AtamiNgày kế tiếp cũng là ngày tôi đi một mình ...Tôi chọn điểm đến theo cảm hứng của mình ..Trên đường đời nhiều khi chúng ta phải có một chọn lựa, một quyết định, tại sao chúng ta chọn cái này mà không là cái kia, đi nơi này mà không là nơi khác. Bạn cho là ngẫu nhiên hay sao ? Có khi đi đường này thì gặp ăn ...cướp, leo lên chiếc xe thiên hạ chở giùm thì lại gặp tai nạn ảnh hưởng tới suốt đời hoặc thậm chí chết nữa; kẻ thì do du lịch tới một nơi lại gặp duyên nên ở lại tới hết đời một xứ sở nào đó
Trong các ngày đi trên đường tới các thành phố xa phía Nam của Tokyo tôi thấy xe lửa đi dọc theo biển nhiều đoạn, nhìn thấy thích lắm\. Tôi vốn mê các cảnh núi và biển trên đường đi, VN chúng ta thì có xe lửa hay quốc lộ 1 cũng được dịp thấy biển (nhất là khi trườn lên đèo Hải Vân ngó xuống Lăng Cô thì thật là một cảnh tuyệt vời); Cali thì có Pacific Coast Highway đi dọc theo biển được coi là một trong những khúc đường đẹp nhất Cali (hay nước Mỹ ?). Nhưng đoạn đường phía Nam của xe lửa ở Nhật thì lại gợi cho tôi khung cảnh từ Antibes tới Monaco của vùng Cote d'Azur. Và thị trấn Atami là nơi xe lửa đi sát biển nhất . Như vậy sự chọn lựa của tôi có liên quan tới một kỷ niệm với vùng miền Nam nước Pháp ...Sự chọn lựa của chúng ta trong đời sống có khi có một mối dây nào đó nằm trong miền sâu thẳm của ký ức, của tiềm thức, và biết đâu lại chẳng sâu xa hơn nữa ...từ trong một kiếp xa xôi nào
Những rẻo đất nhỏ hẹp dọc theo núi hai bên trồng lúa xanh mát mắt ...Tôi có ăn cơm nấu bằng gạo Nhật rồi đó chớ. Gạo Nhật tôi thấy dẻo dẻo, độ dẻo nằm ở khoảng giữa của nếp và gạo của VN ta; nhưng chủ nhà cho biết là mới ăn thì thấy ngon chớ ăn lâu lại thấy nhớ gạo VN. Không biết sao nhưng tôi thường thích ăn xôi nên nghĩ chắc mình hợp với gạo Nhật. Hồi nhỏ tôi ít để ý tới cơm hơn là thức ăn; nhưng bây giờ lại thích một chén cơm ngon, dù ăn với rau luộc chấm nước mắm tôi cũng thưởng thức tận tình. Nông dân ở Nhật được trợ cấp nên mới còn dính với nghề, chớ không thì họ bỏ nghề hết vì làm nghề nông lợi tức thu vô không thể sống được. Rượu sake làm từ gạo cho nên nghề trồng lúa không thể lơ là được . Nghe nói là phẩm chất của rượu còn tuỳ thuộc vào nước nữa. Tôi tin tưởng vào sự làm việc của chính quyền và tinh thần kỷ luật của dân Nhật để bảo vệ cho nguồn nước được tinh khiết. Nếu ai có dịp đi lên các miền núi và uống nước từ các các nguồn sông suối chảy từ núi xuống thì mới thấy khác hẳn với nước trong thành phố. Như hồi đi South Dakota tôi ngạc nhiên vì nước uống ở đó có vị ngon hơn nước ở Cali
Xuống trạm Atami, thấy trên platform có một cái ki ốt bán mì, đúng là dân Nhật khoái ăn mì quá chừng . Bạn đi du lịch với một ngân sách hạn hẹp thì cũng có thể lua vội một bát mì cho chặt bụng rồi đi tiếp cũng được . Còn giải khát thì tủ bán nước đủ loại không người trông coi đặt ở trên đường đi. Ở một nơi luật pháp kỷ cương thì mới dám tin tưởng đặt tủ khắp nơi như vậy . Ở ngoài trạm có mấy quán bán kẹo bánh đồ lưu niệm ...Tôi thấy có hàng bán cá chiên nên tắp vào . Tôi chỉ vào một dĩa cá chiên bọc bên trong hai khúc như hot dog, tôi đoán - và đoán đúng - đó là ngưu bàng . Bà bán nhắc đi nhắc lại là cái khúc đó là ngưu bàng (burdock) làm như bà e là tôi nghĩ nó là cái gì khác, sợ là tôi mua nhầm, ăn không được thì bà cũng áy náy . ..Thật là một người bán hàng tử tế . Vị cá không đậm đà như cá thát lát theo gia vị của người Việt, nhưng quá ngán với các bánh ngọt đầy tràn trong quán nên món này làm tôi khoái khẩu lắm.
Vài bước kế trạm là phòng thông tin du lịch . Tôi bước vào đó hỏi thăm và được cho bản đồ thị trấn với các điểm nên xem. Thị trấn nhỏ nên đi bộ được và thế là tôi cứ cầm bản đồ mà dấn bước .
Đến khu thị tứ, giống như một cái chợ có mái che có tên là Heiwadori Shopping Street, vừa đi vừa ngắm các cửa hàng bán các thứ bánh trái, quà lưu niệm, các tiệm ăn và các loại hải sản khô, là đặc sản của Atami\. Atami được làm nơi an dưỡng do khí hậu ôn hoà do có dòng nước ấm ngoài khơi và lại có các suối ôn tuyền, và hiện nay với tình hình nhà cửa đắt đỏ ở Tokyo thì nhiều người cư ngụ ở đây và hàng ngày đi làm nhờ hệ thống xe lửa tốc độ cao hoàn hảo của nước Nhật.
Tung tăng chân bước, tôi ngắm nhìn sinh hoạt của người dân, ngang qua một cái sân nhỏ, thấy có mấy người đàn bà ngồi gọt củ gì trăng trắng, lại gần thì hoá ra họ đang gọt củ kiệu . Chèn, lâu lắm rồi tôi không thấy cảnh này nữa ...Quá khứ chợt trở về, năm nào vào ngày đưa ông Táo là má tôi mang một bó kiệu về nhà, và mọi người xúm lại lặt củ kiệu làm chua cho ba ngày Tết. Hồi đó chỉ có Tết mới ăn củ kiệu, bánh tét hay dưa hấu ... Cạnh mấy bà đó là vài cái sào phơi mực ...Giờ để ý mới thấy trong các cửa tiệm ở thị trấn này có chưng bán nhiều hũ củ kiệu, nhiều bao khô mực hay các loại cá khác. Tôi định bụng khi trở lại sẽ mua mang về, giờ thì không thể vì sợ nặng ba lô.

các bà gọt củ kiệu
Đi tới cuối đường thì đã hết là nơi buôn bán ... Thật ra tôi không có ý đi phố mua hàng, tôi tính đi tới một điểm có trong quyển du lịch Japan by Rail giới thiệu và có trong bản đồ thị trấn, đó là nơi kỷ niệm con chó Toby của nhà ngoại giao Anh Rutherford Alcock, người ngoại quốc đầu tiên leo lên Phú Sĩ Sơn, người có nhiều duyên nợ với nước Nhật, đã cố học tiếng Nhật, viết sách học và là một trong những người đầu tiên quảng bá nghệ thuật Nhật tại Anh quốc\.

góc phố Atami (và người đàn ông chỉ đường)
Tới ngã ba, tôi ngó quanh quất và thấy một ông đang đi tới\. Tôi sấn lại hỏi ông xem địa điểm đó phải đi hướng nào. Khi tôi dùng tiếng Anh để hỏi thì mặt ông ta tươi lên, nói: A, nói được tiếng Anh hả ? Chắc ông tưởng tôi người Tàu . Ông suy nghĩ một lát rồi nói: "đi theo tao, tao cũng đi về hướng đó". Tôi để ông đi trước, và xem chừng ông cũng muốn giữ khoảng cách như thế; nhưng khi thấy tôi lụt thụt phía sau thì ông đứng lại chờ . Tôi đi chậm vì còn mải chụp hình . Thấy ông chờ, tôi đi nhanh để kịp ông, và ông hỏi tôi từ đâu tới, khi biết tôi từ California thì ông vui vẻ lên, và cho biết ông từng ở San Francisco khi đi du học ở đó cách đây mấy chục năm và chưa bao giờ trở lại thăm. Tôi nói với ông về Japantown ở San Francisco, về Little Tokyo ở Los Angeles, và rằng tôi là người Việt định cư tại Mỹ chớ không phải người Tàu. Tôi cho ông biết là trong các sắc dân Á Châu thì người Mỹ họ nể người Nhật nhất. Khi nghe tôi đi du lịch một mình từ Mỹ sang và sang Nhật lần đầu tiên, ông ta nhìn tôi bằng ánh mắt nể nang. Đi ngang một cái cống nghe tiếng nước chảy bên dưới, ông dừng lại chỉ cho tôi dòng nước và nói, nước ôn tuyền đó, ở đây người ta tắm bằng nước nóng tự nhiên không hà...Tôi xuýt xoa, trời ơi, dân ở đây sao mà suớng quá\. Sau khi đi quẹo tới quẹo lui, lên trên dốc cao và khá vắng người, tôi đâm nghi ngại, và dự bị là nếu qua khỏi con đường trước mặt mà phải quẹo nữa thì tôi xin kiếu, bỏ cuộc . Nhưng may thay, ông chỉ vào một cảnh như hòn non bộ bên đường và nói: tới rồi đó ...Thôi, tao đi nhé ...Tôi cám ơn ông và lòng không khỏi luyến lưu cho một cuộc bình thuỷ tương phùng\.
Toby là con chó cưng của nhà ngoại giao, từ Anh quốc sang, khi tới đây thì một sự kiện hy hữu xảy ra, nơi nó đứng đột nhiên có một dòng nước phụt lên, đẩy con vật lên trời và khi rơi xuống thì nó chỉ còn là cái xác . Alcock chôn nó ở đây, và bia mộ chỉ vỏn vẹn ghi "Poor Toby, 23 September 1860". Ông đã tổ chức lễ an táng nó, và sau đó nói với dân Anh là người Nhật tốt với ông trong thời điểm đau đớn vì con chó chết ấy, và vì vậy không nên coi họ như kẻ thù. Nhờ vậy mà mối hảo cảm tốt đẹp có được giữa dân hai nước

nơi kỷ niệm chó Toby