Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages<12
Tứ Niệm Xứ - Thiền Minh Sát (Vipassana Meditation)
Phượng Các
#21 Posted : Friday, August 31, 2012 10:10:10 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
https://archive.org/deta...angvidieuphapuchanhminh

TÔI ĐI HỌC THIỀN
VỚI THẦY S.N. GOENKA
Đạm My
Kính dâng hương linh ba má nhân ngày hiệp kỵ 1/09/2012

Nhiều năm, trước khi tìm đến học ở “trường thiền Goenka” (chữ tôi dùng để gọi các trung tâm trên thế giới quảng bá phương pháp dạy thiền của Thầy Goenka), tôi đã có cơ hội làm quen với thiền quán, hay còn gọi là thiền minh sát (Vipassana). Số là nơi tôi ở (thành phố Montreal, bang Quebec, nước Canada) có 1 chùa Phật giáo Nguyên Thủy (hay còn gọi là Phật giáo Nam Tông). Mỗi năm chùa tổ chức 1, 2 khóa thiền minh sát 10 ngày và mời các vị thiền sư Việt Nam, Miến Điện các nơi về dạy. Vì nhà tôi không xa chùa lắm nên hầu hết các khóa thiền ở đó tôi đều có tham dự. Tuy nhiên, vì ở gần chùa, lại thêm chùa không bắt buộc thiền sinh phải theo suốt khóa, tôi thường tham dự theo kiểu “tùy nghi”: nội trú cuối tuần, bán trú đầu tuần, giữa tuần thì ba hồi đến, bốn hồi đi v.v.

Thời gian giữa các khóa học này, ở nhà tôi cũng cố gắng hành thiền gần như mỗi ngày. Tuy nhiên, theo ý kiến của các bạn tôi, những người đã có kinh nghiệm hành thiền lâu năm, chỉ trong khuôn khổ một khóa thiền “tích cực” (kéo dài tối thiểu 10 ngày), hành giả - với ý chí thành thật muốn tu tập - mới hy vọng có những bước tiến bộ trong việc hành thiền của mình.

Để làm được việc đó, họ khuyên tôi nên ghi tên học ở một nơi không gần nhà lắm – để tránh kiểu “đi đi về về” như tôi đã từng làm trong các khóa thiền ở chùa mà theo họ, lý do của nó là vì tôi ở quá gần chùa (từ nhà đến chùa trung bình chỉ mất khoảng 25 phút bằng đường xe hơi) - và nhất là ở đó phải có chế độ kỷ luật gắt gao đối với thiền sinh.

Mặc dù bản tánh là người không ưa sống trong khuôn khổ, trong kỷ luật gò bó, không hiểu sao khi nghe bạn bè đề cao chế độ kỷ luật ở các trường thiền Goenka, mà theo họ là rất nghiêm ngặt, tôi lại cảm thấy rất muốn đến tu học ở đó. Tôi nghĩ, có lẽ vì tôi muốn thử xem ý chí muốn tu tập và bản tánh ngấm ngầm luôn muốn “phá rào”, “phá lệ”, cái nào mạnh hơn!

Ngày nọ, qua một chị bạn, tôi được biết ở Trung tâm thiền Goenka ở Barrie ( Ontario Vipassana Meditation Center), sẽ có 1 khóa thiền song ngữ Anh-Việt được tổ chức vào mùa xuân năm sau, nghĩa là chỉ sau đó 5 tháng. Chị ấy cho biết chị và một vài người bạn Việt Nam khác đã ghi tên tham dự.

Tôi rất vui mừng khi nghe tin ấy! Không phải vì đây là khóa thiền Anh-Việt (bởi vì tôi tin rằng, với vốn liếng Anh ngữ của mình, tôi có thể hiểu các bài giảng mà không cần có người dịch) mà là vì Barrie (bang Ontario) cách nơi tôi ở tương đối không xa lắm. Vả lại, có bạn bè cùng đi chung thì càng bớt bỡ ngỡ buổi đầu, nhất là được cùng đi với chị bạn đã từng học ở trung tâm này vài khóa trước.

Thế là tôi ghi tên và được nhận.



“Bút sa gà chết”

Tôi chẳng hiểu xuất xứ từ đâu có câu thành ngữ này, tuy nhiên hiểu được ý nghĩa nôm na của nó: đó là, đã đặt bút xuống ký giao kèo thì phải tôn trọng những điều khoản trong tờ giao kèo!

Ngay sau khi đặt chân lên vùng …”đất Thánh” (chữ tôi dùng vui ám chỉ Trung tâm thiền Goenka), việc đầu tiên thiền sinh phải làm là ký vào tờ giấy trong đó ghi các điều lệ kỷ luật trong thời gian khóa thiền mà một thiền sinh phải tuyệt đối tuân theo.

Phải tôn trọng thời khóa biểu sinh hoạt là một trong những kỷ luật đề ra. Theo đó, mỗi ngày tu học được bắt đầu từ 4 giờ sáng và chấm dứt vào 10 giờ tối. Giữa 2 giờ đó, ngoài thì giờ ăn uống, nghỉ ngơi, nghe pháp thoại, thiền sinh có 12 tiếng để hành thiền!

Bên cạnh các điều khoản khác, “tờ giao kèo” còn nhấn mạnh là thiền sinh phải tuyệt đối giữ im lặng, không nói chuyện với nhau dù chỉ bằng ánh mắt, bằng động tác “ra dấu”, bằng cách viết trên giấy…

Liên tưởng đến bản tánh ưa “phá rào” của mình, trước khi đặt bút xuống ký trên tờ giấy, tôi nhẩm thầm trong đầu như để nhắc nhở, răn đe mình: “Bút sa gà chết!”

“Không đến nỗi tệ!”

Theo qui định, 2 tiếng hành thiền đầu tiên của ngày – từ 4 giờ 30 sáng đến 6 giờ 30 sáng- thiền sinh có thể ngồi thiền trong phòng ngủ của mình, không bắt buộc phải ra thiền đường ngồi chung với những thiền sinh khác.

Tuy nhiên, ngại rằng ở một mình sẽ có khuynh hướng “dễ duôi”, tôi ra thiền đường từ 4 giờ rưỡi. Hai thầy cô thiền sư phụ tá người Việt, một nam, một nữ, cũng có mặt ở đó, họ ngồi đối diện với chúng tôi trong hai tọa cụ đặc biệt dành riêng cho các vị thầy hướng dẫn.

Mỗi ngày, vào các giờ mà tất cả thiền sinh bắt buộc phải có mặt ở thiền đường, khi ai nấy đã ngồi yên ở chỗ ngồi của mình, vị thầy hướng dẫn bắt đầu mở dĩa CD cho chúng tôi nghe những lời chỉ dẫn của Thầy Goenka đã được thâu sẵn. Sau mỗi đoạn chỉ dẫn bằng tiếng Anh của Thầy là phần dịch sang tiếng Việt, tiếng người dịch là một giọng nam, rất rõ ràng và trầm ấm dễ nghe.

Thế rồi, giờ này kế tiếp giờ nọ, ngày tu học đầu tiên của chúng tôi trôi qua khá nhanh trong sự ngạc nhiên có pha chút tự hào của tôi! “Không đến nỗi tệ”, tôi tự đánh giá mình! Cảm thấy phấn chấn và tự tin hơn, tôi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ của đêm thứ hai trên vùng “đất Thánh”…

“Kính thưa thầy Goenka…“

Thế nhưng, khi thức dậy vào 4 giờ sáng hôm sau, những gì tôi cảm thấy trong thân tâm đều khác xa với những gì tôi cảm thấy đêm qua trước khi đi ngủ: toàn thân tôi chỗ nào cũng ê ẩm, nhức nhối, đến nỗi lúc đầu tôi không dám nhúc nhích tí xíu nào.

Nằm yên bất động trên giường, trong đầu tôi khởi lên bao nhiêu ý tưởng lo lắng và hoang mang: tôi đã ngồi không đúng vị thế chăng? Tôi đã làm quá sức của mình? Ngày hôm nay tôi có đủ sức lên thiền đường ngồi thiền chung như thời khóa biểu qui định không? Nếu cần có những điều chỉnh thì phải điều chỉnh những gì? V.v.

Không lên thiền đường lúc 4 giờ rưỡi như sáng hôm qua, tôi trải bồ đoàn ngồi thiền trong phòng. Nói ngồi thiền nhưng thật ra là tôi ngồi lan man nghĩ đến…Thầy Goenka! Tưởng tượng khuôn mặt của Thầy trong đầu, tôi nói thầm: “Kính thưa Thầy Goenka quí mến, con không biết giờ này Thầy đang ở đâu? Con cũng không nhớ ở đâu người ta có nói là Thầy còn sống hay đã về cõi Phật? Mà giả dụ như Thầy còn sống hay đã đi về cõi nào, không biết Thầy có nghe được những lời nói thầm này của con không… Thưa Thầy, bao lâu nay giờ đây con mới có đủ duyên lành để đến đây học với Thầy, thế mà cuối cùng con phải bỏ cuộc hay sao ? Có phải “ông Trời” muốn thử thách con không?”

“Nói chuyện” với Thầy Goenka được một lúc, sau đó tôi nằm duỗi tay chân trên giường, thư giãn một hồi rồi bắt đầu lấy hai tay xoa bóp mỗi ống chân. Hết ống chân lên đến đùi. Hết đùi lên mông. Khi mấy ngón tay đã mỏi, tôi nắm bàn tay lại và chà xát cơ thể bằng mu bàn tay. Khi cả 2 bàn tay trong ngoài đều mỏi, tôi dùng gót chân trái xoa trên dưới bàn chân phải, gót chân phải xoa trên dưới bàn chân trái…Cứ thế, miên man một hồi thì chuông gọi báo đã đến giờ ăn sáng..

Kỳ diệu thay, sau khi ăn sáng xong trở về phòng, trong khi nghỉ ngơi chờ đến giờ trở lại thiền đường, tôi thấy những cảm giác đau nhức từ từ biến mất! À, thì ra nỗ lực xoa bóp khẩn trương của tôi có khác gì một liều thần dược!

Đến chiều tối, khi ngồi nghe pháp thoại, tôi không khỏi mỉm cười thú vị khi Thầy Goenka cho biết: bình thường, ngày thứ hai của khóa tu là ngày có nhiều thiền sinh muốn bỏ cuộc nhất! A, phải chăng họ muốn bỏ cuộc vì cơ thể quá đau nhức như tôi sáng nay? Mặc dù chưa đến nỗi muốn bỏ cuộc nhưng sáng nay tinh thần của tôi cũng “xuống” lắm.

Thầy không giải thích lý do vì sao nhưng phần tôi, không muốn phải bỏ cuộc vì cơ thể bị đau nhức, để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mấy ngày sau đó tôi đều áp dụng “liều thần dược” vài phút vào các khoảng thời gian được nghỉ!

Một khám phá thú vị

Cũng nhờ cơn “chấn động” thân tâm vào hồi sáng nay mà tôi khám phá ra được điều thú vị này, đó là: được nghe buổi pháp thoại bằng tiếng Việt vào mỗi tối!

Số là, như tôi đã nói, tôi ghi tên tham dự khóa thiền này không phải vì nó là khóa thiền song ngữ Anh-Việt, rằng vốn liếng tiếng Anh của tôi sẽ đủ bảo đảm cho tôi theo học một khóa học được giảng duy nhất bằng tiếng Anh.

Vì nghĩ vậy nên ngày đầu tiên, tôi chọn ở lại thiền đường để nghe Thầy Goenka giảng pháp bằng tiếng Anh, không có phần thông dịch, thay vì phải di chuyển một đoạn đường gần 100 thước để vào phòng ăn của thiền sinh nam, nơi chị quản lý mở cho thiền sinh Việt Nam nghe dĩa CD thâu lời dịch bài giảng của Thầy.

Tuy nhiên, sang ngày thứ hai, khí trời bỗng nhiên trở nên nóng ẩm và ngột ngạt, trong khi ngồi thiền ở thiền đường chờ đến giờ nghe pháp, tôi cảm thấy nóng lòng muốn thời gian trôi mau để được đứng dậy bước ra bên ngoài một lát. Trong khi khoan khoái thả bộ lui tới trên khoảnh đất bên cạnh thiền đường, tôi bỗng liên tưởng đến cơn đau nhức sáng nay. Tôi nghĩ có lẽ ngồi suốt 12 tiếng – mặc dù có những khoảng thời gian nghỉ ngơi xen kẽ - dù sao cũng hơi “quá tải” đối với “tấm thân già” này, mặc dù trong ngày, vào các giờ nghỉ, tôi đã tranh thủ xử dụng “liều thần dược” với niềm hy vọng vào lúc thức dậy sáng mai, cơn “chấn động” đau nhức cơ thể sẽ không trở lại nữa.

Vừa suy nghĩ đến đây thì tiếng chuông reo báo hiệu đã đến giờ nghe pháp. Thay vì trở vào thiền đường để nghe pháp như tối hôm trước, tôi tiếp tục bước theo chân đoàn thiền sinh Việt Nam hướng về ngôi nhà ăn , có lẽ vì tôi muốn kéo dài thêm chút nữa thời gian thả bộ để thư giãn cơ thể.

Vào bên trong phòng ăn, sau khi chúng tôi, nam ngồi theo nam, nữ ngồi theo nữ, chị quản lý tiến vào với chiếc máy phát thanh trên tay, và hầu như không muốn để phí mất 1 phút nào, chị mở ngay băng CD cho chúng tôi nghe.

Phải nói đây là giây phút tuyệt vời nhất trong ngày của tôi! Cả ngày ngồi xếp bằng trên tọa cụ, bây giờ được ngồi thư giản trên ghế: đó là sự tuyệt vời thứ nhất! Nội dung bài giảng của Thầy Goenka - đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối - là sự tuyệt vời thứ hai! Giọng đọc truyền cảm, thu hút người nghe từ giây phút đầu đến giây phút cuối: sự tuyệt vời thứ ba! Và, sự tuyệt vời thứ tư: tôi được tập trung tư tưởng hoàn toàn vào ý nghĩa từng lời giảng dạy của Thầy mà không cần bỏ ra chút xíu nỗ lực nào để hiểu một số chữ và cụm từ Anh ngữ có tính thuật ngữ trong giáo lý nhà Phật - một đòi hỏi sẽ quá sức nặng nề cho tôi vào lúc cuối ngày, khi cơ thể đã bắt đầu thấm mệt sau gần 10 tiếng trước đó chú tâm hành thiền.

Ôi, càng nghĩ tôi càng thấy mình thật là may mắn được có duyên lành theo học khóa thiền song ngữ Anh-Việt này.

Thế nhưng, “Gà vẫn chưa chết hẳn”

Tưởng rằng “bút sa gà chết” nhưng thực ra mấy ngày đầu gà vẫn chưa chết hoàn toàn! Đó là tôi vẫn ngấm ngầm phá “hàng rào” kỹ luật cấm nói chuyện! Nói bằng lời, cười bằng mắt, nói bằng mắt, cười bằng miệng… đủ kiểu! Tưởng rằng mình làm kín đáo, tuy nói bằng lời nhưng cũng chỉ thì thào vài tiếng không ai nghe, ngờ đâu “phạm nhân” đã bị bắt gặp quả tang (quả tang nhưng “phạm nhân” hoàn toàn không hay biết). Và, dĩ nhiên, “vụ việc” được báo cáo lên “cấp trên”!

“Cấp trên” - vị quản lý nhóm thiền sinh nữ - nơi vùng “đất Thánh” rỏ ràng cũng khác hẳn với “cấp trên” ở chốn phàm trần: chị “nhắc nhở” tôi bằng giọng nói thật nhẹ nhàng và cử chỉ thật tế nhị đến nỗi người “được nhắc nhở” cảm thấy gần gủi và quí mến chị nhiều hơn trước!

Mặc dầu không ai đòi hỏi, sau khi “được nhắc nhở”, “phạm nhân” đã bỏ ra vài phút tự quán chiếu bản thân, và rồi, tự đánh giá: chỉ vì cái bẩm tánh ưa “giởn mặt chính quyền” đã trở thành “bệnh di căn” khó chữa, chứ “phạm nhân” bình thường là người ít nói chứ không phải là người thích nói!

Sau khi “biến cố phá rào” bị thất bại, tôi càng tinh tấn hơn trước và, có thể vì thế, việc hành thiền cũng được tốt đẹp hơn! “Phải chăng nổ lực này xuất phát từ ý muốn làm một điều gì đó để bù đắp cho việc làm nông nỗi của mình?”, tôi tự vấn mình. Và tôi tự trả lời: “Có thể!”

Không “có thể” sao được, khi mỗi lần hình dung ra trước mắt cử chỉ nhẹ nhàng, nét mặt từ ái của những người trong “đội ngũ” servers (những người phục vụ) của trường thiền là mỗi lần tôi cảm thấy hổ thẹn vì đã cố tình “vi phạm luật lệ nhà nước”!

Servers chỉ là những thiền sinh đi trước, được hưởng lợi lạc từ sự hành thiền mang lại, họ muốn chia sẻ nó với những người khác bằng cách tình nguyện cống hiến một phần thì giờ và năng lực của mình để giúp đỡ những thiền sinh đi sau như chúng tôi. Họ chăm chút quan tâm và nổ lực hết lòng để đáp ứng những nhu cầu cho dù nhỏ nhặt nhất của chúng tôi. Họ không đòi hỏi chúng tôi phải làm bất cứ công việc gì khác hơn là việc nghiêm túc hành thiền trong suốt thời gian của khóa học.

Tuy nhiên, sau này nghĩ lại, tôi tin là vì cả hai lý do: muốn làm một việc thiện vì mặc cảm ăn năn, nhưng đồng thời cũng là vì tôi cảm thấy thích thú trong khi thực hành phương pháp “quán chiếu cảm giác” mà Thầy Goenka vừa truyền dạy cho. Nhờ áp dụng cách nhìn soi rọi vào chỗ đau nhức trên cơ thể mỗi lúc, tôi có thể ngồi lâu trên 2 tiếng mà không cần thay đổi tư thế.

Cuối cùng, để kết thúc bài bút ký này, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc một kinh nghiệm có tính cách rất riêng tư, một kinh nghiệm nghe ra có vẻ rất nhỏ nhít và buồn cười đối với người khác nhưng không nhỏ nhít đối với tôi, bởi vì cho đến bây giờ, khi ngồi viết những giòng chữ này, nghĩa là đả gần 3 tháng trôi qua, nó vẫn còn tiếp tục tác động lên tâm thức tôi.

Số là, từ những ngày đầu tiên sau khi đặt chân lên vùng “đất Thánh”, tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ khi nhận thấy trong số thiền sinh tham dự, kể cả thiền sinh “cũ” và “mới”, tỷ lệ thành phần trẻ rất cao, có thể nói là hết một nửa ở giữa lứa tuổi từ 18 đến 30, 35! Điều này gây ấn tượng mạnh cho tôi, một người tự xem mình là một Phật tử từ thưở nào không nhớ nổi, quan niệm sự tu tập thiền là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh…, thế mà đến nay, bước vào tuổi hưu trí, tôi mới bỡ ngỡ lần đầu tiên bước chân đến tham dự một khóa tu thiền thực sự nghiêm túc như khóa thiền này.

Tôi tự hỏi, những người trẻ này, họ khởi sự hành thiền từ bao giờ mà sao khi đứng trước họ tôi cảm thấy mình thô tháo quá, ô trược quá! Họ đi đứng nhẹ nhàng, dáng vóc cao lớn khỏe mạnh, mặt mày thật là thanh tú xinh tươi. Tôi nhận ra rất đông trong số họ là những tình nguyện viên, những người trong đội ngũ servers của trung tâm thiền.

Buổi sáng, khi tôi ra đến thiền đường đúng 4 giờ rưởi thì họ đã có mặt trước đó rồi! Tất cả như đang chìm sâu trong thiền định, tĩnh lặng, uy nghi... Buổi tối, khi đa số thiền sinh đứng lên, từ từ bước ra khỏi thiền đường, kết thúc một ngày tu học thì họ vẫn tiếp tục ngồi đó, chìm sâu trong thiền định, tĩnh lặng, uy nghi…

Nếu đây là vùng “đất Thánh” thì những thiền sinh trẻ này phải chăng là những vị “tiên nam”, “tiên nữ”? Những vị tiên với nhiều màu da khác nhau, văn hóa khác nhau…

Một hôm, sắp sửa đặt chân lên thềm cửa thiền đường, tôi thấy từ trong thiền đường nhẹ nhàng bước ra một vị “tiên nữ” dáng người mãnh dẻ, nét mặt hiền lành, bước đi từng bước dè dặt, hai mắt dán chặt vào 2 lòng bàn tay đang chụm lại phía trước. Thấy thế, tôi vội dừng chân nhường lối cho cô. Ra khỏi thiền đường vài bước, cô từ từ ngồi xuống bên vệ cỏ, làm một thoáng cử động giúp cho con nhện từ trong lòng bàn tay của cô rơi nhẹ vào bụi cỏ bên đường. Chờ cho nhện hoàn toàn biến mất cô mới chậm rãi đứng lên.

Một hình ảnh diễn ra không đầy một phút mà cho đến bây giờ vẫn còn sống động trong tâm trí tôi. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác khá hỗn độn khởi lên trong tôi khi chứng kiến hình ảnh này.

Trước hết, tôi liên tưởng đến những con nhện đã chết dưới tay tôi! Dĩ nhiên, làm sao tôi nhớ được là bao nhiêu con! Chỉ biết là không phải ít, mặc dù tôi không bao giờ chủ động tìm chúng mà giết. Cũng không bao giờ giết chúng nơi nào khác hơn là bên trong nhà tôi khi tình cờ gặp chúng.

Như một phản xạ, hễ thấy chúng là tôi phản ứng ngay: tìm mọi cách để giết! Bởi vì, tôi nghĩ, không giết thì chúng sẽ sinh sôi nẩy nở, và rồi chẳng mấy chốc nhà tôi sẽ trở thành …ổ nhện! Mà nếu thế thì tôi sẽ …sống chung với nhện hay sao, trong khi tôi vô cùng sợ chúng.

Tuy nhiên, mỗi lần cố tình giết chết một con là mỗi lần tôi cảm thấy bực dọc, tức giận: giận con nhện đã ngu ngốc ló đầu ra cho tôi thấy nó, và giận tôi sao lại sợ nhện đến thế!

Có người khuyên tôi nên tìm cách đưa nhện ra bên ngoài - như “cô tiên” kia đã làm- nhưng vì quá sợ hãi mỗi lần thấy chúng, tôi không đủ bình tĩnh để làm việc đó.

Tôi tự hỏi cái gì đã làm cho “cô tiên” thương yêu con nhện như thế, trong khi thấy nó trong nhà là tôi vội vàng giết ngay? Tôi phải làm sao để thương yêu thay vì sợ hãi chúng?

Càng đặt nhiều câu hỏi tôi càng thấy sao mình ô trược quá, phàm tục, nặng nề quá…

Thế rồi, chỉ sau đó vài bữa, tôi lại được chứng kiến hình ảnh “cứu nhện” của một “cô tiên” khác ở gần một trong những ngôi nhà ngủ. Cũng với cử chỉ nhẹ nhàng đó, cẩn thận đó, chăm chút đó…

Trời ơi, đúng đây là vùng “đất Thánh” rồi! Và, có một kẻ phàm như tôi đang đi lạc vào đây!

Cảm thấy vô cùng xấu hổ và tự ti mặc cảm, bỗng dưng trong tâm tôi lúc đó khởi lên lời phát nguyện: “Nguyện cho tôi từ đây đến cuối đời có thể làm được một việc như các “cô tiên” này: thương yêu mấy con nhện, bảo vệ, không giết hại chúng!”

Tin vui

Thế là đã gần 3 tháng trôi qua kể từ ngày tôi rời khỏi trường thiền Goenka đầu tiên của tôi ở Barrie, Ontario. Khi suy nghĩ về những gì mà tôi đã “gặt hái” được sau 10 ngày tu học ở đó thì không hiểu sao, điều mà tôi nghĩ đến trước tiên chính là kinh nghiệm cuối cùng này.

Bởi vì, trong 3 tháng qua tôi đã làm được một việc mà trước đây tôi không bao giờ hình dung là mình có thể. Đó là : khi thấy xuất hiện trong nhà , không những nhện mà kể cả những côn trùng khác, nếu không tìm cách đưa chúng ra ngoài thì tôi cũng cố gắng tảng lờ như không thấy chúng! Mặc dù không phải lúc nào cũng thành công trong những cố gắng của mình, nhưng điều quan trọng đối với tôi là trong khi làm những cử chỉ đó, tôi đã làm tương đối dễ dàng chứ không cần phải cố gắng đè nén những bức xúc, sân hận trong tâm.

Cái gì đã có sức mạnh chuyển hóa tôi, đã như làn nước mát dội vào đúng lúc những hừng khí sân hận nổi lên trong tôi mỗi lần trông thấy dáng dấp “kỳ dị” của những con côn trùng bé nhỏ? Câu trả lời của tôi là: chính hình ảnh từ ái của hai “cô tiên” trong khi cứu nhện ở trường thiền cách đây 3 tháng đã có oai lực chuyển hóa tôi!

Hình ảnh từ ái đối với côn trùng, động vật, của biết bao “cô tiên”, “bà tiên”, “ông tiên”, tôi đã từng trông thấy trước đây trên màn ảnh, trong cuộc sống ngoài đời, tại sao hình ảnh hai “cô tiên” cứu nhện ở trường thiền lại có năng lực chuyển hóa tôi như thế?

Câu hỏi này tôi tự đặt ra và đã tìm thấy câu trả lời: đó là ý nghĩa của hai chữ “nhân duyên” trong nhà Phật! Có đủ mọi nhân duyên thì có sự thành tựu! Và, tôi nghĩ, những nhân duyên đó chắc chắn không thể thiếu sự kiện: tôi đã trông thấy hình ảnh của hai “cô tiên” trong những ngày tu học khá miên mật, khi tâm thức tôi đã bớt nhiều lao xao.

Vài lời cảm tạ

Cho tất cả những kinh nghiệm tuyệt vời mà tôi đã trải qua, xin thành kính cám ơn:

- Thầy Goenka vĩ đại,

- Hai vị thiền sư phụ tá quí mến

Xin cám ơn những con người cao cả trong đội ngũ tình nguyện viên ở Ontario Vipassana Meditation Center đã tận tình giúp đỡ chúng tôi trong suốt 10 ngày tu học.

Xin cám ơn hai “cô tiên”.

Xin cám ơn những người bạn thân mến của tôi, những người đã khuyến khích, thúc giục và hướng dẫn tôi ghi tên tham dự khóa thiền.

Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được an vui hạnh phúc!

Đạm My

1 user thanked Phượng Các for this useful post.
Khánh Linh on 9/1/2012(UTC)
Khánh Linh
#22 Posted : Saturday, September 1, 2012 8:37:01 AM(UTC)
Khánh Linh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,775
Points: 1,317

Thanks: 139 times
Was thanked: 110 time(s) in 98 post(s)
Lại thêm một bài viết về lớp Thiền Minh Sát của thiền sư Goenka. Thực ra đã có rất đông người tham dự các khoá Thiền, nhưng không có mấy ai (có thể) viết lại để chia sẻ các trải nghiệm của họ như hai tác giả Hàm Anh và Đạm My.RoseRose
Phượng Các
#23 Posted : Saturday, September 1, 2012 8:35:40 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Hôm nọ có xem một chuơng trình AFV (American Funniest Videos) thấy có clip một cô bé chừng vài tuổi khi cha cô bắt đuợc một con nhện trong phòng tắm thì ông có ý muốn giết nó, nhưng cô bé một mực nằng nặc đòi cha cô phải mang con nhện ra ngoài nhà và thả nó đi ....Và cô rất hả hê khi thấy con nhện đuợc ra ngoài ...Cái tâm của cô bé thật vô cùng từ bi, mình thật sự khâm phục ....

Tu là theo dõi từng biến động của tâm tư mình, chụp bắt coi từng câu nói, hành vi, ý nghĩ của mình phát xuất từ động cơ nào ...Theo tứ niệm xứ thì cứ ghi nhận thôi chớ không có phê phán, đánh gíá gì các đợt sóng tâm của mình ... Vui buồn gì thì rôì cũng sẽ trôi qua, vì chúng cũng vô thuờng như vạn pháp ....
Phượng Các
#24 Posted : Friday, January 25, 2013 4:42:27 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Phượng Các
#25 Posted : Tuesday, March 26, 2013 9:20:03 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
KINH NGHIỆM THIỀN QUÁN 10 NGÀY
THEO PHÁP MÔN THIỀN SN GOENKA

Tôi thiền thep pháp môn của ngài Goenka đã được 12 năm. Tôi giữ năm giới một cách cẩn thận , thiền rất chăm chỉ từ 12 năm qua và đã được nhiều tiến bộ trên con đường tu tập nên muốn viết lên bài này nhằm tạo nguồn cảm hứng cho những ai đang tìm kiếm con đường tâm linh của mình.

Trước đây tôi đã từng đi nhiều chùa , đọc kinh cũng nhiều, thử qua nhiều môn thiền khác nhau nhưng khi tôi thiền xong 10 ngày với pháp môn được giảng dạy bởi Ngài SN Goenka theo truyền thống của ngài U Ba Khin thì tôi quyết định theo pháp môn này cho đến hết cuộc đơi của mình .

Nhiều người thuộc lòng kinh điển, biết rõ những tầng thiền là gì , thông suốt những lời Phật dạy nhưng nếu họ không thực hành thì vẫn còn thiếu sót.

Pháp môn thiền Vipassana được giảng dạy bởi ngài Goenka cho phép chúng ta hiểu rõ những căn bản của pháp hành này đồng thời chứng ngộ tùng bước một những gì mà Đức Phật đã giảng dạy trong suốt 45 năm: Bát chánh Đạo, thập nhị nhân duyên, 37 phẩm trợ đạo….

Pháp môn Goenka (tôi tạm dùng từ ngữ này thay cho pháp thiền Vipassana được giảng dạy bởi ngài Goenka theo truyền thống của ngài U Ba Khin) hiện nay được giảng dạy hoàn toàn miễn phí trên toàn thế giới và đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2007.

Những thiền sinh cũ đã từng dự một hay nhiều khóa thiền 10 ngày đều gặt hái được nhiều lợi lạc.

Tuy khóa thiền hoàn toàn miễn phí và dành cho tất cả mọi người nhưng những ai yếu bóng vía sẽ chùn bước trước những nội quy, điều lệ của khóa thiền 10 ngày: không nói chuỵên trong vòng chín ngày đầu tiên của khóa thiền, chỉ ăn sáng và ăn trưa, chiều thì thiền sinh mới được dùng trái cây, thiền sinh cũ chỉ dùng nước chanh, thiền liên tục từ 4g sang đến 9h tối, cứ thiền 1 tiếng thì được nghỉ 5 phút…

Những gì được giảng dạy trong vòng 10 ngày có thể được tóm tắt bằng 3 chữ :

Giới- Định- Tuệ

Do những điều lệ khắt khe của khóa thiền mà thiền sinh không có cơ hội phạm năm giới, họ duy trì năm giới trong suốt khóa thiền.



Ba ngày rưỡi đầu, họ thực hành thiền định bằng cách quán hơi thở và cảm giác chung quanh vùng mũi của mình, vào ngày thứ tư Vipassana chính thức được giảng dạy và vào ngày cuối cùng thiền sinh thực hành Từ bi quán để chia sẻ công đức của việc thực tập thiền với tất cả chúng sanh.

Theo kinh ngiệm riêng của cá nhân tôi thì trình độ thực chứng tùy theo ba la mật của mỗi người . Ngài U Ba Khin tuyên bố : những ai thực lòng cầu đạo và thiền một cách nghiêm túc trong vòng 10 ngày thì đều gặt hái được những kết quả rất khả quan .

Những ngày đầu quả là một cực hình đối với thiền sinh mới , một phần vì thức ăn đạm bạc , một phần không được nói chuyện nhưng chủ yếu là những sự bực bội này được khuếch đại trên bề mặt của tâm thức do công phu thiền tập theo hơi thở . Phương pháp quan sát hơi thở ở đây khác những pháp môn thiền khác là chúng ta chỉ quan sát hơi thở đơn thuần mà không đếm hoặc niệm Phật hoặc xen vào bất kỳ hình ảnh nào. Do đó việc tập trung trở nên khó khăn và thiền sinh cảm thấy không thoải mái khi bắt đầu thưc hành môn thiền này. Nhiều thiền sinh quan niệm là khi tôi bỏ công 10 ngày , ngồi liên tục 10 tiếng 1 ngày , tôi sẽ được an lạc. Nếu các bạn thiền những môn thiền khác về hơi thở mà họ cho phép bạn đếm hoặc tụng niệm danh hiêu một vị Phật, hoặc tụng một câu thần chú, hoặc quán tưởng hình ảnh của một vị Bồ tát nào đó thì bạn rất dễ định tâm. Mà nếu tâm định thì hỷ lạc phát sinh và bạn cảm thấy khoan khoái và nghĩ : oh đây là định, đây là giải thoát, đây là niết bàn.

Pháp thiền của ngài Goenka tạo ra nhiều khó khăn vì mục đích của nó không phải mang lại sự an lạc tạm thời cho các thiền sinh mà là một sự an lạc thực sự sâu lắng , một sự hài hòa nội tâm thực sự và tiến đến giải thoát bằng cách thanh lọc tâm trong những tầng lớp sâu thẳm nhất .

Vì vậy khi theo dõi hơi thở mà bạn không xen vào bất kỳ thứ gì khác thì bạn sẽ có cơ hội quan sát hơi thở của mình đúng như nó là: hơi thở nặng trược , thô thiển , thở dốc, thở cấp bách , đứt hơi. Thêm vào đó thiền sinh còn bị phóng tâm, tâm suy nghĩ lung tung làm cho quá trình quan sát hơi thở liên tục bị gián đoạn. Hoặc là thiền sinh bị hôn trầm hằng tiếng đồng hồ và không thể theo dõi hơi thở của mình.

Tôi từng có kinh nghiệm phục vụ nhiều khóa thiền tại trung tâm Dhamma Mahi ở Pháp và tôi cảm thấy rất khâm phục những thiền sinh mới này. Khi mà thời điểm khó khăn lên đỉnh cao, họ biến chỗ ngồi thiền của họ thành những pháo đài : họ dựng thêm hai ba lớp gối , hoặc chêm thêm những tấm chăn dày . Họ không quen ngồi xếp bằng như người Á đông và họ ngồi theo cách họ có thể nhưng phần đông quyết bám trụ và không bỏ về. Họ ý thức rất cao và chấp hành các nội quy của khóa thiền rất là nghiêm chỉnh.

Mỗi thiền sinh đều có kinh nghiệm riêng của mình và ngài Goenka luôn nhắc nhở không nên so sánh kinh nghiệm của mình với kinh nghiêm của các thiền sinh khác.

Tôi đã thiền qua nhiều khóa mười ngày, và kinh nghiệm mỗi lần mỗi khác nhau nhưng tôi cố gắng diễn tả một vài kinh nghiệm có được của mình:

Vào ngày một tôi theo dõi hơi thở một cách bình thường. Mỗi lần phóng tâm, tôi lại trở về hơi thở của mình và không phản ứng.

Qua ngày hai tâm tôi trở nên tinh tế hơn và tôi nhận biết được sự xúc chạm của hơi thở ra, hơi thở vào trong cánh mũi.

Qua ngày ba tôi cảm thấy hơi thở ra nóng hơn hơi thở vào và nhận biết được nhiều cảm giác chung quanh vùng mũi.

Chiều ngày thứ ba và sáng ngày thứ tư, tâm tôi trở nên vi tế hơn. Những cảm giác chung quanh vùng mũi và môi trên trở nên dày đặc. Tôi có cảm giác là bờ miệng tôi bị xé toạc, nó biến dạng , vặn vẹo một cách kỳ dị.

Thông thường trong các trung tâm thiền, kỹ thuật thiền Vipassana sẽ được truyền dạy vào chiều ngày thứ tư.

Đối với vài thiền sinh định lực yếu thì ngày thứ tư đúng là ngày giải thoát vì họ không còn phải ép buộc tâm theo dõi hơi thở hàng giờ. Họ bây giờ có thể điều khiển tâm đi trên khắp bề mặt của cơ thể và tập cho tâm giữ được quân bình trước mọi cảm giác.

Và đây cũng chính là cốt lõi của pháp môn thiền Goenka: quan sát tất cả mọi cảm giác xuất hiện trên cơ thể, giữ bình tâm và không phản ứng.

Có nhiều người viết rằng pháp mộn Goenka là chuyên về niệm thọ và không phải pháp môn của Phật. Đây là một nhận định hời hợt không chính xác. Họ phải tự mình có can đảm dự một khóa thiền 10 ngày rồi hãy phê phán.

Nếu chúng ta lấy kinh tứ niệm xứ làm căn bản thì có niệm thân, niêm thọ, niệm tâm và niệm pháp.

Tôi đã thiền theo phái Tào động một trường phái thiền Zen của Nhật dưới trướng của ngài Deshimaru. Phái này chuyên về niệm thân. Họ ngồi trên bồ đoàn cao, giữ người cho thật thẳng , và điều hòa hởi thở . Chỉ có vậy thôi. Họ quan niêm phải ngồi thật thẳng như Đức Phật thì sẽ chứng ngộ (Satori); ngoài ra không cần làm gì thêm hết . Tồi đã ngưng thiền theo môn phái này vì nó chỉ cho một số kết quả nhất định.

Nhiều trường phái theo pháp môn quán tâm. Họ liên tục quan sát những gì đang xảy ra trong tâm (cụ thể là quan sát những tư tưởng đang xảy ra và chánh niệm tất cả mọi viêc trong tứ oai nghi).

Nếu chúng ta quan sát sự phồng xẹp của bụng thì thiền định sẽ tới dễ dàng hơn vì đây là trung tâm năng lượng của con người (đan điền). Pháp môn của ngài Goenka thì tập trung quan sát ở phần môi trên vì đây là trung tâm thần kinh rất nhạy cảm của cơ thể. Việc tập trung ở môi trên giúp cho việc thiền quán dễ dàng hơn.

Pháp môn Goenka có những lợi thế sau đây: nếu chúng ta quan sát những cảm giác trên cơ thể thì đồng thời chúng ta cũng quán Tâm vì tất cả những gì đang xảy ra trong tâm đều đi kèm một cảm giác trên cơ thể.

Khi chúng ta quán cảm giác thì chúng ta đang sống trong hiện tại (cảm giác nóng lạnh, ngứa ngáy, khó chịu … thì bao giờ cũng có thật mà không phải do tưởng tượng ).

Khi chúng ta quán những cảm giác này mà không phản ứng thì nghiệp lực được tiêu trừ dần dần.

Điều này sẽ được giảng giải cụ thể trong những bài pháp thoại mười ngày.

Khi thực hành thiền Vipassana theo pháp môn Goenka chúng ta phải quan sát liên tục mọi cảm giác xảy ra trên cơ thể. Tất cả thiền sinh đều kinh nghiệm những cảm giác khác nhau trên cơ thể.

Tôi đã kinh nghiệm nhiều lần rằng có những cảm giác xảy ra là do điều kiện hiện tại: nhiệt đô, thức ăn, tư thế ngồi.

Nhưng có những cảm giác xảy ra rất rõ ràng là do các nghiệp lực từ quá khứ: nhiều lần tôi đang ngồi theo dõi các cảm giác trên thân mình, các cảm giác thật là vi tế giống như một luồng điện đang di chuyển trong thân từ trên xuống dưới, đột nhiên trên lưng tôi nổi lên những cảm giác đau đớn như có một vật thể nặng như đá được sinh ra ở đó. Tùy theo nghiệp nặng hay nhẹ mà các cảm giác này có thể kéo dài 5, 10 phút. Nhiều khi 2, 3 tiếng hoặc kéo dài vài ngày.

Sau đó những nghiệp lực này tan biến đi và tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm.

Tôi biết có nhiều thiền sinh có nghiệp lực rất nặng và cảm giác đau đớn khó chịu này có thể kéo dài năm mười năm…

Tôi cũng đã từng kinh nghiệm qua các cơn giận. Nhiều khi cơn giận nổi lên là do sự không bằng lòng về thức ăn, hoặc cách đối đãi của các người phục vụ, hoặc bạn đang nghĩ về những người làm cho bạn buồn phiền. Trên bề mặt cơn giận có vẻ như xuất phát từ một nguyên do nào đó nhung thật sự không phải vậy. Cơn giận bùng nổ không cần lý do mà chỉ là do nghiệp lực (sankara) từ quá khứ và nổi lên trên bề mặt của tâm thức. Tôi đã quan sát liên tục tâm mình và kinh nghiệm được điều này.



Thập nhị nhân duyên:

Đây cũng là một chân lý mà đức Phật đã khám phá ra qua công trình thiền quán của Ngài. Tất cả những gì mà Đức Phật tuyên bố đều từ kinh nghiệm bản thân và không hề do lý thuyết. Nếu chúng ta thiền theo pháp môn Goenka thì kinh nghiệm thực chứng sẽ rất rõ ràng. Tôi sẽ cố gắng giải thích chân lý bằng những danh từ dễ hiểu và căn cứ trên kinh nghiêm thiền quán của mình.

Khi chúng ta nhập thất, chúng ta im lặng, ăn một ngày một buổi và chúng ta thiền liên tục từ bốn giờ sáng đến khoảng mười giờ tối. Chúng ta thiền một giờ, nghỉ năm phút xong lại thiền tiếp. Trong những tu viện như vậy, quí vị hành thiền và giữ giới một cách tự nhiên. Thông thường ba ngày đầu dành cho thiền định, bảy ngày sau dành cho thiền quán.

Kinh nghiệm thiền cho thấy rằng những người thiền sinh tập sự, họ phải cần ít nhất ba ngày để định tâm. Khi tâm của các thiền sinh tạm thuần thục và trở nên sắc bén, nó sẽ nhận biết được những sự thay đổi mau lẹ của quá trình tư tưởng, sự sinh ra và diệt đi của những chập tư tưởng này. Quan trọng hơn nữa, là chúng ta nhận biết được sự thay đổi, sự sinh ra và diệt đi của những cảm giác vi tế nhất trên thân của chúng ta. Và đó là sự chứng ngộ về vô thường của đức Phật : ngài khám phá ra rằng cơ thể và đầu óc của chúng ta luôn luôn phản ứng do những cảm giác (vedana ) trên cơ thể gây nên mà không phải do đồ vật bên ngoài.

Đức Phật đã từng tu khổ hạnh vì quan điểm thời bấy giờ cho rằng, nếu chúng ta ép xác, tâm của chúng ta sẽ được thanh tịnh vì khi tâm của chúng ta tiếp xúc với sáu trần bằng mắt mũi, tai, lưỡi, xúc và tâm, chúng ta sẽ tạo nghiệp vì tham sân si khởi động. Sau đó đức Phật đã từ bỏ lối tu hành này vì ngài kinh nghiệm rằng pháp thiền này còn thiếu sót nên không thể đem đến giải thoát. Vậy cái gì còn thiếu sót? Đó chính là cảm giác trên thân thể của chúng ta. Khi lục căn của ta tiếp xúc với lục trần, cảm giác được sinh ra trên thân thể của chúng ta và nếu cảm giác này dễ chịu, chúng ta phản ứng bằng cách níu kéo; nếu cảm giác này là khó chịu, chúng ta sẽ sinh ra sân hận và tìm cách chối bỏ chúng.

Vậy chúng ta phản ứng không phải trực tiếp do tiếp xúc với đồ vật bên ngoài mà do cảm giác sinh ra trên cơ thể. Ngay cả khi ngủ, chúng ta cũng không ngừng phản ứng. Ví dụ chúng ta đang ngủ, mà có một con muỗi đốt chúng ta, chúng ta sẽ đập nó một cái bốp. Đó là phần vô thức nằm sâu trong tâm của chúng ta đã phản ứng. Và nó phản ứng từng giờ, từng phút, từng giây liên tục 24 trên 24. Hễ lạc thọ sinh ra, là Vô Thức phản ứng bằng cách níu kéo và nắm giữ; nếu khổ thọ sinh ra, Vô Thức sẽ phản ứng bằng cách chối bỏ chúng.

Sự níu kéo và nắm giữ sinh ra tham, sự chối bỏ sinh ra sân hận và chúng ta bắt đầu tạo nghiệp (sankara ). Chúng ta tạo nghiệp từng giây, từng phút bởi vì phần vô thức của chúng ta không ngừng phản ứng bằng tham hoặc sân mỗi khi lạc thọ hoặc khổ thọ xuất hiện. Khi chúng ta thiền theo pháp môn Goenka ta sẽ thấy rằng lạc thọ hoặc khổ thọ có mặt trên khắp thân thể của chúng ta. Tại sao những cảm giác này được sinh ra ? Tại vì có sự tiếp xúc của mắt và sự thấy, mũi với mùi vị, lưỡi với sự ăn uống, thân thể với ngoại vật và tâm với tiến trình suy nghĩ. Khi có sự tiếp xúc, cảm giác sẽ được sinh ra, lạc thọ, khổ thọ hay trung thọ.

Tại sao lại có sự tiếp xúc này ? Tại vì có lục trần và lục căn. Lục căn do đâu mà có? Từ lúc chúng ta sinh ra thì lục căn xuất hiện. Tại sao lục căn xuất hiện? Lục căn xuất hiện vì có sự sống. Tại sạo lại có sự sống? Sự sống do đâu mà có? Tại vì sự sống được tạo nên do tâm và vật chất. Tại sao tâm và vật chất (esprit et matiere) hiện hữu? Vì có sự biết ( conscience ). Sự biết do đâu mà có? Tại vì phản ứng, mỗi lần phản ứng là giúp cho sự biết này xuất hiện. Tại sao chúng ta lại phản ứng? Là vì chúng ta không biết (vô minh), do chúng ta không biết rằng mỗi lần phản ứng là nghiệp được sinh ra nên chúng ta tạo nghiệp liên tục, nghiêp lực này lại tiếp tục sinh ra một đời sống mới.

Do có sự sống mà khổ đau có mặt. Vậy khổ đau bắt nguồn từ vô minh.

Muốn chấm dứt khổ đau, phải xóa tan vô minh, nhưng làm sao để xóa tan vô minh và bẻ gãy gông cùm do thập nhị nhân duyên xiềng xích ta vào thế giới này, làm sao xóa tan vô minh, bẽ gãy gông cùm để được giải thoát khi mà sự sống đã bắt đầu?

Tự tử là điều không thể được. Lúc chúng ta tự tử, tâm chúng ta đầy chán nản và sợ hãi và sự đau khổ càng to lớn hơn. Chúng ta sẽ bị rơi vào một đời sống mới tràn đầy đau khổ nên tự tử không phải là cách giải quyết vấn đề giúp ta thoát khổ.

Chúng ta cũng không thể tiêu hủy lục căn vì làm như vậy không khác gì chúng ta tự tử, chúng ta cũng không thể tiêu hủy lục trần vì làm như vậy la chúng ta phải tiêu hủy toàn thế giới bên ngoài mà chúng ta đang sống.

Chỉ còn một cách duy nhất để bẽ gãy gông cùm do thập nhị nhân duyên gây ra là chúng ta đừng phản ứng mỗi khi cảm giác xuất hiện trên thân thể của chúng ta. Trước đó, mỗi khi lạc thọ xuất hiện, chúng ta chạy theo chúng, muốn nắm giữ chúng và khi khổ thọ xuất hiện, chúng ta lại sinh tâm chán ghét và muốn từ bỏ chúng. Tham lam và sân hận sinh ra khổ đau. Vậy muốn tránh khổ đau ngay từ bây giờ chúng ta phải thiền về cảm giác :mỗi khi cảm giác xuầt hiện chúng ta phải ý thức được chúng, chúng ta giữ chánh niệm và không phản ứng. Chúng ta quan sát những cảm giác này, và chúng ta thấy những cảm giác sinh ra và lại diệt đi. Sự quan sát này càng ngày càng được củng cố do công phu thiền quán. Chúng ta hiểu một cách minh bạch rằng những cảm giác này là vô thường. Không có gì để tham lam và chán ghét chúng cả. Do hiểu chúng là vô thường mà tuệ quán phát sinh nơi tâm của chúng ta. Nếu chúng ta không nắm bắt, không chiếm giữ, tâm của chúng ta sẽ được bình an và giải thoát.

Chúng ta có thể tóm tắt luật Thập nhị nhân duyên :

-Vì không biết nên chúng ta phản ứng.

-Do phản ứng ý thức xuất hiện.

-Vì có ý thức, thân và tâm xuất hiện.

-Vì có thân và tâm nên lục căn xuất hiện.

-Do lục căn có mặt, nên có sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

-Vì tiếp xúc nên sinh ra cảm giác.

-Do có cảm giác, nên sinh ra tham lam và sân hận.

-Tham lam và sân hận sinh ra chấp thủ (gắn bó và quyến luyến)

-Do chấp thủ nên sinh ra lòng ham sống.

-Vì muốn sống nên sự sống được hình thành.

-Vì có sự sống nên đau khổ có mặt với già, bệnh tật và chết.

Đạo lộ Giải thoát:

Mỗi một thời khắc mà chúng ta không tạo nghiệp, những nghiệp trong quá khứ sẽ trồi lên và cảm giác sẽ xuất hiện trên thân thể. Chúng ta có thể kinh nghiệm được những cảm giác này khi chúng ta thiền quán. Nếu chúng ta giữ chánh niệm và không phản ứng, những cảm giác này sẽ biến mất. Sau đó những nghiệp khác trong quá khứ lại tiếp tục trồi lên, những cảm giác mới lại xuất hiện. Chúng ta lại tiếp tục giữ chánh niệm bằng cách không phản ứng. Cứ mỗi lần thiền quán mà chúng ta chánh niệm, tỉnh giác, giữ cho tâm ta được quân bình, không để cho lạc thọ hoặc khổ thọ chi phối, chúng ta giữ tâm định tĩnh và không phản ứng, những nghiệp chướng này sẽ từ từ được rửa sạch. Tới một lúc nào đó, tất cả nghiệp chướng đều được tiêu trừ do công phu thiền quán, chúng ta đắc quả alahán và giải thoát.

Tất cả tiến trình giải thoát này đều được dựa lên kinh nghiệm của những khóa thiền. Đức Phật đã thiền, đã kinh nghiệm qua tiến trình này và đắc đạo. Khi kinh nghiệm thiền của bạn đã thâm sâu, bạn hiểu rằng quá trình giải thoát bằng cách thanh lọc tâm không dính dáng gì đến kinh điển và kiến thức trừu tựơng.

Chúng ta phải thiền về cảm giác vì nhờ thiền về cảm giác mà chúng ta có thể thoát khỏi sự ràng buộc xiềng xích của thập nhị nhân duyên. Đức Phật nhấn mạnh ta phải thiền về cảm giác (vedana) vì đây là đầu dây mối nhợ cột chúng ta vào vòng luân hồi không có lối thoát này.

Và khi bạn thiền theo pháp môn Goenka , bạn kinh nghiệm đây là con đường trực tiếp đưa đến giải thoát :

- Do thiền quán về cảm giác chúng ta hiểu phần Vô Thức (subsconscience) hoạt động ra sao, tham sân si nguy hiểm như thế nào nên chúng ta ngừng phản ứng

- Do không phản ứng, nghiệp mới không được tạo ra.

- Do không tạo nghiệp nên ý thức không thể hiện hữu.

- Y thức không hiện hữu, thân và tâm không thể có mặt.

- Nếu không có thân và tâm, lục căn không thể xuất hiện.

- Không có lục căn, thì không có sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

- Không có tiếp xúc, thì cảm giác không sinh ra.

- Không có cảm giác thì không có tham lam và sân hận.

- Không tham lam và không sân hận thì không có lòng lưu luyến, chấp thủ.

- Nếu không có sự lưu luyến, chấp thủ thì không có lòng ham sống.

- Do không ham sống, nên sự sinh không được hình thành.

- Không sinh ra thì không có sự huỷ hoại, không già , không bịnh tật, không chết. Sự đau khổ chấm dứt.



Cầu mong càng ngày càng nhiều người bước trên đạo lộ giải thoát.

Trong tâm từ

NGUYỄN TỪ NAM
Phượng Các
#26 Posted : Saturday, June 7, 2014 10:21:24 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
CÒN GÌ THẢM HƠN

by toai khanh


Rõ ràng một người trên 18 tuổi không thể ngồi yên chờ thiên hạ bón thức ăn vào miệng mình. Ai cũng phải đi cày để kiếm sống. Nhưng không gì thảm hơn cảnh suốt đời chỉ biết chạy quanh một vòng tròn: Đi làm để sống và sống để đi làm, một ngày lăn đùng ra lạnh ngắt, cứng đơ, vô duyên như một vở kịch dở ẹt !
Một người sống giữa thiên hạ phải có chút hình thức tươm tất, vì ít nhất hai lý do là tự trọng đối với mình và tôn trọng người khác. Nhưng không gì thảm bằng việc suốt đời cứ bận tâm vì vẻ ngoài, sợ bị chê xấu, thích được khen đẹp. Xin vài lần nhìn quanh mình xem, mình ăn mặc trang điểm ra sao thì thiên hạ có ai thèm nhìn đâu, và sau những cái nhìn thoáng qua của họ, có ai về rồi vẫn còn nghĩ đến mình. Trừ phi mình quá sức đặc dị mà thôi. Tin tôi đi !
Làm gì cũng phải có thầy và bạn. Trong chuyện tu học cũng vậy. Nhưng không gì thảm bằng cảnh một người suốt đời nhắm mắt đi theo một pháp môn hành trì mà chính mình chỉ hiểu biết mơ hồ, trong khi lý do của sự đáng tiếc đó chỉ đơn giản là niềm tin hay tình riêng với ai đó. Đời ta rẻ đến vậy hay sao ? Trăm năm đâu phải tấm giẻ rách mà coi thường quá vậy !
Xin làm ơn nhớ giùm chuyện này: Nhẹ dạ, lười suy nghĩ, cuồng tín đều là mẹ ruột của các tín ngưỡng mù quáng, những hệ thống chính trị ngu xuẩn tàn độc. Chính những người dân thiếu suy nghĩ đã dọn chỗ cho bạo chúa, độc tài về đày đọa họ. Hôm nay tôi còn ngờ rằng chính cách nghĩ của mấy bà già trầu mù chữ đã là một góp sức quan trọng cho số phận Việt Nam xưa giờ.
Phật pháp nói chung, hay nói riêng giáo lý A Tỳ Đàm chẳng hạn, hoàn toàn có thể dung nạp được mọi trình độ. Vì vậy không gì thảm bằng việc học đạo theo cách thuộc lòng trả bài rồi đem giới thiệu cho người khác. Đối với một người dạy đạo thiếu Phật duyên và Phật chất thì bằng cấp học vị hay uy tín đối với quần chúng đôi khi chỉ là khối thuốc nổ tăng mức sát thương mà thôi.
Phật pháp qua cách hiểu nông nổi rất dễ bị xem là ngô nghê buồn cười. Thầy trò khi đó giống hệt đám trẻ lấy ngọc quý đem chơi đánh đáo hay trò ô quan. Tinh hoa tuệ giác của một đức Phật đâu phải tầm thường đến thế. Nghĩ mà đau lòng lắm vậy !
Thiền Quán hay Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát. Toàn bộ kinh điển chỉ có một lý tưởng duy nhất là xác định nhận thức này.
Phật giáo Miến Điện tô đậm nhận thức đó bằng việc dạy và tu Tứ Niệm Xứ. Pháp môn này không phải là đặc sản của riêng họ như cách nói của một phóng viên Tây Phương: Các xứ khác có máy móc hay nông lâm thuỷ khoáng sản để xuất cảng, Miến Điện có thêm pháp môn Tứ Niệm Xứ để đưa ra thế giới bên ngoài.
Người đến Miến Điện tu thiền Quán không giống như kẻ đến Ấn Độ để học Yoga hay qua Tàu học khí công. Ta sang Myanmar để tìm một bối cảnh thích hợp, như ra bờ biển để chạy bộ vậy. Và không gì thảm hơn một người qua đây chỉ vì phong trào: Đi cho sang, cho thỏa tò mò, cho giống người ta.
Ở đâu cũng vậy, tu Quán là để thấy mình là gì và đang ra sao. Đủ duyên thì thành thánh, kém duyên một chút thì cũng được an lạc hiện tiền. Ta khổ vì nhiều hiểu lầm quá, về mình và về người. Tu thiền là để hiểu đúng hơn, về ta và về đời.
Chuyện đã hết đâu. Giáo lý chưa thông, ngôn ngữ bất đồng, người ngoại quốc đến thiền viện Miến Điện phải lệ thuộc người phiên dịch để tương thông với thiền sư. May gặp người dịch có trình độ Phật học thì OK, xui mà gặp tay ngang thì cứ như muốn mua mít chín mà nhờ cậy người nghẹt mũi. Vậy mà nghe đâu có khối người sau một hai khóa tu thiền Quán ngắn hạn ở Miến Điện trở về đã mặc nhiên trở thành những hành giả có cầu chứng ( marque deposee/ trade mark). Thiên hạ thích thì cứ, nhưng bản thân thiền sinh có lẽ nên quên đi. Nếu không thì còn gì thảm hơn !

Source: FB Toại Khanh
Phượng Các
#27 Posted : Wednesday, February 4, 2015 6:46:12 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
thiền sư Ajahn Suphan


Cuộc phỏng vấn của VHPG với thiền sư Ajahn Suphan được thực hiện bằng tiếng Anh. Bên tách trà kỳ này giới thiệu cùng quý độc giả về thiền Minh sát và những điều cần lưu ý khi thực tập thiền.
Hỏi: Thưa thiền sư, xin ngài giới thiệu cho độc giả Việt Nam vài nét về thiền Minh sát (Vipassana).
Đáp: Nguyên tắc căn bản của thiền Minh sát (thiền quán) là phát triển chánh niệm của hành giả. Người tu thiền Minh sát phải liên tục giữ chánh niệm, tỉnh giác trong khi đi, đứng, nằm, ngồi - tức là trong bốn oai nghi. Người đó cũng phải liên tục giữ chánh niệm tỉnh giác như vậy trong tất cả mọi hoạt động khác trong ngày.
Chữ Vipassana có nhiều nghĩa khác nhau và một trong các nghĩa đó là “biết rõ chân lý để sống hợp với qui luật của tự nhiên”. Có người nghĩ rằng họ tới thiền viện, ngồi xếp bàn rồi nhắm mắt lại và thế có nghĩa là họ đang hành thiền Minh sát. Không phải như vậy. Ý nghĩa đích thực của thiền Minh sát là nhận chân được thực tại, được bản chất của sinh tồn, qui luật của cuộc sống và trực nhận được tam tướng: khổ, vô thường, vô ngã. Vipassana giúp cho hành giả sửa chữa những nhận thức sai lầm về cuộc sống để thấy được các qui luật của cuộc sống và của tự nhiên. Vipassana có thể thay đổi cuộc sống con người, giúp cho con người đoạn diệt được phiền não – tham, sân, si – và đạt tới chân lý tối thượng.
Hỏi: Xin thiền sư cho biết nguồn gốc của thiền Minh sát.
Đáp: Thiền Vipassana thuộc về giáo huấn của Đức Phật. Đức Phật tìm ra thiền Minh sát và dạy cho con người. Trong kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật đã giải thích tỷ mỉ bốn phép quán: quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Tóm lại, Đức Phật đã tìm ra Vipassana và dạy cho con người, Vipassana thuộc về Phật giáo. Tứ Niệm Xứ với bốn phép quán là công cụ để hành giả tu tập và phát triển chánh niệm. Bốn phép quán này là đủ để rèn chánh niệm, đoạn diệt phiền não và trực nhận tam tướng: khổ, vô thường, vô ngã.
Đức Phật dạy rằng bốn phép quán có thể giúp ta tu rèn lối sống, đạo hạnh của bậc thánh nhân và đạt tới Niết bàn. Hành giả tu Vipassana có thể nhập dòng thánh. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào căn cơ của hành giả. Khi người ta nhận thấy được sự vô nghĩa của cuộc sống bon chen thì họ tìm đến pháp tu này và họ có thể đạt tới giác ngộ, giải thoát. Có bốn loại Thánh nhân: Thánh Nhập Lưu, Thánh Nhất Lai, Thánh Bất Lai, Thánh Arahán. Có ba yếu tố trợ duyên cho hành giả tu thiền tuệ:
- Các hạnh Ba la mật mà hành giả đã tích lũy qua nhiều kiếp
- Việc hành giả giữ giới trong sạch và phát triển định Samatha
- Tuệ giác giúp hành giả nhìn thấy sự vật, hiện tượng như chúng đang là.
Hành giả có Ba la mật và Giới, Định, Tuệ phát triển đầy đủ là người đã hội đủ các yếu tố chủ yếu hỗ trợ cho việc hành thiền.
Tùy theo căn cơ mà các hành giả tu thiền với các động cơ, mụch đích khác nhau. Người thì hành thiền với mục đích phục vụ cho công việc riêng của họ, người thì tu thiền với mục đích phục vụ cộng đồng, giúp đỡ cho mọi người khác. Có năm yếu tố trực tiếp ảnh hưởng tới việc tu thiền và phát triển chánh niệm: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Hành giả cần phải có tín – có nghĩa là người đó phải có lòng tin vào chính bản thân mình, tin rằng mình có thể đạt tới giác ngộ, giải thoát. Người đó phải tin vào luật Luân hồi Nhân quả: cuộc sống hiện tại của chúng ta phụ thuộc vào những ý nghĩ, lời nói, việc làm thiện hoặc bất thiện của chúng ta trong quá khứ. Hành động hiện tại có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta – có nghĩa là chúng ta có thể tác động tới tương lai và thay đổi cuộc đời mình. Vipassana có nghĩa là trí tuệ, hiểu ngộ - tự do, cứu rỗi và giải thoát.
Hỏi: Thưa thiền sư, xin ngài cho độc giả Việt Nam được biết về việc hành thiền Vipassana ở Miến Điện, Thái Lan và một số các nước Phương Tây.
Đáp: Vipassana chỉ có một. Về mặt lý thuyết mà xét. Về nguyên tắc thì không có sự khác biệt nào cả. Toàn bộ việc tu thiền Vipassana là dựa trên bốn phép quán được giải thích tỷ mỉ trong kinh Tứ niệm xứ. Tuy nhiên có sự khác biệt về mặt kỹ thuật giữa các truyền thống khác nhau. Điều này phụ thuộc vào thiền sư, cách tu tập của thiền sư và năng lực, tính cách, khí chất của thiền sinh.
Thông thường người tu thiền lựa chọn thiền viện dựa vào tính cách, đặc điểm tâm lý của cá nhân họ hoặc thông tin mà họ có được. Sau khi có được thông tin cần thiết họ tới các thiền viện ở các nước khác nhau. Ngày nay có rất nhiều thiền viện trên khắp thế giới. Một số thiền viện có xu hướng nhấn mạnh nghi lễ, nghi thức, còn một số khác thì chú trọng nguyên tắc dạy thiền hoặc việc trao truyền thông tin hoặc đề cao vai trò của việc hướng dẫn tỉ mỉ từng bước một. Một số thiền viện có thể coi trọng việc giúp thiền sinh đưa những gì họ học được vào cuộc sống và muốn cho thiền sinh có điều kiện tu tập theo khả năng riêng của từng người, theo sở thích cá nhân.
Mặc dù có một số khác biệt như đã nêu, khi chuẩn bị đi tu thiền các hành giả cũng đều phải tuân theo một số nguyên tắc chung:
- Có thông tin đúng đắn
- Việc hành thiền phải dựa trên nền tảng của bốn phép quán: thân, thọ, tâm, pháp
- Hành giả phải có khả năng áp dụng cho được những gì đã học vào cuộc sống hàng ngày.
Phương pháp dạy có thể khác nhau phụ thuộc vào môi trường tu học nhưng các nguyên tắc căn bản thì không thay đổi.
Hiện nay có nhiều thiền viện được mở ra ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Các trung tâm này cung cấp cho hành giả những thông tin cần thiết và hướng dẫn kỹ thuật tu Vipassana. Một số thiền viện do các chùa hoặc các hành giả cư sĩ mở; cũng có những khóa tu thiền được mở ngay tại nhà riêng – các khóa tu ở những nơi này thường được tổ chức theo truyền thống Theravada. Các khóa thiền, các thiền viện có thể hoạt động dựa vào tiền đóng góp, cúng dường mà không thu tiền của người học.
Hỏi: Thưa thiền sư, xin ngài cho một vài nhận xét về việc tu thiền của các thiền sinh ngoại quốc tại các nước theo truyền thống Phật Giáo Nam Tông.
Đáp: Để tìm được một thiền viện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh riêng của mình thiền sinh phải có được thông tin đầy đủ, chính xác. Thứ nữa, họ phải tìm hiểu các nội quy, qui tắc và các hướng dẫn hành thiền của thiền viện vì trong đó các nguyên tắc dạy thiền của các vị thầy được thể hiện cụ thể, rõ ràng.
Các thiền sinh ngoại quốc có mặt mạnh và mặt yếu riêng của họ. Ưu điểm lớn nhất của họ là họ thường có động cơ tu thiền mạnh mẽ. Yếu điểm thường gặp ở họ là họ không có được niềm tin tôn giáo (Đạo Phật) mạnh mẽ. Khi tín yếu thì tấn cũng không thể đi xa được. Họ chỉ có lòng tin vào khoa học, kỹ thuật và cách nhìn của họ thường rơi vào tình trạng phiến diện, không có tính trọn vẹn, tổng hòa. Họ tranh cãi, lý luận quá nhiều và có xu hướng nặng ganh đua để đạt tới thành công. Tu thiền Vipassana là để đạt tới hiểu ngộ cần thiết cho sự phát triển ở bên trong, thế nhưng họ lại hướng tới sự thành đạt ở bên ngoài và quá chú trọng tới điều đó.
Ngày nay Đạo Phật được lan truyền rộng rãi ở Phương Tây và ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc tu thiền.Trong thời đại của khoa học và kỹ thuật họ gặp nhiều khó khăn, bế tắc; nhiều người cảm thấy cô đơn, buồn chán (đặc biệt là ở Mỹ) và họ tìm tới các nước theo truyền thống Phật Giáo Theravada với những mục đích khác nhau: hành thiền Vipassana, tìm hiểu một nền văn hóa khác, một truyền thống khác v. v. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ hiểu sai về nguyên tắc của thiền Minh Sát và cách tu thiền Minh Sát. Ví dụ, họ không hiểu ý nghĩa của một trong tam tướng: vô ngã; và họ không hiểu tại sao hành giả lại không nên dính mắc vào cái ngã của mình. Họ thắc mắc khi xem các nghi lễ vì họ không hiểu mục đích chính của các nghi lễ là làm giảm bớt bệnh chấp ngã ở nơi hành giả. Họ cho rằng việc giữ giới không cho các thiền sinh có sự đụng chạm về thể xác (như ôm nhau chẳng hạn) là vi phạm nhân quyền. Họ có cái nhìn sai lệch về ý nghĩa, mục đích của việc giữ giới.
Hỏi: Xin thiền sư giải thích rõ thêm về sự khác biệt giữa thiền chỉ (Samatha) và thiền quán (Vipassana). Nhiều hành giả còn lầm lẫn giữa hai loại thiền này.
Đáp: Thiền chỉ có từ trước khi Đạo Phật ra đời. Nhiều người ở Ấn Độ (ví dụ như tín đồ đạo Hindu) đã đạt được mức định rất cao. Khi Đức Phật tìm ra Vipassana ngài thấy rằng thiền chỉ có khả năng hỗ trợ cho việc tu thiền quán. Vì vậy Đức Phật dạy rằng có hai cách tu thiền quán. Một là, người ta có thể tu thiền chỉ và dùng thiền chỉ để hỗ trợ cho việc tu thiền quán. Hai là, hành giả có thể tu thiền quán mà không cần phải tu thiền chỉ. Họ chỉ cần tu tập để phát triển chánh niệm và phát triển sự tỉnh giác khi quán sát đối tượng. Họ chỉ cần thấy sự vật, hiện tượng như chúng đang là mà không cần có định thật sâu. Sự khác biệt chủ yếu giữa thiền chỉ và thiền quán là ở chỗ mặc dầu thiền chỉ có thể giúp hành giả giảm bớt phiền não nhưng khi người đó quay trở lại với đời sống thường ngày thì phiền não lại nổi lên. Khác với thiền chỉ, thiền quán có mục đích là triệt tận gốc phiền não thông qua con đường phát triển chánh niệm tỉnh giác để đạt tới trí tuệ bát nhã, tức là đạt tới trực nhận tam tướng: khổ, vô thường, vô ngã.
Hỏi: Thưa thiền sư, từ kinh nghiệm dạy thiền của mình xin ngài cho biết một số nhận xét của ngài về mặt mạnh và mặt yếu của thiền sinh ViệtNam.
Đáp: Về mặt yếu. Vì nhiều thiền sinh Việt Nam biết thiền chỉ trước khi tu thiền quán nên họ có những cách nhìn sai lệch về việc phải tu thiền quán thế nào, tại sao phải tu thiền quán và về nguyên tắc cơ bản của thiền Vipassana. Thứ nữa, họ thích ngồi hơn là đi và vì vậy mà không đạt được cân bằng ngũ căn. Thứ ba, họ có xu hướng tập trung chỉ vào một đối tượng và vì thế mà không chú ý để quán sát sanh diệt của các Pháp và không thấy rằng mọi thứ đều liên quan phụ thuộc lẫn nhau. Họ quên rằng ngoài bốn oai nghi chính còn có các oai nghi phụ cũng cần phải được quan sát liên tục. Vì thế khi đi kinh hành họ không chú ý quan sát các oai nghi phụ để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp. Thái độ hành thiền Minh sát đúng đắn là khi nhận biết một đối tượng thì hành giả ngay lập tức phải nhìn thấy các hiện tượng có liên quan khác. Tuy nhiên, các thiền sinh ViệtNam sau một thời gian hành thiền đã có một số tiến bộ và tự họ có thể có một số điều chỉnh khi cần thiết. Ưu điểm: đa số các thiền sinh dự khóa tu ưa thích hành thiền. Nhiều người trong số họ đã tu thiền định nên có định lực tốt và đó là yếu tố cần thiết để duy trì và phát triển chánh niệm.
Khi hành thiền Minh sát hành giả cần cảm thấy niềm vui. Họ phải thực sự yêu thích việc hành thiền. Ở giai đoạn sơ cơ hành giả chưa cần phải quan tâm nhiều tới việc trở thành thánh nhân. Họ chỉ cần phát triển chánh niệm để tu tâm sửa tánh, làm một người tốt ngày càng có ít phiền não và biết sống trong yêu thương, đồng thuận với mọi người khác. Rồi sau đó họ có thể tiếp tục tu để đạt các trình độ cao hơn, tiến tới đoạn diệt phiền não và trở thành thánh nhân. Với một cái tâm thánh thiện họ có thể làm việc để giúp mọi người khác trên con đường đạt tới chân lý tối hậu.
Hỏi: Thưa thiền sư, xin ngài cho các hành giả Việt Nam muốn ra nước ngoài tu tập thiền Minh sát một vài lời khuyên.
Đáp: Trước hết, tiếng Anh rất quan trọng. Thứ hai, họ cần đem theo một ít tư trang và tiền bạc. Thứ ba, họ cần biết rằng họ đi tu thiền để học một cái gì đó mới chứ không phải cái cũ – cái họ đã quen thuộc rồi. Vì vậy họ cần phải mở rộng tấm lòng và trí tuệ để chấp nhận sự khác biệt về văn hóa. Là những người muốn tìm kiếm chân lý, nếu họ vẫn còn dính mắc, bám chặt lấy nền văn hóa của mình thì họ sẽ không học hỏi được.

Bài do chị Hiếu Thiện thực hiện và chuyển ngữ
Nguồn: Văn hóa Phật Giáo.
Phượng Các
#28 Posted : Sunday, April 5, 2015 11:24:17 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


Lễ hội Songkran của cộng đồng Thái tại đường Hollywood có lều mời tham dự thiền Thái như hình trên.
xv05
#29 Posted : Wednesday, April 22, 2015 10:29:43 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Post #26, 27, nếu có thể thì chị PC cho cách hàng sau mỗi đoạn? Dính cả chùm như vậy khg thể nào có hứng thú mà đọc nổi.. hu hu
Phượng Các
#30 Posted : Wednesday, June 22, 2016 10:08:29 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Phượng Các
#31 Posted : Tuesday, April 25, 2017 3:06:41 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Cả tuần nay tôi ngồi nghe qua youtube các bài giảng của sư Trí Dũng trong khoá thiền 20 ngày tại thiền viện Phước Sơn . Sư Trí Dũng là đồ đệ của sư Kim Triệu, sư cư ngụ tại Hoa Kỳ . Cách thức giảng này sư đọc lời trình pháp của các vị tham gia khoá thiền ở Miến Điện, các câu trả lời của vị sư Miến ở đó mà sư giữ nhiệm vụ thông dịch, và thỉnh thoảng sư góp vào làm sáng tỏ bằng các kinh nghiệm tu tập của sư. Có tất cả 18 bài, mỗi bài dài 1 giờ đồng hồ . Các bài giảng mô tả kinh nghiệm tu tập của các hành giả, quán cái tâm của chúng ta, thấy các sự tham, sân, si của tâm . Lạ thay là khi nghe họ nói về họ mà nghe như họ nói lên cái tâm tham sân si của mình. Âm thanh rõ ràng, sư người Huế nhưng giọng nói dễ nghe vì cũng lai giọng Sài Gòn nhiều, nhưng nhất là phong thái tận tuỵ, cảm thông, đầy từ ái đã làm hấp dẫn người nghe.

https://www.youtube.com/watch?v=tXttRE4WUpE
Guest
#33 Posted : Friday, June 9, 2017 11:43:50 PM(UTC)
Rank: Guest

Groups:

Message was deleted by a Moderator.
Guest
#34 Posted : Saturday, June 10, 2017 12:00:03 AM(UTC)
Rank: Guest

Groups:

Message was deleted by a Moderator.
Phượng Các
#35 Posted : Monday, September 17, 2018 11:42:21 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Khóa thiền Vipassana 10 ngày - Trải nghiệm bản thân

Fahoka Xê Dịch
https://www.youtube.com/watch?v=0LBDA-CYeVU

Tai Nguyen Duc
https://www.youtube.com/watch?v=KJ0A_w6xChY

GrowWithMoth
https://www.youtube.com/watch?v=MkgaxFJbPVk
Users browsing this topic
Guest (16)
2 Pages<12
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.