Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Bà Chúa Xứ
Phượng Các
#1 Posted : Friday, July 29, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Sự tích về Đền Thánh Mẫu
Friday, March 19, 2004


Phạm Ðăng Trâm

Hàng năm, nhất là mỗi độ Xuân về thì hàng triệu lượt người từ khắp nơi trong nước và cả từ các nơi trên thế giới đều đổ dồn về vùng Thất Sơn, Châu Ðốc để đi hành hương viếng Ðền Bà Chúa Xứ ở Núi Sam hay Núi Bà Ðen ở Tây Ninh, hoặc các Ðền Thờ Thánh Mẫu ở khắp nơi từ Bắc chí Nam. Ðông nhất là trong những Tháng Giêng, Tháng Hai và Tháng Ba Âm Lịch, đó là mùa lễ Vía Bà. Trong dân gian có câu: “Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ”, Cha chính là Hưng Ðạo Ðại Vương hay thường gọi một cách tôn kính là Ðức Thánh Trần là vị anh hùng của dân tộc; và Mẹ đây chính là Ðức Thánh Mẫu mà dân gian vẫn thờ phượng.

Vùng Thất Sơn hay nôm na là vùng Bảy Núi trong tỉnh Châu Ðốc, giáp với Campuchia và bao gồm những ngọn núi có tên rất đẹp tựa như trong truyện kiếm hiệp: Ngọa Long Sơn, Ngũ Hổ Sơn, Thiên Cấm Sơn, Anh Vũ Sơn, Thủy Ðài Sơn, Phụng Hoàng Sơn, và Liên Hoa Sơn. Trong vùng Thất Sơn có một ngọn núi lớn mà trên đó có xây một ngôi chùa cổ kính cao chót vót từng mây. Khách đi hành hương phải leo lên không biết là bao nhiêu bực thang trên sườn núi đá để lên chùa. Khi tới lưng chừng núi thì thấy chung quanh mình mây mù đã bao phủ và cảnh vật thiên nhiên đẹp tựa như trong tranh vẽ hay truyen thần tiên, thấy hồn mình như rũ sạch được bụi trần. Bên cạnh đó có một con suối chảy róc rách mà tương truyền rằng ai lên tới được chốn này rửa được tay chân mình thì sẽ tiêu tan được phần nào nghiệp chướng.

Ðặc biệt, ngọn núi Sam ở Châu Ðốc lại không nằm trong dãy núi Thất Sơn mà ở giữa vùng đồng nước bao la, là ngọn núi nhỏ đẹp có hình giống con sam, đầu quay về hướng Bắc, là nơi có Ðền Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng. Dân chúng thường hay đến để xin xăm, cầu xin tài lộc, phước thọ, buôn may bán đắt, cầu xin con quý tử, xin giải trừ tật bệnh tai ương v.v..

Tượng Bà Chúa Xứ được đúc bằng đá xanh mà theo nhiều nhà khảo cổ học thì là một loại nham thạch trầm tích gọi là Diệp Thạch. Dân gian truyền tụng rằng mỗi năm đá xanh mỗi nở thêm ra và tượng Bà mỗi năm mỗi lớn hơn năm trước. Vị coi đền kể rằng xưa kia Ðền Thờ Bà Chúa Xứ được xây ở trên núi cao và có giả thuyết rằng bức tượng của Bà đã được đặt trên núi Sam cách đây cả ngàn năm trước bởi một hoàng tử xứ Ấn Ðộ. Vị hoàng tử Ấn Ðộ đã lưu luyến vùng đất này và dừng gót phiêu du tại nơi đây và lập nên xứ Phù Nam. Sau này tượng Bà mới được thỉnh xuống đồng bằng trong vùng núi Sam để dân chúng dễ đi lại cho việc thăm viếng. Hằng năm, trong Lễ Vía Bà thường tổ chức lễ tắm gội cho Bà, và các đệ tử Ngài cũng như những thiện nam tín nữ tham dự lễ này vẫn thường xin nước tắm cho Bà về để chữa bệnh.

Trong nhiều đền, chúng ta thấy dân chúng tạc tượng thờ Tam Tòa là ba vị Thánh Mẫu Áo Ðỏ, Áo Xanh và Áo Vàng. Vị Áo Ðỏ là Mẫu Thượng Thiên hay còn được gọi tôn kính là Ðệ Nhất Huyền Thiên Thánh Mẫu và dân chúng thờ Bà từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Nhiều nơi, dân chúng thờ Bà Chúa Liễu Hạnh là Ðệ Nhất Thánh Mẫu là vị đã được vua phong cho làm Mẫu Nghi Thiên Hạ vào cuối đời nhà Lê. Vị Áo Xanh là Mẫu Thượng Ngàn hay Ðệ Nhị Thánh Mẫu mà đền thờ lớn nhất là trong tỉnh Tuyên Quang. Vị Áo Vàng là Mẫu Thải Phủ hay Ðệ Tam Thánh Mẫu.

Huyền thoại lưu truyền lại rằng Mẫu Thượng Thiên nguyên là trên thượng giới chẳng may đánh rơi chén ngọc nên bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian đầu thai vào một gia đình quan lại tại thôn Vân Cát, xã Tiên Hương, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh là nơi sản sinh ra những trạng và những vị thánh. Vị quan này vốn hiếm muộn cho nên khi sinh ra được mụn con gái thì rất mực cưng chiều. Ðến năm hai mốt tuổi thì Bà đã hết hạn ở trần gian nên về lại thượng giới. Nhưng sau đó, khi Bà về Trời rồi thì một hôm nhớ trần gian cho nên lại lén Ngọc Hoàng xuống thế gian chơi và hai nàng tiên Quỳnh Hoa và Quế Hoa cũng theo chân Bà xuống thăm trần gian một chuyến và sau này thành ba vị Thánh Mẫu mà dân gian vẫn thờ phượng. Bà hóa thân thành người bán thuốc đi khắp nơi để cứu độ nhân gian bệnh tật, những ai không có tiền trả cho việc thuốc thang chữa bệnh thì Bà cho một nơi chốn đến đó để trả tiền. Sau này khi những bệnh nhân đó tìm đến ân nhân để đền đáp lại thì mới biết nơi đó chính là Ðền Phủ Giầy nơi thờ Mẫu.

Dân gian miền Nam có những câu hò thì miền Bắc cũng có những câu dân ca của những nàng thôn nữ hát ví von để đố những anh trai làng như sau để thấy rằng việc phụng thờ Mẫu đã đi vào trong sinh hoạt dân gian của người nông dân từ lâu rồi:

“Ở đâu năm cửa chàng ơi!.. Sông nào sáu khúc chảy xuôi một dòng.”

“Nước sông nào bên đục bên trong. Núi nào thắt cỏ bồng lại có Thánh sinh.”

“Ðền nào thiêng nhất xứ Thanh. Ở đâu mà lại có thành Tiên xây.”

“Ở đâu có chín tầng mây? Ở đâu lắm nước ở đâu nhiều vàng?”

“Chùa nào mà lại lắm hang? Ở đâu lắm gỗ thì chàng biết không?”

“Ai đi xin được túi đồng. Ở đâu lại có con sông Ngân Hà?”

“Nước nào dệt gấm thêu hoa? Ai sinh ra cửa ra nhà chàng ơi?”

“Kìa ai đội đá vá trời. Còn ai trị thủy cho đời an vui?”

“Em hỏi anh trong bấy nhiêu lời. Xin anh giảng rõ từng nơi từng người.”

Chàng bèn thủng thẳng đối đáp lại như sau:

“Thành Hà Nội năm cửa nàng ơi. Sông Lục Ðầu sáu khúc nước xuôi một dòng.”

“Nước sông Thương bên đục bên trong. Núi Tản thắt cỏ bồng lại có Thánh sinh.”

“Ðền Sòng thiêng nhất xứ Thanh. Ở trên tỉnh Lạng có thành Tiên xây.”

“Trên Trời có chín tầng mây. Dưới sông lắm nước, mỏ nay nhiều vàng.”

“Chùa Hương Tích lại lắm hang. Trên rừng lắm gỗ thì nàng biết không?”

“Ông Khổng Minh không xin được túi đồng. Trên Trời lại có con sông Ngân Hà.”

“Nước Tàu dệt gấm thêu hoa. Ông Hữu Lão sinh ra cửa ra nhà nàng ơi.”

“Bà Nữ Oa đội đá vá Trời. Vua Ðại Vũ trị thủy cho đời an vui.”

“Em hỏi anh trong bấy nhiêu lời. Anh đã kể rõ từng nơi từng người.”

Trong câu dân ca hát đối đáp bên trên, Bà Nữ Oa chính là một vị Mẫu mà dân chúng thờ nhiều nhất trên vùng thượng ngàn trong Thất Phẩm Nương Nương.

Bảy vị Thánh Mẫu này bao gồm Linh Sơn Thánh Mẫu (Núi Bà Ðen, Tây Ninh), Bà Chúa Xứ, Mẫu Diêu Trì, Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Nữ Oa, Mẫu Vân Hương, và Thiên Y Thánh Mẫu (Tháp Chàm, Nha Trang).

Theo kinh sách Phật thì con người ta sinh ra đời đã là một điều hy hữu rồi vì đứng ở giữa trời đất, trên các loài vật, ngạ quỷ súc sinh và địa ngục, và dưới các vị thần tiên, các chư thiên, các vị thánh, dưới chư vị Bồ Tát và chư tôn Phật.

Theo Hòa Thượng Thích Thiện Chánh khi thầy còn sinh tiền thì chư vị Thánh Mẫu đã đạt tới ngôi vị Thánh và đang tu tập để lên quả vị Bồ Tát. Trên là Ðức Phật Bà Quan Thế Âm là vị Ðại Bồ Tát vẫn thường lắng nghe những nỗi thống khổ của chúng sanh mà xuống cứu khổ cứu nạn, và dưới Ngài là Mẫu. Những đệ tử của Mẫu thường thiết lập các đàn để tế lễ Mẫu, nhất là vào những ngày giỗ chư vị Thánh Mẫu hàng năm vào Tháng Ba Âm Lịch, và cầu xin Mẫu giáng lâm khai sáng thêm, ban cho sự an lành hay để chữa những bệnh tật ngặt nghèo, hay để được lộc được tài trong năm mới v.v..

Sau khi miền Nam sụp đổ vào Tháng Tư đen năm một chín bảy lăm, các đệ từ Mẫu đã thiết lập một đàn chay để cầu Mẫu về soi sáng cho trong tình hình bi đát của đất nước, và có đặt câu hỏi là tại sao loài quỷ đỏ quá hung ác như vậy mà lại chiếm được miền Nam, trong khi người Quốc Gia có chính nghĩa thì lại nước mất nhà tan?

Lúc đó Hòa Thượng Thích Thiện Chánh có mặt tại buổi lễ và kể lại rằng Mẫu đã giáng lâm xuống đàn và phán rằng đó là vận nước đã suy vong lại nhằm vào trong thời mạt pháp nên quỷ dữ mới lộng hành, và cơ Trời không thể tiết lộ được. Mẫu đã khóc vì thương cho chúng sanh trong đó có những đệ tử của Mẫu sẽ phải trải qua bao nhiêu là thống khổ không thể kể xiết được, quan quân thẩy từ trên xuống dưới đều sẽ phải lầm than, đói khổ nhục nhằn, chân lấm tay bùn, kể mất người còn, gia đình ly tán.

Cuối cùng trước khi thăng thiên, Mẫu nhắn nhủ lại rằng loài quỷ đỏ vốn chỉ ngự trị trong bóng tối, trong rừng sâu núi thẳm, nếu còn ở trong bóng tối thì chúng sẽ còn mãi không thể tận diệt được chúng. Nay chúng đã ra ánh sáng và sẽ từ từ bị lộ chân tướng và cũng sẽ từ từ bị ánh sáng tiêu diệt.

Niềm tin tưởng thâm sâu vào Phật Pháp, vào Tam Bảo trong suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ qua đã giúp cho người Phật tử Việt Nam có những đóng góp vô lượng vô biên công đức trong việc xây dựng, tu sửa và bảo trì bao nhiêu là chùa chiền tại quê hương chúng ta cũng như tại hải ngoại để con cháu sau này có nơi đến để lễ Phật và giúp cho việc hoằng dương Phật Pháp được tiến triển qua bao thăng trầm của đất nước.

Ðối với những đệ tử của Mẫu, cũng với niềm tin sâu xa vào Thất Phẩm Nương Nương, nên đã ra công góp sức trong việc thiết lập lễ đàn hay dựng xây lên những đền đài thờ Mẫu ở trong nước cũng như hải ngoại. Ở tại Quận Cam trong thành phố Garden Grove chúng ta đang cư ngụ cũng có một đền thờ Mẫu mà các đệ tử của Mẫu cũng như những tín hữu vẫn duy trì được những lễ hội quanh năm.

Viết xong vào mùa Xuân năm Giáp Thân.

Phạm Ðăng Trâm

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Bí Ẩn, Truyền Thuyết và Những Chuyện Lạ Quanh Tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc phát hành tại Ðiện Thờ Thánh Mẫu Chúa Xứ 107.42 Capital Ave. # 8B, Garden Grove, CA 92843. (714) 554-8529.

- Quê Hương Trong Trí Nhớ: Về Thăm Di Tích Núi Sam, Châu Ðốc của Song Lê.

Phượng Các
#2 Posted : Wednesday, April 13, 2011 12:36:14 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)

Tượng Bà Chúa Xứ núi Sam.
Phượng Các
#3 Posted : Saturday, June 16, 2012 11:32:40 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Lễ Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc
Saturday, June 16, 2012 3:57:45 PM

Nguyên Huy/Người Việt



SANTA ANA (NV) - Lễ Vía Bà Chúa Xứ Thánh Mẫu Núi Sam Châu Ðốc đã diễn ra trang trọng vào sáng Thứ Bảy tại điện thờ mới nằm trên đường Lilac thành phố Santa Ana.



Tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc vừa sau lễ Mộc Dục tại điện thờ mới trên đường Lilac thành phố Santa Ana. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Trước giờ hành lễ, các “Cô” trong Ban Chấp Hành Hội “Ðiện Thờ Thánh Mẫu” đã làm lễ Mộc Dục, tắm rửa và thay áo quần cho Mẫu khi Tượng của Mẫu được chuyển đến nơi điện thờ mới. Lễ Mộc Dục được cử hành kín trong nội điện.

Ðúng 10 giờ sáng, điện thờ được mở rộng cửa cho thiện nam tín nữ vào chiêm bái và dâng lễ cầu xin.

Trên một tầng cáp cao chính giữa điện thờ, tượng Thánh Mẫu trong thế ngồi đã được tô lại và phủ những xiêm y rực rỡ. Không màn che trướng rủ thâm u như những điện thờ ở trong nước nên hình tượng Thánh Mẫu hiện ra rực rỡ trước mọi con mắt của thiện nam tín nữ gây cho mọi người một tình cảm gần gũi thân thương. Nhiều thiện nam tín nữ đã sụp xuống dâng những lời cầu xin khẩn thiết. Trong khói hương ngạt ngào và tiếng chiêng trồng hòa nhịp, người cầu xin bỗng có cảm giác Thánh Mẫu đang nghe đến những lời cầu xin của mình.

Trong dịp này, quản thủ Ðiện Thờ (cô xin giấu tên và yêu cầu không chụp hình cô) nói với thiện nam tín nữ: “Ba mươi năm nay, điện thờ Mẫu ở hải ngoại cứ phải thay đổi qua nhiều nơi. Nay thì đã tạm yên nơi này, tuy nhỏ bé nhưng là giang sơn yên tĩnh cho chúng ta cầu tự. Với lòng tin của chúng ta, Thánh Mẫu sẽ độ cho chúng ta cầu Tài, cầu Lộc, cần An cũng như Mẫu đã độ cho chúng ta khi ở trong nước mỗi năm vào dịp lễ Vía này”.

Tiếp đó cô quản thủ điện thờ giới thiệu các vị trong ban chấp hành của Hội Ðiện Thờ Thánh Mẫu gồm có ông hội trưởng là David Trần. Theo lời giới thiệu thì ông hội trưởng cũng là thợ sửa chữa, tu bổ cho đền, quét dọn và làm linh tinh mọi thứ do từ tinh thần muốn được phục vụ Thánh Mẫu. Kế đến là cô Tâm Hỷ, phụ tá đặc biệt của quản thủ điện thờ. Hai phó hội trưởng là Diệu Tâm và Diệu Hoa và một vị cố vấn là ông Chân Lạc. Cũng theo lời giới thiệu thì ông cố vấn là người sẽ thường trực ở nơi điện thờ này để tiếp xúc với bà con thiện nam tín nữ khắp nơi đến viếng.

Cô quản thủ điện thờ nhấn mạnh: “Chúng tôi trong ban chấp hành hội xin minh xác thật rõ là chúng tôi không lợi dụng tín ngưỡng để làm thương mại trục lợi. Dù điện thờ đang cần phải sửa sang rất nhiều và xây cất một chánh điện ở phía sau để thờ Phật, nhưng chúng tôi đã quyết định không tổ chức gây quĩ hay quyên góp gì. Cứ để cho duyên lành rồi sẽ tới, chúng ta cũng sẽ xây dựng được đền thờ Thánh Mẫu thật khang trang xứng với ơn đức mà Mẫu đã ban cho chúng ta từ biết bao đời nay”.

Ðiện thờ Thánh Mẫu Núi Sam Châu Ðốc nay tọa lạc tại số 4229 W. đường Lilac trong thành phố Santa Ana. Ðó là một căn nhà nhỏ trên một khu đất không lớn lắm. Căn nhà có tuổi ít ra là cũng trên 50 năm nên nhìn phía ngoài thấy như một căn nhà hoang phế. Nhưng bên trong, nơi điện thờ phía trước và nơi thờ Phật phía sau đều đã sửa lại gọn sạch và đã an vị được Tượng của Thánh Mẫu lớn hơn người thật và các Tượng Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm cùng là Tượng Quan Thánh Ðế. Theo ông Hội Trưởng David Trần thì “Còn nhiều việc lắm. Chúng tôi mới mua lại được căn nhà này và cũng đã giao thiệp với hàng xóm chung quanh thì thấy rất thuận lợi cho việc thờ tự Mẫu. Bây giờ thì khả năng chúng tôi có đến đâu thì sửa chữa đến đó, không có chủ trương quyên góp hay gây quĩ gì cả. Chúng tôi tin rằng Mẫu sẽ độ cho để chúng tôi hoàn thành được công việc xây cất điện thờ cho khang trang”.

Gặp gỡ với hầu hết các vị trong ban chấp hành, chúng tôi đều gặp một sự kín đáo, không có khoa trương gì ngay cả đến tên tuổi thật của mình, nhưng ai nấy đều thể hiện một lòng tin tuyệt đối vào sự mầu nhiệm của Bà Chúa Xứ Thánh Mẫu Núi Sam Châu Ðốc.

Như chúng ta đã biết, lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc là vào các ngày 24 và 25 Tháng Ba Âm lịch. Vào mùa lễ hội này thì nam thanh nữ tú, tín hữu thập phương đổ đến Núi Sam để cầu Mẫu đông nghẹt tới cả triệu người vào những năm trước 1975 và ngay cả thời nay dưới chế độ cộng sản nữa. Trong số người đến cầu Thánh Mẫu có rất nhiều các nam nữ thương gia lớn nhỏ. Có những lễ xin “vay vốn làm ăn” và phong tục này đã trở thành một lễ chính thức vào dịp này bởi sự mầu nhiệm là những ai vay vốn làm ăn, cầu xin Thánh Mẫu thì đều trở nên khấm khá cả. Không ai bảo ai, khi khấm khá rồi thì lập tức trở lại Ðền Mẫu làm lễ Tạ Ơn và Hoàn Vốn. Niềm tin ấy đã lan truyền rộng rãi trong dân chúng từ nhiều đời nay. Chưa thấy ai kể đến chuyện vay vốn Bà mà làm ăn vẫn thất bại, hay có mà không dám nói tới vì còn hy vọng tiếp tục vay vốn nữa cho đến khi nào làm ăn khấm khá mới thôi.

Theo một tài liệu của Hội “Ðiện Thờ Thánh Mẫu Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc” thì Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc cả là một huyền thoại. Tục truyền rằng trên đỉnh núi Sam trong dãy Thất Sơn có một tảng đá lạ mà những tay thợ chuyên môn cho biết không phải là thứ đá thường có trong dãy núi Thất Sơn này nên các dân tộc xưa ở phần đất này đã tạc thành một pho tượng. Quân Chiêm biết có pho tượng đá quí đã cho quân tới lấy nhưng với sức trai hàng năm bảy chục người cũng không di dời tượng đi được. Chỉ khi đến đời ông Thoại Ngọc Hầu khi hoàn tất những dòng kinh Vĩnh Tế, Thoại Ngọc Hầu mới cho cất một miếu thờ những oan hồn đã bị chết trong việc đào kinh và dân chúng xin rước Tượng trên núi Sam xuống để thờ cúng. Theo một cô gái đồng trinh năm mơ cho biết thì muốn dời tượng từ trên núi cao xuống phải cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng mới được. Quả như rằng khi 9 cô gái đồng trinh được trong làng cử lên rước Kiệu Bà xuống thì các cô đã làm được suôn sẻ. Nhưng chỉ đến chân núi thì Tượng bỗng trở nên nặng không thể nào di dời được nữa nên dân làng đã đặt tượng ở chân núi và xây điện thờ.

Theo các thiện nam tín nữ từ khắp nơi thì Chúa Xứ Thánh Mẫu núi Sam Châu Ðốc thường độ cho việc làm ăn lương thiện, xin sâm, thỉnh lộc, hộ mạng, cầu đoàn tụ, chữa bệnh. Phần lớn những điều cầu xin thường được toại nguyện cả.

Người dân Việt trên mọi miền đất nước đều có những nơi thờ tự các thần linh được tôn xưng là Thánh Mẫu đã độ trì cho dân chúng trong vùng được an cư lạc nghiệp. Ở Bắc, trên các vùng thượng du, người dân có Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Sóc Sơn... Trong Nam thì có Bà Thiên Hậu, Bà Ðen ở Tây Ninh, Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Ðốc... Phần nhiều những hình thức cúng bái này được diễn ra trong những buổi “Lên Ðồng” mà nhiều hiện tượng xảy ra mà khoa học chưa giải thích được.


Phượng Các
#4 Posted : Thursday, May 16, 2013 11:34:44 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Điện Bà Chúa Xứ ở Los Angeles (đường Sunset Blvd)
Binh Nguyen
#5 Posted : Sunday, October 27, 2013 1:56:52 PM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,947
Points: 1,587
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
Chúng tôi có một buổi họp mặt, ăn uống xong chúng tôi quây quần lại nói chuyện với nhau, nhóm phụ nữ chúng tôi ngồi riêng ra một chỗ để khỏi bị mấy ông làm ồn. Chị P kể chuyện chị đi Việt Nam và đã về tận Châu Đốc để đi cầu nguyện bà Chúa Xứ cho chị hết bệnh hiểm nghèo, chị hứa sẽ làm mâm cơm cúng tạ ơn Bà. Chị bị bướu (seeds) trong bụng, tuy không dữ nhưng có rất nhiều, những bướu nhỏ nhỏ lâu lâu bể ra là chị lại phải vào bệnh viện cứu cấp ngay vì rất đau đớn. Cách đây mười mấy năm bác sĩ bảo chị chỉ còn sống được khoảng 5 năm nữa thôi, và còn bảo nếu cái bướu to nhất của chị bể ra là chị sẽ chết liền, ông ta ngạc nhiên là sao chị vẫn còn sống được cho đến bây giờ. Chị quay qua hỏi tôi, không biết chị có nên cúng tạ ơn Bà Chúa Xứ hay không, vì chị xin Bà cho chị hết bệnh nhưng chị đâu có hết bệnh đâu? Những cái seeds đó vẫn hiện hữu trong bụng chị, và luôn đe doạ mạng sống chị bất cứ lúc nào. Chị thấy lời cầu xin của chị không linh ứng nên chị không có làm lễ tạ ơn Bà, thế nhưng có một lần, chị đi coi bói, người thầy bói nhìn quẻ của chị rồi hỏi: "Sao chị hứa là sẽ làm lễ tạ ơn một thần thánh nào đó mà sao chị không làm?" Chị giật mình lúc đó làm sao mà người thầy bói biết được, còn tôi nghe chị kể lại mà cũng thấy hơi rợn người. Chị bảo chị không tính về Việt Nam nữa thì làm sao chị có thể tới đền Bà Chúa Xứ để làm lễ tạ ơn được mà nếu chị nhờ người khác ở Việt Nam làm giùm thì có được không? Tôi nói với chị, em nghĩ chị nên gởi nhờ người nào đó làm giùm cũng được nếu như chị không có điều kiện để về Việt Nam bây giờ. Rồi tôi nói luôn, cho dù cái người chị nhờ có không làm đúng hay không làm những gì chị nhờ cũng được, chị hứa cái gì thì chị nên thực hiện lời hứa đó, còn cái người kia nếu họ không làm thì đó cũng là ngoài sự kiểm soát của chị, nhưng chị hứa cái gì thì chị nên làm cái đó, cho dù điều mình xin đã không được như mình mong muốn. Biết đâu chị còn sống được cho tới bây giờ là nhờ ơn Bà đã giúp đỡ chăng? Tôi nghĩ thầm nhưng không nói ra điều đó với chị, cái gì thuộc về tâm linh thì rất khó giải thích, không ai giải thích được.

BN.
Phượng Các
#6 Posted : Saturday, May 9, 2015 7:05:13 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)

Sợi dây chuyền cực khủng đeo lên tượng Bà, làm từ hơn 161 lượng vàng (gần 6 kg)
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.