc đến giai đoạn nào có liên quan đến đề tài mà thôi)

Chey Chetta II chết để ngôi lại cho Ponhea To hay Ang Saur .

Ang Saur chết, để ngôi lại cho em là Ponhéa Nou.

Nou cai trị, có chú ruột là Prea Outey, trước kia đã là phó vương cho Chey Chetta II làm phụ chánh.

Đến năm 1640, Nou bị giết, Outey phải đưa con mình lên ngôi, tức là Ang Non I.

Hai năm sau, người con thứ 3 của Chey Chetta II (mẹ người Lào) là Chant nổi lên, với sự hổ trợ của người Chiêm và nhứt là người Mã Lai giết phụ chánh Prea Outey và Ang Non I, cướp ngôi vua, lấy tên là Nặc Ong Chân, lập Hoàng hậu là một Công chúa người Mã Lai theo đạo Hồi (Islam) và cai trị trong 17 năm (1642-1759).

Trong thời gian này, tại Chân Lạp có rất nhiều người Chiêm và Mã Lai đến sinh sống, ( từ Chiêm Thành chạy qua để trốn giặc giã ). Vì vua vừa theo đạo mới, nên nhóm người này được ưu đãi. Điều này đã gây bất bình trong hoàng tộc cũng như dân chúng ( cầm đầu là Hoàng Thân So và Ang Tan ). Theo lời khuyên của Thái Hậu Ngọc Vạn, họ sang xin chúa Nguyễn trợ giúp.

Chúa Hiền, cháu kêu thái hậu Ngọc Vạn bằng cô ruột, cho quan Khâm Mạng Trấn Biên dinh Phú Yên là Tôn Thất Yến đem 3000 quân qua giúp bắt được Nặc Ong Chân tại Mô Xoài ( Bà Rịa) vì cớ "phạm biên cảnh", cho giải về Quảng Bình, nên "người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì." (Trịnh Hoài Đức,Gia Định Thông Chí, trung, tr.7)

Con trai thái hậu Ngọc Vạn được chúa Hiền tôn làm quốc vương Chân Lạp: Batom Réachea Pontana Reja. ( tức Pon Héa So, trị vì 1660-1672). Năm 1658, để tạ ơn, triều đình Chân Lạp hợp thức hóa chủ quyền của nhà Nguyễn tại Đồng Nai. (người Việt mở đất về phương nam lần thứ hai)

Năm 1672 Pon Héa So ở ngôi được 12 năm thì bị người cháu vừa là con rể giết cướp ngôi.

Nhưng rồi vua nầy cũng lại bị vợ và con cả của Pon Héa So giết lại. Con cả này lên ngôi vua mà sử Việt gọi là Năc Ong Đài (1673-74).

Trớ trêu, năm 1674 Nặc Ong Đài dựa thế lực người Xiêm mang quân lấn ép vùng Đồng Nai, xây đấp công sự kiên cố ở Mỗi-xuy, làm xiềng sắt giăng ngang sông Mékong

Lưu dân người Việt kêu cứu triều đình chúa Nguyễn lúc đó đóng đô ở Kim Long. Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần sai các tướng Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Diên Thái và Văn Sùng mang quân tới tận Oudong hỏi tội. Năc Ong Đài bỏ thành chạy vào rừng, để rồi bị thuộc hạ đâm chết.

Theo Huỳnh Văn Lang viết trong quyển Công Chúa Sứ Giả, thì:
Sau khi Năc Ong Đài mất, Còn lại Ang Tan và Ang Non, hai con của Pon Héa So (cũng là cháu của Ngọc Vạn). Ang Tan chết bệnh, Ang Non là Năc Ong Nộn lên ngôi vua.

Nhưng chỉ 5 tháng sau, tức là cuối năm 1674, em của Nặc Ong Đài là Năc Ong Thu kéo quân đánh lại Nặc Ong Nộn.

Năc Ong Nộn chạy về Sàigon, kêu cứu với chúa Nguyễn.

Chúa Nguyễn giải quyết vấn đề "nồi da xáo thịt" nầy bằng cách nhìn nhận cho Năc Ong Thu làm Chánh vương vì là thuộc dòng nhà bác, đóng đô ở Phnom pênh, cho Nặc Ong Nộn làm Obareach, tức là Đệ nhị vương, đóng đô ở khu vực gò Cây Mai...

Cả hai vị vua Chân Lạp đều phải triều cống xưng thần với chúa Nguyễn tại Kim Long. Vua Nặc Ong Nộn ở Sài Gòn đến khi chết năm 1691 thì toàn quyền cai trị tại đây thuộc về chúa Nguyễn

(Có sách cho rằng Ang Non tức Nặc Ong Nộn con trai thứ của bà Ngọc Vạn. Người soạn không đồng thuận, vì nhiều sách đều nói 2 ông này chỉ vào hàng cháu của Ngọc Vạn)

IV . Tạm lý giãi vì sao sử triều Nguyễn không nói đến Ngọc Vạn

-Bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên, khi ghi chép về các con gái của Sãi Vương, đến mục "Ngọc Vạn", "Ngọc Khoa"(sẽ có bài riêng) đã ghi rằng: "Khuyết truyện" tức thiếu truyện, nghĩa là không có tiểu sử.

-Trong "Généalogie des Nguyễn avant Gia Long" (Phổ hệ nhà Nguyễn trước Gia Long) của Tôn Thất Hân và Bùi Thanh Vân (Bulletin des Amis de vieux Huế, năm 1920) cũng ghi tương tợ :

"Ngọc Khoa con gái thứ của Sãi vương, không để lại dấu tích.
Ngọc Vạn con gái thứ của Sãi vương, không có dấu tích gì về Ngọc Vạn"

May thay, sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, ấn hành năm 1995 có biên chép đôi điều, nhờ vậy ta mới có những thông tin như sau :

Nội chiến Trịnh Nguyễn bùng nổ tại Bố Chánh năm 1627. Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên Theo chính sách nhà Trần, gả 2 con gái cho vua Chân Lạp & Chiêm Thành để việc ngoại giao được ổn định ở phía Nam, vì phiá Bắc phải đương đầu chống lại với Chúa Trịnh.

* Năm canh thân 1620 bà Ngọc Vạn được đức Hy Tông sãi vương gã cho vua Chân lạp là Chey Chetta 2.về sau nể tình bà. Vua Chân lạp cho người Việt lập dinh điền tại Mô xoài Bà riạ

* Năm tân mùi 1631 bà Ngọc Khoa được đức Hy tông gả cho vua Chiêm thành lá Pôrômê. Nhờ có cuộc hôn phối nầy mà tình giao hảo giữa hai nước Việt Chiêm tốt đẹp

Có nhiều ý kiến về việc không biên chép này, ở đây tôi xin được tóm gọn thành 3 ý :

-Vì công cuộc mưu sinh cho dân tộc, vì thế "môi hở răng lạnh" và cũng vì để theo dõi hoạt động của các nước chung quanh, nhất là sự thường xuyên xâm lấn của người Xiêm La (ngườiTây phương cũng bắt đầu dòm ngó vùng Đông Nam Á), nên Sãi Vương không muốn làm ồn ào hai cuộc hôn nhân nầy, mà chỉ lặng lẽ tổ chức hôn lễ, nên sử quan nhà Nguyễn suy tính thấy không nên viết ra.

-Có thể vì ngày trước, nhiều vương triều Việt có cái nhìn hơi xem thường người Chiêm Thành, Chân Lạp. Do vậy, chuyện chẳng hay ho gì mà ầm ĩ, nhất là từ khi công chúa Huyền Trân đi vào sử sách với những giai thoại buồn tủi, với những vần thơ chua chát, mai mỉa như: " Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho người mán, người Mường nó leo!"; có thể vì lẽ đó các sử quan được lệnh né tránh việc biên chép.

-Có lẽ do tư tưởng phong kiến "nữ nhân ngoại tộc" nên mới có tình trạng không ghi chép.

-Người soạn nghiêng theo ý đầu, vì xét thấy ý sau chưa ổn lắm, bởi nhiều triều đại trước,việc nhà vua gả con cho vua chúa lân bang, cho những thủ lĩnh các châu miền xa xôi trong nước nhầm củng cố mối giao hảo, thế phiên giậu đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử

Như vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, Chiêm Thành. Năm 1286, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi đánh rất gấp, quân ta tan vỡ.Triều đình phải sai người đưa công chúa An Tư - em gái út của Thánh Tôn - đến cho Thoát Hoan để xoa dịu hắn.

Năm 1036, Lý Thái Tôn, gả công chúa Kim Thành cho châu mục Phong Châu là Lê Tông Thuận, gả công chúa Trường Ninh cho châu mục Thượng Oai là Hà Thiên Lãm vv...

Thế nhưng sử sách không hề che giấu. ( ngay cả trong lịch sử Trung Quốc việc tương tợ cũng đã xảy ra không ít lần, mà câu chuyện công chúa Văn Thành thời nhà Đường phải đến làm dâu xứ Tây Tạng, Vương Chiêu Quân thời nhà Hán phải chịu cống Hồ... là hai ví dụ điển hình).

Còn nếu vì nữ nhân ngoại tộc nên sử sách không ghi, người soạn e rằng không phải. Sãi Vương có 4 người con gái, sách sử ghi khá tường tận 2 cô lấy chồng Việt kia mà...

Tuy nhiên để có câu trả lời thật thỏa đáng, thiết nghĩ ta phải chờ Hội đồng Nguyễn Phúc tộc, các nhà sử học nghiên cứu thêm

V . Người soạn xin góp ý về một trang viết trích trong quyển "Công Chúa Sứ Giả " của Huỳnh Văn Lang, do chính tác giả xuất bản tại California, năm 2004.

Trích nguyên văn:

Ngọc Vạn Công chúa sinh ở đâu và ngày nào, không sách sử nào nói. Nhưng người viết tìm lại những năm tháng liên hệ thì có thể cũng biết được phần nào. Ví như Công chúa đi lấy chồng là năm 1620, thì có thể nói là lúc bấy giờ Công chúa vào khoảng 16, 17 tuổi...

...Ngọc Vạn Công chúa ăn ở với Chey Chetta đã 17, 18 năm rồi, Công chúa có con với Chey Chetta không? Không thấy sử Chân Lạp, sử ta nói là Công chúa có con với Chey Chetta II. Người viết luôn luôn thắc mắc tìm hiểu về vấn đề đó và thật là may mắn khi bắt gặp bài viết của Hương giang Thái văn Kiểm. Dựa theo sách " L'Indochine du Sud", của Cl. Madrolle, xuất bản năm 1926 tác giả đã viết như sau:

"Sau khi Chey Chetta mất, liền xảy ra việc tranh quyền giữa chú và cháu. Chú là Prea Outey, em ruột của Chei Chetta II, giữ chức Giám quốc (abjoréach) và cháu là Chau Ponhéa To, con của Chetta II và bà Công chúa Việt nam.

"Cháu Ponhéa To là một vị hoàng tử Miên-Việt rất thông minh và đã được giáo huấn rất chu đáo. Vua Chei Chetta khi còn sống định cưới cho hoàng tử nường Công chúa Ang Vodey. Nhưng chẳng may, khi ngài vừa mất thí Préa Outey, tức là chú ruột của hoàng tử, lại cưới nường công chúa Ang Vodey trong khi hoàng tử còn phải trường trai trong tu viện.

"Sau khi rời tu viện, Chau Ponhéa To lên ngôi Chân Lạp và trong một buổi tiếp tân trông thấy Ang Vodey liền đem lòng cảm mến và sau đó hai người cũng thương trộm nhớ thầm một cách tha thiết. Công chúa bèn trốn chồng bỏ nhà ra đi theo vua vào rừng săn bắn. Ông chú là Préa Outey biết được liền rượt theo và giết chết cả hai người".

Thật là họa vô đơn chí! Chồng chết, rồi con bị giết, thì người vợ người mẹ phải thế nào? Không biết Ngọc Vạn Công chúa phải đau khổ biết bao và còn cảm thấy bơ vơ ở xứ người.... "

Xin nêu điều nhầm lẫn : ngay phần đầu, tác giả đã xác định đúng thời điểm Ngọc Vạn đi lấy chồng là năm 1620 rồi ở đoạn sau, ông viết: Năm 1628 Vua Chey Chetta băng hà đang tuổi thanh xuân, chưa đầy 40.

Như vậy từ 1620- 1628, mới có 8 năm chung sống thì làm gì có đứa con nào của Ngọc Vạn đủ lớn để xảy ra thảm kịch trái khoáy ở chốn cung đình kia ? Cho nên có thể quả quyết, vị hoàng tử vắn số này là con của một bà vợ Việt nào đó của vua Chey Chetta, mà ta chưa có điều kiện để tìm hiểu tận tường.

Qua những dòng tư liệu ít ỏi vừa kể, ta biết chắc Ngọc Vạn có 1 người con trai. Và theo 2 tư liệu sau, ta biết bà có thêm 1 gái.

a."Công chúa Ngọc Vạn", tr 89-95, của Lương Văn Lựu trong sách Biên Hòa sử lược toàn biên ,q.II, do tác giả tự xb năm 1973:

"Đến năm 1624, bà lại sanh thêm một gái lấy tên là Néang Nhéa Ksattrey..."

b.Theo http://hue.vietnamnet.vn/chuyende/2005/12/117013/ :

Năm 1624 Ngọc Vạn sinh hạ một hoàng nữ và sau khi chồng qua đời, vẫn ở lại để che chở, giúp đỡ đồng bào.

VI . Bước đi... có vào lòng muôn dân?

Theo câu chuyện chia tách trên cùng vài truyền thuyết trong dân gian thì Ngọc Vạn về lại đất Việt sống cho đến cuối đời. (phần thuộc quyền cai quản của Nặc Ong Nộn ; và thành quách , cung điện của ông phó vương này ngày trước nằm trên vùng đất cao ráo từ đồi Cây Mai đến vùng Phú Thọ , Tp HCM hiện giờ)

Có thể khi bà mất, thân xác mà cả đời chỉ biết cống hiến, được hỏa thiêu theo phong tục nhà chồng ( người Chân Lạp chọn Phật Giáo tiểu thừa làm quốc giáo).Có thể rồi chút tro than kia cũng đã tản mát sau nhiều cơn binh lửa, nên bây giờ ta không thể tìm thấy dấu vết ?

Với lòng biết ơn của một người sinh sau đang sống bình yên, nơi mà bà & bao thế hệ cha ông đã dày công mới có được; khiến tôi day dứt khi đọc được câu: Năm 1624 Ngọc Vạn sinh hạ một hoàng nữ và sau khi chồng qua đời, vẫn ở lại để che chở, giúp đỡ đồng bào.

Ngẫm xưa nay, đâu phải ai sống trong cảnh son vàng đều có được tấm lòng ấy?. Bởi vậy, tôi đã nhờ Google để tìm xem người đời có lấy tên Ngọc Vạn để đặt tên cho đường phố, trường học hoặc nhà lưu niệm, tượng đài nào không; thì tôi chỉ gặp duy nhất một nơi liên quan đôi chút đến bà. Đấy là Chùa Gia Lào ở núi Chứa Chan, Đồng Nai.

Tương truyền chùa do công nữ Ngọc Vạn xây nên.Cũng có người bảo, đấy là do người dân thời bấy giờ tự quyên góp tiền của, để có nơi tưởng nhớ công ơn bà.

VII . Thay lời kết

Ngọc Vạn, người công nữ đức hạnh & xinh đẹp này, đã hai lần dẫn đường cho người Việt mở đất về phương nam. Lần thứ nhất sau cuộc hôn nhân năm 1620, lần thứ nhì trong cuộc tranh chấp nội bộ vương quyền Chân Lạp năm 1658, thời trị vì của Batom Reacha Pontana Reja ( tức hoàng thân So, con Ngọc Vạn )

1/Nguyễn Lệ Hậu ở Phân viện chính trị HCM tại Đà Nẵng, đã có nhận định xác đáng như sau :

"Việc giữ gìn biên cương và mở mang bờ cõi luôn là ước vọng lớn lao của hầu hết các đấng quân vương, và trong suốt thời gian trị vì của mình các bậc đế vương đã không ngừng khai thác bằng hầu hết những khả năng và biện pháp vốn có.

Ở đây, vấn đề hôn nhân nhằm mục đích chính trị đã đóng một vai trò không nhỏ trong việc mở mang bờ cõi, nhất là trong công cuộc Nam tiến. Trong đó các cành vàng lá ngọc đã đóng một vai trò nhất định, nước mắt má hồng đã tô thắm cho từng dãi đất biên cương."


2/Để ca ngợi công ơn mở cõi to lớn của hai công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 - 1983), một nhà thơ nổi tiếng vào thế kỷ trước có làm bài thơ sau:

Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa

Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài
Nghìn xưa Trưng Triệu đã từng oai
Noi gương Khoa, Vạn, hai công chúa
Một sớm ra đi mở đất đai

Mối tình hữu nghị Việt Chiêm Miên
Thần xỉ mong sao được vững bền;
Chúa Sãi bao năm nhờ diệu kế,
Giữ miền Nam Á đặng bình yên.

Đời vốn quen dùng sức lửa binh,
Gây nhiều thảm họa khổ sinh linh.
Riêng đây ngọc lụa thay gươm giáo,
Trăm họ âu ca hưởng thái bình.

Cũng vì hạnh phúc của muôn dân
Vì nước, vì nhà, xá quản thân.
Lá ngọc cành vàng coi nhẹ bổng,
Hiếu trung cho trọn đủ mười phân.

Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
Đem thân giúp nước há nhường trai.
Vắng trang lịch sử, nào ai biết?
Người đã hy sinh vị giống nòi.

Tới nay kể đã mấy tinh sương
Mượn bút quan hoài để biểu dương:
Bà Rịa, Phan Rang ngàn vạn dặm,
Công người rạng rỡ chốn quê hương.

Và một bài thơ của Tân Việt Điểu lấy trong sách Biên Hòa sử lược của Lương Văn Lựu, Không thấy ghi tựa bài:

Ngọc Vạn, Ngọc Khoa giữ một niềm
Vì ai, tô điểm nước non tiên?
Chị lo giữ vẹn tình Miên Việt,
Em nhớ làm tròn nghĩa Việt Chiêm
Bà rịa, Biên Hòa thêm vạn dặm,
Phan Rang, Phan Rí mở hai miền
Non sông gấp mấy lần Ô, Lý
Nam tiến, công người chẳng dám quên.

Ghi chú kèm theo :

1/Một ý cần nêu để tránh hiểu lầm:

Dân tộc Việt có giành chiếm đất của người Chân Lạp không ?

(Đề mục quang trọng & không ít nhạy cảm này, người soạn chỉ nêu vắn tắt, không đi sâu vào chi tiết. Xin bạn đọc tự tìm đọc nhiều bài nghiên cứu của những tác giả có công tâm, có uy tín.)


Lý do vương triều Chân Lạp dễ dàng nhượng vùng hạ lưu sông Cửu Long, vì nguyên thủy vùng đất nầy không phải là đất của họ, mà là của nước Phù Nam (Funan) thủa xa xưa.

Và gần hơn, theo Trịnh Hoài Đức, tác giả Gia Định thành thông chí: nước Bà Lợi là Bà Rịa, nước Chu Lai là Sài Gòn ngày nay. Còn theo Nguyễn siêu, tác giả Phương Đình dư địa chí thì nước Xích Thổ & nước Can Đà Lợi chính là vùng đất Biên Hòa bây giờ vv..

( Xin bạn đọc xem chi tiết trong bài Trước khi lưu dân Việt Nam tới, đất Sài Gòn xưa thuộc cư dân nào? của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, sách Địa chí văn hóa Tp HCM, nxb Tp HCM, năm 1987)

Vì không phải là đất của mình, lại rất ít dân sinh sống, không có người đủ tài đức cai quản, nguồn lợi thu về không là bao; nên vua chúa Chân Lạp dễ dàng dùng đất nầy làm quà tạ lễ các chúa Nguyễn đã giúp họ lên ngôi, hoặc giúp họ chống lại Xiêm La.

Vả lại, trong lịch sử, chuyện cắt đất để cầu phong, để củng cố thế lực hoặc cầu bình an cho vương triều là chuyện thường xảy ra ở chế độ phong kiến. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy ví dụ trong các sách, nhất là ở sử Tàu ...

Như thế có nghĩa, người Việt đã không giành chiếm mà chỉ đến (cùng vài dân tộc khác như Hoa, Champa chẳng hạn) cộng cư với dân bản địa, đơn thuần buổi đầu chỉ là lý do mưu sinh với sự đồng thuận của cả hai vương triều.

Nhưng do tập quán sinh hoạt, canh tác của mỗi dân tộc ít nhiều có điểm khác nhau, như dân bản địa thích chọn ở nơi đất cao (giồng), trồng khoai sắn, làm ruộng chỉ cầu đủ ăn và ít muốn khai thác gì thêm; người Hoa thì thích buôn bán hơn.

Riêng người Việt,vì bấy lâu bẩn chật nơi mảnh đất miền Trung nhỏ hẹp, nghèo khó, lắm thiên tai; giờ được đứng trước vùng đất phương nam mênh mông nhiều sông nước này; nên cha ông ta với lòng hăm hở cộng thêm đức tính cần cù, không ngại khó; vì thế chẳng bao lâu nơi trước đây còn hoang vu, nhiều đầm lầy, rừng rậm, thú dữ...trở thành vô số những cánh đồng ngút ngàn màu mỡ, trĩu xanh.

Dù vậy, nhưng người bản địa không hề tỏ thái độ cạnh tranh hay thù hằn, và cũng vì thói quen sống nên họ thường lánh đi nơi khác...

Mãi về sau, năm 1698, nghĩa là đã tròn 40 năm, nếu tính từ năm1658, thời trị vì của Batom Reacha Pontana Reja ( tức hoàng thân So, con Ngọc Vạn), Minh Vương Nguyễn Phúc Chu mới cử Nguyễn Hữu Cảnh đến thiết lập chủ quyền nơi vùng đất mới để bảo vệ cuộc sống bình an, sự làm ăn mua bán của cư dân mình vì chính quyền Chân Lạp thời bấy giờ cứ liên tiếp xào xáo, không ổn định.

Vậy có thể nói gọn:

Trước mắt của người Đàng Trong là một vùng đất mênh mông hoang vu cần khai khẩn để biến nó thành kho lương thực, thành tài sản quí giá cho người dân và quốc gia.

Với lòng khao khát này, tất nảy ra"Cái khó ló cái khôn": đấy chính là kế sách "tầm ăn dâu" khôn khéo của các chúa Nguyễn, là đường lối "dân đi trước, làng nước theo sau", là tài thao lược khiến đối phương thì qui phục, dân thì tin yêu của các danh tướng như Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại vv...

Và đặc biệt hơn cả, chính là tấm lòng son của một phận má hồng: Ngọc Vạn.

Hơn ai hết, Ngọc Vạn thấu hiểu dãi đất miền Trung, nơi bà đã sinh trưởng & lớn lên, cuộc sống khốn khó như thế nào .Cho nên dù tuổi mới đôi mươi lại phải dấn thân đến chốn đất khách quê người rồi lâm cảnh chồng chết sớm, con trẻ bị giết hại, triều chính đầy dẫy những thế lực cùng tham vọng mù quáng, đen tối... trái tim bao dung, không bao giờ biết vun vén ấy; phải luôn dằn nén mọi nỗi đau riêng để hoàn thành sứ mạng vì dân tộc của mình.

2 / Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên ( 1563-1635, ở ngôi: 1614-1635) là chúa Nguyễn thứ 2 của chính quyền Đàng Trong, thời nhà Hậu Lê.

Ông còn được gọi laø Chúa Sãi, Chúa Bụt hay Phật Chúa.

Là con trai thứ 6 của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và là người đầu tiên mang họ Nguyễn Phúc; nhưng ông được kế nghiệp năm 1613 vì các anh đều chết sớm và một anh bị Chúa Trịnh giữ làm con tin tại Đàng Ngoài.

Trước khi kế nghiệp chúa, ông từng nhiều năm làm Trấn thủ Quảng Nam, tước Thụy Quận công. Khi kế nghiệp, bấy giờ ông đã 51 tuổi

Theo di mệnh của Nguyễn Hoàng, Sãi Vương quyết xây dựng Đàng Trong thật vững mạnh để chống lại chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Do đó, ông giao hảo với các nước phương nam để củng cố vị thế vương triều.

Song song việc đó, ông cho dời cung phủ về xã Phúc Yên, huyện Quảng Điền, chăm lo chính sự, thu dụng nhân tài.Dưới trướng của chúa bấy giờ có những người giúp việc tài ba như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Đào Duy Từ.Chính nhờ có sự góp sức của Đào Duy Từ, chúa Sãi đã xây Lũy Thầy, gây dựng chính quyền độc lập với Đàng Ngoài.

Nguyễn Phúc Nguyên mất năm 1635, thọ 73 tuổi

Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên có bốn cô con gái. Hai người lớn nhất và trẻ nhất có chồng Việt.Còn hai cô còn lại chính là nội dung bài viết này.

3/Ngọc Khoa cũng là con gái Chúa Sãi, được gả cho vua Chiêm Thành Poromê năm 1631.Tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Khoa, em gái công nữ Ngọc Vạn. Rồi chính nhờ cuộc hôn nhân Việt-Chiêm năm 1631, người Việt nhanh chóng vượt qua Chiêm Thành, xuống tận miền sông nước Cửu Long.

Bà cũng như chị, là người không có "truyện" trong sử nhà Nguyễn.

4/ Một điều lạ là ở thời kỳ ấy và ngay cả lúc sau này, có người dành nhiều trang viết về Ngọc Vạn, có người không hề nhắc đến bà dù chỉ một chữ:

-Nhiều tác giả đề cập đến Ngọc Vạn như:

G. Maspéro, Moura, Henri Russier,A. Dauphin Meunier ,Giáo sĩ người Ý tên Christopho Borri ,Nguyễn Văn Quế, Lương Văn Lựu,Phan Khoang, Ngô Viết Trọng,Huỳnh Văn Lang vv...

-Có thể vì người soạn thiếu thông tin hoặc do cách đánh giá, có sách không nói gì đến Ngọc Vạn, như:
- Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim, nxb Tân Việt, Sài Gòn 1964

-Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển của G.s Trịnh Văn Thanh, nxb Hồn Thiêng,Sài Gòn 1965

-Bộ Việt sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn,Sài Gòn 1959

-Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng& Nguyễn Bá Thế, nxb KHXH, năm 1992

-Bộ Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần, nxb Giáo dục, năm 1998 vv...



5/Tài liệu tham khảo:

Tôi có sử dụng mấy câu trong bài Nước non ngàn dặm ra đi của Ns Phạm duy để làm tên đề mục.

Và ngoài số sách đã dẫn trong bài, tôi còn tra cứu, so sánh thêm tại các địa chỉ:

http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn

http://www.hue.vnn.vn/ch....php?act=ST&f=36&t=4004

http://www.maiyeuem.net/vtopic87020.html

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ngọc_Vạn

***

gửi kèm ảnh minh họa :


- Ảnh 1 : Không tìm thấy ảnh hoặc tượng thờ nào của Ngọc Vạn, người soạn tạm dùng ảnh tượng thờ của công chúa Huyền Trân, người có cùng cảnh ngộ để minh họa.



-Ảnh 2: Chùa Gia Lào, núi Chứa Chan, Đồng Nai.
Theo Google : đấy là nơi duy nhất có liên quan đến Ngọc Vạn



-Ảnh 3, chỉ để minh họa thêm : Lễ khánh thành đền thờ Công chúa Huyền Trân (Huế) với lời chú thích :

Sau nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, ... nay năm 2006, đến lượt TT-Huế có nơi thờ tự sùng kính, tôn nghiêm dành cho công chúa Huyền Trân., vị anh hùng liệt nữ có công mở nước.
Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn

http://chimviet.free.fr/.../btdaonguyen/btds056.htm
PC
#3 Posted : Wednesday, February 20, 2008 10:24:17 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
-Có thể vì ngày trước, nhiều vương triều Việt có cái nhìn hơi xem thường người Chiêm Thành, Chân Lạp. Do vậy, chuyện chẳng hay ho gì mà ầm ĩ, nhất là từ khi công chúa Huyền Trân đi vào sử sách với những giai thoại buồn tủi, với những vần thơ chua chát, mai mỉa như: " Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho người mán, người Mường nó leo!"; có thể vì lẽ đó các sử quan được lệnh né tránh việc biên chép.

Hai câu ca dao trên PC tôi nhớ là "thằng Mán thằng Mường" chớ không phải "người Mán người Mường". Có lẽ soạn giả sửa lại cho nhẹ nhàng, bớt có giọng kỳ thị nhưng trong sự nghiên cứu thiết tưởng nên ghi cho chính xác.
Phượng Các
#4 Posted : Saturday, July 23, 2016 2:07:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Công Nương Ngọc Vạn, tay không Mở Cõi Miền Nam

Trần Thị Vĩnh Tường
California - 27/03/2016

http://chimvie3.free.fr/...CongNuongNgocVan_063.htm
Phượng Các
#5 Posted : Friday, November 11, 2016 5:30:28 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
CHÙA GIA LÀO
NƠI CÔNG NƯƠNG NGỌC VẠN
ẨN CƯ CUỐI ĐỜI

Châu Yến Loan


Núi Chứa Chan hay đỉnh Miệng Rồng thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cách TP Hồ Chí Minh khoảng 120 km là một địa danh nổi tiếng xưa nay không chỉ vì phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn vì trên núi có chùa Gia Lào ( chùa Bửu Quang) nổi tiếng linh thiêng.
Núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ, sau núi Bà Đen ở Tây Ninh, với độ cao 837m so với mực nước biển. Núi có dáng hình vòng cung gồm ba ngọn đồi liên tiếp nhau, đứng xa trông như hình bát úp. Vào buổi bình minh hay lúc hoàng hôn, trên đỉnh núi thường xuất hiện những đám mây trắng lững lờ trôi rất thơ mộng. Đường lên đỉnh núi quanh co, nhỏ hẹp, rất nhiều cây cối mọc um tùm xanh mát, hàng ngàn bậc thang đá được xếp ngay ngắn dài tít tắp. Núi Chứa Chan còn nổi tiếng có cây ba gốc một ngọn. Tương truyền rằng, nếu ta cầu may ở dưới gốc cây này, mọi mong muốn sẽ thành hiện thực.
Phong cảnh núi Chứa Chan đẹp nhờ có nhiều dòng suối trong mát, róc rách chảy quanh năm, xung quanh núi có bốn con suối mang những cái tên rất quen thuộc của đồng bào dân tộc Châu Ro: Gia Ui, Gia Miên, Gia Liêu, Gia Lào. Những rừng cây xanh ngát bạt ngàn, những bãi đá nối tiếp nhau tạo thành những bức tường thành kỳ vĩ và những hang động ngầm trong lòng núi. Chính vì thế xưa kia nhiều vị thiền sư đã chọn nơi đây làm chốn tu hành thiền định.

Chùa Gia Lào nằm ở lưng chừng ngọn núi Chứa Chan, ở độ cao khoảng 600m, tọa lạc trên một hang đá có dáng hàm Rồng. Chùa được kiến trúc dựa theo hình thể của những hang động thiên nhiên. Chánh điện có mái vòm uốn cong bên trên hang đá của hàm rồng khiến cho chùa thêm vẻ thâm nghiêm. Lên chùa ngoài việc lễ Phật, du khách còn được ngắm vẻ đẹp của rừng núi, nương rẫy bạt ngàn, những vườn cây trái xanh tươi cùng những loài hoa bốn mùa tỏa hương thơm ngát khiến du khách ngất ngây tưởng chừng như đang lạc vào chốn đào nguyên. Từ xưa, chùa Gia Lào đã nổi tiếng linh thiêng, những cặp vợ chồng hiếm muộn, những người mong đươc bình an thường không quản ngại khó khăn trèo núi, vượt đồi lên chùa đãnh lễ cầu Phật gia hộ. ( Tham khảo https://sites.google.com...-chua-chan-nui-gia-lao, Tuyệt tác trên đỉnh Chứa Chan - Du lịch - Zing.vn - Zing News news.zing.vn › Du lịch
Thời chúa Nguyễn, công nương Ngọc Vạn sau khi chán ngán cảnh vàng son đầy máu và nước mắt ở kinh đô Udong đã tìm đến chốn này để ẩn cư những năm cuối đời.



Chùa Gia Lào


Nguyễn Phúc Ngọc Vạn là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Hoàng Hậu Nguyễn Thị Giai, ra đời tại Quảng Nam vào những năm đầu thế kỷ XVII khi Nguyễn Phúc Nguyên giữ chức Trấn thủ Quảng Nam dinh.
Năm Canh Thân 1620, bà được chúa Sãi gả cho vua Chân Lạp là Chey Chêtthâ II. Đây là một cuộc hôn nhân có mục đích chính trị, Chey Chêtthâ II muốn cầu hôn con gái của chúa Sãi để tìm sự trợ giúp quân sự của Đàng Trong nhằm chống lại sự tấn công tiêu diệt của quân Xiêm, bảo vệ nền độc lập tự do cho Chân Lạp. Còn chúa Sãi thì ngoài mục đích xây dựng mối hòa hiếu với một lân bang để có thể rảnh tay đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, cuộc hôn nhân còn nhằm tạo cơ hội để đông đảo di dân Thuận- Quảng vào khai phá vùng đất hoang vu ở phía Đông Nam Chân Lạp, hướng đến một tương lai xa cho đất nước, dân tộc.
Theo các sử gia phương Tây, công nữ xứ Đàng Trong “rất xinh đẹp” (Jean Moura, Le Royaume du Cambodge, Paris 1883, Tập II, tr 61), dịu dàng, thùy mị lại sớm được giáo dục trong nền đạo đức Phật giáo nên dễ dàng hội nhập vào môi trường văn hóa của Chân Lạp, do đó mặc dầu Chey Chêtthâ II đã có hai bà vợ người Chân Lạp và người Lào nhưng công nương Ngọc Vạn rất được nhà vua yêu quý . Bà được phong làm “Đệ nhất Hoàng hậu” tước hiệu “Somdach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattrey”. Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp gọi bà là Hoàng hậu Ang Cuv.


hoang cung vua chan lap
Hoàng cung vua Chân Lạp tại Nam Vang



Ngọc Vạn về quê chồng đã đem theo nhiều người Việt, trong đó có người được giữ chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Bà cho lập xưởng thợ, mở các nhà buôn gần kinh đô Oudong (Phnompenh) để họ làm ăn sinh sống. Chẳng bao lâu đã có hai làng người Việt ở Udong, phần lớn là người từ Quảng Nam, Quảng Ngãi sang buôn bán và làm tiểu thủ công nghệ. Và ba năm sau cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn, Sãi Vương cử một sứ bộ sang xin vua Chey Chêtthâ II nhượng khu dinh điền ở vùng Mô Xoài ( gần Bà Rịa- Vũng Tàu ngày nay) cho ta. Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp đồng ý cho người Việt đến đó canh tác.
Vùng này trước khi người Việt đến, còn rất hoang vu, đầm lầy hôi thối, vào cuối thế kỷ XVI tuy đã có một số người Việt đến đây cày ruộng, đánh cá nhưng những cuộc di dân này có tính tự phát, lẻ tẻ. Chỉ từ sau khi công nương Ngọc Vạn sang Chân Lạp, nhiều đoàn người Thuận Quảng nhất là người Quảng Nam dưới sự bảo trợ của bà mới đến đây ngày càng nhiều.
Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, và Mô Xoài là bàn đạp để người Việt tiến dần xuống phía Nam vì cuộc mưu sinh.
Khi cư dân Việt đông đúc, làm ăn phát đạt, chúa Nguyễn mới xin lập ra sở thuế, cử tướng lĩnh đến đóng đồn giữ gìn an ninh, trật tự.
Chúa Sãi đã lập một sứ quán tại kinh đô Udong để hai bên trao đổi các sứ bộ và thường xuyên liên lạc với nhau. Chúa Sãi cũng cung cấp cho Chey Chêtthâ II thuyền chiến, quân đội và vũ khí để chống với quân Xiêm.
Cuối năm 1621 đầu năm 1622, vua Xiêm xua hai đạo quân sang đánh Chân Lạp. Nhờ sự trợ giúp quân sự của chúa Nguyễn, Chey Chêtthâ II đã tiêu diệt một đạo quân Xiêm ở Bâribaur, còn hoàng đệ Utey đẩy lui đạo quân thứ hai của Xiêm ở Bantey Meas. Năm sau quân Xiêm tấn công Chân Lạp một lần nữa nhưng cũng bị tổn thất nặng nề và phải tháo chạy về nước.
Đó là lần đầu tiên trong 100 năm qua, người Chân Lạp chiến thắng quân Xiêm cởi bỏ được ách đô hộ nặng nề, tàn ác của họ.
Sau chiến thắng đó, năm 1623, chúa Sãi gửi một sứ bộ mang nhiều tặng phẩm đến Udong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của của chúa Nguyễn với Chey Chêtthâ II cùng một bức thư ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor ( Chợ Lớn) và Kas Krobei (Sài Gòn) để lập các trạm thuế thương chính trong thời gian 5 năm.
Với sự can thiệp của Hoàng Hậu Ang Cuv và sự đồng ý của các vị thượng quan trong triều đình Chân Lạp, Chey Chêtthâ II đã chấp thuận yêu cầu của chúa Sãi.
Tuần ty là cơ quan thu thuế ở bất cứ nơi nào trong nước từ biên giới, núi rừng, hải cảng và các nơi có giao lưu buôn bán. Tuần ty ngoài việc đóng góp cho ngân sách nhà nước còn là cơ sở để tiến hành ổn định các địa phương và mở đường tiến vào các vùng đất chưa biết rõ để nắm vững thực lực chính trị, kinh tế của đối phương.
Tuần ty Kas Krobei và Prei Nokor là đặc khu kinh tế tài chánh. Tại tuần ty có lập chợ búa, phố xá để hoạt động vừa để nuôi nhân viên vừa nuôi đạo quân bảo vệ. Có lãnh sự quán để điều động thương nhân buôn bán tại vùng tuần ty và đặc biệt là để hoạt động trong lòng đối phương. Những nhà buôn này có vốn liếng, có kinh nghiệm, giỏi võ nghệ và thông thạo ngôn ngữ các dân tộc mà họ thường tiếp xúc và khi cần thiết họ chính là những thông dịch viên cho các quan chức của ta.
Dinh Chiêm là nơi lãnh đạo mọi hoạt động của tuần ty và quan thủ ngự cai trị vùng Sài Gòn- Chợ Lớn. Hội An có nhiều kinh nghiệm mậu dịch, hàng năm đến gió mùa thì gởi các đoàn thuyền chở đặc sản địa phương và hàng ngoại vào buôn bán. Vào ngày chợ phiên, trên các sông nước miền Nam người ta thấy xuất hiện nhiều ghe thuyền chở hàng hóa từ các vùng xa xôi về cùng với đoàn ghe bầu Quảng Nam mang đến những thức ngon vật lạ với giá thật rẻ.
Chỉ trong vòng 5 năm từ ngày công nương Ngọc Vạn kết hôn, người Việt đã có làng xóm từ Biên Hòa (Bà Rịa), Sài Gòn (Bến Nghé), lên tới Châu Đốc (Takeo) đến tận Oudong (Pnom Penh) .
G. Maspéro nói rằng:
“Vị vua mới lên ngôi là Chey Chêtthâ II cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An Nam đã xin và được vua Chey Chêtthâ II cho lập thương điếm ở miền Nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn”(trích trong cuốn “L’ Empir Khmer”).
Năm 1624, Hoàng Hậu Ang Cuv sinh công chúa Ang Na Ksatri. Công chúa rất được nhà vua yêu quý nhưng cuộc sống hạnh phúc đó không được dài lâu, đến năm 1628, Chey Chêtthâ II băng hà.
Sau khi nhà vua qua đời, sự tranh giành ngôi báu giữa các con của tiên vương Chey Chêtthâ II và các con của nhiếp chính vương Utey làm cho tình hình chính trị của Chân Lạp lâm vào cảnh rối ren, nhiều vị vua bị giết, hoặc chết đột ngột. Nhưng với sự hiền lành đức độ và trí thông minh, Hoàng hậu Ang Cuv đã tạo được ảnh hưởng đối với các ông hoàng trẻ Chân Lạp. Bà tiếp tục sống ở kinh đô Udong và không ngừng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của Chân Lạp.(Theo nhận định của Mak Phoeun và Po Dharma)
Năm 1628, hoàng thái tử Chau Ponhéa To con của tiên vương Chey Chêtthâ II và bà Thái hậu người Chân Lạp lên nối ngôi, chú là Préah Outey làm Phụ chính. Quốc vương To rất kính trọng và yêu mến bà Ang Cuv, tôn bà lên tước vị cao quý Samtec Brah Dav Dhita, với tước vị này bà được cấp 3 tỉnh làm thái ấp và có những quan lại riêng. Chúa Sãi cũng gởi sang Udong 2 quan chức và 500 quân sĩ người Việt để phục vụ và bảo vệ bà.
Năm 1632, quốc vương To qua đời, em của To là Ponhéa Nou lên thay, bấy giờ thời hạn hoạt động của hai trạm thuế đã hết, thể theo lời yêu cầu của Thái hậu Ang Cuv, Nou đã gia hạn thêm cho 2 trạm quan thuế của chúa Nguyễn.
Năm 1640, Ponhéa Nou đột ngột băng hà, nhiếp chính vương Utey liền đưa con của mình lên làm vua là quốc vương Ang Non I.

Năm 1642, Ponhéa Chan (Nặc Ông Chân) con của Chey Chêtthâ II và bà vợ người Lào, đã dựa vào một số người Mã Lai và người Chăm theo đạo Hồi giết Ang Non I để giành lại ngôi vua. Chan cưới cô vợ người Mã Lai phong làm Hoàng hậu, bỏ quốc giáo là đạo Phật theo đạo Hồi của vợ làm cho tình hình chính trị của Chân Lạp càng thêm phức tạp. Chan còn giết chú ruột là nhiếp chính vương Utey và nhiều người trong hoàng tộc một cách dã man. Sự thay đổi tôn giáo cùng những hành vi độc ác của Chan khiến cho dân Chân Lạp tức giận, căm ghét, do đó ngày 25 tháng 01 năm 1658, hai người con của Utey là Ang So (Nặc Ông Sô) và Ang Tan (Nặc Ông Tân) dấy binh lật đổ Chan, nhưng bị thất bại, 2 hoàng thân của Chân Lạp phải bí mật gặp Thái hậu Ang Cuv để nương thân và nhờ bà viết thư xin chúa Hiền đưa binh sang giúp. Chúa Hiền (cháu gọi Thái hậu Ngọc Vạn bằng cô ruột) nhận lời, “sai phó tướng dinh Trấn Biên ( dinh Phú Yên) là Tôn Thất Yến, cai đội là Xuân Thắng, tham mưu là Minh Lộc đem 3.000 quân đến thành Hưng Phúc ( bấy giờ là Mỗi Xuy tức Bà Rịa, nay thuộc huyện Phước Chánh tỉnh Biên Hòa) phá được thành bắt Nặc Ông Chân đem về Quảng Bình” ( Đại Nam thực lục, T1, tr 72).

Năm 1659, Nặc Ông Chân chết, chúa Hiền phong cho Ang So (Nặc Ông Sô) làm quốc vương Chân Lạp hiệu là Batom Reachea. Từ đó hàng năm Chân Lạp phải triều cống chúa Nguyễn và tạo điều kiện cho di dân Đàng Trong vào lập nghiệp ở Chân Lạp. Ban đầu người Việt ở xen lẫn với người Khmer, khai khẩn đất đai, lập ruộng vườn sinh sống nhưng vì văn hóa bất đồng nên dần dần người Khmer tự bỏ đi nơi khác.

Về sự kiện này, Biên niên sử Chân Lạp ghi: “ Năm 1658, hai vị Hoàng thân Sô và Ang Tan, con Prah Utey đã thoát nạn lúc Quốc vương Ponhéa Chan tàn sát gia đình vị phụ chính 16 năm trước, cầm quân nổi loạn đánh nhà vua. Bị quân triều đình (Chân Lạp) phản công mãnh liệt, hai vị chạy trốn sang cung Hoàng hậu Ngọc Vạn, vợ của tiên vương Chey Chettha II. Hai người nhờ Hoàng hậu xin binh nhà Nguyễn đến giúp khôi phục ngai vàng. Chúa Nguyễn Hiền Vương nhận lời, phái một đạo binh viễn chinh vào tháng 10 năm 1658. Một hạm đội Cao Miên do một vị Hoàng Thân chỉ huy chặn đánh đạo quân Việt Nam, bị thua to ở ngoài biển Bà Rịa. Quân nhà Nguyễn tiến vào bắt Quốc Vương Ponhéa Chan nhốt trong cũi sắt đem về tỉnh Quảng Bình. Quốc Vương băng hà ở đấy. Quân Việt Nam đặt Hoàng thân Sô lên ngôi vua là Batom Réachéa”(tr 10- 11)

Năm 1672, Ponhéa So (Nặc Ông Sô) ở ngôi được 12 năm thì bị một người cháu đồng thời là rể giết để cướp ngôi, em của So là Phó vương Ang Tan lại chạy sang dinh Thái Khang (Nha Trang) cầu cứu. Chúa Hiền chuẩn bị đưa quân sang Chân Lạp nhưng ngay sau đó kẻ cướp ngôi đã bị vợ và con của Ponhéa So giết. Con của Ponhéa So (Nặc Ông Sô) là Ang Chei( Nặc Ông Đài) lên ngôi.
Năm 1674, Nặc Ông Đài dựa thế lực người Xiêm mang quân lấn ép vùng Đồng Nai, xây đắp công sự kiên cố ở Mỗi-xuy, làm xiềng sắt giăng ngang sông Mékong chống lại chúa Nguyễn.
Bị quân Xiêm đánh đuổi, Ang Tan cùng Ang Nan (Nặc Ông Nộn) chạy sang kêu cứu chúa Nguyễn. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Nguyễn Dương Lâm và Tham mưu Nguyễn Diên Phái chia quân làm hai cánh cùng tiến đến Oudong. Nặc Ông Đài bỏ thành Nam Vang chạy vào rừng, rồi bị thuộc hạ đâm chết. Ang Tan cũng bệnh chết, giao binh quyền cho Ang Non, tức Nặc Ông Nộn. Nặc Nộn lên làm vua chưa được bao lâu thì bị Nặc Ông Thu (Ang Sor), em của Nặc Ông Đài kéo quân đánh. Nặc Nộn chạy sang Sài Gòn cầu cứu chúa Nguyễn. Nặc Ông Thu ra hàng.

Để giải quyết tình trạng "nồi da xáo thịt" dai dẳng này, chúa Nguyễn cho Nặc Ông Thu làm Chính vương, đóng đô ở Phnom pênh (Nam Vang), cho Nặc Ông Nộn làm Đệ nhị vương, đóng đô ở khu vực gò Cây Mai (thuộc Sài Gòn, nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh)

Đại Nam Thực lục chép: Năm Giáp Dần (1674) “Sai cai cơ đạo Nha Trang dinh Thái Khang là Nguyễn Dương Lâm (con quận công Nguyễn Văn Nghĩa là thống suất dinh Quảng Bình) đem quân cứu nước Chân Lạp. Trước là Nặc Ông Đài nước Chân Lạp mưu làm phản, làm cầu phao và xích sắt, đắp thành Nam Vang, nhưng còn sợ vua là Nặc Nộn, chưa dám hành động, bèn ngầm cầu viện nước Xiêm La, nói phao rằng vua Xiêm La đã phát 2 vạn quân bộ, 2 nghìn quân thủy và một nghìn voi ngựa đến hỏi Nặc Nộn về tội cự mệnh. Nặc Nộn cả sợ, chạy về Thái Khang. Dinh thần đem việc báo lên. Chúa nói rằng: “ Nặc Nộn là phiên thần, có việc nguy cấp, không thể không cứu”. Bèn sai Dương Lâm làm Thống binh, tướng thần lại thủ hợp là Nguyễn Diên Phái làm tham mưu, Văn Sùng (không rõ họ) làm Thị chiến, đem quân đi đánh. Bọn Dương Lâm chia binh làm hai đạo, đương đêm đánh úp phá các lũy Sài Gòn (nay là tỉnh lỵ Gia Định) và Bích Đôi (Gò Bích), chặt cầu phao và xích sắt, thẳng tiến vây thành Nam Vang. Nặc Ông Đài hoảng sợ chạy chết. Nặc Thu đến quân môn xin hàng. Tin thắng trận báo về, triều đình bàn rằng Nặc Thu là dòng đích thì phong làm vua chính, đóng ở thành Long Úc (U Đông), Nặc Nộn làm vua thứ nhì, đóng ở thành Sài Gòn, cùng coi việc nước, hằng năm triều cống.”( ĐNTL, tr 89)

Theo Huỳnh Văn Lang viết trong quyển Công Chúa Sứ Giả, thì:
Sau khi Năc Ông Đài mất, Còn lại Ang Tan và Ang Non, hai con của Ponhéa So. Ang Tan chết bệnh, Ang Non là Năc Ông Nộn lên ngôi vua. Nhưng chỉ 5 tháng sau, tức là cuối năm 1674, em của Nặc Ông Đài là Nặc Ông Thu kéo quân đánh lại Nặc Ông Nộn. Nặc Ông Nộn chạy về Sàigon, kêu cứu với chúa Nguyễn.
Chúa Nguyễn giải quyết vấn đề "nồi da xáo thịt" nầy bằng cách nhìn nhận cho Nặc Ông Thu làm Chánh vương vì là thuộc dòng nhà bác, đóng đô ở Phnom pênh, cho Nặc Ông Nộn làm Obareach, tức là Đệ nhị vương, đóng đô ở khu vực gò Cây Mai... Cả hai vị vua Chân Lạp đều phải triều cống xưng thần với chúa Nguyễn tại Kim Long. Vua Nặc Ông Nộn ở Sài Gòn đến khi chết năm 1691 thì toàn quyền cai trị tại đây thuộc về chúa Nguyễn.
Sau hơn 50 năm sống trong chốn vàng son nhưng đẫm máu ấy, Thái hậu Ngọc Vạn đã theo Nặc Ông Nộn về Sài Côn, rồi lui về sống ở Bà Rịa. Nơi đây, bà cho lập chùa Gia Lào (núi Chứa Chan, Đồng Nai), rồi ẩn tu cho đến hết đời. (theo Wikipedia)

Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, lập phủ Gia Định trên phần đất đã được những người di dân Việt Nam khai phá, bao gồm huyện Phước Long (có dinh Trấn Biên) và huyện Tân Bình (có dinh Phiên Trấn). Vùng đất Chân Lạp tương ứng với miền Đông Nam bộ ngày nay đã được sáp nhập vào xứ Đàng Trong.
Đại Nam thực lục tiền biên ghi “Bắt đầu đặt phủ Gia Định. Sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh/Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. Mở rộng đất nước nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệnh thuế tô dung, làm sổ đinh điền (ĐNTL tr 111)

Nhờ cuộc hôn nhân của công nương Ngọc Vạn mà nước ta có được vùng đất Nam bộ trù phú bằng đường lối ngoại giao hòa bình thân thiện, còn Chân Lạp thì bảo vệ được chủ quyền độc lập, thoát khỏi hiểm họa mất nước về tay quân Xiêm.
Công lao của bà Ngọc Vạn đối với tổ quốc vô cùng to lớn nhưng rất tiếc là sử sách chưa chính thức vinh danh bà để mọi người dân Việt Nam biết ơn vị công nương nhà Nguyễn đã mang về cho dân tộc một vùng đất phương Nam bao la, một vựa lúa khổng lồ nuôi sống dân tộc.

Châu Yến Loan

http://quangduc.com/p152...-ngoc-van-an-cu-cuoi-doi
Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.