Ngày thứ tưHôm nay là ngày trọng đại, ngày đi xem Vatican, một lý do khiến tôi trở lại Rome. Nhóm đã đặt tour từ lúc còn ở Mỹ. 8:30 tua gai tới tận nhà. Gracia một phụ nữ Ý, từng học đại học ở Mỹ; ngành của chị là nghệ thuật. Nay trở về Ý, làm huớng dẫn viên du lịch cho du khách từ Mỹ tới thì hợp quá rồi. Cũng ghi nhận là Rick Steves cũng từng học Art. Ai học Art Tây phuơng cũng đều ao uớc đuợc tới Âu châu, nhất là Ý khi nghiên cứu về điêu khắc, hội hoạ thời Phục Hưng. Trong truyện Love Story của Erich Segal, Jennifer học Art cũng từng mơ ước được đi Âu châu du học nhưng vì mắc lấy chồng mà lỡ dịp và sau đó bị bệnh và chết.
Chị Gracia đưa chúng tôi tới thành phố Vatican theo đường khác với lộ trình mà ngày đầu chúng tôi đã đi. Đi đường này chị có dịp giới thiệu một tiệm bánh ngọt và cà phê ngon mà rẻ. Sau đó là cái chợ giống như chợ Bến Thành và tôi vui mừng khi thấy có bán bánh mì kiểu kẹp thịt rất tiện cho du khách bình dân mua mang theo. Tôi dự tính thỉnh thoảng nên chơi kiểu đó. Tôi hợp với loại hình bánh mì sandwich vì vừa rẻ hơn vô restorante, vừa tiện vì nhanh, dành thì giờ đi thăm cảnh cho nhiều. Với tôi, ăn uống không phải là điểm chánh yếu trong cuộc đi du lịch; ăn pasta hoài cũng thấy ngán rồi!
Thấy du khách đứng xếp hàng chờ mua vé vô cửa Bảo tàng Vatican mà phát ngán. Nhờ đặt truớc nên chúng tôi đi theo chị Gracia và thắng tiến vào cửa. Rick Steves bảo là thuờng phải chờ hai tiếng đồng hồ nếu bạn không đặt vé truớc. Tôi đã không đọc phần viếng thăm Vatican trong sách của RS, vì hoàn toàn đặt tin tuởng vào huớng dẫn viên. Đó cũng không phải là điều hay đâu, huớng dẫn viên có cái "gu" của họ, ta có cái "gu" của ta. Làm sao giao phó đời mình cho nguời khác! Chị Gracia dành rất nhiều thời giờ để giải thích về lịch sử Vatican và các điều cần biết về các tác phẩm nổi bật ở đây. Trong khi thực tình tôi thích đi loăng quăng chụp hình hơn. Kiến thức về Vatican và các tác phẩm điêu khắc, hội hoạ, ta có thể tìm thấy ở vô số các tài liệu trong thư viện, trên Net, trong các chuơng trình truyền hình; còn cây cối, hoa lá, tuợng đài nằm ở trong khuôn viên Vatican cần ngắm lắm chớ mà chị thì cứ dắt chúng tôi đi thẳng vào các phòng, làm tôi thấy thất vọng hết sức!
Dòng nguời đông như nuớc, chúng tôi cứ theo mà đi lũ luợt vào các phòng ốc để ngắm các tác phẩm của viện Bảo tàng thuộc hàng danh giá nhất thế giới. Nhưng tâm trí của tôi còn phải lo lạc mất nhóm, phải đi theo sự huớng dẫn của chị Gracia nên thực sự là không thuởng ngoạn đuợc như ý. Đi xem bảo tàng với tôi là phải đi một mình; đi theo nhóm thì phải gọi là đi cho có đi, chớ sự thẩm thấu không đuợc bao nhiêu. Và tới lúc phải đi vào điểm nổi bất nhất trong chương trình viếng thăm là Sistine Chapel là mọi nguời cứ bị cuốn đi ào ào, bỏ qua rất nhiều phòng ốc. Tôi hoàn toàn quên lửng là truớc đây khi xem một tác phẩm Việt ở viện Bảo tàng Bowers ở Santa Ana muợn từ Bảo tàng Vatican, tôi đinh ninh là ở Vatican chắc hẳn còn nhiều tác phẩm từ Việt Nam có ở đó. Nên đây là dịp quý giá để tìm ngắm các tác phẩm Việt Nam mình. Nhưng thần trí lúc này không còn nhớ gì nữa; chỉ lo đi vì chung quanh đông quá là đông. Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng quát tháo của một gã đàn ông đang sừng sộ với chị Garcia, không biết chị làm gì. Hết hồn vì nghĩ sắp có đánh nhau, thì chị Gracia hiền hậu lặng thinh. Sau đó, chị phân bua là gã này chắc là dân miền Nam, hoặc gã mới bị vợ chửi tối hôm qua, nên thái độ mới hung hãn như vậy! Hoá ra dân miền Nam nuớc Ý có tiếng là tánh tình sân si như thế.
Ở viện bảo tàng thì mọi nguời đuợc chụp ảnh không flash, nhưng vào Sistine Chapel thì không đuợc chụp hình gì cả. Vì là nhà thờ nên ai mặc quần ngắn, áo hở vai đều bị ngăn lại. Các nguời đó lục tục lấy khăn quàng ra quấn lại. Không rõ nguời nào quên mang theo khăn quàng thì phải giải quyết ra sao, vì lúc đó không có các tay bán dạo chào mời khăn quàng như ở các nhà thờ khác. Chị Gracia dặn kỹ luỡng là chị không vào theo, mà đợi chúng tôi ở hàng ngăn cuối nhà thờ (dù tôi thấy cũng còn nằm trong nhà thờ). Vào Chapel, mọi nguời nguớc lên trần nhà, ngắm tác phẩm độc đáo của Michelangelo. Theo tôi, ngắm một tác phẩm nghệ thuật mà phải nguớc cổ lên trong khi chung quanh mình toàn nguời là nguời chen nhau một chỗ đứng thì khó mà thuởng thức đuợc. Nghĩa là rốt cuộc thì cũng là coi cho có vậy thôi; để "an lòng" là mình đã từng vào ngắm Sistine Chapel. Có biết bao chuyến du lịch đã thành tựu như vậy? Và rộng ra, có biết bao chuyện trên đời này đã từng đuợc kinh qua như vậy, chỉ để an lòng mình và hãnh diện với nguời là ta đã từng Có cái này, Có cái nọ, làm như Sở Hữu, Trải Nghiệm một cảnh của đời sống, nhất là những thứ mọi nguời đều ca tụng, là một điều cần phải trải qua, không thì tiếc hùi hụi, xấu hổ như thất bại, thua cuộc, là một loser ....
Bảo tàng Louvre ở Pháp hay Victoria & Albert ở Anh đều có website và có hết các sưu tập của họ; còn bảo tàng ở Vatican có hay không thì tôi chưa biết. Nếu có thì quá tốt, ta khỏi phải mày mò lo chụp hình cho mất thì giờ.
Rồi cũng theo một ngõ tắt, mà RS có nêu rõ trong sách, chúng tôi đi vào Vuơng cung thánh đường St Peter. Tôi chỉ mới biết khi sau này đọc lại RS, rằng như vậy nghĩa là ta buộc phải bỏ phần vào viếng Pinecoteca. Như vậy tiện hơn là đi trở ra bằng lối vào hồi nãy, rồi đi bộ dọc theo tuờng thành Vatican để vào Thánh đuờng St Peter tốn thêm 30 phút đi bộ. Bây giờ đọc lại RS, tôi thấy ông ta chỉ dẫn rất chi tiết, tỉ mỉ, kèm theo các "mánh lới" để thăm viếng cho tiện lợi mà ít thấy các sách khác đề cập. Theo tôi, nếu đi thăm thì nên mua hẳn một cuốn, đừng muợn ở thư viện vì không đuợc chú thích, gạch duới, tô màu các chi tiết trong sách. Các ghi chú, highlight này giúp ta tiện lợi mở sách ra là thấy liền, khỏi dò tìm mất thì giờ lắm!
Vuơng cung thánh đuờng St Peter là nhà thờ Công giáo lớn nhất thế giới. Ai nấy cũng hân hoan thuởng ngoạn. Tôi cũng mở to mắt và tâm tư mà chiêm ngưỡng một kiến trúc tráng lệ và là niềm ao uớc đuợc chiêm bái của hàng tỷ giáo dân trên khắp địa cầu. Mọi nguời đuợc chụp hình nhưng không đuợc đi lên cung thánh như một số nhà thờ khác. Nơi đây cần một máy ảnh thật tốt; máy của tôi thuộc loại rẻ tiền nên chụp cho có mà thôi, chớ không làm sao ghi lại nét huy hoàng tráng lệ của Thánh đuờng.
Bên trong thánh đuờng St Peter
Rồi thì tới lúc phải đi ra. Đến nơi có bảng ghi ra khỏi nơi đây thì không đuợc quay trở lại nữa, tôi thấy chút bâng khuâng! Vậy là xong, biết có bao giờ trở lại ....Từ lối ra, ngắm toàn cảnh công truờng Thánh Peter, những dãy ghế xếp lớp, dành cho các cuộc hành lễ của Đức Giáo Hoàng vào mỗi thứ tư trong tuần. Muốn đuợc chiêm bái Ngài, hãy nghiên cứu thời khoá biểu truớc khi tới viếng Vatican. Thấy có hai ông lính canh gác đứng cầm giáo nghiêm trang, đội quân bảo vệ Đức Giáo Hoàng nổi tiếng.
Quân canh gác bảo vệ Đức giáo Hoàng
Không quên quay ống kính về phía ống khói của Sistine Chapel, nơi mỗi khi bỏ phiếu bầu Đức giáo hoàng, nguời ta chờ đợi cho một làn khói trắng bốc lên. Nhưng ở cái góc cạnh thấp, tôi không chụp đuợc cái ống khói này cho ra dáng, chỉ có một chỏm tí ti.
Nóc Sistine Chapel, ống khói không thấy đuợc rõ trong hình
Khi ghé vào nhà sách và bán đồ lưu niệm của Thánh đường tôi xin một tờ bản đồ dành cho du khách thăm Rome. Có bản đồ này thật là tiện cho sự viếng thăm sau này, rất tiếc là đã gần lúc rời Rome rồi. Bạn nên lấy bản đồ ở các điểm Tourist Information. Ở Paris ta có dễ dàng ở một số trạm metro; nhưng ở đây tôi thấy khó có hơn (có lẽ nếu ở khách sạn thì dễ có rồi; chúng tôi ở nhà trọ và chủ nhà lại không nhớ giùm cho việc này).
Chị Gracia đưa chúng tôi tới một quán ăn mà chị nói là khá ngon mà lại rẻ. Quán này nằm trên con đường gần tuờng thành Vatican, đuờng đá xưa lổn nhổn; mang giày cao gót điệu đàng thì có khi lọi giò. Trên đuờng tôi thấy có rau sam mọc dại; chắc không ai biết ăn đâu nhỉ.
Sau khi giới thiệu chúng tôi với quán, chị cho biết sẽ trở lại một giờ sau. Không biết có ăn hoa hồng gì với quán không, nhưng sau đó khi trở lại chị đuợc quán bưng ra một ly cà phê miễn phí.