Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Cố Du - Joseph Marchand
xv05
#1 Posted : Sunday, June 14, 2015 6:40:44 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
VAI TRÒ VÀ SỐ PHẬN CỦA CỐ DU TRONG SỰ BIẾN THÀNH PHIÊN AN


Cố Du là người Pháp có tên gốc là Joseph Marchand, sử Việt Nam viết là Phú Hoài Nhân. Ngôn ngữ xưa vẫn quen gọi các giáo sĩ Thiên Chúa giáo (TCG) là ông cố đạo, vì thế từ “cố” trong cố Du không có ý ám chỉ một kẻ già nua tuổi tác như có người lầm tưởng.

Theo một số tư liệu, cố Du được Lê Văn Khôi nhận làm con nuôi, mà Khôi cũng chẳng già lão gì; khi ông mất, mọi người tôn con trai ông là Lê Văn Cú mới 8 tuổi lên làm Nguyên soái. Vì thế, có thể suy đoán rằng khi ở trong thành cùng các quan binh chống lại triều đình, cố Du còn khá trẻ.

Sau khi thành Phiên An thất thủ, bị cầm giữ và tra vấn, để chạy tội, cố khai là mình bị Khôi giam trong thành, không cho ra ngoài. Trên thực tế, mỗi giáo sĩ có mặt ở VN đều được Hội truyền giáo hải ngoại Pháp (Missions étrangères de Paris) giao cho trách vụ chính là thu nạp thật nhiều tín đồ và phương sách hay nhất để thực hiện tốt trách vụ này làm thân, tạo uy tín và nếu được, thuyết phục vua chúa hay các quan lại nhà Nguyễn theo đạo Thiên Chúa (TC). Lịch sử đã nhiều lần chứng minh điều này, trước hết là với Alexandre de Rhodes (A-Lịch- Sơn Đắc Lộ), vào đầu thập niên 1640, khi quay lại Đàng Trong, đã kết thân được với một cựu vương phi tiền triều là Minh Đức Vương Thái phi, thuyết phục được bà này theo đạo TC và tạo cho nhiều điều kiện để giảng đạo và thu nạp tín đồ. Song cảm tình của bà vương thái phi không địch nổi chính sách khắc nghiệt về tôn giáo của chúa Nguyễn Phúc Lan, năm 1645, Rhodes vẫn bị trục xuất khỏi Đàng Trong. Gần hơn nữa là trường hợp Giám mục Bá Đa Lộc, khi mưu đồ của ông này thành công với cậu hoàng tử Cảnh mới 5-6 tuổi, trên hành trình đến nước Pháp và ở đó một thời gian, kết quả là khi lớn lên, Cảnh phủ nhận, bài xích cách thờ cúng tổ tiên của ông bà xưa. Được thể, Bá Đa Lộc nhắm trực diện vào chúa Nguyễn Ánh, song con người khôn ngoan, sáng suốt này đã khéo léo chối từ, và điều đó kèm theo cách xử sự thiếu thiện cảm của cận thần của chúa khiến ông giám mục này chán nản đến độ muốn xin trở về Pháp sớm.

Từ những trường hợp tiêu biểu trên, ta có thể suy đoán rằng cố Du nuôi mộng trở thành một quân sư của Lê Văn Khôi khi cuộc nổi dậy thành công, lật đổ được triều đình Huế. Những tháng đầu tiên tưởng như giấc mộng đó sắp thành sự thật khi các trấn miền Nam lần lượt lọt vào tay quân nổi dậy. Song không lâu sau, Khôi qua đời, các trấn phía Nam bị quân triều đánh chiếm lại, quân nổi dậy phải cố thủ trong thành Phiên An.

Tháng 9.1835, tức sau 2 năm, 2 tháng được kiên trì bảo vệ, thành này mới bị phá vỡ. Trước đó, quân triều đã sử dụng súng thần công bắn vào thành ba ngày ba đêm liên tiếp rồi đợi đến khi quân cố thủ đã quá mệt mỏi, họ bắc thang leo lên chiếm được thành, chém đầu 554 người, trong đó có Hữu quân Nguyễn Văn Hàm, tức ông Hoành, Trung quân Nguyễn Văn Quế, Hậu quân Nguyễn Văn Từ. Số người bị bắt giữ là 1.278 người, trong đó có Điều khiển Nguyễn văn Trắm cùng cô vợ lẻ, Tả quân Lê Gia Minh, cố Du, một con trai (Lê Văn Viên) và bốn con gái của Lê Văn Khôi. Cờ báo tin thắng trận thêu 5 chữ Thu phục Phiên An thành được mang chạy liên tục, sau bốn ngày bốn đêm thì về đến Huế.

Trong số người bị bắt giữ, chỉ có 6 người được tách riêng, số còn lại bị đưa ra một cánh đồng rộng lớn được người Pháp gọi là Plaine des Tombeaux (Đồng mả mồ), còn sử liệu Việt gọi là Đồng tập trận; tại đây, người ta đào cho họ một cái hố duy nhất, thật rộng lớn rồi sát hại tất cả và xô xuống hố. Từ đấy, chiếc mồ tập thể không lồ này được gọi là Mả Ngụy. Trong số những người bị giết trong vụ tắm máu này, không ít là đàn bà, trẻ con, người lớn tuổi. Họ bị giữ lại trong thành trong suốt cuộc nổi dậy, chứ không hẳn là có ý chống lại triều đình, ngay cả quân lính, nhiều người cũng bị bắt ép cầm gươm giáo chiến đấu, việc giết hại bừa bãi như trên là một vết nhơ lớn trong 20 năm trị vì của vua Minh Mạng.

Sau cuộc thảm sát ở Đồng Tập Trận, có 6 người được tách riêng, đóng cũi giải về kinh. Bộ Đại Nam thực lục chính biên ghi như sau:”…sáu tên giặc hiện đã bị bắt là thủ nghịch Nguyễn Văn Trắm cùng với Lê Bá Minh, Đỗ Văn Dự, Lưu Tín, Phú Hoài Nhân (tức giáo sĩ Marchand hay cố Du) và con thủ nghịch Lê Văn Khôi là Lê Văn Viên phải mau mau tống vào cũi sắt, phái giải đến kinh…” (ĐNTLCB-Đệ nhị kỷ-NXB Khoa Học-Hà Nội- 1966)
Trên đường giải về kinh, mỗi người bị nhốt trong một chiếc cũi chỉ dài 90 cm, ngang 60 cm và cao 75 cm. Họ phải ngồi trong tư thế co cụm lại, hai chân khép chặt, đầu cúi gằm xuống ngực. Ngày 15.10.1835, đoàn tù xa ra đến Huế, song trước đó, khi mới đến địa phận Quảng Ngãi, Nguyễn Văn Trắm đã treo cổ tự tử. Được tin này, vua Minh Mạng ra lệnh phanh thây Trắm, chặt đầu bỏ vào hộp, đưa về kinh., những người áp giải đều bị cách chức, giáng cấp…

Khi tội phạm đến kinh đô, cuộc thẩm vấn được triều đình tổ chức ngay và cố Du là người đầu tiên ngồi trước những dụng cụ tra tấn bày sẵn. Ông ta bị kết tội đã viết thư cho con chiên mang đi Vọng Các (Bangkok, Thái Lan) để cầu viện quân Xiêm… Cố Du chối bỏ hết những lời tố cáo trên, xác nhận mình bị Lê Văn Khôi cưỡng bách phải ở lại trong thành, chứ không có ý phản nghịch. Cuối cùng thì cuộc hành hình các tội nhân cũng đã được quyết định vào ngày 30.11.1835. Sáng sớm hôm đó, khi mặt trời vừa mọc, triều đình cho bắn bảy phát súng đại bác làm hiệu cho công chúng biết. Quân lính đưa các tử tội ra khỏi ngục thất, kể cả cậu bé Lê Văn Viên, con của Lê Văn Khôi. Họ để mình trần, bị giải ra trước cửa Ngọ Môn để vua Minh Mạng đích thân nhìn mặt họ. Khi nhà vua xuất hiện, các tội nhân bị buộc phải quỳ lạy ông 5 lần, sau đó, ồng cầm lá cờ chuẩn bị sẵn ném xuống đất, hiệu lệnh của cuộc hành hình bắt đầu.

Một người dân thời đó từng nhìn tận mắt cảnh tượng ghê khiếp này đã kể rõ cho giáo sĩ Marette nghe và ông này viết lại trong bức thư đề ngày 21.2.1836, nghĩa là không đầy ba tháng sau khi cuộc hành hình xảy ra.

Quân lính lột hết những gì còn lại trên thân thể tử tội, ngoại trừ một sợi dây đeo cổ có gắn một tấm biển nhỏ đề tên tuổi, tội danh của mỗi người. Lúc đó đã vào đầu mùa Đông, trời Huế se lạnh, nhìn thấy đám tử tội đang run rẩy, quân lính chạnh lòng quẳng cho họ tấm chăn và đưa tất cả lên cáng khiêng đi. Đến trước nhà tra tấn, họ dừng lại, chiếc cáng của cố Du được đặt ngay cửa ra vào, để cho ông ta day mặt vào trong, nhìn thấy chiếc lò lửa đang cháy đỏ rực. Viên giáo sĩ biến sắc, rùng mình, làm cho tấm chăn hơi tụt xuống, đề lộ một khoảng da trắng ở vai. Quân lính túm chặt lấy tử tội trong lúc 5 người tiến đến gần, trên tay cầm những chiếc kềm đỏ rực, kẹp vào nhiều chỗ trên đùi và chân cố Du. Ông ta hét to bằng tiếng Việt :”O, cha ôi!” và người ta nhìn thấy khói bốc lên từ da thịt tử tội. Những chiếc kềm được giữ lại trên đùi tử tội cho đến khi nguội hẳn mới được lấy đi để cho vào lò nung nóng lần sau…

Khi cuộc tra tấn chấm dứt, người ta nhìn thấy trên cơ thể viên giáo sĩ có 15 vết thương đang rỉ máu. Theo thủ tục, các tử tội được cho ăn no truớc khi thụ hình và họ có thể kể ra những món mà mình thích, nhưng thường là họ từ chối, vì chẳng còn lòng dạ nào mà ăn uống cả. Cố Du từ chối trả lời mọi câu hỏi và không ăn gì cả. Cuối cùng, ông ta và các tử tội khác bị dẫn ra pháp trường ở phường Thợ Đúc. Đến nơi, người ta bịt miệng họ lại và trói họ vào những chiếc cột cắm sâu xuống đất. Mỗi tử tội có hai đao phủ mang đoản kiếm kèm hai bên. Khi tiếng cồng vang lên, các đao phủ dùng mũi kiếm rạch lên ngực các tử tội, xẻo lấy từng miếng thịt rồi vứt xuống đất. Đấy là hành vi mở đầu của việc thi hành án “lăng trì”, cốt để tội nhân phải chịu đựng sự đau đớn kéo dài trước khi chết. Giai đoạn sau cùng là chặt lấy thủ cấp tử tội. Ngày 2.1.1836, những thủ cấp này được làm một chuyến du hành ra Hà Nội, tuy nhiên công chúng chỉ được xem thủ cấp của cố Du mà thôi. Sau đó, tất cả bị giã nát, bỏ vào họng súng thần công, bắn ra biển.

Người đời sau kể rằng trong thời gian quân triều đình chưa chiếm được thành Phiên An, ngày nọ, vua Minh Mạng vi hành ngang một căn nhà ở Huế, nghe tiếng ru con của một phụ nữ:

Bao giờ đánh đặng thằng Khôi,
Lấy thành Gia Định, chồng tôi mới về

Lê Nguyễn – 15.5.2015
https://www.facebook.com...d/posts/776100472487931


Tranh vẽ miêu tả cảnh xử lăng trì cố Du ngày 30.11.1835

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.