Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,933 Points: 1,248 Location: University Place, Washington State, USA Thanks: 23 times Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
|
Thứ hai, ngày 11, tháng năm, năm 2009 Bắt đầu hôm nay, mất thêm 2 xu nữa, tức là 44 xu để gửi đi xa một lá thư -hạng nhất. Thời đại internet, ai cần viết thư thì gửi qua điện thư, muốn trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền xe,…hằng trăm thứ nợ thì có thể vào nét mà trả, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Nửa đêm thức dậy, chợt muốn trả biu, thì vào nét trả biu. Có khi ngồi ở quán cà phê mà trả, cũng với cái computer! Nên cái chuyện bưu điện tăng thêm 2 xu chắc là đã không làm nhiều người bận tâm cho lắm, trong đó có tôi. Bây giờ ngay cả gửi bài viết về tòa soạn, cũng không cần phải ra bưu điện gửi đi. Không bản thảo đánh máy nên không tốn giấy, gửi qua nét nên không tốn cước phí. Nghĩ nhiều thì lại thấy tội cho tụi bưu điện, năm nào cũng bị lỗ lã là vì vậy. Đọc báo thấy nói do kinh tế suy thoái, họ cũng cắt giảm người, và có thể là sẽ dẹp dịch vụ giao thư ngày thứ bảy. Giao thư mà dẹp thì chắc là bưu điện cũng không mở cửa ngày đó – nơi tôi ở, họ mở cửa tới 3 giờ chiều. Tôi thấy vì cần thiết mà dẹp ngày thứ bảy thì cũng phải thôi. Bớt được một ngày nhận biu nợ và rác rưới quảng cáo, cũng khỏe đó chứ! Riêng cái việc các cơ sở hành chính của tiểu bang mở cửa chỉ bốn ngày, nghỉ ba ngày để giảm chi phí, tôi nghĩ là không được đâu, khi mà người ta luôn luôn trông chờ dịch vụ nơi mình cung cấp. Chỉ mới có tiểu bang Utah là áp dụng phương cách này – nghe đâu là cũng chẳng tiết kiệm gì được bao nhiêu. Tôi bảo tôi không quan tâm. Nhưng rồi nghĩ tới Kỷ Nguyên Mới và VH, khiến tôi cũng phải quan tâm vì tiền cước phí gửi sách báo mỗi ngày mỗi tăng, sợ không đủ “sở hụi”! (Bao giờ thì nhà văn chỉ lo viết văn thôi, chứ không phải lo những chuyện khác?) Dù sao đi nữa, cứ nghĩ tới lúc sách báo tới tay người đọc, là thấy vui rồi. Có những niềm vui – như là niềm vui chữ nghĩa viết ra mà có người đọc- làm cho những mối lo về tiền bạc trở thành chuyện nhỏ.
Thứ hai, ngày 18, tháng năm, năm 2009 Tháng trước gặp chị BH, nghe chị than KNM chữ nhỏ quá, khó đọc. Má tôi (độc giả kỳ cựu của KNM) cũng hay than như vậy. Tôi trả lời, dạ, sẽ cho người layout biết để làm chữ lớn hơn. Nhưng rồi tôi vẫn chưa đưa lời nhắn đó. Bạn tôi, nhà văn AT cũng nói dạo này mắt AT kém lắm. Hèn gì tôi thấy cô gõ cứ vài câu thì đã xuống hàng! Và lắm khi những cái dấu phẩy lại cứ “vô tư” nhảy ra ngoài một space (hello chị Hồng Thủy), làm khổ thân tôi cứ phải kéo từng cái dấu phẩy trở vào! Bấy giờ tôi mới giựt mình hiểu ra rằng người đọc hiện nay ở hải ngoại đã …lão hóa thật rồi! Chứ đâu phải chỉ vì chữ nhỏ, khó đọc. Sau thế hệ tôi thì có còn ai đọc tiếng Việt nữa không? Chắc là không còn! Nghe bi quan nhỉ? Viết mà không có người đọc cũng buồn. Nhưng thôi, cứ viết được lúc nào thì viết. Không viết thì từ từ chính mình cũng làm rơi rụng hết mớ tiếng Việt của mình. Ngộ là mắt tôi vẫn thấy rõ màn hình computer và những trang báo chữ nhỏ li ti mà chưa phải mang kính lão (cũng chưa sắm một cặp kính lão nào). Nên bây giờ được lên chức chủ bút là phải rồi, tha hồ mà đọc bài vở! Chợt nhớ tới đám nhỏ mà cuối tuần được cha mẹ đưa đi học tiếng Việt, rồi tự hỏi, không biết rồi đây chúng có đọc được sách của mình không nhỉ?
Thứ năm, ngày 21, tháng năm, năm 2009 Truyện có thật không vậy? Đó là câu hỏi độc giả hay hỏi nhà văn. Tôi hay hỏi bạn văn của mình, và vì tôi cũng có viết lách nên thỉnh thoảng cũng được hỏi như thế. Truyện, viết ra được nếu không từ kiến thức thì cũng từ kinh nghiệm sống của tác giả. Mấy ông thầy dạy viết văn hay khuyên những cây viết trẻ là hãy viết những gì bạn biết. Có người lại khuyện nên viết về những đề tài mà mình thích cho dù chẳng biết tí gì, nhưng không biết thì tìm tòi, học hỏi để mà viết, thành ra rồi sẽ viết. Có lần tôi thố lộ với nhà văn Lê Thị Nhị, cái truyện đó thật đấy, gởi đăng mà LV cũng run vì sợ bị chưởi (chưa kể là bị...thưa kiện?). Tôi biết thường ở trang đầu mấy cuốn tiểu thuyết có cho biết là truyện viết theo trí tưởng tượng, tên, nhân vật, nơi chốn, tình tiết, tất cả đều là tưởng tượng, mọi sự trùng hợp ở ngoài đời, cho người sống hay người đã chết, là hoàn toàn ngoài ý muốn của tác giả. Mà truyện có thật thì lại càng phải cho in hàng chữ đó. Buồn cười, có những truyện ngắn tôi viết quả thật là toàn tưởng tượng mà cũng bị bạn bè giận hờn cho là mình viết xấu về họ. Thành ra cũng ngại ghê. (Thật ra thì cũng không oan lắm vì có lần QT, chủ nhiệm và chủ bút VNNB ở SJ, nói là đọc truyện của tôi thì nhận ra được những người bạn học cũ và cũng làm nhớ Seattle quá.) Mới đây tôi đọc quyển sách có tên American Wife của nhà văn Curtis Sittenfeld, tuy cho biết là truyện (fiction) nhưng tôi ngạc nhiên thấy rành rành đây là truyện nói về Laura Bush, phu nhân của tổng thống đương kim lúc bấy giờ là George Bush. Cô nhà văn nói rõ ràng cô mượn cảm xúc từ cuộc đời của Laura Bush mà viết nên cuốn sách đó. Bà Laura Bush nghĩ như thế nào? Và cả ông cựu tổng thống Bush (Con) nữa khi viết là ông nghiện rượu, hồi còn trẻ đi học không lấy gì xuất sắc. Sau nhờ trở về với Chúa, ông mới trở nên …người tốt (hèn gì dưới thời ông, ông bắt trường học cho học trò đọc kinh mỗi buổi học!) và lên ngồi được tới ghế tổng thống. Nhiều người lại bảo không phải Chúa chiếc gì đâu, mà nhờ Laura Bush, vì tính tình bà trầm, chín chắn, đã làm dịu bớt cái tính nóng nảy, bộp chộp của ông. Nếu nhận xét sau mà đúng thì quả thật sau lưng một người đàn ông thành công là một người đàn bà. Hay vì bà là người của công chúng (public figure) nên ai muốn viết gì thì viết? Không thấy thưa kiện gì. Hay tại tôi không biết đó thôi. Có thưa kiện thì không hẳn vì những chuyện kể trên vì dù sao cũng đã được viết trên sách vở, báo chí rồi. Tôi muốn nói là chỉ cảm hứng thôi mà cho nhân vật Alice phá thai, có bà nội là đồng tính luyến ái,…thì cảm hứng rồi viết như thế thì cũng kinh khủng quá chứ.
Thứ ba, ngày 26, tháng năm, năm 2009 Tôi được chuyền máu một lần (hì hì, máu Mỹ), nên tôi cũng muốn trả lại món nợ đó cho một người nào, mà đã trả rồi, giờ thì muốn làm việc nghĩa. Huống chi khi bạn hiến máu là bạn cứu ba mạng người. Vì bị tai nạn xe cộ, vì mang bệnh tật cần giải phẫu, biết bao người cần máu. Tôi đọc cái e-mail của sở mà muốn ghi tên tham gia ngay – nhưng thôi để chờ hỏi bác sĩ gia đình xem tôi có còn cho được không. Tuy rằng trọng lượng cơ thể vẫn còn đủ tiêu chuẩn, tối thiểu là 110 pounds, nhưng nghĩ họ cũng lấy máu của mình một bịch (một pint) to y chang như là một bịch của một đồng nghiệp nặng 250 pounds, tôi cũng thấy ơn ớn. Với lại bây giờ cũng…lớn tuổi hơn dạo trước. Coi chừng cho xong chập choạng không lết về nhà được thì cũng khốn khổ! Ở giốp thư viện, tôi cũng muốn cho bớt cái số giờ nghỉ phép đã tích lũy lâu nay của tôi, chỉ giữ lại con số tối thiểu theo quy định cho phép. Tôi muốn sếp tôi, Malia, có thể dùng số giờ đó để đi chăm sóc mẹ cô đang chữa trị bệnh nan y. Gốc người Samoa, gia đình cô ở Hawaii. Malia và tôi chơi thân với nhau từ thời hai chúng tôi còn “hàn vi”. Bây giờ tuy Malia làm sếp tôi nhưng chúng tôi vẫn đối xử với nhau như xưa, nghĩa là như bạn bè. Tôi biết rằng khi nào tôi cần thì những đồng nghiệp của tôi cũng sẽ san sẻ giờ của họ cho tôi, để tôi nghỉ mà vẫn có lương, hay nhờ có những giờ đó mà tôi còn giữ được bảo hiểm sức khỏe. Giving, cho đi, bao giờ cũng cho mình cái cảm giác thanh thản, sung sướng, hạnh phúc. Giúp trong lúc người ta cần mới là quý. Và hình như khi tôi bắt đầu lớn tuổi và bắt đầu có vài triệu chứng già (nói hòai mà tóc vẫn chưa nhuộm, nghe đâu thời trang của tóc bây giờ không còn là nâu, nâu đỏ nữa mà là đen đấy)… tôi thấy tôi …rộng rãi và thích làm việc từ thiện hơn.
Thứ hai, ngày một, tháng sáu, năm 2009 Năm nay cặp vịt ở cái ao trước sở làm có một đàn con mà hôm nọ Wendy và tôi đếm tới đếm lui thấy có tới 12 con, lông còn măng tơ óng ả. Wow! Vịt con đông quá! Chúng chui rúc lung tung trong đám sậy nên có khi thấy mà không biết con này đã được đếm chưa? Cặp bố mẹ, không biết đây có phải là cặp vịt của những năm trước? Mình không biết. Vài năm qua không thấy có vịt con nào, chỉ thấy một cặp vịt thảnh thơi bơi lội với nhau. Tưởng tượng là một cặp vợ chồng vịt già, rồi tưởng tượng thêm là Ng với tôi ở tuổi già cũng thế. Trong truyện Bến Hạnh Phúc của tôi, hai nhân vật chính cũng mơ một ngày làm ông già bà già chống gậy dìu nhau đi dạo mát bờ hồ. Người ta bảo vịt chung tình lắm. Wendy và tôi mỗi người vội vàng lôi cái máy ra chụp.Tôi vốn cù lần, vốn không thích đổi thay, sợ máy móc (may mà có Ng dân khoa học, mỗi tí tôi mỗi réo, đỡ lo), ở sở mỗi lần đổi computers, máy copiers là tôi ngại lắm, vừa vừa quen một cái gì thì lại bắt phải học cái mới, ngán quá, nhưng bữa nay cũng có cái phôn mới mà cũng chụp được hình nữa, thế là lôi máy ra chụp. Chẳng biết là chúng sẽ ở chơi với mình bao lâu nhỉ? Chỉ ngắm thôi, chứ không được cho chúng ăn, sở gửi e-mail ra dặn là không cho là không cho, vì lý do gì thì tôi không còn nhớ. Chắc là làm dơ ao vì rong rêu sẽ lớn mạnh chăng? Hay thức ăn lôi kéo những con quạ đen đến rồi làm dơ bẩn cả một khu vực? Bên kia đường cũng có một cái ao nhỏ. Tôi sợ mẹ vịt này cứ dẫn đàn con qua lại ở con đường tấp nập xe cộ và có nhiều tài xế mà hình như lúc nào cũng như là cần có mặt ở đâu đó nên phóng rất nhanh, sợ cho tới tuổi bay được thì chẳng còn sống sót bao nhiêu vịt con. Vịt mẹ là đầu đàn nên có khi tôi thấy mụ ta cứ tỉnh bơ xung phong đi trước để đàn con bắt chước theo sau. Hên thì gặp đám xe ngừng lại chờ cho mẹ con nhà vịt đi qua. Xe thì mặc kệ xe. Xui thì bị cán dẹp thôi! Mà bé thế kia thì không chắc là ai cũng thấy mà thắng kịp! Nói chuyện về cái ao (nhân tạo) này, cư dân ở đây không chỉ là vài gia đình vịt mà còn có những con cá vàng, cá đen – không biết từ lúc nào ai đó đã không còn thích nuôi cá nữa bèn đem cá nhà họ thẩy vào ao này mà bây giờ ao có rất nhiều cá. Bộ tôi dọn về đây được 10 năm rồi nên có thể đoán là có con cá cũng thọ chừng ấy năm. Có một bữa tự nhiên chúng tôi thấy có ba ông cầm vợt đi quanh ao, để bắt cá. Hỏi để làm gì thì họ chỉ cho biết là bắt hết cá để rồi “trị” cái ao – sợ không vớt chúng ra thì chúng sẽ chết vì những những chất hóa học mình đổ xuống (nhân đức ghê!). Thế là bọn tôi mỗi người lấy một cái đựng rác giấy tờ recycle (sẽ được biến chế lại) đem ra xin cá. Ai cũng đòi con lớn – lớn cỡ đó thì ở tiệm bán chắc cũng mấy chục đô- và lấy 6, 7 con. Tôi thì chỉ xin hai con nhỏ, chiều dài chưa tới gang tay, nhỏ trông cute dễ thương hơn, màu vàng, để đem về cho mớ cá ở nhà có thêm bạn. Lại gọi cho Ng nữa chứ, để “chàng” khỏi ngạc nhiên khi thấy tôi (như mèo) lại “tha” cá về nhà. Chữ “chàng và nàng”, nhiều người bảo sến quá (còn nói thêmn, nghe mà rùng mình muốn nổi da gà!), nhưng tôi vẫn thích dùng (nhất là khi viết truyện). Có vẻ tiểu tư sản, chứ sến gì! Tôi sẽ đặt tên cho hai con cá này. Tôi hay đặt tên cho cá và có khi cả cây cỏ tôi trồng. Có gì lạ đâu! Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng đặt tên cho cá của ông ấy nuôi (chắc là fans của ông chưa biết điều này?). Tháng này con chim đen có cánh điểm đỏ vẫn còn sinh sống ở đây, vẫn còn mỗi ngày đậu ở đầu ngọn cây (thấp) để canh tổ của nó; cái tổ nằm bên trong hàng rào sắt, ở lùm cỏ lau thấp lè tè ở mé sát ao. Sinh hoạt của những con vật quanh sở làm giúp mình cũng thấy vui, giờ nghỉ giải lao vào nét hay đi vòng vòng để thưởng thức cảnh vật chung quanh, nhờ đó giúp một ngày làm việc qua mau. Làm tôi vẫn chưa chán chuyện đi làm. Đi làm mà không trông giờ về thì biết là bọn tôi cũng biết cách sống đó chứ.
Thứ tư, ngày ba, tháng sáu, năm 2009 Có lần tôi đã đề cập đến chuyện viết ở nhà hay ở một nơi nào đó không phải là nhà? Viết văn kiểu VN thì rõ là không phải là một nghề rồi, nên đâu có một nơi chốn để đi đi về về như một chị làm công chức như tôi, năm ngày một tuần, mỗi ngày tám tiếng (chưa kể hiện nay mỗi tuần 23 tiếng làm ở thư viện!). Nhưng ai đã cho chuyện viết lách của mình là quan trọng thì phải tìm cho mình một nơi nào thích hợp để có thể viết được, mà không bị quấy rầy vì những chuyện lặt vặt thường ngày, như đống chén phải rửa (chắc là vấn đề của những cây viết nữ), như những cú phôn reng phải trả lời, như cái hộp điện thư cứ vô ra mở đọc và trả lời, như mấy cái trang báo điện tử hay diễn đàn, cứ mải mê dạo (tôi có chút “trách nhiệm“ với ĐT và PNV). Đó là chưa kể…bận rộn vì…chồng con! Phải mò ra quán cà phê. Ngồi viết ở đó. Như Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir có quán La Coupole; Hemingway và Fitzgerald có Harry’s Bar; Voltaire, Rousseau và Diderot có Le Procope; J.K. Rowling có Nicholson’s ở Edinburgh, nơi cô đã nghĩ ra nhân vật nổi tiếng cả thế giới Harry Potter; trong phần tiểu sử của cô, có nhiều cuốn sách ghi là thuở đó nghèo, ăn trợ cấp xã hội, nhà không có sưởi nên cô phải mang con nhỏ vào quán cà phê, vừa trốn lạnh vừa để viết lách; bây giờ thì tỉ phú, giàu quá trời. Có nhiều nhà văn nhà thơ đã phải mướn một căn phòng, để mỗi ngày đều đặn vào đó, giam mình trong đó, chỉ để viết. Có người lại cần cái không khí thích hợp mới có cảm hứng viết được. Nhà văn Lý Lan tuy lấy chồng Mỹ có nhà cửa ở Mỹ mà chọn ở hẳn bên VN để viết, vì cô bảo phải ở ngay giữa không khí VN, thì cô mới viết văn được. Cô ở cùng tiểu bang Washington của tôi-không phải Washington của các chị KNM- thành phố nhỏ mang tên Bellingham, thỉnh thoảng tôi lại thắc mắc không biết cô có thường nhớ tới vườn rau của nhà cô ở bên Mỹ không? Tôi không uống cà phê nên không ra ngồi viết ở quán cà phê, dù có dạo tôi cũng mê cái không khí của những quán Starbucks lắm, nghĩ vừa viết vừa nhâm nhi ly mocha ở trong quán đó, thấy cũng hay hay (người ta sẽ biết ngay mình là …nhà văn, hihi). À, tôi không còn giữ mớ cổ phần Starbucks nữa, bán lâu lắm rồi, nên ai đó đừng lo cho tôi là bị mất tiền vì Starbucks xuống giá quá, nha.
Thứ hai, ngày tám, tháng sáu, năm 2009 Trời nắng đẹp 73 độ - nắng dìu dịu cỡ này dân chơi quần vợt hẳn là thích lắm. Có những ngày tôi lái xe thẳng tới sở, và những ngày đó thì rời nhà trễ hơn. Hôm nào đi xe buýt thì sáng 6:15 phải ra khỏi nhà rồi. Đi xe buýt thì tha hồ nghĩ ngợi, “viết truyện”. Lái xe thì dạo này tự nhủ là đừng “viết truyện” khi đang lái nữa, phải tập trung đầu óc mà lái, tại mỗi ngày mỗi lớn tuổi, mình không thể nào làm nhiều việc cùng một lúc nữa, lớn tuổi thì phản ứng chậm (tôi nghĩ vậy).
|