MAI LỆ HUYỀN
Tiếng hát búp bê bằng lửa còn mãi trong niềm nhớ
Trần Quốc Bảo
"Và cũng chính những tác giả Lệ Đá, Lạnh Lùng... đã đặt cho cô một cái tên, mà danh hiệu này đã trở thành một hiện tượng thành công sáng chói nhất đầu thập niên 70 kéo dài mãi cho đến nay tại hải ngoại, hào quang tên tuổi đó vẫn còn lấp lánh rực rỡ trên 3 chữ nạm vàng: MAI LỆ HUYỀN"
Đầu thập niên 60, trường trung học Bình Long (tỉnh Bình Long) có dịp tổ chức một buổi ca nhạc gây quỹ từ thiện rất quy mô rầm rộ chưa từng có, và điều đặc biệt nhất, là nhà trường đã mời được Tân Dân Nam - 1 ban văn nghệ nổi tiếng từ Sài Gòn xuống. Ban này đảm trách bởi những nghệ sĩ tên tuổi Anh Lân, Tuý Phượng v.v... Đáng lý, hôm đó Tân Dân Nam còn có sự hiện diện của nữ hoàng Yến Vỹ, nhưng người ca sĩ này bị bịnh đột ngột không xuất hiện, nên trong phần văn nghệ, Tân Dân Nam cần có thêm sự hổ trợ của những tiếng hát hay từ các học sinh nhà trường. Ban văn nghệ trường Bình Long vui vẻ nhận lời ngay và cử 1 cô học trò vừa đoạt giải Tiếng Hát Hay Nhất của trường là Nguyễn Thu Cúc ra hát trong đêm này.
Đêm văn nghệ như dự đoán đã tràn ngập không còn một chỗ đứng cho các phụ huynh, học sinh đến trễ. Ban Tân Dân Nam lúc bấy giờ quy tụ toàn nhạc sĩ tên tuổi như Trần Trịnh (accordion, piano ...), Đinh Việt Lang (guitar) ... đã gây sôi nổi ngay từ phút đầu tiên mở màn. Những tràng pháo tay càng nổ lớn ròn rã hơn khi người giới thiệu chương trình xướng tên cô ca sĩ học trò mang tên Nguyễn Thu Cúc. Cô bé có 2 giòng máu Việt Lào, nước da bánh mật đen đen nên thường bị bạn bè và thầy giáo lúc bấy giờ thường chọc ghẹo là Cúc "noir". Bài hát đầu tiên là Duyên Quê - 1 bản nhạc trữ tình của Hoàng Thi Thơ, ca khúc mà Cúc đã đoạt giải nhất văn nghệ mấy tuần vừa qua do nhà trường tổ chức. Bài này do Cúc trình bày đã tạo một ấn tượng dễ thương cho ban Tân Dân Nam, nhưng phải đợi tới ca khúc thứ 2 là một ca khúc Twist thật sống động của NS Khánh Băng, cô ca sĩ học trò tên Cúc mới có dịp làm NS Trần Trịnh, Đinh Việt Lang đi từ ngạc nhiên này đến say mê khác.
Sau khi học hết bậc Trung học, Cúc quyết định về Gia Định để học tiếp và lúc này cô bé may mắn được sự hướng dẫn của các nhạc sĩ Trần Trịnh, Đinh Việt Lang cũng là các người thầy dìu dắt cô ngay từ những bước đầu tiên. Và cũng chính những tác giả Lệ Đá, Lạnh Lùng đã đặt cho cô 1 cái tên, mà danh hiệu này đã trở thành một hiện tượng thành công sáng chói nhất đầu thập niên 70 kéo dài mãi cho đến nay tại hải ngoại, hào quang tên tuổi đó vẫn còn lấp lánh rực rỡ trên 3 chữ nạm vàng: Mai Lệ Huyền.
Về Gia Định, vừa đi học, vừa có dịp trau dồi thêm về ca hát, lại có may mắn được thầy Trần Trịnh hướng dẫn và giới thiệu khắp nơi, chẳng bao lâu Mai Lệ Huyền trở thành một cái tên khá quen thuộc ở tại vũ trường Melody, nơi cô hát đầu tiên khi bước chân vào nghề này. Sau đó, Mai Lệ Huyền càng lúc càng được chú ý nhiều hơn khi được mời trình diễn tại các Club Mỹ với các ban nhạc lừng lẫy như ban nhạc Huỳnh Háo, Huỳnh Anh, Taming Piano, thầy Xuân, Đoàn Châu Nhi (guitar), Anh Trổ, Anh Hạnh... Cô cũng từng nhiều lần với nhạc sĩ Trần Văn Trạch hát chung với Khánh Hà, Elvis Phương trong các Club Mỹ... Sau biến cố Mậu Thân 68 bước qua đầu 69, phong trào ca nhạc vũ trường phòng trà SG tương đối đã dần khởi sắc trở lại... và lúc này tên tuổi của Mai Lệ Huyền đã bắt đầu đi vào một quỹ đạo nổi tiếng đầy sức thu hút lạ thường. Y Vân (tác giả của nhiều bài hát được ưa thích lúc bấy giờ như Ảo Ảnh, Lòng Mẹ, Thôi... ) thấy lối trình diễn của cô "bạo" quá nên vội vàng mời Mai Lệ Huyền thu dĩa ngay và còn sáng tác nhiều bài hát theo thể điệu nhạc giựt để cô trình bày. Phong trào nhạc Agogo, Twist tại Sài Gòn bước vào giai đoạn "cao điểm" sau khi nhóm Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh & Nhật Ngân) tung ra ca khúc Gặp Nhau Trên Phố do Mai Lệ Huyền hát cặp với Hùng Cường, 1 ngôi sao sáng chói và ăn khách nhất bên phía Nam lúc bấy giờ. Bài hát này sau khi được ban nhạc Trần Trịnh hoà âm và cho hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu thu và tung ra ngoài thị trường kèm theo là hàng chục ngàn bản nhạc rời với hình bìa thật sexy khiêu gợi của MLH đã được nhiều người tiêu thụ nhanh như chớp. Sau Gặp Nhau Trên Phố, nhóm Trịnh Lâm Ngân viết 1 loạt tương tự khác như Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, Mắt Xanh Con Gái, Làm Quen Với Lính... đều trở thành những bài ca phổ biến nhất Sài Gòn đầu thập niên 70. Ngoài nhóm này, nhiều nhạc sĩ khác như Khánh Băng, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Tuấn Lê, Giao Tiên... cũng sáng tác nhiều ca khúc như Say, Lính Dù Trên Điểm, Người Lính Chung Tình, Ghét Anh Lắm, Thiên Duyên Tiền Định, Túp Lều Lý Tưởng, Xây Nhà Bên Suối, Hờn Anh Giận Em... dành riêng cho cặp sóng thần bốc lửa Hùng Cường & Mai Lệ Huyền cũng đã tạo được nhiều thành công như ý. Nên nhắc thêm, với những ca khúc trên... đôi song ca này đã trở thành những dấu ấn yêu thương tròng lòng hàng triệu người lính khắp nơi. Hùng Cường trình diễn phải mặc quần áo Treilli mới thật là một Hùng Cường oai hùng bên cạnh một cô búp bê bằng... lửa. Không gọi là "lửa" sao được, với một Mai Lệ Huyền quá ư là sexy, bộ ngực thì úp úp hở hở, còn bộ mini jupe thì được may sát mông đầy quyến rũ khiêu khích. Nhiều tờ báo lớn ở Sài gòn từng gọi Hùng Cường và Mai Lệ Huyền là cặp "đệ nhất sóng thần" chuyên "móc mắt", "bức tóc"... có thể tạo nhiều cơn "cháy" khắp nơi. Mai Lệ Huyền nóng bỏng đến nỗi, khi cô nhận lời các nghệ sĩ đàn anh đồng nghiệp như Nhật Trường, Duy Khánh, Hùng Cường... đến hát tại các tiểu đoàn đóng quân ở các tiền đồn xa xôi, Nhật Trường phải nhiều lần đứng "bảo vệ" cô em bé nhỏ đang được hàng trăm anh lính chen lấn ủng hộ. Điều đó cũng rất dễ hiểu cho những người lính xa nhà lâu năm. Sự chen lấn để mong được gần người ca sĩ này như tấm lòng ái mộ nhiệt liệt dành đến Mai Lệ Huyền khi họ trước đây chỉ được nghe tiếng hát cô qua làn sóng điện hay chỉ được nhìn thấy người ca sĩ trẻ thần tượng này trên đài truyền hình, và nay được dịp nhìn Mai Lệ Huyền bằng xương bằng thịt... thì chỉ có thánh mới có thể đứng yên như tượng được. Sự yêu chuộng của Lính dành cho cô đến nỗi tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ngày xưa còn nói: "Lính mà chưa biết Mai Lệ Huyền thì chưa thực sự là ... lính". Câu nói dí dỏm đó một phần cho thấy người ca sĩ này đã là một "thần tượng", một "hiện tượng" của hàng triệu quân nhân miền Nam lúc bấy giờ nói riêng và của giới yêu nhạc ở miền Nam nói chung. Sự gần gũi và yêu mến Lính của cô đến nỗi, Mai Lệ Huyền từng được một vài binh chủng thân ái gọi cô là "hạ sĩ nhất danh dự".
Lúc này sự nghiệp danh vọng của Mai Lệ Huyền đã lên tới đỉnh cao chót vót chạm mây. Cô "thầu" Đệ Nhất Khách Sạn để làm nơi trình diễn ca nhạc hàng đêm với các nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Tuyền, Phương Dung, Carol Kim, Giao Linh, Phương Hồng Quế, Ngọc Hiếu, Mai Ly, đoàn vũ Ánh Tuyết, đoàn vũ Lưu Hồng, Ngọc Phu (điều khiển chương trình) dĩ nhiên là với ban nhạc lẫy lừng Trần Trịnh đóng trụ. Tại đây, cũng là nơi ca sĩ Jeannie Mai được nhiều người bắt đầu biết đến. Và cũng chính Thái Châu một lần tâm sự với người viết, cuộc đời ca hát của anh trong những ngày mon men khởi đầu (trước khi được NS Ngọc Chánh biết tới) Thái Châu cũng đã may mắn được Mai Lệ Huyền mời về cộng tác với Đệ Nhất Khách Sạn.
Lo xong việc vũ trường về đến nhà cũng đã quá khuya. Nhưng đó cũng là thời điểm Mai Lệ Huyền bắt đầu cho một công việc khác là "thu băng" mà trong ngày không có đủ thì giờ để làm. Cô thu rất nhiều hãng băng nhạc lúc bấy giờ như Việt Nam, Shotguns, Sóng Nhạc, Continental, Thanh Thúy, Thương Ca, Hoàng Thi Thơ, Trường Hải, Nhã Ca, Hoạ Mi... v.v...
Ngoài việc đi hát cho các vũ trường, thu băng liên tục mỗi ngày như thế... nhiều người còn biết đến những tài năng đa dạng khác của MLH như đóng kịch, đóng phim v.v... Khuôn mặt xinh đẹp "mi nhon" của cô đã được các hãng phim chú ý và mời mọc, từ đó MLH cũng dần dần trở nên 1 tài tử quen thuộc sau các bộ phim Gác Chuông Nhà Thờ, Mãnh Lực Đồng Tiền, Nhà Tôi, Còn Gì Cho Nhau... hoặc trong các vở kịch lớn của các đại ban trên ti vi như Thẩm Thuý Hằng, Kim Cương, 45 Phút Vui La Thoại Tân, Mai Lệ Huyền's show...
Ngày 27/04/75, Mai Lệ Huyền và một số nghệ sĩ khác vào Đài Truyền Hình để quay một số bài hát cho Đài, nhưng CS lúc bấy giờ đã đến gần sát thủ đô SG. Trong giai đoạn khẩn trương khói lửa mù trời, Mai Lệ Huyền chỉ còn kịp về nhà cùng với người em ruột chạy tới Toà Đại Sứ Mỹ để tìm đường ra đi với bộ quần áo duy nhất trên người. Nhờ quen biết thân tình, Mai Lệ Huyền đã lên được chuyến tàu bỏ nước trong 1 đêm mưa 29/4/75, một cơn mưa tầm tã nhất chưa từng có ở Sài gòn.
Chuyến tàu bỏ nước lênh đênh trên biển trong bão lệ sụt sùi của gần mấy ngàn trái tim tan vỡ tha hương. Chưa bao giờ bài ca Exodus ý nghĩa và cay đắng như bây giờ. Hàng ngàn người úp mặt vào lòng bàn tay để không muốn nhìn thấy những thảm cảnh trước mắt là hiện thực. Xa xa, chiếc máy cassette nhỏ của ai còn vang những lời nhạc buồn của người nhạc sĩ họ Trịnh: "Chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên con rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày... ". Con tàu lạnh lùng trôi đi giữa màn đêm tăm tối. Mưa lạnh ngoài trời. Lệ buốt trong lòng. Ôi những con thuyền, ôi những tâm hồn không bến, sẽ trôi về đâu ngày mai. Nhiều nhân chứng trong chuyến tàu này kể lại về những thảm cảnh giành giật nhau từng chỗ đứng, chỗ ngồi đến nỗi có nhiều người phải rớt xuống lòng biển cả mà không thể nào quay lại vớt. Tàu đầy ngập người đến nỗi không ai dám rời một bước vì sợ mất đi chỗ ngồi của mình. MLH kể rằng, cô nghe người ta nói có Khánh Ly ở đầu tàu, nhưng cô lại ở phía sau, không có cách nào lên đó để gặp bạn được. Chuyến tàu đông nghẹt người đến nỗi, là chính cô cũng không đếm được con tàu này chứa được 5 ngàn hay 10 ngàn người. MLH còn cho biết rằng, người phát lương thực và nước uống đi từ đầu tàu phía kia muốn đi phát hết cuối tàu bên này, thì phải đi từ sáng đến chiều mới tương đối gọi là phát đầy đủ.
Rồi tàu đến được Wake, rồi Guam... bắt đầu một cuộc đời mới đầy xa lạ bỡ ngỡ cho những kẻ rời quê bỏ nước. Từ những cứ điểm này, hàng ngàn người lưu vong bị chia tứ tán làm nhiều hướng như những nhánh sông phiêu bạt. Kẻ về Cali, người đến Houston... còn Mai Lệ Huyền cùng một số khác tới 1 khu trại dành cho người ti nạn ở Arkansas. Ở đây, cô tìm ra được một số bạn nghệ sĩ cũ như Kim Xuân, Kim Thu (vũ công đoàn Maxim HTT), Sơn Ca... Ở trong trại khoảng 10 ngày, cô em ký giấy tờ bảo lãnh hai chị em Mai Lệ Huyền về định cư ở Washington DC. Lúc này, tương đối tâm hồn cô đã lắng đọng phần nào sau những cơn giông tố của cuộc đổi đời. Sau đó, Mai Lệ Huyền tìm lại được những mối liên lạc với các bạn bè, đồng nghiệp cũ như Hoàng Thi Thơ, Kiều Chinh, Ng. Năng Tế, Huỳnh Anh... và từ đó tất cả tìm cách kéo về Cali, mảnh đất hứa cho những con chim Việt xa tổ xa bầy tụ lại.
Trong trí nhớ khô cạn về những kỷ niệm tuổi thơ, tôi chỉ còn nhớ mình mê tiếng hát ca sĩ Mai Lệ Huyền đến nỗi trong 1 buổi văn nghệ ca nhạc liên hoan ngoài trời tại Lassan Mossard (Thủ Đức) năm 1971, 1972... tôi được đại diện trong lớp để có một tiết mục đơn ca. Bài hát tôi còn nhớ như in là bài "Hát Làm Quen" mà tôi đã thuộc từng chữ từng lời do Mai Lệ Huyền hát trên truyền hình vài tuần trước. Ảnh hưởng của cô rất mãnh liệt không phải chỉ cho một mình tôi, mà hầu như cho một số giới trẻ Sài gòn lúc bấy giờ. Một đôi song ca mầm non khác ở Sài gòn lúc bấy giờ cũng trở thành "thần tượng nhỏ" của tôi là Chí Hùng - Ngọc Hoa cũng nhờ vào lối bắt chước trình diễn và bài bản y hệt của Hùng Cường và Mai Lệ Huyền. Tôi ái mộ cô đến nỗi sau này khi cô rời VN, khoảng năm 1976, tôi vẫn còn đi ngang qua con hẻm nhỏ Nguyễn Huỳnh Đức (Phú Nhuận) để mong được làm quen với Lệ Trinh nhằm hỏi tin tức về cô nhưng ít khi nào được gặp (Lệ Trinh là con gái của MLH lúc đó đang sống với bà nội). Nhưng dù cô đã đi xa rồi, tôi vẫn mong có một ngày nào đó, mình sẽ gặp lại được một Mai Lệ Huyền bằng xương bằng thịt, để soi dấu một lối xưa tuổi nhỏ kỷ niệm mà tôi từng được xem cô và Hùng Cường trình diễn một vài lần tại rạp Quốc Thanh. Vậy mà ước mơ đó, mãi đến 15 năm sau, tôi không ngờ mới thành sự thật.
Hè 1985, tôi được anh LQB mời lo tổ chức một buổi văn nghệ lớn lao sẽ được tổ thức thật quy mô ở Pendleton, nhằm đánh dấu kỷ niệm 10 năm xa trại. Pendleton là những mái lều kỷ niệm gần như đầu tiên cho hàng chục ngàn người tị nạn, và vì thế không ai ngạc nhiên lắm khi buổi tổ chức đầu tiên này đã thành công mỹ mãn khi nghe đâu có trên 20 ngàn người đã đổ về tham dự. Chưa bao giờ có một buổi hội ngộ người Việt vĩ đại như vậy tại hải ngoại. Hầu hết là những người từng ở Pendleton, nay muốn tìm xem những góc cũ ngày nào mà họ đã ở cùng từng gia đình ăn ngủ tại đó mấy tháng trời. Có người không khỏi rưng rưng lệ khi nói với bạn bè "đây là chỗ cái lều tôi ở 10 năm trước", "kia là chỗ ngày trước tụi mình xếp hàng đi nhận cơm, ông còn nhớ không?". Thật lòng, thì đây là buổi hội ngộ người Việt đông đảo và cảm động nhất mà tôi chưa hề thấy trước đó. Riêng về buổi văn nghệ, thì tôi còn nhớ... phía ban nhạc tôi đã mời được nhạc sĩ Anh Tài, Quốc Sĩ... Phần nghệ sĩ thì có sự yểm trợ của các tên tuổi như Thanh Thúy, Nam Lộc, Việt Hùng, Paolo, Mai Ngọc Khánh, Bé Nguyễn, Hoàng Yến, Rick Murphy... và đặc biệt có sự nhận lời của Mai Lệ Huyền. Trong phone, tôi ân cần mời cô, mặc dù Mai Lệ Huyền chưa biết người nói chuyện bên kia là ai. Cô nhận lời, có lẽ vì những lời tha thiết khẩn khoản của tôi, và một phần khác là cô đang sống ở San Diego, tới trại Pendleton chỉ trong 5, 10 phút. Lần trình diễn đó, cái gì cũng tuyệt vời ngoại trừ phần âm thanh... hoàn toàn là loại âm thanh của trại lính đọc trên loa, tiếng còn tiếng mất. Vậy mà, bạn có tin rằng, cái vòng tròn đứng ngồi của trên dưới 20 ngàn người giữa trời nắng chói chang tháng 5 mùa Hè thật xúc động tình đồng hương biết bao. Không một người nào rời bước và liên tục vỗ tay tán thưởng reo hò cho từng tiết mục. Tôi còn nhớ, sau khi Thanh Thúy trình diễn bài Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên nhiều người bùi ngùi mắt hoen đỏ nhạt nhoà và nói chẳng thành lời... thì tôi đã cố gắng ra sân khấu để thay đổi không khí bằng cách giới thiệu một Mai Lệ Huyền thật "bốc lửa" trong một bộ đồ da màu đỏ chói chan. Thế là sau nỗi buồn mang mác, bà con thiên hạ lại vỗ tay rầm trời cho ca khúc "Anh Lính Đa Tình"... do Mai Lệ Huyền lắc qua lắc lại và quay tròn như cái bông vụ. Dù âm thanh tệ hại tối đa, tiếng còn tiếng mất, chưa kể phần còn bị tan loãng giữa một diện tích rộng lớn mênh mông, nhưng hàng ngàn tràng pháo tay đã nối tiếp nhau không ngừng để tán thưởng người đẹp rực lửa mùa hè này.
Rồi sau đó, Mai Lệ Huyền về sống ở Quận Cam, thỉnh thoảng góp tình góp bài trong tờ báo TGNS, hai chị em càng lúc càng thân thiết. Những buổi ăn trưa thứ ba hàng tuần cùng với hai người đẹp Kathy Huệ (Bích Thu Vân), Diễm Phúc (chủ nhiệm báo Diễm) tự nhiên trở thành một thông lệ... cho đến khi Mai Lệ Huyền đổi nhà đi xa hơn cũng như bận rộn công việc gia đình nên chúng tôi ít còn có dịp gặp gỡ như ngày trước.
Chủ Nhật 16/01/2000, tôi nhận lời đứng ra tổ chức một đêm ra mắt cuốn CD mới nhất của chị tại Ritz. Nói đúng hơn, đây là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên do chính MLH thực hiện. Từ chọn bài, tìm phòng thu, mướn nhạc sĩ hoà âm... đều 1 mình chị. Cái gì thì cũng trôi xuôi trót lọt, chỉ có 1 kỷ niệm kinh hoàng mà tôi vẫn luôn luôn nhớ vào khoảng thời gian này. Bìa CD đã in xong, vé đêm ra mắt đã bán gần hết... mà cuốn CD vẫn chưa được thu dù Chí Tài đã hoàn tất phần hoà âm từ mấy ngày trước. Lý do rất "tếu" là thời gian này rơi vào cuối năm, lễ lạc tưng bừng, người đẹp MLH nhận một lúc 6,7 show... Đi hát ở Canada tuyết rơi lạnh lẽo về tới quận nhà thì ngất ngư đổ bệnh, cô không còn cất tiếng nổi. May mà được sự chăm sóc của các bác sĩ rất tận tình, cũng như của Chí Tài, CD "Sài Gòn Cô Tiên Năm 2000" đã được hoàn tất vừa ý trong nỗi lo sợ muốn "đứt tim" của tôi.
Vài hàng ngắn ngủi về cuộc đời và sự nghiệp của người ca sĩ nổi tiếng này chỉ trong một vài trang giấy quả là còn rất nhiều thiết sót... nhưng dù sao, nó cũng đủ là những cơn gió mùa thu nồng nàn ru người nằm trên chiếc võng trưa buồn ngược dòng đời hoài niệm. Tất cả có thể sẽ qua đi, sẽ biến mất... ngoại trừ những tác phẩm và những tiếng hát đã một thời dâng hiến cho đời những ngọt ngào quá khứ, những mộng mơ thanh xuân. Trong đó, có hình bóng lắc lư, có giọng ca bốc cháy của cô bé búp bê xinh đẹp duyên dáng nhưng bằng "lửa" mang tên Mai Lệ Huyền.
Trần Quốc Bảo