Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages12>
Nguồn gốc các địa danh
PC
#1 Posted : Friday, November 2, 2007 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Tìm hiểu chữ "Cần" trong địa danh Cần Đước
Wednesday, October 31, 2007


nguoiviet





LTS: Bài nghiên cứu “Tìm hiểu chữ 'Cần' trong địa danh Cần Đước” đã được đăng trên blog cá nhân của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh. Nghiên cứu này được viết vào năm 1987. Cao Tự Thanh là nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa, và là một trong những học giả Hán-Nôm, dịch giả Hoa văn uy tín hiện nay tại Việt Nam, ông đã có hơn 10 tác phẩm nghiên cứu về các lĩnh vực này, hơn 40 đầu sách dịch cùng nhiều biên khảo khác.



1. Tìm hiểu truyền thống của một địa phương, không thể không chú ý tới địa danh - tên gọi của địa phương ấy. Trong hầu hết các trường hợp, địa danh là một chứng cứ ngôn ngữ - lịch sử phản ánh nguồn gốc hoặc đặc điểm của địa phương về điều kiện tự nhiên hoặc sinh hoạt kinh tế, dân tộc hoặc tôn giáo, phong tục hoặc tâm lý cư dân... Đối với việc tìm hiểu Đất và Người Cần Đước, điều này lại càng có ý nghĩa vì “Cần Đước” hiện không chỉ là tên gọi của một khu vực địa lý thông thường, mà còn là tên gọi của một khu vực hành chính, có tính chất pháp quy.


2. Phải nói ngay rằng không thể tìm hiểu “Cần Đước” một cách biệt lập với hệ thống các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” như Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Lố, Cần Thơ... Sự ghi chép trong nhiều thư tịch, tài liệu cổ hiện có là bằng chứng về tính hệ thống của các địa danh này: Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1774), Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1820), Địa bộ triều Minh Mạng (1836), Đại Nam Nhất thống chí (khoảng 1865) hầu như đều dùng một chữ Hán thống nhất (thảo đầu + cân) để viết chữ “Cần” trong các địa danh nói trên. Nhiều bản Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc chữ Nôm sưu tầm được trước nay (có câu Đoái sông Cần Giuộc...) hay Lãnh binh Trương Định truyện chữ Hán của Nguyễn Thông (có câu Bùi Quang Diệu bảo Cần Đức - Đước...) cũng viết chữ “Cần” như vậy. Rõ ràng hệ thống địa danh trên đã hình thành từ lâu đời, đồng thời sự lặp lại cùng một chữ “Cần” thống nhất trong nhiều địa danh như vậy còn cho phép nghĩ rằng các địa danh này được cấu tạo theo kiểu kết cấu chính phụ, trong đó “Cần” là yếu tố chính, có ý nghĩa từ vựng độc lập và mang chức năng chỉ định xác định. Những lời giải thích như “Cần Đước” là con cần đước (ba ba) (1) hay “Cần Giờ” là “cân giờ” (đo giờ, tính giờ) nói trại ra (2) ... chỉ là kết quả của một sự suy diễn chủ quan, sai lầm vì không chú ý tới toàn bộ hệ thống chung cũng như tới chữ “Cần” trong một hằng số ý nghĩa từ vựng - chức năng.


3. Nhưng mặc dù nhìn chung được ghi lại trong thư tịch cổ Việt Nam một cách thống nhất, chữ “Cần” (rau cần) ở đây vẫn không có một ý nghĩa từ vựng rõ ràng, thậm chí khi đi với Giờ, Giuộc, Đước, Lố, Thơ... còn trở nên tối nghĩa trong tiếng Việt cũng như tiếng Việt Hán. Hiển nhiên đây là một chữ Nôm dùng ghi âm một tiếng có nguồn gốc ngoài tiếng Việt. Theo chiều hướng này và quan sát các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” trên bản đồ hiện nay, có thể thấy ngay rằng tiếng mà người Việt nói và viết là “Cần” đây không thuộc ngôn ngữ Chăm vùng Nam Trung Bộ đồng thời cũng rất ít có khả năng thuộc các ngôn ngữ Mạ, S'tiêng hay Mnông vùng Đông Nam Bộ. Khả năng duy nhất hợp lý chỉ có thể là nó thuộc ngôn ngữ Khmer vùng Trung và Tây Nam Bộ đồng bằng sông Cửu Long (3).


4. Tuy nhiên, trên một phương hướng hợp lý như vậy, nhiều lời giải thích cụ thể về các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” trên cơ sở tiếng Khmer được đưa ra trước nay vẫn chưa có giá trị thuyết phục - ý nghĩa khẳng định. Trương Vĩnh Ký chẳng hạn, trong Petit cours de Géographie de la Basse Cochinchine (Tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ) xuất bản ở Sài Gòn năm 1875, không rõ căn cứ vào đâu, đã đưa ra một danh sách đối chiếu 187 địa danh Việt - Khmer, trong đó có một số mở đầu bằng chữ “Cần” như Cần Giờ là Srock Kanco, Cần Giuộc là Kantuoc, Cần Đước là Anơơk, Cần Lố là Srock Cahloh... Chưa nói tới lối đổi ngang địa danh một cách đơn giản như vậy dễ tạo ra những ngộ nhận lịch sử về hoạt động của người Việt ở Nam Bộ các thế kỷ trước, lời giải thích này cũng mang tính chất võ đoán, mơ hồ. Chẳng hạn, khó mà hiểu được tại sao Srock Kanco, Kantuoc và Anơơk đều có thể trở thành những địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” trong tiếng Việt như nhau; cũng như việc chuyển từ tiếng Khmer sang tiếng Việt như trên là tuân theo các quy luật ngữ âm hay phiên dịch – đổi ngang về ý nghĩa từ vựng... Về mặt phương pháp, lối tư duy ngôn ngữ ở đây cũng phạm sai lầm giống hệt như trong kiểu giải thích “Cần Đước” là con ba ba, “Cần Giờ” là cân giờ nói trại ra..., nghĩa là đều cố gắng quy mỗi địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” về một từ có trước và mang ý nghĩa cá biệt một cách tùy tiện, chỉ khác nhau ở chỗ một thì hướng về tìm từ ấy trong tiếng Việt, một thì hướng về tìm trong tiếng Khmer. Cho nên cần phải xác định cả phương hướng lẫn phương pháp ngay từ giả thuyết: nếu tìm nguồn gốc chữ “Cần” trong các địa danh nói trên nơi tiếng Khmer, thì phải tìm tới một từ Khmer duy nhất (tương ứng với việc chữ “Cần” được viết khá thống nhất trong thư tịch cổ Việt Nam), đảm bảo được việc chuyển thành chữ “Cần” trong tiếng Việt một cách nhất quán (có ý nghĩa từ vựng độc lập và chức năng xác định, không bị thay đổi trong mọi trường hợp - không có ngoại lệ) và hợp lý (về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ).


5. Trở lại với những ghi chép có liên quan trong thư tịch cổ Việt Nam, có thể tìm được cơ sở cho một giả thuyết về nguồn gốc của chữ “Cần” trong hệ thống địa danh nói trên. Trong Gia Định thành thông chí, Sơn xuyên chí, phần Vĩnh Thanh trấn, Trịnh Hoài Đức có viết về sông Mạt Cần Dưng “hiệp lưu với sông Thoại Hà” và sông Thoại Hà “hiệp lưu với sông Cần Dưng”. Mạt Cần Dưng và Cần Dưng đây chỉ là hai tên gọi của cùng một con sông, con sông này trong Đại Nam Nhất thống chí, Tỉnh An Giang, mục Sơn xuyên chí được ghi bằng một cái tên “Cần Dưng” duy nhất, với chữ “Cần” viết là thảo đầu + cân. Điều đã xảy ra với địa danh Cần Dưng này rõ ràng là sự lặp lại điều đã xảy ra trước đó với các địa danh Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước, Cần Thơ...; tóm lại chữ “Cần” ở đây chính là “Mạt Cần” rụng “Mạt”. Và từ Khmer mà người Việt nói và viết là “Mạt Cần” rồi giản lược thành “Cần” ấy có thể là một từ được đọc là “Mák kék” theo giọng Pali hay “Môkô” theo giọng Khmer), dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “con đường” (4). Hệ thống các địa danh Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước, Cần Thơ... vì vậy rất có thể vốn là Mạt Cần Giờ - đường “Giờ”, Mạt Cần Giuộc - đường “Giuộc”, Mạt Cần Đước - đường “Đước”, Mạt Cần Thơ - đường “Thơ”..., những đường sông ở các thế kỷ trước vẫn là tuyến giao thông chủ yếu của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và tất nhiên phải được ghi lại trước tiên bằng ngôn ngữ của người Khmer với tư cách là cư dân bản địa.


6. Việc xác nhận mức độ chính xác của giả thuyết này tất nhiên còn cần có thời gian cũng như sự nghiên cứu của các ngành khoa học có liên quan, song ít nhất cách hiểu “Cần” vốn là “Mạt Cần” tức “Mák kék” hay “Môkô” - đường (sông) như trên cũng đáp ứng được một số yêu cầu đặt ra đối với việc giải thích các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” hiện có. Trước hết, áp dụng vào tất cả các địa danh này, nó hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh (tiền đề) địa lý - tự nhiên, đồng thời cả ý nghĩa từ vựng lẫn chức năng chỉ định loại hình địa hình “đường (sông)” của chữ “Cần” tức “Mạt Cần” không hề thay đổi. Thứ nữa, từ “Môkô” trong tiếng Khmer hay “Mák kék” trong tiếng Pali chuyển thành “Mạt Cần” trong tiếng Việt chẳng có gì trái với các quy luật ngữ âm, mặt khác từ “Mạt Cần” tới chỗ chỉ còn “Cần” cũng hoàn toàn phù hợp với tập quán giản lược trong lời ăn tiếng nói của người Việt - cần lưu ý rằng “Mạt Cần” đối với họ không có một ý nghĩa từ vựng cụ thể xác định nào nên cũng chẳng có giá trị gì hơn là “Cần”, nhất là khi sau “Cần” còn có Giờ, Giuộc, Đước, Thơ... quá đủ cho số đông trong việc gọi tên một địa điểm hay khu vực. Bên cạnh đó, xét trong bối cảnh việc khai phá đồng bằng sông Cửu Long của người Việt các thế kỷ trước thì sự hiện diện song song của “Cần Giờ” và “Mạt Cần Dưng” trong Gia Định thành thông chí năm 1820 cũng như sự chuyển biến từ “Mạt Cần Dưng” năm 1820 tới “Cần Dưng” trong Đại Nam Nhất thống chí năm 1865 là hoàn toàn hợp lý. Miền Trung Nam Bộ và các khu vực cửa biển, cửa sông... ở Nam Bộ được người Việt khai phá sớm, tỷ lệ và số lượng người Khmer trong cộng đồng cư dân ở những nơi này cũng thấp, địa danh tiếng Khmer bước hẳn vào tiếng Việt trước thì tất nhiên phải được Việt hóa nhanh hơn; còn miền Tây Nam Bộ ở những nơi sâu hơn trong đất liền được người Việt khai phá muộn, tỷ lệ và số lượng người Khmer trong cộng đồng cư dân lại cao, địa danh tiếng Khmer có điều kiện để được bảo lưu trong tiếng nói lâu hơn thì quá trình Việt hóa cũng kéo dài hơn ít nhất là trong thư tịch của người Việt.


7. Nhiều năm qua, các thế hệ người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long đã truyền lại cho nhau sử dụng, nhưng không truyền lại lời giải thích đầy đủ và chính xác về nguồn gốc và nhất là quá trình diễn tiến của hệ thống địa danh mở đầu bằng chữ “Cần”. Địa danh Cần Đước cũng nằm trong tình hình chung ấy. Cho nên, nếu trong tương lai ý nghĩa của chữ “Cần” được làm sáng tỏ, thì ý nghĩa của chữ “Đước” cũng như những “Giờ”, “Giuộc”, “Lố”, “Thơ”... vẫn còn phải được tiếp tục tìm hiểu dài lâu, mặc dù có thể đó chỉ còn là những vấn đề chi tiết. Nhưng nếu quả những người Việt trước kia theo cửa biển Soài Rạp vào đất này thác thổ khai cương đã nhận nơi người Khmer cái tên Mạt Cần Đước với nghĩa đen là đường sông Đước rồi lãng quên, thì đó chủ yếu là vì họ đã biến nó thành Cần Đước với nội dung khác hẳn ý nghĩa ban đầu trong quá trình khai phá dải đất hoang kề cận bờ đông sông Vàm Cỏ này thành ruộng đồng làng mạc. Trong ý nghĩa này, việc một tên sông Khmer trở thành một tên đất Việt Nam, và hơn thế nữa, tên gọi chính thức của một khu vực hành chính như Cần Đước hiện nay thật cũng mang giá trị như một biểu trưng độc đáo, một biểu trưng về công lao to lớn của nhiều thế hệ người Việt trong gần ba trăm năm nay đã đổ mồ hôi, xương máu để góp phần khai phá và giữ gìn vùng đất nước ở phương nam.

***

(1)Về chữ viết, trên nguyên tắc chữ “Cần” trong từ “Cần Đước” (ba ba) phải được viết bằng một chữ Nôm có bộ trùng. Nhưng Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị, Sài Gòn, 1895 - 1896, Tome I, tr. 99 và J. F. M. Génibrel trong Dictionnaire Annanite Francais, Sài Gòn, 1898 (deuxième édition), tr. 71 lại viết là can (trúc đầu + can), nghĩa Việt và âm Nôm là “cần” (cần câu), không chính xác lắm nhưng đều không phải là thảo đầu + cân.


(2) Ban Tuyên giáo huyện Duyên Hải, Truyền thống cách mạng của nhân dân huyện Duyên Hải, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1986, tr. 8
(3) Theo Annuaire génerale de l'Indochine 1907 thì Cần Đước là tên gọi Khmer của xã Tân Ân (nay thuộc huyện Cần Đước “Tân Ân ou Cần Đước: nom cambodgien”.
(4) Theo Hoàng Học, Từ điển Khơme - Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tập II, tr. 1165 thì từ này còn có một nghĩa nữa là “mặt trận” như “mặt trận dân tộc giải phóng”, “mặt trận đoàn kết” nhưng nghĩa này có vẻ hiện đại nên không đề cập tới ở đây.

PC
#2 Posted : Friday, June 6, 2008 6:53:23 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Nhum

Vùng ven biển Phan Thiết (Bình Thuận) được xem là xứ của Cầu Gai (Nhum), do đó có một số địa danh liên hệ đến Nhum như sông Nhum, cầu Nhum, bến Nhum…

http://tvvn.org/tvvn/ind...d=69&p2002_articleid=126
PC
#3 Posted : Tuesday, September 9, 2008 4:50:58 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Sông Hương có tên do công chúa Huyền Trân đặt ra khi bà còn là Hoàng Hậu sủng ái của Chế Mân. Khi xem chồng tắm ở một con suối nước nóng ở Bình Thuận, bà đặt tên suối là Vĩnh Hảo. Đó là hai cái tên mà Huyền Trân công chúa, Hoàng hậu Chiêm thành đã để lại cho hậu thế.

Hùynh Văn Lang
(Đã hơn 30 năm rồi!
VN du ký 2006)
Tác giả xuất bản
Phượng Các
#4 Posted : Wednesday, December 26, 2012 7:27:47 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Điểm đến Kampot là núi Bokor (gọi theo người Việt: núi Tà Lơn) – đỉnh cao nhất trong dãy núi Con Voi (Dâmrei) – nơi từng có một thị trấn kiểu Pháp nằm giữa cảnh đẹp của núi rừng, khí hậu quanh năm mát mẻ. Bokor, tiếng Khmer là cái gù trên lưng con bò, vì hình dáng núi Bokor giống vậy.
http://sgtt.vn/Am-thuc-d...g-tren-xu-Chua-Thap.html
Phượng Các
#5 Posted : Saturday, February 2, 2013 11:32:30 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
nguyên gốc nghĩa chữ Đăk là nước, noong là bầu, nên theo tiếng M’nông thì Đăk Nông nghĩa là “bầu nước” trên cao

Theo sggp
Phượng Các
#6 Posted : Friday, February 15, 2013 9:30:52 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
"Trong lịch sử Hà Nội, trước năm 1900, mảnh đất này vốn là chợ bán cỏ cho ngựa thuộc thôn Tiên Mỹ, huyện Thọ Xương và người Pháp đã chọn để xây dựng nhà ga xe lửa trung tâm phục vụ cho mục đích bóc lột thuộc địa. Năm 1902, ga Hàng Cỏ ra đời gần như đồng thời với việc xây dựng hệ thống đường sắt Việt Nam và cây cầu nổi tiếng Long Biên."

SGGP
Phượng Các
#7 Posted : Friday, July 12, 2013 2:49:47 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Sách Mỹ Tho Xưa (1861-1945) Trong Nam Kỳ Lục Tỉnh, trang 7, của Mặc Nhân TVC ghi: “Mỹ Tho bắt nguồn từ phương ngữ gốc Khờ me như Mê Sor biến thể thành Mỹ và Tho qua người Việt, có nghĩa là xứ có người con gái da trắng, đẹp.”

SGTT
Phượng Các
#8 Posted : Monday, December 16, 2013 9:35:49 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Đường Mã Lộ nằm phía sau chợ Tân Định. Ngày xưa chưa có các loại xe lam, xích lô, ba gác thì phương tiện chủ yếu để người ta đi lại và chuyên chở hàng hóa là xe ngựa. Những chiếc xe thổ mộ lóc cóc từ các vùng ngoại ô Hóc Môn, Bình Chánh, Gò Vấp, Tân Bình… chở người và hàng về chợ bán mua. Sau khi đổ hàng, xuống khách, các xà ích cho xe ngựa tập trung ở một đoạn đường sau chợ để ngựa nghỉ chân, ăn cỏ, uống nước, người tranh thủ chợp mắt hay túm năm tụm ba trò chuyện, chờ chợ tan lại đón người và hàng về. Lâu dần, đoạn đường này được gọi bằng cái tên thân thuộc: Mã Lộ (đường của ngựa).

Theo SGGP
Phượng Các
#9 Posted : Friday, January 10, 2014 12:32:48 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Đa Kao, Đất Hộ, Kê Gà, Chân Mây...
Nguyễn Dư

Hôm ấy bạn bè họp mặt ăn uống. Chuyện nổ như bắp rang. Tôi khoe mình đã từng ba lần đội trời đạp đất trên đỉnh đèo Hải Vân. Một bạn hỏi đèo Hải Vân có gì đặc biệt? Câu hỏi bất ngờ làm tôi cụt hứng. Ừ nhỉ... đèo Hải Vân có gì đặc biệt?
Thú thực là lần nào qua đèo cũng chỉ hồi hộp nhìn xe cộ chơi rồng rắn. Dốc dài và cao. Trên lao xuống, dưới bò lên. Lách ra, táp vào. Còi hét, đèn chớp. Du khách lo sợ bám chặt thành ghế. Đúng là Đi bộ thì sợ Hải Vân.

Rồi xe cũng lên tới đỉnh. An toàn ! Mời bà con nghỉ giải lao.

Chân vừa chạm đất, mắt đã phải lấm lét tìm chỗ để giải quyết... chuyện cấp bách. Nhẹ bụng. Tỉnh trí. Sực nhớ phải tận dụng khoảnh khắc còn lại để thở hít không khí mát mẻ, co duỗi chân tay. Chụp một tấm ảnh kỉ niệm. Vừa tầm bác tài giục mọi người lên xe.

Vậy là biết đèo Hải Vân rồi!

Năm ngoái chúng tôi được anh bạn ở Đà Nẵng rủ đi chơi Huế bằng xe nhà. Tha hồ la cà đó đây. Thích đâu ngừng đấy.

Đường vắng xe. Phần lớn xe khách, xe tải bây giờ thích đi đường hầm chui qua núi. Vừa nhanh chóng vừa an toàn hơn đường dốc.

Lần này mới được ngắm cảnh. Được ngồi trong mây uống cà phê trên đỉnh đèo. Được sờ mó Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Được thấy xóm làng. Được nghe văng vẳng tiếng chuông, mõ.

Lần này xe đi đường nhỏ, uốn lượn men theo vụng biển. Ghé Cảnh Dương ăn trưa. Thưởng thức hải sản tươi sống 100%. Ăn xong, có võng nằm thư giãn.

Cảnh Dương chưa có tên trong chương trình thăm viếng của các tuyến du lịch. Chưa trở thành "bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á". Nhờ vậy mà thiên nhiên nơi đây còn... dễ thương.

Làng chài sinh hoạt lặng lẽ, bình thường. Hàng quán chưa bắt mọi người phải nghe nhạc đinh tai nhức óc. Bãi cát mênh mông, trải dài trước mặt.

- Chỗ núi nhô ra biển kia là Mũi Chân Mây.

Chân Mây ! Nhà thơ nào đã tức cảnh sinh tình, khéo đặt tên cho vùng trời mây non nước ? Chân mây cuối trời. Bóng nước chân mây... Thiên nhiên đẹp, buồn man mác. Chân Mây gợi nhớ xa xôi.

- Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời (Kiều)
- Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai?
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây (Chinh phụ ngâm)

- Chân mây mặt cỏ rầu rầu,
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương! (Trần Tuấn Khải)

Cả năm trời đã trôi qua mà vẫn còn nhớ bữa ăn tại Cảnh Dương. Nhớ Chân Mây thơ mộng. Nhớ quá hoá... tò mò muốn tìm hiểu thêm vùng đất này.
Chân Mây ngày nay thỉnh thoảng được sách báo nhắc đến vì có nhiều tiềm năng kinh tế, du lịch. Thực dân Pháp ngày xưa cũng đã từng để ý đến Chân Mây vì mục đích chiến lược quân sự.

Cho đến cuối đời Tự Đức, nước ta không có địa danh Chân Mây. Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn chỉ có Cảnh Dương, vụng Chu Mãi, núi Chu Mãi, cửa biển Chu Mãi.

Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ vẽ năm 1834, đời Minh Mạng, có ghi tên Cảnh Dương, Chu Mãi bằng chữ Hán. (Chữ Chu, bộ Mộc, nghĩa là màu đỏ. Chữ Mãi, bộ Bối, nghĩa là mua).

Thời nhà Nguyễn, Chu là chữ huý, phải đọc thành Châu. Các giấy tờ, văn bản được nhà vua phê duyệt, đóng dấu màu đỏ, gọi là châu bản (bản được phê bằng màu đỏ). Vì vậy, Chu Mãi đôi khi còn được người địa phương gọi là Châu Mãi.

Từ ngày nước ta bị Pháp cai trị, chữ Hán được thay thế bằng chữ quốc ngữ. Tiếng Việt được người Pháp ghi âm theo cách phát âm của tiếng Pháp. Tiếng Pháp lại được thông ngôn người Việt ghi âm bằng chữ quốc ngữ, theo cách phát âm của người Việt. Ngôn ngữ bất đồng, ghi âm thiếu chính xác, không thống nhất. Ngộ nhận, nhầm lẫn là điều khó tránh.

Năm 1749, Chu Mãi được Pierre Poivre ghi âm thành Chu-mée (đọc là Chu Mê).

Tiếp đến thời kì thực dân Pháp thăm dò vẽ bản đồ vùng đèo Hải Vân để mở đoạn đường bộ Đà Nẵng - Huế. Chu Mãi được Besson và nhiều người khác ghi âm là Choumay (Chu Mai). Vịnh Chu Mãi được Pháp phân biệt thành mũi Chu Mãi Đông và mũi Chu Mãi Tây (cap Est de Choumay và cap Ouest de Choumay).

Tháng 2 năm 1886, bác sĩ Hocquard đi qua Chu Mãi, trên đường từ Huế vào Đà Nẵng. Hocquard cũng ghi âm Chu Mãi là Choumay (Chu Mai).

Năm 1920, Henri Cosserat đưa ra một cách giải thích mới : " Choumay, viết đúng chính tả là Châu Mới. Châu Mới là đất thời người Việt mới đến chiếm đóng " (1).

Philippe Papin cũng ngả theo thuyết của Cosserat, cho rằng mũi Chaumay (Châu Mai) có thể là do Châu Mới mà ra (2). (Hocquard chép là Choumay, Papin đổi thành Chaumay để giải thích).

Nguyễn Đắc Xuân cho biết "người dân địa phương gọi (là) Chu Mới" (3).

Sử chép rằng ngày xưa, vua Chế Mân nước Chiêm Thành đã dâng châu Ô, châu Lí cho vua Trần Nhân Tôn để xin cưới công chúa Huyền Trân. Châu Ô, châu Lí được nhà Trần đổi tên thành châu Thuận và châu Hoá. Ngoài ra, thời nhà Trần không có châu mới nào khác nằm giữa Huế và Đà Nẵng.

Cũng cần nói thêm là chữ Châu (Châu Mãi, bộ Mộc) viết khác chữ Châu (Châu Mới, bộ Xuyên). Đại Nam nhất thống toàn đồ khẳng định là không có Châu Mới hay Chu Mới.

Chu Mãi ban đầu được người Pháp ghi âm khá đúng thành Choumay.

- Âm u ( u mê) của tiếng Việt giống âm ou của tiếng Pháp. (Chu Ân Lai được tiếng Pháp ghi là Chou An Lai).

- Âm ai (em là ai?) của tiếng Việt tương đương với âm aï, gần giống âm ay của tiếng Pháp. Mãi đúng ra phải ghi là Maï, nhưng để tránh chữ ï rắc rối, người ta ghi thành May.

(Hải Phòng = Haï Phong, Yên Bái = Yen Bay, Móng Cái = Mon Cay. Vì vậy mà thỉnh thoảng chúng ta được nghe, được thấy... Yên Báy, Móng Cáy. Mấy cái tên "tây giả cầy").

Chu Mãi hay Châu Mãi được Pháp bóp méo thành Choumay hay Chaumay.

Đến lượt mấy ông thông ngôn người Việt nhập cuộc, uốn nắn... tiếng Pháp.

May rõ ràng là... Mây. Chou Mây hay Chau Mây chỉ có thể là... Chân Mây bị viết sai! Từ đấy, nước ta có Mũi Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), có vịnh Chân Mây. Tên rất lãng mạn ! Nhưng không phải là chân mây của thơ văn.

Chu Mãi chỉ là một trường hợp cho thấy người Pháp và người Việt đã cùng chung tay bóp méo, nhào nặn thành Chân Mây, Châu Mới hay Chu Mới.

***

Trên bản đồ nước ta ngày nay có 3 tỉnh miền Trung (Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận) có Mũi Kê Gà. Tên nghe ngộ nghĩnh. Vừa Kê vừa Gà. Nhưng Kê Gà được ba tỉnh khác nhau dùng thì phải có lí do chính đáng nào chứ ?

Mang tiếng là thích du lịch mà cứ ngậm tăm sao?

Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn chép :

- Mùa đông tháng 10 năm 1794, " Lấy Phó Hậu chi dinh Trung thuỷ là Lưu Tiến Hoà quản đạo Ma Li, kiêm lĩnh ba thủ Kê Khê (Khe Gà), La Di, Phù Mi (...) " (4).

- Mùa đông tháng 10 năm 1797, " Lấy khâm sai thuộc nội thống binh cai cơ quản đạo Ma Li là Võ Văn Lân quản đạo Phan Rang, kiêm hai thủ Ma Vằn và Du Lai. Khâm sai thống binh cai cơ cựu chánh Hậu chi Hữu quân là Nguyễn Văn Cẩm quản đạo Ma Li kiêm ba thủ Khe Gà, La Di và Phù Mi " (5).

- Mùa hạ tháng 4 năm 1854, " Giặc biển giết người, cướp bóc thuyền buôn ở cửa biển Long Hưng về Biên Hoà ; lại cướp thuyền đại dịch và thuyền buôn ở phận biển khe Kê Chuỷ về Bình Thuận " (6).

Khe Kê Chuỷ dịch đầy đủ là khe Mỏ Gà. Gọi như vậy vì địa hình tại đây trông giống cái mỏ gà. Khe Mỏ Gà gọi tắt là Khe Gà, thuộc tỉnh Bình Thuận.

Năm 1876, Trương Vĩnh Ký soạn một bài học địa lí rất dài bằng thơ, dành cho bậc tiểu học, đặt tên là Nhựt trình đàng biển nước Annam (từ Vạn Ninh kể vô cho tới cửa Cần Giờ) (7).

Từ Huế vào đến Cần Giờ có hai nơi mang tên Khe Gà:

Chốn Khe-đào, nhà Rô, mũi Mác,
gành Khe-gà tục-tác bò ra.
Xóm đò ngọn khói đã qua,
lăn buồm dựa Chụt đó là Nha-trang.
(Gành Khe Gà là Mũi Kê Gà ngày nay, xã Vĩnh Lương, gần thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà)
Đứng xa ngó dặm trông chừng,
Phố Giày, Phan Thít (Thiết) đã gần trạm Lung.
Sóng giồ bãi cát ỳ-ầm,
sơn lâm một gánh chập-chồng đôi vai.
Khe Gà thì đã tới nơi,
hòn Lang núi Cát thảnh-thơi một gò.
(Khe Gà là mũi Kê Gà ngày nay, phía Nam thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Tên Kê Gà từ đâu ra?
Bản đồ La Cochinchine française en 1878 có địa danh Pointe Trăng Lợi (Kéga) thuộc Bình Thuận, nằm gần Phan Thiết, La dỳ (La Gi ngày nay). Người Pháp đã khai sinh ra Kéga (đọc là Kê-Ga).

Khe Gà của tiếng Việt bị người Pháp đọc là Kéga. Khe được ghi âm thành Ké (Kê). Trăm tội chỉ vì chữ h câm, hát(h) không ra tiếng của tiếng Pháp.

Kéga của Pháp lại bị thông ngôn người Việt diễn giảng ngược qua tiếng Việt. Các ông nhào nặn Kéga thành Kê Gà. Lợn lành chữa thành lợn què.

Khe Gà biến thành Kê Gà. Vừa kê vừa gà. Khôn ngoan đối đáp người ngoài / Kê Gà một mẹ chớ hoài đá nhau ! Ngộ nghĩnh. Nghe mãi cũng quen.

Khe của tiếng Việt chữ Hán là khê.

Khê là khe nước ở chân núi (Đào Duy Anh). Khe nước, dòng nước trong núi không thông ra đâu gọi là khê (Thiều Chửu).

Khe và sơn khê (núi và khe) được văn thơ dùng để chỉ rừng núi xa xôi.

- Liêu Dương cách trở sơn khê
Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang. (Kiều)
- Sương đầu núi buổi chiều như gội,
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu...(Chinh phụ ngâm)
- Anh đến thăm,
Áo anh mùi thuốc súng
Ngoài trời mưa lê thê
Qua ngàn chốn sơn khê. (Nguyễn Văn Đông, Mấy dặm sơn khê)
- Ai về châu xưa, nhớ hồi máu thắm cây rừng
Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng (Văn Cao, Bắc Sơn)
- Ngày mai về lại thôn hương
Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về.
Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng. (Tố Hữu, Việt Bắc)
- Đêm hè ngồi nhớ giăng suông
Nhớ em tà áo nhạt hương chưa về.
Cách rừng cách cả sơn khê!
Em ơi! Giữ mái tóc thề cho xanh! (Đinh Hùng, Mái tóc viễn phương)
Khe núi (sơn khê) nào có hình cong cong như mỏ gà đều được gọi là Khe Gà. Tiền thân của Kê Gà sau này.
***

Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông năm xưa, có khu phố Dakao (Đa Kao, có bản đồ viết là Đa Cao), thời Tây còn được gọi là Đất Hộ. Đa Kao nằm trong đất của thành Sài Gòn thời Minh Mạng.

Lịch sử của thành phố Sài Gòn đã được Vương Hồng Sển nghiên cứu rất sâu xa. Ông cho biết nhiều chi tiết quan trọng, đặc biệt là nguồn gốc của nhiều địa danh. Đáng tiếc là khi nói đến Đa Kao, Đất Hộ, Vương Hồng Sển không cho biết nguồn gốc của hai tên này (8)(9).

Xin được bàn... Đa Kao, Đất Hộ từ đâu ra?

Trở lại thời Nam Kì lục tỉnh bị mất về tay thực dân Pháp. Người Pháp một mặt ráo riết tổ chức guồng máy cai trị. Mặt khác đổ tiền ra xây dựng thành phố Sài Gòn mới. " San vùng đất cao, lấp vùng trũng thấp để mở đường, xây nhà".
Phải mất nhiều năm mới thực hiện được công trình to lớn này.

Xã hội Sài Gòn được " chia " thành mấy khu dân cư. Người Tàu thích sinh sống tại vùng đất thấp mé bờ sông, kênh rạch. Người Ấn Độ thích ở vùng đất cao ráo trong Chợ Lớn. Công chức Pháp thích xây nhà vườn ở vùng đất cao phía Sài Gòn. Đất người Pháp chọn cao hơn vùng đất thấp phía bờ sông Sài Gòn độ 10 mét.

Con đường đầu tiên của Sài Gòn là đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay), chạy từ bờ sông đến quảng trường nhà thờ Đức Bà (10).

" Đường Catinat dài hơn một cây số, thoai thoải dốc, hai bên đường trồng hai dãy me, xoài để lấy bóng mát" (11). Các cơ quan, công sở chính đều nằm xung quanh đường Catinat.

Lên hết dốc đường Catinat là tới vùng đất cao (zone de plateau) của thành Sài Gòn (thời Minh Mạng). Người Pháp xây nhà thờ Đức Bà, xây tháp nước (château d'eau)... Khu phố Đa Kao sau này cũng nằm tại vùng đất cao này.

Zone de plateau của Pháp được ta gọi là vùng đất cao. Đất cao được người Pháp phát âm là Dakao (Đa cao). Thế là bà con ta bưng nguyên mâm Đa Kao ra sài. Cái tên thuần Việt trở thành rất tây. Kết quả của giao lưu văn hoá... bất đắc dĩ.

Bạn bè tôi ơi, còn nhớ Casino Đakao không ? Rạp thường trực, có máy lạnh. Mười đồng, có ngày hạ giá chỉ còn năm đồng, hai phim. Cao bồi đấm đá, bắn súng tưng bừng. Còn nhớ rạp A.Sam Đakao nóng như cái lò không ?

Đa Kao còn có tên khác là Đất Hộ. Không phải vì đất này đông dân, nhiều hộ khẩu mà được đặt tên như vậy.

Khi mở đường xây dựng thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn, thực dân Pháp đã làm 2 con đường chiến lược (routes stratégiques), nối liền hai khu vực đông dân. Một đường dưới phía bờ sông, đất thấp (route basse) và một đường trên phía đất cao (route haute).

Route haute được người Việt sính tiếng Pháp gọi là đường hô (haut). Đất cao được gọi là đất hô. Tiếng tây tiếng ta vật lộn, bất phân thắng bại cho tới ngày Đất Hô lột xác, biến âm thành Đất Hộ. " Tiếng ta " toàn thắng...

Méc ai kiếm đất cất nhà
Đa Kao, Đất Hộ đều là Đất Cao.
Xin bà con cho một tràng pháo tay, hoan hô các chuyên gia ngoại ngữ đã thêu dệt, trang điểm cho giang sơn gấm vóc này!
Nguyễn Dư
(Lyon, 11/2013)
(1) - Henri Cosserat, La route mandarine de Tourane à Huế, BAVH, 1-3/1920, tr. 57.
(2) - Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 643.

(3) - Nguyễn Đắc Xuân, Văn hoá cố đô, Thuận Hoá, 1997, tr.196.

(4) - Đại Nam thực lục, tập 1, Giáo Dục, 2004, tr. 313.

(5) - nt, tr. 360.

(6) - Đại Nam thực lục, tập 7, tr. 307.

(7) - Trương Vĩnh Ký, Manuel des Écoles primaires, Imprimerie Gouvernement, Saigon, 1876, tr. 24-26).

(8) - Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa (1968), Xuân Thu tái bản, tr.140, 198.

(9) - Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp pín lù, Văn Hoá, 1997, phần 2, tr. 46.

(10) - La Cochinchine française en 1878, Challamel, 1878, tr. 67-73.

(11) - George Dürrwell, Ma chère Indochine, Mignot, 1911, tr. 84.
http://chimvie3.free.fr/53/nddg118_KeGaChanMay.htm
Phượng Các
#10 Posted : Wednesday, March 19, 2014 5:49:30 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Ở Huế có một dòng sông tên là sông Hương và một ngọn núi tên là núi Ngự. Dưới chân núi có chùa Viên Thông, trong chùa có một vị thiền sư nuôi dạy đồ chúng, đó là thiền sư Liễu Quán. Hồi đó đất nước Việt Nam cũng bị chia đôi, từ sông Gianh ra ngoài Bắc là Chúa Trịnh cai trị còn trở vào Nam là chúa Nguyễn. Các Chúa ở trong Nam tuy gọi là Chúa nhưng kỳ thực họ là những ông vua, xưng là An Nam quốc vương. Chúa Nguyễn Phúc Khoát rất sùng đạo, nhưng vì thiền sư Liễu Quán không ưa lui tới tới phủ Chúa cho nên chúa thường hay tới chùa Viên Thông dưới chân núi để học đạo và cũng vì lý do đó nên người ta gọi ngọn núi đó là núi Ngự, tức là núi mà vua hay tới để nghe pháp.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
(Truyền thừa của phái Liễu Quán)
nguyen1
#11 Posted : Thursday, March 20, 2014 11:21:51 AM(UTC)
nguyen1

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/23/2013(UTC)
Posts: 1,091
Points: 3,294

Was thanked: 104 time(s) in 92 post(s)



Theo VNSL của TTKim tước vị "An Nam Quốc Vương" là vua Tàu phong cho vua Việt !

Sách dịch ĐNNTChí viết về Núi Ngự Bình:

" Ở phía tây bắc huyện Hương Thủy, nổi vọt lên ở quãng đất bằng như bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước Kinh thành, tục gọi núi Bằng. Đời Gia Long cho tên hiện nay, đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng cây thông. ..."




Phượng Các
#12 Posted : Friday, March 21, 2014 10:29:20 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Bây giờ lại phải tìm trong sử sách coi các chúa Nguyễn có được phong vương hay không BigGrin . Hoàng đế Trung Hoa chỉ phong vương cho một ông vua ở nước An Nam thôi chớ làm sao vừa phong cho vua Lê, vừa phong cho chúa Nguyễn ? Nếu không được phong thì chúa Nguyễn có tự phong cho mình là An Nam quốc vương hay không ?

Phượng Các
#13 Posted : Tuesday, June 3, 2014 7:21:18 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Cầu Kiệu hay là Cầu Xóm Kiệu ở Phú Nhuận là nơi xưa kia trồng rất nhiều hành kiệu.
Hồ Đình Vũ - Nguồn gốc một số địa danh miền Nam
Phượng Các
#14 Posted : Tuesday, June 3, 2014 7:23:18 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
GIA ĐỊNH THÀNH XƯA

http://cafevannghe.wordp...-d%E1%BB%8Bnh-x%C6%B0a/

Đất Nam Việt mà trước đây người ta còn gọi là Nam Kỳ, người Tây Phương khi đặt chân lên xứ mình hồi thế kỷ 16, 17 đã gọi bằng tên Cochinchine hay Đằng Trong. Còn nhỏ hơn có đất Gia Định, và ở đất này khi xưa có rất nhiều địa danh.
Người ta cũng gọi xứ này là Đồng Nai (đồng có nhiều nai), Lộc Dã, Lộc Đồng (cùng một nghĩa) hoặc Nông Nại, là nơi mà người Việt mình đặt chân lần đầu tiên năm 1623. Sử chép rằng Chúa Sãi Vương Nguyễn phúc Nguyên (1613-1635), đã gả Công chúa Ngọc Vạn, lệnh ái thứ 2, cho vua Cao Miên Chei Chetta II (1618-1626) từ Xiêm trở về lên ngôi báu và đóng đô tại Oulong.
Nhờ sự giao hiếu ấy vua Cao Miên mới cho phép người Việt di dân vào Nam Bộ. Chúng ta đã đặt đầu cầu tại Mô Xoài(gò trồng xoài), gần Bà Rịa đúng vào năm 1623 (Theo Claude Madrolle -Indochine du Sud,Paris 1926).
Cũng trong năm này một phái đoàn ngoại giao đã được cử sang Oulong để thương thuyết sự nhượng lại Sở Thuế quan Saigon.Về sau đến đời vua Réam Thip Dei Chan(1642-1659),em vua trước,vị hoàng hậu Việt Nam nói trên đã xin vua Cao Miên cho phép người Việt được quyền khai thác xứ Biên Hòa năm 1638.
Sở dĩ vua Cao Miên đã giao hảo với nước ta và tự ý nhân nhượng một phần nào,là vì muốn cậy thế lực của triều đình Huế để chế ngự ảnh hưởng của người Xiêm.Như vậy chúng ta đã đến sinh cơ, lập nghiệp,khai khẩn đất đai Nam Bộ là do sự thỏa thuận hoàn toàn của đôi bên,chứ tuyệt nhiên không phải là một sự xâm nhập. Lại nữa nhờ uy thế của chúng ta mà Cao Miên đã đối phó hiệu quả với những tham vọng của nước Xiêm và bảo toàn được nền độc lập của mình.
Nói tóm lại sự hiện diện của chúng ta từ hơn 800 năm nay tại Nam bộ rất là hợp tình,hợp lý và hợp pháp. Nói một cách khác công cuộc Nam tiến của tổ tiên ta là một sự kiện lịch sử bất di bất dịch,nó hiển nhiên cũng như cuộc Tây tiến của người Âu Châu tại Mỹ Quốc và cuộc Đông tiến của người Anh tai Úc Châu.
Con sông Đồng Nai đã đưa ta đến tỉnh Biên hòa (hòa bình ở biên cương), một trấn đã được sáp nhập vào nước ta năm 1653. Khoảng đất này xưa được gọi là Đông phố đúng ra là Giãn phố vì hai chữ Đông và Giãn viết theo chữ Hán hơi giống nhau.Về sau nơi này đã được triều đình Huế giao cho bọn người Trung Hoa gốc Quảng Tây di cư theo hai tướng Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình đến khai khẩn và lập nghiệp năm 1679 tại Cù lao Phố,sau khi nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ.
Miền trên Biên hòa thì có Hố Nai (hố sập nai), Trảng Bom (trảng là một đồi bằng phẳng và rộng rải có trồng nhiều cây chum-bao hom đọc trạnh thành bom, sinh ra một thứ dầu gọi là chaulmougra, dùng để trị phong hủi. Phía dưới là nhà thương điên Nguyễn Văn Hoài, một nhà bác học đã quả quyết với chúng tôi rằng trong một đời người,số giờ mà chúng ta điên cuồng cộng lại ít nhất cũng được vài năm !
Biên Hòa là quê hương của Đỗ Thành Nhân, một trong Gia định Tam hùng. Hai người kia là Võ Tánh quê ở Gò Công và Nguyễn Huỳnh Đức quê ở Tân An. Biên hòa là xứ bưởi bòng ngon ngọt có tiếng nên mới có câu ca dao :
Thủy để ngư, thiên biên nhạn
Cao khả xạ hề, đê khả điếu,
Chỉ kích nhơn tâm bất khả phòng
E sau lòng lại đổi lòng,
Nhiều tay tham bưởi chê bòng lắm anh
Chúng ta đi ngang qua trước ngọn núi Châu Thới, cao 65m trên có ngôi chùa Hội sơn, được trùng tu vào đầu thế kỷ thứ 19, nhờ công đức sư Khải Long :
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nghiêng chùa Châu Thới mới sai lời nguyền !
Rồi đến Thủ Đức với những hồ bơi nước suối,và những gói nem ngon lành.Thủ nhắc lại ngày xưa có những chức quan văn như thủ bạ,thủ hô lo về việc thuế má và nhơn thế bộ. Do đó mà có những địa danh như Thủ Thiêm, Thủ Thừa, Thủ Ngữ v.v.. để nhắc lại tên mấy ông thủ bạ và thủ hộ ngày trước. Miền Thủ Đức lại nhắc cho ta hai câu đối “tréo dò” :
Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ
Kẻ cơ thần trở lại Cần Thơ
Có lẽ vì năm canh thức đủ mà có kẻ than thân trách phận tự mình sánh với cái nem Thủ Đức lột trần :
Người ta năm chị bảy em
Tôi đây như thể chiếc nem lột trần
Phía tay mặt là Gò Vấp, xưa kia là một ngọn đồi trồng cây vấp. Thứ cây này xưa kia được coi như thần mộc, yểm hộ cho dân tộc Chàm. Dã sử thuật lại rằng vào đời vua Chiêm cuối cùng là Pô Romé (1627-1651),vua này muốn vừa ý một ái phi người Việt đã ra lệnh đốn cây Kraik (vấp) cổ thụ rợp bóng nơi vườn ngự uyển. Hơn một trăm thị vệ lực lưỡng không sao hạ nổi vì vết rìu mỗi lần bổ xong thì khép lại ngay. Nhà vua tức giận cầm lấy rìu hạ xuống một nhát,tức thời một tiếng rên rỉ vang lên và cây gục xuống giữa một vũng máu. Và cũng từ đó vận khí nước Chiêm suy dần cho đến ngày tàn tạ.
Bây giờ ta vào thành phố Saigon, nơi mà hơn 300 năm về trước (1674) tiền đạo quân ta lần đầu tiên đã đặt chân tới,mang theo khẩu hiệu : “Tĩnh vi nông, động vi binh”. Quân ta không phải tư động mà đến, chính là do lời yêu cầu khẩn thiết của nhà đương cuộc hồi bấy giờ.
Họ khai khẩn đất đai với sức dẻo dai sẵn có, đào sông ngòi trong vùng đất thấp và đây đó khắp nơi,xây dựng thành trì kiên cố. Một trong những công tác quân sự ấy do tướng Nguyễn Đức Đàm xây năm 1772, rồi đến thành trì Phan An xây năm 1790, kế đến là thành Gia Định xây năm 1836. Những thành ấy xây đắp với mấy vạn nhân công và bao nhiêu tài trí như đã ghi trong câu ngạn ngữ :
Dân đất Bắc / Đắp thành Nam :
Đông đã là đông ! / Sầu Tây vòi vọi !
Chúng ta đang ở trung tâm thành phố Saigon (Sài là củi, gòn là bông gòn) chuyển sang chữ nho thành Sài-côn là củi gòn, vì chữ nôm gòn viết là Côn, như Ông Trịnh Hoài Đức (1765-1825) đã ghi trong tác phẩn Gia Định Thống Chí mà hiện nay chúng còn một bản dịch ra pháp văn của ông Gabriel Aubaret.
Theo một số người khác thì Saigon có lẽ do chữ Đê Ngạn đọc thành Tai Ngon hay Thay gon theo giọng Quảng Đông hay Tingan theo giọng Triều Châu,dùng để chỉ thành phố do người Tàu lập nên năm 1778 sau khi họ phải rời bỏ Biên hòa vì chiến sự giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn,để nhờ sự bảo hộ của quân đội chúa Nguyễn đóng tại Bến Nghé.
Nguyên ủy xa hơn cả có lẽ là sự chuyển âm của một danh xưng tối cổ Preikor,có nghĩa là rừng gòn,một loại cây hiện nay còn trồng ở Thủ Đô.
Theo Ông Verdeille thì Saigon có thể là hai chữ nho : Tây Cống đọc chạnh ra,tên này ám chỉ rằng thành phố là phần đất xưa kia đã được các vị vua phía Tây cống hiến cho ta. Ta nên lưu ý rằng tên Saigon chỉ được dùng trong các văn kiện của Pháp kể từ 1784 trở đi mà thôi.
Còn danh xưng của Chợ-lớn mà người Tây đọc liền lại là Cholon, nó chỉ ngôi chợ xưa kia nằm trên địa điểm hiện tại của Sở Bưu điện Chợ-lớn kéo dài tới tận Đại Thế Giới cũ. Chợ này lập song song với chợ nhỏ hiện nay còn tồn tại với tên chợ Thiếc ở phía trường đua Phú Thọ. Về sau Chợ-lớn được dời tới Chợ-lớn mới do nhà đại phú Quách Đàm xây tặng, tượng họ Quách vẫn còn ở giữa đỉnh chợ Bình Tây
Sự biến đổi địa âm dạng của địa danh Saigon đã tùy sự hiện diện liên tiếp của những người quốc tịch khác nhau như Preikor (rừng gòn),Tai- Ngon hay Thầy gòn của người Trung Hoa mà ta đọc là Đê-ngan,người phương tây dùng chữ la mã ghi là Saigon từ năm 1784.
Hồi xưa tên Saigon chỉ áp dụng cho khu vực Chợ lớn hiện thời, còn chính Saigon bây giờ thì khi ấy là Bến Nghé (theo Trịnh Hoài Đức, theo các nhà hàng hải Âu Mỹ, theo bản đồ do ông Trần Văn Học vẽ ngày mùng 4 tháng chạp năm Gia-long thứ 14 (1815) ghi trên vùng Chợ-lớn hiện tại chỗ nhà thương Chợ-Rẫy ba chữ Saigon xứ, khoảng gần Cây Mai và Phước Lâm) Khu Saigon cao, nằm phía Đồn Đất tức là cái đồn thâu hẹp năm 1836 sau khi Lê Văn Khôi nổi loạn, chắc đã có người ở từ thời thượng cổ, chứng cớ là những khí giới và đồ dùng bằng đá mài tìm thấy khi đào móng nhà thờ Đức Bà. Khu thấp thường gọi là Bến Nghé hay bến Thành.
Bến Thành là cái tên ở gần hào thành Gia-Định, nguyên trước có cái rạch nối liền hào thành với sông Bến-Nghé và có cái chợ gọi là chợ Bền Thành. Cái rạch ấy về sau lấp đi thành Đại lộ Nguyễn Huệ và đến bây giờ có câu ca dao như sau :
Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ,
Anh nhìn cho tỏ thấy rõ đèn màu;
Lấy em anh đâu kể sang giàu,
Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em !
Bến Nghé theo Trịnh Hoài Đức là cái bến uống nước của trâu con, do một tên rất cũ là Kompong Krabey (bến trâu) đã được Việt hóa. Nhưng ông Đốc phủ Trần Quang Tuất (1765-1825) cho rằng nơi đây có lắm con cá sấu chúng thườn kêu nghé nên gọi là Bến Nghé – Trịnh hoài Đức dịch là” Ngưu-tân” Bến Nghé là cái bến sông Saigon có tên là sông Bến Nghé,cũng có tên là Tân Bình Giang hay là Đức Giang lấy nguồn ở Ban Bót(theo gia-định thống chí) .Còn cái rạch Bến nghé nối dài bởi kinh Tàu -hủ (Arroyo chinois) ngày xưa có tên là Bình Dương và chỗ nó chảy ra giáp sông Bến Nghé gọi là Vàm Bến Nghé.Bến Nghé tức là Saigon và khi ta nói Đồng Nai-Bến Nghé tức là nói đến Nam Bộ vậy.
Phía đông Saigon có một cái kênh gọi là rạch Thị Nghè hay là rạch Bà Nghè. Bà tên là Nguyễn Thị Canh, con gái thống suất Nguyễn Cửu Văn tức Văn Trường Hầu, đẹp duyên với một ông nghè. Để cho chồng bà tiện đường qua rạch hàng ngày vào làm trong thành, bà cho dựng một chiếc cầu mà dân sự có thể dùng được. Để tỏ lòng nhớ ơn một bậc nữ lưu, họ đã gọi cầu ấy là cầu Bà Nghè. Đến khi Tây đến đánh thành Saigon,pháo hạm Avalanche tiến vào rạch này đầu tiên nên họ mới gọi là Arroyo de l’Avalanche.
Trên rạch Bến Nghé hồi xưa có nhiều chiếc cầu ván dựng tạm cho người qua lại. Chiếc cầu nổi tiếng hơn cả là cầu Ông Lãnh, được xây nhờ công ông Lãnh binh, thời tả quân Lê Văn Duyệt. Còn những chiếc cầu khác là Cầu Muối, Cầu Khóm (thơm), Cầu Kho và Cầu học (giếng học). Về các công sự thì có :
Chợ Bến Thành (mới) xây năm 1914 trùng tu năm 1950
Nhà thờ Đức Bà khởi công năm 1877, hoàn thành năm 1883
Sở Bưu Điện và Tòa án cất năm 1883
Dinh Norodom khởi công ngày chủ nhật 23-2-1868 với sự tham dự dông đảo của dân chúng. Thủy sư Đô Đốc De La Grandìère với sự hiện diện của kiến trúc sư Hermitte từ HongKong tới,đã đặt viên đá đầu tiên vuông vức mỗi bề nửa mét, trong đó đựng một hộp chì chứa nhũng đồng tiền vàng và bạc dập hình vua Napoléon III. Đức Giám mục Miche, cai quản địa phận,với một số đông con chiên,đã ban phép lành và đọc một diễn văn lời lẽ cao quý đã làm cử tọa đặc biệt chú ý. Công cuộc xây cất trên một khoảng đất rộng 14 mẫu tây đã phải dùng tới hai triệu viên gạch, và cái móng dày tới 3,5m tốn mất 2.436 thước khối đá xanh Biên Hòa.Công tác đã hoàn thành năm 1875 và người đầu tiên đến ở trong dinh đó là Thủy sư Đô Đốc Roze.Sau 84 năm Pháp thuộc,ngày 7-9-1954 Đại tướng Ely, Cao ủy Pháp đã trả dinh thự này cho Chính phủ Việt Nam thời bấy giờ.
Tòa Đô Sảnh (1901-1908) trên có một gác chuông do họa sĩ Ruffier trang trí mặt tiền
Viện Bảo Tàng Quốc Gia xây năm 1927, khánh thành ngày 1-1-1929 ,bị vụ nổ nhà thuốc súng làm hư hại ngày 8-3-1946 và được hoàn lại chính phủ Việt Nam ngày 19-9-1951 thu thập tới 4.000 cổ vật đã kê thành mục lục và trình bày trong 14 gian phòng.
Vườn Cầm Thảo (Sở Thú) tương tự với rừng Vincennes ở Pháp,được lập năm 1864.Sau khi đã san bằng,việc đứa thú tới nhốt nơi đó hoàn tất năm 1865.Ngày 28-3-1865 nhà thực vật học Pierre đảm nhiệm việc điều khiển vườn Cầm Thảo Saigon và ngày nay nhiều giống cây ở xứ ta còn mang tên nhà bác học ấy.
Đây đó ta còn gặp một số địa danh nguồn gốc Tây Phương như : Ba-Son (Arsenal) trong có một bến sửa tàu (bassin de radoub) xây bằng ximăng cốt sắt từ năm 1858,và bến tàu nổi được hạ thủy tháng giêng năm 1866. Chữ Ba-Son do chữ Bassin mà ra.
Vườn Bờ Rô (do chữ Jardin des Beaux Jeux) hay là vườn Ông Thượng, xưa kia là hoa viên của Tổng Trấn Lê Văn Duyệt, nay là vườn Tao Đàn.
Dakao là biến danh của Đất Mộ (đất của lăng) Lăng-tô là biến danh của Tân thuận, tên một làng mà dân Saigon thường đến hóng mát (pointe des flaneurs).
Bây giờ chúng ta rời Saigon xuống đò Thủ-Thiêm qua bên kia sông xem địa phận đang trù định một chương trình kiến thiết rộng lớn,để biến nơi này thành một khu vực nguy nga tráng lệ.
Con đò Thủ-Thiêm ngày xưa đã hấp dẫn một số đông những chàng trai trẻ :
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ-Thiêm.
nhưng một ngày kia chàng trai phải ra đi trong khói lửa chiến tranh,đến khi trở về thì than ôi :
Ngày đi trăm hoa hẹn hò,
Ngày về vắng bóng con đò Thủ-Thiêm
Từ Thủ-Thiêm chúng ta thẳng tiến đến một nơi gọi là Nhà Bè hay là Ngã Ba Sông Nhà Bè, nơi mà con sông Đồng Nai gặp con sông Saigon cũng gọi là sông Bến Nghé. Ngày xưa ở chỗ ấy ông Thủ khoa Hườn có lập nhà bè để bố thí lúa gạo cho những kẻ lỡ đường và ngày nay còn vọng lại mấy câu hò tình tứ của cô lái miền quê :
Nhà Bè nước chảy chia hai:
Ai về Gia định Đồng Nai thì về !
Rời Nhà Bè, chúng ta trở lại Saigon để đi về miền Bà Chiểu, một vùng ngoại ô trù mật ở phía đông, chúng ta phải đi qua một cái cầu gọi là Cầu Bông, vì xưa kia ở gần đó Tả Quân Lê Văn Duyệt có lập vườn hoa rất ngoạn mục.
Bà Chiểu tỉnh lỵ Gia định,nổi tiếng về lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764-1832),một vĩ nhân được người Việt và người Tàu tôn thờ như một vị thần thánh.
Theo Trương Vĩnh Ký thì Bà Chiểu là một trong 5 bà vợ của ông Lãnh Binh đã xây cái cầu ông Lãnh. Theo phương pháp kinh tế tự túc mà các cụ ngày xưa thường áp dụng, ông đã lập ra 5 cái chợ, giao cho mỗi bà cai quản một cái : Bà Rịa (Phước Lễ), Bà Chỉểu (Gia-Định), Bà Hom (Phước Lâm), Bà Quẹo (phía Quán Tre) và Bà Điểm (phía Thụân Kiều). Riêng chợ Bà Điểm gần làng Tân thới quê hương của Cụ Đồ Chiểu tác giả Lục Vân Tiên, thi phẩm đầu giường của đồng bào Nam bộ là nơi bán trầu ngon có tiếng ở Miền Nam. Món trầu là đầu câu chuyện,cho nên bao nhiêu chuyện,hay dở gì cũng do miếng trầu trao cho nhau mà sinh ra cả :
Trồng trầu trồng lộn dây tiêu
Con theo hát bội mẹ liều con hư !
Từ Bà Chiểu chúng ta trở lại Saigon để rẽ về Phú Nhuận, qua Cầu Kiệu hay là Cầu Xóm Kiệu là nơi xưa kia trồng rất nhiều hành kiệu. Phú-Nhuận (giàu sang và thuần nhã) là nơi còn nhiều cổ tích như : Lăng Đô-đốc Võ Di Nguy, mất tại cửa bể Thị Nại năm 1801. Lăng Trương Tấn Bửu và lăng Võ quốc Công tức là hậu quân Vũ Tính, nơi đây vua Gia-Long có cho trồng 4 cây thông đưa từ Huế vào để tỏ lòng mến tiếc.Võ Tánh là một trong Gia-Định tam hùng mà dân chúng nhắc tới trong những điệu hò giao duyên. Theo thường lệ : Người con gái lên tiếng trước :
Nghe anh làu thông lịch sử,
Em xin hỏi thử đất Nam-Trung :
Hỏi ai Gia-Định tam hùng,
Mà ai trọn nghĩa thủy chung một lòng ?
Người con trai liền đáp lại :
Ông Tánh, Ông Nhân cùng Ông Huỳnh Đức,
Ba Ông hết sức phò nước một long
Nổi danh Gia-Định tam hùng:
Trọn nghĩa thủy chung có Ông Võ Tánh,
Tài cao sức mạnh,trọn nghĩa quyên sinh,
Bước lên lầu bát giác thiêu mình như không !
Về phía Tân Sơn Hòa có Lăng Cha Cả là một cổ tích kiến trúc Việt Nam xưa nhất ở vùng Saigon. Nơi đây mai táng Đức Giám Mục Bá-Đa-Lộc, mất tại cửa Thị Nại năm 1799.
Rời khỏi ngoại ô Saigon chúng ta thuê một chiếc thuyền con về vùng Lái-Thiêu (tức là ông Lái gốm họ Huỳnh đã thiêu nhà vì say rượu) để thăm vườn trái :
Ghe anh Nhỏ mũi tráng lường
Ở trên Gia-Định xuống vườn thăm em.
Nơi đây quy tụ rất nhiều trái ngon đặc biệt như : dâu da,thơm,bòn bon,mít tố nữ,măng cụt và nhất là sầu riêng (Durion) là giống cây từ Mã-Lai đưa vào Cây Sầu riêng thân cao lá ít,trái có gai bén nhọn kinh khủng,cho nên trời chỉ cho phép nó rụng khi đêm khuya thanh vắng mà thôi!Đồng bào Nam-bộ liệt nó vào hàng đầu trong các loài trái,vì nó có đủ năm mùi hương vị đặc biệt như quả lê Trung hoa.Những người xa lạ phải chịu nhẫn nại một thời gian mới thông cảm và khi đã thông cảm rồi thì thèm muốn như mê say,chỉ trừ anh học trò thi rớt :
Có anh thi rớt trở về
Bà con đón hỏi nhiều bề khó khăn
Sầu riêng anh chẳng buồn ăn,
Bòn bon, tố nữ anh quăng cùng đường !
Tại vùng Lái Thiêu,có một ngôi nhà thờ cổ kính xây từ thế kỷ XVIII trên ngọn đồi xinh tươi,chung quanh có nhiều lò gốm,lò sành và một trường dạy học cho trẻ em câm điếc với một phương pháp riêng biệt.
Đến Búng chúng ta không quên đi thăm chùa Phước Long ở vùng An-Sơn, có ông huề thượng thâm nho,thường ra nhiều câu đối bí hiểm cho những khách nhàn du :
Rượu áp sanh(absinthe) say chí tử
Có người đã đối lại như sau :
Bóng măng cụt mát nằm dài
Trong chùa ông huề thượng có ghi hai câu :
Cúng bình hoa, tụng pháp hoa,hoa khai kiến Phật.
Dâng nải quả,tu chánh quả,quả mãn thông Thần
(sưu tầm bài viết của ông Tân Việt Điêu trong Văn hóa nguyệt san số 33 năm 1958)
Phú Lê post (theo Hồ Đình Vũ)
Phượng Các
#15 Posted : Friday, October 3, 2014 8:19:10 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Quote:
Đất Thần Kinh chính là tên gọi cổ để chỉ cố đô Huế. Thần Kinh là từ ghép tức Kinh Đô và Thần Bí


http://samantavn.wordpre...-minh-duc-trieu-tam-anh/
Phượng Các
#16 Posted : Sunday, January 25, 2015 7:02:54 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Quote:
Ngày trước, dân Tiều nghèo thường sinh sống bằng nghề làm rẫy trên đất Chợ Lớn còn hoang vu. Ngày ngày, họ cần mẫn quảy đôi thùng thiếc tưới các liếp rau cải thẳng thớm không một ngọn cỏ dại. Rẫy Tiều cung ứng cải xà lách xon, cải xà lách, cải ná tươi ngon cho các chợ. Do vậy mới phát tích địa danh Xóm Cải, Chợ Rẫy ở Chợ Lớn.
xv05
#17 Posted : Tuesday, March 24, 2015 6:47:18 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ", "cõi", Kh'leang là "kho", "vựa", "chỗ chứa bạc". Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó thành Sóc Trăng.

Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng bị đổi là Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi bị đổi thành Nguyệt Giang)

Năm 1900, Pháp lập tỉnh Sóc Trăng. Năm 1956, tỉnh Sóc Trăng hợp nhất với tỉnh Bạc Liêu thành tỉnh Ba Xuyên. Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, tỉnh Ba Xuyên giải thể, địa bàn Sóc Trăng thuộc tỉnh Hậu Giang. Ngày 26 tháng 11 năm 1991, tỉnh Sóc Trăng được tái lập.

(Wikipedia)
Phượng Các
#18 Posted : Wednesday, May 13, 2015 4:43:49 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Quote:
Một năm sau, đoàn chuyên gia trở lại và Hồ Khanh cùng với ông Howard Limbert chính thức thám hiểm toàn bộ hang động này, đồng thời công bố trên tạp chí National Geographic về hang lớn nhất thế giới năm 2010.

“Theo thông lệ thì người phát hiện hang động được đặt tên. Tôi đã chọn tên Hồ Khanh, nhưng sau đó có ý kiến đề nghị đặt lại. Họ gợi ý chọn tên Đoòng, một bản nhỏ trên đường vào hang và tôi đồng ý đặt là Sơn Đoòng, với nghĩa ngọn núi ở sau bản Đoòng”, ông Khanh kể.
Phượng Các
#19 Posted : Saturday, June 27, 2015 11:47:29 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Hồi đầu thế kỷ 20, mã của sân bay giống mã của trạm thời tiết, nên ta có LA cho Los Angeles, LH cho London Heathrow.
Sau vì với số sân bay ngày càng tăng trên thế giới, thậm chí chỉ quanh một thành phố lớn, hệ thống này trở nên bất cập.
Ví dụ ngay ở cạnh London có thêm Gatwick, Stansted, Luton đều có tiêu chuẩn quốc tế, chưa kể các phi trường tư nhân, nội địa hoặc có sân bay nằm ngay trong London nhưng nhỏ xíu mà vẫn bay đi châu Âu như London City Airport.
Vì thế, người ta tách tên sân bay ra khỏi mã sân bay, và giải quyết tiền lệ bằng cách cho thêm chữ X vào những sân bay đã có.
Từ đó ta có LAX cho Los Angeles (từ 1947), và London Heathrow thành LHX.

http://www.bbc.com/vietn...26_vn_airports_name_code
PC
#20 Posted : Monday, December 14, 2015 1:46:18 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Trong Mê ko^ng ký sự, đoàn chuyện gia có tìm 9 cửa sông của Mê ko^ng đổ ra biển ở VN thì chỉ thấy (còn) có 8 cửa mà thôi\. Họ không còn thấy cửa Bassac ở đâu nữa\. Vậy cái tên Cửu Long nay không còn đúng là 9 con rồng nữa ...
Users browsing this topic
Guest
2 Pages12>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.