Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Minh Trang
Phượng Các
#1 Posted : Wednesday, August 3, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Chiều Nhạc Dương Thiệu Tước, Mừng Sinh Nhật Minh Trang

Westminster, CA -- Nguồn tin từ ban tổ chức chương trình "Chiều Nhạc Dương Thiệu Tước / Mừng sinh nhật 85 nữ danh ca Minh Trang" cho hay: Ngoài những ca sĩ nổi tiếng chính thức nhận lời đóng góp trong chương trình, như: Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao, Xuân Thu, Nguyên Khang, Phạm Hà, ban nhạc Star Band;... gần đây, đã có thêm một số ca sĩ tên tuổi khác cho biết sẽ đến với chương trình, góp lời chúc thọ đặc biệt dành cho ca sĩ Minh Trang.
Trong số này, có ít nhất hai ca sĩ trẻ, đang được yêu thích; yêu cầu không phổ biến tên tuổi hầu dành sự bất ngờ cho khán giả. Riêng nhạc sĩ Sỹ Dự, vì công việc, không thể tham dự, nhưng cũng đã gửi dương cầm thủ Lê Từ Phong của ban nhạc SyDu's Brothers đến với buổi sinh họat.
Mặt khác, nhà báo Hoàng Sỹ cũng cho biết, nhiều khán giả đã ngỏ ý sẽ đặt câu hỏi cho ca sĩ Minh Trang, về những năm tháng đầu đời ca hát của bà; và cảm nghĩ của bà về những nhạc sĩ tiền chiến như Đoàn Chuẩn, Từ Linh, như Nguyễn Văn Tý, Hoàng Trọng...mà bà đã gặp trong chuyến viếng thăm Hà Nội lần đầu tiên, cách đây gần nửa thế kỷ.
MC Hồng Vân thì cho hay, cô nhận được 2 điện thoại của 2 thân hữu chgo biết, họ muốn hỏi ca sĩ Minh Trang về cuộc tình của bà và cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Đại diện ban tổ chức, nhà thơ Bùi Vĩnh Hưng xác nhận, sẽ không có một lãnh vực nào bị giới hạn, trong phần "trò chuyện thân mật" giữa ca sĩ Minh Trang và khán giả vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 7 tháng 8 tới đây, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.
Tuy nhiên, vì số chỗ giới hạn, ban tổ chức trân trọng kêu gọi quý tân khách vui lòng đến sớm để có chỗ ngồi như ý. Và, chương trình sẽ được khai mạc đúng giờ.
Tưởng cũng nên nhắc lại, chương trình "Chiều nhạc Dương Thiệu Tước - Mừng sinh nhật 85 nữ danh ca Minh Trang" do hội Vysca tổ chức, với phần bảo trợ thiết thực, cụ thể của Nhóm Thân Hữu Văn Nghệ Sĩ Nam Cali và, nhật báo Người Việt.
Cần thêm chi tiết, xin vui lòng gọi cho: Ngọc Hoài Phương (714) 906-3696; Hoàng Sỹ (714) 493-9417; CNN (714) 448-9692.
PC
#2 Posted : Monday, July 6, 2009 3:15:28 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)

Danh ca Minh Trang, định mệnh và, những vòng nguyệt quế

Du Tử Lê


Khi những dàn đèn đã ở độ cao thích hợp nhất; khi ánh sáng đã được “cân đo” bằng máy; một lần nữa, trước khi hô khẽ “action,” người trẻ tuổi cất tiếng hỏi, lần chót, nhân vật trung tâm của những thước phim, chuyện “make-up.” Một lần nữa, người phụ nữ ngồi trên chiếc đôn mầu huyết dụ, dứt khoát:

“Không cần đâu. Bởi vì chẳng có cái đẹp nào, hơn được cái đẹp tự nhiên...”

Người trẻ tuổi đó, là Hân Nguyễn, “chủ nhân” của nhiều thước phim tư liệu quý giá về cuộc đời khá nhiều văn nghệ sĩ.

Người phụ nữ, trung tâm hay, linh hồn của bộ phim kia, là nữ danh ca Minh Trang.

Tên thật Nguyễn Thị Ngọc Trâm, nữ ca sĩ Minh Trang là cháu ngoại của Công Chúa Mỹ Lương (tục gọi Bà Chúa Nhất,) em ruột với Vua Thành Thái. Ngày 18 Tháng Tám tới đây, bà bước vào tuổi 90 (mà,) sự minh mẫn, sáng suốt của bà, khiến cho những người sắp bước vào tuổi 70 như tôi, phải mơ ước.

Nhưng điều đáng nói hơn, theo tôi, là định mệnh hay phần số, đã rất ư hào phóng, khi chọn bà, làm người nhận, cùng lúc, hai vòng nguyệt quế nghệ thuật, mang tính tiên phong, lịch sử. Ðó là:

- Minh Trang, giọng nữ, mở đường, thành danh, của dòng tân nhạc Việt, qua đài phát thanh Pháp Á, Saigòn, 1948.

- Minh Trang, người bạn đời của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ông (cũng là) một trong những nhạc sĩ tài hoa rất mực, đặt nền móng cho nền tân nhạc Việt, thời phôi thai. Những ca khúc bất tử của ông, cũng được định mệnh (gần như,) gắn liền hai tên tuổi Minh Trang-Dương Thiệu Tước. Thành một.

Chặng đường nghệ thuật trên nửa thế kỷ, đã lùi xa. Nhưng những thành tựu xây dựng trên những gian nan, dò dẫm, gập ghềnh, hôm nay, người ta vẫn có thể kể, một cách dễ dàng, những ngọc-khúc vượt, thoát trên lãng quên, của Dương Thiệu Tước. Như, Ngọc Lan; Bóng Chiều Xưa; Tiếng Xưa; Ðêm Tàn Bến Ngự; Chiều (phổ thơ Hồ Dzếnh;) Ơn nghĩa sinh thành; Thuyền mơ; Bến xuân xanh v.v... (1)

Bên cạnh đó, một câu hỏi được đặt ra, cho nữ ca sĩ Minh Trang là: Với thân thế thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc như vậy, cách nào, người cháu ngoại của Bà Chúa Nhất, có thể “vượt tường lửa” thành kiến, để trở thành ca sĩ, ngay giai đoạn tân nhạc Việt Nam vừa mới dậy thì?

Từ căn phòng trên tầng hai, khu chung cư dành cho những người lớn tuổi, đường Ross, thành phố Santa Ana, ở miền Nam California, người bạn đời của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cho biết, tới giờ, bà cũng không biết âm nhạc đã chọn bà hay, bà đã chọn âm nhạc, như định mệnh đầu tiên của đời mình. Chỉ nhớ, ở những năm trung học, tại các trường Ðồng Khánh, rồi Quốc Học, Huế, bà đã cất tiếng hát, như một tặng phẩm trời, đất ban cho, trong những buổi sinh hoạt, lễ lạc của trường...

Ở thập niên 1930, những ca khúc mà nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Trâm làm ngây ngất thầy, cô, bạn học, dĩ nhiên là những bản nhạc Pháp - Thời điểm đó, chưa một ca khúc nào của dòng nhạc sau này, chúng ta gọi là “Nhạc tiền chiến” đến được với đám đông.

Năm 1942, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, người con gái của tổng đốc Bình Ðịnh, rồi Thanh Hóa, Nguyễn Hy (trước khi trở thành Thượng thư Bộ Hình,) kết hôn với giáo sư Ưng Quả - Nổi tiếng đất Thần kinh. Bà có với ông, hai người con. Người thứ nhất, Bửu Minh. Người thứ hai, Công Tằng Tôn Nữ Ðoan Trang. (2)

Năm 1948, bà đem hai con vào Saigòn, ứng thí và, trúng tuyển vai trò xướng ngôn viên Pháp ngữ của đài phát thanh Pháp Á.

Bà kể, công việc của bà là dịch những bản tin tiếng Pháp, sang tiếng Việt rồi, tự mình trình bày bản tin đó, trên làn sóng. Trong lúc dịch tin, thỉnh thoảng bà “nghêu ngao” một vài ca khúc Việt Nam, đang được ưa chuộng khi ấy, như “Tiếng Xưa” và, “Ðêm Tàn Bến Ngự” của Dương Thiệu Tước; “Giọt Mưa Thu” và “Con Thuyền Không Bến” của Ðặng Thế Phong... (3)

“Không ngờ sự nghêu ngao, hát vớ vẩn của tôi, được ông Hoàng Cao Tăng, Chủ sự phòng Văn Nghệ chú ý. Một hôm, ông ấy hỏi tôi, sao không thử hát cho đài? Tôi nói, tôi chỉ hát chơi thôi. Có biết gì nhiều đâu mà hát! Ông bảo, thì cứ thử. Một bài thôi cũng được. Nghe lời ông Tăng, tôi hát...”

Bài đầu tiên nữ danh ca Minh Trang chọn, gửi tới thính giả đài Pháp Á, là ca khúc “Giọt Mưa Thu” của Ðặng Thế Phong. (4)

Như con ngài, tới giờ thoát thai, hóa bướm, tiếng hát và, tên tuổi Minh Trang, một sớm, một chiều thành hiện tượng: Cơn bão lớn thổi ngược chiều đất nước.

Lập tức, dư luận hình thành thế đứng “chân vạc,” cân bằng ba miền: Minh Ðỗ (miền Bắc;) Minh Diệu (miền Trung;) và, Minh Trang (miền Nam.)

“Tam Minh” này, nghiễm nhiên trở thành “Tam công nương” của dòng tân nhạc Việt.

Cũng vì định mệnh đã nhậm lẹ, chọn người con gái cháu Bà Chúa Nhất, để trao vòng nguyệt quế thứ nhất kia, lại càng khiến nhiều người cất tiếng: “Minh Trang là ai?”

Ngay những “hoàng tử” của nền tân nhạc Việt Nam thời đó, (tập trung nhiều nhất ở đất Hà Thành,) như Ðoàn Chuẩn, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Thiện Tơ... cũng xao xác hỏi nhau: “Ai là Minh Trang?”

Câu hỏi liên quan tới một tiếng hát, một người nữ, đã mang tính lây, lan mạnh mẽ của nhiều khát khao nhận diện cháy bỏng. Nó truyền nhiễm tới Thủ Hiến Bắc Việt, Nguyễn Hữu Trí. (5) Nó buộc ông Thủ Hiến phải dùng công văn chính thức, mời nữ ca sĩ Minh Trang, ra Hà Nội, trình diễn cho Hội Chợ Ðấu Xảo tổ chức mỗi năm một lần, tại Hà Nội. Một sinh hoạt mà, tầm cỡ của nó, vượt khỏi lằn ranh Bắc phần. Thành hội hoa đăng, tỏa sáng khắp Ðông Dương.

Tại Hội Chợ này, một lần nữa, “Công nương tân nhạc phương Nam,” lại cất tiếng:


“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi

Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi

Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu

Ai khóc ai than hờ!

(...)

Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây

Lòng lắng muôn bề không liếp che gió về

Ai nức nở thương đời chân buông mau

Dương thế bao la sầu...”


Tôi không biết, có phải tiếng hát, nhan sắc, ca từ... (hay tất cả những nhân tố này) đã khiến nhiều chúng anh hùng đất Thăng Long choáng váng? Những hảo hán với võ công âm nhạc thượng thừa, đã được ấn chứng, quên mình, bề gì, cũng là các trưởng môn chánh phái. Họ bỗng, hồn nhiên. Vụng dại? Họ bỗng, thanh niên. Mới lớn...? “Ồn ào” ra mắt “công nương tân nhạc phương Nam”.

Tôi không hiểu, có phải, vì biết công chúa tự tỉnh dậy trong cánh rừng tân nhạc, không do một hoàng tử nào lay động, nên nhiều “hoàng tử” Hà Thành, đã “hiển lộng võ công,” sáng tác những ca khúc mới? Quà tặng công nương? Hy vọng, được nàng “chấm đậu”?

Tôi cũng không biết, ca khúc “Tà áo văn quân” của Phạm Duy Nhượng, với những ca từ như:


“Ta gửi về người ôi mấy cung đàn Tư Mã xưa

Yêu đôi mắt huyền. Xinh như dáng thuyền

Ai nhẹ lay màn the thấp thoáng

Nàng nhẹ đôi gót hài. Dừng bên mái ngoài

Văng vẳng tiếng ai cười. Như mộng đời xa xôi...”


Ðược ông sáng tác thời gian nào? Có liên hệ gần, xa gì, tới sự xuất hiện của “nàng ‘Minh’ miền Nam” hay không?

Nhưng, hiển nhiên, bằng võ công im lặng. Từ xa. Thỉnh thoảng mới kín đáo gửi đi dăm ba nụ cười ngụ ý (như một thứ chưởng lực cực kỳ... âm nhu,) cuối cùng, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước được “công nương phương Nam” chấm đậu.

Ðúng sáu mươi năm sau, nơi quê người, ở tuổi chín mươi, bà kể:

“Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn lăng xăng. Líu lo. Rối rít... Ông ấy (nhạc sĩ Dương Thiệu Tước) im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu, mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ này khiến tôi càng thêm chú ý. Vì, trước khi gặp, tôi đã có dịp hát nhạc của ông ấy rồi mà. Tôi cũng mong có cơ hội được gặp người nổi tiếng như ông ấy chứ...”

Hạnh ngộ giữa đôi trai tài, gái sắc hay, vòng nguyệt quế thứ hai, đã được định mệnh trao tay, từ đó.

Bà nói, dù ưng lắm. Ưng lắm đấy, nhưng:

“Mình là phụ nữ, nhất là phụ nữ thời đó, mình vẫn phải giữ gìn. Mình không thể là người tỏ tình trước được...”

Người nữ danh ca thời đầu, của dòng tân nhạc Việt Nam nhấn mạnh.

Du Tử Lê

(Kỳ sau, tiếp)


Chú thích:

(1) Theo web-site “Nhạc tình Tuyển tập” thì, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, sinh ngày 15 Tháng Năm năm 1915 tại làng Vân Ðình, huyện Sơn Lãng, tỉnh Hà Ðông. Ông là cháu nội của ông Nghè Dương Khuê. Trong giai đoạn phôi thai của nền tân nhạc Việt, ông là người đưa ra sáng kiến viết nhạc kiểu “lời Tây theo điệu ta.” Một thời gian sau, ông mới chuyển qua viết “Nhạc Việt, lời Việt.” Những nhạc phẩm kể trên, của Dương Thiệu Tước, không liệt kê theo thứ tự thời gian sáng tác của tác giả.

(2) Minh-Trang là tên được ghép lại từ hai người con này, của bà. Sự việc ấy, vô tình đưa tới ghi nhận: Tên của cả 3 nữ danh ca đầu tiên trong dòng tân nhạc Việt, tiền bán thế kỷ thứ 20, đều bắt đầu bằng chữ “Minh.” Và, Công Tằng Tôn Nữ Ðoan Trang, chính là nữ ca sĩ Quỳnh Giao, sau này. Cô hiện là giáo sư âm nhạc tại quận hạt Orange County, Nam California.

(3) Ca khúc “Tiếng xưa” được tác giả sáng tác năm 1940, “Ðêm tàn Bến Ngự,” năm 1946. “Giọt mưa thu” được họ Ðặng sáng tác năm 1939; người viết lời là Bùi Công Kỳ. Ngoài hai ca khúc vừa kể, nhạc sĩ Ðặng Thế Phong còn có bài “Ðêm thu,” với những câu mở đầu như “vườn khuya trăng chiếu / hoa đứng im như mắc buồn / lòng ta xao xuyến / lắng nghe lời hoa / cánh hoa vương buồn trong gió / áng hương yêu nhẹ nhàng say, gió lay...” Cũng được lưu truyền tới ngày hôm nay. Theo tài liệu của trang mạng Ðặc Trưng, thì, nhạc sĩ Ðặng Thế Phong sinh năm 1918, tại Nam Ðịnh. Ông mất sớm, khi mới 24 tuổi, vì bệnh lao. Sáng tác ông để lại cho đời, rất ít. Nhưng bài nào cũng được nhiều thế hệ yêu thích.

(4) Ðể cụ thể lòng trân quý tiếng hát Minh Trang, đài phát thanh Pháp Á, Saigòn, đã trả tiền “casher” cho bà, ngay từ bài hát thứ nhất; không kể tiền lương phóng viên hàng tháng.

(5) Ðược biết, thời đó, người Pháp chia Việt Nam thành 3 phần. Trừ miền Nam họ cho hưởng quy chế “tự trị;” hai miền còn lại là Bắc và Trung, phải chịu quy chế “bảo hộ.” Cùng thời với Thủ Hiến Nguyễn Hữu Trí, ở miền Bắc, Thủ Hiến Trung phần là ông Phan Văn Giáo.


Như mạch nước ngầm, những tưởng đã cằn, khô, những tưởng đã tầng, tầng vùi chôn, mất dấu, người nữ danh ca một thời, với nụ cười hóm hỉnh; đôi mắt ánh, ngời niềm tự hào sóng sánh, chiếu, dọi tới sinh phần ký ức cách đây trên nửa thế kỷ. Bà kể, không phải đợi chờ lâu, cũng chẳng hề bất ngờ, khi vừa trở lại Saigòn, chỉ ít ngày sau, bà đã nhận được những lá thư tỏ tình của tác giả “Tiếng xưa.”

Phải chăng, trên trang giấy (cũng như trong âm nhạc,) Dương Thiệu Tước cho thấy ông là một người khác? Chỉ những phút giây một mình này, ông mới thực là ông?

Sự ít nói, hay tính rụt rè, tự đem mình xa, cách đám đông của ông, chỉ là mặt ngoài, xa vắng, quạnh hiu của một núi lửa, nung nấu nham thạch, đáy sâu. Những lá thư liên tiếp, nếu không muốn nói là tới tấp của cháu ông nghè Dương Khuê, đã được cháu Bà Chúa Nhất hân hoan, tiếp nhận, hạnh phúc, đáp ứng.

Cuộc tình của đôi trai tài/gái sắc này, đã đem lại cho dòng tân nhạc Việt, thời “dậy thì,” khá nhiều ca khúc. Mà, “Bóng chiều xưa,” và “Ngọc Lan,” là hai thí dụ, tiêu biểu. (6)

“Bóng chiều xưa,” cũng là tình khúc đầu tiên của họ Dương, khi được nhà xuất bản Tinh Hoa xuất bản, ngay năm đầu tiên của thập niên 1950, đã đề rõ “Nhạc và lời Dương Thiệu Tước-Minh Trang.”

Ký ức của những cuộc tình mà, thân-tâm-thứ-hai của nó, là (hoặc có) thi ca hay, âm nhạc tham dự, theo tôi, chúng là một thứ “thân-tâm” bất hoại. Như kỷ niệm, chúng tồn tại với thời gian. Chúng độc lập trước mọi chia, ly. Chúng đứng ngoài mọi đổ, vỡ. Chúng thường sống lại, cách của chúng. Tươi nguyên. Lấp lánh. Vàng, ngọc hạnh ngộ, đầu đời.

Trường hợp Minh Trang, cũng vậy. Không khác.

Khi bên ngoài khung kính lớn, nắng và, gió, thỉnh thoảng lại thả xuống góc phố, thảm cỏ, những trái thông chờ đợi đời, mới; thì, trên tầng lầu hai, trong căn phòng ngăn nắp, người nữ danh ca một thời, cũng thả xuống tâm hồn chúng tôi, tiếng hát của bà:


“Một chiều ái ân, say hồn ta bao lần.

Một chiều đắm duyên thơ, cho đời bao phút ơ thờ.

Ngạt ngào sắc hương, tay cầm tay luyến thương.

Ðôi mắt em nhìn càng, say đắm mơ màng nào thấy đâu sầu vương.

Một chiều bên nhau, một chiều vui sống, quên phút tang bồng.

Em nhớ chăng, xa em anh hát khúc ca nhớ mong...”

(Bóng chiều xưa)


Tiếng hát của bà (đúng hơn, tiếng hát một thời,) không chỉ như những ngón tay kỳ diệu, gõ xuống phím lòng chúng tôi, những rung động thánh thót, mà, chúng còn dội đập vào vách tường. Nơi trưng bày những bức hình ghi nhận sự hiện diện liên tục, nhiều thế hệ nối tiếp, khởi từ một định mệnh khai nguồn - Khiến những nhân ảnh từ các bức hình, dường cũng bước ra, cùng bà, ngược về quá khứ.

Tôi có cảm tưởng, nhân ảnh của nhiều thế hệ đã cùng thở, cùng đắm mình trong những dòng suối âm nhạc Dương Thiệu Tước. Những bức hình, luôn cả những khung gỗ, cũng nghiêng mình, hãnh diện đón nhận những ngợi ca của họ Dương, dành cho tiếng hát, đôi mắt, mái tóc, bàn tay... Thậm chí cả những xa cách, nhớ nhung, chăn gối một thời cũng được ông “vinh danh” bằng tất cả tấm lòng biết ơn đau đáu, của mình.

Khi người con gái của Thượng Thư Bộ Hình, Nguyễn Hy, bước vào bài hát thứ hai, “Ngọc Lan,” ca khúc ắp đầy hương thơm của tiếng hát, trầm ngát da-thịt-thương-yêu...; tôi hiểu, đó là những quay lui. Những trở lại của kỷ-niệm-nước-kiệu và, tiếng lục lạc reo vui, đời. Kiếp.


“Nhớ phút khuê ly, hồn mê tuyết hoa, Ngọc Lan, Ngọc Lan, dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng.

Ngọc Lan, nhành liễu nghiêng nghiêng tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song.

Nét thắm tô bóng chiều, giấc xuân yêu kiều, nền gấm cô liêu.

Gió rung mờ suối biếc, ý thơ phiêu diêu!

(...)

Ngọc Lan, giọng ướp men thơ, mát êm làn lụa bông là.

Ngọc Lan, trầm ngát thu hương.

Bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương.

Bông hoa đời ngàn xưa tới nay, rung nhạc đó đây, cho đời ngất ngây.

Cho tơ trùng đờn hờ phím loan, thê lương mây nước, sắt se cung đàn. Ôi tâm hồn nghệ sĩ chìm trong hương thắm.

...”

(Ngọc Lan) (7)


Khi những quay lui, những trở lại của kỷ-niệm-nước-kiệu và, tiếng lục lạc reo vui, đời, kiếp, cũng là lúc danh ca Minh Trang cho biết, trước khi nhận lời cầu hôn của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, bà đã bay ra Hà Nội, gặp người vợ đầu tiên của họ Dương, để thông báo quyết định của hai người.

Bà nói:

“Có thể không có một người phụ nữ thứ hai, nhất là ở thời đó, hành xử như tôi. Nhưng, đó là tôi. Cách của tôi. Tự tin và, tự trọng.”

Với tinh thần rất mực Minh Trang, rất mực “tự tin và, tự trọng,” như thế, bà kể, trong cuộc sống hôn nhân với một nhạc sĩ tài hoa, đẹp trai như nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, việc ông được nhiều phụ nữ chú ý, theo đuổi, là chuyện đương nhiên. Và, nếu tác giả “Ngọc Lan,” có đôi lần “Bờ xanh bóng dương, phút giây chìm sương” hoặc, “Ôi tâm hồn nghệ sĩ chìm trong hương thắm...” thì:

“Cũng là chuyện bình thường. Ông ấy là nghệ sĩ kia mà. Tôi chẳng hề ghen bao giờ. Tôi biết vị trí của tôi ở đâu! Tôi hơn hẳn tất cả những người đó. Tôi là vợ chính thức. Tôi lại có con cái với ông ấy. Vậy thì, đâu có lý do gì khiến tôi phải ghen...?”

Nói cách khác, việc của bà, là chăm lo gia đình, săn sóc chồng con, chu đáo. Vì nhạc sĩ Dương Thiệu Tước bản chất vốn hiền lành, ít nói; cả đời ông, chưa bao giờ có một lời nói nặng, không chỉ với người bạn đời của ông; mà, với tất cả các con cái, nữa.

Danh ca Minh Trang nói, sau nhiều năm chung sống với ông, một lần, một người hàng xóm của bà, chận bà lại, để chỉ hỏi câu duy nhất:

“Bà ơi! Ông ấy là người Trung hay người Bắc vậy bà?”

Người cháu gái của Bà Chúa Nhất không thể nín cười và, cũng không che giấu ngạc nhiên, hỏi lại người hàng xóm, lý do đưa tới câu hỏi đó. Thì, bà này trả lời:

“...Từ bao nhiêu năm nay, từ ngày ông bà về đây, có mấy con rồi; mà, tôi chưa nghe ông ấy nói một tiếng... khi ra đi, cũng như lúc trở về!”

Cũng vì tính “cực kỳ... kiệm lời” của họ Dương mà, nữ danh ca Minh Trang phải thay mặt chồng, giao dịch, thương thảo tiền tác quyền, với tất cả các nhà xuất bản nhạc, các trung tâm thu băng, đĩa...

Nhưng, bà kể:

“Ðừng tưởng vì thế mà tôi có thể ảnh hưởng tới ông ấy trước những đơn đặt hàng của các trung tâm, hay các nhà xuất bản! Ông ấy chỉ viết những gì ông ấy thích. Hoàn toàn không vì tiền.” (8)

Bà cũng kể thêm, thời đó, mỗi ca khúc được trình bày qua các làn sóng điện như đài phát thanh Saigòn (hậu thân của đài Pháp Á), đài Tiếng nói Quân Ðội... Sau nữa, là đài truyền hình số 9, đều được trả tiền. Vì thế, các nhạc sĩ thường vận dụng sự quen biết của mình, với các trưởng ban nhạc, hoặc các ca sĩ, để họ thu hoặc hát bài của mình. Riêng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước thì không. Ông từng nói với người bạn đời của ông rằng:

“Ðó là việc của những nhạc sĩ khác!” (9)

Phải chăng, vì có được phần lợi tức chính, từ những lớp dạy Guitar classic, (10) cũng như từ tiếng hát và, tài quán xuyến của người bạn đời (11,) mà, họ Dương đã giữ được nhân cách, khí tiết thanh cao, tới hết đời, nhạc sĩ của ông? (12)

Ðể kết thúc bài viết này, xin quý bạn đọc cùng chúng tôi thả tâm hồn mình, trôi về dòng Hương Giang, trong ca khúc “Ðêm Tàn Bến Ngự,” một địa danh đất nước, vĩnh cửu, như sự vĩnh cửu của chính ca khúc ấy và, lòng biết ơn và, tưởng, nhớ của chúng ta:


“Thuyền ơi đưa ta tới đâu! Tìm trăng, trăng khuyết đã lâu,

Sương xuống trên bến cô liêu thêm sầu.

Bèo nước gió mây đêm ngắn tình dài.

Có ai nhớ ai nơi giang đầu.” (13)


Du Tử Lê,

California, 1 Tháng Bảy 2009


Chú thích:

(6) Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác ca khúc “Bóng chiều xưa” năm 1951, cho danh ca Minh Trang, hồi họ mới yêu nhau. Riêng ca khúc “Ngọc Lan,” ông viết năm 1953, khi đã chính thức sống với nhau, ở Saigòn.

(7) Nữ danh ca Minh Trang xác nhận, vì tên thật của bà là Ngọc Trâm, khi đem vào ca khúc, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đổi “Ngọc Trâm,” thành “Ngọc Lan.” Vì thế, ai có trong tay nhạc phẩm “Ngọc Lan,” do nhà Tinh Hoa xuất bản năm 1953, nếu chú ý, sẽ thấy tất cả những chữ “Ngọc Lan” trong nhạc phẩm đó, đều viết hoa, chứ không viết thường, hầu phân biệt tên người và, tên một loài hoa. Ðây cũng là một cách chơi chữ, của họ Dương, dành cho người bạn đời, của ông, vậy.

(8) Thời Ðệ Nhất, cũng như Ðệ Nhị Cộng Hòa, ngoài các chiến dịch do chính phủ phát động, cần nhiều ca khúc yểm trợ, cổ võ cho chiến dịch; được trả thù lao cao - Các nhà xuất bản, các trung tâm thu băng và, các hãng phim, cũng thường “đặt hàng / order” nhạc sĩ sáng tác những ca khúc theo gợi ý của họ...

Vì nhu cầu sống, không ít nhạc sĩ đã nhận lời.

(9) Trước Tháng Tư 1975, một trong những cách phổ biến tác phẩm của các nhạc sĩ (dù cũ hay mới, nổi tiếng hay không,) ở miền Nam là: Copy những sáng tác của mình, đem tới các đài phát thanh, đài truyền; để nơi chiếc bàn kê trước hay, trong phòng thâu. Các trưởng ban nhạc (cũng như ca sĩ,) trước khi vào phòng thu, thường dừng lại nơi này, chọn một vài ca khúc thích hợp với họ. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không có sự gửi gấm thì, một ca khúc mới, lẫn trong hàng chục ca khúc khác, ít hy vọng được chọn, để trình bày.

(10) Một trong những học trò Guitar Classic của cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, nổi danh sau này, theo danh ca Minh Trang là, nhạc sĩ Ðỗ Ðình Phương. Họ Ðỗ từng được mời trình diễn tại Tòa Bạch Ốc. Ông hiện cư ngụ tại miền Nam Califonia.

(11) Vì bệnh suyễn gia tăng, danh ca Minh Trang phải ngưng hát kể từ năm 1962.

(12) Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước từ trần ngày 1 Tháng Tám năm 1995, tại Saigòn. Ông hưởng thọ 80 tuổi.

(13) Ca khúc “Ðêm tàn Bến Ngự” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, sáng tác năm 1946. Bài này, cũng là một trong những ca khúc của họ Dương, do Minh Trang trình bày trên đài Pháp Á, Saigòn, 1950.

Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.