Dà, chị Thu Hồng đi vắng nên nhà cửa chỉ bị người ta leo dzô gác chơn (cả dép) lên bàn nói chuyện trật đường rầy. Thủ phạm chánh mới từ bên bển, thấy bên đây đúng chỗ đúng nơi bèn khăn gói chạy qua liền cho hạp chỉ tiêu nè.
Theo tui thì mình cũng nên văn chương hoá và mở rộng cái topic ni ra chút xíu cho ... dễ đi lợi. Tui đề nghị mình đổi tên nó là Thiên nhiên và thảo mộc đi nha. Ậy cho tui cắt nghĩa : Lóng ni người ta hay nói về bảo tồn môi sinh. G 8 - G 9 họp hành cũng có phần ni trong chương trình nghị sự, thành ra mình bàn đề vậy là hạp trào lưu đó đa, chưa kể rằng bữa nào ông Bill Gates buồn tình đi ngang (nghe nói ổng đang học tiếng việt) biết đâu ổng chi cho mình vài (chục) K mua nước suối uống cầm hơi đặng có sức ăn nói dài lâu ! Chuyện chi liên quan tới thực vật cây lá đã đành, liên quan tới động vật chó mèo gà vịt ... ta cũng mang dzô luôn cho đúng tiêu đề sinh thái ! Ai đồng ý làm ơn la làng dùm cho ban điều hành biết ý kiến nha.
Tui ưng vụ hoa kiểng lắm kia, hồi nhỏ tính nữa lớn sang cái sạp bán bông ngoài chợ. Sau này mém chút xíu là theo nghề trồng bông kiểng horticulture rồi nếu tía tui đừng ráo riết kỳ đà cản mũi (học cái đó cạp đất mà ăn nha, học cái chi cho thực tế chút xíu con ơi !)
Chuyện chi tui dốt chớ chuyện canh rau muồng tơi thì tui biết chút xíu.
Rau dền rau đay rau nhút y hình người miền nam mình ít ăn thì phải ? Rau muồng tơi tui nghĩ cũng vậy luôn, mãi cho tới khi đọc Hồ Trường An. Hồi mới ra ngoại quốc thì mấy loại rau ni tìm đỏ mắt hổng ra.
Dân bắc mỹ không ăn rau nhiều, trong bữa ăn của họ tới lui cũng chỉ bắp cải, xà lách, rutabaga radis, củ dền dưa leo tô-mát, celery và ... khoai tây ! Độ hơn 2 thập niên gần đây mới xuất hiện những loại rau cỏ hoa trái kêu bằng ... exotic, từ đó người ta mới đớp bông cải (âu châu biết chou-fleur đã lâu) brocoli khoai lang, mì sắn vv ..
-Rau dền và rau muồng tơi tây (spinach hay épinard) ở bắc mỹ thoạt tiên chỉ thấy bán trong chợ ý và chợ hy lạp mà thôi. Có thể hai sắc dân này đã ăn chúng từ lâu nhưng vì không thạnh hành nên người việt mình hổng biết mà tìm tới chăng ?
Rau dền có hai loại, lá đỏ và lá xanh. Cọng của nó lúc lặt ta phải tuốt sơ phía ngoài, chớ còn sơ thì dai lắm. Nấu canh hay luộc, rau dền tiá (lá đỏ) làm nước có màu. Nếu muốn ăn nước luộc người ta bỏ vô nồi một trái tô mát, và vắt vô tô nước vài giọt chanh. Chanh làm tô nước luộc trong hẳn lại.
-Rau đay thì ít thấy, rau đay nham nháp, xắt nhỏ nấu canh (y hình rau đay hổng ai ăn luộc thì phải) và lúc rửa má tui hay chà cho ra bớt nhớt. Rau đay nấu canh tôm hay canh cua đồng. Rồi chừng như để thêm vị, lúc nồi canh gần chín người ta (tức má tui) hay bỏ vào đó một ít rau nhút cho chúng ... có bạn.
-Rau nhút y hình mọc bò dưới đất, nó khoái những nơi đất ẩm, løá của nó y chang lá cây mắc cở nhưng nhỏ liu riu. Cọng rau nhút có một lớp vỏ bọc xốp, lúc lặt tuốt nó ra như tuốt bông goòng vậy. Rau nhút làm nồi canh thơm thêm thì phải, tui hổng rành bị tui hổng thích ăn nó. Sau này má tui thế rau nhút bằng mướp hương lúc nấu canh rau đay. Mướp hương thơm nhưng nhớt quá xá, ăn canh rau đay nấu mướp hương tui hay tưởng tưởng ra nước mũi thò lò của nhi đồng rồi tui nuốt hết xuống !
-Rau đay rau dền rau nhút tui hổng lậm, chỉ lậm muồng tơi !
Tại sao lậm mùng tơi ha ? Ai biết đâu nà. Có lẽ vì văn chương sách vở cứ nói hoài chuyện mực tím mùng tơi. Hồi thời của tui thì chưa có bút bic, đi học còn viết bằng ngòi viết chấm vô bình mực. Mực xanh mực tím tùy gu. Mùng tơi ra trái đen thùi lùi, vò trong tay té ra là màu tím than, thành mới có vụ mùng tơi tím ngắt là vậy.
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau một dâu mùng tơi xanh dờn ..
(còn sính thơ nữa đó ông Nguyên à !
)
Thơ Nguyễn Bính nha và tui hồ nghi ngài thi sĩ xạo vàn trời mây luôn.
Vầy nè : Theo ý thơ thì mùng tơi phải lên khá cao mới thành dậu nổi. Và vì dậu cao nên nhà ai nấy ở ! Hay là ... thôn quê người ta làm dàn (dà dàn chớ hổng phải dậu) cho mùng tơi leo và vì vậy nó mới ngăn cách đôi trẻ, thành ra vì cái dàn mùng tơi mà chàng chỉ thấy nàng thấp thoáng hong tóc phía bên kia thôi ? Còn tại sao dàn hoá thành dậu thì chịu, có thể nó biến chủng theo âm vận chăng ?
Hồi đó tới giờ toàn nghe dàn mùng tơi thôi hè. Thực tế thì mấy cái luống mùng tơi nó là đà, hổng dàn hổng dậu chi ráo, mặc dầu ta có dùng cành chống cho nó bám trụ leo thong thả. Ông thi sĩ muốn sang thăm nàng, tui nghĩ chỉ cần bước 1 cái là xong. Ổng hổng qua vì ổng sợ ăn guốc chớ hổng phải vì ba cái luống mùng tơi thấp lè te đó nha.
Hồi mới sang đây tiá tui nấu canh mùng tơi tây tức spinach cho tui ăn cầm hơi. Mùng tơi tây giống giống mùng tơi ta nhưng chát chớ hổng ngọt ngào như mùng tơi ta (lại tự ái dân tộc dzồi !) thành ra nồi canh tôm bỏ rau sương sương thì ngon, bỏ rau quá tay thì ớn lắm vì chát òm ! Ở VN rau mùng tơi y hình hổng luộc mà chỉ nấu canh thôi, hổng rõ tại sao ?
Sau này tiá tui về VN mang hột giống sang rồi cuối xuân ông gầy đất thành luống chuẩn bị trồng mùng tơi vào hè. Mùng tơi có hai loại : loại cọng xanh lá nhỏ, loại cọng tím hồng lá lớn. Mùng tơi tím, dòn và ít nhớt hơn mùng tơi xanh. Lá mùng tơi tím nếu lật bề trái lên ngắm thì gân chánh của lá già cũng có màu chút đỉnh, nên người ta nói lá nó hai màu là vậy. Hái mùng tơi người ta thường cắt ngang gốc rồi nó sẽ mọc lại, mau mập mạnh là trade mark của nó. Có khi thương hoa tiếc ngọc, người ta chỉ hái lá vòng vòng xung quanh gốc mùng tơi, thế nên ăn toàn mùng tơi già, còn cây thì ... ngày càng teo lại.
Mãi sau này thấy xuất hiện đậu bắp okra. Đậu bắp cũng được trưng dụng vào nồi canh thay thế rau nhút và mướp hương, chắc có lẽ đậu bắp vì nhớt nên gây liên tưởng đến nồi canh rau ngày cũ chăng ? Đậu bắp nếu cắt sống trước khi cho vào nồi thì nhớt còn hơn nước mũi, nhưng nếu luộc tái tái rồi mới cắt và thả vào nồi canh sau thì bớt nhớt và ngon hẳn lại.
Tui nhớ những ngày hè nóng bức, má tui kho tép và luộc rau , rau muống rau dền. Rồi bà đập tỏi cho vào nước kho làm nước chấm. Nước luộc rau có tô mát có chanh, chan vô chén cơm ăn với tép kho. Má ơi, ngon hết ý !
Qua tới đây mùng tơi ta mắc quá chừng luôn, ông nhà tui đi chợ (dà, toàn ổng đi chợ thôi !) thỉnh thoảng thấy mang dià bịch mùng tơi tươi kèm với lời than thở ‘rau chi mà mắc hơn thịt chưa kể là lắm khi héo ran héo rũ luôn ’ Khổ cái ... ông nội ni mù tịt vụ rau, chợ VN xa nên ổng đi chợ ý, bữa nào hên rau mùng tơi là rau mùng tơi, bữa nào xui nó có thể là bất cứ một loại rau xanh nào đó, khác mùi khác vị đã đành, lắm khi còn khác lá khác màu luôn.
Hu hu, mùng tơi ơi là mùng tơi, khổ lắm lận !!
Xin hết.