Iolani PalaceHonolulu có vẻ không phải là thành phố dành cho du khách tiết kiệm, muốn đi qua downtown để xem các dinh thự ở đó thì từ khách sạn chúng tôi phải chọn xe taxi . Nếu muốn đi xe bus thì phải đi bộ vài block đường mới tới trạm . Với lại mình đâu phải là dân sở tại, đường đi nước bước không thông, thôi thì đành móc hầu bao ra chi như các du khách khác.
Từ khi thành lập quốc gia, nước Mỹ chưa bao giờ có vua chúa cai trị, nhưng Hawaii là nơi duy nhất có cung điện hoàng gia trên xứ Hiệp Chủng Quốc . Đây là niềm hãnh diện cho cư dân bản địa, nhưng lại là một hãnh diện u sầu . Có vui vẻ gì khi vừa tự hào nơi đây từng là nơi có vua, có hoàng hậu, có công chúa, có thái tử v..v..nhưng hiện nay các danh vị ấy chỉ còn là quá khứ vì nước của mình bị thôn tính, đã biến mất trên bản đồ thế giới, chỉ còn là một tiểu bang của nước Mỹ
Dinh Iolani là cung điện cuối cùng của hoàng triều nước Hawaii . Iolani là một danh từ thiêng liêng, tiếng bản địa có nghĩa là Royal Hawk, Diều Hâu Vua . Con diều hâu, bay cao hơn các con chim khác trong bầu trời, là biểu hiệu của bậc vua chúa theo quan điểm của người dân Hawaii
Cung điện hiện nay xây trên nền một cung điện khác . Thời kỳ vua David Kalakaua lên ngôi, thấy dinh thự cũ không còn thích hợp cho một vị vua, Ngài bèn cho xây lại dinh thự mới. Hoàn thành vào năm 1882, kết cấu xây bằng gạch, xi măng, bê tông. Chỉ 11 năm sau khi hoàn thành, nền quân chủ đã bị lật đổ bới Chánh phủ Lâm thời và sau đó là thành nước Cộng hoà Hawaii (Repuplic of Hawaii), và rồi sau đó bị sát nhập vào Hoa Kỳ . Nơi đây, Nữ Hoàng Liluuokalani đã thành một tù nhân chính trị trong 9 tháng, và trong thời gian này, bà đã sáng tác được nhiều khúc ca tình yêu vẫn còn lại cho tới nay
Sau khi bị sát nhập, dinh thự này tiếp tục là trụ sở làm việc của chính quyền thời kỳ được coi là lãnh thổ (Territory), và sau đó được quy chế tiểu bang (State). Cho tới khi điện Capitol của bang được xây dựng gần đó khánh thành thì dinh thự này bị bỏ phế, đồ đạc bị phát mãi tới nổi có dự tính san bằng khu này. Nhưng may thay là nhiều tình nguyện viên địa phương đã cố gắng sửa chữa, phục hồi mong đem lại cái vẻ tráng lệ ngày nào
Giá vào cửa là 22 đô la/người. Nhóm chúng tôi là nhóm đầu tiên trong ngày và là nhóm nhỏ, ít người nên đi lại cũng dễ dàng. Người docent có hiểu biết rộng rãi, đem lại cho du khách sự hào hứng và hiểu biết thêm nhiều về thời kỳ huy hoàng của vương triều Hawaii. Docent là danh từ chỉ những người hướng dẫn tình nguyện mà tôi thấy rất nhiều ở các điểm du lịch Tây phương. Họ là những người đã về hưu hoặc không cần đi làm kiếm tiền tình nguyện làm hướng dẫn cho các du khách tại các địa điểm du lịch địa phương. Các địa điểm này nhiều khi rất cần người hiểu biết mà lại không đủ ngân sách để trả lương cho nên nếu được người tình nguyện giúp thì quá tốt
Mới đầu tôi cứ nghĩ Hawaii chỉ là một bộ lạc, người đứng đầu bất quá chỉ là tù trưởng giống như các bộ lạc da đỏ ở nước Mỹ xưa, nhưng giờ nhìn thấy cơ ngơi của dinh thì nhận ra là các vị lãnh đạo Hawaii ngày xưa đã chịu ảnh hưởng Âu châu rất nhiều, họ muốn sống theo cung cách triều đình Âu châu. Nhìn phòng ốc, bày trí, tượng, lục bình được chưng dọn thì thấy giống như các cung điện dinh thự của Anh, của Pháp. Cũng có ít món mang phong cách Trung Hoa, như lục bình có hình các vị quan Trung quốc, hoặc tuợng của (dường như) Lão tử (một ông râu dài cưỡi trâu), có tuợng của Phật Di lặc. Vua Kalakaua cũng thích tiệc tùng, khiêu vũ, ca hát. Để ý thấy giường ngủ của vua mà khá hẹp, chừng cỡ twin size, trong khi hiện nay, dù ngủ một mình thì người ta cũng thường mua loại queen size cho dễ lăn

.
Phần lịch sử của Iolani trên đây là tôi dựa vào sách Hawaiian Journey của Joseph G. Mullins, sách này không đề cập tới việc dinh được dự tính san bằng, chi tiết này là tôi dựa vào sách Oahu Revealed của Andrew Doughty.
