Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Hồ Xuân Hương
kimlong
#1 Posted : Monday, December 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
kimlong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 105
Points: 0

Thơ Hồ Xuân Hương

(xếp theo tựa từ A tới C)

Bà Lang Khóc Chồng

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì ?
Thương chồng nên khóc tỉ tì ti .
Ngọt bùi, thiếp nhớ mùi cam thảo,
Cay đắng, chàng ơi, vị quế chi.
Thạch nhũ, trần bì, sao để lại,
Quy thân, liên nhục, tẩm mang đi.
Dao cầu, thiếp biết trao ai nhỉ?
Sinh ký, chàng ơi, tử tắc quy.

OoO

Bánh Trôi Nước

Thân em vừa trắng, lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

OoO

Cái Quạt Giấy

Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa,
Duyên em dính dáng tự ngàn xưa.
Vành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa ?
ooo
Mười bảy hay là mười tám đây?
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay.
Mỏng dầy chừng ấy chành ba góc,
Rộng hẹp dường nào cắm một cây.
Càng nóng bao nhiêu càng muốn mát,
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày.
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,
Chúa dấu vua yêu một cái này.

OoO

Cảnh Thu

Thánh thót tầu tiêu mấy hạt mưa,
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ,
Xanh ôm cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu .
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ .
Ơ hay, cảnh cũng ưa người nhỉ,
Ai thấy, ai mà chẳng ngẩn ngơ.

OoO

Chợ Trời

Khen thay con Tạo khéo trêu ngươi.
Bày đặt ra nên cảnh chợ Trời!
Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đứng,
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi.
Bầy hàng hoa quả tư mùa sẵn,
Mở phố giang sơn bốn mặt ngồi.
Bán lợi, buôn danh nào những kẻ,
Chẳng nên mặc cả một đôi lời.

OoO

Chùa Hương

Bầy đặt kìa ai khéo khéo phòm,
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom.
Người quen cõi Phật chen chân xọc,
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm.
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót,
Con thuyền vô trạo cúi lom khom.
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại,
Rõ khéo trời già đến dở dom.

OoO

Chùa Quán Sứ

Quán sứ sao mà cảnh vắng teo,
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình tiểu để suông không đấm,
Tràng hạt, vãi lần đếm lại đeo.
Sáng banh không kẻ khua tang mít
Trưa trật nào ai móc kẽ rêu,
Cha kiếp đường tu sao lắt lẻo,
Cảnh buồn thêm chán nợ tình đeo.

OoO

Chùa Xưa

Thày tớ thung dung dạo cảnh chùa,
Thơ thì lưng túi, rượu lưng hồ.
Cá khe lắng kệ, mang nghi ngóp,
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù.
Then cửa từ bi chen chật cánh,
Nén hương tế độ cắm đầy lô.
Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí,
Phúc đức như ông được mấy bồ?

OoO

Chửa Hoang

Cả nể cho nên hóa dở dang,
Nỗi niềm có thấy hỡi chăng chàng?
Thiên duyên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đành nẩy nét ngang.
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
Quản bao miệng thế lời chênh lệch,
Không có nhưng mà có mới ngoan.

OoO

Con Cóc

Em có mai xanh, có yếm vàng,
Ba quân khiêng kiệu, kiệu nghêng ngang.
Xin theo ông Khổng về Đông Lỗ,
Học thói Bàn Canh nấu chín Thang.

OoO

Con Cua

Em có mai xanh, có yếm vàng,
Ba quân khiêng kiệu, kiệu nghêng ngang.
Xin theo ông Khổng về Đông Lỗ,
Học thói Bàn Canh nấu chín Thang.

OoO

Con Ốc Nhồi

Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi,
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi.
Quân tử có thương thời bóc yếm,
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.

OoO

kimlong
#2 Posted : Wednesday, December 29, 2004 12:00:04 AM(UTC)
kimlong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 105
Points: 0

Thơ Hồ Xuân Hương

(xếp theo tựa từ D tới G)

Dệt Vải

Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau,
Con cò mấp máy suốt đêm thâu.
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau.
Rộng, hẹp, nhỏ, to, vừa vặn cả.
Ngắn, dài, khuôn khổ cũng như nhau.
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ,
Chờ đến ba thu mới dãi mầu.

OoO

Dỗ Bạn Khóc Chồng

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng.
Nín đi kẻo thẹn với non sông.
Ai về nhắn nhủ đàn em nhé.
Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung.

OoO

Duyên Kỳ Ngộ

Nghìn dặm có duyên sự cũng thành,
Xin đừng lo lắng hết xuân xanh.
Tấc gang tay họa thơ không dứt,
Gần gụi cung dương lá vẫn lành.
Tên sẵn bút đề dường chĩnh chện,
Trống mang dùi cắp đã phanh phanh.
Tuy không thả lá trôi dòng ngự,
Chim tới vườn đào thế mới xinh.

OoO

Ðài Khán Xuân

Êm ái, chiều xuân tới khán đài,
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng,
Một vũng tang thương nước lộn trời.
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây, chín rõ mười.

OoO

Đánh Cờ Người

Chàng với thiếp năm canh trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thủy không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Để đôi ta quyết chí một phen.
Quân thiếp trắng quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lữa.
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tượng lên.
Hai xe hà chàng gác hai bên,
Thiếp sợ bí thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung.
Thiếp đương mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu thiếp rằng chửa chịu,
Thua thì thua cố níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại dở bàn son quân ngà.

OoO

Đánh Đu

Bốn cột khen ai kheó léo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông.
Trai co gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngữa ngữa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá,
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.

OoO

Đá Ông Chồng Bà Chồng

Khéo khéo bày trò tạo hóa công,
Ông chồng đã vậy lại bà chồng.
Từng trên tuyết điểm phơ đầu bạc,
Thớt dưới sương pha đượm má hồng.
Gan nghĩa dãi ra cùng nhật nguyệt,
Khối tình cọ mãi với non sông.
Đá kia còn biết xuân già dặn,
Chả trách người ta lúc trẻ trung.

OoO

Đền Thái Thú

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu.

OoO

Ðền Trấn Quốc

Ngoài cửa hành cung cỏ dãi dầu,
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau!
Một tòa sen lạt hơi hương ngự,
Năm thức mây phong điểm áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi vẫn rộn.
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa, cảnh cũ đâu đâu tá?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu.

OoO

Đêm Thu, Nhớ Mai Sơn Phủ

Lá ngọc chiều thu giận hẳn du,
Tuần trăng sẽ nhớ bữa đêm thu.
Bên am Nhất Trụ trong còn đấy,
Ngọc nước Tam Kỳ chảy lại đâu
Son phấn trộm mừng duyên để lại,
Bèo mây thêm tủi phận về sau.
Trăm năm biết có duyên thừa nữa,
Cũng đỏ tay tơ cũng trắng đầu.

OoO

Đèo Ba Dội

Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đià lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân, quân tử ai là chẳng...
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.

OoO

Đồng Tiền Hoẻn

Cũng lò cũng bể, cũng cùng than,
Mở mặt vuông tròn với thế gian.
Kém cạnh cho nên mang tiếng hoẻn,
Đủ đồng ắt cũng đóng nên quan.

OoO

Già Kén Kẹn Hòm

Bụng làm dạ chịu trách chi ai,
Già kén kẹn hom ví chẳng sai.
Tiếc đĩa hồng ngâm cho chuột vọc,
Thừa mâm bánh ngọt để ngâu vầy.
Miệng khôn trôn dại đừng than phận,
Bụng ỏng lưng eo chớ trách trời!
Đừng đứng núi này trông núi nọ,
Đói lòng nên mới phải ăn khoai.

OoO

Giếng Nước

Ngõ ngang thăm thẳm tới nhà ông,
Giếng tốt thanh thơi giếng lạ lùng.
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép,
Nước trong leo lẻo một dòng thông.
Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
Cá diếc le te lách giữa dòng.
Giếng ấy thanh tân ai chẳng biết,
Đố ai dám thả nạ dòng dòng.

OoO

Giễu Quan Hậu

Tình cảnh ấy, nước non này,
Dẫu không Bồng Đảo cũng tiên đây .
Hoành Sơn mực điểm đôi hàng nhạn,
Thúy lĩnh đen trùm một thức mây.
Lấp ló đầu non vừng nguyệt chếch,
Phất phơ sườn núi lá thu bay.
Hỡi người quân tử đi đâu đó?
Đến cảnh sao mà đứng lượm tay.

Chú thích:Ông quan hậu có vợ hay ghen, nhưng lại thích thơ, mỗi lần đến chơi xướng họa với HXH thì đứng ngồi không yên, sợ vợ đến. HXH ví như Tiên ở Bồng Đảo. Hoành Sơn, Thúy Lĩnh là tên hai trái núi. Nguyệt chếch là trăng xế. Lượm tay là bó tay.

OoO
kimlong
#3 Posted : Wednesday, December 29, 2004 3:24:56 AM(UTC)
kimlong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 105
Points: 0

Thơ Hồ Xuân Hương

(xếp theo tựa từ H tới L)

Hang Cắc Cớ

Trời đất sinh ra đá một chòm.
Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom.
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn,
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm,
Con đường vô ngạn (*) tối om om.
Khen ai đẽo đá, tài xuyên tạc (*),
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm!

Chú thích: vô ngạn là vô hạn, vô tận.
Xuyên là khoét.
Tạc là đào

OoO

Hang Thanh Hóa

Khen thay con tạo khéo khôn phàm,
Một đố dương ra biết mấy ngoàm.
Lườn đá cỏ leo, rờ rậm rạp.
Lách khe nước rỉ, mó lam nham.
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ,
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am.
Đến mới biết rằng hang Thanh Hóa,
Chồn nhân, mỏi gối, hãy còn ham.

OoO

Hầu Nghi Xuân Tiên Điền Nhân

Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Mượn ai tới đấy gữi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương siu mấy,
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.

Chú thích: sương siu là vấn vương

OoO

Họa Lại Thơ Mai Sơn Phủ

Này đoạn chung tình biết mấy nhau,
Tiễn đưa ba bước cũng nên câu.
Trên tay khép mở tanh chiếu nhạn,
Trước mặt đi về gấp bóng câu .
Nước mắt trên hoa là lỗi cũ.
Mùi hương trong nệm cả đêm ngâu.
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm,
Này đoạn chung tình biết mấy nhau.

OoO

Hỏi Cô Hàng Sách

Cô hàng lấy sách cắp ra đây!
Xem thử truyện nào thú lại say.
Nữ tú có bao xin xếp cả,
Phương hoa phỏng liệu có còn hay...?
Tuyển phu mặc ý tìm cho kỹ,
Chinh phụ thế nào bán lấy may.
Kỳ ngộ bích câu xin tiện hỏi,
Giá tiền cả đó tính sao vay.

OoO

Hỏi Trăng

Một trái trăng thu chín mõm mòn,
Này vùng quế đỏ đỏ lòm lom!
Giữa in chiếc bích khuôn còn méo,
Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm.
Ghét mặt kẻ trân đua xói móc,
Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom.
Hỡi người bẻ quế rằng ai đó,
Đó là Hằng Nga ghé mắt dòm.
ooo
Trải mấy thu nay vẫn hãy còn,
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn.
Hỏi con bạch thố đà bao tuổi,
Hở chị Hằng Nga đã mấy con?
Đêm tối cớ chi soi gác tía ?
Ngày xanh còn thẹn với vừng son.
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng với nước non?

OoO

Khóc Tống Cóc

Chàng Cóc ơi! chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,
Nghìn vàng không chuộc dấu bôi vôi!

OoO

Kiếp Tu Hành

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,
Vị gì mà chút tẻo tèo teo.
Thuyền cừ cũng muốn về Tây Trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo.

OoO

Làm Lẽ

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Năm thì mười họa nên chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không ...
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.

OoO
kimlong
#4 Posted : Wednesday, December 29, 2004 3:27:54 AM(UTC)
kimlong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 105
Points: 0

Thơ Hồ Xuân Hương

(xếp theo tựa từ M tới Q)

Mắng Học Trò Dốt

Khéo léo đi đâu lũ ngẩn ngơ ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ.
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thừa.
ooo
Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền,
Cũng đòi học nói, nói không nên,
Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quét trả đền.

OoO

Mời ăn Trầu

Quả cau, nho nhỏ, miếng trầu ôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi .
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi ..

OoO

Qua Kẽm Trống

Hai bên thì núi, giữa thì sông,
Có phải đây là kẽm Trống không?
Gió đập cành cây khua lắc cắc,
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong.
Ở trong hang đá hơi còn hẹp,
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng.
Qua cửa mình ơi, nên ngắm lại,
Nào ai có biết nỗi bưng bồng.

Chú thích: kẽm ỡ đây là kẽm núi huyện Kim Bảng tỉnh Ninh Bình

OoO

Quán Nước Bên Đường

Đứng tréo trông theo cảnh hắt heo,
Đường đi thiên thẹo, quán cheo leo.
Lợp lều, mái cỏ tranh xơ xác,
Xỏ kẽ, kèo tre đốt khẳng kheo.
Ba trạc cây xanh hình uốn éo,
Một dòng nước biếc, cỏ leo teo.
Thú vui quên cả niềm lo cũ,
Kìa cái diều ai thả lộn lèo.

OoO

Quả Mít

Thân em như quả mít trên cây,
Da nó sù sì, múi nó dày.
Quân tử có yêu thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó nhựa ra tay

OoO

Quan Thị

Mười hai bà mụ ghét chi nhau ?
Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu ?
Rúc rích thây cha con chuột lắt,
Vo ve mặc kệ cái ong bầu .
Đố ai biết được vông hay chóc,
Còn kẻ nào hay cuống với đầu .
Thôi thế thì thôi, thôi cũng được,
Nghìn năm khỏi bị tiếng nương dâu

OoO
kimlong
#5 Posted : Wednesday, December 29, 2004 3:30:06 AM(UTC)
kimlong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 105
Points: 0

Thơ Hồ Xuân Hương

(xếp theo tựa từ S tới Z)

Sư Bị Làng Ðuổi

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,
Vị gì một chút tẻo tèo teo.
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo.

OoO

Sư Bị Ong Châm

Nào nón tu lờ, nào mũ thâm,
Đi đâu chẳng đội để ong châm.
Đầu sư há phải gì bà cốt,
Bá ngọ con ong bé cái lầm.

OoO

Sư Hổ Mang

Chẳng phải là Ngô, chẳng phải ta,
Đầu thì trọc lốc, áo không tà.
Oản dâng trước mặt, năm ba phẩm,
Vãi mọp sau lưng, bảy tám bà.
Khi cảnh, khi tiu, khi chũm choẹ,
Giọng hì, giọng hí, giọng hi ha.
Tu lâu có lẽ lên sư cụ,
Ngất nghểu tòa sen nọ đó mà!

OoO

Tát Nước

Đang cơn nắng cực chửa mưa tè,
Rủ chị em ra tát nước khe.
Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm,
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be.
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa,
Nhấp nhỏm bên bờ đít vắt ve.
Mải miết làm ăn quên cả mệt,
Dang bang một lúc đã đầy phè.

OoO

Thân Phận Người Đàn Bà

Hỡi chị em ơi có biết không ?
Một bên con khóc một bên chồng.
Bố cu lổm ngổm bò trên bụng,
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.
Tất cả những là thu với vén,
Vội vàng nào những bống cùng bông.
Chồng con cái nợ là như thế
Hỡi chị em ơi có biết không ?

OoO

Thiếu Nữ Ngủ Ngày

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới mương long.
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở ở không xong.

OoO

Thương

Há dám thương đâu kẻ có chồng,
Thương vì một nỗi hãy còn không.
Thương con cuốc rũ kêu mùa Hạ,
Thương cái bèo non giạt bể Đông.
Thương cha mẹ nhện vương tơ lưới,
Thương vợ chồng Ngâu cách mặt sông.
Ấy thương quân tử thương là thế,
Há dám thương đâu kẻ có chồng.

OoO

Trách Chiêu Hổ

Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày ?
Này này chị bảo cho mà biết,
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay!
ooo
Sao nói rằng năm lại có ba ?
Trách người quân tử hẹn sai rà.
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt,
Nhớ hái cho xin nắm lá đa.
ooo
Những bấy lâu nay luống nhắn nhe,
Nhắn nhe toan những sự gùn ghè.
Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám,
Chưa dám cho nên phải rụt rè.

OoO

Tranh Hai Tố Nữ

Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh.
Đôi lứa như in tờ giấy trắng,
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.
Phiếu mai chi dám tình trăng gió,
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh.
Còn thú vui kia sao chẳng thấy,
Trách ông thợ vẽ khéo vô tình!

OoO

Trống Thủng

Của em bưng bít vẫn bùi ngùi,
Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi.
Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc,
Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi.
Khi giang thẳng cánh bù khi cúi,
Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi.
Nhắn nhủ ai về thương lấy với,
Thịt da ai cũng thế mà thôi.

OoO

Tức Cảnh Tề Sở

Đằng quốc tôi nay vốn nhỏ nhen,
Hai bên Tề Sở giữa mà len,
Ngảnh mặt lại Tề e Sở giận,
Quay đầu về Sở sợ Tề ghen.

OoO

Tự Tình

Canh khuya văng vẳng trống canh dồn.
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,
Vừng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.
Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.
ooo
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không thua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử , văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom
ooo
Chiếc bánh buồn vì phận nổi nênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.
Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,
Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.

OoO

=====================================
Vũ Thị Thiên Thư
#6 Posted : Tuesday, April 5, 2005 12:21:07 AM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,031
Points: 2,424
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)



Thơ Hồ Xuân Hương Đến Với Độc Giả Mỹ


Ở cấp học phổ thông trung học hiện nay, Hồ Xuân Hương có hai bài thơ được dạy trong chương trình quốc văn: Bánh trôi nước và Mời trầu. Các cô cậu lớp chín lớp mười được học nghệ thuật lồng một bài thơ trong một bài thơ, mượn một vật thông thường vô thuởng vô phạt để nói một điều không nên, không thể, không được nói ra. Có thể một số giáo viên giảng thêm về tâm trạng và thân phận của một phụ nữ tài hoa trong một xã hội phong kiến ở giai đoạn suy tàn. Cái tài hoa của người phụ nữ đó thể hiện qua cách dùng ẩn dụ tài tình, vừa ngụ trong phong cảnh mỹ miều những điều trần trụi bản năng, vừa bằng lời lẽ bình dân thẳng thừng thể hiện những khát vọng cao cả. Có thể họ cũng nói đến sự phản kháng âm thầm mà mãnh liệt của một phụ nữ-con người đối với một xã hội đầy rẫy những trò bi hài, bất công, thối nát; và cuộc nổi loạn thơ ca của một phụ nữ-nhà văn trong cái thế giới văn chương Nho giáo chính thống đạo mạo nơi mà đàn ông ngự trị suốt cả nghìn năm. Ít nhất thì đó cũng là những gì tôi đã được học về Hồ Xuân Hương khi tôi là một cô gái mười lăm tuổi.

Từ đó Hồ Xuân Hương trở nên hiện thực và hiện đại trong tâm trí lẫn cuộc sống của tôi từng ngày khi đi chợ nghe các bà xài cách nói lái Hồ Xuân Hương để cười đùa với nhau; hay trong một tình huống tế nhị, chỉ có cách đọc lên câu thơ lắt léo Hồ Xuân Hương mới thấy đã. Cho đến một lúc, Hồ Xuân Hương đối với tôi không là một truyền thuyết hay một tác giả hai trăm năm trước, và là một bạn đồng hành thân thiết tin cậy, luôn cổ vũ tôi bằng nụ cười hóm hỉnh, vui nhộn, lấp che đi nỗi đắng cay cực nhục. Mỗi khi ngẩng đầu lên tôi đều nhìn thấy hình ảnh Hồ Xuân Hương trên con đường gập ghềnh, trong tư thế loạng choạng, chân trượt, cẳng xoạc, tay dang ra, tay giơ lên chới với, không có chỗ tựa, không nơi bấu víu vậy mà trong cái thế gãy cổ như chơi ấy, bà vẫn ung dung đáp lễ bọn đàn ông cười hô hố chung quanh rằng: Giơ tay với thử trời cao thấp, xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài. Khẩu khí ấy mà xuất phát từ miệng một người đàn ông của bất kỳ thời đại nào cũng được coi là ngang tàng, khí phách. Nhưng thốt ra từ miệng một phụ nữ, dù hai trăm năm trước hay bây giờ, vẫn có kẻ cho là "ngang ngược".

Nếu có một sứ giả của phụ nữ Việt Nam trên văn đàn thế giới, người đó là Hồ Xuân Hương.

Có một thực tế đau lòng, là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mà người năm châu nhặt được trong những tác phẩm văn học nghệ thuật mà họ có thể thưởng lãm bằng tiếng Anh là hình ảnh một cô gái điếm: từ cô Phương trong Người Mỹ thầm lặng của nhà văn Anh Graham Greene, đến những gái bán bar và me Mỹ thấp thoáng và nhan nhản trong tác phẩm những nhà văn cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, từ phim Việt kiều làm như Ba mùa đến nhạc kịch rặt Mỹ Miss Sài Gòn, thậm chí tác phẩm kinh điển nhất của văn học Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài là Truyện Kiều, thì cũng do rào cản ngôn ngữ mà cái trác tuyệt văn chương bị rớt lại, để chỉ còn đến với độc giả Tây phương cuộc đời một cô gái lầu xanh! Đôi lần, đến xứ người nói chuyện văn chuơng xứ mình, tôi đều cầu cứu Hồ Xuân Hương, nhưng lực bất tòng tâm, làm sao với một chút tiếng Anh ngập ngọng, tôi phác họa được một Hồ Xuân Hương độc đáo của Việt Nam, để minh họa niềm tự hào của tôi về người phụ nữ làm văn học Việt Nam?

Vì vậy không thể nói hết được tôi xúc động và biết ơn như thế nào khi tôi cầm quyển Thơ Hồ Xuân Hương, bản dịch tiếng Anh của John Balaban. Một người bạn, nhà thơ Jo seph Duemer đưa tôi xem khi nó còn là bản in thử và chưa chính thức xuất bản ở Mỹ. Sách gồm 48 bài thơ của Hồ Xuân Hương, mỗi bài được trình bày trang trọng dưới ba hình thức: bản tiếng Nôm, bản tiếng Việt, và bản tiếng Anh. (John Balaban tự hào rằng, đây là lần đầu tiên thơ Hồ Xuân Hương được xuất bản bằng chữ Nôm, ít ra là ở Mỹ; là thứ chữ mà bà đã dùng để sáng tác cách đây hai trăm năm và hành động đó có ý nghĩa cách mạng trong sự phát triển văn học Việt Nam, vì phần lớn đàn ông trí thức thời đó đều dùng chữ Hán). Cảm động, tôi lật từng trang, đọc lại những bài thơ mình đã thuộc lòng từ lâu và nghe những cảm giác mới lạ liên tiếp nảy ra trong lòng mình. Nhưng một nỗi sợ hãi đột nhiên vỡ ra: bản tiếng Anh này chuyển tải được bao nhiêu "chất Hồ Xuân Hương"?
John Balaban là một nhà thơ Mỹ mà sáng tác của bản thân ông đã hai lần được đề cử giải thưởng Sách quốc gia và đã đoạt hai giải thưởng uy tín về thơ, điều đó đủ bảo đảm cái ông dịch ra từ thơ Hồ Xuân Hương cũng là thơ ở một mức độ nghệ thuật rung cảm được độc giả Mỹ của ông. Nhưng những độc giả sống ở một xã hội phương Tây mà đề tài sex và đề tài nữ quyền được khai thác thường xuyên dưới muôn hình vạn trạng, song lại không có hình trạng nào như Hồ Xuân Hương, thì liệu họ có cảm nhận được Hồ Xuân Hương không, hay đọc bài thơ Ốc nhồi chỉ thấy con ốc nhồi, đọc bài Đèo Ba Dội chỉ thấy cây với đá? Họ có cảm nhận được chăng nỗi chua chát một cách nghẹn ngào trong giọng thách thức đầy mơn trớn: Quân tử có thương thì bóc yếm, và nỗi tủi hờn pha ngạo mạn trong lời van xin giận dữ: Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi. (John Balaban dịch là: Kind sir, if you want me, open my door. But please don't poke up into my tail. Và giải thích tính song nghĩa của từ "yếm" trong phần ghi chú.) Nhà thơ - dịch giả dùng nhiều chú thích dưới những bài thơ được trích đăng trong tạp chí The American Poetry Review, và trong bài viết dài hơn hai trang báo khổ lớn về Hồ Xuân Hương, ông cố gắng giải thích với độc giả Mỹ về ngôn ngữ Việt Nam, cho một thí dụ "dịch từng chữ ở bài thơ Chơi đền khán xuân bên cạnh bài thơ hoàn chỉnh mà ông đã tái tạo. Câu đầu Êm ái chiều xuân tới khán đài được dịch từng chữ là Peaceful evening spring go pavilion và được thi hóa thành A gentle spring evening arrives (nếu dịch ngược lại câu này sang tiếng Việt là Một chiều xuân tao nhã đến). Đọc đi đọc lại những bài thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Anh, càng cảm động và khâm phục nỗ lực của John Balaban; và càng nhận ra chữ nghĩa Hồ Xuân Hương không ai theo kịp suốt chiều dài thời gian mà cũng không có tương đương trong bình diện không gian. Trong bài Làm lẽ John Balaban dịch chữ Chém cha là Screw và giải thích cut father là một tiếng chửi. Nhưng đến câu Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng. Cầm bằng làm mướn, mướn không công thì câu tiếng Anh You try to stick to it like a fly on rice but a rice is rotten. You slave like the mai, but without pay nếu được dịch lại tiếng Việt sẽ là Mày cố bám vô nó như một con ruồi đậu dính vô xôi, mà xôi lại hỏng. Mày làm việc quần quật như một con ở, mà không được trả công. Điều chắc chắn là John Balaban thấu hiểu ý nghĩa từng chữ từng câu thơ của Hồ Xuân Hương, nhưng rõ ràng trong tiếng Anh không có tương đương của thành ngữ "Cố đấm" và "Cầm bằng" đặc thù của văn hóa làng xã và tâm thái nông dân ở một đất nước có nền văn minh hàng nghìn năm trải qua điều kiện thiên nhiên, chính trị, xã hội luôn trắc trở.

Thơ không phải là cái người ta có thể bắc đồng bỏ lên cân rồi kết luận khiên cưỡng về tính chính xác. Cái hiệu quả luôn luôn ở phản ứng của người đọc. Tôi canh mãi đến khi cuốn sách chính thức phát hành ở Mỹ hồi tháng 10-2000, (tựa Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương, Nhà xuất bản Copper Canyon), viết thư bảo bạn bè bên ấy tìm đọc và nói cho tôi biết họ thấy thế nào. Tôi lại đêm đêm lên mạng, canh xem độc giả nói gì.

Một độc giả ở Phoenix, bang Arizona, ký tên G. Merritt viết: Qua thơ ca Hồ Xuân Hương được biết đến tài chơi chữ, óc khôi hài sắc sảo, lòng khao khát tình yêu, nỗi căm giận sự thối nát. (...) Những bài thơ này rất gợi tình và khiêu dâm, đầy nghĩa đôi... Balaban đã thành công trong công việc phiên dịch hình ảnh Hồ Xuân Hương sang những vần thơ tiếng Anh cộng hưởng với hương sắc mùa xuân. (...) Tuyển tập thơ giàu tính gợi tình này khiến tôi hy vọng được đọc thêm nữa. Nỗi thất vọng duy nhất của tôi là được biết quyển sách mỏng trăm trang này chứa "hầu hết những bài thơ hiện còn lưu hành của Hồ Xuân Hương". Quyển sách mỏng này tỏa sáng rực rỡ.

Một bài điểm sách của Jon Spayde bắt đầu bằng câu: Đôi khi sách thực sự thay đổi thế giới. Bài báo dành phần lớn nội dung để nói đến cuộc đời và thơ ca của Hồ Xuân Hương, nỗ lực của nhà thơ - dịch giả Balaban chuyển thể di sản văn hóa này sang tiếng Anh một cách tài tình, cùng đóng góp của nhà ngôn ngữ học Ngô Thanh Nhàn ở trường đại học New York, đã đặt ra kiểu chữ Nôm dùng cho máy tính, để việc in ấn dễ dàng, có thể giúp công việc bảo tồn và truyền bá chữ Nôm có nhiều triển vọng hơn. Cuối cùng là thiện chí và công lao của ông chủ biên Nhà xuất bản Copper Canyon, đã ủng hộ nhiệt tình và tạo điều kiện cho thơ Hồ Xuân Hương ra mắt ở Mỹ.

Một số người điểm sách ngoài việc ghi nhận giá trị chấn động (shock value) của quyển Thơ Hồ Xuân Hương, lại tỏ ra dị ứng cái bìa. Hình ảnh lõa thể của người phụ nữ hai tay nâng một cái mẹt che mặt, theo ông Wiegers chủ biên Nhà xuất bản Copper Canyon, là một ẩn dụ hay cho một nhà thơ nữ mà "thân thế bị ngờ vực suốt lịch sử và bị giai cấp cầm quyền coi thường, nhưng bà và thơ của bà vẫn tồn tại." Vả lại cái bìa rất đẹp. John Balaban thì nói : Tôi lo lắng đến phản ứng của người Việt Nam đối với cái bìa sách, chứ "Không ngờ người Mỹ lại bị dội vì cái đó". Ông nói thêm: "Điều đó thật quái đản, bởi vì suốt cả đời, Hồ Xuân Hương đã đứng lên và bất phục những chuẩn mực đạo đức khắt khe, vậy mà 200 năm sau, bà lại đụng đầu nó tại ngay nước Mỹ này".

Tôi không biết nhân danh ai trong tám chục triệu người đang có chung nền văn hóa Việt nói thơ Hồ Xuân Hương như uống nước ăn cơm, yêu Hồ Xuân Hương như yêu mẹ, chị, vợ, em, bạn, như yêu mình, để nói cám ơn John Balaban. Tôi xin cảm ơn ông với tư cách một phụ nữ Việt Nam.

LÝ LAN

************************************

Ho Xuan Huong goes to the US

Ly Lan

Imagine Ho Xuan Huong's sensual poetry is being taught in this formal class setting!


Ho Xuan Huong now has her rightful place among the classics of world literature. She is no longer a poet only for the Vietnamese people to love and marvel at- she is now available, thanks to John Balaban, to anyone who reads English as well.

Ho Xuan Huong is a modern reality in my mind and my life, not an antique and 'classical' poet in a dusty volume on the bookshelf. In the market, I often hear women teasing one another by borrowing Ho Xuan Huong's sexual puns to avoid using the direct words. While boozing, when drunken men often made dirty jokes about women, I have heard women defend them selves by reciting one or another of Ho Xuan Huong's verses, for instance 'Teasing Chieu Ho':

Is the master drunks? Is the master awake? Why flirt with the moon in the middle of the day? Perhaps there's something I ought to say: Don't stick your hand in the tiger's cave.

Of course, if the man in question is able to respond by quoting, 'Chieu Ho's Reply,' also by Ho Xuan Huong, he is perhaps not as drunk as he appears.

Ho Xuan Huong has become my trusty companion, the one who always encourages me with her mischievous wit, which is itself usually enough for me to over come bitterness and humiliation. Her strength of mind as expressed in verses like the following urges me to struggle on against the odds:

I am reaching up my hand to see
if the sky is high or low
I am stretching out my legs to see
if the land is long or short.

Had these words come from the mouth of a man in any era, they would have been thought defiant and brave, or at least very funny; however, coming from a woman, these words were condemned as "perverse and impertinent" two hundred years ago, and even today some people treat them the same way. Anyhow, her spirit survives intact.

Women like Ho Xuan Huong should be seen as a symbol of Vietnamese women in literature, but unfortunately this is not always the case, especially in the eyes of some foreign writes: Vietnamese women are often depicted as the devoted servants of men, or simple as sexual objects. Ms Phuong in Graham Greene's 'The Quiet American' is simply the best-known such portrayal. Vietnamese bar girls or women married to American men also often appear in literary works of American war veterans or in films produced by overseas Vietnamese such as 'Three Seasons,' or in musicals like 'Miss Saigon.' And even when Vietnamese classical literature is introduced overseas, many of the nuances are left out, so that a great and subtle poem like 'Truyen Kieu' (the Tale of Kieu), is flattened into unrecognisability, giving readers in Western countries the impression that Kieu is nothing more than a talented brothel girl.

But Ho Xuan Huong's poetry gives another picture. In her poem Phan Dan Ba (The Condition of Women), she writes:

Sisters, do you know how it is?
On one hand,
the bawling baby; on the other your husband
sliding onto your stomach,
his little son still howling at your side
Yet, everything must be put in order
Rushing around all helter-skelter
Husband and child, what obligations!
Sisters, do you know how it is?

When I lecture abroad, I often introduce Ho Xuan Huong's poetry to my audiences, but with my limited English, how can I manage to say what needs to be communicated?

So you can imagine how touched and honoured I felt when an American friend of mine, poet Joseph Dumer, showed me a translation of Ho Xuan Huong when it was in galley proofs and not yet published. (The book has subsequently been published in the US by Copper Canyon Press). 'Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong' is a collection of 48 of Ho Xuan Huong's poems printed in nom (Vietnamese alphabet) and English. The translator, John Balaban, notes in the introduction that he is particularly proud of the fact that this is the first time poetry has been published in nom script using modern printing technologies. Holding the book in my hands, I read again through the poems I had so long ago learnt by heart; old feelings flooded into my heart. But then a question sprang to my mind: How much of the Ho Xuan Huong whom Vietnamese know and love is left in this version of her poems?

I know John Balaban is a great poet, and he also speaks Vietnamese very well, so I should not have questioned his authority. The concern, however, still lingered in my mind: Would American readers be able to perceive the sharpness and subtlety of Ho Xuan Huong's dual language when sex is so openly talked about in the US? Would they see only the snail in the poem 'Vinh Oc Nhoi' (River Snail), and only trees and rocks in 'Dao Ba Doi' (Three Mountain Pass)? would the readers be able to sense the unutterable bitterness in the poet's attitude in 'Vinh Oc Nhoi,' the speaker says (in a fairly literal translation), "Sir, if you love me, you may take off my yem' (Here yem can be understood as a girl's bra as well as part of a nail's shell, the plastron). Or would the readers be able to understand the woman's humiliation, defiance and anger when she implores: "But please don't poke into the pointed end of my shell"? John Balaban translates these lines as "Kind sir, if you want me, open my door. But please don't poke up into my tail." He also explains the double meaning of the word yem in an endnote; indeed, such notes are necessary in many cases to convey the full irony, humour and beauty of the poems. Balaban's notes, however, are those of a poet rather than a scholar (though they draw on the work of scholars) and for this reason reading them is never an irritation as it can be in other translated works.

Reading and rereading John Balaban's translation of Ho Xuan Huong, I have concluded that it is her poetry and not merely a dim shadow of it. John Balaban makes Ho Xuan Huong's characteristic attitude, as well as the balance of her language, come through to startling effect - I admire him for his efforts. Ho Xuan Huong now has her rightful place among the classics of world literature. She is no longer a poet only for the Vietnamese people to love and marvel at - she is now available, thanks to John Balaban, to anyone who reads English as well. As a Vietnamese woman, I thank you, John Balaban
_________________
Pha.m Anh Du~ng

ST
Phượng Các
#7 Posted : Saturday, July 23, 2005 12:19:11 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Chủ Nhật, 17/07/2005, 15:22 (GMT+7)

Jean Sary - nhà thơ Pháp dịch Hồ Xuân Hương

Nét độc đáo của Hồ Xuân Hương (HXH) là nghệ thuật chơi chữ và ẩn dụ. Ẩn sau mỗi bài thơ của bà là một bài thơ khác, vừa rõ ràng vừa không thể nắm bắt. Do vậy dịch thơ HXH, nhất là sang các thứ tiếng phương Tây, là công việc khó khăn và mạo hiểm. Tuy nhiên, dường như Jean Sary đã vượt qua được những thử thách to lớn này.

Jean Sary không phải là người nước ngoài đầu tiên yêu thích và dịch thơ HXH. Với những bài thơ táo bạo, kết hợp tài tình trí tuệ và nhục cảm, bà chúa thơ Nôm là một trong những nữ sĩ độc đáo nhất của VN và thế giới.

Trong danh sách những người hâm mộ bà có những cái tên lừng lẫy như R.Tagore, H.Lopes (nhà văn, cựu Thủ tướng Congo), và không thể không nhắc đến M.Durand, nhà Việt Nam học lỗi lạc, tác giả cuốn "L'oeuvre de la poétesse vietnamienne Hồ Xuân Hương" (Sự nghiệp của nữ sĩ Việt Nam Hồ Xuân Hương) dang dở. Xin nói thêm, Jean Sary coi việc dịch thơ HXH là một cách tưởng nhớ Maurice Durand.

Dịch thơ HXH, nhất là sang các thứ tiếng phương Tây, là công việc mạo hiểm. Khó khăn dễ thấy là sự khác biệt ngôn ngữ và văn hoá, trong khi nét độc đáo của HXH là nghệ thuật chơi chữ và ẩn dụ: sau mỗi từ, mỗi sự vật của bà thường có một từ, một sự vật khác, gắn liền với thân thể và nhục cảm. Thành thử, ẩn sau mỗi bài thơ của bà là một bài thơ khác, vừa rõ ràng vừa không thể nắm bắt. Làm sao dịch được điều đó?

Nhưng còn có một khó khăn khác. Trong thế kỷ XX, ở phương Tây, "cách mạng tình dục", và trong chừng mực nào đó cả phong trào nữ quyền, dường như đã phá bỏ mọi cấm kỵ. Người ta đã tận hưởng, phơi bày, khai thác hết, nếu không nói là thái quá, mọi khía cạnh liên quan đến nhục dục. Nhiều chuyện khó nói đã thành chuyện thường ngày, nhiều từ tục tĩu đã thành từ cửa miệng. Khi ngay cả những bài thơ nhục dục phơi bày của Pierre Lous - nhà thơ, nhà văn Pháp - cũng đã trở nên "nhẹ cân", vậy - liệu nhục cảm tinh tế và nghệ thuật biểu đạt xa xôi (l'art du détour) của Hồ Xuân Hương có thể gây xúc động cho người đọc?

Những bản dịch của Jean Sary trong tạp chí IF (Marseille, số 25, 2004) là câu trả lời khẳng định. Nhưng anh đã phải làm rất nhiều để có được câu trả lời đó. Anh đã bỏ nhiều năm học tiếng Việt để cảm được âm nhạc và sự tinh tế của nó.

Điều này thấy rõ trong phần chú giải. Chẳng hạn, anh giải thích câu "Dao cầu/ thiếp/ biết/ trao/ ai nhỉ": "Ngoài ẩn dụ về chiếc dao cầu của ông lang, tác giả còn thêm vào một cách chơi chữ: nếu đổi dấu thanh của chữ thứ hai, ta sẽ có dao cấu, đọc như giao cấu". Nếu lưu ý rằng quê HXH ở Nghệ An, chúng ta sẽ thấy lý giải của Jean Sary rất thú vị.

Hay khi anh viết về những "từ ấn tượng" (l'impressif): "Trong bài Hang Cắc Cớ, ta phải hiểu từ phập phòm như thế nào? Nhìn chung, nó mô tả tiếng sóng. Nhưng, đó cũng là tiếng gió quất vào cành thông. Chữ phập mô tả một cú đâm dứt khoát, tựa như tiếng mũi tên cắm gọn vào bia. Nhưng bạn nghe thấy hay nhìn thấy? Bạn nhìn thấy. Nó có vẻ nghiêng về thị giác. Còn chữ phòm lại nghiêng về thính giác. Nó không thể đứng riêng rẽ, mà đóng vai trò một hậu tố. Thanh huyền của nó dường như mô phỏng một tiếng thở dài. Của gió? Không, của cây thông ngất ngưởng trong gió bão".

Jean Sary cũng là một nhà thơ, nhờ vậy, anh tìm được cách biểu đạt tương đương trong tiếng Pháp mà không bị cầm tù bởi những hình ảnh và cách biểu đạt trong nguyên bản - điều gần như không thể tránh khỏi ở các bản dịch do người Việt thực hiện. Nhiều chỗ, anh tránh được lối nói "chắc như đinh đóng cột" của các thứ tiếng tổng hợp Châu Âu và tìm được hình thức biểu đạt khá gần gũi với tiếng Việt - một ngôn ngữ phân tích.

Chẳng hạn, hai câu "Mỏng dày chừng ấy chành ba góc/ Rộng hẹp đường nào cắm một cay*" được anh dịch như sau: "Mince épais il s'ouvre son triangle impeccable/ Large étroit quelque forme on enfonce un tenon", hay câu "Hồng hồng má phấn duyên vì cậy/ Chúa dấu vua yêu một cái này" được anh dịch: "Peau rosée joues rouges encollées de kaki/ Le Roi aime et la Cour vénère pour la chose".

Tuy nhiên, việc Jean Sary chọn hình thức thơ tự do gần với thơ văn xuôi để dịch bài Quan Thị, theo tôi, không thật đắc địa. Không phải là anh không biết rằng bài Quan Thị có hình thức thơ Đường. Cũng không phải anh không biết các đặc điểm của thơ Đường luật - anh đã dành hẳn một mục để giải thích các đặc điểm của nó.

Rõ ràng, anh định tìm một lối biểu đạt khác. Nhưng anh đã quên rằng vẻ đẹp thơ HXH còn ở sự tương phản giữa niêm luật chặt chẽ của thơ Đường với sự phóng túng trong ý tưởng và khả năng dường như vô hạn của tác giả trong việc vượt thoát khỏi nhà tù hình thức.

Trong chú giải cuối cùng, Jean Sary viết nửa đùa nửa thật rằng trong tiếng Việt "dịch" vừa có nghĩa là "dịch thuật" vừa có nghĩa là "dịch bệnh", và hy vọng bản "dịch" của anh sẽ không bị nằm trong vòng "kiểm dịch" mà lây nhiễm đến nhiều người.

Dĩ nhiên, anh mắc dịch đầu tiên. Tôi tin rằng tình yêu đối với HXH là một "căn bệnh mãn tính".

NGÔ TỰ LẬP (Báo Lao Động
Song Anh
#8 Posted : Friday, May 26, 2006 2:54:13 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Thành ngữ và tục ngữ trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương

Đặng Thanh Hòa

Người ta thường bảo “Nôm na là cha mách qué”, thế nhưng với thơ Hồ Xuân Hương thì đó lại là một ngoại lệ, bởi vì người đọc nhớ Xuân Hương, yêu Xuân Hương lại chính từ cái sự “mách qué” ấy. Nếu không có cái chất “nôm na”, “mách qué”, “xỏ xiên” đầy tinh quái này thì có lẽ đã không có một Xuân Hương để cho người đời chiêm ngưỡng và tôn vinh bà thành Bà chúa thơ Nôm trong làng thơ Việt Nam.

Chính cái chất nôm na trong thơ của bà đã tạo nên một chất men xúc tác mãnh liệt trong lòng người đọc. Người ta ngây ngất, hỉ hả, khoái trá với cái thứ ngôn ngữ “nhà quê, mách qué” như: đỏ lòm lom, già tom, mân mó, tấp tênh, lún phún, le te, chín mõm mòm,... Tất cả những cái đó hoàn toàn xa lạ với sự trau chuốt, gọt giũa, khuôn sáo mà người ta thường bắt gặp trong ngôn ngữ thơ. Ngoài những đặc trưng ấy, người ta còn bắt gặp ở Xuân Hương một biệt tài nữa trong việc vận dụng tiếng nói dân gian trong thơ. Đó là việc đưa thành ngữ, tục ngữ vào trong thơ, làm cho câu thơ trở nên giàu tính hình tượng, dễ nhớ, và độc đáo hơn.

Qua sự khảo sát trong số 39 bài thơ trong tập Thơ Hồ Xuân Hương do tác giả Nguyễn Lộc tuyển chọn và giới thiệu được Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1987, chúng tôi đã phát hiện được 15 trường hợp có xuất hiện các yếu tố của thành ngữ, tục ngữ trong những câu thơ. Đây quả là một con số không nhỏ, nó cho thấy thành ngữ, tục ngữ trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng như thế nào. Quả là hiếm có một nhà thơ nào lại quan tâm đặc biệt đến vai trò của ngôn ngữ dân gian như Hồ Xuân Hương.

Việc đưa thành ngữ, tục ngữ vào tác phẩm đã được nhà thơ xử lí rất tinh tế, tài tình và nhuần nhuyễn. Có những tác phẩm tuy rất ngắn nhưng chúng ta đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy tác giả đã hai lần sử dụng đến yếu tố thành ngữ, tục ngữ. Chẳng hạn như bài Mời trầu có hai câu thành ngữ xanh như lá và bạc như vôi được áp dụng trong câu thơ "Đừng xanh như lá, bạc như vôi". Bài Khóc Tổng Cóc lại có hai câu thành ngữ khác là nòng nọc đứt đuôi và gọt gáy bôi vôi được áp dụng trong hai câu thơ “Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé / Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi”. Hoặc như ở bài Quan thị thì hai câu thơ "Đố ai biết đó vông hay trốc/ Còn kẻ nào hay cuống với đầu" lại chính là hai hình ảnh hết sức ví von được rút ra từ hai câu tục ngữ[/i] ngồi lá vông, chổng mông lá trốc [/i]và đầu trỏ xuống, cuống trỏ lên.

Thậm chí có bài như bài Làm lẽ, chỉ với tám câu thơ ngắn nhưng lại có tới ba câu thành ngữ đã góp phần vào trong ấy, đó là "Năm thì mười họa chăng hay chớ" lấy từ ý của câu thành ngữ "năm thì mười họa"; “Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm" lấy từ ý của câu thành ngữ "cố đấm ăn xôi"; và câu "Cầm bằng làm mướn, mướn không công" lấy từ ý của thành ngữ "làm mướn không công". Ngoài ra, còn có những bài khác cũng được vận dụng từ ý của thành ngữ, tục ngữ như: "Tài tử văn nhân ai đó tá?" (Tự tình I) lấy ý của thành ngữ "tài tử giai nhân"; "ấy ai thăm ván cam lòng vậy" (Tự tình III) lấy ý thành ngữ "thăm ván bán thuyền". "Bảy nổi ba chìm với nước non" (Bánh trôi nước) ý của thành ngữ "ba chìm bảy nổi" (bảy nổi ba chìm); "Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo" (Đèo Ba Dội) ý của thành ngữ "mỏi gối chồn chân"; "Bán lợi mua danh nào những kẻ" (Chơi chợ chùa Thầy) ý của thành ngữ "bán lợi mua danh" (mua danh bán lợi); và "Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi" (Con ốc nhồi) từ ý của thành ngữ "lăn lóc như cóc bôi vôi".

Qua một số dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy rằng Hồ Xuân Hương khi đưa thành ngữ, tục ngữ vào thơ thường chủ yếu thông qua hai phương thức chính như sau:

Phương thức thứ nhất là vận dụng trực tiếp thành ngữ, tục ngữ vào thơ, tức là lấy nguyên văn, nguyên dạng những câu thành ngữ, tục ngữ vốn có của dân gian để đưa vào thơ như trường hợp: xanh như lá, bạc như vôi (Đừng xanh như lá, bạc như vôi - Mời trầu); nòng nọc đứt đuôi (Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé - Khóc Tổng Cóc); năm thì mười hoạ, (Năm thì mười hoạ chăng hay chớ - Làm lẽ); cố đấm ăn xôi (Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm - Làm lẽ); bảy nổi ba chìm (Bảy nổi ba chìm với nước non - Bánh trôi nước); mỏi gối chồn chân (Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo - Đèo Ba Dội); bán lợi mua danh (Bán lợi mua danh nào những kẻ - Chơi chợ chùa Thầy). Cách xử lí này phải nói là tương đối khó bởi vì nó đòi hỏi tác giả phải có một khả năng cảm nhận hết sức tinh tế về nghĩa của những câu thành ngữ, tục ngữ mà họ định sử dụng để xem nó có phù hợp với ý thơ mà mình định trình bày ở trong câu và trong bài hay không. Đồng thời, tác giả cũng phải là người hết sức giỏi về khả năng xử lý ngôn từ để có thể “ghép” những câu thành ngữ, tục ngữ, vốn là một “khối từ ngữ đúc sẵn”, vào với những từ ngữ chủ quan riêng của mình để tạo nên một câu thơ hoàn chỉnh mà không bị cứng nhắc, gượng ép về nghĩa cũng như về vần điệu.

Những khó khăn nói trên đã được Hồ Xuân Hương xử lý thành công một cách tuyệt vời. Chúng ta thử lấy một ví dụ nhỏ trong số các ví dụ trên thì sẽ thấy rõ hơn biệt tài của bà trong vấn đề này. Ví dụ trong bài Làm lẽ, để miêu tả thân phận hẩm hiu, thua thiệt của người vợ lẽ trong cuộc sống vợ chồng, tác giả đã sử dụng hai câu thành ngữ "năm thì mười hoạ" và "cố đấm ăn xôi" trong hai câu thơ "Năm thì mười họa chăng hay chớ" và "Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm". Đối với tiềm thức văn hóa của người Việt thì hai câu thành ngữ này vốn rất quen thuộc vì nó thường được sử dụng để nói tới sự trái khoáy, trớ trêu của một điều gì đó. Vì vậy trong trường hợp này phải nói rằng Xuân Hương đã sử dụng nó rất hợp cảnh hợp tình.

Phương thức thứ hai là chỉ lấy ý của thành ngữ, tục ngữ để chuyển vào trong thơ chứ không áp dụng hoàn toàn như ở cách thứ nhất. Chẳng hạn như: thăm ván bán thuyền (ấy ai thăm ván cam lòng vậy - Tự tình III); gọt gáy bôi vôi (Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi - Khóc Tổng Cóc); làm mướn không công (Cầm bằng làm mướn, mướn không công - Làm lẽ); ngồi lá vông, chổng mông lá trốc (Đố ai biết đó vông hay trốc - Quan thị); đầu trỏ xuống, cuống trỏ lên (Còn kẻ nào hay cuống với đầu - Quan thị); lăn lóc như cóc bôi vôi (Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi - Con ốc nhồi). Cách xử lý này thường tạo nên tính ẩn ý kín đáo cho câu thơ và đôi lúc khiến cho câu thơ như có hơi hướng của những câu đố, ví dụ như trường hợp của "Đố ai biết đó vông hay trốc" (Quan thị) hay như "Còn kẻ nào hay cuống với đầu" (Quan thị). Những câu thơ được sáng tác theo kiểu này thường tạo cho người đọc có những sự liên tưởng rộng hơn, thích thú hơn và đầy ấn tượng hơn bởi vì dấu ấn thành ngữ, tục ngữ thường chỉ tồn tại phảng phất trong câu thơ chứ không hiện hữu rõ ràng như ở cách thứ nhất. Do đó, muốn phát hiện ra trong câu thơ ấy tác giả có sử dụng các môtip của thành ngữ, tục ngữ để diễn đạt nội dung hay không thì người đọc phải có một vốn thành ngữ, tục ngữ nhất định để làm cơ sở quy chiếu so sánh thì mới nhận ra được.

Qua một số ví dụ trên, chúng ta thấy rằng ngôn ngữ dân gian nói chung và thành ngữ, tục ngữ nói riêng có một vai trò, giá trị rất lớn không chỉ trong đời sống ngôn ngữ nói hằng ngày mà còn cả trong ngôn ngữ viết, đặc biệt là thơ. Những câu thành ngữ, tục ngữ khi đi qua ngòi bút tài hoa của Hồ Xuân Hương dường như trở thành một thứ công cụ hết sức đắc dụng trong việc tạo hình, tạo nghĩa cho thơ mà không cần phải nhờ tới những thứ mỹ từ khác. Như chúng ta đã biết, thành ngữ, tục ngữ vốn là những đơn vị ngôn ngữ hết sức đặc biệt. Nó là một loại tổ hợp từ cố định quen dùng nên rất dễ nhớ dễ thuộc, và đặc biệt hơn là nghĩa của chúng thường có tính văn hoá, giáo dục cộng đồng, cũng như tính khái quát rất cao. Cho nên, khi xuất hiện trong thơ chúng thường đem lại tính gần gũi, bình dị và mộc mạc cho câu thơ. Đồng thời, cũng tạo nên những chiều sâu về nghĩa thông qua sự liên tưởng, suy luận của người đọc.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận giá trị của nền ngôn ngữ văn chương, hay ngôn ngữ phổ thông mà hiện nay chúng ta đang phải học, phải tiếp xúc hằng ngày. Điều quan trọng hơn là qua đó giúp cho chúng ta thấy được những vẻ đẹp vốn có của ngôn ngữ dân gian. Và đặc biệt là thấy được cái biệt tài của Bà chúa thơ Nôm trong việc vận dụng thành ngữ, tục ngữ giỏi như thế nào. Nói tóm lại, bất kể là ngôn ngữ dân gian hay ngôn ngữ văn chương cũng đều cần phải được tiếp thu có chọn lọc và phát huy đúng sở trường thì mới có thể làm giàu thêm cho kho tàng ngôn ngữ dân tộc. Điều đó có nghĩa là mọi cái chỉ tạo nên được giá trị thực sự khi và chỉ khi nó được đặt vào đúng vị trí của nó mà thôi.

Theo e-cadao.com

Phượng Các
#9 Posted : Sunday, November 11, 2012 4:59:21 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
HỒ XUÂN HƯƠNG & PHẬT GIÁO
TS Phạm Trọng Chánh

http://www.thuvienhoasen...50_6-1_17-49_14-1_15-1/

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.