Quy ước cửa Meta dùng trong bài phân tích :
Quy ước 1: Một liên là một câu giới hạn bằng một chấm xuống hàng. Một liên có 2 vế đối.
Quy ước 2: Hai vế đối trong một liên được phân biệt bằng một dấu chấm phẩy. Để rõ ràng Meta xin phép không dùng cách chấm câu theo lối văn phạm thông thường là dấu phẩy dùng để ngắt đoạn mà ý vẫn còn tiếp nối sang đoạn sau, dấu chấm dùng để ngắt câu đã trọn ý . Meta đặt ra quy ước chấm câu như sau : Mỗi 1 đoạn trong vế cách nhau bằng dấu phẩy, mỗi vế cách nhau một dấu chấm phẩy và hai vế (tức một liên) thì xuống hàng . Nhắc lại hai vế trong một liên phải đối với nhau . Bằng cách này tuy có chỗ phi lý, chẳng hạn câu :
-Sao rằng gian, sao rằng nịnh, ai muốn hỏi hãy nhìn tiêu trên mả Ngụy Khôi; Đâu là họa, đâu là tai , ai muốn hỏi nên xem bảng tại làng Đa Phước .
Đoạn "Sao rằng gian, sao rằng nịnh" và đoạn "Đâu là họa, đâu là tai" phải được đánh dấu hỏi mới hợp lý nhưng Meta chỉ đánh dấu phẩy để cho rõ nó là tiểu đoạn trong vế . Sau dấu chấm phẩy là bắt đầu vế sau, đến khi xuống hàng là hết một liên. Cách chấm câu này làm cho việc phân tích bài phú thêm rõ ràng . Xin đừng bắt lỗi chấm câu theo cách thông thường nhé.
Quy ước 3: Những chữ in nghiêng là phần trích dẫn bài viết của anh Chiêu Dương. Trích lại vì nó ở tuốt trang một, khó tham khảo.
Quy ước 4: Mỗi liên đều được đánh số cho tiện phân tích.
______________________________________________
Mùa xuân năm Kỷ Mùi 1859, thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lăng nước ta . Đồng bào lục tỉnh miền Nam đang sống an bình bỗng trở nên nghiêm trọng . Cuộc chiến tranh Việt Pháp diễn ra, triều đình phải ký kết nhường ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường cho Pháp . Theo tinh thần bản ký nhượng này, triều đình phải ngưng các cuộc nổi dậy đề kháng của các sĩ phu và dân chúng lại .
Tuy nhiên mặc cho lệnh triều đình, dân ta vẫn nổi lên chống lại . Bài cáo thị Cần Vương ra đời vào khoảng thời gian ấy với nội dung là kêu gọi lòng yêu nước trong nhân dân, nổi lên chống Pháp . Chúng ta chưa biết tác giả là ai, nhưng hẳn tác giả là một bậc sĩ phu miền Nam, kêu gọi đồng bào chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược . Cùng với nhân dân và đi trước nhân dân, bậc sĩ phu nước ta đã góp phần lớn lao trong công cuộc chống ngoại xâm bền bỉ, liên tục nhiều ngàn năm. Hãy phân tích bài Cáo thị Cần Vương sau đây :
Cáo thị Cần Vương (Liên vận)
1 - Lời truyền cáo thị; Nói với sĩ phu .
2 - Nước Nam ta có mối xung thù; Cùng giặc Tây là loài di địch .
3 - Bởi chúng nó đem lòng bội nghịch; Kkhiến dân mình gặp thuở loạn ly .
4 - Chẳng qua là Trời bắt gian nguy; Cho nên nỗi nước nhiều tai nạn .
5 - Đường trị loạn sách xưa còn bản; Lẽ chánh tà đời trước treo gương .
6 - Làm người khôn nghĩ xét cho tường; Thà đứa dại lỗi đường cũng đáng .
7 - Nọ thủa Hung Nô đánh Hán, tướng mạnh như hùm, binh đông như cỏ, cướp ải Lang, dành ải Hổ, tới mãn tuồng Nô cũng về Nô ; Kìa khi Đột Quyết quấy Đường, xe đi chật đất, ngựa tế đầy đồng, phá trấn Bắc, đốt trấn Đông, chừng rã đám Đột hoàn lại Đột .
8 - Xa thơ mới hãy còn lộn một; Phong cương này há để chia ba .
Nay Tây cùng Ta :
9 - Muôn trùng non nước cách xa; Trăm việc ở ăn lạ thói .
10 - Tuy lắm tàu đồng ống khói; Dẫu nhiều súng thiếc đạn chì .
11 - Trải sáu tỉnh qua dẹp cõi biên thùy; Hơn trăm trận liền hao ngôi tướng soái .
12 - Đòi xin ba tỉnh , lời nào rằng phải; Bắt họa muôn dân, của mấy cho vừa .
13 - Ta hiệp lòng há nhịn thua ư; Mọi lấn chỗ sao đành để vậy .
14 - Ở đâu mà chẳng thấy phá miễu chùa, đào mồ mả, làm những việc bất nhân; Ở đâu mà chẳng thấy đốt nhà cửa, hãm vợ con, làm những điều vô đạo .
Hỡi ơi !
15 - Thành xiêu quách đổ bởi ai gây; Ruộng nát vườn tan do lũ ráo .
16 - Lồng lộng cao xanh, há nỡ để dân ta búng xáo; Mênh mông soi xét, lẽ nào cho chúng nó ăn chơi .
17 - Xưa nay ai mạnh qua Trời; Đâu đó vật đều có chủ .
Ngỏ nay :
18 - Nơi Thần Kinh ấy nơi thiên phú; Đức Kim Thượng là đức Thánh Tông .
19 - Hơn ba mươi tỉnh hội đồng; Dư sáu chục năm huệ dưỡng .
20 - Văn võ hiếm người làm tướng; Man di nhiều nước đến chầu .
21 - Nhớ xưa kia chúng đã cúi đầu; Đến nay lại tay nào trở mặt .
Ớ các tổng làng !
22 - Chớ thấy chín từng hòa nghị mà tấm lòng địch khái vội quên; Chớ rằng ba tỉnh trọn vong mà công cuộc báo cừu nỡ bỏ .
23 - Nhớ mới thuở rèn mác trường, đương nón gỗ, lên đường hăm hở ra oai .
24 - Há buổi nay chạy bạc nén, vén tiền trăm, vào cửa lom khom tạ nó .
25 - Mặt đâu tới lãnh bằng ngày nọ; Xác nào ra đầu thú hôm nay .
26 - Đã thề nguyền hết sức đánh Tây; Đâu sợ chết cúi mình theo giặc .
27 - Một đường cái há phân nam Bắc; Một tóc tơ nỡ nhuộm xanh vàng .
28 - Đừng cho thày Địch thở than; Chớ để họ Nhạc cay đắng .
29 - Ơn thủy thổ thảy đều mang nặng; Việc thần dân chớ khá lỗi nghì .
30 - Cố bảo nhau gắng giữ lòng bền; Đừng nghe chúng ra mà đầu thú .
31 - Chớ thấy Gò Công thất thủ, mà trở mặt hại nhau; Đừng rằng Bến ngher' an cư, mà đành lòng theo mọi .
32 - Sao rằng gian, sao rằng nịnh, ai muốn hỏi hãy nhìn tiêu trên mả Ngụy Khôi; Đâu là họa, đâu là tai , ai muốn hỏi nên xem bảng tại làng Đa Phước .
33 - Oan nhường ấy, tình nhường ấy, căm thù nhường ấy, tính sao trả được mới hài; Công bấy lâu, nghiệp bấy lâu, lao khổ bấy lâu, đâu nỡ bỏ đi sao phải .
34 - Dẫu có lỡ sát thời hãy tìm nơi sơn trại mà tụ tập anh hùng, sống vì Vua, thác vì Vua, dốc cùng lòng trước sau chẳng trái ; Dẫu có rủi sa cơ phải xuống dưới tuyền đài cũng phụng thờ hương khói, tên còn chép, họ còn chép, để nức danh thơm rọi sáng hoài .
35 - Chớ để xóm làng cho Bạch Quỷ vãng lai; Chớ để phần mộ cho Tây Dương phá hại .
36 - Khá ra tay mà vùa cột cái; Tua gắng sức chống đỡ tường xiêu .
37 - Để nghìn năm dằng dặc, vững đất Thuấn trời Nghiêu; Ngõ muôn kiếp miên miên, bền sự nghiệp thư son khoán sắt .
38 - Chữ đới thiên bất cộng, nghĩ căm căm ruột tím gan bầm; Câu giữ quốc đồng ưu, phải khăng khăng lòng ghi dạ tạc .
ooOoo
Phân tích.
BỐ CỤC:
Một bài Ðường phú gồm có 6 phần :
• Lung bao quát ý toàn bài sẽ suy diễn.
• Biện Nguyên là nói nguyên ủy , gốc tích cho rõ ý đầu bài
• Thích thực là giải thích cho hết ý nghĩa
• Phu Diễn bày tỏ thêm cho rộng
• Nghị luận là bàn bạc
• Kết là tóm tắt lại ý đầu bài.
Chiêu Dương. (xin nhắc lại quy ước, chữ in nghiêng là nguyên tác của anh Chiêu Dương.)
Bố cục:
Câu 1 - 4 là Lung , trình bày tổng quát đề bài .
Câu 5 - 8 là Biện nguyên, xác nhận đầu bài, nêu rõ nguyên ủy gốc tích, giải thích rõ ý của đề bài mà chuyển vào bài.
Câu 9 - 14 là thích thực: Mô tả hết ý nghĩa của đề.
Câu 15 - 21 là phô diễn : Suy rộng ý của đề bài.
Câu 22 - 36 là nghị luận : Phê phán, đánh giá, bàn bạc ý nghĩa của đề bài .
Câu 37 - 38 Kết : Gói ghém chung ý tứ của đề bài lại.
Gieo vần:
Ta thấy mỗi một câu (tức một liên, chia theo cách Meta) gồm hai vế đối với nhau chặt chẽ . Cách gieo vần thì chữ cuối một liên (gọi là chữ đậu câu ), nếu là vần trắc, sẽ bắt vần với chữ cuối , vần trắc của vế trước giữa liên kế . Chữ cuối liên kế là vần bằng, bắt với vần bằng chữ cuối vế trước của liên kế tiếp. Cứ như thế đến hết bài . Ví dụ :
-Mặt đâu tới lãnh bằng ngày nọ; Xác nào ra đầu thú hôm "nay".
-Đã thề nguyền hết sức đánh "Tây"; Đâu sợ chết cúi mình theo "giặc".
-Một đường cái há phân nam "Bắc"; Một tóc tơ nỡ nhuộm xanh "vàng".
-Đừng cho thày Địch thở "than"; Chớ để họ Nhạc cay đắng.
Chữ "vàng" ở cuối câu lại bắt vần bằng với chữ đậu câu của câu kế, chữ "than". Lối gieo vận này gọi là liên vận.
Cách đặt câu trong Phú và Văn Tế :
Cái mà ta gọi là câu bây giờ , trong phú ( hay văn tế ) gọi là liên , và ở đây tiếng “ câu “ dùng để chỉ một thành phần của một liên , theo lối trình bày của Học giả Ưu Thiên Bùi Kỷ ( Quốc Văn Cụ Thể ) thì như sau :
Có 4 lối đặt câu hay 4 thứ liên :
• Bát tự gồm 2 vế , mỗi vế 4 chữ :
Thí dụ :
Tình dưới viên mao ,// phận trong giáp trụ
• Song quan gồm 2 vế , mỗi vế trên ( > ) 4 chữ
Thí dụ :
Cho hay sinh là ký mà tử là qui // mới biết mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ .
• Cách cú gồm 2 vế , mỗi vế 2 câu :
Thí dụ :
Dấn thân cho nước / son sắt một lòng //
Nối nghĩa cùng thầy / tuyết sương mấy độ .
• Hạc tất gồm 2 vế , mỗi vế 3 câu trở lên ( >)
Thí dụ : Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh mạc / mịt mù gió lốc / thổi dấu tha hương //
Mặt chinh phu khôn vẽ nét gian nan / lập loè lửa trơi / soi chừng cổ độ .
Chúng ta …có quyền chọn lựa một trong 4 lối đặt câu trên , hay tài hoa hơn là dùng hết cả 4 lối này , hay dùng xen kẽ , tự vì Phú thi ( hay Văn tế ) không khe khắt số câu như thơ …Miễn sao đạt yêu cầu cách cấu từ và phép biền ngẫu làm nền là đã thành tựu một bài Phú thi …
Chiêu Dương.
Phép đặt câu trong Cáo thị Cần Vương:
Câu 1 đặt câu theo lối tứ tự , mỗi vế 4 chữ .
Câu 2 - 6 đặt câu theo lối song quan, mỗi vế có từ 5 đến 9 chữ đi liền một mạch .
Câu 7 đặt câu theo lối hạc tất . Mỗi vế có từ 3 đoạn trở lên, dài ngắn khác nhau .
Câu 8 - 11 là song quan .
Câu 12 đặt câu theo lối bát tự, mỗi vế có 8 chữ chia thành hai đoạn bằng nhau , mỗi đoạn 4 chữ .
Câu 13 theo lối song quan .
Câu 14 hạc tất .
Câu 15 là song quan .
Câu 16 đặt theo lối cách cú , mỗi vế chia làm hai đoạn dài ngắn khác nhau .
...
...
Meta chỉ liệt kê từ câu 1 tới câu 16 thôi . Tới đây hẳn bạn đọc phân biệt được phép đặt câu theo lối gì từ câu 17 cho đến hết bài rồi . Xin miễn nói thêm về lối đặt câu để tránh dài dòng .
ooOoo
Dẫu biết chép một bài phú nữa thì quá dài dòng, nhưng để bạn đọc biết về độc vận, Meta xin phép chép một bài nữa, dùng độc vận .
Phú Gia Định thất thủ ( độc vận)
Thương thay đất Gia định!
Tiếc thay đất Gia Định!
Vực hóa nên cồn; Đất bằng nổi sóng .
Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt bến trâu ; Dây thép giăng nhấp nhoáng đất ngàn trùng, ngã xiêu thành Phụng .
Bờ cõi phân chia khác mặt, trông ra như quáng như mờ; Non sông dời đổi họa mi, tưởng tới dường mê dường mộng .
Lớp cũ tàn, lớp mới mọc, dọc ngang xe ngựa đất gò bằng; Dấu trước lấp, dấu sau bồi, tan nát chợ nhà Trời dậy sấm .
Inh ỏi súng rền kinh cửa Bắc, hãi hùng trăm họ dứt âu ca; Tò le kèn thổi tối Trời nam, man mác năm canh không tiếng trống .
Hào kiệt tìm phương lánh mặt, sa cơ gió hạc lúc hư kinh (1); Anh hùng kiếm chốn ẩn thân, sút thế nước cờ thêm lúng túng .
Từ Bến Thành trải qua Chợ Đũi loài tinh chiên (2) loạn xạ biết bao nhiêu; Nơi Chợ Lớn sấp đến Cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm .
Cầu Thị Nghè cùng nơi Chợ Quán, quân tham tàn đắc ý vênh râu; Chùa Cẩm Thảo trải tới Cây mai, Phật Bồ Tát chịu nghèo ôm bụng .
Nơi nơi nổi xóm mới nhà Tây; Chốn chốn lập đồn canh ụ súng .
Ngậm ngùi thay ba bốn làng Gò Vấp, cây cỏ khô , thân thế đều khô ; Bát ngát nhỉ mười tám thôn Vườn Trầu, hoa trái rụng, người đời cũng rụng .
Mấy dặm Gò Đen, Rạch Kiến, ngọn lửa thiêu sự nghiệp tan tành; Đòi nơi Rạch Giá, Gò Công, trận gió quét cửa nhà trống lỗng .
Tiếng kêu oan, oan này bởi nước, hồn nhân dân biết dựa vào đâu; Thân liều thác, thác cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đà nên đống .
Sông núi đào, mồ xiêu mả lạc, thương thay người thác chẳng yên phần; Đường sá đắp, cửa nát nhà tan, cực bấy kẻ còn khôn nỗi sống .
Sau trước vầy đoàn bạch Quỷ, dân ta đòi bữa đòi suy; Đêm ngày ỏi tiếng Lang Sa, thế nó càng ngày càng lộng .
Cờ Thành Thang sao không thấy phất, bỏ liều con đỏ chông gai; Áo Võ Vương sao chẳng thấy gầy, nỡ để dân đen bùn lấm .
Đầu Trung nguyên tóc hỡi còn dài, ơn này nhờ có Bá, học Xuân Thu xin chớ kiếm Hoàn Công; Tay tả nhẫm(3) áo kia khỏi mặc, việc ấy bởi vì ai, đọc Luận ngữ cớ sao chê Quản Trọng .
Bóng xế dậm ngàn mây man mác, nước non này ai thấy cũng buồn; Trời chiều chim chóc nhẩy lăng xăng, tình cảnh ấy lòng nào chẳng động .
Ta nay nhân cảm với cuộc đời, Vậy nên tả một vài ngẫu vận .
ooOoo
(1) Tức là nghe gió thổi, chim hạc kêu mà phập phồng lo sợ tưởng như giặc tràn đến nơi . Tích Bồ Kiên, vua nhà Tần trước khi bị quân nhà Tấn đuổi đánh, quân sĩ tới đâu nghe tiếng gió thổi, chim hạc kêu cũng giật mình tưởng quân nhà Tấn đã tới .
(2) Tinh chiên là hôi tanh . Chỉ bọn cướp nước .
(3) Tả nhẫm là khép vạt áo sang bên trái, tục mọi rợ . Khổng Tử nói : "Không có Quản Trọng thì chúng ta khép vạt áo sang bên trái hết " . Nghĩa là không có Quản Trọng thì phong hóa suy đồi, văn minh thành mọi rợ ngay .
Bài này dùng chỉ một vần "ộng" hay "ụng" , âm trắc . Không cần bắt yêu vận với chữ cuối của vế trước ở giữa câu kế .
Tới đây chúng ta có thể sang phần Văn Tế được rồi.
Còn tiếp.