Phú chữ Hán :
Phú chữ Hán của Việt Nam rập khuôn mẫu theo phú Trung Quốc …Như vậy , trước tiên chúng ta hãy tìm hiễu phú Trung Quốc như thế nào …
Phú rất thịnh hành vào thời nhà Hán , là một loại văn có vần , là sự liên kết giữa thơ và văn xuôi .
Thi sĩ Ban Cố thời Ðông Hán cho rằng phú là một dòng của Cổ thi :
Phú giả cổ thi chi lưu
詩 thi (13n) - Tự Ðiển Thiều Chữu
1 : Thơ, văn có vần gọi là thơ.
2 : Kinh thi.
Chữ “ thi “ dùng để chỉ chung cho các loại văn vần , bao gồm cả dân ca .
Phú bắt nguồn từ dân ca vì trong lời ca điệu hát của dân gian gọi là thể “ phong “ . đây là cái mầm của phú . “ Phong “ dần dần biến thành “ Nhã “ và “ Nhã “ lại biến chuyễn dần thành “ Ly Tao “ ( tức là điệu Sở Từ - là lời hát trong dân gian của người nước Sỡ ) . Trong Sỡ Từ có tả cảnh , tả tình , có phô trương , có đối thoại , lời lẽ kiều diễm , bóng bẫy …để người ta ngâm lên được , nên có vần có điệu gần như thơ . Đó là mầm mống tạo hình thức cho bố cục của Phú sau này .
Riêng về phần Nội dung thì là “ trực trần kỳ sự “ ( nói thẳng điều mình muốn nói ), thường là tả tâm sự và cảnh vật .
Người đầu tiên sở trường về Phú là Khuất Nguyên ( 340 trước CN ) và Tống Ngọc ( sau KN ) , cả hai đều là người nước Sở …
Thí dụ như :
Trích đoạn một phần của “ Thiên Ly Tao “ ( Buồn Ly Biệt ) của Khuất Nguyên .
Tứ ngọc cầu dĩ thừa ê hề , khạp ai phong dư thượng chinh
Triệu phát nhẫn ư Thương Ngô hề , tịch dư chí hồ Huyền Phố …
…Thời ái ái kỳ tương bãi hề, kết u lan nhi diên trữ
Thế hổn trọc nhi bất phân hề , ỷ Xương Hạp nhi vọng dư …
Nguyễn Hiến Lê trong Cổ Văn Trung Quốc, dịch nghĩa như sau :
Ta cưỡi con Ngọc Cầu , hoặc con Phượng Hoàng hề , vụt theo trận gió mà lên trời
Buổi sáng ta ra đi ở Thương Ngô hề , chiều ta tới Huyền Phố …
…Thời đại nào u ám như đã sẩm tối hề , ta kết những bông lan u nhả mà đứng lâu
Ðời hổn trọc , mà không biết phân biệt hề, thích che cái đẹp của người mà ghen ghét …
***Khuất Nguyên thời Chiến Quốc , người nước Sỡ , với những bài Thiệp Giang Phú , Hoài Sa Phú …nổi tiếng đã mở ra một kỷ nguyên văn học mới lạ đi song hành với Thi ca cổ phong thời bấy giờ …Thiên Ly Tao gồm có 370 câu vừa Thơ vừa Phú …diễn đạt lời than thở thống thiết của Khuất Nguyên trong thời đại lịch sử nhiễu nhương , mỗi câu mổi từ là tiếng thở dài đến ứa lệ trong suốt 370 câu và 2400 chữ … đã được xếp vào một trong những bộ kỳ thư có giá trị tuyệt đối trong văn học Trung Quốc ..
Kết ý : Phú Trung Hoa bắt nguồn từ Sở Từ
Phú Trung Quốc bắt nguồn từ đó …Sau khi bình định đất nước, nhà Hán trong thời Hán Vũ Ðế rất là yêu chuộng thể loại thi ca này . Các thi sĩ thời bấy giờ như Ban Cố , Tư Mã Tương Như ,Chu Mãi Thần , Lưu An , Ðông Phương Sóc v.v…rất nổi tiếng , và được vua Hán ưu đãi …
Thí dụ như:
Đời Hán thì có :
Ban Cố với bài Lưỡng Ðô Phú ,
Tư Mã Tương Như với bài Tử Hư Phú trong lối tán tụng , phô trương .
Ðiếu Khuất Nguyên phú của Giả Nghị diễn đạt tình cảm thương tiếc .
Cam Tuyền Phú của Dương Hùng miêu tả hoa cỏ tươi tốt …
Ðời Nguỵ Tấn: thơ Ngũ Ngôn hình thành cùng với những bài phú trữ tình , đại biểu là Tả Tư với bài Tam Ðô Phú …
Ðời Ðường , phú rất thịnh hành cũng như thơ và cũng bắt buộc phải làm theo luật gọi là luật Ðường phú . Như bài Tiến Học Giải phú của Hàn Dũ …
Ðời Tống với bài Tiền Xích Bích phú của Tô Ðông Pha , bài Thu Thanh Phú của Âu Dương Vĩnh Thục …Thời này , phú đã tiến một bước khá dài từ hình thức cho đến nội dung …Và theo trào lưu của thời đại mà … thăng trầm từ đó .
Như vậy , có thể nói rằng , phú Trung Quốc bắt nguồn từ dân ca , được hình thành với những tác phẩm đầu tiên của Khuất Nguyên , Tống Ngọc thời Chiến Quốc , do sự kết hợp của Sỡ Tử và văn xuôi .
Phú thịnh hành nhất về triều Hán với tính cách phô trương duy mỹ …và đến triều Tống thì phú trở nên một thể loại văn học sâu sắc song hành với thi ca …mà thi hào Tô Ðông Pha , một trong Ðường Tống Bát Ðại Gia là đại biểu .
Khi mà Phú Trung Hoa đang phát triển từng bước một trên con đường văn học Trung Quốc thì lúc bấy giờ nước Việt Nam chúng ta còn …trong thời kỳ Bắc thuộc . Thành ra, có thể nói rằng Phú Chữ Hán của Việt Nam hoàn toàn ảnh hưỡng vào phú Trung Quốc từ nội dung cho đến cấu trúc …
Bài Phú cổ nhất của Việt Nam còn truyền lại là bài Bạch Vân Chiếu Xuân Hải Phú ( Mậy trắng dọi biển xanh phú ) của Khương Công Phụ ( 780 – 805 ) .
Nhưng thân thế của Khương Công Phụ không xác định minh bạch …không biết là người Việt Nam hay quan lại nhà Ðường ?. Theo tập Khương Công Phụ sự trạng khảo của Nhữ Ðạm Trai soạn vào năm 1832 dưới thời Minh Mạng , thì ông nội của Khương Công Phụ là Khương Thần Dực ở Ái Châu , Thanh Hoá , nhưng đến đời cha thì gia đình sanh lập nghiệp ở Trung Hoa ( ???) . Khương Công Phụ học thi đổ và làm quan tới chức Bình Chương Sự đời Ðường Ðức Tông , và bài phú này làm ở bên Trung Quốc , thì đương nhiên thuộc về văn học Trung Hoa …
Nhưng xét lại , thì trong thời Bắc thuộc , Trung Quốc bắt nước ta phải tiến người tài giỏi trong lục nghệ thì trường hợp của gia đình Khương Công Phụ có còn được xem là người Việt hay chăng ? Ðó là câu hỏi cần phải đặt ra …Tuy vậy , nguyên văn của bài Phú này trong bộ Uyên Giám và Văn Uyển Anh Hoa của Trung Quốc …
Mây trắng dọi biển xanh phú
Mây trắng ùn ùn , kéo la đà ở trên mặt biển xuân
Khoảng không sách bạch , tầng biếc trải trăng
Bóng sắp so le bao bọc chung quanh cõi nhật
Vẻ lồng lộng chập , rẽ chia cách nẻo cung trăng …
Sảng Ðình dịch - Theo Việt Nam Cổ Văn Học Sử của Nguyễn Ðổng Chi .
Mãi cho đến đời nhà Hậu Lý , phú bắt đầu xuất hiện nhưng không nổi tiếng cho lắm và đến nay không còn lưu truyền lại .Phải đợi đến thế kỷ thứ 13, suốt hơn 200 năm ,nhà Trần, phú chữ Hán mới rõ nét và bắt đầu thịnh hành . Trong Kiến văn tiểu lục , mục Thiên chương , Lê Quý Ðôn đã phải khen phú đời Trần như sau :
“Ðời Trần có nhiều bài phú lạ kỳ , hùng vĩ , trôi chảy, tốt đẹp , bố cục và cách điệu thi gần như lối phú của đời Tống “
Bài Bạch Ðằng Giang Phú của Trương Hán Siêu tả lại trận chiến Bạch Ðằng Giang của Trần Hưng Ðạo , gợi lại cảnh chiến đấu oai hùng ngày xưa và nói lên những cảm xúc của tác giả , khiến người đọc thấy được cái vẻ đẹp hùng tráng của Tổ Quốc , phấn khởi và tự hào về Tổ Tiên và Ðất Nước ..
Bạch Ðằng Giang Phú
Phú :
Khách có kẻ :
Chèo quế bơi trăng
Buồn mây trong gió
Sớm ngọn Tương kia
Chiều hang Vũ nọ
Vùng vẫy Giang , Hồ
Tiêu dao Ngô , Sỡ
Ði cho biết đây
Ði cho biết đó
Chằm Vân , Mộng chứa ở trong kho tư tưởng , đã biết bao nhiêu :
Mà cái chí khí tứ phương , vẫn còn hăm hở
Mới học thói Tử Trường
Bốn bể ngao du
Qua cửa Ðại Thần
Sang bến Ðông Triều
Ðến sông Bạch Ðằng
Ðủnh đỉnh phiếm chu
Trắng xoá sóng kình muôn dậm
Xanh rì dặng ác một màu
Nước trời lộn sắc
Phong cảnh vừa thu
Ngàn lau quạnh cõi
Bến lách đìu hiu
Giáo gãy đầy sông
Cốt khô đầy gò
Ngậm ngùi đứng lặng
Ngắm cuộc phù du
Thương kẻ anh hùng đâu vằng tá ?
Mà đâu đây vết vẫn còn lưu
Kìa kìa bên sông , lảo phủ người đâu ?
Lượng trong bụng ta , chừng có sở cầu
Hoặc gậy chống trước , hoặc thuyền bơi sau .
Vái tạ mà thưa rằng : Ðây là chỗ chiến địa của vua Trần bắt giặc Nguyên , và là nơi cố châu của vua Ngô phá quân Lưu đấy .
Ðương khi :
Muôn đội thuyền bày , hai quân giáo chỉ
Guơm tuốt sáng lòe , cờ bay đỏ khé
Tướng Bắc quân Nam
Ðôi bên đối lũy
Ðã nổi gió mà bay mây
Lại kinh thiên mà động địa
Kìa Nam Hán nó mưu sâu
Nọ Hồ Nguyên nó sức khoẻ
Nó bảo rằng : Phen này đạp đổ nước Nam , tưởng chừng cũng dễ .
May thay :
Trời giúp quân ta
Mây tan trận nó
Khác nào như quân Tào Tháo bị vỡ ở sông Xích Bích khi xưa .
Giặc Bồ Kiên bị tan ở bến Hợp Phì thuở nọ
Ấy cái nhục tầy trời của họ , há những một thời
Mà cái công tái tạo của ta, lưu danh thiên cổ
Tuy vậy , từ thuở có trời có đất , vẫn có giang san
Trời đất ra nơi hiểm trở
Người tính lấy cuộc tôn an
Hội nào bằng hội Mạnh Tân như vương sư họ Lã
Trận nào bằng trận Duy Thuỷ như quốc sĩ họ Hàn
Kìa trận Bạch Ðằng này mà đại thắng
Bởi chưng Ðại vuơng coi thế giặc nhàn
Tiếng thơm còn mãi
Bia miệng bao mòn
Nhớ ai sa giọt lệ
Hổ mình với nước non
Rồi vừa đi vừa hát rằng
Sông Ðằng một giải dài ghê
Luồng to sóng lớn dồn về bể Ðông
Trời Nam sinh kẻ anh hùng
Tăm kình yên lặng , non sông vững vàng
Khách lại nối mà hát rằng
Triều ta hai vị thánh nhân
Sông kia còn dấu tẩy trần giáp binh
Nghìn xưa gẫm cuộc thăng binh
Tại đâu đất hiểm , bởi minh đức cao
Ðông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch
***Truơng Hán Siêu , tự là Thăng Phủ , người làng Phúc Thành , tỉnh Ninh Bình . Ông được bổ Hàn lâm học sĩ năm 1308 và mất năm 1834. Ông làm quan dưới bốn triều vua : Trần Anh Tông , Minh Tông , Hiến Tông , và Dụ Tông . Ông để lại :
Bạch Ðằng Giang Phú
Linh Tế tháp ký
Khai Nghiêm bi ký
***Bạch Ðằng Giang : sông Bạch Ðằng là một phụ lưu của sông Thái Bình , chảy qua tỉnh Quảng Yên và đổ ra cửa Nam Triệu . Ở đây , năm 939, Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán , bắt sống thái tử Hoằng Tháo , con vua Hán Lưu Cung , bằng kế cấm cọc gỗ nhọn dưới sông . Hơn 300 năm sau , Trần Hưng Ðạo cũng diệt quân Nguyên bằng kế ấy …
Một số bài phú chữ Hán đời Trần được ghi chép lại trong cuốn Quần Hiền Phú Tập của Hoàng Sằn Phu năm 1414 :
• Quan chu ngọc phú - Nguyễn Hữu Bật
• Bàn khê điếu hoàng phú - Trần Công Cận
• Trảm xà kiếm phú - Sư Hi Nhan
• Cần chính lân phú - Nguyễn Pháp
• Thiên thu kim giám phú - Phạm Ðình Khê
• Ngọc tỉnh liên phú - Mạc Ðỉnh Chi
• Bạch đằng giang phú - Trương Hán Siêu
• Thiên hưng chấn phú - Nguyễn Bá Thông
• Cảnh tỉnh phú – Ðào Sĩ Tích
• Diệp mã phi phú - Nguyễn Phi Khanh
• Thang bàn phú - Khuyết Danh
• Ðông hồ bút phú - Khuyết Danh .
Tiếp nối nhà Trần là nhà Hồ , chúng ta không có tài liệu nào minh bạch rõ ràng về Phú Chữ Hán trong triều đại này , có lẽ vì thời gian ngắn ngủi , và sự việc biến động trong nước liên tục và dân tình bất phục họ Hồ …
Cuộc khởi nghĩa cũa Lê Lợi , người anh hùng áo vải Lam Sơn , trong suốt 1o năm kháng chiến chống quân Minh đã giành lại độc lập cho nước nhà thoát khỏi ách bạo tàn của nhà Minh …Chém Trần Hợp ở Tuỵ Ðộng , vây hãm Ðông Ðô , buộc Vương Thông 2 lần xin hòa , phá tan 10 vạn quân giặc ở Chi Lăng , chém An Viễn Hầu Liễu Thăng ( hổ tướng của Minh Thành Ðế ) cầm tù Thôi Tụ, giam giữ Hoàng Phúc, đuổi Mộc Thạnh chạy ra khỏi Cao Lạng …
Bấy nhiêu đó được thể hiện trong bài Xương Giang Phú của Lý Tử Tấn , Chí Linh Sơn của Nguyễn Mộng Tuân và Nguyễn Trãi .
Phú Xương Giang
Trời đất khéo đặt
Non sông vốn thiêng
Nơi đây vũ công lừng lẫy
Giúp nên đất nước bình yên
Lạch thiên nhiên của trời Nam sẵn có
Mở thái bình cho đất Việt khắp miền
Ấy Xương giang , một sông hình đẹp
Mà dấu thơm , muôn đời còn truyền
Này xem :
Cồn cát rải rác
Bãi lau rườm rà
Ầm ập sóng vỗ
Dồn dập nước sa
Không sâu không nông
Dễ lội , dễ qua .
Một lá vượt sang , không hiểm như Cù Ðường Diễm Dự
Ném roi thẳng tới , không lo như Hắc Thủy Ðại Hà
Thời ấy :
Giặc Minh sang lấn
Lập trại , đấp thành
Chiếm giữ đất cát
Tàn hại sinh linh
Ðức Thái tổ ta :
Quân có một toán
Ðất có một thành
Thấy dân cực khổ
Ðộng mối thương tình
Bèn theo lòng trời
Bèn họp nghĩa binh
Những tướng tay chân , tâm phúc ,
Thiếu chi Tín , Bố , Lương , Bình
Quân tới , khắp nơi theo phục
Nghe tin các nước hoan nghênh
Rồi :
Xương Giang phá trại
Ðông Quan hạ thành
Hẹn một phen quét sạch
Cho bốn cõi yên lành
Thế nhưng :
Bọn cuồng đồ kia ,
Lại kéo tràn sang
Xe chạy từng lượt
Cờ bay từng hàng
Quân đông như kiến
Khoe bô hùng cường
Lấn cướp,phá phách ,
Ðông dỡ, ngang tàng
Khiến cho con ếch giận tới phềnh bụng
Mà con bọ ngựa tức phải giơ càng
Bấy giờ :
Thần xui nên mưu chước
Trời giúp bậc khoan nhân
Sắp quân và kén tướng
Ðánh giặc để cứu dân ,
Tiếng trống nổi vang , ba quân thật hùng cường bội sức
Ngọn cờ thẳng tiến , các tướng đều hăng hái liều thân
Này Pha Lũy , Kê Lăng , trận nọ oai hùng đã dậy ,
Lại Bình Than , Lộng Nhãn , trận kia thế mạnh khôn ngăn .
Sấm vang , chớp nhoáng
Ra quỉ , vào thần
Giặc kia mất vía
Phải tan nát dần
Kết quả đến :
Bắt Thôi Tụ , giết Liễu Thăng
Lý Khánh nộp mạng
Hoàng Phúc đầu hàng
Toán này xô nhau trở giáo
Toán kia bỏ chạy cùng đàng
Xương chất thành núi
Máu chẩy đầy hang
Bốn cõi mây mờ quét sạch
Giữa trời ánh sáng huy hoàng
Kìa trận Hợp Phì oanh liệt khi trước , trận Xích Bích toàn thắng khi xưa , sao được bằng đây vẻ vang
Than ôi !
Có đức , công mới lớn
Có người , đất mới linh
Giữ nước không cốt ở hiểm yếu
Giữ dân không cốt ở hùng binh
Lòng trời mà đã giúp
Sức người đâu dám tranh .
Vậy con sông này :
Nếu không gặp Thánh Tổ , sao được gọi là hiểm ?
Nếu không nhân chiến thắng , sao được truyền mãi danh ?
Ðó thật :
Dân mến người chí đức
Trời giúp bậc chí thành
Nay kính đặt theo mấy câu ca rằng :
Ðức nhà vua thịnh , non sông linh
Áo nhung một mảnh , võ công thành
Từ đây khắp cõi đều yên lành
Kéo nước Ngân Hà rửa giáp binh
Sông đây , đất ấy ,
Muôn thuở thanh bình
Trịnh Ðình Rư dịch - Hoàng Việt thi văn tuyển .
***Lý Tử Tấn , người làng Triều Ðông , huyện Thượng Phúc , ( nay là huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây ) đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn nhà Hồ ( 1400) . Ông theo Lê Lợi kháng chiến và giữ chức Văn cảo .
Ông để lại tập thơ Chuyết Am .
***Xương Giang : tên một thành trên bờ sông , ở xã Thọ Xương , huyện Bảo Lộc , phủ Lạng Thương , thuộc tỉnh Bắc Ninh . Trương Phụ sang đánh nước ta , có đóng quân tại thành này …Về sau bị Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Xí dùng phép độn thổ giáp binh chiếm được vào tháng 9-1427.
Từ đó Phú chữ Hán của Việt Nam tiếp tục phát triển về hình thức kết cấu ngôn từ ngày thêm điêu luyện hơn và nội dung truyền đạt tư tưởng trung quân ái quốc và tình cảm thiết tha với sự vật vây quanh , khen ngợi cổ vũ và phê bình đã kích trong lòng yêu nước sôi nổi nêu cao tinh thần ái quốc của con dân xứ Việt …
Thí dụ như :
Chí Linh Sơn Phú
…Vì bởi : biết thế địch , biết sức mình , khi thu hẹp , khi khuếch trương
Chờ thời hội chực khi thuận lợi ,giấu oai hùng , nào để hở hang
Nằm gai chẳng quản , nếm mật là thường
Lo rửa thẹn xưa nghìn thuở , để phục đất cũ bốn phương ….
Nguyễn Trãi .
• Bài Phú này ca ngợi núi Chí Linh , căn cứ địa kháng chiến của Lê Lợi , ở vùng Tây Bắc , tỉnh Thanh Hoá , thuộc huyện Lang Chánh , giáp giới biên thuỳ phía Ðông nước Ai Lao .
hoặc tả cảnh trình bày sự tình khuất tất nghiêm trang :
bài Ngọc Tỉnh Liên Phú
…Chẳng phải như đào trần lý tục ,
chẳng phải như trúc lãnh mai gầy
Câu kỷ phòng tăng khó sánh
Mẫu đơn đất Lạc nào bì
Gian Ðào Lịnh cúc đâu ví được
Vườn Linh Quân lan sá kể gì
Ấy là giống sen giếng Ngọc trên đầu núi Thái Hoa đây …
Mạc Ðỉnh Chi .
• Bài Phú này được làm lúc ông thi đỗ Trạng Nguyên , nhà vua thấy ông tướng xấu không muốn cho đỗ trạng , nên ông làm để tỏ ý ….Thạch Trung Ẩn Ngọc ! ( giống sen là một thứ hoa quân tử , mọc ở giếng Ngọc …hình tượng cao qúi , tâm tình nghiêm trang …vì nước vì dân chớ há vì danh lợi ! …mà vua xem thường ! )
Quả nhiên sau này , ông đã không phụ lòng …
hoặc khích lệ tinh thần ái quốc như bài :
Lương Ngọc Danh Sơn Phú
Sao chẳng thấy đồng bào ta ở Á Châu
Anh hùng sôi nổi chí sĩ tranh đua
Cụ Nam Hải giữa trung châu cổ động
Chàng Ðông Sơn bên đường rộng khóc ù
Người đều biết xấu hổ
Ta sao không thẹn thò ?
Nhà yến tước khá nên vui gượng
Ðộng Bạch Lộc khen khéo bày trò …
…Bởi một thời làm sai chính sách
Ðể muôn đời cam chịu tai ương
Xem cái việc sở hành , tìm cái điều sở dục
Quân đội lấy gì hùng cường , tài chính lấy gì sung túc
Dân trí lấy gì mở mang , nhân tài lấy gì giáo dục
Than ôi đau xót thay !
dần dà cho đến ngày nay chịu điều khổ nhục ….
Phan Chu Trinh , Trần Quí Cáp - Huỳnh Thúc Kháng
• Bài phú này do 3 ông Phan Chu Trinh , Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng làm năm 1905 …Trên bước đường cổ động lòng yêu nước của mọi người , đi ngang qua Bình Ðịnh thì gặp kỳ thi tiểu thí để kiểm tra xem học sinh nào có học lực khá cho đi dự kỳ thi Hương năm sau .Ba ông trà trộn vào đám sĩ tử . Ðầu đề thi gồm có một bài thơ Chí thành thông thánh và một bài phú Lương ngọc danh sơn . Ba ông cùng làm một bài thơ và bài phú viết chung một quyển ký tên là Ðào Mộng Giác ( mộng giác có nghĩa là tỉnh mộng ) . Bài của 3 ông không “ăn “ với tựa đề thi , mà chỉ gợi lòng yêu nước …tất nhiên 3 ông hỏng thi ! Nhưng bài thơ Chí Thành Thông Thánh và nhất là bài phú Lương Ngọc Danh Sơn Phú thì …nổi tiếng khắp mọi miền đất nước trong giới học sinh và trí thức !
Dĩ nhiên , 3 ông phải trốn tránh trước sự truy tầm của chính quyền đương thời …
Sơ lược phú Chữ Hán trong Văn Học Việt Nam :
Như đã trình bày phần trên , phú chữ Hán của Việt Nam ngay từ lúc hình thành đã chịu nhiều thua sút so với phú Trung Quốc do từ những nguyên nhân chính sự bất an …Sau khi quốc gia ổn định , dân tình an cư …thì Phú chữ Hán bắt đầu xuất hiện vững vàng và tiến triển .Bắt đầu từ thời Hậu Lý còn phôi thai chập chững thì …đến đời Trần đã biến dạng , tỉ như loài bướm từ lớp ấu trùng xấu xí thành cánh bướm muôn màu rực rỡ …Không kém sút chút gì so với phú Trung Quốc thời cực thịnh … Mà lời bình luận của Học giả Lê Qúy Ðôn trong Kiến Văn tiểu lục ở phần trên : không chút gì là quá đáng thiên vị .
Và từ bước đường tiến hoá đó, Phú Chữ Hán vẫn tiếp tục duy trì và góp phần sâu sắc vào nền văn học Việt Nam …Ngày nay , số người biết Hán văn có lẽ không còn bao nhiêu nữa , và số người người tinh thâm Nho học lại càng hiếm hoi thêm …
Tuy thế , người viết cũng vẫn hy vọng vào tinh thần văn học của mọi người Việt sẽ mãi duy trì nền văn học đặc thù này .
____________