Chân thân vị vua nữ thứ nhì trong lịch sử Việt Nam Khi vị anh thư vùng Mê Linh (Vĩnh Phúc bây giờ) làm lễ xuất quân đánh đuổi giặc Bắc phương đang đô hộ Giao Chỉ, bà thề trước Trời Ðất và hơn 5 vạn quân gươm giáo sáng lòa, lời thề bốn điểm sử sách Nước Nam còn ghi:
Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng, vị vua nữ thứ nhì trong lịch sử nước Nam (Nguồn: Võ sư Vương Ðình Thanh)
Một xin rửa sạch Nước Nhà
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.
(Thiên Nam Ngữ Lục)
Nước Nam lúc ấy đang bị giặc Hán qua tay Thái thú Tô Ðịnh đô hộ, chúng vốn đánh bại các vị Vua Hùng từ trước Tây lịch; còn chồng của Trưng Trắc là Thi Sách, con của Lạc tướng quận Chu Diên, đã bị Tô Ðịnh đem hành hình chỉ một thời gian ngắn sau đám cưới với Trưng Trắc, con của Lạc tướng Mê Linh. Mưu sâu của giặc Tầu là chúng tin rằng hai họ lớn của hai vị tướng quân xưa của Nước Âu Lạc, quận Giao Chỉ và quận Chu Diên, kết thông gia với nhau, thì sẽ khó mà trị, cho nên Tô Ðịnh đã đem quân phá tan đám cưới, bắt Thi Sách đem đi.
Sau khi ào ạt chiếm 65 thành trì, Trưng Trắc lên ngôi Vua, sử gọi là Trưng Vương, đó là vị Vua Nữ đầu tiên của nước ta. Vị vua nữ thứ nhì lên ngôi trong không khí một triều đại mạt thế, không có con trai nối dõi, cách vị vua nữ đầu tiên tới gần 1200 năm. Nguyên Nhà Lý, trị vì 215 năm, là Triều đại bền vững lâu dài nhất nước ta, nhưng đến đời vua Lý Huệ tông lại không có con trai nối dõi, phong cho con gái, tức Công chúa Chiêu Thánh, mới 7 tuổi, làm Hoàng-thái-tử! Lý Chiêu Hoàng sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218), tên húy là Phật Kim sau đổi là Thiên Hinh. Năm 1224, Chiêu Thánh lên ngôi vua, gọi là Lý Chiêu Hoàng. Vậy vị Vua Nữ thứ nhì của nước Nam lên ngôi cách vị vua nữ đầu tiên tới 1224-43= 1181 năm. Ngay việc Triều chính đời Lý Huệ Tông đã ở trong tầm tay của Tiết độ sứ Trần Thủ Ðộ, cho nên việc nước từ tay nhà Lý qua tay nhà Trần, cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy thế, huyền thoại lại cho thấy rằng, đây cũng là chuyện của Trời, vì mệnh trời đã định như thế. Ngô Thời Sỹ viết trong Việt Sử Tiêu Án: “...địa-quyết làng Cổ Pháp (quê hương nhà Lý) có câu: 'Tộ truyền bát diệp, Diệp lạc âm sinh [Truyền được 8 lá, lá rụng âm (nữ) sinh: hay là Truyền được 8 đời vua, nhà vua sau rốt thứ 9 là đàn bà.] Ðại Việt Sử Ký toàn-thư cho biết Trần Thủ Ðộ trông coi việc sắc-dịch trong cung, đã đưa Trần Cảnh là cháu mình, vào làm chánh thủ.
“Cảnh lúc ấy mới có 8 tuổi, chực hầu ở bên ngoài. Một hôm giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu hoàng trông thấy yêu lắm. Mỗi khi chơi đêm, cho gọi Cảnh đến cùng chơi; thấy Cảnh ở chỗ tối thì chạy đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng vào bóng. Có một hôm Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu hoàng rửa mặt, lấy tay té nước ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không nói gì, về nói với Thủ Ðộ. Thủ Ðộ nói: ‘Nếu thực có thế thì họ [Trần] làm vua chăng? [Hay] chết cả họ chăng?’ Lại một hôm Chiêu hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy xuống nói: ‘Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh.’
Chiêu hoàng cười và nói: ‘Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó. Cảnh lại về báo cho Thủ Ðộ biết. Thủ Ðộ sợ việc tiết lộ ra thì bị giết cả. Bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm, sai đóng cửa thành và các cửa cung, cắt người coi giữ. Các quan vào chầu không được vào. Thủ Ðộ loan báo rằng: ‘Bệ hạ đã có chồng rồi.’ Các quan đều nói được, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng.” (ÐVSK toàn thư, q.4, tr.309).
Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu tức 22 tháng 11 năm 1225, Lý Chiêu Hoàng (Niên hiệu: Thiên Chương Hữu Ðạo) xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh tức Trần Thái Tông. Bài chiếu nhường ngôi, theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, ban hành ngày 22 tháng 11 năm 1225:
“Từ xưa nước Ðại Việt đã có các bậc đế vương trị vì thiên hạ. Riêng nhà Lý ta vâng chịu mệnh trời, làm chủ bốn biển, các vị thánh vương truyền nối đã hơn hai trăm năm. Chẳng may đức Thượng Hoàng mắc bệnh, không có người nối dõi, thế nước nguy khốn, đành sai trẫm nhận minh chiếu, gượng lên ngôi vua. Thật là từ xưa đến nay chưa có việc như thế bao giờ! Than ôi, trẫm là nữ chúa, tài đức đều kém, lại thiếu người giúp đỡ, mà giặc cướp thì nổi lên như ong, làm sao có thể giữ gìn ngôi vị quá nặng đó được? Trẫm những thức khuya dậy sớm, chỉ sợ gánh vác không nổi; lòng thường cầu mong có bậc hiền nhân quân tử, cùng giúp chính sự. Ngày đêm trẫm vẫn canh cánh nghĩ về việc đó.
Người quân tử đẹp đôi
Lòng rạo rực buồn vui
Thức ngủ bao tơ tưởng
Tình man mác xa xôi
“Nay trẫm một mình suy nghĩ đi nghĩ lại, duy có Trần Cảnh là người văn chất rõ ràng, phong thái đúng là bậc hiền nhân quân tử, uy nghi trầm mặc, lại có tư chất của đấng văn võ thánh thần, dù Hán Cao Tổ, Ðường Thái Tông cũng không hơn được. Trẫm đã sớm suy nghĩ, nghiệm xét từ lâu: nên nhường lại ngôi lớn để yên lòng trời, để thỏa ý trẫm, có vậy mới mong ai nấy đồng lòng gắng sức, phù trì vận nước lâu dài, để cùng chung hưởng hạnh phúc thái bình. Nay bá cáo cho thiên hạ cùng nghe biết.”
Ðền Rồng ở Bắc Ninh, nơi thờ Lý Chiêu Hoàng hiện nay. (Nguồn: Khởi Hành)
Năm 1258, sau kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông đem Chiêu Thánh gả cho Lê Phụ Trần (vốn là Lê Tần). Bà sống hạnh phúc với Lê Phụ Trần được 20 năm, sinh ra con trai là Thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Bà mất năm 1278, thọ 61 tuổi. Nhà thơ Tản Ðà có bài thơ Vịnh Lý Chiêu Hoàng lời lẽ mỉa mai như 4 câu sau đây:
Quả núi Tiên Sơn có nhớ công
Mà em đem nước để theo chồng
Ấy ai khôn khéo trò dan díu?
Cái nợ huê tình có biết không?
Chiêu Hoàng không được thờ chung với các vua Lý khác ở đền Ðô - Lý Bát Ðế - tại Ðình Bảng, Bắc Ninh, thế kỷ XIII, mà được dân làng thương mến, xây riêng cho bà một nơi thờ riêng tục gọi là Ðền Rồng.
VIÊN LINH