Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Hồng Lan
Phượng Các
#1 Posted : Sunday, December 26, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Giới Thiệu NHƯ KHÓI LAM BUỒN

Xuân Vũ


Nét nổi bật trong tập truyện "Như Khói Lam Buồn" của
nhà văn nữ Hồng Lan là sự hồn nhiên và duyên dáng.
Ðọc xong cả tập, tôi có cảm giác ấy. Nếu văn là
người thì từ những truyện này độc giả có thể suy
luận ra rằng tác giả là một người duyên dáng. Truyện
của Hồng Lan viết gồm phong cảnh, con người và sự việc
xảy ra ở nông thôn mà tác giả sống. Tôi vốn gốc dân
quê biết chút ít chữ, nên tôi thích truyện đồng quê
hơn các loại truyện khác.

Cây chuối, cây dừa, bờ ao, bến đò, vườn cây, lúa mạ,
ruộng đồng, cây me, cây ổi, chuyện cày bừa, cấy gặt,
chính là cuộc sống của tôi. Ði xa cái sinh hoạt này hơn
20 năm, tôi rất nhớ. Nay đọc Hồng Lan chẳng khác nào
trở lại quê hương trên mặt đất. Hơn thế nữa, trong
nhiều đoạn, tôi tưởng nhân vật đó chính là tôi. Mở
đầu tập truyện tôi có cảm tình ngay với truyện "Bông
Sua Ðũa Tím".

Theo tôi thì Hồng Lan không có ý định làm văn chương gì
cả mà chỉ kể lại những chuyện của mình sống bằng một
giọng văn rất giản dị hồn nhiên như những sự việc đó
xảy ra. Hồng Lan không có làm dáng mà văn chương vẫn
đẹp. Có gì đâu, một chuyện ma ở vườn. Ðó là chuyện
ai cũng nghe, ai cũng biết, nhất là thời ấu thơ thì truyện
ma là truyện rất phổ thông. Hồng Lan viết một câu làm
tôi giật mình, tưởng người nghe chuyện là chính tôi hồi
thuở nhỏ.

"Nghe đến đây tôi bắt đầu ơn ớn, lén rút hai cái chân
gác lên mặt ghế đẩu". Cái cử chỉ này thật thông thường,
nhưng phải có một tâm hồn tinh tế mới ghi ra được. Nếu
không sẽ lãng quên nó đó. Sự thực đó là một chi tiết
hay lắm. Và một tâm lý: "Mặc dù sợ ma mà vẫn thích nghe
chuyện ma!" Ðúng vô cùng. Ðứa trẻ nào ở vườn cũng sợ
ma cả, nhưng đứa nào cũng thích nghe chuyện ma. Con ma tóc
dài, con ma đón xe ngựa, con ma đeo tòng teng trên nhánh cây,
v.v... Chuyện "Bông Sua Ðũa Tím" là một chuyện ma. Nhưng
không phải ma xuất hiện từ đầu đến cuối. Mãi đến
quá nửa truyện người ta mới thấy ma. Ðoạn đầu Hồng
Lan gây không khí nông thôn, chuẩn bị để cho con ma xuất
hiện. Nhưng con ma không xuất hiện ngay mà chỉ thập thò
cái mặt che khuất với vài cái bông sua đũa tím - nghĩa là
gây sự tò mò cho độc giả, bằng cách cắt chuyện ma ra
thành nhiều mảnh bằng đối thoại của những người nghe đó
là cách dọn ăn, món ngon cho khách ăn chút chút, rượu quí
uống nhâm nhi mới biết mùi vị.

Vui lắm mà cũng "sợ" lắm. Ðọc để thấy lại cái không
khí gia đình Việt Nam đúng y của đồng quê ở Nam Kỳ.

Một truyện khác cũng có không khí đồng quê như "Bông Sua
Ðũa Tím". Ðó là truyện "Mơ Giấc Thiên Thai". Trong truyện
này tác giả kể lại tuổi ấu thơ của hai cô bé ở vườn:
Mai và Hằng. Hai cô bé được thầy Bảy cúng trừ căn cho
đến mười tuổi. Mai và Hằng được thầy Bảy đeo dây
niệc cho để trừ căn bịnh. Ðây là một nét độc đáo
của đất Nam Kỳ, ở xứ Bắc không có. "Sợi niệc" là
một loại dây dùng để cột trâu to bằng bắp tay, nhưng
cũng có sợi niệc chỉ to bằng sợi chỉ. Ðó là niệc phép
của thầy Bảy đeo cho hai chị em Mai và Hằng, có thể trừ
quỉ chống tà. Cái kỷ niệm ấu thơ này thật đẹp. Nó
được Hồng Lan đã ghi lại với tình cảm ngây thơ của Mai
và Hằng, và với ngòi bút hồn nhiên duyên dáng của Hồng
Lan. Ðộc giả rất cảm động khi chỉ đọc mấy dòng ngắn
ngủi trong phút hai chị em Mai, Hằng chia tay với thầy Bảy.
Mai và Hằng trở về nhà, còn thầy Bảy thì sẽ lên núi tu
tiên, rồi chiến tranh tràn lan (1960), hai chị em có đến tìm
thăm thầy nhưng không gặp.

Quái nhỉ, chuyện không có gì ghê gớm cả nhưng sao đọc lại
cảm động vậy? Ðó là cái phép của một ngòi bút. Trở
lại sợi dây niệc. Có lẽ nhờ sợi dây niệc mà vào lúc
Mai mười lăm tuổi, cô bé này mới có một giấc mơ thiên
thai, mộc giấc mơ đẹp của tuổi thơ. Mai đã gặp tiên
cô, gặp đến Quan Âm Bồ Tát, đã được nghe những lời
lẽ ngọt ngào, được trông thấy những cảnh đẹp trên cõi
Tiên.

Có phải đây là cuộc sống nông thôn Nam Kỳ, một sinh hoạt
có những lễ nghi, cúng bái, có cả phần xác lẫn phần hồn
mà phần hồn rất quan trọng trong toàn bộ cuộc sống của
người dân. Ở truyện "Bông Sua Ðũa Tím", "ba tôi" đã kết
luận:

- "Nhiều khi con người ta cũng đừng khư khư, coi thường
sức mạnh vô hình mà chuốc lấy những thất bại ê chề...!?"

Chính tác giả cũng nghĩ và tin như vậy. Cho nên hai truyện
thành công nhất trong tập này là hai truyện có cuộc sống
nửa hữu hình (cuộc sống thực tại) nửa vô hình (ma quỉ,
thần tiên): "Bông Sua Ðũa Tím" và "Mơ Giấc Thiên Thai".

Cái không khí nói chung của tập truyện, và cái không khí
của hai truyện này thật đồng quê Nam Kỳ đặc sắc, không
lẫn lộn với vùng đất nào được ở Việt Nam. Những
phong cảnh trong "Chim Chiều Bạt Gió", "Vườn Me Ðậu Phọng",
"Lá Non Héo Úa", "Hoa Ðuôi Chồn", "Chuối Xanh Nhuộm Ðỏ"
đều là phong cảnh đặc sệt đồng quê với nhân vật
đồng quê. "Chim Chiều Bạt Gió" là một truyện ngắn
nhưng có thể viết thành truyện dài có đủ chất liệu
dồi dào.

Ngoài ra, Hồng Lan còn sử dụng ngôn ngữ đồng quê rất
đậm đà. Lâu quá tôi cũng quên đi, nếu không đọc Hồng
Lan chắc tôi sẽ quên luôn. Tôi xin nhặt ra một số để
độc giả thưởng thức: "lót tót, lui cui, lụi hụi, tạt cái
ào, cái gáo, nước lóng phèn, hà rầm, hỉ mũi chưa sạch,
ném về..., chuối hột, hào lãng bông súng, nò, xếp gie,
cục cựa, mất tiêu, quơ đuốc, thuốc rê xĩa, giựt dừa,
cắt mo, trâu cổ" (không phải cổ trâu), "nước kém"
(ngược lại với nước rong), v.v...

Một trong những yếu tố kết cấu thành một truyện hay
là ngôn ngữ. Ngôn ngữ đặt vào miệng nhân vật cho
đúng, ngôn ngữ để diễn đạt hình tượng. Không có
ngôn ngữ đúng sẽ mất đi hứng thú cho người đọc.
Ðừng nói chi xa, ca vọng cổ mà nói tiếng về, tiếng
vào, tiếng vàng theo phát âm của Miền Bắc thì không
phải là vọng cổ rồi, nói chi đến ngôn ngữ trong truyện.
Ðừng nên xem thường những chữ nhỏ này. Ðó là những
hạt kim cương trong một xâu chuỗi ngọc.

Hồng Lan rất thuộc ngôn ngữ nên viết rất đúng, không
có sự ngượng ngùng nào cả. Chỉ mấy tiếng "tạt cái
ào" (sau khi uống nước xong) nghe cũng thích thú rồi. Nó
gợi một hình ảnh thân thuộc của người đọc ở Nam Kỳ.
Cái vấn đề đặt ra là: người đọc miền Bắc thì sao?
Không sao cả. Cũng như người Nam đọc văn miền Bắc vẫn
hiểu những chữ thế, nhỉ, vâng... đâu có trở ngại gì.
Nhà văn nào có bản sắc ấy không cần phải chạy theo
người khác. Nếu một tác phẩm được viết ra mà
người đọc không biết nó ở vùng nào thì mới đáng
ngại. Nhất Linh cứ viết cho dân Bắc Kỳ đọc mà rồi
dân Nam Kỳ vẫn hâm mộ ông ta. Chuyện đó lớn quá. Ở
đây tôi chỉ khoanh vòng trong nước Việt Nam thôi. Viết
cho có màu sắc địa phương là một yếu tố thành công
của nhà văn. Hồng Lan lôi cuốn được người đọc không
phải bằng sự chải chuốt, làm dáng, mà chính là bằng sự
hồn nhiên mộc mạc của mình.

Ðọc Hồng Lan, ta thấy một sự gần gủi, mến yêu nhân
vật như những người thân của mình hay chính mình sống
trên quê hương mình. Ðó là sự thành công của cây bút
Hồng Lan vậy.



PNV giới thiệu:

Mơ Giấc Thiên Thai
Vườn Me Đậu Phộng
Bông Sua Đũa Tím

Phượng Các
#2 Posted : Monday, December 27, 2004 11:12:55 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Mơ Giấc Thiên Thai

Hồng Lan


Cứ đến ngày rằm hoặc những ngày lễ lớn trong năm,
má Mai dẫn hai chị em nàng lên am của thầy Bảy Một để
cúng căn cho hai đứa. Nhà của thầy ở mé kinh trên, qua khỏi
trường tiểu học An Hóa độ một đỗi chừng nửa cây số,
gặp chiếc cầu đúc rẽ qua bên phải là lối vào của nhà
thầy. Còn như tiếp tục đi thẳng tới thì sẽ thấy những
dãy nhà phông tô lợp ngói đỏ au, cất nối tiếp nhau trông
thiệt khang trang bề thế. Khu vực nầy khi xưa có hãng làm
dây luộc bằng xơ dừa của Tây, đến năm 54 thì chính phủ
trưng dụng làm khu định cư của người Bắc di tản vào Nam.
Cuối con đường đó có cây cầu Lò Than làm ranh giới với
xã An Nghĩa, cạnh dốc cầu là một lò rèn đã có lâu đời.

Mai còn nhớ mang máng, vào lúc bốn năm tuổi, mỗi lần đi
cúng ở nhà thầy Bảy là má nàng mua nào là nhang thơm cọng
thiệt nhỏ với lại nhang trần cọng lớn để cúng Phật.
Kèm thêm vài hộp trà thiết bao giấy kiếng màu đỏ, đèn
cầy, bánh ngọt, trái cây và hoa tươi. Có khi hoa trang, hoa
điệp, nhưng hoa huệ là thường nhứt, để bên trên các
thứ nằm trong hai cái thúng nhỏ rồi gánh đi. Thỉnh thoảng
má nàng cũng thay đổi món như nấu chè trôi nước, chè
đậu trắng với nước cốt dừa tươi, hoặc gói bánh ích
vì sau khi cúng trời Phật còn có thể biếu xén cho gia chủ,
tức gia đình của thầy Bảy.

Lúc nhỏ chị Hằng của Mai rất khó nuôi, đau ốm hoài mà lại
hay khóc đêm, nên má nàng tìm đến thầy Bảy để nhờ thầy
cúng kiến xin ơn trên phù hộ cho chị được ăn chơi, mạnh
khỏe. Sau đó đến Mai ra đời má nàng cũng muốn giao nàng cho
thầy Bảy giữ luôn, để thầy tiện việc cúng kiến cho hai
đứa, vì lẽ thầy Bảy cũng có tiếng mát tay đối với đám
con nít trong làng. Mọi việc được yên ấm là nhờ công
đức độ trì của đức Phật Như Lai và Quan Thế Âm Bồ Tát,
Mai thường nghĩ như vậy.

Trên cổ mỗi đứa có mang một sợi dây "niệc," tiếng má
nàng hay gọi. Sợi dây làm bằng chỉ màu ngũ sắc do thầy
Bảy đánh bính lại rất công phu. Thầy đã làm phép bằng
cách để trên bàn thờ Phật và tụng đủ mấy hồi kinh rồi
mới đeo vào cổ và choàng qua cánh tay trái của hai chị em nàng.

Mai không sao quên được những kỷ niệm theo má nàng khi đến
cúng tại nhà của thầy Bảy. Thông thường trong mấy ngày
trước đó má nàng lo may cho hai chị em nàng hai bộ đồ bà
ba mới bằng hàng lụa trắng để mặc đi lễ. Buổi chiều
trước hôm đó má nàng hay ra sau vườn hái lá bưởi, lá bồ
bồ, lá é, lá sả nấu nước để tắm cho chị em nàng sạch
sẽ xong xuôi. Nàng còn nhớ rất rõ là má nàng rất cẩn
thận với những sợi dây niệc đó, phải cởi ra máng lên
đầu của bà để khỏi bị ướt. Ðiều tối kỵ là không
được làm dơ hay mang đến những nơi ô uế bẩn thỉu, má
nàng thường căn dặn chị Hằng và Mai như vậy. Có lần
nàng hỏi má tại sao phải giữ kỹ quá, thì bà đáp:

- Nếu lỡ làm dơ hay ướt nó thì sẽ bị ơn trên quở phạt,
không còn linh nghiệm nữa. Vả lại cõi trên chỉ thích hợp
với những nơi sạch sẽ, trong lành.

Nhà của thầy Bảy nằm dọc theo một cái xẽo, do một con rạch
nhỏ chảy ra sông Ba Lai tạo nên. Vào mùa nước rong nước trong
rạch nhỏ này lúc nào cũng đầy, êm đềm chảy. Những đám
lục bình quấn quít vào nhau thành từng khúm và đôi khi chiếm
một khu vực khá rộng làm nghẽn lại một bên dòng, tấp vô
mấy bụi mái dầm, ô rô, dừa nước. Tới mùa, hoa lục
bình nở rộ, cho một màu tím nhạt phơn phớt trông buồn
buồn, quyến rũ.

Trong những lúc nước kém, Mai lại thích đứng trên sàn nhà
bếp của thầy Bảy cất gie ra mé xẽo trông ra. Trên bãi bùn
có đám học trò bò lên từ những hang nho nhỏ, mang đầy màu
sắc thật tươi. Màu tím, màu đỏ, màu cam, màu xanh... chói
lọi dưới ánh mặt trời vàng nhạt, tua tủa xuyên qua những
cành lá dừa nước xanh non mềm mại. Hình dáng của con học
trò cũng giống như con còng, con rạm, nhưng chúng bé tí xíu,
chừng bằng ngón tay út. Chỉ cần một tiếng động xào xạc
do luồng gió nhẹ đưa qua, cũng đủ làm chúng giựt mình nhanh
chân rút vào hang thật lẹ làng. Thỉnh thoảng Mai còn bắt gặp
một vài con bà chằng mình tròn tròn, mô lên như cái mả lạng
nho nhỏ bằng ngón cẳng cái, màu xám đậm. Nó bò đi một
cách chập chạp cho nên dễ bị đám con nít bắt làm mồi câu
cá. Bên kia bờ rạch, cạnh khu vườn của thầy giáo Hạp,
một vài con quạ đen kêu chát chúa trên không. Hình như chúng
đang ra hiệu cho nhau trước khi phóng xuống xớt đám gà con
để làm một bữa ăn ngon miệng. Khung cảnh buổi trưa hè oi
ả trong căn bếp sau nhà thầy Bảy sao mà vắng vẻ buồn hiu.

Nhà thầy Bảy tuy lợp lá chầm đơn sơ, nhưng rất mát mẻ
kín đáo. Trước sân thầy có trồng hoa vạn thọ, hoa cúc.
Xung quanh nhà thầy trồng thêm một dãy cây kiểng có màu lá
vàng bạc, trắng pha lẫn xanh, để làm hàng rào. Thầy luôn
luôn chăm sóc và cắt tỉa gọn gàng, ngay hàng thẳng lối.

Ngôi nhà thầy Bảy gồm có hai gian và một cái chái ở phía
sau làm nhà bếp. Thầy lấy gian thứ nhứt làm nơi thờ
phượng rất trang nghiêm, rộng rãi. Trong đó thầy Bảy kê
hai bàn thờ cái trước cái sau như gối đầu lên nhau. Một
bàn thờ lớn nằm phía sau, ở trên có tượng Phật Như Lai
lúc nào cũng nhang khói, đèn đuốc thắp sáng choang, hoa quả
tươi cũng được bày đầy đủ trên một chưn chò chạm bằng
gỗ quí. Bàn thờ trước thấp hơn, thầy để chuông mõ,
xâu chuỗi và nguyên ống đựng nhang làm bằng cây màu mun
đen cùng một cái lư hương nhỏ. Cạnh bàn thờ có tấm màn
màu lục may xẻ đôi trông vén khéo tươm tất. Dưới sàn nhà,
mặc dù nền đất nhưng vợ thầy quét dọn chăm sóc rất sạch
sẽ, kỹ lưỡng và luôn luôn có chiếc chiếu manh nằm cạnh
bên đó. Chiếc chiếu nầy dùng để trải ra khi khách thập
phương tới quì lạy, khấn vái cho khỏi lấm quần áo. Còn
gian thứ nhì thầy làm nơi tiếp khách và phòng ăn chung một
chỗ.

Những lần thầy cúng cho chị em Mai, hòa lẫn với tiếng mõ,
tiếng chuông thầy Bảy thường ngân nga có ca có kệ, tụng
mấy hồi kinh Di Ðà trước. Kế đến thầy kêu chị Hằng và
Mai vô quỳ trước bàn thờ, mỗi đứa lạy ba lạy. Xong thầy
đọc thêm một lần kinh Ðịa Tạng. Ðoạn thầy dùng bông điệp
thấm vào nước cúng trên bàn Phật rải lên đầu của hai chị em
nàng để trừ ma, trừ tà. Bình nước nầy đã được thầy
mang từ trên núi về. Cũng nên biết trong một tháng thầy chỉ
ở nhà một hoặc hai tuần, bao nhiêu thì giờ còn lại thầy
đi lên núi Thất Sơn, núi Sam, núi Sập ở Châu Ðốc để
tịnh tâm, tu niệm. Sở dĩ người ta gọi là núi Thất Sơn vì
nơi đó có tới bảy ngọn núi qui tụ lại một vùng gồm núi
Cấm, núi Tượng, núi Két, núi Năm Giếng, núi Nước, núi
Dài, và núi Tô. Còn bên kia bờ kinh Vĩnh Tế có núi Tà Lơn
của người Miên, xứ Chùa Tháp. Ngoài ra thầy có quen biết
và nghe những người cao niên đã từng tu trên núi Thất Sơn
lâu năm kể lại một câu chuyện lạ thường như thế nầy:

"Khi đi lên ngọn núi Cấm chừng vài chục thước thì sẽ thấy
gần bên chân núi có năm cục đá nằm cạnh bên đường trông
như một cuộc họp bàn tròn của người trên. Tảng đá chính
giữa to hơn những viên đá khác nhau nằm rải rác, rời
rạc xung quanh. Trên mặt còn có những hòn đá cuội nằm sẵn
tự bao giờ. Ðây là sự nhìn thấy của những cặp mắt
bình thường, còn dưới cặp mắt thánh thiện của những ai
hiền lành, phúc đức hoặc có chân tu thì họ có thể nhìn
thấy được bốn vị tiên ông đang ngồi đánh cờ tướng và
uống nước trà đàm đạo với nhau. Có cả bình trà và mấy
chén chung nhỏ bày ra tại đó. Và mầu nhiệm thay cho sự thiên
biến vạn hóa của cõi vô hình, nếu họ đưa tay rờ lên
bình nước thì cũng còn thấy hãy còn âm ấm."

Thường khi, sau những lần cúng xong vợ chồng thầy Bảy mời
má và hai chị em Mai ở lại dùng bữa cơm chay. Tuy rằng thanh
đạm tương chao, dưa muối nhưng tấm lòng thành của thầy thật
là đáng quí.

Thầy Bảy có dáng dóc cao ráo, tuy hơi gầy nhưng trông rất
khỏe mạnh, cứng cỏi mặc dù mấy năm ấy thầy đã xấp xỉ
lục tuần. Thầy để tóc dài và bới cao trên xoáy thượng và
lúc nào thầy cũng mặc bộ đồ bà ba bằng vải ba tít trắng.
Móng tay thầy cũng được để dài thườn thượt như mấy
cụ đồ nho học có khác. Thầy Bảy có tất cả ba đứa con,
hai gái một trai. Người con gái trưởng có chồng ở cũng
gần trong xóm, còn cậu con trai kế có vợ và cô con gái út
vẫn còn ở chung với vợ chồng thầy.

Mãi đến năm chị Hằng vừa lên mười tuổi và Mai được
tám tuổi, thì thầy cúng trừ căn một lần chót cho hai chị em
nàng. Hai sợi dây niệc đeo trên mình được thầy Bảy
đốt cháy chung với mớ bùa phép trong cái gọ bằng đất.
Từ đó, kể như thầy không còn trách nhiệm đối với hai
chị em nàng qua việc nuôi giữ hay cúng trả lễ nữa. Lần
cuối cùng giã từ thầy Bảy ra về, thầy có đôi lời dặn
dò hai chị em mà nàng vẫn còn ghi nhớ cho đến bây giờ.

- Hai con không còn lo sợ bịnh hoạn gì cả, thầy đã giải căn
cho hai đứa bây rồi. Phật Tổ và Quan Thế Âm Bồ Tát luôn
luôn phù hộ cho hai con được mạnh giỏi hoài hoài cho tới khi
hai đứa khôn lớn.

Thầy cũng cho má và hai chị em Mai biết qua năm sau thầy sẽ
thu xếp chuyện gia đình để trở về núi Thất Sơn định
thiền, tu luyện. Một mình thầy đi thôi, vợ con thầy
sẽ ở lại, tá túc nơi ngôi nhà cũ kỹ này sinh sống qua ngày.
Lời nói của thầy Bảy làm má nàng rất cảm động, chan hòa
nước mắt, ngậm ngùi nói:

- Nếu thầy có đi thì mẹ con tui chúc thầy được bình an
trong thời gian ẩn tịch, còn cô và mấy cháu ở lại mạnh
khỏe. Xin ơn trên phù hộ cho gia đình thầy cô được nhiều
công đức an lạc.

Thầy Bảy vò đầu chị Hằng và Mai nói tiếp:

- Khi nào hai con muốn tìm đến thăm thầy thì không cần phải
đi chi xa, mà chỉ nhớ ghé lại nhà nầy thăm gia đình thầy
là đủ rồi.

Thỉnh thoảng mấy năm liền sau đó Mai có đến thăm gia đình
thầy vài lần, trong những năm nàng còn học ở trường làng
An Hóa. Nhưng vào năm 60, giặc giã đã bắt đầu nổi dậy
khắp nơi, cảnh đời phân tán chia ly. Nàng không còn dịp
gặp lại vợ con gia đình thầy Bảy nữa vì vợ thầy đã dời
về quê cha mẹ ruột ở xã Phước Thạnh, nằm bên phải của
kinh đào Chệt Sậy từ An Hóa đi vô. Chẳng biết thầy có
tu thành chánh quả hay không, nhưng nàng nghĩ không ít thì
nhiều, thầy cũng đã làm tròn sứ mạng đã được ơn trên
giao phó trước khi giã từ tục lụy, trần gian. Nàng nguyện
ghi khắc công ơn của thầy và coi đó như một tấm gương
cứu rỗi cho cuộc đời bấp bênh hiện tại.

Thời gian thắm thoát trôi qua, Mai đã được mười lăm
tuổi. Một giấc mơ thật lành bất ngờ xảy đến với
nàng. Trong giấc điệp say sưa, nàng đã thấy một tiên cô
đẹp tuyệt trần, thanh thoát cao sang và quí phái. Tiên cô
thướt tha, uyển chuyển trong y phục lụa là màu phơn phớt
trắng. Tóc tiên cô đen huyền, được quấn cao trên đỉnh
đầu, chỉ chừa lại chòm tóc mai dịu dàng hai bên màn tang.
Tiên cô giáng trần đó bỗng đến bên giường, rủ Mai cùng
bay lên cao dạo chơi nơi chốn non bồng nước nhược. Mặc
dù trong giấc chiêm bao, nhưng vía nàng cho biết tâm thần
nàng lúc đó rất là tươi tỉnh, sáng suốt. Nàng hồn
nhiên đáp lại tiên cô:

- Thưa tiên cô, con không có quyền phép cao siêu như người
thì đâu làm sao làm được chuyện bay cao lên chín từng mây.
Mong tiên cô hãy rộng lòng tha thứ cho kẻ tục trần nầy.

Nhưng tiên cô đã ân cần khuyên bảo:

- Con không nên thất vọng vì ta sẽ giúp cho con được hài
lòng, cứ đi theo ta!

Nói xong, tiên cô chìa tay cho Mai nắm lấy. Nàng cùng tiên
cô bước ra ngoài sân trước nhà. Nàng còn thấy rõ ràng
là ở bên phía trái có cây xoài cát lâu năm trồng bên cạnh
cây điều bạch. Chính nơi đây ba Mai thường dùng làm địa
điểm đổ dừa khi người làm gánh về. Ngày hôm đó, mớ
dừa khô giựt xong đã được gom lại, chất thành đống thật
cao. Tiên cô đưa tay nâng nàng lên ngồi trên chót đỉnh của
đống dừa. Rồi sau đó, bởi một thần lực vô song do tiên
cô chuyền qua người nàng, Mai từ từ cảm thấy thân mình
bỗng trở nên nhẹ nhàng và có thể tự cất mình bay lượn
trên không. Giữa cảnh trời bao la ấy nàng và tiên cô vui
vẻ đùa bay như hai cánh bướm. Cây lá xung quanh bỗng hóa
thành muôn ngàn hoa thơm, cỏ lạ sắc màu lộng lẫy thắm tươi.

Tâm hồn Mai trở nên dễ chịu vô vàn, nàng cảm thấy hân hoan
trong niềm vui của cõi hư vô. Tiên cô tiếp tục đưa nàng rời
khỏi cánh đồng thăm thẳm ngợp bóng dừa xanh phía dưới để
bay qua những giòng sông dài lê thê, uốn khúc như những con
Rồng, con Long đang núp ẩn cùng thiên nhiên. Rồi đến vùng
có đồi núi hùng vĩ chập chùng, lảng đảng mây trôi theo gió.
Dưới chân, dòng suối trắng xóa róc rách reo, triền miên
chảy như muốn tấu lên nhạc bản thiên thai cho những nàng tiên
nữ múa ca. "Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng.
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Ðào Nguyên. Kìa đường
lên tiên, kìa nguồn hương duyên theo gió tiếng đàn xao
xuyến."

Thình lình tiên cô quay qua nàng ôn tồn bảo:

- Bây giờ ta nghĩ con phải trở về nhà, vì ta có chút
chuyện phải lo. Thôi, chúng ta hãy mau quay lại kẻo trễ!

Mặc dù trong lòng nàng vẫn còn luyến tiếc, say mê với
cuộc vui nơi tiên cảnh, nhưng Mai phải gật đầu đồng ý.
Lúc lần xuống hạ giới về tới nhà, trong phút chia tay,
tiên cô không quên trìu mến đặt tay lên vai nàng nhẹ hỏi:

- Con có thích cuộc đi chơi vừa rồi với ta không? Nếu
con thích thì hôm nào ta sẽ ghé qua để cùng con dạo cảnh bồng
lai một lần nữa.

Mai tươi cười "dạ, dạ... " đôi lần và chân thành rối
rít cám ơn tiên cô. Và trước khi chia tay, vía Mai còn
hỏi thêm:

- Xin tiên cô cho con biết phương danh của người?

- Con sẽ biết ta là ai sau khi ta rời khỏi nơi đây!

Tiếng nói tiên cô vọng lại, loãng dần vào không gian. Hình
bóng tiên cô cũng từ từ biến mất, tập trung lại thành
một vầng ánh sáng rực rỡ hào quang. Mai dõi mắt trông
theo, trông theo. Văng vẳng bên tai nàng: Ta là Quan Thế
Âm Bồ Tát...

Trên cành cây bông công chúa bên ngoài khung cửa sổ cạnh
buồng ngủ của Mai, đã có tiếng chim non kêu ríu rít và vài
tia nắng lấp lánh qua song. Nàng bàng hoàng nghĩ đến giấc
mộng vừa qua. Mai không ngờ trong giấc mơ đó nàng đã gặp
được đức Quan Thế Âm Bồ Tát, đấng Từ bi hỉ xả. Nàng
cố hình dung lại từ dáng đi tha thướt cho đến gương mặt
đầy khả ái, phúc hậu của tiên cô, rõ ràng từa tựa bức
tượng của Ðức Bồ Tát mà Mai đã từng thấy trên chùa Phật
Ðường của làng An Hóa. Lòng nàng cảm thấy vui mừng khó tả
với ân huệ lớn lao mà nàng vừa nhận được, một thân
tâm đã hoàn toàn đổi cốt, nàng nghĩ như vậy!

Rời phòng ngủ, Mai xuống nhà sau tìm đến bên hàng mái nước
múc một gáo nước mưa rửa mặt cho tỉnh lại. Xong xuôi đâu
đó, nàng bưóc lên trung đường lấy chiếc áo tràng màu
dà mà má nàng thường hay mặc mỗi khi cúng kiến, tròng vào
người. Nàng thắp mấy nén hương trước bàn thờ Phật để
cầu nguyện đấng từ bi ban cho duyên phước...

Hồng Lan
mietvuon@saigonline.com
Phượng Các
#3 Posted : Saturday, January 1, 2005 3:47:43 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Vườn Me Ðậu Phọng

Hồng Lan


Mỗi chiều, cứ trời bắt đầu chạng vạng tối là má
Lê nhắc chừng nàng đi lùa bầy vịt nằm cạnh bờ ao trước
ngõ. Bà gọi lớn:

- Lê, Lê à! Sao bây không lo đi kiếm mấy con vịt đặng
dẫn nó về chuồng nhốt lại? Ðể quên tối nay nó sẽ
đẻ bậy ngoài đó à nghen!

Lê nghe má mình thường xuyên kêu như vậy, nhưng lúc nào
nàng cũng nhớ công việc sau cùng phải làm trong ngày của
mình, công việc lùa vịt, trước khi rủ đám bạn cùng lứa
chơi nhảy nhà, chơi trốn kiếm, chơi cút bắt, hay thỉnh
thoảng đi tắm chung ở cái ao trước nhà. Trong đám bạn thân
cùng xóm của Lê, có thằng Tuyền, thằng Lâm, con Mại, con
Thiều. Ðám tụi này thường hay tới nhà Lê để nói chuyện
hoặc bày trò chơi sau bữa cơm chiều. Sân nhà Lê rất thoải
mái vì có bóng mát che phủ bởi những cây li-cu-ma, cây ô-môi
xen lẫn vài cây nhản và mảng cầu xiêm.

Nhưng bữa nay đặc biệt hơn, cả bọn định chơi trò giựt
đầu trái dẹt. Bên cạnh bờ ao của nhà Lê có ba bốn cây
dẹt thiệt lớn, thường cho bông và trái dẹt vào đầu mùa
hè, khoảng tháng 5, tháng 6. Dẹt là một giống cây rất hữu
ích, thường mọc ở những nơi có đất bùn nhão, ẩm ướt
như gần sông rạch, ao hồ. Công dụng chính của nó là dùng
để giữ đất cho khỏi bị lở, nhằm chống lại sự soi mòn
của nước lũ, mưa giông. Rễ của cây dẹt mọc cao trên mặt
đất và kết tụ lại thành chùm bao quanh thân cây. Cũng chính
nhờ vào loại rễ đặc biệt này, cây dẹt còn có công dụng
như dùng làm ổ cho cá tôm trú ẩn. Thân cây dẹt mọc thẳng
đứng, da cây dẹt có màu xám mốc, lá dẹt có một màu xanh
đậm, hình dài và nhọn ở chót lá.

Tuyền bày đặt ra điều anh chị bự bắt cặp với Lâm, chấp
luôn ba đứa con gái gồm con Mại, con Thiều và Lê. Lê hỏi
lại cho chắc:

- Tuyền, mầy với thằng Lâm muốn thua thiệt hả?

Ỷ mình là con trai mạnh bạo hơn tụi con gái, Lâm phụ hoạ với
Tuyền ra vẻ tự phụ, khinh khỉnh nói:

- Chấp hết ba đứa tụi bây đó, tụi tao chỉ cần hai đứa
thôi...

Lê giao điều kiện:

- Ê, nếu như tụi bây thua thì hai thằng bây phải cõng ba
đứa tao đi một vòng sân. Còn như tụi bây ăn thì... thôi,
huề.

Lâm la lên:

- Cha! Sao mà khôn quá vậy ta? Ðâu có được, nếu tụi
bây thua thì tụi bây phải cõng lại hai thằng tao. Có bằng
lòng không?

- Ðể tụi tao bàn lại cái đã.

Lê muốn nói nhỏ với hai đứa bạn nên kéo con Mại, con Thiều
ra chỗ khác. Làm bộ cho ra vẻ vậy thôi chớ hai con nhỏ này
khờ ịch, mọi chuyện thường giao cho Lê quyết định. Lê
hỏi sơ sơ cho có hỏi rồi đưa ra điều kiện mới:

- Nè, hai đứa bây lớn hơn tụi tao, cho nên tụi tao không
cõng nổi. Như vầy hén, nếu tụi tao thua... tụi tao sẽ
chịu một chầu tạt nước dưới mé mương.

Hai đứa Tuyền, Lâm cười cái rần ra vẻ đồng ý, trong khi
Thiều với Mại hơi ngán vì tụi nó sợ ướt đồ về nhà
bị đòn. Lê trấn an lũ bạn gái:

- Tụi mầy đừng có lo, tao sẽ dứt chấu hai đứa nó cho
tụi bây coi. Tụi bây biết sao hôn, tao đã lựa mấy trái
dẹt tốt có cái đầu lớn và chắc chắn lắm.

Trái dẹt dài cỡ chừng một ngón tay, có một màu xanh sậm.
Phần trên của trái dẹt có một cái chụp giống như cái nôm
nôm cá. Bên trong cái nôm cá đó có một điểm tròn như hột
tiêu màu ngà, dính liền với thân dẹt trông giống như
đầu thầy chùa. Con nít hay gọi như vậy cho tiện. Cuộc
chơi rất đơn giản, mỗi đứa cầm một trái dẹt và tìm
cách gặc làm sao cho gãy đầu thầy chùa của trái dẹt trên
tay đối thủ.

Mở màn trước tiên Lê với Tuyền và Lâm với Mại. Còn con
Thiều thì chờ khi nào Lê hoặc Mại mỏi tay, nhảy vô tiếp
ứng. Trò chơi nầy kể cũng vui, nhứt là những lúc đầu
trái dẹt bị sứt gãy, văng ra. Lê đắc thắng, hỉ hả cười
vang vì Tuyền chưa kinh nghiệm bằng nàng. Những trái dẹt
bị mất đầu được xếp thành đống, bên trai cũng như
gái, và được thường xuyên đếm đi đếm lại. Nếu bên
nào có 20 trái bị gãy thì bên đó thua.

Lê đã mỏi tay nên nàng réo con bạn:

- Ê, Thiều! Chuẩn bị xong chưa, nhào vô thế tao một
chút coi!

Thiều sấn tới, lẹ làng cầm trái dẹt đánh vào đầu trái
dẹt của Tuyền lia lịa. Thấy con nhỏ Thiều hăng quá Tuyền
cũng ớn. Liếc mắt nhìn vào đống dẹt bị sứt đầu coi
bộ cũng đã khá nhiều, Tuyền ra kế hoản binh:

- Ê, để tao nghỉ tay một chút đã!

Nhưng Lê không chịu:

- Nè, phải tiếp tục à nghen! Bộ mầy tính ăn gian hả
Tuyền?

Nãy giờ Lâm với Mại tranh hùng cũng không thua gì tụi Tuyền
với Lê. Tuy nhiên Lâm cũng dở hơn Mại, nó cũng đang bủn
rủn tay chân tới nơi nên sẵn trớn kêu luôn:

- Nè, tao thấy tụi mình nên nghỉ xả hơi một chút cái đã,
tụi bây ơi...

Lê làm tới:

- Tụi bây muốn nghỉ thì nghỉ luôn đi, chớ còn ngừng rồi
chơi tiếp tụi tao không đồng ý. Trời nhá nhem tối rồi
bộ tụi mầy không thấy sao? Mà thôi, nghỉ đi!

Vì mỏi tay, tất cả đều tán thành ý kiến của Lê. Nhóm
nào lo nhóm đó, gom những trái dẹt bị sứt đầu hoặc bể
từng mảnh nhỏ đầu để tính coi được bao nhiêu trái.
Tuyền tuyên bố:

- Tụi tao có 18 trái bị hư, còn đám tụi bây có bao nhiêu?

Kiểm điểm xong đâu đó, Lê kêu lớn với giọng đắc thắng:

- Tụi bây kể như thua rồi, tụi tao chỉ hư có 15 trái thôi!

Mại với Thiều hùa nhau vỗ tay ầm ĩ, cười vui khoái chí
tử. Mại nói:

- Lẹ lên, mau mau lại đây cõng tụi tao! Lẹ lên đi, không
thôi tối rồi tụi tao còn phải đi về nhà nữa chớ! Mà
tụi tao không cho hai đứa bây thiếu chịu đâu nghen!

Lúc chơi thì sợ nhưng tới hồi thắng cuộc rồi thì tụi con
Mại, con Thiều lại giành phần được cõng trước như giặc.
Lê tằng hắng, giao kết:

- Hai đứa bây ở xa, tao nhường cho hai đứa bây được
cõng trước đó. Phần tao chờ cõng sau chót cũng không
sao! Nhưng mà hai thằng Tuyền và Lâm mỗi đứa bây phải
thay phiên nhau cõng tao nửa đoạn sân tao mới chịu và như
vậy công bằng hơn phải không?

Hai đứa Tuyền, Lâm đều gật đầu đồng ý với Lê. Tức
thì con Thiều ngồi trên lưng của Tuyền và Mại ngồi lên
lưng Lâm cho hai đứa đi vòng quanh sân. Mại với Thiều
được dịp la ó vang rân của kẻ chiến thắng. Lê đứng
nhìn mà cảm thấy hơi tội nghiệp cho Tuyền với Lâm.

Nghe tiếng giỡn trửng, la ó trước sân má Lê vội vã
bước ra cửa rầy:

- Ðám bây có biết tối rồi không mà còn ở đó la hét om
sòm vậy hả? Không sợ ma quỉ thánh thần quở phạt hay sao
chớ?

Nhưng ngay lúc đó bà cũng đã để ý và lấy làm lạ là thấy
Tuyền đang cõng Lê trên lưng đi vòng vòng sân. Bà liền
hét, gọi Lê vô nhà:

- Lê, vô đây tao biểu! Con gái gì lớn chồng ngồng mà
không biết mắc cở, còn cặp bè, cặp bạn với đám con
trai chơi giỡn tối ngày. Bây biết bây bao nhiêu tuổi rồi
chưa mà đứa nầy còn dám cõng đứa kia, hả?

Thiệt tình, Lê chưa hề nghĩ đến những điều má mình vừa
nói. Nàng cũng chẳng màng, chỉ biết rằng tuổi trẻ thân
mật, tự nhiên với nhau là đủ. Nàng vội vàng phân bua
để cho chúng bạn khỏi phiền:

- Tụi nó cũng như con mà, má! Làm hết công chuyện rồi
thì má hãy để tụi con chơi với nhau. Tựu trường tới này
con sẽ đi lên tỉnh học thì đâu có còn gặp tụi nó thường
được nữa.

Tuy Lê có giải bày như vậy nhưng tất cả như bị cụt hứng
cho nên bọn Tuyền, Lâm và Mại, Thiều đều cùng muốn kiếu
từ, bỏ ra về. Vả lại, mình mẩy đứa nào đứa nấy
cũng đẫm ướt mồ hôi vì chạy giỡn cả buổi, cần phải
tan hàng trở về nhà tắm rửa lại lần nữa.

Lâm lên tiếng:

- Thôi, tụi tao về.

Thấy bốn đứa bạn lũ lượt kéo nhau đi, Lê nói vội:

- Ê, ngày mai tụi bây tới chơi tiếp nghen! Thằng Lâm
mầy còn thiếu nợ tao đó!

Lâm nói gặn lại:

- Ừa, chiều mai tao với thằng Tuyền sẽ tới đây để
phục thù!

Lâm cười ầm lên như mới vừa thoát được con nợ. Tuyền
cũng cười phụ họa theo. Trong khi Mại, Thiều nghe tới đó
thì liền ngắt ngang:

- Còn khuya tụi bây mới gỡ lại được, đừng có hòng!

Bước lần theo lối mòn trong xóm, đám bạn Lê lẩn khuất
sau những chòm cây xa xa. Nhưng tiếng nói cười bọn chúng
vẫn âm vang vọng lại trong bóng tối của con đường thiệt
vắng vẻ, cô liêu. Lê bâng khuâng đi vòng quanh kiểm điểm
lại cửa nẻo trong nhà và đóng lại. Xong, nàng bước vào nhà
sau rửa mặt, rửa tay, rồi vô buồng thay đồ cho sạch sẽ một
lượt nữa trước khi đi ngủ. Nàng cũng không quên coi lại
mấy cái đèn chong, coi có còn đủ dầu hay đã cạn để mà
châm thêm dầu.

Dạo này, ba Lê thường khi về nhà rất tối, vào khoảng 9
hay 10 giờ đêm. Vì là lúc đầu mùa làm ruộng, cho nên ba
Lê cùng với người em bà con chú bác là chú Tám Xem phải lo dọn
đất để gieo mạ. Má Lê và nàng vẫn phải thức chờ đặng
hâm nóng cơm với đồ ăn lại khi ba nàng về đến nhà. Tất
cả đồ ăn dành riêng cho ba nàng đều đã được chừa phần,
nằm gọn trong cái mâm có đậy chiếc lồng bàn bằng tre đan.
Thiệt ra cũng chẳng có gì là cao lương mỹ vị, mọi thứ đều
nấu bằng rau cải tươi tốt do bàn tay của má Lê trồng lấy,
chăm sóc sau nhà. Cá thịt thì mỗi sáng chạy ra chợ, cũng
gần. Bữa nay má Lê làm nhiều món ăn đặc biệt. Món mắm
cá rựa chưng với củ hành tây, mỡ, đường, tiêu, tỏi,
ớt. Món cá bống kèo ướp gia vị với củ hành tiều, bột
nghệ, tàu vị yểu, đường, tiêu rồi để lên trên một
lớp lá cách và lá chuối tươi bọc ngoài đem nướng trên than
hồng. Món bắp chuối luộc xé phai, xé nhỏ ra như thịt gà
rồi trộn với rau thơm, đường giấm, củ hành xắc nhuyễn.
Tuyệt diệu, đây là những món ăn thông thường của miền
quê tuy đơn giản nhưng hấp dẫn, thắm đượm không kém bất
cứ món ăn nào.

Vào khoảng tháng 6 tháng 7 trời hay mưa liên tu bất tận,
rất thuận tiện để cho dân làng khởi công cày bừa vì
hầu hết đất ruộng đều ngập nước. Mùa này, ba má
Lê thường hay thức dậy thiệt sớm. Thói quen của hai
ông bà là thích uống nước trà bàn chuyện lúa thóc,
ruộng nương, công cấy, công mạ.

Thấy mặt Lê vừa bước ra, ông liền dặn dò:

- Kỳ nghỉ hè ba tháng nầy con ở nhà phụ với ba má chút
đỉnh việc ruộng nương nghe không? Con lớn rồi mà tối
ngày chỉ biết ăn chơi, cà nhổng là coi không đặng chút
nào đó. Con có thể phụ với ba đứng bừa hay ngồi trục,
công việc này nào có khó khăn gì. Thằng Kiệp mặc dù nó
coi trâu, nhưng khi trâu bận cày bừa thì nó cũng phải làm
bờ hay nhổ cỏ dọc theo ruộng. Người ta làm không nghỉ tay
mà con không thấy sao?

Mới nghe qua tuy hơi ngán ngẫm nhưng đồng thời Lê cũng lấy
làm thích thú! Hồi nhỏ tới giờ nàng chưa hề đụng tay
vào công việc cày sâu, cuốc bẩm. Nhưng bây giờ nghe ba
nàng nói vậy, nàng nghĩ biết đâu đây cũng là dịp tốt
để học hỏi và tìm hiểu qua thế nào là nỗi khó nhọc, vất
vả của nhà nông, có thể rất khác với những công việc
vườn tược rẫy bái mà nàng đã làm hằng ngày ở quanh
nhà. Cũng là một dịp để nghe tận tai tiếng "thá, ví"
của chú Tám và ba nàng điều khiển đôi trâu. Nhớ tới
những lằn roi cày vun vút trên không, nàng cũng tội nghiệp
cho kiếp trâu đen kia không ít.

Lê thường thấy chú Tám Xem đứng bừa đi trước rồi mới
đến ba nàng ngồi trục đi sau. Cặp trâu đi trước là cặp
trâu cổ to lớn, sừng con nào con nấy bự chù dù, cong vút
và nhọn lểu. Mặc dù nàng không ớn mấy con trâu cổ đó
mấy, nhưng đi sau vẫn lợi hơn vì lỡ có té xuống ruộng
cũng không bị trâu đạp.

Lê không ngần ngại cho ba nàng biết:

- Cũng được ba, con muốn ngồi trục thay vì đứng bừa vì
con sợ không quen sẽ bị trợt té xuống bùn non...

Sáng hôm sau, sau khi ăn vội chén cơm nếp nấu với nước
cốt dừa và muối mè mà má Lê đã lo sẵn từ ban sáng,
nàng vào thay một bộ đồ bà ba, quần vải ú với chiếc
áo vải ba-tít trắng cũ đã ngả màu ngà xen lẩn nhiều đốm
mủ chuối, mủ dừa mà nàng thường mặc đi vườn. Nàng
không quên lại gần bên vách của nhà vựa vỏ để lấy chiếc
nón lá cũng đã bạc màu xam xám đội lên đầu. Tóc nàng
dài nhưng bây giờ đã được kẹp lại gọn gàng ở phía sau
ót. Nàng bỗng sực nhớ thường khi ba nàng đi ruộng vẫn
hay mang theo một mớ roi tre để đánh trâu, nàng hỏi chừng:

- Ba có cần đem theo roi trâu không ba?

- Ừa, con nhớ ôm cho ba năm ba cây. Tao với chú Tám mầy
cần chớ sao không cần, bây biết rồi mà còn hỏi vòng vo quá
vậy!

Ba Lê đã uống trà xong, ông liền đứng dậy ôm bình nước
mưa mà má nàng đã chuẩn bị sẵn trên bàn. Bình nước này
có da láng màu vàng giống như cái tĩn nước mắm nhưng có
vòi, có nắp đậy bằng nút cặt bần lớn, chứa cỡ ba lít.
Ông còn lấy thêm ba cái chén chung lớn cũng bằng sành, màu
trắng có vẽ cành trúc màu xanh đậm, đựng trong cái rổ nhỏ
đan bằng tre.

Lê nối gót theo ba nàng đi nhanh như chạy trong khu vườn dừa,
qua mấy đoạn cầu tre bắt ngang qua mương, rạch. Không khí
của buổi sớm mai có vẻ mát dịu, những giọt sương còn đọng
trên cành cây ngọn cỏ, phản chiếu long lanh qua ánh bình minh
vừa ló dạng ở phương đông. Nàng cảm thấy lòng mình thoải
mái, tươi vui trong bầu trời êm ả đó. Một bầy dơi đi
ăn trái chín cây ban đêm đang bay vội vàng trở về tổ ấm.
Thỉnh thoảng có một vài chú sóc kêu chí chóe rượt đuổi
nhau trên cành cây lý, cây khế của nhà hàng xóm.

Lê mải mê ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên mà không ngờ mình
đã đi gần tới chuồng trâu nhà cất gần thửa ruộng lớn.
Ba nàng đang hối thằng Kiệp lùa trâu ra cho chú Tám bắt cái
ách lên cổ nó, cặp từng cặp và không quên buộc vòng hai
sợi dây luộc luồn bên dưới cổ mỗi con một cách cẩn
thận. Xong xuôi, bổn phận của Kiệp là ôm bó roi, rồi
hét cho hai cặp trâu từ từ băng xuống ruộng đi đường
tắt. Ba nàng vác cái bừa và chú Tám Xem vác cái trục đi
theo bờ đê quanh ruộng. Riêng phần nàng thì bây giờ phải
chăm lo mấy thứ lỉnh kỉnh, kể cả cái bầu nước lạnh và
mấy cái chén chung.

Chẳng bao lâu đoàn tùy tùng tới địa điểm khởi công. Chú
Tám và ba Lê lui cui lo gắn bừa, gắn trục vào phía sau mỗi
đôi trâu. Xong xuôi, chú Tám đứng trên cái bừa cho trâu
đi trước. Trục cũng đã được gắn xong và nàng được
phép ngồi lên ghế trục, một cái ghế tròn vừa đủ chỗ
cho một người. Vì vậy ba nàng phải đi dưới ruộng để
điều khiển đôi trâu. Chú Tám phải cho cặp trâu của chú
đi chậm lại cho ba nàng bắt kịp.

Lê để ý cách nhịp roi trâu của chú Tám cũng như của ba nàng,
cùng những tiếng la: thá, ví. Thì ra cũng điệu nghệ đó
chớ! Muốn quẹo bên phải thì la: thá, thá, thá... Còn
muốn qua trái thì hét: ví vô, ví vô, ví vô... Hai đôi
trâu đi thiệt ăn khớp với nhau, chỉ cách khoảng chừng ba
bốn sải tay, mặc dù chốc chốc cũng có con đứng lại nghinh
con kia và không chịu đi, hai cái sừng cong vút chạm mạnh vào
nhau cộc cộc, nghe ớn óc. Thỉnh thoảng cái trục bị vồng
lên, sụp xuống vì cán qua những cục đất còn nguyên làm cho
nàng thót ruột. Trong lúc ba nàng và chú Tám lo bừa, trục
đất thì thằng Kiệp lo dọn chuồng trâu. Nó dùng xuổng
xúc phân trâu trong chuồng đem đổ ra ngoài đất trống,
gom lại thành đống. Lấy cây chổi làm bằng mấy nhánh
ráng khô bó lại để quét sạch những đống rơm vụng trâu
ăn qua đêm.

Ði vòng vòng ruộng được chừng hai ba công đất, ba Lê với
chú Tám Xem ngừng lại cho trâu nghỉ xả hơi chừng mười lăm,
hai mươi phút. Ðộ vài tiếng đồng hồ người lẫn trâu
đều thấm mệt. Nàng vội vàng lội lên bờ mẫu bày bình
nước, rót ra từng chén một cho ba nàng với chú Tám uống
giải khát. Nàng cũng khát quá chừng và chờ lúc ba nàng
với chú Tám uống xong, chẳng ngần ngại nốc luôn mấy ngụm
đầy.

Vầng thái dương đã lên cao, qua khỏi lũy tre xanh một cây
sào. Sinh hoạt của đồng ruộng bỗng trở nên linh động,
vui tươi hơn vì có mấy con cò trắng và vài con cưởng, sáo
nhập bọn, chạy nhảy quanh quẩn để kiếm cá, kiếm dế,
kiếm trùng. Lâu lâu lại bay lên đáp xuống một cách
nhẹ nhàng, uyển chuyển. Ở cánh đồng kế bên, có người
đàn ông đang đi vòng vòng đấp mấy lổ mội dọc theo bờ
đê, không cho nước trong ruộng mình chảy qua ruộng khác.
Xa xa, đó đây cũng có nhiều cặp trâu cày, bừa, trục.

Lúc mặt trời lên cao chừng xéo xéo đỉnh đầu là ba Lê
với chú Tám Xem tháo trục, tháo bừa, tháo ách, thả trâu
ra nghỉ, kể như đã xong cho một ngày làm. Lẽ ra thằng
Kiệp phải đi theo đàn trâu để trông chừng chúng ăn cỏ
xung quanh khóm ruộng trống, nhưng bữa nay ba Lê có ý định
để nàng ở lại tập giữ trâu, thay thế cho Kiệp về ăn
cơm trưa. Khi nào Kiệp trở lên thì nàng mới được trở
về nhà ăn cơm sau. Ba nàng dặn dò thêm:

- Bây nhớ dòm chừng, theo dõi mấy con trâu ăn cỏ dọc
bờ đê, đừng cho nó đi đâu nghen!

Trong lòng Lê cũng hơi phập phòng vì chưa bao giờ nàng biết
coi trâu, cỡi trâu. Chỉ một vài lần nhìn trâu chém lộn
từ đàng xa. Nhưng nàng cũng tự tin nơi mình:

- Ruộng chưa có cấy lúa thì đâu có gì mà ba phải lo! Nó
chỉ ăn cỏ dọc bờ đê thôi chớ đâu có chỗ nào có cỏ nữa
đâu mà ăn. Với lại con giữ dùm cho thằng Kiệp một lát
chớ đâu phải nguyên cả buổi đâu nà! Ba nhớ nói với nó
ăn cơm lẹ lẹ lên nghen, con cũng đói bụng lắm rồi đó!

Mọi khi không có Lê thì ba nàng vẫn phải dòm chừng trâu cho
Kiệp về ăn cơm và làm những công việc nhẹ như đắp bờ,
dọn cỏ quanh ruộng. Bữa nay sau khi nhắn nhủ với nàng mấy
lời, ông cùng chú Tám liền vác mỗi người một món, cái
bừa và cái trục, đem trở về cất lại ở chuồng trâu,
rồi đi thẳng về nhà.

Như vậy vấn đề dọn đất kể như yên một mối, bây giờ
ba Lê chỉ còn lo chuyện nhổ mạ, cấy lúa cho mùa ruộng năm
nay. Cùng lúc nghĩ trưa, trâu của những ruộng khác, chủ khác
cũng đã men theo các bờ đê dồn về một hướng, con đường
vào đất thánh nằm sát bờ kinh. Trong đó chắc có nhiều
cỏ non, nàng nghĩ. Cùng đi theo đám trâu đông nghẹt đó
hiển nhiên có nhiều đứa chăn trâu, trai cũng như gái, cùng
chạng tuổi với nàng. Vừa thấy mặt Lê là bọn chúng liền
rủ nàng cùng đi vô Giồng Me hái me dốt ăn với muối ớt.
Bọn thằng Ðẩu, Ðạt, Phước, con Dân, con Lụa... nàng
cũng biết mặt, cũng quen. Tụi này chuyên môn giữ trâu,
đâu từ hồi còn nhỏ độ 9, 10 tuổi. Nghe tụi nó rủ rê
ăn me nàng cũng thích, nhưng mục đích chính là muốn đi theo
để cho biết xóm làng ở Giồng Me. Tụi thằng Ðẩu, thằng
Ðạt đốc xúi, dụ dỗ nàng đủ thứ:

- Mầy biết hông Lê, ở Giồng Me có loại me đậu phọng
ăn ngon hết chỗ nói! Mầy đi theo đám tụi tao thì mầy
khỏi phải hái, tụi tao sẽ hái cho mầy ăn đã đời!

Bởi mấy lời ngọt ngào như lúc nào cũng sẵn lòng của tụi
bạn, Lê chấp thuận cùng đi ngay. Tuy nhiên, Lê cũng đang
lo lo cho mấy con trâu và trách nhiệm giữ gìn chúng nó của
mình. Lê phân trần cùng đám chăn trâu:

- Nè, còn mấy con trâu thì tụi bây tính làm sao đây? Ai
coi chừng trâu, hả? Rủi nó đi lạc, hay có chuyện gì xảy
ra thì phải làm sao?

Thằng Ðẩu nhanh nhẩu:

- Ối, mầy khỏi có lo chi hết, cả bầy trâu đó sẽ vô trong
đất thánh ăn cỏ chớ có đi xứ nào được! Mầy cứ yên
chí đi, đi với tụi tao là hổng có gì hư hại hết.

Lê nghe mấy lời trấn an hữu lý của Ðẩu nên cũng bớt đi
sự lo ngại về đám trâu. Cả bọn kéo nhau đi dọc theo đường
mòn của bờ ruộng đầy bông cỏ may xen lẩn bông mắc cở màu
hường nhạt. Trên đầu có những tàn cây trâm bầu che mát.
Vì mải nói chuyện huyên thuyên nên nàng vô tình đụng vào
những cụm mắc cở, những cánh lá liền e ấp khép lại. Ống
quần nàng từ đầu gối trở xuống cũng bị cỏ may ghim vào chi
chít. Nàng cảm thấy nhột nhột khó chịu, nên ngồi vội bên
vệ đường gỡ ra từng cái một. Một chú nhái con vì nghe
tiếng động bất thình lình nhảy tòm xuống ruộng phóng đi
nơi khác để lại vài vết chân nho nhỏ in lên mặt bùn non.

Không mấy chốc kẻ trước người sau đã đến nơi dự định,
tụ tập dưới bóng mát của những cây me thiệt lớn, cành lá
sum suê mọc gần nhau như thể đây là... vườn me, rừng me.
Không xa lắm về hướng đông có vài mái nhà tranh đơn sơ,
mộc mạc hiện ra trong chòm dừa, cau lả ngọn. Lại có tiếng
gà tre gáy lảnh lót đâu đây giữa buổi trưa hè làm cho nàng
cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Nhưng tiếng của Ðẩu đã
đánh tan nỗi lo sợ của Lê:

- Ê, tụi mầy nghe đây, bây giờ để tao với thằng Ðạt leo
lên hái me cho, còn thằng Phước với con Lụa chạy rút về nhà
tụi bây lấy muối và hái ớt, chịu chưa?

Tất cả đều đồng ý làm theo, ai lo phận nấy, chỉ còn có
mỗi mình Dân và Lê ở dưới gốc me. Hai đứa rủ nhau lại
một cái cộ phế thải gần đó ngồi nghỉ chưn trên tấm vạt
có mấy miếng tre đã gãy lìa. Chẳng biết cái hương vị của
me đậu phọng ngon ngọt thế nào, Lê đang chờ đợi để
thưởng thức! Thực ra đây là lần đầu tiên nàng dám
đánh bạo gia nhập cùng bọn chăn trâu. Nàng cảm thấy cuộc
sống của tụi nó rất ư là an phận, không so sánh hay than
phiền gì về cái nghèo của mình.

Im lặng một hồi lâu, Dân e dè hỏi Lê:

- Ít khi tao thấy mầy lên ruộng, sao vậy Lê? Bộ mầy
sợ dính bùn hả? Ðâu mầy đưa bàn tay, bàn chưn của
mầy cho tao coi...

Miệng nói tay chụp, Dân cầm lấy bàn tay Lê, bóp bóp, giơ
lên, để xuống ngắm nghía đồng thời đưa mắt liếc qua
bàn chưn rồi cất giọng rành rẽ như một bà coi tướng số:

- Tao thấy bộ gió của mầy mai mốt chắc không có làm ruộng,
làm vườn gì được đâu. Tay chưn đậm đà, đậm đuột
mềm xèo như bún thiu thì mần ăn cái nỗi gì? Chắc là mầy
muốn làm cô giáo, phải không Lê?

Lê cũng muốn nói lên sự thật đó, nhưng nàng sợ sự chênh
lệch về hoàn cảnh sống của mỗi đứa mà làm buồn lòng bạn
chăng? Nàng không muốn để cho những đứa bạn ruộng rẫy
của nàng mang cái mặc cảm quê mùa, chơn chất. Nàng thản
nhiên trả lời:

- Làm sao mà biết được chuyện tương lai, mậy! Bộ mầy
tính làm bà thầy bói hả Dân? Mà thôi, bỏ qua chuyện đó
qua một bên đi, bây giờ hãy lo tính chuyện ăn me sắp tới
kia kìa, mầy có ăn me đậu phọng lần nào chưa?

Dân không trả lời Lê, im lặng trong giây phút, rồi bỗng
dưng reo lên:

- Ê, tụi nó đem muối ớt tới rồi cà! Ðẩu ơi, Ðạt ơi,
thôi đừng hái nữa, đem me xuống đi.

Ðẩu và Ðạt nghe tiếng kêu, bèn một tay chuyền cành tuột
xuống, tay kia túm vạt áo đầy me. Hai đứa chạy lại cộ đổ
tưới ra trên tấm vạt. Me chín, me dốt, me già, me non,
ôi thôi đủ thứ.

Lê hỏi:

- Ê, me nào là me đậu phọng đâu? Từ hồi nhỏ tới giờ
tao chưa có nghe ai nói tới me đậu phọng hết!

Dân liền đáp:

- Thì me nầy là me đậu phọng chớ me nào! Mầy không thấy
loại me nầy nhỏ trái, mắt tròn tròn như cái hột đậu phọng
sao? Mầy cù lần quá Lê ơi! Mà tao nghĩ tại mầy tối
ngày cứ ru rú ở trong nhà, trong vườn nên không rành mấy
thứ này cũng phải!

Ðạt lại tiết lộ thêm một bí mật nữa:

- Mầy biết hông Lê, giồng me này toàn me đậu phọng, nhưng
có mấy gốc me đậu phọng ngon nhứt của ông chủ vườn chỉ
có mình tao với thằng Ðẩu biết thôi! Là cây nầy đây,
tụi tao hái lén đó, tụi bây ăn xong nhớ đừng có nói cho
ai biết nghen! Nếu ông chủ biết được, ổng sẽ cột đầu
cả đám tụi mình ở đây, chớ không riêng gì tao với thằng
Ðẩu, nghe chưa tụi bây?

Ðạt cầm giơ lên chùm me hình vòng cung có mắc nhỏ, no tròn,
thiệt tươi, bao bọc bởi một màu phấn nâu, mốc mốc ngà
ngà của thời mới chín tới, thời kỳ trở thành me dốt.
Còn phần me của Ðẩu hái thì lẫn lộn khác nhau, lớn có
nhỏ có, không đồng nhứt.

Lụa với Phước cũng đã mở ra bọc muối ớt đỏ ối gói
trong miếng lá chuối non, xanh mởn. Không chần chờ gì
nữa, cả bọn đã cùng nhau túm lấy từng trái me đậu phọng
chùi vô áo sơ sơ, chấm vào thớt muối ớt cắn ăn một
cách ngon lành. Thằng Ðạt vừa ăn vừa nói thêm:

- Tụi bây không biết ăn me gì hết! Me đậu phọng đúng
ra không cần chấm với muối ớt gì cả, chỉ cần ăn không
như vầy thôi! Ăn không như tao đây thì mới thấy cái
vị ngọt ngọt, chát chát và beo béo của nó. Ðã lắm!

Thằng Phước còn làm ra vẻ người sành điệu hơn:

- Mầy nói vậy có nghĩa là mầy cũng không biết cách
ăn me! Phải nói me đậu phọng thì chỉ có ăn với nắm ruốc
là hết sẩy! Nhà đứa nào có mắm ruốc, hả?

Trong giây phút này, không riêng gì Lê, tất cả đều quên
mất đi trách nhiệm chăn trâu của mình, tất cả chỉ còn
thấy những trái me trước mặt. Nãy giờ vì mãi lo ăn
nên Lê lặng thinh. Bây giờ nghe Phước nói như vậy nàng
cũng muốn phát biểu ý kiến. Nàng nói phân hai:

- Tao thấy ăn me cách nào cũng có cái ngon riêng của nó,
chỉ tùy theo ý thích của mỗi đứa mà thôi, đồng ý
không? Tao thích ăn với nước mắm đường!

Chẳng đứa nào thèm trả lời trả vốn gì hết vì đang cơn
ăn. Vậy mà sau khi tất cả đều... no bụng, đống me còn
lại cũng cỡ hơn phân nửa. Cả đám chăn trân gồm Ðẩu,
Ðạt, Phước và con Lụa đều đồng ý để cho Lê đem về
nhà cho má Lê nấu canh chua.

Phần vì muối mặn, phần vì ớt cay, nên sau khi ăn xong
tất cả lại khát nước. Ðẩu lên tiếng:

- Ðứa nào theo tao đi vô xóm xin nước uống không?

Như chợt nhớ điều gì, Lê vội ngăn:

- Ê, bộ tụi mầy muốn khiến chết hay sao mà đòi uống
nước lạnh hả! Tao nghe má tao nói nếu giữa trưa nắng ăn
chua mà đi uống nước lạnh thì nguy hiểm lắm, trước sau gì
cũng không khỏi xách quần chạy ra đồng. Hay là tụi mình
chịu khó nhịn khát một chút đi rồi hãy về nhà uống nước
nấu sôi cũng không muộn!

Lụa phân vân:

- Tao chịu hết nổi rồi! Bộ mầy không khát hả Lê? Còn
tụi bây thì sao, Ðẩu, Ðạt, Phước?

- Ối, chuyện gì chớ xách quần ra đồng thì ngày nào tao
chẳng làm, đi bây!

Cả bọn coi lời nói của Lê như pha và chính Lê cũng bỗng hơi
nghi ngờ lời nói của má mình, khi Ðẩu làm đầu tàu chạy vô
nhà thiếm Hai Lưu xin nước uống.

Cả bọn đã tụ hợp lại chỗ cũ sau khi nốc mỗi đứa một
gáo nước mưa đầy. Dưới tàn cây rợp bóng của vườn me
cùng ngọn gió hiu hiu thổi giữa trưa hè, Lê vẫn thấy bầu
không khí chung quanh mình mát mẻ, trong lành. Tiếng rì rào
của lá me chạm vào nhau nghe u u, thiệt dìu dịu, êm tai. Màu
xanh non mượt của lá me trên cao trông sao mà tươi mát, mơ
màng, thơ mộng...

Nhưng, bọn Ðẩu với Phước đã đề nghị trò chơi mới:
cút bắt. Mải mê theo đám chăn trâu, Lê không còn nhớ là
mình phải ngó chừng mấy con trâu. Cứ được dịp nàng
gật đầu đồng ý. Rồi thêm con Lụa, thằng Ðạt cũng
tán thành luôn. Nhưng trước khi chơi, cả bọn phải ra công
tìm đứa... rượt trước, bằng cách thông thường của trẻ
con rất nhà quê: đánh tù tì ra cái gì, ra cái nầy. Chỉ có
ba món ăn xoay vòng nhau là kéo cắt bao, bao bao búa, và búa
nện kéo. Ðứa nào thua sau cùng thì đi bắt mấy đứa
chạy lẻ bạn một mình, vì hai đứa nếu... lỡ nắm tay nhau
thì không được quyền bắt. Cuộc chơi cút bắt thiệt là
vui và mặc dầu thỉnh thoảng phải ôm nhau, bảo vệ lấy nhau
nhưng không ai màng để ý tới sự đụng chạm giữa trai với
gái...

Bỗng Ðẩu lên tiếng:

- Chết rồi Lê ơi, ba mầy với thằng Kiệp sắp tới rồi
kìa! Tao thấy bóng chú Tư đi gần đến cây sung rồi đó!

Như cái máy hát hết dây thiều, Lê ngừng chạy. Nàng đi
lại cộ lấy mớ me trên tấm vạt bỏ vô chiếc nón lá rồi
lẹ làng, bươn bả đi đón ba nàng trước sự ngẩn ngơ,
luyến tiếc của đám bạn chăn trâu.

Gặp ba nàng, Lê hỏi ngay:

- Sao ba để thằng Kiệp ăn cơm lâu quá vậy? Cả một
hai tiếng đồng hồ luôn, con chờ hoài không thấy nên
mới nhập bọn đi hái me với mấy đứa tụi nó.

- Ba sai nó phụ đóng hai tấm vạt cho hai cái cộ mới để
chuẩn bị cho ngày mai đem lên ruộng, nên mới có hơi lâu
như vậy. Mấy con trâu của mình đâu sao tao không thấy?

- Chắc nó theo đàn trâu của mấy đứa tụi nó vô đất
thánh ăn cỏ rồi ba!

- Thôi để đó cho thằng Kiệp, con đi về nhà lo tắm rửa,
cơm nước rồi phụ công việc nhà với má con đi!

Ðưa tay vẫy đám bạn chăn trâu, Lê quay lưng vừa đi vừa
nhảy cò cò trên con đường mòn dẫn vào xóm. Nàng cảm thấy
trong lòng dâng lên một niềm vui buồn lẫn lộn, mênh mông
khó tả. Có thể nói đây là một kỷ niệm rồi sẽ ăn sâu
vào tiềm thức của nàng. Buổi trưa này, nàng không ngờ
mình được dịp chạy giỡn trong vườn me đậu phọng, với
lũ bạn chăn trâu cùng lứa. Sự thân mật, tự nhiên của
Ðẩu, Ðạt, Phước, Dân và Lụa đối với Lê sao nồng
nàn, tươi mát như những cánh đồng bao la, bát ngát ngoài
kia. Và mặc dù tình bạn giữa lũ bạn chăn trâu và nàng
chỉ xảy đến trong bất chợt, ngắn ngủi nhưng rồi nó sẽ
vững bền, gắn bó như những mắc me tròn tròn, nho nhỏ
gắn chặt vào nhau như trái đậu phọng đang treo lủng lẳng
trên cành.

Tuy không nói ra nhưng Lê thừa biết rằng vườn me đậu
phọng đã vẽ lên ký ức tuổi thơ của nàng những nét thật
đậm và chắc chắn sẽ làm nàng nhớ mãi...
Phượng Các
#4 Posted : Sunday, January 9, 2005 1:34:01 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thu Ðến

Hồng Lan


Thu cứ đến và đi không lỗi hẹn
Thu nào buồn trời trở giấc đêm đen
Không gian trầm lắng vạn vật như quen
Giấc ngủ mưa thu đi vào bóng tối

Thu cứ đến và đi cùng chung lối
Cho bước chân dài mòn mỏi quên thôi
Mỗi lần yêu mỗi lần thêm bỡ ngỡ
Và yếu mềm như cỏ dại mai khờ

Thu cứ đến và đi trong hững hờ
Khói lam chiều lẩn khuất bãi chơ vơ
Ðàn chim buồn về vỗ cánh xa mờ
Nghe thổn thức như biển sầu gió lộng

Thu cứ đến và đi nhuộm lá hồng
Nhặt lá rơi rơi từng chiếc mùa đông
Như nhớ như thương đêm trường giấc mộng
Nhắc phút tàn thu in dấu bên song...

Phượng Các
#5 Posted : Sunday, January 9, 2005 1:41:33 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Bông Sua Ðũa Tím

Hồng Lan



Gà mới vừa gáy chập hai là má tôi đã thức dậy lo nấu
cơm và hâm lại đồ ăn đã làm sẵn chiều qua đặng ba
tôi ăn sáng, lót lòng cho vững bụng. Nghe tiếng động,
tôi cũng giựt mình thức dậy. Sau khi đánh răng sơ sịa,
tôi lót tót xuống bếp để phụ với má tôi. Bà đang lui
cui dọn thức ăn lên bàn. Thấy mặt tôi bà liền sai:

- Con đem bình trà súc cho sạch, bỏ trà mới rồi châm đầy
nước ba con uống sau khi ăn cơm xong.

Ba tôi thích uống trà hiệu "Thiết Quan Âm," vì trà này có
cái mùi dìu dịu, không nồng như trà "Ô Long." Tôi vừa
làm vừa hỏi:

- Bộ bữa nay ba có công chuyện phải đi đâu đó hả má?

- Con không biết à? Ba bây sửa soạn đi dọ chỗ! Bộ con
không nhớ mỗi năm cứ đến mùa nầy là ba con tìm chỗ
để dưỡng trâu. Năm nào cũng vậy mà bây còn hỏi lôi
thôi!

Hai má con đang nói với nhau, thì có tiếng tằng hắng của
ba tôi từ nhà trên bước xuống:

- Má con bây nói gì đó, cơm nước đã xong chưa? Còn
thằng Be giờ này mà nó chưa tới hả?

Vừa nhắc tới nó, thì ngoài ngõ có tiếng của hai con Mực
và con Vện sủa ỏm tỏi. Tiếng thằng Be la hai con chó ngoài
sân:

- Hai con chó mắc dịch này, bộ tao lạ lắm sao mà hai đứa
bây sủa dữ vậy?

Tôi bước ra ngoài hàng ba nhìn sự tình thử coi ra sao. Be
vừa đi vừa né con Mực, con Vện. Nhưng hai con chó như đã
đánh mùi người quen bèn chạy ra quấn quít bên chân nó và
liếm lia lịa vào người. Thỉnh thoảng nhảy chồm lên ngực
nó như để giả lả sự hiểu lầm vừa qua. Be chợt nhìn
thấy tôi, liền lên tiếng:

- Chị Lựu đang làm gì mà đứng đó?

- Chị nghe tiếng chó sủa, không biết chắc là em hay người
khác, nên chạy ra định la hai con chó cho nó im vậy mà. Thôi
đi vào nhà mau lên đi, để còn ăn cơm xong là lên đường
ngay với ba chị. Nãy giờ ông đang trông em dữ lắm đó.

Bước vào nhà Be tươi cười, lễ độ thưa ba má tôi và
có vài lời phân trần vì lỡ ngủ quên. Ba má tôi không
màng để ý đến điều đó cho lắm vì biết nó tuổi
còn nhỏ, "ăn chưa no, lo chưa tới." Vả lại Be phải sống
xa gia đình, không có sự dạy dỗ của cha mẹ. Phải đi
chăn trâu vất vả suốt ngày. Tuổi mười hai, mười ba,
theo như con nhà khá giả, thì thế nào cũng được cấp
sách đến trường, ăn học đàng hoàng. Không riêng vì ba
má tôi mà ngay cả chị em tôi cũng thương nó và đối xử
với nó như chị em trong nhà. Cứ mỗi lần gần đến
Tết, lúc má tôi mua vải may đồ mới cho chị em tôi, bà
cũng mua cho Be một phần riêng. Cùng một ít quà Tết cho
gia đình của nó. Ðời sống của Be thiếu thốn về vật
chất lẫn tinh thần. Ðiểm cốt yếu là dù nhà nghèo
nhưng tính tình Be rất dễ mến, có trách nhiệm và bổn
phận trong công việc. Mỗi khi ba tôi giao phó cho nó, việc
nào cũng trôi chảy, hoàn tất chu đáo.

Ba tôi hối thúc nó ngồi vào bàn ăn:

- Be à, chú cháu mình làm lẹ lên để còn đi sớm về sớm
mậy. Không thôi lụi hụi đến chiều tối về không kịp à
nghen. Chú cháu mình còn nhiều việc phải làm trên đó.

Nghe ba tôi nói, Be dạ... dạ hai ba lần, rồi ân cần tiếp
lời:

- Chú nói nhiều việc mà làm con nôn quá, tưởng như mình
đi đình đám, hay hội họp gì lớn lắm.

Ăn xong ba tôi qua ngồi bên bàn tròn cạnh đó. Ông rót chung
trà nóng uống từng hớp một, để thưởng thức hương trà
thơm ngát, bốc khói nghi ngút. Rồi ông vấn điếu thuốc
đặt lên môi, quẹt hộp quẹt mồi lửa, mấp mấp vài hơi,
nhả làn khói xanh, phảng phất quyện trên không trung mờ ảo.
Thói quen của Be là ăn xong thì đi thẳng lên hàng mái nước
mưa để nốc một gáo cho đã khát. Mấy cái mái chứa
nước bằng sành to lớn được ba tôi kê theo thứ tự ở
hiên nhà trên. Cái gáo múc nước làm bằng cái gáo dừa
khô, cạo gọt thật láng. Cán gáo được tra vào hai cái lỗ
nhỏ khoét ở hai bên cái gáo dừa, dài độ hai gang tay. Cái
gáo này lúc nào cũng được máng sẵn ở trên góc cột cạnh
mấy mái nước. Tôi còn nghe tiếng nước đổ tạt cái ào
ra ngoài sân nhà. Có lẽ Be uống không hết vì múc một gáo
đầy vung. Rồi nó lại giựt mình, bẽn lẽn vì sợ bị la
vì cái tật uống phân nửa đổ phân nửa. Má tôi hay nói:
"Mai mốt rủi nắng hạn không có mưa thì phải uống nước
lóng phèn xách từ dưới mương lên." Be muốn né tránh
sự bắt gặp đó nên đã vội vã trở lại bàn thưa với
ba tôi:

- Con xong xuôi rồi chú, mình lên đường được chưa?

Ba tôi nói:

- Ði bây giờ là đúng lúc rồi đó. Bữa nay coi bộ trời
tốt lắm.

Má tôi còn nói vói theo với ba tôi và thằng Be:

- Hai chú cháu bây đi đường nhớ cẩn thận, chiều về
sớm sớm để ở nhà khỏi trông nghen.

- Bà khỏi phải lo gì cả, chiều nay không thấy tôi với
thằng Be về là bà biết liền.

Ba tôi đùa cho vui, chớ ổng biết chắc dù sớm hay muộn
gì ổng cũng phải về trong ngày.

Vừa nói xong ba tôi với thằng Be liền bước nhanh ra
đường và không mấy chốc khuất bóng bên kia đầu cầu
của con rạch. Giòng nước dưới cầu chảy chầm chậm,
thiệt trong, không một chút pha lẫn bùn non. Tôi lui cui
thu dẹp chén đũa vào cái rổ rồi bưng thẳng ra phía sau
nhà. Tôi để cái rổ trên sàn phơi chén đũa cất cạnh
chiếc cầu dừa bắt ngầm xuống mương, rồi từ từ lôi
ra rửa từng cái một. Ánh bình minh hôm nay sao mà ửng
hồng, thật đẹp. Tuy tay tôi vẫn rửa, nhưng cặp mắt
tôi thì lại nhìn quanh quẩn đó đây. Những hàng dừa,
hàng cau rũ bóng qua đêm đã bắt đầu tươi mát đón
chào nắng ấm, lung linh. Tiếng chim sáo, chìa vôi pha lẫn
với tiếng vịt, gà đang rời chuồng để đi kiếm ăn.
Tất cả những âm thanh ấy đã tạo nên một niềm vui chan
hòa, rực rỡ với nếp sống dung dị của những người
dân nơi miền thôn dã. Bỗng, bên kia bờ dừa có tiếng
kêu giựt
ngược của con nhỏ bạn:

- Lựu ơi, tới giờ đi học rồi mà sao mầy còn ngồi đó
hả? Mầy không lẹ lên tao đi trước à nghen.

Tôi giựt mình mới hay là nãy giờ quên mất chuyện đi
học buổi sáng nay. Hết mãi mê chuyện trời mây trăng gió,
tôi bèn nói vọng qua bên kia bờ:

- Mầy chờ tao một chút nghen Sương. Tao đem rổ chén nầy
úp vào sóng chén là tao đi liền.

Má tôi nghe tiếng hai đứa tôi ngoài sau vườn. Bà giục:

- Lẹ lên để không thôi trễ học à con! Còn phải đi ba
bốn cây số, rồi lại phải qua đò ngang mà sao con ở đó
chần chờ hoài vậy. Cơm, đồ ăn má đã đựng sẵn trong
chiếc gào-mên hai ngăn đàng hoàng rồi đó.

Tôi chẳng thèm mở ra để mắt nhìn vô coi là món gì,
nhưng cũng đoán chắc là canh chuối nấu dừa với lại tép
rang mỡ. Vì ba tôi với thằng Be đã vừa ăn những món
này trước đó. Một tay tôi với lấy chiếc gào-mên và
tay kia ôm chiếc cặp đệm, miệng thì nói:

- Thưa má, con đi học.

Má tôi chẳng trả lời trả vốn và tôi vội bước nhanh ra
sau nhà. Nãy giờ chắc con Sương đang chờ mỏi chân. Bỗng
dưng má tôi nói vọng theo:

- Ðừng hấp tấp mà làm đổ hết gào-mên cơm bây giờ,
trưa nay không có một hột mà ăn nha con.

Ðể quên hết đường dài, Sương và tôi vừa đi vừa
chuyện trò qua lại. Tôi nói:

- Hôm nay ba tao với thằng Be đi dọ mối, có lẽ lên tuốt
miệt Lộ Ngang để tìm chỗ cho trâu ăn. Mầy biết, sau
mùa lúa là đồng ruộng khô khan, không còn cỏ non cho nên
ba tao sợ trâu ốm đi nên phải tìm chỗ nào có cỏ.

Cái tên Lộ Ngang có lẽ Sương chỉ nghe qua chớ nào có biết
ở đâu, cách làng bao xa. Sương bèn hỏi lại tôi:

- Nè Lựu, mầy có lần nào đi tới Lộ Ngang chưa? Bộ
mầy có bà con quen biết gì ở đó hả?

- Tao chỉ đi qua đó mỗi một lần lúc về thăm quê ngoại
tao ở trên Phú An Hòa. Phải đi tới Lộ Ngang rồi mới
đến Phú An Hòa. Tao không có bà con ở nơi ấy, bên ba
tao không mà bên má tao hình như cũng không. Con Sương
mầy dở quá, đây với đó chẳng xa lắm, mà mầy thiệt
chưa biết hay sao?

Ðối với tôi, Sương là đứa bạn hiền lành, chân thật.
Gia đình ba má nó cũng tạm đủ ăn, đủ mặc chứ không giàu
có dư giã gì. Thành thử Sương ít có cơ hội đi đây, đi
đó như tôi. Có một đứa bạn như Sương tôi rất thích,
vì ngoài tình bạn chúng tôi còn có tình láng giềng thân
thiết nữa. Nhiều lúc nó hay chịu khó đến rủ tôi đi câu
cá bống dừa, đi tát mương, hay bắt ốc quắn ngoài con
rạch trước của nhà. Có lúc nó phụ tôi đi đốn chuối,
chĩa dừa rụng hoặc kéo tàu dừa từ dưới mương lên bờ
phơi khô. Thường thường nếu nó làm nhiều việc như
vậy, má tôi cũng cho nó tiền chút đỉnh để nó ăn hàng,
ăn bánh vào những buổi trưa ở lại trường.

Hai đứa mãi nói chuyện mà con đường đã rút ngắn lại
hồi nào không hay. Lụi hụi đã tới bến đò, hai đứa
ngồi dựa gốc cây bàng để chờ đò sang sông. Sương
gạn hỏi:

- Lựu, mầy biết chừng nào bác trai về không? Nếu mà
bác đi hai ba ngày mới về thì tao với mầy đi đặt vó.
Có bác trai ở nhà tao sợ ổng lắm, bác gái thì dễ rồi.

- Nghe đâu chiều nay ổng với thằng Be sẽ về, sớm hay
muộn thì tao hổng biết. Hay là để vài hôm nữa ba tao
dẫn trâu đi rồi tao với mầy sẽ đi vó cũng không muộn.

Con nhỏ Sương nghe tôi nói như vậy thì nó thích lắm. Vì
mỗi lần ba tôi dẫn trâu đi ăn cỏ trên Lộ Ngang ít nhứt
cũng hai, ba tuần mới trở về. Sương ngán ba tôi vì tính
ổng nghiêm nghị, ít nói. Tôi nói tiếp:

- Sao mầy ngán ba tao quá vậy Sương? Tao nghĩ ba đứa nào
cũng vậy, thường thường ba ít nói hơn má, nhưng mà mình
sợ ba nhiều hơn má. Mầy có nghĩ như tao không?

Ðiều con Sương cũng vui mừng nữa là vì hai đứa được
tự do làm đủ thứ bánh như bánh cam, bánh còng, bánh lọt,
bánh bèo, bánh tàn ong, bánh đúc, v.v. Nó thích làm bánh
lắm. Làm xong nó lại chịu khó dọn dẹp sạch sẽ, đàng
hoàng. Ít khi nó dám rủ tôi đến nhà, vì cái mặc cảm
của đứa con nhà nghèo. Tôi hiểu tánh Sương, cho nên tôi
ít khi bàn đến chuyện tới nhà nó chơi.

Ðò cặp bến. Chờ cho khách hàng lên đò xong mới tới
phiên học trò, Sương và tôi liền bước xuống tức thì,
giành hai chỗ ngồi gần trước mũi. Chỗ này tiện nhứt
vì khi sang bên kia bến, chỉ cần bước vài bước là rời
khỏi đò. Không mất nhiều thì giờ như ngồi ở gần phía
sau lái. Bác chèo đò chèo thật khoan thai. Giòng nước
chảy xuôi nhẹ nhàng, không làm chao động. Những chiếc
xuồng tam bản hay ghe thương hồ xuôi ngược qua lại trên
sông vào buổi sáng thật nhộn nhịp, huyên náo. Không mấy
chốc, đò đã ghé vào bờ dễ dàng, gọn ghẽ. Sương và
tôi vội vã bước mau lên bến trong tiếng trống nhà
trường vang lên liên hồi. Hai đứa cắm đầu, cắm
cổ chạy cho kịp sắp hàng vào lớp. Bao nhiêu chuyện hai
đứa đã dự định đều gác lại vào buổi tan học về.

Những buổi chiều chờ đò qua sông, tôi thường rủ Sương
và một vài đứa bạn trang lứa chơi đánh đũa với nhau.
Có bữa ham chơi quên mất luôn mấy chuyến đò liên tiếp,
cứ phải chờ chuyến kế. Lắm lúc về tới nhà, nhà đã
lên đèn. Có lần má tôi hỏi:

- Tại sao bữa nay mầy về nhà tối vậy?

Tôi liền biện hộ:

- Tại bữa nay đám học trò con trai tụi nó chen lấn dữ
quá con không giành với tụi nó được. Cho nên con phải
ở chờ chuyến đò chót, thành thử mới trễ như vầy.

Cũng có lúc tôi cảm thấy mình có lỗi với cha mẹ về
tội nói dối. Nhưng chỉ vì tuổi ấu thơ còn vướng
bận ham chơi, ai mà không qua cái tâm trạng như tôi ở
cái thời hỉ mũi chưa sạch. Trong suốt buổi học ngày
đó tôi trông sao cho thì giờ qua nhanh để tới giờ tan
học. Mong rằng ba tôi sẽ có quà hay một vài món ăn lạ
mang về từ những địa phương mà ông vừa đặt chân
đến. Ðang suy nghĩ thì bỗng dưng tiếng trống nhà
trường đổ liên hồi. Tôi vội vàng thu xếp tập vở,
bút mực bỏ vào cái cặp đệm có hai ngăn xếp lại, cũng
không quên xách chiếc gào-mên nhẹ hửng trên tay. Giờ
tan học thì khỏi phải xếp hàng theo thứ tự như buổi
sáng. Học trò chỉ chờ cho thầy giáo ra hiệu và dặn
dò bài vở ngày mai, sau đó thì mạnh đứa nào nấy dông
ra ngoài.

Như thường lệ tôi có thói quen hay chơi đánh đũa cùng
với mấy con nhỏ bạn trong khi chờ đò, nhưng chiều hôm
nay tôi lại làm lơ, chỉ mong sao về cho sớm tới nhà để
mừng ba tôi. Con Sương ghé vào tai tôi hỏi nhỏ:

- Mầy làm gì mà ra vẻ hối hả vậy hả Lựu?

Tôi nguýt háy Sương một cái rồi nói qua loa:

- Mầy còn làm bộ ngây thơ nữa hả Sương! Chớ hồi ban
sáng này tao đã nói với mầy cái gì? Chuyện ba tao sẽ
về chiều nay mầy nhớ không?

Sương giẫy nẫy:

- Hứ, tao tưởng chuyện gì quan trọng chớ chuyện bác trai
đi lên Lộ Ngang về thì có gì đâu mà mầy làm dữ vậy.
Mầy làm như ổng đi Tây không bằng.

Con nhỏ Sương nói cũng đúng! Nhưng mà nó đâu có hiểu
được tâm trạng tôi lúc đó! Vì trong một dịp về Phú
An Hòa thăm Ngoại trước đây, cậu Mười tôi có nói qua
chuyện Lộ Ngang, chuyện đời xửa, đời xưa... liêu trai
chí dị. Sự hiếu kỳ của trẻ con lúc nào cũng sẵn có,
như tôi đây chẳng hạn. Sau khi lên khỏi đò, đi bộ dọc
theo đường làng một hồi lâu tôi chẳng thèm nói với con
nhỏ Sương một lời. Sự im lặng này đã làm cho nó khó
chịu, bèn lên tiếng:

- Mầy giận tao hả Lựu? Mấy điều tao nói vừa rồi chỉ
để chọc mầy cho vui vậy thôi chớ có gì đâu mà mầy
giận! Mà nếu tao làm mầy buồn thì cho tao xin lỗi nghen,
chịu chưa?

Tôi bật cười, đáp lại:

- Tao có giận gì mầy đâu! Chẳng qua tao nhớ một chuyện
lạ ghê lắm mà tao muốn nói cho mầy nghe. Mà thôi, để
ngày mai hẵng hay, vì chuyện đó có vẻ trùng hợp với
chuyến đi của ba tao trong ngày hôm nay. Rất ly kỳ và rùng
rợn, mầy ơi!

Mới sơ sơ mấy lời, Sương đã lấy làm thích thú và hối
thúc tôi phải kể liền cho nó nghe. Nhưng tôi làm bộ không
để ý tới mấy lời hối thúc đó mà bắt sang chuyện khác
hỏi lại Sương:

- À, mầy có nghe thím bảy đầu xóm trên hay hát đưa con như
thế nào không Sương?

- Ối, ai mà để ý đến mấy chuyện lẩm cẩm đó!

- Giỡn hoài! Bả hay hát: "Ví dầu, ví dẩu, ví dâu; ví
qua, ví lại, ví trâu vô chuồng."

- Trời đất, câu đó tao nghe hát hà rầm, có gì lạ đâu
mà mầy hỏi?

- Không phải vậy! Chỉ có thím bảy hát câu đó tao mới nghe
nó buồn buồn làm sao á! Nhứt là lúc trời sắp tối như
vầy!

Một ngày ở miền quê trôi qua sao mà thiệt mau. Những tia
nắng chói chang mới đó đã trở nên vàng vọt yếu ớt, còn
lập lòe sót lại trên cành cây ngọn cỏ và hàng dừa xanh rũ
bóng nghiêng nghiêng. Thỉnh thoảng có một cơn gió nhẹ thổi
qua, phảng phất hương quê ruộng vườn đó đây. Không khí
thiệt trong lành, tôi hít một hơi dài, lâng lâng sảng khoái.
Lũ trẻ con trong xóm đang thi nhau đùa giỡn, vui vẻ trầm mình
dưới lòng nước mát của con rạch bên đường. Cảnh chiều
quê thiệt là êm đềm, thanh thản.

Gần tới ngã rẽ vào nhà tôi, Sương dừng lại nói:

- Thôi tao về, sáng mai tao với mầy đi học sớm hơn một
chút nghen Lựu! Tao muốn nghe mầy kể chuyện về chuyến
đi của ba mầy!

- Ừa, về đi con quỷ! Ham nghe chuyện ma dữ ha!

Tôi lấy tay đẩy nhẹ lên cái nón lá của Sương, con nhỏ bất
cẩn bị chúi nhủi, quay mòng mòng mấy vòng mới gượng lại
được. Tôi chạy một hơi vào trong nhà với nỗi bực tức
của Sương. Tai tôi còn nghe tiếng càu nhàu:

- Ngày mai mầy sẽ biết tay tao nghen Lựu!

Vừa bước vô cửa sau, tôi gặp má đang lặt rau ngò và quế
chắc để nêm canh chua. Bà nhìn tôi, hỏi:

- Sao mà mặt mày con đỏ lơ đỏ lửng vậy? Chắc là chạy
giỡn với con Sương trên đường về nữa rồi phải không?

Tôi lặng thinh, cười mỉm rồi đi về phía sàn nước. Ðặt
cái gào-mên lên giàn phơi chén xong, tôi đi một mạch lên nhà
trên. Sau khi để tập vở ở trên ngăn tủ, tôi trở vô phòng
thay đồ. Rồi mới chạy đi rửa mặt, rửa tay sạch sẽ để
còn xuống nhà bếp phụ dọn cơm với má tôi. Chị hai của tôi
đã đi học ở tỉnh, giờ tôi là đứa lớn nhứt. Mọi việc
lặt vặt trong nhà tôi phải lo. Mấy đứa em tôi hãy còn nhỏ,
ba má chưa nhờ cậy gì được. Không thấy ba tôi đâu cả,
tôi hỏi má:

- Ba về chưa hả má? Con không thấy ổng ở đâu hết?

- Ba mầy với thằng Be về rồi! Chắc ổng với nó đang lo
thả mấy con trâu ra ăn rơm. Suốt ngày nay bị cột ở một
chỗ chắc là giò cẳng rũ riệt hết rồi!

- Tối nay mình ăn cơm với gì vậy má?

- Canh chua tép nấu với lá me và bông sua đũa tím. Cá lóc
muối sả ớt chiên. Với lại đậu đũa xào với thịt ba rọi.

Bông sua đũa tím? Tôi rất đổi ngạc nhiên vì từ hồi nào
tới giờ tôi chỉ thấy có bông sua đũa trắng! Má tôi hối:

- Tối rồi, lên đốt đèn nhà trên đi con! Nhớ thắp nhang
các bàn thờ cho má. Hồi chiều ba con về có mang mấy trái
đu đủ tím Ðà Lạt của chú Năm Bổn gởi cho, má đã rửa
sạch cúng trên bàn thờ ông bà. Chú còn gởi thêm một giỏ
lớn bông sua đũa tím cho má nữa đây. Tao nấu canh chua một
mớ, còn một mớ để dành ngày may luộc chấm với cá bống
kho tiêu.

Sau khi làm xong mấy việc má đã dặn, tôi bèn trở xuống
bếp và đi thẳng ngay bộ vạt, nơi có rổ bông sua đũa còn
dư. Tôi mân mê lấy từng cái từng cái bông màu hoa cà
tím lợt thiệt đẹp. Trông rất lạ mắt, trên đầu bông
sua đũa có cái cuống màu xanh lá cây, phần còn lại chỉ
có một màu tim tím xinh xinh. Những cái bông ấy đã cuốn
hút cặp mắt tôi một cách thú vị làm tôi không còn để
ý gì tới việc mình phải làm phụ với má. Chợt má tôi
nói vọng lại:

- Chuyện má biểu con làm đã xong chưa? Nếu rồi thì con
lo xếp chén đũa lên bàn đi, đặng má múc đồ ăn đem
lên sau. Sẵn đây nghe má dặn thêm công việc ngày mai
luôn thể! Ngày mai là ngày thứ bảy, con đi học chỉ có
nửa buổi và nhớ lúc trưa phải chạy về nhà thiệt sớm
đặng đi rọc cho má một mớ lá chuối hột. Ngày mốt má
sẽ gói vài đòn bánh tét với lại bánh ú cho ba con mang theo
lên Lộ Ngang ăn trở bữa. Ba con định ngày 22 hay 23, đợi
cho nước thiệt kém thì khởi hành. Có như vậy trâu mới
dễ dàng lội qua sông mà không bị đuối sức.

- Con nhớ rồi, má đừng lo! Con sẽ rủ con Sương phụ với
con một tay cho lẹ.

Một hồi lâu ba tôi với thằng Be về tới. Tiếng chân
trâu nghe mỗi lúc một gần thêm. Trong giây lát, ba tôi
với thằng Be bước vô nhà. Tôi mừng rỡ, vui vẻ lên
tiếng trước:

- Bữa nay ba đi lên đó công việc có xong không hả ba? Má
với con trông hoài không biết ba có gặp chuyện gì trắc
trở hay không!

Ba tôi nói với sự hài lòng:

- Bữa nay hên lắm! Chuyện gì cũng may mắn, tốt đẹp
cả. Chú Năm Bổn đã hứa cho ba gởi nhờ mấy con trâu
của mình, tá túc ở chuồng trâu của chú. Chú Năm bây
tiếp đãi thiệt là tử tế, thành thực. Khó kiếm được
người tốt như vậy. Ba với chú uống nước trà, ăn
kẹo đậu phọng, nói chuyện suốt buổi trưa, nói hoài
không hết chuyện. Chú kể lại lai lịch và tại sao chú
phải dời nhà ra sát mé đồng để làm ruộng sanh sống.
Chuyện dài lắm để ba đi tắm rửa sạch sẽ cái đã,
rồi khi ăn cơm xong ba sẽ kể tiếp cho nghe...

Kế, ba tôi quay sang thằng Be:

- Nè Be, mầy cũng lo đi tắm đi chớ? Ra ngoài trước
cái đìa kia mà làm một dác cho mát mẻ! Cả buổi trưa
này mầy hết leo lên mấy cây sua đũa để hái bông thì
lại đi theo lũ chăn trâu trên đó hớt cá lia thia tàu,
rồi hết màn lia thia tàu thì lại chơi đánh trỏng... tao
coi bộ mầy nhập bọn với đám đó cũng mau! Thôi đi
tắm lẹ lẹ lên, đặng còn ăn cơm nữa chớ mậy...

Bữa cơm chiều ngày đó thật ngon miệng vì có món canh
chua bông sua đũa. Vả lại ai nấy đều đang đói bụng,
cho nên không mấy chốc... có người buông đũa. Ðối
với gia đình tôi, thời gian sau bữa cơm tối rất quan
trọng. Mọi chuyện xảy ra trong ngày ba tôi thường hay để
dành đến lúc sum vầy, yên ấm này mới bàn thảo với
gia đình. Vì vậy, sau khi má tôi dọn thức ăn thừa
xuống nhà bếp, ba tôi vừa uống trà vừa từ tốn kể
chuyện:

- Các con biết hôn, con đường lộ đá từ bến đò An
Hóa trở lên ngã tư Trúc Giang hai bên toàn là ruộng, mênh
mông cò bay thẳng cánh. Ði hết dãy ruộng đó thì mới
tới vườn dừa, bao la ngút ngàn, trùng trùng điệp điệp.
Dọc theo phía bên phải từ xã Giao Hòa, Giao Long, Lộ Mộ
Ðiệu, đến Phú Thành, Quới Sơn Tây và đụng ngã tư
Trúc Giang ném về xã Tân Thạch. Vùng đất này hơi cao
cho nên người ta gọi là ruộng gò, dân ở đây làm mùa
cũng có phần vất vả và cực nhọc. Nếu vào những năm
nắng hạn, họ phải dẫn thủy nhập điền mới có đủ nước
cung cấp cho lúa tốt tươi. Rồi đến phía bên trái cũng
vậy, bắt đầu từ bến bắc Cột Dây Thép đi ngược
lên phía Lộ Thầy Cai, Lộ Ông Hổ, Lộ Song Phước, Lộ
Ngang, rồi đến Phú An Hòa tức là giáp mí với ngã tư
Trúc Giang. Những vùng đất bên trái này có chỗ thấp
xuống như hai nơi Song Phước và Lộ Ngang, nên ở đây
người ta gọi là ruộng trũng. Hai chỗ này đôi khi dân
làm ruộng phải dùng lúa xạ. Kể cũng rất trở ngại vì
nước ngập quanh năm. Lâu ngày chầy tháng ruộng trở
thành "bưng hay đầm," lác hoặc cỏ ống mọc quá nhiều.
Chính vì vậy mà có nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang. Trong
đó có những hào lãng bông súng, bông sen mọc chi chít với
nhau, xen lẫn với rau mác, rau dừa, lá hẹ, bông điên điển.
Thỉnh thoảng có những đàn cò trắng bay lượn bắt cá,
bắt tôm hoặc buồn tình đậu trên lưng trâu đang ung
dung nhai cỏ. Hình ảnh quê hương mình thật yên ấm, hữu
tình có phải vậy không mấy đứa bây, má mầy?

Ðang vui vẻ thì bỗng nhiên giọng ba tôi lại trầm buồn:

- Tiện đây có một chuyện mà ba muốn chia sẻ với gia
đình. Trong ngày hôm nay chú Năm Bổn đã tâm sự cùng ba
về cuộc đời của chú. Vì sao mà chú phải dời nhà ra
gần ruộng để ở. Chuyện đó như vầy... Khi chú còn
trai trẻ thì đất nước mình đang bị người Pháp cai trị.
Trong lúc loạn lạc chú bị bắt đi lính viễn chinh cho Tây
một thời gian. Trông người chú rất lực lưỡng, khỏe
mạnh, cho nên ít ai dám đụng tới hay gây chuyện đến gia
đình chú. Tuy nhiên, sau đó khi đất nước yên bình trở
lại, chú muốn trở về quê cũ cất nhà sinh sống với
vợ con trên phần đất hương hỏa của ông bà để lại.
Ngôi nhà này cách xa với cái nhà hiện chú ở khoảng
3 cây số, cũng ở Lộ Ngang nhưng sâu tận trong vườn.
Theo như ba đã hiểu và nghe bạn bè kể lại trong lúc chánh
quyền Pháp đô hộ, dân Việt ta đã trải qua những ngày
sống trong kinh hoàng sợ hãi. Họ tàn nhẫn và hung hăng
giết chóc không gớm tay. Biết bao nhiêu người dân vô
tội bị chúng bắt được khi đi ruồng bố là chúng đem
chặt đầu hay bắn bỏ tại Lộ Ngang ngay. Khi con người
chưa tới căn phần mà bị chết tức tưởi như vậy,
linh hồn của họ khó mà siêu thoát. Ba còn nhớ lúc anh
hai Xe Ngựa chạy xe từ con đường An Hóa đi Rạch Miễu,
một đôi lần ảnh có nói, vào lúc chạng vạng tối của
chuyến xe cuối cùng trong ngày, ảnh đã gặp một thiếu
nữ rất xinh đẹp ra đứng đón xe. Ảnh phải ngừng lại
rước. Xe chạy độ một khoảng đường thì anh quay lưng
lại xem chừng thì không thấy thiếu nữ đó trên xe nữa.
Nếu như người nào có máu dê, tỏ mòi trêu ghẹo thì chắc
sẽ bị cô ấy hốt hồn ngay...

Nghe đến đây tôi bắt đầu ơn ớn, lén rút hai cái chân
gác lên mặt ghế đẫu. Thằng Be hình như hiểu được cử
chỉ yếu bóng vía của tôi, nó liền làm bộ tằng hắn rồi
nhìn tôi cười tủm tỉm. Mặc dù sợ ma nhưng vẫn thích nghe
chuyện ma. Từ nãy giờ má tôi vẫn im lặng, nhưng đột
nhiên bà lại lên tiếng:

- Ba mầy nói tiếp chuyện chú Năm Bổn đi chớ? Tao muốn
biết coi vì sao mà chú lại dọn nhà đi chỗ khác.

Ba tôi tiếp:

- Sau khi chú về sanh sống tại đó, một nơi hẻo lánh xa xôi
không được bao lâu thì chuyện chẳng may lại xảy ra cho gia
đình chú. Một hôm chú đi đổ nò cách nhà chừng vài
trăm thước. Cái nò của chú nằm gần ngọn con rạch. Công
việc làm ra cái nò là cả một nghệ thuật của người dân
quê để chận cá, bắt tôm trong mương rạch. Muốn có cái
nò, người ta phải dùng tre chẻ ra từng miếng, vuốt tròn lại
như chiếc đũa dài, độ một thước rưỡi hơn. Sau đó dùng
dây lạc dừa hoặc dây kẽm bện lại thành một cái bầu hình
tròn, một đầu tóp lại và một đầu có chừa cái hom dài
độ một gang tay. Với cái hom nầy, cá tép vô được mà ra
không được. Hai bên bờ rạch được dùng cây trúc hay cây
tre chẻ ra cũng bện lại thành tấm vạt, rồi căng ra từ bờ
rạch cho tới giáp mí nò. Ở đó họ đặt hai cái trụ làm
bằng thân cây cau cắt ra. Công việc quan trọng là chờ mỗi
khi nước lớn chảy vào mương rạch, thì phải giở nò lên cho
cá tôm tự do ra vào. Ðợi đến khi nước đứng mới hạ nò
xuống...

Tới đây ba tôi ngưng lại mấy giây để châm thêm nước
sôi vào bình trà lớn, rồi ông rót ra cái tách nhỏ đưa lên
miệng uống ực một cái ngon lành. Ðoạn ông kể tiếp:

- Như thường lệ chú đi đổ nò vào buổi trưa, nhưng bữa
nay con nước lùi lại cho tới khuya mới cạn. Vì vậy chú
phải chờ vào nửa đêm. Trong lúc vợ con chú an giấc thì
chú lo lấy mấy món đồ cần dùng mang theo để đi ra đổ
nò. Chẳng hạn như đèn khí đá, cái rổ xúc, cái đục,
con dao mác lưỡi dài và nhọn, cán chừng 2 gang tay hơn. Cái
rổ xúc lớn dùng để đổ cá, tép vô đó trước, rồi sau
đó mới trút vô cái đục, đậy nắp lại. Chú đang lững
thững đi cũng gần tới chỗ đổ nò, ngang qua mấy lùm
chuối Xiêm, bỗng dưng từ đâu đó có luồng gió lạnh
thổi qua. Tưởng như trời sắp giông mưa tới nơi, chú
hối hả chạy xuống rạch để làm xong công việc, đặng
có mà về sớm trước khi trời rớt hột. Ðang lom khom
nhắc cái nò lên, thì ngọn đèn máng bên cành cây quau...
"phụt" một cái tắt ngủm. Chú lật đật mò vào túi áo
tìm cái hộp quẹt để quẹt lửa đốt lại cái đèn, nhưng
không ngờ từ phía đàng sau lưng chú, hình như có bóng
người nào đó xô chú thật mạnh. Chú bị văng tuốt luốt
qua bên kia bờ rạch, nghĩ thầm chắc có ăn trộm đánh
lén chú để giựt cá tép gì đây! Chú lấy lại bình
tỉnh, chủi thề: "Ðồ cái thứ chó đẻ tụi bây! Quân
nào ngon ra đây tao đánh chết cha nó cho coi! " Chú lồm
cồm đứng dậy rồi quay lưng lại tìm chỗ trống để
lội qua bên kia bờ. Cái hộp quẹt lúc nãy đã lọt đâu
mất tiêu dưới bùn, chú tìm hoài không thấy. Khi chú
trở lại làm công việc như cũ thì bị bồi tiếp thêm
một chập nữa. Cái gì kỳ cục vậy? Chú lại tìm đường
lội qua rạch! Cuối cùng rồi chú cũng đổ được cái
nò, trút cá tép vô cái đục, hối hả đi mau về nhà.
Cũng trên con đường mòn quen thuộc trong vườn đó, nhưng
khi đi gần tới mấy cái lùm chuối hồi nãy, tự nhiên
tiếng gió lại rít lên từng cơn nghe rợn người. Thật
lạ lùng chưa! Chú thầm nghĩ trong bụng: "Nơi đây không
một bóng người qua lại, còn trên trời vẫn trong sáng
ánh sao vì đêm này không có ánh trăng, nhưng tại sao chỉ
có chỗ này lại biến đổi?" Rồi từ đâu một đóm
lửa to lớn xuất hiện từ khóm cây gần đó, chầm chậm
bay gần đến chỗ chú đang đứng. Chú lập tức định
thần và bắt dấu ấn, ngón tay cái chụm đầu vào ngón
út. Thoạt đầu chỉ có đóm lửa thôi, nhưng sau đó liền
hóa ra một khuôn mặt xanh lè, lớn bằng cái sàng, có nanh
có gút trông thật quái dị khác thường. Rồi thình lình
có tiếng động ở phía sau vườn, tàu dừa khô rụng xuống
đánh "soạt" một cái ngã ngang lên đám bông bụp...

Tôi giựt mình hốt hoảng, chụp lấy vai má tôi la lên:

- Ới... ới, ghê quá.

Bà nghiêng người sắp văng khỏi ghế, nhưng gượng lại
được, lấy tay đẩy tôi về vị trí cũ, mắng yêu:

- Mắc chứng ôn gì mà mầy làm kỳ quá vậy hả Lựu? Ðể
yên cho ba mầy kể hết chuyện coi nè.

Tôi lặng thinh ngồi xếp gie, không dám cục cựa. Ngoài
thềm ba, hai con Mực và Vện đang nằm nhóc mỏ, vễnh lỗ
tai lên. Hình như chúng cũng chực sủa... ma, xua đuổi
những oan hồn còn lảng vảng đâu đây. Nãy giờ thằng Be
cũng yên lặng, tịnh khẩu như tôi, nhưng bỗng dưng nó bật
cười lên... "há, há, há..." làm tôi phát tức. Ðã vậy,
nó còn chêm thêm mấy lời:

- Chị Lựu coi bộ nhát gan quá vậy, rồi lát nữa làm sao
chị đi rửa chén ở đàng sau sàn nước đây chớ?

Tôi lườm nó một cái và nói đưa đẩy:

- Ðừng có làm tàng! Một chút nữa mầy còn phải lội
bộ về chuồng trâu nghe em! Cái mặt đang sợ quíu đít kia
mà không biết lo thân phận.

Be cười tiếp thêm một tràng nữa, đáp lại:

- Chị khỏi lo, quỷ tôi còn không ngán thì đừng nói chi tới
ba cái vụ ma cỏ lẻ tẻ đó! Ăn thua gì!

Ba tôi vội ngắt ngang lời qua tiếng lại của hai đứa tụi
tôi. Ông quẹt hột quẹt để mồi thêm điếu thuốc nữa và
ra vẻ đăm chiêu. Tằng hắn hai tiếng lấy giọng, ông nói
tiếp:

- Trong lúc đó sẵn có cái mác vót trên tay, chú đưa lên
chém lia lịa vào cái mặt ghê rợn ấy. Nhưng chẳng may cho
những tàu lá chuối quanh đó, vô tình bị chém đứt ngang,
bay lả tả và rớt ngổn ngang xuống đất. Bất chợt, chú
sực nhớ đến vợ con đang ở nhà có một mình, chú liền
nhanh chân chạy một hơi về đến trước hiên. Dưới ánh
đèn leo lét, chú đưa mắt nhìn vô bộ ván gõ thấy vợ
chú đang bồng đứa con trai hai tuổi, than khóc thảm thương.
Trời đất, hình như con chú đã tắt thở từ lúc nào
rồi. Chú bỏ đục, rổ, dao... mọi thứ dựa vào vách,
bước vội vô nhà lại gần đỡ lấy đứa con trên tay
vợ, nước mắt ràn rụa tuôn trào. Vợ chú nhìn chú,
nức nở: "Phải chi có anh ở nhà thì chắc thằng nhỏ
không ra nông nỗi nầy! Nó đang ngủ say sưa, bỗng nhiên
giựt mình thức dậy, kêu khóc thất thanh mấy bận, rồi
mình mẩy nóng ran, mồ hôi đổ ra như tắm. Một chặp
nữa thì hai con mắt lờ đờ, tay chưn dịu nhiễu rồi
nằm im luôn. Không biết trời trăng gì hết, bây giờ
biết phải tính làm sao đây hả ba thằng Tiếu?"

Tới đây má tôi cũng mủi lòng, sụt sùi, hít hít:

- Vậy rồi chú thím nó giải quyết công chuyện đó như
thế nào hả ông?

- Thì sau khi chôn cất đứa con xong, vợ chồng chú liền
quyết định giở bỏ căn nhà đó. Dời ra gần ruộng để
sanh sống với nghề nông, bỏ nghiệp làm vườn trong thôn
sâu. Ở ngoài ruộng chòm xóm có phần gần gũi nhau hơn,
lỡ có bề gì chạy tới chạy lui cũng tiện. Vả lại chú
muốn thay đổi cuộc sống để quên đi hình ảnh đứa
con mà hai vợ chồng chú hằng thương xót, khổ đau, nuôi
nấng. Nhưng có một vật mà chú muốn gìn giữ lại, tuy
rằng nó không đáng giá là bao, nhưng chú thiết tưởng
đến công lao của cha mẹ mình đã ra công tìm kiếm và
gầy giống bên ngôi nhà cũ. Ðó chính là giống "bông
sua đũa tím" mà má mầy nấu nồi canh chua hồi chiều
nầy. Hiện nay chú đang chiết con và trồng được rất
nhiều ở xung quanh nhà mới... Sự việc này làm ba hết
sức ngạc nhiên, và ba có hỏi chú tại sao chú thích làm
như vậy thì chú đã cho biết một điều. Ðó là nỗi
tiếc thương khó quên của chú đối với gia đình, vì không
những con của chú mà luôn cả cha mẹ yêu quí của chú đều
đã chết tức tưởi trong đêm khuya tăm tối như vậy trong
mảnh vườn kia. Cứ mỗi độ thu về nhìn loài hoa sua đũa
tím nở rộ, chúng như đã thầm nhắc cho chú những kỷ
niệm ngậm ngùi xa xưa ấy mà chú không bao giờ quên. Màu
tím ấy như đã đem lại cho chú tất cả các hình ảnh mẹ
cha, con cái thân thương...

Sau câu chuyện đó, ba tôi kết luận với vẻ quả quyết:

- Nhiều khi con người ta cũng đừng khư khư, coi thường
sức mạnh cõi vô hình mà chuốc lấy những thất bại ê
chề. Có khi đi đến chỗ nguy hiểm đến tính mạng, ân
hận suốt đời nữa.

Má tôi nhìn ba trong sự đồng ý, cảm thông nhưng bà bỗng
lên tiếng cắt đứt câu chuyện:

- Con Lựu đứng dậy đi ra đàng sau sàn nước rửa chén
đi. Nhớ thăm chừng mấy cái khạp nước coi có cái nào
cạn không, châm đầy cho má! Làm lẹ lẹ lên đặng rồi
còn đi tắm rửa, lo bài vở cho ngày mai nữa. Nhớ nghen,
ban đêm ban hôm con gái không nên ngồi lâu dựa mé mương à!

Kế đến, ba tôi cũng không quên nhắc chừng thằng Be:

- Be nè, lát nữa trở về chòi nhớ un muỗi cho mấy con
trâu nghen mậy! Ðừng ham đánh bài cào với đám bạn của
mầy mà quên lời tao dặn à nha!

Tôi lặng lẽ bước ra ngoài. Bóng đêm đã dầy đặc, giơ
bàn tay lên cũng không thấy. Trong tâm tư tôi lại miên man
nghĩ đến chuyện vừa qua. Có lẽ con người ta từ lúc
sinh ra đã phải nhận lấy những nỗi khổ đau, cay đắng
cho đến lúc chết, tôi nhủ thầm! Vậy mà không ai có thể
vượt qua được những điều lệ đó. Chúng ta đã hiểu
gì, biết gì về cái tận cùng thâm sâu, huyền bí của bóng
đêm? Cũng như cái huyền bí của màu hoa tím, của loài bông
sua đũa mà tôi mới nghe qua lần đầu. Màu tím đó như đã
chôn chặt một nỗi sầu bi, chồng chất bên lòng. Màu tím
đó đẹp quyến rũ, nhưng lạnh lùng xa vắng của một thế
giới bên kia. Lòng tin của con người có hay không, đôi lúc
lại ứng nghiệm và ảnh hưởng mạnh đến đời sống hiện
tại... Từ đâu đó một luồng gió lạnh thổi đến làm tôi
chợt rùng mình. Nhưng tôi bỗng dưng cương quyết nhìn thẳng
vào bóng đêm huyền bí, đi lần về phía nhà tắm.

Ngày mai, tôi có chuyện để kể cho con Sương nghe rồi, không
phải chuyện đời xửa đời xưa mà là chuyện rất gần với
hiện tại, chuyện... bông sua đũa tím!
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.