Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Quote:Như vậy tên tiếng Việt của cây camellia/camélia mà từ trước đến nay ta thường gọi lầm là “ hải đường ” đúng ra phải gọi là gì ? Có người gọi camellia/camélia là hoa trà, hay trà hoa. Chẳng hạn, tiểu thuyết La Dame aux camélias của Alexandre Dumas (Dumas fils) trước đây có người dịch là “ Trà hoa nữ ” hay “ Trà hoa nữ sử ”, và từ điển Việt Anh của soạn giả Bùi Phụng cũng dịch “ trà hoa ” là camellia. Tuy dịch camellia là trà hoa (hay hoa trà) nghe có lý hơn là “ hải đường ”, nhưng theo thiển ý cũng chưa được ổn cho lắm vì hoa trà chỉ có màu trắng, trong khi đó camellia/camélia không chỉ có màu trắng mà còn có màu hồng và màu đỏ. Ta thử xem người Nhật và người Trung Quốc gọi camellia/camélia là gì. Tiếng Nhật gọi cây này là tsubaki, chữ Hán viết là “ xuân ”, gồm chữ bộ “ mộc ” bên trái và chữ “ xuân ” là mùa Xuân bên phải. Chữ “ xuân ” dùng trong nghĩa này nghe quá lạ tai đối với người Việt. Người Trung Quốc gọi camellia/camélia là shancha (sơn trà), sơn trà nghe cũng thuận tai và khá sát sao vì cây này cùng họ với cây chè (trà) và sơn trà nên hiểu là cây “ trà dại ” hay một biến thể của cây trà.
Đang phân vân chưa biết dùng từ nào trong tiếng Việt để dịch camellia/camélia cho thật sát nghĩa, chúng tôi lướt xem Truyện Kiều một lần nữa. Nào ngờ lời giải cho câu vấn nạn của chúng tôi đã có sẵn ngay trong đó : cụ Nguyễn Du trong tác phẩm bất hủ của mình cũng đã dùng hoa “ trà mi ” nhằm ám chỉ nàng Kiều, và trà mi chính là từ tiếng Việt tương ứng với camellia/camélia :
Tiếc thay một đoá trà mi, Con ong đã tỏ đường đi lối về.
(hàng 845-846)
hoặc :
Chim hôm thoi thót về rừng, Đoá trà mi đã ngậm gương nửa vành
(hàng 1091-1092)
Nhưng do đâu chúng ta có thể khẳng định như thế ? Việt Nam Từ điển của Hội Khai trí Tiến đức giải thích về hoa “ trà mi ” như sau : “ Thứ cây, có hoa đẹp, sắc đỏ, hoặc trắng, mà không thơm ”. Trà mi cùng họ với cây chè, có sắc đỏ hoặc trắng, và không có có hương thơm – đó chính là những đặc điểm của cây camellia/camélia mà chúng ta đã đề cập ngay ở đầu bài.
Hoa trà mi (camélia)
Một điều thú vị và rất đáng chú ý : “ trà mi ” là một tên gọi thuần Nôm, không có trong chữ Hán ! Nói một cách khác, thay vì gọi “ sơn trà ” như người Trung Quốc, ta chọn tên “ trà mi ” là cách gọi riêng của người Việt. Trong ấn bản chữ Nôm của Truyện Kiều (bản Lâm Nhu Phu, 1870), hai chữ “ trà mi ” được viết bằng hai chữ Nôm như sau : chữ “ trà ” được viết với bộ “ dậu ” với chữ “ trà ” bên phải, và chữ “ mi ” được viết với bộ “ dậu ” với chữ “ mi ” là cây kê bên phải (từ điển của Hội Khai trí Tiến đức mượn chữ “ mi ” là lông mày trong chữ Hán để viết chữ “ mi ” tiếng Nôm này). Trong Từ điển Truyện Kiều, học giả Đào Duy Anh trong phần văn bản viết hai chữ “ trà mi ” là “ trà (đồ) mi ” nhằm gợi ý “ trà mi ” cũng có thể đọc là “ đồ mi ”, tuy nhiên trong phần “ Từ điển ” lại giải thích là “ nước ta có hoa trà mi, nhưng khác với đồ mi của Trung Quốc ”. Theo thiển ý, hai chữ Nôm nói trên chỉ có cách đọc là “ trà mi ” chứ không thể đọc là “ đồ mi ”, vì trong chữ Hán, loài “ cây nhỏ, cành lá có gai, đầu mùa hè nở hoa sắc trắng, hoa nở sau các thứ hoa cây khác ” mà Đào tiên sinh đã giải thích về “ hoa đồ mi ” trong cuốn Hán Việt từ điển do tiên sinh biên soạn, chính là hoa mâm xôi (Robus rosacfolius) trong tiếng Việt. Đọc lại đoạn đầu thì thấy ông VS cho camellia là hải đuờng VN chớ không có cái đuôi amplexicaulis, chứng tỏ là ông cho rằng toàn thể camilla đều là hải đuờng VN (cho nên ông mới tả là nó có màu trắng ...Sau đó ông lại cho rằng chúng ta gọi như vậy là lầm (?). Và vì không muốn nhận là lầm nên nguời ta phân biệt hải đuờng phuơng Bắc với phuơng Nam ...Thật ra, nếu muốn truy tìm coi từ khi nào mà nguời Việt ở Bắc và Huế gọi cây đó là hải đuờng thì lại tốn công nhiều lắm.
|