Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Lệ Thu
Phượng Các
#1 Posted : Thursday, November 18, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)




Lệ Thu: "Tôi đã đến với cuộc đời này bằng chính trái tim tôi "


Đinh Quang Anh Thái


- Thưa chị Lệ Thu, xin được mở đầu buổi nói chuyện thân mật hôm nay với 2 sự kiện đã xảy ra - Khoảng năm 1979, vaò một buổi tối ở một phòng tù trong trại giam Chí Hoà, một tù nhân cất tiếng hát bài "Nửa hồn thương đau" của Phạm Đình Chương; dứt tiếng hát, tù nhân này nói rằng: "bây giờ mà được nghe Lệ Thu thì chỉ có chết thôi !!". Một đêm mưa tuyết đầy trời năm 1989 ở thủ đô Praha của Cộng Hoà Tiệp, một sinh viên xuất thân từ chế độ CS ôm đàn và cũng hát bài "Nửa hồn thương đau" - Anh ta nói : Lệ Thu hát cực kỳ hay ".
Chị có nghĩ rằng cả hai cách biểu tỏ đó là một lời khen tặng nồng nàn, chân chất đối với tiếng hát của chị?

Lệ Thu : Tôi rất cảm động về câu chuyện anh vưà kể, và tôi nghĩ rằng đó là một trong những phần thưởng to lớn trong đời ca hát của Lệ Thu.

- Tiếng hát LT đã là cảm hứng cho nhiều cây viết. Nhìn ở khía cạnh nào, thì tựu trung, những nhà văn, nhà báo từng viết về chị đều nhìn nhận rằng tiếng hát LT đã nuôi nấng nhiều ước mơ. Trong cuộc nói chuyện hôm nay tôi sẽ không đề cập nhiều đến LT, trên lãnh vực một nghệ sĩ tài danh, mà xin hỏi thăm chị về đời thường của LT - Chị có thể cho nghe một ngày trong đời của LT hiện nay ra sao?

LT : Câu anh hỏi khiến tôi nhớ đến cuốn truyện nổi tiếng: "Một ngày trong đời Denisovich" của văn hào Alexander Solzhenitsyn, trong đó tả về sinh hoạt 24 giờ của một tù nhân khổ sai ở nước Nga dưới chế độ CS - Tôi thì may mắn hơn (cười thoải mái) Denisovich - Sinh hoạt một ngày của tôi giống như mọi người - Sáng dậy, tập thể dục, rồi đi chợ nấu ăn, sau đó trả lời thư của khán thính giả bốn phương, và học hỏi thêm những điều tôi thiếu sót. Tôi còn phải đi thâu băng những bài hát - Như thế là đủ hết một ngày.

- Chị đề cập đến việc bếp núc làm tôi nhớ, là những bạn hữu thân tình của chị đều biết chị nấu ăn ngon lắm, nhất là món cá thu kho riềng. Nhiều bạn của chị đã được thưởng thức món tuyệt chiêu này. Chất Bắc trong món độc đáo đó, chị thừa hưởng từ ai ??

LT : Hương vị Bắc trong món cá thu kho riềng là ảnh hưởng từ gia đình tôi. Phải nói là gia đình tôi cổ hủ lắm. Sở dĩ tôi nấu ăn tương đối được là vì cứ nhìn các cụ, các thím, các dì bếp núc trong những ngày giỗ Tết, những hình ảnh và cách thức chuẩn bị bữa ăn đã ăn sâu trong tiềm thức của tôi, và cứ thế mà tôi bắt chước thôi.

- Một số bạn của chị sau khi thưởng thức món cá thu kho riềng đã nhờ chị hướng dẫn cách nấu, và dù chị không giấu diếm gì cả, rốt cuộc họ nấu vẫn không ngon bằng chính tay chị làm - Thành ra nếu có dịp thuận tiện, với số người yêu mến LT quá nhiều, chắc hẳn là chị phải mua cả tầu cá thu, và mướn nguyên một sân vận động để đãi mọi người.

LT: (cười) Nấu ít thì may ra mới ngon, chứ nấu nhiều thì chưa chắc.

- Những người ở lại quê nhà sau 75, thỉnh thoảng có nhìn thấy chị ở Saigon - Một số người biết chị có cơ hội và phương tiện để ra đi vào những ngày tàn của cuộc chiến. Điều gì đã giữ chị lại?

LT: Tôi ở lại VN 5 năm với mẹ già của tôi. Bởi vì cụ tôi không đi và như một số bạn thân đã biết, mẹ tôi chỉ có một mình tôi thôi. Khi gia đình tôi (...) từ miền Bắc vào miền Nam năm 53, cụ tôi mang tôi theo. Nên ngày chót của tháng Tư năm 75, chẳng lẽ tôi bỏ lại mẹ để đi hay sao... Vì vậy tôi quyết định ở lại mặc dù đêm 28 tháng Tư, tôi đã có mặt tại phi trường AN, và tôi đã bước lên phi cơ rồi; nhưng tôi lại bước xuống - Lúc đó, nếu tôi ra đi, thì mẹ tôi ở lại một mình với ai. Dù có họ hàng quen thuộc, nhưng không thể bằng chính con mình. Bởi vậy tôi đã trở về với mẹ.

- Xin chị tha lỗi cho, thế còn cụ ông thân sinh ra chị thì sao?

LT: Thầy tôi mất lâu rồi anh ạ. Lúc đó mẹ tôi đã mang tôi vào miền Nam năm 53 - Thày tôi mất vào lúc tôi mới lên 12 tuổi.

- Như vậy chắc chị ít có kỷ niệm với cụ ông?

LT : Có anh ạ. Tôi nhớ rằng cụ mặc áo the, quần trắng, đi đôi hài đen và tay cầm dù.

- Chị mô tả cụ ông là người mặc áo the, quần trắng, đi hài đen, tay cầm dù- Đây là hình ảnh của những người quí tộc ở Hà Nội thời xa xưa. Có đúng không ạ ??

LT : Cứ cho là như thế đi anh (cười)

- Mới đây tuần báo Viet Tide có đăng bài phỏng vấn chị. Đọc bài này, người ta có cảm tưởng chị đòi hỏi quá tuyệt đối trong đời sống lứa đôi. Nếu nhìn một cách khác, độc giả có thể nghĩ rằng chị phần nào đó tuyệt vọng vì không tìm được người đúng ý với "trong mộng" của chị?

LT : Anh nhắc đến câu trả lời của tôi với báo Việt Tide rằng : "99 chấm 9 % đàn ông không chung thủy, và cho tới nay tôi vẫn dõi tìm 1% còn lại" - Đó là câu tôi nói đùa thôi, vì tôi vẫn thường nghĩ tếu rằng, nếu có 1 % đó, thì chắc hẳn là người đàn ông này phải đần lắm (cười vui vẻ)

- Chị nói thế thì chắc có nhiều người muốn đần lắm. Nhưng xin hỏi, theo chị thì thế nào là chung thủy?

LT: Có thể tôi có quan niệm lệch lạc hoặc cũ kỹ, hoặc do gia đình tôi nhồi nhét vào đầu tôi, và ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của tôi, là đàn bà là phải tứ đức tam tòng. Từ đó tôi nghĩ đàn ông cũng phải thế. Nhưng mà tôi sai. Sau này càng lớn lên, tôi càng thấy mình sai, và ngay bây giờ tôi lại càng thấy tôi sai hơn nữa. Tôi luôn nghĩ rằng tôi sống dưới ánh đèn, vây bủa bởi nhiều cạm bẫy, mà tôi không hề sa ngã, nên tôi đòi hỏi đối tượng của tôi cũng phải như vậy. Thực tế cho thấy không phải thế. Bởi vì tôi là đàn bà. Mà muôn đời, đàn bà là đàn bà, đàn ông muôn đời là đàn ông. Có phải vậy không ạ ?

- Nói chị và quí thính giả tha thứ cho, từ trước đến giờ, nhiều người có cái nhìn không chính xác, nếu không nói là lệch lạc về giới nghệ sĩ. Nhiều người cho rằng nghệ sĩ không đặt nặng vấn đê` thủy chung. Nhưng Lệ Thu là điển hình cho thấy, nghệ sĩ có đời sống sân khấu, nhưng trong cuộc sống riêng tư thì có những chuẩn mực mà không hẳn người thường nào cũng có.

LT : Tôi biết có rất nhiều nghệ sĩ có đời sống hết sức mực thước - Tôi biết nhiều anh chị như thế lắm, mà không tiện nêu tên.

- Lâu lắm rồi, có một tờ báo bên Pháp phỏng vấn 2 nhà văn Jean Paul Satre & Simon de Bouvoir về ý nghĩa hạnh phúc. Câu trả lời của Sartre là "hạnh phúc là ngày hôm qua", còn Bouvoir thì cho rằng "hạnh phúc là ngày mai".
Phải chăng hạnh phúc là điều mà người ta chỉ có thể tiếc nuối, hoặc chờ đợi chứ không hưởng được ngay trong những phút giây của hiện tại. Chị nghĩ sao?

LT : Đối với tôi, hạnh phúc ở trong tầm tay mình, hạnh phúc là giây phút mình đang có. Buổi sớm mai khi mình thức dậy, rồi khi hoàng hôn xuống, mình vẫn nhìn thấy bạn bè thân quen, và nhất là nếu mình có người tình bên cạnh, thì đó là hạnh phúc.

- Chữ "nếu" trong câu trả lời của chị có ý nghĩa lắm ( cười ). Nói về hạnh phúc và khổ đau, tôi nhớ đến cựu Tổng Thống Richard Nixon. Khi ông buộc phải từ chức, ông đã đi thăm Grand Canyon, và xuống đến tận đáy của vực. Từ dưới nhìn lên, ông nói rằng : " Cho tới khi xuống đến tận cùng của đáy vực, tôi mới hiểu ý nghĩa sự cao vời vợi của trời xanh". Nghĩa là, khổ đau tột cùng, hạnh phúc tột cùng. Phần chị vinh quang trên sân khấu, chị đã đạt. Còn khổ đau tận cùng, chị đã trải qua bao giờ chưa?

LT: (im lặng khá lâu, giọng buồn , nghẹn ngào): Khi nghe tin mẹ tôi mất. Tôi thấy lúc đó trái đất quả thật là sụp đổ.Trong đời tôi, duy nhất chỉ có mẹ tôi. Tôi là con một, không có anh em để nâng tôi những khi tôi ngã, hoặc giúp đỡ ý kiến những khi tôi cần, hoặc an ủi những lúc tôi đau buồn. Thành ra, sự ra đi vĩnh viễn của mẹ tôi là nỗi đau tột cùng của tôi, và là nỗi mất mát không gì bù đắp được.

- Chúng tôi được biết là chị có 3 cháu và các con chị đã thành tài, và được sống trong không khí đầm ấm của gia đình, cũng như trong vòng tay yêu thương của mẹ. Phải chăng nỗi đau mất mẹ và không có anh em ruột thịt đã khiến chị dồn hết tình thương cho các con, và vun xới cho các con có ngày hôm nay?

LT: Tôi cho rằng tất cả cũng do ảnh hưởng của gia đình. Tôi theo nếp của gia đình tôi để dạy dỗ các con tôi. Đôi khi cũng quá khắt khe, nhưng khi các cháu lớn lên thì chúng mới nhận thấy là mẹ làm đúng.

- Một nhà thơ tiền chiến cuả VN nói rằng: "tôi là một con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi ". Khi nghe LT hát trên sân khấu, người ta có cảm tưởng LT với âm nhạc là một. Phần chị lúc đó, trong lòng chị nghĩ gì?

LT: Quả thật khi hát, tôi không còn thấy ai cả, chung quanh tôi không có ai cả. Tôi chỉ tập trung tư tưởng để hát theo nhịp đập của con tim mình, hát theo niềm hạnh phúc của mình. Tôi hát do những rung động phát ra từ tâm hồn tôi.

Nếu tôi nhớ không lầm, trong phần mở đầu của tập Mười Tình khúc Bất tử của Nhân loại, nhạc Ngoại quốc, lời Việt của Phạm Duy, nhà thơ Trần Dạ Từ có viết rằng: Hạnh phúc cho những cặp tình nhân được cùng nhau nghe những bản tình ca này. Vì mai sau, dẫu có xa nhau, một lúc tình cờ nào đó, họ chợt nghe lại những âm điệu này, cả một thời có nhau sẽ xô về trong nỗi nhớ.
Chị đã từng hát những tình khúc bất tử của VN và của thế giới, chị có cảm thấy hạnh phúc không, vì tiếng hát của mình đã là dấu ấn một thời của những đôi lứa yêu nhau?

LT: Có ai không hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho người khác. Câu hỏi của anh cũng là câu trả lời giùm tôi rồi.

- Nhìn lại đoạn đời đã qua, nếu cần không làm 1 điều đã từng làm, thì chị sẽ phát biểu ra sao ?

LT: Tôi sẽ không lập gia đình sớm như tôi đã lúc còn trẻ. Lý do, vì lúc còn nhỏ, tôi vừa thiếu kinh nghiệm, vừa nông nổi, vừa háo thắng, nên tôi ước gì thời gian đó là bây giờ để tôi có thể làm được tất cả mọi chuyện.

- Chị thường chọn nhạc buồn, và ít hát nhạc vui. Có lý do nào đặc biệt không?

LT : Nhạc VN đa số có âm điệu buồn. Nhưng không phải tôi không hát nhạc vui, thí dụ baì "Quên đi tình yêu cũ" và bài "Mây lang thang" trong điệu Chachacha. Tôi hát nhiều thể loại, nhưng lời nhạc thì cũng bàng bạc nỗi buồn về những cuộc tình tan vỡ.

- Khi chọn bài để hát, chị dựa trên yếu tố nào chính? Vì nó phù hợp với tâm trạng của chị, hay vì bài nhạc đang được người nghe yêu thích?

LT: Anh có tin rằng tâm trạng của tôi lúc nào cũng vui, cũng yêu đời. Nghĩa là tôi chọn nhạc không phải vì tâm trạng của tôi lúc đó, mà do cảm quan của tôi. Trước hết là tôi đọc lời , sau đó tôi dạo đàn một chút để xem tiết tấu của nét nhạc. Sau khi thấy bài nhạc hợp với mình, tôi miệt mài bất kể giờ giấc cho tới khi bài hát với tôi là một. Hát và sống, sống và hát, là niềm hạnh phúc của Lệ Thu.

- Chị còn điều gì muốn tâm sự với thính giả của Little SG Radio?

LT: Trong những ngaỳ gần đây, tôi có trả lời phỏng vấn của một số báo chí, và tiếp xúc với những người còn yêu mến tiếng hát LT. Đây là dịp để cho tôi thấy rằng không có gì hạnh phúc cho người nghệ sĩ bằng không bị quên lãng. Tôi nghĩ rằng đó là phần thưởng cao quí bởi vì bản thân tôi đã đến với cuộc đời này bằng chính trái tim tôi. Xin cám ơn quí thính giả.


Bài phỏng vấn Lệ Thu do Đinh Quang Anh Thái thực hiện , đã được phát trên làn sóng của Little SG Radio

Nguồn : Việt Tide
( Nov 12. 2003 )


Phượng Các
#2 Posted : Friday, November 19, 2004 8:41:35 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Lệ Thu, “Bất tích ca giã khổ...”

Tuệ Chương


Cách đây mấy năm có một số anh chị em là cựu sinh viên Đại học Saigon và Đà Lạt của khoảng thời gian ngay trước khi Saigon sụp đổ, do cô Trương t. B.T chủ xướng, tổ chức một cuộc họp mặt ở Marblehead, một thành phố nhỏ, nổi tiếng đẹp ở phía bắc Boston. Buổi họp mặt không đông đảo lắm, nhưng không khí thân mật, vui vẻ; bè bạn lưu tán lâu ngày gặp nhau, hàn huyên, rất cảm động. Điều đáng mừng là ai ai cũng thành đạt. Nhiều người ở rất xa, tận bên Pháp, về dự; những người gần nhứt cũng từ Washington, Virginia,v.v...

Trong chương trình văn nghệ, cây nhà lá vườn thì có ca sĩ kiêm nhạc sĩ Diệu Hương. Khách mời có cả Lệ Thu từ Cali lên tham gia. Vợ chồng tôi, mặc dù không thuộc nhóm cựu sinh viên như nói ở trên nhưng qua quen biết với BT, được mời tham dự, mặc dù nhà tôi ở thành phố Worcester, đi về Marblehead gần bốn giờ xe.

Gần nửa đêm chúng tôi ra về. Trời khuya, đường xa, vã hôm ấy trời bắt đầu lạnh, chúng tôi thì đã già, bạn bè tiễn ra cửa, chụp hình kỷ niệm, cả cô Lệ Thu cũng đưa tiễn, dặn dò, không khí thật vô cùng cảm động. Trên đường về, tiếng hát Lệ Thu bay theo quyện lấy tâm hồn vợ chồng tôi và đứa con gái út, nên nói chuyện với nhau về Lệ Thu mãi, con đường dài thu ngắn lại mà không hay.

Trước khi đi ngủ, nhà tôi gọi điện thoại báo tin đi chơi về cho con gái thứ ba, đứa mà ngay hồi nó thơ ấu, vì nét mặt hao hao giống Lệ Thu, nhà tôi cắt tóc cho con theo kiểu Lệ Thu vậy, để giữ một hình tượng nhà tôi ưa thích.

Xong, nhà tôi lấy một dĩa nhạc của Lệ Thu, để lên máy nghe. Hay thì vẫn hay nhưng nghe dĩa thì không bằng nghe nhạc sống. Đó là nét đặc sắc thứ nhứt của tiếng hát Lệ Thu.

Trước 1975, mặc dù chúng tôi có mấy cuộn băng Sơn ca, trong đó có một cuốn "Tiếng hát Lệ Thu” chúng tôi vẫn nghe hoài, nhưng muốn thưởng thức hết cái hay trong tiếng hát Lệ Thu, phải nghe nhạc sống. Năm 1972, khi có cuộc chiến "Mùa Hè Đỏ Lửa”, gia đình tôi phải sống xa Saigon, nhưng mỗi khi về, vợ chồng tôi thường tới nhà hàng Tự Do để nghe Lệ Thu hát, mặc dù không khí nhà hàng Tự Do không được ấm cúng như Queenbee, “giang sơn” của Khánh Ly; có điều, tiếng hát Khánh Ly, nghe băng cũng không khác mấy với nghe nhạc sống.

Lý giải chuyện nầy với người bạn, tôi nói: Về kỹ thuật, người ta cho rằng tiếng hát Lệ Thu không ăn máy như tiếng hát Khánh Ly. Điều nầy rất khó hiểu và làm nhức đầu các nhà sản xuất máy hát không ít. Đã lâu, người Mỹ chế tạo ra một thứ máy gọi tên là hi-fi (high fidelity) nhưng cũng không hoàn toàn thỏa mãn người nghe. Máy móc bây giờ hiện đại lắm, nhưng tất cả những đĩa hát bây giờ, đĩa nào có Lệ Thu hát, nhà tôi cũng mua, nhưng xem ra không đĩa nào nghe cho bằng tiếng hát của Lệ Thu trong đêm họp mặt nói trên. Hôm ấy, Lệ Thu hát “Hạ Trắng”, nhiều lúc tưởng như giọng cô sẽ đứt đoạkhông lên được, nhưng rồi giọng cô vút cao lên, như một chiếc phản lực cất cánh, không phải là “tài tình” mà “thần tình”, làm cho người nghe giật mình vì sự kỳ lạ của giọng hát ấy. Sự kỳ lạ thần tình ấy, tiếng hát ấy, vẫn khoẻ, hơi vẫn mạnh, tưởng như giọng đó, hơi đó từ trong phổi, trong lục phủ ngũ tạng thoát ra một cách mạnh bạo, nhẹ nhàng làm rúng động cả tâm hồn, cảm xúc người nghe. Mấy người khách Mỹ hôm đó, ngồi cạnh chúng tôi, khi nghe LT hát xong, vỗ muốn gảy tay. Hỏi, họ nói, họ cũng là người ưa thích âm nhạc và từng nghe nhạc sống Mỹ, nhưng hiếm khi nghe người Mỹ hát hay đến như vậy. Về hát, chủ yếu người ta nghe tiếng ca hơn là hiểu lời, nhưng với nhạc Việt Nam, lời ca giữ một vai trò quan trọng trong bài hát vì ý nghĩa và tư tưởng của nó. Phải chi họ hiểu được lời ca tiếng Việt, họ sẽ thưởng thức trọn vẹn cái hay của một bài hát Việt Nam.

Cách đây lâu lắm, báo chí Saigon đã so sánh tiếng hát Lệ Thu và Khánh Ly, hai tiếng hát nổi danh Saigon thời bấy giờ (Không kể Thái Thanh thuộc lớp trước). Tiếng hát Khánh Ly khỏe, rất dễ làm xoáy động tâm hồn người nghe, nhưng Khánh Ly chỉ hay khi hát nhạc Trịnh Công Sơn. Ra ngoài những bản đó, ai từng nghe Khánh Ly hát “Bên Cầu Biên Giới” của Phạm Duy hay “Xuân và Tuổi Trẻ” của La Hối, v.v... thì khó có thể đánh giá là tuyệt vời. Khánh Ly hát nhạc TCS thì lại không thể có người thứ hai bằng cô. Tôi nghe kể lại, mấy năm trước đây, khi Khánh Ly về Saigon và hát lại nhạc TCS (chỉ tổ chức trong vòng bạn hữu), hình như TCS cũng nói rằng chỉ có một mình Kkhánh Ly hát nhạc của ông là đặc sắc mà thôi. Hồng Nhung, một ca sĩ trẻ quốc nội, cũng thường hát các ca khúc của TCS, nhưng nếu so Hồng Nhung với Kkhánh Ly thì một bên là đàn chị, một bên là đứa em nhỏ chạy theo. Cũng chính nhờ tiếng hát Kkhánh Ly mà danh tiếng TCS lên cao. Hai người đó là cọng sinh, nương nhau mà lên. Người nầy đẩy, kéo người kia lên mà nếu một trong hai người vắng bóng, tụt xuống thì người kia cũng tụt theo. Đó là hiện tượng nhiều người thấy trong phong trào CPS hồi cuối thập niên 60’s ở Saigon. Tôi nhớ hình như báo chí thời đó cũng có trích lại nhận xét của Tổng thống Thiệu, cho rằng nếu không có Kkhánh Ly thì tài danh TCS cũng không lên được như thế. Điều đó không sai. Trước 1975, tôi có hai băng nhạc, đều có bài “Như Cánh Vạc Bay” của TCS. Một thì do Kkhánh Ly hát, một thì do Lệ Thu hát. Kkhánh Ly hát hay hơn, nhất là khi tôi nghe chữ “đưa”, chữ “xa”, (Từ lúc đưa em về, là biết xa ngàn trùng). Chữ "đưa" và chữ "xa" đó cũng như cả câu nầy, Khánh Ly hát hay hơn vì giọng Khánh Ly “nhão” hơn, “rền” hơn, mà phải nhão, phải rền mới diễn tả tâm trạng sầu não của cuộc chia ly. Cũng theo báo chí Saigon hồi ấy, tiếng hát, hơi phát của Khánh Ly như từ miệng mà ra, dễ “ăn” với các ca khúc họ Trịnh.

Trở lại tiếng hát Lệ Thu, hình như cô có một giai đoạn đầu của đời ca hát nhiều "cay đắng”. Hôm nói chuyện với Mỹ Tín, cố giáo sư trường Quốc gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon trước năm 1975, ông kể cho tôi nghe nỗi “gian nan” của Lệ Thu, hồi đầu thập niên 1960, khi cô bắt đầu cuộc đời ca hát. Cô không được khán thính giả hoan hô mỗi lần trình diễn ở "Đại Nhạc Hội", thường tổ chức tại rạp Quốc Thanh đường Võ Tánh Saigon. Có một lần chán nãn, cô ta hỏi Mỹ Tín rằng cô ta có nên tiếp tục ca hát hay không, khiến ông phải khuyến khích, thúc đẩy LT tiếp tục sự nghiệp.

Câu chuyện đó của Mỹ Tín làm tôi có suy nghĩ về trường hợp Lệ Thu. "Đại Nhạc Hội" là nơi có không khí dành cho những tiếng hát Duy Khánh-Thanh Tuyền như qua bài dân ca “Tình Nghèo” của Phạm Duy, hay Duy Khánh với “Kẻ Ở Miền Xa” của Trúc Phương, hoặc với nhạc “Boléro” qua tiếng hát Phương Hồng Quế, Phương Hồng Hạnh, Trang Mỹ Dung, Trang Thanh Lan với những bài như “Căn Nhà Màu Tím”, “Đò Chiều” của Trúc Phương; hay "Hai màu áo”, “Rừng Lá Thấp” với tiếng hát Thanh Thúy, v.v.. . Lệ Thu vào đó sẽ bị lạc lỏng vì tiếng hát của cô không thích hợp với không khí âm nhạc “hi hè” như thế. Nam Mỹ là một nơi âm nhạc phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều ca sĩ Mỹ nổi tiếng thì họ lại là gốc “Xì” (Spanish). “Boléro” là một điệu nhạc do người Nam Mỹ sáng tác để hát trong những buổi đình đám nhảy nhót ngoài trời. Nhạc sĩ Việt Nam “nhập cảng” loại nhạc nầy từ thập niên 40, và phát triển mạnh vào đầu thập niên 60, khi chính quyền Ngô Đình Diệm đóng cửa các phòng trà ca vũ nhạc. Từ các phòng trà, âm nhạc ra ngoài đường phố, vào các tụ điểm đông người như “Đại Nhạc Hội" thì điệu “Bolero” thích hợp nhứt. Nhạc sĩ Việt Nam lại “chế” cho điệu “Boléro” đi chậm lại một chút, để “gần” với dân ca và tâm hồn, cách sinh hoạt của người Việt Nam hơn, không “ồn ào” như đời sống của những dân tộc thuộc Châu Mỹ La-Tinh.

Nhạc ở trong phòng trà ca vũ nhạc, nói nôm na là nhạc nhảy đầm, nhạc thính phòng thì Valse, Tango là thích hợp nhứt. Gốc gác Tango cũng từ nam Mỹ châu. Các chàng thủy thủ giang hồ dừng chân trên các bến cảng xa lạ trong các chuyến hải hành nối liền Nam Mỹ với châu Âu, thời kỳ Đế quốc Tây Ban Nha, đã đem theo và phổ biến điệu nhạc nầy khi họ ghé lại các hộp đêm giải trí trên một bến cảng nào đó. Các cô gái giang hồ phải nhảy Tango giỏi để cầm giữ đôi chân của khách làng chơi, phần đông là các chàng thủy thủ có máu phiêu bạt, dừng lại một hai đêm rồi đi. Khi nghe tiếng nhạc Tango trỗi dậy, đôi chân người lữ khách như bị kích thích phải bước ra sàn nhảy, quấn lấy các vũ nữ để biểu diễn những bước nhảy bay bướm nhứt, năng động nhứt, mà tự điển Webster Encyclopedic gọi là "long gliding steps" (bước lướt dài), intricate (phức tạp) và poses (điệu bộ màu mè) làm hứng khởi vũ công lẫn khách thưởng lãm.

Không hiểu sao một điệu nhạc phát triển từ một môi trường thấp kém và nhiều khi dâm dật như thế lại dần dần thịnh hành trong các buổi dạ hội của đám vương tôn, công tử, tầng lớp giàu có sang trọng, trở thành một điệu nhạc sang trọng, một lối khiêu vũ sang trọng làm nhiều người mê thích.

Cái "thất bại" của Lệ Thu trong các buổi "Đại Nhạc Hội", mấu chốt là ở đây. Giọng hát của Lệ Thu không thể thích hợp với giai điệu Boléro nhưng nếu Lệ Thu hát các bài Tango thì tuyệt vời, không ai sánh kịp. Do đó, khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, các vũ trường được mở cửa lại. Không khí "nhảy đầm rộn lên ở vũ trường, và ở đây, người ta không cần Boléro mà lại cần Valse, Slow và Tango. Đó là lúc Lệ Thu lên ngôi Queen, "hoàng hậu", như kiểu người Mỹ phong chữ King cho Nat (King) Cole. Những ai ưa thích khiêu vũ, khó có thể ngồi yên khi Lệ Thu cất tiếng hát với một bản Tango. Do đó, từ giữa thập niên 1960 trở về sau, Lệ Thu nổi danh như cồn cũng không có gì là lạ. Cái "sang trọng" của Tango rất "ăn" với cái "sang trọng" của tiếng hát Lệ Thu. Đó là ý nghĩa việc mời Lệ Thu của nhóm cựu sinh viên Saigon-Đalạt nói trên nay đã thành đạt, mà không mời
ai khác.

Tôi từng bỏ công tìm những bài Tango do Lệ Thu hát, gom chung vào một CD để nghe. Mười lần như một, xúc cảm của tôi bao giờ cũng y như vậy, khi nghe LT hát "Bài Tình Ca Mùa Đông" của Trầm Tử Thiêng. Một nỗi đau không nguôi trong đời người nhạc sĩ tài hoa ấy cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay. Tôi muốn hỏi những người Cọng Sản đã cảnh tĩnh như Bùi Tín, họ nghĩ gì về niềm đau ly tán gia đình của người Miền Nam khi Cọng Sản Miền Bắc "giải phóng" miền Nam.

"Giải phóng" một người, một dân tộc là đem họ ra khỏi những điều bất hạnh hay đem tới cho họ điều bất hạnh? Tôi đề nghị Bùi Tín hãy nghe bài hát "Bài Tình Ca Mùa Đông" để cảm nhận cái đau của người Miền Nam mà trường hợp Trầm Tử Thiêng là một trong muôn một, cũng như Bùi Tín từng xúc cảm khi đọc bài thơ "Ta Về" của Tô Thùy Yên và ông đã chịu khó phổ biến bài thơ đó cho những người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, chỉ biết miền Nam qua những câu chuyện bịa đặt rằng nhân dân Miền Nam bị Mỹ Ngụy bóc lột tàn tệ đến nỗi phải dùng cái gáo dừa thay chén ăn cơm.

Năm 1976, tôi từ trại cải tạo Trảng Lớn bị đưa về K.4 trại Suối Máu. Đây là trại tù binh cũ thời Việt Nam Cọng Hòa, nên có một hệ thống loa phát thanh bắt quanh các khu 1,2,3, mà toàn trại nghe được. Mỗi sáng, nhà cầm quyền trại bắt đài Saigon (bây giờ gọi là đài phát thanh thành phố Hồ Chí Minh) cho tù nhân nghe. Chương trình ca nhạc của đài thường có các giọng hát nổi tiếng hồi đó như Tô Lan Phương (Có người nói là con gái nhà văn Thanh Nghị, cả hai cha con đều theo Cọng Sản), Thu Hiền, Vũ Dậu, v.v...và Lệ Thu. Lệ Thu chỉ hát mỗi một bài "Hà Nội, niềm tin và hy vọng" và bài hát nầy cứ phát đi phát lại hoài, anh em tù nhân nghe và bàn tán không ít. Có người thì chê "Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa". Có người thông cảm hơn, nói rằng, đại trượng phu như Ngô Thời Nhiệm, dòng dõi đại văn gia còn phải nói với Đặng Trần Thường: "hế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế". Vã lại, lúc bấy giờ có tin đồn nhiều nghệ sĩ Saigon hoạt động cho Cọng Sản, nổi tiếng nhứt là Kim Cương, Thanh Nga (từ vụ đại sứ Phạm Đăng Lâm bị mất xe hơi ở Paris), Thẩm Thúy Hằng, nghệ sĩ Năm Châu, các soạn giả cải lương Hà Triều Hoa Phượng; gánh hát Dạ Lý Hương kinh tài cho Cọng Sản, v.v...

Sau đó ít lâu, chính quyền quân quản Saigon cho thăm nuôi, gia đình tôi lên thăm, tôi được biết hai việc: Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thường lui tới chơi với các con tôi vì ông muốn tham gia chuyến vượt biên do gia đình tôi cùng bạn bè, bà con tổ chức. Ông hẹn với các con tôi qua tới Mỹ "bác cháu mình sẽ lập một gánh hát rong". Ông hiện bị kẹt lại, đang trốn tránh chính quyền Cọng Sản, sau khi đã cho vợ con đi rồi. Thứ hai là anh Lê Hưng, nguyên ca sĩ đài phát thanh Hà Nội, người thường tranh tài với Đoàn Chỉnh trước khi Đoàn Chỉnh đi B (vào Nam) nói với gia đình tôi khi Lệ Thu ra Hà Nội hát bài "Hà Nội, niềm tin và hy vọng", thì người Hà Nội cũ, (dân Hà Nội chính cống, không di cư hồi 1954) bàn tán xôn xao với nhau rằng, hơn hai chục năm nay, chưa từng được nghe ai hát hay như thế. Một cô "ca sĩ nhạc vàng" hát hay như thế thì nhạc vàng cũng là hay lắm và chính Lê Hưng khi vào "thành phố Bác" lại đi tìm nhạc vàng để "nghiên cứu" (giả nói nghiên cứu để che mắt chính quyền Cọng Sản). Nghe tôi thuật chuyện lại câu chuyện đó sau khi thăm nuôi, anh Lê Văn Chương (khoá 17 Võ bị, nguyên sinh viên viện đại học Đàlạt, nổi tiếng một thời đánh guitar hay nhất tại thành phố nầy), cười to lên sung sướng. Sau đó Chương nói: Trong cuộc đấu tranh văn hóa, chúng ta đã thắng không chỉ ở Saigon mà ngay tại Hà Nội. Câu nói của Chương làm tôi nghĩ tới trường hợp vua quan nhà Mãn Thanh bị "Hán hóa" sau khi họ làm vua ở Bắc Kinh. Sức mạnh văn hóa rất mãnh liệt, bền lâu và sâu sắc hơn sức mạnh quân sự là vậy. Thắng lợi quân sự chỉ là nhất thời, sau đó Cọng sản Bắc Việt sẽ gục ngã trước sức tấn công dũng mãnh của văn hóa miền Nam mà văn hóa đó, lại chính là văn hóa dân tộc, không mang tính ngoại lai, thù hận. Chúng ta nghĩ thế nào về việc Lệ Thu ra Hà Nội hát làm cho lòng người Hà Nội xúc động, xôn xao, trong khi chính sách tuyên truyền của Cọng Sản, cái gì miền bắc cũng ưu việt, hơn hẵn; ngược lại, cái gì của miền Nam cung xấu, cũng dở, cũng tệ. Lệ Thu đã chứng minh ngược lại, đã đánh bại đường lối tuyên truyền của Cọng sản. Đó không phải là bước đầu Lệ Thu "mở mắt" cho người miền bắc nói chung và Cọng Sản Hà Nội hay sao, dùng "giáo Tàu đâm Chệt" hay sao!?

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc đời ca hát của Lệ Thu, tôi muốn bỏ ra ngoài những gì thuộc về chính trị, tuyên truyền, để bày tỏ lòng cám ơn Lệ Thu; từ những lời dặn dò con gái út tôi lái xe cẩn thận khi đưa chúng tôi về vào lúc nửa đêm, sau buổi họp mặt cảm động của các cựu sinh viện Saigon-Đàlạt nói trên; sự cám ơn đó, được bày tỏ không chỉ qua những băng, dĩa nhạc có tiếng hát của cô chúng tôi nghe mỗi tuần, mà cả những khi nhìn cô hát từ trước 75 cũng như lần nghe hát vừa qua. Trong cách trình diễn, bao giờ Lệ Thu cũng bày tỏ "khổ công" hơn các ca sĩ khác, thường làm cho tôi nghĩ tới câu thơ Tàu:

Bất tích ca giã khổ
Đản thương tri âm hy

(Không tiếc công người ca khổ nhọc, chỉ tiếc thiếu người nghe (tiếng hát) mà thôi). Chữ "tri âm" ở đây, có nghĩa là nghe và hiểu tiếng hát, tiếng đàn, là cảm xúc, tâm tư của người nghệ sĩ. Đời người hiếm khi tìm được một kẻ tri âm, khiến Bá Nha phải đập vở đàn khi nghe tin Tử Kỳ qua đời. Qua "tri âm" đó, Nguyễn Du đã mô tả tâm sự cô Kiều trong cuộc đời lưu lạc bằng hai câu thơ:

Ai tri âm đó mặn mà với ai!


Đầu mùa tuyết 2002
hoànglonghải/tuệchương
Nov 14, 2002

Nguồn: http://www.vietnamdaily.com/





Phượng Các
#3 Posted : Friday, November 19, 2004 5:37:38 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)



Lệ Thu

Trường Kỳ (1999)


“Người ta qua đây người ta cầy hộc bơ ra, người ta đi làm bởi vì thấy trước cái nghiệp dĩ, cái ngành nghề, cái sinh hoạt của âm nhạc không có được liên tục như ở Việt Nam. Đáng lẽ mình phải nhìn thấy điều đó ngay để chuẩn bị cho mình một tương lai. Nhưng Thu dở quá, Thu không có chuẩn bị gì hết.”

Lệ Thu, tiếng hát một thời lừng lẫy trong thế giới ca nhạc Việt Nam giờ đây, một mình đơn độc trong căn nhà vắng lặng, nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời của một nghệ sĩ tiếng tăm, chị đã nhận ra một điều bất hạnh cho một kiếp cầm ca, nhất là đối với chị đã trên 40 năm mang tiếng hát của mình để tạo niềm vui cho đời, cho người.


Người con cầu tự

Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, chào đời tại Hải Phòng ngày 16 tháng Baœy năm 1943. Thân mẫu chị đã sinh được tất cả tám người con, nhưng baœy người con đầu đều đã qua đời vào năm lên 3 tuổi. Lệ Thu là người con duy nhất sống được sau khi thân mẫu chị thụ thai trong một trường hợp rất đặc biệt như lời chị kể: “Trước khi sinh Thu, bà cụ đi đến chùa mới cúng vái gì đó. Cụ bảo là trong khi chờ đợi đến phiên mình cúng vì quá đông người, cụ nằm ngủû thiu thiu thì thấy một ông quan mặït đỏ tía tai, mặc áo long bào ẵm đứa bé trao cho cụ. Thế là cụ thụ thai Thu. Cụ thụ thai Thu thì nuôi được. Thế nhưng cụ cũng phải bỏ vào trường bà ‘sơ’ để cho ‘sơ’ nuôi chứ không dám nuôi ở nhà sợ lại ‘đi đoong’ nữa.”


Tình cờ ở Bồng Lai

Lớn lên trong một gia đình chị gọi là bất hạnh như vậy, Lệ Thu sống bằng sự đùm bọc của người mẹ là người vợ thứ của thân phụ chị. Vì gặp nhiều khó khăn do người vợ cả gây ra, hai mẹ con chị đã phải rời bỏ quê quán để vào Sài Gòn từ năm 1953. Nhờ sự tần tảo của mẹ, Lệ Thu theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers vào năm 59, và một sự tình cờ đưa đẩy đã khiến cô học trò Bùi Thị Oanh đến với âm nhạc: “Một hôm, sau khi đi học về, bạn bè rủ đi chơi. Caœ đám kéo lên phòng trà Bồng Lai ngồi ăn, buổi chiều ở trên cái sân thượng. Bạn bè gọi người coi như là MC lúc đó giới thiệu Thu, bảo là yêu cầu cô này lên hát đi, cô ấy hát hay lắm. Xong rồi bọn nó cứ đẩy Thu lên hát. Bài đầu tiên là bài ‘Dang Dở.’ Vừa hát xong, ông giám đốc Bồng Lai ... ký giao kèo ngay. Thế là khởi đầu sự nghiệp từ đóù.”

Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng chỉ một thời gian sau vì quá yêu nhạc nên chị đã quyết định thôi học luôn để đi theo con đường ca hát.

Hát ở Bồng Lai được khoảng hai năm, Lệ Thu bắt đầu “cất cánh tung bay” về hát tại Trúc Lâm trà thất của nhạc sĩ Mạnh Phát, cũng là nơi cộng tác của nhiều giọng ca tên tuổi khác như Lệ Thanh và Thanh Thúy. Tiếng hát của Lệ Thu bắt đầu gây được tiếng vang qua những nhạc phẩm tình cảm với một giọng ca đặc biệt, khác hẳn những ca sĩ cùng thời.


Cộng tác với vũ trường Tự Do

Đến năm 62, Lệ Thu sang cộng tác với vũ trường Tự Do. Nhờ từng theo học chương trình Pháp và có một số vốn liếng Anh văn khá vững vàng – theo học một thời gian ở trường Khải Minh – nên trong thời gian cộng tác với vũ trường này Lệ Thu đã chuyển sang trình bầy những nhạc phẩm ngoại quốc, nổi bật nhất là “La Vie En Rose,” “A Certain Smile,” “La Mer,” “Love Is A Many Splendored Thing.”

Trong thời kỳ này rất hiếm những giọng ca có thể hát được cả ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp nên Lệ Thu đã được khán thính giả dành cho rất nhiều cảm tình.

Cũng trong thời gian này, Lệ Thu thành hôn với một thanh niên tên Sơn, du học từ Pháp về. Hai người đã có với nhau hai con gái là Trang và Tú, hiện đều đã có gia đình và có cơ sở thương mại riêng và việc làm vững chắc ở Nam California.

Lệ Thu càng ngày càng nổi tiếng để trở thành cái đinh của những vũ trường lớn ở Sài Gòn, ngoài việc được biết đến qua những chương trình ca nhạc trtên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và Mẹ Việt Nam. Những vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz được khách nồng nhiệt chiếu cố trong thời gian từ 68 đến 71 một phần lớn nhờ ở tiếng hát Lệ Thu. Sân khấu và ánh đèn nơi vũ trường đã có một sức lôi cuốn lạ kỳ với chị.

Lệ Thu đã bỏ ra rất nhiều thời giờ để tập dượt một nhạc phẩm ưa thích: “Hồi ở Việt Nam, mỗi lần thích một bài nào đó là Thu tập miệt mài tới sáng đêm. Đi hát về 1, 2 giờ đêm vẫn còn tập hát cho đến sáng. Thí dụ như bài ‘Serenade’ chẳng hạn.”


Jo Marcel – Vũ trường Queen Bee

Năm 68, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hàng đêm chị còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát.

Đến giữa năm 69, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo, để sau đó chị trở thành một nữ ca sĩ đắt giá nhất trong thời kỳ này nhờ lôi cuốn được một số khách kỷ lục. Những băng nhạc có tiếng hát Lệ Thu do Jo Marcel thực hiện, cũng có số bán vượt xa những băng nhạc khác phát hành cùng thời.

Sự nổi tiếng của Lệ Thu đã đưa đến sự tranh chấp của hai vũ trường Ritz và Tự Do trong vấn đề dành độc quyền tiếng hát của chị. Do một điều khoản trong giao kèo ký kết với Jo Marcel của Ritz, Lệ Thu đã không thể về hát tại vũ trường Tự Do với tiền lương mỗi tháng 1 triệu đồng, chưa kể đến số tiền thưởng riêng 2 triệu do sự thỏa thuận với giám đốc vũ trường này là Nguyễn Văn Cường. Do đó Lệ Thu đã cộng tác với Jo Marcel thêm một năm nữa, trước khi về hát với Tự Do cũng với số tiền thù lao kỷ lục như đã thỏa thuận từ trước. Lệ Thu trở lại với Tự Do vào năm 70 và kéo dài cho đến khi vũ trường này bị nổ hơn một năm sau. Từ đó cho đến biến cố tháng Tư năm 75, Lệ Thu vẫn giữ cho mình được một ngôi vị cao.


Một thoáng phù du

Bây giờ nhớ về thời kỳ vàng son đó, Lệ Thu không hề tỏ ra tiếc nuối vì đối với chị tất caœ chỉ là một thoáng phù du: “Điều tôi cho là quan trọng nhất là gì? Chính là cái tâm hồn của mình. Bởi vì tâm hồn của tôi nó nhậy cảm lắm. Tôi chỉ mong tìm được sự an bình thôi...chứ những cái hào nhoáng, những cái vinh quang cũng như những cái thăng, cái trầm, những cái tủi, cái vinh nó chỉ có một thoáng rồi thôi.”

Lệ Thu thú nhận là rất thờ ơ trong việc ghi chép những gì liên quan đến những sinh hoạt của chị, đến cuộc sống tình cảm của chị “vì vậy cho nên Thu bỏ lửng mấy cái chuyện đáng lẽ là mình không nên bỏ lửng như vậy.” Lý do như chị vừa nói đến từ cuộc sống đơn độc hiện nay bởi sự kém may mắn về đường tình cảm cũng như gia đình.

Sau khi đổ vỡ với người chồng đầu tiên, Lệ Thu kết hôn với ký giả Hồng Dương mà kết quả cũng không được tốt đẹp như cuộc hôn nhân trước đó, sau khi đã có với nhau một con gái tên Thu Uyển. Đường chồng con của chị đã khiến Lệ Thu thốt ra những lời chua xót: “Làm cái gì thì cũng cần có vợ có chồng với nhau. Còn Thu, Thu kém may mắn về cái đường gia đình quá à.”

Nhìn lại một thời huy hoàng đã qua khi những ca khúc như “Ngậm Ngùi,” “Hương Xưa,” “Thu Hát Cho Người,” “Hạ Trắng” hay “Serenade” đã đưa tên tuổi chị lên cao để trở thành một giọng ca rất được nhiều người hâm mộ, Lệ Thu tự an ủi để cho đó là một sự phù du của cuộc đời mặc dù không phải chị không thỉnh thoảng quay về với dĩ vãng.

Ai từng quen biết Lệ Thu đều phải công nhận chị là một người lạc quan và hay khôi hài, tuy nhiên hiện nay trong hoàn cảnh bơ vơ, đơn độc nơi xứ người Lệ Thu đã không tránh khỏi những bùi ngùi lo lắng khi nhìn tới khoảng thời gian còn lại.

Sau biến cố tháng Tư năm 75, Lệ Thu gia nhập đoàn Kim Cương đi trình diễn đó đây cho đến năm 79. Một năm trước đó chị cũng đã từng mở một quán cà phê mang tên con gái út của chị là Thu Uyển trên đường Phan Tôn, Tân Định với sự cộng tác của Thanh Lan và nhạc sĩ Lê Văn Thiện. Quán Thu Uyển đã thu hút được rất nhiều khách hàng, tìm đến để thưởng thức lén lút những âm thanh quen thuộc trước đó.


Đến Pulau Bidong

Vào tháng Mười Một, 1979, Lệ Thu cùng con gái út vượt biên. Sau sáu ngày lênh đênh trên biển cùng với một vài nghệ sĩ khác như Ngọc Minh và Hoàng Thi Thao, Lệ Thu đã đến được Pulau Bidong và sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980. Hai người con gái lớn của chị cũng vượt biên đến đảo Galang và một thời gian sau cũng được đoàn tụ với chị tại Nam California.

Những ngày đầu trên miền đất lạ, Lệ Thu cảm thấy rất bơ vơ, không biết sẽ phải đương đầu với tương lai mình ra sao. Chị nhớ khán giả, nhớ những đêm vũ trường đã mang đến cho chị những niềm vui đầy ý nghĩa của một cuộc đời ca hát cho người mua vui.


Tái ngộ kháng thính giả ở Beverley Hills

Vào tháng Mười năm 1980, Lệ Thu đã tìm lại được một niềm vui lớn khi tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt do Nam Lộc tổ chức tại Beverley Hills với một số người tham dự kỷ lục.

Một thời gian ngắn sau đó Lệ Thu đã được mời sang Paris trình diễn, và liên tiếp được khắp nơi mời đón. Ngoài ra, Lệ Thu còn cộng tác với nhiều vũ trường như Tự Do, Làng Văn và Maxim’s.

Năm 1981, Lệ Thu đứng ra thực hiện băng nhạc đầu tiên tại hải ngoại mang tựa đề “Hát Trên Đường Tử Sinh” gồm những ca khúc về tỵ nạn, liền đó là băng nhạc “Thu Hát Cho Người” gồm một số nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi chị.

Đến khi nhạc phẩm “Mười Năm Tình Cũ” ra đời thì chính tiếng hát của Lệ Thu đã khiến cho nhạc phẩm này của Trần Quảng Nam trở thành quen thuộc. Ngoài ra nhạc phẩm “Xin Còn Gọi Tên Nhau” cũng đã khiến tên tuổi của Lệ Thu tìm lại được chỗ đứng trong sự mến mộ của khán giả tại hải ngoại.

Theo Lệ Thu thì chị không có số buôn bán. Sau khi lấy được mảnh bằng về ngành thẩm mỹ, chị đã đứng ra điều hành một trung tâm thẩm mỹ, nhưng chỉ được một thời gian cũng phải đóng cửa. Mấy năm gần đây chị lại mở một quán ăn nhưng cũng không tồn tại được bao lâu. Những sự thất bại đó đến từ sự thiếu chăm sóc vì những lần đi hát ở xa.


Một mình trong căn nhà vắng

Những ngày đầu tiên chị cư ngụ ở thành phố Costa Mesa, rồi dọn về Garden Grove và mua nhà ở đây với các con. Sau khi các con chị thành tài và ra ở riêng, chị phải bán căn nhà vào năm 1999. Hiện Lệ Thu đang ở một căn nhà thuê ở thành phố Fountain Valley, và sống trong cảnh đơn độc. Chị cho biết con cái thương yêu chị rất nhiều, nhưng cũng như các bậc cha mẹ gặp cảnh “nước mắt chảy xuôi,” mỗi người con của chị đều có một đời sống riêng, không giúp gì được chị trong một môi trường sống khác biệt hẳn với trước kia.

Những ngày gần đây, tình trạng sức khỏe của chị có phần sa sút nên đã phải từ chối một số lời mời trình diễn. Theo lời bác sĩ điều trị thì Lệ Thu lâm vào một tình trạng căng thẳng quá độ: “Bác sĩ nói là bị stress quá, buồn phiền lo lắng quá. Rồi nó xuống tinh thần, bạch huyết cầu của Thu bị thiếu quá, nên sức đề kháng trong cơ thể không có nữa. Thành ra cái sự bi quan đó nó làm cho bị down.”

Có người cho rằng Lệ Thu đã trải qua một cuộc sống buông thả nên đã đưa đến tình trạng sức khỏe như hiện nay. Trước những lời đồn đại như vậy, chị lên tiếng: “Trong suốt cuộc đời của Thu, Thu không bao giờ biết uống chứ không phải nói là uống được một giọt rượu, không bao giờ hít một điếu thuốc lá, không biết hít một hơi thuốc lá chứ đừng nói là một điếu. Và cũng không bao giờ nhấp một ngụm cà phê. Vấn đề không phải là mình kiêng, nhưng mà là không uống được, không làm được!”

Khi nhớ đến khoảng thời gian đầu ở hải ngoại, Lệ Thu đã không dấu được sự tiếc nuối vì không có được những kinh nghiệm của những người đi trước để chuẩn bị cho tương lai mình. Có thể do bản tính lạc quan, chị đã nhìn đời với một con mắt quá dễ dãi: “Bây giờ thì nghề cũng trả thầy mà chữ cũng trả thầy. Lâu quá rồi thì nó cũng lụt đi chứ. Tuy rằng mình có giỏi giang gì, mình có chữ nghĩa, không bị trở ngại về ngôn ngữ, nhưng mà lớn tuổi rồi, có làm gì được đâu.”

Lệ Thu nhìn lại mình, nhìn lại quãng đời đi qua như những thoáng phù du với một niềm bi quan tột cùng. Tâm trạng của chị đã được thể hiện rõ ràng trong một số nhạc phẩm của nữ nhạc sĩ Diệu Hương, trong CD mới nhất với tựa đề “Lặng Nhìn Ta Thôi,” phát hành trong năm 1999.

Lệ Thu, tiếng hát đầy quyến rũ đã từng là hơi thở của những người yêu nhạc sẽ là một tiếng hát đáng được vinh danh với tất cả ý nghĩa trang trọng của nó.


Trường Kỳ (trích vietnhac.org)



Lệ Thu

(Điểm Qua Một Số Tiếng Hát Hải Ngọai)

Trường Kỳ

Năm 2001 đã chính thức đánh dấu 40 năm sinh hoạt ca nhạc của Lệ Thu bằng một đêm văn nghệ và dạ vũ tổ chức tại miền nam California.. Đó là một tên tuổi lẫy lừng trong những thập niên 60 và 70 được coi là một trong những giọng hát tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam. Sang đến hải ngoại, Lệ Thu vẫn là một trong những nữ ca sĩ được mến mộ nhất. Sau 40 năm, chỉ là một sự kiện bình thường nếu làn hơi của nữ danh ca này không còn được phong phú như thời vàng son. Nhưng sức truyền cảm của tiếng hát sống trọn vẹn với những ca khúc tình cảm giá trị hầu như không hề giảm sút, trái lại còn mãnh liệt hơn khi đã trải qua những thăng trầm trong đời sống

Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh tại Hải Phòng ngày 16 tháng 07 năm 1943. Thân mẫu chị đã sinh được tất cả 8 người con, nhưng 7 người con đầu đều đã qua đời vào năm lên 3 tuổi. Do đó Lệ Thu là người con duy nhất còn lại trong gia đình.

Trong khi đang theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers vào năm 59, một sự đưa đầy tình cờ đã khiến cô học trò Bùi Thị Oanh đến với âm nhạc, khi cùng với bạn bè đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc. Do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu đã bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm Dang Dở và ngay sau đó đã được chủ nhân phòng trà này mời ký giao kèo. Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng chỉ một thời gian sau vì quá yêu nhạc nên chị đã quyết định thôi học luôn để đi theo con đường ca hát. Sau Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát và kế đó là vũ trường Tự Do vào năm 62, chuyên trình bày những nhạc phẩm lời Pháp và Anh, nổi bật nhất là những nhạc phẩm như La Vie En Rose, A Certain Smile, La Mer, Love Is A Many Splendored Thing, vv...cùng một số nhạc phẩm Việt Nam.

Lệ Thu càng ngày càng nổi tiếng để trở thành cái đinh của những vũ trường lớn ở Sài Gòn, ngoài việc được biết đến qua những chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và Mẹ Việt Nam. Những vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz được khách nồng nhiệt chiếu cố trong thời gian từ 68 đến 71 một phần lớn nhờ ở tiếng hát đầy tình cảm của Lệ Thu. Sân khấu và ánh đèn nơi vũ trường đã có một sức lôi cuốn lạ kỳ với chị.

Năm 68, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hàng đêm chị còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho JoMarcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát. Đến giữa năm 69, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo, để sau đó chị trở thành một nữ ca sĩ đắt giá nhất trong thời kỳ này nhờ sự lôi cuốn được một số khách kỷ lục cũng như rất đông đảo người nghe nhạc đến với những băng nhạc có tiếng hát Lệ Thu do Jo Marcel thực hiện, có được một số bán vượt xa những băng nhạc khác phát hành cùng thời. Vào năm 70 Lệ Thu trở lại với Tự Do cho đến khi vũ trường này bị nổ hơn một năm sau. Từ đó cho đến biến cố tháng 4 năm 75, Lệ Thu vẫn giữ cho mình được một ngôi vị cao.

Sau biến cố tháng Tư năm 75, Lệ Thu gia nhập đoàn Kim Cương để đi trình diễn đó đây cho đến năm 79 là năm chị cùng con gái út vượt biển vào tháng 11 và đến được Pulau Bidong, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 80. Hai con gái lớn của chị cũng vượt biên đến đảo Galang và một thời gian sau cũng được đoàn tụ với chị tại nam California

Vào tháng 10 cùng năm 80, Lệ Thu đã tìm lại được một niềm vui lớn lao tưởng như không bao giờ tìm lại được khi tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt tại Beverly Hills với một số người tham dự kỷ lục. Một thời gian ngắn sau Lệ Thu đã được mời sang Paris trình diễn, và dĩ nhiên số lượng khán giả cũng đến với chị rất đông đảo. Những năm đầu tiên nơi xứ người Lệ Thu đã được mời đi trình diễn liên miên. Đó là chưa kể đến việc cộng tác với nhiều vũ trường như Tự Do, Làng Văn và Maxim's. Năm 81, Lệ Thu đứng ra thực hiện băng nhạc đầu tiên tại hải ngoại mang tựa đề “Hát Trên Đường Tử Sinh” gồm những ca khúc về tỵ nạn, liền đó là băng nhạc “Thu Hát Cho Người” gồm một số những nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi chị.

Đến khi nhạc phẩm “Mười Năm Tình Cũ” ra đời thì chính tiếng hát của Lệ Thu đã khiến cho nhạc phẩm này của Trần Quảng Nam trở thành quen thuộc. Ngoài ra nhạc phẩm “Xin Còn Gọi Tên Nhau” cũng đã khiến tên tuổi của Lệ Thu tìm lại được chỗ đứng vững vàng trong sự mến mộ của khán giả hải ngoại

Bây giờ sau hơn 40 năm, nhớ về thời kỳ vàng son lẫy lừng tên tuổi, Lệ Thu không hề tỏ ra tiếc nuối. Đối với chị tất cả chỉ là một thoáng phù du. Nhưng điều không ai chối cãi được là dòng tân nhạc Việt Nam chắc chắn sẽ mất đi rất nhiều phong phú nếu không có được sự đóng góp quí giá của tiếng hát Lệ Thu, một người nghệ sĩ hoàn toàn sống cho nghệ thuật đáng được vinh danh với tất cả ý nghĩa cao đẹp...

Trường Kỳ
(2001)
Việt Dương Nhân
#4 Posted : Thursday, February 10, 2005 8:48:52 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Vinh Danh Lệ Thu

“Me có hay chăng con về, chiều nay lặng im đứng yên để nghe, nghe gió trong tim tràn trề, nụ cười nhăn nheo bỗng dưng lệ nhòe…” Một tiếng hát vẫn còn nằm kẹt đâu đó trong ký ức tuổi thơ từ cuốn băng Sơn ca số 9. Lệ Thu, một cái tên tiền định hát bằng nước mắt đau thương, bàng bạc như tơ sương của khung trời mùa Thu đất Bắc, như một lời giới thiệu mở đầu … tèng teng teng…Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống, đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông,... Rồi một buổi trưa hè nào đó bên nhà hàng xóm văng vẳng xa vắng Gọi Nắng trên vai em gầy đường xa áo bay,…Với RC chỉ một mỹ từ duy nhất thôi “Đẹp”, ừ đẹp thì có nhiều nghĩa ai hiểu thế nào cũng được miễn là đẹp. Lệ Thu là một tiếng hát Đẹp. Thưởng thức tiếng hát Lệ Thu như là thuởng thức một Dung Nhan đẹp đẽ và rắn rỏi.

Có thể RC không biết hết được cái hay cái đẹp khác xung quanh tiếng hát Lệ Thu. Nhưng có một điều làm RC rất mến mộ cô Lệ Thu là lối phát âm tiếng Việt khi hát. Nghĩ đến Lệ Thu là mường tượng ra được Vẻ đẹp của tiếng Việt. Một ví dụ nhỏ, cứ thử nghe Lệ Thu với Em Lễ Chùa Này (Phạm Duy, Phạm Thiên Thư). Cách phát âm chữ Lễ của cô thì thấy mỹ thuật dường nào. Nhẹ nhàng, Uyển chuyển và rất tròn vành rõ chữ.

Có một lần đọc được đâu đó vài hàng phác họa của nhà văn Hồ Trường An về tiếng hát của cô Lệ Thu, RC thấy không có từ nào diễn tả chính xác hơn “tiếng gào trầm thống sáng lồng lộng”. Thưởng thức được điểm đặc sắc này của Lệ Thu, chúng ta phải nghe cô trình bày các nhạc phẩm thuộc hàng kinh điển như Hoài Cảm và Hương Xưa (Cung Tiến), Thuyền Viễn Xứ và Kiếp Nào Có Yêu Nhau (Phạm Duy), Mười Năm Tình Cũ (Trần Quảng Nam), Xin Còn Gọi Tên Nhau (Trường Sa), Giấc Mơ Hồi Hương (Vũ Thành), Vọng Ngày Xanh (Khánh Băng), Em Chết Theo Ngày Vu Quy (Nguyễn Phước Tố và Nguyên Ly), Chiều Tím (Đan Thọ và Đinh Hùng), Mái Tóc Dạ Hương (Nguyễn Hiền và Đinh Hùng), Sao Đêm (Lê Trọng Nguyễn), Chiếc Lá Cuối Cùng (Tuấn Khanh),…Trong những nhạc phẩm đó sự đằm thắm-nữ tính của cô được kết hợp với sự dữ dội-bão táp một cách tài tình và điệu nghệ. Nghe Lệ Thu lấy hơi và giữ giọng mới thấy hết được sự công phu trong một giọng hát.

Từ tiếng hát Lệ Thu, RC mới cảm nhận được cái hay cái đẹp của nhạc Việt Nam, của tiếng nói Việt Nam. Với Lệ Thu chúng ta còn có nhiều điều để xưng tụng và cảm tạ cô lắm lắm.

Nay được sự khuyến khích của Quý Anh Chị Phố Xưa, RC xin được phép mở một Khán Phòng dành cho cô Lệ Thu ở đây. RC xin mời các anh các chị vào đây để chúng ta cùng thưởng thức một tiếng hát Việt Nam có một không hai.


MỤC LỤC:
(Những ca khúc các bạn được nghe trong quán Lệ Thu)


1. Hương Xưa (Cung Tiến) (p.1)
2. Sao Đêm (Lê Trọng Nguyễn)
3. Đừng Bỏ Em Một Mình (Phạm Duy) (p.4)
4. Tình Là Bóng Ma - Scat In The Dark (Nhạc Mỹ - Lời Việt : Phạm Duy) (p.5)
5. Tiếng Cười Trong Ðêm - La Nuit (Nhạc Pháp - Lời Việt : Phạm Duy)
6. Đừng Bỏ Em Một Mình (Phạm Duy)
7. Tình Lỡ (Thanh Bình)
8. Serénade - Dạ Khúc (Nhạc : Franz Schubert, Lời Việt : Phạm Duy) (p.6)
9. Nhạc Chủ Đề: Lệ Thu
- Thuyền Viễn Xứ (Phạm Duy - Huyền Chi)
- Người Về (Phạm Duy)
- Mắt Biếc (Cung Tiến)
- Buồn Vương Màu Áo (Ngọc Trọng)
- Người Về (Phạm Duy)
- Hương Xưa (Cung Tiến)
10. Bước Chân Dĩ Vãng (*) (p.7)
11. Nỗi Lòng (Nguyễn Văn Khánh)
12. Nhớ Quê Hương (Phạm Ngữ)
13. Chiếc Bóng Bên Đường (Phạm Duy) (p.8)
14. Nước Mắt Mùa Thu(Phạm Duy)
15. Tìm Đâu Phút Ban Đầu (Huỳnh Anh)
16. Vì Tôi Là Linh Mục (Nguyễn Đức Quang, thơ Nguyễn Tất Nhiên)
17. Người xưa ơi nhớ quá (Song Ngọc) (p.9)
18. Mái Tóc Dạ Hương (Nguyễn Hiền ý thơ Đinh Hùng)
19. Xin Chở Tình Ta Theo (Nhạc: Nguyễn Hữu Nghĩa. Thơ: Nguyễn Tất Nhiên)
20. Huyền Thoại Người Con Gái (Lê Hựu Hà)
21. Mùa Thu Chết (Phạm Duy, thơ Appolinaire)
22. Hạ Trắng (Trịnh Công Sơn)
_____________________________

01. Tiếng hát Lệ Thu 1 Nước Mắt Mùa Thu, 1971, Lệ Thu thực hiện.
02. Tiếng hát Lệ Thu 2 Đợi Chờ, 1972, Lệ Thu thực hiện.
03. Tiếng hát Lệ Thu 3
04. Lệ Thu Ngọc Chánh, coll. các Tác phẩm ăn khách Lệ Thu thâu âm cho các Chương trình Shotguns của Ns. Ngọc Chánh từ năm 1970 ~ 1975.
05. Lệ Thu Jo Marcel
06. Sơn Ca số 9 Lệ Thu và Những Nhạc Phẩm Tiền Chiến, 1974, nhạc sĩ Phượng Linh thực hiện.
07. Hát Trên Đường Tử Sinh 1981 (tape), TT Sóng Nhạc
08. Những Tình Khúc Biệt Ly 1981 (tape), TT Thúy Nga thực hiện tại Paris
09. Thu Hát Cho Người 1983 (tape),
10. Đường Em Đi (tape) Em Lễ Chùa Này 1985 (CD) TT Thanh Lan
11. Lời Buồn Thánh (tape) Tình (CD) TT Người Đẹp Bình Dương
12. Thuyền Viễn Xứ (tape) Về Miền Trung (CD)1988 TT Giáng Ngọc.
13. Dạ Khúc Cho Tình Nhân (tape), Khúc Tango Sầu (CD) 1995 TT Giáng Ngọc.
14. Tưởng Niệm (tape, CD) 1990, Lệ Thu thực hiện
15. Nước Mắt Mùa Thu (CD) 1992, Lệ Thu thực hiện, Phượng Nga phát hành.
16. Dạ Khúc (tape) Mối Tình Xa Xưa (CD) Lệ Thu thực hiện, TT Biển phát hành.
17. Lặng Nhìn Ta Thôi – Tình khúc Diệu Hương 1999, Lệ Thu thực hiện
18. Như một Tác phẩm Để Đời vol. 1 và 2, digital remaster CD 2001, Lệ Thu thực hiện
*Các records trong 2 CDs này được Lệ Thu tuyển chọn từ 2 Albums Sơn Ca 9 và Đợi Chờ, thu âm năm 1974, digital remaster lại và phát hành dưới dạng Audio CD.
19. Những Tình khúc Bất Hủ, Tuyển chọn của Trung tâm Ca Dao 2002
20. Như một Tác phẩm Để Đời vol. 3, 2004, Lệ Thu thực hiện, Ca Dao đại diện phát hành. *coll. các tác phẩm thành công của Lệ Thu thu âm rải rác từ các chương trình tại hải ngoại từ 1981 ~ 1990

Với Bạn Hữu

01. Tứ Quí (với Khánh Ly, Duy Trác và Tuấn Ngọc) Lệ Thu thực hiện
02. Tứ Quí (với Khánh Ly, Duy Quang và Sĩ Phú) 1984 Thúy Anh thực hiện
03. Tứ Quí Nỗi Niềm (với Khánh Ly, Ngọc Minh và Ngọc Lan)?
04. Tứ Quí 1 (với Khánh Ly, Hương Lan và Kim Anh) Thanh Lan thực hiện
05. Như Cánh Vạc Bay (với Khánh Ly) 1986 Làng Văn thực hiện
06. Bài Tình Ca Mùa Đông (với Sĩ Phú, Thanh Hoàng) 1987 Làng Văn thực hiện
07. Một Thoáng Hương Xưa (với Tuấn Ngọc) 1988 Làng Văn thực hiện
08. Tình Không Biên Giới (với Khánh Ly, Sĩ Phú) 1986 Thanh Lan thực hiện
09. Đêm Hạ Hồng (với Khánh Ly) 1988 Làng Văn thực hiện

Movies, Video and DVD

01. Xa Lộ Không Đèn Y VÂN phim cùng tên
02. Chiếc Bóng Bên Đường PHẠM DUY và KIM CƯƠNG phim cùng tên
03. Người Tình Không Chân Dung HOÀNG TRỌNG và DẠ CHUNG phim cùng tên
04. Trao Nhau Lời Cuối HOÀNG TRỌNG phim Giã Từ Bóng Tối

01. Tango Dĩ Vãng ANH BẰNG 198?
02. Hạ Trắng TRỊNH CÔNG SƠN 198?
03. Hạnh Phúc Lang Thang TRẦN NGỌC SƠN 198?
04. Giọng Buồn Chơi Vơi CHÂU ĐÌNH AN và HOÀNG THƯỢNG DUNG 198?
05. Mười Năm Tình Cũ TRẦN QUẢNG NAM Thúy Anh 1989
06. Ngậm Ngùi PHẠM DUY và HUY CẬN Washington Night 1996
07. Dạ Khúc SCHUBERT và PHẠM DUY 1995
08. Hẹn Một Ngày Về PHẠM MẠNH ĐẠT 1995
09. Tình Lỡ THANH BÌNH Ca Dao 1998
10. Người Tình Không Chân Dung HOÀNG TRỌNG và DẠ CHUNG Ca Dao 1999
11. Đợi Chờ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG và NHẬT BẰNG Hội Ung Thư Việt Mỹ 2003
12. Nửa Hồn Thương Đau PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG và THANH TÂM TUYỀN Hội Ung Thư Việt Mỹ
2003
13. Một Mai Em Đi TRƯỜNG SA 12th Anniversary Kim Lợi Cali 2004

01. Thung Lũng Chim Bay VIỆT DZŨNG và HOÀNG NGỌC ẨN Thúy Nga 1988
02. Rồi Mai Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà PHẠM DUY Thúy Nga 1992
03. Thuyền Viễn Xứ PHẠM DUY và HUYỀN CHI Thúy Nga 1995
04. Chiếc Lá Cuối Cùng TUẤN KHANH Thúy Nga 2002
05. Xin Còn Gọi Tên Nhau TRƯỜNG SA Thúy Nga 2003
06. Nước Mắt Mùa Thu PHẠM DUY Thúy Nga 2003
07. Mái Tóc Dạ Hương NGUYỄN HIỀN và ĐINH HÙNG Thúy Nga 2004

01. Xin Còn Gọi Tên Nhau TRƯỜNG SA Đêm Sài Gòn 1,1991
02. Bài Không Tên Số 7 VŨ THÀNH AN Đêm Sài Gòn 3, 1993
03. Hướng Về Hà Nội HOÀNG DƯƠNG Đêm Sài Gòn 4, 1994
04. Hợp khúc Nhìn Những Mùa Thu Đi và Nắng Thủy Tinh TRỊNH CÔNG SƠN với Khánh Ly, Đêm Sài Gòn 5, 1995
05. Hoài Cảm CUNG TIẾN Asia 1997
06. Bản Tình Cuối NGÔ THỤY MIÊN Asia 1999
07. Hương Xưa CUNG TIẾN Asia 2000
08. Giấc Mơ Hồi Hương VŨ THÀNH Asia 2001
09. Nước Mắt Cho Sài Gòn NGUYỄN ĐÌNH TOÀN Asia 2001
10. Tôi Đi Tìm Lại Một Mùa Xuân ĐOÀN NGUYÊN Asia 2002
_____________________________

Bên cạnh sự chuyển tải trọn vẹn ý tình và cảm xúc của Nhạc phẩm, Lệ Thu còn đưa vào mỗi Tác phẩm một Ấn tượng về tiếng hát của cô. Khi nghe nhạc phẩm đó không khỏi liên tưởng đến tiếng hát của Lệ Thu. RC xếp đặt các ca khúc của Lệ Thu trình bày theo từng Tiểu mục Chủ đề, Tác giả (alphabet) mà cô đã đặt Dấu ấn lên đó. Đồng thời chúng ta cũng thấy được Tài nghệ lựa chọn Nhạc phẩm của Cô.


Lệ Thu và Nhạc Tiền chiến


Bẽ Bàng (Lê Yên)
Buồn Nhớ Quê Hương (Phạm Ngữ)
Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay (Đoàn Chuẩn Từ Linh)
Lá Đổ Muôn Chiều (Đoàn Chuẩn Từ Linh)
Lá Thư (Đoàn Chuẩn Từ Linh)
Tà Áo Xanh (Đoàn Chuẩn Từ Linh)
Hướng Về Hà Nội (Hoàng Dương)
Tiếc Thu (Hoàng Dương)
Một Thuở Yêu Đàn (Hoàng Trọng, lời Hoàng Dương)
Tiếng Thời Gian (Lâm Tuyền)
Tơ Sầu (Lâm Tuyền)
Xa Quê (Lê Quang Nhạc, lời Hồ Đình Phương)
Con Thuyền Xa Bến (Lưu Bách Thụ)
Chờ Một Kiếp Mai (Ngọc Bích, Xuân Tiên)
Tiếng Đàn Tôi (Phạm Duy)
Bến Xuân (Văn Cao, Phạm Duy)
Suối Mơ (Văn Cao)
Trương Chi (Văn Cao)
(…)

Lệ Thu và Nhạc Tình

Hận tình (Anh Bằng) (Dạ Lan 10).
Mất Nhau Mùa Đông (Ta mất nhau bao giờ) (Anh Bằng) (Băng nhạc Dạ Lan 2)
Sầu Lẻ Bóng (Anh Bằng) Làng Văn 1987
Như Giọt Sầu Rơi (Anh Việt Thu)
Hoài Cảm (Cung Tiến)
Hương Xưa (Cung Tiến)
Vết Thương Cuối Cùng (Diên An)
Lưu Luyến (Dương Quang Định)
Ngọc Lan (Dương Thiệu Tước)
Chiều Tím (Đan Thọ, Đinh Hùng)
Cơn Mưa Phùn (Đức Huy)
Ru Con Tình Cũ (Đynh Trầm Ca)
Cho Người Tình Lỡ (Hoàng Nguyên)
Đường Nào Em Đi (Hoàng Nguyên)
Đêm Buồn (Hoàng Thi Thơ)
Hỏi Người Còn Nhớ Đến Ta (Băng nhạc Hoàng Thi Thơ 2)
Vết Chân Đà Điểu (Băng nhạc Hoàng Thi Thơ 4, chủ đề Vết chân đà điểu).
Người Tình Không Chân Dung (Hoàng Trọng, Dạ Chung)
Ru Ta Ngậm Ngùi (Hoàng Trọng, Lan Đình)
Một Ngày Không Có Anh (Khánh Băng) Diễm Ca 5
Vọng Ngày Xanh (Khánh Băng)
Em Đi Rồi (Lam Phương)

Lời Con Xin Chúa (Lê Kim Khánh)
Chiều Bên Giáo Đường (Lê Trọng Nguyễn)
Nắng Chiều (Lê Trọng Nguyễn)
Sao Đêm (Lê Trọng Nguyễn)
Dạ Khúc Cho Tình Nhân (Lê Uyên Phương)
Gọi Đời (Mặc Thế Nhân)
Hạnh Phúc Lang Thang (Ngọc Sơn)
Buồn Vương Màu Áo (Ngọc Trọng)
Bản Tình Cuối (Ngô Thụy Miên)
Giáng Ngọc (Ngô Thụy Miên)
Mùa Thu Cho Em (Ngô Thụy Miên)
Tình Khúc Tháng Sáu (Ngô Thụy Miên)

Tình Khúc Chiều Mưa (Nguyễn Ánh 9)
Mái Tóc Dạ Hương (Nguyễn Hiền, Đinh Hùng)
Cơn Mê Chiều (Nguyễn Minh Khôi)
Em Chết Theo Ngày Vu Quy (Nguyễn Phước Tố và Nguyên Ly)
Đêm Đông (Nguyễn Văn Thương)
Bóng Chiều Tà (Nhật Bằng)
Đợi Chờ (Phạm Đình Chương, Nhật Bằng)
Nửa Hồn Thương Đau (Phạm Đình Chương, Thanh Tâm Tuyền)
Khi Cuộc Tình Đã Chết (Phạm Đình Chương, Du Tử Lê)
Xóm Đêm (Phạm Đình Chương)

Bên Cầu Biên Giới (Phạm Duy)
Còn Chút Gì Để Nhớ (Phạm Duy, Vũ Hữu Định)
Còn Gì Nữa Đâu (Phạm Duy)
Dạ Lai Hương (Phạm Duy)
Đêm Xuân (Phạm Duy)
Đường Em Đi (Phạm Duy)
Đừng Bỏ Em Một Mình (Phạm Duy, Hoài Trinh)
Đừng Xa Nhau (Phạm Duy)
Em Lễ Chùa Này (Phạm Duy, Phạm Thiên Thư)
Giọt Mưa Trên Lá (Phạm Duy) với Khánh Ly 1988; với Mai Hương, Thanh Vũ và Phượng Bằng dĩa 45 tours, 197?
Hẹn Hò (Phạm Duy)
Hoa Rụng Ven Sông (Phạm Duy, Lưu Trọng Lư)
Kiếp Nào Có Yêu Nhau (Phạm Duy, Hoài Trinh)
Kỷ Vật Cho Em (thơ Linh Phương)
Lấp Biển Vá Trời, Tị nạn ca (Phạm Duy)
Phượng Yêu (Phạm Duy)
Mộ Khúc (Phạm Duy, Xuân Diệu)
Mùa Xuân Yêu Em (Phạm Duy, thơ Đỗ Quý Toàn)
Ngày Sẽ Tới – Bình Ca 10 (Phạm Duy)
Ngày Trở Về (Phạm Duy) (Dạ Lan 1).
Ngậm Ngùi (Phạm Duy, Huy Cận)
Nghìn Năm Vẫn Không Quên
Nghìn Trùng Xa Cách
Nha Trang Ngày Về (Phạm Duy)
Nước Mắt Mùa Thu (Phạm Duy)
Nước Mắt Rơi (Phạm Duy)
Ở Bên Nhà Em Còn Đứng Chờ Đợi Anh, tị nạn ca (Phạm Duy)
Quê Hương Ruồng Bỏ Giống Nòi Khinh, tị nạn ca (Phạm Duy)
Rồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà, tị nạn ca (Phạm Duy)
Thu Chiến Trường (Phạm Duy)
Thuyền Viễn Xứ (Phạm Duy, Huyền Chi)
Thương Tình Ca (Phạm Duy)
Tiếng Sáo Thiên Thai (Phạm Duy, Thế Lữ)
Tôi Còn Yêu (Phạm Duy)

Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa (Quốc Dũng)
Người Xưa Ơi Nhớ Quá (Song Ngọc).
Tình Lỡ (Thanh Bình)
Tình Khúc Mùa Đông (Thanh Trang) (Dấu Vết Tình Ta 1-Diễm Xưa 1986)
Em Có Còn Trở Lại (Trầm Tử Thiêng)
Hối Tiếc (Trầm Tử Thiêng)
Mười Năm Yêu Em (Trầm Tử Thiêng)
Tưởng Không Còn Nhìn Thấy Nhau (Trầm Tử Thiêng)
Tưởng Niệm (Trầm Tử Thiêng)
Khi Bắt Đàu Những Năm Ba Mươi (Trần Duy Đức, Du Tử Lê)
Mười Năm Tình Cũ (Trần Quảng Nam)
Lệ Đá (Trần Trịnh, Hà Huyền Chi)
Tình Chết Theo Mùa Đông (Trần Văn Bùi)
Quên Đi Tình Yêu Cũ (Trịnh Nam Sơn)
Chiều Nhớ (Trúc Hồ)
Một Mai Em Đi (Trường Sa)
Mùa Thu Trong Mưa (Trường Sa)
Rồi Mai Tôi Đưa Em (Trường Sa)
Xin Còn Gọi Tên Nhau (Trường Sa)
Chiếc Lá Cuối Cùng (Tuấn Khanh)
Hoa Soan Bên Thềm Cũ (Tuấn Khanh)
Bây Giờ Tháng Mấy (Từ Công Phụng)
Tuổi Xa Người (Từ Công Phụng)
Tình (Văn Phụng)
Trở Về Huế (Văn Phụng)
Mưa Trên Phím Ngà (Văn Phụng, Thanh Nam)
Mời Em Về (Việt Dzũng)
Giấc Mơ Hồi Hương (Vũ Thành)
Bài Không Tên Số Hai (Vũ Thành An)
Bài Không Tên Số Ba (Vũ Thành An)
Bài Không Tên Số Bảy (Vũ Thành An)
Tình Khúc Thứ Nhất (Vũ Thành An, Nguyễn Đình Toàn)
Trong Tay Nhau (Vũ Thành An)
Đỉnh Sầu (Y Vân?)
Đồi Thông (Y Vân)
Bước Chân Dĩ Vãng (?)
Gọi Tên Người Tình (?)
Mưa Trên Cành Yêu Đương (?)
Sầu Muộn (?)
Suối Nước Mắt (?)
Thương Quá Là Thương (?) Diễm Ca 5
Tình Đầu là Kỷ Niệm Sầu (?)
Trên Vết Hằn (?)
Vang Bóng (?) Diễm Ca 5
...

Lệ Thu và Nhạc Cổ Điển, Nhạc Ngoại Quốc lời Việt

Ave Maria
Ánh Đèn Màu (Lime Light, lời Xuân Mỹ)
Cánh Buồm Xa Xưa (La Paloma)
Dạ Khúc Serenade (Schubert)
Đêm Thánh Vô Cùng (Silent Night, lời Hùng Lân)
Hang Bê Lem (Hải Linh)
Mây Lang Lang Thang (A Cowboy’s Work Is Never Done, lời Trường Kỳ)
Mơ Mòng
Mối Tình Xa Xưa
Tình Là Bóng Ma (Scat in the Dark)
Tiếng Cười Trong Đêm (La Nuit)
Trở Về Mái Nhà Xưa
Tuyết Rơi (Tomble La Neige)
Tuổi Xưa Quê Nhà (Casa)


Lệ Thu và Trịnh Công Sơn

Biển Nhớ
Cát Bụi
Cho Một Người Vừa Nằm Xuống
Còn Tuổi Nào Cho Em
Dấu Chân Địa Đàng
Diễm Xưa
Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên
Hạ Trắng
Lời Buồn Thánh
Nắng Thủy Tinh
Nhìn Những Mùa Thu Đi
Như Cánh Vạc Bay
Rồi Như Đá Ngây Ngô
Rừng Xưa Đã Khép
Tạ Ơn
Tình Xa
Tuổi Đá Buồn
Ướt Mi
Vết Lăn Trầm
Xin Mặt Trời Ngủ Yên

Lệ Thu và Những Đêm Vũ Trường Đáng Yêu

Ánh Trăng Tan (Anh Bằng, Đặng Hiền)
Tango Dĩ Vãng (Anh Bằng)
Giọng Buồn Chơi Vơi (Châu Đình An)
Bến Xuân Xanh (Dương Thiệu Tước)
Đêm Ngắn Tình Dài (Dương Thiệu Tước)
Đêm Thu (Đặng Thế Phong); Đêm Thánh Vô Cùng (lời Hùng Lân); Nắng Chiều (Lệ Trọng Nguyễn) (Thanh Lan Tứ Quý 1989 Lệ Thu - Khánh Ly - Thanh Thúy - Hải Lý, chủ đề Một đời yêu anh).
Yêu Em Dài Lâu (Đức Huy) với Khánh Ly, Hạ Hồng Thanh Lan 1988.
Nếu Đừng Dang Dở (Hoài Linh)
Tango Xanh (Hoàng Quốc Bảo)
Nhặt Cánh Sao Rơi (Hoàng Trọng)
Tình Đầu (Hoàng Trọng)
Tình Ca Muôn Thuở (?)
Huyền Thoại Người Con Gái (Lê Hựu Hà); Con Thuyền Không Bến (Đặng Thế Phong); Đừng Lừa Dối Nhau (Y Vân) (Đêm dạ vũ thứ nhất, trung tâm Đời).
Đành Rằng Tình Đã Vỗ Cánh (Ngân Giang)
Tình Đã Bay Cao (Nguyên Lãng)
Vì Tôi Là Linh Mục (Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Tất Nhiên)
Ai Đi Ngoài Sương Gió (Nguyễn Hữu Thiết)
Chàng Là Ai? (Nguyễn Hữu Thiết)
Nàng Xuân Của Tôi (Nguyễn Hữu Thiết)
Bao Giờ Biết Tương Tư (Phạm Duy, Ngọc Chánh)
Tình Cho Không (nhạc Pháp, lời Phạm Duy) (PMC Hương Xa)
Đêm Vũ Trường Đáng Yêu (Song Ngọc)
Khúc Tango Sầu (Song Ngọc)
Nỗi Buồn Hoa Phượng (Thanh Sơn) (trung tâm Làng văn, Lệ Thu hát theo điệu tango).
Bài Tình Ca Mùa Đông (Trầm Tử Thiêng)
Nét Son Buồn (Tú Nhi)
Ta Vui Ca Vang (Văn Phụng)
Bài Tango Cuối Cùng (Việt Dzũng, Hoàng Ngọc Ẩn)
Đừng Lừa Dối Nhau (Y Vân)
Ngăn Cách (Y Vân)
Những Bước Chân Âm Thầm (Y Vân - Kim Tuấn) (Trường Thanh 1).
Tôi Trở Về Thành Phố (Y Vân)
...

Lệ Thu và Nhạc Quê Hương

Anh Cho Em Mùa Xuân (Nguyễn Hiền, Kim Tuấn)
Cho Tôi ĐượC Một Lần (Bảo Thu)
Đan Áo Mùa Xuân (Phạm Thế Mỹ)
Đò Chiều (Trúc Phương)
Để Lại Cho Con (Nguyễn Tiến Thịnh) - Việt Nam 1 Miên Đức Thắng
Tám Điệp Khúc (Anh Việt Thu) với Miên Đức Thắng phụ họa - Việt Nam 2: Thương Quá Việt Nam MĐT
Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím (Huỳnh Anh, Kiên Giang)
Ly Rượu Mừng (Phạm Đình Chương)
Nếu Tôi Còn Sống Trở Về (Hà Thúc Sinh) (CD Tình khúc thứ nhất do trung tâm Tú Quỳnh phát hành)
Ngày Trở Về (Phạm Duy)
Người Về (Phạm Duy)
Nhớ Người Ra Đi (Phạm Duy)
Sầu Lẻ Bóng (Anh Bằng)
Tâm Sự Người Lính Trẻ (Trần Thiện Thanh)
Tình Hoài Hương (Phạm Duy)
Vào Mộng Cùng Em (Châu Kỳ, Tô Kiều Ngân)
Về Miền Trung (Phạm Duy)
...

Nếu các anh chị và các bạn có thông tin chi tiết hơn, xin PM cho Rhyaco. RC sẽ hoàn chỉnh.

- Nắng Xuân Xưa (Phạm Anh Dũng).
- Tôi Muốn Nói Với Em (Nguyễn Đình Toàn).
- Tình Xuân (trong CD Xuân của trung tâm Asia).
- Nhạc Sầu Tương Tư (Hoàng Trọng - Hoàng Dương); Người Thợ săn và đàn Chim nhỏ (Anh Bằng) (băng nhạc Họa Mi trước 1975, chủ đề Tình ca Việt Nam, Nguyễn Đình Toàn thực hiện).
- Có 1 CD do trung tâm Mai Khanh phát hành, gồm các giọng ca Lệ Thu, Kim Anh, Elvis Phương, Duy Quang, Lệ Thu có hát 3 bài: Hoa Đầu Mùa, Giòng Thời Gian, với 1 bài nữa.
- Điệu Buồn (Đào Duy) (Trung tâm Diễm Xưa)

Nam Định - khanhly.net
Trích từ Việt Báo Online số 3208 14/01/2004

Chiều Nhạc Thính phòng Lệ Thu và Trần Thái Hòa

Tuyết Mai

Virginia.- Cuối tuần qua thời tiết vùng HTĐ đột nhiên trở lạnh khủng khiếp, nhưng cái lạnh dưới zero độ này không đủ sức ngăn cản gần bốn trăm khách yêu nhạc đến thưởng thức chương trình nhạc thính phòng với tiếng hát Lệ Thu và Trần Thái Hòa , do Hội Quán Saigon và nhà xuất bản "Ngày Mai" tổ chức, vào lúc 3 giờ chiều ngày 10 tháng 1, 2004 tại nhà hàng Saigon House, Falls Chuch, VA.
Đặc biệt trong buổi nhạc thính phòng này có sự hiện diện của Phó Đề Đốc Hải Quân Lâm Nguơn Tánh và một nhóm thân hữu HQ đến chung vui, ủng hộ nhạc sĩ Trường Sa, Cựu Sĩ Quan của Quân Chủng Hải Quân. Ngoài ra còn có họa sĩ Đinh Cường ,rất đông văn nghệ sĩ và các cơ quan truyền thông báo chí.
Nhà văn Nguyễn Đức Nam đại diện cho ban tổ chức , trong lời chào mừng quan khách cho biết, vì khán thính giả vùng Thủ Đô HTĐ có trình độ thưởng thức âm nhạc rất cao nên trong tương lai Hội Quán Sàigon và cơ sở xuất bản "Ngày Mai" sẽ tổ chức nhiều buổi nhạc thính phòng, ước mong đồng hương nồng nhiệt ủng hộ.
Trước đây khán thính giả vùng HTĐ thưởng thức âm nhạc trong những buổi dạ tiệc, dạ vũ với những ban nhạc trẻ địa phương. Khán giả vừa nghe nhạc, vừa ăn uống, trò chuyện với bạn bè, không khí rất ồn ào. Trong khung cảnh nhộn nhịp, rộn ràng như vậy người yêu thích nhạc khó có thể thưởng thức được lời ca, ý nhạc, giọng hát và kỹ thuật trình diễn của ca sĩ.
Có một số đông khán giả lớn tuổi đã quen với dòng nhạc êm đềm tiền chiến, rất khao khát được thưởng thức nhạc thính phòng. Họ không thích loại nhạc mới bây giờ, ca sĩ gào thét, nhảy nhót trên sân khấu.
Để trả món nợ "văn nghệ" cho khán thính giả yêu nhạc thính phòng, nhà văn Nguyễn Đức Nam đã mời Lệ Thu và Trần Thái Hòa về hội ngộ với đồng hương vùng HTĐ trong chương trình nhạc thính phòng. Lệ Thu yêu cầu được đem theo cô cháu gái là Vương Hương để đàn dương cầm. Cô Vương Hương giới thiệu người em trai là Luân Vũ, đàn vĩ cầm rất hay. Thế là trong buổi trình diễn này ngoài tiếng hát tuyệt vời của hai ca sĩ nổi tiếng từ Cali là Lệ Thu và Trần Thái Hòa, khán thính giả vùng Thủ đô còn được dịp thưởng thức tiếng đàn dương cầm và tiếng đàn vĩ cầm thật độc đáo của Vương Hương và Luân Vũ.
Mở đầu Trần Thái Hòa trình bày nhạc phẩm " Lá Đổ Muôn Chiều" của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Từ Linh. Bên ngoài cây trơ cành , trụi lá, mùa Đông thật lạnh lẽo, bên trong hội trường, với tiếng đàn dương cầm và vĩ cầm phụ họa, tiếng hát của Trần Thái Hòa thật nồng ấm, dìu dặt, đắm say .
Được biết Trần Thái Hòa là một ca sĩ trẻ, mới nổi tiếng trong vài năm gần đây. Khán giả yêu mến tiếng hát của Trần Thái Hòa qua hai nhạc phẩm nổi tiếng "Nhạt Nhòa" và "Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà" Phạm Duy phổ nhạc Hữu Loan. Vì có nhiều người không thể đi dự buổi chiều nên Trần Thái Hòa được yêu cầu trình diễn thêm xuất tối , cùng ngày, ở cùng địa điểm Saigon House.
Trần Thái Hòa trình diễn bản kế tiếp là "Kiếp Dã Tràng" và "Dạ Tâm Khúc" do Phạm Đình Chương phổ thơ của Thanh Tâm Tuyền. Dòng nhạc êm dịu trữ tình của Phạm Đình Chương đã làm cho nhiều người trong căn phòng tạm quên những nỗi nhọc nhằn , những xao động, căn thẳng của đời sống hiện tại, cùng nhau thả hồn mơ mộng, bồng bền trôi về những ngày tháng cũ xa xưa.
Tiếp theo Lệ Thu trình diễn những bản nhạc đã một thời đưa tên tuổi cô lên ca sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam. Trước hết là bản "Còn Gọi Tên Nhau" của Trường Sa. Sau bao năm xa cách Thủ Đô HTD, hôm nay trở lại đây Lệ Thu vẫn đẹp và dễ mến như ngày nào. Giọng hát của Lệ Thu cũng không thay đổi, vẫn ngọt ngào, quyến rũ, vời vợi một trời nhung nhớ.
Trong dịp này Ban Tổ Chức dành cho Trường Sa một vài phút để tâm tình với khán thính giả. Nhạc Sĩ Trường Sa cho biết Ông viết nhạc từ thập niên 1960, lúc đó Ông là Sĩ Quan trong Quân Chũng Hải Quân. Trong những năm chiến tranh khốc liệt nhất , có nhiều nhạc sĩ sáng tác nhạc ca tụng tinh thần anh dũng của chiến sĩ VNCH, Ông cũng sáng tác nhiều tác nhiều ca khúc cổ động tinh thần chiến đấu, gìn giử quê hương. Song song với những ca khúc này Ông cũng sáng tác một số tình ca. Lệ Thu đã đưa những bản tình ca này lên đỉnh cao cho tới ngày nay, trong đó có nhạc phẩm "Rồi Mai Tôi Đưa Em" .
Sau đó Lệ Thu trình bày những nhạc phẩm khán giả yêu cầu. Trong bản "Hoài Cảm" của Cung Tiến, tiếng hát Lệ Thu không nức nở, nghẹn ngào, rên rĩ mà chỉ man mác một nỗi buồn, thương nhớ quê hương.
Kế đến là nhạc phẩm nổi tiếng của Phạm Duy "Bên Cầu Biên Giới" . Trong bản "Dạ Khúc" nhạc ngoại quốc lời Việt, Lệ Thu trình diễn một cách thần sầu, diễn tả được hết những rung động, xót xa của một mối tình tuyệt vọng. Rồi "Mùa Thu Chết", "Đợi Chờ"...Với giọng ca trầm ấm , ngọt ngào như ngày xưa, với những tình khúc gần như không người Việt yêu nhạc nào không biết , Lệ Thu đã làm cho hằng trăm khán thính giả chìm sâu trong thanh âm của dĩ vãng, của vùng trời kỷ niệm dấu yêu. Cả thính phòng lặng yên như tờ, mọi người lắng nghe và rung cảm theo dòng nhạc đầy đam mê , say đắm.
Sau mười lăm phút giải lao, hai chị em Vương Hương và Luân Vũ hòa tấu dương cầm và vĩ cầm . Được biết hai chị em là con của họa sĩ nỗi tiếng Trịnh Cung.Trước đây Luân Vũ thường đi trình diễn ở nhiều Quốc gia vùng Đông Nam Á.
Trước khi kết thúc buổi nhạc thính phòng này Phó Đề Đốc HQ Lâm Nguơn Tánh đã tặng hoa cho ca sĩ Lệ Thu , nhóm thân hữu HQ tặng quà cho nhạc sĩ Trường Sa và họa sĩ Đinh Cường tặng hoa cho Cô nhạc sĩ dương cầm Vương Hương.
Chương trình đươcï chấm dứt lúc 6:30 chiều, nhưng mọi người còn lưu luyến không muốn ra về.
Giọng hát truyền cảm của Lệ Thu, Trần Thái Hòa và thanh âm huyền dịu của những dòng nhạc lãng mạn, trữ tình ngày xưa cũ như còn vương vấn trong tâm tư mọi người, nó biến một chiều Đông rét mướt vùng HTĐ trở thành một chiều thật đẹp với nhiều kỹ niệm luyến thương.

Xin cảm ơn chị hongphuong và Dactrung.com

Lệ Thu : tên thật của L.T ... hì ... hì .... H.P cũng .. hổng biết !!!! chỉ nhớ đại khái là .... chị đi hát ở các phòng trà gần 9 , 10 năm gì đó mà ... vẫn chưa ai biết ... cho đến khi ( khoảng giữa 1964- 1965 ? ) bài Ngậm Ngùi ... đã đưa chị lên ... " top hit " ( ???????? .. và là một trong các ca sĩ tân nhạc được tiền " công_tra" .. và tiền " cát_xê " của chị lúc đó nghe nói cả bạc triệu !! ( bạc triệu thời đó ! chứ không phải bây giờ nghen !) .
H.P rất MÊ giọng hát của chị .
Giọng chị nghe hơi khàn khàn đục đục ( không quá khàn đục như Lê Uyên ) có cái gì như chán nản mệt mỏi trong giọng của chị !! xin lỗi .. như là " giọng của một người ... Trác táng .. trụy lạc ... sau .. " Không biết H.P dùng chữ này có "strong" lắm không ??? ... Vâng ! giọng của chị là giọng trời cho ....
Ngày xưa có ai ghé qua Queen Bee , đêm đêm nghe người ca sĩ hát không ??
Trong một topic nào đó .. H.P có nhắc là nhiều bài như : người đi qua đời tôi , nghìn trùng xa cách .. nếu là cô (cô đây như chữ aunt , chứ không phái là "she" nghen !) Thái Thanh hát thì ... tròn quá !!! còn chị Lệ Thu hát nghe ... mới thấy THẤM .. đúng là tiếng của người ...; không thể dùng chữ ca sĩ ở đây được ...; mà phái là người_nghệ_sĩ .... chị hát với cả hồn mình trong đó ... dù có những chỗ không lên hết ... và những chỗ .. chị " xuống " thật tuyệt .....
Nghe ngậm ngùi và lơ lửng ... như câu cuối của bài ngậm ngùi ...
nghe trái sầu rụng rơi !!!
Rơi ... rơi vào đâu ???? câu này H.p nghe mà ... như tim mình cũng rụng rơi theo !!!! ...
Cũng một lần xa xưa ... bao lâu rồi nhỉ ?? !! ... cũng lâu lắm rồi .. một tối thật khuya .. H.P và vài người bạn ; trai có gái có ; dừng lại QueenBee ... cũng khuya lắm , gần tới giờ giới nghiêm ; được thấy chị Lệ Thu ngất ngưởng .. chếch choáng .... lên sân khấu ... và :
- sau đây Lệ Thu xin trình bày bản .. " như cánh vịt bay " ..
Vâng bà chị , chắc còn hơi .. rượu ... nên " như cánh VỊT bay " .. được hát ... không phải là hát ... mà là .... hồn chị phả vào trong bài .. cùng với hơi men cay đắng cuộc đời !!
Ta nghe từng giọt lệ . ... rớt xuống thành hồ nước long lanh ...
Đêm đó H.P thấy những giòng " nước " chạy dài trên đôi má người_nghệ_sĩ , không biết .. có phái là vì ánh đèn sân khấu ... không ??? lúc hát xong ....
cá phòng trà im lặng thật lâu ... không tiếng vỗ tay .. vì hầu như ai cũng " chìm" vào tiếng hát của chị ... có lẽ cá gần vài phút .. cho đến khi chị lao chao , lảo đảo trong ánh đèn ....và ... tất cá đều đồng loạt vừa vỗ tay vừa ...la to yêu cầu chị hát thêm ... và ...
nghìn trùng xa cách ... người đi qua đời tôi .. ... nhiều lắ'm ... chị hát như chưa bao giờ được hát .. H.P cùng các bạn nghe như chưa bao giờ ... được nghe ..
Sau này .. nghe chị hát bài " thu hát cho người " .. không biết ông Vũ đức Sao Biển .. làm bài này tặng cho ai .. nhưng nghe Lệ Thu hát ....thì ...
không còn gì để nói ....!!
Nhân đây H.P có thắc mắc về câu :
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió ..
Nguyệt cầm là gì ?? có anh chị nào biết làm ơn giải thích dùm !!
không lẽ đêm đó cô Nguyệt cầm cái gì sao ??/ j/k , may không là đêm phượng cầm ...không thì ... ... hì ...
Phải nghe chị Lệ Thu qua bài này .. mới thấy ...
Lệ Thu không phải đóng kịch trong khi hát như có một số ca sĩ khác đã làm , chị không làm dáng quá độ như người ta đã làm .. không màu mè ...
và đúng là giọng thiên phú , giọng trời cho .. nên .. nhất là khi chị ..
tay còn cầm ly rượu , chân ngá nghiêng để bước lên sân khấu ... hay là bước vào cuộc đời !! và ... cất tiếng ...
Đó ! những hình ảnh đó làm H.P MÊ giọng của chị ...
Đó cũng là tại sao Lệ Thu hát những bài Tango , Boston ... những bài cần có hồn hay gởi gắm cuộc đời !!
Phượng Các
#5 Posted : Friday, August 19, 2005 9:14:50 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)



Lệ Thu, một trong số ít tiếng hát không ngừng chinh phục người nghe.

Nguyễn Xuân Hoàng (Trích "Sổ Tay Văn Học - Văn số 83)

.....Không một dân tộc nào thiếu tiếng hát của riêng mình. Không một người nào thiếu tiếng hát của cá nhân mình. Tuổi trẻ chúng ta đi qua, nhưng những tiếng hát vẫn còn y nguyên trong những chiếc dĩa nhạc cũ kỹ của mỗi người.
Tôi nghĩ, đôi khi nỗi buồn trong âm nhạc cũng là một sức mạnh. Sự khốn cùng có thể làm người ta đứng dậy như nỗi đau tận cùng của một âm điệu cũng làm người ta vùng lên làm nên giông bão.
Trong ý nghĩ đó tôi muốn viết về một tiếng hát của tôi: Lệ Thu, một trong số ít tiếng hát không ngừng chinh phục người nghe.
Từ hơn ba thập niên qua, tiếng hát của cô mỗi lần cất lên đều khiến người nghe phải dừng lại. Tiếng hát trời cho ấy phát ra từ một trái tim và đi thẳng vào trái tim người nghe để trở thành kỷ niệm. Dù bài hát ấy được nghe ở một phòng trà giữa một Sài Gòn tưởng chừng như không có bóng dáng của chiến tranh, hay trong một nơi trú quân xa gần biên giới, tiếng hát ấy luôn mang theo cái không khí lãng mạn mà không bi thảm, buồn bã mà không sướt mướt.
Trong tiếng hát của cô, người nghe khám phá ra sự quyến rũ của âm thanh, sự sáng tạo của âm điệu và lòng tự tin. Tiếng hát của cô chuyên chở một hơi thở mới trong nhịp và nhấn, trong luyến láy và gợi cảm.
Lệ Thu hát say mê như thể quanh cô không còn ai ngoài cô và chính tiếng hát của mình. Cô không hát chỉ như một ca sĩ, cô hát như một nghệ sĩ.
Nghe Lệ Thu trình bày Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ Thành An, hay Ngậm Ngùi của Phạm Duy, người nghe biết rằng sau cô, những tiếng hát khác sẽ không hát như thế, không hát được như thế.
Phát âm rất chuẩn, giọng vang và rõ, tiếng hát của Lệ Thu thoát ra từ một lồng ngực khỏe mạnh và một trái tim đam mê. Lệ Thu không hát từ cổ họng.
Chúng ta hiểu vì sao cô không nhận hát bất cứ một ca khúc nào. Cô chọn bài hát, cô đọc từng ca từ, cô dạo nhạc để nghe tiết tấu của âm điệu. Và cô hát trước hết vì cô yêu ca khúc cô đã chọn.
Ở Sài Gòn hồi đó, cái thời chiến tranh còn mấp mé ở ven biên, nhưng lựu đan cay đã "xuống đường" tràn ngập phố phường, vào một tối thứ Năm, qua chương trình Nhạc Chủ Đề do Nguyễn Đình Toàn phụ trách, tôi nghe Lệ Thu hát. Những tình khúc xót xa hay đam mê cất lên giữa một cuộc chiến buồn bã. Thời đất nước không có một niềm vui. Tiếng hát Lệ Thu, dù sao rất ngậm ngùi.
Trước Hạ Trắng, trước cả Lời Buồn Thánh, ca khúc Việt Nam đầu tiên mà Lệ Thu hát là Xin Mặt Trời Ngủ Yên của Trịnh Công Sơn. Chắc cô hiểu vì sao mình đã chọn ca khúc đó, tôi nghĩ như vậy.
Bước chân đầu đời dẫn cô nữ sinh Bùi thị Oanh, trường Les Lauriers đến gần chiếc micro ở nhà hàng Bồng Lai với bài Tà Áo Xanh năm 1960 thoáng chốc trở thành ca sĩ Lệ Thu của những ca khúc Serenade, Smoke Gets In Your Eyes, La Vie En Rose, Les Feuilles Mortes.....
Đó là thời gian Sài Gòn nổi lên các tiếng hát Bạch Yến, Bích Chiêu, những tiếng hát đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng, nhưng Lệ Thu bằng nhân dáng và nhân cách của mình, cô đã vẽ được quanh cô một vầng sáng khác biệt. Tiếng hát của cô vượt lên một khoảng trời khác, như một ngôi sao giữa những ngôi sao, mà ánh sáng của nó thu hút ngay khi lần đầu ta nhìn thấy nó.
Lệ Thu trở thành ca sĩ đắt giá nhất trong những năm 70. Cái mức lương một triệu đồng một tháng khi cô hát cho phòng trà Tự Do của ông Cường là cái giá kỷ lục của một ca sĩ vào thời điểm đó. Trước đó, khi bước vào phòng trà Queen Bee của Jo Marcel, - và sau đó là Ritz - tiếng hát của cô đã làm Tiny Young - một giọng hát lẫy lừng từ Pháp sang phải gẫy hợp đồng trở lại Paris.
Đó là thời gian người ta khám phá ra một Lệ Thu đầy ấn tượng. Lệ Thu hoàn toàn làm chủ sân khấu của mình. Người nghe đòi hỏi tiếng hát của cô, phải có tiếng hát của cô. Và cô biết tại sao mình phải chọn ca khúc nào cho người nghe của mình.
Khác với Thái Thanh, tiếng hát gắn liền với nhạc Phạm Duy; hay Khánh Ly, gần gũi nhạc Trịnh Công Sơn, Lệ Thu không ngã về một nhạc sĩ nào. Cô hát những ca khúc cô yêu thích. Cái thế giới âm nhạc của cô rộng hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn. Cô hát nhạc Cung Tiến, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Trường Sa, Trần Trịnh, Đoàn Chuẩn - Từ Linh.....
Từ Ngậm Ngùi, Bên Cầu Biên Giới, Đường Em Đi, Lệ Đá, Hương Xưa, Tà Áo Xanh, đến... Nước Mắt Mùa Thu,... Lệ Thu như một người giữ bảo tàng những tình khúc của âm nhạc Việt Nam. Mặc dù cô khiêm tốn cho rằng những bài cô không chọn để hát không phải những bài ấy không hay, nhưng rõ ràng những ca khúc mà cô quyết định chọn trong nhạc lịch của mình, cô đã mang hơi thở cho đời sống của tác phẩm và tác giả. Phải nói những ca từ của một bài nhạc đã thu hút cô, trước khi âm điệu của nó quyến rũ cô.
Người ta không ngạc nhiên khi nghe cô trả lời phỏng vấn bằng ngôn ngữ trí tuệ.
Lệ Thu thuộc lớp ca sĩ kiểu như Juliette Greco của Pháp với những ca khúc như Sous Le Ciel de Paris, Je Hais Les Dimanches, Si Tu T'Imagines,... Cái khác là trong khi Juliette Greco với y phục toàn đen, đôi mắt đen, mái tóc dài đen, hát trong hầm tối, thì Lệ Thu tươi tắn hơn, hồng hào hơn, sống động hơn. Cô hát trong phòng trà nơi người ta đến để khiêu vũ, nhưng khi Lệ Thu cất tiếng, những điệu luân vũ đã ngừng lại. Người ta ngừng chân để lắng nghe cô hát.
Giờ đây đang bước vào một thiên niên kỷ mới, thế giới âm nhạc đã mang nhiều âm điệu mới, phong cách trình diễn cũng đã khác xa cái phong cách mà Lệ Thu trước đây từng chinh phục chúng ta. Người ca sĩ ngày nay mang theo hình ảnh một vũ công: tiếng hát của họ đòi hỏi một phối hợp nhịp nhàng với các động tác múa và đôi khi rất tuồng trên sân khấu. Người nghe bị chinh phục không phải chỉ bằng tiếng hát, mà bằng âm thanh, ánh sáng, màu sắc, và động tác.
Nhưng kỳ lạ thay, nghe Lệ Thu hát với một phong cách tĩnh như cách đây hàng mấy thập niên, người ta không thấy mình bị ép giữa những trang giấy cũ, những trang thư tình viết trên giấy kẻ với cây bút mực - mà tiếng hát ấy vang vọng lên như những tiếng động phát ra từ cái printer đặt dưới chân bàn.
Lệ Thu vẫn mới trong một phong cách điềm đạm. Trước đây, cô đã hát bằng hơi thở của thế hệ cô, liệu giờ đây giữa những cái mới trong nghệ thuật trình diễn, Lệ Thu có chinh phục được người nghe của thế hệ đương đại?
Dù sao với tôi, bao giờ cũng vậy, nghe Lệ Thu hát là một hạnh phúc. Hãy nghe cô hát, chúng ta sẽ thấy vì sao Lệ Thu không ngừng chinh phục chúng ta.

nguoiviet online
Phượng Các
#6 Posted : Wednesday, August 24, 2005 12:59:44 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Chuyện Trò Trên Mạng với Lệ Thu

Thursday, August 18, 2005 Nguoi Viet Online



Lệ Thu đang trả lời những câu hỏi của độc giả.


Kính chào quý độc giả. Buổi "Chuyện Trò Trên Mạng" với Lệ Thu sắp bắt đầu trong giây lát và sẽ kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ. Nữ ca sĩ Lệ Thu sẽ bắt đầu trả lời những câu hỏi quý vị gửi vào trước, sau đó sẽ đến những câu gửi vào trong giờ phỏng vấn. Xin bấm nút "F5" mỗi khi muốn xem những câu trả lời mới, đồng thời bấm nút "WEBCAM" để xem hình ảnh cập nhật từng phút trong giờ phỏng vấn.

Với thời lượng dành cho cuộc chuyện trò, Lệ Thu không thể trả lời hết mọi câu hỏi, mong quý vị thông cảm. Cám ơn quý vị đến với cuộc "Chuyện Trò Trên Mạng hôm nay" và mong quý vị một buổi chuyện trò vui vẻ.

NGƯỜI VIỆT ONLINE

Câu hỏi1 :Chị Lệ Thu ơi, em say mê tiếng hát của chị từ lúc 13, 14 tuổi cho tới bây giờ đã hơn 42 năm vẫn mê và sẽ là suốt cả đời với nhạc tình Việt Nam trong em. Chị là Legende của nhạc tình Nam Việt Nam trước 1975 đối với em đó, em khẳng định như thế. Cho em hỏi chị: với 3 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An, chị thích hát nhất nhạc của ai? Chị hát nhạc tiền chiến Việt Nam rất tuyệt vời.(Anna Thuy-Germany)

Trả lời:Ana ơi chị cám ơn tình cảm em giành cho chị. Đối với chị tất cả các nhạc sĩ dù nổi tiếng hay không, nếu bài hát nào hay và hợp với chị, chị đều hát với tất cả tâm hồn của mình.

Câu hỏi 2:Chị Lệ Thu! Em rat me tieng hat chi vao thoi buoi 70-72 nhat la bai "cho nhau hoai co nhan oi"... va bai Mua Thu chet,em co xem chi hat phong tra mot lan o Saigon va khan gia khong ngot dua tam giay yeu cau nhac, dem do chi da hat 9 bai, that la tuyẹt. Chi co ban than khong? va song co don nhu vay chi co di Chua hay Nha Tho de tim mot ly tuong cho minh ve gia? Chuc chi Le Thu luon khoe manh de con hat cho nhung nguoi yeu men tieng hat chị(thanhpham-San Jose)

Trả lời:Cám ơn Phạm Thanh! Bài mà Phạm Thanh nói (chờ nhau hoài cố nhân ơi) thì đó là bài Hòai Cảm. Không ngờ nghe từ hồi đó tới giờ mà còn nhớ. Chị rất ít bạn thân. Sống thì không cô dơn đâu vì chị cóquá nhiều việc đển làm. Cám ơn lời chúc tốt đẹp cua Thanh.


Câu hỏi 3:Chị Lệ Thu thân mến,
Trước hết xin chân thành cám ơn lời ca tiếng nhạc của chị đã vang trên bốn phương trời từ Việt Nam cho đến Hải Ngoại. Chị hát với con tim đầy tình người trong những bài ca buồn hay vui. Chị hát với một tâm hồn hùng mạnh trong cuốn DVD dịp kỷ niệm 30 năm Viễn Xứ tại Trung Tâm Thúy Nga Paris By Night. Xin đề nghị với chị trong tương lai, chị có thể hát solo và để cho các ca viên hòa âm với chị.
Chúc chị khoẻ mạnh mãi mãi. LM Van Dinh Quang (Linh muc Quang D Van -San Antonio)

Trả lời:Cám ơn Linh Mục Quang. Con xin ghi nhận ý kiến của Cha.

Câu hỏi 4:chào cô Lệ Thu,Cô còn nhớ năm ngoái cháu có nói chuyện với cô được mấy phút thì điện thoại cháu bị mất sóng. Cô là giọng hát mà cháu yêu thích nhất ngay từ khi cháu còn bé. Cô có thễ nào thu lại 1 CD mới có những bài Như cánh vạc bay, Tình khúc thứ nhất và Mùa thu trong mưa được không ạ??? (Linh-Washington)

Trả lời:Chào Linh! Những bài mà Linh đề nghị và thích để thâu lại những bài đó. Chị hứa sẽ thâu lại một ngày gần đây.

Câu hỏi 5:Âm nhạc VN thường có những tên tuổi đi chung với nhau như Phạm Duy & Thái Thanh, Trịnh Công Sơn & Khánh Ly, Lê Uyên & Phương..., vậy thì riêng đối với Lệ Thu, chị nghĩ tên tuổi chị gắn liền với nhạc sĩ nào nhứt, và với tác phẩm gì? Kỷ niệm hát bài hát đó lần đầu tiên?(Duy Nguyễn-Houston, TX)

Trả lời:Hi Duy!
Đối với chị người ta thường gán tên tuôi chị với nhạc sĩ Trường Sa, nhưng thật ra chị hát tất cả mọi thể điệu và không phân biệt nhạc sĩ nào miễn là những bài hát hợp với tâm tình của chị.

Câu hỏi 6:Chào Cô, Xin cho cháu hỏi: Cô có suy nghĩ gì về tình hình nhạc thính phòng hiện nay? Và thế hệ ca sĩ hát dòng nhạc này? ( Trầ Thái Hòa....)?(LeLam-Ohio, USA)

Trả lời:Hi Lê Lâm!
Về câu hỏi tình hình nhạc thính phòng hiện nay có khỏi sắc và là một cao trào. Rất may thể lọai nhạc đó phù hợp với giọng hát của cô nên mới có hứng khởi để tiếp tục sinh họat âm nhạc.

Câu hỏi 7:CHAO CHI XIN CHI CHO BIET HIEN NAY O VN VE CA NHAC THE NAO VA CHI CO Y DINH BAO GIO TRO VE S GON AH.THEO CHI CUOC SONG O VN HIEN TAI THE NAO Ạ LA NGUOI HAM MO GIONG HAT CUA CHI CHUC CHI NGAY CANG THANH CONG .. CHAO CHI..
HOANG VINH KR(hoangvinh-korea)

Trả lời:Hi Hòang Vinh!
Vinh đang ở tận Đại Hàn hả, có lạnh không? Chị rất là ao ước được hát cho khán thính gia ở khắp mọi nơi trên thế giới nhưng hiện tại hòan cảnh chua cho phép. Nền ca nhạc tại Việt Nam đang rất là rộn rịp, hầu như mỗi tuần có một ca sĩ mới. Về phẩm chất thì tùy theo sự thưởng ngọan của người nghe.

Câu hỏi 8:Xin cho biết cuộc sống hiện tại ở Hải Ngoại của tất cả anh em nghệ sĩ.(Ty Tran-Viet Nam)

Trả lời:Cuộc sống của anh chị em nghệ sĩ ở Hải Ngọai tương đối tốt đẹp. Sinh họat âm nhạc chỉ là nghề tay trái thôi, phần đông đều có một công việc khác căn bản hơn.

Câu hỏi 9:Xin được chào Ca Sĩ Lệ Thu, tôi rất mê tiếng hát của Lệ Thu với những bài tình ca nức nở, xin được biết LT bao nhiêu tuổi? có gia đình không? và bây giờ hiện ở đâu? Cầu chúc LT mãi mãi khoẻ mạnh để làm những thính giả như tôi được nức nở với những bài hát tình và tiếng hát của LT. Rất cám ơn.(Doan Nguyen-Cali, USA)

Trả lời:Xin chào anh Đòan!
Cám ơn anh đã thích tiếng hát Lệ Thu. Thưa Anh đối với phụ nữ thì không có tuổi. Hiện tại thì Thu đang độc thân và sống tại Fountain Valley.

Câu hỏi 10:Cháu rất thích bài hát "Thu Hát cho người" do cô trình bày. Mỗi lần nghe cô hát, cháu cứ tưởng cô là người thiếu nữ tên Thu, quê ở vùng đất nghèo Quảng Nam, quê của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển và cũng là nơi cháu được sinh ra. Cô có thể cho cháu biết, trong hoàn cảnh nào cô đã hát bài tình ca này lần đầu tiên?(Hugh Tran-Little Saigon)

Trả lời:Hi Hugh Trần!
Lâu rồi, rất tình cơ cô tìm được ở trong tập nhạc bài "Thu hát cho người" của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Việt. Quê cô Hà Đông nhưng ra đời tại Hải Phòng.

Câu hỏi 11:Cô đã từng cho biết rất lận đận về đường tình duyên. Điều này là do lỗi ở người đàn ông hay là của cô? Lúc nào thì cô sang Úc trình diễn nữa? Bởi vì dân Việt ở Úc rất ái mộ và mong cô trở lại. (Tony Nguyen, Sydney)(tony nguyen-Sydney, Australia)

Trả lời:Chào anh Tony!
Sau hai lần đỗ vỡ thì tôi cho là tại duyên số chứ không phải lỗi tại anh cũng chẳng phải lỗi tại em, Tại TRỜI sui khiến nên chúng mình xa nhau hihihih!!!! Tôi sẽ sang Úc trình diễn một ngày rất gần đây.

Câu hỏi 12:Xin chào cô Lệ Thu. Gia đình cháu cả ba thế hệ đều yêu thích tiếng hát của cô. Nhìn lại chặng đường đã qua, cô có hối tiếc điều gì không ạ? Nếu cô có thể thay đổi một điều trong quá khứ về cuộc đời của cô, thì cô sẽ thay đổi điều gì ạ? Kính chúc cô nhiều sức khoẻ và luôn giữ được chất giọng "quý phái" :)(MaiTram Ho-Orange, CA)

Trả lời:Thật là sung sướng và hãnh diện khi giọng hát của mình được cả 3 thế hệ yêu thích. Cô không thấy có một điều gì để hối tiếc cả.

Câu hỏi 13:Rất hâm mộ giọng ca của chị Lệ Thu. Chị có ý định về Việt Nam hát; hay có ý định về luôn VN khi về già như ông già Phạm Duy không? Về ở quê hương mình là một điều hạnh phúc!! Nhưng đừng nên cúi đầu như một số người, chị nghĩ sao?!. Cám ơn chị Lệ Thu.(Mel nguyen-Tucson AZ)

Trả lời:Xin xem câu trả lời ở trên.


Lệ Thu đang xem câu hỏi trên màn hình.


Câu hỏi 14:Chào cô Lệ Thu, cháu rất ngưỡng mộ tiếng hát của cô đặc biệt là bài NƯỚC MẮT MÙA THU, có phải bài đó được viết riêng để tặng cho tên của cô không? Cô sang hải ngoại năm nào và lúc đó cô đi như thế nào? Chúc cô luôn khoẻ và giữ được giọng hát hay như vậy mãi.(Nhat-WA, Australia)

Trả lời:Bài "Nước mắt mùa thu" là của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác để tặng cho cô. Cô Vượt biên năm 1980 và đến đảo Pulau Bidong.

Câu hỏi 15:Chào chị Lệ Thu. Tôi là người hâm mộ tiếng hát của chị, đặc biệt trong bài "Tình khúc thứ nhất" của Vũ Thành An.
Bây giờ muốn nghe lại bài hát đó thì tìm ở CD nào? Chúc chị nhiều sức khoẻ và thành công trong chương trình "Mùa Thu Và Âm Nhạc".
Nguyễn Tạo (Boston)(Nguyễn Tạo-Boston, Massachusetts)

Trả lời:Chào Anh Tạo!
Thưa anh bài "Tình khúc thứ nhất" xin anh tim trong CD Volume 2 - Tiếng hát để đời. Cám ơn anh

Câu hỏi 16:Xin chào chị Lệ Thu. Em đã từng mê giọng hát của chị lúc còn ở VN. Lúc đó em chỉ 11 tuổi mà đã biết và nghe gần như tất cả các bài hát của chị. Mê nhất vẫn là Tình Khúc Thứ Nhất, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Dâu Chân D(ịa Đàng và nhiều lắm, nói không hết... Xin hỏi chị lúc này chị có được khoẻ không? và chị vẫn đi hát thường xuyên hả chị? Có CD nào đặc biệt của chị mà chị muốn giới thiệu để em mua nữa không? Cám ơn chị.(Quynh Do-San Jose, CA)

Trả lời:Hello Quỳnh!
Chà... em theo dõi bước đường sự nghiệp của chị quá ha! rất xúc động có được những fans trung thành. Lúc này chị rất khỏe vẫn đi show thường xuyên. Sắp phát hành CD mới xin em đón xem trong quảng cáo.

Câu hỏi 17:Chào chị Lệ Thu, em rất mê món cá thu kho riềng. Nghe nói chị kho rất ngon, chị có thể cho biết cách kho được không. Chúc chị luôn mạnh khoẻ để khán giả được thưởng thức giọng ca của chị.(Trang Vu-NewYork)

Trả lời:Hi Trang!
Làm sao Trang ở tân New York ma biết được chị kho cá thu ngon. Nếu mà chỉ ra ở đây thì bà Quốc Việt kiện, Tháng tới này chị sẽ qua New York hát vào ngày mùng 3 tháng 9. Mong sẽ gập Trang ơ đó để nói rõ hơn.

Câu hỏi 18:Tôi là một trong những người ái mộ giọng ca của chị,nhất là khoãn thời gian vào cuối thập niên 60,Sài Gòn với những Tự Do,Đêm Màu Hồng và nhất là các Tape nhạc tiền chiến thật tuyệt vơi.Đè nghị chị có thể ca lại những tác phẩm này trên CD,DVD mới.Xin có lời thăm hỏi đến anh Hồng Dương.(Haiz-Germany)

Trả lời:Hi Hải! Tất cả những bài hát mà anh thích tôi sẽ cố gắng thâu lại theo sự yêu cầu của anh và khán thính giả.

Câu hỏi 19:Sao không thấy cô Lệ Thu hát nhạc Trịnh Công Sơn nữa, có lý do gì không? Cám ơn cô.(Ngo Dinh-Houston, TX)

Trả lời:Hello anh Định! Để trả lời câu hỏi này 10 bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Lệ Thu Hát sắp phát hành.

Câu hỏi 20:Sao không thấy cô Lệ Thu hát nhạc Trịnh Công Sơn nữa, có lý do gì không? Cám ơn cô.(Ngo Dinh-Houston, TX)

Trả lời:Hello anh Định! Để trả lời câu hỏi này 10 bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Lệ Thu Hát sắp phát hành.

Câu hỏi 21:Cô Lệ Thu có ai là bạn thân nhất. Tại sao ca sĩ Khánh Ly lại (lan-san diego)

Trả lời:Hi Lan! Như Lan biết bạn thân thì chị có rất ít. Chị rất tiếc show Lệ Thu - Khánnh Ly bị hủy bỏ vì lý do vào giờ chót chị Khánh Ly phải đi hát ở Nhật. Hy vọng sẽ có một dịp khác.

Câu hỏi 22:Trong dịp đi San Jose chơi, vơ chồng tụi em tình cờ gặp chị tại phi trường San Jose khi bay sang Los. Em vẫn còn giữ cái hình chụp chung với chị. Lần đầu tiên được gặp chị từ khi em biết thưởng thức âm nhạc Việt Nam ngay từ còn bé ở VN. Rất ngưỡng mộ tiếng hát và tính tình của chị. Mong trời Phật phù hộ chị được sự trẻ trung và đầy sức khoẻ để chị còn làm cho bao nhiêu người hâm mộ khác có một sự thoải mái về tinh thần trong đời sống hằng ngày. PTQN(TPQN-Minnesota)

Trả lời:TPQN là gì...? dĩ nhiên là chị biết là tên tắt nhưng sao không để rõ? Cám ơn cảm tình hai vợ chồng em!

Câu hỏi 23:Chị Lệ Thu ơi! Lâu lắm rồi nghe Chị Khánh Ly hay nói Chị vừa nằm xuống là ngủ ngay, không biết bây giờ về tuổi sắp già chị có còn dễ ngủ nữa không? Chúc chị luôn đươc ngủ ngon, vô tư...(Dung Nguyen-California)

Trả lời:Hello Dung Nguyễn!
Quả thật Chị được trời cho là dễ ngủ ngay cả khi đang ồn ào cũng vẫn ngủ như thường. Chị nghĩ bây giờ mà như thế thì sau này chắc không khó khăn gì đâu.

Câu hỏi 24:Theo tôi biết thì chị Lệ Thu vốn là dân trường Đầm, nghĩa là nói tiếng Tây như gió, sao chưa bao giờ tôi thấy chị hát nhạc Pháp?

Vì chị vốn là dân trường Pháp, nên tôi nghi ngờ khả năng hiểu 100% những bản nhạc Việt của chị, như bản Hương Xưa của Cung Tiến chẳng hạn. Liệu những điều tôi nghi ngờ có quá đáng?

Xin cảm ơn chị Lệ Thu. Chúc chị mạnh khoẻ, mọi sự như ý. ( Kha Kinh-Uc chau)

Trả lời:Không biết co phải tên anh là Khả kính không? Quả thật là tôi có võ vẽ vài câu tiếng Tây và có học trường Tây. Khi bắt đầu sự nghiệp ca hát thì tôi hát tòan nhạc Pháp mà Mỹ cho đến khi tôi bắt gập bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn là bài "Xin mặt trời ngủ yên" tôi tự nhủ nhạc Việt hay quá và từ đó tôi chuyển sang hát nhạc Việt. Dĩ nhiên là tôi phải hiểu ý nghĩa và ý tứ của bài hát thì tôi mới hát "phê" như thế.

Câu hỏi 25:Tôi rất thích nghe giọng hát cua chi Lệ Thu tú lúc con ỏ Vietnam nam 1974. Sau khi tôi roi VN nam 1980 và có gap con gai của chị tại Galang II. Bây gio tôi nghĩ con chi dã thánh công tai U.S. Chi có nghĩ là chị sẽ vế Vietnam hát lại không... Sinh vien truong Luat cu rat mong co ngay gap lai chị tai quê nha do...(Tuan Nguyen-san diego ca)

Trả lời:Hi Anh Tuân! Cám ơn anh đã hỏi thăm về các cháu. Bây giờ các cháu đã có gia đình. Tôi rất ao ước hát cho đồng bào mình nghe ở khắp nới trên thế giới nhất là tại Việt Nam.

Câu hỏi 26:truoc het xin goi loi tham toi ca si le thu.le thu mot thoi lam mua lam gio tren vu truong rizt o saigon.noi den le thu thi toi phai nghi ngay bai hat xin con goi ten nhau cua truong sa,phai noi sau 30 nam van ko co mot ca si nao hat hay bai nay bang ca si le thu.va nhieu bai hat bat hu nua.xin hoi ca si le thu la tu ngay sang ben my,ca si le thu co ve vn lan nao chua. (hang-seattle)

Trả lời:Hello Hang! Cám ơn anh đã quá khen. Thưa anh tôi đã về Viết Nam 2 lần thăm gia đình.

Câu hỏi 27:Giong ca Le Thu that la tuyet voi! Xin cho hoi 3 nguoi con cua Le Thu có ai theo nghê ca si khong?(Elsie Ha-Houston, Texas)

Trả lời:Hi Elsie Hà! Đáng tiếc là cả ba cô con gái của chị đều không nối nghiệp. Xin cám ơn lời thăm hỏi của Hà.

Câu hỏi 28:Tôi rất yêu thích giọng ca của cô và vẫn còn giữ những băng nhạc có tiếng hát cô trước năm 1975. Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa tìm thấy một giọng ca nữ thứ hai "perfect" như giọng ca của cô ngày xưa. Đa số các ca sĩ nữ đương thời không thể xuống những nốt thấp thật rõ như cô măc dầu họ có một làn hơi thật phong phú.(Minh Nguyen-Fullerton Ca )

Trả lời:Xin cám ơn Minh Nguyễn nhiều. Chác là Minh phải khó tính lắm mới có nhận xét như vậy.

Câu hỏi 29:Chào cô, trong chương trình ASIA 30 năm, cô đã hát thật tuyệt vời. Cô có dự định ra album nào mới không? Cháu rất mong được nghe tiếng hát cũa cô.(Quang Lý-Pullman)

Trả lời:Hi anh Quang Lý! Cám ơn anh đã theo dõi các chương trình của các trung tâm mà Lệ Thu cộng tác. Lệ Thu cũng xin tiết lộ là Thu đã dành rất nhiều thì giờ cho ba bài hát trong DVD của Asia.

Câu hỏi 30:Kính chào Chị Lệ Thu, Rất thích tiếng hát chị và cũng rất thích lối trình diễn cùng phong cách khoan thai của chị. Em chỉ có thắc mắc là tại sao lâu lâu chị mới trình diễn và ra CD. Sao chị không ra nhiều CD đễ những người thích nghe chị hát có được CD mới của chị đễ nghe? Chúc chị luôn thành công. Doanh Doanh(Doanh Doanh-Cali)

Trả lời:Chào Doanh Doanh! Câu hỏi tại sao không ra nhiều CD nghe quen quen. Trả lời lại một lần nữa nhé, bởi vì chị rất là thận trọng trong vấn đề chọn bài hát hợp với tiếng hát của mình, mà sự chọn lọc nào cũng mất nhiều thời gian và giới hạn. Tuy nhiên sẽ cố gắng phát hành nhiều CD hơn một tí.

Câu hỏi 31:Mến Chào Chị Lệ Thu. Chị Khoẻ không? Gia đình em từ lớn đến bé ai ai cũng thích chị... nhất là Ba cua em.. :) cho em hỏi chị chuyen nay. Theo chị ca sĩ trong nước chạy ra nước ngoài trình diễn. Không biet có ảnh hưởng gi dến cái.... (nghề tay trái) cua chị không? Voi lai theo chị ca sĩ trong nước có ca sĩ nao theo chị có tiềm năng va sẽ nổi bật nhất?(Trí Nguyễn-Houston, TX)

Trả lời:Hi Trí Nguyễn!
Cám ơn tất cả gia đình của em và gởi lời chào thương mến của chị đến gia đình và nhất là Ba em. Theo chị các ca sĩ ở trong nước ra Hải ngọai trình diễn hòan tòan không ảnh hưởng gì đến chị. Về câu sau thì chị không có ý kiến.

Lời chào của Lệ Thu: Vì thời giờ có hạn nên rất tiếc không thể trả lời hết tất cả các câu hỏi của quý vị. Thu rất mong gập lại quý vị vào một dịp khác.
Dịp gần nhất mà Lệ Thu mong gặp quý vị vào Chủ Nhật ngày 11 tháng 9 năm 2005 tai Majetic lúc 3:00PM. Cám ơn tất cả sự thương mến và chú ý của quý vị

Từ Thụy
#7 Posted : Tuesday, October 11, 2005 9:42:44 PM(UTC)
Từ Thụy

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,394
Points: 39
Woman

Thanks: 2 times
Was thanked: 3 time(s) in 3 post(s)
Mời các ACE nghe một bài hát rất hay, và theo cảm nhận rất riêng của Thụy, chưa ai hát hay bằng Lệ Thu.

Thu Hát Cho Người
Tác giả: Vũ Đức Sao Biển
Trình bày: Lệ Thu



http://s22.yousendit.com...EXTHRQKR9MH2D8EPHGJYT3AP

Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa.
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ.
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ.

Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó,
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió.
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ.

Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,
Trong mênh mông chiều sương
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay.

Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người.
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.
Màu vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi.
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người.
Thu hát cho người...
Thu hát cho người...
Người yêu ơi!

PC
#8 Posted : Monday, June 23, 2008 1:52:47 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Ca sĩ Lệ Thu và những tâm sự mới nhất của “tiếng hát vàng mười
THƯƠNG HOÀI@


Đầu tháng 4/2008, MC Thanh Hải (giám đốc công ty MFC) lần đầu tiên cùng phái đoàn kịch của Thành Lộc qua trình diễn tại New York, sau đó Hải bay sang Cali ghé thăm những người bạn tại Quận Cam. Một buổi trưa, Thương Hoài@ đang ngồi café Tip Top cùng Thanh Hải thì bóng dáng nữ ca sĩ Lệ Thu chạy ra tìm chàng. Thì ra, Thanh Hải có hứa lần này khi sang Mỹ sẽ tặng cho chị Lệ Thu một món quà vô giá và người MC đã giữ lời. Đó là cuốn băng master Akai Tứ Quý mà ngày xưa ký giả Hồng Dương đã thực hiện cho Lệ Thu hát với ba giọng ca vàng khác: Khánh Ly, Duy Trác và Tuấn Ngọc phát hành từ năm 1972. Với Lệ Thu, món quà trên quả là một kỷ vật để đời bởi chị đã thất lạc bản chánh từ lâu. Nhân tiện ngồi trò chuyện, Thanh Hải khoe là công ty MFC của chàng sắp tổ chức một đêm nhạc thính phòng đúng nghĩa với “tiếng hát vàng mười” này vào tháng 6 tới đây tại Sàigòn. Ai dè, công ty MFC của Hải làm thật, không những thế, còn làm khá trang trọng cho sự trở về lần thứ nhì trình diễn của Lệ Thu. Buổi tối thứ hai ngày 16 tháng 6 tại Nhạc Viện Thành Phố, khách yêu nhạc đã đến thật sớm và ngồi kín mít. Trên 400 vé đã bán sạch từ cả mấy ngày trước, ngay cả vé chợ đen, muốn mua bao nhiêu cũng chẳng còn. Còn biết bao nhiêu điều chưa tâm sự hết của Lệ Thu với cuộc đời, hãy nghe chính người nữ danh ca này tiết lộ về những góc khuất của đời sống nàng qua những câu hỏi của Tùng Khanh, Dạ Lý
- Ở tuổi “nghỉ hưu” lâu rồi mà chị vẫn say ánh đèn màu, chắc không phải do cuộc sống quá chật vật chứ?
- Tôi 64 tuổi rồi, chưa phải quá già để đi hát, nhưng cũng không còn trẻ nữa. Vài lần có ý định nghỉ thì chỗ này bạn bè mời, chỗ kia lại là show lớn, mình cũng nói “thử xem sao”. Vì người cùng thời với mình ở Việt Nam nhiều, hơn nữa cũng nghĩ “mang tiếng hát về cho đồng bào nghe”. Khi về đến Việt Nam, những hoài niệm, những xúc cảm cộng thêm giọng hát nữa, mình thấy các đêm diễn hay quá. Đến giờ mình vẫn thích hát được như vậy chắc là do cái nghiệp, chứ mình đâu có nhu cầu gì. Nhà cửa bên Mỹ đã trả nợ xong, không có nợ nần điều gì nữa. Nói cuộc sống của mình dư dả thì không phải nhưng cũng vừa đủ.
- Thấy chị thường xuyên về Việt Nam nhưng chỉ “một hình, một bóng”?
- Tôi đã chia tay hai lần và đã quen một mình suốt gần 20 năm qua.
- Nghĩa là, chị đã một mình ngay khi ở tuổi hồi xuân?
- Có nhiều người để ý đến mình, nhưng người mình ưng đâu có nhiều. Người mình thích họ đã yên nơi yên chỗ, người phòng không thì họ e ngại không dám đặt vấn đề với mình. Họ nghĩ đến với mình họ cần có tiền, họ sợ với cao, họ sợ mình từ chối để rồi họ ôm thất vọng. Những người đàn ông đó không chịu hiểu, tình cảm không dựa trên danh vọng hay tiền bạc. Thà họ cứ tiến tới thì mình mới biết chứ, nếu không yêu thì cũng là bạn mà. Có một số người đồng trang lứa, cũng muốn ngỏ ý lắm, nhưng lại nhút nhát không dám tiến đến, như vậy thật uổng. Đàn ông thì cần mạnh mẽ và dấn thân chứ.
- Sao chị không là người chủ động... dấn thân?
- Tôi vẫn là phụ nữ Việt Nam, nên vẫn bị cái e ngại thẹn thùng. Khi tôi không tỏ ra là có tình cảm thì người ta cũng đi mất.
- Sao chị không chọn lựa phương án có một người tình?
- May cho tôi quá là tôi vẫn còn thú vui đọc sách. Khi tôi buồn phiền hay thất bại mất mát điều gì..., tôi cứ nghĩ đến những cuốn sách đang chờ tôi, thế là mọi buồn phiền bay mất. Nhờ sách nên tôi không bị cô đơn hay hiu quạnh
- Nói gì thì nói, một người đàn bà thiếu đi bờ môi, thiếu đi gọng tay xiết... ?
- Đúng rồi, cũng cần lắm một vòng tay ấm áp chứ. Bạn bè mình đi đâu cũng có đôi, mình lẻ loi một mình nhiều lúc tủi thân lắm.
- Điều gì khiến chị chia tay với hai người chồng?
- Tại tính tôi tự ái cao quá. Lúc đó tôi còn trẻ, tự ái đã giết chết tôi mà tôi không hay. Người chồng thứ nhất khiến tôi rất khổ tâm, anh ấy... (ngập ngừng). Tôi không muốn nhắc lại, vì nếu kể ra thì chuyện xấu lắm. Thôi thì cứ nói là không còn duyên nợ với nhau nữa. Đến cuộc hôn nhân lần 2, tôi đã nói với người đàn ông ấy: “Danh vọng và địa vị em không cần, em đã có chúng rồi. Cuộc sống của em có ánh đèn màu và nhiều cạm bẫy, nhưng em đều không vướng mắc. Nên anh tránh cho em sự phản bội. Anh đừng đi cùng người đàn bà khác đến những phòng trà em hát, em sẽ xấu hổ lắm”. Hôn nhân của chúng tôi suông sẻ trong 10 năm, thời gian đó tôi không biết anh ấy có “ăn vụng” tôi không, hoặc nếu có thì cũng khéo léo. Nhưng đến khi tôi biết anh ấy lừa dối mình, tôi đã rất đau khổ. Tôi qua Mỹ sinh sống nhưng vẫn nghe ở Việt Nam anh ấy có người đàn bà khác. Nhiều người nói với tôi “cứ nhắm mắt nhắm mũi lại đi” nhưng tôi không thể. Vì tôi ở một chỗ đứng như thế, cộng thêm tôi một lòng vì chồng, không phản bội anh ấy mà anh ấy lại phản bội. Hôn nhân đổ vỡ không phải lỗi của tôi. Người đàn bà sau tôi khi đến với anh ấy ban đầu rất e ngại tôi, nhưng sau đó thì yêu mến và chúng tôi không có tị hiềm nhau điều gì cả. Gần 20 năm cô đơn, chỉ có âm nhạc và sách, không có một người đàn ông cho dù là... lai vãng. Tôi nghĩ chắc mình không còn nợ duyên ai nữa nên mình không còn phải trả nợ, và ai đó cũng không phải trả nợ mình. Vì có gặp nhau là có nợ duyên nhau. – Chị không bao giờ phản bội chồng mình?
- Không hề. Tính tôi ngộ ghê vậy. Chắc tại tôi dồn cho âm nhạc cũng như đam mê sách vở thành ra tôi không bị mang tiếng gì. Tôi không hề bay bướm lăng nhăng.
- Người ta nói chị là người tình nhỏ của nhiều nghệ sĩ, nhiều nhà thơ. Họ đã làm những áng thơ, những bản nhạc cốt để vừa lòng chị..
- “No, no, no”. Ông Phạm Duy viết bài “Nước mắt mùa thu” vì có lần nghe tôi hát “Ngậm ngùi” (thơ Huy Cận) nên cảm tác và viết cho tôi thôi. Còn khoảng năm 1969-1970 gì đấy, ông Phạm Đình Chương có cộng tác với tôi “Đêm nhạc hồng” thì ông ấy quý nên có tặng nhạc. Tính tôi không vương vãi đâu. Còn tin đồn thì... Tôi thích câu “ngay cả khi mình trông thấy, chưa chắc đã đúng”.
- Bài “Nước mắt mùa thu” có đúng với cuộc đời của chị không?
- Tôi đi hát hơn 40 năm rồi. Tôi thấy chỉ một bài hát thì chưa nói hết được, cũng chỉ nhẹ nhàng như “người ca sĩ khóc trong buồn tênh, giọng buồn tênh” thôi.
- Hát nhiều nhạc Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn... chị thấy mình phiêu linh nhất với nhạc của ai?
- Tôi không phiêu linh với một nhạc sĩ, mà chỉ với bản nhạc mà tôi đã chọn và yêu thích. Trước năm 1975, những trung tâm ban nhạc, hay CD lẻ mời thu, tôi đã không kỹ càng chọn lựa bài, nhưng sau này tôi biết được xúc cảm của mình ở thể dạng nào thì chọn lựa kỹ hơn.
- Các con của chị có theo nghiệp ca hát không?
- Tôi có chung với người chồng thứ nhất hai cô con gái, người chồng thứ 2 chung một con gái. Tôi không muốn các con mình đi theo con đường ca hát của mình, may quá cả ba đứa đều không dính líu gì đến nghệ thuật. Tôi nghĩ, khi các cháu nằm trong bào thai thì ông trời đã sắp đặt số phận cho các cháu rồi, nếu các con tôi muốn đến với con đường âm nhạc thì các con sẽ đến. Vinh quang nào cũng có giá, có mặt tốt và mặt xấu. Tôi luôn cảm ơn “Ơn trên” cho tôi thấy cuộc đời mình gặp may mắn nhiều hơn.
- May mắn khi chị đã trải qua 2 lần kết hôn và nuôi 3 con nhỏ, sống cuộc sống... một mình?
- Vâng. Tôi là người biết cách thu xếp cuộc đời mình nên đến giờ tôi thấy gương mặt mình vẫn trẻ như mới hơn 40, con người tôi vẫn còn sức sống vì tôi chưa gặp cảnh u sầu để mà tàn tạ.
- Dạo gần đây thấy chị xuất hiện nhiều hơn trong các chương trình ca nhạc trong nước, chị có tính về ở hẳn tại quê hương?
- Tôi chưa nghĩ đến việc về lại Việt Nam sinh sống, vì tôi còn gia đình, con cháu ở bên kia. Nhưng tôi sẽ về biểu diễn trong nước thường xuyên hơn vì hiện nay tôi là ca sĩ độc quyền của Phương Nam phim. Tôi diễn theo yêu cầu và lịch do công ty sắp xếp.
- Lần trước, hai đêm trong chương trình Tiếng hát Lệ Thu và những tác phẩm vàng son đã cho chị cảm xúc thế nào?
- Cảm xúc của người nghệ sĩ luôn được khuấy động bởi khán giả và sự nồng nhiệt của họ. Tôi có cảm giác như sóng của băng tần vậy, khi băng tần ấy truyền đi, được khán giả đón nhận, hưởng ứng nồng nhiệt và những biểu lộ cảm xúc ấy của khán giả dội lại ca sĩ, khiến chúng tôi hưng phấn hơn, hăng hái hơn và hát hết mình hơn. Hai đêm diễn ấy vẫn còn lại những dư âm đẹp và đeo đẳng tôi mãi.
- Trong lần diễn thứ 2 này, chị sẽ hát bao nhiêu bài và theo phong cách nào?
- Chương trình sẽ giới thiệu 17 ca khúc đã rất quen thuộc với khán giả yêu nhạc, trong đó tôi hát 12 bài cũng là những ca khúc đã gắn bó với cuộc đời hơn 40 năm ca hát của tôi và tôi cũng rất thích, như: Xin còn gọi tên nhau, Ngậm ngùi, Mười năm tình cũ, Tà áo xanh, Hoài cảm, Sang ngang, Nửa hồn thương đau, Rồi mai tôi đưa em, Những bước chân âm thầm... Chỉ có ca khúc Mùa thu cho em là ca khúc lần đầu tiên tôi biểu diễn. Ngoài ra, chương trình còn có thêm hai ca sĩ khách mời là Cao Minh và Thụy Long. Ở lần diễn này, chúng tôi theo phong cách Acoustic với chủ đạo là ghi ta thùng và bộ gõ. Dàn nhạc của nhạc viện và ban nhạc của nhạc sĩ Hoàng Minh đóng vai trò phối âm, phối khí cho chương trình.
- Chưa đến đêm diễn, nhưng thấy chị có vẻ bồn chồn, sốt ruột...?
- Tôi buồn và lo lắng thì đúng hơn. Thời tiết Sài Gòn dạo này mưa nắng thất thường nên sức khỏe của tôi có vấn đề. Giọng bị khan vì cảm, nói chuyện tôi cũng hạn chế để mong lấy lại giọng. Chỉ lo, giọng bây giờ thế này, có hát tốt được không. Tôi sợ làm khán giả yêu quý mình bị thất vọng.
- Hơn 40 năm đi hát, cứ nghĩ chị đã “chai” bớt cảm xúc?
- Không đâu. Lần nào bước lên sân khấu cũng mang lại cho tôi một niềm vui sướng, hạnh phúc dào dạt. Được hát, được khán giả đón nhận, yêu mến đã nuôi dưỡng cảm xúc cho người nghệ sĩ rất nhiều. Cảm xúc ấy chẳng thể nào “chai” theo thời gian. Mỗi chương trình, mỗi không gian lại mang đến cho tôi một cảm xúc mới.
- Sau đêm nhạc này, chị còn kế hoạch gì?
* Tôi đang hoàn thành album riêng đầu tiên của mình ở Việt Nam. Ở nước ngoài, tôi đã từng ra nhiều album riêng nhưng đây là lần đầu sau nhiều năm định cư tại nước ngoài, tôi làm album mà các khâu: hòa âm, thu âm, mix tại Việt Nam. Album có tên Mùa thu cho em với 9 ca khúc về mùa thu. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay, tôi sẽ có một chương trình biểu diễn tại Nhà hát TP
Lệ Thu cái tên vốn đã quen thuộc với công chúng yêu nhạc tại Việt Nam. Dù đã có một thời gian dài sinh sống tại hải ngoại và nay Lệ Thu đã trở về, hát cho khán giả “cũ” của mình nghe. Cũng con người ấy, giọng hát ấy có chăng là sự in dấu của thời gian lên nét người nhưng vẫn nguyên vẹn một tình yêu âm nhạc, một cách truyền cảm xúc của ca sĩ Lệ Thu. Ca sĩ Lệ Thu có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng, ca sĩ Lệ Thu không hát riêng nhạc của một tác giả nào mà ca khúc nào hay phù hợp thì hát. Và khán giả đã yêu mến Lệ Thu qua sáng tác của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Phạm Đình Chương.. Sống và trải đời nhiều, Lệ Thu dường như càng hiểu được khán giả chờ đợi gì ở mình. Ở Lệ Thu trái tim yêu nghề lớn hơn cả: “Gần như một đời gắn bó với âm nhạc, tôi nghiệm ra một điều kỳ lạ. Mỗi lần tôi cảm thấy bị bệnh, sốt gì đấy mà đến sô phải hát thì tự nhiên thấy khỏe khoắn và hát hay lạ. Dù sau đó có kiệt sức thì khoảnh khắc được hát thật quý giá.”
Âm nhạc và người nghệ sĩ có một điểm chung là không bao giờ “già cỗi”. Trái tim người nghệ sĩ như mãi nhịp theo từng nhịp đời, và điều đó nuôi dưỡng cảm xúc cho họ khi hát. Ca sĩ Lệ Thu có thể hát và thành công đến hôm nay có lẽ không vì một điều gì to tác, mà đơn giản là khi chị hát khán giả thấy rung động, được chia sẻ và một tình cảm chân thật được bộc lộ.

vietweekly
Phượng Các
#9 Posted : Wednesday, February 19, 2014 5:51:08 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Ca sĩ Lệ Thu trở về hát tại Việt Nam


Saigon (tin tổng hợp):Theo những nguồn tin báo chí trong nước, ca sĩ Lệ Thu, năm nay 71 tuổi, sẽ về Việt Nam tham gia một chương trình văn nghệ có tên là “Tình Khúc Vượt Thời Gian”. Các phóng viên báo chí về cuộc sống tình cảm thì bà đã hát “ “Tình là tình nhiều khi không mà có. Tình là tình nhiều lúc có như không”. Theo Lệ Thu, dù không có cuộc tình nào kết thúc như mơ nhưng bản thân nó thật đẹp ngay từ khi bắt đầu. Dường như định mệnh của bà là được gắn bó với một người nào đó rồi lại phải chia tay họ vì hết nợ với nhau. Tất nhiên, mọi sự đều có nguyên nhân sâu xa nhưng tựu chung, sự tan vỡ của Lệ Thu luôn bắt nguồn từ sự dại khờ. Cuộc hôn nhân đầu tiên là sự ngây thơ của một cô gái chưa chuẩn bị sẵn sàng cho đời sống vợ chồng. Hai cuộc hôn nhân tiếp theo, bà vụng về không giữ được tâm hồn của đối phương, để rồi chọn cách sống một mình cùng ba con gái khi định cư ở Mỹ. Với những kinh nghiệm về cuộc sống, Lệ Thu đã tâm sự: “Sau những cuộc tình ấy, tôi khuyên bạn trẻ thời nay, nếu muốn giữ cuộc sống hôn nhân được bền chặt thì chỉ cần “thông cảm, chịu đựng, yêu thương nhau là đủ”. Lần trở về Việt Nam này, bà mong được góp mặt trong chương trình “Tình khúc vượt thời gian”, gặp gỡ bạn bè thân thiết và chuẩn bị ra album mới Lệ Thu cũng tiết lộ là bài hát “Xin còn gọi tên nhau” là do nhạc sĩ Trường Sa viết tặng cho bà. Theo Lệ Thu thì “Ít ai biết được rằng đây là ca khúc nhạc sĩ Trường Sa viết tặng riêng tôi khi anh ấy nghe tôi hát”. Cũng theo Lệ Thu thì , hồi đó, nam nhạc sĩ thường xuyên đến phòng trà nghe bà hát và bày tỏ rất thích giọng hát của bà. Sau đó, ông sáng tác ca khúc này dựa trên cảm xúc về chuyện tình lỡ làng, mất mát mà hai người đã trải qua và ngỏ ý dành riêng cho bà. Từ đó, tiếng hát Lệ Thu gắn liền với nhạc sĩ qua hai tình khúc bất hủ: Rồi mai tôi đưa em, Mùa thu trong mưa. Sự kết hợp định mệnh này cũng là lý do khiến Lệ Thu thực hiện album gồm những tình khúc của nhạc sĩ Trường Sa chưa bao giờ công bố, sẽ ra mắt tại Việt Nam trong năm nay. Để duy trì tuổi trẻ và thời gian hát lâu dài hơn nữa trên sân khấu, Lệ Thu cho biết bà rất chăm chỉ tập thể dục, luyện giọng và dành nhiều thời gian cho niềm đam mê đọc sách. Bà cũng đang ấp ủ cho ra mắt một hồi ký về cuộc đời mình. -

thoibao.com
Phượng Các
#10 Posted : Wednesday, October 3, 2018 2:09:49 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,700
Points: 20,043
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Lệ Thu trong chương trình phỏng vấn của Jimmy

https://www.youtube.com/watch?v=J9Ua21Vyrx4
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.