DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Trong mấy dòng tiểu sử gửi cho Ban Biên Tập, nhà thơ “tự khai”: “cùng gia đình đào thoát khỏi Việt Nam mùa hè năm 1979, đến Mỹ đầu năm 1980, cư ngụ tại Illinois. Ở quê nhà làm ruộng. Chạy giặc sang xứ người làm thuê. Viết rải rác cho một số tạp chí trong và ngoài nước Mỹ”.
Sinh ra và lớn lên giữa miền đồng bằng sông Cửu, cây lành trái ngọt, mưa thuận nắng hòa, tuổi niên thiếu học trò thơm tho hương đồng cỏ nội, ấp rủ mộng ước ngời sáng tương lai. Cuộc chiến trên quê hương bỗng rẽ qua bước ngoặt hệ lụy cuối tháng Tư 1975. Dư thị Diễm Buồn cũng không thoát khỏi vòng định mệnh đất nước. Tác giả cùng gia đình rượt biển tìm tự do. Ýù thức sâu sắc cuộc đổi đời, trách nhiệm hội nhập xã hội mới nơi đất khách, tác giả đã phấn đấu học hỏi, lao động cần mẫn và làm thơ.
Dù đã thích ứng với cuộc sống văn minh, đa văn hóa, hít thở không khí tự do, Dư thị Diễm Buồn vẫn bức xúc, nhìn về quá khứ, bằng nỗi niềm xót động thi ca.
Thế giới thơ Dư thị Diễm Buồn là quê ngoại, là “Quán Cóc bên đường”, là “Buổi Trưa quê”, ẩn chứa tâm tình gắn bó khăng khít hình ảnh không gian và thời gian. Quê ngoại, sông rạch dọc ngang, cầu tre lắt lẻo, ruộng đồng bát ngát, vườn xum xuê hoa lá bốn mùa.
Bức tranh thiên nhiên điểm xuyết sắc màu trong khung cảnh hài hòa với lá trầu xanh, vú sữa chín vàng, bông mận trắng, hoa khế tím, chùm xoài cát hườm hườm v.v.
Quê Ngoại, nồng nàn hương gạo mới, đạm bạc bữa cơm chiều, mà tình quê sâu lắng, ngọt ngào như trái cây độ chín:
Tình quê ngoại ngọt ngào như múi mít
Vườn ruộng ơi, ân nghĩa nặng vai quằn
Tuổi thần tiên lộng lẫy tợ vầng trăng
Thương Ngoại lắm, nhớ hoài về quê Ngoại.
(Quê Ngoại)
Quán Cóc Bên Đường bày biện đủ ngũ quả theo kỳ thu hoạch, chỉ dấu kết quả cần cù lao động trồng trọt trên vùng đất màu mỡ phì phiêu. Con người khởi thủy gắn liền với đất, để nhận được sự sống từ đất ban phát, sinh lợi, tái hiện không ngừng.
Mâm bày biện: thơm, mía ghim, dưa hấu
Rỗ cam sành cạnh rỗ mận hồng đào
Xoài tượng giòn, ổi tố nữ ngon sao
Xịa bắp lưộc, xề khoai từ, củ ấu
(Quán Cóc Bên Đường)
Tiếp cận vật thể sâu sát, thể hiện tính cách miêu tả rõ nét, hồn nhiên, chân chất, thơ Dư thị Diễm Buồn, còn hướng tới địa hạt trữ tình, ghi dấu ấn mối tình học trò ngây thơ, trong sáng, lại không trọn vẹn ước mơ. Chân dung người trai lính chiến với cô học trò miền sông Cửu. Họỉ gặp nhau trong ngày đại lễ, cô nữ sinh choàng vòng hoa chiến thắng cho người chiến sĩ từ trận địa trở về. Cuộc tình náo nức ban đầu và rã rời cuối mùa đao loạn. Họ tái ngộ trên miền đất hứa xa lạ, mang nặng thực tại bẽ bàng Quốc Khánh thuở xưa đã thành Quốc Hận.
Mười mấy năm trong lao tù lận đận
Nơi xứ người mình gặp lại nhau đây
Quốc khánh xưa nay đã thành Quốc Hận
Hai phương trời, hai lối sồng đổi thay!
(nụ cười trong mắt anh)
Tác giả không kiếm tìm sáng tạo xa vời, không làm dáng hoa mỹ, lời ý thơ dung dị cũng đã khơi dòng cảm xúc cho người thưởng ngoạn.
Nhà bút khảo Hồ Trường An đã đề cập đến Dư thị Diễm Buồn trong “Lai Láng Dòng Phù Sa” do Hoa Ô Môi xuất bản (trang 193) rằng: “Ý thơ chị tốt lành và khỏe mạnh như cây chuối, cây dừa tơ, và đẹp tinh khiết cao qúy như hoa sen trong ao đầm. Xin ai đó đừng đòi hỏi ở tho chị lối chơi chữ tân kỳ, hình ảnh hoa lệ và tư tưởng viễn thâm.”
Dòng thơ Dư thị Diễm Buồn cứ trước sau như thế, kể từ đầu thập niêm 80 đến hôm nay. 6 thi phẩm đã ấn hành:
- Nỗi lòng người em nhỏ
- Một thoáng hương xưa
- Những ngày xưa thân ái
- Quê hương ngày em lớn
- Nỗi lòng người đi
- Muôn thưở ân tình
Ngoài thơ, Dư thị diễm Buồn còn viết văn. Tác phẩm Chân Trời Hạnh Phúc là một truyện dài của chị do Bảo Linh xuất bản năm 2001.
Rải rác trong thơ DTDB người ta thường bắt gặp những từ ngữ địa phương miền Nam, khi diễn tả động tác, tượng hình:
Lãy lá mai cho Tết trổ vàng bông
và tượng thanh:
Cá ăn móng trong ao đìa tróc tróc.
những thán từ “chu choa ôi” hồn nhiên tô vẽ duyên dáng cho những câu thơ thân quen gần gũi đời thường. Với Dư thị Diễm Buồn “Thơ là hơi thở của chính mình”. Phải có một tâm hồn nồng ấm tình yêu quê hương gắn liền sau trước, sâu vào tiềm thức để mỗi khi hóa hiện, tiếng quê hương sẽ âm vọng dìu dịu, đằm đằm, thẩm thấu lòng người muôn dặm nỗi ái hoài hồi niệm.
Thơ Dư thị Diễm Buồn là những bức tranh quê chân phương, đơn sơ mộc mạc mà gần gữi thân thương. Tác giả đã vẽ lại những bức tranh quê đó bằng thơ với cảm xúc của nỗi lòng người con xa xứ. Dư thị Diễm Buồn sở trường về thể thơ tám chữ. Trong các tập thơ của chị phần lớn các bài thơ thuộc thể loại này. Thơ tám chữ là loại thơ “dài hơi”, dòng cảm xúc và tư tưởng có thể chảy tràn theo ngôn ngữ mà vần điệu dễ dàng bắt nhịp. Dẫu sao, một thi tập gồm những bài thơ nhiều thể loại khác nhau, cũng bớt phần đơn điệu.
Nguồn: Vantuyen.net